Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Năm, 2024, 02:09:31 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Dấu chân chiến sĩ giải phóng quân  (Đọc 2506 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
thongdiepthoigian
Thành viên
*
Bài viết: 153



« Trả lời #30 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2023, 07:01:42 am »

Trên đất nước Xô Viết

Ngày 20 tháng 10 năm 1987 tôi được Tổng cục cử đi Liên Xô theo đề xuất của Liên hiệp Da giày Việt Nam và Xí nghiệp 32. Tới Mạc Tư Khoa gặp trời rét, xe taxi lại còn đi lạc (cùng với ba giám đôc xí nghiệp của thành phố) nên tôi bị cảm sốt, phải uống thuốc, ăn súp nằm đắp chăn ba ngày mới khỏi.


Đoàn đi Liên Xô lúc đó gồm: (Thành phố Hồ Chí Minh)

1. Anh Đức, Phó giám đôc xí nghiệp Sagoda.

2. Chị Châu Huệ Cẩm, Giám đốc xí nghiệp giày An Lạc.

3. Anh Đông, Giám đốc xí nghiệp giày Phú Nhuận.

4. Anh Hiệp, Giám đốc xí nghiệp giày Bình Thạnh.

5. Một phó chủ tịch quận Tân Bình.

6. Tôi - Phạm Trùng Dương, Phó giám đốc Xí nghiệp 32 (quân đội) và anh Thọ đại diện Liên hiệp Da giày Việt Nam làm trưởng đoàn. Toàn bộ chi phí chuyến đi do Thành phố Hồ Chí Minh đài thọ. Sau khi đến Mạc Tư Khoa nghỉ bốn ngày đoàn được đi tham quan thành phố giày ở nước cộng hòa Ukraina. Tham quan nhà máy giày Ugan và một số xí nghiệp khác. Đến các nhà máy giày làm việc, phía bạn rất quý phái đoàn Việt Nam. Mỗi người được bồi dưỡng 10 rúp1 (Một rúp tương đương một đôla - quy đổi) một ngày. Được đi tham quan các danh lam thắng cảnh, tắm, xông hơi mát xa, xe đưa đón, đặc biệt là ăn uống rất rất trọng hậu.


Lần đầu tiên tôi được chứng kiến cảnh tuyết rơi vào ngày 6 tháng 11. Cả bầu trời như triệu triệu cánh hoa bay lơ lửng. Hoa tuyết trắng muốt luồn vào cổ áo, sà vào mặt tôi, đậu vào cành cây, mặt đất rồi nhẹ nhàng từ từ tan biến. Một cảnh đẹp thần tiên mà ở Việt Nam không bao giờ có được. Đoàn thành phố nhận gần trăm mẫu giày da các loại về chỗ ở (thương vụ đại sứ quán Việt Nam) để nghiên cứu, lựa chọn và làm giá với bạn.


Ban đêm ở nhà chọn mẫu, ban ngày đoàn giám đốc thành phố được chị Châu Huệ Cẩm dẫn đi chơi phố, chợ ở thú đô Mạc Tư Khoa. Chị Cẩm đã từng học ở Liên Xô, thông thạo tiếng Nga, đường sá nên kiêm luôn phiên dịch của đoàn. Còn chúng tôi đi đâu cùng phải nhờ chị. Mạc Tư Khoa đẹp quá, toàn xe hơi, rất ít xe máy. Đi đường chỗ nào mà có nhà hình chã A bên trên có chữ M là chúng tôi mua tiền xu nhét (10 kôp)1 (Một rúp bằng 100 kốp) vào "mắt thần", tay chắn tự động mở ra cho ta xuống tàu điện ngầm với tên gọi Metropolitan. Với 10 kôp ta có thể đi cả trăm kilômét đường tàu, chán thì tìm một ga gần nhà rồi "chui" lên. Dưới các nhà ga của tàu điện ngầm trông như cung điện nhà vua, xung quanh treo các bức tranh đồng cực đẹp. Ở nhà ga cũng có cửa hàng phục vụ ăn uống, cửa hàng sách và bách hóa, mọi người cảm giác như ở trên mặt đất. Tôi rất ấn tượng hàng dãy đèn Neon sáng trắng to bằng bắp đùi người lớn, dài gần một mét, chạy đều tăm tap khi đi xuống thang điện sâu hàng trăm mét, chỗ nông nhất của Metro cũng là 50 mét dưới lòng đất.


Hệ thống Metro của Mạc Tư Khoa có từ năm 1935 sau đó liên tục mở rộng và hiện đại hóa. Đây là hệ thống Metro (gọi tắt của tiếng Anh) được mệnh danh là Hoàng cung dưới lòng đất đẹp nhất thế giới. Do chưa có vé máy bay về nước nên chúng tôi suốt ngày đi chơi dưới lòng đất với mê cung. Chán rồi lại "chui" lên ra ngoại thành gọi taxi về sứ quán.


Dạo đi máy bay sang Liên Xô, do có sương mù nên không hạ cánh được ở sân bay Mạc Tư Khoa mà phải hạ cánh xuống nước cộng hòa Ukraina (thủ đô Kiev). Sau đó chúng tôi đi tàu điện nổi về Mạc Tư Khoa dài tới 2.000 cây số. Ngồi trên tàu điện nổi với vận tốc trên trăm cây số, chúng tôi được ngắm đất nước Liên Xô hùng vĩ, những vườn táo phủ tuyết trắng lung linh quả trĩu cành. Cánh đồng tuyết bao la đã được gieo lúa mỳ, chỉ chờ mùa xuân về, tuyết tan là nảy mầm xanh, lớn nhanh như thổi. Chẳng có thực phẩm mà họ chỉ phát bánh mỳ không. Đến chỗ nghỉ bọn tôi tràn xuống vườn khẩn trương mua táo, vào cả vườn táo tham quan. Cánh đồng táo đẹp quá, tưởng mình đang lạc trên thiên đình trong những vườn táo tiên. Đẹp như cảnh vườn táo tiên trong Tây du ký mà Tôn Ngộ Không đại náo.


Đến Liên Xô ta mới thấy nước ban thiếu lao động trầm trọng. Ở xưởng may đa số là người già ngồi máy may. Ngoài đường những công việc như gạt, hót tuyết cùng chỉ có bà già, vậy các nhà máy họ mới quý ta sang tham quan, nhận may gia công mũ giày cho họ. Mấy ngày tiếp theo chúng tôi được đưa đi tham quan lăng Lênin, quảng trường Đỏ, trung tâm triển lãm quốc gia. Chỗ nào tôi thấy cũng rất thú vị, mới lạ và đẳng cấp, xứng đáng là thành trì của chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới.


Đứng trước quảng trường Đỏ lát đá xanh nghiêng (mỗi viên rộng 15, dài 20, dày 20cm) với tuyết bay gió lộng, tâm hồn tôi như muốn bay bổng lên không trung để ngắm nhìn đất nước Liên Xô bao la vĩ đại.


Tôi vẫn như đang lạc vào một thế giới xa lạ, như một giấc mơ thứ hai nối tiếp giấc mơ đại thắng mùa xuân 30-4-1975 khi vào tiếp quản Sài Gòn.

Hạnh phúc đang trào dâng và tràn ngập trong lòng. Kết quả chuyến đi của đoàn giám đốc Thành phố Hồ Chí Minh, cộng với Liên hiệp các xí nghiệp Da giày Bộ công nghiệp nhẹ là ký được hai mươi triệu đôi mũ giày các loại. Ngoài ra nhà máy giày Ugan còn ghi nhớ sẽ đầu tư máy móc thiết bị để sản xuất một trăm ngàn đôi giày lót lông cao cổ mỗi năm ở Xí nghiệp 32. Đúng sáu tháng sau xưởng sản xuất giày lót lông cao cổ đã trở thành hiện thực, do anh Đồng (nguyên là trợ lý giám đốc) làm quản đốc, công suất một trăm ngàn đôi một năm.


Tiếng vang của Xí nghiệp 32 về sản xuất mũ giày và giày xuất khẩu đi Liên Xô đã đến tai các chuyên gia Tiệp Khắc đang làm việc ở nhà máy giày Sài Gòn. Nối tiếp chuyến thăm của đoàn Tiệp Khắc cuối năm 1986, đến tháng 1 năm 1988 đoàn chuyên gia giày Tiệp Khắc lại đến Xí nghiệp 32. Lần này phía Tiệp ký hợp đồng đầu tư ngay một xưởng sản xuất mũ giày vải xuất khẩu.


Xí nghiệp 32 xây dựng xưởng may mũ giày vải lần này rất thuận lợi, vì toàn bộ thiết bị, công nghệ, kỹ thuật may do phía bạn đảm nhiệm. Xí nghiệp 32 chỉ lo mặt bằng, nhà xưởng, tuyển dụng quản lý công nhân. Các chuyên gia kỹ thuật phía bạn trực tiếp đào tạo tay nghề, kiểm soát hướng dẫn kỹ thuật và dải chuyền cho từng mẫu mã.


Như vậy chỉ sau hai tháng, xưởng gia công mũ giày cho Tiệp Khắc đã hoàn chỉnh và đi vào hoạt động, công suất mỗi năm lên đến cả triệu đôi, với số lượng công nhân khoảng 1.000 người. May mắn và thuận lợi nối tiếp đến với Xí nghiệp 32, bởi vì xí nghiệp sở hữu cơ sở hạ tầng, nhà xưởng khang trang rộng rãi, vẫn còn trống.
Logged
thongdiepthoigian
Thành viên
*
Bài viết: 153



« Trả lời #31 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2023, 07:02:31 am »

Tháng 9 năm 1988, phía Tiệp Khắc chọn X32 làm nơi đặt tổng kho nguyên liệu, vật tư cho việc gia công sản xuất giày ở Thành phố Hồ Chí Minh. Giá bạn thuê mỗi mét vuông nhà xưởng là 7 đôla một tháng, mức giá mà Xí nghiệp 32 trước đây nằm mơ cùng không bao giờ có được. Sau khi hoàn tất xưởng may mũ giày vải do đồng chí Đặng Tùng Lâm làm quản đốc, đồng chí Thìn làm phó quản đốc, phía Tiệp Khắc đầu tư thêm một xưởng sản xuất giày vải trẻ em với công suất 200 ngàn đôi năm.


Sau khi có tổng kho, phía bạn đã gửi ào ạt sang 20 Container nguyên liệu. Hàng bị kẹt ở cảng Sài Gòn, Xí nghiệp 32 phải gửi công văn nhờ lãnh đạo cảng can thiệp. Tôi đã mang giấy giới thiệu trực tiếp cùng nhân viên phòng vật tư đến cảng túc trực suốt ngày đêm để làm thủ tục kéo toàn bộ container về xí nghiệp. Sáng hôm sau đường sá trong xí nghiệp toàn là công hàng tràn ngập đậu từ cổng vào đen tận cửa kho, trước sự ngỡ ngàng của hàng ngàn cán bộ, công nhân viên.


Như một mùa lúa bội thu của người nông dân trước đống lúa vàng cao ngất, hòa với ánh nắng bình minh chan hòa một ngày mới!

Đây là thời kỳ sản xuất phát triển rực rỡ, thành công nhất của Xí nghiệp 32. Vừa sản xuất quốc phòng phục vụ quân đội, vừa sản xuất, gia công hàng xuất khẩu. Tổng số công nhân lên đến trên hai ngàn người.


Sản xuất phát triển đi lên, đời sống người lao động đã từng bước cải thiện, nhưng trong nội bộ xí nghiệp xảy ra phong ba bão táp. Những đơn nặc danh gửi Tổng cục Hậu cần tô cáo nội bộ liên tiếp xuất hiện. Có một hôm anh Thọ nguyên trưởng phòng lao động gặp nói chuyện và hỏi tôi:

- Ông có biêt ai là người viết đơn tố cáo không?

Tôi ngạc nhiên:

- Làm sao tôi biết được! Ông nói ai vậy?

- Một nhân viên phòng hành chính! Viết xong đến đưa cho tôi xem.

Tôi hỏi tiếp:

- Người đó tên gì?

- Là X.

- Vậy sao ông không nói ngay cho tôi biết?

Anh Thọ ngại ngùng:

- Chúng tôi sợ ông gạt đi thì hỏng việc.

Tôi phê phán:

- Ông có biết làm như vậy (tố cáo nặc danh) là làm loạn xí nghiệp và hại cả đến tôi không? Nhưng kẻ cơ hội và cả cấp trên đều nghi ngờ tôi viết đơn nặc danh để hạ bệ giám đốc, tìm cơ hội cho mình.

Ông Thọ im lặng rồi gật gật đầu nói:

- Đúng vậy! Lúc đó tôi không nghĩ được như thế! Thôi tất cả qua rồi, ông bỏ quá cho.

Những tháng đầu năm 1991, đoàn thanh tra Tổng cục liên tục xuống làm việc, kết luận ai đúng ai sai đơn nặc danh chính xác đến đâu đã được làm sáng tỏ báo cáo lãnh đạo chỉ huy Tổng cục.

Đảng ủy X32 và các chi bộ liên quan ngày đêm họp kiểm điểm chủ yếu xoáy vào giám đốc, phó giám đốc (chỉ huy xí nghiệp).

Tóm lại ở X32 đã diễn ra cuộc đấu tranh giữa tiêu cực bảo thủ cục bộ và chống tiêu cực. Do sự việc đã đi vào lịch sử nên người viết không muốn đi sâu khơi lại để gây thêm tranh cãi, mặc du nó đã qua đi 25 năm rồi. Nhưng nó vẫn còn khắc sâu không thể nào quên trong trí nhớ của tôi. Thời gian trôi đi, mọi người chắc chắn sẽ thấy rõ cái gì là sai lầm, tội lỗi đã lộ dần và phơi bày theo năm tháng. Còn người viết sách này cũng đã rút ra một bài học kinh nghiệm cho mình. Đấu tranh không khéo là không biết mình sẽ tránh vào đâu? Chỉ có con đường tình nguyện hy sinh ra ngoài để dần dần chứng minh cho mọi người thay rõ mà thôi.


Ngày 15 tháng 2 năm 1991, đồng chí Khôi - Thiêu tướng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần phụ trách phía Nam gọi tôi lên văn phòng làm việc.

Đồng chí điềm tĩnh rót nước trà cho tôi rồi nói:

- Tình hình nội bộ Xí nghiệp 32 khá phức tạp thời gian tới ta nên như thế nào?

Sau khi báo cáo tình hình, tôi nói luôn:

- Tôi xin được nghỉ hưu để triệt xóa những tiếng đồn là tôi thích làm giám đốc tìm cách gây rối mất đoàn kết nội bộ. Trong quá trình ở xí nghiệp tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không vi phạm khuyết điểm gì. Tôi không đoàn kết xuôi chiều, mà kiên quyết, thẳng thắn đấu tranh phê phán những khuyêt điểm sai lầm của một số cán bộ chủ chốt. Tôi xin nghỉ dù khó khăn mấy cũng chấp nhận.

Đồng chí Khôi nói tiếp:

- Vậy Tổng cục điều đồng chí về cơ quan, đồng chí nghĩ sao?

- Dạ thưa, tôi về Tổng cục không phù hợp, kính mong thủ trưởng thấu hiểu cho.

- Lãnh đạo Tổng cục biết đồng chí có kinh nghiệm, có khả năng tiếp tục công tác nên vẫn sử dụng. Nhưng trước mắt tạm về Tổng cục một thời gian, cấp trên sẽ xem xét sau.

- Thưa thủ trưởng, nguyện vọng của tôi xin không thay đổi.

Một tuần sau đồng chí Trung tướng Trần Trác - Bí thư Đảng ủy Tổng cục lại gọi tôi lên phòng làm việc ở tiền phương, đồng chí nói:

- Đồng chí báo cáo tình hình Xí nghiệp 32 cho tôi nghe.

- Dạ thưa thủ trưởng, tôi đã viết thư gửi thường vụ và chỉ huy Tổng cục rồi. Còn chuyện xin nghỉ hưu là để chứng minh rằng tôi không hề ham muốn chức vụ giám đốc như một số người suy nghĩ. Tôi ra ngoài hoàn toàn đáp ứng được điều mà xã hội cần.

Sau khi mọi việc kết thúc rõ ràng, tôi làm đơn xin nghỉ hưu, trong lòng như trút một gánh nặng vất vả bấy lâu nay.
Logged
thongdiepthoigian
Thành viên
*
Bài viết: 153



« Trả lời #32 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2023, 07:03:23 am »

Khúc vĩ thanh - Con đường phía trước

Thời kỳ này cả nước vẫn còn chế độ bao cấp. Ở miền Bắc thì phân phối thông qua tem phiếu đối với lương thực và các nhu yếu phẩm thiết yếu. Ở miền Nam tuy không dùng tem phiếu nhưng phân phối nhu yếu phẩm, lương thực trực tiếp cho cán bộ, công nhân viên và lực lượng vũ trang. Hàng hóa ở miền Bắc vẫn khan hiếm, còn ở miền Nam hàng hóa dồi dào hơn nhưng giá cả rất mắc. Tình hình kinh tế nhìn chung khó khăn, ví dụ như gia đình tôi hai vợ chồng đi làm Nhà nước (quân đội) lương không đủ nuôi hai con và mẹ già, phải làm thêm. Đi làm về vợ tôi phải may gia công quần lót (bộ đội), nuôi gà, nuôi heo... Vị trí nội trợ, việc nhà do tôi đảm nhiệm.


Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ 15 đến 18 tháng 12 năm 1986, nhằm đổi mới, mở cửa và thực hiện cơ chế thị trường, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tuy có chuyển biến nhưng còn chậm, bởi vì cơ chế tập trung bao cấp ăn sâu bám rễ đã lâu, nay bứt phá thì cần phải có thời gian.


Mặc dầu biết rõ sẽ rất khó khăn khi về hưu nhưng tôi vẫn kiên quyết xin nghỉ để tận dụng cơ hội Đảng mở cửa, chấm dứt thời kỳ làm việc bao cấp nặng nề.

Cầm quyết định nghỉ hưu, tôi khẩn trương bàn giao như trút gánh nặng ngàn cân, về nhà ngủ những giấc ngủ ngon lành suốt cả tuần lễ. Kể từ nay tôi đã trở thành người tự do, nhưng trước mặt là cả thời kỳ đầy khó khăn thử thách. Tôi rất muốn được tiếp tục làm việc cho quân đội, cống hiến để xây dựng một xí nghiệp quốc phòng vững mạnh và phát triển, nhằm phát huy những kinh nghiệm tích lũy suốt hai mươi lãm năm công tác. Nhưng môi trường đã vẩn đục rối ren, không phát huy được khả năng của mình nữa.


Về nhà một thời gian tôi thấy rất nhớ đơn vị nhớ về một chặng đường đầy gian nan ác liệt. Chặng đường đó đã tôi luyện mình trở thành con người có bản lĩnh dày dạn kinh nghiệm, vững vàng về mọi mặt.


Từ tuổi thơ đã phải lăn lộn để vươn lên thoát chết, giành sự sống. Tuổi trưởng thành khao khát quyết tâm theo lời "Đảng kêu gọi" vào quân đội vượt Trường Sơn để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Bản thân tôi phải phấn đấu vượt qua những đợt sốt rét nguy hiểm cùng với nhiễm độc và cũng thoát được vào tới đích - nhận nhiệm vụ. Một nhiệm vụ mà có lẽ nó cũng hợp với tố chất của tôi.


Trên rừng là tổng hợp những con số, phân tích và nhận định nó, đề xuất những phương án và cách thức giải quyết. Công tác nhiều năm làm thống kê rồi trợ lý quân nhu, bằng kinh nghiệm của mình dần dần trở thành người chiến sĩ trợ lý kế hoạch khi hòa bình trở về. Tôi có một thói quen và cũng là một nguyên tắc: Khi được cấp trên giao nhiệm vụ là tôi xây dựng ngay kế hoạch chương trình hành động bằng những khám phá và đề xuất riêng của mình. Rồi sau đó kiên quyết phấn đấu hoàn thành. Khi còn trong quân đội tôi rất "khó chịu" khi ở trong một đơn vị lỏng lẻo về tổ chức, kỷ luật kém. Tôi luôn mong muốn đến cháy bỏng đơn vị của mình phải là đơn vị "Thép". Tôi chúa ghét các ông thủ trưởng xuề xòa dễ dãi, kỷ luật không nghiêm, khen thưởng không kịp thời và công minh.


Có lẽ rằng tôi đã được tắm trong một chế độ "cộng sản chân chính và chuyên chính" suốt bao năm ác liệt chiến tranh, nên đã tôi luyện thành người nghiêm khắc, có trái tim rực hồng và dòng máu nóng. Quyết tâm lúc nào cũng sôi sùng sục, phải làm ngay và quyết làm bằng được. Chỉ có chế độ xã hội chủ nghĩa mới rèn luyện ra những con người như thế. Và thời chống Pháp, Mỹ đã có nhiều thế hệ cùng hàng triệu người như thế. "Không cho tôi vào giải phóng miền Nam tôi sẽ đập đầu vào đá mà chết", một ý chí tuyệt vời và hoàn toàn có thật, chỉ thế thôi cũng lý giải tại sao chúng ta giành chiến thắng.


Khi được về hưu tôi mới 43 tuổi, tức là mình còn làm việc ít nhất 20 năm nữa. Cấp trên đồng ý cho tôi nghỉ hưu, tôi tự suy ngẫm là quân đội đã lãng phí về lao động, chất xám mà không thấy và ít ai để ý. Tôi rất vui vẻ trong một nỗi buồn man mác khi cầm quyết định trong tay. Tôi không còn tham gia đóng góp xây dựng quân đội, thì mình về làm kinh tế tự xóa nghèo. Bởi khi về tôi rất nghèo, vợ đi viện mà trong túi không còn một đồng, phải vay bè bạn. Đó là một nỗi khổ, nhưng rất đỗi tự hào vì sự trong sạch của mình.


Cũng chẳng lãng phí đâu! Ở đâu cũng là làm cách mạng, miễn sao là làm giàu chính đáng đóng góp cho xã hội, xây dựng Tổ quốc giàu mạnh là một niềm kiêu hãnh rồi.

Về nghỉ hưu làm kinh tế tư nhân? Điều đó hoàn toàn mới lạ, nhưng là quy luật tất yếu, bởi vì đất nước đã bắt đầu đổi mới, mở cửa. Tuy nhiên khó khăn gian khổ cũng sẽ thử thách mình, nó sẽ rất khắc nghiệt, cạnh tranh vì đó là nền kinh tế thị trường nhiều thành phần.


Chào từ biệt quá khứ để dấn thân vào tương lai đầy gian nan ở phía trước! "Không có việc gì khó / Chỉ sợ lòng không bền". Có lẽ cuộc đời con người là cả một cuốn sách, mỗi thời đoạn như thể một chương, mỗi một dòng như thể một ngày sống. Lẽ đương nhiên có những cuốn sách hay, có ích cho đời và đặc biệt có những cuốn sách làm nên lịch sử, có giá trị bất tử - "Sống như anh". Còn cuốn sách của tôi như cánh đồng lúa, lũy tre làng, bờ đê gió lộng xuân sang xuân về. Nó là dấu chân người chiến sĩ trải qua những chặng đường gian khổ khó khăn, ác liệt và những thăng trầm trong đấu tranh chống tiêu cực lạc hậu để đơn vị tồn tại phát triển đi lên. Tất cả những điều đó thúc đẩy tôi viết nên quyển sách hôm nay.


Thời gian không chờ đợi ai, đó là con tàu không ngừng nghỉ. Những sự kiện xảy ra giờ đây, hôm nay thì chút nữa đã thuộc về lịch sử. Và nhìn một cách biện chứng, thì lịch sử là một dòng chảy vĩnh hằng, liên tục, nối quá khứ với hiện tại và tương lai, cái đã qua chưa hẳn đả kết thúc và quá khứ là tấm gương soi để xây dựng hiện tại và tương lai tốt đẹp.


Đón đọc quyển hai: "Vươn lên xóa nghèo thời mở cửa".
Logged
Trang: « 1 2 3 4   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM