Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Năm, 2024, 11:56:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn  (Đọc 100124 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #100 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2009, 07:23:31 pm »

Ở vào thế kỷ X, những con đường bộ đó rất nhỏ và vô cùng hiểm trở, phải luồn lách qua nhiều núi sâu rừng thẳm và không ít loài thú dữ. Hầu như nó rất ít khi được quan tâm phát triển trừ những lúc động binh cần tiễu trừ đánh dẹp các thế lực nổi dậy chống đối chính quyền. Còn các con đường bộ ở các huyện vùng đồng bằng nó chỉ là những con đường nhỏ nối các làng và các chợ với nhau và chạy quanh co nhiều khúc qua đồng ruộng. Chỉ có một số ít được tạo thành để tiện lợi cho việc đi lại bằng cáng của các quan lại là rộng hơn. 

Các đường này chạy theo một tuyến cố định nối liền các trung tâm huyện, phủ với nhau. Nhưng nhìn chung ngay cả đến thời Gia Long “các đường bộ này không lát, rải đá như các đường lớn của Trung Quốc. Chỉ có một ít cầu qua sông nhỏ và chủ yếu là cầu gỗ thường bị lũ cuốn trôi. Việc đi lại rất vất vả. Trong mùa mưa phải đi qua các sông lớn bằng thuyền hoặc đò ngang”. (1)
 
Đất Thanh Hoá có núi ngăn, có biển cản, đồng cao, đồng trũng liên tiếp với nhau. Từ Thụy Nguyên (nay là huyện Thiệu Hoá - trung tâm của đồng bằng Thanh Hoá) ra Bắc theo đường Thạch Thành qua huyện Phụng Hoá tỉnh Ninh Bình, thì trên tới được các huyện Mỹ Lương, Thạch Thất tỉnh Sơn Tây, dưới được các huyện Chương Đức, Từ Liêm tỉnh Hà Nội; từ Thụy Nguyên về tây theo đường Quan Hoá ra các vùng Mán Xôi: Trình Cố, phủ Trấn Nam (nay thuộc nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào), thì phía bắc đến được các châu Mai, Mộc, tỉnh Hưng Hoá, phía tây tới được miền đông nước Nam Chưởng.

Từ Thụy Nguyên về phía nam qua các huyện Đường Dương, Nông Cống rồi đi về đông nam theo đường huyện Quế Phong phủ Quỳ Châu (nay thuộc Nghệ An) ra Nhũng Đường đến Tương Dương xuống Anh Sơn (nay thuộc Hà Tĩnh) thì tới được được các huyện hạ du Nghệ An. Hà Tĩnh; từ Nông Cống rồi đi về phía nam theo đường huyện Thuý Vân phủ Quỳ Châu ra huyện Kỳ Sơn (thuộc phủ Tương Dương) đến Trấn Ninh vào châu Quỳ Hợp... thì tới được các động núi ở Quảng Bình, Quảng Trị...

Tính các đường đi như thế, thực đúng như phép binh gia “xét kỹ từng mũi tên” (nghĩa là phải chuẩn bị cẩn thận trước. (2) GS Đào Duy Anh đã viết : trước vua đi đường bộ, có lẽ là do thiên quan rồi theo đường sông Bưởi hay do đèo Phố Cát mà đến sông Mã, qua sông Mã ở khoảng làng Đan Nê huyện Yên Định là nơi có đền Đồng Cổ ở chân núi. Từ đó chắc là theo đường núi qua Thọ Xuân và Nông Cống mà vào Tĩnh Gia đến sông Bà Hoà thì mới theo đường kênh sắt mà vào Nghệ An” (3).
 
Trước thế kỷ X đường bộ Thanh Hóa đã hình thành nối liền với Bắc Bộ. Nhưng do những điều kiện tự nhiên và xã hội nó chưa trở thành vai trò chủ lực trong hệ thống giao thông giữa hai vùng thì đường giao thông thuỷ từ trung tân của quận Giao Chỉ đến quận Cửu Chân- Châu Ái đã trở thành quan trọng nhất. Đó là từ sông Hồng phía hữu ngạn vào sông Phủ Lý (tức sông Chân Cầu) rồi sông Đáy, sông Vân Sàng vùng Ninh Bình đến cửa Thần Phù vào Thanh Hoá.

Con đường thuỷ đó đã được hình thành từ đầu công nguyên. Thuỷ kinh chú (sách viết đầu thế kỷ VI) dẫn lại Lâm Ấp ký chép như sau: “Sông Uất Thuỷ phía nam thông với Thọ Linh, tức là một ngách sông vậy ngách ấy ở trên tiếp với sông ngách Đô Quan Tái ở phía nam Giao Chỉ” (4) và dẫn lại Lân Ấp ký: “Sông ngách ấy thông với huyện Đồng Cổ, ở đấy có trống đồng nên mới gọi tên là thế. Xưa Mã Viện lấy trống đồng ấy để đúc ngựa đồng. Đến cửa Tạc Khẩu (cửa ấy do Mã Viện đào) trong thì thông với huyện Phố Dương quận Cửu Chân” (5).


________________________

(1) Ch. Robequain: “Le Thanh Hoa”. bản dịch của Xuân Lênh. tr.245.
(2) Đặng Xuân Bảng: Sử học bị khảo. VSH. Nxb Văn hoá thông tin. N.1997. tr.287-288
(3) Đào Duy Anh: Đất nược Việt Nam qua các đời. Nxb Khoa học.  N.1965, tr.174.
(4), (5) Lịch Đạo Nguyên: Thuỷ kinh chú, bản dịch của Phan Huy Tiếp. tư liệu khoa Lịch sử. Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội.  tr. 104.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #101 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2009, 07:29:46 pm »

Theo GS. Đào Duy Anh, con đường thuỷ Mã Viện đi như sau: “Mã Viện từ sông Hồng đi sang sông Đáy do sông Chân Cầu (tức sông Phủ Lý) thì cái cửa sông quan trọng mà Mã Viện đi qua đó (cửa sông Đô Quan Tái) có thể là ngã ba Chân Cầu hay ngã ba Gián Khẩu. Viện đi qua Tạc Khẩu để đi vào nội địa Cửu Chân mà đến Tư Phố “ (1).

Đinh Văn Nhật chỉ rõ: “Đô Quan Tái là đầu mối giao thông đường thuỷ vào Đồng Cổ thuộc vùng Yên Định thông với Đồng Cổ, vượt ra ngoài đến Hoàng Cương, Tâm Khẩu huyện An Định, nhờ cửa ấy mà qua Đồng Cổ tức đất Lạc Việt, đấy có trống đồng nên đặt tên ấy. . . đến cửa Tạc Khẩu, do Mã Viện đào, phía trong thông với Phố Dương (sửa là Tư Phố) quận Cửu Chân” (2).

Mã Viện đã đứng ra tổ chức, huy động một lực lượng lớn để đào sông qua cửa Tạc Khẩu, nhằm mục đích tạo thành một tuyến giao thông thuỷ an toàn, thuận lợi và nhanh chóng để đưa lực lượng vào  Cửu chân đàn áp các lực lượng hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng: “Mã Viện đã đào một lối ngang qua những lối Cửu Chân và xếp đá thành một con đê để ngăn sóng biển. Từ đó người ta không bị bắt buộc phải đi ra biển nữa” (Nam Việt chí).

Địa điểm: “Chỗ núi đào đó gọi là Tạc Sơn. Chỗ cửa biển ngăn sóng đó là Tạc Khẩu’ (theo Thái Bình hoàn vũ ký). Ngày nay khu vực đó thuộc xã Nga Điền huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hoá và huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình. Nhờ con đường đó mà “Mã Viện đem lâu thuyền lớn nhỏ hơn 2.000 chiếc, chiến sĩ hơn 2 vạn người, theo đánh dư đảng của Trưng Trắc là bọn Đô Dương ở Cửu Chân”. Con sông đào này được hoàn thành không thể không kể đến sự đóng góp sức người, đặc biệt là kinh nghiệm đào sông của nhân dân ta.

Như vậy, rõ ràng ngay từ đầu Công nguyên đường thuỷ từ lưu vực sông Đáy vào các sông Cửu Chân qua cửa Tạc Khẩu đã được hình thành.

2. Vua Lê Đại Hành - người đầu tiên tổ chức đào sông

2.1. Sông đào thời Lê Đại Hành

Năm 981, Lê Hoàn (Lê Đại Hành) lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Thiên Đức, kinh đô vẫn tiếp tục đóng ở Hoa Lư. Vùng đất Hoa Lư là quê hương của Đinh Tiên Hoàng (nay thuộc xã Trường Yên huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình). Vào thế kỷ X, đất Hoa Lư có núi đá cao bao bọc xung quanh, núi sông tạo thành những phòng tuyến liên hoàn, rất lợi hại trong việc phòng thủ và tiến công (3) và tiếp giáp với châu Ái.
 
Sau khi tiến hành “kháng Tống, bình Chiêm” thắng lợi, đánh giá công lao của tê Đại Hành, nhà sử học Lê Văn Hưu thời Trần đã viết: chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được” (4) Tiếp đó, Lê Đại Hành đã thi hành nhiều biện pháp tích cực để phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng.

Trong xây dựng đất nước, Lê Đại Hành đã tiến hành hàng loạt các biện pháp để thúc đẩy kinh tế, văn hoá xã hội phát triển. Với sự kiện “mùa xuân Đinh Hợi, năm Thiên Phúc thứ 8 (987), vua lần đầu tiên cày ruộng tịch điền ở Đọi Sơn” (5), Lê Đại Hành đã mở đầu cho một lễ nghi mà tất cả vương triều sau tiếp tục noi theo để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp.


______________________________
(1), (2) Đào Duy Anh: Đất nước việt Nam qua các đời, Nxb Khoa học.N.1965, tr.37, 40, 41.
(3) Lịch sử Hà Nam Ninh. Tập 1, Sở VHTT Hà Nam Ninh, 1988, tr. 76.
(4) (5). Ngô Sỹ Liên và sử thần triều Lê: Đại việt sử  toàn  thư, Tập 1. Nxb KHXH, N.1985. tr.218. 217, 220. 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #102 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2009, 07:33:32 pm »

Một công trình kết hợp để phát triển kinh tế với quốc phòng là: Công trình đào sông từ Đồng Cổ đến Bà Hoà. Toàn thư chép: “Khi nhà vua đi đánh Chiêm Thành, từ núi Đồng Cổ đến sông Bà Hoà, đường núi hiểm trở khó đi, người ngựa mỏi mệt, đường biển thì sóng to khó đi lại, bèn sai đào kênh, đến đây (Quý Mùi-năm 983) thì xong, công tư đều lợi” (1).
 
Đồng Cổ nằm ở hữu ngạn sông Mã (nay thuộc xã Yên Thọ huyện Yên Định tỉnh Thanh Hoá). Sông Bà Hoà ở phía cực nam tỉnh Thanh Hoá, thuộc xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia, giáp huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đổ ra cửa Lạch Bạng. Như vậy, Lê Đại Hành đã cho tiến hành đào sông nối sông Mã ở bắc Thanh Hoá với sông Bà Hoà ở nam Thanh Hoá- bắc Nghệ An. Nhưng điều đó không có nghĩa là đào một con sông hoàn toàn mới. Lê Hoàn đã tận dụng những chi lưu nhỏ của các sông Mã, sông Cầu Chày, sông Chu, sông Hoàng, sông Yên... khơi sâu, nắn thẳng và đào một số đoạn cần thiết để hình thành một tuyến giao thông thuỷ nội địa thuận tiện từ bắc đến nam Thanh Hoá.

Công trình đào sông thời Tiền Lê do Lê Hoàn khởi dựng đã “mở đầu cho sự nghiệp phát triển hệ thống giao thông thuỷ nội địa Việt Nam dưới thời phong kiến” của nước ta vào thế kỷ X thể hiện sự lớn mạnh của quốc gia độc lập tự chủ trong việc thực hiện chức năng quản lý các công trình công cộng của nhà nước phương Đông.

Sau khi đánh thắng quân Tống, để bảo vệ và mở mang bờ cõi ở phía nam, Lê Đại Hành đã hành quân tiến vào Chiêm Thành.

Lê Đại Hành từ kinh đô ở đất Trường Yên vào Ái Châu phải vượt qua các huyện Phụng Hoá (nay là Nho Quan - Ninh Bình) và Thạch Thành (Thanh Hoá). Cho nên khi hành quân đánh Chiêm Thành đi đường bộ không thể không đi qua khu vực Đồng Cổ. (2)

Đến thế kỷ X, đường bộ Thanh Hoá vào phía nam cũng hiểm trở không kém ra phía bắc. Đường thuỷ nếu theo đường Mã Viện đào ở Thần Phù mới đến vùng phía Bặc huyện Nga Sơn Đường vào các huyện đồng bằng Thanh Hoá hay vào các châu Hoan, Diễn không thể có đường nào khác ngoài cách đi đường bộ hoặc vượt biển.

Từ bắc đến nam Thanh Hoá đường bộ thì hoang vu, rậm rạp, đường biển thì bão tố thất thường không chủ động. Đường thuỷ tuy có các sông lớn và các nhánh nhỏ nhưng do địa hình và phụ thuộc vào thời tiết nên tuyến giao thông thuỷ theo hướng bắc - nam chưa được hình thành.

GS. Văn Tân cho rằng: “Trong trận viễn chinh này (Lê Đại Hành đi đánh Chiêm Thành), Lê Đại Hành nhìn thấy con đường bộ đi vào Nghệ Tĩnh là con đường khó đi, làm nhọc sức quân đội và nhọc cả sức dân, gây nhiều tổn phí cho nhà nước. Vì vậy nhà vua đã ra lệnh đào một con kênh từ Bố Hạ, Quảng Xương ngày nay đến sông Bà Hoà (Tĩnh Gia) để có thể từ sông Mã cứ theo đường thuỷ mà vào đến tận Nghệ An rồi từ Nghệ An liền ra biển”. (3)

Theo GS. Đào Duy Anh: “Từ trước người ta giới thiệu việc này là cho đào kênh từ Đan Nê đến sông Bà Hoà (Đan Nê là do đổi từ Đan Nãi). Nhưng xét về địa thế từ Đan Nê ở Yên Định đến Bà Hoà ở phía nam huyện Tĩnh Gia nhiều núi non hiểm trở không thể có đường kênh được. Tưởng nên hiểu là Lê Hoàn thấy đường bộ từ Đan Nê đến phía nam Tĩnh Gia đường đi vất vả nên sai đào kênh tục gọi là sông Nhà Lê để có thể từ sông Đáy đi luôn đường sông mà vào Nghệ An được”.


________________________
(1)  Ngô Sỹ Liên và sử thần triều Lê: Đại việt sử  toàn  thư, Tập 1. Nxb KHXH, N.1985. tr.218. 217, 220. 
(2) Hoa Bằng: Lược khảo về lịch sử đê qua các triều đại. Tập san nghiên cứu VSĐ số 31 tháng 8 năm 1957. tr.12.
(3) Văn Tân : Đường giao thông từ Bắc vào Thanh Hoá, Nghệ Tĩnh từ thế kỷ X đến thế kỷ XVIII. Tạp chí NCLS số 3- 1982. tr.52. 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #103 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2009, 07:37:54 pm »

GS. Đào Duy Anh cho rằng: “Trước khi đi đường bộ có lẽ là do thiên quan rồi theo đường sông Bưởi hay do đèo Phố Cát mà đến sông Mã ở khoảng làng Đan Nê huyện Yên Định là nơi có đền Đồng Cổ ở chân núi. Từ đó chắc là theo đường núi qua Thọ Xuân, Nông Cống mà vào Tĩnh Gia đến sông Bà Hoà thì mới theo đường kênh Sắt mà vào Nghệ An rồi từ đó theo đường biển mà vào Chiêm Thành. Nay đào kênh mới để có thể từ bắc do sông Chính Đại mà vào Thanh Hoá và từ sông Mã theo đường kênh mới đào từ khoảng Bố Vệ tục gọi là sông Nhà Lê để vào sông Bà Hoà” (1).
 
Như vậy, tác giả đã cho rằng việc đào sông thời Lê Đại Hành chỉ bắt đầu từ Quảng Xương đến Tĩnh Gia. Như thế có nghĩa là khu vực có đền Đồng Cổ không phải là nơi khởi đầu của công trình “đào kênh” thời Tiền Lê. Điều đó không có sức thuyết phục. Bởi vào thời Đinh - Lê kinh đô Đại Cồ Việt ở Hoa Lư. Từ Hoa Lư vào Thanh Hoá và từ Thanh Hoá đến Nghệ An con đường hành quân của Lê Đại hành “phải qua núi cao rừng rậm người ngựa mỏi mệt”... mà Đồng Cổ là trung tâm điểm của giao thông thuỷ bộ Thanh Hoá vào thế kỷ X.

Hơn thế nữa, thế kỷ X đồng bằng Thanh Hoá mới bắt đầu khai phá, dân cư tập trung ở ven các vùng trung du đồi núi tiếp giáp với đồng bằng. Như sử sách ghi lại: Phép dùng binh ngày xưa thường coi trọng sự kết hợp thủy bộ. Vùng Đồng Cổ là điểm tập kết của quân bộ theo đường Thiên Quan vào Thanh Hoá. Và đó cũng là điểm tập kết của đường thuỷ từ kênh Đô Quan Tái - “đầu mối giao thông đường thuỷ vào Đồng Cổ” thuộc vùng Yên Định. (2)

Rõ ràng Đan Nê cổ không chỉ là nơi thờ thần trống đồng mà cả vùng đó còn là một khu vực hội tụ của các đạo quân thuỷ, quân bộ từ bắc vào Thanh Hoá trước khi tiến vào phía nam.

Vào thế kỷ X, sông Mã ở vùng Đan Nê không đi theo hứơng của hiện tại. Những đầm nước, ao hồ... và chất đất của các cánh đồng trong vùng đã chứng tỏ xưa kia dòng sông Mã đã đi qua. Đến khi đổi dòng những đoạn sông xưa thường gọi là sông Mạn Định để lại những đầm nước. Tất cả những đầm nước đó ngày nay đã bị lấp dần để canh tác hoặc làm nơi cư trú. Nhưng vẫn còn tồn tại một dòng sông nhỏ cách thị trấn Kiểu (nơi có trạm bơm nam sông Mã) khoảng 3km được thông với sông Mã bằng hệ thống cống tiêu. Hệ thống cống tiêu và dòng chảy của nó xuyên qua các xã Yên Thọ, Yên Trung, Yên Giang... có chức năng thoát nước ra sông Mã về mùa mưa. 

Nguyễn Đình Thực nêu ý kiến về vấn đề này như sau: “Sông Mã có đoạn chuyển dòng lớn nhưng không tác động trực tiếp đến dòng sông khác như đoạn Mạn Định từ Đan Nê đến Kiểu”; “Sông Mã đi thẳng từ Đan Nê hạ (Làng Sổ) xuống Đan Nê thượng qua núi Thọ Vực về phía trước động Hồ Công mà xuôi xuống Hổ Nam - Phù Hưng ngày nay. Do đó vùng Đồng Cổ vẫn là chỗ thuận tiện cho đầu mối kênh” (4) .

Vùng Đồng Cổ nằm ở hữu ngạn sông Mã. Tả ngạn là huyện Vĩnh Lộc ngày nay. Nếu ở hữu ngạn chỉ có núi Khả Lao và một núi đất ở sát thị trấn Kiểu thì tả ngạn là núi Hí Mã “hình núi trông như trường đua ngựa, đứng sững một mình, nằm trên sông lớn, là chỗ đăng cao (treo đèn) và Tết trùng cửu của người địa phương” và núi Xuân Đài có động Hồ Công là danh thắng” (5).

Hai dãy núi này đều thuộc xã Vĩnh Ninh đối diện với vùng Đan Nê. Sông Mã chảy qua vùng này một bên là núi đá liên tiếp và bên kia là một núi đất nhỏ và vùng đất đồng bằng. Như vậy, sông Mã vào mùa nước lũ sau khi chảy qua các vùng thuộc miền núi và trung du vào địa phận vùng đồng bằng đã gặp một phía tả là núi giăng thành và do đó nguồn nước mạnh sẽ tập trung tràn về phía hữu, đến khi dòng nước mùa lũ rút để lại một lượng phù sa và dấu ấn những dòng nước đọng lại không rút ra sông Mã được.


________________________
(1) Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời. Nxb Khoa học.  8.1965. tr.174.
(3) Đinh Văn Nhập : Đất Cửu Chân về thời Hai Bà Trưng. Tạp chí NCLS số 159- 1975. tr.22.
(4) Nguyễn Đình Thực: Sông đào thời Lê Hoàn. Tạp chí NCLS. số 178 1976. tr7.
(5) Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí. Tập II. Nxb KHXH H.1970. tr.226. 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #104 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2009, 07:42:32 pm »

Liên tiếp trong nhiều thế kỷ như vậy vùng Đan Nê có nhiều những đầm nước tự nhiên trong các làng xóm. Theo quy luật của tự nhiên và kinh nghiệm của cơ dân trồng lúa nước, những rãnh thoát nước cho ruộng đồng cùng sự chảy từ cao xuống thấp đã tạo ra những con lạch thoát nước. Cứ lớn dần lớn dần thành con sông nhỏ chạy vòng vèo quanh vùng Đan Nê. Tự nhiên và con người đã tạo ra con đường thoát nước và dẫn nước cho vùng từ Bùi Xá đến sông Mã ở Đan Nê (tức là từ xã Yên Phú đến Đan Nê hạ thuộc Yên Thọ).

Phía nam làng Bùi thuộc xã Yên Phú có núi Lời cao 200-300m. Do đó, cánh đồng có độ cao hơn. Phía tây núi Lời có hai nhánh sông của sông Cầu Chày từ Ngọc Lặc qua Thọ Xuân xuống vùng Phúc Tỉnh (xã Yên Đạo) thường gọi là sông Sen, sông Bèo tạo thành ranh giới tự nhiên của hai huyện Yên Định-Thọ Xuân.

Để nối sông Mã ở vùng Đan Nê với sông Cầu Chày thuận tiện dễ dàng nhất là nạo vét khơi rộng dòng chảy từ vùng trũng làng Bùi để nước sông Mã chảy vào và đào một đoạn kênh mới từ phía nam làng Bùi xuống Phúc Tỉnh thông ra sông Cầu Chày.

Ở làng Bùi hiện nay có đền thờ Đào Lang. Theo thần tích được truyền lại ông là tướng của nhà Đinh và nhà Lê có nhiều công lao trong trận mạc. Khi tổ chức đào kênh, Lê Hoàn đã cử ông chỉ huy công việc này (1).
 
Như vậy tuyến kênh từ hữu ngạn sông Mã trên khu vực Đồng Cổ đào thông với sông Cầu Chày ở khu vực xã Yên Lạc (Yên Định) và Định Tăng (Thiệu Hoá) như sau: Từ Đồng Cổ thẳng đến làng Bùi, từ đó xuống Phúc Tĩnh. Nối sông Mã với sông Cầu Chày thường được gọi là kênh Bùi Đỉnh. Dọc các làng Bùi, làng Trịnh Lộc ngày nay con kênh còn để lại một dọc ruộng sâu rất dễ nhận. Còn đoạn từ làng Bùi đến Hà Xá đi qua vùng đồng trũng nên dấu vết không rõ.

Điều đáng lưu ý là đoạn từ Hà Xá đến Đan Nê thượng, kênh đi theo đường thẳng cho nên làng Ngọc Luật thuộc Hà Xá bị chuyển sang phía tả kênh đào, liền với các làng Lại Xá, Điền thôn, Đô thôn xã Hà Đô. Sau này do nước sông Mã nhiều lần có thế nước mạnh đã phá cửu kênh lại cắt làng Ngọc Luật ra khỏi các làng trên và làm biến dạng kênh đào. Đồng thời cũng tạo nên một con sông tự nhiên nhưng lại theo hướng cơ bản của kênh đào mà dân trong vùng gọi là sông Mạn Định.

Để khai thông đường thuỷ về phía nam từ vùng Đan Nê nối với sông Cầu Chày (cự ly khoảng gần 10km), Lê Đại Hành cho lực lượng nạo vét, nắn thẳng, khơi rộng các lạch nước vốn có và phải đào một đoạn kênh mới khoảng 2km. Từ khu vực Đồng Cổ, con kênh đào đi qua các làng Bùi, Hà Xá (nay thuộc xã Yên Trung, Yên Giang)... nối với sông Cầu Chày ở các làng Bốc, làng Cát, Kẻ Vọc, Bái Trai thuộc các xã Yên Lạc, Định Tăng (2).
 
Đến thời Tiền Lê vùng Đan Nê không chỉ là nơi có đền thờ trống đồng linh thiêng của cả nước, điểm hội tụ của giao thông thuỷ bộ từ bắc vào Thanh Hoá mà đã trở thành điểm khởi đầu của con đường giao thông thuỷ nội địa chiến lược từ Thanh Hoá vào nam.

Sau khi thông tuyến với sông Cầu Chày, Lê Đại Hành cho quân lính chọn điểm nối sông Cầu Chày với sông Lường (tức sông Chu). Cùng chảy theo hướng tây bắc-đông nam, sông Cầu Chày và sông Lường có đoạn gàn nhau nhất ở Thiệu Ngọc (huyện Thiệu Hoá) và Xuân Vinh (huyện Thọ Xuân khoảng 2 Lưn. Không chỉ có chiều dài ngắn nhất mà khi nối thông sông Cầu Chày với sông Lường thì bờ nam sông tường đó chính là khu Vực Trung (thuộc 2 xã Xuân Khánh, Thọ Nguyên huyện Thọ Xuân). Theo GS. Đào Duy Anh đó là: “một điểm có nhiều dấu ấn liên quan đến huyện trị Cư Phong (3) thời Hán và Cổ Lôi ở thế kỷ X”. Đoạn kênh đó ngày nay được gọi là kênh Ngọc Quang có tác dụng quan trọng trong giao thông và thuỷ lợi hiện tại.


_____________________
(1) Lịch sử thanh Hoá. Tập 2. Nxb KHXH, N.1994. tr. 109. 120.
(2) Lịch sử Thanh Hoá, Tập 2 Nxb KHXH . N. 1994, tr. 109. 120.
(3) Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời. Nxb Khoa học.  H.1965. tr 52. 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #105 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2009, 09:39:34 pm »

Để nối sông Chu với sông Hoàng theo đường sông Hoàng vào sông Yên, Lê Đại Hành đã tận dụng triệt để các dòng sông nhỏ chảy quanh co của vùng đồng bằng châu thổ bằng cách khơi rộng, đào sâu lòng sông và nắn lại những đoạn gấp khúc cần thiết. Con kênh này từ vùng Cầu Kè, Mao Xá qua chợ Đu (nay là Thiệu Vận, Thiệu Toán) đến Kinh Tháp, Cựu Trạch, nối nhánh sông Lương với sông Hoàng đi qua các vùng Đông Minh, Đông Hoà, Hoàng Nghiêu... Len lỏi qua làng xóm ruộng đồng nên rất quanh co gấp khúc, có hình chữ chi.  Phần lớn là nạo vét mở rộng thêm chứ không có các đoạn thẳng tắp như các kênh ở trên.

Do vậy, từ Trung Vực thuyền bè đã xuôi dòng thuận tiện qua các vùng Đông Sơn, Nông Cống, Quảng Xương đến ngã ba Vua Bà (thuộc xã Tế Tân huyện Nông Cống ngày nay). Đó là địa điểm sông Hoàng và sông Nhơm cùng đổ vào sông Yên. Sở dĩ nơi gặp nhau của sông Hoàng và sông Nhơm gọi là ngã ba Vua Bà.

Vì hiện nay ở khu vực này có đền thờ Vua Bà với truyền thuyết kể lại: Bà là con gái Lê Ngọc - một quan lại nhà Tùy được cử làm Thái thú quận Cửu Chân. Khi nhà Tuỳ mất, ông nổi lên chống lại nhà Đường tự xưng là hoàng đế, dựng kinh đô Trường Xuân (trên vùng đất Đông Hoà, Đông Sơn ngày nay). Sau khi ông mất nhà Đường sai quân đánh dẹp, các con ông Lê Ngọc đứng lên tập hợp lực lượng chống lại nhưng đều thất bại.

Khi đó bà ở Đô Lương được tin ra tìm anh em thì tất cả đã tử trận liền nhảy xuống sông tự vẫn. Xác bà trôi đến khu vực này thì nổi lên. Nhân dân huyện Nông Cống thương tiếc lập đền thờ, đặt tên là “Tam Giang thần mẫu tôn thần” thường gọi là “đền Vua Bà”, hàng năm nhân dân trong vùng cứ đến ngày 20/3 âm lịch là tổ chức thi bơi thuyền từ làng Mưng xã Trung Chính huyện Nông Cống đến xã Tế Tân huyện Nông Cống để tưởng nhớ bà”. (1)

Từ sông Yên (sông Vũ Long hay Ngọc Giáp), Lê Đại Hành huy động lính đào một tuyến kênh nối với Lạch ựang vào từ Lạch Bạng nối với sông Bà Hoà ở phía cực nam Thanh Hoá.

GS. Đào Duy Anh cho rằng: “Trại Bà Hoà thì đất ở trên sông Bà Hoà. Sông này ở thôn Đông Hoà ở về phía nam huyện Ngọc Sơn. Chúng tôi đoán là kênh Xước là khúc kênh phía bắc thông với sông Ngọc Giáp. Phía nam thông với kênh Sắt trên đường giao thông từ Thanh Hoá vào Nghệ An” (2).
 
Nguyễn Đình Thực nhận xét rằng: kênh Trầm Mông (còn gọi là kênh Trầm hay kênh Hoà Lạc) từ Liên Hồ Hào qua Trường Xuân đến cầu Hang, nối sông Đáy một nhánh của sông Vạy gần cửa Ghép với sông cầu Hang, nhánh của sông Bà Hoà”. (3)  Bà Hoà ở phía nam Tĩnh Gia giáp với Nghệ An. Vùng phía cực nam Tĩnh Gia ngày nay gồm có 3 xã: Hải Thượng, Trường Lâm, Tân Trường. Trước thế kỷ XIX các xã đó đều thuộc xã Đồng Loan thuộc tổng Duyên La (4), Xã Hải Thượng xưa gọi là Yên Hoà. Ở đây có nhà thờ họ Nguyễn. Theo truyền thuyết dân gian: “Ông Nguyễn Thế Quế cùng ba ông họ Lê làm quan thời Tiền Lê. Sau khi về hưu, các ông về đây dựng làng lập ấp, Đây là vùng đất tương đối bằng phẳng không có núi cao và giáp biển.

Khác với Hải Thượng, Trường Lâm là xã có nhiều đồi núi. Xã này có ranh giới giáp với Nghệ An, các dãy núi đá đều có nhiều hang động. Trên đất Trường Lâm ở khu vực Cồn Chè đã phát hiện nhiều di vật thuộc văn hoá Đông Sơn.

Còn xã Tân Trường ở phía tây ở xã Trường Lâm cũng nhiều đồi núi. ở địa phận xã này có một nhánh sông, nguồn từ núi Thục Sơn. Sông chảy theo hướng tây-đông qua Trường Lâm đến Hải Thượng thì theo hướng bắc đổ ra cửa Bạng đến nay nhân dân vẫn gọi sông đó là sông Bà Hoà.

Đại Nam nhất thống chí chép: “Núi Thục Sơn ở xã Đồng Loan cách huyện Ngọc Sơn 17 dặm về phía nam. Có khe nước lạnh, giáp địa giới huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An” (5). 


__________________________
(1) Thanh Hoá chư thần - Tư liệu Ban Nghiên cứu và biên soạn Lịch sử Thanh Hoá. tr. 102. 103.(2) Nguyễn Đình Thực: Hình thể sông ngòi xưa và những thay đổi lớn của những dòng sông chính ở đồng bằng Thanh Hoá. Tạp chí NCLS số 178 - 197g. tr.49.
(3) Viện Hán Nôm: Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ trước .Nxb KHXH. N. 1981 . tr.266.
(4) Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí. Tập 2. Nxb KHXH, N. 1970. tr.231.
(5) Ngô Đức Thắng: Tổng hợp gia phả họ Ngô.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #106 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2009, 10:57:36 pm »

Sông Bà Hoà là tên gọi khi chảy qua địa phận xã Tân Trường đến Hải Thượng theo hướng Bặc gọi là sông Yên Hoà đổ ra cửa Bạng. Từ khu vực xã Trường Lâm một dòng sông chảy theo hướng nam đi men theo chân núi Xước nối với sông Hoàng Mai (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Đó là kênh Bà Hoà mà Lê Đại Hành cho khơi đào.

Vùng đất Bà Hoà trên đất Tĩnh Gia vào cuối thế kỷ X có thể là một trong những nơi Lê Đại Hành đã sử dụng để làm trại cho tù binh Chiêm Thành và bắt họ đào kênh thông với Nghệ An. Vì thế nhiều người cho rằng không phải ngẫu nhiên mà tồn tại danh từ “Bà Già” hay “Bà Hoà” ở vùng đất này. Ngày nay, khu vực đó thuộc địa phận ba xã Hải Thượng, Tân Trường, Trường Lâm huyện Tĩnh Gia.

Trên cơ sở dòng chảy tự nhiên của các sông, Lê Đại Hành đã huy động lực lượng cho đào kênh từ cửa Thị Long nối với sông Cầu Hang để xuôi ra cửa Bạng. Sông này phải đi qua các núi đá Liên Xá, Am Các, Hậu Trạch nên gọi là kênh Than - kênh Trầm.

Trong Gia phả họ Ngô có chép: Ngô Tử Án là con trai Ngô Xương Sắc. ông làm quan triều Tiền Lê Lý, được Lê Đại Hành sai đào vét các kênh sông từ Yên Định đến TĩnhGia... Trên kênh Sắt (nay thuộc Quỳnh Lưu) ngày nay còn dấu vết một chiếc ghế đá tạc trong hang sát với kênh Sắt. Chỗ tựa có ba chữ “Thuỷ Thạch Tiên”, trên vách đá có bài thơ.

Tương truyền ghế đá và bài thư của Ngô Tử Án. (1) Đó là một trong những tín hiệu dù còn phải khảo chứng nhưng đã hé mở về một tuyến kênh đào đã ghi công lao của những người trực tiếp thực hiện.

Từ sông Bà Hoà đổ ra cửa Bạng, quân lính Lê Đại Hành đã đào một đoạn kênh thẳng ở vùng Mai Lâm, dài khoảng 1,5km, để uốn thẳng dòng sông vốn đi theo hình vòng thúng, men theo dòng nước chảy ở khe nước lạnh. Khe nước lạnh ở phía bắc huyện Quỳnh Lưu là chỗ phân địa giới giữa Nghệ An và Thanh Hoá. Nước khe từ trong hang núi vọt ra lạnh buốt ghê người, nên gọi tên thế (2).

Tóm lại: Sông đào từ Đồng Cổ đến Bà Hoà ở thế kỷ X do Lê Đại Hành tổ chức thực hiện là con đường giao thông thuỷ nội địa đầu tiên của nước ta. Con đường đó đã đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp bảo vệ vững chắc và mở mang bờ cõi phía nam và còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội Thanh Hoá trong suốt tiến trình đi lên của lịch sử dân tộc.

Mười năm sau khi đào sông từ Đồng Cổ đến Bà Hoà, năm “Quý Mão (1003), Lê Đại Hành đi Hoan Châu (Nghệ An) sai đào kênh Đa Cái” (3).  Đó là tuyến nối kênh Sắt ở bắc Nghệ An với sông Lam. Như vậy, từ đó đi từ vùng sông Mã (Thanh Hoá) đến vùng sông Lam (Nghệ An) ngoài tuyến đường bộ và đường biển có một tuyến đường thuỷ nội địa an toàn, thuận tiện.


________________________
(1) Quốc sử quán triều Nguyễn: Khâm định Việt sử thông giám cương mục,Tập 1. Nxb Giáo dục. N. 1998. tr. 151.
(2) Quốc sử quán triều Nguyễn:Khâm đinh Việt sử thông giám cương mục. Tập I. Nxb Giáo dục. N.1998, tr.151.
(3) Hoa Bằng: Lược khảo về lịch sử đê qua các triều đại, Tập san nghiên cứu VSĐ. số 31 tháng 8 năm 195. tr.251. 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #107 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2009, 11:02:34 pm »

2.2. Tác dụng của sông đào thời Lê Đại Hành

Trước thế kỷ X và cả sau này đường bộ đi từ Giao Châu đến Ái Châu (Thanh Hoá) hết 10 ngày, từ Ái Châu đi về đông nam đến Diễn Châu hết 5 ngày. Đi ngựa mỗi ngày 70 dặm, đi bộ mỗi ngày 50 dặm (1).

Như thế, tính từ Giao Châu đến Thanh Hoá đường đi dài 500 dặm, Thanh Hoá đến Diễn Châu là 250 dặm.  Con đường thuỷ từ bến Hà Nội vào đến Thanh Hoá là 416 dặm (2). Trên đất Thanh Hoá, đường thuỷ từ Tống Giang đến tỉnh Thanh Hoá có 77 dặm (3) còn đến Diễn Châu là 140 dặm (4).

Con đường đó không những ngắn mà rất thuận lợi bởi dùng thuyền bè nặng hay nhẹ thì mỗi ngày cũng đi được 70 dặm (5), hoặc chí ít ra cũng bằng người đi bộ nhưng thuận tiện và nhàn hạ hơn nhiều so với đi đường bộ.

Từ đó, Thanh Hoá đã hình thành một tuyến giao thông đường thuỷ mới mà trước thời Tiền Lê không có. Thuyền bè từ đây có thể đi khắp mọi vùng Thanh Hoá, từ bắc vào nam tránh được đường biển đầy bão tố, đường bộ núi đèo hiểm trở. . . năng suất vận chuyển hiệu quả và nhanh chóng gấp nhiều lần đi bằng đường bộ.

Sau chiến thắng Chiêm Thành năm 982 trở về kinh đô, Lê Đại Hành nhận thức rõ tầm quan trọng của giao thông trong chiến tranh.  Nhưng với điều kiện chủ quan lúc bấy giờ việc mở mang phát triển đường bộ không dễ dàng. Lê Đại Hành đã tận dụng dòng sông tự nhiên khơi đào nối liền chúng thành một hệ thống suốt từ Đồng Cổ đến Tĩnh Gia. Như vậy, rõ ràng mục đích đào kênh từ Đồng Cổ đến Bà Hoà của Lê Hoàn là phục vụ cho nhu cầu giao thông quân sự.

Những con kênh đào đó đã góp công không nhỏ giúp cho Lê Đạ Hành, Lê Long Đĩnh ra quân dẹp các cuộc nổi dậy ở Thanh Hoá trong các năm 999, 1001 , 1005. Tháng 7 năm 1009, Lê Long Đĩnh ra quân đánh dẹp châu Hoan Đường (thuộc các huyện Nam Đàn, Anh Sơn, Đô Lương tỉnh Nghệ An), thuyền rời cửa Hoàn (?) ra ngoài biển chợt gió to, sóng lớn mây mưa tối sầm, bèn quay thuyền trở lại. Sau đó sợ đường biển khó khăn nguy hiểm, đi đường bộ về kinh sư”. (6) 

Các dòng sông đào trên đất Thanh Hoá có từ thời Lê Đại Hành và các thời Lý, Trần, Hồ. Lê, Nguyễn tiếp tục khơi đào, thực sự “có lợi cho hàng vạn năm sau" (Đặng Huy Trứ). Mặc dù có một số đoạn sông vùng Thọ Xuân, Yên Định, Đông Sơn, Hoằng Hoá sau không phát huy tác dụng bởi có các công trình khác làm sau này.

Nhưng về cơ bản các sông đào đó, đến hiện nay luôn được khơi đào nạo vét để sử dụng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, những dòng sông đào đó là đường vận chuyển vũ khí lương thực, thực phẩm của ta cho các chiến dịch Hoà Bình, Thượng Lào, tiêu biểu là chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngay trong những ngày tháng oanh liệt nhất, khó khăn nhất của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, những dòng sông đào từ Nga Sơn đến Tĩnh Gia lại trở thành tuyến vận chuyển nhân tài vật lực của cả miền bắc vì miền Nam ruột thịt. 

Chính vì vậy mà các sông đào trên đất Thanh Hoá có từ thời Lê Đại Hành luôn được nạo vét, tu bổ. Những giá trị lớn lao về mặt kinh tế - văn hoá do sông đào mang lại vẫn giữ nguyên giá trị trong mọi thời đại, nó cũng là những bài học kinh nghiệm quý giá trong quá trình chinh phục tự nhiên để xây dựng và phát triển giao thông thuỷ nội địa trong thời kỳ hiện tại.


_______________________

(1) (2) (3) Đặng Xuân Bảng: Sử học bị khảo. VSH, Nxb Văn hoá thông tin. N. 1997. tr.240. 251. 259.
(4) Nguyễn Văn Siêu: Đại việt địa dư toàn biên: Nxb Văn hoá. N.1997. tr.43.
(5) Hoa Bằng: Lược khảo về lịch sử đê qua các triều đại. Tập san nghiên cứu VSĐ. số 31 tháng 8 năm 1957. tr.15.
(6) Ngô Sỹ Liên và sử thần triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư. Tập I. Nxb KHXH. N.1985. tr.235.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #108 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2009, 11:05:50 pm »

3. Một vài nhận xét

3.1. Trong công cuộc chinh phục và cải tạo tự nhiên để tồn tại và phát triển, từ những bài học kinh nghiệm tận dụng điều kiện tự nhiên để trồng trọt, từ “dẫn thuỷ nhập điền” đơn giản trong các làng xã đã tiến lên chung sức, chung lòng khơi đào, nạo vét những dòng sông tự nhiên tạo ra để phục vụ cho sản xuất và đời sống. Từ đó hình thành những đường giao thông, mở rộng giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết giữa các vùng, các miền trong đại gia đình dân tộc Việt Nam.

3.2. Lê Đại Hành là vị vua đầu tiên của nhà nước độc lập tự chủ tổ chức đào sông. Sự nghiệp mở đầu vĩ đại đó của thời Tiền Lê đã trở thành phương châm hành động của các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau này. Các thời đại kế tiếp nhau không chỉ luôn khơi đào, nạo vét các dòng sông cũ mà còn tiếp tục đào thêm các sông mới. Từ con sông đào do Lê Đại Hành đầu tiên đào trên đất Thanh Hoá thời Tiền Lê, đến thời Lý, Trần sông đào đã xuất hiện ở đồng bằng Bắc Bộ đến Thanh-Nghệ-Tĩnh. . .  Đến thời Lê đã rộng khắp dải miền Trung Bộ và đến thời Nguyễn thì sông đào có mặt ở khắp mọi miền đất nước.

3.3. Những con sông đào đã nối mọi miền đất nước lại gần nhau hơn, biến những vùng hoang vu, hẻo lánh thành nơi trù phú, thành những pháo đài bất khả xâm phạm trong các cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập, tự chủ của Tổ quốc, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hoá dân tộc. Có thể nói những con sông đào đã góp phần không nhỏ đưa đất nước và dân tộc Việt Nam trở thành một nước có vị trí quan trọng trong khu vực.

3.4. Trải qua nhiều thế hệ tiến hành đào sông, trình độ khoa học, kỹ thuật cụ thể là trị thuỷ, thuỷ nông của nhân dân ta đã trở thành nền khoa học dân gian mà các nhà khoa học châu Âu sau này phải khâm phục. Kỹ sư Đờtétxăng đã viết:

“Về kỹ thuật tưới nước vào các miền khô khan và tháo nước ở các miền đọng, người Việt Nam là một bậc thầy. Không có sự cực nhọc nào làm cho họ quản ngại. Để gặt được hạt lúa, biểu hiện cho sự phồn thịnh, những công cuộc đào ngòi dẫn nước đã được thi hành. Các kỹ sư thời nay của ta (Pháp) cũng phải kinh ngạc” (1).

3.5. Qua thời gian và những biến động lịch sử, một số sông đào ngày nay không còn. Nhưng những sông còn lại vẫn phát huy tác dụng tốt trên các mặt giao thông, thuỷ lợi, du lịch, an ninh quốc phòng. Một số nơi do nhận thức và quá trình đô thị hoá đã san lấp các sông đào, vô tình tự cắt đứt các huyết mạch của mình. Do đó, việc duy trì, bảo vệ, khơi sâu, mở rộng các sông đào không chỉ giữ gìn tài sản vô giá của cha ông để lại mà còn góp phần làm cho đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá càng giàu, đẹp hơn.



LÊ HOÀN VÀ QUÁ TRÌNH LÃNH THỔ VỀ PHÍA NAM CỦA CỘNG ĐỒNG DÂN TỘC VIỆT NAM
THỜI KỲ QUỐC GIA ĐỘC LẬP TỰ CHỦ

Hà Duy Biển
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

Khi những cộng đồng đầu tiên lựa chọn không gian sinh tụ trên dải đất ven bờ Thái Bình Dương, bắt đầu mới chỉ là vùng trung du - châu thổ Bắc Bộ, người Việt (Việt Nam) đã đặt mình trong những mối quan hệ địa-chính trị, địa-kinh tế, địa-văn hoá, địa-lịch sử, địa-quân sự đầy cơ hội và thách thức.

Trước mặt là biển cả mênh mông, sau lưng là núi cao rừng rậm, cuộc sống của cộng đồng Việt sớm mang tính chất “xa rừng nhạt biển” (từ dùng của GS. Trần Quốc Vượng). Phía bắc là vùng Hoa Hạ, với những đế chế lớn mạnh, luôn kèn cựa với những âm mưu thôn tính, đồng hoá.

Phía nam có các quốc gia “Ấn Độ hoá” cũng không ngừng “nhòm ngó”. Con đường nào cho sự sinh tồn và phát triển cộng đồng quốc gia-dân tộc Việt Nam? Suốt trường kỳ lịch sử, dân tộc Việt Nam thực hiện song song hai quá trình: lãnh thổ về phía đông (Biển tiến-tiếp cận biển chứ không phải chinh phục biển? ) và lãnh thổ về phía nam. Trong đó, công cuộc lãnh thổ về phía Nam đã có những đóng góp rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của cộng đồng quốc gia-dân tộc Việt Nam.

Thế kỷ X là thế kỷ bản lề của lịch sử dân tộc Việt Nam.  Nối lại “quốc thống”; mở ra kỷ nguyên mới trong tiến trình lịch sử, thế kỷ X là thế kỷ của sự sáng lập, hoạch định và những thể nghiệm cho sự phát triển dài lâu của đất nước. Kiên trì và quyết liệt, sôi động và sâu lắng, độ chín tới của nội lực dân tộc tương thích với điều kiện bên ngoài thuận lợi trở thành nền tảng cho sự toả rạng những con người vĩ đại, bằng trí tuệ tài lăng và những nỗ lực vượt bậc, ghi những dấu son hiển hách trong lịch sử dân tộc.


_______________________
(1) Ngọc Dương: Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam, Thời báo ngày nay - Sài Gòn 1950, tr.47.
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Hai, 2009, 11:07:25 pm gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #109 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2009, 11:33:10 pm »

Bài viết này mong muốn góp một cái nhìn về vai trò của  Lê Hoàn và nhà nước Đại Cồ Việt dưới sự lãnh đạo của ông rong quá trình lãnh thổ về phía nam của dân tộc Việt Nam hời kỳ quốc gia độc lập tự chủ.

1. Trong đêm dài Bắc thuộc, khi người Việt đắm chìm dưới ách nô dịch của các triều đại phong kiến Trung Quốc, kiên trì tự cường qua các cuộc đấu tranh chống áp bức, chống đồng hóa, thì ở phương Nam, người Chăm đã sớm xây dựng được quốc gia độc lập tự chủ (từ năm 192 khi Khu Liên lập lược Lâm Ấp). Sinh sống ở các thung lũng Nam Trung Bộ hẹp và nhỏ. vương quốc Chăm pa có thế mạnh về hàng hải và các ngành nghề thủ công, nhưng lại thiếu những miền châu thổ rộng lớn. Bởi vậy, cũng từ rất sớm. Chăm pa đã bộc lộ tham vọng mở rộng lãnh thổ, cả về phía nam, tây nam (Vương quốc Phù Nam, Chân Lạp và phía bắc (Giao Châu).

Từ khi lập nước (năm 192 ), Lâm Ấp- Chămpa liên tục tiến hành các hoạt động quân sự “nhòm ngó: Giao Châu - Đại Cồ Việt - Đại Việt. Có thể tóm tắt sự giằng co, chuyển dịch biên giới giữa hai lãnh thổ cộng đồng này như sau


 (Tổng hợp từ Phan Khoang: Việt sử Đàng trong 1558-1777 (Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam), Nxb Văn học, N. 2001, trg. 14-30)

Như vậy, từ mũi Chân Mây (tỉnh Thừa Thiên – Huế) đến dải Hoành Sơn - Đèo Ngang (phía bắc tỉnh Quảng Bình hiện nay) là vùng tranh chấp trong quá trình lãnh thổ của hai cộng đồng Chăm và Việt. Chăm Pa thường đem quân bất ngờ tấn công cướp phá, xâm lấn vùng đất của người Việt, nhất là khu vực giáp ranh (khoảng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh hiện nay).

Năm 803, vua Chăm pa sai viên tướng Senapati Par đen quân xâm phạm An Nam, vây hãm phía nam quận Cửu Chân (vùng Thanh-nghệ), phá hoại, cướp bóc rất nhiều rồi về (1).  Năm 979, quân Chăm pa được Ngô Nhật Khánh dẫn đường, tổ chức lực lượng thuỷ quân hùng hậu tiến đánh Hoa Lư theo đường biển, nhưng bị lan vỡ vì gặp bão (2). Từ phía nam, mối hoạ ngoại xâm mới đã cận kề.

Biên giới phía nam trở thành mối lo thường trực ngay sau khi đất nước ta giành lại được quyền độc lập tự chủ. Nguy cơ và trách nhiệm đó đè nặng trên đôi vai những nhà lãnh đạo quốc gia Đại Cồ Việt. Một đất nước mới phục hưng như Việt Nam thế kỷ X sẽ phải có quyết sách ra sao trước mối hiểm hoạ vong tồn không còn là tiềm tàng, mà nếu không vì sự ngẫu nhiên lạ lùng của lịch sử, đã đặt quốc gia-dân tộc Việt Nam trước thử thách vô cùng khó khăn, hiểm nghèo của hai cuộc chiến tranh thôn tính liên tiếp đến từ hai đầu đất nước.

  Cuộc đối mặt giữa hai quốc gia Đại Cồ Việt và Chăm pa là không thể tránh khỏi. Năm 982, Lê Hoàn cử Ngô Tử Canh và Từ Mục đi sứ Chăm pa. Có lẽ vì mối hận thất bại năm 979, vua Chiêm bắt giữ Từ Mục và Ngô Tử Canh - hai vị sứ thần nước Đại Cồ Việt láng giềng. Lê Hoàn tức giận, “sai đóng chiến thuyền, sửa binh khí, tự làm tướng đi đánh, chém Bê Mi Thuế tại trận. Chiêm Thành thua to. Bắt sống được quân sĩ của chúng nhiều vô kể, cùng là kỹ nữ trong cung trăm người và một nhà sư người Thiên Trúc, lấy các đồ quý đem về, thu được vàng bạc của báu kể hàng vạn; san phẳng thành trì, phá hủy tông miếu, vừa một năm thì trở về kinh sư”. (3).

Một hành động ngoại giao thiếu thiện chí ở thời điểm nhạy cảm hoàn toàn có thể là nguyên cớ bùng nổ chiến tranh. Song, cuộc tiến quân về phương Nam năm 982 là câu trả lời của nhà nước Đại Cồ Việt trước mưu đồ bành trướng của Chăm pa, mà thất bại năm 979 chưa thể nào dập tắt được dã tâm xâm lược.

Có thể thấy rằng: Cuộc ra quân năm 982 của Lê Hoàn đã khẳng định và hiện thực hóa thái độ của chính quyền trung ương Đại Cồ Việt đối với vấn đề biên giới phía nam: thái độ kiên quyết, cứng rắn, không nhượng bộ trong mối quan hệ với vương quốc Chăm pa láng giềng. Lê Hoàn đã tao ra tiền lệ cho phương châm ứng xử với mối nguy từ phương Nam: sẵn sàng kiên quyết ngăn chặn, tiêu diệt bằng sức mạnh quân sự, khi mà những giải pháp ngoại giao không thể giải quyết mâu thuẫn. 

2. Thế kỷ X nổi bật trong lịch sử dân tộc với mật độ dày đặc các hoạt động quân sự.

Với xuất thân võ tướng, và được suy tôn từ trách nhiệm, tài năng, uy tín và khả năng đảm trách nhiệm vụ lịch sử (cũng mang rất nhiều tính cách quân sự), trong 26 năm cầm quyền, hoạt động quân sự là bộ phận quan trọng bậc nhất trong sự nghiệp của Lê Hoàn. Để nghiên cứu sự nghiệp của ông, chúng tôi đã thực hiện một thống kê về các hoạt động quân sự lớn của nhà nước Đại Cồ Việt trong những nam Lê Hoàn nắm quyền lãnh đạo.'


_______________________
(2) Lương Ninh. Lịch sử vương quốc Champa. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 2004: tr. 42; Phan KhoangViệl sử xứ Đàng trong 1558-1777 (Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam). Nxb Văn học. 2001. tr. 29
(2) Ngô  Liên và sử thần triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư 1. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội 1998. tr. 216 (3) Đại  Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Sđd. tr. 222
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Hai, 2009, 10:09:07 pm gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM