Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Năm, 2024, 07:36:26 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ từ góc nhìn của người lính Pháp  (Đọc 141929 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #190 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2008, 10:00:12 pm »

Cuộc hành quân phải diễn ra như sau: hai xe tăng của Mengien chi viện đại đội 5 (Bi rê), đại đội này xuất kích từ Huy ghét 2 tấn công hướng về phía bắc trong lúc đại đội 7 (Lơ Cua) và đại đội 8 (Pêtơrê) tập kết ở Ôpêra, vượt qua sân bay và lao vào Huy ghét 1 mà người ta nghĩ rằng những người sống sót sau khi chịu đựng nhiều bom đạn sẽ bị choáng váng. Đại đội 6 của đại uý Bulanhghiê khi đến sẽ được giữ làm dự bị trong các hào gần điểm tựa Ôpêra. Bulanhghiê là một trong những người nhảy dù kỳ cựu nhất của tiểu đoàn 2 dù ngoại quốc. Một thiếu sót quan trọng là không có sĩ quan nào của sở chỉ huy được Liêdenphen chỉ định đi theo cuộc hành quân để phân xử trên trận địa về một sự thay đổi hướng có thể diễn ra, một cuộc chi viện cần phải yêu cầu hoặc những mệnh lệnh đặc biệt phải áp đặt.

Đến 13 giờ 45, giờ ấn định cho việc tham chiến của 12 máy bay khu trục - oanh tạc không quân của Hải quân, tiểu đoàn 2 dù ngoại quốc chưa có mặt ở vị trí. Đại đội 6 của Bulanhghiê còn hơn một giờ hành quân nữa. Những đơn vị khác chậm ít hơn, nhưng Liêdenphen nhắc lại là ông không thể phản kích vào 14 giờ. Cayô trả lời là không thể bắt máy bay đang bay dừng lại được nhưng anh sẽ cố gắng làm cho pháo chậm bắn lại. Bộ máy co lại. Các máy bay Hen cát xuất hiện và ném bom với một độ chính xác hiếm có trong lúc pháo phòng không khai hỏa để buộc các phi công phải bay lên cao. Bốn chiếc B26 bay đến sau đó ném hàng loạt bom xuống các phế tích của Huy ghét 1 đang chìm đi trong một đám mây khói khổng lồ mà một cơn gió nhẹ đang đẩy nó đến dòng sông. Các máy bay trở về Hà Nội khi pháo 105 của trung tá Vayăng lên tiếng.
Cùng với các súng cối hạng nặng, pháo phải bắn 1200 phát vào mục tiêu trong lúc một vài khẩu bịt mắt các đài quan sát Việt Minh ở Đôminíc và An nơ Mari bằng đạn hỏa mù. Từ sở chỉ huy Lăng le, rađiô truyền đạt những lời phản đối mạnh mẽ: người ta đã giao hẹn với Cayô là khai hỏa chậm lại. Các cuộc pháo kích ngừng lại nhưng một nửa cơ số đạn dự kiến đã biến thành mây khói. Bộ máy càng co lại.

Với hai chiếc xe tăng, Mănggien chờ đợi . . . Họ được lệnh khởi động cùng với đại đội đi đầu của tiểu đoàn 2 dù ngoại quốc và giúp đại đội vượt các hào của Việt Minh. Họ không nhận được chỉ thị gì mới cho nên một lát sau khi không quân can thiệp, người sĩ quan trẻ cho bắn pháo 12 li 7 vào các tiểu đội Việt Minh ở khá xa tại Huy ghét 1 để tránh bị ảnh hưởng của bom. Vả lại, các lính dù của trung uý Bi rê, rất mệt mỏi, đã bắt đầu đến và bị hỏa lực ở cạnh sườn làm cho do dự. . . Họ tìm nơi ẩn trong giao thông hào dẫn đến máy bay Quyếctít Commăngđơ. Các xe tăng, Đuômông và Muynhudơ yểm trợ họ, chiếc xe đầu đi dọc theo con đường mà giải ở giữa đã được gài mìn trên một quãng dài gần 400 mét. Mănggien bố trí các xe tăng sao cho bảo vệ được đại đội 5 của Bi rê nhưng anh lo ngại thấy những đơn vị nhỏ của Việt Minh đang vội vã tiến về Huy ghét 1 trong lúc một số khác chiếm lĩnh hầm hào ở khoảng cách xa và sẵn sàng để bẻ gãy cuộc phản kích. Pháo 75 và đại liên của xe tăng không thiếu mục tiêu nhưng pháo của Việt Minh hình như đã hiểu cái gì đang được ngầm chuẩn bị nên đã nã pháo dữ dội, liên hồi vào phía ngoài hệ thống hàng rào - những cuộn dây kẽm gai bùng nhùng chằng chịt - để chặn đường vào của tiểu đoàn 2 dù ngoại quốc.

Không có liên lạc rađiô từ khi xuất phát, Mănggien bỗng nhiên bắt được liên lạc với "người chỉ huy cuộc hành quân”. Anh báo cáo là Việt Minh rất đông và nếu Huyghét 1 đã bị oanh tạc khá mạnh thì nay nhiều ổ súng tự động đang chiếm lĩnh trí chiến đấu. Người đối thoại không tin và nói rằng hai đại đội của tiểu đoàn 2 dù ngoại quốc đến từ cứ điểm Ôpêra đã tiếp cận. Mănggien nói rằng không thấy giao chiến, nhưng những lời khẳng định của anh chẳng khiến ai quan tâm. Anh có thể gọi cho đại uý Hecvuiét, chỉ huy xe tăng, bằng rađiô được không? Hoặc sở chỉ huy Lăng le? Xe tăng Đuômông tiến đến máy bay Quyếctít Commăngđô, mặc dầu cái mũi của nó bị đập vỡ tan, nhưng hình hài vẫn còn nguyên vẹn và sẵn sàng cất cánh. Chiếc máy bay hai động cơ có cánh thấp này là một chiếc máy bay có kích thước lớn với bốn mươi chỗ ngồi nhưng chẳng ai lại nghĩ rằng bộ đội Việt Minh có thể giấu mình ở đó. Thế là, khi chiếc Đuômông đến gần máy bay, một quả cầu lửa vọt ra và nổ sau xe tăng. Mănggien hiểu ngay và ra lệnh cho người lái xe đi thụt lùi theo hình chữ chi. Nhờ cách vận động đó, một quả rốc két thứ hai đã bắn trượt nhưng quả rốc kết thứ ba đã nổ phía trước Muynhudơ, tổ lái của trung sĩ nhất Prađin bị loạng choạng nhưng không việc gì. Các xe thiết giáp phải dừng lại ở một cự li hợp lý khi mà những loạt súng máy toé ra từ bụng máy bay Quyếctít và quạt mạnh vào số bộ binh đang nấp trong các hố đạn. Rađiô đã thông báo về những tổn thất. Mănggien xử lí chiếc máy bay bằng pháo 75 và các hành khách bí mật của Quyếctít chẳng bao giờ được viết hồi ký của họ.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #191 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2008, 10:00:56 pm »

Có liên lạc trên rađiô giữa sĩ quan chỉ huy xe tăng với sở chỉ huy của tiểu đoàn 2 dù ngoại quốc, chắc là với đại uý Galuê. Mănggỉen có cảm giác rằng người chỉ huy giam mình trong sở chỉ huy chẳng thấy được tình hình thực tế. Anh không lầm. Người đối thoại với anh khẳng định rằng đại đội 5 của trung uý Bi rê đang tiến lên, còn anh thì, ở nơi mà người ta cho rằng người của Bi rê đã đến, chỉ thấy những mũ lá lô nhô trong đường hào. Anh rút ngắn cuộc nói chuyện và cho các xe tăng đi ngược lên dọc theo con đường mà anh thấy xuất hiện nhiều mục tiêu. Cuộc hành quân đã khởi sự không tốt và có thể là, nếu Liêdenphen hoặc Galuê, thậm chí một sĩ quan liên lạc bình thường, ngồi trong tháp xe tăng Đuômông, thì nhãn quan sẽ bớt quan liêu.

Một giọng nói quen thuộc bỗng vang lên trong ống nghe của Mănggien. Đó là "Bruynô” hỏi vị trí của anh. Đang ngạc nhiên về sự thâm nhập của Biga vào mạng thông tin, Mănggien báo cáo anh có một xe tăng ở phía bắc Huyghét 2 cùng đại đội 5, tiểu đoàn 2 dù ngoại quốc, còn chiếc Đuômông thì ở gần máy bay Quyếctít mà nó đã phá hủy một phần. "Bruynô yêu cầu anh mở to mắt mà nhìn vì "quân bạn" sẽ vượt qua đường từ tây sang đông. Mănggien nghẹt thở? sự vận động được thông báo đó có nghĩa là cuộc phản kích đã thất bại và quân lê dương đang rút lui. Điều gì đã xảy ra?

Caxtơri có thói quen nghe rađiô trực tiếp từ các đại đội chiến đấu và ông nhanh chóng tin rằng Liêdenphen không làm chủ được cuộc hành quân nhằm vào Huy ghét 1. Ông cho đánh thức Biga dậy và yêu cầu Biga đến tiểu đoàn 2 dù ngoại quốc mà theo ông, hành động "thiếu quả đấm quyết định" Ngồi sau tay lái chiếc xe Jeep, có Cayô đi theo, "Bruynô" đến Huy ghét 2. Liêdenphen xác định giờ đến của ông là khoảng 13 giờ 45, nghĩa là trước khi quân dù tấn công. Trong báo cáo của mình, Biga xác định giờ đến sở chỉ huy tiểu đoàn 2 dù ngoại quốc là khoảng 15 giờ, nghĩa là sau khi xuất kích, như vậy có lẽ đúng hơn. Người ta không biết chi tiết cuộc nói chuyện giữa hai người nhưng người ta biết Biga có một tiếng hét nổi tiếng. Liêdenphen, Galuê và có lẽ cả trung uý Đuyrăng, sĩ quan thông tin ở trong hầm và chờ tin các đại đội bị dính chặt vào mặt đất vì làn đạn vũ khí tự động. Liên lạc bằng rađiô đã bị đứt. Liêdenphen phàn nàn là các đồn của ông bị hiệu ứng fađin (sự nhụt) vì ở gần các tấm kim loại lát đường băng còn Biga thì nhận thấy "việc chèn các tần số làm tồi". Việc rađiô im lặng do nguyên nhân gì không cần biết, chỉ biết sở chỉ huy của tiểu đoàn 2 dù ngoại quốc nằm ì không hoạt động được và không một sĩ quan nào đến tại chỗ để nắm chắc tình hình và đề ra những quyết định thích hợp. Biga nuôi hiềm thù dai dẳng hằng năm trời đối với Liêdenphen mà ông quy trách nhiệm về sự thất bại. Ông chỉ còn cách là hạn chế sự tan rã và thu hồi binh sĩ trước khi họ bị tàn sát hết.

Quân lê dương không tìm hiểu nguyên nhân khi họ được lệnh chạy cắt ngang sân bay. Những làn đạn dày đặc đón tiếp họ chứng minh Việt Minh đã hồi phục, đã giành lại thế trận. Sau khi phải chịu đựng hỏa lực súng máy nấp trong chiếc Quyếctít Commăngđô, một trung đội đã đến được lô cốt đầu tiên của Huy ghét 1 hay nói đúng hơn là đến chân phế tích của lô cốt. Một số quân đi lẻ đã tiếp theo sau nhưng rồi bị những làn đạn bắn là là mặt đất, dòng người đảo ngược, những thân thể ngã xuống đầy đường băng, chẳng ai đi theo nữa. Không có đại đội Clêđíc mà cũng chẳng thấy đại đội Lơ Pa để đẩy lùi Việt Minh. Những đợt chi viện hỏa lực cuối cùng của pháo binh, những chùm bom mới của không quân chỉ mang đến một sự hỗ trợ không nghĩa lý gì cho những con người, mà khi nhận được lệnh rút lui, đã hiểu rằng cuộc phản kích đã thất bại.

"Bruynô" biết tiết kiệm máu của binh sĩ, nhưng ông đã tiên đoán rằng sự tổn thất lúc về cũng bằng lúc đi, nếu không muốn nói là nhiều hơn. Ở đại đội 8, đại uý Pêtơrê thuộc tiểu đoàn 2 dù ngoại quốc bị nhiều mảnh đạn "ở gáy và sau lưng, (Chú thích: "Sau khi được bệnh xá săn sóc, tướng giặc Pêtơrê viết, tôi vẫn có thể tiếp tục việc chỉ huy. Sau ngày 23-4 tôi chỉ nhận được một sĩ quan đến tăng cường, đó là trung uý Môrítcommécxiông (Thư trao đổi với tác giả).) nhưng Garanh, phó chỉ huy thứ nhất của ông "đã dẫn đại đội xung phong vào các hào chiến đấu của Việt Minh, Liêdenphen viết. Chỉ có một cú nhảy vọt đã chiếm được mục tiêu thứ nhất. Chính lúc đó Garanh đã ngã xuống” (Chú thích: Thư của thiếu tá Liêdenphen do Mác xen Garanh em của Giăng Garanh giao cho tác giả. Sinh năm 1924, thiếu sinh quân, Giăng Garanh vào học trường Cận vệ năm 1944. Đi Đông Dương nhiệm kỳ 2. Được bổ nhiệm về tiểu đoàn 2 dù ngoại quốc, nhảy xuống Điện Biên Phủ ngày 10-4.). Một mảnh đạn đã cắt động mạnh chủ và những mảnh khác làm gãy chân anh. Mộ của anh là cái hố bom nơi anh tử trận ... Tôi đã ra lệnh không mang xác về để khỏi làm tăng thêm những tổn thất quá nặng nề của tiểu đoàn. Binh sĩ của ông không muốn bỏ ông lại ở một ngôi mộ không được canh gác .
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #192 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2008, 10:02:00 pm »

Cũng bị thương, trung uý Yskiécdô tập hợp những người thoát nạn của đại đội 8 và dẫn họ về cứ điểm Opêra. Ở đại đội 7 của trung uý Lơ Cua, báo vụ viên của thiếu uý Minhốt bị thương ngay từ đầu của hoạt động. Nhảy dù xuống ba ngày trước đây, Minhốt đã tự liên lạc được với sở chỉ huy của tiểu đoàn, vừa di chuyển dưới làn đạn Việt Minh cho đến khi trúng "các mảnh lựu đạn vào lưng, vết thương này không buộc tôi phải rời trận địa”. Đại đội 5 của trung uý Birê ít  may mắn hơn vì đại đội trưởng bị một mảnh đạn vào đầu gối. Gần 15 giờ, Bi rê vừa mới gặp trung đội 3 của anh trong đường hào thứ nhất mới chiếm được thì đã bị trúng dạn. Qua rađiô, anh báo cáo là anh không đi được nữa, Liêdenphen cho biết sẽ cử một sĩ quan đến thay anh. Mười phút sau, đại uý Píccatô đến; ông được cử đến tiểu đoàn 2 dù ngoại quốc hồi tháng hai. Cuộc nói chuyện giữa hai sĩ quan ngắn ngủi hiếm thấy; Píccatô đột nhiên ngã qụy xuống đường hào bùn lầy; một tay súng thiện xạ vừa bắn một viên đạn vào đầu ông.

Liêdenphen:

Đại uý Píccatô đứng bên cạnh tôi khi trung uý Birê gọi qua rađiô yêu cầu tôi cử người thay anh vì anh vừa bị thương. Píccatô nghe nói thế liền yêu cầu tôi cử ông đi. Thế là tôi không được thấy lại ông ấy nữa. Sự kháng cự của Việt Minh cứng rắn hơn và phản ứng của Việt Minh mỗi lúc thêm mãnh liệt. Píccatô bị một viên đạn vào giữa trán. Mộ của ông là một góc hào của Việt Minh, nơi ông đã ngã xuống.” (Chú thích: Thư của thiếu tá Liêdenphen cho Mađờlen Píccatô. Phiếu công việc của đại uý Píccatô ghi: "Tử trận do bị đạn vào đầu ngày 23-4 lúc 16 giờ. Mai táng ở nghĩa trang Điện Biên Phủ cùng ngày". Lời kể lại của Liêdenphen gần đúng với sự thật hơn.)

Píccatô chết, Birê lại giữ chức vụ của mình và chẳng ai ngạc nhiên khi thấy anh trên đường rút lui, được sự giúp đỡ của Moaxen, lính hầu cận của anh, kẹp dưới nách hai xẻng nhỏ làm nạng chống. Ở trạm cấp cứu, y tá Vinli Ruýst rửa vết thương ở đầu gối, băng bó tạm thời và cho dẫn anh đến trạm giải phẫu Viđan. Một ngày nặng nề đối với tiểu đoàn 2 dù ngoại quốc: 19 người bị giết trong đó có 2 sĩ quan, Garanh và Píccatô, và 62 người bị thương trong đó có 7 hạ sĩ quan và 4 sĩ quan, Pêtơrê, Birê, Minhốt và Yskiécđô. Có lúc người ta còn thêm trung uý Gioóc Naxiê vào danh sách những người bị giết. Người gốc xứ Lăng, 23 tuổi, Naxiê đã chết. . . ở Angiêri tháng 1-1958.

Hai ngày sau, tiểu đoàn 2 dù ngoại quốc và tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc nhập lại thành một tiểu đoàn hành quân giao cho Ghirô chỉ huy. Liêdenphen rời sân khấu. Ông làm kẻ bung xung cho sự thất bại của cuộc phản kích và rời quân đội vào năm 1956 với cùng cấp bậc như lúc này, ở tuổi 43, sau 25 năm phục vụ. Vài năm sau, người ta thăng cấp trung tá cho ông, trong ngạch dự bị.

Píccatô không gặp may. Đờlaphông không gặp may. Ông này, độc thân hoặc có vợ, vẫn là một chiến binh, còn Píccatô, sau nhiệm kỳ đầu, không nhìn quân đội bằng con mắt xưa nữa; ông muốn ưu tiên cho vợ, con, còn binh nghiệp thì cũng là chiến tranh, không phải là sở điện lực Pháp cũng không phải là Công ty vận tải Pari tự quản. Tuy nhiên, khi Liêdenphen muốn cử người thay Birê, ông đã không ngần ngại. (Chú thích: Sinh năm 1919, vợ là Mađơlen, có hai con. Lêôngxơ Píccatô phục vụ ở miền Nam Việt Nam từ 1949 đến 1951 trong một đội biệt kích. Bị thương, về nước, được cử vào trường hành chính quân sự. Được chỉ định sang Đông Dương nhiệm kỳ 2, đáp tàu ngày 24-1-1954. Đại uý, về tiểu đoàn 2 dù ngoại quốc ngày 10-2-1954 và nhảy xuống Điện Biên Phủ.)

Từ Si di Ben Abe mà ông đến vào tháng 1-1954, Píccatô không ngừng viết cho vợ những bức thư đầy hứa hẹn và những lời âu yếm. Ông cố làm yên lòng vợ, nói cả ngày về, thậm chí giải thích cho bà là ông vẫn thuộc bộ phận giữ đồn của quân lê dương, rằng "đi nhanh thì lại về nhanh”. Píccatô hoàn toàn trái ngược với trung uý Béctơrăng của tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc, người đi làm một cuộc chiến tranh tươi mới, vui vẻ và viết về cuộc chiến tranh đó gửi cho bố mẹ đang khiếp đảm, rụng rời. Píccatô bị chỉ định, ông tuân lệnh nhưng ý nghĩ một lần nữa lại lội bì bõm trong ruộng lúa đối với ông hình như lệch lạc quá; làm sao ra đi với tâm trạng nhẹ nhõm được khi vợ đang ở giai đoạn trầm uất? Bức thư của anh đã chứng tỏ anh chỉ muốn sống trong hòa bình với những người thân và không muốn nghe nói về chiến tranh nữa. Việc anh được chỉ định đi học trường Hành chính quân sự đã đưa anh về thế giới chiến tranh và anh đã mất phương hướng khi trở lại đây. Ngày 7-1, sau khi mô tả cho vợ nghe ngày lễ của các vua mà lính lê dương được xem (“anh thấy cái đầu mà các vị trường Hành chính quân sự đã làm trước một sự cuồng loạn như vậy!"). Píccatô báo tin cho vợ biết là anh sẽ làm "một cuộc vận động tới Xêtíp".
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #193 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2008, 10:03:47 pm »

"Anh định xuống tàu ngày 24-1 và em yêu dấu, anh mong rằng em hãy hoàn toàn tin tưởng ở Chúa và ở anh. Anh tin chắc rằng mọi việc sẽ ổn cả”.

Lòng tin chất phác và bền vững mà viên sĩ quan cố truyền cho vợ bằng những con đường thông thường từ Philippơvin mà ông đến vào giữa tháng giêng có lẽ là để luyện nhảy dù, ông đã thú nhận với Mađơlen:

Từ bấy lâu nay anh ở trong một tình trạng khó tả. Hình như mình không còn sống nữa. Làm mọi việc như một cái máy tự động. Cái gì còn sống trong người anh, đã ở lại bên em ... Đôi khi anh hoảng sợ thấy vị trí mà em chiếm giữ trong tâm hồn anh”.

Vợ ông hỏi ông có quan hệ tốt với các binh sĩ lê dương dưới quyền không. Không nhận được sự chỉ huy, ông trả lời: "Trong thực tế anh đơn độc trong phần lớn thời gian của một ngày. Anh để cho em suy đoán thử xem anh phải làm việc như thế nào, và phải nỗ lực như thế nào để xua đuổi những ý nghĩ đen tối". Lo giữ vững tinh thần của vợ, anh nhắc lại với giọng văn thuyết phục: "Anh mong em hãy tin ở anh và hãy tin tưởng ở Chúa. Anh tin chắc rằng chúng ta sẽ được phù hộ và chúng ta sẽ nhìn thấy sự kết thúc của cuộc thử thách này".

Ngày 22-1, Píccatô đến Meren Kêbia, từ đó ông xuống tàu Pastơ từ Mác xây đến. Ở Xêtíp, ông tự tách ra khỏi cuộc liên hoan lớn được tổ chức nhân dịp quân tiếp viện cho Đông Dương lên đường. Hoạt động này đã thành truyền thống, cả thành phố hát bài Buđanh (cái dồi lợn) nổi tiếng, được ban nhạc đội lê dương chơi đi chơi lại:

Cuộc xuất phát từ Xêtíp được tổ chức long trọng, phô trương, Píccatô thuật lại. Tất cả các sĩ quan và vợ họ đến tiễn và tạm biệt chúng tôi. Về phần tôi, việc này khiến tôi buồn hơn là làm tôi tươi tỉnh lại. Dĩ nhiên, không nên để lộ và tôi đã tìm cách biến đi một cách lịch sự nhất”.

Khác nhau biết bao với không khí mà Ăngđrê Béctơrăng mô tả với bố mẹ anh trong thư viết ngày 24-3-1953, một năm trước khi anh chết:

Con rời Xêtíp ngà.y 16-3. Xuất phát rầm rộ với toàn bộ đội nhạc binh của tiểu đoàn. Chúng con đã diễu qua thành phố trong tiếng nhạc của khúc quân hành lê dương. Con nổi da gà nhưng vui sướng được ra trận với quân lê dương. Tất cả các sĩ quan của tiểu đoàn 3 dù ngoại quốc đã đến nhà ga, tất cả các hạ sĩ quan và nhiều lính lê dương cùng với, dĩ nhiên, các bà xã của những người đi và những người ở lại. Đoàn tàu khởi hành, từ từ lăn bánh, mọi người đứng nghiêm, quân nhạc chơi bài Lơ Buđanh”.

Mọi cái đều phân cách hai người: Béctơrăng, chưa vợ, "sung sướng được đi ra trận", còn Píccatô muốn ở lại với người thân và trở lại trường Hành chính quân sự. Ông mô tả cuộc lên đường của tàu Paxtơ, một "trại lính nổi", những nghi lễ tiễn chào, của một đội lê dương, đội quân nhạc trên bến tàu, những mũ kê-pi màu trắng... Dù sao ông cũng bị xúc động: "Tôi nghĩ rằng trong đội lê dương, tôi sẽ có những hài lòng về nghề nghiệp có thể giúp tôi chịu đựng sự xa cách đỡ vất vả hơn ".

Cứ mỗi chặng dừng, ông lại gửi một thư cho Mađơlen. Trong thư ngày 26-1, trước khi đến Port Said, không phải ít tự hào ông thông báo cho vợ biết là ông đã có cái lon thứ ba: "Anh nhận được một công điện từ Ben Abe thông báo cho biết là anh đã được thăng cấp đại uý kể từ ngày 1 tháng giêng. Em yêu dấu, các thư sau em sẽ đề gửi đại uý Píccatô, chồng em!”.

Vừa lên bờ, ông đã được tuyển dụng về tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc, nhưng vì có "sự sắp xếp lại quân số", ông chuyển về tiểu đoàn 2 dù ngoại quốc. Trong thư từ của ông, ông thường tỏ ý muốn chấm dứt chiến tranh và trở về với người thân ở Mác xây. óng có linh cảm gì không? ở mỗi dòng thư, người ta thấy ý muốn làm yên lòng, không để một sự lo lắng nào, dù là nhỏ nhất, được tồn tại.

"Nếu ngẫu nhiên có lúc em không nhận được tin anh thì em cũng đừng nghĩ đến điều đó. Điều đó chỉ là do sự hoạt động tồi của bưu điện mà thôi. Em hãy giữ vững ý nghĩ rằng anh chẳng phải liều lĩnh gì và trong lĩnh vực này, anh cảm thấy mình được che chở".
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #194 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2008, 10:05:02 pm »

Đầu tháng tư, tiểu đoàn 2 dù ngoại quốc ở Hà Nội hai tuần và bảo vệ sân bay Gia Lâm. Có phải những cuộc chuyện trò với các sĩ quan tiểu đoàn 2 dù đã ảnh hưởng tới ông, vì bỗng nhiên ông đã liên tưởng đến chiến tranh:

Tôi nghĩ rằng rốt cuộc Việt Minh sẽ kìm bớt các hoạt động của họ, nhưng ở thời điểm này, mặc dù bị tổn thất, họ vẫn tiếp tục hoạt động và, nói cho trung thực, về phía ta cũng không ít tổn thất! Tôi khoẻ khoắn và tự hỏi đến mức nào thì cuộc sống này không cần cho tôi nữa (ngày 5-4).

"Chúng ta cũng không ít tổn thất". Ái dà? ông đã đi quá xa và cố bù lại lầm lẫn lớn của ông: "Anh yêu cầu em, em yêu dấu, đừng quá lo lắng cho anh vì, chắc em cũng hiểu, người ta không thể ở chỗ đột phá khẩu 24 /24 giờ”.

Píccatô đã thay đổi môi trường, ông đang sống với những con người mà tính cách đã được tôi luyện vững vàng và rốt cuộc ông đã trượt vào khuôn. Ông thú nhận với ông bạn Paya:

Ở đây tính đa cảm đã giết chết tinh thần. Mục tiêu đầu tiên phải đạt tới là rèn luyện kỷ luật cho tinh thần của mình và chỉ để cho nó trốn về Pháp ở những thời điểm nhất định. Cho đó là chuyện dễ thì lại là chuyện khác, nhưng là một kỷ luật cần thiết”.

Viết trước khi tiểu đoàn 2 dù nhảy xuống, lá thư cuối cùng của Píccatô đề ngày 9-4. Các sĩ quan được biết cuộc nhảy dù đầu tiên sẽ diễn ra vào đêm sau. Tình cảm chung là sự hài lòng; một đơn vị xung kích không phải sinh ra để gác máy bay đậu ở bãi. Còn nhảy dù xuống Điện Biên Phủ là đến với tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc của Ghirô, tham gia một chiến dịch mà báo chí cả thế giới nói đến. Píccatô thổ lộ với Mađơlen phải tính đến những hỗn loạn về thư tín. Đây là lần đầu nhân viên bưu điện chẳng là cái gì cả: "Em yêu, anh nghĩ rằng em sẽ qua một thời gian dài không có tin tức bởi vì các anh bắt đầu những chuyến đi thăm vài tuần lễ và trong những chuyến kinh lý như thế không thể có liên lạc bằng thư từ được. Anh sẽ gửi cho em khoảng mỗi tuần một bức điện...".

Cái "thời kỳ dài không có tin tức", mà đại uý Píccatô báo cho vợ, không bao giờ có hồi kết.

Những cuộc chiến đấu diễn ra hằng ngày, những chàng trai bị giết, bị thương một lần, hai lần, có khi ba lần, sự thiếu ăn - người ta gặm nhấm bất cứ cái gì giữa hai cuộc báo động - và nhất là sự mất ngủ đã làm hao mòn các chiến binh, một số thầy thuốc đã trình bày về hiện tượng đó. Ngày nay, chúng ta đã biết có những người chết mà không có vết thương gì ở bên ngoài. Đó là biên bản ghi nhận của trung uý bác sĩ Mađơlen thuộc tiểu đoàn 2 dù, người đã nhìn thấy những lính lê dương gục xuống như những búp bê biết nói.

Các y tá người Việt đã lưu ý tôi đối với cái chết của những lính lê dương dày dạn chiến trận, dẻo dai, tuổi trung bình từ 20 đến 30 tuổi và một số đã chiến đấu trong quân đội Đức ở Nga. Tôi đã biết có trường hợp lính lê dương tấn công vào sân bay, địa hình trống trải, nghĩa là phải chạy, đầu cúi xuống, bỗng nhiên ngã lăn lông lốc. Khi khám cho họ, không bị va chạm, không có một vết thương nào, không có đám cháy ở gần hoặc bom nổ để giải thích cái chết đột ngột của họ, hình như thường xảy ra trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Đã có một số trường hợp như thế ở Điện Biên Phủ nhưng chủ đề vẫn là một điều cấm kỵ không được bàn đến! Trường hợp kinh ngạc nhất là trong số những người ấy có người đang đi trong đường hào gần như là bình thản và trao đổi thảo luận với mình hoặc có người sau khi đã nghỉ ngơi, ăn uống, ngủ, chẳng bộc lộ điều gì bất thường cả, câu nói đang dở dang thì giống như bị sét đánh, chẳng có dấu hiệu gì là đau đớn, mệt nhọc, trông vẫn sống như một phút trước đó rồi, hoặc ngã xuống như những con rối bị trật khớp, hoặc, kinh khủng nhất, là người cứng lại, đứng thẳng, cơ bị co cứng, biến thành pho tượng. Không một cuộc khám nghiệm tử thi nào được dự định tiến hành ở Điện Biên Phủ và chúng tôi không biết gì hơn nữa”.

Ngày thứ sáu, 23-4, không phải là ngày tốt lành đối với trung uý hải quân Bécna Clốt lái chiếc máy bay Hen cát của Hàng không hải quân bị bắn rơi trên bầu trời của tập đoàn cứ điểm. Tuy nhiên, anh đã gặp vận may lạ lùng: "giữa ban ngày, một quả đạn trúng máy bay tôi, trong lúc tôi đang thả bom", anh nhớ lại. Quả đạn gây những hư hỏng nghiêm trọng, bảng điều khiển bị nổ rồi một - hai giây sau những ngọn lửa dài màu vàng xuất hiện dưới mui máy bay, Clốt phải lấy cao độ để hướng máy bay ra phía ngoài các phòng tuyến Pháp trước khi anh nhảy dù vào phía trong. Một động tác tinh tế mà mỗi giây là một áp lực nặng nề của điều không chắc chắn!
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #195 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2008, 10:06:33 pm »

Điều ám ảnh tôi là có thể rơi xuống chỗ Việt Minh, viên sĩ quan viết. Gió suýt nữa đẩy tôi đến đó. Dù mở ra làm sai khớp xương vai trong lúc tôi hạ xuống trong sự yên lặng mới mẻ đến nỗi trong vài giây tôi lâng lâng thanh thản như sắp ngủ Tôi thấy chiếc máy bay của tôi nổ và các đường hào của Việt Minh đã gần tôi. Tuy nhiên độ tản mác đã giảm bớt vào cuối chặng rơi và tôi đã tiếp đất rất an toàn, cách hào Việt Minh khoảng 20 mét”.

Một khẩu súng máy bắn. Liệu anh ta có thành con vật bị săn? Những sự va quệt đã chùi mùn đất trước mặt anh và đem đến cho anh câu trả lời. Sự sợ hãi đã nghiền dạ dày anh, anh bò theo những bờ đường để bảo vệ mình. Cái vai anh nhức nhối: "Tôi nghĩ rằng mình sẽ chết, anh thú nhận. Rồi tôi thấy một đội tuần tiễu của quân ta ra khỏi hàng rào dây kẽm gai và tôi chạy đến gặp họ...”.

Một lính lê dương đại đội Philíp đã cởi chiếc áo gi-lê cứu nạn màu da cam trên người anh, đang biến anh thành bia sống và đưa anh đến hầm trú ẩn gần nhất. Anh đã được cứu sống! Clốt được bổ sung vào sở chỉ huy máy bay chi viện và trở thành người thủy thủ nổi tiếng nhất của tập đoàn cứ điểm. Lính lê dương gọi anh là "tư lệnh hải quân ở Điện Biên Phủ" (Chú thích: "Trung uý hải quân Clốt được trung đội 3 (thuộc đại đội 10, bán lữ đoàn 13 cứu. Anh được dẫn đến sở chỉ huy của thiếu tá Cutăng và được chăm sóc cho hồi sức và khi đêm đến thì được đưa về điểm tựa trung tâm, để được vào bệnh xá của bác sĩ Grauuyn. Ông đã chữa cái vai trật khớp của anh ngay tối đó" (Thư cua tướng Philíp gửi tác giả).)

Tướng Giáp làm chủ trận địa ở phía bắc và phía tây bắc đường băng, những cuộc chiến đấu khác diễn ra ở rìa phía đông nơi có con mương nổi tiếng chạy dài trên trục bắc - nam, "cái rãnh lề đường" của tiểu đoàn 8 xung kích. Cuối tháng 3, đại uý Turê có ý tưởng thành lập ở phía bắc, ngang tầm Huy ghét 6, một điểm tựa để hai trung tâm chi viện lẫn nhau. Được Lăng le chấp thuận, ông cho xây dựng điểm tựa Ôpêra dưới những đòn pháo kích, sau khi đã cho quân của đại đội Xalanh từ đồi Đômimc 4, chiếm lĩnh trận địa.

Tại sao lại gọi là “Ôpêra" Trung uý Banpêtơrơ đề xuất cái tên này vì nó làm ta nghĩ đến một "nơi vui vẻ, sống động có nhiều người lui tới". Sự hài hước đó được hoan nghênh và trong đêm 17 rạng ngày 18-4, đại đội của trung uý Bayi thuộc tiểu đoàn 8 xung kích, và đại đội của trung uý Phạm Văn Phú thuộc bảo an đoàn, đã chiếm lĩnh các công sự dưới đất của Ôpêra. Hai viên sĩ quan hiểu rằng những ngày của Biza ở Huy ghét 6 đã được tính đến và sau đó họ sẽ bị biệt lập ở bắc sân bay Huy ghét 6 được rút đi, Ôpêra còn lại một mình ở phía bắc con mương. Các chi viện cửa đồi Đôminíc 4, vị trí của đại đội 1 sẽ không đủ khi bị tấn công và Việt Minh sẽ chọc đến Êpécviê, hạt nhân cứng rắn của tiểu đoàn 8 và là thành lũy cuối cùng của GONO.

Xalanh báo tin về sự hiện diện của "một tấm biển lớn di động chậm rãi từ sông đến đường băng sân bay". Việt Minh đào một đường hào sâu - người ta nghĩ đến một đường hầm - nối liền với đường hào đi qua đường băng và chia cắt Ôpêra với các hậu cứ của nó. Mọi liên lạc với Ôpêra sau ngày 18-4 là một hoạt động gợi nhớ đến những mưu toan tiếp tế cho Huy ghét 6 hoặc Huy ghét 1. Trung đội Bônenli thuộc đại đội 1 tiểu đoàn 8 dù thuộc địa đã làm thử nhưng bị tổn thất và phải trở lại tuyến xuất phát. Ngày hôm sau, trung uý Bonnen và các binh sĩ lê dương của tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc định cố gắng làm tốt hơn. Lại thất bại và Bonnen bị một viên đạn vào phổi rồi một mảnh đạn vào lõm vai, được lính hầu cận Menze mang về nhưng anh này năm phút sau đó đã bị giết. Thấy mũ Việt Minh đã đến gần, Bonnen cố sức nhảy xuống mương, chỗ này không có mìn, và lê về phía sau. Được người của Bônenli thu dụng, anh được đưa về trạm cấp cứu của bác sĩ Mađơlen.

Turê quyết định lập một điểm tựa khác, chấm dứt các công trình mà Việt Minh đang làm ở phía này. Nhưng phải dùng sức mạnh để đến đó. Hai đại đội - đại dội 8 thuộc tiểu đoàn 2 dù của đại uý Pêtơrê và đại đội 1, tiểu đoàn 8 dù thuộc địa của đạt uý Xalanh - tấn công và chiếm được mục tiêu Việt Minh đã rút và người ta lợi dụng lúc này để thay phiên quân đồn trú ở Ôpêra. Đại uý Đêmông đã thay thế người bạn là Bayi và Biza thay đại úy Phu, ông này trở về tiểu đoàn của mình.
Việc hai đại đội đi lên và hai đại đội khác đi về phía nam không phải được thực hiện mà không bị tổn thất và nhật ký của tiểu đoàn 8 dù thuộc địa đã ghi, danh sách tám người bị giết trong dó có thiếu uý Gianin Vôdô (Chú thích: Sinh năm 1931, gọi nhập ngũ 1952, Mác Gianin học trường sĩ quan dự bị. Tình nguyện đi Đông Dương, có bằng dù 1953, thiếu uý sau đó 2 tháng, lên tàu tháng 10. Về tiểu đoàn 2, trung đoàn 1 dù đổ bộ ở Bắc Bộ ngày 17-11, biệt phái đến binh đoàn cơ động thuộc trung đoàn 35 không pháo nhảy dù thực tập bắn cối hạng nặng, chuyển sang tiểu đoàn 8 dù thuộc địa ngày 1-9-1954. Trên một số giấy tờ, Gianin còn có tên Vô đô. Anh là con trai của Pie Vô đô.) và 13 người bị thương trong đó có trung uý Giắccơmê, trung sĩ Lơ Bigô và Giăng Guyéphăng, thương binh này không sống được.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #196 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2008, 10:07:56 pm »

Cố thủ ở đồi Đôminíc 4, Xalanh bây giờ có nhiệm vụ bố trí điểm tựa trung gian, sau này:

Ngày 20-4, anh viết, tôi được lệnh vào ở trong mương để chống lại sự phát triển của đường hào Việt Minh và lập một điểm tựa mới lấy tên là Ôpêra bis. Làm giữa ban ngày, hoạt động này có thể làm cho chúng tôi bị hỏa lực từ Gabrien bắn xâu chuỗi và súng cối bắn. Người của tôi đào các hốc ở vách trong của mương nhưng một chục người đã bị thương”.

Trong đêm, thượng sĩ Bôsê cho xây dựng ở giữa mương một hầm - chỉ huy sở lợp bằng các phiến gỗ và, thấy trước sẽ có một cuộc tấn công, Xalanh cho hiệu chỉnh một đường bắn gần nhất của pháo. Tuy nhiên, đêm vẫn yên tĩnh và cả các lính dù, cả các tù nhân làm việc ráo riết để củng cố Ôpêra bis. Đêm thứ hai, dựa vào thế bất ngờ, Việt Minh tấn công Xalanh. Anh yêu cầu một hỏa lực pháo được chuẩn bị trước dẫn liệu: "Đạn quét trận địa, anh nói. Đèn sáng, chúng tôi thấy Việt Minh đem người chết và người bị thương đi và bỏ lại một chục vũ khí cách hào ta vài mét’.

Mãi đến ngày 24-4, sau khi đại uý Sơvaliê ở Huy ghét 1 mất tích và cuộc phản kích của tiểu đoàn 2 dù ngoại quốc thất bại thì GONO mới quyết định rút lui Ôpêra. Ngày 24 và 25-4, tính cơ động của tiểu đoàn 8 xung kích bị Việt Minh cản trở, nhật ký của tiểu đoàn ghi 23 người bị thương và 8 người bị giết trong hai ngày, trong đó có các trung sĩ nhất Sapalanh, Grinhông và Lơnôblơ. Đềmông trở lại tuỳ theo sự sử dụng của thiếu tá Turê và Biza thay Xalanh ở Ôpêra bis, nhờ đó có thể giăng ra một tuyến ngăn chặn mới từ tây sang đông, đi từ Huy ghét 2 qua Ôpêra bis rồi kết thúc ở đồi Đômíníc 4. Điểm tựa chẳng có gì thú vị, Biza giữ một kỷ niệm xấu về Ôpêra bis: "Trời mưa làm cho các điều kiện sinh hoạt khó khăn bởi vì các mương mà chúng tôi chiếm giữ, thực hiện vai trò của nó và suốt cho đến cuối chiến dịch, ch úng tôi sống trong nước ngập đến nửa đùi”.

Vì những trận bão đầu tiên, nước và bùn tràn đầy các dường hào. Hai tháng trước, giống như một cuộc cắm trại bao la của những người Digan di cư, các vị trí Pháp kéo dài từ bờ bên này sang bờ bên kia của dòng sông Nậm Rốm uốn khúc và leo lên cả những ngọn đồi. Bị cắt cụt hai phần ba, vào cuối tháng 4, các điểm tựa thu mình lại và dựa vào nhau, tập đoàn cứ điểm chỉ còn là một tấm phổi khổng lồ đang có nguy cơ bị ngạt thở. Và người ta hiểu rằng nếu ôxi, được hà hơi tiếp sức bằng các cuộc nhảy dù, không còn nữa, quả tim của cuộc phòng thủ sẽ ngừng đập. Xây dựng lại những hầm trú ẩn bị nổ vỡ vì đạn pháo cối, thu nhặt những phiến gỗ và những tấm tôn bị cắt, tháo những tấm kim loại ở đường băng từ nay đã trở nên vô dụng, đào, xới, xúc, binh sĩ chui xuống đất như muốn trốn tránh ánh sáng ban ngày và tranh thủ vài giờ ngủ mà tiếng ồn ào và những đòi hỏi cấp bách của cuộc chiến đã cướp đi của họ. Họ di chuyển như thế nào trong bóng tối và qua vùng sình lầy này?

Đã có những trận lụt và bùn lầy xuất hiện khi những trận mưa đầu tiên trút xuống vào khoảng 18-4, hơi chậm hơn so với những năm trước, tình hình đó đã kéo dài cuộc kháng cự, Patơrít đờ Cácpho, thầy thuốc của tiểu đoàn 8, nhớ lại. Hằng năm, mưa đến vào giữa tháng ba và tháng tư, chúng ta hiểu điều đó. Hầm trú ẩn không phải là kiến trúc thượng tầng mà là ở dưới mặt đất, cho nên chúng tôi đang chờ thấy bùn ngập đến đầu gối.

Trước ủy ban điều tra, Caxtơri gợi lại những nỗi lo khi mùa mưa đến:

- Chúng tôi không thể dồn mọi người lên hai hoặc ba mỏm đồi mà chúng tôi còn. Sau ngày 30-4, tôi còn lại hai điểm cao Êlian 2 và Êlian 1 mà chúng tôi đã giành lại tám ngày trước khi kết thúc. (Chú thích: Được tiểu đoàn 6 dù thuộc địa chiếm lại một phần vào ngày 10-4, Êlian 1 chỉ sụp đổ vào ngày 1-5, nghĩa là 20 ngày (chứ không phải tám ngày) sau khi quân của Biga chiếm lại nó.)  Còn lại là ở dưới thấp.

- Các ông đã chịu những trận mưa lớn. Chủ tịch Catơru tỏ ý quan ngại. Các ông ở trong bùn lầy?

- Vâng, chúng tôi đã bị bão. Trong giao thông hào, chúng tôi đi lại trong bùn lầy. Tóm lại, đó là bão, chưa phải là mùa mưa.

Tướng Valanh tỏ ý ngạc nhiên:

- Ở nước Pháp có một kiểu tuyên truyền nói rằng: "Nếu giữ được đến mùa mưa thì sau đó sẽ ổn’. Đây lại hoàn toàn ngược lại!

- Tôi sẽ nói, thưa tướng quân, Caxtơri bình tĩnh trình bày, điều đó không chỉ đã đi vào dư luận của nước Pháp mà chính là xuất xứ từ ở đó. Ý tưởng đến từ nước Pháp nói rằng. "Việt Minh không bao giờ tiếp tục một chiến dịch vào mùa mưa". Điều đó, thực ra đã khá đúng, nhưng lần này Hồ Chí Minh và tướng Giáp đã nói: "Mặc kệ mùa mưa, trước hết chúng ta là những người ở trên cao còn họ là những người ở dưới thấp". 
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #197 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2008, 12:25:32 pm »

PHẦN IV
THẤT BẠI

Chương XIII
TƯỚNG NAVA MUỐN NGỪNG BẮN

Ngày 23-4, đại úy Đờ Xalanh thuộc đại đội 1, tiểu đoàn 8 dù thuộc địa, có một nhận xét lý thú : "Người ta cảm thấy trong bộ chỉ huy có một sự rối loạn nào đó về tinh thần dẫn đến những quyết định phiêu lưu gây ra những tổn thất vô ích, trong khi đó mục tiêu giai đoạn này của cuộc chiến là phải tiết kiệm tối đa lực lượng để có thể chiến đấu lâu dài”.

Phải chăng, câu nói này của Xalanh là sự nối tiếp của những va chạm giản đơn trên lời nói ở trong giới chỉ huy cấp thấp, nhận thức nhạy bén hơn cái thế giới nhỏ bé của Bộ tư lệnh GONO về những hiện thực của trận đánh mà họ đang sống và chết mỗi ngày và mỗi đêm? Thế nhưng, ở Pa ri, tướng Êli, tham mưu trưởng quân đội, tự thấy bối rối về điều mà ông biết được:

Tôi ngạc nhiên về nỗi lo lắng đang dần dần xuất hiện trong quá trình tiến triển của tình hình, ông viết cho Na va ngày 10 tháng 4. Tôi vẫn giữ ý nghĩ là việc tấn công của quân địch được chờ đợi và ngay cả khi nếu quân đồn trú bị sụp đổ chăng nữa vẫn còn một thắng lợi quân sự nếu lực lượng chủ yếu của Việt Minh phải chịu những tổn thất nhất định. Có nhân tố gì mới có thể khẳng định quan điểm này không?”.

Nếu người ta muốn hiểu về tai họa mà tập đoàn cứ điểm phải chịu đựng, chỉ cần biết rằng diện tích trận địa mà GONO kiểm soát đã giảm đi một nửa, từ tám chỉ còn lại bốn kilômét vuông. Ngày 20-4, theo số liệu phòng 1 của Cônhi, quân số của GONO lên tới 9940 người trong đó 1670 bị thương nhẹ được giữ lại trong các đơn vị của họ, thêm vào đó là 800 người bị thương nặng "phải sơ tán, đang trú ngụ (?) trong những "hầm mộ" và trong tất cả các hầm trú ẩn mà mỗi lần mưa giông, bùn lại ngấm vào. Đỉnh cao là ngày 24-4 với 1055 "vào bệnh viện trong đó 672 người ngồi và 383 người nằm. Ngày trước đó tổng số đã là 938 người bị thương, nhưng cuộc hành quân đánh vào Huy ghét 1 đã khởi đầu lại cái bơm sàng lọc của Grauuyn. Từ ngày 13-3, GONO có 4976 người bị loại khỏi cuộc chiến, bị giết hoặc bị thương, trong đó có 159 sĩ quan.
Chắc là Caxtơri than phiền, Lăng le than phiền, nhưng từ khi Việt Minh tấn công, GONO đã nhận được bốn tiểu đoàn dù, 839 lính dù lẻ (gồm cả pháo thủ) và 363 người tình nguyện, không có bằng nhảy dù. Không phải là chẳng có gì cả, ngay cả khi muốn nêu lên một ấn tượng là tăng viện nhỏ giọt.

Về phía Việt Minh, 28 tiểu đoàn có mặt từ ngày 13-3 vẫn luôn ở xung quanh Điện Biên Phủ, tất cả đều được xác định tên, phiên hiệu. Mỗi đơn vị ít nhất đã có hai lần tiếp cận và một vài đơn vị trong số đó bị tổn thất nặng. Những tổn thất của Việt Minh được bù đắp bởi một lực lượng bổ sung gồm 6000 bộ đội. Tướng Giáp còn tách ra 6000 đến 8000 người từ các trung đoàn ở vùng châu thổ và mỗi quân khu gửi đến, 1000 thanh niên, vậy là thêm ba ngàn tân binh nữa. Với những con số đó người ta đo được sự nỗ lực to lớn của nhân dân miền Bắc Việt Nam. Cuối tháng 4, 6 tiểu đoàn, vốn được sử dụng trong các nhiệm vụ thứ yếu, đã được đẩy lên Tuần Giáo sau khi trải qua một tuần hoạt động tâm lý, nhờ đó đã có thể thay thế các đơn vị bị suy yếu.

Qua những cuộc nghe trên rađiô, người Pháp được biết việc vận chuyển những vũ khí hạng nặng và đạn dược từ Trung Quốc về vẫn chưa ngừng. Đại tá Ghibô thuộc phòng nhì của Na va, tuy không nêu được thời gian cụ thể, ước tính rằng Việt Minh sẽ có những dàn phóng tên lửa sáu ống giống như những chiếc "đàn ống của Stalin” trong cuộc chiến tranh trước và có thể là cả những đại bác không giật 105 li. Chiến dịch sẽ trở nên quyết liệt. Ghibô đã kéo chuông báo động ngày 5-4 khi ông cảnh báo rằng "qua việc nghiên cứu các tài liệu mà chúng ta có trước cuộc tấn công ngày 30-3, toát lên một dự cảm về thời gian”. Ông ta được biết ngày 27-3, căn cứ Tuần Giáo đã đưa dự trù thuốc men và dụng cụ y tế cho tháng 5. Ngày 31-3 sau hai ngày chiến đấu hao tổn, Tuần Giáo ước tính nhu cầu về gạo cho đến hết tháng 5 là 3400 tấn (70.000 khẩu phần mỗi ngày). Vậy người ta có thể giả thiết là tướng Giáp đã quyết tâm tiếp tục cuộc chiến đấu ít nhất là đến hết tháng 5. Tuy nhiên, một bản tổng hợp ngày 23-4 (số 132/EMIFT/AV) đi xa hơn bởi vì phòng nhì ở Hà Nội nhận định rằng "từ cuối tháng 4, Bộ chỉ huy địch có thể khôi phục đội dự bị chiến dịch ở Tuần Giáo cho phép họ duy trì chiến dịch ít nhất đến cuối tháng 6". Vào giữa mùa mưa?
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #198 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2008, 12:27:06 pm »

Về phía mình, với hơn hai tiểu đoàn trên một kilômét vuông, GONO có một mật độ chiếm lĩnh quá cao nghĩa là dễ bị tổn thương khi nhận đòn. Các phương tiện hỏa lực của họ đã giảm đi đến mức các cán bộ dưới quyền của trung tá Vayăng đã quá vất vả để bảo đảm các chi viện cho bộ binh: 24 khẩu 105 nay chỉ còn 19, trong đó 8 khẩu ở Isaben, 4 khẩu 155, chỉ còn lại 2 và 32 khẩu cối 120 với tổn thất 50% chỉ tập hợp lại được hơn 15 khẩu. Tổn thất đến mức đã làm cho nhiều khẩu 105 im lặng trong 24 giờ không bắn được phát nào vì thiếu pháo thủ, phải lấy bộ binh đào tạo gấp để thay thế.

Theo bản tổng hợp ngày 23-4, người ta phải đếm từng ngày ở Điện Biên Phủ. Tác giả cho rằng quả thật "giá trị của quân đội đã kém xa tình trạng ban đầu". Về nguyên nhân có ba nhân tố:

a. Sự mệt nhọc cực độ của các đơn vị đã chiến đấu không được thay phiên trong một chiến dịch kéo dài đã 42 ngày.

b. Thiếu người chỉ huy. Trong 5000 người loại khỏi cuộc chiến có 160 sĩ quan. Một số đơn vị không còn trung đội trưởng.

c. Sự mệt mỏi chán nản của một đơn vị đồn trú, đầy ắp những người bị thương, đang cảm thấy mình bị hy sinh vì không nhìn thấy lối thoát cho tình huống của mình.

Cùng sống và cùng chịu khổ trên trận địa với binh sĩ của mình, các trung đội trưởng là những người đứng đầu sóng ngọn gió. Chẳng có gì phải ngạc nhiên về sự hao tổn của họ. Một người trong số họ, thiếu úy Latan, thuộc tiểu đoàn 5 dù người Việt, đã đơn cử một ví dụ.

Tôi tin rằng người ta không muốn biết và không muốn tưởng tượng, anh viết, nhưng tôi không nghĩ rằng Việt Minh sẽ thắng. Khi kịch bản - tai họa xuất hiện, tôi sẽ đuổi nó khỏi ý nghĩ của tôi, bởi vì tôi tin rằng sẽ có điều gì đó đưa chúng ta thoát ra khỏi tình huống này. Hồi tháng 3, còn ổn, tháng 5 tình hình tồi tệ xảy đến, nhưng tháng 4 là thời kỳ của những tin tức xấu với cảm giác là vận may tiềm ẩn đã cạn kiệt. Tôi đã gỡ được khó khăn ở cứ điểm số 307 với trung úy Spêgiô, sự rút đi của 306 đã thành công sát nút nhưng trọng lượng của những tin xấu đè nén tôi. Cái chết của thiếu úy Thêlô, của thiếu úy Thiện dễ mến, của trung sĩ Vinlơmanh, phó của tôi, mà tôi yêu mến như anh em, lưng bị mảnh đạn cày xới. Tôi đã mất một người phó hồi tháng 12 là trung sĩ Phisô, rồi đến trung sĩ Coócnếc, vỡ hàm ở Huy ghét 6. Tôi đã được tin về cái chết của một người bạn thân, chuẩn úy Căngtông (Chú thích: Sinh năm 1923, Guy Căngtông là người kháng chiến. Tháng 3-1943 bị đày vào trại tập trung Búckhenvan. Được tự do tháng 4-1945. Tham gia không quân Bắc Phi thuộc Pháp 1946. Lần lượt qua các trung đoàn dù. Bị chết tại Điện Biên Phủ tháng 4-1954, được truy phong cấp thiếu úy ngày 2-4-1954.), của hai sĩ quan khác của bảo an đoàn, Gaven và Mácke, tóm lại, những mất mát ngày càng nhiều, sự hỗn loạn, sự lo lắng, những thiếu thốn (chúng tôi thiếu nước), tình trạng sức khỏe của mẹ tôi làm tôi lo ngại... Có quá nhiều đòn nặng nề trong một thời gian quá ngắn. Sự mệt nhọc nữa, sự mất ngủ, sự nản lòng, sự sợ hãi. Nhất là hàng ngày lo lắng làm sao sống qua được ngày đó và sống thêm ngày nữa..”.

Đã có thông báo về những cuộc đào ngũ. Có những người đổi phía; một số tự nguyện biến mất trong mê cung của các đường hào, ẩn trốn trong các hang hốc đào ở bờ sông Nậm Rốm. Người ta gọi họ là "chuột Nậm Rốm" và Caxtơri đã nhấn mạnh đến sự hiện diện của họ trong báo cáo của ông: "Chịu sự ảnh hưởng của tuyên truyền Việt Minh và cả các cuộc nghe đài phát thanh bằng tiếng Pháp và vài tờ báo được thả dù, tinh thần của một số đơn vị đã dao động; những cuộc đào ngũ đã được ghi nhận, có những người ẩn trốn trong hầm hào để khỏi phải chiến đấu".

Lăng le chống lại "sự đào ngũ của tất cả những ai không phải là người Âu . Ông xác định: "Với từ đào ngũ tôi hiểu đó là sự trơ ì hoàn toàn, cả thể xác lẫn tinh thần".

Người ta có thể phân biệt ba loại bỏ ngũ, loại ít xảy ra nhất là đào ngũ mang theo vũ khí. Loại thứ hai, là những người ẩn trốn trong hầm hào để khỏi phải chiến đấu nữa. Loại thứ ba, thưa hơn, kết thúc rất tồi tệ; thần kinh bị chấn động mạnh vì sự dữ dằn, tính quyết liệt của hành động, binh lính chạy lui về tuyến xuất phát của họ. Họ vấp phải một hạ sĩ quan không có thì giờ để lập lại trật tự đã nổ súng vào những người chạy trốn. Kiểu phản ứng như vậy đã được thấy ở tiểu đoàn 6 dù thuộc địa, ở tiểu đoàn 2, trung đoàn 1 dù và về sau ở tiểu đoàn 1 dù thuộc địa. Nói chung, trước thái độ kiên quyết của các hạ sĩ quan, binh lính bỏ chạy đã quay lại và lại tiến lên phía trước. Đôi khi sự sợ hãi làm cho một số người ngồi tê liệt dưới đáy hố. Ta hãy đọc những ý kiến làm chứng của đại úy Brăngđông thuộc tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc:

"Lính lê dương của chúng ta và lính dù thật là tuyệt vời! Chúng ta không thể có những lời lẽ như vậy đối với những người Việt mà chúng ta cũng đã dùng để "nhuộm vàng” cả các đơn vị lê dương. Họ không muốn chiến đấu nữa, nhất là từ khi có pháo binh Việt Minh. Phải dùng chân đá vào họ để đẩy họ ra khỏi hầm trú ẩn”.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #199 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2008, 12:27:59 pm »

Nhưng, những kẻ đào ngũ, những "con chuột ở sông Nậm Rốm", những kẻ trốn lang thang, và những người sống ngoài lề khác, họ có bao nhiêu? Trong một bản tổng kết ngày 24-5 có ghi một dòng viết tay "Do ông Sơvinhê chuyển đến”, người ta lấy được con số 254 người đào ngũ của quân đội chính quy. Ở quân bổ sung, đặc biệt là ở lính Thái, tổng số đào ngũ là 907, thêm vào đó có 479 người mất tích, nhưng ở những mức độ khác nhau. Có thể xem là đào ngũ không đối với những lính Thái, vào lúc kết thúc hợp đồng, lợi dụng đêm tối dày đặc để trở về làng, kể cả hoàn cảnh làng ở trong vùng kiểm soát của cộng sản?

Còn một số quân hoạt động bí mật gồm những người Angiêri của tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 bộ binh Angiêri, những người của tiểu đoàn 3 Thái, những người Ma rốc của tiểu đoàn 1, trung đoàn 4 bộ binh Ma rốc và các lê dương. Một số có mang vũ khí, họ tránh lộ mặt ban ngày, ban đêm họ trà trộn vào những người làm nhiệm vụ đi nhặt các kiện hàng thả dù. Không thiếu chuyện thanh toán trả thù nhưng không bao giờ làm giữa ban ngày, vì "chuột" tránh khu vực chiến đấu. Vấn đề loại bỏ họ đã được đặt ra. "Không một hình phạt nào có thể được áp dụng, Caxtơri khẳng định, binh đoàn không đồng hóa về mặt pháp lý ở một địa điểm đang bị bao vây”.

Quả vậy, GONO không phải là một đơn vị lớn có một đội quân cảnh do một sĩ quan đứng đầu. Các tiểu đoàn do một căn cứ phía sau đóng ở vùng châu thổ quản lý còn tòa án quân sự để xử những kẻ đào ngũ thì đóng trụ sở ở Hà Nội. Vậy từ khi đường băng hạ cánh đã bị bỏ, làm sao mà đưa một bị can về Hà Nội? Từ tháng 11-1953 đến tháng 3-1954, thiếu tá Máctinenli, phó lữ trưởng của bán lữ đoàn lê dương 13, đã đảm nhiệm chức vụ chỉ huy trưởng quân đồn trú; với chức vụ này, ông có uy quyền với trung sĩ nhất Xalaun và đội quân cảnh gồm 9 cảnh sát của Xalaun.

Một số lương thực thực phẩm thả dù đã bị lấy mất, Xalaun viết, nhưng đó có thể là sự việc của các đơn vị chính quy mà cũng có thể là chuyện của các cá nhân riêng lẻ. Mặc dầu tôi có nhiều tiếp xúc với GONO, tôi không nhận được yêu cầu nào về việc tìm kiếm những quân nhân vắng mặt ở đơn vị. Còn về giả thuyết phải xử bắn vài tên ăn cướp để làm gương, thiếu tá Va đô đã xem xét nhưng ông gạt ra vì tập đoàn cứ điểm thiếu quyền xét xử đặc biệt. Va đô cho rằng nếu không có xét xử thì những vụ hành quyết đó bị coi là giết người”.

Việc khai mạc Hội nghị Giơnevơ được dự định vào đầu tháng 5 và trưởng đoàn đại biểu Pháp, Giăng Sôven, đã yêu cầu những người có trách nhiệm ở cấp cao, nhất là tướng Na va, cho ông biết về nhưng nhận xét cá nhân của họ. Ngày 21-4, theo kênh của tướng Êli, Nava trả lời chính thức cho Sô ven. Ông tán thành - một cách thận trọng - ý tưởng cắt đôi Việt Nam theo vĩ tuyến 17 hoặc vĩ tuyến 18 với điều kiện bảo toàn các pháo đài ở Hà Nội và Hải Phòng. Làm như là ông ta vẫn là ông chủ của cuộc chơi? Một số đại biểu phương Tây cũng ủng hộ giải pháp cắt đôi, nhưng ít khả năng là chính phủ miền Nam - Việt Nam chấp nhận sự cưa cắt theo "kiều Triều Tiên" đó. Còn giữ Hà Nội và Hải Phòng, thì ngay bản thân Nava cũng không tin là có thể.

Thực ra, Tổng chỉ huy không phải là người cực đoan. Trong khi ông trả lời chính thức với Sô ven, thì ông giao cho một người thân cận, đại tá Lennuyơ, "người hiểu rõ về tư tưởng của ông”, một lá thư gửi cho Êli trong đó ông bày tỏ "ý kiến cá nhân về cơ hội của một cuộc ngừng bắn”. Đối với Nava, như người ta đã cảm thấy ở Hà Nội, trận Điện Biên Phủ đã thất bại. Nếu Caxtơri và cùng với ông là các sĩ quan dưới quyền hiểu được tư tưởng của Tổng chỉ huy liệu họ có đặt câu hỏi về tính giá trị, tính hiệu lực của cuộc chiến đấu của họ không?

Tôi cho rằng, cuối cùng, một cuộc ngừng bắn ngay 1à tốt hơn cho các cuộc thương lượng diễn ra trong lúc người ta vẫn tiếp tục đánh nhau, Nava gợi ý. Các vị có nhớ tháng 10-1918 khi những quân đội ưu tú nhất không còn quyết tâm chiến đấu nữa vì những cuộc thương lượng đã bắt đầu! Các vị có nhớ tháng 6-1940 khi thống chế Pêtanh đưa ra yêu cầu đình chiến! ở đây, với sự chồng chéo của các vị trí, với những đội quân người Việt luôn luôn sẵn sàng trốn đi nếu không thì phản bội, sau vài tuần lễ thương lượng, chúng ta có nguy cơ rơi vào một tình thế rối rắm chỉ có lợi cho Việt Minh. Hai tháng trước đây, ý nghĩ đưa ra sự đồng ý của tôi về một cuộc ngừng bắn ngay chưa đến trong đầu óc tôi vì có những điều bất tiện rất lớn, nhưng bây giờ, khi tôi đã biết Việt Minh gây một sức ép quân sự, chính trị và tinh thần với chúng ta như thế nào (và nhất là với Việt Nam) tôi nhận rõ tiếp tục chiến đấu trong khi hai bên đang thương lượng có thể còn nhiều điều bất lợi hơn. Hội nghị Giơnevơ (mà càng ngày tôi càng tin là một tổ ong vò vẽ đáng sợ) đặt chúng ta trước một sự lựa chọn tàn nhẫn: hoặc ký một loại hòa bình với mọi giá. hoặc chấp nhận quốc tế hóa cuộc chiến tranh trong đó những gì còn lại của lợi ích Pháp ở Đông Dương chắc chắn sẽ biến mất (. . .).”
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM