Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Năm, 2024, 01:04:35 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ từ góc nhìn của người lính Pháp  (Đọc 142042 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #130 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2008, 08:02:45 pm »

Cứ ngày 10 hằng tháng, Caxtơri cung cấp cho Hà Nội một tờ trình mật trong đó yêu cầu thay thế người này hay người kia trong số những cán bộ dưới quyền:

- Tôi không ngừng yêu cầu thay thế Garăngđơ, người ta chẳng bao giờ muốn chấp thuận! Caxtơri xác nhận.

- Ông chê trách anh ta điều gì? Tướng Ma nhăng ngạc nhiên.

- Ông ta không biết chỉ huy tiểu đoàn của mình. Không có nghị lực, không có uy tín, luôn luôn nhu nhược. Tôi đã để thời giờ đến trung tâm đề kháng của ông ta và bắt làm lại những hầm hố vì tôi thấy chúng không đầy đủ... Như vậy trong ba tháng

- Ông không có khả năng tự thay thế ông ấy và đưa ông ta lên một chiếc máy bay?

Không, Caxtơri không thể thay thế Garăngđơ: Cônhi luôn từ chối việc thay thế này. Tư lệnh GONO không thể bổ nhiệm Garăngđơ vào cơ quan của ông và thay thế bằng một sĩ quan thân cận ư? Hoặc đưa tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 bộ binh Angiêri về làm dự bị và gửi đến Đôminíc một tiểu đoàn lê dương? Lần đến cuối cùng của Cônhi, ngày 12-3, người ta được biết ông đã đến Đôminíc và Garăngđơ, trước mặt đại tá Đờ Caxtơri, đã giới thiệu với ông những công trình mà lính bộ binh thuộc địa đã xây dựng. Biết rằng tư lệnh GONO có "những điều ngại về chất lượng của tiểu đoàn và nhất là của Garăngđơ". Tuy nhiên, Cônhi đã cho rằng các công trình thiết bị là chấp nhận được và, sau cuộc đi thăm, ông đã ghé đầu vào Caxtơri, đưa mắt tinh quái: "Thế nào? Tôi nghĩ nó sẽ giữ vững đấy chứ...".

Chúng ta chưa rõ "nó có giữ vững" hay không nhưng Garăngđơ bất bình là "ba phần tư lính cũ của ông đã ra đi vì hết nhiệm kỳ và được thay thế bằng những người chỉ mới có gần một năm lính". Ý kiến này đã được trung uý Philôđô đại đội 12 thừa nhận: "Đó là những người lính thuộc địa trẻ, chưa bao giờ nhìn thấy cuộc chiến".

Garăngđơ cường điệu, không phải ba phần tư tiểu đoàn đoàn ra đi mà là 4 sĩ quan và 86 lính thuộc địa hồi hương ngày 26-2. Đã có dự kiến thay thế họ bằng 6 hạ sĩ quan và 75 áinh Angiêri đến bằng tàu Skaugum, nhưng nhật ký của tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 bộ binh Angiêri đưa một con số thấp hơn: 2 hạ sĩ quan và 40 lính thuộc địa. Một sự phối hợp bí mật có thể đã được thực hiện giữa Hải Phòng và Điện Biên Phủ. .

Nghiêm trọng hơn là sự chảy máu sĩ quan. Bảy trên mười sáu đã rời tiểu đoàn từ đầu năm: Đại uý Lu vê (ngày 20-1, hồi hương), đại uý Xốt xê (28-l, hồi hương), trung uý Va lê (29-l, bị viêm ruột thừa cấp tính), đại uý Papiông (tháng 2, thuyên chuyển về Hà Nội), trung uý Mari (16-2, "sơ tán y tế"), đại uý Xi dô (27-2 "sơ tán y tế"). Đại uý Giêbaili, về các vấn đề bản xứ xuất hiện ngắn ở Đôminíc rồi đi. Để bù vào những vị trí khuyết do họ ra đi, Garăngđơ đã tiếp nhận trung uý Giắccơlin (11-1), thiếu uý Panh (9-2), và đại uý Puaruy trở thành sĩ quan phó ngày 20-3 mà chẳng biết gì về lính bộ binh thuộc địa và về Điện Biên Phủ. Sự nghèo nàn đến mức tuyệt đối: Giăccơlin một mình ở đại đội 9, Satenhê một mình ở đại đội 10. Lăng sơ ở đại đội 11 có thiếu uý Panh làm phó và Philôđô ở đại đội 12 có các trung uý Ghêranh và Péctuy làm phó. Chúng ta không quên trung uý bác sĩ Môntxơ Đờphagôn ngày 3-3 đã được trung uý bác sĩ Luyxiêng Ôbe thay thế.

Cưới vợ cách đây ba tháng, Ôbe kể, tôi tốt nghiệp trường Vanđơgrát tháng 7-1953 rồi được bổ nhiệm về trung đoàn 6 công binh ở Angiêri. Được chỉ định đi Đông Dương, tôi ra đi từ Tuludơ. Vợ tôi đi theo tôi để được gần chồng, cô ấy đã tòng quân và trở thành y tá ở bệnh viện Lanétxănlg. Tôi để cô ấy ở lại Hà Nội và đáp máy bay khác, đi Điện Biên phủ. Hành trình rất có "màu sắc địa phương", trên máy bay có các cô gái của một tiểu đoàn quân y xung kích”.

Số phận đè nặng lên tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 bộ binh Angiêri. Ngày 15-3, trong lúc tiểu đoàn 8 xung kích càn quét vùng đất trước Đôminíc, điểm tựa bị pháo kích dữ dội bằng súng cối, làm 4 người chết và 18 người bị thương trong đó có trung uý Pécđuy bị thương ở lồng ngực lúc 16 giờ. Pécđuy hấp hối trong nhiều giờ và tắt thở đêm 15 (Chú thích: Sinh năm 1926. Pécđuy được gọi nhập ngũ năm 1946. Tình nguyện phục vụ theo chế độ sĩ quan dự bị phục vụ thường trực, đến Sài Gòn 1-1953. Về trung đoàn 23 bộ binh thuộc địa ở Điện Biên Phủ.) 
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #131 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2008, 01:04:25 pm »

Pháo binh của thiếu tá Vayăng đã tính toán những đường bắn có chuẩn bị trước những phần tử bắn và Garăngđơ trông cậy nhiều vào chúng và vào đội liên lạc và quan sát của mình, thiếu uý Gasparini. Thiếu uý này đã tận dụng được đài quan sát của đồi Đôminíc 2, quả đồi cao nhất, đến 505 mét. Một đại đội quân bổ sung cho thiếu uý Prost chỉ huy ở điểm Tây Bắc, ngày 21-3, phó chỉ huy của anh là trung sĩ Cađiu viết cho em trai là Piê đang phục vụ ở Đông Dương, nhưng trong đội biệt kích của hải quân:

Việt Minh ở cách rào kẽm gai 200 mét; ban đêm họ đào hào và mỗi buổi tối các đội phục kích của chúng ta rút lui với những người bị thương. Họ thật táo bạo. Họ nhìn chúng ta, và chúng ta nhìn họ. Ngày chủ nhật hôm qua, các lính bổ sung cố gắng đánh bật họ ra. Trung sĩ nhất Salôpanh bị thương ở mặt và thiếu uý Prost, chỉ huy của anh, bị thương nặng ở đầu, đã chết. (Chú thích: Sinh năm 1930, Rêgi Prost được gọi nhập ngũ 1951. Được chỉ định đi Đông Dương, xuống tàu tháng 12. Được bổ nhiệm về RBCEO ở Bắc Bộ, rồi thuyên chuyển về tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 bộ binh Angiêri ở Điện Biên phủ 2-1954. Chỉ huy đại đội bổ sung 425 ở Đôminíc.). Từ hôm qua Việt Minh dùng cối, dùng đại bác không giật quấy rối chúng ta và chúng ta cũng bị tổn thất một ít. Thêm vào, chúng ta phải thực hiện chế độ phân phối theo hạn định. không còn dầu, không còn rượu nho” (ngày 22-3).

Hai ngày trước, Cađiu thấy tình hình xấu đi và Việt Minh chuẩn bị tấn công. Vì thế anh tâm sự với người em:

Pie ơi, em nghe anh nói nhé. Anh chẳng có nhiều cơ may để thoát ra đâu. Phải có những người chết và tuyến đầu luôn là tuyến hy sinh. Hãy tin anh, em ạ, anh không phải loại người nao núng, dao động. Anh thề đấy, trước khi lột được da anh, họ sẽ phải trả giá. Anh có 38 lính bổ sung, một đại bác không giật 57 li (cái thứ hai đã bị phá huỷ hôm trước) và một súng phun lửa. ... Nếu có chuyện gì xảy ra với anh, hãy giữ kín với mẹ, đừng để mẹ biết tin một cách đột ngột. Hãy chăm sóc mẹ, đó là điều quý giá nhất mà anh có ở hạ giới này cùng với ba và em” (ngày 20-3).

Tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 Angiêri thú nhận là bị mệt mỏi mà mất ngủ là nguyên nhân chủ yếu. Từ hai tuần lễ nay, Việt Minh bắn súng cối hạng nặng vào các điểm tựa ở Đôminíc và đêm nào cũng vậy, loa tuyên truyền của họ bằng tiếng Pháp và tiếng Ảrập cản trở giấc ngủ của mọi người.

Vào những ngày cuối cùng của tháng 3, trung uý Lăng kể, trong khi các đường hào của Việt Minh tụ hội về Đôminíc 2 như một hệ thống mạch máu quy tụ về tim, chúng tôi phải trải qua những đêm chịu đựng sự tuyên truyền của họ, hét lên trên các loa rằng phải đào ngũ đi để tránh khỏi một cái chết chắc chắn, không tuân lệnh các chỉ huy thực dân, hãy đầu hàng đi... Sao mà tin được rằng một người lính thuộc địa trung bình, đã mệt mỏi hoặc đã sắp hết nhiệm kỳ lại không bị những hậu quả tâm lý vì những nhát búa này. Tình trạng tâm lý lại trở nên dễ đổ vỡ hơn vào buổi sáng khi phát hiện những đường hào mới của Việt Minh mở đêm hôm trước”.

Tháng 3, trước cuộc tấn công của Việt Minh, Đôminíc đã mất 13 người trong đó có 2 sĩ quan và 33 người bị thương. Đây không phải là chuyện "vì sao cô con gái anh lại bị câm" mà là vấn đề đào đâu ra quân số. Đêm 26 rạng 27-3, thiếu tá Môrítxơ Máctinê hạ cánh xuống Điện Biên Phủ trên một chiếc Đen ta Rômêo và sau khi quay trở lại tại chỗ, máy bay lăn về phía bắc ở trong tư thế cất cánh. Những người bị thương đang chờ đợi và cô hộ tống viên chuẩn bị đón họ. Máctinê đã nhắc lại nhiệm vụ với cô: đưa người bị thương lên máy bay đồng thời hồi hương đại uý Bôơglanh và phi hành đoàn của Đen ta Lima. Những tiếng nổ đến gần, Torri đỏ ra lệnh xuất phát. Máctinê ra hiệu nhưng Êlisabét Gra đã không được nhanh nhẹn cho lắm, cô đã dìu được 6 người bị thương lên máy bay và mới chỉ có một mình trung sĩ Gay, phi công của đại uý Bôơglanh. Bị sững sờ vì cuộc xuất phát đột ngột này, ba người còn lại của phi hành đoàn Đen ta Lima hiểu rằng họ không đi được và chạy xuống một hầm trú ẩn chờ đợi trong lúc những phát đạn 105 vẫn tiếp tục xuất hiện trên trời đêm.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #132 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2008, 01:05:14 pm »

Thứ bảy, ngày 27, vào lúc hoàng hôn, đại uý Bugơrô báo tin ông đang tới gần trên chiếc máy bay Zulu In đia. Chiếc xe tải GMC đi trước nó và những người bị thương đang sốt ruột. Buốcgơrô có một đội bay quen thuộc, trung sĩ nhất Brăngiê, trung sĩ Gliơmô và thượng sĩ Phơlốt. Ở cửa máy bay Đacôta, trong sự ám ảnh của một cuộc pháo kích, các nhân viên quân y đưa cáng qua cửa. "Còn một người trên xe tải!", cô hộ tống viên Pôn Beôna kêu lên.

Quả vậy, hai người khiêng cáng tìm thấy một chàng cao lớn nằm trên cáng, phía dưới mặt đầy băng có thấm máu. Trung uý Ăngri Đềmezie của tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc mất hàm vì một mảnh đạn pháo lại thêm "một viên đạn nhỏ trong ngực". Bác sĩ Ginđrây đã rửa sạch vết thương kinh sợ và đặt ống xông cho anh thở. Đềmezie là người quen cũ của Pôn Bécna và chính nhờ cô mà anh đã được cứu sống vì trong suốt hành trình trở về của Zulu In đia, cô luôn chú ý đến cái khí quản mà vài cục máu đông có thể bít lại làm cho chàng sĩ quan trẻ tuổi ngạt thở. Lại 19 người bị thương nữa được cứu thoát. Trên máy bay có cả đại uý Bôơglanh, thượng sĩ Manô và trung sĩ Giênanh mà Bugơrô đã tập hợp được. (Chú thích: Ngày 29-3 thực hiện chuyến thả dù thứ 91, An be Bugơrô bị trọng thương bởi súng phòng không và trung sĩ nhất Brăngirê đưa máy bay về Cát Bi. Sinh năm 1919, Bugơrô đậu bằng phi công 1939. Sang Đông Dương 1-1954. ông mất ngày 30-3 do bị thương. Bugơrô đã có 3613 giờ bay, trong đó 421 trong nhiệm vụ thời chiến.)

Với vài dòng hiếm hoi, Pôn Bécna, người phụ nữ đặc biệt - được mệnh danh là "Các men" - trong một bức thư không xuất bản đã gợi lại một khoảng đời làm hộ tống viên của cô:

Điện Biên Phủ là một đấu trường địa ngục, ít nhất là về mặt y tế. Người ta bị bắn như những con thỏ. Hai cối 120 và một khẩu pháo 105 thường xuyên nhắm vào cuối đường băng. Họ bắn vào máy bay cứu thương ngay cả trước khi đỗ xuống nếu kế hoạch máy bay cứu thương đến không phối hợp các bộ phận liên quan một cách đồng bộ. Chúng ta đã phải hủy bỏ việc sơ tán vào ban ngày và 400 trong số 700 người bị thương của ngày đầu đã chết vì không sơ tán được. Tám ngày qua, chúng ta đã thực hiện một việc phi thường là hạ cánh ban đêm mà không dùng hệ thống chiếu sáng khiến đường bắn của Việt Minh kém chính xác và chúng tôi đã đưa đi được gần 200 người bị thương. Nhưng chúng tôi đã mất bốn máy bay Đacôta trong năm ngày. Ba phi hành đoàn, mỗi đoàn 7 người và đêm nay năm phi công trực thăng. Hôm kia chúng tôi bị súng máy bắn cách 150 mét, Việt Minh đã thâm nhập. Chúng tôi đang đưa người lên máy bay, 7 người đã bị thương và một điều phối viên bị giết. Phi công bị thương nhẹ còn người thợ máy bị nặng. Nhưng bà thấy không, vận may đã đi theo tôi vì tôi đã không nên đến đó tối hôm ấy. Sự hấp hối của những người bị thương trong cái bẫy chuột Điện Biên Phủ là một điều tàn bạo”. (Chú thích: Thư ngày 29.3.5 của Pôn Bécna gửi cho mẹ của trung uý Mắc Nêne.)

Đêm chưa hết. Đại uý Đáctigơ lái chiếc Nôvămbrơ Ki lô với cô hộ tống viên Von Côzanê, ông đỗ xuống và trong ba phút quy định, Côzanê đã đưa được 11 người bị thương nằm, 8 người ngồi và thêm tám hành khách mang một lệnh về nhiệm vụ. Vào lúc cất cánh, động cơ tăng nhanh tốc độ đã báo động các pháo thủ Việt Minh làm họ vội vàng khai hỏa mà không có thời gian hiệu chỉnh đường đạn. Đã quá chậm, Nôvămbrơ Ki lô đã lên không trung và bay qua Isaben. Về đến Gia Lâm, Đáctigơ đã được ghi vào danh sách làm nhiệm vụ thả dù và vài giờ sau ông lại cất cánh đi Điện Biên Phủ trên chiếc Nêgrô Mamađu. Trong các không đoàn vận tải, người thợ máy không thay đổi máy bay còn những người khác trong phi hành đoàn cùng người Trưởng phi cơ đi theo chiếc máy bay được chỉ định. Nhiệm vụ thả dù của Đắctigơ được thực hiện trong những điều kiện tốt nhưng đến khi ông báo hiệu cho Torri đỏ là ông đã hoàn thành và quay trở về, thì Nêgrô Mamađu bị trúng đạn phòng không và không thể hoạt động được nữa. Quay tròn như một chiếc lá rụng, chiếc máy bay hai động cơ đã rơi xuống bẹp nát, cách Êlian 3 khoảng 100 mét, trên tả ngạn sông Nậm Rốm, gần vị trí của tiểu đoàn 1, trung đoàn 4 Ma rốc. Trung uý Galôpanh và các lính Ma rốc tìm thấy xung quanh xác máy bay 7 thi thể, sẽ được mai táng tại chỗ. (Chú thích: Thiếu uý Pôn Thômát, thượng sĩ nhất Butông, trung sĩ Huyê và 3 nhân viên điếu phối. Sinh năm 1922, Giăng Đáctigơ nhập ngũ năm 1940. Đi Đông Dương năm 1953.)
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #133 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2008, 01:06:02 pm »

Đôi khi các phi công có cảm giác người ta "đưa họ vào lò sát sinh" Mỗi chiếc Đacôta làm nhiệm vụ thả dù quay vòng ít nhất hai mươi phút ở độ cao gần 200 mét và thật kỳ diệu những tổn thất không đến nỗi quá cao. Đại tá Ni cô hiểu rõ điều đó cho nên, ngày 27 tháng 3, ra lệnh cho các phi hành đoàn không thả dù ở độ cao ấy nữa. Hệ thống mở dù chậm hình như đã đúng lúc, vậy các cuộc thả dù sẽ thực hiện giữa cao độ 2500 và 3000 mét. Các phi công thở phào nhưng Đáctigơ và phi hành đoàn của ông đã phải trả giá bằng sinh mạng của họ cho nhiệm vụ thả dù ở độ cao 2000 mét lần cuối cùng.

Ba chuyến hạ cánh máy bay vào ban đêm đã được dự kiến, Giơnơvie đờ Ga la viết: “Tôi có tên trong bảng phân công công tác và tôi đi trong máy bay của thiếu tá Xanh mác sẽ hạ cánh thứ ba. Đại uý Bugơrô hạ cánh đầu tiên và Pôn Bécna lấy được 19 người. Hạ cánh thứ hai là thiếu tá Máctinê, nhưng, cũng như hôm qua, tiếng động cơ đã thu hút sự chú ý của Việt Minh và pháo khai hỏa. Dù sao Êêlisabét Gra cũng đã đưa được 9 người bị thương lên máy bay trước khi cất cánh. Còn tôi và thiếu tá Xanh mác đã cố gắng để máy bay hạ cánh, nhưng các xe cứu thương không đến khi đạn pháo đã nổ gần, chúng tôi phải bay lên với máy bay rỗng. Tôi rất thất vọng, cho rằng nhiệm vụ của tôi chưa hoàn thành, tôi đã đề nghị được ghi tên cho chuyến đi sau. Von Côjanê cho biết tôi sẽ đi trong đêm 27-3 cùng với đại uý Blăngsê trên máy bay Đen ta Cô ca. Dự kiến cất cánh lúc 4h15 sáng 28”. 

Một cuộc "sơ tán y tế" tuy vậy đã được toan tính vào ngày 27 trước khi trời sáng. Trung uý Écnest Erơhát, người Vinjenhem Anját đỗ chiếc Foốc Kêbếc xuống và lập tức chuẩn bị cất cánh ở phía bắc đường băng. Brigít đờ Kécgôlay kịp đón được 9 người bị thương trước khi nhận được lệnh cấp bách đóng cửa. Mở hết tốc độ máy bay cất cánh và đạn pháo như đuổi theo nó trên đường băng mà những tấm lát đã bị đâm thủng, bị nhổ lên, bị uốn cong, trở thành những chướng ngại vật chết người cho những cái càng hạ cánh. Nhưng Erơhát đã làm cuộc sơ tán cuối cùng và người ta không còn nhìn thấy máy bay Đacôta cất cánh dưới làn đạn phòng không, mang về Hà Nội những người thoát nạn của trận đánh. Các máy bay y tế đã bốc đi 301 người bị thương, trong đó 11 sĩ quan và 19 tù nhân, chi tiết này chứng tỏ các bác sĩ không có sự phân biệt gì.

Cơ quan y tế cho biết sau các cuộc sơ tán bằng đường không, còn lại 50 người bị thương được sắp xếp cho chuyến đi ngày 25 tháng 3.

Các cuộc "sơ tán y tế" đã bị đứt đoạn còn các cuộc đánh nhau thì dữ dội gấp đôi, mười hai ngày sau, ngày 7 tháng 4, các trạm quân y Điện Biên Phủ đã chứa đến 590 người bị thương cần sơ tán. Ngày chủ nhật 28-3, đại uý Blăngsê bay trên thung lũng và được phép hạ cánh. Đêm tối, sương mù và tầm nhìn xa là số không. Blăngsê rời Gia Lâm lúc 4h15, điều bất lợi của ông là nghiêm trọng; ông chưa bao giờ đỗ máy bay xuống Điện Biên Phủ vào ban đêm. Ông ta xuất hiện hai lần nhưng nhìn mãi mà không thấy hai đèn tín hiệu nhỏ đánh dấu cửa vào đường băng và nghĩ rằng mình đã không đi đúng đường trục, lại bay đi và quay vòng trên thung lũng. Đến 5h45, nỗ lực lần thứ ba đã thành công, càng đã chạm đất và phi công đưa chiếc Đacôta đến khu vực đón người bị thương. Bị nhầm lẫn trong bóng tối, ông ta đi về phía rào kẽm gai và chạm phải cái gì đó mà ông nghĩ là cái cọc. Máy bay bất động, người bị thương vội vã leo lên nhưng người thợ máy kiểm tra máy bay và báo cáo với Glăngsê rằng thùng dầu đã bị thủng. Người ta yêu cầu Hà Nội cho một thùng dầu thay thế, thiếu tá Ghêranh cho biết không có chuyện sửa chữa vào ban ngày được. Nếu Việt Minh không phát hiện ra máy bay, đó là điều lạ lùng, thì đêm sau thùng dầu sẽ được thay thế, chiếc Đacôta sẽ lại bay đi. Thất vọng, những người bị thương lại lên xe tải.

Khoảng 10 giờ sáng, sương mù tan và đài quan sát của Việt Minh đã phát hiện ra sự hiện diện khác thường của chiếc máy bay. Những quả đạn đầu tiên thì ngắn quá, những quả tiếp theo lại dài quá, nhưng quả thứ tư thì trúng đích, chiếc Đen ta Cô ca bốc cháy. Trong khi xác máy bay cháy, một lính lê dương dẫn đại uý Blăngsê đến sở chỉ huy của thiếu tá Ghêranh; sau Blăngsê là hai thượng sĩ nhất, Lariô và Sôvanh, trung sĩ nhất Ghinê theo sau họ. Giơnơvie đờ Gala được phép đến để giúp bác sĩ Grauuyn; cô đã thu thập dụng cụ chăn và máy bơm ôxy, sẵn sàng để làm việc ngay. (Chú thích: Trong cuốn sách "Tôi là thầy thuốc ở Điện Biên Phủ", bác sĩ Grauuyn nói Giơnơvie đờ Gala đã ngủ đêm đầu tiên trên một cái cáng giữa các trung uý Rôlanh và Đơphơlin. Điều đó không thể có, Rôlanh bị thương ngày 31-3 và ngày 5-4.)
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #134 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2008, 01:10:02 pm »

"Đã có dự kiến là chiếc C47 sắp tới đỗ xuống không có nữ hộ tống viên đi theo vì vậy sẽ nhận tôi lên máy bay đế trở về cùng với những người bị thương, cô gái trẻ dẫn giải. Nhưng đêm 28 rạng ngày 29, thời tiết trở nên tồi tệ và không một máy bay nào hạ cánh được".

Tối chủ nhật, lúc quá nửa đêm, máy bay của thiếu tá Máctinê thuộc không đoàn khu trục Bêácnơ, xuất hiện trên đầu tập đoàn cứ điểm nhưng điếu kiện khí tượng thật đáng sợ, đường băng trơn và bị hư hỏng nhiều. Ghêranh không cho hạ cánh và Máctinê lại trở về. Đó là nỗ lực cuối cùng, ngày hôm sau 30-3, chúng ta sẽ thấy, Việt Minh mở cuộc tấn công thứ hai, những cuộc pháo kích nổ ra liên tiếp không cho phép sơ tán người bị thương nữa, cũng không thu nhận được phi hành đoàn của đại uý Blăngsê. Cuộc chiến đấu để sơ tán người bị thương kéo dài mười bốn ngày từ ngày 13 đến 27-3, mười máy bay đã hạ cánh được vào ban đêm để lấy người bị thương Những nỗ lực bị thất bại. Khi người ta nói sân bay Điện Biên Phủ vẫn "mở cửa trong thời gian này, tướng Cônhi không giấu sự tức tối khó chịu:

"Như thế có nghĩa là từ ngày 13 đến 27-3, chỉ có vài máy bay có thể hạ cánh trong những điều kiện tài tình và mạo hiểm, cố gắng bỏ qua sự xuống cấp của đường băng và pháo kích của Việt Minh".

Từ khi chỉ huy phân khu trung tâm, Lăng le đi đến các vị trí có lúc đội mũ sắt - các thiện xạ của Việt Minh rất kiên trì hoặc chiếc bê rê đỏ kéo xuống tận mắt, với những cử động của cằm thể hiện tính quyết đoán của ông. Chịu trách nhiệm về các hành động tham chiến, Biga có lúc đi theo ông, hoặc Lơmơniê thuộc bán lữ đoàn lê dương ngoại quốc thứ 13. Lăng le đã ra lệnh cho thiếu tá Xuđra gài mìn vào các khu vực xung quanh các cứ điểm Êlian và Đôminíc, đào những giao thông hào mới và những hào giao thông có mái che. Từ tháng giêng, công binh đã chôn dưới hàng rào dây kẽm gai hàng chục thùng napan có mồi đánh lửa điện và Lăng le còn chuẩn bị một trung đội gồm bốn trọng liên bốn nòng cỡ 12,7 li do trung uý Rơđông chỉ huy. Có những người Việt Nam cũng tham gia vào việc sử dụng trọng liên và trung sĩ Maria, thợ máy, làm nhiệm vụ sửa chữa các hỏng hóc về xạ kích.

Quân số này, thu gọn đến mức tối thiểu là để cho trung đội khỏi bị cắt đôi, Rơđông phàn nàn. Lệnh này không được tôn trọng và Lăng le chia chúng tôi làm đôi. Một theo lệnh của phó chỉ huy của tôi, thượng sĩ nhất Lơm, nhập vào Êpecviê, bộ phận kia đi với tôi, bên cạnh lính Thái của trung uý Đuyluya, bảo vệ sườn cho Êlian 2. Người ta cho tôi mượn chiếc xe Jeep để đến kho bom của máy bay chở 72000 viên đạn của tôi và thay đổi chỗ cất giữ chúng trong một đêm”.

Ngày 28-3, Lăng le sở chỉ huy của tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 Angiêri trên Đôminíc. Theo Garăngđô, ông ta "đề nghị đưa tiểu đoàn làm dự bị". Nếu Garăngđô hiểu thái độ của Đờ Caxtơri đối với ông - thì đây là một cái sào mà ông phải vội vã nắm lấy bởi vì tiểu đoàn của ông với những con số mà ta đã biết và sự mệt mỏi của các lính thuộc địa, không thể giữ vững lâu dài trước một cuộc tấn công của Việt Minh. Mặt khác Garăngđô cũng không tự ru ngủ bằng ảo tưởng và cảnh báo Lăng le: ông nghĩ rằng giữ được trong bốn giờ nhưng sau đó nếu không ai đến cứu viện... Ngược lại mọi sự chờ đợi, tiểu đoàn trường tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 Angiêri không chấp nhận rời khỏi Đôminíc, tuy nhiên yêu cầu bố trí lại lực lượng. Những phản đề nghị này của Garăngđô có lẽ sẽ được chấp nhận vì tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 Angiêri không bị thay thế.

Tuy nhiên, trung úy Lăng nhấn mạnh, quân số không cân đối với nhiệm vụ và địa hình, hầu như chỉ cho phép lập được một đội phản kích ... Vũ khí? Một trọng liên 12,7 và những hiện vật trưng bày bảo tàng thực sự. Chúng tôi ở trên Đôminíc từ giữa tháng 12, nghĩa là liền ba tháng để phá rừng, vỡ hoang, xới đất và tham gia xuất kích.

Nếu Garăngđô từ chối chuyển sang làm đội dự bị thì thiếu tá Nicôla, thuộc tiểu đoàn 1, trung đoàn 4 Ma rốc, đang ở trong một tình huống tương tự trên Êlian 1 và Êlian 2, không đợi phải yêu cầu. Lính Ma rốc của ông sẽ được các lính lê dương của tiểu đoàn 1, bán lữ đoàn lê dương ngoại quốc 13 thay phiên. Như vậy, Êlian 1 và Êlian 2 sẽ thay người phòng thủ nhưng mọi việc trôi chảy như kiểu GONO còn có cả một thời gian dự bị khá vững vàng.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #135 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2008, 01:10:53 pm »

Máy bay khu trục và các máy bay ném bom B26 hàng ngày phải mở "hành lang an toàn" bằng việc xử lý các vị trí nghi ngờ là của các đơn vị phòng không của địch, bay trước các máy bay Đacôta và C119 tiếp tế Điện Biên Phủ, vì vậy bỏ qua các mục tiêu khác. Mặt khác, các máy bay, như trong một guồng nước quay liên tục, hoạt động ngày càng nhiều về ban đêm, thả các đạn dược và lương thực cho Điện Biên Phủ, phải chịu đựng những đường đạn của súng phòng không mà mật độ đang tăng lên. Cho nên Caxtơri đã nhận được lệnh của Cônhi phải phản ứng. Tư lệnh GONO nói việc đó với Biga, người phụ trách về các hoạt động tác chiến bên ngoài và yêu cầu ông lên một kế hoạch tác chiến và để hỗ trợ cho nó, Caxtơri hứa sẽ cung cấp "những phương tiện kễnh”. Biga chỉ xuống bản đồ trước khi điều khiển cuộc giao ban tổ chức trong hầm trú ẩn của Lăng le. Mỗi người hiểu vị trí của mình ở đâu mục tiêu của mình là cái gì, các mối liên lạc của mình và báo cáo bằng rađiô cho "Bruno", "Bruno" sẽ quyết định các chi viện. Đó là vấn đề tung "một quả đấm" về phía tây bắc các cứ điểm Clôđin, mà mục tiêu là tiêu diệt các pháo phòng không 37mm bố trí ở mép ruộng. Hécvuiet sẽ đưa xe tăng chi viện cho tiểu đoàn 8 dù xung kích và tiểu đoàn 6 dù thuộc địa.

Cuộc hành quân khởi động từ sáng tinh mơ ngày 28. Pháo khai hỏa và quân dù đi theo "cưỡi lên đạn pháo". Pháo 75 của xe tăng quật nhào các khẩu súng máy và pháo không giật, xuất hiện trong kính ngắm và cuộc giáp lá cà, người chọi người ác liệt chưa từng thấy bởi vì Việt Minh không chịu thua, tránh né và đi đến đe dọa đại đội 4 của trung uý Đờ Uynđơ của tiểu đoàn 6 dù thuộc địa, bị thương nặng ở bàn tay. (Chú thích: Bàn tay của chồng tôi bị một viên đạn xuyên qua ngón tay trỏ và thoát ra ở dưới cổ tay, bà Uynđơ viết, vết thương đã làm cho anh ấy, sau khi bị bắt trở về phải qua nhiều lần phẫu thuật và chữa chạy ở bệnh viện Fốc ở Xuyrétsnơ (Thư gửi tác giả).) Chỉ huy phó của anh, trung uý Gia cốp, thay thế anh, nhưng đại đội 4 đã rơi vào một ngày không may. Khoảng 18h30, Giacốp đã bị "chết bởi nhiều mảnh đạn trong một cuộc pháo kích của Việt Minh trước trận địa của anh" (Chú thích: Sinh năm 1919. Giăng Gia cốp ở lực lượng phòng không 1939. Sang Đông Dương cùng tiểu đoàn 2, trung đoàn 1 dù sơn cước và tham gia 11 cuộc hành quân trong dó 7 là không vận. Hồi hương tháng 4-1951, được cử sang Áo và trở lại Đông Dương tháng 2-1952. Được cử đến GCMA ở Lào, trở về tiểu đoàn 6 dù thuộc địa tháng 7-1953 và nhảy xuống Điện Biên Phủ cùng tiểu đoàn của mình.). Đại đội dao dộng, người sĩ quan cuối cùng của đại đội, trung úy Hêry, nhớ lại ngày 28-3 "như một ngày đầy ác mộng":

"Chúng tôi buộc phải mở đường máu bằng dao găm khi tiến lên trong đường hào của Việt Minh và, sau cái chết của Gia cốp, tôi tập hợp số người còn lại của đại đội 4, chỉ còn chưa được hai phần ba”.

Đại đội 3 của trung uý Lơ Buđéc đánh vu hồi Việt Minh còn các "bò rừng Bijông" của trung uý Prêô, từ Isaben chạy đến, bẻ gãy mũi vận động của chúng. Chiếc xe tăng Ratixbon và Nơmát bị rốc két 90, lần đầu tiên xuất hiện, bắn trúng, nhưng chúng đã trở về Isaben bằng phương tiện của chúng. ở đơn vị Biga, một sĩ quan thứ hai tử trận: Misen Lơ Viguru. Đại đội trưởng của anh, trung uý Lơ Pa giơ, viết thư cho Mácgơníc, vợ bạn:

Mục tiêu nhanh chóng bị vây bọc và Misen là một trong những người chủ chốt đã góp công vào thắng lợi này. Sau khi tiến lên trong một đường hào đã quét sạch địch, anh gặp phải một ổ gồm năm trọng liên đang ngăn chặn đường tiến của các trung đội khác. Tiếng nói trên rađiô không giấu được niềm vui của anh. Anh vừa ra lệnh tiêu diệt ổ hỏa lực này thì bị một viên đạn bắn trúng đầu, ngã gục xuống. Misen trợ thủ cho tôi trong việc chỉ huy đại đội suốt hai năm trời, chúng tôi sống rất gần gũi bên nhau, cùng hưởng niềm vui cùng chia nỗi vất vả. Không chỉ coi nhau như đồng đội mà chúng tôi còn cùng đi với nhau về Hà Nội trong vài ngày nghỉ phép xả hơi”.

Binh sĩ của Misen (Chú thích: Sinh năm 1929, Misen Lơ Viguru được chỉ định đi Đông Dương, xuống tàu 5-7-1952. Được cử về tiểu đoàn 6 dù thuộc địa, trung uý tháng 10-1952, nhảy dù lần 2 xuống Điện Biên Phủ ngày 16-3 với tiểu đoàn Biga.) đã đưa thi hài anh về sở chỉ huy tiểu đoàn 6 và sáng ngày 24, với sự có mặt của Biga cùng các sĩ quan của ông, anh được an táng tại nghĩa trang trung tâm. Lơ Pa giơ giữ nhẫn cưới, cái kính và cái ví của bạn anh để đưa về cho Mácgơrít nhưng tất cả đã thất lạc trong những cuộc hỗn chiến cuối cùng.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #136 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2008, 01:11:40 pm »

Luôn gần gũi với đồng đội của mình, Biga viết cho Máexen Gia cốp báo rằng người chồng quá cố của chị, bị chết cùng ngày với Misen, đã chờ đợi hồi hương: "Dưới làn đại pháo của địch, tôi đã dự an táng chồng chị. Anh ấy được an táng một mình, gần trung uý Lơ Viguru cũng bị chết trong trận đánh đó. Đã gần hết hạn... “.

Một ngày nặng nề. Uynđơ bị loại khỏi chiến đấu và hai sĩ quan tiểu đoàn 6 dù thuộc địa bị giết. Thêm vào đó, 15 người chết, trong đó 4 hạ sĩ quan và 35 người bị thương. ở tiểu đoàn 8 xung kích, hai sĩ quan bị thương: Misen Đềmông và Ăngri Atchiê. Những tổn thất quá lớn để đổi lấy chiến lợi phẩm không có nổi một khẩu 37mm. Tiểu đoàn 8 dù xung kích có 3 người bị giết: Coócbnông, Beslanh và một người Việt Nam, nhưng có tới 36 người bị thương, trong đó có 9 hạ sĩ quan đã đến bệnh xá của Patơrít đờ Các pho.

"Brunô" khó che giấu được sự rầu rĩ của mình. Cái chết của Lơ Viguru và của Gia cốp làm cho ông buồn bã nhiều hơn là vui mừng vì đống vũ khí Việt Minh chất trên xe tăng. Đúng là có nhiều vị trí súng máy đã bị lật nhào, nhưng các tổ súng máy đó đã chống lại quyết liệt biết bao, sự tiếp cận các khẩu cao xạ 37mm thế nhưng cao xạ đã không bị phá hủy. Tồn tại một yếu tố tâm lý tích cực mà tiếng vang đã vọng về Hà Nội. Việc Biga đến đã gây nên tinh thần phấn khởi nhiệt tình, nhưng với cuộc tấn công vào pháo cao xạ Việt Minh, không ai lại không muốn biết "Brunô" có chiếm được khẩu 20mm hoặc 37mm nào không, tình tiết tích cực duy nhất là đã tấn công. Tiếng trống của báo chí, luôn luôn sẵn sàng để khuếch đại thông tin, đã truyền một câu chuyện kỳ lạ về cuộc hành quân và chẳng ai, từ Hà Nội đến Pa ri, từ nay không biết đến -hiệp sĩ Biga.

Cùng ngày 28-3 đại uý Bôtenla thuộc đoàn bảo an được tin trung úy Rông đô, phối thuộc vào tiểu đoàn 1, trung đoàn 2 bộ binh ngoại quốc của Clêmăngxông cùng với đại đội 1 của anh lại vừa rời khỏi sân bay 7 vì bị thương ở bụng.

Tôi bị một mảnh đạn cối bắn vào bụng và đâm thủng vài chỗ ở ruột, Rông đơ viết cho hai người anh chị họ Giăng và Hăngriét Lavanlê. Tôi may mắn được đưa đến trạm giải phẫu của một bác sĩ phẫu thuật giỏi và đã cứu được mạng sống của mình. Nhưng, chiếc máy bay cuối cùng đã đỗ xuống ngày hôm qua và tôi phải ở lại đó thay vì được sơ tán về một bệnh viện. Tôi ngủ trong một hầm trú ẩn không có thông hơi, không có ánh sáng, hai tuần lễ đầu tiên không ăn uống gì ba tuần lễ sau mỗi ngày một đĩa xúp. Tôi cũng bị viêm tuyến cận giáp và một đêm, người ta bảo tôi đã trở thành điên, chưa kể những ngày mê sảng, đó là điều rất khác lạ. Bác sĩ phẫu thuật cho rằng, về mặt y học, tôi phải qua đó năm hoặc sáu lần. Tôi phải bám chặt vào cành cây!”

Đại uý Biza thay Rông đô, ông ta là thiết kị nhưng ở Điện Biên Phủ binh chủng gốc không có ý nghĩa gì. Mỗi sĩ quan nhảy dù xuống, nếu không phải là pháo binh, thì được bổ nhiệm theo nhu cầu chứ không phải theo đào tạo. Muốn nhảy xuống Điện Biên Phủ, Biza phải qua thực tập nhảy dù cấp tốc trước khi được bổ sung vào tiểu đoàn 5 dù Việt Nam. Ngày 28-3, thiếu tá Clêmăngxông giải thích tình hình cho ông biết: mỗi đêm Việt Minh đào những đường hào tiến gần đến Huy ghét 7 và chắc là chuẩn bị một cuộc tấn công. Thản nhiên Biza thu xếp chỗ ở. Đêm đầu tiên bị thức giấc vì tiếng xẻng đất đai của Việt Minh và lúc bình minh, ông ra lệnh cho phó chỉ huy của ông là thiếu uý Thêlô đi lấp các hào. Việt Minh nổ súng, trung sĩ Vinlơmanh bị chết nhưng trước khi trở về lô cốt của mình, Thêlô đã cho gài lựu đạn trong hào của Việt Minh. Tiếng cuốc, xẻng lặp đi lặp lại lại đánh dấu đêm thứ hai của Biza và ngày 30, lợi dụng sương mù, trung đội của Thêlô trở lại khu giáp ranh trên mặt bắc của điểm tựa. Trung đội lại vĩnh biệt ba người tử trận nữa.

Clêmăngxông muốn giúp đỡ Biza vì ông cũng thuyết phục Biza rằng Việt Minh không nới lỏng đâu; nhưng người ta lại rút các trung đội lính Việt Nam của ông, mỗi đại đội rút đi một trung đội, trước khi đưa họ lên Điện Biên Phủ và sẽ tốt hơn đối với Biza nếu để ông thừa kế các ổ đề kháng 6 và 7 sau khi lính Thái rời đi.

Tối 30-3 Clêmăngxông quay về sở chỉ huy của trung tá Lăng le để xin tăng viện cho Biza nhưng ông có cảm giác như đã làm phiền. Không hiểu như thế nào mà người ta trả lời ông nhạt nhẽo rằng Đôminíc và Êlian chịu đựng một cuộc tấn công mãnh liệt và người ta có nhiều việc khác quan trọng phải để tâm hơn là đưa người đến Huy ghét 7.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #137 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2008, 01:12:26 pm »

Sáng ngày 30, GONO được tin một cuộc tấn công thứ hai của Việt Minh được dự kiến vào buổi tối với hai mục tiêu: sư đoàn 312 đánh các cứ điểm Đôminíc và sư đoàn 316 đánh các cứ điểm Êlian. Có Lơmơniê đi theo, Lăng le lên sở chỉ huy của tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 bộ binh Angiêri để báo cho Garăngđô biết ông sẽ gửi một đại đội của tiểu đoàn 5 dù Việt Nam đến cho ông ta. Trong suy nghĩ của Garăngđô, đại đội này sẽ giữ Đôminíc 1 cùng với đại đội 9 của trung uý Giắccơlin. Với Lăng le thì ngược lại, vấn đề không phải là cho quân dù chui xuống đất để phòng ngự mà là giữ họ làm dự bị để tung họ ra phản kích vào nơi bị đe dọa nhất. Không biết hai người có hiểu nhau đúng không

Sinh năm 1922, đại uý Máctine là người Brơtong và là người kháng chiến cũ, ông đã từng vào nhà tù của Chính phủ Vi si trước khi trở lại hoạt động bí mật. Được phiên cấp tương đương thiếu uý thời kỳ giải phóng, ông đã học võ bị Xanh Xia (khóa Ranh và Đanuýp) và tốt nghiệp thiếu uý ngạch thường trực để chọn quân nhảy dù. Ngày 30-3 ông tưởng rằng đại đội 4 bảo an của ông sẽ đến thay phiên các lính thuộc địa ở Đôminíc 1. Về phía mình, Garăngđô khẳng định Máctine sẽ đến tăng cường cho đại đội 9 của trung uý Giắccơlin trong lúc Lăng le lại nghĩ rằng quân dù sẽ ở gần sở chỉ huy của tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 Angiêri, để sẵn sàng phản kích theo yêu cầu. Một cách giải thích thứ tư, trích từ báo cáo của trung uý Philôđô: "Đại đội 9 của trung uý Giăccơlin đã được một đại đội của tiểu đoàn 5 dù Việt Nam thay phiên tại Đôminíc 1. Đại đội này đã được chuyển sang thuộc quyền sử dụng của Đôminíc 3 từ 15 giờ ngày 30-3".

Máctine nhận được lệnh vào khoảng 14 giờ nhưng không ai nói với ông là cuộc tấn công của Việt Minh xảy ra đến nơi rồi. Ông ta có khoảng 140 người và hai trong các trung đội của ông do các trung sĩ nhất, thượng sĩ nhất Minlô và Tan két chỉ huy, còn các trung đội khác do các sĩ quan trẻ Việt Nam chỉ huy. Ở Đôminíc 1 ông thấy các vị trí chiến đấu của người Angiêri bị bỏ trống. Đại đội 9 của Giắccơlin đi đâu? Không có đại uý Garăngđơ dể xác nhận nhiệm vụ của nó, cũng không có cả đại uý Puasuýt, phó chỉ huy mới. Thống nhất với nhận định của đại tá Đờ Caxtơri mà không hay biết, Máctine phát hiện những khiếm khuyết của Đôminíc 1.

Sự trinh sát trận địa không làm tôi lo lắng và đến 16 giờ, tôi báo cáo bằng điện thoại với đại uý Bôtenla. Tôi đang ở một bộ phận phụ, không có quan hệ phòng thủ với Đôminíc 2, ở đây một trọng liên 12, 7mm phải bắn về phía Bêatơrít cho tôi. Tổ chức trận địa không đầy đủ, các chướng ngại vật, dây kẽm gai và mìn, có giá trị không đáng kể. Các lính dù của tôi bắt tay vào việc, đồng thời người ta gửi cho tôi trung uý Clépanh Lơblông, của công binh, để nghiên cứu tăng cường các chướng ngại vật, thực hiện trong đêm”.

Máctine và Crêpanh - Lơblông là bạn học cùng khóa võ bị Xanh Xia và người trung uý công binh này đã một người làm việc bằng bốn để giúp bạn. Tuy nhiên, thời gian cứ trôi đi, công trình còn lâu mới hoàn thành và, khoảng 18 giờ mưa rơi trên trận địa, pháo Việt Minh bắn. Trung sĩ Lơblông báo cho Máctine biết có súng cối Việt Minh, ông ta liền dùng rađiô yêu cầu sở chỉ huy của tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 Angiên bắn chế áp để vô hiệu hóa Việt Minh. Không ai trả lời và viên sĩ quan không còn gặp may nữa với sở chỉ huy của đại uý Bôtenla vì đường liên lạc hữu tuyến đã bị đứt. "Chưa bao giờ tôi cảm thấy cô đơn như thế", Máctine viết.

Tại Êlian 2, cuộc tấn công của Việt Minh xảy ra không đúng lúc. Thiếu tá Nicôla từ hôm trước đã biết lính Ma rốc sẽ được thay thế bởi tiểu đoàn 1, bán lữ đoàn 13 lê dương ngoại quốc của đại uý Cutăng và, buổi chiều, một trung đội lê dương đã thay phiên thượng sĩ nhất Ximônê ở mỏm "Săng Êlidê” là nơi bộc lộ nhất. Tiểu đoàn Cutăng chắc sẽ lên vào ngày 31 vì đại uý Rút xây, cán bộ tuỳ tùng của tiểu đoàn, được chờ đợi ở sở chỉ huy Nicôla để điều động cuộc thay quân.

Cuộc tấn công của Việt Minh được dự đoán sẽ diễn ra tối 30, người ta có thể cho rằng GONO sẽ hủy bỏ cuộc thay quân này và sẽ cho tiểu đoàn 1, trung đoàn 13 lên Êlian 2 để tăng viện. Cũng như Garăngđô, Nicôla chỉ có một đơn vị dù, đại đội 1 của tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc (trung uý Luyxiani). Nó đáng lẽ phải có mặt ở vị trí rồi nhưng bị chậm trễ, Luyxiani qua cầu Mường Thanh vào cuối buổi chiều. Hành quân theo hàng một, "cuộc vận động này sẽ bị cản trở bởi làn đạn pháo dữ dội của Việt Minh", lợi dụng trời tối các lính lê dương leo lên đoạn đường dốc dẫn đến Êlian 2.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #138 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2008, 01:13:40 pm »

Buổi sáng ngày 30, phòng nhì của GONO báo trước cho tôi là cuộc pháo kích sẽ bắt đầu lúc 17h30, Nicôla viết. Đến 18h30 quả đạn đầu tiên đã rơi làm chúng tôi thở phào vì không gì căng thẳng bằng sự chờ đợi. Tôi sẽ cảnh báo các đại đội trưởng của tôi không được nói việc đó với ai cả”.

Garăngđô cũng nhận được một thông báo như vậy nhưng ông không cho rằng phải báo cho đại đội trưởng của mình. Cũng như mọi buổi tối, ông chỉ chú ý duy trì tiểu đoàn của mình trong tình trạng báo động. Mưa rơi từ 16 giờ và vì hai ngày nữa mới có trăng, nếu Việt Minh tấn công thì sẽ diễn ra trong bùn lầy và vào một đêm tối dày đặc. Vào khoảng 18 giờ một dòng thác sắt thép kinh khủng nhất kể từ đầu chiến dịch đã ập xuống tập đoàn cứ điểm", Philôđô nhận xét. Chỉ huy sở của ông ở phần phía nam Đôminíc 3, một điểm tựa ở đồng bằng, giữa sông và tỉnh lộ 41. Mỗi chiến binh có cảm giác rằng Việt Minh đã bắn bằng tất cả các khẩu pháo mà họ có và, mặc dù có mưa giông, những đám mây bụi khổng lồ màu đỏ nhạt vẫn bay lên và thay hình đổi dạng trên các đỉnh đồi núi. Trên Đôminíc 2, cứ điểm cao nhất, trung uý Lăng cho dọn súp ra ăn sớm hơn và, từ loạt đạn đầu tiên, "và dẫu chưa bao giờ báo trước về một cuộc tấn công sắp xảy ra", anh gọi từng trung đội trưởng bằng điện thoại. Mọi người đã ở vị trí của mình. "Tôi được tin là Việt Minh đã leo lên Êlian 1, Lăng báo cáo, và sau đó ít lâu, trung uý Satenhiê báo là những người phòng thủ Êlian 1 đã đi xuống phía Việt Minh, tay giơ lên trời, còn Việt Minh thì nhảy vào hào của họ".

Ở đại đội 10 Satenhiê xác nhận trong báo cáo "không ai được báo trước, kể cả sĩ quan, về khả năng tấn công của địch vào tối 30". Đại đội của anh hướng về phía đông bắc và phía đông, còn đại đội 11 của Lăng quan sát phía đông và phía nam. Satenhiê cung cấp một tình tiết thú vị : "Không có khoảng ngừng giữa pháo bắn và bộ binh tấn công đang vượt qua những hàng rào kẽm gai đầu tiên”.

Bị giội pháo 105 và cối hạng nặng, lính bộ binh Angiêri chưa kịp hoàn hồn thì bộ binh Việt Minh đã đứng trước mặt họ , ném lựu đạn và lia tiểu liên vào họ. Bằng rađiô, Satenhiê liên lạc với sở chỉ huy tiểu đoàn: "Một trung đội của đại đội 11 đã bị quật nhào, bắt đầu có sự hoảng loạn. Theo yêu cầu của trung úy Lăng mà tôi có liên lạc hữu tuyến, tôi tung ra một cuộc phản kích của trung đội".

Trung uý Panh, phó của Lăng, vừa thông báo khẩu trọng liên 12,7mm đã bị trúng một phát SKZ và anh ta đi đến đơn vị cối 60, thì Satenhiê báo trung đội của thượng sĩ T... đã rút lui T... bị thương còn phó của anh, bị thương hôm qua, đang ở bệnh xá, lính bộ binh thuộc địa không có ai chỉ huy. Lăng ra lệnh cho Panh tổ chức một cuộc phản kích cùng trung đội bên cạnh vì qua luồng ánh sáng mỗi khi đạn nổ, đã thấy Việt Minh trong đường hào của trung đội T... Cuộc phòng ngự giống như một sợi len bị tuột ra, nếu không kịp thời thắt nút lại thì sẽ tuột hết. Lăng và Satenhiê yêu cầu một hỏa lực ngăn chặn mà người ta đã hứa. "Hãy phản kích đi?", Puaruýt trả lời. Saténhiê còn nói thêm một lần nữa thì liên lạc bị cắt. 

Sự rút lui của lính thuộc địa tăng thêm, Satenhiê tổ chức một cuộc phản kích cùng thiếu uý Panh (Chú thích: Sinh tháng 1-1927, Phécđinăng Panh được gọi nhập ngũ trung đoàn 3 Spahis Angiêri. Đến Hà Nội ngày 31-1-1954, bổ nhiệm về tiểu đoàn 3, trung đoàn bộ binh Angiêri ở Điện Biên Phủ, bị thương ở lồng ngực 11-2, được thưởng huy hiệu cành cọ, tuyên dương trong toàn quân.) thay phiên nhau thực hiện với sự trợ thủ của bốn hạ sĩ quan. Mây, Xuốcđơ, Plăngcông, Đêrông và hạ sĩ nhất Bubêtana. Được mười hai lính Angiêri đi theo, các đơn vị này đẩy lùi địch nhưng những Việt Minh khác, hàng trăm người khác, bất chấp trời mưa cản trở đường ngắm, vừa la hét vừa tiến lên các sườn dồi của Đôminíc 2. Thiếu uý Panh và hạ sĩ Vesenhem bị giết và cuộc phản kích bị bẻ gãy. Nếu những cuộc chiến đấu cá nhân hoặc bằng các ổ đề kháng nhỏ vẫn tiếp tục trên Đôminíc 2 thì một số lớn lính thuộc địa cảm thấy chỉ huy đã lung lay. Trung sĩ Cadiu bị giết và các lính bổ sung dưới quyền anh biến mất, hậu quả là mở ra một lỗ hổng ở phía tây đằng sau đại đội 10 và đại đội 11. "Chính ở mặt này mà Việt Minh đã cô lập chúng tôi với hậu cứ của mình và kẹp chúng tôi vào gọng kìm", Lăng nói rõ.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #139 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2008, 01:14:36 pm »

Satenhiê:

Thấy sắp bị bao vây, nhiều lính thuộc địa và hạ sĩ quan bị hoảng loạn, bắt đầu chuồn xuống phía dưới đồi. Một số đã bị chỉ huy của họ dùng vũ khí đe dọa bắt phải ở lại tại chỗ, theo trung sĩ nhất An be Mâye, có những lính thuộc địa dám đe dọa cả các hạ sĩ quan chống lại việc chạy trốn của họ”.

Bộ binh lính của họ bỏ lại, một số cán bộ bỏ đi chiến đấu ở nơi khác. Đó là trường hợp của trung sĩ nhất Giuýt của đại đội 11 chạy đến trước Đôminíc 3, mang theo một khẩu súng máy, và phát điên lên vì buồn rầu, xin phép được tiếp tục chiến đấu. Trung uý Philôđô đáp ứng nguyện vọng của anh và Giuýt được nhập vào đại đội 12. Anh bị giết vào lúc bình minh ngày 31-3. Bằng rađiô, Lăng cho Satenhiê biết anh gần như còn lại một mình, một bộ phận lính thuộc địa của anh đã về đồng bằng và yêu cầu Satenhiê đến cùng với anh tại sở chỉ huy đại đội 11. Trước khi đi, Satenhiê gửi một thông báo cuối cùng để đánh lừa bằng máy SCR 300 rồi anh "đập nát rađiô và điện thoại" và đi ra ngoài sau khi dùng lựu đạn mở đường qua 2-3 nòng súng Việt Minh đến trước hầm trú ẩn của anh. Nhưng anh chẳng bao giờ đến được với Lăng và bị bắt vào một giờ sáng khi anh muốn gắn số phận của anh với số phận của trung sĩ Đuylâyri, bị bắt làm tù binh gần bên các súng cối của anh ta. Bị khám xét và hỏi cung, hai người đã lợi dụng khi có những viên đạn nổ hẹn giờ bay đến để bỏ trốn khỏi những người gác. Họ định đi xuống Đôminíc 5 để tìm một lối thoát có hiệu lực nhưng Việt Minh đông quá họ đành trốn vào một hầm nhỏ, rồi bị phát hiện lúc 9 giờ sáng ngày 31 lần này bí trói gô lại và dẫn đến phòng tuyến địch.

Trung uý Lăng có ý định tìm đến với trung sĩ nhất Phơnlơniát, trung đội của trung sĩ này bắn bằng tất cả các vũ khí của họ, tuy nhiên, Việt Minh đã tìm được một đường tiến để vô hiệu hóa nó và chặn các đường vào. Không đi qua được Lăng trở lại dưới trời mưa:

Trở lại sở chỉ huy, tôi phá hủy điện đài và chuẩn bị đốt giấy tờ lưu trữ thì Việt Minh ập đến và bắt tôi. Pháo binh Pháp bắn vào điểm tựa. Khi đi qua một chỗ có bậc để lên mặt đất, tôi liền lợi dụng những làn đạn đó để chạy trốn và đi về sở chỉ huy của tiểu đoàn”.

Trên đường đi, những tia chớp của đạn nổ giúp cho Lăng nhìn thấy Việt Minh đã chiếm vị trí các súng cối 81 và bệnh xá của bác sĩ Ôbe.

Tôi đã xác định một đường đi nếu cần thì tìm đến sở chỉ huy của tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 và chuẩn bị một ít thuốc cấp cứu để đề phòng..., người bác sĩ trẻ kể lại. Trong khi pháo của chúng ta quyết định bắn để hỗ trợ cho chúng ta, tôi thấy xuất hiện trong một bệnh xá có rất đông người bị thương, những người bộ đội súng lăm lăm, không chấp nhận một sự thảo luận nào, kéo tôi ra ngoài, buộc tôi phải rời những đồng đội bị thương của mình. Từ tất cả các vị trí chiến đấu, các lính bộ binh thuộc địa và hạ sĩ quan bị dùng vũ lực buộc phải đi ra và tập hợp ở đỉnh cao điểm để đi về ra phía sau, qua rào kẽm gai và các bãi mìn. Tôi đến vị trí của Việt Minh với áo quần rách tươm”.

Đài quan sát của tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 Angiêri bị một quả đạn pháo bắn trúng đích, chỉ còn lại những đống đổ nát, những tấm ván vỡ tan. Thiếu úy Gasparini, (Chú thích: Sinh năm 1931, Giăng Gasparini được gọi nhập ngũ 1951. Tình nguyện sang Đông Dương theo chế độ sĩ quan dự bị phục vụ thường trực. Tháng 7-1953 lên tàu đi Đông Dương. Được bổ nhiệm về tiểu đoàn 4, trung đoàn 4 pháo binh thuộc địa ngày 26-8-1953. Được cử lên Điện Biên Phủ làm sĩ quan liên lạc và quan sát ở tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 Angiêri.) đội liên lạc và quan sát đã mất tích dưới những đống đổ nát cùng với rađiô của anh. Lăng trình diện sở chỉ huy báo cáo với Garăngđô, ông này còn liên lạc bằng rađiô với GONO. Nửa giờ sau, Việt Minh đã đến cửa hầm thúc giục mọi người đi ra nếu không sẽ bị ném lựu đạn. Thế là kết thúc. Đại uý Puruýt đi theo sau, Lăng và nhân viên sở chỉ huy tiếp theo sau đại uý Garăngđô và trung uý Lui, những người bộ đội dẫn họ đi về phía đông bắc với những tiếng thúc giục cáu kỉnh "mao len, mao len". Đã 20 giờ. Sở chỉ huy đã bị chiếm nhưng các loạt đạn bắn nhau vẫn nổ vang trên điểm tựa, cộng thêm những tiếng la thét giận dữ và đe dọa. "Từ lúc này là đánh giáp lá cà từ hầm cố thủ này đến hầm cố thủ khác", Lăng nói một cách tin chắc.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM