Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:10:38 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử lời thề quân nhân  (Đọc 54032 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #30 vào lúc: 16 Tháng Bảy, 2009, 05:54:34 am »

Tất cả, tuy chỉ là mười câu văn ngắn gọn, súc tích, giản dị, dễ hiểu, với 397 từ, nhưng nó đã khái quát được những nội dung lớn về nhiệm vụ của đội lúc bấy giờ mà cũng sẽ là nhiệm vụ lâu dài và trọng đại của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này.

Thứ nhất là thề Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam.

Thứ hai là lời thề đó nhất thiết được thực hiện bằng những phương pháp thích hợp và hiệu quả như:
- Đối với bản thân người đội viên là chiến đấu đến giọt máu cuối cùng .
- Đối với quân cướp nước là kiên quyết tiêu diệt.
- Đối với nhân dân là hết dạ, hết lòng phục vụ.
Thứ ba là để thực hiện kết quả “mười lời thề”, phải ra sức tu dưỡng, rèn luyện bằng cách:
- Tăng cường đoàn kết nội bộ.
- Nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật.

So với “năm lời thề” của Cứu Quốc quân, gồm 29 từ:

“Không phản Đảng.
Tuyệt đối trung thành với Đảng.
Kiên quyết chiến đấu và trả thù cho các đồng chí bị hy sinh.
Không hàng giặc.
Không hại dân”.
của bộ đội du kích Bắc Sơn (một tổ chức vũ trang cách mạng, được chính thức thành lập ngày 14 tháng 2 năm 1941, tiền thân của trung đội Cứu quốc quân I) thì nội dung “Mười lời thề danh dự” của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã có sự phát triển mới, sâu sắc, phong phú, hoàn chỉnh hơn.
Xét về ý nghĩa, lời thề, lời nguyền… nói chung là một hành vi nghiêm túc của con người mà nội dung thực chất là lời hứa một cách trịnh trọng, với ý thức tự ràng buộc mình đồng thời viện ra một vật thiêng liêng nào đó hay cái quý báu nhất trong đời sống (như danh dự, tính mạng - dưới hình thức “cắt máu”) để đảm bảo, để tạo thêm sức nặng cho lời nói, nhằm tỏ rõ một quyết tâm lớn trước khi bắt tay vào hành động vì một sự nghiệp cao cả.

Trong nội dung lời thề được tuyên đọc tại buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân , cái quý báu nhất được nêu lên là “danh dự của một người chiến sĩ cứu quốc” và cái vật thiêng liêng được viện ra là “lá cờ đỏ sao vàng năm cánh”- biểu tượng cho Tổ quốc Việt Nam - xuất hiện từ trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (ngày 23 tháng 11 năm 1940), bốn năm trước đó, và gần hai năm sau, đầu năm 1946, trở thành Quốc kỳ, do Quốc hội khoá I nước Việt Nam dân chủ cộng hoà quyết định.

Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #31 vào lúc: 16 Tháng Bảy, 2009, 05:57:08 am »

Thề nguyền nhằm thể hiện ý chí thực hiện mục tiêu cho một hành động nào đó vốn là một nghi lễ trọng thể trong truyền thống của xã hội loài người và thường được tiến hành vào những hoàn cảnh đặc biệt, trước những bước ngoặt của lịch sử… mà cổ kim đông tây đều có. Ngay như hiện nay, ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, họ vẫn còn giữ tập quán là một quan chức được dân cử, một nội các mới được bầu, một viên quan toà hay một bị cáo đều phải tuyên thệ trước khi nhậm chức hay trước khi bị hành xử. Chỉ có khác là khi tuyên thệ, bàn tay họ có thể nắm lại giơ ngang vai hoặc đặt trên ngực, trên kinh thánh, trên hiến pháp cũng như trên lá quốc kỳ, Việt Nam cũng không thể có ngoại lệ. Vào tháng 3 năm 1946, trong ngày nhậm chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ liên hiệp kháng chiến cũng có một việc làm tương tự là trịnh trọng đọc lời tuyên thệ trước bàn thờ Tổ quốc.

Chúng tôi, Chính phủ kháng chiến nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Tối cao Cố vấn đoàn và Uỷ viên kháng chiến hội, trước bàn thờ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, thề xin cương quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến, thực hiện nền dân chủ cộng hoà Việt Nam, mang lại tự do hạnh phúc cho dân tộc. Trong công việc giữ gìn nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi nỗi khó khăn dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ”.

Sở dĩ có hiện tượng trên là vì từ xa xưa, con người đã biết lấy danh dự làm trọng, tuy đôi khi còn đượm chút màu sắc tín ngưỡng. Hành vi ấy luôn mang theo ý nghĩa là gây được ý chí tự tin cho bản thân mình và gây được niềm tin cho người khác. Do vậy, nó đã tạo nên những sức mạnh tinh thần, giúp con người vượt qua mọi khó khăn trở ngại.

Nhìn từ góc độ văn hoá nói chung, văn hoá quân sự nói riêng “Mười lời thề danh dự” được xem là một biểu tượng. Bởi vì nói như Chu Hy (1130 – 1200), nhà triết học nổi tiếng thời Tống ở Trung Quốc: “Tượng là lấy hình này để tỏ nghĩa kia”. Lời thề ở đây là một hình thức, được ghi lại bằng ngôn từ cụ thể, là một lời hứa hẹn, song ý nghĩa của nó lại là nhằm thể hiện quyết tâm của quân đội ta trước khi đi vào sự nghiệp đấu tranh vũ trang để giải phóng dân tốc. Trên thực tế, lời nói đó đã trở thành hành động cụ thể suốt ba mươi năm chiến đấu gian khổ, ngoan cường mà tiêu biểu là ba Huân chương Sao vàng cho ba lần tuyên dương công trạng, là 888 cá nhân được tặng phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (có 87 người là nữ, 249 người là liệt sĩ).

« Sửa lần cuối: 16 Tháng Bảy, 2009, 05:59:57 am gửi bởi hoacuc » Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #32 vào lúc: 16 Tháng Bảy, 2009, 05:59:30 am »

Đâu chỉ có riêng quân đội ta ngày nay, trong dòng chảy của lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm ở Việt Nam suốt mấy ngàn năm, đã diễn ra bao lần tuyên thệ trước khi nhân dân ta cầm vũ khí đứng lên chống giặc. Được nhắc đến sớm nhất là lời thề khởi nghĩa của Hai Bà Trưng: “Một xin rửa sạch quốc thù, hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng”. Bước vào kỷ nguyên đại Việt tự chủ, từ thời vua Lý Thái Tông, hàng năm triều đình có một ngày lễ lớn. Hôm ấy vua cùng các quan đều đến đền Đồng Cổ (hiện nay là phố Thuỵ Khuê, Hà Nội), nơi thờ một chiếc trống đồng cổ để cùng nhau tuyên thệ: “Kẻ nào làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần linh sẽ giết chết”. Thời Trần năm 1288, khi đem quân đi đánh thuỷ quân Mông- Nguyên, Trần Quốc Tuấn đã hướng tướng sĩ nhìn xuống lòng sông Bặch đằng mà nói: “Trận này không phá xong giặc thì không về bến sông anỳ nữa”. Quả nhiên lời thề đanh thép đó đã trở thành hiện thực. đến thời Lê Lợi có hội thề Lũng Nhai, những người yêu nước nguyện cùng nhau tụ nghĩa đánh giặc. Khi thắng giặc, nghĩa quân đã buộc chủ tướng chúng phải đến Hội thề Đông quan cam kết: “… nếu không có lòng thực, lại trái lời thề… thì trời đất cùng là danh sơn, đại xuyên và thần kỳ các xứ tất đem bọn Tổng binh quan thành sơn hầu Vương Thông, tự bản thân cho đến cả nhà, thân thích, làm cho chết hết, và cả quan quân cũng không còn một người nào về được đến nhà…”. đến thời Quang Trung - Nguyễn Huệ, trước khi xuất quân “thần tốc” ra Bắc, tại làng Thọ Hạc (nay thuộc thành phố Thanh Hoá) đã có buổi “thệ sư”, quyết “đánh cho sử tri nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Trận ấy, quân ta thắng giòn giã, quét sạch 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh khỏi bờ cõi.

Vào đầu những năm đế quốc Mỹ kéo quân vào miền Nam và đưa chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, được tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” soi sáng, “mười lời thề” lại như được tiếp thêm sức mạnh, nâng quyết tâm chiến đấu lên một tầm cao mới. Cho nên tuy phải chiến đấu trong những hoàn cảnh khó khăn, gian khổ gấp bội nhưng âm vang của những câu thề vẫn luôn văng vẳng bên tai như thôi thúc, động viên khiến quân ta nỗ lực vượt qua tất cả để cùng toàn dân vững bước đi tới thắng lợi cuối cùng.

Tiếp bước người xưa, “mười lời thề danh dự’, theo thông lệ, cũng nhằm mục đích thể hiện một quyết tâm và đã mang lại những kết quả cực kỳ to lớn như lịch sử đã chứng minh. Chỉ có điều, lời thề đó, không vang lên chỉ một lần vào ngày 22 tháng 12 năm 1944 mà suốt những năm tiến hành chiến tranh giải phóng và trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, lời văn của nó, khi có điều kiện, lại được thường xuyên nhắc lại dưới “lá cờ đỏ sao vàng năm cánh”.

Ngày nay, khi các thanh niên làm nghĩa vụ quân sự, vào những ngày đầu mới nhập ngũ, “mười lời thề danh dự’ được xem là bài học vỡ lòng trong đạo lý của việc làm người quân nhân cách mạng. Nội dung của nó có giá trị như kim chỉ nam cho hành động nhằm đưa người chiến sĩ quân đội ta thực sự trở thành “Anh bộ đội cụ Hồ”.

Nguồn "Từ cây giáo đến khẩu súng" T.4


« Sửa lần cuối: 16 Tháng Bảy, 2009, 06:24:37 am gửi bởi hoacuc » Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
kimlongkhanh
Thành viên
*
Bài viết: 19


« Trả lời #33 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2009, 08:22:52 pm »

- Theo sách " Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam" thì :
.... Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 22 tháng 12 năm 1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại một khu rừng giữa hai Tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm tổ chức lãnh đạo và chỉ huy, đã tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và vạch rõ nhiệm vụ của Đội đối với Tổ quốc. Dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, toàn đội đã long trọng tuyên đọc Mười lời thề danh dự:
( Mười lời thề như một số bạn đã nêu trên )
Mười lời thề nói lên lòng trung thành vô hạn đối với Tổ quốc, với Đảng, tinh thần hi sinh chiến đấu đến giọt máu cuối cùng vì sự nghiệp cách mạng, kiên quyết tiêu diệt quân thù cướp nước, hết lòng hết dạ phục vụ nhân dân, tinh thần đoàn kết và ý thức tổ chức, kỉ luật rất cao của một quân đội cách mạng. Mười lời thề của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã trở thành lời thề của quân đội ta sau này.
 - Ngày 22-12-1964, Bác Hồ đọc bài phát biểu chào mừng tại buổi chiêu đãi trọng thể nhân dịp kỉ niệm Quân đội Nhân dân Việt Nam tròn hai mươi tuổi. Người khẳng định : " Quân đội ta anh dũng trong kháng chiến mà cũng anh dũng trong hòa bình. Đã làm tốt nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc, đập tan mọi hành động khiêu khích phá hoại của của đế quốc Mĩ và tay sai ... Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
( Theo : 105 Lời nói của Bác Hồ - Nhà Xuất bản Thanh Niên )
- Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, những phẩm chất đạo dức của người dân Việt Nam là :
a-Trung với nước, hiếu với dân :
Trung, hiếu là đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam và phương Đông, được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển trong điều kiện mới.
b- Yêu thương con người, sống có tình, có nghĩa :
Yêu thương con người trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh xuất phát từ truyền thống nhân nghĩa của dân tộc, kết hợp với chủ nghĩa nhân văn của nhân loại, chủ nghĩa nhân đạo cộng sản. Hồ Chí Minh coi yêu thương con người là phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất. Yêu thương con người thể hiện mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân trong quan hệ xã hội.
c- Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư :
- Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là nền tảng của đời sống mới, là phẩm chất trung tâm của đạo đức cách mạng trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, là mối quan hệ “ với tự mình”.
- Cần, kiệm, liêm, chính có quan hệ chặt chẽ với nhau và với chí công vô tư. Cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn đến chí công vô tư. Ngược lại, đã chí công vô tư, một lòng vì nước, vì dân, vì Đảng thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính.
d- Tinh thần quốc tê trong sáng :
Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế là nhờ sự mở rộng những quan niệm đạo đức nhân đạo, nhân văn của Người ra phạm vi toàn nhân loại, vì Người là “ người Việt Nam nhất” đồng thời là nhà văn hoá kiệt xuất của thế giới, anh hùng giải phóng dân tộc, chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế.
Vậy có thể hiểu :
- "Trung với Đảng, hiếu với dân" là lời huấn thị của Bác dành cho quân đội.
- " Trung với nước, hiếu với dân" là lới Bác dạy nhân dân ta.


Logged
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #34 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2009, 05:28:05 am »

Có lẽ vấn đề câu nói "Trung với Đảng hiếu với dân" hay "Trung với nước hiếu với dân" được giải thích một cách rõ ràng trong bài viết này.


Ngày 26/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tận tay trao tặng Trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn lá cờ đỏ thêu sáu chữ vàng “Trung với nước, hiếu với dân” nhân dịp đến dự lễ khai giảng khóa đầu tiên của trường tại Sơn Tây. Người căn dặn: “Trung với nước, hiếu với dân” là bổn phận thiêng liêng, một trách nhiệm nặng nề, nhưng cũng là một vinh dự của người chiến sĩ trong đạo quân quốc gia đầu tiên của nước ta.


Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn là một trong những tên gọi của Trường Sĩ quan Lục quân I sau này. Là ngôi trường có bề dày lịch sử của quân đội ta trong việc đào tạo cán bộ sĩ quan chỉ huy. Được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên - mang tên vị anh hùng kiệt xuất trong lịch sử dân tộc là Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn - người lãnh đạo và chỉ huy quân và dân ta ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông vào thế kỷ XIII với mong muốn đội ngũ cán bộ quân đội sau này sẽ là những người tài giỏi.

Ngày nay, Trường Sĩ quan Lục quân I đã trở thành trung tâm đào tạo sĩ quan chỉ huy quân đội binh chủng hợp thành và nghiên cứu KHQS của QĐND Việt Nam.

Ngày thành lập và ngày truyền thống 15/4/1945 - Đây là ngày Hội nghị Quân sự CM Bắc kỳ họp quyết định “Mở trường Quân chính kháng Nhật” để thu dụng nhân tài, đào tạo cán bộ chỉ huy quân đội, làm nòng cốt lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền.

Từ ngày thành lập trường đã nhiều lần thay đổi tên gọi: “Trường Quân chính kháng Nhật (1945). Tháng 9 năm 1945, thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo, Trường Quân chính Việt Nam đổi tên thành “Trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam” (1945 - 1946), Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (1946 - 1948), Trường Lục quân trung học Trần Quốc Tuấn (1948 - 1950); Trường Lục quân Việt Nam (1950 - 1956), Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam (1956 - 1976), Trường Sĩ quan Lục quân I (từ 1976).

Quá trình xây dựng phát triển của Trường Sĩ quan Lục quân I gắn liền với sự ra đời, trưởng thành và chiến thắng của QĐNDVN, với những thắng lợi vĩ đại của CMVN dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Trung với nước, hiếu với dân” là kết tinh truyền thống tốt đẹp hàng nghìn năm của dân tộc và tư tưởng cách mạng tiên tiến của thời đại, là sự khái quát, cô đọng nhất  bản chất cách mạng của quân đội ta, quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.

Sau này, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập quân đội (22/12/1944 -22/12/1964), trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại khẳng định lại lần nữa “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng...".

Lời căn dặn của Người đã trở thành mục tiêu, lẽ sống cao đẹp của quân đội ta trong suốt 65 năm qua.

Truyền thống vẻ vang của nhà trường được khái quát cô đọng trong 6 chữ vàng “Trung với nước, hiếu với dân”, được thể hiện trong các nội dung học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với các đơn vị, với chiến trường - dạy tốt, phục vụ tốt, rèn luyện tốt, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ, tự lực tự cường, độc lập, sáng tạo, đoàn kết nhất trí.

Phần thưởng được Đảng, Nhà nước trao tặng:
- Huân chương Hồ Chí Minh
- 4 Huân chương Quân công
- 7 Huân chương Chiến công
- 3 Huân chương Lao động.
- Huân chương Tự do do Nhà nước CHDCND Lào tặng.
- 4 giáo viên được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
- Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trần Thị Hường

(Theo Trang thông tin điện tử của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)
Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
menthuong
Thành viên
*
Bài viết: 411


Nhất tướng công thành vạn cốt khô


« Trả lời #35 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2009, 11:29:10 am »

Câu nói khái quát về Bản chất, truyền thống của Quân đội ta được Bác Hồ nói lần đầu vào tháng 5 năm 1946. Lần ấy khi nói chuyện tại trường võ bị Trần Quốc Tuấn, Bác đã nói: "Trung với nước,Hiếu với dân là một bổn phận thiêng liêng,một trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là vinh dự của người chiến sĩ trong quân đội quốc gia đầu tiên của nước ta".

Từ sau ngày thành lập, qua nhiều thời kì, quân đội ta mang nhiều tên khác nhau. Cũng trong thời gian đó Bác đã hoàn thiện dần theo từng bước về bản chất,truyền thống của quân đội ta.

Cho đến năm 1964, Bản chất, truyền thống của Quân đội ta được Bác Khái quát bằng câu nói: "Quân đội ta trung với Đảng,hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc,vì chủ nghĩa xã hội.Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành,khó khăn nào cũng vượt qua,kẻ thù nào cũng đánh thắng "

Câu đó được Bác nói Ngày 22 tháng 12 năm 1964 vào dịp Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam trước đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các tướng lĩnh, đại diện quan khách Quốc tế và trong nước tại Nhà khách Bộ Quốc Phòng, Hà Nội.

Lời tuyên dương của Bác thể hiện: 

- Bản chất của Quân đội ta: là Quân đội nhân dân,từ nhân dân mà ra,vì nhân dân mà phục vụ;luôn Trung với Đảng,Hiếu với dân.

- Nhiệm vụ của Quân đội ta: Trung với Đảng,Hiếu với dân, chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc,vì chủ nghĩa xã hội.

- Lý tưởng của Quân đội ta : sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc,vì chủ nghĩa xã hội.

- Truyền thống của Quân đội ta : Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành,khó khăn nào cũng vượt qua,kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Lịch sử 60 năm qua đã chứng tỏ QĐNDVN được xây dựng và chiến đấu,công tác theo sự dẫn đường của tư tưởng đó và đã xây dựng nên truyền thống vẻ vang. Chính bản chất và truyền thống đó ,chúng ta đã xây dựng được hình tượng đẹp tuyệt vời,đó là danh hiệu cao quý "Bộ đội Cụ Hồ" mà nhân dân đã trìu mến gọi những người lính con em mình.

Vấn đề này tôi hiểu như vậy có gì chưa thấu đáo và trong QSVN đã nêu rồi tôi chưa đọc đến xin được thứ lỗi . Mong tiếp tục làm rõ.
Logged

menthuong
Thành viên
*
Bài viết: 411


Nhất tướng công thành vạn cốt khô


« Trả lời #36 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2009, 04:30:25 pm »

Ngày 26/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tận tay trao tặng Trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn lá cờ đỏ thêu sáu chữ vàng “Trung với nước, hiếu với dân” nhân dịp đến dự lễ khai giảng khóa đầu tiên của trường tại Sơn Tây. Người căn dặn: “Trung với nước, hiếu với dân” là bổn phận thiêng liêng, một trách nhiệm nặng nề, nhưng cũng là một vinh dự của người chiến sĩ trong đạo quân quốc gia đầu tiên của nước ta.
(Theo Trang thông tin điện tử của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)
Cơ bản là cội nguồn của vấn đề là "Tuổi mười sáu Đảng vào bí mật"

Sau khi giành chính quyền vào 19/8 và tuyên bố Độc lập vào ngày 02/9/1945, trong điều kiện trứng nước, chúng ta đứng trước bao khó khăn thách thức, phải đối phó với rất nhiều loại kẻ thù. Để tranh thủ thời gian chuẩn bị, để gạt mũi nhọn tiến công của kẻ thù vào Đảng, ngày 11/11/1945, Đảng ta tuyên bố tự giải tán. Do đó mọi danh xưng về Đảng thời gian này đều không được nói rõ, cần thiết chỉ gọi là "đoàn thể".

Về mặt chính quyền, sau khi được bầu ra tại cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946, Quốc hội đã họp Kì thứ Nhất ngày 02/3 thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến với 10 bộ do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch với nhiều thành viên là những nhân sĩ, 4 ghế Bộ trưởng dành cho bọn “Việt Quốc”, “Việt Cách”.

Nhưng sự thật là Đảng không giải tán mà rút vào hoạt động bí mật. Bộ phận công khai của Đảng được xuất hiện với danh hiệu Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương. Thực hiện sách lược “bôi trắng cái đầu”, Bộ trưởng Quốc phòng giao cho Luật sư Phan Anh, Bộ trưởng Nội vụ giao cho nhà trí sĩ Huỳnh Thúc Kháng. Về thực chất, Đảng vẫn giữ vững vai trò lãnh đạo chính quyền và nhân dân, đặc biệt là lực lượng quân đội, công an. Tháng 01/1946 Trung ương Quân uỷ được thành lập do đ/c Võ Nguyên Giáp làm Bí thư có nhiệm vụ giúp Trung ương Đảng lãnh đạo và tổ chức quân đội thì mọi hoạt động của Quân đội đều do Quân ủy quyết định; các công tác lớn của Công an vẫn do đ/c Võ Nguyên Giáp, đ/c Trường Chinh và Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo.

Chính vì thế mà vào ngày 26/5/1946, khi đến thăm trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn trong dịp đến dự lễ khai giảng khóa đầu tiên của trường tại Sơn Tây , Chủ tịch Hồ Chí Minh đa trự tiếp lá cờ đỏ thêu sáu chữ vàng “Trung với nước, hiếu với dân” .

Hay khi viết về Tư cách người Công an cách mệnh, Bác đã viết : Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.

"Nước", "Chính phủ" đây chính là Đảng. Như thế ngay trong điều kiện cần giữ bí mật, đảm bảo được yêu cầu về sách lược, Bác vẫn không quên tính cách mạng vô sản trong bản chất giai cấp của DDND, CAND. Một lần nữa phẩm chất, bản lĩnh Hồ Chí Minh ngời sáng ở rất nhiều vấn đề trong những câu nói rất ngắn.
Logged

Napoléon Bonaparte
Thành viên

Bài viết: 3



« Trả lời #37 vào lúc: 29 Tháng Sáu, 2010, 02:10:39 am »

Chính xác ra phải là "trung với nước - hiếu với dân" vì có nước mới có Đảng Cheesy
Logged

Lập trường, tư tưởng vững vàng. Không hoang mang, dao động trước mọi khó khăn thách thức.
Trang: « 1 2 3 4   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM