Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Năm, 2024, 07:35:20 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phan Đình Phùng  (Đọc 40614 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #40 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2010, 09:01:09 pm »


Phần XIV
Ô HÔ! CAO THẮNG


Trong lúc nghĩa quân đang có thế mạnh sức to, làm xao xuyến lòng người và tràn lan khắp xứ, khiến nhà được cuộc Bảo hộ đang phải nhọc nhằn lo ngại, không biết có dẹp được không, và bao giờ mới dẹp được; trong lúc nghĩa quân đang cần người có trí để giúp đỡ cụ Phan về việc sai khiến tướng sĩ, liệu lượng binh cơ, thì chợt có một cái tang rất đau đớn, rất thiệt hại, dời đổi cả đại cuộc, rung động cả toàn quân: cái tang Cao Thắng tử trận. Cao Thắng là một người có tài to chí lớn thế nào, ai nấy đọc mấy đoạn trên kia đã biết; nghĩa quân đang cần phải có ông, đang phải dựa vào ông làm một bức tường thành, bỗng thiếu mất ông đi, tức là nghĩa quân thiếu mất linh hồn, kém hẳn thực lực, không phải vừa.

Hồi đó đã trải năm năm tích tụ, năm năm dạy dỗ, Cao Thắng ngó thấy nghĩa quân có khí giới, có lương thực, có công phu tập luyện khá rồi, tuy không phải được dư lực chi, nhưng cũng đủ chống cự với quân Pháp trong một thời gian. Bởi vậy ông suy nghĩ nếu mà nghĩa quân cứ chui nhủi lẩn quất ở trong rừng núi mãi, không lấn bước lên thì đến bao giờ mới chiếm cứ được một tấc đất làm căn bản hẳn hoi để đổi lấy việc lớn. Đã không lấn được thì làm sao khỏi có ngày phải thụt lùi, phải hư hỏng. Vậy thì bây giờ, theo ý ông muốn, nghĩa quân tất phải kịch liệt tấn công một phen thế nào, chớ cứ ở mãi trong rừng núi như thế này, tuy là đất của mình thật, nhưng bốn phía đều có quân Pháp bao bọc, siết cứng lấy mình, thành ra mình không khác chi con chim ở trong lồng, con cá ở trong chậu, vẫy vùng gì được? Suy nghĩ vậy rồi Cao Thắng vào hầu cụ Phan để bàn về việc tấn công, huyết chiến một phen xem sao.

- Ý của ông muốn đem quân ra đi, ông muốn đánh đất nào trước?

- Tôi xin đi đánh tỉnh Nghệ trước.

- Tại làm sao lại đánh tỉnh Nghệ trước?

- Vì quân Pháp đối địch với ta, lấy tỉnh Nghệ làm nơi căn bản, đóng quân và tích lương ở đó rất nhiều, một là để chống giữ ta ở mặt Hà Tĩnh, Quảng Bình, hai là để chặn đường không cho giao thông thanh khí với ngoài Bắc. Ngày nay, nếu ta ngồi mà giữ đây mãi, đã chẳng phải là kế cứu an, mà lấy già khích động được lòng người, mưu toan được việc lớn. Bao nhiêu nghĩa Đảng trong nước bây giờ, đều trông ngóng vào ta mà định bước lui tới; đến sức khá như ta mà cứ ngồi yên, thì họ cũng không dám động, nay nếu ta động thì tất là họ ùa theo, chắc sẽ bùng lên có thế mạnh lắm. Vả chăng lấy rừng núi làm chỗ sáng tạo thì được, chứ làm chỗ thủ thành không xong, vì quân Pháp chẳng cần gì đánh ta, cứ bọc vây ở ngoài trong ít lâu, chẳng cần phải hao phí một tên lính, một viên đạn nào, có thể khiến cho ta ở trong tuyệt lương, bí đường, tự nhiên lần hồi ta phải tan, phải chết. Tiểu tướng dám quyết đoán rằng thế nào địch quân cũng dùng tới cái kế không cần đánh mà rồi thắng trận thành công như thế đó. Bởi vậy, nghĩa quân ta phải ra tay trước để mở lấy một sinh lộ mới được.

- Nhưng nếu ra đánh tỉnh Nghệ, mà Pháp kéo quân ở trong ra, ở ngoài vô rồi hai mặt đánh đổ dồn lại, thì tướng quân lấy gì mà chống cự cho nổi?

- Điều đó tiểu tướng đã suy nghĩ kỹ càng rồi. Tôi chỉ cần chống cự với mặt quân ở ngoài Bắc vào, còn mặt trong tôi không sợ. Trong khi tôi tiến binh lên thâu phục tỉnh Nghệ An, tôi sẽ xin chủ soái truyền lệnh cho các quân thứ đều cử binh một lượt, không cốt gì đánh nhau, nhưng chỉ làm ra bộ lâm le đánh phá hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, làm vậy để chia sức quân Pháp đi, họ không để hết tâm lực đến mặt Nghệ An được. Vả lại, nghĩa binh ta ra đánh bây giờ, cần phải liều chết mà đánh cho thiệt là thần tốc khiến cho địch quân chẳng kịp trở tay, thì sự đánh hạ được thành Nghệ An có lẽ cũng là việt dễ. Hễ, hạ được Nghệ An rồi, tức khắc các đạo quân thứ ta thừa cái thắng thế ấy mà trường khi đại tấn, lên chiếm hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh nữa. Bọn nghĩa sĩ các tỉnh thấy vậy, tất là họ nức lòng mà cùng nổi lên tứ tung, quân Pháp có ba đầu sáu tay cũng phải bối rối. Rồi cụ đem đại binh đóng ở Quảng Bình đón đường chống cự với quân ở trong kinh ra, tôi xin ở Nghệ An để giữ vững mặt ngoài, nếu nghĩa quân ta giữ chặt được giải đất như thế làm chỗ nương thân làm nơi căn cứ, may ra có thể làm nên việc lớn được.

- Ví dụ lấy được Nghệ An rồi mà Pháp đem quân do đường thủy tới, thì ông lấy gì mà cự địch?

- Việc đó tôi cũng đã nghĩ tới rồi, Bây giờ tôi đã có cách ngăn giữ không cho quan Pháp đem tàu vào cửa biển được.

- Song quân ta hiện nay còn yếu thế lắm, sợ đi thì có điều bất lợi.

Cụ Phan nói câu ấy, là ý không muốn cho Cao Thắng đi, nhưng ông nói lớn rằng:

- Đại trượng phu đến chết là cùng, chứ có điều chi mà phòng sợ!

Rồi Cao Thắng năn nỉ một mực xin đi, cụ Phan phải cho. Vả chăng, nhân hồi bấy giờ, ở quân thức phủ Anh Sơn tỉnh Nghệ An là Nguyễn Mậu trù liệu việc quân lương có hơi chậm trễ, nên cụ cũng bằng lòng cho Cao Thắng đi để thu xếp việc đó luôn thể.

Cao Thắng bèn chọn lấy một ngàn quân cường kiện, luyện tập lại cho thật giỏi, theo như binh pháp của người Pháp. Duy có quân phục thì ông cho mặc toàn sắc đỏ, vì ông lấy nghĩa rằng; phương Nam ta thuộc về Hỏa, còn phương Tây thuộc về Kim, nay lấy hỏa khắc kim nghĩa là lấy lửa nung vàng cho chảy ra, cho nên lấy sắc đỏ làm quân phục, là để tượng về hỏa vậy. Đối với quân sĩ, ông chỉ có một cái quân lệnh rằng: “Hễ ai ra trận mà lùi lại thì chém đầu”. Chính ông ra trận cũng không bao giờ chịu đi sau, bao giờ cũng xông pha lửa đạn mà lên trước, khiến cho quân lính đều nức lòng. Mỗi lần đánh nhau mà ông thường thắng là nhờ có cái can đảm ấy, nhưng kể ra ông cũng khinh sinh quá. Quân lính xưa nay, không những phục ông là người đại tài mà lại quý mến ông là người có độ lượng, vì đối với quân lính, ông lấy tình như anh em, khiến họ rất cảm phục, cho nên lần này ông ra binh, ai cũng vui lòng theo, không ngần ngại một chút nào.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #41 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2010, 09:02:44 pm »


* * *

Ông chia quân ra làm hai đội: ông và ông Nguyễn Niên đi tiên phong, còn em ruột ông là Cao Nữu dẫn một nửa đi làm hậu đội, rần rộ theo đường thượng đạo mà kéo đi, trông thẳng tỉnh Nghệ tấn phát. Con đường từ đó về tỉnh Nghệ có nhiều đồn trại của lính Bảo hộ đóng để phòng cự Văn thân.

Đi giữa đường gặp đồn nào là Cao Thắng đánh phá đồn ấy, đánh nhau lâu là nửa ngày, mau là một giờ hay vài giờ đồng hồ là ông phá được. Ông đã phá được mấy đồn như thế. Trên kia đã có đoạn nói ông Cao Thắng vốn là người có tiếng anh hùng, lính tập Bảo hộ đều biết, và có ý kiêng sợ, cho nên mỗi khi họ tuần tiễu mà gặp quân ông, họ không dám ham đánh lắm, đều gọi ông là “hổ tướng”.

Sau khi đánh phá mấy đồn rồi, Cao Thắng kéo quân ngang qua một đồn đó gọi là đồn Nỏ. Trong đồn chỉ có độ một trăm lính tập mà thôi. Viên quan coi đội lính này, là một người mình, trước làm chánh quản, sau được thăng chức làm quan một lon, gọi là quan một Phiếu. Phiếu nguyên trước cũng ở trong nghĩa đảng, có cơ mưu lắm, sau ra đầu hàng Bảo hộ rồi đem thân vào hàng ngũ, lập nhiều chiến công, thành ra được làm tới quan một. Người Pháp tin dùng Phiếu mới cho Phiếu đóng ở Nỏ là một chỗ hiểm yếu nằm ngay giữa đường, hễ địch quân nào có phá được đồn này thì mới có lối đi tới.

Phiếu nghe tin báo rằng ông Cao Thắng sắp kéo quân đi qua, liền dự bị cách nghênh địch. Và tự biết rằng quân mình ít, nếu ra đường trường mà đánh nhau với quân Cao Thắng, thì chắc là thua, bèn nghĩ đến cách “hư hư thực thực” để đánh ông. Cũng là lúc trời muốn giết ông, cũng là lúc trời không cho việc cách mệnh của cụ Phan gượng gạo được lâu nữa, nên chi đến đây Cao Thắng bị mắc mưu mà tử trận. Thương hại thay!

* * *

Phiếu chia quân ra làm hai cánh: một cánh ở trong đồn nhưng khi quân Cao Thắng đến đánh thì cứ bình tĩnh như thường, không được náo động hay cự chiến gì hết, mặc kệ nghĩa quân cứ việc phá đồn, để chờ cho đến tối sẽ hay; còn một cánh thì ra mai phục ở ngoài đồn, cách độ hai ba cây số, hễ lúc nào thấy trong đồn có hiệu riêng là một ngọn đèn sáng ở trên cột cờ, ấy là lúc trong đồn ra hiệu cho ngoài biết rằng trong đồn bắn ra, thì quân phục binh ở ngoài mới được bắn vào sau lưng nghĩa quân Cao Thắng. Bố trí đâu đó rồi, Phiếu chỉ chờ đạo nghĩa quân Cao Thắng đến.

Cao Thắng thừa được thế thắng ở mấy đồn kia, kéo quân trực chỉ đồn Nỏ. Nghĩa quân đến nơi nhằm lúc xế chiều một chút. Nhưng Cao Thắng chẳng thấy động tĩnh gì hết, ban đầu tưởng là quân trong đồn đã sợ mà bỏ đi rồi, sau ông suy nghĩ cũng còn sợ kế mai phục gì chăng, nên không dám cho quân lính tràn tới, đành phải đóng binh lại, để chờ tình hình xem sao đã.

Một lát, trong đồn có người chiếu ống dòm ra ngoài. Cao Thắng lanh mắt ngó thấy, biết rằng lính đồn cố sức giữ, bấy giờ ông mới hô quân đánh đồn. Mấy trăm khẩu súng chỉ thẳng vào đồn mà bắn như mưa rào, mà trong đồn cứ im phăng phắc, không có một tiếng súng nào bắn ra. Nghĩa quân hai ba lần muốn xông pha hãm thành, nhưng rồi lại thôi. Mãi đến trời tối một lúc, thấy trong đồn kéo lên một ngọn đèn cao, rồi thì ở trong bắn ra, Cao Thắng hô quân nằm rạp xuống đất mà ứng chiến. Quân trong đồn đều núp chỗ kín, ngó ra thấy ngọn lửa của nghĩa quân lập lòe ở chỗ nào, là nhắm theo chỗ ấy mà bắn; còn nghĩa quân ở ngoài chỉ bắn phỏng vô phía đồn, chứ không biết là có tin hay không. Lính tập mai phục ở ngoài đồn, thấy hiệu đèn sáng, bắt đầu chĩa súng ngay sau lưng nghĩa quân mà bắn. Nghĩa quân đang đánh đồn, chợt thấy đằng sau cũng có tiếng súng nổ liên thanh, nghĩ rằng có quân Pháp ở đâu đến cứu viện, mà trời tối đen như mực, không biết là viện binh ấy nhiều ít thế nào, chỉ biết là trước sau đều bị đánh cả, khiến cho lòng quân đã hơi biến loạn. Cao Thắng thấy sự thế như vậy, sợ quân sĩ nếu không quyết tử chiến thì không xong, ông liền nhảy lên mà hét lớn:

- Lúc này chúng ta không đánh mà chết, còn đợi đến bao giờ.

Tức thời, ông chia quân ra làm hai đội, một đội thì cứ việc đánh đồn, còn một đội quân thì để cự địch với quân mai phục gọi là quân viện binh ở đằng sau: mỗi đội gồm độ 150 người. Vì tiếng là ông đem 1.000 binh, nhưng do hai ông Nguyễn Niên và Cao Nữu quản xuất nhiều hơn, và tấn binh do đàng khác, chưa hội hiệp nhau. Chính ông Cao Thắng thúc giục quân lính xông tới hãm đồn, và tự ông xông pha lên trước, thành ra bị viên đạn ở trong đồn bắn ra, trúng ngay bên bụng, ông liền ngã ra. Quân sĩ thấy ông chủ tướng bị đạn rồi, không ai dám ham đánh nữa, mau mau rút đi, hiệp với đạo quân sau vừa đánh vừa lui. Quân trong đồn và quân mai phục ở ngoài, biết nghĩa quân chạy lùi, tuy họ trông ra không thấy gì hết, nhưng cứ bắn phóng theo, làm cho nghĩa quân trúng đạn chết nhiều. Có điều là lính tập trong đồn, ngoài đồn tuyệt nhiên không biết là Cao Thắng bị đạn mà nghĩa quân tháo lui.

Nghĩa quân cõng ông Cao Thắng chạy mãi đến mấy chục dặm, mới tạm đóng binh ở trong một làng gần bên núi để lo cứu chữa thương tích cho ông. Lúc bấy giờ ông hãy còn sống, nhưng mà bị đạn trúng vào mạng mỡ, đau lắm, đến nỗi mê man, không nói được câu gì nữa. Quân sĩ dùng hết mấy món thuốc cứu thương đem theo, và lại hái lá này lá kia để rịt chỗ thương tích, nhưng cũng vô công hiệu. Cao Thắng nằm mê man thiêm thiếp sau mấy giờ đồng hồ bỗng dưng thấy ông mở mắt ra nhìn quanh chư tướng, nước mắt tràn xuống hai bên gò má, thở dài mấy tiếng rồi mất. Ngày ấy chính là ngày tháng 10 năm Quý Tỵ (1893), ông mới có 29 tuổi. Than ôi! Trời xanh không tựa, tuyệt đấng anh hùng, hòn đạn vô tình, giết người chiến sĩ. Thảm thay!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #42 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2010, 09:08:07 pm »


Tin dữ báo gấp đến Ngàn Trươi, cụ Phan khóc lóc kêu gào rất là thảm thiết:

- “Trời hại tôi! Ông Cao Thắng ôi! Trời hỡi trời!”

Tức thời cụ truyền lệnh phải đem di hài ông lên Ngàn Trươi để làm lễ an táng. Cụ dự bị việc tang rất là trọng thể.

Ba ngày sau, quan tài Cao Thắng chở về đến đại doanh, cụ Phan mặc áo trắng ra đón tận cửa ngoài, hai tay vỗ vào quan tài mà gào khóc, gần muốn đứt hơi té xỉu. Tướng sĩ cũng khóc như mưa, vì không ai không thương tiếc Cao Thắng.

Quan tài đặt giữa Nghị sự đường, chư tướng cắt phiên nhau ngày đêm tay cầm gươm trần đứng thị kinh hai bên. Chính tay cụ Phan viết hai câu ai liễn để thờ:

Câu thứ nhất

Vi tiệp tiên tử, thiên ý vị hà,
Hữu chí phất thành, anh hùng dĩ hĩ.


Câu thứ hai

Công cầu tất thành, kích tiếp thệ tảo thanh quốc tặc
Sự nan dự liệu, cứ yên tích dĩ thiểu tư nhân.


Hai câu liễn đều có tình tứ lâm ly thống thiết. Đại ý cụ than khóc rằng ông Cao Thắng theo cụ ra khởi nghĩa binh từ lúc đầu, có chủ tâm quyết thắng để khôi phục cái quyền độc lập của nước mình, nay không ngờ chí lớn của ông chưa thỏa, công nghiệp định làm chưa thành, mà trời đã vội cướp người anh hùng đi, không biết rằng ý trời nghĩ ra làm sao! Cụ lại có ý than tiếc ông Cao Thắng là chân tay của cụ, cụ dựa nương trông cậy ông được nhiều công việc, nay không dè đâu ông đã sớm chết, làm cho dưới trướng của cụ thiếu mất một người có tướng tài, thật là đau đớn.

Cụ Phan sai ông Võ Phát (tục gọi là Bang Nhu, đóng quân ở hạt Kỳ Anh, sau thất trận bị bắt rồi bị chém tại Kinh) soạn một bài văn tế bằng quốc âm.

Chính ngày đại táng cụ Phan thắp nhang thân tế ông Cao Thắng ba tuần, rồi đứng đó bưng mặt lại khóc hu hu, làm cho tướng sĩ ba quân cảm động quá cũng phải khóc theo, vang động một góc núi non. Nhất là những người lính đi đánh trận với ông được sống sót trở về, càng xót thương gào khóc lớn. Họ nói ông Cao chết oan, chết uổng, chết thay thế cho họ, vì nếu ông đừng xông pha ra trước sĩ tốt thì viên đạn ác nghiệt kia có phải về phần ông đâu!

Bài văn tế cụ Phan tế Cao Thắng như sau:

Than rằng: 

Thanh bữu kiếm mười năm sẵn có, đấng anh hùng dùi mài mãi chưa thôi.

Áng nhung trường một phút như không, con tạo hóa ghét ghen chi lắm thế!

Nghĩa đồng ưu tưởng lại luống đau lòng

Tĩnh loãng điếu nghĩ càng thêm rơi lệ.

Nhớ Tôn linh:

Hào kiệt ấy tài,

Kinh luân là chí,

Vén mây nửa gánh giang san

Vỗ cánh bốn phương hồ thỉ,

Gặp quốc bộ đang cơn binh cách, nghĩa giúp vua chung nỗi ân ưu,

Bỏ gia đình theo việc nhung đao, lòng đánh giặc riêng phần lao tụy;

Địa bộ muốn theo dòng Nhạc mục
1, thét nhung bào từng ghê trận oai linh,

Thiên tài toan học chước Võ hầu
2, chế súng đạn biết bao chừng cơ trí;

Ơn quân tướng Đổng nhung vâng mạng, cầm ấn quan phòng,

Tước triều đình Chưởng vệ gia phong, kéo cờ tân chế;

Những chắc rằng: ba sinh có phước, hăm hở mài gươm chuốt đá, chí khuông phò không phụ với quân vương.

Nào ngờ đâu! Một sớm không chừng, mơ màng đạn lạc tên bay, trường chiến đấu biết đâu là số hệ;

Trong ba kỷ
3 xuân thu tuy chửa mấy, trên yên ngựa đòi phen roi thét, trọng cương thường quyết mở mặt nam nhi.

Ngoài mươi sương, sự nghiệp biết chừng nào, trước cửa viên bỗng chốc sao sa, thu linh phách vội cướp công tráng sĩ,

Non thiên nhận phất phơ hơi gió thổi, thương người tiết nghĩa ngậm ngùi thay.

Nước tam thoa thấp thoáng bóng trăng soi, nhớ kẻ trung trinh ngao ngán nhẻ.

Thà chết nữa song tay địch khái
4 theo về tổ phụ ấy cùng vinh.

Kìa sông như mấy kẻ hàng di, ở với tinh chiên càng thêm bậy.

Nay nhân:

Chung thất tới tuần,

Thúc sô dâng lễ.

Chén rượu thoảng bay mùi chánh khí, trước dinh đều đủ mặt quan liêu.

Nén hương nghi ngút khói bạch vân, dưới án đua chen hàng cơ vệ.

Chua xót thay, hai già tuổi tác
5 ngọt bùi cậy tay em thay đỡ, khối thâm tình chưa thoát cõi hoàng tuyền.

Cám cảnh thay đàn trẻ thơ ngây, ân cần nhờ công vợ dạy nuôi, may di phúc
6 lại nẩy ngành đan quế;

 Tinh hồn ví dầu thanh sảng, hộ phen này cho tướng mạnh quân bền.

Linh hồn nếu có khôn thiêng, rồi ngày khác lại sắc phòng điện tế.

Thôi! Thôi!

Cửa tía lầu vàng đành kẻ khuất, đem thân bách chiến, để tiếng thơm cho tỏ mặt anh hùng.

Súng đồng gươm bạc mặc người còn, truyền lệnh ba quân, thét hơi mạnh để xây nền bình trị.

Thương ôi là thương,

Kể sao xiết kể.



* * *

Mãi đến mười mấy hôm sau, quan quân Bảo hộ mới biết tin Cao Thắng chết. Bảo hộ cũng biết Cao Thắng chết là cái thực lực của cụ Phan có giảm đi, nên chi càng ra sức tuần tiễu hơn trước.

Quả nhiên, ông Cao Thắng mất đi, thật là làm tổn thanh thế của cụ Phan, hèn chí cụ khóc rằng: “Trời hại tôi” là phải.
_________________________________________
1. Võ mục hầu tức là Nhạc Phi đời nhà Tống.
2. Gia-Cát Khổng-Minh đời nhà Hán, phong Võ hương hầu.
3. Mỗi kỷ là mươi năm, đây nói là ông chưa tới 30 tuổi.
4. Câu này nói ý cũng là một chết, như nếu ra cương trường đại chiến với người Pháp mà tử trận, thì vong linh ông được thỏa hơn là chết vào tay một người đồng bào làm cách gà chuồng bôi mặt đá nhau.
5. Ông hãy còn cha mẹ.
6. Khi ông tử trận, thì bà vợ đang có thai.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #43 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2010, 09:11:37 pm »


Phần XV
HOÀNG CAO KHẢI


Cao Thắng tử trận, cụ Phan kêu trời khóc lóc thảm thương là phải. Tôi được gặp một ông già trên 70 tuổi, chính là một người lính trong đội binh tử sĩ, sớm tối hộ vệ cụ Phan lúc đó, thuật chuyện rằng chính mắt ông được thấy ròng rã nửa tháng, bất cứ lúc nào chạnh nhớ đến Cao Thắng là cụ khóc lúc ấy. Sự cảm thương quá độ làm cho cụ mất ngủ quên ăn, không mấy bữa mà mặt võ mình gầy, khí sắc tiều tụy trông thấy. Chư tướng phải thay phiên nhau chăm nom khuyên giải mãi, cụ vẫn không nguôi cơn nhớ thương phiền não!

Nghĩ lại cũng không lạ gì. Bởi người anh hùng tráng sĩ đó có chỗ ỷ trọng cần dùng cho cụ như là chân tay đối với thân thể, không sao thiếu được; chẳng những vì Cao Thắng là người trí dũng ít có mà thôi, lại chính là nhà kỹ sư, một tay giám đốc chế tạo súng đạn là món cần nhất; mấy nghìn tướng sĩ trông cậy vào đó, trọn cả phong trào để kháng quan hệ ở đó. Nay bỗng dưng người ấy mất đi, đáng thương tiếc là một tướng tài đã đành, mà kiếm người thay thế còn có; chứ đáng thương tiếc là một kỹ sư quân giới thì nhiều hơn, mà lại không có ai thay thế nổi. Như vậy bảo cụ Phan không khóc thương sao được?

Huống chi cụ vẫn tự nghĩ mình tuổi cao sức yếu, tính mệnh còn mất chẳng biết đâu là sớm chiều, trong trí định sẵn một mai phó thác đại sự cho Cao Thắng cũng như ngày xưa Khổng Minh phó thác công việc phục hưng Hán thất cho Khương Duy vậy. Nhưng đàng kia Khổng Minh còn may phó thác cho Bá Ước được ít năm, còn đầu này một người đang cường kiện, thanh xuân lại bị số mệnh rước về trước một ông già đã da mồi tóc bạc. Đó là một lẽ khác, khiến cho cụ Phan càng thêm thương khóc Cao Thắng.

Cây cột cái của tòa nhà đổ mất, làm sao tòa nhà khỏi bị xiêu vẹo rung rinh. Cao Thắng chính là địa vị cây cột cái của đại sự họ Phan đang làm, cho nên tôi nói Cao Thắng giữa đường mất đi rất có ảnh hưởng đến nguyên khí và thực lực họ Phan phải vì đó mà lung lay, thiệt thòi, suy kém.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #44 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2010, 09:12:17 pm »


* * *


Tuy vậy, thanh thế nghĩa quân bề ngoài vẫn còn sung túc oanh liệt, vẫn còn lên xuống gầm thét ở miệt thượng du Nghệ Tĩnh, sức của Bảo hộ dù mạnh gấp trăm gấp nghìn, nhưng không dễ một chốc quét sạch phá tan được.

Mặc dầu binh lính nhà nước bôn ba công kích luôn luôn nhọc nhằn, mặc dầu có những hạng tùy thế lập công như các Tiễu phủ sứ Lê Kinh Hạp, Phan Huy Nhuận, Đinh Nho Quang từng bày hết chước này tới mưu kia, nhưng nghĩa quân vẫn cứ đối lũy giao phong, chưa chịu đuối hơi lui bước.

Lịnh sử thiên hạ xưa nay, không hề có một cuộc chinh phục ở đâu mà người ta không chiêu nạp lợi dụng ngay những kẻ sinh trưởng ở đó làm quân sĩ, làm mưu thần, làm sai nhân, làm hướng đạo, tước lộc vàng bạc đàng này đổi lấy mưu mô công sức đàng kia. Những hạng người khéo biết hay là đành phải lựa gió bẻ măng, thuận buồm xuôi nước, đời nào không có, xứ nào không có. Xưa kia, tổ phụ chúng ta còn oanh liệt, những lúc ta đi chinh phục Chiêm Thành, Chân Lạp, cũng phải cần có ít nhiều thổ dân hai xứ ấy làm sai nhân mưu sĩ cho mình chứ sao? Nó là một công lệ tự nhiên ở trong các cuộc chinh phục người ta, có đâu qua khỏi.

Thời, cuộc Bảo hộ mới định ban đầu ở nước ta cũng thế.

Nhưng nói gì nên nói cho công bằng: trong những người bản thổ trước đây tùy thế lập công và bày mưu hiến kế cho Bảo hộ về công việc bình định đảng nghịch, tiễu trừ Văn thân, có người biết sự cưỡng lại cũng vô ích, cho nên đành phục theo thời thế mà mưu lợi cho nước cho dân; có người không biết lẽ đó, chỉ dựa lấy thời thế oai quyền, trở lại nhiễu hại nhân dân, sính làm họa phước.

Hạng dưới này, đối với việc phá hoại cụ Phan, không để sót tâm lực gì không đem ra, không còn thiết mưu kế nào không bày sử. Họ dư biết phong trào Văn thân cụ Phan làm chủ còn như cây đinh trước mắt, như bụi gai trên đường của Bảo hộ, nếu họ bày mưu nghĩ cách gì phá tán đi được, tức là cơ hội cho họ nên công danh to, được phú quý lớn.

Trước hết họ tìm kiếm tảo trừ vây cánh Văn thân.

Cuộc vận động để kháng cự Văn thân Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ mà cụ Phan Đình Phùng chủ trì, sở dĩ có cơ sở, có thinh thế, tràn lan được rộng, và chống đỡ được nhậy, là nhờ có lòng dân quy phụ, sức dân giúp ngầm rất nhiều. Ngoài ra những người là bậc kiện nhi tráng sĩ không từ sống chết, bỏ hết gia hương, đi theo Văn thân một cách phân minh, còn những người vẫn an cư lạc nghiệp ở nhà, hình như vô tâm vô sự, nhưng kỳ thiệt là ngấm ngầm hưởng ứng tán trợ Văn thân bằng tinh thần, bằng tiền bạc lúa gạo, bằng sự bôn tẩu hô hào, đó là vây cánh gián tiếp của Văn thân, có lẽ không một làng xóm nào không có ít nhiều.

“Muốn trừ Văn thân, ta hãy lo chặt vây cánh của Văn thân trước”, bọn tùy thế lập công suy nghĩ như thế, bèn ra tay trấn áp ở trong dân gian, hoặc là bắt bớ hành hạ những ông già bà cả nào có thân nhân tử đệ đi theo Văn thân, để cho thân nhân tử đệ xót tình máu mủ thì phải đâm đầu thò mặt ra hàng phục; hoặc là giam cầm trừng phạt những nhà có tư cơ sự sản đáng nghi là có bí mật quan hệ với đảng Văn thân. Lúc đó dân gian Nghệ Tĩnh ở giữa cái không khí tao nhiễu kinh hoàng bao phủ nồng nực khó thở. Phải chi người ta đàn áp trừng trị những kẻ thiệt có con em đi theo Văn thân, hay là thiệt có giúp ngầm Văn thân, thì chẳng nói làm gì, vì lẽ mạnh được yếu thua, tội ai làm nấy chịu, là lẽ tự nhiên ở đời; những đàng này bọn tùy thế lập công, làm oai làm dữ lung tung, muốn bắt ai thì bắt, muốn chém ai thì chém. Giữa lúc thiên hạ loạn ly, mạng người rẻ như cỏ rác, nhất là người có máu mặt, người có tiền dư, và người có tư hiềm cừu oán chút xíu gì với quan Tiễu phủ sứ và bộ hạ các ngài là dễ bay đầu mất mạng như chơi.

Thiệt vậy, hồi này thiếu gì người bị bắn, bị tù, bị đày, bị chết một cách oan uổng, chỉ vì lẽ có sự sản, có hiềm thù, chứ thật sự người ta không tội lệ gì, cũng không dính líu xa gần chi với Văn thân.

Ta nên công bình nhìn nhận rằng sự hình phạt lung tung oan uổng nhân dân như thế phần nhiều chẳng phải là quan Pháp, lính Pháp, mà chính là người Nam lính Nam, gọi chung là bọn tùy thế lập công đó.

Họ ra tay chặt vây cánh Văn thân đến thế, mà sao phong trào Văn thân cũng sôi nổi chưa yên, binh lính Bảo hộ vẫn phải đi đánh dẹp nhọc nhằn chưa xong? Té ra mưu kế của bọn tùy thế lập công chỉ làm cho dân gian tao nhiễu bất bình thì có, chứ không thâu được nhiều ít hiệu quả gì theo họ trù tính.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #45 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2010, 09:12:48 pm »


Chặt vây cánh của cụ Phan mà cụ Phan không ngã, họ bèn tính cách sao đánh ngay vào bản thân cụ Phan; nhưng cách đó không phải dễ dàng thực hiện, họ nghĩ ra cái thủ đoạn lạ lùng, muốn gián tiếp đánh ngã cụ là hành hạ nắm xương của tổ tiên cụ ở dưới đất. Họ nói với Pháp thế này:

- Bẩm, phong tục ở xứ chúng tôi, mồ mả đất đai ông bà rất có quan hệ đến sự sinh tử họa phước của con cháu đang sống. Cứ khai quật mồ mả ông cha nhà nào lên, tự nhiên con cháu nhà ấy đang giàu hóa nghèo, đang lành phải đau, đang an phải nguy. Phan Đình Phùng có lòng son gan sắt, mạnh khỏe cố chấp đến đâu cũng phải lo nghĩ đến phần mộ tổ tiên nhà mình, nay cứ đào lên, tất sao ông cũng phải nao núng động hệ tới bản thân, không ra đầu hàng thì cũng bệnh tật suy vi mà chết!

Trong ý họ tin chắc rằng cứ khai quật phần mộ rồi sai người chiêu hàng, bề nào họ Phan cũng phải vì đạo hiếu, vì việc nhà, quăng gươm cổi giáp quy hàng, cho nên họ mới đành tâm hiến tới mưu kế như thế.

Ai cũng phải cho là một mưu kế quá ư nhẫn tâm, vì nếu việc làm của Phan có phải là trái thời và đắc tội chăng nữa thì cũng chỉ một mình cụ đắc tội mà thôi, chứ nắm xương khô của tổ tiên cụ dưới đất có tội gì đâu, mà họ nỡ bày sử khai quật lên cho đành. Thật họ có lòng muốn cho phong trào Văn thân yên đi, để xứ sở bình an, đồng bào khỏi khổ, chẳng lẽ họ không có cao tài diệu sách gì để giúp đỡ Bảo hộ và mưu lợi cho dân khác hơn hay sao, lại tính đến việc làm quái lạ thế ấy?

Hồi đó nhằm khoảng tháng 9 năm Giáp Ngọ (1894), một viên Tiễu phủ sứ (cố nhiên là người Việt Nam) dẫn một toán lính Bảo hộ và quan huyện sở tại về làng Đông Thái, kêu lý trưởng và kỳ mục ra chỉ dẫn phần mộ tiên tổ họ Phan ở chỗ nào, để họ đào lên, đem về để tại tỉnh thành Hà Tĩnh. Lại bắt giam nhiều người thân tộc của Phan nữa.

Cụ Phan ở sơn trại nghe tin, chắc hẳn trong bụng rầu buồn lắm, vì lẽ theo sự lễ giáo phong tục nước nhà thuở xưa, vẫn cho mồ mả là nơi thần thánh bất khả xâm phạm, nhưng bề ngoài cụ phải trấn tĩnh tự nhiên, để cho vững lòng tướng sĩ. Khi tướng sĩ tiếp được tin, bẩm cho cụ nghe, cụ chỉ cười nhạt mà nói:

- Ta đã tiên liệu tới sự ấy rồi, có lạ gì đâu.

Người ta đinh ninh chờ đợi tin tức xin hàng của họ Phan sai người đem lại, nhưng chờ đợi lâu không thấy động tĩnh gì, bấy giờ mới có bức thư trịnh trọng khuyên hàng đưa lên Vụ Quang.

Người hạ bút viết bức thư khuyên nhủ Phan ra hàng chính là người đồng hương, lại có tình thông gia với nhau nữa: ông Hoàng Cao Khải.

Lúc này họ Hoàng đang làm Bắc kỳ Kinh lược sứ tôn nghiêm hiển hách; người Pháp gọi là “phó vương” (vice roi). Thiếu gì người làng Đông Thái muốn tránh họa phải chạy ra Bắc, núp dưới bóng che chở và đầu thân làm môn hạ của họ Hoàng, ngay đến người trong thân tộc cụ Phan cũng có.

Xuất thân chỉ là một thầy cử nhân đậu trẻ, rồi ở nhà nhàn cư vô sự, cờ bạc chơi bời, đến nỗi bán hết gia viên điền sản, chỉ còn một nước tự tử đến nơi, họ Hoàng bỏ nhà đi ra Bắc Hà, gặp được người tri kỷ rồi cỡi voi đánh giặc, tùy thế lập công danh, thấm thoát không mấy năm mà làm tới kinh lược, phong tới quận công, ai cũng phải chịu là người có tài lớn.

Nếu cụ Phan là anh hùng muốn tạo lại thời thế mà tạo không được, thì họ Hoàng chính là anh hùng bởi thời thế tạo ra.

Cùng thời, cùng làng, hai người đi khác hẳn con đường chí hướng, mà cùng đến chỗ cực đoan, cùng có tên tuổi lớn trong lịch sử. Đối với thời thế, mỗi ông là một đại biểu cho một trào lưu tư tưởng hành vi của Việt Nam: có họ Hoàng nên khí tiết họ Phan càng rõ rệt, có họ Phan nên sự nghiệp họ Hoàng càng vẻ vang, ấy là một chỗ sắp đặt của lịch sử éo le khôn khéo lắm vậy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #46 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2010, 09:13:13 pm »


Cuối tháng 10 năm Giáp Ngọ, Hoàng Cao Khải viết thư rồi sai chính người em vợ mình vừa là ông anh con nhà bác của cụ Phan là Phan Văn Mân đem lên núi Vụ Quang. Không ai khác hơn ông này mà dám lĩnh mệnh đi sứ, nhất là đi sứ chiêu hàng, vì nếu người khác chắc là nghĩa binh làm thịt.

Mặc lòng bà con thân quyến, Phan Văn Mân phải trải nhiều lớp gian nan nguy hiểm mới vô đến đại doanh. Mới thấy ông đường huynh thò mặt vô, cụ Phan cả cười và nói:

- Anh đi làm thuyết khách cho Hoàng Cao Khải khó nhọc lắm hè!

Vì cụ đã được tin báo trước cho biết.

Cụ xem thư rồi thở dài:

- Không dè người khuyên nhủ tôi ra hàng là cố nhân Hoàng Cao. Tôi thề quyết làm việc tôi làm đây tới cùng, dầu sấm sét búa rìu cũng không làm sao cho tôi thay lòng đổi chí được, anh về nói giùm cho Hoàng Cao biết như thế. Nếu tôi không làm xong được công việc vua ủy thác, dân trông mong và không rửa hận cho khô cốt của tổ tiên ở dưới đất, thì chỉ có một cách là chết theo hoài bão tâm chí mình mà thôi.

Rồi tức thời, cụ cầm bút viết thư trả lời, trao cho ông Phan Văn Mân đem về. Lúc anh em từ biệt, cụ ân cần dặn với:

- Cũng may phước cho người đem thư chiêu hàng chính là anh, nếu là ai khác thì bộ hạ của tôi chắc làm tương mắm để gửi biếu Hoàng Cao nếm thử. Lần sau y có sai đi, anh đừng lãnh mệnh nữa nghe!

Ta đọc cả hai bức thư dịch ra dưới đây, tức như hai bức tranh phóng đại tâm tích chí khí của hai ông cùng một làng với nhau, cùng một thời thế với nhau, mà hai đàng xa cách nhau tuyệt mù không thế nào gặp nhau được là phải.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #47 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2010, 09:16:00 pm »


* * *

BỨC THƯ CỦA HOÀNG CAO KHẢI

Đồng ấp Phan Đình nguyên đại nhân túc hạ.

Tôi với ngài xa cách nhau, xuân thu đắp đổi trải đã mười bảy năm nay rồi. Dâu bể cuộc đời Bắc Nam đường bụi, tuy là mỗi người đi một ngả khác nhau, nhưng mà trong giấc mộng hồn vẫn thường thấy nhau không phải xa xôi gì. Ngồi nghĩ lại ngày trước chúng ta còn ở chốn quê hương giao du với nhau, cái tình ấy đằm thắm biết là dường nào?

Từ lúc ngài khởi nghĩa đến giờ, nghĩa khí trung can, đều rõ rệt ở tai mắt người ta. Tôi thường nghe các quý quan1 nói chuyện đến ngài, ông nào cũng phải thở than khen ngợi và tỏ ý kính trọng ngài lắm. Xem như thế thì tấm lòng huyết khí tôn nhân, tuy là người khác nước cũng chung một tâm tình ấy thôi, không phải là người cùng thanh khí với nhau mới có vậy.

Ngày kinh thành thất thủ, xe giá nhà vua bôn ba, mà ngài mạnh mẽ đứng ra ứng nghĩa, kể sự thế lúc bấy giờ, ngài làm vậy là phải lắm, không ai không nói như thế. Song, sự thế gần đây đã xoay đổi ra thế nào, thử hỏi việc đời có thể làm được nữa không, dầu kẻ ít học thức, kém trí khôn, cũng đều trả lời không được. Huống chi như ngài lại là bậc người tuấn kiệt, chẳng lẽ không nghĩ tới đó hay sao? Tôi trộm xét chủ ý của ngài, chắc cũng cho rằng: ta cứ làm theo việc phải ta biết, cứ đem hết tài năng ta có, một việc nên làm mà làm là ở nơi người, còn nên được hay không nên là ở nơi trời, ta chỉ biết đem thân này hứa cho nước, đền chết mới thôi. Bởi thế, cho nên ngài cứ việc làm tới cùng, không ai có thể làm biến đổi cái chí ấy đi được.

Có điều tôi thấy tình trạng ở quê hương chúng ta gần đây, lấy làm đau lòng hết sức. Nhân đó, tôi thường muốn đem ý kiến hẹp hòi, để ngỏ cùng lượng cao minh soi xét; nhưng mấy lần mở giấy ra rồi, mài mực xong rồi, đã toan đặt bút xuống viết rồi lại gác bút thở dài, không sao viết được. Vì sao? Vì tôi liệu biết can tràng của ngài cứng như sắt đá, không thể lấy lời nói mà chuyển động nổi. Đã vậy, lại còn khác tình, khác cảnh, xa mặt xa lòng, vậy thì lời nói của tôi chắc gì thấu tới được nơi ngài; mà dầu cho có thấu tới nơi ngài chăng nữa, đã chắc gì lọt vào tai ngài chịu nghe giùm cho, chẳng qua chỉ để cho cố nhân cười mình là thằng ngu thì có.

Nay nhân quan Toàn quyền2 trở lại, đem việc ở tỉnh ta bàn bạc với tôi, có khuyên tôi sai người đến ngỏ ý cùng ngài biết rằng: ngài là bậc người hiểu biết nghĩa lớn, dẫu không bận lòng tưởng nghĩ gì đến thân mình, nhà mình đi nữa, thì cũng nên tưởng nghĩ cứu vớt lấy dân ở trong một địa phương mới phải. Lời nói đó, quan Toàn quyền không nói với ai mà nói với tôi là vì cho rằng: tôi với ngài có cái tình xóm làng cố cựu với nhau, chắc hẳn tôi nói ngài nghe được, vậy có lẽ nào tôi làm thinh không nói?

Nay thử nghĩ xem: quan Toàn quyền là người khác nước, muôn dặm tới đây, mà còn có lòng băn khoăn lo nghĩ tới dân mình như vậy huống chi chúng ta sinh đẻ lớn khôn ở đất này, là đất của cha mẹ tôn tộc ở đó, có lý đâu mình làm lơ đành đoạn, thì trăm năm về sau, người ta sẽ bảo mình ra làm sao? Ôi! Làm người trên phải có lòng thương yêu dân làm cốt, chưa từng có ai không biết thường dân mà bảo là trung với vua bao giờ. Việc của ngài làm từ bấy lâu nay, bảo rằng trung thì thiệt là trung, song dân ta có tội gì mà vướng phải nông nỗi lầm than thế này, là lỗi tại ai? Nếu bảo là đã vì thiên hạ thì không thiết chi tới nhà nữa cũng phải, nhưng một nhà của mình đã vậy, chứ còn bao nhiêu nhà ở trong một vùng cũng bỏ đi cả, sao cho đang tâm? Tôi nghĩ nếu như ngài cứ khăng khăng làm tràn tới mãi, thì e rằng khắp cả sông Lam núi Hồng đều biến thành hồ cá hết thẩy, chứ không phải chỉ riêng lo ngại cho cây cỏ một làng Đông Thái chúng ta mà thôi đâu. Đến nỗi để cho quê hương điêu đứng xiêu tàn, tưởng chắc bộc người nhân nhân quân tử không lấy gì làm vui mà làm thì phải.

Tôi suy nghĩ đắn đo mãi, vụt lấy làm mừng rỡ mà nói riêng với mình: - Được rồi, lời nói đó tôi có thể đem ra nói cho ngài nghe lọt tai, để xin ngài chỉ bảo cho biết như vậy có phải hay không?

Tuy nhiên, sự thế của ngài như cỡi trên lưng cọp đã lỡ rồi, bây giờ muốn bước xuống, nghĩ lại khó khăn biết bao!

Nếu như tôi không có chỗ tự tin chắc chắn nơi mình, thì quyết không khi nào dám mở lời nói liều lĩnh để mang lụy cho cố nhân về sau. Nhưng may là tôi với quan Toàn quyền, vốn có tình quen biết nhau lâu, lại với quan Khâm sứ ở Kinh, và quan Công sứ Nghệ Tĩnh, cùng tôi quen thân hiệp ý nhau lắm, cho nên trước kia Trần Phiên sứ (tên là Khánh Tiên, làm Tuần phủ, nên gọi là Phiên sứ), Phan Thị Lang (tên là Huy Nhuận), cũng là chỗ thân trong tỉnh, trong làng hoặc bị tội nặng, hoặc bị xử đày rồi, thế mà tôi bảo toàn cho hai ông ấy đều được yên ổn vô sự. Lại như mới rồi, ông Phan Trọng Mưu ra thú, tôi dẫn đến yết kiến các đại hiến quý quan, thì các ngài cũng tiếp đãi trân trọng như đãi khách quý, và tức thời điện về tỉnh nhà, bắt trả lại mồ mả, và tha cả ba con về, như thế tỏ ra nhà nước Bảo hộ khoan dung biết chừng nào! Cứ xem vậy đủ biết lẽ ấy, lòng ấy, dầu là người nghìn dặm xa nhau, vẫn là giống nhau vậy.

Bây giờ, nếu ngài không cho lời tôi nói là dông dài, thì xin ngài đừng ngần ngại một điều gì khác hết, tôi không khi nào dám để cho cố nhân mang tiếng là người bất trí đâu.

Hoàng Cao Khải

Đốn thư
_____________________________________
1. Là các quan Pháp.
2. Bấy giờ là đời ông Toàn quyền De Lanessan.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #48 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2010, 09:17:05 pm »


BỨC THƯ CỤ PHAN TRẢ LỜI

Hoàng quý đài các hạ.

Gần đây, tôi vì việc quân, ở mãi trong chốn rừng rú, lại thêm lúc này tiết trời mùa đông, khí hậu rét quá, nông nỗi thiệt là buồn tênh. Chợt có người báo có thư của cố nhân gửi lại. Nghe tin ấy, không ngờ bao nhiêu nỗi buồn rầu lạnh lẽo, tan đi đâu mất cả. Tiếp thư liền mở ra đọc. Trong thư cố nhân chỉ bảo cho điều họa phước, bày tỏ hết chỗ lợi hại, đủ biết tấm lòng của cố nhân, chẳng những muốn mưu sự an toàn cho tôi thôi, chính là muốn mưu sự yên ổn cho toàn hạt ta nữa. Những lời nói gan ruột của cố nhân, tôi đã hiểu hết, cách nhau muôn dặm tuy xa, nhưng chẳng khác gì chúng ta được ngồi cùng nhà nói chuyện với nhau vậy.

Song tâm sự và cảnh ngộ của tôi có nhiều chỗ muôn vàn khó nói hết sức. Xem sự thể thiên hạ như thế kia, mà tài lực tôi như thế này, y như lời cổ nhân đã nói “thân con bọ ngựa là bao mà dám giơ cánh tay lên muốn cản trở cỗ xe” sao nổi không biết; việc tôi làm ngày nay, sánh lại còn quá hơn nữa, chẳng phải như chuyện con bọ ngựa đưa tay ra cản xe mà thôi.

Nhưng tôi ngẫm nghĩ lại, nước mình mấy nghìn năm nay, chỉ lấy văn hiến truyền nối nhau hết đời này qua đời kia, đất nước chẳng rộng, quân lính chẳng mạnh, tiền của chẳng giàu, duy có chỗ ỷ thị dựa nương để dựng nước được là nhờ có cái gốc vua tôi cha con theo năm đạo thường mà thôi. Xưa kia nhà Hán, nhà Đường, nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh bên Tàu, bao nhiêu phen lăm le muốn chiếm lấy đất ta làm quận huyện của họ mà vẫn chiếm không được. Ôi! Nước Tàu với nước ta, bờ cõi liền nhau, sức mạnh hơn ta vạn bội, thế mà trước sau họ không thể ỷ mạnh mà nuốt trôi nước ta được, nào có vì lẽ gì khác đâu, chẳng qua non sông nước Nam tự trời định phận riêng hẳn ra rồi, và cái ơn huệ thi thư lễ nghĩa vốn có chỗ đủ cho mình tự có thể trông cậy dựa nương lắm vậy. Đến nay người Pháp với mình, cách xa nhau không biết là mấy muôn dặm, họ vượt bể lại đây, đi tới đâu như là gió lướt tới đó, đến nỗi nhà vua phải chạy, cả nước lao xao, bỗng chốc non sông nước mình biến thành bờ cõi người ta, thế là trọn cả nước nhà, dân nhà, cùng bị đắm chìm hết thảy, có phải là riêng một châu nào hay một nhà ai phải chịu cảnh lầm than mà thôi đâu.

Năm Ất Dậu, xe giá thiên tử ngự đến sơn phòng Hà Tĩnh, giữa lúc đó, tôi đang còn tang bà mẹ, chỉ biết đóng cửa cư tang cho trọn đạo, trong lòng há dám mơ tưởng đền sự gì khác hơn. Song, vì mình là con nhà thế thần, cho nên đôi ba lần đức Hoàng thượng giáng chiếu vời ra, không lẽ nào có thể từ chối, thành ra tôi phải gắng gổ đứng ra vâng chiếu, không sao dừng được. Gần đây, Hoàng thượng lại đoái tưởng lựa chọn tôi mà giao phó cho việc lớn, ủy thác cho quyền to; ấy, mệnh vua ủy thác như thế đó, nếu cố nhân đặt mình vào trong cảnh như tôi, liệu chừng cố nhân có đành chối từ trốn tránh đi được hay không?

Từ lúc tôi khởi nghĩa đến nay, đã trải mười năm trời, những người đem thân theo việc nghĩa, hoặc đã bị trách phạt, hoặc đã bị chém giết, vậy mà lòng người trước sau chẳng hề lấy thế làm chán nản ngã lòng bao giờ; trái lại, họ vẫn ra tài, ra sức giúp đỡ tôi và lại số người mạnh bạo ra theo tôi càng ngày càng nhiều thêm mãi. Nào có phải người ta lấy điều tai vạ hiểm nguy làm cho sự sung sướng thèm thuồng mà bỏ nhà dấn thân ra theo tôi như vậy đâu. Chỉ vì họ tin cậy lòng tôi, lượng xét chí tôi, cho nên hâm hở vậy đó thôi. Ấy, lòng người như thế đó, nếu như cố nhân đặt mình vào cảnh của tôi liệu chừng cố nhân có nỡ lòng nào bỏ mà đi cho đành hay không?

Thưa cố nhân, chỉ vì nhân tâm khói vắng tanh, bà con xiêu dạt, tôi cũng chẳng dám đoái hoài. Nghĩ xem, kẻ thân với mình mà mình còn không đoái hoài, huống chi là kẻ sơ: người gần với mình mà mình còn không bao bọc nổi, huống chi người xa. Vả chăng hạt ta đến đỗi điêu đứng lầm than quá, không phải riêng vì tai họa binh đao làm nên nông nỗi thế đâu. Phải biết quan Pháp đi tới đâu, có lũ tiểu nhân mình túa ra bày kê lập công, thù vơ oán chạ; những người không có tội gì chúng cũng đâm thọc buộc ràng cho người ta là có tội, rồi thì bữa nay trách thế nọ, ngày mai phạt thế kia; phàm có cách gì đục khoét được của cải của dân, chúng nó cũng dùng tới nơi hết thảy. Bởi đó mà thói hư mối tệ tuôn ra cả trăm cả ngàn, quan Pháp làm sao biết thấu cho cùng những tật khổ của dân trong chốn làng xóm quê mùa, như thế thì bảo dân không phải tan lìa trôi giạt đi sao được?

Cố nhân với tôi, dầu là người sinh đẻ tại Châu Hoan, mà ở cách xa ngoài muôn ngàn dặm, cố nhân còn có lòng đoái tưởng quê hương thay, huống chi là tôi đây đã từng lấy thân chịu đựng và lấy mắt trông thấy thì sao? Khốn nỗi cảnh ngộ bó buộc, vả lại sức mình chẳng làm được theo lòng mình muốn, thành ra phải đành, chứ không biết làm sao cho được. Cố nhân đã biết đoái hoài thương xót dân này, thì cố nhân nên lấy tâm sự tôi và cảnh ngộ tôi thử đặt mình vào mà suy nghĩ xem, tự nhiên thấy rõ ràng, có cần gì đến tôi phải nói dông dài nữa ư?


Phan Đình Phùng

Phúc thư


Bức thư cụ Phan trả lời, viết thật nhẹ nhàng mà đau đớn, tử tế mà cương quyết, tỏ ra mình chết thì thôi, không chịu bãi binh quy hàng. Cụ lại kéo đem quân mạng và dân tâm ra làm nòng cốt để hỏi cố nhân họ Hoàng nếu gặp cảnh ngộ ấy thì làm thế nào? Hình như cụ Phan có ý chận đường rào ngõ không để họ Hoàng viết cho mình tới bức thư thứ hai nữa.

Thật, lúc ông Phan Văn Mân đem bức thư phúc đáp ra Hà Nội, họ Hoàng xem rồi biến sắc, nếu lúc ấy có bệnh nhức đầu chóng mặt gì, tất cũng tiêu tan như hồi Tào Mạnh Đức đọc bài hịch của Trần Lâm vậy.

Họ Hoàng sai dịch bức thư ra chữ Pháp, đưa trình Toàn quyền De Lanessan, luôn với tờ báo cáo của mình, ở trong có câu đại ý: “Bản chức đã lấy hết sự thế lợi hại để tỏ bày khuyên nhủ Phan Đình Phùng ra hàng thú, nhưng y vẫn tỏ ý “hôn mê bất ngộ” (mê mẩn tối tăm không tỉnh), giờ xin Chính phủ Bảo hộ vì dân mà dùng binh lực tiễu trừ cho hết Văn thân loạn phỉ v.v...”.

Ấy là lẽ cố nhiên. Đào mả không núng; khuyên hàng không nghe; văn chương không cảm; thôi thì chỉ còn võ lực. Giờ, quan văn trở vô buồng để cho tướng võ lại ra sân khấu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #49 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2010, 06:55:55 pm »


Phần XVI
NGUYỄN THÂN


LUI VỀ NÚI ĐẠI HÀM

Tiếc giùm ông Hoàng Cao Khải phí mất bao nhiêu tâm huyết để viết bức thư không phải không tài hoa thống thiết, cốt để cảm động khuyên dỗ họ Phan, nhưng rốt cuộc chỉ là một tờ giấy bỏ, Phan không chịu ra hàng.

Chủ não trong bức thư của ông, trương bản trong ý tứ của ông, là cứu lấy sinh dân, quê quán, nhưng người thiên cổ đọc bức thư ấy, ai cũng biết đã chắc gì tác giả thiệt vì sinh dân, quê quán, hay là chỉ vì hai điều lợi. Trước hết, cụ Phan là người làng, mà lúc bấy giờ ông có quyền thế to, vậy ông khuyên cụ ra hàng, như là làm ơn cho cụ, để lấy cái tiếng cứu vớt được một người làng; sau nữa ông đã đánh đông dẹp bắc, được công lao với người Pháp nhiều, vậy có lý nào một người làng ông mà ông không chiêu dụ được, cho nên ông muốn khuyên cụ Phan ra hàng, để bày tỏ thêm chỗ tài năng oai quyền của mình ra, còn sự công danh thì khỏi nói.

Ôi! súng bắn chĩa mãi vào, cụ Phan đã chẳng sợ; đào mồ mả lên để dọa, cụ cũng chẳng nao; huống chi một mảnh giấy, một lời văn của ông Hoàng Cao Khải làm sao chuyển động cái can tràng như sắt đó cho nổi.

Song, lúc này không chịu bãi binh đầu hàng tình thế bắt buộc cụ phải lui, không ở núi Vụ Quang được nữa.

Phải lui là bởi có hai cớ. Một là khi đầu cụ mới khởi nghĩa, thì chính là lúc nghĩa sĩ bốn phương đều nổi lên. Ở Quảng Nam thi có ông Trần Văn Dự lập ra Nghĩa hội, rồi mấy tỉnh Phú Yên, Bình Định, Bình Thuật kế theo; ở Quảng Trị thì có các ông Trương Đình Hội, ông Nguyễn Tự Như; ở Quảng Bình thì đảng ông Nguyễn Phạm Tuân, ông Lê Trực; ở Thanh Hóa thì có bọn ông Hà Văn Mao; ở Bắc thì có bọn ông Tạ Hiện, ông Nguyễn Thiện Thuật, thành ra Pháp phải chia binh đi ứng phó và đánh dẹp nhiều nơi, không thể chủ toàn lực lượng vào một nơi nào được. Đến sau mấy ông trên này, hoặc chết, hoặc trốn, hoặc hàng, lần lượt tan nát hết, chỉ duy còn lại một mình cụ Phan là vẫn còn đứng nguyên, vẫn phản đối với cuộc Bảo hộ, bây giờ Pháp mới đem toàn lực mà nhắm vào mình cụ. Binh lính Pháp lần hồi vây bọc cả núi Vụ Quang, khiến cho cụ không lui không được.

Hai là trong các tướng, chưa có ông nào có tài xuất kỳ chế thắng, có thao lược đủ chống giữ với quân lính Pháp để cho cụ ỷ trọng như Cao Thắng, cho nên sau khi ông Cao Thắng mất, cụ lại muốn giữ thế thủ, để dưỡng tinh sức nhuệ ít lâu rồi ra đối chiến mới được, chứ không muốn bạo động hấp tấp quá, sợ tổn hại đến thanh thế và nguyên khí của nghĩa binh, và lại làm khổ sinh dân một cách vô ích. Tóm lại, cụ muốn kéo dài cuộc kháng chiến ra cho bền, cho lâu. Bởi vậy phải tạm lui để giữ thế thủ trước, sẽ liệu thế đánh sau.

Có hai cớ ấy, khiến cho cụ phải lui quân sang đóng đồn ở núi Đại Hàm.

Núi Đại Hàm, cũng thuộc về hạt Hương Khê, là một chỗ có sơn thế hiểm trở thế nào, đoạn trên kia đã có chỗ nói rồi. Giờ, cụ lui quân về đóng ở đó. Từ lúc về đóng tại đồn mới này, trong đại trại chỉ để có 400 lính và 200 khẩu súng kiểu Pháp, mỗi tên quân nào cũng được giữ luôn trong mình súng đạn và 100 đồng trạc, để phòng khi hoặc đánh, hoặc lui thình lình. Còn bao nhiêu quân lính khí giới, đều phân phát cho các quân thứ hết. Hồi đó là cuối năm Giáp Ngọ (1894).

* * *
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM