Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 27 Tháng Năm, 2024, 01:51:37 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ từ góc nhìn của người lính Pháp  (Đọc 142053 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #140 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2008, 01:16:17 pm »

Ngày 1-4, danh sách các sĩ quan được thăng cấp được công bố trong tất cả các đơn vị ở Bắc bộ. Giăng Garăngđô ở trong danh sách đó, tuy nhiên, chỉ khi bị bắt trở về ông mới được biết là mình đã được phép mang lon thứ tư.

Trên cứ điểm Đôminíc 1, Máctine chờ đợi cuộc xung phong, đã cố gắng sửa chữa hai khẩu súng máy bị pháo bắn hỏng. Hạ sĩ Lalai bắn súng máy ở cửa ra của đường hào đông bắc, băng đạn nối tiếp nhau liên tục. .

Máctine:

Một trung đội trưởng của tôi là người Việt Nam, thiếu uý Phê, không thể giữ được người của anh ta tại vị trí của họ, cho nên phải tự mình bắn súng máy. Cuộc chiến đấu trở nên lộn xộn và rốt cuộc vị trí đã bị gặm dần. Tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 Angiêri điều đến cho tôi một trung đội trước khi Việt Minh tấn công, tôi giữ nó làm dự bị, nhưng khi tôi ra lệnh tham gia chiến đấu, thượng sĩ nhất Lơpết chỉ huy của trung đội lại bị thương, trung đội chạy tán loạn bất chấp những nỗ lực của thượng sĩ Mi lô, thượng sĩ nhất của đại đội, anh cũng bị thương”.

Lơpết bị coi là mất tích nhưng nhiều lính của trung đội anh trở về Đôminíc 3. Đối mặt với sự rút lui của lính Angiêri, Máctine nổi giận và ra lệnh trừng trị bằng súng tình trạng hoảng loạn có thể lây lan sang lính Việt Nam của ông: "Xem như chưa đủ để đối mặt với một cuộc tấn công chính diện trên một trận địa mà tổ chức phòng ngự không tồn tại, tôi sẽ phải bảo vệ sườn của mình”.

Trước sự lộn xộn đang diễn ra ở Đôminíc 1, Việt Minh tràn vào điểm tựa bằng những đợt liên tục:

Chúng tôi chiến đấu một chống hai mươi! Máctine than phiền. Camuýt, báo vụ viên vô tuyến điện của tôi, không liên lạc được với ai nữa, và hạ sĩ Mécxiê, y tá của tôi không biết trốn vào đâu. Đêm đã xuống, khi chúng tôi bị Việt Minh bao quanh, bị tước vũ khí và bị buộc người này với người kia, đẩy vào đường hào của họ, trong lúc pháo binh của ta bắn những loạt đạn muộn màng. Đi về phía sau, chúng tôi gặp những đoàn bộ đội Việt Minh dài vô tận đang chiếm lĩnh trận địa. Việc trông giữ bị lơi lỏng, chúng tôi cởi được dây trói, lang thang trong một khu rừng chỉ toàn thấy người. Sáng sớm sự có mặt của chúng tôi ở hậu cứ chẳng kích thích trí tò mò của ai nhưng chúng tôi không được mang vũ khí nữa. Một sĩ quan, đến tìm hiểu lí lịch và cấp bậc của mỗi người, chúng tôi bị tách nhau ra và tôi chẳng bao giờ gặp lại lính dù của tôi nữa”.

Bị mất cán bộ chỉ huy của mình, một số lính Angiêri chỉ thấy một lối thoát: tránh những nơi đang chiến đấu. Trước khi đến được vị trí trung tâm, một phần lớn trong số họ chạy xuống sườn đồi rồi vượt qua tỉnh lộ 41 và sông Nậm Rốm. Một chướng ngại vật cản đường của họ, ở dưới dốc đồi, họ đựng phải đại đội 4 pháo binh của trung úy Bruynbrúc, được trung uý Ghêranh và ba trung đội bảo vệ theo lệnh của Philôđô. Khéo ẩn nấp, đại đội pháo không bị phát hiện và bộ binh của sư đoàn 312 truy kích sát gót, lính thuộc địa không hề ngờ chút nào là bốn khẩu 105 đang đợi họ ở chân đồi Philôđô báo cáo "từ 22 giờ nỗ lực tấn công chủ yếu của Việt Minh nhằm vào khu vực phía bắc của điểm tựa, nơi bố trí đại đội pháo". Các trung sĩ nhất Giuýt và Guyvinle chỉ huy hỏa lực súng máy, và từ điểm tựa phía nam Đôminíc 3, trung uý Giắccơlin cho đưa đến cho họ những két đạn.

Trung sĩ Lơrăng, khẩu đội trường khẩu đội 3 đột nhập vào hầm - sở chỉ huy của đại đội pháo và báo cáo vội vã với Bruynbrúc: "Báo cáo trung uý, Việt Minh theo sau lính Angiêri...".

Viên sĩ quan gọi sở chỉ huy hỏa lực để báo cho đại uý Lôxti nhưng câu trả lời làm anh lặng đi không nói nên lời nữa: "Đôminíc vẫn giữ vững". Thiếu uý Bay xê, phó chỉ huy, xác nhận rằng có lúc những người bộ đội đã vượt lên trên lính Angiêri, và lẽ ra họ hạ thủ hoặc bắt lính Angiêri thì họ lại hòa mình vào dòng người chạy trốn này để tiến về phía đại đội pháo với suy tính rằng các pháo thủ không dám nổ súng vào người của mình. Bây giờ họ chỉ cách gần 300 mét và người ta nghe tiếng hô "Đừng bắn, Hỡi các bạn lính thuộc địa? Đừng bắn!”.

Bruynbrúc lại cầm máy nói và lần thứ hai, sở chỉ huy hỏa lực lại xác nhận "Đôminíc vẫn giữ vững". Chúng ta được biết rằng trời mới bắt đầu tối và các cuộc phản kích cấp trung đội đang diễn ra trên Đôminíc 2. Chính đồi Đôminíc 1 đã đổ. Bruynbrúc không bàn luận nhưng cảnh báo với giọng gay gắt "để tránh bị địch tràn vào, tôi sẽ khai hỏa" rồi anh bỏ máy xuống và ra lệnh cho thượng sĩ nhất Lơ Poatơvanh, người chịu trách nhiệm phòng ngự gần, thi hành những biện pháp chuẩn bị chiến đấu. Hoặc pháo thủ để cho những người chạy trốn vượt qua vị trí của mình và Việt Minh lẫn vào trong đám này sẽ chiếm lấy các khẩu pháo nguyên vẹn, hoặc anh ra lệnh bắn ở cự li dưới 400m vào những người đến gần không cần hỏi anh là người của phía nào. Một cuộc bàn cãi đầy tính bi kịch. Đại đội pháo hướng về phía đông bắc, nằm trên một kênh tiêu nước bắc - nam do người Nhật đào từ năm 1945. Đầu kênh ở phía bắc được khép kín bằng hệ thống dây kẽm gai; ở đây có những liều thuốc nổ được cất giấu dưới sự canh gác của các lính bộ binh thuộc địa của trung úy Ghêranh. Đám người tiến lại gần... Bruynbrúc cho phép Bay xê để cho người bị thương đi vào rồi đường được đóng lại. "Không bắn khi chưa có lệnh của tôi" viên sĩ quan nhắc lại. Anh ta thả dây cương: "Súng tự động và súng của từng cá nhân, bắn tùy thích".
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #141 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2008, 01:17:09 pm »

Các trung liên và khẩu 12,7mm làm chậm cuộc tấn công ồ ạt của địch nhưng không chặn đứng được nó: Bruynbrúc truyền cho bốn khẩu đội trưởng để đường ngắm bằng số không và bắt đầu bắn. Các quả đạn 105 nổ dưới 100 mét rồi 50 mét. Những cú bùng nổ rất ấn tượng. Sự dao động đã diễn ra trong những con người giống như những bóng ma đang động đậy trong đêm tối trước khi quay đi theo hướng các đỉnh đồi. Người ta đoán là có những thân thể nằm dài trên mặt đất, những người bị thương kêu gọi; những phát đạn 105 đã làm cho Việt Minh bị bất ngờ và gây nên những tổn thất mà cả những người lính Angiêri, cũng phải trả giá (Chú thích: Tôi xác nhận sự hiện diện của Việt Minh lẫn lộn trong những người lính đang rút lui vì thể chúng tôi thấy cần phải bắn, đại tá Lui Bay xê, phó chỉ huy đại đội 4 pháo binh viết (Thư gửi tác giả).)

Thiếu tá Knếc, trưởng nhóm, và đại uý Công bơ, phó trưởng nhóm, là trung tâm của sở chỉ huy hỏa lực, phải giúp đỡ Bruynbrúc bây giờ đã bị phát hiện. Các đại đội pháo 5 và 6 được phép bắn chi viện cho anh nhưng vẫn phải phục tùng các yêu cầu cấp bách của chiến dịch. Hai lần trung tá Lăng le khuyên Bruynbrúc lui về cứ điểm Clôđin. Người ta không hiểu đúng ý định này vì, tại sao phải bảo vệ Êlian 2 nếu để Việt Minh vượt qua tỉnh lộ 41 mà Bruynbrúc là người chắn lối vào? Trong cả hai trường hợp đều là sự xâm nhập bảo đảm. Nhưng Bruynbrúc từ chối, thậm chí còn nói với Lăng le là anh ta mong muốn được nhận một đại đội để bảo đảm sự bảo vệ gần cho đơn vị anh hơn. Lăng le cau mặt, đáp lại khô khan rằng ông vừa mới từ chối yêu cầu của thiếu tá Clêmăngxông đưa người cho Huy ghét 4 và ông đã dành ưu tiên cho Êlian 2.
Việt Minh nghĩ rằng họ có thể chiếm được đại đội pháo 105 của Bruynbrúc trong đêm và xem thường các tên lửa chiếu sáng của máy bay Đacôta - đom đóm. Những lính Việt Minh dũng cảm nhất đã đến được và hy vọng rằng từ chỗ đó sẽ lấy lại được đà chiến đấu, nhưng trung úy Ghêranh đã ra lệnh đốt các liều thuốc nổ dẹt và cuộc tiến quân của địch ở hướng này đã bị dập tắt trong một loạt tiếng nổ. Rạng sáng ngày 31, hàng chục thi thể bị biến dạng đã được trung sĩ nhất Thuvơnanh tìm thấy trong hố còn trung sĩ Xây ne lại phát hiện trung sĩ Hécnăngđe, bị thương nhưng còn sống, từ Đôminíc 2 xuống trốn ở trong kênh.

Các lính bộ binh thuộc địa của đại đội 12 thu nhặt các vũ khí Việt Minh bỏ lại gần các xác chết và bổ sung vào vũ khí của họ. Trước điểm tựa nam của Đôminíc 3, Việt Minh còn gây ra một sức ép mạnh mẽ để cô lập các khẩu pháo của Bruynbrúc. Họ đụng phải các khẩu súng máy của tiểu đoàn 8 xung kích và dậm chân tại chỗ dọc tỉnh lộ 41. Súng cối của Đôminíc 3 (năm khẩu 60 và một khẩu 81) bắn vào phía trước các khẩu pháo của đại đội 4. Từ cứ điểm Epécviê , các trọng liên 4 nòng 12,7 của thượng sĩ Lơ Mơ chi viện cho hoạt động của Bruynbrúc và trước tám đường lửa xả vào sườn đồi, Việt Minh bắt đầu phải lùi. Các cuộc bắn nhau diễn ra suốt đêm và khi trời bắt đầu sáng, ngày 31, pháo của Việt Minh quấy rối đại đội 4 pháo, nhưng nhiều quả đạn bắn vào mỏm đồi và rơi xuống đại đội Bruynbrúc không nổ.

Chỉ cần cầm cự nửa giờ nữa, Philôdô viết, vì không ai tin rằng cuộc tấn công còn kéo dài sau khi trời đã sáng. Khoảng 5h30, pháo thủ thông báo: “Việt Minh đã rời đi! Đưa tầm bắn ra xa!". Từ sở chỉ huy chúng tôi thấy khoảng hai đại đội Việt Minh đang rời đi, những hành động tương tự cũng nhìn thấy trên các sườn đồi của A1. Tình hình đã lạc quan”.

Trên đường, các lính dù của tiểu đoàn 8 xung kích kết thúc việc quét các lô cốt trên đường do trung đội của trung sĩ Giơnevơ, thuộc tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 Angiêri, để mất. Chúng được chiếm lại vào 8 giờ. Thiếu tá Knốc liền ra lệnh cho Bruynbrúc rút về Clôđin, làm lại trận địa tổ ong cho pháo trên đất đã được mưa làm cho mềm đi. Một xe tải Dodge 4 x 4, thoát khỏi các cuộc pháo kích, thực hiện bốn chuyến kéo và tối hôm đó pháo của Bruynbrúc đã sẵn sàng để bắn từ trận địa mới.

Đối với đại đội 12 của Philôđô và đại đội 9 của Giắcơlix cần có sự sắp xếp lại bởi vì hai đại đội là tất cả những gì còn lại của tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 Angiêri. Đại uý Phơrăngsê thuộc đại đội 6 của tiểu đoàn 2 Thái, thay thế họ ở Đôminíc 3 và trung uý Đờ La Ma len thuộc đại đội 5, được lệnh rút khỏi Đôminíc 5 là cứ điểm được xem là bị uy hiếp quá. Nhiều lính bộ binh thuộc địa của Đôminíc 2 đã rút về Clôđin và phải có thời gian để tìm lại tất cả những người còn khả năng tiếp tục chiến đấu, còn những người khỏe, theo ý Philôđô, bị sốc về thể xác và tinh thần, cần có thời hạn hồi tỉnh trước khi tiếp tục chiến đấu lại. Trong lúc chờ đợi, họ được giao nhiệm vụ gác tù binh Việt Minh. Tổ chức lại thành năm trung đội bộ binh và một trung đội hỏa lực, tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 Angiêri chỉ còn lại ba sĩ quan: Philôdô, Giắcơlin và Ghêranh.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #142 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2008, 12:25:47 pm »

PHẦN III
TRẬN ĐÁNH

chương IX
CUỘC TẤN CÔNG NGỌN ĐỒI THỨ NĂM
[/b]

Tại Êlian 2, thiếu tá Nicốt đã đặt sở chỉ huy của tiểu đoàn 1, trung đoàn 4 Ma rốc trong hầm rượu của toà công sứ thuộc địa cũ. Những phế tích của tòa nhà này ôm lấy đỉnh đồi, những người quan sát hướng đôi mắt về phía đông sẽ thấy nó; cuộc tấn công sẽ đến từ phía này, một vùng núi có rừng che phủ, chính đây là nơi Việt Minh tập kết các đơn vị của họ. Địa hình hình thành một bờ dốc ở phía đông ngọn đồi và đại đội 2 của trung úy Nicốt nằm dưới hỏa lực của các vũ khí bắn sát mặt đất, đến mức vị trí được mệnh danh là "Săng Êlidê" (Chú thích: Săng Êlidê là tên một đại lộ nổi tiếng ở Pari.) vì Việt Minh dễ dàng cấm việc đi lại giữa ban ngày. Ở phía đông của bờ dốc, phía đối diện, là ngọn núi Sô vơ, ở đây đêm đêm tiếng chuông của tiểu đoàn 1, trung đoàn 4 Ma rốc báo động về những cuộc đi qua ngày càng dày và quá lên phía bắc, ngọn núi Phíctíp, "một vị trí không có ai chiếm đóng, Nicốt khẳng định, nhưng ở đó tôi duy trì một số hoạt động tuần tiễu, phục kích và bố trí những trận địa giả của vũ khí hạng nặng".

Các đại đội được bố trí thành tuyến, đại đội này sau đại đội kia, từ đông sang tây. Trước hết là Nicốt được xem như là bảo vệ Săng Êlidê, rồi đến đại đội chỉ huy của đại úy Lacrôdơ ở trên đỉnh đồi, phía trước là đại đội 1 của trung úy Pêranh trên dốc đối diện, đại đội 4 của trung úy Galôpanh bố trí ở Êlian 3 trên tả ngạn sông Nậm Rốm. Quân của Nicốt bố trí trong một hào vòng tròn, có các lô cốt theo kiểu Điện Biên Phủ, tất cả sau một bãi kép mìn và chất nổ dẹt có mồi điện, những cái bẫy mà người ta đã lường được giá trị tương đối trước Bêatơrít.

Là một cựu sĩ quan của lính bộ binh thuộc địa - anh bắt đầu sự nghiệp của mình lúc 18 tuổi ở trung đoàn 2 bộ binh Ma rốc và nói tiếng Ảrập "như một ngôi đền Hồi giáo" - Nicốt hiểu rõ người Ma rốc gắn bó với chỉ huy của họ như thế nào. Nếu chỉ huy đổ, họ sẽ mất phương hướng. Điều làm Nicốt lo lắng chính là Săng Êlidê, hoàn toàn ở trong tầm tay của địch. Trong chiến tranh, anh phục vụ ở trung đoàn 5 bộ binh Ma rốc và ở Cátxinô cũng như ở trong vùng núi Abruýt và sau này ở trong vùng núi Vốtgiơ, "trong mọi cuộc chiến chiến đấu ở vùng núi, chúng tôi tổ chức phòng ngự ở đỉnh núi và ở dốc khuất chứ không bao giờ ở dốc phía trước, dưới con mắt của địch. Một bờ dốc hơn 80 mét, ở phía dưới, phơi bày dưới con mắt quan sát, Săng Êlidê ít có cơ may chống lại được một cuộc tấn công chính diện".

Một điểm yếu khác nữa, Êlian 1 biệt lập ở phía đông bắc Êlian 4, nơi đồn trú của tiểu đoàn 5 dù Việt Nam của Bôtenla và tiểu đoàn 6 dù thuộc địa của Biga. Đại đội 3 của đại úy Gira một mình trên điểm tựa và dường như sự cách biệt đó vẫn chưa đủ, Gira cũng không có lấy một sĩ quan để trợ thủ cho mình, còn nói gì đến thay thế ông. Ngược lại với tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 Angiêri trên cứ điểm Đôminíc, không phải các cuộc hồi hương vì hết nhiệm kỳ làm cho quân số sĩ quan của trung đoàn 4 Ma rốc trở nên thiếu hụt mà chính là những tổn thất trong chiến đấu: đại úy Phát xi bị tử thương, các trung úy Gôcơlanh, Gira, đờ La Phoóc, Galôpanh và người cuối cùng là trung úy Rây mông bị một viên đạn vào bụng ngày 25-3. Ngày 30, đại úy Gira cảm thấy rất cô độc. Chính ông là người cần có một đại đội dù tăng viện.

Nhảy vọt lên dưới làn đạn súng máy bắn mở đường cho họ, bộ binh của sư đoàn 316 ào ạt xung phong, trong lúc đó hỏa lực chuẩn bị của pháo binh vẫn tiếp diễn trên đồi. Bị Việt Minh tràn vào, các lính bộ binh Ma rốc của Gira đành chịu khuất phục dưới số lượng. Nhanh chóng, vị trí đã đổi, đằng sau lính bộ binh thuộc địa mà vài người đã chạy về Êlian 4, những Việt Minh đầu tiên đã xuất hiện trên đường ngắm của lính dù bảo an. Đêm chưa xuống khi đại úy Hécvuiét, được các trường xe báo động, đến sở chỉ huy của trung tá Lăng le và yêu cầu các ông ra khỏi hầm để chứng kiến một cảnh tượng não lòng.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #143 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2008, 12:27:11 pm »

"Dưới ánh sáng cuối cùng của một ngày sắp hết, giữa đám bụi màu đỏ và khói đạn, quân đội chúng ta đang rút lui một cách hỗn độn", Lăng le nói. Báo cáo của ông phản ánh cơn thịnh nộ :

Lúc 20 giờ tất cả các vị trí bị tấn công đều bị chiếm trừ Êlian 2. Một sự giải thích duy nhất: một đại đội bảo an (Đôminíc 1), một đại đội của tiểu đoàn 1, trung đoàn 4 Ma rốc (Êlian 1), tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 Angiêri nguyên vẹn (Đôminíc 2) không chiến đấu mà chạy tán loạn và vì vậy các đơn vị dự bị, bảo an đoàn và tiểu đoàn 6 dù thuộc địa, đã trở thành tuyến một” (Chú thích: Tướng Nicốt phản đối báo cáo của Lăng le: "Nói một đại đội chạy tán loạn là sai; đây là một hành động của các trung đội mà tôi đã ghi nhận, Lăng le đã quan sát bằng ống nhòm và đã diễn đạt sai. Lúc trở về Pháp tôi đã nói với ông, ông đã thừa nhận "có sự nhầm lẫn và xin lỗi” (Thư gửi cho tác giả) Thiếu tá Máctine cũng có ý kiến như vậy và gặp Lăng le ở Pô năm 1964 đã nói với ông về Đôminíc: “Tôi đã bất công với tiểu đoàn 5 dù Việt Nam, Lăng le nói. tôi sẽ đính chính lại trong báo cáo”.)

Lăng le nói thêm: "Nếu trận đánh chưa kết thúc đêm đó là vì Việt Minh chắc là bất ngờ trước quy mô chiến thắng khởi đầu của mình, mà đáng lẽ đó là mục tiêu của đêm, chưa tiến ngay đến các sở chỉ huy trung tâm". Ở Êlian 4, đoàn bảo an của Bôtenla đánh nhau với các bộ đội Việt Minh từ Êlian 1 xuống, đi sau lính Ma rốc, những người này vượt qua hào mà không dừng lại. Trên các cứ điểm Êlian, cuộc pháo kích thật dữ dội hiếm thấy, đại đội 3 của tiểu đoàn 5 dù Việt Nam bộc lộ lực lượng rõ trên trận địa, đầu tiên đã mất người chỉ huy là trung úy Gaven (Chú thích: Sinh năm 1923, Giăng Gaven đến Sài Gòn cuối năm 1949, trung úy tháng 1-1950. Bị thương năm 1950. Về nước năm 1951. Huấn luyện viên trường biệt kích, trở lại Việt Nam 11-1952... Bổ nhiệm về tiểu đoàn 2, trung đoàn 1 dù, rồi tiểu đoàn 5 dù Việt Nam ngày 15-1-1954. Cùng tiểu đoàn nhảy xuống Điện viên Phủ ngày 14-3.). Bác sĩ Ruôn, phụ trách tiểu đoàn 1 nhớ lại rằng Gaven "hoàn toàn bị ngã xuống như người bị đóng đanh trên cây thập tự ở đáy hầm do một làn đạn của pháo không giật 57 li". Mácke, phó chỉ huy của anh, đã bị giết chết một giờ trước đó (Chú thích: Sinh năm 1926, Guy Mácke được gọi nhập ngũ năm 1946. Năm 1952 đi Đông Dương. Được cử về tiểu đoàn 3 biệt kích dù thuộc địa. Trung úy tháng 10-1952, được cử về làm cán bộ tiểu đoàn 5 dù Việt Nam. Nhảy lần 2 xuống Điện Biên Phủ cùng tiểu đoàn ngày 14-3-1954.). Sự tổn thất kép này thật khó bù đắp, tuy vậy không thể để đại đội 3 không có nổi một người sĩ quan. Có thật là không thể tìm được ở phân khu trung tâm một hoặc hai trung úy đủ sức nắm lấy đại đội Gaven không? Chẳng ai là chủ nhân của việc bổ nhiệm này, nhất là tìm một chức vụ nhàn rỗi. Được đại úy Bôtenla cấp báo, GONO đã nhanh chóng đáp ứng, cử hai sĩ quan đã được luyện thành thục của tiểu đoàn 3 Thái, đại úy Ghiơminô và phó chỉ huy của ông là thiếu úy Makôviác.

Bên sườn của gian 4, Biga chờ đợi, ông hiểu rằng người ta sẽ gọi đến ông. Tiểu đoàn 6 dù thuộc địa không bị tấn công, nhưng nhát chổi quét vào Êlian 1 là một mối đe dọa đối với nó .

"Vị trí mà chúng tôi đang giữ là một điểm nhạy cảm, thiếu tổ chức, khó giữ vững nếu những đơn vị ở bên cạnh đã buông thả, đó là điều đã xảy ra”, trung úy Tơráp lưu ý. “May thay chưa có cuộc tấn công thực sự nào của Việt Minh vào vị trí chúng tôi mà chỉ có một cuộc dội pháo khủng khiếp".

Ở Êlian 2, trung úy Nicốt ước tính "cuộc dội pháo đã diễn ra khoảng một giờ. Một quả đạn đã xuyên qua gạch và bao đất hầm trú ẩn của tôi trước khi nổ trên những thân cây làm trần hầm. Chỉ vài vết thương nhẹ, không có gì trầm trọng. Đắp đất từng phần và lợp bằng những thân cây chặt thành từng khúc, sở chỉ huy bây giờ thành lộ thiên, tuy nhiên rất hiếm khi thấy một quả đạn thứ hai lại nổ ngay cùng một chỗ với quả đạn thứ nhất, cho nên chúng tôi vẫn ở yên tại chỗ”.

Liên lạc rađiô với tiểu đoàn đã được nối lại. Trong sự yên tĩnh trước giờ tấn công, Nicốt ra ngoài để kiểm tra các hầm hố. Phần lớn bị sụt lở, người chết và người bị thương co rúm lại ở trong đó, anh tìm thấy người phó của mình là trung úy Bruyđiơ bị giết vì mảnh đạn. (Chú thích: Sau khi bị bắt trở về, đại úy Nicốt viết thư cho bà Clốt Bruvđiơ nói rõ cho bà biết là chồng bà đã bị giết ngày 30-3 khoảng 20 giờ do bị nhiều mảnh đạn pháo. Anh đã được mai táng ngày 31-3 trên cứ điểm Êlian 3, ở nghĩa trang của tiểu đoàn 1, trung đoàn 4 Ma rốc. Số tiền 1500 đồng Đông Dương, nhẫn mặt đá khắc và nhẫn cưới mà Việt Minh đã tịch thu ở Nicốt sau khi Điện Biên Phủ thất thủ, đã được trả lại cho Nicốt, trừ nhẫn cưới, sau khi Nicốt được trả tự do.)
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #144 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2008, 12:48:57 pm »

Một hạ sĩ quan Ma rốc chỉ ngón tay vào lỗ châu mai: bộ binh địch đang tiến đến. Đại đội trường đại đội 2 bước qua một thân người và đưa ống nhòm lên mắt. Việt Minh thiếu điều lệnh, hướng dẫn, đáng lẽ phải giữ các khoảng cách với nhau thì họ lại cụm lại thành từng tổ tám đến mười hai người, làm thành những cái bia thuận lợi cho các vũ khí tự động. Nicốt đã thấy những Việt Minh xuất phát từ non 200 mét, từ phía nam của núi Sô vơ, một vài người đã chết vì mìn, tiếng súng to dần lên... Hệ thống hàng rào dây kẽm gai bị bộc phá phá thành từng lỗ hổng, còn lại những cọc sắt quằn quèo và người ta khó nhận biết được những quả đạn cối 81 mà thượng sĩ Buyếcga từ sườn đối đối diện bắn vào những chỗ địch bắt buộc phải đi qua. Nhiều Việt Minh đã ngã xuống đất và những người cứu thương đi đi lại lại với những chiếc cáng, dường như là trận đánh đã kết thúc. Nicốt lặng lẽ đi vào một hầm trú ẩn nhỏ với chiếc radiô vào lúc một liên lạc viên báo cáo với anh rằng trung đội lê dương đã bị tiêu diệt một phần ở cứ điểm Săng Êlidê. Trừ số bị chết, còn lại một hạ sĩ và sáu lính lê dương bị thương đang đi ngược lên đỉnh đồi.

Tôi đã cho hai khẩu cối 60 ngắm vào núi Phíctíp và núi Sô vơ trung sĩ Phantinen chứng minh. Đám mây bụi dâng lên bị pháo kích, làm tối mắt chúng tôi nhưng chúng tôi vẫn nhét đạn vào nòng và bắn với lưu lượng tối đa. Khẩu 12 li 7 của trung sĩ Đônsimôni bắn từng loạt về núi Phíctíp nhưng Việt Minh có đại bác không giật ở cự li dưới 150m. Cuối cùng, trận địa tổ ong của chúng ta phải chịu khuất phục”.

Phăngtinen bị thương, một người lính thuộc địa giúp anh đi đến bệnh xá của trung úy bác sĩ Prêmiliơ. Bác sĩ này chưa nguôi giận, trạm cấp cứu của anh bao quát cứ điểm Săng Êlidê đã không được di chuyển từ hôm anh đến đây, ngày 17-1. Anh chắc chắn rằng cờ tam tài phấp phới trên cái lầu có vẽ chữ thập đỏ trên mái đã giúp cho Việt Minh điều chỉnh đường bắn của họ hơn là trừ nó ra. Ngay từ đầu, một phát bắn trực tiếp đã phá toang bệnh xá, may mà Prêmihơ, đã cẩn thận trang bị cho các y tá của mình một túi chứa đầy những dụng cụ cấp cứu cần thiết. Prêmiliơ đã ra lệnh chuyển sang hầm trú ẩn của thiếu tá Nicốt. Một quả đạn thứ hai nổ tung trên bức tường đá chắn lối vào hầm.

"Vị trí bệnh xá đặt đối diện với Việt Minh là một việc làm ngu xuẩn, người y sĩ của tiểu đoàn 1, trung đoàn 4 bộ binh Ma rốc nhận xét. Đáng lẽ phải đặt nó ở sườn đồi che khuất nhưng chúng tôi không có một bác sĩ có chuyên môn thường trực để cố vấn cho chúng tôi” .

Prêmiliơ đặt lại các bệnh xá của mình giữa bốn bức tường không có mái. Đó là tất cả những gì anh có thể tìm được. Áp lực của Việt Minh đang tăng lên và Săng Êlidê đầy những bộ đội Việt Minh. Trên trận địa, đêm đang đến, máy bay đom đóm bắt đầu thả pháo sáng. Điều đó có lợi cho bộ binh cả hai bên, vì ít nhất thì mỗi bên cũng biết được mình có thể bắn vào ai. Sĩ quan liên lạc và quan sát của tiểu đoàn 1, trung đoàn 4 bộ binh Ma rốc, trung úy Misáeđỉe, có liên lạc tốt với sở chỉ huy hỏa lực, yêu cầu chi viện là được đáp ứng ngay. Hôm trước, người ta đã cử đến một sĩ quan trẻ, rút từ cứ điểm Gabrien ba ngày trước, đó là thiếu úy Cloa. Biết rõ cái gì đã đến với Méccơnem sau khi anh ra đi, Cloa cho rằng anh đã gặp nhiều may mắn, nhưng anh đã nhầm: bất kể anh ở nơi nào của Điện Biên Phủ thì chiến tranh vẫn chộp được anh. Để đương đầu với các đơn vị Việt Minh, thiếu tá Nicốt chỉ có một đại đội ở Săng Êlidê, đại đội của Nicốt. Đợt triều người vẫn dâng lên, dâng lên... Qua rađiô, Nicốt yêu cầu sở chỉ huy Lăng le tiếp viện, người ta cố làm yên lòng ông với lý do phải dành ưu tiên cho Êlian 2 và các đơn vị lê dương sẽ phản kích.

Là sĩ quan tùy tùng của tiểu đoàn 1, bán lữ đoàn lê dương 13, đại úy Ruýtxein, như đã báo trước, lên cứ điểm Êlian 2 để nhận biết cái vị trí thay quân. Ruýtxein là một người lính kỳ cựu "rất có năng khiếu và đầy hứa hẹn". ông đã trải qua nhiệm kỳ thứ nhất ở tiểu đoàn 3 bộ binh ngoại quốc. Sang Đông Dương bằng máy bay, Ruýtxein lại trở về nước bằng máy bay tháng 7-1950. ông không nghĩ đến một nhiệm kỳ thứ hai, nhưng chiến tranh Đông Dương cần người. Ngày 30- 3, từ cứ điểm Giuynông ông đến trình diện với Nicốt.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #145 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2008, 12:50:16 pm »

Dưới hỏa lực pháo kích của địch, hai sĩ quan xuống hầm là sở chỉ huy của trung đoàn 4 Ma rốc, tin chắc rằng cứ điểm Săng Êlidê đã rơi vào tay Việt Minh sau khi Nicốt báo cáo rằng anh đã trụ lại ở tuyến phòng ngự thứ hai. Được điều đến tăng viện, một trung đội của đại đội Pêranh đã chạm trán với Việt Minh gần hào trung tâm và phải dùng lựu đạn để thoát ra trước khi đứng chân ở ngang độ cao của sở chỉ huy. Tình thế trở lên nguy kịch. Những tiếng nổ và những làn đạn súng tự động đang tiến gần đến đỉnh đồi Năm. Ở đài quan sát trung úy Misácđie bị thương ở đầu đã được sơ tán. Cloa chưa có kinh nghiệm gì đã phải đảm đương nhiệm vụ sĩ quan liên lạc và quan sát của tiểu đoàn 1, trung đoàn 4 Marốc. Tuy nhiên, anh bảo đảm với báo vụ viên Lơmoan của anh "họ sẽ hợp đồng tốt để giải quyết mọi khó khăn”. Đại úy Ruýtxein thì không yên tâm lắm vì, dưới mắt ông, cái hầm rượu, thay vì là cơ quan chỉ huy, là một cái ổ chuột mà Việt Minh sẽ đến bắt.

"Vào khoảng 22 giờ, Nicốt viết, đại úy Ruýtxein đứng dậy và nói với tôi rằng ông đã từng bị người Đức bắt làm tù binh trong 5 năm và bây giờ ông không muốn làm tù binh của Việt Minh nữa, ông đi ra chẳng đề phòng gì và ông đã bị giết vì một mảnh đạn pháo nổ 10 mét" (Chú thích: Sinh năm 1918. Giắccơ Ruýtxein tốt nghiệp Xanh Xia năm 1949. Sau một nhiệm kỳ đầu ở Đông Dương, ông về Pháp ba năm và đi lại với quân hàm đại úy ngày 20-12-1953. Được cử đến Bắc Bộ làm sĩ quan tùy tùng ở tiểu đoàn 1 bán lữ đoàn 13 lê dương ngoại quốc. Được không vận cùng tiểu đoàn lên Điện Biên Phủ.)
Một đại đội dù lê dương ngoại quốc đến trước đại đội của Luyxiani là đại đội dành cho Êlian 2, điều mà đại dội Máctine đã làm cho Đôminíc 1. Đó là đại đội 4, tuy nhiên, theo đại úy Biêng vôn, đại đội trưởng, thì nó chỉ có 87 lính lê dương, trong đó có chín người tình nguyện bị thương nhẹ. Nhảy dù xuống từ ngày 23-3, Biêng vôn thay thế trung úy Đômigô, bị thương và chỉ có 7 lính lê dương từ Êlian 2 trở về. Tuy nhiên có tin báo là đại đội Luyxiani đã đến gần đỉnh Êlian 2. Các hạ sĩ quan trung đoàn 4 Ma rốc đã nhìn thấy "Tiểu đoàn dù lê dương ngoại quốc ở sườn đồi đối diện, vào lúc nửa đêm, sẵn sàng để phản kích". Nhưng đó là Biêng vôn hay Luyxiam? Là thư ký của Nicốt, trung sĩ Vôgirô khẳng định: "Tiểu đoàn 1, trung đoàn 4 Ma rốc không làm chủ được các hành động tác chiến trên Êlian 2, mỗi đơn vị tăng viện chỉ hoạt động cho mình thôi”.

Lính lê dương cố gắng ngăn chặn ngọn triều tấn công của địch, mặc dầu bị tổn thất lớn - xác chết ngổn ngang trên mặt đất, nhiều người bị thương đang cố lê đi tìm nơi trú ẩn - làn sóng đó đang lớn lên trong đêm được chiếu sáng bằng lửa đom đóm, đạn vạch đường và đạn pháo có phốt pho. Ở đơn vị Luyxiani cũng như ở đơn vị Biêng vôn, người ta chiến đấu để chiếm một hầm trú ẩn, một đoạn chiến hào, một hang chuột chũi, chẳng gì cả. Biêng vôn càng thấy bị cô lập "khi mà vào lúc gay cấn của cuộc chiến đấu, ông nói, hai báo vụ viên đã bị giết ngay bên cạnh tôi và hai máy bay bị phá hủy”. Nhiệm vụ của ông là đẩy lùi địch về phía Săng Êlidê và những cuộc chiến đấu đang diễn ra trên sườn đồi. Những mầm mống của một tình trạng hoảng loạn đã bị dập tắt, nhất là ở những người lính lê dương Việt Nam, và cả những hành động rút lui nữa, tuy nhiên các cuộc phản kích vẫn có vai trò và cần nhấn mạnh điểm này, với sự chi viện liên tục của pháo binh, không ngừng đập nát các đơn vị của tướng Giáp đang vai kề vai trong các hào chiến đấu, sẵn sàng vượt qua bờ hào theo tiếng còi lệnh.

Cũng như trong nhiều cuộc đụng độ ban đêm, người ta không hề biết, qua các cuộc va chạm đó mà tiểu liên và lựu đạn đóng vai trò hàng đầu, lính lê dương và lính Marốc làm thế nào để rốt cuộc có thể kìm hãm được quân địch.

"Không thể được, Nicốt khẳng định với đặc điểm thay đổi tình huống mau lẹ của một cuộc chiến đấu có phần nào hỗn loạn đi đến đánh giáp lá cà, trong một không gian trận địa có giới hạn, giữa ban đêm, khó mà có được một cái nhìn bao quát các cuộc chiến đấu đang diễn ra với một nhịp độ không hề giảm sút”.

Với những người thoát nạn từ đơn vị Nicốt trở về và những thành phần của đại đội Lacrôdơ, được sự chi viện của tất cả những khẩu pháo có thể điều động, những người phòng ngự của đồi Năm đã cản trở cuộc tấn công ồ ạt của Việt Minh nhưng không thể ngăn cản bộ đội Việt Minh tìm đường vào sở chỉ huy của tiểu đoàn 1, trung đoàn 4 Ma rốc. Theo Nicốt, "khoảng 0h30, Việt Minh đông nghịt trên sở chỉ huy cửa tôi, tôi quyết định thay đổi địa điểm. Tôi báo trước là tôi ngừng nói trên rađiô và tôi sẽ tiếp xúc trở lại khi tôi đến sở chỉ huy mới, ở trong một cái lỗ ở chân cứ điểm Êlian 2. Sự im lặng kéo dài khoảng 15 phút".
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #146 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2008, 12:51:29 pm »

Sự câm lặng đó làm Lăng le lo ngại. Lơgrăng chẳng đã thông báo cho ông về báo cáo của Nicốt đó sao? Tin rằng Việt Minh đã lấy được sở chỉ huy của tiểu đoàn 1, trung đoàn 4 Ma rốc, Lăng le ra lệnh cho thiếu tá Vayăng chuẩn bị phá hủy Êlian 2. May mắn, Biga đã bắt được thông báo của Nicốt và gọi sở chỉ huy Lăng le, nơi không khí đang bị kích động, ông yêu cầu đừng bắn. "Sở chỉ huy của Nicốt chưa thất thủ, "Bruynô" khẳng định, ông ấy chỉ thay đổi địa điểm thôi, Êlian 2 vẫn giữ vững”.

Đã thoát cơn nguy hiểm. Lệnh sơ tán khỏi hầm rượu được dùng làm sở chỉ huy đã được thực hiện một cách mau lẹ mẫu mực: "không phải là chạy trốn khỏi đại họa mà là một sự rút lui nhanh chóng, ứng biến, Nicốt điều chỉnh lại, trong một giai đoạn chiến đấu bởi vì sự phòng ngự được tổ chức lại ngay ở sườn đồi đối diện”.

Bác sĩ Prêmiliơ xác định sự việc vào nửa đêm: "Việt Minh ở trên đỉnh đồi và bước lên đầu chúng ta. Chính là những khẩu pháo của Isaben đã đánh bật họ ra. Chúng tôi đi sang sườn đồi đối diện và đã gặp các lính lê dương đang leo lên để phản kích".

Nicốt thiết lập sở chỉ huy mới cách không đầy 50 mét sau đỉnh đồi, trong một bể chứa nước lớn không sử dụng nữa. Cloa, sĩ quan liên lạc và quan sát chăm lo đến công cụ của mình và cùng với Lơmoan, báo vụ viên cuối cùng đã tìm được một cái hốc để từ đó bắt liên lạc với sở chỉ huy hỏa lực. Cloa yêu cầu hỏa lực bắn chặn nhưng anh cũng thú nhận rằng anh chưa rõ kẻ thù đã tiến đến chỗ nào. (Chú thích: Từ ngày 30 đến 31, tiêu thụ đận của Pháp lên tới 9500 phát đạn 105, 1500 phát đạn 155 và 8700 đạn cối 120.) Nhất là anh không biết rằng hai đại đội của tiểu đoàn dù ngoại quốc đang ở phía trước và không muốn được hỏa lực bạn "yểm trợ". Trên quả đồi ánh sáng mờ nhạt mà máy bay đom đóm phóng ra liên tục, những tia lửa của súng phun lửa và chớp nổ của đạn lẫn lộn, những bóng người không rõ là bạn hay thù đang tìm đường đi và bắn vào bất cứ cái gì dộng đậy. Làm thế nào để nhận ra một kẻ thù giữa đêm tối trước khi chết? Đại úy Lacrôdơ đã nhận được câu trả lời bắn trực diện. Cắm khẩu các bin Mỹ, ông leo lên sườn đồi đối diện thì ba bóng người hiện lên trên nền ánh sáng đạn nổ. Tưởng rằng đây là mấy chú lính bộ binh thuộc địa lạc đơn vị, ông liền gọi họ nhưng ông thấy ngay mình sai lầm. Ông bắn ngã hai lính Việt Minh, nhưng người thứ ba làm ông bị thương. Lacrôdơ đến trạm cấp cứu của Prêmiliơ, bác sĩ chẩn đoán vết thương ở tay phải do đạn bắn xuyên phải điều trị bằng kháng sinh và moócphin.

Qua rađiô, Lăng le thúc ép mỗi tiểu đoàn gửi một đại đội đến Êlian 2. Nếu vị trí này rút lui, Việt Minh sẽ tràn vào thung lũng và chỉ còn việc vượt qua cầu Mường Thanh để chiếm lấy Bộ chỉ huy GONO. Ở tiểu đoàn 1, trung đoàn 2 bộ binh ngoại quốc của Clêmăngxông, mặc dầu đang có sự uy hiếp đè nặng lên Huy ghét 7 ở sân bay, đại úy Cônđờbớp, phó chỉ huy, tổ chức một đơn vị và giao cho trung úy Răng cun. Mỗi trung đội cắt ra ba người và tất cả tập hợp thành một đại đội hành quân. "Một tổ chức hỗn tạp thiếu hiệu quả” trung úy Huygơnanh chỉ trích khi anh được biết người ta rút ba lính lê dương của đơn vị anh. Clêmăngxông cũng cử ra một tiểu đội súng phun lửa để đẩy Việt Minh ra khỏi lô cốt mà họ đã chiếm được.
Nhờ những ánh sáng lờ mờ rọi chiếu trên đỉnh Êlian 2, đại đội Răng cun thành hàng ngang tiến lên. Trong bốn mươi tám giờ, giữa những xác chết và những hầm hào bị tàn phá vì đạn pháo, súng cối, chẳng trình diện với cấp trên, chẳng quan tâm đến liên lạc, Răng cun tiến hành một cuộc chiến đấu một chọi một. Bộ đội Việt Minh, họ có đủ cho tất cả mọi người! "Chúng tôi đã tham gia vào một cuộc phản kích ác liệt, anh viết, nhưng Việt Minh bám trụ trận địa và họ đông quá. Đêm sau, chính họ lại phản kích. Và như vậy suốt ba ngày! Ra đi có 80 người, tôi chỉ đem về 16 người lành lặn” (Chú thích: Theo nhật ký khôi phục lại của tiểu đoàn 1, trung đoàn 2 bộ binh ngoại quốc "Một vài đơn vị bị tản mác đã trở về vào sáng ngày 1-4

Ba đại đội lê dương, mà hai là thuộc tiểu đoàn dù ngoại quốc bây giờ đang đấu kiếm trên Êlian 2 và những cuộc đụng độ đêm đó đã vượt ra ngoài mọi luật lệ. Ít chú ý đến việc giành lại trận địa bị mất mà là khích lệ lính Ma rốc, bảo vệ được đỉnh đồi, gây cho địch những thiệt hại làm cho chúng phải rút lui. Các xe tăng đã được sử dụng, các trung đội Xanh và Đỏ vượt cầu Bai lây (Mường Thanh), động cơ nổ chậm rãi, để tránh bị bắn lúc rời lối đi qua bắt buộc này, mà trước khi đi nó được tựa lưng vào tỉnh lộ 41 giữa Êlian 4 và Êlian 2. Nòng pháo hướng vế đông bắc, các xe tăng bắn chi viện cho các cuộc phản kích đang diễn ra. Phía sau chúng, chiếc Công ti, xe tăng chỉ huy, bắn từ cứ điểm Giuynông, đại úy Hécvuiét là nạn nhân của một tai nạn mới: Khối khóa nòng pháo trên xe tăng khi giật lùi bắn đã làm cho ông bị gãy cùi tay phải và Mutông, người lái xe tăng của ông, đưa ông đến trạm giải phẫu của Grauuyn. Bốn ngày trước, Hécvuiét bị nắp trập của tháp pháo chẹt các ngón tay trái, bị gãy và phải đặt ở tư thế duỗi ra. Các nẹp gây trở ngại cho cả hai tay đã không ngăn cản được "đại úy thép" chỉ huy đại đội thiết giáp của mình.  (Chú thích:  Tháng 9-1944 ở Anzátxơ, Hécvuiét đã bị một viên đạn ở tay trái. Tháng 3-1951 trong nhiệm kỳ đầu ở Đông Dương, bị thương lần thứ hai: "Vết thương do đạn chọc thủng cánh tay phải". Ở Điện Biên Phủ ông bị thương thêm hai lần nữa vào tay.)
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #147 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2008, 12:52:24 pm »

Bình minh ngày 3-1, khi phát hiện ra quang cảnh dành cho mình, trong một bán kính khoảng 20 mét chung quanh nơi mà anh đang nằm, gắn chặt với chiếc đài phát, Cloa không thể kiềm chế nổi cơn rùng mình. Vậy là trong lúc anh điều khiển những cuộc bắn ngăn chặn, Việt Minh đã trinh sát sườn đồi đối diện chỉ cách hầm của anh chưa đầy 10 mét? ở đáy các hố đạn, anh tìm thấy xác những người chết đêm qua đang chờ được mai táng; xác lính lê dương, lính Ma rốc, xác các bộ đội Việt Minh mà các tình huống ngẫu nhiên của trận đánh đã đưa đến đỉnh đồi. (Chú thích: Công việc của Cloa được đơn giản hóa vì kích thước của trận địa trong các cuộc tấn công của Việt Minh không lớn, tướng Ăngdrê Công bơ viết: “Kế hoạch hỏa lực được lặp đi lặp lại nhiều lần chỉ cách nhau vài chục mét (...), điều đó không ngăn cản những cuộc bắn có chuẩn bị trong chiếu sâu, nhất là đường đạn phun nóng và nổ trên các hầm hào của Việt Minh mà người ta biết là bị chiếm vào thời điểm tấn công (Thư gửi tác giả).)

Sau những trận đánh đêm, tướng Giáp không từ bỏ ý định chiếm đồi 5 và Lăng le gửi những đơn vị tăng viện khác. Người ta chờ đại đội 2 của tiểu đoàn dù ngoại quốc do trung úy Phuốcniê chỉ huy kể từ khi Ăngđrê Lơcốc tử trận. Đại đội đến vào 5 giờ sáng ngày 31 cùng với trung đội xe tăng Đỏ của Hécvuiét. Chiếc xe tăng Étlanhgien leo lên mặt dốc của lối vào và dù tắm nhìn bị hạn chế, bắn pháo vào những đám đông Việt Minh mà lính lê dương giơ ngón tay để chỉ. Từ sườn đồi đối diện, xe tăng Xmôlensk tham gia vào hoạt động, cả hai xe tăng đổi lẫn nhau và bắn hết thùng đạn trước khi trở về đại đội vào khoảng 8 giờ sáng để nạp đạn và lấy đầy dầu.

Đruin viết trong nhật ký của GONO: "Tình hình ngày 31-3 lúc 8 giờ: Xe tăng quét sạch Êlian 2 mà chúng ta đã lấy lại".

Tham gia chiến đấu ngay sau khi đến, quân của tiểu đoàn 2, trung đoàn 1 dù ngoại quốc đã vấp phải một đối thủ mạnh. Phuốcniê bị thương, thiếu úy Boabuviê cũng vậy, nhưng không chịu sơ tán. Ngược lại, đại đội Luyxiani chiến đấu suốt đêm, các sĩ quan đã cố gắng hết sức.

Chính là vì leo lên đỉnh đồi để tấn công địch mà tôi đã bị thương, trung úy Rôlanh chứng minh, lúc đầu ở chân tiếp sau là bị mảnh lựu đạn khi tôi nằm trên mặt đất. Tôi may mắn được y tá của đại đội đón về và săn sóc rồi kéo tôi vào một căn hầm để tôi qua đêm ở đó. Cuộc phản kích đã thắng lợi, một xe tải Đodge sáng sớm 31 đã tới để đưa người bị thương đi. Tôi được đưa về trạm giải phẫu của bác sĩ Grauuyn. Về sau bác sĩ mới thổ lộ ông do dự trước quyết định: mổ hay là cắt, ông đã chọn giải pháp không cắt và bác sĩ Ginđrây đã mổ cho tôi”.

Chuẩn úy Phuynlenoác bị vỡ xương đòn gánh và đạn chỉ cách động mạch cảnh gần một xăngtimét. Anh không chịu lên xe cứu thương và thiếu úy Đuymông (Chú thích: Bà Đuy mông, tên khai sinh là Mécxêđét Brốte, kết thông gia với tướng Điêgô Brốtxê của Sư đoàn nhẹ thứ nhất. Sinh tháng 2-1931, Misen Đuy mông tốt nghiệp trường Xanh Mác xen, tình nguyện sang Đông Dương. Qua tiểu đoàn 8 dù ngoại quốc trước khi đến Sài Gòn ngày 31-1-1954. Được cử ra Bắc Bộ, bổ nhiệm về tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc, lên Điện Biên Phủ ngày 15-2-1954.) bị thương ở tay phải, đã lên xe cùng với những người bị thương khác. Người ta không lựa chọn được số phận; Phuynlenoác từ Êlian 2 sống sót trở về, nhưng những người bị thương mừng rỡ vì đã xa rời trận đánh, phải tản ra vì điểm rơi của một quả đạn 105 li đã phá vỡ chiếc xe tải cứu thương. Ngày 20-3, sự ham thích mạo hiểm của anh chưa lắng xuống, Misen Duypông viết thư cho mẹ: "Con không nói đến việc rời bỏ nơi này; cuối cùng người ta sẽ mệt mỏi, chán nản vì nó". Nhưng chiến tranh đã không để cho anh có thời gian thể hiện sự mệt mỏi của mình.

Êlian 2 gần như được giải tỏa, bác sĩ Prêmiliơ tranh thủ thời gian còn tiếng súng để trở lại bệnh xá cũ của mình, ông tìm thấy xác của đại úy Ruýtxein và thi thể của thượng sĩ nhất Ápđanlát bị hạ gục khi anh tham gia phản kích cùng với một trung đội độc lập. Mọi nơi, theo hướng cứ điểm Săng Êlidê, những xác chết và những xác chết... Trừ ở trạm cấp cứu của tiểu đoàn 1, trung đoàn 4 Ma rốc, bác sĩ Prêmiliơ tìm được ba y tá người Ma rốc của ông. Người tỉnh táo nhất trong bọn họ giải thích rằng họ bị bắt làm tù binh và Việt Minh bảo họ không được động đậy, Việt Minh sẽ trở lại ngay sau khi chiếm được đồi 5. Prêmiliơ thu nhặt chiếc hòm đựng thuốc men và dụng cụ y tế, các túi cấp cứu và họ lại lên sườn đồi cùng ba chàng y tá đang vui mừng vì tìm lại được tự do và tiểu đoàn của mình. Trung úy Nicốt đợi hai đến ba ngày để đi đến sở chỉ huy của mình lấy đồ đạc cá nhân. Những tay thiện xạ Việt Minh sẽ bắn hạ những mục tiêu đi lẻ và những kẻ liều mạng.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #148 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2008, 12:53:30 pm »

Trong lúc Lăng le đang bảo đảm cho trận đánh thì đại tá Đờ Caxtơri làm bản kiểm điểm lạnh lẽo nhất, bản kiểm kê về quân số. Lăng le thúc ép ông can thiệp với Hà Nội để cho các tiểu đoàn dù chưa tham chiến (Chú thích: Một binh đoàn không vận (GAP) có ba tiểu đoàn đóng ở Hà Nội: Tiểu đoàn 2, trung đoàn 1 dù - không vận của thiếu tá Brêsinhắc, tiểu đoàn 2 dù ngoại quốc của thiếu tá Liesenphen và tiểu đoàn 1 dù thuộc địa của đại úy Badanh.) được thả xuống Điện Biên Phủ càng nhanh càng tốt, nhưng cuộc nhảy dù của tiểu đoàn 2, trung đoàn 1 dù đổ bộ của thiếu tá Brêsinhắc, lúc đầu được dự kiến vào ngày 30-3 bị hoãn lại nhiều lần. Đúng là Cônhi đã có những chỉ thị cho Bộ chỉ huy GONO "dù sao đi nữa cũng phải khôi phục lại thế trận bằng các phương tiện của chính mình". Tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc đang đánh nhau ở đồi Năm, GONO chẳng phải đang nắm trong tay tiểu đoàn 6 dù thuộc địa và tiểu đoàn 8 xung kích hay sao?

Caxtơri quyết định tổ chức phản kích với "những phương tiện của chính mình", ông kêu gọi Lalăng và giao nhiệm vụ cho Lalăng lên một kế hoạch tác chiến với tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 bộ binh ngoại quốc, có ba xe tăng của trung úy Prêô đi cùng. Lalăng tấn công theo hướng Êlian 2 trong lúc tiểu đoàn 6 dù thuộc địa của Biga tấn công Êlian 1, tiểu đoàn 8 xung kích đảm nhiệm Đôminíc 2.

Lính lê dương ra khỏi Isaben lúc 7 giờ sáng, ba đại đội hành quân ở phía tây đường mòn Pa vi, đại đội 10 của đại đội Mazô ở sườn bên kia, đằng sau những chiếc xe tăng đang cơ động trên một chính diện rộng. Điểm nhạy cảm là bản Kho Lác, ở giữa đường đi đến phân khu trung tâm. Kẻ thù đang chờ những người của Isaben ở đó và Prêô tiến lên với xe tăng Auerstedt. Pháo hỏa chuẩn bị chỉ ngắn thôi vì pháo của thiếu tá Vayăng trước tiên phải chi viện Êlian 2. Khi đại đội của đại úy Phuốcniê tiếp cận chiến hào thứ nhất của Việt Minh, các tay súng SKZ lộ diện và chiếc xe tăng Neumach bị một phát bazôka làm hỏng mất khẩu trọng liên 12,7 li; một quả đạn thứ hai chọc thủng vỏ thép xe tăng. Hai xe tăng khác đến yểm trợ nhưng trước khi lao vào một đường hào thứ hai thì nhìn thấy rõ ở rìa làng, đại đội 11 của Phuốcniê đã chạm địch.
Phuốcniê bị thương cùng với trung úy Xuyêcbie. Lalăng hình dung đoạn tiếp của cuộc hành quân. Các lính lê dương của ông có thể chiếm bản Kho Lai, nhưng họ sẽ phơi sườn cho quân địch phản kích. Bằng rađiô và cách nói khác, Lalăng báo với GONO và bộ chỉ huy đồng ý với lập luận của ông và để cho ông thoái triệt cuộc hành quân. Trước tiên Prêô cho xe tăng Neumach rút lui và anh cùng hai xe tăng khác làm hậu vệ, hai xe tăng này bắn đe dọa.

Các xe tăng đóng vai trò bảo vệ được đánh giá cao vì tiểu đoàn Grăng d'esnông có 15 người mất tích, dự đoán là bị giết và 50 người bị thương phải cáng, do đó tốc độ đoàn quân bị chậm lại. Ở đại đội 9 của đại úy Pi ca, thiếu úy Planê lúc đầu bị một viên đạn, sau đó bị những mảnh đạn trái phá, tất cả vào phổi trái, cách tim vài xăngtimét.

Những cuộc phản kích như cuộc vừa thất bại đã được dự tính từ lâu nhưng, Lalăng viết, "chúng không thể thực hiện được vì khoảng cách giữa hai trung tâm đề kháng đã vượt quá tầm can thiệp của những đơn vị có thể dành cho nhiệm vụ này. Giá đặt Isaben gần hơn vị trí chủ yếu, có thể là ở cao điểm bản Cô Mỵ, thì có lợi hơn".

Đã quá muộn để làm cân bằng lại các tổ chức phòng ngự ở Điện Biên Phủ. Với 1600 người, trong đó số người bị thương tăng lên hàng ngày, Isaben sống khép kín từ 29-3.

Biga và Turê bước vào cuộc chiến đấu, nhưng nếu nhật ký của GONO do Đruin tái lập là chính xác, hai cuộc phản kích đã tung ra là sai lầm nghiêm trọng nhất ở Điện Biên Phủ kể từ khi bắt đầu chiến dịch. Quả vậy, việc chiếm lại Êlian 1 và Đôminíc 2 chỉ có thể thực hiện được với một điều kiện: một khi mục tiêu đã đạt được, việc thay phiên tiểu đoàn 6 dù thuộc địa và tiểu đoàn 8 xung kích phải do những đơn vị mới, khỏe khoắn, chưa tham gia cuộc chiến thực hiện. Các cuộc chiến đấu sẽ làm hao tổn quân số vì ít khả năng khi bị đánh bật ra Việt Minh lại không phản ứng gì. Trong giả thiết, quân của Biga và Turê đạt tới những đỉnh đồi đã nhắm, họ sẽ không có khả năng giữ vững trận địa cả đêm và còn ít khả năng hơn nữa để đối diện với một cuộc phản kích đêm không thể tránh được của Việt Minh. Vậy thì phải thay thế họ nhưng bằng những đơn vị nào? Các ngăn kéo của Điện Biên Phủ đã cạn kiệt, Caxtơri cũng như Lăng le đã hai ngày rồi hướng về Hà Nội. Bao giờ thì người ta thả dù tiểu đoàn 2, trung đoàn 1 dù đổ bộ đường không của Brêsinhắc? Nếu tiểu đoàn này nhảy xuống chiều 31-3, cuộc thay quân sẽ được bảo đảm. Thế mà, chúng ta được biết qua nhật ký của Đruin rằng ngày 31 vào 12 giờ 50, Hà Nội cho biết "Tiểu đoàn tăng viện sẽ không nhảy dù hôm nay". Tình tiết này rất quan trọng: lúc 12h50, GONO biết rằng tiểu đoàn 2, trung đoàn 1 dù đổ bộ dường không sẽ không nhảy dù trong ngày, cũng không nhảy dù vào buổi tối. Vậy thì các cuộc phản kích được dự kiến tất bị thất bại bởi vì Caxtơri không có đơn vị thay thế. Tuy nhiên, ở Hà Nội, tiểu đoàn Brêsinhắc đã được báo động không vận từ ngày 30 hồi 10 giờ sáng. Mọi người cố chịu đựng và trong một bức thư, viết ngày 1-4 cho Mácgơrít, vợ chưa cưới của anh, trung úy Mác Ruyte thổ lộ nỗi chua chát của mình: "Hôm qua bọn anh không nhảy, hôm nay cũng vậy, như em thấy đấy. Lần ngừng thứ ba, lần phản lệnh thứ ba”.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #149 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2008, 12:54:51 pm »

Tại sao lại làm suy yếu các tiểu đoàn giỏi - tiểu đoàn 8 xung kích và tiểu đoàn 6 dù thuộc địa - để lấy lại một mảnh đất mà họ cũng chẳng giữ nổi? Ngược lại mọi lôgíc, Caxtơri và Lăng le giữ nguyên lệnh phản kích. (Chú thích:  "Không còn nghi ngờ gì nữa, đình cuộc phản kích lại là việc có thể làm được tướng Đruin viết, nhưng việc đang diễn ra đã được tiếp tục cho đến khi Lăng le và Caxtơri mặt đối mặt điểm lại tình hình xem cái gì giữ được, cái gì không. Quyết định được đưa ra vào khoảng 15 giờ 30 (Trao đổi thư từ với tác giả).)

Tướng Giáp không ngồi yên sau khi lấy được Đôminíc và Êlian 1 cứ điểm đầu do tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 Angiêri để mất cứ điểm thứ hai do tiểu đoàn 1, trung đoàn 4 Ma rốc. Chẳng ai tranh cãi gì về ý nghĩ cho rằng lấy lại hai cứ điểm đó là vấn đề hàng đầu, nhất là Êlian 1. Đúng vậy, Êlian 4, nơi đóng quân của Biga và Bôtenla bị Êlian 1 khống chế, mà từ đây thì những tay súng thiện xạ và những khẩu SKZ (súng không giật) của Việt Minh sẽ không để cho quân dù được sống yên ổn. Và vì không có vấn đế bỏ Êlian 4, vậy phải chiếm lại Êlian 1, là một hành động tác chiến có thể bỏ qua nếu người ta đã tăng cường đại đội lính Ma rốc đang chiếm lĩnh vị trí, nếu cần thì thay thế nó trước ngày 30-3. Nhưng như Lăng le nói: "Dầu sao người ta cũng không thể rải quân dù trên khắp mọi ngọn đồi" .

Để chiếm lại Êlian 1, tiểu đoàn dù 6 thuộc địa tung hai đại đội vào chiến đấu: đại đội 2 của trung úy Tơráp và ở thê đội hai, đại đội 3 của trung úy Lơ Buđéc. Một sự lộn xộn có xảy ra trong đêm không? Lúc đầu Lơ Buđéc nhận được lệnh tăng cường Êlian 2 vào những giờ đầu tiên của ngày 31-3 nhưng khi anh có mặt ở lối vào an toàn qua hàng rào kẽm gai thì không thấy ai chờ đón anh cả và suýt nữa thì anh bị băm nát:

Tôi biết địa hình trên trục đường đi ra từ Êlian 4 và tôi đã nhận biết nó vài ngày trước, anh nhớ lại. Chúng tôi ở dưới làn đạn khoảng nửa tiếng đồng hồ mặc dù không thực sự tham gia vào phòng ngự. Tuy nhiên tôi đã mất một trong số các sĩ quan của tôi, trung úy Sơvaliê, bị một viên đạn vào cột sống. (Chú thích: Sinh năm 1930, gọi nhập ngũ tháng 10-1950, Rô be Sơvaliê là học viên trường sĩ quan dự bị. Chuẩn úy tháng 5-1951, thiếu úy tháng 10-1951, đậu bằng nhảy dù, xin sang Đông Dương theo quy chế sĩ quan dự bị. Xuống tàu ngày 24-6-1952. Bổ nhiệm về lữ đoàn 3 biệt kích dù thuộc địa, về sau là tiểu đoàn 5 dù Việt Nam, tham gia các cuộc hành quân Loren và Caiman trước khi đến Nà Sản. Bổ nhiệm tiểu đoàn 6 dù thuộc địa của Biga tháng 1-1954, trở lại Điện Biên Phủ cùng tiểu đoàn ngày 16-3.)  Tủy sống đã bị thương, anh được đưa đi trong tình trạng trầm trọng đến trạm giải phẫu Grauuyn và bốn ngày sau anh đã mất sau những cơn đau ghê gớm. Sau đó thiếu tá Biga đã gọi tôi về yểm trợ cho Tơráp”.

Các đơn vị lê dương được phái đến tăng viện cho Êlian 2 xem ra đã dủ cho Biga nhưng ông ta vẫn cần đến Lơ Buđéc. Có Tơráp, Lơ Pa giơ và Lơ Buđéc, ông yên tâm.

Sáng 31-3, Tơráp viết, sau cái đêm mà chúng tôi không thực sự chiến đấu mà đã phải bùi ngùi vì bị quá nhiều tổn thất, chúng tôi phải phản kích vào Êlian 1 mà lính Ma rốc đã rút bỏ. Tấn công giữa ban ngày vào một cao điểm có tổ chức, có rào kẽm gai bao quanh, do những đơn vị quan trọng chiếm giữ, điều đó có vẻ như là một sự điên rồ. Tuy nhiên vẫn phải làm. Đối với tôi, vấn đề là đưa ít người vào chiến đấu cùng một lúc nhưng thắng lợi ngay đòn đầu tiên. Cho nên tôi giao cho trung úy Coócbinơ nhiệm vụ bám chắc điểm tựa. Anh ta đi đầu, kéo theo lính của mình và thành công".

Trong một bức thư khác, viết cùng ngày, Tơráp không nói đến thành công mà trái lại báo về sự thất bại của hành động đầu tiên:

Cuộc tấn công đầu tiên của chúng tôi bị đẩy lùi, nghỉ một lát, chúng tôi lại bắt đầu lại. Trung úy Xamalen kéo theo người của mình và vài phút sau chúng tôi lại bám chắc vào tuyến phòng thủ đầu tiên của cao điểm và bắt được 25 tù binh. (Chú thích: Đề ngày 17-11-1954 và do Tơráp viết sau khi bi bắt trở về, thư đầu tiên gửi cho Hêlen Coócbinơ. Thư thứ hai cùng ngày viết cho Blăngsơ Xamalen.)

Ở đơn vị Lơ Buđéc, tất cả các sĩ quan đều bị thương: Bulay bị một viên đạn vào đùi, Đatanh bị những mảnh lựu đạn vào cẳng chân, Phrômông thì mặt và ngực bị thủng lỗ chỗ, Buđéc phải ra lệnh cho anh đi băng bó. Một viên đạn xuyên bắp chân của thiếu úy Lêcuyê đi cùng với trung đội của mình thuộc đại đội 4 mà Tơráp "mượn”, nhưng chàng sĩ quan trẻ tuổi vẫn có thể đi với cái chân khập khiễng. Lơ Buđéc, cũng thôi không đuổi theo nữa:

"Tôi bị thương hai lần. Lúc đầu một mảnh đạn trong ngực, sau đó một viên đạn vào bả vai. Người của tôi đưa tôi đến bác sĩ Riviê, bác sĩ lại đưa tôi đến trạm giải phẫu”.

Tại đó anh gặp lại Ginlơ đờ Phrômông, "băng quấn đầy người và năn nỉ xin về tiểu đoàn". Trung sĩ Mênagiơ đã đưa những người sống sót của đại đội trở về. Sau khi được điều trị Lơ Buđéc đến ở trong hầm trú ẩn của cha Hanh rích: "Cha cùng ăn với tôi và sáng sáng tôi làm lễ tại chỗ ở. Tôi chỉ trở lại ngày 16-4 để đảm nhiệm chức trách sĩ quan OPS".
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM