Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Năm, 2024, 06:38:49 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ từ góc nhìn của người lính Pháp  (Đọc 141923 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #90 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2008, 12:47:48 pm »

chương VI
ĐÊM DÀI TRÊN CỨ ĐIỂM GABRIEN

Đại tá Đờ Caxtơri yêu cầu bổ sung cho một tiểu đoàn để thay thế tiểu đoàn 3, bán lữ đoàn 13 bị mất ở Bêatơrít. Không phải tiểu đoàn nào cũng được, ông mong được nhận tiểu đoàn dù thuộc địa thứ 6 của Biga nhưng Cônhi cho ông biết trước tiên ông sẽ gửi tiểu đoàn dù Việt Nam thứ 5 của đại uý Bôtenla. Cônhi không xem Bảo an là một tiểu đoàn tốt việc đó có thể giải thích sự trùng trình làm mất thời gian ở Hà Nội. Bôtenla đã nhận được mệnh lệnh của ông trong đêm 13 rạng ngày 14 và từ lúc rạng đông, tiểu đoàn đã ở trong tình huống báo động tại Gia Lâm. Người ta còn chờ "sự tốt lên của những điều kiện khí tượng" và giờ xuất phát đã được hoãn đến ba lần. Việc nhảy dù sẽ được thực hiện ở độ cao khoảng 120 mét, làm sao để thời gian ở trên không là ít nhất vì súng phòng không của địch hoạt động rất tích cực. Cuối cùng mệnh lệnh đã đến và binh sĩ buộc dù vào người.

Chúng tôi lên máy bay lúc 13 giờ để hai giờ sau thì nhảy dù xuống, thiếu úy Latan viết. Ở giữa lò lửa và dưới làn đạn súng phòng không. Qua cửa máy bay, tôi thấy đạn pháo phòng không nở thành từng đám mây đen chung quanh chúng tôi. Chúng gây nên những chấn động lớn cho máy bay và như người thả dù đang thét to vào tai tôi thì có cả làn đạn 12 ly 7, vì thế mà anh yêu cầu tôi lùi vào cho đến lúc nhảy”.

Theo gót trung úy Acmanđi, Pie Ruôn, bác sĩ của đoàn bảo an bước qua cửa. Trước khi lên máy bay anh đã có một cơn tức giận vì cậu y tá của anh đãng trí, đã lấy nhầm dù của anh. Nhưng dù này không mở nên cậu y tá đã chết. Đó là nỗi sợ hãi về sau của Ruôn. Phía tây bắc Điện Biên là cái bia của pháo cối địch, đợt nhảy thứ hai thì đại uý Vécdenhan làm đổi hướng về phía Isaben. Đã có nhiều người chết và 10 người bị thương ở trung đội cối. Khi máy bay bay đến, những người thả dù hô "go" (nhảy) trên cứ điểm Ximon.

Khi đi bộ qua Huy ghét để đến sở chỉ huy của Lăng le, Bôtenla ngạc nhiên thấy phong cảnh đã thay đổi biết bao kể từ tháng 11-1953. Không ai đi lại giữa các hầm trú ẩn, các miệng hố đạn thường nối nhau, những phát đạn cối nổ chỗ này, chỗ kia và những xác máy bay rải rác trên vệ đường. "đê đê" có quyền được đón tiếp thân mật, rồi Lăng le gửi ông đến chỗ đại uý Turê để ông này xác định nhiệm vụ cho ông. Chỉ huy tiểu đoàn 8 xung kích giải thích với ông rằng tiểu đoàn sẽ "bít một cái lỗ" giữa Élian 1 và Élian 2 và sẽ đóng ở một điểm tựa sau này, tên đã dự kiến là Élian 4. "Cậu sẽ cười Turê nói thêm không có hầm trú ẩn".

Ông ta nói quá, tại đây, có những hố cá nhân sâu 1,50m do lính Thái của tiểu đoàn 2 Thái đào hồi tháng 12 nhưng hoàn toàn không vừa với kích thước người Âu. Bôtenla còn nổi giận hơn khi đêm xuống rồi mà nửa tiểu đoàn của ông vẫn còn lững thững ở ngoài trời còn các hạ sĩ quan thì nhốn nháo khắp nơi đi tìm những người lạ đơn vị để đưa họ về Élian. Chịu trách nhiệm về các cuộc nhảy dù, Vécdenhan rút ra bài học kinh nghiệm về việc thả dù đoàn bảo an và vài ngày sau, ông xác định được một khu nhảy dù mới Xônka, ở chân cứ điểm Élian 2. Con đường vành đai phải đi từ Isaben như vậy rút được hai phần ba.

Caxtơri hài lòng được nhận tiểu đoàn bảo an bởi vì "họ rất biết Điện Biên Phủ", tuy nhiên cái gì là thật giữa tháng 11 và tháng giêng không còn là thật nữa trong tháng 3. Tập đoàn cứ điểm đã có một bộ mặt khác, hầm trú ẩn, vị trí xạ kích được nhân lên rất nhiều và địa hình đã khác trước. Bôtenla tự hỏi, mình "rơi vào trường đấu nào đây?". Người của ông thả xuống trên toàn bộ chiều dài của vị trí phải mất hàng giờ mới tập hợp được, trạm quân y trung tâm quá tải đã không chịu nhận người bị thương của ông và bác sĩ Ruôn phải đặt trạm cấp cứu trong một cái hầm bình thường. Turê có lý vị trí nằm giữa các Élian không phải được chuẩn bị để đón một tiểu đoàn và mọi người phải đào đất sét trong một phần đêm. Xẻng không có đủ, phải đào bằng dao găm, thậm chí cả bằng mũ sắt, để tránh đạn súng cối mà Việt Minh gửi tới để chào mừng người mới đến.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #91 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2008, 12:48:58 pm »

Tôi ngủ lơ mơ được một tiếng, trung uý Acmanđi phàn nàn, thì Bôtenla đánh thức tôi. Trời mưa, nước nhỏ giọt trên mái lều vải và chảy vào hố của chúng tôi. Ông bảo cho biết là Lăng le vừa gọi ông và yêu cầu "Hãy nỗ lực thêm chút ít” . Tiểu đoàả bào an phải đi qua tập đoàn cứ điểm để phản kích theo hướng Gabrien”.

Thỉnh thoảng có mưa rào, đêm tối giống như một chiếc màn đen và Bôtenla ngửi thấy mùi mù tạt xông lên mũi; rõ ràng người ta muốn chơi ông một "vố khách mời”. Đến mức độ mà ở đại đội 3, trung uý Gaven, một chàng trai chắc nịch người tỉnh Avâyrông, từ chối không muốn làm "con gà trống của trò cười" (nghĩa là bị lừa) khi biết rằng ban đêm mà phải di chuyển xa dưới trời mưa tầm tã. Nhảy dù xuống phía nam, đưa về cứ điểm Élian ở trung tâm, bây giờ giữa đêm lại điều lên cực bắc của Điện Biên Phủ. Thiếu tá Đờ Xêganh Pazít đã hứa với Bôtenla sẽ cử một số người dẫn đường thuộc tiểu đoàn dù ngoại quốc thứ nhất giúp ông. Đáng lẽ, họ phải ở đấy rồi nhưng chẳng thấy mặt ai cả. Phải nhanh lên thôi vì ở hướng Gabrien liên tục có những tiếng nổ và hàng trăm luồng ánh sáng đâm thủng màn đêm. Người ta hoàn toàn nhận biết được những luồng ánh sáng trắng của tạc đạn có phốt pho. Các hạ sĩ quan đang la mắng lính dù Việt Nam trong đó có những người mới đến Élian, các đại đội thì chiếm lĩnh trận địa, và còn nghe thấy cả những lời văng tục. Có người của trung uý Phạm Văn Phú đi theo, Gaven, người có đôi lông mày cau có bộc lộ cái tính bẳn, dẫn đầu với đại đội 3. Đại đội của thiếu uý Ty tiếp theo sau và đại uý Máctine đi sau cùng khép kín đội hình. Bôtenla tự hỏi tiểu đoàn ông sẽ mất bao nhiêu thời gian để đi qua phân khu trung tâm dưới trời mưa giữa đêm và tình huống sẽ diễn ra như thế nào khi đến trước Gabrien?
Đơn vị đồn trú Gabrien đã bị xúc động vì sự sụp đổ của Bêatơrít nhưng tinh thần không suy yếu, binh sĩ vẫn tin tưởng. Điều chứng minh là lính bộ binh bản xứ không bao giờ do dự khi phải đi ra ngoài khiêu khích địch.

Từ ngày 10-3 thiếu tá Méccơnem báo cáo, tình hình đã thay đổi. Từ nay chúng tôi tiếp xúc địch ở mọi phía trừ phía nam, cách các điểm tựa dưới 800m. Các chiến hào của Việt Minh đã xuất hiện, thoạt tiên ở trên các cao điểm, rồi đến giữa đồng bằng... Ban đêm các chuông báo động đã bị vô hiệu hóa hoặc bị xô đẩy và sáng hôm sau, chúng tôi thấy hệ thống chiến hào đã được bổ sung, xáp gần và sâu hơn. Toàn bộ quân đồn trú chúng tôi chờ đợi cuộc tấn công”.

Điều đó đúng là đã xảy ra, nhưng là đánh vào Bêatơrít mà những người quan sát của tiểu đoàn 5, trung đoàn 7 bộ binh Angiêri đã theo dõi sự hấp hối của nó. Kẻ thù đã lợi dụng việc này để làm cho những người phòng thủ Gabrien tin rằng họ cũng nằm trong kế hoạch tấn công của Việt Minh. Đạn cối 120 đã rơi vào quả đồi và trong lúc cuộc tấn công đang lên đỉnh cao ở Bêatơrít, Việt Minh đã thử thâm nhập vào hệ thống rào. Méccơnem không phải là người dễ lừa và kẻ thù chỉ tốn công vô ích. Hai hoặc ba lô cốt đã bị hư hỏng, vài dây kẽm gai bị cắt và trung uý Côn lanh của đơn vị cối 120 li, đã có một khẩu bị phá hỏng. Rạng sáng ngày 14, hệ thống phòng thủ của Gabrien không bị làm rối loạn và các làn đạn ngăn chặn đã có vai trò xứng đáng.

Không một xăngtimét nào của khu vực này thoát được con mắt Việt Minh, như vậy có nghĩa là nếu họ tấn công thì tất cả các đồn sẽ bị đánh trúng. Đại uý Ca rê không tin rằng Việt Minh muốn che giấu cuộc tấn công vào Bêatơrít mà người ta có thể nhìn thấy từ phân khu trung tâm, họ muốn Gabrien bộc lộ kế hoạch hỏa lực. Lính bộ binh đã đến hàng rào kẽm gai, Ca rê nói: "Phần đêm còn lại đã trôi qua trong sự im lặng đáng ngờ vực”. Tình hình đó không ngăn cản Méccơnem mở sâm banh như thể Gabrien vừa mới giành được chiến thắng to lớn. Ông ta có muốn giữ vững tinh thần cán bộ sau một đêm mất ngủ không? Trung úy Clécgiê, sĩ quan liên lạc và quan sát thì hài lòng; đại uý Giăngđrơ và trung uý Mo rô đã khẳng định với anh loạt đạn bắn ngăn chặn đã có tác dụng nhưng Clécgiê lại muốn lợi dụng ngày 14 để thu ngắn đường đạn cho đến giới hạn hàng rào kẽm gai. Anh cũng hiệu chỉnh một đường bắn cối 120 vào một sở chỉ huy Việt Minh định vị bằng kính ngắm pháo binh. Nhưng Côn lanh không gặp may; vào buổi chiều "tất cả pháo thủ của khẩu thứ 3 đã bị chết vì đạn nổ trong nòng”. Một quả đạn Việt Minh ngắm bắn trực tiếp lại loại khẩu thứ hai khỏi vòng chiến, thế là điểm tựa đã mất đi hai khẩu cối.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #92 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2008, 12:50:23 pm »

Sáng ngày 14, đơn vị đồn trú tưởng bị bao vây nhưng họ bất ngờ thấy viên bưu tá từ đường Pa vi đi đến, như là Việt Minh đã rút. Theo Ca rê , viên bưu tá không mang đến những tin tốt lành: Bêatơrít đã sụp đổ nhưng "Bộ chỉ huy GONO không gửi một viện binh nào mà cũng chẳng làm gì để cứu họ". Thông tin đó gây ra một sự ớn lạnh. Người ta sơ tán người bị thương đêm trước theo thứ tự xếp loại của bác sĩ Grauuyn và người đầu tiên là trung úy bác sĩ Đêsơlốt, anh không phải lưu lại 24 giờ ở Gabrien. Lơ Đamany cho biết là không còn đủ bác sĩ để sẵn sàng phục vụ nữa mà thử đi tìm một cựu sinh viên trường y ở trong đội lê dương.

"Cả ngày 14 là ngày chuẩn bị tinh thần (giống như đêm thức chuẩn bị thụ phong kỵ sĩ ngày xưa), Méccơnem viết. Việt Minh đã ở gần hơn hôm qua, người ta thấy họ trong hào chiến đấu, nhất là ở mạn bắc và mạn đông, đôi khi một cái đầu nhô lên, thường là một cái mũ cài lá cây đang di động”.

Đến 15 giờ, không muốn nuôi ở Gabrien đội quân thứ năm có thể nổi dậy khi có nguy biến, ông cho sơ tán về GONO hầu như toàn bộ số tù binh. Ông đã thu nhận đại đội Thái của thượng sĩ Lô buýt.... Đến 16 giờ, binh sĩ được thông báo là cuộc tấn công sẽ diễn ra vào chiều tối. Ba mươi phút sau, lệnh ban ra là phải đi lại bằng đường hào và chiếm lĩnh vị trí chiến đấu vào 17 giờ 30.

Bằng vô tuyến điện, phòng nhì của đại uý Nhen xác nhận: Đúng là vào chiều tối nay. Méccơnem, nhân có một cuộc gọi của GONO, liền xin được chi viện pháo binh dày đặc trong đêm 14 rạng ngày 15 "nếu chúng tôi cần". Lời yêu cầu được chấp nhận. Chiếc Đacôta - đom đóm đã cất cánh từ Hà Nội và một sở chỉ huy thay thế được dự kiến bố trí ở buồng ăn của sĩ quan. Thay vào chỗ của Đêsơlốt, Lơ Đamany đã cử y tá trường Xônđati, một lính lê dương.

Trung úy bác sĩ Đêsơlốt đến với tiểu đoàn 1, trung đoàn 2 bộ binh ngoại quốc từ tháng giêng và ngày 13, vào buổi chiều, anh ngạc nhiên nhận được lệnh đến Gabrien để thay thế bác sĩ Sô vô vừa mới bị thương. Anh theo đường Pa vi đến đó và trình diện Méccơnem. Ở đấy anh nhanh chóng hiểu rằng vai trò của anh không phải là ngồi chờ người bị thương trong hầm bệnh xá mà ra trận địa khi có một đơn vị yêu cầu phục vụ. Đó là điều xảy ra vào rạng sáng ngày 14.

Tôi ngồi xổm ở trong một hầm trú ẩn và đang chăm sóc một "khách hàng" thì một quả tạc đạn nổ ngay ở góc hầm... Tôi bị một cái tát choáng váng bên trái nhưng tình trạng không đến nỗi nguy ngập và tôi tiếp tục qua đêm ở Gabrien. Đến sáng, người ta vẫn đưa tôi đến trạm quân y, ở đây người bạn Ginđrây của tôi phát hiện thêm những mảnh ở cùi tay và ở bụng, tình trạng đó khiến ông quyết định sơ tán tôi về Hà Nội để được điều trị tốt hơn

Khoảng 14 giờ, một máy bay hai động cơ Xiêben do thiếu tá Đờvôcu lái đã hai lần định hạ cánh, nhưng pháo binh Việt Minh bắn vào đường băng và cho đến lần thứ ba Đờvôcu mới hạ cánh được; ông ta mang đến thuốc men và những lọ máu tươi, Khách lên máy bay: Pôn Buốcgát - thư ký của đại tá Đờ Caxtơri, đại uý Rô côn, trung uý Tuyếcpanh - người thoát nạn từ Bêatơrít, trung uý bác sĩ Đêsơlốt và hai người bị thương khác "Điều kiện duy nhất để lên máy bay là có thể bước nhanh, Tuyếcpanh nhớ lại, vì người phi công không tắt máy và không có chỗ cho những người bị thương cần nằm".

Chiếc Xiêben lại bay đi, sau khi cất cánh, nó bay dích dắc để tránh súng phòng không. Đờvôcu về đến Hà Nội chẳng gặp khó khăn gì, Tuyếcpanh và Đêsơlốt được đưa đến bệnh viện Lanétxăng. Máy chụp tia X xác nhận ở Đêsơlốt "một mảnh đạn lớn bằng cái đầu kim, cách mắt một xentimét, ở gần xoang trán, còn một mảnh khác, to bằng hạt dẻ, đã chui vào thành xương sống, ngang quai động mạch chủ". Nó được gắp ra, sau khi bác sĩ tiến hành gây tê cục bộ. Ba ngày sau, Đêsơlốt cảm thấy anh còn bị "gãy xương hàm vì cái tát lúc đầu".
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #93 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2008, 12:51:46 pm »

Ngày 14-3, Torri đỏ không cho phép máy bay hạ cánh. Các phi công chờ đêm đến. Cô hộ tống Brigít đơ Kecgôlay biết rõ đường băng mà cô đã hạ cánh những lần sơ tán trước. Chuyến đi cuối cùng của cô là vào ngày 10-3 và nhật ký bay ghi rằng cô đã đến bằng máy bay C47 của trung uý Xin canh và cô đã bay đi với đại uý Đờ Cátsti trên một máy bay khác.

Ngày 14, trong khi Gabrien bị pháo kích, Brigít đã bay một chuyến khứ hồi Hà Nội - Điện Biên Phủ ban đêm với tổ bay của đại uý Ma lô. Vẫn là ngày 14, lợi dụng bóng tối trung úy Clerê thôi không hạ cánh nữa vì hoạt động của phòng không và của pháo Việt Minh rất dữ dội. Cô hộ tống viên của anh, Em mê Can ven lại ra đi từ Hà Nội với tổ bay của trung uý Bitxuang, sĩ quan này cũng được lệnh quay về. Trong các hầm chờ đợi, dọc theo đường mòn, những người bị thương lo lắng.

Thiếu tá Máctinenli, phó chỉ huy của trung tá Gô sê đã trải qua ngày 14 trong một cái hố, dưới một tấm vải lều. Người ta hứa để anh sơ tán bằng máy bay vào buổi tối nhưng, anh giả thiết "nếu tôi phải ở lại đấy trong cả thời gian bị bao vây, tôi không biết yếu như tôi ở lúc kết thúc thời kỳ lưu trú này liệu có sống sót được không”.

Vào cuối buổi chiều, những người khiêng cáng luồn anh vào một xe cứu thương mà người lái xe, sợ toát mồ hôi, trốn trong một cái hầm cho đến lúc có tín hiệu xuất phát. Anh ta chạy đến tay lái và, chẳng quan tâm đến ông khách, mở hết tốc độ chạy một vòng quanh bãi đậu, rít phanh dừng lại rồi lùi xe về phía cửa một máy bay DDacôta vẫn còn nổ máy.

Máctinenli:

Một quả đạn pháo Việt Minh nổ cách phía sau máy bay hơn 50m. Người ta vội vã đưa tôi lên máy bay; có nhiều người bị thương, hầu hết là người Aniêri. Cáng của tôi được luồn vào lối đi. Người phi công theo dõi, đôn đốc làm nhanh. Chẳng ai nói một câu. Một quả đạn khác lại rơi, lần này ở phía trước máy bay. Tôi tự bảo phải đi trước quả đạn thứ ba là quả sẽ trúng đích. Những phút trôi qua thật là dài... Cửa máy bay khép vào, động cơ gầm lên nưng cửa không đóng được Hai người trong tổ bay đẩy cửa, động cơ quay chậm lại, người lái phụ cùng xuống đẩy với họ. Thế là viên đạn thứ ba sắp bắn! Cuối cùng đã đóng được cửa. Máy bay đã lăn bánh, động cơ ù ù, thân máy bay ở thế nằm, lăn nhanh tới chỗ ngoặt trước đường băng cất cánh. Quả đạn thứ ba nổ đúng vào nơi chúng tôi vừa rời đi. Trong my bay một sự im lặng tuyệt đối Trong suốt thời gian bay, chúng tôi chỉ nghe thấy tiếng cổ vũ nhè nhẹ của phi công. Sau khi cất cánh, sự căng thẳng đã hạ xuống, tổ bay mở các chai bia tươi và người ta đã nói chuyện”.

Máctinenli bị gãy xương ở chân phải và bị một vết thương sâu ở đầu gối bên trái, gân của cơ lớn ở đùi bị cắt đứt một phần. Bác sĩ giải phẫu đã khâu lại gân, bó bột chỗ gãy chân và người bị thương sẽ được hồi hương về chính quốc bằng máy bay.

Vẫn là ngày 14, vào buổi chiều, Gabrien chờ đợi cuộc tấn công. Lúc 18 giờ, chẳng bố trí sắp xếp gì trước, pháo Việt Minh gầm vang, xé bầu trời màu xám chì, làm tung lên những chùm tia đất và sóng chấn động làm rung chuyển hầm. Méccơnem tức điên người: "Chưa đến 3 kilômét về phía bắc, chỉ một đại đội pháo 105 của địch đã bảo đảm tất cả làn đạn trúng đích và, ngược lại với những bảo đảm đã đưa ra với tôi, chúng ta chẳng phản pháo gì cả".

Kịch bản Bêatơrít đang tái diễn: Không có được một sự quan sát tốt, các khẩu 155 của đại úy Bêan chẳng khóa mồm được pháo địch.

"Chúng tôi được thông tin kém về pháo binh địch và về các hỏa khí khác không phải của bộ binh, trung tá Lăng le thừa nhận. Cả hai vị trí đều ở rất gần rừng: Bêatơrít dưới 200 mét và Gabrien 500 hoặc 600 mét. Địch có thể chiếm lĩnh trận địa, bố trí một căn cứ hỏa lực mạnh mà chúng ta không thể nhận thấy. Cả hai đơn vị đồn trú đều bị nghiền nát dưới một cuộc pháo hỏa chuẩn bị chưa từng thấy ở Đông Dương”.

Mặc dù trời mưa, có thể là nhờ có máy bay - đom đóm ném bom sáng (Chú thích: Tiếp theo sau cuộc tấn công là tình hình khí tượng rất không thuận lợi, đặc biệt lại có một cơn giông dữ dội trong đêm, liên lạc vô tuyến điện bị gián đoạn (ăngten định vị thay thế hơn mười lần), và máy bay - đom đóm không thể bảo đảm một cuộc chiếu sáng tử tế nào), rốt cuộc Méccơnem cũng có được một khái niệm về những căn cứ hỏa lực chủ yếu của địch:
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #94 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2008, 12:52:59 pm »

Những khẩu cối hạng nặng bắn từ phía bắc đến và, ở cự li khoảng 3 kilômét, một đại đội pháo 105 đã đưa đạn pháo rơi vào "một chiếc khăn mùi soa bỏ túi”. Hỏa lực bộ binh nhiều vô kể và gần nhau đến nỗi đã lẫn lộn những tia sáng lúc đạn bắn ra và những đường đạn vạch đường, không phân biệt được. Méccơnem thôi thúc trung uý Clécgiê phải phản pháo nhưng Clécgiê hiểu rằng ở sở chỉ huy hỏa lực, chẳng ai sẵn sàng chấp nhận yêu cầu của anh. Nếu đại tá Caxtơri có được một đội pháo binh mạnh hơn, liệu ông có được những kết quả tốt hơn không" Đó là câu hỏi đặt ra cho ông khi ông ra trước ban điều tra:

- Để chi viện cho bộ binh, đó là điều chắc chắn rồi, ông trả lời, nhưng không phải về phương diện phản pháo.

- Vì ông không phát hiện được pháo địch? Chủ tịch Catơru gợi ý

- Ngay cả khi tôi đã phát hiện được, chúng ẩn ở dưới đất đến mức phải có bom khoan mới chạm được chúng. Bom thường không đụng được chúng... Những phát trúng đích rất hiếm... Các khẩu pháo không tập hợp thành đại đội pháo, chúng cách nhau 600 đến 700 mét. Phải trải thảm bom mới có cơ may làm câm họng chúng. Pháo 155 không hiệu quả”.
 
Nỗi tức giận của Méccơnem đã được biện minh, bởi vì từ khi ông ở Gabrien, các pháo thủ đã hứa với ông rằng mọi khẩu pháo của Việt Minh dám bắn vào vị trí của ông sẽ bị pháo 155 trừng phạt. Thế mà, cũng như ở Bêatơrít, phải bằng lòng với những làn đạn ngăn chặn, may mắn sao được dùng đúng chỗ, sẽ bẻ gãy các đợt xung phong. Đòn giáng vào Gabrien nhạy cảm hơn ở phía bắc và phía đông bắc đối với đại đội 4 của trung uý Mo rô là người yêu cầu bắn vào rào kẽm gai. Méccơnem trả lời yêu cầu SOS của Mo rô, giao cho đại uý Ca rê đưa hai trung đội Thái được giữ làm dự bị ở bãi đỗ của trực thăng. "Tôi chỉ tìm thấy một trung đội, Ca rê viết, người Thái vẫn ở đó cả thôi và muốn kéo họ ra, tôi phải sử dụng những phương thức không được ghi trong điều lệnh”.

Ca rê dừng lại ở sở chỉ huy đại đội 4 để khích lệ Mo rô rồi ông truyền cho đại uý Nácbây, của đại đội 1, lệnh điều trung đội dự bị của ông lên mặt bắc trong lúc Ca rê đi tìm hai tiểu đội ở đại đội 2 của trung úy Bôtenla và dẫn họ đến Mo rô. Trong lúc đó, sĩ quan tùy tùng tiểu đoàn pháo ghi lại: "Bắn ngăn chặn đã được thực hiện ở cự li gần nhất và đạn 105 của chúng ta đã rơi trước phòng tuyến của chúng ta 20 mét. Cối 81 của chúng ta hầu như là bắn thẳng đứng. Gabrien biến mất trong đám mây bụi và khói, cũng như ở Bêatơrít, Việt Minh dùng nhiều đạn phốt pho".

Giữa những tiếng nổ, lính Việt Minh thâm nhập vào các công trình phòng ngự (Chú thích: "Các ảnh hàng không chụp sau khi Gabrien thất thủ cho thấy phần lớn các công trình gần như nguyên vẹn. Điều đó hình như muốn chỉ ra rằng pháo binh của tướng Giáp đặc biệt chú ý dập tắt hỏa lực và vô hiệu hóa pháo binh của chúng ta (Lưu trữ của ủy ban điều tra Catơru).). Thượng sĩ nhất Hin đơ tập hợp các lính bộ binh bản xứ tráng kiện lại và bắn hạ lính Việt Minh bằng súng máy. Hai khẩu cối 81 nữa lại bị phá hủy nhưng các cối 120 vẫn bắn. Clécgiê nói đến "vài Việt Minh bị lạc trong hàng rào dây kẽm gai buộc anh phải rút ngắn thêm làn đạn ngăn chặn ở phía đông bắc” (Chú thích: Khi bị bắt rồi, thiếu tá Méccơnem đòi trung uý Gimbe Clécgiê và trung úy Gioócgiơ Côn lanh phải thảo một báo cáo vế hoạt động của họ trong đêm 14 rạng ngày 15- 3.). Theo đại uý Ca rê, đã gần nửa đêm khi Việt Minh đến cách hào chiến đấu của đại đội 4 mười mét, rút lui. "Còn nhìn thấy chúng trong ruộng lúa và chúng tôi truy kích bằng pháo 105”.

Quả nhiên, địch ngừng pháo kích vào 2 giờ 30 sáng ngày 15-3. Hai cối 120 khác của trung úy Côn lanh đã bị loại bởi các pháo không giật. Tướng Giáp thôi chăng? Tuy vậy Méccơnem cảnh báo quân đồn trú "Các đợt xung phong, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối đêm". Lúc này, người ta bổ sung các điểm tựa với những người vốn để ở đội dự bị, củng cố tuyến ngăn chặn thứ hai, phân phối bữa ăn phụ khá đầy đủ? thực hiện tiếp tế đạn - Ca rê cho mang lựu đạn đến cho Mo rô - và khi mưa tạnh bầu trời, máy bay đom đóm, theo Méccơnem, "cố gắng soi sáng bãi chiến trường, tuy nhiên có nhiều khói và bụi đến nỗi phong cảnh giống như bầu khí quyển của một cơn bão cát”.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #95 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2008, 12:55:00 pm »

Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 5, trung đoàn 7 bộ binh Angiêri ghi rằng lúc 3 giờ 30 "pháo kích của địch lại tiếp tục với mức độ dữ dội hơn". Hai đại đội pháo 105 đã được phát hiện ở hướng đông bắc. Nửa giờ sau "một cuộc tấn công  mạnh mẽ đã nổ ra ở sườn phía đông và ở mặt bắc. Việt Minh thâm nhập vào giữa đại đội 1 của Mo rô và đại đội 1 của đại uý Nácbây cho đến tuyến phòng ngự thứ hai. Các khẩu cối 81 và 120 cuối cùng của chúng tôi đã bị phá hủy”.

Sở chỉ huy hỏa lực hỏi Clécgiê có muốn khoanh lại hoàn toàn không và sĩ quan liên lạc và quan sát đã nhận, tỏ ra anh nắm tình hình không tốt. Chính là phải đánh ở phía bắc và đông bắc, nguy cơ là ở đó. Một quả đạn nổ ở sở chỉ huy của tổ liên lạc và quan sát và phá trạm rađiô. "Tôi không còn liên lạc nữa, Clécgiê báo cáo, tôi bị thương, tôi đi đến buồng ăn, nơi có trạm xá. Đến đấy tôi thông báo sự suy yếu của tôi bằng rađiô và tôi sẽ chìm...".

Từ khi pháo kích của Việt Minh tiếp tục trở lại, Côn lanh, với các khẩu cối đã chết, nhận thấy rằng rađiô của tổ liên lạc và quan sát đã thôi phát sóng. Anh đoán rằng máy bị phá huỷ và có thể người thao tác đã chết... "Tôi đảm nhiệm nhiệm vụ của tổ liên lạc, quan sát và gửi Dơvinliê về sở chỉ huy. Khỉ trở lại, anh báo với tôi sở chỉ huy sụp đổ một nửa, thiếu tá Ka bị thương nặng, tổ liên lạc và quan sát cũng vậy, thiếu tá đờ Méccơnem bị thương nhẹ hơn nhiều; ông yêu cầu bắn về hướng đông bắc”.

Đại úy Ca rê từ đại đội 4 trở về và ra lệnh cho Côn lanh giữ vững tại chỗ; Mo rô bị chìm lún, đi tìm viện binh ở phía nam, ở chỗ Giăngđrơ và Bôtenla. Côn lanh yêu cầu sở chỉ huy hỏa lực cho bắn về phía trước những công sự phòng ngự ở hướng bắc, trước tiên bắn đạn nổ trên không sau đó bắn ngăn chặn, trong lúc đó Carê cố gắng phối hợp phòng ngự của các đại đội Mo rô và Nácbây với các pháo thủ cối 81 và lính Thái của thượng sĩ Luy xiên Lô buýt bị giết năm phút sau. Quân địch ùa vào các cửa mở hàng rào và vượt qua những người của họ bị chết và bị thương nằm trong hàng rào dây kẽm gai. Hai lần Ca rê lên lại hầm trú ẩn bị sụp đổ một nửa, ở đây Mo rô đang cố gắng tổ chức lại phòng ngự của mình và củng cố sở chỉ huy cùng với công binh của tiểu đoàn. Khi đi qua lần cuối, ông thấy Mo rô ở trên đỉnh đồi, ở vị trí các khẩu cối 120. Chính ở nơi đó ông sẽ bị trận đánh nuốt chửng. (Chú thích: Sinh năm 1925 ở Pa ri, Angđrê Mo rô vào đơn vị thông tin tháng 10-1944. Tình nguyện sang Đông Dương với tư cách sĩ quan dự bị làm nhiệm vụ thường trực. Đến Đông Dương tháng 1-1953. Trung úy (dự bị) tháng 4. Bổ nhiệm về tiểu đoàn 5, trung đoàn 7 bộ binh Angiêri, theo đơn vị lên Điện Biên Phủ).

Caxtơri khẳng định Việt Minh gặp khó khăn trong việc mở những hành lang xung phong trong hàng rào kẽm gai: "Thoạt tiên họ bị thất bại. Tôi nghĩ rằng đến đợt xung phong thứ tư họ mới vượt qua được. Đầu tiên họ tấn công ở mặt đông và rốt cuộc họ chỉ vào được ở phía đông bắc".

Chúng ta không quên rằng những cuộc đi đi, lại lại đó, những cuộc trao đổi bằng vài câu gào thét lên, những cuộc gặp gỡ bất ngờ, những mệnh lệnh đôi khi trái ngược nhau đó nằm trong một khung cảnh phải tuân theo những quy luật khác: bóng tối, mưa như trút nước và pháo kích chỉ chấm dứt khi các "bộ đội" ào ạt tràn vào vị trí. Đã 4 giờ sáng khi đại uý Ca rê đến sở chỉ huy, tưởng rằng sẽ gặp thiếu tá Méccơnem. Sau Côlanh là người biết đầu tiên, Ca rê biết rằng một quả đạn đã nổ ở bên trong. Cũng như ở Bêatơrít và trong sở chỉ huy của trung tá Gô sê. Những người sống sót được y tá Xônđati khiêng sang hầm bên cạnh, nhưng thiếu tá Ka bị thương ở chân và trung uý Clécgiê không có phản ứng gì; riêng thiếu uý Sansem, hai lần bị thương, sau khi được băng bó đã có thể đi. Còn Méccơnem bị trầy da, đã ngất đi. "Thiếu tá Ka bị thương nặng ở đùi bên phải và chân bên trái, anh thuật lại, còn tôi bị thương nhẹ ở tay, nhưng tôi bị một cú mạnh ở đầu, làm tôi bất tỉnh”.

Theo anh, ít nhất hai giờ đã trôi qua "trước khi tôi tỉnh lại: Vẫn đang đêm và cuộc chiến đang diễn ra ác liệt. Ka đã ngã xuống đất, bị va chạm khá mạnh, đau đớn. Chung quanh chúng tôi, trong căn hầm tối tăm, những người bị thương rên rỉ".
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #96 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2008, 12:10:31 pm »

Đại uý Ca rê ngồi vào sở chỉ huy của đại đội Bôtenla, trạm rađiô giúp ông liên lạc với đại uý Giăngđrơ của đại đội 3, đơn vị có tiếp xúc với sở chỉ huy hỏa lực. Ca rê yêu cầu sở chỉ huy hỏa lực dùng pháo bắn bảo đảm tốt hơn các lợi ích của Gabrien. Hình như ông quên rằng Côn lanh đã thay Clécgiê ở tổ liên lạc và quan sát, và "dù ông không thể quan sát được và không có máy bay - đom đóm để chiếu sáng", ông vẫn nhắc lại yêu cầu bắn chặn.

Ở hướng tây bắc, ở đại đội 4 của Nácbây, sức ép của địch mạnh hơn, còn ở bên phải, đại đội của Mo rô im lặng không trả lời rađiô và điện thoại. Khoảng 5 giờ sáng, theo trung sĩ nhất Bô la, chỉ huy sở chỉ huy của đại đội 4, hai người khiêng cáng đã đưa trung úy Bécnaru, phó chỉ huy, bị thương và bị sốc. Một giờ sau, lo lắng vì bị cách li trong chiến đấu, Nácbây đội mũ sắt, cầm vũ khí và nói là "đi xem cái gì xảy ra ở đài quan sát". Anh phạm sai lầm là không có ai đi theo trên một hành trình ngắn - khoảng 50 mét, nhưng có thể đến được nhờ một đường hào đi quanh co, nửa sụt lở và dưới làn đạn. Méccơnem viết rằng đó là "khu vực điểm tựa có một số lượng đạn rơi kỳ lạ nhất: đạn thường, đạn pháo và cối, đặc biệt trong sự lẫn lộn của trận đánh, có bao nhiêu đạn ta thì có bấy nhiêu đạn địch". Không ai gặp lại đại uý Nácbây. (Chú thích: Sinh năm 1915 tại Grăng Công bơ, Giăng Nácbây vào quân đội năm 1934. Đi Đông Dương tháng 10-1953. Bổ nhiệm ngày 3-11 vào tiểu đoàn 5, trung đoàn 7 Angiêri cùng tiểu đoàn lên Điện Biên Phủ.)

Một số lính lê dương của các đơn vị cối 120 bố trí ở những chỗ lân cận hầm của trung uý Côn lanh; anh đã tiếp nhận 15 lính bộ binh bản xứ do trung sĩ Zarêba chỉ huy. Việt Minh leo lên sườn phía tây ở phía đường Pa vi nhưng đã bị các ổ súng máy và hỏa lực pháo, cối, bắn theo yêu cầu của Côn lanh, đẩy lui.

Từ nửa đêm, trung uý Monnô thuộc đại đội Giăngđrơ nhớ lại khi Việt Minh bám được vào vị trí từ phía bắc, cuộc chiến đấu trở thành công việc của các trung đội và thậm chí có lúc là của các tiểu đội vì tầm nhìn hạn chế, vì địa hình và cũng do các phương tiện liên lạc (rađiô, điện thoại) đều lần lượt bị phá hủy”.

Nếu không ai chú ý giúp đỡ, Gabrien sẽ chết. Giăngđrơ đã báo cáo tình trạng hai tiểu đoàn trưởng đều bị thương và anh đảm nhiệm việc liên lạc rađiô với sở chỉ huy hỏa lực. Ở GONO, sự im lặng của Méccơnem gây lo lắng và người ta cho rằng "tiểu đoàn 5, trung đoàn 7 bộ binh Angiêri không làm chủ được tình hình nữa", điều đó chỉ huy trưởng Gabrien xác nhận trong báo cáo: "Sau 4 giờ 30, sự phòng ngự bị phân cách; các đơn vị phía nam (đại đội 2 và 3) tự phòng ngự, không tìm cách phối hợp hành động với các đơn vị phía bắc (đại đội 1 và 4) ".

Côn lanh thấy đại uý Sujinô bị thương ở cánh tay, rút về sở chỉ huy Bôtenla với hy vọng tìm được một y tá. Ca rê cho rằng sẽ chẳng ích lợi gì nếu hỏi ông ấy ở đâu trong khi địch tấn công. Các lính bộ binh của Zarêba đã ở lại vị trí ngang tầm với dây kẽm gai và hai lính lê dương của Côn lanh ném lựu đạn vào những hình bóng thoáng qua đang lướt về phía nam của vị trí. Những viên pin cuối cùng đã dùng hết, Côn lanh cho hủy các trạm liên lạc, chỉ giữ lại một chiếc 609 mà anh mang theo người để liên lạc với sở chỉ huy của trung uý Bôtenla. Những người riêng lẻ nổ súng và Việt Minh ít tính xung kích hơn; việc ném lựu đạn đã bắt đầu và Ca rê được biết là địch đang ở trong bệnh xá. "Lúc đầu chúng tôi giả vờ làm người chết, Clécgiê viết, sau đó chúng tôi đầu hàng. Chúng tôi có mấy người là thiếu tá Ka, Giăngviê, một điện báo viên của tôi, một lính bộ binh bàn xứ đã chết và cả tôi"

Ca rê hiểu rằng từ bây giờ đưa người lên phần phía bắc của Gabrien là vô ích. Anh có ý định tập hợp các thành phần của đại đội 2 và đại đội 3 để lập một điểm tựa khép kín mà anh hy vọng có thể chiến đấu cho đến sáng. Có hai lính lê dương của mình là Pút và Zimmécman tháp tùng, Côn lanh cũng đến chỗ Bôtenla với 15 người. Trung uý Monnô có lý, bây giờ là những tiểu đội riêng biệt chiến đấu đằng sau những lô cốt không thể ở dược hoặc trong những đoạn hào chiến đấu. Trung uý Bengabrít bị thương nhưng các hạ sĩ quan của anh đã nắm lấy binh lính và cuộc chiến đấu lại nhen nhóm. Trung uý Ăngdrê Sôtxanh đã mất tích, trung uý Lácsê bị thương nhiều chỗ rồi bị bắt làm tù binh. Mặc dầu có hai vết thương, nhưng có một ý chí gang thép, trung uý Xarixem kéo lê ở đáy một hào giao thông. Sau vết thương thứ ba rồi vết thương thứ tư, anh bị té xuống đất rồi bị bắt. Bản thân Méccơnem đang cố tìm đến với đại đội 3 thì đụng vào hai Việt Minh đang ném lựu đạn vào một lô cốt. Ông chẳng có thời gian để phản ứng khi đã bị khống chế rồi đẩy ra phía sau.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #97 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2008, 12:12:07 pm »

Bằng rađiô, Giăngđrơ báo cáo rằng một đợt xung phong của khoảng 100 người đã bị pháo 105 Pháp làm tan rã. Hào chiến đấu phía đông nam và rào kẽm gai của đại đội 3 đầy những xác chết. Nhờ trạm vô tuyến điện của Giăngđrơ làm trung gian, Ca rê hỏi liệu GONO có dự định gửi viện binh không? "Người ta trả lời tôi họ đang đến và quả nhiên chúng tôi nghe tiếng đánh nhau ở phía nam ... Chúng tôi đã hình dung được một cuộc lao chạy, sẵn sàng chiến đấu cho tới các đại đội phía bắc đang ở trong tay Việt Minh".

Pút và Zimmécman có hiểu là người ta đến giúp họ không? Cùng một hạ sĩ quan của tiểu đoàn 5, trung đoàn 7 bộ binh Angiêri, họ ném lựu đạn vào những Việt Minh phục kích ở mặt tây và cầm vũ khí của họ vượt qua lối đi chữ chi trong rào kẽm gai và chạy về phía tây nam. Một quả đạn nổ trên bờ hào trong lúc trung uý Côn lanh đang phát sóng. Rađiô bị phá hủy và viên sĩ quan xỉu xuống trong tình trạng bị sốc.

Ngược lại với tình hình diễn ra ở Bêatơrít một cuộc phản kích được chuẩn bị nhưng đương sự chủ yếu, trung tá Tơranca của phân khu bắc, lại không được hỏi ý kiến. Khi ông trình bày trước ban điều tra, Lăng le nói rằng chính Caxtơri đã quyết định phản kích: "ông ra lệnh trực tiếp cho thiếu tá Đờ Xêganh Pazít, người thay tôi trong nhiệm vụ này. Pazít đã giải cứu Gabrien với lực lượng mà ông thu gom được: thực ra đáng lẽ hai tiểu đoàn thì ông lại chỉ có hai đại đội”.

Lăng le công nhận Pazít cũng có hai trung đội xe tăng, rồi với giọng khinh khỉnh, ông nói toàn thể đoàn bảo an đã tham gia vào cuộc hành quân này: "Đây là một tiểu đoàn Việt Nam nhảy dù xuống hôm trước và cứ lẽo đẽo khật khừ... thực tế chẳng bao giờ xuất kích".

Sự thật, Caxtơti không thể phản kích với hai tiểu đoàn dù bởi vì ông đã cho Lăng le một nửa số này để "củng cố phòng ngự rồi. Tiểu đoàn 5 dù Việt Nam phải thay thế chúng.

Tôi chỉ còn hai đại đội của tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc và tiểu đoàn 5 dù Việt Nam, Caxtơri nhấn mạnh, và trong một tài liệu chưa xuất bản (Chú thích: Thư ngày 18-7-1955 gửi ủy ban điều tra, của tướng Đờ Caxtơri. Phó tư lệnh Sư đoàn 5 thiết giáp (lực lượng Pháp đóng ở CHLB Đức.), ông nêu những lý do đã khiến ông phải tung ra cuộc hành quân:

Địa hình giữa đường băng hạ cánh và Gabrien gần như bằng phẳng, không có bụi cây, chỉ có một đường cắt dùng làm căn cứ xuất phát, và xe tăng có thể triển khai trên địa hình này. Bố trí lực lượng địch, chúng ta đã biết, nhờ những tin tức tình báo được cung cấp cho đến khi địch bị Méccơnem làm cho bị thương. Rốt cuộc Gabrien giữ được từng phần và các cuộc nghe rađiô lúc 5 giờ sáng cho cảm giác một cuộc chiến đấu phòng ngự tiến hành từng bước ở bên trong. Mục đích cuộc phản kích là tránh cho Gabrien khỏi sụp đổ và hà hơi, tiếp sức bằng những chiến binh mới mẻ khỏe khoắn để giúp cho việc dành lại vị trí”.

Nhiệm vụ của Pazít đã rõ ràng: Chiếm lại Gabrien và để đoàn bảo an lại đó. Ông có một sĩ quan liên lạc và quan sát, trung úy La gác.

Với các trung đội xe tăng Đỏ và Xanh được đặt trong tình trạng báo động, đại úy Hécvuiét chờ hơn một giờ rồi để nghe "lệnh truyền miệng" của GONO. Tại sao lại mất thời giờ như vậy? Giả thiết thông thường nhất là Lăng le làm khó dễ trong việc điều tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc và thẳng thừng từ chối không muốn giao lại tiểu đoàn 8 xung kích. Họ đã tranh luận găng và Lăng le áp đặt việc tham gia của đoàn bảo an.

Nhật ký GONO ngày 15-3 ghi câu đầu tiên: "5h30: tiểu đoàn dử ngoại quốc và xe tăng rồi tiểu đoàn 5 dù Việt Nam xuất phát đi phản kích " (Chú thích:  Tướng Bécna Đruin - đại úy phòng ba GONO - đã khôi phục nhật ký của GONO nhờ các bản sao điện tín gửi về Hà Nội trong trận đánh và các lưu trữ mà tướng Na va giao cho ông sử dụng.)

Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #98 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2008, 12:13:30 pm »

Theo lệnh của "nhà chức trách bò rừng Bijông" (Hécvuiét), ba xe tăng của thượng sĩ nhất Carét dẫn đầu với các đại đội Mác tanh và Đômigô của tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc. Trung đội Gun ở thê đội 2 với trung đội Đỏ và đi trước đoàn bảo an mà người ta không có tin tức. Không thể chờ đợi nữa, trời sắp sáng. Cuộc đấu pháo giữa hai bên nghe điếc tai. Vượt qua chỗ lội cạn bản Khe Phai, lính lê dương của "Lu lu" Mác tanh bị một chốt địch chặn lại nhưng các xe tăng Ba dây, Muynhudơ và Đuômông dã dùng đại bác bắn tung chốt và bộ binh lại tiếp tục đi. Là phó chỉ huy của Mác tanh, trung úy Đêmejie ghi rằng, từ đầu cuộc phản kích, trung úy Đômigô của đại đội 4 bị một mảnh đạn vào đùi. Đômigô rất vững khi bị đau: anh tự băng bó rồi lại đi tiếp. Các trung đội Béctơrăng và Boabuviê dính vào xe tăng của Carét. Các "bò rừng Bijông” như Caxtơri gọi, gây tin tưởng cho lính lê dương, không có chúng thì họ sẽ hơi "nhẹ cân". Trung úy Đờ Tu sê cùi tay bị vỡ vì đạn. Hai lính lê dương đưa anh lên một cái cáng và chuyển anh về phía sau.

Bằng rađiô, Hécvuiét gọi trung đội Đỏ và ra lệnh đến với ông. Tất cả các đơn vị hành quân tới Gabrien, từ đây những làn đạn của súng tự động chọc qua màn mưa bắn tới. Tất cả các đơn vị .. trừ tiểu đoàn 5 dù Việt Nam của Bôtenla vẫn kéo dài mãi cuộc hành quân lên phía bắc dưới trời mưa. "Bò rừng" và lê dương tiếp cận mục tiêu. Rào kẽm gai không còn xa và lợi dụng trời mưa che khuất nó, Muynhudơ ngược lên sườn phía tây của Gabrien và dùng súng 12,7 quét Việt Minh đang chở súng và các két đạn ra khỏi các lô cốt của đại đội Nácbây. Thấy Muynhudơ hơi vượt lên phía trước, Carét lệnh cho Xalaun trưởng xe trở lại với trung đội Xanh. Xalaun vâng lệnh và đúng lúc đó thoát khỏi tầm ngắm của một SKZ. Các lê dương của trung úy Béctơrăng bảo đảm việc bảo vệ gần nhưng các lính quan sát của Việt Minh đã định vị các xe tăng và hướng hỏa lực pháo binh trước tiên vào Đuômông, đại bác của xe này đã làm vỡ các ổ Việt Minh chốt ở tả ngạn sông Nậm Cỏ. Một quả đạn va đập mạnh xe tăng, chặt cần ăngten và làm bị thương người nạp điện rađiô, người Việt Nam. Buxrê, trưởng xe báo cáo thiệt hại và được lệnh trở về. Lính lê dương nhân dịp này đặt người chết và người bị thương lên bệ sau của xe và chiếc Đuômông rời xa.

Chiếc tăng Pôsen của trung sĩ Nây đi trước đại đội Mác tanh có xe tăng Ettlanhgen và Xmôlensk đi kèm nhưng pháo thủ địch bám riết đại đội tăng của Herơvuiét. Gần đến rào kẽm gai, một quả đạn bắt trúng xe Ettlanhgen, đập nát đầu trưởng xe Pie Quân. Đó là trưởng xe tăng đầu tiên bị giết trong chiến đấu. Faruin, xạ thủ, báo cáo cho thủ trưởng "bò rừng : "Về căn cứ xuất phát và đem người bị thương của Tiểu đoàn dù ngoại quốc về?", Hécvuiét ra lệnh.

Trời vẫn còn tối sầm, mưa tăng nhanh - một chi tiết quan trọng vì tầm nhìn xa càng bị giảm.

"Biết rằng các cuộc nói chuyện bằng rađiô của chúng tôi bị nghe trộm, Caxtơri viết, trong lúc đang hoạt động, tôi cử đại úy Đruin thuộc phòng 3 đến bên cạnh Pazít, có nhiệm vụ xác định cho Pazít tính khẩn cấp của yếu tố thời gian, báo cáo cho tôi diễn biến hành động và ý kiến của ông ta".

Đruin lái một chiếc xe Jeep và "sau khi vượt qua tiểu đoàn 5 dù Việt Nam", ông đến sở chỉ huy nhẹ của Pazít nơi Ghirô vừa mới đến. Nhưng, đoàn bảo an, đơn vị có quân số đông đủ nhất của cuộc hành quân, thì làm gì? Đoàn bảo an không "lê lết" như Lăng le nói mà nó đi qua Điện Biên Phủ từ đông nam đến bắc trong đêm tối, dưới trời mưa và đạn pháo. Và, ngược lại với nhưng lời hứa với Bôtenla, không có một người dẫn đường nào được cử đến với họ . Đó cũng là sự ra trận lần đầu của nó dưới làn đạn pháo và nó đã trở thành "người mà người ta không hề thấy bao giờ" của cuộc phản kích. Khi đại đội đi đầu của trung úy Gaven đến chỗ lội sông, pháo 105 của Việt Minh đã duy trì hỏa lực ở đó mà không có một cuộc phản pháo nào cản trở và những tiếng nổ gây ấn tượng đến nỗi chiếc dây xích dài bằng người của đoàn bảo an đã chứng minh hiệu quả. Đại đội của trung úy Phạm Văn Phú đã vượt qua kênh nhưng chẳng ai theo. Thiếu tá Ty và phần lớn người của anh đã ngồi lại, thậm chí nằm lại trong các hầm hố và không chịu tiến lên.

Caxtơri viết "cuộc phản kích đã được tiến hành mạnh mẽ bởi các xe tăng và tiểu đoàn dù ngoại quốc và uể oải hơn nhiều bởi tiểu đoàn 5 dù Việt Nam".
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #99 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2008, 12:15:04 pm »

Sự mệt nhọc, sự mất ngủ (đêm thứ hai thức trắng), địa hình không quen, phải đi dưới trời mưa giông, bị nã pháo và cuối cùng là sự sợ hãi đã ngăn cản lính dù Việt Nam bước đi. Khi hay tin, đại úy Bôtenla cùng với trung úy Acmanđi và trung úy Phú quay trở lại và bằng những quả đấm, những cú đá gọi họ bằng đủ thứ tên, lôi họ ra khỏi các hố và đẩy họ bằng vũ lực lên trên đường. Chẳng làm được gì, họ bị tê liệt, đoàn bảo an không có vai trò gì trong ngày 15-3. Vừa tức giận, vừa điên đầu làm ông nghiến răng kèn kẹt, Bôtenla làm một cuộc sàng lọc trong cán bộ và binh lính, loại ra khỏi quân số tất cả những ai từ chối không chịu lội qua sông. Nhanh nhẹn hơn, Phú vạch ra một danh sách những người dưới quyền mà anh ta định xử bắn, danh sách này anh đưa cho Bôtenla, ông này thấy chỉ cần thể hiện sự khinh bỉ mà những kẻ khốn nạn sẽ tự cảm thấy. Ông cho gạch tên họ trong danh sách quân đội và chuyển họ thành những dân phu chuyên đi nhặt các kiện hàng thả bằng dù; Bôtenla làm họ mất mặt, điều đó theo con mắt họ là sự nhục nhã tồi tệ nhất.

Khi trở về GONO, Đruin báo cáo với Caxtơri "Việc nóng bỏng nhưng diễn ra bình thường”. Ông đi xe đến chỗ Pazít nhưng khi trở về , xe Jeep bị trượt và vượt ra ngoài con đường trơn, nằm ở phía dưới thấp. Trong lúc đó các xe tăng Bazây của trung đội Xanh và Pôsen thuộc trung đội Đỏ chỉ cách rào kẽm gai của Gabrien khoảng 50 mét. Đã 7h45. Thượng sĩ nhất Carét phân biệt được các lính bộ binh bản địa trong các hào ở phía nam của vị trí. Xe tăng Pôsen tăng tốc .. Những người lẻ chạy trong lối đi chữ chi rồi đến các tiểu đội các trung đội đầy đủ.

Đruin: "Việc rút lui" những người sống sót của Gabrien được thực hiện trong sự hỗn độn và chỉ thành công nhờ hai đại đội của tiểu đoàn dù ngoại quốc nằm sát hàng rào kẽm gai ở phía nam và chỉ cách Việt Minh bởi bãi gài mìn và những công sự phòng ngự phụ”.

Trung uý Đêmejie của đại đội Mác tanh, nhắc đến một lũ người đã nhào qua hàng rào:

Ở đông nam Gabrien, các "bộ đội" đang cố vượt qua bằng sức mạnh trong lúc những người phòng thủ thì hướng về phía bắc nơi các cuộc bắn nhau đã dứt. Tôi ở chỗ thấp hơn so với sở chỉ huy đại đội, trung uý Monnô viết. Khoảng 5 giờ sáng, khi Việt Minh đã bám được mạn bắc Gabrien, chúng đã tung ra những đợt xung phong, đến từ các hào theo hướng đông nam, ngang tầm nơi tôi ở. Chúng tôi đã chặn nhưng chúng vẫn tiến tới, từ cả phía sau chúng tôi và chúng tôi có thể bị lọt vào gọng kìm. Tôi cử trung sĩ Khê líp đến đại đội để hỏi đại uý Giăngđrơ xem có nên rút lui trước khi bị bao vây không.
Khêlip trở về nói rằng một cuộc phản kích có xe tăng tham gia đang được thực hiện và chúng tôi sẽ được giải toả
".

Ở sở chỉ huy của anh tại đại đội 2, trung uý Bôtenla có cảm tưởng rằng Việt Minh đã bị đại đội Giăngđrơ chặn lại. Khoảng 6 giờ "tình hình trên cao điểm đã nghiêm trọng hơn, anh viết. Đại đội 2 và đại đội 3 của đại uý Giăngđrơ, được các lính lê dương của các khẩu cối 120 tăng cường, ra sức kháng cự. Các đợt xung phong mỗi lúc mỗi ác liệt hơn và Việt Minh hình như không hề sợ chết, người này ngã thì người khác lại tiến lên, bước lên cả đồng đội đang nằm dưới đất".

Bôtenla thi hành lệnh của đại uý Ca rê, thu hẹp bố trí lực lượng và chiến đấu bằng điểm tựa khép kín. Anh bỏ mọi ý định hợp đồng với Giăngđrơ và ra lệnh cho trung uý Fốcx để lại tại chỗ hai lô cốt chính và tổ chức phòng ngự hướng về mặt bắc. Anh lưu ý rằng đến 7 giờ "viện binh (nguyên văn) không thể đến được tận chỗ chúng ta và mặc dầu có xe tăng, đã bị một đơn vị Việt Minh chặn lại ở khoảng 400 mét về phía nam Gabrien".

Nhật ký GONO có một lời ghi khác: "7 giờ tiếng xe tăng đang hướng về vị trí. 7h15: Đợt xung phong của Việt Minh đánh vào mũi đông nam của đại đội 3 đã thành công. Phía nam, cách khoảng 1200 mét, xuất hiện những đơn vị bạn đến phản kích”.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM