Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Năm, 2024, 12:13:27 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ biên giới tây nam đến đất chùa tháp Tập 1+2+3  (Đọc 86374 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #90 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2017, 08:55:10 pm »


        8 giờ tối đến 9 giờ tối, rồi 9 giờ 30 phút tối, Pôn Pốt tập kích vào chốt hai lần nữa. Không có ai thương vong. Trinh sát Tiểu đoàn báo Tiểu đoàn 3 đang đến. Anh Đạc nói liên lạc xuống báo các đơn vị ra vị trí chuẩn bị xuất phát. Anh em chúng tôi cũng ra vị trí tập trung, tôi cùng một đồng chí liên lạc xuống đi cùng với Tiểu đội cối 60 ly. Toàn đội hình lặng lẽ lên đường.

        Ra khỏi rìa phum là anh em bắt đầu phải lội nước. Bước chân đầu tiên lội xuống nước, xuống sình mới ngại làm sao. Bên Campuchia không có mùa đông, nhưng trời mùa mưa thường mát hơn mùa hè nhiều. Buổi tối nhiệt độ lại như giảm hơn cả cái mát. Gió trời lồng lộng, mưa lớt phớt, cũng không có ai khoác áo mưa. Đi trận khoác áo mưa thì thật là không hợp lý, nên nước mưa, nước ruộng làm cho anh em thấy lạnh ghê gớm. Nhưng đấy là cảm giác đầu khi bước chân xuống nước. Có khi đã bì bõm được một lúc rồi, đầu óc luôn phải tỉnh táo, phải căng tai, căng mắt ra. Mà đi trong đêm thì không ai còn thấy lạnh nữa. Cái rét, cái lạnh không thắng nổi sức nóng trong cơ thể của những người lính chiến.

        Bì bõm, bì bõm, bì bõm giữa đồng nước rộng, vẫn hai đồng chí trinh sát Tiểu đoàn lần trước dẫn đường, đi theo đường tiền nhập cũ. Đi được một quãng, tôi cảm thấy cứ ngứa ở dưới ống chân. Không biết có gì vướng vào, bèn thò tay xuống gãi, thấy có gì nhơn nhớt bám vào da thịt tôi. Cầm vứt ra, nhưng nó có vẻ cứ trơn trơn, dính nhằng nhằng. Thôi chết, đỉa rồi. Cái thứ mà tôi sợ nhất đang bám vào tôi, hút máu tôi. Tôi rùng mình nghĩ lại ngày xưa về quê mà ra ruộng chơi, những ruộng nước trong veo, có những loại hoa trắng nhỏ, lá như lá sen nhỏ cũng xòe lan ở mặt nước, tôi lội xuống đưa tay với, định hái những bông hoa ấy, thì eo ơi, những con đỉa lúc nhúc bơi đến. Lội nhanh lên bờ mà đã có mấy con bám đeo vào chân, dứt mãi mới ra. Theo kinh nghiệm mọi người nói: Nên nhổ ít nước bọt vào tay, cầm kéo đỉa ra dễ hơn. Tôi cũng làm theo như vậy và kéo được con đỉa ra vứt đi, rồi đưa tay sờ vuốt kiểm tra cả hai chân. Trời! Nhiều đỉa quá, tới hàng chục con đã bâu bám hút máu tôi. Loại đỉa này nó có cái chất gì đó mà khi hút máu, cái chỗ vết thương đó rất khó cầm máu.

        Ở quê, thường mọi người hay cấu tý lá nón dán vào để ngăn máu chảy, còn ở đây hàng chục vết cắn thế này lấy gì mà rịt, mà ngăn máu chảy. Sao hồi này ở đây nhiều đỉa thế không biết, chắc do nước ngập lâu nên lũ này sản sinh nhanh chóng. Vậy chắc tất cả anh em đều bị. Nhưng làm sao bây giờ. Không ngờ loại nhuyễn thể này lại trở thành kẻ thù của mình, trực tiếp hút máu mình, hút máu anh em đồng đội mình. Tôi nói đồng chí liên lạc nói anh em là đỉa rất nhiều, anh em cũng đã phát hiện điều này và cũng đang rất là bức xúc khó xử với lũ hút máu này.

        Đội hình cứ lúc đi lúc dừng nhích từng đoạn. Đợi trinh sát chọn đường, cắt phương vị, tránh né các chốt râu tôm của Pôn Pốt. Trời mưa, nên bọn Pôn Pốt có lẽ cũng chủ quan trong việc canh gác hướng này. Còn hướng chốt của Tiểu đoàn vẫn thấy tiếng súng tập kích của Pôn Pốt cùng tiếng súng bắn trả của anh em chốt. Đúng là lính nào thì cũng khổ như nhau, bọn lính Pôn Pốt cũng đâu có sung sướng gì, có khi chúng còn khổ, chịu khổ hơn cả lính mình nữa chứ. Suy cho cùng bọn lính ấy cũng là con em nông dân, người lao động bị huy động hoặc bắt vào đội quân diệt chủng, thực hiện mưu đồ đen tối khát máu của tập đoàn Pôn Pốt - Iêng xary. Chính bọn chúng đã gây hấn, thổi bùng lên ngọn lửa chiến tranh ở biên giới Tây Nam chúng ta.

        Cũng cứ tưởng năm 1975, cách mạng Campuchia thành công, cách mạng Việt Nam thành công thì những người lính, người dân ở hai nước được sống trong hòa bình. Có ai ngờ, sự ngông cuồng, sự ngu ngốc, sự hiếu chiến của chúng đã làm hai đất nước, hai dân tộc chưa kịp hàn gắn vết thương sau cuộc chiến dài lại lao vào một cuộc chiến tranh mới, gây nên những thù hận mới, vết thương mới. Thật căm thù. Tao căm thù chúng mày, khi ghét chúng mày hơn cả những con đỉa đang hút máu chúng tao đây. Tôi thầm nghĩ vậy.

        Vòng vèo mãi, gần 3 giờ sáng đội hình cũng đã đến vị trí tập kết 1. Trinh sát quay lại đón Đại đội 9 của Tiểu đoàn 3 lên đánh cùng hướng với Đại đội 1. Hai Đại đội tiếp tục hành quân.

        Vào đến vị trí tập kết, anh Đạc nhanh chóng bố trí đội hình tấn công của Đại đội, rồi cùng liên lạc và trinh sát sang Đại đội 11, bàn việc phối hợp tác chiến với Đại đội trưởng Ngọc. Anh em chuẩn bị hố chiến đấu rồi lại bắt đầu bài ca cơm nắm bột canh. Mệt và đói, nên nắm cơm như là thật nhỏ, vèo một cái đã hết. Nhưng nắm cơm này cũng làm cho anh em tăng được bao nhiêu “kilôgam” sức khỏe.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #91 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2017, 05:02:09 am »


        Anh Đạc cùng hai trinh sát đã về. Anh Ngọ và anh Ngân trinh sát sang chỗ tôi thì thầm nói chuyện. Mấy năm trước, khi làm trợ lý Tiểu đoàn bộ, tôi thường hay sang Tiểu đội trinh sát chơi cờ. Nguyễn Đăng Ngân vào bộ đội tháng 5 năm 1972, quê Thái Bình, còn Nguyễn Trịnh Ngọ vào bộ đội tháng 12 năm 1974, quê ở Hương Sơn - Hà Tĩnh. Tôi với hai anh em có rất nhiều kỷ niệm. Với Ngân thì năm 1976 cùng trong tổ bốn người do tôi phụ trách, biệt phái xuống phường 7, quận 11 làm công tác kê khai, cải tạo Tiểu thủ công nghiệp, thời gian ở đó khoảng 6 tháng. Chính thời gian này tôi gặp Thanh, cô bé cạnh nhà của đội công tác, năm đó mới có 16 tuổi. Đôi mắt to tròn đen láy, da trắng, tóc dài. Ở Sài Gòn người như vậy, để tóc dài như vậy là hiếm. Không hiểu sao, qua một vài lần gặp, Thanh đã nhanh chóng quý mến tôi, rồi cả cái xóm chung cư Lý Thường Kiệt, lô A ấy đều trêu, đều ghép chúng tôi với nhau.

        Nguyễn Trịnh Ngọ là người Hương Sơn- Hà Tĩnh, mới học xong lớp 12 rồi nhập ngũ ngay. Dáng Ngọ cao lớn, đẹp trai, nhanh nhẹn, rất có bản lĩnh trong chiến đấu. Sống tình cảm, rất hay tẩm quất cho tôi. Ngọ có một bài tẩm quất gia truyền rất tuyệt vời. Hôm nào thấy người mệt mỏi, tôi hay nhờ Ngọ đánh cho một bài. Ngọ đẫm đấm, bóp bóp, vỗ nổ đôm đốp, rất điệu nghệ. Rồi điểm một số huyệt đạo, xong lấy tay bẹo các thớ thịt. Kỳ lạ, tay Ngọ bẹo vào chỗ nào cũng kêu rắc rắc, rất thích và sảng khoái. Tôi đã nói Ngọ dạy cho bài tẩm quất này, Ngọ đã hứa là truyền nghề, nhưng đến bây giờ hai năm rồi mà vẫn chưa thực hiện được. Hồi đầu giải phóng, làm quân quản ở phường Bình Thới, quận 11 tôi là đội trưởng, trong đội có cả Ngọ. Ngày đầu giải phóng, những công việc quân quản rất bận rộn. Nào là kê khai dân số, lứa tuổi, trình độ, nghề nghiệp, tìm và thanh lọc ra những phần tử phản động, phần tử trong chế độ cũ, có nợ máu lẩn trốn trong dân, không chịu khai báo để đi học tập cải tạo.

        Trong thời gian ấy, Ngọ có yêu cô Thủy trong đội công tác cùng phường. Đơn vị biết ngăn cấm, nhưng Ngọ vẫn yêu đến bây giờ. Tôi mới hỏi chuyện, Ngọ nói hai đứa vẫn yêu nhau. Đang đợi dịp được về nghỉ làm đám cưới. Tôi thầm cảm động, cảm phục tình yêu của Ngọ và Thủy. Chợt nghĩ đến mình, tại sao tôi lại nói lời chia tay, ngay khi biết có lệnh đi chiến đấu ở biên giới. Giờ này Thanh đang làm gì? Chắc còn đang ngủ, liệu trong giấc ngủ có bao giờ Thanh mơ thấy tôi không? Có quyển sách nào đó tôi đã đọc, có câu: “Khi em ngủ, thần thoại về đậu trên mắt em. Cuộc đời màu xanh, tình yêu màu hồng” , còn chúng tôi, Ngọ, Ngân cùng bao anh em ở đây ai cũng đã từng có tình yêu, có vợ, có con, có những dự định cho cuộc đời, đôi lứa. Nhưng giờ đây, suốt ngày ùng - ùng, oàng - oàng, sình lầy nước đọng, đỉa bâu thế này liệu có bao giờ có nổi những giấc mơ thần tiên ấy.

        Giật mình vì tiếng vỗ cánh của đàn chim kiếm ăn sớm. Tôi cũng giật mình vì sao hôm nay, mình miên man ủy mị thế. Tôi nói Ngọ và Ngân một câu hơi thừa: “Khi xung phong hai ông bám cùng Ban chỉ huy Đại đội nhé”. Rồi tôi xuống Trung đội 1, Trung đội trưởng Vinh đã hy sinh. đồng chí Minh đi viện về lên thay vị trí của Vinh. Tôi trao đổi với Minh mấy câu thì đã nghe tiếng đề pa của cối bắn vào phum. Tiếng nổ đầu nòng và tiếng nổ của đạn cũng đã hòa gần là 1. Đầu tiên thưa dần, rồi rền vang cấp tập. Tôi về chỗ cối 60 ly, xem anh em bắn. Hai Đại đội là bốn khẩu cối 60 ly cũng tong - tong, tong - tong vào phum. Không gian vỡ òa, mùi khói thuốc phóng đã khét lẹt. Các loại cối pháo bắn 15 phút thì có ba phát pháo hiệu đỏ vụt lên. Chuẩn bị xung phong. Đầu tiên là hai khẩu 12,7 ly, bốn khẩu đại liên của hai Đại đội, thùng - thùng - thùng điểm xạ bắn găm vào phum. Các loại B40, B41 ùng - oàng cấp tập vào rìa làng. Tiếng anh Công, anh Đạc hô xung phong, toàn Đại đội lao lên, vừa hô xung phong vừa bắn. Đại đội 11 của anh Ngọc, tiếng hô vang thật to, tất cả lao lên như vũ bão. Tôi cùng Ngân, Ngọ cũng làm mấy loạt AK rồi lao tiến cùng anh em.

        Đã có tiếng súng của Pôn Pốt bắn trả. Cả tiếng ùng oàng của B40, B41 nữa. Anh em nhanh chóng phản vào các mục tiêu vừa bắn của Pôn Pốt. Tôi cùng đồng chí liên lạc đã lên được bờ đất cao. Đang tiến, chợt tháy lóe lửa ngay phía trước. Oàng, đất tung lên cùng tiếng nổ thật đanh, tôi và Hiệp đều đổ ập người xuống. Đồng chí An y tá chạy đến, xem và kiểm tra vết thương rồi băng cho tôi. Tôi thấy choáng một lúc rồi tỉnh táo ngay. Như vậy là tôi bị hơi ép và mảnh găm nhẹ ở trán, chân có một vài vết thương nhỏ. Mọi người đã tấn công vào phum, Hiệp cũng bị thương nhẹ. Tôi cùng Hiệp và đồng chí y tá bám đuổi theo đội hình. Thật hú hồn, nếu tôi tiến nhanh mấy bước, thì không biết thế nào? Tiếng súng vẫn nổ dồn ở mọi hướng. Lần này bọn Pôn Pốt có vẻ chống cự dai hơn lần trước, nhưng chúng cũng chỉ chống cự được một lúc, không chịu được sức công phá như vũ bão của ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #92 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2017, 10:50:33 pm »


        Tất cả bật chốt chạy. Anh em truy kích. Hướng Tiểu đoàn 3 cũng đã ào tới. đồng chí Thao, Tiểu đoàn trưởng gặp tôi nói: “Mấy anh em cụm lại đây, rồi để vận tải nhanh chóng đưa các thương binh liệt sĩ về sau trước”. Tiểu đoàn 3 cũng đã có hai đồng chí hy sinh, mấy người bị thương. Đồng chí Lưa Chính trị viên Tiểu đoàn 3 nhanh chóng tổ chức cho vận tải khiêng cáng anh em hy sinh và bị thương nặng vé phía sau. Anh Công cũng nói tôi và Hiệp cùng về luôn.

        Chúng tôi quay về chốt theo đường thẳng, phía sau tiếng súng truy đuổi Pôn Pốt vẫn nổ dồn.

        Tôi cùng nhóm vận tải khiêng cáng thương binh nặng, cùng hai đồng chí liệt sĩ về phẫu Trung đoàn. Đằng sau tôi, các loại súng vẫn nổ.

        Về tới phẫu, các y bác sĩ, anh Thu, anh Quyết, anh Chính, bác sĩ Nhật nhanh chóng xem vết thương cho mọi người. Có đồng chí bị thương nát gối, phải cắt bỏ ngay. Tôi thấy bác sĩ Nhật nói nhỏ với các đồng nghiệp như vậy. Anh Chính xem vết thương cho tôi. Tôi nói chắc em bị mảnh nhỏ thôi. Anh Chính nói: “Rất may là nếu mảnh sâu một tí nữa thì cũng ảnh hưởng cả hai mắt. Còn sang phải, sang trái một tý thì cũng vào mắt. vết thương ở mắt cá chân thì không có vấn đề gì quan trọng”. Rồi mọi người làm các thủ tục kỹ thuật lấy miếng mảnh nhỏ găm ở giữa hai đầu lông mày của tôi ra, chỗ mắt cá chân cũng vậy, bây giờ tôi mới thấy đau khó đi.

        Từ đó đến chiều, vẫn thấy anh em thương binh được chuyển về. Có cả một đồng chí chiến sĩ Đại đội 1, nhưng chưa kịp hỏi gì thì đồng chí này vết thương nặng chuyển lên tuyến trên ngay. Ở đây hai ngày, tôi cứ thắc mắc về chi tiết của trận đánh còn lại, mà không được ai giải thích kỹ. Chỉ biết là Pôn Pốt tổ chức phản kích rất mạnh, tới chiều tối anh em mình mới rút về chốt.

        Ngày thứ ba tôi nói với mọi người cho về cứ chỗ anh em, vì cứ và phẫu cũng gần nhau, vết thương nhỏ nên cũng chỉ dán gạc và băng dính, thật vui khi về cứ với anh em. Gặp lại nhóm ba cô, lại được đón nhận từ tay Cúc một ly nước chanh ngọt, mát lạnh, làm cho tôi tỉnh táo ngay. Hay là do nụ cười, ánh mắt nhìn của mấy chị em, đặc biệt là của Cúc. Với cách nhìn, cách nói ân cần tình cảm pha chút bịn rịn mà tôi tỉnh khỏe hẳn lên. Mấy vết thương nhỏ này cũng làm cho tôi tăng bản lĩnh hơn lên. Vì thường khi gặp tôi, mọi người hay nói tôi là dáng dấp thư sinh chứ không phải dáng dấp của lính trận.

        Ngày hôm sau, anh Công về cứ để làm chính sách và cũng là để thăm tôi, thăm Hiệp. Nhưng Hiệp thì chuyển về phía sau. Hai anh em gặp nhau thật mừng. Tôi hỏi ngay tình hình trận chiến tiếp của hôm đó. Nhìn ánh mắt và giọng nói buồn buồn của anh Công, tôi xuống giọng nói tình hình sao anh? Tôi chăm chú nhìn anh Công, hai hàng nước mắt của người đồng đội, người anh, người lính trận chảy xuống, tôi cầm tay anh Công nói: “Có gì anh kể xem nào?” Anh Công nói: “Sau lúc Phú trở về, anh em truy kích, bọn Pôn Pốt dùng pháo cối bắn vào đội hình mình dữ quá. Một số anh em bị thương và hy sinh. Chúng bắt đầu vòng bọc phản kích lại ta. Chúng dùng cả xe bọc thép đứng ngoài xa bắn vào hỗ trợ cho bộ binh phản kích. Anh em phải chống cự tới chiều, chúng bám rất dai, như là cố ý cầm chân mình đến tối. Tiểu đoàn 3 và mình phải xuất kích mấy lấn, đến gần chiều tối lại xuất kích, rồi rút nhanh, để lại một Trung đội của mình và Tiểu đoàn 3 một Trung đội chốt cản đường. Chúng lại bâu đến. Trong trận chiến cản đường đó, khi anh em rút về, thì bảy đồng chí không về được. Đại đội mình bốn đồng chí, bên Tiểu đoàn 3 có ba đồng chí”. Trời ơi! Vậy là có bảy anh em hy sinh chưa lấy được thi hài. Không ngờ trận đánh lại diễn biến phức tạp như vậy.

        Không biết nói gì hơn, mắt, mũi cay xè, tôi nói cả anh Thú, anh Khi, bốn anh em ra quán gọi xị rượu và đĩa bò xào, nhâm nhi cho phần nào xoa dịu nỗi đau đang ở đỉnh cao này. Ly đầu tiên, cả 4 anh em giơ lên cụng, rồi cùng đổ xuống đất, như là hành động biểu cảm sự thương nhớ các anh em hy sinh, cầu khấn cho các anh em được yên lòng siêu thoát.

        Hết một xị, rồi lại một xị nữa, nỗi đau vẫn không thể nguôi ngoai. Anh Công nói: “Lúc nữa có xe tôi sang chốt làm công tác chuẩn bị. Trung đoàn đã có kẽ hoạch tấn công tiếp, bọn Pôn Pốt đang tập trung ở đó rất đông. Hôm qua đã lại tập kích mình rất mạnh, mình phải đánh lên, để phá vỡ âm mưu tấn công của chúng, cũng là tìm anh em, đưa anh em về\

        Khoảng 2 giờ chiều có xe sang chốt. Anh em chia tay. Anh Công đứng dậy ôm tôi nói: “Phú cứ yên tâm ở đây mấy ngày cho khỏe”. Tôi cũng ôm anh thật chặt, không thể nói được gì hơn. Nhìn chiếc tăng ga nặng nề chạy về biên giới cho tới khi mất hút.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #93 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2017, 01:08:21 am »

       
*

*        *

        Ngày hôm sau 17 tháng 7, Trung đoàn lại tổ chức họp quân chính. Trung đoàn trưởng Trần Măng, Chính ủy Diệp Xuân Ánh vẫn duy trì hội nghị. Vản sự có mặt điều hành trực tiếp của Sư đoàn phó Mười Thứ. Các cấp trưởng chính trị, quân sự từ cấp Đại đội, Tiểu đoàn đều tham dự. Đại đội 1 đồng chí Nguyễn Văn Đạc, Đại đội trưởng bị sốt rét đi viện, nên anh Phạm Văn Trọng, Đại đội phó, đi họp cùng với anh Công.

        Sư đoàn phó Mười Thứ tóm tắt về diễn biến trận chiến tấn công Pôn Pốt ngày 13 tháng 7. Đánh giá chung là chúng ta đã chiến thắng, đã đập tan được âm mưu bu bám tấn công chiếm chốt của Pôn Pốt. Nhưng chúng cũng đã có rút kinh nghiệm trận ngày 20 tháng 6. Cộng số đầu đơn vị của Pôn Pốt ở khu vực này tới ba Sư đoàn, rất đông quân nên sau khi bị bật chốt, chúng đã bu bám, phản kích ta ngay. Như vậy chúng ta, Tiểu đoàn 3 và Đại đội 1 tăng cường cùng các đơn vị đã tấn công mạnh mẽ, đã tổ chức lui quân hợp lý. Đương nhiên, chúng ta có những thương vong, 2 Trung đội đã ở lại cản địch, chiến đấu rất dũng cảm, tiêu diệt được nhiều địch, hoàn thành nhiệm vụ. Trong số này còn có đồng chí đang nằm lại ở đó. Sư đoàn, Trung đoàn biểu dương ý chí chiến đấu của các đồng chí, các đơn vị tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trận vừa qua. Nhưng chúng ta cũng đang còn một việc rất quan trọng là: Bảy đồng chí đang nằm lại ở đó, chúng ta phải tổ chức đánh tiếp để phá vỡ, đập tan âm mưu của Pôn Pốt, tìm anh em, đưa anh em về.

        Đồng chí Trung đoàn trưởng Trần Măng giới thiệu đồng chí Nguyễn Sông Thao, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, được điều lên làm Tham mưu phó Trung đoàn, nhưng đồng chí Nguyễn Sông Thao xin ở lại trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 3 đánh trận này, rồi sau đó sẽ nhận nhiệm vụ ở cương vị mới. Đảng ủy và Ban chấp hành Trung đoàn chấp nhận để nghị của đồng chí Thao. Phải nói rằng, hành động của đồng chí Sông Thao tình nguyện ở lại trực tiếp chỉ huy trận đánh then chốt, quan trọng, rất ác liệt này, đã khiến mọi người cảm phục. Đến bầy giờ, khi cuộc chiến đã lùi xa, mỗi lần gặp nhau, những người lính Sư đoàn 341 vẫn kể về hành động quả cảm ấy của Nguyễn Sông Thao.

        Tham mưu trưởng Chu Đức Hùng, từng đảm nhiệm chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 của tôi, lên phổ biến kế hoạch tác chiến của Trung đoàn. Trận này, Trung đoàn sẽ tổ chức sử dụng các lực lượng tác chiến như sau:

        - Lực lượng luồn sâu vu hồi hướng Tây Bắc vẫn là Tiểu đoàn 3 , Đại đội 1, Tiểu đoàn 2 thiếu 1 Đại đội, cùng các lực lượng 12,7 ly của Đại đội 16, ĐKZ của Đại đội 15.

Đại đội 1 được tăng cường một khẩu 12,7 ly, một khẩu ĐK82 của Đại đội 4.

Đại đội 1 đi đầu luồn sâu qua bờ mương thì chốt lại ở khu vực đó để phòng Pôn Pốt vòng bọc hướng này. Tiểu đoàn 3 luồn sâu tiếp khoảng một cây số nữa sẽ đánh từ hướng Bắc vào phum, khi đánh qua những vị trí chốt chặn lần trước cử bộ phận tìm đưa số anh em liệt sĩ lần trước về.

        - Tiểu đoàn 2 thiếu cùng luồn sâu hướng này. Nhưng dừng lại, dàn đội hình tấn công theo hướng Tây Bắc. Cách Tiểu đoàn 3 khoảng 500mét, Tiểu đoàn 2 cũng được tăng cường hai khẩu 12,7 ly của Đại đội 16, 2 khẩu ĐK82 của Đại đội 15.

        - Hướng Đông Nam, Sư đoàn vẫn sử dụng hai Đại đội của Trung đoàn 266 đánh ép vào.

        - Hướng vỗ mặt, sử dụng sáu xe bọc thép cùng Đại đội 2 đánh lên.

        Quan trọng nhất vẫn là việc luồn sâu và tấn công của Tiểu đoàn 3, Đại đội 1, Tiểu đoàn 2. Sau khi chiếm xong các mục tiêu, tổ chức đưa các anh em thương binh, liệt sĩ cũ và mới về ngay, nhanh chóng rời khỏi trận địa càng sớm càng tốt.

        Các loại pháo, cối của Sư đoàn, Trung đoàn bắn hỗ trợ thật mạnh, khi phát hiện Pôn Pốt tổ chức lực lượng phản kích.

        - Sở chỉ huy tiền phương của Trung đoàn sẽ dâng lên gán khu vực Tiểu đoàn 1. Công binh phải nhanh chóng tổ chức hầm chỉ huy cho Trung đoàn.

        - Tiểu đoàn 1, Đại đội 3 và các bộ phận ở lại phải tổ chức chốt giữ thật chắc.

        - Các Đại đội Trinh sát, vận tải và số còn lại của Đại đội 15 ĐKZ, Đại đội 16 súng 12,7 ly, Đại đội 14 súng cối cũng cử thêm lực lượng lên thay chốt cho Đại đội 1, dâng đội hình lên theo Trung đoàn.

        - Thời gian 17 giờ 30 phút tối nay, ngày 17 tháng 7 Sở chỉ huy tiền phương Trung đoàn về vị trí mới. Các đơn vị trực thuộc cũng bí mật nâng lên thay chốt cho Đại đội 1, chốt theo vị trí phân công. Đúng 10 giờ đêm, các đơn vị bắt đầu tiền nhập.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #94 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2017, 12:15:05 am »


        Giờ G vẫn sẽ là 5 giờ 30 phút ngày 18 tháng 7. Sau khi nghe xong phương án, kế hoạch tác chiến của Tham mưu trưởng, các đồng chí cán bộ đều nhất trí, nhưng hầu như mọi người đều phân vân về kế hoạch tác chiến. Cùng một địa bàn mà ta đã tổ chức luồn sâu đánh địch hai lần. Nếu lần này nữa thì cả ba trận, bài bản tác chiến giống nhau, liệu Pôn Pốt đã quen và có biện pháp chống đối ta?

        Đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, Đại đội trưởng Đại đội 11 là Đại đội đi đầu của Tiểu đoàn, phát biểu phản biện gay gắt nhất. Đồng chí Sư đoàn phó Mười Thứ hỏi: “Vậy đồng chí Ngọc và các đống chí có cách đánh gì khác không?”. Tất cả hội nghị đều không thể đưa ra được phương án tác chiến khác hơn, rồi tất cả chấp nhận phương án tác chiến quen thuộc nhưng vô cùng nguy hiểm này.

        Đồng chí Trần Măng nói:

        - Bây giờ thời gian là vàng ngọc. Các đồng chí nhanh chóng về triển khai nhiệm vụ chiến đấu đêm nay và ngày mai cho đơn vị mình. Hội nghị kết thúc, mọi người ra vẽ với trọng trách lớn, với tâm trạng thật nặng nề.

        Mọi người mang tâm trạng nặng nề như vậy, nhưng nhiệm vụ vẫn là nhiệm vụ. Danh dự, trách nhiệm của những người lính, những sĩ quan, những người chỉ huy cấp thấp, trực tiếp phải chiến đấu như những người lính xông pha trước mũi tên, hòn đạn của kẻ thù. Họ đã từng trải qua cuộc chiến dài, trong trận chiến biên giới Tây Nam này cũng đã được gần một năm, cả năm trời tham chiến hàng trăm trận lớn nhỏ, chiến thắng nhiều, song không phải không có những trận không đạt được mục tiêu đề ra. Như trận Hà Tiên - Kiên Giang, nhưng có lẽ chưa có lần nào trước khi vào trận, mọi người lại có tâm trạng nặng nề như trận này.

        Nhưng ở đây, lúc này đang là đỉnh cao của sự đấu trí, đấu dũng giữa ta và Pôn Pốt. Mọi người đều phải nghĩ đến hai chữ “quyết tử”, như cha ông ta đã “quyết tử” trong lịch sử chống ngoại xâm. Các thế hệ đàn anh đã “quyết tử” để làm nên những kỳ tích trong cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Bao nhiêu lớp người đã “quyết tử”, đã anh dũng hy sinh để làm nên chiến thắng đó.

        Trong trận này, cán bộ chỉ huy các cấp cũng phải làm cho tất cả những người lính thấy được vinh dự, trách nhiệm và trọng trách lớn lao này. Tất cả các đơn vị nhanh chóng làm mọi công tác chuẩn bị.

        Ở Đại đội 1, Đại đội trưởng Nguyễn Văn Đạc đã về tuyến sau vì sốt rét tái phát, chỉ huy trận này là đồng chí Công, Chính trị viên trưởng và đồng chí Phạm Văn Trọng, Đại đội phó, còn tôi thì vẫn còn bám trụ ở Búa Lớn.

        Buổi chiều qua nhanh, rồi bóng tối ập xuống như bao ngày. Trời mát nhưng không mưa. Đúng 17 giờ tối, Ban chỉ huy Trung đoàn di chuyển lên vị trí mới, gần Tiểu đoàn 1. Công binh đã khẩn trương làm xong hầm chỉ huy dưới gầm một nhà sàn cũ của dân. 17 giờ 30 phút, các đồng chí chỉ huy Trung đoàn đã tới vị trí. Các lực lượng vệ binh, công binh, trinh sát cùng các đơn vị trực thuộc khác cũng đã dâng lên. Thông tin nhanh chóng triển khai mạng hữu tuyến xuống các đơn vị, công việc đang khẩn trương, trôi chảy theo kế hoạch.

        Ùng - ùng - ùng. Vừa nghe tiếng nổ đầu nòng thì oàng - oàng - oàng. Đất trời như vỡ òa bởi các loại tiếng nổ của pháo và của ĐKZ75 của Pôn Pốt. Chúng bắn vào khu vực hầm chỉ huy mới của Trung đoàn. Không phải một loạt, mà chúng bắn liên tiếp hàng trăm quả. Không gian như được hun nóng bởi khói đạn của Pôn Pốt. Một quả ĐKZ rít... xoẹt... rồi nổ ầm đúng hầm chỉ huy Trung đoàn, góc các đồng chí thông tin đang thao tác, khói lửa trùm lên hầm chỉ huy. Đồng chí Thái, Trưởng ban thông tin hy sinh, hai đồng chí khác bị thương. Lác đác các đơn vị báo lên là có anh em bị thương, hy sinh do trận tập kích hỏa lực của Pôn Pốt.

        Ác liệt đây. Chính ủy Ánh thoáng nghĩ, không hiểu bọn này có âm mưu gì mà tập kích hỏa lực nhiều như vậy? Hay là vị trí Sở chỉ huy đã bị lộ. Nghĩ vậy thôi chứ nhiệm vụ đã triển khai, không được trì hoãn. Đồng chí Ánh quay máy liên lạc với các Tiểu đoàn, nắm tình hình chuẩn bị chiến đấu của các đơn vị. Các đơn vị báo lên, công tác chuẩn bị tốt, anh em rất quyết tâm, riêng Đại đội 11 có sự cố. Tổng số lính nhập ngũ 1972 còn trong Đại đội là tám đồng chí, trong đó có cả đồng chí Ngọc đang giữ chức vụ Đại đội trưởng, một đồng chí làm liên lạc, còn lại sáu đồng chí lính 1972 ở các Trung đội bằng nhiều lý do khác nhau anh em về cứ, không tham chiến trận này. Đây cũng là một bất ngờ, nhưng nhìn chung các đơn vị đều triển khai tốt việc chuẩn bị chiến đấu tấn công Pôn Pốt đêm nay.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #95 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2017, 09:20:10 pm »


        Bọn Pôn Pốt tập kích thêm mấy lần bằng hỏa lực nữa vào các khu vực chốt giữ phòng thủ của ta. 21 giờ rồi 22 giờ, cũng không thấy Pôn Pốt tập kích bằng bộ binh như mọi ngày. Lệnh lên đường. Đại đội 1 vẫn do hai trinh sát của Tiểu đoàn cùng hai trinh sát của Tiểu đoàn 3 dẫn đầu. Xuất phát sau 30 phút thì đến Tiểu đoàn 3, rồi Tiểu đoàn 2, nhóm trinh sát dẫn đường cứ mò mẫm trong đêm chếch về hướng Tây. Cứ đi được trăm mét thì lại chốt lại hai người, còn hai người quay về dẫn đội hình lên. Mọi việc cũng như mọi lần, anh em hành quân luồn sâu thuận lợi. Tuy nhiên, đều phải lội ruộng, cánh đồng ngập nước có chỗ sâu tới đầu gối.

        Khi lấy góc phương vị, bẻ tay phải để vượt qua con đê thì đụng chốt của Pôn Pốt. Trinh sát dẫn đội hình vượt hẳn lên, xa cũng vẫn gặp các chốt của Pôn Pốt, không thể vượt qua được, lại vòng quay trở lại tìm đường mới, cũng vẫn không thể qua được. Mật độ Pôn Pốt chốt giữ quá đông, anh em lợi dụng một số bờ đất để ngồi đợi trinh sát tìm đường, hoặc đứng chôn chân giữa ruộng nước. Dùng dằng, quay đi quay lại. Thành ra đội hình hành quân tiền nhập đã gần như song song đối mặt với con đê của mương dẫn nước. Một tình huống khó khăn, chưa bao giờ gặp trong hành quân tiền nhập luồn sâu.

        Khoảng 1 giờ sáng có bóng người, có những bước chân lội nước, đi ngược với hướng hành quân của ta. Anh em trinh sát lùi lại báo truyền cho đội hình. Pôn Pốt cũng hành quân, có thể chúng cũng có âm mưu tổ chức tập kích ta với quy mô lớn. Lệnh được truyền đi. Tất cả tuyệt đối giữ bí mật không được nổ súng. Nếu Pôn Pốt đụng hướng nào thì hướng đó đánh, nhưng vẫn không được nổ súng, mà mọi người chuẩn bị dao găm, cuốc xẻng, lưỡi lê sẵn sàng cho trận “giáp lá cà” tiêu diệt ngay bọn đi đầu.

        Thật là hồi hộp cho tình huống luồn sâu đánh địch của ta. Lúc này đã hơn 1 giờ sáng, Pôn Pốt cũng đi làm 3 hướng. Hướng thứ nhất, chúng đụng Đại đội 1, hướng thứ hai, chúng đụng Đại đội 11 và hướng thứ ba, đụng Đại đội 5. Một trận chiến nhỏ xảy ra bằng dao găm và xẻng, ta tiêu diệt được gần chục tên bằng các loại trang bị, vũ khí thô sơ đó. Số còn lại kêu duôn duôn rồi chạy ngược trở lại. 20 phút sau, bọn Pôn Pốt trên bờ mương bắt đầu bắn xối xả vào đội hình của các đơn vị, đã có nhiều anh em trúng đạn.

        Như vậy là việc luồn sâu đã bị lộ. Không thể vượt qua bờ mương ém quân như kế hoạch. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Sông Thao hội ý với đồng chí Phạm Văn Xướng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 cùng các đơn vị phối thuộc thay đổi cách đánh, sẽ tấn công vỗ mặt, chiếm bờ mương ngay. Vì ta đang ở thế bất lợi giữa đồng nước, các đơn vị chuẩn bị tấn công nếu cấp trên đồng ý.

        Lúc này là 2 giờ 30 phút, Tiểu đoàn trưởng Thao điện về xin ý kiến Ban chỉ huy Trung đoàn cho các đơn vị đánh chiếm bờ mương ngay. Sư đoàn phó Mười Thứ đồng ý cho thay đổi cách đánh nhưng không đồng ý tấn công ngay trong đêm. Yêu cầu các đơn vị chuẩn bị dàn trận, đúng 5 giờ 30 phút đồng loạt xung phong đánh chiếm bờ mương. Đồng chí Thao vẫn yêu cầu xin nhanh chóng được tấn công địch chiếm bờ mương. Sư đoàn phó vẫn không chấp thuận phương án tấn công ngay của Tiểu đoàn trưởng Thao.

        Tình thế thật bất lợi cho quân ta, nhưng trong chiến đấu, mệnh lệnh cấp trên vẫn phải chấp hành. Các đơn vị được lệnh tiền nhập gần bờ mương hơn. Lợi dụng các bờ đất, gò đất làm công sự, triển khai đội hình chiến đấu. Song việc triển khai ở địa hình này thật khó khăn. Hiếm lắm mới có bờ đất xăm xắp nước, còn toàn ruộng nước, sâu nhất là tới gối, nhung nhúc đỉa. Anh em phải ngâm mình trong nước đợi giờ nổ súng. Đại đội 16 không thể giá súng 12,7 ly tầm thấp được, mà phải giá súng tầm cao như bắn máy bay. Hai khẩu cối 60 ly thì giá súng ngay tại chỗ Ban chỉ huy Đại đội, chỗ này có gò đất xắp nước. Bọn Pôn Pốt đã ngừng bắn, nhưng chúng ta đang ở tình huống khó, đang ở địa hình rất bất lợi cho việc tấn công, vì bờ ruộng chiều dọc rất ít lại nhỏ, tất cả không thể lao lên bằng những bờ như vậy, sẽ bị đạn Pôn Pốt “xuyên táo” vài người ngay. Nên hầu như, tất cả phải xung phong ở đồng nước, rất khó khăn cho việc vận động tấn công.

        Trời đã tảng sáng, mọi người kiên trì chờ đợi giờ nổ súng, trong cái rét vì bị ngâm lâu trong nước. Lại phải rất khó chịu vì cái lũ đỉa đói cứ nhung nhúc bu bám hút máu anh em. Cứ cấu vất được con này thì những con khác bu đến. Ai cũng cảm thấy thời gian như ngừng trôi. Có lẽ không ở đâu, không mấy ai bị chịu đựng cái khổ như thế này. Tất cả mọi người chỉ biết cắn răng mà chịu trận, chờ giờ nổ súng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #96 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2017, 09:48:38 pm »


        Đằng đông trời như vỡ ra, rạng sáng. Tiếng kêu của đàn vạc đi ăn đêm vội bay về tổ, gọi nhau vạc vạc não nùng. Cái giờ G mong đợi đã đến. Pháo, cối của Sư đoàn, Trung đoàn bắn cấp tập vào phum, phía trước đội hình, không gian vỡ òa bởi các tiếng đề pa, tiếng đạn bay rít qua đầu, nổ ầm ầm rển vang như sấm xa.

        Các đồng chí cán bộ Đại đội, Trung đội xông xáo đi nhắc anh em chuẩn bị tấn công. Tiếng súng, tiếng đạn nổ, giờ G đến làm cho cái rét, cái lạnh tan biến đi đâu mất. Tất cả chuẩn bị lại vũ khí xung trận, mục tiêu 1 là đánh chiếm bờ đê, làm bàn đạp tấn công vào phum.

        Pháo chuyển làn, các loại súng đại liên, súng 12,7 ly, cối 60 ly của các Đại đội, cối 82 ly của Tiểu đoàn tong - tong dồn dập xung phong. Đồng chí Nguyễn Sông Thao, Tiểu đoàn trưởng nổ mấy phát K59, rồi hô xung phong - xung phong. B40, B41, ĐKZ82 phát hỏa ùng - ùng, lao vào bờ mương nổ tung đất. Có nhiều quả vượt tầm vào bên trong.

        Các loại súng đại liên 12,7 ly đã nâng tầm bắn làm nền, lấy khí thế cho bộ binh xung phong. Cả tuyến, đội hình các đơn vị từ đầu là Đại đội 1, tiếp Tiểu đoàn 3, rồi Tiểu đoàn 2. Như vậy chiều rộng tấn công khoảng ngàn mét, mũi nhọn là Đại đội 1, Đại đội 11 Tiểu đoàn 3, Đại đội 5 Tiểu đoàn 2. Toàn đội hình lao lên, các loại súng AK nổ ran. Anh em vận động nước bắn tung tóe. Rất ít anh em tận dụng được bờ mương dọc. hai mươi mét, ba mươi mét rồi năm mươi mét. Bọn Pôn Pốt như bừng tỉnh, hay nó có ý đợi anh em vào gần. Các loại súng dọc bờ mương đồng loạt phát hỏa, xối đạn vào cản đội hình tấn công. Trời chưa sáng hẳn nhìn rõ những họng súng đang khạc đạn lóe lửa đầu nòng. B40 - B41 - ĐKZ của chúng cũng ùng, oàng trùm khói lên bờ mương. Đạn nổ oàng, oàng vào đội hình. Ngay loạt đạn đầu tiên của Pôn Pốt, đã rất nhiều anh em trúng đạn đổ xuống, mọi người vẫn vận động, nhưng như vậy là anh em đang lao thẳng vào hướng các họng súng của Pôn Pốt. Đội hình khựng lại.

        Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Sông Thao cùng Tiểu đoàn phó Phan Sỹ Thống vẫn đứng quan sát. Trời! Chúng chốt giữ dày quá, hỏa lực nhiều và mạnh quá. Không phải chỉ có một vài ổ 12,7 ly hay đại liên mà rất nhiều ổ súng vẫn hung hãn nhả đạn. Chúng rê sang phải, sang trái theo hình rẻ quạt, đạn thẳng cắm phầm phập vào quanh đội hình, tung nước chung quanh mọi người. Nhiều anh em nữa trúng đạn.

        Anh Thao hội ý kiến với Tiểu đoàn phó Thống. Tình huống này phức tạp, khó khăn đây? vẫn phải tập trung dập hỏa lực rồi xung phong đánh chiếm thôi. Đại đội 1 và 11 đã gần bờ mương nhất. Ông ở đây, tôi lên chỗ anh Ngọc rồi cùng mấy đồng chí trinh sát truyền đạt tiến được mấy bước thì đạn của Pôn Pốt cắm phầm phập vào vị trí mọi người, đồng chí Thao cùng mấy anh em khác đổ sập xuống. Khẩu K59 của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Song Thao tuột khỏi tay. Anh Thao trúng đạn rồi, mấy đồng chí trinh sát kéo lùi Tiểu đoàn trưởng về chỗ đồng chí Thống. Máu loang đáy ngực, thấm cả quán áo ướt sũng nước. đồng chí Thống báo về Trung đoàn, Tiểu đoàn trưởng Thao bị thương nặng. Đồng chí Trung đoàn trưởng Trần Măng lệnh chuyển ngay đồng chí Thao cùng các anh em bị thương về phía sau, tiếp tục dùng hỏa lực chế áp rồi tổ chức tấn công tiếp. Sư đoàn phó Thứ gào lên xen vào tổ hợp:” Bằng mọi giá phải chiếm lấy bờ mương”.

        Mũi tấn công của Đại đội 1, sau khi tiền nhập cách bờ mương khoảng 100 mét thì anh em dừng lại, cũng cũng cố hầm hào đợi giờ nổ súng. Khi có hiệu lệnh xung phong, anh em ào lên tấn công, nhưng cũng giống như hướng Đại đội 11, nhiều anh em ngã xuống ngay loạt đạn đầu của Pôn Pốt, trong số này có cả Chính trị viên trưởng Nguyễn Tiến Công.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #97 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2017, 04:20:19 am »


        Mũi tiến công khựng lại, phía sau khẩu 12,7 ly và hai khẩu đại liên vẫn bắn đối súng với bọn Pôn Pốt. Khẩu 12,7 ly của Đại đội 4 tăng cường cũng phải giá súng cao, bắn chế áp được một lúc thì bị dập bởi quả ĐKZ. Hai khẩu đại liên vẫn nhả đạn, hỗ trợ cho bộ binh. Lúc này anh em bộ binh không tiến được nữa, anh em bộ binh nằm tại chỗ hay bò lùi tìm chỗ ẩn nấp. Bắn được mấy loạt nữa thì một khẩu đại liên cũng bị dập, ba đồng chí khẩu đội đều bị thương và hy sinh. Còn lại một khẩu đại liên của Tiểu đội trưởng Phạm Thanh Hải vẫn phát huy, bắn xăm vào bờ mương và các ổ súng của Pôn Pốt, đồng chí Hải là lớp lính 1975 quê Thái Bình, thuộc lực lượng tên lửa mới được điều về đơn vị hồi tháng 3 năm 1978. Một viên đạn của Pôn Pốt bắn bay đầu ruồi khẩu đại liên. Kệ, đồng chí Hải vẫn bắn. Như vậy là một khẩu đại liên của Hải đang đối với mấy khẩu 12,7 ly và đại liên của Pôn Pốt trên bờ đê. Hải cũng đã dập được hai mục tiêu, thì một viên đạn xuyên cánh tay trái. Cùng lúc, một quả M79 của Pôn Pốt trúng mũ sắt làm anh choáng vật ra. Đại đội phó Phạm Văn Trọng trườn vào thay Hải, tiếp tục đối súng với Pôn Pốt, được vài loạt đạn thì súng hóc. Anh Trọng cùng một đồng chí nữa đang loay hoay xử lý, thì một viên đạn thẳng cũng làm Đại đội phó Trọng bị thương gục xuống. Cối 60 ly của Đại đội cũng chỉ phát huy được lúc bắn chuẩn bị xung phong. Còn bây giờ trời đã sáng, mục tiêu đã lộ, Tiểu đội lúc này đã có hai đồng chí hy sinh, mấy đồng chí bị thương. Như vậy là mũi tiến công của Đại đội 1 bị Pôn Pốt bẻ gãy. Một số anh em bò lùi lại, nhưng cũng nhiều anh em trong số đó lại dính tiếp đạn thẳng của Pôn Pốt.

        Pháo, cối. ĐKZ75 của Trung đoàn, Sư đoàn ùng - ùng bắn phá vào bờ đê và các khu vực sau. Đài quan sát pháo binh báo, phía sau bờ đê, sâu vào trong, lực lượng Pôn Pốt rất đông, chúng điều cả xe bọc thép lên, nấp ở bờ mương bắn cản quân ta. Các loại cối pháo của ta chi viện tối đa, trúng các đội hình Pôn Pốt, anh em trên đài quan sát rất rõ những xác Pôn Pốt tung lên. Song để bắn trúng được từng ổ để kháng ở bờ đê thì quả là khó, nhưng pháo cối của ta cũng đã làm cho chúng chúi xuống hầm.

        Lệnh xung phong. Đồng chí Thống, Tiểu đoàn phó chỉ huy phát lệnh xung phong. Anh em Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn 2 lại bật lên xung phong. Nhưng kịch bản lại cũng giống như lần xung phong thứ nhất. Anh em khựng cả lại, tìm nơi ẩn nấp. Nhưng cũng thật là khó, không biết nấp biết tránh vào đâu. Nhiều chỗ anh em chụm vào nhau, hoặc di chuyển đều là những mục tiêu để Pôn Pốt bắn vào.

        Khẩu 12,7 ly của Đại đội 16 tăng cường cho Đại đội 11 vẫn thùng - thùng - thùng nhả đạn vào các ổ đề kháng Pôn Pốt. Một đồng chí xạ thủ chính trúng đạn ngã ngay xuống chân súng. Tiếp đến đồng chí xạ thủ vừa thay cũng bị trúng đạn. Đồng chí Lấu, Chính trị viên trưởng Đại đội của Đại đội 16 đi tăng cường lao lại thay, đứng giữa hai chiến sĩ của mình vừa hy sinh, anh khom người kéo các điểm xạ, bắn về phía Pôn Pốt. Thật là dũng cảm và quyết tử. Bắn được một lúc rồi anh cũng trúng đạn, hai tay vẫn ghì chặt khẩu 12,7 ly. Đại đội trưởng Phạm Văn Lầu hy sinh thật anh dũng. Đây là lần thứ hai anh em chứng kiến hành động chiến đấu và dũng cảm hy sinh của các lớp chỉ huy Đại đội trưởng hỏa lực Đại đội 16 súng 12,7 ly.

        Sau khi đồng chí Nguyễn Sông Thao bị thương, anh em trinh sát bò, kéo đồng chí Thao lùi về. Vết thương nặng, nhưng không thể nào có thể chuyển nhanh về sau được. Anh em phải kéo lùi từng tí, từng tí một. Quả là rất khó, phải có anh em nâng cao đầu, còn toàn thân và vết thương phải bị chìm trong nước. Ba, bốn đồng chí tập trung di chuyển Tiểu đoàn trưởng. Sự tập trung di chuyển này, lại là mục tiêu lộ để Pôn Pốt nhằm bắn. Đạn thù xối xả vào chỗ anh em, đồng chí Nguyễn Sông Thao trúng thêm mấy viên đạn nữa, trong nhóm đó, một đồng chí trinh sát hy sinh, hai đồng chí nữa bị thương.

        Đại đội 11 cũng đã hết sức chiến đấu. Chính trị viên trưởng Duyên bò, trườn đi tới chỗ các chiến sĩ. Vừa di chuyển được mấy mét, thì những loạt đạn thẳng của Pôn Pốt găm trúng chỗ hiểm, làm anh gục ngay xuống hy sinh. Đại đội trưởng Nguyễn Văn Ngọc rất bức xúc với tình hình trận đánh. Thấy Chính trị viên trưởng Duyên trúng đạn, anh cùng đồng chí liên lạc bò ra kéo về phía sau, lại tiếp những loạt đạn của Pôn Pốt phầm phập chung quanh. Một viên trúng đồng chí liên lạc, anh hy sinh ngay, đồng chí Ngọc bị một viên xiết vào gáy dưới vành tai.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #98 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2017, 04:21:11 am »


        Khu vực hai khẩu cối 60 ly, đạn cối đã được bắn hết. Vì trong trận này không mang nhiều. Nhưng quanh chỗ đó, bốn đồng chí xạ thủ cối hy sinh, mấy anh em khác bị thương nấp sau bờ đất. Duy nhất Đại đội 11 lúc này còn đồng chí Thoảng, Chính trị viên phó, anh họ đồng chí Hùng lính 1978 người Hà Nội là pháo thủ gánh đạn, kéo khẩu cối, cùng một đồng chí thông tin vô tuyến của Tiểu đoàn mang máy bò lùi, được hơn chục mét máy thông tin ngâm trong nước không còn tác dụng nữa. Nhưng Pôn Pốt cũng xối đạn vào đó, làm đồng chí thông tin Tiểu đoàn cũng trúng đạn nằm bất động. Chiếc máy thông tin vô tuyến vẫn đeo ở lưng trồi lên mặt nước. đồng chí Hùng một tay vừa bò, một tay kéo khẩu cối 60 ly, khẩu cối cứ nằm xuống bùn nước không thể kéo được, được khoảng chục mét, Hùng kiệt sức đành bỏ khẩu cối 60 ly lại đó.

        Hướng Tiểu đoàn 2 cũng tình trạng như vậy. Không kém sự ác liệt. đồng chí Mai, Đại đội trưởng Đại đội 5 bị thương ngay từ lúc đầu, đồng chí Dũng thông tin của Tiểu đoàn bị thương vỡ gót chân. Đồng chí Tiểu đoàn trưởng Phạm Anh Xướng cùng mấy anh em trong Ban chỉ huy vẫn bò, trườn đến chỗ các đơn vị, động viên khích lệ Đại đội 5 và Tiểu đoàn xung phong lần hai. Đồng chí Tiêm, Tiểu đoàn phó, đồng chí Hai, Chính trị viên phó Tiểu đoàn cũng xuống các đơn vị. Song lần thứ hai xung phong cũng giống như Tiểu đoàn 3, đều bị Pôn Pốt chặn đứng, liên tiếp đồng chí Hai, Chính trị viên phó Tiểu đoàn trúng đạn hy sinh. Đồng chí Tiêm, Tiểu đoàn phó, trúng đạn hy sinh. đồng chí Xướng, Tiểu đoàn trưởng, bị đạn thẳng xuyên qua vai bị thương. Đồng chí Thành, Chính trị viên trưởng Đại đội 5 bị viên đạn nhọn cày từ trán lên tới đỉnh đầu. Rải rác khắp nơi anh em mình hy sinh và bị thương nằm khắp đồng nước.

        Các đồng chí bị thương cố bò, di động, thì lại cũng là mục tiêu xạ kích của Pôn Pốt. Các ổ hỏa lực của Pôn Pốt dọc bờ đê vẫn điên cuồng nhả đạn như mưa vào đội hình các đơn vị.

        Lệnh từ chỉ huy sở Trung đoàn cho các đơn vị lùi về sau năm trăm mét để cũng cố lực lượng pháo binh cấp tập về phía Pôn Pốt. Nhưng đạn nổ vào phía sau bờ đê là chính, cũng nhiều trái làm tung các ổ hỏa lực của Pôn Pốt ở bờ đê. Nhưng cũng không thể dập được hết các ồ hỏa lực của Pôn Pốt. Cộng thêm sự tăng viện của Pôn Pốt cũng rất kịp thời nên chúng vẫn chiếm được ưu thế của hỏa lực bắn thẳng. Các máy thông tin bị ngâm nước không sử dụng được, việc truyền tin bây giờ là rất khó, việc anh em lùi ra cũng không phải là dễ, chỉ cần lùi được năm trăm mét là vào được khu vực an toàn có vật che khuất vi có một số ngôi mộ xây.

        Quãng ruộng ngập nước năm trăm mét lúc này là cả một quãng dài vô tận đối với chiến sĩ ta. Hễ người nào di chuyển là bị đạn tập trung vào. Rất nhiều đồng chí hy sinh, bị thương dọc trên đồng nước ấy. Các đồng chí còn lại thấy nhiều anh em bị thương nằm giữa đồng, nhưng lúc này đạn địch bắn rát, đạn cắm phầm phập khắp cả đồng. Gặp nước nhiều viên lại bay lia lên thật nguy hiểm. Rất khó có thể tiếp cận để chuyển về phía sau được. Như vậy, số anh em này lại bị kẻ thù thứ hai hành hạ, đó là lũ đỉa đói. Hàng trăm con đỉa bâu vào, hút cạn máu của anh em mình.

        Hướng Trung đoàn 266, theo hợp đồng có hai Đại đội cùng sáu xe bọc thép lội nước M113 đánh ép vào. Trong ý đồ chiến thuật, mũi tấn công này chỉ là đánh ép, be bờ, đánh vỗ mặt dọa là chính, chứ không phải là nhiệm vụ thọc sâu. Lực lượng này đánh ép vào cũng gặp hỏa lực của chúng rất mạnh. Các loại B40-B41-ĐKZ phóng đạn, vây lấy xe bọc thép của ta, làm hai xe trúng đạn nên lực lượng bộ binh cũng chỉ tiến thêm gần giáp phum rồi bắn hỏa lực vào, đe dọa bọn Pôn Pốt hướng này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #99 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2017, 12:29:12 am »


        Khoảng 7 giờ 30 phút, Sư đoàn sử dụng thêm một mũi đánh gồm năm xe bọc thép, cùng hai Trung đội của Đại đội 2, đánh chéo lên hướng Bắc - Tây Bắc nhưng cũng gặp phải sự kháng cự mạnh của Pôn Pốt. Một xe bọc thép bị đứt xích, mấy đồng chí hy sinh, trong đó có đồng chí Trung đội trưởng Ngô Khắc Quyền, vào bộ đội tháng 3 năm 1975, quê Thanh Hóa, là đồng chí vô cùng gan dạ, dũng cảm, có rất nhiều thành tích, đang được đơn vị để nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực Lượng vũ trang.

        Khoảng 8 giờ, hướng Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn 2 chỉ còn tiếng súng của Pôn Pốt, chúng nhằm bắn anh em ta trên đồng nước, nhưng đơn vị ở phía sau đó năm trăm mét không thiệt hại nhiều. Một số ít bị thương hoặc không bị thương, lùi về được phía sau, hầu như cũng kiệt sức. Nhưng ở khu vực này, các lực lượng vận tải cứu thương nhanh chóng chuyển anh em về phẫu.

        Theo đài quan sát báo, Pôn Pốt dồn quân lên rất đông. Một tình huống đặt ra: “Chúng có thể tấn công dấn lên không?”. Sư đoàn phó Mười Thứ chỉ im lặng. Hình như ông đã thấy được cái đề nghị: “Xin tấn công ngay lúc đêm của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Song Thao là đúng”. Song giờ đây, chưa thể nói gì được nhiều, bằng mọi giá phải ngăn chặn âm mưu tấn công, phản công của Pôn Pốt, trước hết là phải tổ chức chốt giữ. Tất cả các anh em, không phân biệt đơn vị, phải vào các vị trí chốt, phòng thủ, động viên các anh em bị thương nhẹ cũng ở lại, chiến đấu chặn Pôn Pốt. Các đồng chí trợ lý của Trung đoàn tăng cường ngay xuống chỉ huy và đôn đốc việc phòng thủ cùng các đơn vị.

        Các loại pháo, cối xin bắn tối đa để tiêu diệt sinh lực địch.

        Điều 2 khẩu pháo 105 ly lên cao gần Tiểu đoàn 1. Dùng loại đạn phòng thủ của pháo, loại đạn mà trong lịch sử pháo binh của ta chưa sử dụng lần nào. Đó là loại đạn pháo đinh của Mỹ, song việc sử dụng loại đạn này thật là khó, ta chưa có kinh nghiệm, lúc đó theo tôi biết không thật chính xác, là điều một vài sĩ quan pháo của quân lực Việt Nam Cộng hòa đang học tập cải tạo lên gấp để sử dụng bắn loại đạn này, vì loại đạn đinh này không thể bắn xa được, cự ly xa nhất là khoảng trên ngàn mét, nhưng đạn rơi cách mặt đất mấy chục mét thì phát nổ, gây sát thương mật độ dày đặc mấy trăm mét vuông.

        Việc đưa pháo lên gần Tiểu đoàn 1 là rất khó. Vì sức nặng của pháo, đường đất nhỏ ngập nước, lầy lún, phải dùng xe bọc thép kéo, cộng thêm cả sức người đun đẩy nữa hai khẩu pháo mới vào được vị trí xạ kích. Đến gần trưa thì bắn được quả đầu tiên. Qua máy bộ đàm kỹ thuật, bọn Pôn Pốt kêu ầm ĩ vì bị sát thương nhiều. Khẩu thứ hai bắn tiếp thì đạn nổ ngay vào đội hình Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, làm mười đồng chí bị thương, đồng chí Tú, Đại đội phó bị chín cái đinh cắm vào người. Bọn Pôn Pốt phát hiện khẩu pháo lợi hại bèn tập trung các loại ĐKZ phản pháo. Một khẩu pháo bị trúng đạn bốc cháy. Một pháo thủ hy sinh. Hai đồng chí khác bị thương. đồng chí Tú hiện sống tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

        Từ đó đến chiều, pháo đạn đinh kết hợp với các loại đạn pháo cối khác đã tiêu diệt được rất nhiều sinh lực địch, đập tan ý đồ phản công của Pôn Pốt. Trận địa chốt của Trung đoàn được giữ vững. Chiều tối, Trung đoàn tiếp tục cử lực lượng tìm kiếm anh em giữa đồng nước, một số liệt sĩ và thương binh nữa được tìm thấy. Qua các vết thương, thì thấy anh em bị mất máu do đỉa rất nhiều. Số anh em của Đại đội 1, Đại đội 11, Đại đội 5 vào sâu trong bờ mương, không thể vào đưa anh em ra được. Trong đó, có đồng chí Nguyễn Tiến Công, Chính trị viên trưởng Đại đội 1 cùng nhiều anh em Đại đội 1 của tôi.

        Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ ưu tú nhất của Sư đoàn 341 đã anh dũng hy sinh trong trận đánh có thể coi là quyết liệt, gian nan nhất này. Chúng tôi cảm nhận được nỗi đau thương tột cùng, hy sinh mất mát này khó bù đắp nổi, nhưng mọi người phải nén lại, vì những trận đánh với bè lũ diệt chủng Pôn Pốt ngông cuồng, xảo quyệt còn rất gian nan. Quyết tử để bảo vệ, để gìn giữ lãnh thổ biên giới Tầy Nam của Tổ quốc là nhiệm vụ quan trọng nhất. Trận chiến vẫn đang còn tiếp diễn.

        Hết tập 1 Thái Bình, ngày 10-3-2016 Trần Ngọc Phú

       
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM