Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Năm, 2024, 11:09:25 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký không tên  (Đọc 85918 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #130 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2011, 07:48:36 pm »

Sau một phút suy nghĩ, ông đồng ý vào Dinh Độc Lập. Lúc đó khoảng 9 giờ tối.

Từ Dinh Hoa Lan, ra cổng trước, đi theo đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai), đến đường Công Lý (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) rẽ trái là đến cổng chính vào Dinh Độc Lập. Đường đi chưa đến một ngàn mét. Trong Dinh Hoa Lan có hai chiếc ô tô đều được dùng cho cuộc di chuyển này. Ngoài ra cũng có một số xe khác đậu ở cổng sau. Vợ chồng tôi đi xe chung với ông bà Dương Văn Minh. Vì có khá đông người, trong đó có cả gia đình của một số dân biểu nghị sĩ, nên không đủ xe đi. Một số phải đi bộ. Đoàn người, vừa đi xe vừa đi bộ, kéo dài trên đường đến Dinh Độc Lập.

Vào đến Dinh Độc Lập đoàn người chia nhau tìm chỗ ngủ qua đêm. Dinh quá lớn, đủ chỗ cho mọi người. Dĩ nhiên phải sử dụng cả những phòng làm việc. Đầu tiên ông Minh và các cộng sự thân cận của ông được đi xem tầng hầm, nơi đây ông Thiệu dùng để đối phó với các cuộc đảo chính bất ngờ, có thể an toàn tiếp tục chỉ huy cuộc phản công. Phòng trú ẩn rất rộng, trang bị đầy đủ hệ thống truyền tin và liên lạc vô tuyến với đủ loại bản đồ quân sự của Sài Gòn và cả miền Nam.

Khi sĩ quan trong dinh hướng dẫn ông bà Dương Văn Minh đến phòng ngủ của ông bà Thiệu trước đây ở tầng hai, chúng tôi đi qua hành lang phía sau dinh, từ đây, xuyên qua hàng cây sao, ông Minh và tôi nhìn thấy sân quần vợt. Tôi còn nhớ câu nói đùa của ông trước đó: “Mình vào đây rồi và nhìn thấy nó nhưng mình sẽ không có cơ hội cầm vợt bước ra sân”.

Ông bà Minh mời vợ chồng tôi và vợ chồng dân biểu Nguyễn Hữu Chung vào ở chung phòng. Phòng ngủ của ông bà Thiệu khi chúng tôi đến đã trống trơn! Trên thảm, trước giường ngủ chỉ còn bộ da cọp nằm đó trơ trọi. Trong phòng tắm không có một cục xà bông nào. Nhớ sực hồi chiều chưa dùng cơm, tôi hỏi viên sĩ quan trong dinh có gì để ăn không. Viên sĩ quan này bối rối trả lời rằng không còn gì cả dù chỉ là một miếng bánh mì và thịt nguội!

Ông Minh nhìn xuống bãi cỏ trước dinh, thấy hai chiếc trực thăng dành riêng cho tổng thống vẫn nằm yên đó. Ông quay vào bảo người tuỳ viên quân sự là thiếu tá Hoa Hải Đường hỏi xem hai viên phi công trực thăng còn có mặt ở đây không, nếu còn, mời họ đến gặp ông. Một lúc sau, hai viên phi công trình diện ông Minh. Đó là trung tá Nguyễn Văn Minh và đại uý Tạ Duy Báo. Trung tá Minh từng học chung với Hoàng Đức Nhã ở trường trung học Pháp Lycée Yersin Đà Lạt. Tôi cũng quen biết Minh khi học trường Yersin. Minh học trên tôi hai lớp. Có lẽ anh được Nhã gọi về phụ trách đội bay trực thăng của ông Thiệu là do mối thân tình bạn bè ở Yersin. Còn Tạ Duy Báo, tuy là phi công nhưng thường có mặt trên sân quần vợt nhiều hơn. Anh là đấu thủ số một của Xẹc Tây. Anh còn được xếp hạng vào một trong năm cây vợt mạnh nhất của miền Nam, đứng sau Võ Văn Bảy, Võ Văn Thành, Lý Aline, Dương Văn Minh (trùng tên với Đại tướng Dương Văn Minh). Anh Báu có cú đánh rờve (trái tay) hồi mã thương rất mạnh và bất ngờ. Hoàng Đức Nhã quen biết Báu trên sân tennis và rút anh về bổ sung ê kíp lái trực thăng cho người anh bà con mình ở Dinh Độc Lập.
Ông Minh hỏi hai viên phi công: “Trực thăng có đủ nhiên liệu bay ra Đệ thất hạm đội hay không?” Hai viên sĩ quan nghĩ tổng thống Minh và đoàn tuỳ tùng định ra đi, liền báo cáo “đủ và an toàn”. Ông Minh chuyển sang hỏi thăm gia cảnh của hai người. Trung tá Minh than phiền cách đối xử của ông Thiệu đối với các nhân viên thuộc cấp như anh. Khi ông Thiệu ra đi ông chẳng có một quan tâm gì về những người đã từng sát cánh với ông và bảo đảm mạng sống của ông trong thời gian dài. Ông Dương Văn Minh đã gặp và có dịp chơi bóng với Tạ Duy Báu một đôi lần. Báu còn rất trẻ, lúc đó chỉ khoảng 26-27 tuổi. Anh chẳng nói gì cả, chắc trong đầu anh lúc này chỉ nghĩ về gia đình, âu lo không biết có chạy kịp trước khi cộng sản vào Sài Gòn. Ông Minh đột ngột nói với hai viên phi công “Tôi không đi đâu. Tôi cho phép anh em ai muốn đi cứ sử dụng cả hai chiếc trực thăng”.

Trung tá Minh nói ngay anh không đi, chỉ có Báu đi. Hai chiếc trực thăng đã rời khỏi Dinh Độc Lập khi trời còn tối để tránh phản ứng của binh lính đang còn bảo vệ dinh. Tôi không biết mỗi chiếc mang theo bao nhiêu người.

...Trong phòng ngủ của ông Thiệu chỉ có một cái giường – dành cho ông bà Minh. Tôi không biết ông bà có chợp mắt được hay không. Vợ chồng tôi và vợ chồng Nguyễn Hữu Chung ngả lưng trên sàn có trải thảm cạnh đó. Vợ tôi và vợ Chung Nguyễn rì rầm nói chuyện với nhau cả đêm.

Chỗ Chung Nguyễn và tôi nằm, nhìn thẳng ra đại lộ Thống Nhất. Trước mắt chúng tôi là quang cảnh máy bay trực thăng liên tục đáp xuống sân thượng tòa đại sứ Mỹ bốc người đưa ra Đệ thất hạm đội, tạo nên một vầng sáng kỳ lạ, nhìn từ xa như một đám cháy lớn. Thật khó tả tâm trạng của tôi trước quang cảnh này. Tôi tưởng như những người được bốc đi là những người thân của mình, vĩnh viễn không bao giờ được gặp lại. Có cái gì trì nặng trong lồng ngực. Nước mắt ứa ra lúc nào không hay. Đúng lúc đó tôi bỗng nghe Chung Nguyễn nói nhỏ vào tai tôi: “Mai tao đi. Con tao còn nhỏ quá, bên vợ không ai chịu ở lại...”. Con của Chung Nguyễn lúc đó mới được sáu-bảy tháng. Lấy vợ khá lâu anh mới có con, có lúc tưởng đâu hết hy vọng. Gia đình bên vợ là người Bắc di cư vào Nam năm 54 sau Hiệp định Genève. Hoàn cảnh của Chung Nguyễn thật khó ở lại. Biết được quyết định của người bạn đã gắn bó với mình trong suốt những năm tháng hoạt động chung ở quốc hội tôi sững sờ nằm lặng yên. Bởi tôi biết lời khuyên của tôi trong trường hợp này là vô ích. Chung Nguyễn là người bạn thân nhất của tôi dù đôi khi chúng tôi có quan điểm khác nhau. Ở Sài Gòn lúc đó người ta quen gọi phân biệt hai Chung và hai Trung. Chung Nguyễn (Nguyễn Hữu Chung) và Chung Lý (Lý Quí Chung) trong quốc hội và báo chí; Trung Lý (Lý Chánh Trung) và Trung Nguyễn (Nguyễn Văn Trung) trong Đại học là những trí thức tiến bộ. Tôi không nhớ đêm đó mình có chợp mắt lúc nào hay không. Vầng sáng trước mặt, nóng hực như một đám cháy, kéo dài suốt đêm, đến hừng sáng 30-4 mới tắt.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #131 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2011, 07:49:24 pm »

Chiếc trực thăng di tản cuối cùng - chiếc thứ 19 - rời khỏi sân thượng tòa đại sứ Mỹ vào lúc 3 giờ 58 phút sáng 30-4-1975 mang theo đại sứ Martin. Ông đến Sài Gòn tháng 4-1973, coi chiến tranh Việt Nam như một thứ thập tự chinh của cái gọi là “thế giới tự do”, còn bản thân ông, tự trao cho mình sứ mạng tiêu diệt người cộng sản. Khi chấp nhận làm đại sứ ở Sài Gòn, ông tuyên bố: “I accepted because I felt it to be a mission”. Theo nhà báo Tiziano Terzani, ông ta là người chống cộng thuộc thập niên 50. Các đồng nghiệp của Martin gọi ông là “người Mohican cuối cùng của chiến tranh lạnh”. Ông có một người con trai chết trận ở Việt Nam cũng như tướng De Latre de Tassigny, đứng đầu quân đội viễn chinh Pháp thất trận 20 năm trước, cũng mất một người con trên chiến trường Việt Nam. Martin đi bộ từ nhà riêng của mình (ở đường Phùng Khắc Khoan) qua tòa đại sứ Pháp (cửa vào đường Hồng Thập Tự, nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) rồi từ đây đi sang tòa đại sứ Mỹ xuyên qua một khoảng tường trống vừa được mở ra để hai tòa đại sứ thông với nhau. Đại sứ Martin bỏ lại mọi thứ, sách vở, tranh ảnh, đồ cổ, chỉ mang theo cái cặp và... con chó. Ông bước lên trực thăng, một tay ôm lá cờ Mỹ, cũng như đồng nghiệp ông, đại sứ Mỹ tại Campuchia – John Gunther Dean - trước đó hai tuần, đã ôm lá cờ Mỹ leo lên trực thăng rời khỏi Phnom Pênh.

Còn với 129 Thủy quân lúc chiến phụ trách an ninh ở sứ quán Mỹ bảo vệ cuộc di tản, thì đến 7 giờ 53 phút ngày 30-4-1975 người cuối cùng mới rời khỏi sứ quán. Trong hai tuần, tòa đại sứ Mỹ di tản 50.000 người Việt Nam và 6000 người Mỹ. Khi Mỹ kết thúc các chuyến bay di tản vào 4 giờ 58 phút, trong khuôn viên tòa đại sứ Mỹ còn kẹt lại 420 người Việt Nam mặc dù trước đó chỉ ít tiếng đồng hồ người Mỹ quả quyết “No one will be left behind” (Không ai sẽ bị bỏ lại).

Bình luận về sự “cuốn cờ” thảm hại của đại sứ Mỹ Martin, nhà báo Tiziano Terzani viết trong quyển Saigon 1975: Three Days and Three Months như sau: “Người Mỹ! Họ muốn tiêu diệt một phong trào cách mạng nhưng thực tế họ đã nuôi dưỡng nó. Họ đến đây nhằm đặt lại mọi thứ trong trật tự nhưng họ lại ra đi để lại sự hỗn loạn. Họ đến để xây dựng nhưng lại tàn phá. Họ đến để bảo vệ một dân tộc mà họ cho rằng bị tấn công nhưng họ chỉ bảo vệ cho chính họ chống lại những người mà họ coi là “bạn” của mình”.

Năm 2002, một giáo sư người Nhật, Hajime Hitamura thuộc Đại Học Western Sydney (Úc) chuẩn bị một quyển sách về chiến tranh Việt Nam, có gặp tôi và đặt câu hỏi: Tại sao Mỹ thất trận tại Việt Nam? Tôi có đọc một tài liệu: Năm 1963 trả lời nhà báo Walter Cronkite trong một cuộc phỏng vấn về chiến tranh Việt Nam, tổng thống John F. Kennedy có nói: “Xét cho cùng thì chiến tranh này là chiến tranh người Việt, thắng hay bại là tuỳ ở họ”. Theo tôi cuộc chiến Việt Nam chưa bao giờ thật sự là một cuộc chiến của người Việt Nam theo nghĩa một cuộc xung đột ý thức hệ giữa người Việt Nam với nhau. Người Mỹ ngụy biện khi nói rằng: họ đến đây để giúp những người Việt Nam theo thế giới tự do chống lại cộng sản. Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều lấy cái có đó để tiến hành chiến tranh tại Việt Nam nhằm áp đặt lên dân tộc nước này ý muốn xâm lược của họ. Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ở mỗi thời kỳ của mình đều có ý đồ riêng nhằm vào Việt Nam. Sau cuộc chiến của người Pháp thì đến cuộc chiến của người Mỹ. Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ, cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ 1 kết thúc. Và khi Mỹ không đối phó được chiến dịch Hồ Chí Minh rút chạy thì cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai cũng theo chân họ mà tàn lụi. Mỹ tiến hành chiến tranh ở Việt Nam với quân lính, phương tiện, tiền bạc của họ, dùng người Việt Nam của họ lập nên chính quyền Sài Gòn, thuê mướn và cưỡng bức một bộ phận người Việt Nam cầm súng cho họ. Tôi nhớ rất rõ quần chúng miền Nam không hề có cái gọi là lý tưởng chống cộng, có cuộc chiến đấu của mình để chống lại người cộng sản, ngoại trừ một số đảng phái chống cộng không có quần chúng. Cuộc chiến mà người Mỹ tiến hành nhân danh “người Việt Nam chống cộng” do đó hoàn toàn không có quần chúng. Chỉ có họ và những người vì quyền lợi riêng tư hoặc bị ép buộc theo họ. Chính vì vậy người Mỹ ở Việt Nam không chỉ phải chống lại cộng sản mà còn phải chống lại tất cả những người yêu nước không cộng sản, nói một cách nào đó là phải chống lại gần như cả nhân dân Việt Nam. Cuối cùng người Mỹ phải cuốn cờ rút khỏi Việt Nam là chuyện tất yếu.

Tôi nói với ông Hajime Kitamura rằng tôi không phải là một nhà nghiên cứu chiến tranh Việt Nam. Tôi chỉ nêu một suy nghĩ riêng của mình và chắc chắn chưa phản ánh một cách đầy đủ nguyên nhân thất bại của người Mỹ tại Việt Nam.

Tiêu biêu cho một trí thức có “lý tưởng chống cộng”, tướng Đỗ Mậu, từng là tổng trưởng thông tin và phó thủ tướng thời Nguyễn Khánh (sau 1-11-63) đã viết trọn một hồi ký chỉ để vạch trần sự phá sản của hai chế độ Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa (từ Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu). Hồi ký của tướng Đỗ Mậu đã lý giải khá đầy đủ vì sao chế độ gọi là “quốc gia” đã thất bại.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #132 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2011, 10:45:43 pm »

Chương 25

Thời khắc lịch sử: Đầu hàng

8 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, các nhân vật dự kiến trong tân nội các tập trung tại phủ thủ tướng nằm ở cuối đại lộ Thống Nhất. Một số thành viên của tân chính phủ đã ngủ đêm tại đây.

Khi tổng thống Dương Văn Minh đến, cuộc họp diễn ra với một số người rất hạn chế, gồm phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền, thủ tướng Vũ Văn Mẫu... Các thành viên khác ngồi chờ đợi buổi họp ở phòng bên ngoài.

Ông Minh mở đầu buổi họp bằng việc trình bày tình hình quân sự nói chung và Sài Gòn nói riêng là không còn cứu gỡ. Cũng không nên nghĩ tới một cuộc thương thuyết chính trị với chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam và Hà Nội, qua trung gian chính phủ Pháp. Trong khi đó tình hình an ninh của thành phố Sài Gòn rất nguy ngập, hỗn loạn và cướp bóc có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng chính phủ hoàn toàn không có khả năng kiểm soát. Và ông Dương Văn Minh kết luận: “Để tránh cho người dân Sài Gòn những tai hoạ đã xảy ra như tại Đà Nẵng, mà có thể còn tồi tệ hơn, tôi quyết định trao quyền cho chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam”. Phòng họp im lặng, không có ai phản đối, kể cả những vị mới biết được quyết định này.

Được sự đồng ý của những thành viên chính yếu của chính phủ, ông Minh ra lệnh cho tôi với tư cách tổng trưởng thông tin cho gọi các nhân viên kỹ thuật của đài truyền hình và đài phát thanh đến để thu âm bài tuyên bố. Tôi bước ra khỏi phòng và truyền lệnh cho anh Dương Văn Ba, thứ trưởng thông tin, với lời dặn: nói với anh em rằng đã có thỏa hiệp ngưng bắn và hòa bình rồi, anh em đến để thu lời tuyên bố của tổng thống nói chuyện với đồng bào. Tôi dặn như thế để anh em phấn khởi sẵn sàng làm nhiệm vụ mà không bỏ trốn. Bởi lúc bấy giờ rất ít công sở còn nhân viên đi làm.

Khoảng 15 phút sau, anh em kỹ thuật viên đến vì đài truyền hình rất gần phủ thủ tướng. Và cuộc thu âm bài tuyên bố giao quyền của tổng thống Dương Văn Minh bắt đầu, chỉ thu tiếng chứ không có điều kiện thu hình. Lần thu đầu tiên, ông Minh cho dừng lại vì có đoạn ông đọc vấp. Lần thứ hai cũng hỏng vì có người đẩy cửa vào gây tiếng động. Đến lần thứ ba mới thu hoàn chỉnh.

Khi tôi bước ra phòng họp cùng anh em kỹ thuật viên thì gặp chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá tổng tham mưu trưởng, giờ đây có quyền hành như tổng tham mưu trưởng vì trung tướng Vĩnh Lộc cùng trung tướng Trần Văn Trung chạy khỏi Sài Gòn bằng tàu hải quân sáng 30 tháng 4. Chuẩn tướng Hạnh nói với ông Dương Văn Minh: “Xin để tôi trực tiếp mang đi cho chắc ăn. Nhưng theo tôi, ngoài bản tuyên bố của tổng thống cho dân chúng, cần có một nhật lệnh của tổng tham mưu trưởng ra lệnh trực tiếp cho quân đội không được nổ súng nữa...”. Ông Minh tán đồng đề xuất của anh Hạnh và yêu cầu anh thảo luôn nhật lệnh.

Tướng Hạnh cầm cuộn băng và bản nhật lệnh đi đến đài. Anh nói với tôi: anh sẽ đọc và thu bản nhật lệnh tại đài. Nhớ lại chi tiết này, tôi thấy đóng góp của anh Nguyễn Hữu Hạnh vào lúc này thật ý nghĩa và thiết thực.

Trước khi phiên họp kết thúc, ông Minh nói: “Bắt đầu từ giớ phút này sự ràng buộc giữa anh em chúng ta không còn nữa. Mỗi người hoàn toàn tự do quyết định sự lựa chọn của mình: Đi hay ở lại. Tôi xin thông báo cho anh em nào muốn đi: hiện chiếc tàu Việt Nam Thương Tín (VNTT) vẫn còn đậu ở cảng...”. Ông Minh thông báo rõ cổng số mấy, bến số mấy, để lên tàu VNTT, chiếc tàu thủy viễn dương lớn nhất của Sài Gòn lúc bấy giờ. Trước đó khoảng một tiếng đồng hồ, dân biểu Nguyễn Hữu Chung điện thoại cho ông Minh nói rõ tàu VNTT đang chờ ở đâu để những thành viên nào trong chính phủ muốn ra đi thì đến đó. Chính một người của anh Nguyễn Hữu Chung lái chiếc tàu này. Tàu có giấy phép của chính phủ cho rời bến với lý do chính thức là “để tránh pháo kích của cộng quân”. Nhưng thực sự đây là một giấy phép trá hình cho tàu được di tản. Trong khi liên lạc điện thoại với ông Minh, Chung Nguyễn còn tỏ ý chờ bà Dương Văn Minh sẽ ra đi theo con gái, con rể và hai cháu ngoại (đã đi trước đó hai ngày). Nhưng ông Minh sau khi hỏi ý kiến vợ đã trả lời rằng bà Minh không đi.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #133 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2011, 10:46:46 pm »

Những người có mặt trong phòng họp cũng không ai đi. Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền, một luật sư công giáo, nói dứt khoát ông ở lại. Còn thủ tướng Vũ Văn Mẫu cho biết ông không đi trong những điều kiện như thế này. Nếu sau này chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam cho ra đi chính thức thì ông sẽ đi. Có lẽ người duy nhất có ý định ra đi là giáo sư Bùi Tường Huân, được dự kiến làm tổng trưởng quốc phòng. Anh Huân hỏi lại ông Minh: “Tôi về nhà sắp xếp để vợ con cùng đi còn kịp không?”. Ông Minh trả lời là tàu VNTT không thể chờ đợi lâu. Nếu quyết định đi là phải đi ngay. Thế là giáo sư Huân quyết định không đi nữa. Anh không hay rằng vợ anh, con cái của anh đã di tản chiều hôm qua với gia đình bên vợ (chị vợ của anh Huân là ca sĩ Hà Thanh). Tối hôm qua, anh cùng một số thành viên khác ngủ lại ở phủ thủ tướng nên không hay chuyện ra đi của gia đình. Khi anh trở về nhà thì trong nhà chẳng còn thứ gì giá trị vì nhà anh đã bị cướp sạch. Anh Hồ Văn Minh cũng nói dứt khoát không đi.
Lúc này tôi ngồi kế bên ông Minh. Ông quay sang nói nhỏ với tôi:

“Chung, toa nên đi.Toa có con đông”. Ông nghĩ đến 5 đứa con của tôi. Thỉnh thoảng khi thân mật ông Minh vẫn xưng hô “toa, moa” với tôi. Tôi trả lời:

“Đại tướng không đi phải không? Tôi cũng không đi”. Ông lặp lại đến hai lần lời khuyên đó nhưng vẫn thấy tôi tỏ ra rất dứt khoát nên ông không thuyết phục nữa. Khi từ chối chuyện ra đi, lúc đó tôi chẳng phải suy nghĩ gì nhiều. Ý nghĩ ra đi chẳng bao giờ xuất hiện trong đầu tôi. Ở lại, với tôi, là tất yếu, là cái tiếp theo lô gích của những chọn lựa và thái độ chính trị của tôi trước đó. Vợ chồng tôi chưa bao giờ đem chuyện “đi hay ở” ra bàn với nhau. Quỳnh Nga, vợ tôi cũng không hề băn khoăn về chuyện này. Trước đó mấy ngày, khi một người Mỹ (dạy Anh văn cho tôi) đến nhà gặp vợ tôi, đưa ra giấy ưu tiên đi bằng máy bay của Mỹ cho cả gia đình tôi (gồm bảy người) – tôi không có ở nhà - vợ tôi đã tự quyết định từ chối.

...Sau khi mọi người có mặt đều quyết định không đi, phòng họp lại im lặng.

Bỗng có người vào báo cáo có một khách người Pháp muốn gặp tổng thống Dương Văn Minh. Tôi cùng ông bước ra. Đó là cựu tướng Pháp Vanuxem đã từng thất trận ở cuộc chiến tranh Đông Dương thời thực dân Pháp. Gần đây ông trở qua Việt Nam đóng vai trò cố vấn quân sự cho chính phủ Thiệu như kiểu chuyên gia chiến tranh du kích người Anh Sir Robert Thompson mang những kinh nghiệm chống cộng ở Mã Lai sang làm cố vấn cho hai anh em Ngô Đình Diệm – Ngô Đình Nhu trong những năm đầu của chế độ đệ nhất cộng hòa! Nhưng Vanuxem không được ông Thiệu tin dùng. Ông Minh bắt tay Vanuxem và hỏi lý do ông ta muốn gặp ông.

Vanuxem cho biết ông muốn hiến kế cho ông Minh để cứu vãn tình hình tuyệt vọng của chế độ Sài Gòn. Theo Vanuxem, nên lên tiếng kêu gọi sự can thiệp của một cường quốc, và chỉ cần có một yêu cầu chính thức của chính quyền miền Nam là cường quốc này sẽ can thiệp ngay. Ông Minh cười chua chát: “Tôi cảm ơn thiện chí của ông, nhưng trong đời tôi, tôi đã từng làm tay sai cho Pháp rồi tay sai cho Mỹ, đã quá đủ rồi. Tôi không thể tiếp tục làm tay sai...”. Đứng xớ rớ một lúc, Vanuxem biến lúc nào tôi không nhớ.
Cũng đúng lúc này có điện thoại từ chùa Ấn Quang của sinh viên đấu tranh Nguyễn Hữu Thái. Tôi không rõ Thái rời khỏi chỗ ẩn náu tại nhà tôi từ một năm qua, vào lúc nào. Lúc này Thái đang có mặt tại chùa Ấn Quang, anh cho biết thượng tọa Thích Trí Quang muốn nói chuyện trực tiếp với ông Minh. Cuộc nói chuyện kéo dài khoảng hai phút. Sau đó thượng tọa Trí Quang nói chuyện với giáo sư Vũ Văn Mẫu. Tôi được biết nội dung hai cuộc điện đàm này của thượng tọa Thích Trí Quang nhằm thuyết phục tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng. Nhưng tôi lại e ngại, nếu đầu hàng chính thức đơn phương thì sẽ ra sao? Vì nhiều đơn vị quân đội VNCH vẫn còn đó, có khả năng sẽ phản ứng điên cuồng.

Khoảng 10 giờ, tổng thống Minh lên ô tô đi đến Dinh Độc Lập. Các thành viên khác của chính phủ và một số dân biểu nghị sĩ cũng lên xe mình đến Dinh Độc Lập. Tôi cùng ngồi xe của tổng thống Minh. Lúc này toàn bộ các mô tô cảnh sát danh dự, gồm tám chiếc còn đầy đủ, vẫn đi theo bảo vệ xe tổng thống. Đoàn xe tổng thống đi ngang qua tòa đại sứ Mỹ trên đại lộ Thống Nhất, ông Minh nhìn thấy trước mắt cảnh tòa đại sứ Mỹ đang bị dân chúng ùa vào “làm thịt”: từng đoàn người từ trong sứ quán hối hả đi ra, khuân vác nào là máy đánh chữ, ti vi, ghế, tủ, bàn v.v... Từ trên lầu sứ quán, những tấm thảm cắt ra từng miếng dài khoảng 5-6 mét được ném xuống sân... Thế là nơi tượng trưng cho quyền lực nước Mỹ, tưởng như bất khả xâm phạm giờ đây tan tác... như một đống rác khổng lồ!

Đoàn xe của tổng thống Minh đi trên đại lộ Thống Nhất vắng tanh người - ngoại trừ đoạn đường trước sứ quán Mỹ. Phần đông dân Sài Gòn đều rút vào nhà. Số người tiếp tục nuôi ý định ra đi kéo nhau xuống bến Bạch Đằng với hy vọng gặp được chuyến tàu nào đó chưa kịp rời bến. Một số người khác dùng mọi phương tiện chạy về hướng miền Tây tìm đường ra biển.

Ngồi trong xe bên cạnh ông Minh đi đến Dinh Độc Lập, chưa bao giờ tôi thấy gần gũi và gắn bó với ông như lúc này. Trong đời ông trải qua nhiều giây phút lịch sử nhưng có lẽ những giây phút này là trọng đại nhất. Nhưng tôi vẫn thấy ông điềm tĩnh một cách lạ lùng. Ông chẳng nói gì cả, nét mặt bình thản. Ông vốn không thích dùng nhiều lời lẽ rườm rà và hoa mỹ để giải thích các quyết định của mình.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #134 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2011, 10:48:50 pm »

Tôi lên tiếng để phá vỡ sự im lặng: “Nếu cả chính phủ Sài Gòn sau này buộc phải đi “an trí”, tôi sẽ yêu cầu được quản thúc chung với đại tướng. Để chi, đại tướng biết không?”. Ông quay nhìn tôi: “Để chi?” – “Để đại tướng và tôi có thể tiếp tục nói chuyện tennis với nhau!” Ông Minh vỗ đùi tôi, cười. Tôi cùng ông Minh đi đến Dinh Độc Lập mà trong lòng chẳng có một đắn đo nào. Thật lạ lùng làm sao. Sau này khi nhớ lại thời điểm đó tôi cố gắng nhớ lại trong đầu mình lúc đó nghĩ gì. Nhưng không làm sao nhớ ra bởi thật sự lúc đó tôi như người bị cuốn hút về một hướng đã định sẵn từ một hai năm trước rồi. Dinh Độc Lập, nơi đoàn quân giải phóng sẽ đến, vào lúc này, đúng là điểm hẹn của Lịch sử. Ông Dương Văn Minh đi đến đó mà không hề bị ai bắt buộc. Trưa hôm qua, 29-4-1975, người cuối cùng từng lãnh đạo miền Nam, tướng Nguyễn Cao Kỳ, cũng đã thoát thân trên chiếc Huey, trực thăng của ông. Khi máy bay sắp rời khỏi mặt đất, tướng Ngô Quang Trưởng xuất hiện và cũng được tướng Kỳ... mời nhảy lên. Trực thăng của họ bay ra hướng biển và liên lạc được với tàu sân bay Midway.

...Chiếc xe của tổng thống Minh và đoàn mô tô bảo vệ đến Dinh Độc Lập khoảng 9 giờ 30 sáng. Ở cửa chính vẫn còn lính gác. Ông Nguyễn Văn Hảo, phó thủ tướng của nội các Nguyễn Bá Cẩn, nội các cuối cùng của chính phủ Thiệu, có mặt ở phòng họp chính. Theo chương trình đã định trước thì phó thủ tướng Hảo sẽ đại diện cho nội các cũ thực hiện cuộc bàn giao cho nội các mới của ông Dương Văn Minh. Nhưng cuộc bàn giao giữa hai nội các cũ và mới đã không xảy ra.

Các thành viên chính của chính phủ Dương Văn Minh tập hợp trong phòng làm việc trước đây của Nguyễn Văn Thiệu. Trong lúc chờ quân giải phóng đến, tôi chợt nhớ binh lính bảo vệ Dinh Độc Lập chưa nhận được lệnh không nổ súng. Tôi đề nghị ông Minh nên ra lệnh tất cả các binh lính bảo vệ dinh phải nộp vũ khí, bởi chỉ cần một người lính nào đó điên cuồng bóp cò thì hậu quả không thể nào lường được. Tổng thống Minh giao cho thiếu tá Hoa Hải Đường thực hiện lệnh của ông. Lúc này tôi không thấy đại tá Đẩu có mặt ở dinh. Đại tướng Minh có hai tuỳ viên quân sự là đại tá Đẩu và thiếu tá Đường. Đại tá Đẩu vừa được thăng cấp cách đây không lâu và là cấp cao nhất trong văn phòng của đại tướng Minh. Còn thiếu tá Đường là con của ông Hoa Văn Mùi, đã từng là giám đốc cảnh sát thời Diệm rồi tổng lý văn phòng một bộ (nhân vật thứ ba trong bộ đứng sau bộ trưởng và thứ trưởng), nhưng lại được nhiều người biết tiếng khi ông là cầu thủ đội tuyển bóng đá miền Nam thập niên 40. Ông Mùi cùng thời với những danh thủ như Tốt, Guichard, Paccini, Bửu (tức Trương Tấn Bửu, giám đốc Sở Thể dục Thể thao TP. HCM đầu tiên sau giải phóng).
Thành tích của ông Mùi là từng vô hiệu hoá “cầu vương” Lý Huệ Đường của Hồng Kông mặc dù về thể hình ông hơi thấp người.

Luật sư, nghị sĩ Nguyễn Văn Huyền được ông Minh chọn làm phó tổng thống, lúc đầu có mặt tại Dinh Độc Lập nhưng sau đó lại về nhà riêng. Luật sư, nghị sĩ Vũ Văn Mẫu, thủ tướng chính phủ vẫn có mặt tại dinh vào thời điểm này.

Thời gian chờ đợi căng thẳng tôi chợt nghĩ: cũng nên có mặt nhà báo vào lúc quân giải phóng vào Dinh Độc Lập. Lúc này tôi nhớ đến nhà báo nữ V.T.T. Mai làm cho hãng thông tấn AFP. Với tôi, Mai không chỉ là một nhà báo mà còn là một mối thâm tình. Tôi rất mong sự hiện diện của Mai vào lúc này. Tôi gọi điện cho Mai. Và Mai đến ngay với trưởng văn phòng AFP tại Sài Gòn Jean Louis Arnaud. Lúc nào Arnaud cũng ăn mặc trịnh trọng. Một bộ complet màu trắng khói, trên cổ thắt một chiếc nơ và trên tay có sẵn một cuốn sổ nhỏ.

Khoảng 11 giờ 30 sáng, chiếc tăng đầu tiên loại T-54 của quân giải phóng xuất hiện ở từ đầu kia đại lộ Thống Nhất, phía Thảo cầm viên. Tổng thống Minh và các thành viên chính phủ cùng một số dân biểu nghị sĩ, ra đứng tại tiền đình của Dinh Độc Lập để chuẩn bị cuộc đón tiếp. Chiếc tăng to lớn tiến gần, đến khoảng ngang nhà thờ Đức Bà thì đột ngột nổ liền hai phát nhưng không nhắm vào Dinh Độc Lập. Nhưng tiếng nổ của hai phát đại bác đã gây hoảng hốt cho tất cả những người đang đứng chờ ở tiền đình. Thế là tất cả lui vào phòng làm việc của ông Thiệu và.. lo lắng chờ.

Sau này các tài liệu viết rằng chiếc tăng đi đầu đã ủi sập cửa sắt ở cánh cổng còn đóng của Dinh Độc Lập. Vậy là lính gác ở dinh không chấp hành lệnh chăng? Vì tôi nhớ rất rõ ông Minh đã ra lệnh cho lính gác ở dinh mở sẵn cổng chính trước rồi.

Chỉ ít phút sau, tiếng chân người vang dội trong sảnh, có cả tiếng khua vũ khí và tiếng đạn lên nòng. Rồi tiếng hô to từ phía đại sảnh: “Mọi người đi ra khỏi phòng ngay!” Sau này có nhiều nhà báo nước ngoài trở lại sự kiện 30-4 này hỏi tôi lúc đó có lo sợ không? – Tôi không chối cãi mình có lo sợ. Một phần vì tôi chưa từng đối diện với quân giải phóng. Những suy nghĩ riêng và niềm tin trong lòng của mình về họ, chưa qua thực tế, không đủ để trấn an tôi hoàn toàn vào giây phút này. Mặt khác hoàn toàn không thể đoán trước chuyện gì sẽ xảy ra nếu có hỗn loạn.

...Người bước ra khỏi phòng trước tiên là tổng thống Dương Văn Minh. Đi sát bên ông Minh là thiếu tá Hoa Hải Đường. Tiếp theo là thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Ông Minh và ông Mẫu đều rất bình tĩnh, sự bình tĩnh của hai ông cũng truyền sang tôi. Tôi trao cái cặp da xách tay của tôi cho dân biểu Thạch Phen rồi mạnh dạn bước theo. Chúng tôi vừa bước ra hành lang để đi đến đại sảnh thì ở đầu kia thấy có nhiều bộ đội cầm súng và hô to: “Mọi người giơ tay lên!”. Ông Minh, ông Mẫu và tôi cùng mọi người đi phía sau đều nhất loạt giơ tay. Ra đến đại sảnh, tôi thấy có nhiều người mặc thường phục cũng có mặt lẫn với bộ đội. Tôi nhận ra một số gương mặt quen thuộc, đã từng hoạt động báo chí hoặc trong các phong trào đấu tranh học sinh sinh viên. Tôi nhớ hình như có các anh Nguyễn Vạn Hồng (tức Cung Văn), Triệu Bình, Nguyễn Hữu Thái, Huỳnh Bá Thành, Huỳnh Văn Tòng v.v... Ai đó, tôi không nhớ rõ, chạy đến ôm tôi nâng lên khỏi mặt đất và nói to trong sự mừng rỡ tột cùng: “Mình thắng rồi!”, trong lúc hai tay tôi vẫn giơ cao trong tư thế của người đầu hàng. Nước mắt tôi trào ra, tôi khóc vì quá sung sướng thấy cuộc chiến tranh kéo dài triền miên trên quê hương mình đã kết thúc. Tính cả thời Pháp đô hộ là 117 năm! Nhưng trong nước mắt ấy có cả những giọt xót xa: Mình từng chống Mỹ, chống Thiệu để khi kết thúc, mình lại thay Mỹ thay Thiệu đầu hàng! Dù rằng tôi cũng đã sẵn sàng tinh thần để chấp nhận tình thế này, nhưng khi nó diễn ra, lòng vẫn không thể không nhói đau!
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #135 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2011, 10:49:46 pm »

Một người bộ đội (tôi không rõ quân hàm) nói với tổng thống Minh: “Anh chỉ cho tôi đường đi lên để hạ cờ ngụy quyền”. Ông Minh quay sang tôi đang đứng bên cạnh: “Chung, toa hướng dẫn cho người này lên sân thượng”. Sau này tôi biết đó là người chỉ huy chiếc tăng ký hiệu 843 tên là Bùi Quang Thận lúc đó mang hàm đại úy. Nói về sự kiện 30-4 tại Dinh Độc Lập, có một hai bài viết kể tên một ai đó đã đưa bộ đội lên hạ cờ. Tôi không biết ở Dinh Độc Lập còn có một nơi nào khác treo cờ hay không ngoài cột cờ trên sân thượng. Năm 1990, khi kỷ niệm 15 năm giải phóng miền Nam, một hãng truyền hình Nhật có mời tôi và trung tá cùng tái hiện lại những giây phút tôi đưa đại uý Thận lên sân thượng Dinh Độc Lập để hạ cờ của chế độ Sài Gòn.

Trước ống kính của truyền hình Nhật, chúng tôi cùng tái hiện lại những diễn tiến tại Dinh Độc Lập 15 năm về trước:

...Sau khi nhận chỉ thị của ông Minh, tôi đưa người bộ đội trẻ tuổi đến thang máy để lên sân thượng. Đến trước thang máy, tôi bấm nút cho cửa mở. Khi cửa mở rồi người bộ đội trẻ vẫn chưa chịu bước vào. Tôi đoán trong đời anh chưa bao giờ đặt chân vào một thang máy. Tôi nói với người bộ đội trẻ: “Anh vào đi. Không có gì lo. Tôi cùng vào với anh”. Nói xong, tôi vào trước. Sau ít giây do dự, anh bước vào, trên tay là khẩu súng và lá cờ Giải phóng. Tôi không thể tưởng tượng được có một ngày như hôm nay: đi thang máy chung với một người bộ đội. Tôi bấm nút lên tầng cuối cùng. Trước đây tôi có vào Dinh Độc Lập nhiều lần nhưng chưa bao giờ lên đến sân thượng. Bước ra khỏi thang máy, tôi nhìn thấy ngay khu vườn hoa của bà Nguyễn Văn Thiệu mà có lần bà đã than phiền tướng Kỳ, lúc còn làm phó tổng thống, đã làm hư hại nó do mỗi ngày tướng Kỳ đi làm đều đáp trực thăng riêng xuống đây. Thời điểm đó, văn phòng của tổng thống Thiệu và phó tổng thống Kỳ còn đặt chung trong Dinh Độc Lập. Cách thang máy không xa, ở phía trước sân thượng, sát bên ngoài là chỗ cắm cờ. Người bộ đội đi thẳng ra đó hạ lá cờ vàng ba sọc đỏ xuống. Tôi không bước ra theo. Tôi đứng phía trong một lúc, rồi quay trở lại thang máy đi xuống trước một mình.
Trong một bài báo kỷ niệm ngày 30-4-1975 của một tác giả đã đăng vào dịp tháng 4-2003, có ghi lại lời kể của ông Thận khi gặp ông Minh: Ông yêu cầu ông Minh chỉ đường lên hạ cờ ngụy quyền thì ông Minh liền nói với người đứng kế bên thực hiện lời yêu cầu này. Người đứng kế bên ông Minh chính là tôi.

Xem lại các bức ảnh ghi lại giây phút lịch sử này, tôi thấy ngoài lá cờ được đại uý Bùi Quang Thận treo cao trên nóc Dinh Độc Lập - cột cờ chính thức của Dinh – còn thấy xuất hiện hai hay ba chiến sĩ bộ đội đứng phất cờ tại bao lơn (balcon) ở tầng một. Có lẽ chính vì thế mà có sự ngộ nhận đại uý Thận không phải là người duy nhất treo cờ trên nóc Dinh Độc Lập và cũng có lý khi có người khác cũng nhận là mình đã hướng dẫn bộ đội lên treo cờ.
...Khi từ sân thượng tôi trở xuống đại sảnh thì mọi người đã vào trong phòng họp có cái bàn to hình ô van nằm bên cánh phải Dinh Độc Lập. Tôi nghe một người bộ đội cấp chỉ huy nói với ông Minh: “Anh hãy viết ngay một bản tuyên bố đầu hàng”. Ông Minh trả lời rằng sáng này ông đã có một tuyên bố trao quyền rồi. Viên chỉ huy nói: “Anh chẳng có gì để trao. Anh chỉ có thể tuyên bố đầu hàng!”. Lúc này trong những người chứng kiến cuộc đối thoại, có một người mặc thường phục đứng bên cạnh kỹ sư Tô Văn Cang - một trí thức Sài Gòn có quan hệ với Mặt Trận. Người mặc thường phục tự giới thiệu mình là người hoạt động cách mạng nội thành và nói với viên chỉ huy bộ đội: “Ông Minh là người hoạt động cho hòa giải hòa hợp dân tộc. Anh nên đối xử nhẹ nhàng với ông”. Ông Minh vẫn đứng yên lặng. Viên chỉ huy đề nghị ông Minh đi đến đài phát thanh để thảo và đọc bản tuyên bố đầu hàng. Viên chỉ huy yêu cầu những thành viên chính thức của chính phủ đang có mặt gồm tổng thống Minh, thủ tướng Mẫu và tổng trưởng thông tin là tôi cùng đến đài phát thanh. Tôi chuẩn bị bước ra khỏi phòng thì nghe tiếng anh Thạch Phen gọi tôi lại. Anh Thạch Phen trả cho tôi cái cặp da tôi đã nhờ anh cầm giùm lúc nãy. Anh Phen tưởng tôi quên. Thật sự tôi vẫn nhớ nhưng tôi thấy chẳng cần thiết phải lấy lại. Trong cặp là toàn bộ số tiền tôi đã lãnh một ngày trước đó ở Hạ nghị viện trước khi toà nhà lập pháp này đóng cửa. Trong những ngày cuối cùng, chủ tịch Hạ nghị viện đã ký rút ra gần hết số tiền thuộc ngân sách của Hạ nghị viện và ứng trước tiền phụ cấp và đủ các thứ tiền khác thành một cục phát cho tất cả các dân biểu. Tôi nhớ số tiền đó hình như tương đương cả 7-8 chục triệu tiền bây giờ. Phụ cấp hàng tháng của một dân biểu nghị sĩ lúc đó là rất cao trong xã hội. Tôi định bỏ luôn cái cặp vì nghĩ tiền của chế độ Sài Gòn sẽ không còn xài nữa. Tôi miễn cưỡng lấy lại cái cặp trên tay dân biểu Thạch Phen.

Trước khi rời Dinh Độc Lập, ông Dương Văn Minh nói với vị chỉ huy bộ đội: “Vợ tôi vẫn đang ở đây. Xin các anh bảo đảm an ninh giùm”. Viên chỉ huy đáp “Anh hãy an tâm”.

Ông Minh và ông Mẫu được đưa đến Đài phát thanh Sài Gòn trên chiếc xe Jeep của bộ đội. Còn tôi đi theo trên một chiếc xe Jeep khác của các nhà báo Đức. Khi tôi đến đài phát thanh thì hai ông Minh và ông Mẫu đã vào bên trong. Tôi vừa bước vào sân thì anh Nguyễn Hữu Thái và một hai thanh niên khác đứng ở cổng nói với tôi “Anh về đi, khi nào có bộ phận chính trị vào sẽ liên lạc lại”. Lúc này thật khó biết ai là ai, ai có đủ thẩm quyền quyết định chuyện này chuyện nọ.

Nghe thế tôi lại đi trở ra. Sau này được biết, khi hai ông Minh và ông Mẫu vào bên trong đài phát thanh thì không còn nhân viên kỹ thuật nào ở đó để làm công việc thu băng. Sinh viên Nguyễn Hữu Thái phải mất hai tiếng mới tìm ra nhân viên kỹ thuật. Bản tuyên bố đầu hàng do chính trị viên Bùi Văn Tùng thảo. Ông Minh đọc và đài phát vào lúc 13 giờ 30. Sau đó hai ông Minh và ông Mẫu được đưa trở lại Dinh Độc Lập. Vào lúc 17 giờ 30, luật sư Nguyễn Văn Huyền, phó tổng thống Sài Gòn trở vào Dinh Độc Lập trình diện. Ông Huyền đã rời Dinh Độc Lập nửa giờ trước khi quân đội giải phóng vào Dinh.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #136 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2011, 10:51:08 pm »

Đài phát thanh Sài Gòn nằm ở góc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm – Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu). Cổng chính lúc đó mở ra đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ra khỏi đài, tôi rẽ qua đường Phan Đình Phùng, đi bộ ngược về hướng trung tâm thành phố vì tôi không còn xe riêng, taxi cũng không có. Dáo dác tìm “Honda ôm” cũng không ra. Một tay cầm áo vét và một tay xách cái cặp da đầy “giấy lộn” (trong đầu tôi vẫn nghĩ thế) chẳng biết vứt đi đâu. Trong đầu tôi rất lộn xộn: mừng vui lẫn buồn tủi. Cái hình ảnh được anh em ôm lấy và hô lên “Mình thắng rồi” nhưng trong tư thế hai tay giơ cao đầu hàng vẫn quay tới quay lui trong đầu. Đi một lúc khá lâu tôi ngửng đầu lên. Thật bất ngờ. Ngay trước mặt tôi bên kia đường (ngã tư Công Lý – Phan Đình Phùng) là... trụ sở Bộ thông tin, nơi mới hôm qua tôi còn triệu tập họp các viên chức chỉ huy của bộ với tư cách bộ trưởng. Tôi dừng bước lại. Nhớ lại chiếc cà vạt vẫn còn thắt trên cổ, tôi liền tuột nó ra. Chân tôi tự động quay ngược lại. Đúng lúc đó may mắn có một anh chạy xe ôm hất hàm hỏi tôi có đi không, tôi gật đầu.

Xe Honda đưa tôi về hướng quận 10 nhưng tới cuối đường Hiền Vương (bây giờ là Võ Thị Sáu) thì nghe những tiếng nổ dữ dội. Tôi thấy xa xa một chiếc xe tăng T54. Người chạy tán loạn. Tôi đoán phía quận 10 còn hỗn loạn. Tôi bèn quyết định tạm qua đêm nay tại nhà của trung tá Nguyễn Đức Hồng là chánh văn phòng của tôi ở khu Tân Định. Đến đây, tôi điện thoại về nhà cho vợ tôi. Lúc này tôi không còn kềm được nước mắt. Như thể bị ngăn lại từ sáng, nước mắt bây giờ tha hồ tuôn ra. Vợ tôi chia sẻ sự xúc động của chồng nhưng dĩ nhiên vợ tôi chưa hiểu hết những gì xảy ra với tôi trong ngày 30-4 này, từ sáng đến giờ. Tôi đã trải qua những giây phút kỳ diệu và kỳ lạ nhất đời mình. Vợ tôi cho hay cả nhà đều bình yên và cho biết gia đình anh Dương Văn Ba từ nơi “tị nạn chính trị” của anh ở trong Dinh Hoa Lan đã “di tản” ra nhà tôi.

Đêm 30-4-1975 tôi quá mỏi mệt nằm xuống ngủ như chết. Sáng hôm sau tôi thức dậy sực nhớ biến cố lịch sử đã xảy ra, một cảm giác thật lạ lùng lan toả trong người tôi. Tôi nằm yên một lúc lâu lắng nghe cái cảm giác ấy. Không hiểu sao, nó làm tôi nhớ lại cái buổi sáng tôi mới có đứa con đầu tiên. Thức dậy và thấy mình không còn như trước. Một thay đổi lớn đã đến với đời mình. Sáng ngày 1-5-1975 tôi cũng có một cảm giác như thế!

Thay đồ xong, chưa ăn sáng, tôi gọi về nhà. Tôi được biết vợ con đã sang nhà cha mẹ tôi bên đường Bà Hạt. Trung tá Hồng lấy xe Honda đưa tôi đến nhà cha mẹ. Gặp lại vợ con tôi cứ ngỡ mình trở về từ một chuyến đi thật xa. Cả đại gia đình tôi, từ cha mẹ, bảy đứa em – sáu gái và một trai – hai em rể và gia đình riêng của tôi - vợ và năm con - đều có mặt đông đủ. Gặp lại những người thân yêu không thiếu một người, đều bình yên, tôi vô cùng xúc động. Cha tôi lặng im nhìn tôi. Tôi đọc thấy trong mắt ông câu hỏi ‘‘Vậy con có bình yên hay không?’‘. Cuộc đời công chức của cha tôi sẽ hết sức bình thản nếu... không có tôi. Ông bị mất chức, về hưu sớm, vì từ chối với chính quyền Thiệu không gây áp lực với con mình ngưng các hoạt động chống chính phủ Thiệu. Giờ đây lại âu lo không biết sự thay đổi chính trị có ảnh hưởng gì đến con trai mình hay không? Buổi ăn trưa hôm đó cũng là lúc tôi kể lại cho cả nhà nghe các diễn tiến xảy ra trong buổi sáng ngày 30-4 đến khi về nhà ông Nguyễn Đức Hồng. Tôi nhìn thấy mẹ tôi khóc. Bà không hiểu nhiều về chính trị nhưng bà có trái tim yêu quê hương. Bà luôn ủng hộ các hoạt động của con trai mình dù các hoạt động đó có ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp của chồng. Bằng sự nhạy cảm của người mẹ, bà hiểu được con trai mình đã trải qua sự kiện trọng đại này của đất nước như thế nào...

Xong cơm trưa vào phòng nghỉ, vợ tôi âu lo nói với tôi: “Gia đình mình chẳng còn đồng nào. Còn lại chút ít, mấy ngày chót đã tiêu xài hết…” Thực tế là trong nhà tôi không có lúc nào dư dả. Làm báo thì sống bằng lương và nhuận bút. Báo bị đóng cửa thì gặp khó khăn ngay. Làm dân biểu 3 nhiệm kỳ suốt mười năm thì sống bằng phụ cấp của quốc hội, thoải mái hơn nhưng cũng không thật dư dả. Vợ tôi thường than phiền không cho bà buôn bán làm ăn, cứ sợ bị mang tiếng (mãi đến khi chúng tôi chia tay nhau bà mới bắt đầu kinh doanh).

Tôi sực nhớ lại cái cặp da. Tôi hỏi vợ tôi “Em thấy ngoài chợ tiền cũ còn xài không?”. Vợ tôi cho biết vẫn xài. Tôi đi tìm cái cặp mà đã mấy lần tôi định vứt nó. Thế là “đống giấy lộn” (tôi tưởng là như thế) đã “nuôi” được gia đình tôi mấy tháng đầu sau ngày 30-4!

Từ 30-4-1975 cho đến 2-5-1975, các ông Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu và một số dân biểu, nghị sĩ vẫn còn ở trong Dinh Độc Lập. Dự kiến sau khi đại diện Ủy ban Quân quản gặp họ, tất cả sẽ được tự do ra về. Trong hai ngày ông bà Minh còn ở lại trong Dinh Độc Lập, vợ tôi đã mang các bữa ăn sáng trưa và chiều vào Dinh cho hai ông bà. Ngày 2-5-1975, chủ tịch Ủy ban Quân quản Trần Văn Trà đã nói: “Người Việt Nam chúng ta không có ai thắng hay bại, người chiến thắng là toàn thể dân tộc Việt Nam và kẻ bại là đế quốc Mỹ”.

Chiều 2-5-1975, nhà báo Pháp Jean Louis Arnaud điện thoại hẹn tôi để thực hiện bài phỏng vấn đầu tiên sau ngày 30-4 cho AFP. Ông Arnaud không khỏi ngạc nhiên khi nghe những lời phát biểu đầy phấn khởi và xúc động của tôi về chiến thắng 30-4. Bởi chính ông đã chứng kiến cảnh tôi đưa hai tay lên đầu hàng. Ông không hiểu được người giơ tay đầu hàng lại chia sẻ niềm vui với người chiến thắng? Tôi nói: “Trước hết đội quân chiến thắng là người Việt Nam, đồng bào tôi. Họ đã chiến thắng thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ, mang lại độc lập và thống nhất cho xứ sở. Họ đã làm được điều mà nhiều người Việt Nam như tôi không làm được...”. Lúc này, dù tôi hoàn toàn không đoán được chuyện gì sẽ đến trong những ngày sắp tới nhưng có hai điều mà tôi biết chắc nước Việt Nam đang có được là quá lớn, vượt lên mọi tính toán cá nhân và quyền lợi riêng tư: đó là hoà bình và thống nhất.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #137 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2011, 10:52:47 pm »

Chương 26

Sau ngày 30-4-1975

Tôi có ý định viết lại phần đời, sau tháng 4-1975 này, thành một tập hồi ký riêng. Nhưng tôi hoài nghi mình sẽ không còn thời gian đủ để làm việc đó. Tôi vừa thoát qua cơn bệnh hiểm nghèo, không biết thời gian “tạm ứng” tiếp cho tôi sẽ được bao lâu. Phần một của tập Hồi ký tôi mất một năm rưỡi để viết. Tôi đã bắt đầu ngay khi vừa phục hồi sức khoẻ (từ cuối tháng 12-2002). Khi viết đến những dòng này – ngày 01-3-2004 – tôi được tin người bạn thân và đồng hành với tôi trước 1975 trong thời gian chống Mỹ - Thiệu, cựu dân biểu Nguyễn Hữu Chung (Chung Nguyễn), đã mất ngày 26-2-2004. Khi tôi lâm bệnh hồi cuối tháng 6-2002, từ Canada, Chung Nguyễn điện thoại về thăm tôi. Anh tế nhị không đề cập đến bệnh tình của tôi vì có lẽ anh đã nghe thông tin ban đầu là tôi khó thoát qua... (chẩn đoán đầu tiên có bác sĩ nói tôi không sống hơn... một tháng!). Điều không thể ngờ là chỉ sau đó ít tháng thì tôi nhận được tin Chung Nguyễn bị ung thư phổi. Và tôi chưa kịp “đi” thì Chung Nguyễn đã “đi” trước!

Do đó tôi xin tóm gọn lại cuộc đời sau năm 1975 của mình trong chương sau cùng này. Nếu thời gian còn cho phép, tôi sẽ trở lại thực hiện đầy đủ và trọn vẹn tập hai. Thận trọng lúc này là cần thiết.

...Cuộc đời hoạt động của tôi trước năm 1975, chỉ có khoảng 13 năm (bắt đầu vào nghề báo năm 1962). Cuộc đời sau năm 1975, cho đến hôm nay, đã gần 30 năm, chủ yếu viết báo và làm báo.

...Nói cách nào đó, tôi có hai cuộc đời. Trước và sau năm 1975. Dĩ nhiên hai cuộc đời này không tách bạch với nhau, vẫn hoà quyện với nhau, nhưng ở hai chế độ chính trị, hai môi trường sống hoàn toàn khác nhau. Trước đây tôi không tưởng tượng nổi đời mình lại có cơ hội được sống và cống hiến cho đất nước qua hai thời kỳ lịch sử, dưới hai chế độ đối nghịch nhau.

Ngay sau tháng 4-1975, thật là mãn nguyện khi được tham gia Hội nghị Hiệp thương Thống nhất Tổ quốc trong thành phần đoàn đại biểu miền Nam. Với riêng tôi, sự kiện đó có một ý nghĩa lớn với đời mình: sau bao nhiêu năm đấu tranh cho độc lập và mơ ước sự hợp nhất của hai miền Nam-Bắc thì giờ đây tôi là người được đưa tay lên biểu quyết sự thống nhất của Tổ quốc. Còn gì vinh hạnh và hạnh phúc hơn! Dù cho trong giây phút ấy, tôi không thể quên cũng tại nơi đây trước đó không lâu tôi cũng đã đưa tay lên nhưng để... đầu hàng!

Tôi biết có một người cũng coi việc mình tham dự Hội nghị Hiệp thương Thống nhất Tổ quốc như một sự kiện không thể quên của đời mình: bà luật sư Ngô Bá Thành. Trong phần tiểu sử của bà được đọc lên tại buổi lễ tưởng niệm bà do Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc TP.HCM và Hội Liên Hiệp Phụ Nữ tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ TP.HCM ngày 15-3-2004 (sau 42 ngày mất của bà), tôi có nghe nhắc lại chi tiết bà là thành viên phái đoàn miền Nam tại Hội nghị Hiệp thương Thống nhất Tổ quốc. Đối với những người trí thức Sài Gòn đến cuối con đường đấu tranh của mình như chúng tôi, có mặt trong một hội nghị như thế là một sự thoả mãn tinh thần cực kỳ lớn.

...Suốt 30 năm của cuộc đời thứ hai, tôi chỉ viết báo và làm báo, đó là cái nghề tôi yêu và say mê – cái nghề duy nhất tôi chọn lựa cho đời mình. Cho nên 30 năm qua, tôi vô cùng thỏa nguyện được sống trọn vẹn với nghề này, bất chấp những lao đao và những hoàn cảnh không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Tôi không bao giờ than phiền về những khó khăn mà tôi phải đối đầu, bởi làm sao tin được rằng một cựu bộ trưởng thông tin của “ngụy quyền Sài Gòn” lại được tự do viết báo trong chế độ cộng sản? Hơn thế nữa tôi còn ra Hà Nội làm tổng thư ký tòa soạn báo Lao Động, tờ báo của giai cấp công nhân và một trong những tờ báo lâu đời nhất của Cách mạng Việt Nam. Nhạc sĩ Văn Cao là một trong những người đầu tiên làm công việc trình bày cho tờ báo này. Ngày tôi lên máy bay ra Hà Nội để đảm nhận công việc tại báo Lao Động (năm 1994), tôi gặp ông Đỗ Phượng, lúc đó là tổng giám đốc Thông Tấn Xã Việt Nam, tại sân bay Nội Bài. Biết được mục đích chuyến ra Hà Nội của tôi, ông Đỗ Phượng cười, rồi trêu tôi: “Sao anh đi tập kết trễ thế!”.

Khi ra Hà Nội làm tổng thư ký tòa soạn cho báo Lao Động, thật sự tôi đã có ý định dời gia đình ra ở hẳn tại Hà Nội, vợ tôi cũng tán thành. Người vợ sau của tôi lúc này là Trần Hồ Quang Ngọc Cúc (tên gọi thân mật là Cúc Phượng). Nhưng do trục trặc trong công tác tại báo mà ý định sống hẳn ở Hà Nội của chúng tôi bất thành.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #138 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2011, 10:54:05 pm »

Tôi yêu Hà Nội ngay từ đầu chạm mặt. Cuối năm 1975, tôi được báo Tin Sáng cử ra thủ đô lần đầu theo dõi phiên họp của Quốc hội triệu tập sau khi đất nước thống nhất. Tôi còn nhớ lòng mình xúc động thế nào khi từ sân bay Gia Lâm về Hà Nội đi ngang qua cầu Long Biên, giáp mặt với một khối sắt khổng lồ đen sì và cũ kỹ, trên đó đông nghịt người đi xe đạp và hầu như mọi người chỉ mặc một màu nâu sòng hay màu xanh bộ đội đã bạc... Đồng bào ruột thịt của tôi là đây! Chiếc cầu Long Biên đứng vững trước hàng trăm cuộc dội bom của phi cơ Mỹ, là đây! Hà Nội có rất nhiều nơi, nhiều điều tiêu biểu cho cuộc chiến đấu ác liệt và anh hùng của mình, nhưng không hiểu tại sao với tôi, hình ảnh ấn tượng nhất vẫn là chiếc cầu Long Biên mà khi còn nhỏ tôi đã được biết qua cái tên Tây: Paul Doumer.

Khi vào đến Hà Nội, tôi yêu ngay cái thành phố đã có sẵn trong ký ức của tôi qua các tác phẩm của Khái Hưng, Nhất Linh. Sự tưởng tượng lãng mạn của tuổi thơ khi đọc sách, kỳ diệu thay, lại khớp với cảnh vật Hà Nội bày ra trước mắt. Với tôi Hà Nội dường như đã đứng yên như thế qua bao thập niên “chờ đợi” tôi. Ngay lúc đó tôi đã nhận ra vẻ đẹp thầm kín và quyến rũ của Hà Nội sau chuyến đi đó tôi nói với bạn bè ở Sài Gòn rằng Hà Nội là một thủ đô rất đẹp của đất nước.

Và tôi không thể tưởng tượng ở đó tôi còn có cơ hội gặp lại lần lượt tất cả những nhân vật huyền thoại mà tôi cứ ngỡ rằng đã thuộc về lịch sử văn học xa xôi, chỉ tồn tại trong sách vở như Văn Cao, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận v.v...

Cái nghèo, cái cực khổ của Hà Nội mà tôi chạm mặt lần đầu không hề gây sự thất vọng cho tôi, mà trái lại là sự cảm phục. Tôi còn nhớ đến thăm một nữ nghệ sĩ trong đoàn Ca múa nhạc miền Nam vừa trở ra Hà Nội, nhà ở gần hồ Thuyền Quang, tôi nhìn thấy cái giường của cô đặt sát một cửa sổ không có cánh cửa, chỉ có một màn sáo rũ xuống không ngăn được hơi lạnh từ bên ngoài vào. Căn nhà nhỏ nhưng phải chia sẻ chung với hai, ba gia đình. Để giành lại độc lập cho đất nước, mỗi miền đã chấp nhận sự hy sinh khác nhau nhưng đều là những hy sinh vô bờ bến. Có thấy cuộc sống khó khăn của Hà Nội thời đó mới càng nhận ra giá trị những gì chúng ta đạt được ngày hôm nay.

Sau này khi ra Hà Nội nhiều lần tôi thường ghé lại thăm ông Nguyễn Tuân và ông Văn Cao. Khi có dịp vào TP. HCM, hai ông cũng thường đến dùng cơm tại nhà tôi. Hai người có cách sống hoàn toàn khác nhau. Căn phòng của ông Tuân ấm cúng và sắp xếp như một appartement của một người sống độc thân... ở Paris. Căn phòng vừa là nơi ăn ngủ làm việc và tiếp khách. Lúc nào ông cũng có rượu Tây loại ngon. Mùa đông có một lò sưởi cá nhân tự tạo đặt kế bên giường. Ông nói chuyện duyên dáng, dí dỏm và không né tránh những nhận xét đầy hình tượng dành cho các đồng nghiệp hoặc các nhân vật nổi tiếng khác cùng thời. Căn nhà của ông Văn Cao có vị trí thoáng đẹp hơn. Bao giờ ông tiếp khách cũng có vợ ông, bà Băng. Tại phòng khách có treo bức chân dung rất đẹp của bà Băng thời trẻ do ông Văn Cao vẽ. Bất cứ lãnh vực nào mà Văn Cao đặt tay vào cũng đều đạt đỉnh cao từ âm nhạc, thơ cho đến họa. Thường ông ngồi im lặng như pho tượng. Tôi có cảm tưởng: có lẽ người gần như duy nhất gây cho ông sự hứng thú để trao đổi là Trịnh Công Sơn. Cùng với Trịnh Công Sơn bên cạnh, ông đã đồng ý xuất hiện một lần tại Nhà Văn hoá Thanh Niên trong buổi giao lưu với thanh niên TP. HCM.

...Trở lại cuộc sống của riêng tôi và gia đình tôi sau tháng 4-1975 phải nói là may mắn hơn nhiều người nhưng không phải đều thuận lợi dễ dàng. Thậm chí còn có những bi kịch.

...Tôi không thể quên được lúc nhà của cha mẹ tôi bị bộ đội ở phường “đóng chốt” và được lệnh giao cho chính quyền phường vì bị qui vào diện tư sản chỉ vì mẹ tôi có một tiệm tạp hóa ở chung cư Nguyễn Văn Thoại. Còn cha tôi bị bắt về phường ở một đêm vì chính quyền phường tưởng lầm cha tôi là một sĩ quan ngụy cao cấp do có thông tin cha tôi từng là phó đô trưởng Sài Gòn (thật ra phải là phó đô trưởng nội an mới mang lon trung tá hoặc đại tá; cha tôi là phó đô trưởng hành chính thuộc ngạch công chức hành chính, hơn nữa đã bị cách chức hai năm trước ngày 30-4-1975 vì có con hoạt động chống Nguyễn Văn Thiệu!). Tôi hay tin nhà cha mẹ tôi bị “đóng chốt” và bị kiểm kê vào một buổi sáng khi vừa ra khỏi nhà đi làm (lúc này tôi là phó tổng biên tập nhật báo Tin Sáng). Tiếng loa từ phường bên nhà cha tôi vang sang tận nhà tôi (cách khoảng 400 mét đường chim bay). Tôi nghe rõ mồn một: “Mời bà con vào mà thăm quan cung điện của Lý Quí Phát...”. Căn nhà ba tầng khá cũ kỹ của cha mẹ tôi nằm trong khu chợ Nguyễn Tri Phương được giới thiệu với người dân ở phường là một... cung điện! Dĩ nhiên không có ai trong phường đến thăm quan, vì cha mẹ tôi đã ở đó hàng chục năm, mọi người đều biết cha tôi không phải là một tư sản hay viên chức ác ôn, còn căn nhà của cha mẹ tôi so với rất nhiều căn nhà khác ở đất Sài Gòn này cũng không có gì đặc biệt.

Những sự kiện căng thẳng dồn dập xảy đến khiến cha tôi bị lên huyết áp và đột quị tưởng đâu không qua khỏi. Ông bị liệt nửa thân mình, méo miệng, không nói được. Bác sĩ quen ở bệnh viện Triều Châu (sau đổi tên An Bình), anh Nguyễn Văn Mẫu, đã từng là thị trưởng tự phong ở Đà Nẵng trong thời kỳ Phật giáo miền Trung nổi lên chống chính phủ Thiệu - Kỳ, đã giúp cha nói lại được nhưng phải di chuyển bằng xe lăn. Một trong những câu nói đầu tiên sau thời gian ông bị bặt tiếng nói là nói với tôi – khi tôi đứng bên giường chăm sóc ông. Giọng ông giận dữ: “Tao không muốn gặp mày nữa. Gia đình mày đã ra thế này, cha mày đã ra thế này, mà mày còn viết báo cho cộng sản. Cha mày từ mày”. Chưa bao giờ cha tôi đối với tôi giận dữ và dùng những lời lẽ như thế. Những chuyện xảy ra cho gia đình tôi đã biến cha tôi từ một người hồ hởi đón chào Cách mạng, nô nức chờ bạn bè đi kháng chiến trở về, biến thành một người ác cảm với cộng sản và từ luôn con trai của mình. Tôi đứng lặng thinh vì biết rằng mọi lời giải thích lúc này đều vô ích.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #139 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2011, 10:55:09 pm »

Tại tòa báo vào thời điểm đó tôi tuyên truyền cho các cuộc cải tạo tư sản mại bản, công thương nghiệp tư sản tư doanh v.v... thế mà ở nhà cha mẹ tôi lại là nạn nhận của sự lệch lạc trong vận dụng các chủ trương này. Tôi rất đau buồn, không dám nói gì với cha, tôi cố gắng giải thích với mẹ và các em tôi chuyện xảy ra với gia đình mình (và một số khá đông hộ trong phường) là những sai phạm của chính quyền địa phương trước sau gì cũng sẽ có sự điều chỉnh. Mẹ tôi chẳng nói gì, bà quá sợ hãi. Còn các em tôi thì không tin người anh trai của mình nữa. Chỉ làm thinh để âm thầm chuẩn bị vượt biên. Tình cờ tôi biết được chuyện này. Tôi vô cùng đau khổ. Trong đầu tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày anh em tôi lại ly tán. Sau khi tình cờ biết được dự định của các em tôi, tôi đã nhờ một người trong báo Tin Sáng có quan hệ với công an cấp cao tìm cách... doạ em rể của tôi, chồng đứa em gái kế, là người tổ chức cuộc vượt biên để nó từ bỏ ý định. Nhưng lời đe dọa của viên sĩ quan công an phụ trách bảo vệ trong cơ quan tại nơi em rể tôi đang làm việc chẳng có hiệu lực gì. Các em tôi tách ra ở một địa chỉ khác để tránh bị theo dõi rồi một ngày kéo nhau ra đi hơn phân nửa. Tôi có tất cả sáu em gái (lúc đó có ba đã lấy chồng) và một em út là trai. Như vậy cùng một lúc tôi “mất” bảy đứa em! Vào lúc này, người vượt biên coi như không có hy vọng gặp lại người ở lại.

Người thường xuyên đến nhà tôi động viên vào lúc này là anh Huỳnh Bá Thành. Ngay sau tháng 4-1975, Thành có đến thăm tôi và yêu cầu tôi viết một bài cho báo Sài Gòn Giải Phóng. Tôi có viết nhưng bài báo không được đăng. Lần này đến thăm tôi anh dặn dò tôi nói lại với ba mẹ tôi hãy yên tâm, không đến nỗi phải giao nhà và đi vùng kinh tế mới đâu – dù phường cứ mỗi ngày cứ đến ép thúc cha mẹ tôi giao nhà. Một hôm em gái tôi vẫn còn đi dạy qua nhà tôi báo cho tôi biết anh bí thư thanh niên phường đã đề nghị... bí mật với mẹ tôi tháo giấy niêm phong tủ sắt để lấy tư trang của mẹ tôi ra và đánh tráo đồ giả vào. Số vàng và hột xoàn lấy ra sẽ chia đôi. Anh ta hứa sẽ cho gián lại giấy niêm phong khác! Em tôi nói “Mẹ có vẻ xiêu lòng trước đề nghị này”. Tôi dứt khoát phản đối và cam đoan với mẹ và em gái rằng số tư trang ấy sẽ không bao giờ bị tịch thu.

Có một niềm an ủi cho cha mẹ tôi lúc đó là những anh bộ đội trẻ đóng chốt tại nhà - cả bốn đều từ miền Bắc vào - tỏ ra rất thông cảm, lễ phép và đối xử với người trong nhà rất tình cảm, đến cha tôi đầy bất mãn với cộng sản cũng thương họ như con cháu. Thỉnh thoảng họ còn biếu mẹ tôi đường, hay một thứ “nhu yếu phẩm” gì đó vào lúc này rất quý.

Sau đó tôi được em gái tôi báo tin “thằng bí thư đoàn phường, người đề nghị với má lấy tư trang trong tủ sắt ra để chia đôi, đã vượt biên rồi”. Tôi không ngạc nhiên chút nào. Rồi sau đó khoảng 8 tháng hay một năm gì đó, dân chúng ở phường được thông báo tòa án nhân dân quận 10 đưa ra xét xử một số cán bộ phường, có cả cấp cao nhất đã có những sai phạm và tiêu cực trong chính sách cải tạo tiến hành ở địa phương. Tôi được biết trong phường không chỉ nhà cha mẹ tôi mà còn nhiều gia đình khác nữa cũng đã trải qua bi kịch này. Khi công lý lên tiếng thì đã có quá nhiều mất mát vật chất và tinh thần đã xảy ra cho nhiều gia đình. Riêng gia đình tôi, sự mất mát vật chất thì chẳng đáng gì – dù rằng rốt cuộc trong nhà không còn một thứ gì giá trị - nhưng mất mát về tinh thần thì quá lớn: Cha tôi đột quỵ, sau một thời gian ngồi xe lăn đã nằm liệt một chỗ cả chục năm rồi mất; còn 7 trên 10 đứa em tôi thì vượt biên. Cũng may mắn là tất cả đều bình yên.

Cuộc sống của tôi sau 30-4-1975 đúng ra không qua gay go nếu không xảy ra chuyện gia đình tôi bị rơi vào diện cải tạo một cách vô lý. Những khó khăn về đời sống vật chất dù có lúc khá bi đát vẫn được tôi, vợ tôi và các con tôi chấp nhận trong bối cảnh chung hầu như mọi người đều khổ cực. Có lúc rất khó khăn chạy cái ăn từng ngày, trong nhà tôi có thứ gì bán được thì lần lượt bán hết , nhưng ngày ngày đi làm báo từ Tin Sáng (1975-1980) sangTuổi Trẻ (1980-1990), tôi vẫn không một ngày nào thiếu hăng hái hay mất niềm tin. Đồng lương chỉ đủ ăn sáng (mãi cho đến khi làm báo Lao Động tôi mới sống được thật sự bằng thu nhập nghề của mình) nhưng cống hiến thì vẫn hết mình. Nhớ lại giai đoạn ấy bản thân tôi cũng phải tự hỏi điều gì khiến mình giữ được niềm tin và sự kiên trì chờ đợi một ngày mai tươi sáng hơn cho đất nước và cho con cái mình. Có lẽ do tôi không thể quên rằng chính mình đã tự nguyện chọn lựa con đường hôm nay.
Vợ con tôi chịu đựng cũng rất giỏi. Đứa con trai thứ nhì – Lý Quí Dũng – làm công nhân trong nhà in báo Tuổi Trẻ (nơi tôi đang công tác) ở khâu cực khổ nhất: mài bản kẽm in. Còn đứa thứ ba – Lý Quí Trung - tạm ngưng học đại học kinh tế đi làm phục vụ (tức bồi bàn) tại khách sạn Đệ Nhất – Tân Bình. Chúng chẳng kêu ca gì!

...Có một hôm đi làm về tôi thấy có bóng ai leo bên ngoài cửa sổ phòng ngủ lầu một, tôi định hô lên có ăn trộm thì vợ tôi kịp cản lại. Nàng bảo nhỏ: “Không phải ăn trộm đâu, em bán cửa kính cho người ta!”. Tôi định phản ứng. Sao lại tận cùng thế này! Nhưng kịp nhớ lại: những gì có giá trị, có thể bán được thì đã bán hết rồi! Lúc đó không bán kính cửa sổ thì đào đâu ra tiền để chi dụng trong nhà. Nhà tôi ba tầng có đến hàng chục cái cửa sổ, cho nên cũng thu về một số tiền kha khá, có thể đối phó thêm một thời gian nữa. Ngay tức thời chiều hôm đó, cả gia đình tôi có một buổi cháo gà xé phay bù đắp những ngày ăn uống kham khổ.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM