Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 24 Tháng Năm, 2024, 02:19:15 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Biên giới Tây Nam  (Đọc 139698 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #150 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2017, 09:43:50 am »


SỰ SỐNG CÒN LẠI

TRUNG TRUNG ĐỈNH         

        Tôi quen chị Hồng, bác sĩ phụ trách khoa ngoại của bệnh viện X từ những năm đánh Mỹ. Hồi ấy tôi bị thương vào bả vai trong một chuyến công tác phía nam đường 19. Chị là người mổ vết thương cho tôi. Sau khi ra viện, từ ấy tới nay chúng tôi chưa có dịp gặp lại. Tình cờ, lần này về đây tôi được gặp chị.

        Sau bữa cơm chiều, chị mời tôi lên phòng trực “nói chuyện chơi”. Tôi đến sớm, đứng tựa hiên chờ. Trước mặt tôi, những dãy đồi phía bên kia đang loãng ra chuyển dần thành màu tím nhạt. Những đàn bò bước ung dung còn những bóng người có vẻ hối hả. Nhìn gần lại, dưới lòng thung là cánh đồng chạy vòng theo hình chữ u, màu xanh nhạt, màu tím đậm, màu vàng loang lổ, giống những nét phết nhanh của một bức tranh sơn dầu vẽ phóng khoáng. Viền quanh cánh đồng là con đường lớn chạy xoáy lên phía một ngôi làng với những vạt khói bò lan trên cỏ.

        - Xin lỗi anh - Chị Hồng đến từ phía góc hành lang - Tôi bận vì phải giúp người mẹ trẻ chăm sóc thằng bé người Campuchỉa nên đến muộn.

        - Vâng - Tôi trả lời chị - Thế ra bệnh viện mình lại nhận cả bệnh nhân Campuchia?

        - Đâu chỉ có vậy - Chị vừa mở khóa cửa vừa nói với tôi - Mời anh vào nhà, tôi sẽ kể cho anh nghe chuyện chú bé ấy. Anh là nhà báo, chuyện này có thể đăng được đấy.

        Chị ngồi đối diện với tôi, vẫn cái giọng nhỏ nhẹ mà cách đây gần chục năm tôi được nghe. Ly nước trên bàn sánh ánh điện. Phía ngoài của sổ, thung lũng đang chuyển vào đêm. Chị đặt một bàn tay lên khung cửa sổ nói:

        - Đã hơn mười năm cầm dao mổ, tôi gặp khá nhiều trường hợp éo le. Nhưng lần này, thú thực với anh, chưa bao giờ tôi tưởng tượng được. Là mẹ của hai đứa con, các cháu nhà tôi đều được sinh ra trong điều kiện đầy đủ. Càng nghĩ, càng thương thằng nhỏ quá. Nhưng bây giờ mọi chuyện đã qua rồi. Thằng bé được cứu sống, thế là mừng cho nó.

        Chị ngừng nói. Bàn tay nhỏ nhắn của chị lật qua lật lại quyển vở trên bàn. Chị mời tôi uống nước. Và chị đứng lên, tựa nghiêng người vào tuờng nhìn ra ngoài. Tôi lặng lẽ chờ chị. Và chị cứ đứng như thế, chậm rãi say sưa kể...

        Hơn ba tháng trời, trung đoàn 45, một trung đoàn anh hùng làm nhiệm vụ đánh địch bảo vệ tuyến biên giới Tây Nam. Ba tháng, bầu trời hầu như không hé ra được chút nắng. Ngoài trận địa, các chiến sĩ người nào người nấy bết bủn đỏ từ đầu đến chân, không có điều kiện tắm gội. Có nhiều người đứng trong chiến hào liên tục, nước ăn ruỗng cả móng. Các đơn vị chốt ăn ngủ tại chỗ. Lợi dụng mùa mưa, bọn Pôn Pốt đưa quân sang lấn đất của ta. Theo kế hoạch đánh địch, ngày 15 tháng 7 ta sẽ nổ súng diệt bọn chỉ huy đóng ở làng Plei o Ngo.

        Cả ngày hôm ấy trời mưa to lắm. Càng gần tối mưa càng dữ hơn. Diễn biến của trận đánh cũng mỗi lúc một quyết liệt. Tới tận lúc trời sập tối, tiếng súng vẫn chưa ngớt. Khu rừng già, nơi trung đoàn bộ đóng tưởng như bị nước mưa giập đến nát bét. Sấm chớp từ trên cao chém xả xuống. Gió bị hút sâu vào các hẻm núi chợt bung ra, quật vào vách đá, thân cây rút lên. Căn nhà hầm của trung đoàn bộ trong phút chốc bị nước mưa tràn vào. Mọi người chỉ kịp vơ vội những thứ cần thiết để lên bàn. Mấy đồng chí công vụ hì hụi tát nước. Các chiến sĩ vệ binh tăng cường cảnh giác. Các cán bộ trung đoàn xúm quanh tấm bản đồ bọc ny lông trải trên chiếc bàn tre dài giữa nhà. Đèn dầu không còn tác dụng nữa. Ba chiếc đèn pin cùng lúc rọi vào một điểm. Trung đoàn trưởng Hùng và chính ủy Thiết thay nhau gọi điện thoại. Các cán bộ trợ lý ngay trong lúc mưa ấy lần lượt ra chốt trực tiếp chỉ đạo chiến đấu. Các chiến sĩ thông tin lao đi bảo vệ đường dây. Các tổ trinh sát bung ra làm nhiệm vụ. Chị Hồng và y tá Long đã sẵn sàng túi thuốc.

        - Báo cáo thủ trưởng, có thương binh về!

        Một chiến sĩ đứng trên bậc của nhà hầm báo tin ấy cho chính ủy Thiết. Chị và Long theo anh Thiết ra ngoài. Trận mưa lớn đã qua, chỉ còn nước đọng trên những tán lá, thỉnh thoảng bị gió rung, đổ xuống rào rào. Chính ủy Thiết bấm đèn pin soi túi thuốc của Long. Chị và Long cùng hiểu ý bước dấn lên. Có tiếng chân lép nhép phía trước. Tiếng thở xả hơi, tiếng nói chuyện rì rầm. Đêm như có bức màn đen che mắt. Chị khoát tay, muốn xua cái màn đen ấy. Chính ủy Thiềt nắm tay chị:

        - Bình tĩnh.

        Chị biết chính ủy muốn nói gì. Chị là bác sĩ của quân khu xuống không phải để trực tiếp xử lý các vết thương mà là tổng kết, phân loại các vết thương, sau đó rút ra phương pháp cấp cứu và điều trị tốt nhất. Nói vậy nhưng chính ủy lại buông tay chị. Họ cùng tới bên cáng. Chính ủy mở tấm vải mưa phủ trên đòn, bấm đèn pin soi. Một gương mặt rất trẻ tái xanh hiện ra. Anh hấp háy mắt, gượng cười, cái cười thật quý hóa.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #151 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2017, 09:44:13 am »


        - Thủ trưởng Thiết à?

        - Ừ, Hướng hả? Em bị chỗ nào?

        - Dạ, nó chơi vào giò...

        - Chịu khó chút. Gần phẫu rồi. Băng bó ra sao?

        - Được ạ.

        Chị cảm thấy yên tâm nghe Hướng trả lời rành rọt. Hướng tự kéo tấm vải mưa che lại.

        Tới cáng thứ hai. Cũng như lần trước, chính ủy Thiết mở ni lông, bấm đèn pin. Đồng chí này già dặn hơn, mắt linh lợi, cặp mày xếch ngược, miệng rộng. Thấy mọi người thăm hỏi, anh nhíu mày trả lời:

        - Chừ có đau hơn thủ trưởng. Dạ, ráng hung chớ. Nẹp kỹ quá nằm cứng đơ, khó chịu thấy mồ. Thủ trưởng cũng biết tên tôi? Dạ, trúng. Tám Hề đây ạ.

        Sau này chính ủy cho chị biết: Tám là tay hài hước nhẩt đơn vị, anh có thể đóng được ba vai kịch, hát ba giọng khác nhau.

        Rồi tới cáng thứ ba. Người thương binh nằm thiêm thiếp như ngủ. Đôi tay đặt trước bụng, thỉnh thoảng rên khẽ.

        Nghe anh em báo cáo còn một cáng nữa. Ba người đứng đợi. Chị Hồng định theo cáng này về phẫu. Việc của chị ờ bên đó.

        Chừng mười phút sau cáng thứ tư mới tới. Nghe tiếng chân bước nặng nhọc, tiếng rên cả tiếng rủa “đồ lợn”. Chị Hồng và chính ủy cùng bước tới. Chắc đồng chí này bị nặng lắm. Chị thấy hai đầu cáng là hai người cao to. Hai bên hai người giữ, một người đi trước bấm đèn pin soi đường. Chính ủy Thiết bảo anh em dừng lại. Người đi đầu đứng thẳng lên, giọng tức tối:

        - Không phải thương binh đâu thủ trưởng!

        - Hả? Đồng chí nói sao?

        - Tôi bảo không phải thương binh ạ.

        Người chiền sĩ vuốt nước mưa trên mặt, tiếp:

        - Con tù binh... Nó... sắp đẻ!

        Hai chiến sĩ đứng hai bên cáng. Người giữ phía chân. Người giữ phía đầu. Chiếc võng chợt lúc lắc rồi giãy giụa. Có tiếng rên ư ử phát ra. Hai chiến sĩ khiêng vừa được xả hơi lại phải đứng dang chân giữ nạng. Chính ủy Thiết toan mở ni lông thì chiếc võng lại quặn lên. Chị Hồng hỏi người chiến sĩ đi trước:

        - Các đồng chí định đưa về phẫu?

        - Vâng, đưa về chỗ chuyên môn chứ khoản này tụi tôi chịu!

        Chính ủy Thiết tới bên chị:

        - Chị thấy thế nào?

        - Để tôi coi thử.

        Thấy có ánh đèn pin rọi, con tù binh uốn mình úp mặt xuống. Chính ủy Thiết kéo vai nó lại. Nó co người cưỡng. Chợt nó ngoẹo đầu, ngửa mặt lên. Miệng nó bị nhét một chiếc khăn mặt. Đôi mắt nó sâu, ráo hoảnh. Nó nhìn mọi người hằn học. Một chiến sĩ nói:

        - Nó định cắn lưỡi, không làm thế không được.

        - Hãy cứu lấy đứa bé! - Chính ủy Thiết nói - Tình trạng nó thế nào?

        - Không rõ ạ - Người lính dẫn đường trả lời - Khi chúng tôi đánh vào khu nhà của bọn chỉ huy thì thấy mấy đứa con gái rúc trong hầm. Gọi ra hàng nhất định không ra. Chúng tôi phải kéo tay từng đứa. Thấy mặt nó hốc hác, bụng to, ngồi co rúm người khóc chúng tôi đoán là nó sắp đẻ nên mới đưa về đây.

        - Vợ lính à? Y tá Long nãy giờ đứng im, chợt hỏi.

        - Nó là lính của cụm điện đài - Đồng chí đứng phía bên kia cáng trả lời.

        - Thôi được - Chính ủy Thiết cắt ngang lời người chiến sĩ - Các đồng chí khiêng vào nhà quân y. Có chị Hồng bác sĩ đây, khỏi lo.

        Thế là ý định sang phẫu của chị phải ngừng lại. Biết làm thế nào khác được. Chính ủy Thiết nói thêm:

        - Chị cần gì cứ nói với Long.

        Căn nhà hầm của tiểu ban quân y không rộng lắm nhưng có giường, bàn đầy đủ. Long thắp cây đèn bão, ngọn đủ sáng trong nhà. Khi hai chiến sĩ khiêng vào, vừa đặt cáng xuống giường, nó đã trườn ra, ngả ngay xuống đất. Nó gieo người vật vã. Anh em khiêng lên, nó cố tình chống cự. Chị Hồng bảo hai người cởi trói tay cho nó. Các chiến sĩ đều nói không ai muốn trói cả, nhưng không trói thì không thể đặt nó vào võng được.

        Chiếc dây vừa cắt đứt nó đã chồm lên, gieo mình xuống. May mà mọi người xúm vào giữ được. Muốn nói cho nó rõ vài điều quá mà chẳng ai biết tiếng Khơ-me! Các chiến sĩ giữ nó nằm ỉm trên giường. Nó thở hừng hục. Bộ quần áo đen lấm bê bết. Cái đầu tóc cắt ngắn cũng bết bùn, quẹo vào trong. Nó cố tình giấu mặt vào tường. Chị Hồng lấy ống nghe, ngồi xuống cạnh giường. Con tủ binh ngoái lại nhìn. Chị vuốt tóc, lấy khăn tay lau mặt cho nó. Nó nằm im theo dõi chị. Chị giả lơ không để ỷ đến thái độ của nó. Con này còn trẻ. Nhìn bụng nó chị biết nó đang mang thai đứa con đầu. Chị bảo Long tiêm thuốc trợ sức. Khi mũi kim vừa đặt lên tay nó cựa mình phản đối. Nó thở nhanh một chặp rồi đột ngột ngừng. Đôi lông mày rậm của nó luôn cau lại. Nó nằm im. Anh em bỏ tay nó. Nó đưa hai bàn tay yếu ớt lên gỡ chiếc khăn mặt. Anh em thả luôn cả chân. Nó co người, nằm úp mặt xuống giường khóc rưng rức. Các chiến sĩ bỏ ra ngoài. Chợt nó ngoái lại rất nhanh nhìn chằm chặp vào chị. Đôi môi dày của nó thâm xịt run rẩy. Nó định làm gì? Chị cấu khẽ vào tay Long, đoạn giơ tay ra hiệu bảo nó nằm hẳn xuồng. Trời lại mưa to. Có tiếng rít hung dữ của những quả pháo cỡ lớn từ phía địch bắn sang. Tiếng nổ các loại súng liên thanh chợt rộ lên. Có tiếng chân chạy phía ngoài cửa.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #152 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2017, 09:44:48 am »


        Chị đang khám thai cho nó thì trung đoàn trưởng Hùng tới. Chị báo cáo về thể trạng con tù binh. Trung đoàn trưỏng cho chị biết tình hình bên phẫu. Hai đồng chí bị vào chân đã mổ xong. Đồng chí bị vào tay choáng nhẹ, đang được cứu chữa. Không có điều gì đáng ngại xảy ra.

        Trung đoàn trưởng vừa ra khỏi nhà thì con tù binh lại giở quẻ. Nó úp tay vào mặt, vai so lại toan cắn lưỡi. Cậu Long rất nhanh phát hiện được. Long vung tay làm động tác giả tát vào mặt nó. Do phản ứng bản năng, nó giơ tay ra đỡ. Hai chiến sĩ đứng ngoài thấy vậy liền xúm vào. Đành phải trói tay và buộc khăn vào miệng nó lần nữa. Nó kêu ú ớ một lúc rồi nằm im, sắc mặt bỗng thay đổi, lúc đầu đỏ tím sau chuyển sang tái nhợt. Mắt nhìn ráo hoảnh, ngực rướn lên. Nó đau bụng? Qua khám, chị biết nó chưa đến ngày đẻ, nhưng trường họp này khó bảo vệ được cái thai quá. Chị bảo Long tiêm thêm trợ sức cho nó.

        Cứ nhùng nhằng như vậy cho tới sáng. Con tù binh không chịu nhận ra thiện chí của ta. Nhưng vì sao mà nó ngoan cố đến mức ấy thì chưa biết được. Đưa cơm cháo đến nó không chịu ăn. Đành giữ sức cho nó bằng cách tiêm thuốc.

        Cuối cùng sự việc vẫn diễn ra. Nó đẻ. Cơn đau bụng bắt đầu từ sáng. Đôi mắt vốn đục lờ của nó chợt sáng long lên. Nó thờ khó nhọc. Chị bảo anh em cởi trói cho nó. Sợi dây vừa mở, hai tay nó quờ quạng, tự tháo khăn buộc miệng rồi nhỏm dậy. Được chừng một phút nó lại nằm hẳn xuống rên yếu ớt. Bây giờ nó khóc tấm tức. Chị đặt tay lên trán nó. Nó ngước mắt nhìn chị. Chị ra hiệu bảo nó bình tĩnh. Nó lại uể oải ngồi lên, hai tay ôm bụng, mặt nhăn nhó. Chị đỡ cho nó tựa vào người. Long đã chuẩn bị xong những thứ cần thiết. Con tù binh gục đầu vào vai chị thở. Đã hai lần sinh, chị biết cái đau của người đẻ lắm. Hai bên hông tức anh ách. Dọc sống lưng như có vật gì rút lại. Bụng đau thốc lên ngực tưởng không thể sống nổi. Lúc ấy, người ta không nghĩ được gì. Chỉ mong cơn đau qua nhanh. Chỉ mong đứa con ngoan ngoãn ra gọn gàng. Chợt như bị hẩng, người nhẹ lâng, mồ hôi vã ra. Tiếng khóc của đứa con cất lên... Chị tin ở sức nó. Cơn đau cuối cùng đã đến. Cổ nó rụt lại, mắt nhắm nghiền, miệng há hốc. Nó đẻ. Thằng bé đã nằm trên tay chị. Chị làm rất thành công việc của người đỡ đẻ. Tiếng khóc của thằng bé cất lên thật đúng lúc. Tuy chưa đủ ngày nhưng tiếng khóc của nó cũng khỏe khoắn.

        Sau khi mọi việc đã gọn gàng, con tù binh làm hiệu đòi bế con. Mọi người không đồng ý chị đưa thằng bé cho nó. Thấy ai cũng có vẻ nghi ngại, con tù binh chắp tay vào ngực lạy lia lịa, nước mắt nước mũi đầy mặt. Chị mạnh bạo trao thằng nhỏ cho nó. Nó nhìn chị vẻ biết ơn rồi xoay lưng cho con bú.

        - Mẹ tròn con vuông rồi nhé - Y tá Long nói.

        Con tù binh nhìn theo khi thấy Long bước ra cửa. Hình như nó cũng hiểu ý câu nói ấy.

        Đến chiều mọi việc xong xuôi, chị rời trung đoàn bộ sang phẫu làm nhiệm vụ. Chị đi rồi, Long là người vất vả hơn cả trong việc chăm nom con con tù bỉnh. Chị và Long thường liên lạc với nhau bằng điện thoại. Lần nào chị cũng nhận được tin: “Nó khỏe, thằng cu kháu ra trò...”. Có hôm Long sang phẫu chơi với chị. Long bảo con tù bỉnh nói bập bẹ được tiếng ta. Nó nói hồi đánh Mỹ nó là báo vụ. Sau này Ăng ka biết, bắt nó làm. Chồng nó bị Ăng ka đưa vào Tây Ninh, mất tích. Long hỏi vì sao nó định cắn lưỡi, nó nhăn mặt trả lời: '‘Bị bắt, ở nhà mẹ và em cũng bị Ăng ka bắt và giết ngay. Cổ người ta mềm như cây chuối dưới lưỡi dao sắc!...”

        Chị Hồng ngồi xuống, hai bàn tay nắm lại, đặt lên cằm. Tôi ngồi im chờ chị kể tiếp.

        - Sau khi đánh bật địch ra khỏi làng Plei O Ngo và một loạt các chốt khác, bọn địch vẫn thỉnh thoảng cho những tốp nhỏ lẻ luồn sâu vào vùng ta quấy rối.

        Một hôm chị nhận được điện Long: “Thủ trưởng bảo nên đưa nó về tuyến sau, mời chị khám lại cho mẹ con nó”.

        Chị sang, thấy con tù binh đang ngồi khâu áo cho con. Thằng nhỏ ngủ trong chiếc võng bạt có đệm chăn chiên. Thấy chị, con tù binh mừng rỡ bế thằng nhỏ lên, hôn con, nựng con rối rít rồi không chút nghi ngại, đặt thằng bé vào lòng chị. Nhìn nó ngồi bới lại tóc và xăng xái chuẩn bị lên đường, chị biết nó rất mừng được về cái nơi an toàn.

        Đoạn đường từ trung đoàn bộ ra đường ô tô mất hai tiếng. Long nhận đi với nó cùng tổ du kich. Dọc đường gặp địch phục. Long và hai đồng chí bị thương vào chân vì mìn. Con tù binh sợ quá, giữa lúc anh em bắn trả địch nó ôm con chạy, được chừng ba bốn chục mét thì địch phát hiện được, chúng bắn xả theo. Một viên đạn làm nó gãy chân. Một viên khác xuyên qua ngực...

        May cho thằng bé còn nguyên vẹn, anh em đã chiền đấu bảo vệ được nó. Sau khi đưa bé về bệnh xá, một người mẹ Gia Rai đã nhận nuôi. Chị mới sinh bé cách đây nửa tháng. Chú bé Việt Nam ra đời trong khi chạy giặc ấy đã phải chia đôi phần sữa của mình để cứu vớt sự sống còn lại...

        Chợt có ba tiếng kẻng đánh gọn lỏn. Chị Hồng đứng dậy. Quyển sổ lật lật trên tay.

        - Tôi phải đi giao ban - Chị nói - Anh cần gì, chiều mai chúng ta lại nói chuyện tiếp.

        Chúng tôi cùng bước ra hành lang. Phía bên kia thung lũng điện sáng từng chùm. Có tiếng hát trầm của ai đó và tiếp theo, những giọng ngang ngang đến ngộ.

        Không biết chừng trong số những người hát ấy có Long. Tôi đi lại phía đó.

Hà Nội, 1981       
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #153 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2017, 09:55:45 am »


THỊ TRẤN BIÊN GIỚI

HÀO VŨ         

        Hai chúng tôi quyết chẳng ai chịu ai. Tôi bảo:

        - Đó là rạp chiếu bóng. Dứt khoát!

        Ly cong cái môi lên:

        - Nó là nhà kho, dứt khoát!

        Chợt nhớ có tiếng xè xè trên đầu. Tôi vội kéo Ly ngồi thụp xuống. Một tiếng nổ chát chúa, dội đến tức ngực.

        Bao trấu xếp làm công sự bị một mảnh đạn xẻ rách, làm trấu rơi đầy tóc Ly. Tụi lính Pôn Pốt lại bắn sang đất ta. Tôi đứng lên quan sát. Mùi khét của thuốc đạn đến khó chịu. Bây giờ Ly mới lắc đầu cho trấu rơi xuống. Cô gái nhờ tôi lượm những vỏ trấu còn đính trên tóc, rồi hỏi:

        - Sạch chưa?

        - Sạch. Con gái có tóc dài, phức tạp thấy mồ.

        Ly không thèm để ý đến câu nói khiêu khích kia của tôi. Cô nhấn mạnh cái câu ban nãy:

        - Mình nói, dứt khoát nó là nhà kho đó.

        - Nó là rạp chiếu bóng!

        Những cuộc tranh luận giữa tôi và Ly, cô y tá của đơn vị, vẫn thường xảy ra, nên cả tiểu đội chẳng ai chú ý. Anh tiểu đội trưởng, sau tiếng pháo vừa rồi, lại nằm tựa lên bao trấu hút thuốc. Một cậu, sau cái giật mình ban nãy, lại ngủ tiếp. Còn tôi và Ly, hai đứa vẫn ngồi trên tấm ni-lông và vẫn chẳng ai chịu ai...

        Chiều hôm đó, lúc pháo địch hết hoạt động, Ly lại kéo tôi lên cây trâm, cũng là đài quan sát của đơn vị, nhìn về thị trấn đang bắt đầu xây dựng. Thị trấn cách biên giới có lẽ đến một tầm đạn pháo. Đứng trên cây trâm của điểm chốt nằm sát biên giới này nhìn vô, thị trấn đang xây giống như một bông hoa sắp nở. Những đống gạch đỏ rực là cánh hoa, còn dòng kinh lớn chạy qua thị trấn, chính là cành cây vậy.

        - Đó, cậu thấy chưa - Ly dán mắt vào ống nhòm - Nhà kia mà cậu bảo là rạp chiều bóng!

        - Nó là rạp chiếu bóng!

        Tôi nói thủng thỉnh, cố lấy giọng thật sự tin.

        - Xí!       

        Ly ném mạnh cái nhìn sang tôi. Ở tiểu đội, tôi và Ly bằng tuổi nhau. Trước kia hai đứa cùng học hết cấp III tại trường Tân An, lại nhập ngũ cùng một ngày, nên có phần thân nhau. Tôi nói “có phần” chớ không phải là rất thân nhau, hoặc thân nhau chung là có lý do.

        Ly là cô gái bướng bỉnh, phải nói lả rất bướng bỉnh. Tôi đã có kinh nghiệm như vậy. Hễ con gái mà có chút ít nhan sắc lập tức họ tự cho mình cái quyền đòi mọi người phải chiều theo ý mình! Cũng bời ở đời này lắm anh chàng yếu bóng vía lắm cơ. Chứ tôi ấy à. Cứ phớt! Tuy hai đứa bằng tuổi nhau, nhưng tôi giấu biệt không cho Ly biết cụ thể ngày sinh của mình, và bịa với cô ta rằng, tôi hơn cô ta sáu tháng. Mục đích, bắt cô ta phải gọi tôi bằng anh. Chớ không lẽ, cứ để cô ta cậu cậu, mình mình với tôi, làm như tôi là bạn gái của cô ta, thì đâu có được. Nhưng, như tôi đã nói, cô này ghê gớm lắm. Tôi khuyến cáo cô ta mấy lần:

        - Nè, tôi hơn tuổi cô đó, liệu mà xưng hô cho phải phép.

        Nghe tôi nói. Ly liền cong cái môi lên “xí” một cái.

        Và cô ta cứ thản nhiên gọi: "Phi ơi, lại mình biểu...”. Nghe cứ tức anh ách. Nhưng cô ta thế, biết làm sao?

        Tiểu đội tôi đang có mặt tại chốt tiền tiêu, có nhiệm vụ đánh chặn địch nếu chúng thọc sang đất ta. Chúng tôi còn phải cảnh giới cho đơn vị. Ban đêm thì cùng đơn vị bố trí đội hình phục kích. Ly là y tá của đơn vị. Lẽ ra, cô ta không được ra chốt với chúng tôi. Đang mùa nước lên, ở ngoài chốt thật vất vả, nhất là đối với con gái. Nhưng cô ta cứ đòi ra bằng được. Tôi đã nói với Ly:

        - Cậu đừng có bốc quá, Ly ạ. Chuyện đánh giặc là cái sự...

        Ly không để cho tỏi nói hết câu:

        - Mình dứt khoát sẽ ra ngoải chốt với các cậu. Miễn góp ý!

        Nghe có tức không? Nhưng con gái, dù sao họ càng có ưu thế hơn chúng ta. Đó là những giọt nước mắt, mà sách vở ngày xưa gọi là giọt lệ ấy mà. Hồi mới nhập ngũ, người ta phân công Ly ở quân y trung đoàn, cô ta đã dùng nước mắt để đòi được xuống đại đội chiến đấu. Bây giờ, cũng vẫn bản cũ soạn lại. Chẳng biết cô ta khóc lóc với đồng chí chính trị viên sao đó, mà cuối cùng cô ta được chấp thuận ra ngoài chốt cùng với chúng tôi. Gặp tôi, cô ta nói với cái giọng đắc thắng, môi cứ cong lên:

        - Cậu thấy chưa, mình đã nói ra chốt, là dứt khoát ra chốt mà.

        Chốt của chúng tôi nằm trong vuông tre, xung quanh nước ngập trắng băng. Đây là khu vườn của gia đình nào, chắc mới dọn đi từ dạo bọn Pôn Pốt giở trò xâm lấn biên giới. Hai ngôi nhà cháy rụi, một cây cột còn sót lại trên nền nhà, cháy đen, cứ đứng trân trân ra đó. Mảnh sân mới nền gai mắc cỡ phủ kín. Hôm đến nhận điểm, nhìn nền nhà loang lổ tro than, cả tiểu đội không ai cầm được nước mắt. Ly cứ khóc thút thít mãi, đến nỗi không giăng nổi võng. Tôi đến giăng hộ cô ta và lần đầu tiên, cô ta nhận sự giúp đỡ ấy mà không sợ mang tiếng là “phụ nữ yếu đuối”. Nhân dịp này, tôi tấn công luôn:

        - Đã biểu đừng ra chốt nữa mà cứ đòi... con gái con lứa...

        Vậy là Ly vội quẹt nước mắt, đứng dậy giằng lấy cái võng từ tay tôi, không thèm nhờ nữa. Tôi đành đứng lắc đầu.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #154 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2017, 09:56:27 am »


        Ở đây, nước ngập, chúng tôi phải dùng trấu ướt dồn vô bao xếp lên làm công sự. Trong vuông tre, có một cây trâm cao, lá xanh um tùm, chúng tôi dùng nó làm đài quan sát. Những lúc tình hình êm, chúng tôi hay trèo lên đó nhìn về đất mình. Đứng trên đây, có thể thấy rất rõ xóm Giòng Bạng nằm gần đây với thấp thoáng mái lá trong vuông tre, những lip khoai xanh chạy thẳng như những đường kẻ trong khuông nhạc. Xa hơn nữa, là cái thị trấn đang bắt đầu xây dụng. Trước kia, đó là vùng đất bỏ hoang, lèo tèo vài ngôi nhà bám trụ lại từ hồi kháng chiến. Bây giờ, người ta đang dồn về ở, nhà dựng tạm hai bên con đường mới đắp. Ngổn ngang trên bãi đất trống là gạch ngói, vôi cát... Có thể nhìn rõ những giàn giáo đóng bằng cây trảm cao chót vót. Mỗi lần nhìn về thị trấn đang xây, một tình cảm tự hào, yêu mến cứ dâng tràn trong lòng chúng tôi.

        Nhưng cũng vì đó đã nổ ra cuộc tranh luận giữa tôi và Ly, một trong những cuộc tranh luận vào loại dai dẳng, bất phân thắng phụ.

        Một lần, trên cái mặt bằng ngổn ngang ấy, trong ống nhòm, chúng tôi thấy xuất hiện một ngôi nhà lớn nằm oai vệ bên bờ kinh. Ngôi nhà chưa kịp quét vôi, hẳn là mới xây xong. Chúng tôi truyền cho nhau cái tin ấy.

        - Nè, thị trấn sắp xây xong ngôi nhà lớn lắm nhen.

        - Vậy hả. Đâu? Đâu? - Những tiếng hỏi rối rít.

        Rồi cả tiểu đội thay phiên nhau trèo lên cây trâm để ngắm nhìn ngôi nhà mới, ngôi nhà xây đầu tiên trên vùng biên giới này. Và rồi, ai cũng chắc lưỡi:

        - Mới đó mà mau quá!

        - Chắc đó là rạp chiếu bóng, thị trấn là trung tâm văn hóa của huyện. Xây rạp chiếu bóng đầu tiên là đúng. Đồng bào ở đây thèm được xem phim quá mà.

        Ly lập tức cong môi lên cãi lại.

        - Mình bảo nó là nhà kho Thương nghiệp. Dứt khoát! Thị trấn phải xây nó đầu tiên, lấy chỗ chứa phân bón, máy cày v.v... để phục vụ sản xuất ngay chớ. Đợi đến bao giờ nữa? Đất ở đây vầy đó, mỗi bận bà con đi mua phân bón, mua dao, rựa, cày, cuốc xa thật là xa. Có khi cả buổi trời.

        - Cậu chẳng hiểu gì hết - Tôi nói - Nhà đó là rạp chiếu bóng vì rằng...

        - Xí. Nó là nhà kho.

        Chúng tôi quyết chẳng ai chịu ai.

        ... Bây giờ, Ly vẫn dán mắt vào ống nhòm. Gió thổi mạnh. Một cành lá chợt xòa xuống ống kính. Cô gái với tay bẻ gập cành lá vào, lại đưa ống nhòm lên. Chợt cô ta reo:

        - Cậu thấy đúng là cái nhà kho chưa? Bữa nay người ta đã xây xong cái mái hiên phía trước rồi đó, sắp hoàn thành rồi.

        Tôi ngồi ở cành cây kề bên giằng lấy ống nhòm từ tay Ly.

        - Bộ rạp chiếu bóng thì không có mái hiên?

        - Rạp chiếu bóng người ta phải đắp chữ chớ.

        - Họ đã làm xong đâu. Cậu không thấy là nó cũng chưa kịp quét vôi à?

        Ly vẫn không chịu thua:

        - Rạp chiếu bóng phải có chỗ bán vé, phải nhiều cửa   chớ. Đàng này chỉ có một cửa. Chỗ bán vé cũng không.

        - Lỡ đây là mặt sau của rạp thì sao.

        Ly ném mạnh cái nhìn sang tôi. Và môi cô ta lại cong lên:

        - Dứt khoát đó là nhà kho.

        Và tôi lại:

        - Dứt khoát đó là rạp chiếu bóng.

        Nhất định bữa được nghỉ phải vào thị trấn chơi đê tận mắt nhìn cái nhà lớn ấy, xem ai đúng ai sai. Hai đứa cùng nghĩ thế. Và Ly nói ý định ấy ra trước. Tôi gật đầu ngay, và còn thêm:

        - Đứa nào thua cuộc, phải bao nước mía uống thật đã.

        Ly nhận lời và nhấn mạnh:

        - Mười ly không uống hết cho người khác uống!

        Tôi sợ gì chớ:

        - Được. Mười ly lớn ấy!

        Nhưng đợt nghỉ ấy, hai đứa không vào được thị trấn.

        Trước đó một hôm, bọn lính Pôn Pốt đột ngột pháo kích dữ dội vào vuông tre chỗ chúng tôi đóng quân. Một bao trấu bị mảnh đạn xé rách toang, tuôn đầy trấu xuống đất. Bọn giặc định chiếm điểm chốt ư? Chúng tôi nhìn nhau lại nhìn xung quanh. Cây trâm chúng tôi hay trèo lên nhìn về thị trấn, cành gãy tơi tả. Mấy bụi cây ven con đường dẫn ra ngoài mí tre bị pháo dập nát. Không gian trống hẳn ra.

        - Phải trừng trị bọn này một trận đích đáng, nếu chúng mò sang.

        Anh tiểu đội trưởng nói thế. Và chúng tôi cũng gật đầu.

        Pháo ta bắt đầu bắn trả pháo giặc. Đã thấy nhiều cụm khói đạn pháo ta nổ bung phía bên kia.

        Hay là bọn giặc biết tụi tôi ở đây chỉ có một tiểu đội. Và chúng quyết tâm chiếm chốt bằng được?

        - Ngon thì vô đây.

        Tôi nói, Ly xiết lại quai túi thuốc, nhìn sang bên kia biên giới.

        - Chị thách mấy em sang đó. Và cô với lấy khẩu CKC thường dùng bắn tỉa hằng ngày vô thêm cho đầy băng đạn. Cả tiểu đội triển khai đội hình chiến đấu.

        Đúng như dự đoán của chúng tôi, giặc dùng một trung đội, chia làm hai mũi, thọc sang biên giới. Bọn chúng lúc đi xuồng, lúc lội bộ, tiến thẳng vào vuông tre.

        Đến gần vuông tre thì nước cạn. Chúng bỏ xuồng lội bộ. Nước sâu đến đầu gối. Chúng lom khom, chậm chạp tiến.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #155 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2017, 09:56:51 am »


        Tôi đã nghe những anh lính cũ trong đơn vị cho biết kinh nghiệm này. Dù đánh giặc cả trăm trận cái phút đợi giặc bao giờ cũng hồi hộp. Tốt nhất lúc này là uống nước. Tôi liền với lấy cái bi-đông tu một hơi, xong đưa cho Ly. Ly còn hồi hộp hơn tôi. Cô cầm lấy bỉ-đông mà chẳng uống nổi, mắt cứ dán vào bọn giặc.

        - Đoàng!

        Tiểu đội trưởng nổ phát súng đầu tiên.

         Thằng đi đầu té rật xuống nước. Cái không khí chờ đợi căng thẳng bị phá vỡ. Ly liệng cái bi-đông xuống đất, ngón tay đã kéo nấc cò thứ nhất.

        Bọn giặc tản thưa hơn. Chúng lợi dụng những bờ dứa rải rác giữa đồng nằm xuống, bắn vào vuông tre. Rồi chúng lại dọ dẫm đi dần vào gần họng súng của chúng tôi.

        Nãy giờ tôi chưa nổ được phát súng nào. Kỷ luật ở đây đề ra là: Nếu giặc ở xa, chỉ được bắn tỉa. Đã bắn là phải trúng. Mà bọn Miên này thì láu lỉnh lắm. Chúng cứ nhảy lom chom từ bụi dứa này sang bụi dứa kia. Yếu lĩnh rất khó. Ly cũng chưa bắn được phát súng nào. Cái môi cong mím lại bên bá súng.

        Đạn giặc thì cứ cheo chéo trên đầu, ghim phầm phập vào những bao trấu. Bọn giặc đến gần hơn. Đã phân biệt được màu sắc từng chiếc áo chúng mặc. Tất cả bọn chúng đều mặc quần đùi. Áo thì đủ màu sắc. Trông chúng giống thổ phỉ hơn là một đội quân.

        Đạn chúng tôi bắt đầu bắn mạnh. Khắp vuông tre, đâu cũng thấy tiếng đạn nổ. Ở gần tôi, mỗi lần bóp cò cây CKC của mình, Ly lại lẩm bẩm:

        - Một thằng này.

        Thực ra trận đánh này chúng tôi chờ đợi đã lâu. Mọi phương án đều được chuẩn bị. Cho nên khi có hai mũi tiến của giặc đi qua khỏi bờ kinh ngang trước mặt, lập tức tiểu đội trưởng bật ra khỏi công sự. Anh chạy huỳnh huỵch qua suốt dãy công sự chiến đấu, nói lớn:

        - Đi thôi.

        Ly nhảy ra khỏi công sự khi nghe tiếng gọi. Cái túi thuốc nhỏ cột vào dây lưng, cây CKC cầm nơi tay, cô khom người chạy lên.

        Tổ vận động chiến đấu được thành lập theo phương án, gồm tiểu đội trưởng, Ly và hai đồng chí nữa. Họ có nhiệm vụ đánh bọc hậu bọn giặc.

        Bây giờ thì cả tổ đã ra khỏi vuông tre. Họ lợi dụng những bụi dứa, những gò đất, chạy tắt lên bờ kinh. Tôi ở lại cùng với bốn đồng chí nữa, giữ mặt chính diện. Nhìn theo bóng Ly chạy dưới ruộng nước, thỉnh thoảng lại hụp xuống vì một viên đạn vèo qua đầu, tôi thầm lo cho cô bạn của mình...

        Khi mũi bọc hậu hình thành đội hình chiến đấu. Họ bắt đầu nổ súng.

        Ở mặt chính dỉện, chúng tôi cũng nổ súng dữ hơn.

        Nhưng bọn giặc này cũng lì lợm lắm.

        Bị đánh bất ngờ từ phía sau, chúng quay đầu dáo dác, rồi nằm xuống các mô đất, bắn điên cuồng vào chúng tôi.

        Ở phía tôi, một chiến sĩ bị thương. Mất một tay súng. Mấy bao trấu bị đạn xé rách hết. Chúng tôi bật khỏi công sự, lợi dụng những gò đất trong vườn vừa vận động vừa bắn ra. Có một lúc tôi nhìn thấy áo mình rách mấy chỗ vì đạn. Rách lúc nào củng không hay. Chưa kịp nhận ra vết đạn gì, tôi đã vội hụp xuống. Một tiếng nổ ầm ở phía bên trái, cả người tôi nóng ran như vừa nhảy vào lửa, B.40 địch. Vội căng mắt nhìn ra ngoài, thằng xạ thủ B.40 đang lắp trái đạn thứ hai. Tôi bóp một điểm xạ. Nó té xuống nước, vỏ cây súng nằm lăn lóc trên gò đất nhỏ. Một thằng khác lao tới. Nó mặc quần đùi đen, tóc quăn tít. Có thể nhìn rõ mất nó ánh lên những tia sáng man rợ. Tôi nhảy sang một mô đất khác, bóp cò. Nó gục xuống. Một trái đạn giặc cũng vừa nổ ở chỗ tôi đứng ban nãy. Mô đất kê súng bị san bằng, bốc khói. Thằng này bắn cũng khá đó. Tôi nghĩ. Lại một trái đạn rơi xuống kề bên, đẩy tôi ngã dụi. Vội rờ lên người. Không thấy máu. Chỉ thấy tức ngực. Tôi cởi phăng chiếc áo đang mặc lại ôm lấy cây súng...

        Tiếng súng ở mũi bọc hậu nổ mạnh hơn.

        Dưới sự chỉ huy của tiểu đội trưởng, bọn giặc bị đánh cứ gom dần lại giữa cánh đồng.

        “Cối tép” ta bắt đầu xuất hiện. Những cột nước trắng xóa dựng lên giữa đội hình quân giặc.

        - Xung phong!

        Tiếng hô của tiểu đội trưởng vút lên. Từ bờ kinh, tổ vận động ùa ra. Họ chạy băng băng, đạp nước trắng xóa.

        Lập tức từ trong vuông tre, chúng tôi cũng ào ra. Tiếng hô xung phong dội vang lẫn trong tiếng súng nổ quyết liệt. Mặt nước đục ngầu, sủi bọt.

        - Giơ tay lên.

        Tôi thét bằng mấy tiếng Miên mới học.

        Một thằng Miên giơ súng lên định bắn, lập tức nó té ngay xuống. Một phát đạn từ phía sau đã kết liễu đời nó.

        Một, hai, rồi năm sáu thằng quỳ xuống giữa ruộng nước, giơ súng đầu hàng. Những thằng khác quay đầu tháo chạy.

        Tổ vận động lập tức truy kích.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #156 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2017, 05:10:48 am »


        Lúc này tôi mới nhìn thấy Ly. Cô bám sát tiểu đội trưởng chạy phăng phăng. Tóc cô tuột khỏi chiếc nón tai bèo từ bao giờ, rối tung trên vai. Cây CKC bốc khói trong tay cô.

        Một thằng giặc đang chạy phía trước Ly, bỗng té xuống. Chắc nó mệt quá. Ly ào tới. Thằng lính vội đưa cây súng lên trời. Nhưng cùng lúc ấy, nó kịp nhận ra người đuổi theo nó chỉ là một cô gái. Nó chợt bật dậy, nổ súng, lại chạy.

        Ly lảo đảo rồi đứng sựng lại giữa đồng. Viên đạn bắn vội ấy đã trúng vào Ly.

        Tôi hét lớn với hai đồng chí đang giải tù binh:

        - Ly bị rồi - Để tôi lên.

        Nhưng phía trước tôi, bỗng Ly vụt chạy lên một đoạn rồi đưa súng ngang vai.

        - Đoàng! Đoàng!

        Hai phát nổ. Thằng lính bắn cô ban nãy té xuống, chìm lỉm trong nước. Ly cũng đứng lại, rồi từ từ ngồi xuống. Tôi cũng vừa kịp chạy tới đỡ Ly.

        ... Trận chiến đấu kết thúc. Bọn giặc còn lại đã tháo chạy về bên kia biên giới. Pháo ta cũng bắt đầu nổ, kiềm chế pháo địch. Chúng tôi khẩn trương rút về vuông tre.

        ... Chiều hôm đó, chúng tôi được lệnh rời chốt, để đơn vị khác đến thay. Ly được đưa lên xuồng cùng với một đồng chí nữa, chở về quân y.

        Lúc chia tay tôi, Ly bảo:

        - Bữa nào khỏi, Phi lên đón mình về đơn vị nhen.

        Tôi gật đầu. Ly nói tiếp trong tiếng cười yếu ớt:

        - Mình còn phải ra thị trấn uống nước mía nữa chớ.

        Tôi lại gật đầu và cố cười mà không cười được. Tính tôi vậy, không giấu được xúc động. Bây giờ, dù Ly nói cái nhà đang xây là nhà kho hay nhà gì đi nữa, tôi cũng chịu hết.

        Chuyện cái nhà kho, tôi tưởng Ly đã quên đi. Vậy mà cô bé hiếu thắng ấy chẳng quên đâu.

        Hôm lên đón Ly ở bệnh viện về, hai chúng tôi cùng rẽ vào thị trấn chơi. Lúc đến cái ngã ba, Ly chợt bíu lấy áo tôi:

        - Nè nhớ chưa, mười ly nước mía đó.

        - Ừ.

        Tôi đáp lơ đãng làm Ly phát cáu:

        - Mình không cần ưu tiên thương binh đâu đó. Ai thua phải chịu.

        - Thì mình có nói gì đâu.

        Ly kéo tôi đi vào thẳng thị trấn. Và, đến đây, cả hai đứa cùng ngỡ ngàng. Thị trấn bây giờ không phải có một nhà, mà rất nhiều ngôi nhà đã mọc lên. Cái nọ đứng sát cái kia và cái nào cũng lớn cả. Những đống đá nằm rải rác hai bên đường, sắt thép ở đâu chuyển về chất đống trên cái gò gần đó. Chiếc máy keo Ku-bô-ta thì chăm chỉ kèo những “moóc" cát từ bờ sông đến, đám đất trống để đầy những đó cây tràm, một ngôi nhà nữa đang được thi công. Mới có thời gian Ly nằm viện, mà ở đây đã có sự thay đổi như vầy. “Tốc độ xây dựng thật kỳ diệu”. Tôi nói với Ly thế. Ly thì chẳng chú ỷ đến lời tôi nói. Cô gái mải đưa mắt quan sát khắp thị trấn. Chợt cô reo lên, kéo tôi lại gần một ngôi nhà lớn hai vách nghiêng hẳn ra ngoài:

        - Đó, nó đây. Nhà kho. Thấy chưa. Cậu thấy những bao trắng xếp trong đó không. Phân hóa học đó. Mình đã hiểu.

        Máu hiếu thắng bỗng nổi lên trong tôi. Tôi đưa mắt nhìn quanh, và thật là may:

        - Cậu thấy chưa. Cái rạp chiếu bóng kia thôi. Nó đó. Mình đã biểu. Nó lên như vầy mà...

        Ly đứng ngây ra nhìn cái rạp chiếu bóng mới xây. Hàng chữ đắp nổi: “Rạp chiếu bóng" như đang cười trêu tức cô gái. Ly lại quay sang nhìn cái nhà kho đằng sau mình. Chợt cô nói, cái môi cong lên:

        - Cậu còn nhớ, hôm ở ngoài chốt, mình chỉ nhìn thấy có một ngôi nhà.

        - Ừ. Thì sao?

        - Hai đứa sẽ tìm người hỏi, xem hai ngôi nhà này, cái nào xây đầu tiên ở đây.

        Tôi chấp thuận.

        Nhưng đến gặp anh chàng lái máy kéo đứng gần đó, thì anh ta trả lời rằng cũng mới lên đây chưa đầy một tuần. Lúc anh ta lên, thị trấn đã có nhiều nhà mới rồi. Hỏi người thứ hai, cũng y vậy. Chắc mới có đợt công nhân bổ sung về thị trấn.

        Hai đứa quyết định vào nhà dân gần đây nhất để hỏi.

        Nhưng vừa lúc ấy, có tiếng xuồng đuôi tôm ở ngoài bến xuống. Tôi đưa tay coi đồng hồ. Chắc anh em đơn vị lên đón. Giờ đây là giờ hẹn mà chúng tôi cùng chạy ra. Đúng là anh em trong đơn vị. Gặp nhau mừng quá. Mọi người cứ nắm chặt lấy tay Ly. Nếu Ly là con trai hẳn cô sẽ bị anh em ôm tròn lấy rồi.

        Ly mừng không kém mọi người. Xa đơn vị có hai tháng trời, mà nhớ kinh khủng. Cô nói vậy. Chúng tôi ríu rít kéo nhau lên xuồng. Chiều nay đơn vị hành quân. “Hên quá", Ly cứ nói vậy mãi từ lúc biết tin chiều nay đơn vị hành quân.

        Chúng tôi xuống xuồng. Chiếc xuồng nổ máy, phóng thắng về phía biên giới, cả đám ngồi trên xuồng cùng hát vang “Cả tình yêu, trao cuộc sống có thấy chăng ôi cuộc đời tình ta thắm nồng...”. Tiếng vỗ tay, tiếng hát, lẫn với tiếng máy nổ giòn giã. Xuồng chạy một đoạn khá xa Ly mới sực nhớ ra chuyện cái nhà kho của mình. Và chúng tôi đành phải hẹn nhau sẽ lên thị trấn vào dịp khác. Chắc cũng phải tháng sau. Chà, tháng sau thì ở đó lại có biềt bao thay đổi. Nhưng chúng tôi không thể quay lại thị trấn sớm hơn. Đơn vị sắp ra chốt. Và dĩ nhiên, Ly không chịu ở nhà, mà phải đòi đi cho bằng được.

Tháng 11-1978       
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #157 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2017, 05:41:18 am »


TRUYỆN RẤT KHÓ VIẾT

NGUYỄN ĐÔNG THỨC         

        Thiếu úy Quyết nói với Đức:

        - Đại đội tôi có khá nhiều điển hình. Nhưng trường hợp như anh muốn tìm thì chỉ có cậu Sơn ở trung đội 2. Quê quận Bình Thạnh. Trung sĩ, tiểu đội trưởng, chiến sĩ quyết thắng năm rồi của đơn vị. Anh đến cũng kịp lúc chứ cậu ấy đang chờ về đi học đại học đấy. Nhưng báo trước với anh, Sơn hơi ít nói, nhất là về những thành tích. Không dễ khai thác đâu nhé.

        Đức chỉ mỉm cuờỉ. Đó không phải là điều anh lo, vì mục đích anh đi kỳ này chi để tìm hiểu tâm tư tình cảm một vài chiến sĩ trẻ từ thành phố ra đi, vấp váp và trưởng thành như thế nào để có thể lập công xuất sắt ở biên giới cũng như trên đất bạn. Viết về những thành tích là việc dễ. Cái khó với Đức lần nàv là làm sao anh đi sâu vào được bên trong một người lính, nắm bắt được những gì không thể tìm thấy trong những bản báo công được đọc trước các đại hội.

        Vì vậy, Đức đã dành khoảng thời gian còn lại trong ngày đầu để gặp riêng Nhâm, trung đội trưởng trung đội 2, nói chuyên về Sơn. Sau đó, anh còn cẩn thận mượn Quyết bản báo cáo thành tích năm trước của Sơn để tranh thủ đọc cho đến khuya. Như nhiều thanh niên thành phố, Sơn có trình độ học vấn tương đối khá, đã học hết lớp 12 và đang chờ kết quả thi vào đại học thì đi bộ đội. Sơn còn có nhiều tài lẻ, trong đó phải kể đến tiếng đàn của anh. Đó là một người rất trầm lặng, nhất là thời gian sau này, mà như một quy ước ngầm, Nhâm cũng lướt qua không nói nguyên nhân tại sao. Sơn ít nói nhưng hoàn toàn không tiêu cực. Mọi nhiệm vụ được giao, Sơn đều hoàn thành xuất sắc. Nhất là trong chiến đấu.

        Đức dành cả buổi sáng hôm sau kín đáo quan sát Sơn để tìm dịp tiếp cận. Đại đội đang dưỡng quân bên một bờ suối. Bộ đội chơi bóng chuyền, tập võ, đánh “tiến lên”, tắm giặt, nhặt rau, bắt cá... Sơn đứng xem các bạn chơi bóng một lúc rồi đi lau súng bằng những động tác hết sức thuần thục và tỉ mỉ. Xong anh lặng lẽ xách thùng đi xa hơn về nguồn suối, gánh về cho anh nuôi liền ba lượt nước. Suốt buổi sáng, Đức không thấy Sơn nói một câu nào với ai. Và cả ngày hôm đó anh vẫn chưa tìm được một dịp thuận tiện để có thể bắt chuyện tự nhiên với Sơn. Kinh nghiệm cho Đức biết trong trường hợp này, tuyệt đối anh không nên đến chính thức phỏng vấn Sơn với giấy bút trong tay.

        Đức vẫn còn một niềm hy vọng. Anh là một tay ghi-ta có hạng và đã có thời một phần nhờ tiếng đàn mà có một mối tình đên giờ vẫn chưa phai. Đức hiểu những người cùng sở thích thường dễ tìm lại với nhau. Anh kiên nhẫn chờ thời cơ ấy đến.

        Quả vậy, buổi tối, sau giờ hội ý các cấp một chút, Đức bắt đâu nghe được tiếng đàn đâu đó ngoài bờ suối theo gió thấp thoáng đưa về. Đức cố kìm giữ đôi chân để vẫn bước bình thường như một người đi dạo mát. Anh đốt một điếu thuốc, im lặng đến ngồi bên Sơn, cảm thấy hương vị của khói thuốc như tăng lên trong âm thanh của tình khúc Romance quen thuộc. Chỉ vài giây sau, Đức đã ngạc nhiên nhận thấy trong tiếng đàn của Sơn cái sôi nổi thiết tha lại hơn hẳn cái trầm lặng dịu dàng, điều hơi trái ngược với bề ngoài của người thanh niên này.

        Sơn khẽ gật đầu chào Đức, rồi tiếp tục vừa đàn vừa mơ màng nhìn về bên kia suối. Một bản độc tấu khác bắt đầu. Đức bật tiếng kêu nhỏ của người vừa tình cờ gặp lại một kỷ niệm đẹp:

        - Natalila!

        Sơn dừng ngay lại, nhìn Đức lộ vẻ ngạc nhiên, rồi kín đáo liếc nhanh xuống bàn tay phải của Đức. Anh lẳng lặng đàn tiếp dù tiếng đàn đã ngượng ngùng hơn, cái ngượng ngùng của người mang cảm tưởng mình đang biểu diễn trước một tay sành điệu.

        Cuối củng Sơn ngừng tay, trao đàn mời Đức, thản nhiên như đã quen biết từ lâu:

        - Anh đàn giúp tôi lại bản vừa rồi. Tôi tự tập từ một bản rô-nê-ô, sợ không được đúng.

        Đức thận trọng đỡ lấy cây đàn. Anh quyết định sẽ không ngần ngại trổ tài trước Sơn. Tiếng đàn anh vang lên hết sức dìu dặt, thanh thản. Các đầu ngón tay của anh nhẹ nhàng vuốt những sợi dây đàn mỏng manh, và từ đó những nốt nhạc miên man tuôn ra, tỏa khắp không gian, hòa trong tiếng gió và tiếng suối, rồi lắng sâu trong hơi thở của mỗi người. Sơn cúi mặt mân mê một viên sỏi dưới chân. Rồi đột nhiên anh cất tiếng hát:

        - "Em, giấc mơ trong tốt, tiếng mưa - lá bay - gió êm như lời ru, dỗ anh ngủ trong đêm thương nhớ em vô vàn...”
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #158 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2017, 05:41:46 am »


        Bản nhạc hết nhưng những nốt cuối vẫn còn ngân mãi trong đêm. Cả hai củng im lặng lắng nghe cho đến lúc tiềng đàn đã tan hẳn. Đức đặt cây ghi-ta xuống, hỏi:

        - Sơn tự viết lời cho bài ấy à?

        Sơn im lặng gật đầu. Đức hỏi tiềp về “em" trong bài hát Sơn ngẫm nghĩ một chút, rồi nhìn Đức có vẻ do dự. Cuối cùng anh thở dài:

        - Chuyện cũ rồi anh.

        Câu chuyện bắt đầu từ đó. Mối tình thuở học trò của Sơn rất đẹp. Anh lên đường có nước mắt của người yêu tiễn chân. Trước đó, trong đêm chia tay, cô gái đã hát cho anh nghe nào là “Ước gì gửi đời em theo bàn chân anh bước”, nào là “Đêm ngày trong chiến đấu, anh với em sống vẫn gần nhau” và gì gì nữa... Họ hẹn sẽ chờ nhau, dẫu núi có mòn và sông có cạn.

        - Đơn vị ít nhiều đều biết chuyện chúng tôi, qua nhũng lúc tôi thường lấy hình cô ấy ra coi hồi mới sang đây, và qua những lá thư chúng tôi gửi cho nhau rất đều trong thời gian đầu. Nhưng rồi đơn vị tôi vào chiến dịch, cơ động liên miên. Tôí ít viết và ít nhận được thư hơn trước. Nhưng tôi vẫn tin cô ấy và vẫn an tâm chiến đấu, dù không sao khỏi buồn. Anh em an ủi và giúp đỡ tôi nhiều lắm. Ai củng xa nhà, xa cha mẹ, vợ con, người yêu... thì làm sao không thương nhau và chia sẻ cho nhau từng chút một? Mình không thể không ra gì khi có những đồng đội như vậy. Nhứt là anh Năm-tình nghĩa.

        Năm-tình-nghĩa cùng tổ với Sơn, lúc Sơn chưa nắm tiểu đội. Anh tên là Lê Văn Năm, chỉ vì hễ cứ mở miệng là nói "Ở đời tình nghĩa là quý” mà thành ra chế tên. Năm mồ côi cha mẹ từ nhỏ, một thân lăn lóc với đời qua đủ mọi nghề. Sau giải phóng một thời gian, anh được đưa vào trường Thanh niên xây dựng cuộc sống mới vì địa phương thấy anh sống quá vất vưởng và nghiền ma túy nặng. Năm được chữa trị lành bệnh, rồi qua lao động và học tập đã tỏ ra chuyển biến rất nhanh. Anh được ra trường, qua làm đội viên thanh niên xung phong, hơn một năm thì đăng ký qua bộ đội khi có chiến tranh ở biên giới Tây Nam.

        Cuộc sống dày dạn đã cho Năm tự rút lấy một triết lý sống riêng, “ở đời, tình nghĩa là quý". Anh kể Sơn biết sở dĩ anh thay đổi nhanh dưới mái trường Xuyên Mộc vì chính nơi này đã cứu sống anh và giúp anh hiểu được thế nào là cách mạng. Năm yêu chế độ mới vì thấy đây là một chế độ được đặt trên tình nghĩa, theo cách tiếp thu của anh. Mà theo anh, “Ở đời, tình nghĩa là quý".

        Năm-tình-nghĩa bộ tướng cao lớn dềnh dàng, mặt mày bặm trợn. Khi xung phong, trông anh lại càng dữ tướng. Anh chạy nhanh như một cơn lốc, mắt quắc lên, cằm bạnh ra, và bắn vừa nhanh vừa chính xác. Năm xử lý tình huống nhanh, liều lĩnh có tính toán, nói chung là “mần ăn được” theo cách nói của anh Thảnh, đại đội trưởng đại đội trinh sát này. Nhưng đối với anh em, anh lại hiền khô. Năm sống chan hòa, cởi mở, tốt bụng, nên mọi người trong đơn vị đều quý mến. Đặc biệt anh rất thương Sơn.

        Những người ít học dường như thường sẵn ít nhiều quý trọng những ai văn hay chữ tốt. Năm vốn mù chữ, chỉ mới biết đọc biết viết dưới mái trường Xuyên Mộc. Năm thương Sơn vì Sơn ít nói nhưng “chơi được", “học giỏi mà không lối’’ và đáng phục là đi bộ đội rồi, hay tin mình trúng tuyển vào đại học mà vẫn bình thản như không. Năm cũng biết nhà Sơn nghèo, anh là con cả, gia đình chỉ một mẹ và mấy đứa em. Sơn lại có người yêu đẹp “hết xẩy" đang chờ anh ở nhà. Nói chung Sơn nhỏ tuổi hơn Năm, ít kinh nghiệm sống hơn, nhưng theo Năm thì “ngon lành” hơn. Năm nói Năm tứ cố vô thân, chẳng còn gì ràng buộc trên đời, nều có nhiều chuyện chi phối như Sơn thì không chừng anh đã “vù" từ lâu.

        Điều Năm không ngờ nhất là anh được vào Đoàn. Buổi lễ kết nạp được tổ chức ở chiến trường, ngay sau một trận đánh đêm, rất đơn giản, nhưng có phần nghiêm trang và xúc động hơn những lần Sơn đã dự ở trường ngày trước. Bởi vì ở đây những thử thách không chỉ được trả bằng nhiệt tình mà còn bằng máu, và bởi niềm xúc động quá lớn của Năm. Mặt trời chưa lên và họ không dám đốt đèn. Nhưng ánh sáng của những phát báo hiệu bình minh vẫn đủ cho Sơn thấy được đôi mắt của Năm rớm lệ khi anh được gắn huy hiệu Đoàn lên ngực trái. Sau đó, Năm có hỏi riêng Sơn:

        - Tao đã kể cho mày nghe chuyện hồi đó tao từng đi “chôm chỉa”, lại ghiền xi ke phải đi cải tạo. Sao mày còn dám giới thiệu tao vào Đoàn?

        Sơn chỉ cười, nháy mắt, bắt chước Năm:

        - Ở đời...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #159 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2017, 05:42:15 am »


        Năm rất quý chuyện tình của Sơn. Bởi lẽ anh chừa từng có được một người yêu, hay nói theo kiểu bộ đội, chưa từng có một mảnh tình vắt vai. Con gái "nhà lành", đối với Năm, là một cái gì không thể với tới. Năm chỉ biết những tạm bợ, mua vui, trả thù đời. Chỉ với Sơn, Năm mới biết tình yêu có những mặn nồng, dịu ngọt đầy thú vị như thế nào. Năm rất thích nghe Sơn kể về người yêu, về những kỷ niệm của hai người, và cả đơn vị thật ra cũng chỉ có mình anh là người được Sơn chọn để nhắc nhở hạnh phúc của mình. Thỉnh thoảng Sơn đọc vài đoạn thư của người yêu cho Năm nghe. Anh cứ chắt lưỡi, hít hà, vỗ đùi bép bép rất hào hứng. Riết rồi chính Năm cũng mong đợi những lá thư của cô ấy như Sơn, và âm thầm chia sẻ nỗi buồn với Sơn mỗi khi đơn vị có đợt; nhận thư mà Sơn không có. Càng về sau, nhiều đoạn thư cũ đi, màu mực phai và những nếp gấp phải nương nhẹ tay khi xếp mở. Nhưng mối tình vẩn đẹp, ít nhất là đối với Sơn và Năm. Họ cùng một tổ chiến đấu và chẳng bao lâu sau, Sơn nhận thấy Năm luôn giành lấy những phần việc nhiều nguy hiểm. Trước một mục tiêu, bao giờ Năm cũng giành lên trước dù Sơn là tổ trưởng. Nếu có rút lui, anh cũng tìm cách thu hút hỏa lực của địch về mình. Sơn có ý kiến thì Năm chỉ cười:

        - Mày chết uổng. Mai mốt còn về đi học. Rồi “em” nữa, bỏ cho ai?

        Đức ngồi nghe Sơn kể, vừa lạ lùng vừa thú vị. Những tưởng Sơn kể chuyện mình, không ngờ câu chuyện lại chuyền qua anh chàng Năm-tình-nghĩa nào đó đầy hấp dẫn. Nhưng ngay từ đầu, không hiểu sao Đức đã linh cảm và câu chuyện sẽ có một kềt thúc đau lòng và anh càng hồi hộp hơn khi mường tượng thấy đang vào đoạn gút. Cuối cùng, không dằn được, Đức hỏi:

        - Anh Năm giờ ở đâu?

        - Anh ấy hy sinh rồi.

        Sơn ngừng lại như để hồi tưởng, rồi kể tiếp:

        - Lúc đó là cuối năm 78, cao điểm của chiến dịch. Trận đánh hôm ấy rất ác liệt. Địch đang phản kích hòng chiếm lại một chốt chiến lược. Quả lựu đạn thằng địch ném sang rớt ngay vào công sự chúng tôi, rơi xuống giữa tôi và anh Năm. Lần đầu tiên tôi thấy cái chết đến ngay trước mắt. Tôi nhìn quả lụu đạn, người cứng đơ, không biềt làm gì và cũng chẳng suy nghĩ được gì. Chúng tôi tái mặt nhìn nhau và bất chợt tôi thấy mắt anh Nám lóe sáng. Tôi chỉ hiểu cái ánh sáng ấy khi thấy anh Năm đã chồm tới nằm đè lên quả lựu đạn. Tiếng nổ hất anh Năm bật lên trước đôi mắt kinh hoàng của tôi. Ngực và bụng anh vỡ nát nhầy nhụa máu lẫn đất bụi. Tôi xô đến ôm lấy anh. Anh đã chết rồi, ngay tức khắc, nhưng đôi mắt vẫn mở lớn nhìn tôi trân trối. Một cái nhìn suốt đời tôi sẽ không quên.

        Sơn ngừng kể, quay mặt ra dòng suối. Đức cảm thấy cổ mình tắt nghẹn, không nói được một lời. Bóng tối chung quanh dường như nặng nề hơn, với tiếng thở mệt nhọc của hai người và tiếng suối âm thầm chảy.

        Mãi một lúc sau, Sơn mới tiếp, giọng lạc hẳn:

        - Thay vì cả hai cùng chết thì anh Năm đã hy sinh cho tôi được sống, cũng chỉ vì sau này muốn tôi tiếp tục việc học và trở về với cô ấy. Tôi đã thầm hứa với anh Năm, dù có lúc tôi đã quên đi, là tôi sẽ sống sao cho xứng đáng với anh, và sau này có về được, tôi sẽ cố gắng học hành như ý anh muốn. Nhung còn cô ấy thì... Anh biết không, sau trận đó, tôi cũng phải nằm viện mất một tháng, rồi được trên cho về thăm nhà ít ngày. Tôi có mua cho cô ít mét vải hoa trong tiền dành dụm của mình. Đến đầu ngõ nhà cô, chân tôi run đến mức đi không muốn nổi khi nhìn thấy dàn hoa giấy quen thuộc ngày nào. Vậy mả... Cô ấy dường như có nhà Mẹ cô nói với tôi: “Nếu cậu thương em thì đừng đến đây cùng đừng thư từ gì nữa. Em nó sắp lập gia đình rồi...”

        Sơn nuốt nước miếng một cách khó khăn rồi tiếp:

        - Tôi đem xấp vải ra ngã ba đường, không biết đi đâu mà cũng không biết làm gì. Để lại thì chắc người ta không nhận, mà mang về thì sợ má tôi biết, bà buồn tội nghiệp. Tình cờ có một em bé ôm một cái rổ đi bán gì đó ngang qua. Em có rao mà tôi chẳng nghe được gì, chỉ thấy áo em rách nát cả. Bỗng dưng không hiểu sao tôi thây thương nhớ anh Năm quá. Tôi kêu em lại cho xấp vải rồi bỏ đi trước đôi mắt ngơ ngác nhìn theo. Hôm sau, tôi trở lên đơn vị và ở tới giờ.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM