Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Năm, 2024, 11:09:42 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện của một thời  (Đọc 284743 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
thaiminhhung
Thành viên
*
Bài viết: 760


CHÀO NHÉ MÁI TRƯỜNG ƠI !


« Trả lời #110 vào lúc: 29 Tháng Sáu, 2011, 11:14:42 pm »

    Bác TVprc25 thân mến :

     Nhìn ảnh thấy toàn cây cảnh đẹp, Phong lan, sung và cả lộc vừng nữa, bác trồng trên gác thượng à? Bác " ăn chơi" thật đấy hôm nào muối sung mang đến quán để anh em thưởng thức nhé, nhưng nhớ đừng cho thuốc sâu hay, thuốc kích thích tăng trưởng đấy. Không có mấy ông CCB ăn vào mà tăng trọng lên thì nguy to!
Logged

Bừng bừng cháy, lửa nhiệt tình đầy niềm tin mơ ước bao la
Ta về đây vui ca vang, bài ca đi dựng xây nước nhà....
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #111 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2011, 12:03:11 pm »

                                              Những người lính TSKT ( tiếp 5 )



Nhân sự tiểu đội thay đổi nhiều, đi và đến nhiều đợt, có đến hơn chục anh em chuyển đi trong năm 72 , 73 và 74.

Thời gian đầu ở C20 Sư huấn luyện ở Hà Tĩnh, A12 có anh Kiều Tỉnh là lớn tuổi hơn,còn lại đều sàn sàn nhau, 19 đôi mươi cả. Anh Tỉnh hay kể chuyện tiếu lâm và tếu táo nên không khí luôn vui nhộn. Mỗi lần nghỉ giải lao lúc tập luyện hay đi hành quân đều rôm rả, hết tiếu lâm thì lại quay sang trêu trọc nhau. Tiểu đội có cậu Thịnh, người Yên Lạc Vĩnh Phú, mới cưới vợ nên đồ đạc của cậu cái gì cũng viết tên 2 vợ chồng và vẽ 2 con chim bồ câu xoắn xít, anh em làm bài thơ trêu dài lắm, tôi còn nhớ hai câu “ Xanh tuya đằng trước đằng sau, Bích Liên, Xuân Thịnh gật gù bên nhau “. Khi ở  Kỳ Lạc tôi và Phi mũi to ở cùng nhà dân. Gia đình có nuôi ong mật. Thấy mật ong vàng ươm đầy trong đõ gỗ treo ở đầu hồi nhà nhìn thèm lắm, tôi và Phi mua chung nhau đầy một chai. Mỗi lần đi hành quân dã ngoại lúc mệt lại lôi từ túi cóc ba lô ra, mỗi thằng tu một ngụm đã đời. Nghe nói mua mật ong để chữa bệnh dạ dày nên chẳng lính nào dám ké cẩm ! Một vài anh em thì nuôi sâm nước, tích cực nhất có A trưởng Long, ngâm trong lọ cho đường vào tạo thành nước chua ngọt, uống cũng tốt khi hành quân mệt nhọc.

Khi vào đến chiến trường thì đến gần một nửa tiểu đội chuyển đi đơn vị khác. Các anh em này đều quê Yên Lạc, có Quí con nhanh nhẹn nhưng láu táu, Lợi to béo, đi thao trường đeo vòng lá ngụy trang trông cứ lọt thỏm trên cái lưng to bè của nó, được cái hay cười, Hồng thì hay kể hồi ở nhà đi chợ bán chuối vì nhà nó ở ngoài bãi sông Hồng, còn Sáng thì có điệu cười sằng sặc như ma làm.

Nguyên vào tiểu đội cuối 72, quê Hiệp Hòa, Hà Bắc cũng nhiều chuyên, cũng là nhân vật có cá tính. Rất thích hình thức, suốt ngày chau chuốt. Nguyên thích cho ống quần vào tất cao cổ, loại tất quân nhu cao đến ngang bọng chân , theo như cậu ta nói, để trông như sĩ quan Hồng quân. Còn áo thí thích khoác cánh riệc – kiểu khoác đại lên người thôi, không xỏ tay, miệng thì ngậm điếu thuốc lá cắm vào đoạn ống, ngậm lệch mép để trông như viên sĩ quan đang đi lại, trầm tư hút tẩu bên cạnh tấm bản đồ tác chiến trong căn hầm dã chiến ngoài mặt trận mà ta hay thấy trong những phim về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Liên Xô những năm 40 của thế kỷ trước. Có lần Nguyên cho chúng tôi xem một tấm ảnh của cậu chụp măc quân phục nghiêm chỉnh. Nhìn ảnh thì đúng là mặt của cậu ta, nhưng cậu có chấm thêm râu để trông già đi, còn áo thì cậu vẽ khoác thêm một chiếc áo dạ chùng quá gối , quần thì đương nhiên là vẽ thành kiểu như đi giày cao cổ của sĩ quan vệ quốc Nga. Cậu hứng khởi ra măt với chúng tôi:” Trông giống như chuẩn bị đi gặp Xit-ta-lin không “. Tôi dám chắc Nguyên sẽ giữ mãi tấm ảnh vẽ thêm này.

Điển cũng về A12 cùng đợt với Nguyên, quê Hải Hưng, tính cần cù chăm chỉ nên được giao làm hậu cần. Điển trông to con nhưng người lại không được nở nang lắm, anh em gọi đùa là Điển dẹt. Nhưng nhắc tới Điển bây giờ chúng tôi ấn tượng nhất là cậu đam mê đan võng dù. Năm 73, 74 chiến trường QT yên bình, chúng tôi làm nhà ở và có nhiều thời gian sinh hoạt nghỉ ngơi. Các buổi trưa anh em nghỉ còn Điển thì ở sảnh chuôi vồ mải miết xe sợi dù để đan võng. Sợi dù được rút ra từ những tấm vải dù dày chúng tôi cứ gọi là dù áo giáp chả biết có đúng không, những tấm này kiếm sẵn ở các đồi và khu vực sân bay Ái Tử, về giặt sạch rồi rút lấy sợi nối vào nhau để xe ba xoắn lại. Lấy thuốc trong ống pháo sáng, cũng sẵn, chọn màu tím hòa nước đun lên nhuộm sợi thành màu tím Huế rất đẹp, rồi đan thành võng. Điển thành thạo đan võng nên một số ae cũng nhờ làm. Tôi cũng loay hoay  kiếm đủ sợi dù, rồi xe sợi, với sự giúp đỡ của Điển cuối cùng tôi cũng có được một chiếc võng dù. Sau chiến tranh, mang về gia đình dùng mãi .Cái võng dù màu tím Huế cũng là một thứ kỉ niệm chiến trường Quảng Trị ngày ấy.

Công quê Hà Tây, nhỏ con, có khuôn mặt hao hao diễn viên Trịnh Thịnh trong vai ông Củng nên chúng tôi gọi là Công củng. Anh em tiểu đội nhiều quê khác nhau nên hay lôi quê nhau ra chêu trọc khi hết chuyện. “ Hà chuồn, Nam lủi, Thái Bình bay...,
Vĩnh Phú mất mùa xin ở lại, Nghệ An, Hà Tĩnh cũng giơ tay....”, những câu chọc quê như vậy thì cũng là thường, là vui thôi nhưng Công củng và Quí quê Vĩnh phú thì ăn thua với nhau đến cùng. Khi Quý cứ hề hề lải nhải thêm “ Hà tâyyyy.. gọi tép là tôm....Hà tâyy...giặc đến giặc đi “ thì Công củng tức lắm vì không nghĩ ra được câu gì về Vĩnh Phú để “phang” lại Quý.

(còn nữa)
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Sáu, 2011, 12:11:31 pm gửi bởi TANVINHprc25 » Logged
chientruong
Thành viên
*
Bài viết: 47


« Trả lời #112 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2011, 03:51:05 pm »

Tanvinh ơi, Trong bài viết của ông có nói đến Kiều Tỉnh, có phải là Mr Tỉnh K7 truwongf mình không?Huh Ông có nhớ Mr Cố ,Lớp Hoa 7  không?Không biết bây giờ ở đâu nhỉ???
Logged
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #113 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2011, 04:30:59 pm »

@chientruong:
Đúng đấy, anh KT cùng lớp lứa hồi đó với các anh D và Đính... K7 còn mấy anh khác không biết ông còn nhớ không, như anh Bình người thấp, anh Bảokều làm cán bộ ở trường mãi, K7 nhiều hơn số anh em minh, họ đi từ mấy lớp anh, nga và trung. Anh Cố cũng K7, nhiều năm trước biết anh ấy làm ở cty XNK Hà Bắc nay chắc đã hưu lâu rồi. 6/9 ông họp mặt có khi gặp họ đấy.
Logged
chientruong
Thành viên
*
Bài viết: 47


« Trả lời #114 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2011, 01:37:52 pm »

@tanvinh,
Tôi cũng còn nhớ nhưng không nhiều,thời kỳ đó minh luyên quân ở Xóm Núi thì quân số như lúc nhập ngũ, Ơ cung C nhưng khac B, Bọn mình và một số AE ở K7 cung B, Anh Cố và ông ở nhà  Bác Tư có con gái  xinh lắm. Còn tôi thì ở nhà Bác Chắt.Sau đó chuyển đén nhà bác Duyên. Không biết đên tháng mấy thì chung mình mới  đi các đơn vị khác. Nghe nói  Hầu hết đều xuất ngũ, chỉ có anh K.T là ở lại phục vụ QĐ. Ngay minh về học lại cũng thấy anh KT về thăm trương đeo quân hàm đại úy gì đó. Đợt mình đi chỉ có  Bình lớp mình và anh Danh-Hoa 7  hy sinh thôi nhỉ ??
Không biết đơt 6/9 năm nay các ông ấy có biết mà về gặp mặt không nhỉ.Ông phải thông báo cho AE trường mình chứ. Xem may ảnh Ông  đưa  lên mạng, tôi vẫn nhận ra một số bạn trong đó có cả thăng Duyên- nó vẫn gầy nhỉ. Ông gặp nó cho tôi gửi lời thăm sức khỏe nhe.
Logged
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #115 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2011, 02:01:10 pm »

@chientruong,

 ông nhớ tên mấy gia đình đấy, nhắc đến tên họ là tôi nhớ ra ngay, nhà bác Chắt vất vả nhỉ, có mấy đứa con còn bé, bác trai hàng ngày đi làm thợ đóng cối xay lúa, hình như ông và Vũ Bình cùng ở nhà bác Chắt ? Hôm chào chia tay, nghe bác ấy nói mà thấy thương" tôi định cuối tuần lợp lại cái nhà, nhà neo người định nhờ mấy chú bộ đội giúp một tay mà các chú lại đi gấp quá". Dịp nào mà về thăm lại được thì hay nhỉ, đường chẳng xa mà cũng dễ đi. Các gia đình đều rất tốt với bộ đội nhỉ.
Logged
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #116 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2011, 12:19:03 am »

                                                   Những  người lính Trinh Sát Kĩ Thuật ( tiếp 6 )


Có mấy ae sinh viên ĐHXD từ các C20 trong Sư đoàn về A12 trong năm 73, là Hùng ( sau này ae CCB ĐHXD gọi là Hùng côn nhà ở phố Đặng Trần Côn để phân biệt với 2 Hùng khác là Hùng bồ (phố Hàng Bồ) và Thái Minh Hùng ), là Định già và An đen. Hồi đó Hùng và An đều gầy. Hùng thì trắng trông rất thư sinh còn An thì ngăm ngăm đen, thấp người hơn. Định già trông có nét già hơn ae chúng tôi, hiền tính, ai trêu troc gì cũng không cáu, chỉ cười. An kiệm lời, chơi đàn ghi ta được. Cứ nhớ mãi hình ảnh An trực nhật mang cơm lên đài cho anh em, cái thanh gỗ gánh bùng beng một đầu là vỏ hộp thùng ruốc quân nhu đựng nước canh, một đầu là xoong cơm và thức ăn, túc tắc chậm dãi như tính cách của nó, cái dáng gầy cứ nhấp nhô nhỏ dần trên đường mòn những đồi sim giứa trưa mùa hè Quảng Trị. An chỉ ở A12 trên dưới 1 năm thì chuyển đi đơn vị khác.
Hùng rất ham đọc sách, kiến thức về văn học rất rộng. Chữ viết của Hùng rất đẹp. Hùng làm ở tổ Thông Báo cùng với tôi và anh Vinh. Anh Vinh làm A trưởng khi anh Long được ra Bắc đào tạo sĩ quan trong năm 73. Anh Vinh khỏe, người gốc Huế, dáng người rất xì-po vì anh chơi thể thao từ nhỏ.

Trong A12 có 1 tổ làm ảnh trinh sát, Duyên, Phi và Nghiêm ngố. Tổ này được cử ra Bắc đào tạo khi đơn vị ở Hà tĩnh quãng tháng 4/72 và trở lại đơn vị ở Quảng Trị tháng 11/72. Duyên quê Nam Định còn Phi, Nghiêm Vĩnh Phú. Duyên quảng giao rất phù hợp với công việc nhiếp ảnh. Cũng nhờ có anh em này mà chúng tôi có được nhiều tấm ảnh kỉ niệm thời ấy. Tổ này có Duyên hay đi trinh sát luồn sâu với ae TS C20 trong năm 73, 74. Rạng sáng 30/4 năm 75, Duyên tham gia tổ TS C20 vượt sông Đồng Nai  tại khu vực phà Cát Lái, Gia Định. Phi và Nghiêm thì phần lớn thời gian là làm TSKT prc25 với tiểu đội.


Mới đây tôi lục lọi trong gói đồ kỉ niệm thời lính của mình, thấy có 2 tờ giấy xé từ quyển sổ tay đã ngả màu ố có chép bài, đề là , về tiểu đội của A trưởng Võ Huy Long ghi ngày 4/3/1973, nghĩa là vào thời gian lính không phải ở hầm nữa mà được đi lại sinh hoạt trên mặt đất và làm nhà ở, đầy đủ bài như sau:


         Mỗi người một vẻ

                     Huy Long

Mỗi người mỗi việc
Tự giác đều tay
Công việc hàng ngày
Xong xuôi đâu đó

Như chim cùng tổ
Đoàn kết một lòng
Khi gặp khó khăn
Chia nhau gánh vác

Vừa qua tự giác
Mọi người làm đều
Đoàn kết thương yêu
Anh em làm tốt

Việc to việc nhỏ
Mỗi khi được giao
Có trách nhiệm cao
Hoàn thành xuất sắc

Sắn đây tôi nhắc
Một vài điển hình
Công tác vệ sinh
Thanh Chanh làm tốt.

Nhà ăn, giếng nước
Sạch sẽ gọn gàng
Đường sá dọc ngang
Anh chăm quét dọn

Tính anh chịu khó
Xông xáo rất nhiều
Vì tình thương yêu
Sẵn sàng giúp đỡ

Mạng trưởng Xuân Quý
Nghiệp vụ giỏi dang
Sổ sách rõ ràng
Đăng ký đầy đủ

Anh hay chịu khó
Cải thiện cá, măng
Sớm tối anh chăm
tổ chức sâm sủng

Viết Vinh mạng trưởng
Sổ sách đủ đầy
Đăng ký luôn tay
Có nhiều kinh nghiệm

Phụ trách đời sống
Ngọc Điển quan tâm
Tiêu chuẩn cân đong
Rõ ràng hơn trước

Từ cơm đến nước
Lấy củi, tăng gia
Lo lắng việc nhà
Có nhiều cố gắng

Đức Duyên sốt sắng
Công tác đi luôn
Sớm tối chiều hôm
Hoàn thành xuất sắc
Qua nhiều thử thách
Khiêm tốn, cần cù.

Về sau học muộn
Thời gian chẳng nhiều
Chăm chỉ sớm chiều
Văn Phi làm tốt

Anh hay giúp việc
Chịu khó nhiệt tình
Phấn đấu quên mình
Quyết không dừng lại

Nghiêm, Nguyên chịu khó
Cố gắng rất nhiều
Công việc làm nhiều
Hoàn thành nhiệm vụ

Gần đây tiến bộ
Quang Nghiêm có nhiều
Mọi người tin yêu
Mong anh cố gắng

Kế sao hết được
Thông báo ra tin
Anh Tỉnh, anh Thân
Đào sâu nghiên cứu

Trao nhiều kinh nghiệm
Nghiệp vụ nâng lên
Tiểu đội, cấp trên
Có nhiều tin tưởng.

Mỗi người mỗi vẻ
Cương vị khác nhau
Người trước người sau
Thi đua tiến bộ...

Kể sao hết được
Thành tích vừa qua
Là những bông hoa
Dựng xây Tiểu đội.

              ***

Hòa trong niềm vui vỡ òa của lính sáng 30/4, anh em A12 trong đội hình của Ban 2 sau khi qua phà Cát Lái theo đường lớn tiến vào trung tâm. Xe Jep của thủ trưởng Ban có anh Tỉnh, Trung, Ái thông tin C20 và tôi còn tốp đi sau gồm các anh trợ lý Ban và ae A12, đi 2 xe Jep và 4 xe máy.
Chiều muộn, sau khi tạt vài nhà dân ven đường để chuần bị chỗ ngủ qua đêm ở Q.9 SG, tôi và Thảo lôi xe máy ra đường tập. Khi chờ phà ở Cát Lái Thảo đã tập được ít nên cậu ta cũng đi tàm tạm, chủ yếu là tập cho tôi. Hai thằng bị một phen hú vía. Lúc Thảo lái, tôi ngồi sau, đường tốt cậu tăng ga cho sướng, trời nhá nhem tối, xe không đèn ( có lẽ chưa thạo nên không để ý bật đèn lên ), đang vi vu bỗng tôi phát hiện phía trước có vật cản, tôi vừa nói vừa vội đập vai Thảo, cậu ta chỉ kịp láng tránh sát sàn sạt vật cản. Xe nghiêng lao sang rệ đường đổ kềnh, hai thằng ngã sóng xoài. May mà đường vắng không có xe cộ và người qua lại. Hai thằng chỉ bị xát sước nhẹ. Xe không hỏng, dựng lên lại đi tiếp được. Lúc quay lại xem thì ra vật cản đó là tấm cũi dây thép gai, không hiểu sao nó lại nằm ở gần giữa đường thế. Chúng tôi kéo hất xuống ria đường để tập tiếp. Có lẽ nhờ buổi tập xe máy đó mà sau này khi có xe máy tôi chỉ tập một lúc là đi luôn được. Nhiều anh em A12 cũng biết đi xe máy từ dạo đó, có vài anh còn biết cả lái xe jep.

Tổng kết chiến dịch 75 và Chiến dịch HCM , Tiểu đội có 3 người được Huân chương CCGP H3 và nhiều anh em được tặng bằng khen.

Sau chiến thắng 30/4 được gần tháng thì A12 được Ban 2 điều về C20. Lúc mấy anh em lính SV chúng tôi được ra quân vào cuối tháng 6 thì từ đó về sau chúng tôi không biết số anh em còn lại có còn tiếp tục làm công việc TSKT nữa hay không và nhiều năm sau này không biết Ban 2 SĐ duy trì TSKT như thế nào.


Chuyên về A12 TSKT của tôi, thôi thì  biết đâu tâu đấy.  Hơn nữa, là người lính chiến sỹ cũng chỉ thấy những gì mình và đồng đội đã làm, đã cảm nhận, suy nghĩ,  bây giờ nhớ lại viết ra nên chỉ như ếch ngồi đáy giếng, chắc chắn là phiến diện và thiển kiến, hi vọng các đồng đội A12 và anh em CCB C20 SĐ, và nếu được cả các đồng đội TSKT của F312 cùng huấn luyện ngày ấy, các anh TSKT B5 lúc nào đó đọc được những trang này sẽ góp lời, chia sẻ cho đầy đủ và phong phú hơn về những công việc TSKT và những người lính TSKT  của một thời gian khổ nhưng oanh liệt.


Cảm ơn các bạn đã đọc những trang kể chuyện của tôi.


TânVĩnhprc25
Hà nội, Mùa hè 2011




« Sửa lần cuối: 02 Tháng Bảy, 2011, 12:26:53 am gửi bởi TANVINHprc25 » Logged
thaiminhhung
Thành viên
*
Bài viết: 760


CHÀO NHÉ MÁI TRƯỜNG ƠI !


« Trả lời #117 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2011, 09:04:27 am »

 Những người lính trinh sát C20, chúng tôi rất quý và yêu mến các anh, mặc dù khác đơn vị, khác trường nhưng bản chất là những người lính SINH VIÊN cùng cảnh, cùng chung một ước mơ cháy bỏng, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về trường tiếp tục học tập. Khi ra công tác, mỗi người ở một vị trí khác nhau .Hiện nay chúng tôi vẫn gặp nhau để kể lại những kỷ niệm, cùng chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn của cuộc sống. Mỗi năm 1-2 lần chúng tôi tổ chức thăm lại chiến trường xưa để thắp hương cho đồng đội.Chúng tôi đã được tiếp xúc , cùng đi với các anh, TTNL, Duyên, Viết Vinh, 6971, còn Hùng 'côn" và An Đen ( còn gọi là An kèn vì An thổi kèn trompet rất hay) là những SV ĐHXD mặc dù đã trên dưới 60 tuổi, đã lên ông nhưng mỗi khi gặp nhau thì tính tình vẫn trẻ như thời còn ở lính.
     
           Những trang viết của bác TVprc, rất hay và có nhiều ảnh tư liệu quý. Xin Cám ơn Bác ./.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Bảy, 2011, 09:09:39 am gửi bởi thaiminhhung » Logged

Bừng bừng cháy, lửa nhiệt tình đầy niềm tin mơ ước bao la
Ta về đây vui ca vang, bài ca đi dựng xây nước nhà....
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #118 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2011, 09:29:33 am »

Bác Tanvinhprc25 thủ được bài Đồng giao và bức ảnh A12 dễ thương quá. Bức ảnh giúp tôi nhớ lại A Vũ và các đồng đội xưa. Rất ấn tượng là loại áo "gilê" lính mà có 3 bác mặc trong ảnh. Hết ý đấy. Tôi giữ cái áo loại này rất lâu sau khi ra lính. Sau này con trai tôi lúc nhỏ cứ phải gối lên cái áo ấy nó mới ngủ.

Bác Tanvinhprc25 kéo ghế cứ như thế là "hết". Hết thế nào được. Còn lai rai, còn nhiều chứ.

Tôi nghe rất nhiều giai thoại về nghiệp tình báo của A. Hiền (C trưởng) và A Tỉnh (người được nhắc đến nhiều trong chuyện của Tanvinh và đứng ngoài cùng phía phải trong ảnh). Hư hư, thực thực. Chắc bác Tanvinh biết nhiều hay ít ra là cũng biết hơn bọn tôi ở C20 về bác Tỉnh?

Mà này, bọn TSKT địch phát hiện quy luật phát sóng của Tanvinhprc25 là 24/24! Trong số 76 lần "lên sóng" có đến 13% lên sóng quãng 2-3 giờ sáng! Phải Bảo trọng đấy.   
Logged

Nhật ký Viết lại
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #119 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2011, 10:07:56 am »

      Trong ảnh của bác TANVINHprc25 có mấy bác lính mặc cái áo khoác mà bác 6971 gọi là "gile" có phải là cái áo "vệ sinh" màu cỏ úa không?

      Bọn tôi nhập ngũ 4/9/71 vào BTL Thủ đô lên Hòa Bình cũng được phát áo đó.
Nhưng đến khi vào Nam (2/72) thì bị thu lại tất cả áo đó, vì trong Nam không lạnh. Với lại nặng quá có phát chắc cũng đem cho dân hết.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM