Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Năm, 2024, 03:07:42 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ biên giới tây nam đến đất chùa tháp Tập 1+2+3  (Đọc 86380 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #220 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2019, 04:40:27 pm »


        Địch hạ nòng súng trên xe tăng bắn thẳng. Hàng loạt cây thốt nốt bị đạn cày đổ ầm ầm, khói bụi bốc cuồn cuộn. Địch bắn thẳng vào khu vực Trung đoàn bộ, đã có người bị thương, hy sinh. Đang trên đường hành tiến chúng ta không ai có hầm hào ụ súng. Mọi người lợi dụng các gốc cây ụ đất tránh đạn và đánh trả địch. Hai Tiểu đoàn được điều tới chi viện. Tiếng bộ đội hô xung phong vang trời. Bọn Pôn Pốt chống đỡ một lúc rồi vỡ trận, chạy táo tác sang bên kia sườn núi. Nhưng lũ pháo binh chúng vẫn cấp tập vào sở chỉ huy Trung đoàn. Nhân dân ở phum không chịu nổi đã lên xe chạy đi, tiếng khóc của trẻ em, tiếng gọi con của cha mẹ vang lên đau xót. Tiếng nổ ầm ầm của đạn rung trong không gian, trâu bò tháo chạy, giật khỏi xe, nhiều chiếc xe đổ kềnh ra đường, người ta la hét, khóc than thật hỗn loạn. Đây chính là nỗi đau lớn của chiến tranh, mọi nỗi đau dồn vào người dân. Người dân tụ về Trung đoàn bộ mong được bảo vệ.

        Tổ dân vận của tôi chạy dạt vào náu ở sân một ngôi chùa nhỏ. Cô The, cô Nhị tỏ ra hoảng sợ. Sợ là phải, vì lần đầu các cô nghe tiếng súng gần và cảnh náo loạn của dân chúng. Tôi bảo Sa Chơn dùng loa kêu gọi nhân dân bình tĩnh tìm chỗ ẩn náu sẽ có thức ăn của bộ đội mang tới. Sa Chơn chạy vào chùa một lúc rồi chạy ra nói: "Trong chùa có nhiều vàng đấy". Tôi cùng Sa Chơn, cô The, cô Nhị vào trong chùa. Tay tôi vẫn cầm súng với tư thế sẵn sàng nhã đạn khi có địch. Có mấy chục thùng đại liên xếp hàng, có thùng mở nắp. Tôi thốt lên :"Đúng là vàng thật". Vàng miếng, vàng lá màu sắc vàng chóe, ước chừng một thùng có tới chục ký vàng chứ không ít đâu. Có lẽ bọn Pôn Pốt cướp bóc ở đâu dồn về đây rồi không kịp tẩu tán. Cái cảm giác khi người bình thường thấy nhiều vàng vô chủ là kinh ngạc và trỗi dậy sự ham muốn chiếm đoạt cũng là chuyện dễ hiểu. Nhưng với chúng tôi, những người chiến sĩ Tình nguyện Việt Nam ngăn ngừa được ham muốn ấy. Chúng tôi ngạc nhiên và tự hỏi ai đã đưa số lượng vàng lớn như vậy về đây, chứ hoàn toàn không hề tính đến chuyện lấy dù là một thỏi nhỏ. Đức tính ấy là do chúng tôi được học qui định có tính kỷ luật, răn đe cao trước khi nhận nhiệm vụ quan trọng này. Hơn thế, trong hoàn cảnh sự sống và cái chết cách nhau gang tấc, việc cứu nhân dân bạn được đặt lên hàng đầu thì không ai nghĩ đến vật chất. Riêng cá nhân tôi, từ nhỏ đã được bố, mẹ tôi răn dạy về đức tính không tham của người khác.

        Chúng tôi đang ngắm nhìn những thùng vàng thì nghe tiếng đạn pháo. Tôi hét mọi người nằm xuống. Lập tức một trái pháo cỡ 105 ly của địch nổ ngay giữa sân chùa, rồi liên tiếp những trái pháo của bọn Pôn Pốt bắn vào khu vực chúng tôi. Khói bụi cùng cả mảnh đạn bay vào trong chùa khét lẹt. Chúng tôi bỏ lại những thùng vàng đó chạy ra ngoài, chẳng còn ai nghĩ đến giá trị của vàng, mạng sống còn thấp thỏm thì vàng làm gì.

        Ra sân, tôi gặp anh Văn. Anh Văn giục tôi:

        - Anh phát loa kêu gọi dân còn lại trong rừng về đây để bảo toàn tính mạng. Đã có nhiều lính địch bỏ ngũ trà trộn vào dân rồi đó.

        Sa Chơn nói qua loa phóng thanh. Lập tức dân chạy ra khỏi rừng rất nhiều, có cả thanh niên cởi tràn. Tôi bảo mọi người vận động lính Pôn Pốt hãy cỡi áo, bỏ vũ khí đứng tập trung lại, không được chạy theo dân. Chúng tôi yêu cầu có vệ binh Trung đoàn bộ đến chi viện. Một lát đã có Tiểu đội vệ binh đến để tách lính Pôn Pốt ra khỏi dân để tránh tai họa cho dân. Rồi chúng tôi dẫn đám lính Pôn Pốt ra đám đất trống gần đó. Đa số lính Pôn Pốt còn trẻ run sợ khi thấy bộ đội ta. Chúng tôi động viên bọn họ bình tĩnh, sẽ được đối đãi tử tế vì đã về với chính quyền cách mạng.

        Tôi phát biểu với những người này là, phần lớn anh em bị bè lũ Ăng Ka bắt vào lính, có người đã đàn áp, giết hại nhân dân, vậy là có tội. Nhưng nay tất cả hối cải, đã về với cách mạng, với nhân dân, sẽ được khoan hồng, đừng lo sợ hay bị kẻ xấu kích động mà gây rối. Kẻ nào gây rối sẽ bị nghiêm trị. Ngày mai anh em sẽ về một nơi để học tập chính sách của cách mạng nếu chuyển biến tốt sẽ được chính quyền cho về địa phương, về với gia đình.

        Tôi vừa dứt lời, tiếng vỗ tay, tiếng hoan hô dậy lên. Tôi báo cáo với chỉ huy Trung đoàn về tình hình đám tù binh đang quản lý. Chính ủy Trung đoàn Diệp Xuân Ánh và Phó Chính ủy Nguyễn Kim Tiến nhắc mọi người phải cảnh giác thật tốt, không được chủ quan, vì tù binh địch qua cơn hoảng loạn thấy ta ít sẽ cướp súng đánh lại ta để tháo chạy. Các anh yêu cầu tổ phiên dịch tuyên truyền cho họ hiểu thêm về chính sách của cách mạng. Hai anh cho biết, ngày mai sẽ bàn giao số tù binh này cho sư đoàn. Nhiệm vụ của Trung đoàn sẽ truy quét địch để thông đường số 4 bắt liên lạc với các đơn vị Quân đoàn 3.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #221 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2019, 09:28:09 pm »


        Chúng tôi thấy tù binh đã đói lắm nên cử một đồng chí về ban hậu cần xin lương khô cấp cho chúng, cử hai chiến sĩ khác dẫn hai tù binh ra suối gần đó lấy nước về cho họ uống. Khi trông thấy lương khô, nước ngọt, tất cả tù binh đứng dậy reo lên. Tôi thông cảm nhưng bảo họ ngồi im ai cũng sẽ có phần.

        Sau khi ăn lương khô, dùng nước suối, chúng tôi phổ biến cho họ cách đi vệ sinh nếu có nhu cầu. Đám tù binh đã qua cơn hoảng sợ, có tên đã cười cười vui vẻ. Người Khmer hồn nhiên như vậy đó. Sau đó họ nằm xuống và tận hưởng sự khoan khoái sau thời gian sống trong cảnh súng đạn nơm nớp lo sự cái chết.

        Cho dù vậy, chúng ta vẫn phải cảnh giác. Tôi nhắc anh em cảnh giới, hai người một tổ, súng cầm tay, sẵn sàng nếu có bất trắc. Đề phòng lính Pôn Pốt từ ngoài rừng nhảy vào đánh ứng cứu hoặc trả thù. Tôi thấy cô Nhị, cô The cũng cầm súng gác.

        Trời lửng đêm, đám tù binh nằm im tận hưởng giấc ngủ. Có thể họ đã hiểu phẩm chất của Quân Tình nguyện Việt Nam là nhân từ, không bao giờ trả thù nên họ yên tâm ngủ.

        Nửa đêm, lũ tù binh đã ngủ im. Tôi nghĩ lại lúc chiều khi tôi và Sa Chơn đi vào giữa đội hình lũ tù binh để chọn, để phân loại chúng. Nhìn thân thể cỡi trần của tù binh, hầu hết đều đeo bùa ngải những cái móng vuốt hùm beo, răng lợn rừng. Nhiều thằng rất lực lưỡng, xăm vẽ hình thù quái dị khắp mình. Chúng tô vẽ trên người do mê tín bùa ngải hay trước là dân anh chị, chợ búa? Có thê là do mê tín, chứ trong xã hội Pôn Pốt quản lý tiền bạc bị triệt tiêu không có dân anh chị được. Nhìn bọn họ, bất giác tôi rùng mình, hơi run sợ nếu chúng đột nhiên thức dậy gây náo loạn. Nhưng bản lĩnh người chiến sĩ trải qua hai cuộc chiến tranh khiến tôi vững dạ, bọn này không thể làm gì được đâu, vì chúng đã bị tước vũ khí. Hơn thế, khi gặp hiểm nguy tôi thường nghĩ, mình phải dũng cảm lên, coi như mình đã chết từ lâu rồi. Ý nghĩ buồn cười ấy cũng là tác nhân cho tôi dám đương đầu với khó khăn, không bao giờ gục ngã.

        Đêm dần về khuya, nhóm tôi gác cùng anh Văn, cô Nhị, cô The. Hai cô gái đã bình tĩnh, tự tin, giọng nói vui hơn. Còn anh Văn tỏ ra mệt mỏi. Tôi thông cảm vì vóc dáng anh Văn nhỏ bé, không cường sức. Có lẽ dạng anh Văn làm nhà giáo hay văn nghệ thì hợp hơn là người lính trực tiếp cầm súng. Nhưng đất nước có chiến tranh những người như anh phải ra trận đánh giặc. Anh từng giữ chức chính trị viên Đại đội hỏa lực, cũng là một thành công trong đời binh nghiệp mà không phải ai cũng đạt được. Và bấy giờ đây, người chính trị viên ấy đang canh gác tù binh với chúng tôi, cũng cùng cam chịu gian khổ như những người lính chiến thực thụ.

        Nửa đêm về sáng, thỉnh thoảng có tiếng đạn pháo nổ vu vơ xa xôi đâu đó. Không gian trở về im ắng. Dù là ai đêm cũng phải ngủ, lính diệt chủng Pôn Pốt cũng vậy. Còn chúng tôi, do phải canh gác nên không thể chợp mắt. Tôi và anh Văn thì thầm trao đổi công việc ngày mai. Rồi tôi bảo cô Nhị, cô The đi ngủ đi, trải nilon vào chỗ bên kia mà chợp mắt một lát, chúng tôi canh gác cho. Cô The đồng ý còn cô Nhị bảo rằng hãy để cô cùng gác. Tôi khuyên mãi cô mới nằm ngủ cùng cô The trên tấm nilon trải đất. Tôi thấy thương hai cô. Họ như em gái mình vậy mà phải chịu cảnh diệt chủng Pôn Pốt, bị đày đọa trong công xã, người thân bị chúng giết hại. Tôi thấy mình canh gác cho hai cô ngủ là đúng còn gác cho tụi lính này ngủ thì thiệt là tức cười, cười ra nước mắt.

        Đêm như cô đặc bóng tối lại, tôi nhớ tới thời đánh Mỹ, khoảng giữa tháng 03 năm 1975, Trung đoàn 273 chúng tôi tiến công địch ở Chơn Thành - Bình Long, một hôm có 9 tên địch thất trận chạy qua đơn vị và đã bị tóm gọn. Trong đó có tên trung úy Đại đội trưởng và một tên Đại đội phó. Lúc đó tôi là trợ lý chính trị nên được giao nhiệm vụ trông coi chúng nó. Chúng tôi đã truyền đạt chính sách tù hàng binh của Quân Giải Phóng và khuyên chúng cứ yên tâm. Một tên tháo chiếc đồng hồ trao cho tôi. Hồi đó chiếc đồng hồ tay giá trị lắm. Tôi bảo nó cất đi, đừng làm thế. Đêm đến, pháo địch từ căn cứ Lai Khê bắn đến dữ dội, mấy tên tù binh coi bộ hoảng sự. Tôi cho chúng xuống một cái hầm rộng. Thế rồi tôi và anh Minh truyền đạt Tiểu đoàn đứng hai đầu gác. Chúng tôi gác cho 9 tên lính thua trận ngủ. Anh Minh quê Nghi Lộc Nghệ An, nhập ngũ tháng 10 năm 1974, hy sinh trong trận đánh Khánh An - Khánh Bình tại An Giang, Châu Đốc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #222 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2019, 09:28:46 pm »


        Và giờ đây tôi và anh Văn đang gác cho đám tù binh Pôn Pốt ngủ. Nghĩ thế, đầu óc tôi như nặng trĩu, mắt ríu lại vì buồn ngủ, vì mệt mỏi. Cả mấy ngày liền truy quét địch cũng không được ngủ an giấc. Buồn ngủ đến rũ xuống, tôi phải lấy nước phả lên mặt.

        Thế rồi, đêm dài cũng qua khi tiếng chim rừng vỗ cánh bay đi kiếm mồi. Với chim chóc không biết sợ hãi súng đạn, đạn nổ chúng bay đi, im ắng lại về với những cụm cây rừng quen thuộc, với tổ ngôi nhà của chúng.

        Hai cô gái cũng thức dậy. Riêng đám tù binh đã mở mắt nhưng không dám dậy vì sợ hãi. Chúng tôi cho bọn lính vệ sinh rồi mới dẫn sang nơi khác, vì nơi đây đã bẩn thỉu quá. Chỗ mới cách đó dăm chục mét, đất bằng phẳng. Chúng tôi phát lương khô cho chúng nó ăn. Một sổ chiến sĩ bộ binh đi ngang qua thấy vậy có ý không bằng lòng, vì họ đã đối mặt với lính Pôn Pốt nhiều, đồng đội đã hy sinh, bị thương nên rất căm giận. Tôi phải giải thích cho họ nhẹ bớt nóng giận.

        Lệnh của sư đoàn là Trung đoàn phải di chuyển, riêng số tù binh để cho Tiểu đoàn 1 vẫn chốt tại đây canh giữ để rồi giao cho sư đoàn 7. Nhiệm vụ của Trung đoàn vẫn truy quét địch dọc đường 4 về đèo Tượng Lăng.

        Sau khi bàn giao số tù binh cho Tiểu đoàn 1, đơn vị cũ của tôi, chúng tôi thấy nhẹ nhõm. Nhiều thằng tù binh nhìn chúng tôi với ánh mắt biết ơn và có vẻ lưu luyến lắm. Thì ra với con người, dù là kẻ ác, khi ta đối xử nhân từ thì họ được cảm hóa và biết ơn ta.

        Đơn vị tiếp tục hành quân. Bộ đội vừa đi vừa nhai lương khô, uống nước đun sôi để nguội, trong tiếng pháo địch nổ đâu đó. Nhiều người thắc mắc tại sao phát hiện ra căn cứ địch mà không tiến công tiêu diệt? Trung đoàn phó Chu Đức Hùng giải thích, quân đoàn đã sử dụng sư đoàn 7, sư đoàn 9, phối hợp với một số đơn vị binh chủng tiến đánh giải phóng Âm Leng rồi. Nhiệm vụ của sư đoàn 341 là đánh thông đường số 4, bắt liên lạc với sư đoàn 304 thuộc Quân đoàn 3 ở đèo Tượng Lăng.

        Trên đường hành tiến, Trung đoàn 273 không đụng với lực lượng lớn nào của địch, thỉnh thoảng thấy tốp nhỏ lính địch nấp nổ vài loạt súng bộ binh rồi bỏ chạy. Vùng này hiểm trở nên đơn vị không thể tiến nhanh được.

        Trên đường hành quân, cô The, cô Nhị như đã quên hẳn vụ đám tù binh đêm qua nên vui vẻ hẳn lên. Phía trước chúng tôi là các đơn vị bộ binh đánh mở đường, cây cối, hố pháo hố mìn dọc đường khiến đội hình hành quân rất chậm, một ngày cũng chỉ hành tiến được chục cây số.

        Đến cuối chiều, được lệnh dừng chân nghỉ qua đêm. Trung đoàn bộ dừng chân cạnh dòng suối nhỏ. Nhận xong nơi ở, anh Văn và tôi hướng dẫn mọi người nơi nghỉ, chỗ đào hầm sẵn sàng chiến đấu. Xong mọi việc cho đêm nghỉ đã có cơm do ban 5 nấu xong. Lúc này tôi nhận lệnh trực ban Ban chính trị đêm nay tại hầm chỉ huy Trung đoàn. Mọi người xúm vào mâm cơm thật vui, cơm dã chiến chỉ có vài món đơn sơ, mắm, ruốc khô, vậy mà thật ngon. Tôi thông báo với mọi người về việc đi trực ban. Lập tức cô The, cô Nhị hỏi dồn, tại sao tôi lại chuyển đi trong lúc này. Ánh mắt các cô tỏ ra ngạc nhiên, lo lắng. Tôi cười bảo rằng chỉ đi trực ban một đêm, mai lại về. Các cô cười mắc cỡ vì hiểu sai. Tôi cảm động vì tình cảm mọi người dành cho mình. Trong chiến tranh, con người đối xử với nhau thân quí, trong sáng vậy đó.

        Khi tôi lên tới ban chỉ huy thì công binh đã làm xong hệ thống hầm hào sở chỉ huy. Tuy là dã chiến nhưng kiên cố, các đường hào sâu lút đầu người thông với các hầm chỉ huy trưởng, Chính ủy. Chiến sĩ công binh với những công việc âm thầm, đi trước về sau, nhẫn nại gian khổ, hy sinh không thể kể xiết.

        Đến hầm chỉ huy tôi thấy Trung đoàn phó Chu Đức Hùng đang ngồi với Trưởng ban tác chiến Hoàng Duy Hiển. Anh Hiển hồi giải phóng miền Nam là trung đội trưởng hỏa lực của Đại đội 4. Quê anh Hiển ở Quảng Ninh. Sau này tôi còn ở với anh khá lâu trong cùng đơn vị. Có điều tính cách anh Hiển thiên về thầm lặng, nhất là khi nghỉ hưu anh ít tiếp xúc với mọi người. Còn chúng tôi thích gặp gỡ, hội hè, cùng nhau ôn cổ tri tấn. Thôi thì mỗi người mỗi tính, cần tôn trọng cá tính của nhau.

        Anh Hùng nói với tôi:

        - Tình hình căng lắm, ông Phú nhé. Các ông trực là phải hết sức cảnh giác, thường xuyên liên lạc với các Tiểu đoàn, các đơn vị trực thuộc để nắm tình hình, đôn đốc canh gác. Sau đây ông Hiển đi kiểm tra vệ binh canh gác, hầm hào. Có dấu hiệu lạ hay địch tập kích là mấy ông phải báo cho chúng tôi ngay.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #223 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2019, 11:26:33 pm »


        Nói dứt lời, Trung đoàn phó Chu Đức Hùng nhấp cạn ly trà rồi về hầm của mình. Tôi ngó theo, anh Hùng có dáng nhỏ nhắn là con trai Liệt sĩ mà anh vẫn xông pha chiến trận. Người nhỏ vậy mà sức dẻo dai, rất gần gũi bộ đội. Ngày đầu chúng tôi làm quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định, anh hướng dẫn chiến sĩ cách sử dụng nhà vệ sinh, sử dụng điện nước ở thành phố, những sinh hoạt nhỏ để lính trẻ không bị bỡ ngỡ. Trực ban Trung đoàn bộ ở chiến trường là luôn nắm tình hình suốt ngày đêm, thường xuyên liên lạc với các Tiểu đoàn, đơn vị trực thuộc, cả phương tiện hữu tuyến, vô tuyến và liên lạc truyền khẩu trực tiếp. Thức một đêm trắng, chúng tôi phải dùng trà đặc để chống buồn ngủ. Ban 5 thường xuyên lo trà nước và cả thức ăn khuya, nếu có.

        Trong thời kỳ chiến đấu ở biên giới Tây Nam cách đây chưa lâu, đã có đơn vị bị lính Pôn Pốt lẻn vào đội hình Trung đoàn rồi đánh theo kiểu " nở hoa trong lòng địch" gây cho ta thiệt hại lớn. Đó là bài học không được quên.

        Ngồi bên cỗ máy vô tuyến, tôi nhớ lại sự kiện ấy, lòng tự nhủ phải cảnh giác cao độ. Đêm về khuya yên tĩnh, khoảng 12 giờ, có loạt tiếng nổ súng của bộ binh ở hướng Tiểu đoàn 1, tôi quay máy hỏi thì anh Phô Tiểu đoàn phó bảo chẳng có gì lớn xảy ra đâu, đó là đạn anh em mình thấy động nên bắn đó thôi.

        Đêm khuya anh Hiển, đồng chí trự lý quân nhu và tôi ngồi thì thầm trò chuyện. Chúng tôi đều là lính nhập ngũ 1972 nên có nhiều chuyện để nói. Quê anh Hiển ở Quảng Ninh, nơi chiến tranh do phía Trung Quốc gây ra, đang ác liệt lắm. Chúng tôi động viên anh hãy yên tâm vì ngoài đó có bộ đội, chính quyền địa phương lo rồi.

        Khoảng 2 giờ sáng chúng tôi nhận hai bức điện với nội dung:

        - Trung đoàn 273 không hành tiến theo nhiệm vụ nữa mà chuyển qua truy quét cắt ngang đường 4, tập kết bố trí đội hình dừng chân tại đường 4, sử dụng Tiểu đoàn 1 đánh hành tiến đến khu vực đèo Tượng Lăng để bắt liên lạc với Quân đoàn 3 đang từ Công Pông Thom lên.

        - Sư đoàn điều động 22 đồng chí sĩ quan của Trung đoàn 273 (có danh sách kèm theo). Trung đoàn bố trí nhân sự để thay các đồng chí này.

        Trong danh sách có Trung đoàn phó Chu Đức Hùng, Phó Chính ủy Nguyễn Kim Tiến, Phó Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn và cả đồng chí Hiển, đồng chí Văn Tiểu ban dân vận, đồng chí Ngô Quang Vinh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1. Đây là bộ khung một đơn vị rồi, chúng tôi đoán, các đồng chí này sẽ ra mặt trận biên giới phía Bắc.

        Chúng tôi báo cáo với các đồng chí trong ban chỉ huy Trung đoàn, tất cả bật dậy rất nhanh. Bên ấm trà nóng do trự lý quân nhu pha, các anh nhận định là số sĩ quan này được điều động ra phía Bắc rồi, đây là bộ khung một Trung đoàn.

        Một cuộc họp ban chỉ huy được tổ chức ngay. Một Trung đoàn rút đi từng đó cán bộ chủ chốt để lại khoảng trống không nhỏ, cần có người đảm nhiệm được các chức vụ ấy thay thế. Trung đoàn trưởng Trần Măng và Chính ủy Diệp Xuân Ánh là người lo nhất.

        Anh Ánh phát biểu rằng đã là người chiến sĩ thì Đảng cần đâu ta có mặt ở đó, không ngại gian khổ, hy sinh mà coi như vinh dự được chọn lựa. Rồi anh thông báo tình hình biên giới phía Bắc rất phức tạp, ác liệt về quân sự, phức tạp về chính trị.

        Kết thúc bài diễn thuyết hơi dài nhằm chấn chỉnh tư tưởng, lên giây cót cho mọi người, ông cùng Trưởng Tiểu ban cán bộ Trần Đình Tuấn vào căn hầm gần đó bàn việc sắp xếp cán bộ bù vào chỗ những người điều động ra phía Bắc.

        Cả Trung đoàn như nóng lên khi được tin cấp trên điều động một số lượng lớn cán bộ ra biên giới phía Bắc. Mọi người đều muốn biết rõ tình hình chiến sự, cuộc sống nhân dân biên giới ra sao.

        Trung đoàn trưởng Trần Măng lệnh cho các đơn vị ăn sáng sớm hơn thường lệ để 6 giờ đánh hành tiến bẻ góc ra đường 4. Tôi vội về nơi Tiểu ban dân vận Trung đoàn đứng chân gặp anh Văn thông báo cho anh biết là anh được điều động đi đơn vị khác. Vốn tính hồn nhiên, anh thốt lên:" Thế à?" Rồi anh hỏi tên những người cùng đi. Tôi đọc cho anh nghe tên từng người rồi nói:" Chắc chắn các ông được ra Bắc rồi đó". Anh Văn thần người một lúc rồi nói: " Là người lính, cấp trên điều đi đâu, mình đi đó. Nhưng lần này nếu ra Bắc mình cứ phải về thăm mẹ mình cái đã rồi đi đâu thì đi, đánh đâu thì đánh ông Phú à? "
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #224 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2019, 11:26:53 pm »


        Đội hình các đơn vị hành quân ra trục đường 4, gần trưa Trung đoàn bộ cũng ra tới nơi. Đã gần chục ngày luồn rừng sâu truy quét địch, bây giờ ra đường lớn gặp trời quang đãng, gió thổi lồng lộng, chúng tôi thấy khoan khoái vô cùng.

        Qua bản đồ, tôi thấy con đường 4 này từ thủ đô Phnôm Pênh đi xuống cảng Công Pông Thom nối với cảnh Sihanouk Vin. Con đường huyết mạch chiến lược này có từ xa xưa, vừa được mở rộng, trải thêm nhựa phẳng lì. Cặp theo đường là đường ray xe lửa cũng khá hiện đại đang xây dựng. Hàng hóa xuất nhập khẩu đều qua đây rồi vận chuyển về thủ đô và các nơi.

        Trung đoàn bộ dừng chân ở mé đường, gần đó là đơn vị pháo binh của Trung đoàn 55. Chính đơn vị pháo binh này đã chi viện, phối hợp với Trung đoàn đánh địch. Pháo binh hạng nặng dội lửa xuống tới đâu địch phát hoảng tới đó. Bộ binh gặp pháo binh chúng tôi vui mừng, hỏi han mọi chuyện, tìm đồng hương, bạn bè cũ.

        Không hiểu sao ở đây rất nhiều ruồi. Ruồi bay đậu khắp nơi, loài ruồi to bất thường, hễ ta ho hay há mồm là chúng lọt vào cổ họng. Cán bộ làm việc cũng phải ngồi trong màn. Khi bộ đội ăn cơm phải mắc màn. Phải chăng xác súc vật bị chết lâu ngày khiến loài ruồi sinh nở nhiều?

        Nơi đây thành địa bàn tập kết của Trung đoàn. Tiểu đoàn 1 phát triển xuống đèo Tượng Lăng hướng xuống cảng Công Pông Thom. Tiểu đoàn 2 hành tiến theo bìa rừng cạnh trục đường 4. Tiểu đoàn 3 đứng bên phải đường. Cơ quan Trung đoàn bộ ở quanh ban chỉ huy.

        Chính thời gian này, Trung đoàn trưởng Trần Măng cũng được điều động về quân đoàn nhận nhiệm vụ mới. Trung đoàn phó Đặng Hợi được cử làm Quyền Trung đoàn trưởng, cấp trên điều đồng chí Lê Anh Bút về giữ chức Trung đoàn phó thay anh Chu Đức Hùng.

        Tôi thấy bâng khuâng vì các đồng chí cùng sống, chiến đấu rất lâu với mình nay được điều đi. Các anh Chu Đức Hùng, Trần Măng, Đặng Thành Văn lưu lại biết bao kỷ niệm trong tôi. Chúng tôi từng gian khổ, sống chết bên nhau giờ đây kẻ ở người đi ra chiến trường phía Bắc rồi biết bao giờ mới gặp lại nhau?

        Chúng tôi bịn rịn một lát khi chia tay, chúc nhau sức khỏe và thành công trong mọi nhiệm vụ. Xe vận tải của sư đoàn tới đón các đồng chí ấy về nơi tập trung. Chủ nhiệm chính trị Đặng Văn Lưa cũng về sư đoàn dự phiên tòa xét xử tham mưu phó Trung đoàn vi phạm chính sách dân vận quốc tế.

        Cuộc sống của chúng tôi ở chiến trường là luôn sôi động vậy đó. Chia tay các anh, tôi về Tiểu ban dân vận làm tiếp mấy việc.

        Khoảng 4 giờ chiều, từ khu đồi cao cách nơi chúng tôi khoảng một cây số bỗng vang lên mấy loạt đại liên nhằm vào khu vực đứng chân của ban chỉ huy. Tôi lợi dụng gốc cây để quan sát và thấy rõ mấy họng súng địch đang bắn về phía chúng tôi. Tôi đang quan sát thì nghe tiếng hô lấy khẩu độ của chiến sĩ pháo binh, liền đó hai khẩu 105 ly của ta nhả đạn. Trận địa pháo gần nơi tôi đứng. Tôi liền chạy tới đó, những trái đạn vọt ra khỏi nòng nổ bùng lửa lên nơi địch nấp bắn. Nhìn đạn nổ và ấm thanh vọng lại tôi nói to:" Điểm nổ cách đây 1200 mét". Anh em pháo binh quay lại ngó tôi một thoáng rồi tiếp tục bắn. Bụi bốc lên mờ mịt, tôi bị ho sặc sụa, nhưng anh em pháo thì không. Họ vẫn nã đạn về phía địch.

        Sáng hôm sau, Tiểu đoàn 1 tiến công địch ở đèo Tượng Lăng. Một dãy núi vắt ngang đường số 4 và con đường vắt ngang đèo với núi đá hiểm trở. Bọn lính Pôn Pốt tưởng lợi dụng núi đá để hòng ngăn chặn ta. Tiểu đoàn 1 sẽ tiến từ bên này sang và sư đoàn 304 sẽ từ phía bên kia tiến lại, ép địch lại để tiêu diệt.

        Đúng 6 giờ sáng, Tiểu đoàn 1 nổ súng tiến công. Địch chống cự yếu ớt rồi bỏ chạy vì lực lượng chúng còn rất ít. Nhưng rồi, một tình huống mới xuất hiện, khi Tiểu đoàn sang bên kia đèo thì phát hiện đoàn xe Hồng Hà chở lính từ xa tới, tưởng đơn vị của sư đoàn 304, mọi người mừng vui, anh em trinh sát bắt liên lạc, nhưng đoàn xe đã đổ quân và tiến về phía đèo. Chỉ huy Tiểu đoàn điện về Trung đoàn, Trung đoàn ra lệnh bắt liên lạc vì đó là đơn vị bạn. Nhưng đám quân kia đã tản ra thành đội hình chiến đấu nã cối và phóng ĐKZ liên tục về phía ta. Anh em ta nghe được tiếng thúc quân của địch. Chúng ta đang ở trên đỉnh đèo nên chiếm thế thượng phong, địch tiến lên dễ bị tiêu diệt. Bọn chúng dội các loại cối cùng hỏa lực vào đội hình ta, đạn nổ vào đá nghe chói tai, đã có vài anh em ta bị thương và hy sinh. Nhưng Tiểu đoàn phải đợi lệnh Trung đoàn. Trung đoàn trưởng Lê Văn Hợi, người vừa được đề bạt Trung đoàn trưởng, vốn là pháo binh, nên đề nghị pháo binh sư đoàn chi viện gấp. Pháo ta bắt đầu dội lửa vào đội hình địch. Bọn địch xua quân lên nhưng bị Tiểu đoàn 1 đánh vỗ mặt đành tháo chạy. Tiểu đoàn nhận lệnh đào công sự án ngữ khu vực này. Bộ đội vận tải đến chuyển thương binh, liệt sĩ về phía sau.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #225 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2019, 11:28:01 pm »

       

Đồng đội 341 hội ngộ


        Sáng hôm sau Trung đoàn triệu tập cán bộ chỉ huy Tiểu đoàn cùng các Đại đội trực thuộc về chỉ huy sở họp triển khai nhiệm vụ mới. Lúc này Tiểu đoàn 1 đang chốt giữ đèo Tượng Lăng. Bọn lính địch đã lùi ra xa ngoài tầm súng bộ binh của ta. Từ Tiểu đoàn lên Trung đoàn chừng bốn cây sổ, đường đi giữa rừng cây lúp xúp. Đoàn cán bộ lên Trung đoàn gồm mười lăm người do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phô dẫn đầu.

        Đoàn đi bộ như vậy là đông cho dù có trinh sát dẫn đường, bảo vệ nhưng khó tránh khỏi nguy hiểm. Quả vậy, ra khỏi ban chỉ huy chừng hai cây số thì vào nơi lính địch phục kích, chúng bắn B40, B41, M79 cùng các loại súng bộ binh như mưa vào đội hình. Mọi người nhanh chóng nép vào vệ đường tránh đạn. Điều quan trọng bây giờ là đánh lại địch nhưng thế của ta bây giờ rất khó cơ động để tấn công chính diện vì địch đã khống chế, chúng đã cho lính vòng sang bên này từ đêm qua. Địch tập trung hỏa lực từ hai bên đánh vào đội hình ta. Đoàn cán bộ của ta bị kẹt vào giữa đường tàu và đường bộ trống trơn. Đồng chí Phô chỉ huy mọi người vừa đánh trả địch vừa di chuyển về hướng Trung đoàn đứng chân, đồng thời đề nghị lực lượng đến chi viện. Trung đoàn bộ đã điều Đại đội trinh sát, một đại đội của Tiểu đoàn 2, một đại đội của Tiểu đoàn 3 đến ứng cứu. Trước sức mạnh đông đảo của ta, bọn lính Pôn Pốt tháo chạy. Nhưng đồng chí Vũ Ngọc Tiến, Chính trị viên, Phó Tiểu đoàn đã hy sinh, hai người khác bị thương.

        Khi nhận tin Tiến hy sinh, tôi bàng hoàng cả người. Anh Tiến là chính trị viên Đại đội 1 quê ở xã Liên Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình vừa được điều động lên Tiểu đoàn. Là một cán bộ chính trị rất có năng lực, anh Tiến không những nắm rất sâu công tác Đảng, công tác chính trị, triển khai nhiệm vụ nhanh, luôn sâu sát đơn vị cơ sở, hiểu rõ tâm tư nguyện vọng, thương yêu chiến sĩ. Chúng tôi mới gặp nhau, tưởng như mới hôm qua, vậy mà giờ đây anh đã vĩnh viễn đi xa. Biết tin vận tải đưa anh về, tôi vội chạy tới, anh bị một trái M79 trúng vào lưng, chiếc võng cáng anh thấm đỏ máu. Máu anh vẫn rơi từng giọt, từng giọt xuống đất. Đất nơi đây chính là đất nước Chùa Tháp.

        Nhìn hai chiến sĩ khiêng anh đi qua, tôi không cầm nổi nước mắt, bao nhiêu kỷ niệm ùa về. Trước mắt tôi hiện lên bữa cơm ngày 20 tháng 12 năm 1978, bữa ăn mừng ngày truyền thống Quấn đội ta, anh Tiến tinh nghịch giấu quả ớt cay vào bát cơm của tôi, khiến tôi bị cay đến váng cả đầu, tê cả lưỡi. Và tiếng anh nói vui: “Để cho ông tập mà ăn ớt". Mọi người và cả tôi cùng cười vui. Rồi đến ngày gần đây tôi mừng khi được tin anh được đề bạt làm chính trị viên, phó Tiểu đoàn 1. Tôi nghĩ, bao nhiêu năm anh đã lăn lộn ở Đại đội, trực tiếp nằm cùng chiến hào với chiến sĩ, bây giờ lên Tiểu đoàn anh được thư thái hơn một chút chăng. Vậy mà niềm vui của tôi chưa được nói với anh, thi hài anh đang chuyển ra xe để về phía sau. Chợt nhớ đến mối tình đẹp của anh mà có lần anh tâm sự với tôi, tôi chạy theo cáng nhờ hai chiến sĩ dừng lại, tôi lấy tấm ảnh người yêu trong cái túi áo anh ra. Cả áo anh đã thấm máu nhưng tấm ảnh vẫn còn nguyên vẹn. Cô Lý, người yêu anh giây phút này có linh cảm gì khi người con trai mà cô yêu thương nhất đã anh dũng hy sinh? Cả người thân, bố mẹ anh có linh cảm gì không?

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #226 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2019, 11:29:23 pm »

         

Vợ chồng tác giả gặp anh Thắng - chị Thân cùng bạn bè
         

        Tôi đứng như trời trồng khi các chiến sĩ khiêng anh về hầm quân y để làm thủ tục khâm liệm. Tôi sẽ trao lại tấm ảnh này cho chị Lý và sẽ kể cho chị nghe về tình yêu của Tiến dành cho Chị. Kể cho Lý nghe những ngày tháng Vũ Ngọc Tiến, người chính trị viên của chúng tôi đã sống, chiến đấu rất dũng cảm, đã dâng hiến thân mình cho nước bạn Campuchia vì nghĩa vụ Quốc tế cao cả thế nào.

        Vậy là cuộc họp quân chính Trung đoàn phải chậm lại do sự cố Tiểu đoàn 1 bị phục kích. Mười giờ mới bắt đầu. Mở đầu Chính ủy Diệp Xuân Ánh phát biểu về tình hình nhiệm vụ của Trung đoàn trong giai đoạn mới, tình hình trong nước, biên giới phía Bắc phức tạp. Anh nói về Trung đoàn đã nhiều lần thay đổi nhân sự khi Trung đoàn trưởng Trần Măng chuyển lên cấp trên, hai mươi hai cán bộ được điều ra Bắc, ít nhiều có sự xáo trộn. Rồi anh giới thiệu đồng chí Thiếu tá Lê Văn Hợi, Trưởng ban tác chiến sư đoàn đảm nhiệm chức vụ Trung đoàn trưởng, Thiếu tá Lê Anh Bút sẽ giữ chức vụ Trung đoàn phó. Đồng chí Trần Quang Trung làm Trưởng Tiểu ban tuyên huấn anh của anh Sơn. Rồi anh giới thiệu tôi được bổ nhiệm chức Trưởng Tiểu ban dân vận thay anh Văn.

        Việc bổ nhiệm chức vụ ở chiến trường nhanh và đơn giản như vậy đó. Mọi người cũng tỏ ra bình thản vì giao nhiệm vụ thì phải làm, làm một cách quyết liệt để hoàn thành. Cũng chẳng ai chúc mừng ai, vì trách nhiệm nặng nề đang đè nặng lên vai người được bổ nhiệm.

        Trung đoàn trưởng Trần Hợi bước lên trước hội nghị, vóc dáng chắc khỏe, bộ râu quai nón chưa kịp cạo, quê Nghệ An lại là chỉ huy pháo binh nên giọng chắc nịch rất vang.

        Không có lời chào hỏi giới thiệu về mình, Trung đoàn trưởng Lê Văn Hợi đi thẳng vào vấn đề trận đánh vừa diễn ra của Tiểu đoàn 1: " Lẽ ra Tiểu đoàn 1 phải đánh lên đèo, sư đoàn 304 từ bên kia đánh lên, hai đơn vị bắt tay nhau giữa đỉnh đèo Tượng Lăng nhưng do tình hình biên giới phía Bắc phức tạp nên Bộ Tổng Tham mưu đã điều động gấp sư đoàn 304 nên phải dừng nhiệm vụ ấy. Hơn nữa, để giữ bí mật sư đoàn hành quân lặng lẽ, không ai biết. Khi không thấy đơn vị phối hợp, Tiểu đoàn 1 đã không chủ động đánh, khiến thương vong không đáng có. Việc này chúng ta phải khắc phục, cán bộ Tiểu đoàn 1 phải giải thích cho bộ đội rõ, động viên mọi người chiến đấu anh dũng hơn trong các trận tới.

        Trung đoàn trưởng Lê Văn Hợi chuyển sang phổ biến tình hình chiến sự gần đây trên toàn chiến trường. Riêng tỉnh Công Pông Xpư thì bọn cầm đầu tàn quân Pôn Pốt lập căn cứ lâu dài, hòng làm bàn đạp đánh tới thủ đô Phnôm Pênh. Nhưng chúng đã bị Quân đoàn 4 và sư đoàn 330 đánh cho tan tác. Các sư đoàn 7, 9 của Quân đoàn 4 đã tiến công địch ở căn cứ chiến lược Âm Leng, thu được nhiều vũ khí, bắt được rất nhiều tù binh, giải phóng được hàng vạn dân, đập tan ý đồ địch. Chúng ta đã bảo vệ được chính quyền non trẻ của bạn, đưa nhân dân về các phum sóc quê hương của họ.

        Trung đoàn 273 tạm thời dừng chân ở đây, cán bộ phải nhắc nhở chiến sĩ đào hầm hào thật tốt, tránh chủ quan. Ngày N + 2 Trung đoàn sẽ bàn giao địa bàn cho đơn vị bạn để lật cánh về phía Biển Hồ, đường số 5.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #227 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2019, 11:29:58 pm »


        Đã lâu lắm rồi mới tổ chức được hội nghị quân chính Trung đoàn. Chúng tôi gặp lại anh em quen thân, nhưng đã mất đi nhiều người dự hội nghị quân chính làn trước nay đã không còn. Từ hội nghị trước đến lần này là những chiến dịch, những trận đánh vô cùng khốc liệt, đường tiến quân của Trung đoàn, sư đoàn đã trải qua cả ngàn cây số, dọc những con đường ấy bao người đã ngã xuống, chỉ hôm qua thôi, anh Tiến đã hy sinh. Đơn vị chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, góp phần giải phóng phần lớn đất nước Chùa Tháp. Tôi lặng ngắm nhìn khuôn mặt sạm nắng gió của đồng đội, chưa bao giờ chúng tôi trải nắng gió, bão đạn, bụi đất trên chiều dài như vậy.

        Ban hậu cần Trung đoàn đã nhận được hàng quân nhu, lương thực, thực phẩm từ trong nước gửi sang, có cả lợn để giết thịt. Đây là bữa ăn thực phẩm tươi mà đã lâu chúng tôi mới được thưởng thức. Đây là bữa liên hoan chia tay Trung đoàn trưởng Trần Măng và Trung đoàn phó Chu Đức Hùng, cùng hai mươi hai cán bộ được điều động ra Bắc và đón Trung đoàn trưởng mới Lê Văn Hợi. Nhưng cán bộ được điều động đã lên đường từ hôm qua cả rồi.

        Chúng tôi cũng được biết sẽ rời khỏi địa bàn tỉnh Công Pông Xpư với con đường 4 khói lửa chiến tranh khốc liệt này, những trận đánh của chúng tôi với đám tàn quân đang ở thế đường cùng rất hung hãn. Trung đoàn 273 sẽ lật cánh sang đường 5 là con đường huyết mạch của đất nước Chùa Tháp.

        Không ai ngờ, chính khi Trung đoàn bộ đang liên hoan ấy thì ở khu vực nhà máy đường, tòa án quân sự đã mở phiên tòa lưu động xét xử vụ án P. A. S về tội vi phạm chính sách dân vận quốc tế. Bản án được thi hành ngay sau khi tòa tuyên án. P. A. S từng là phó tham mưu Trung đoàn, một sĩ quan chỉ huy có kinh nghiệm, đánh nhiều trận thắng, trong chiến dịch giải phóng Phnôm Pênh anh đã ngồi bên anh Phô trên chiếc xe Jeep dẫn đầu đoàn quân. Nhưng chỉ phút giây không kiềm chế được bản năng nên đã vi phạm chính sách dân vận. Khi nghe tin anh bị tử hình, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn trong đó có tôi bàng hoàng, không tin là sự thật. Cho đến bây giờ, sau mấy chục năm, chúng tôi vẫn thấy bản án quá nghiêm khắc, nhưng biết làm sao được.

        Vụ án tạo thành cơn chấn động lớn trong các đơn vị. Một thời gian dài chúng tôi bàn luận nhiều về sự việc này. Chính các đồng chí chiến sĩ dân vận Campuchia khi biết chuyện này đều lè lưỡi: "Quân đội Nhân dân Việt Nam nghiêm khắc quá". Còn cán bộ chính trị thì cho rằng vì lợi ích lớn nhất là giúp bạn giải phóng đất nước là sự nghiệp lớn nên cần nghiêm khắc và để giữ sự trong sáng của Quân đội ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #228 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2019, 11:30:25 pm »


@

        Hai ngày sau, Trung đoàn 273 chúng tôi hành quân về hướng Phnôm Pênh để lật cánh sang đường số 5. Chiều tối đã về tới ngoại ô Phnôm Pênh bên bờ sông Tông Lê Sáp. Từ rừng núi âm u về nơi chân trời thoáng đãng, gió lộng, bộ đội thấy khoan khoái, cho dù vẫn cám cảnh ăn uống kham khổ và phía trước là những trận đánh lớn.

        Nơi chúng tôi đứng chân gần nhà máy gỗ ép. Nhà máy bỏ hoang đã lâu nhưng ván ép chồng từng đống rất tốt, chúng tôi lấy dùng làm phản nằm tạm. Đêm đầu trở về thành phố, tôi không sao chợp mắt, bầu trời rất nhiều sao, thỉnh thoảng sao băng từng vệt dài trên bàu trời xa tít. Quan niệm cổ cho rằng một ngôi sao băng ứng với mệnh một người qua đời và một ngôi sao mọc là một người sinh ra. Vậy thì ngay vũ trụ cũng có sinh, có tử và vũ trụ là bao la không thể hủy diệt được. Cũng như sức sống ở trái đất sự sống luôn trỗi dậy. Ở đất nước Chùa Tháp, sau ba năm bè lũ Pôn Pốt cai trị đã giết hàng triệu người, giờ đây đất nước được giải phóng, những đôi lứa kết hôn rồi những em bé được sinh ra. Đó là qui luật bất diệt của tự nhiên, của sự sống.

        Miên man nghĩ ngợi, tôi chìm vào giấc ngủ. Đến lúc nghe tiếng gà đâu đó, tôi thức giấc cứ ngỡ đang ở rừng, một lát mới hay mình đã về ngoại ô thành phố.

        Bữa sáng ở thành phố của chúng tôi vẫn là bữa ăn như ở rừng. Sau bữa cơm, mọi người ai làm việc nấy, một số anh em đi bắt cá, hái rau về cải thiện, cá và rau dại ở đây khá nhiều. Cô Nhị, anh Riến phiên dịch viên, rủ tôi vào nội thành chơi. Cô Nhị cho tôi biết có nhà người bác ở đây và biết chỗ bác cất giấu tài sản quí. Tôi xin phép ban chính trị và được đồng ý cho đi.

        Trên đường đi cô Nhị cười nói liên tục, kể về cuộc sống trước khi Pôn Pốt xua ra rừng. Đến một dãy phố bỏ hoang, cô Nhị dẫn chúng tôi vào một ngôi nhà ba tầng lầu - nhà bác cô Nhị. Bàn thần một lát, Nhị cầm cái gậy gõ gõ xuống gạch nơi cô biết bác giấu tài sản quí. Tiếng gõ nghe bồm bộp. Anh Riến lật mấy viên gạch lên và chỉ thấy vải vụn bên dưới. Chắc người bác đã về lấy đưa đi rồi. Tôi thầm mừng vì tài sản đã về tay chủ nhân đích thực và cầu mong bác cô Nhị còn sống để về đây.

        Lang thang trong dãy phố chết một hồi, chúng tôi trở về Trung đoàn bộ. Đến chiều chúng tôi nhận nhiệm vụ hành quân lên tỉnh Công Pông Chư Năng. Điều bất ngờ thú vị là đơn vị sẽ hành quân bằng tàu hải quân theo dòng Tông Lê Sáp lên Công Pông Chư

        Năng. Vì đường 5 đang bị lính địch chốt nhiều đoạn, chúng phục kích bắn cháy nhiều xe vận tải của ta. Ngay cả thị xã Pua Xát, Công Pông Chư Năng cũng đang bị uy hiếp. Vậy là địch đã gượng dậy, có ý đồ phản công Quân đội Cách mạng cứu nước Campuchia và Quân Tình nguyện Việt Nam rồi. Sau khi Quân đoàn 3 của ta ra chi viện cho biên giới phía Bắc đã để lại nhiều khoảng trống cho địch lấn vào. Đúng là để lấp địa hình một quân đoàn phải cần số quân rất đông, nhưng bây giờ làm gì có đủ. Vì thế các đơn vị Quân đoàn 4 phải căng ra đánh địch giữ chính quyền, bảo vệ dân.

        Theo kế hoạch sáng mai lữ đoàn hải quân Việt Nam sẽ cập bến đón toàn bộ Trung đoàn. Đã ở rừng núi lâu, hành quân bộ đến rão cẳng nghe tin đi tàu thủy, bộ đội ta náo nức. Nhưng cán bộ chỉ huy thì lo vì dồn quân vào con tàu đi giữa sông hai bên có địch là hết sức nguy hiểm. Đã có những cuộc họp của ban chỉ huy tham mưu, tác chiến cùng các cơ quan bàn rất kỹ các phương án nếu xảy ra bị phục kích, sự hỗ trợ nhau khi hành quân trên sông.

        Đến chiều hôm ấy, Chủ nhiệm chính trị Đặng Văn Lưa đi họp sư đoàn về dẫn theo 9 cô gái còn trẻ người Campuchia bổ sung cho Tiểu ban dân vận chúng tôi. Có thêm người, dĩ nhiên là chúng tôi mừng vì công việc nhiều được san sẻ, nhưng quản lý các cô gái trẻ, xem chừng chưa có nghiệp vụ dân vận cũng hơi lo. Hỏi chuyện mới biết các cô từng là thanh niên xung phong thời Pôn Pốt đưa quân đánh Việt Nam, nhưng các cô đã thấy hành động phi lý của bè lũ diệt chủng nên chạy sang Việt Nam rồi xin được về quê đánh giặc. Các cô cũng đã được dự lớp huấn luyện công tác vận động quần chúng cấp tốc.

        Từ khi có các cô gái trẻ, chiến sĩ vận tải, thông tin gần đây luôn đến tặng lương khô, trò chuyện với ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Khmer xen nhau thật vui. Tuổi trẻ là vậy đó, họ dễ kết thân. Lúc đầu cô Nhị, cô The vui mừng khi gặp các bạn nhưng khi thấy các cô được đội quí mến quá nên không tránh khỏi ghen tị. Cô Nhị lắc đầu bảo tôi mấy cô gái trẻ này ăn ở luộm thuộm, dơ dáy lắm. Tôi khuyên cô Nhị nhẹ nhàng chỉ bảo các cô ấy. Trong thâm tâm tôi thấy các cô gái này sẽ là nguồn cán bộ tương lai cho đất nước bạn. Suy cho cùng, cách mạng nước nào dân nước ấy làm, nước ngoài chỉ hỗ trợ thôi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #229 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2019, 11:30:43 pm »


        Đồng chí Đặng Văn Lưa trực tiếp họp với Tiểu ban dân địch vận, giao nhiệm vụ cho từng người. Cô Nhị, cô The làm phiên dịch, đồng chí Riến, Thanh, Lân là ba người nam trong đội công tác, giờ bổ sung 9 cô gái nữa. Tôi và anh Việt chuẩn úy, người Nghệ An, mới ở đơn vị cơ sở điều là 19 người, rất đông.

        Kế hoạch hành quân đường sông được thông qua. Tiểu đoàn 3 cùng một số đơn vị hỏa lực đi bằng 3 tàu đi đầu, kế tiếp là 3 tàu của Tiểu đoàn 2, mỗi tàu được tăng cường một xe tăng T59, sau đó là 3 tàu chở Trung đoàn bộ với khối trực thuộc, mỗi tàu một xe thiết giáp M113, khóa đuôi là ba tàu chở Tiểu đoàn 1. Đội hình hành quân theo hình chóp nón, mũi nhọn, đuôi rộng ra, cứ 3 tàu thì tàu đi giữa như mũi nhọn, hai tàu cặp hai bên lùi sau một quãng. Các tàu có thể đánh địch trên bờ và chi viện nhau khi bị phục kích. Tất cả vũ khí, hỏa lực được đặt cố định trên nóc, gác bên thân tàu sẵn sàng tác chiến khi cần. Những người không thuộc lực lượng hỏa lực tuyệt đối không được lên boong tàu. Điều này khiến nhiều chiến sĩ không vui, vì họ muốn ngồi trên boong ngắm cảnh.

        Các tàu hải quân cũng có hỏa lực của quân chủng, có tàu còn trang bị hỏa tiễn Kachiusa 12 nòng trên nóc.

        Năm giờ sáng, bộ đội ăn sáng. Một giờ sau, tàu hải quân cập bến. Các đơn vị nhanh chóng cho bộ đội xuống tàu. Phái viên cấp trên xuống tăng cường ban chỉ huy.

        Khi bộ đội lên tàu đầy đủ, hỏa lực bố trí sẵn sàng chiến đấu, cán bộ kiểm tra lần cuối. Đúng 7 giờ 30, tàu nổ máy tăng ga lao đi. Đoàn tàu hành quân thật uy dũng, sóng nước Tông Lê Sáp cuồn cuộn nổi lên táp vào hai bên bờ. Đoàn tàu chở Trung đoàn 273 đang lao lên phía Công Pông Chư Năng để làm nhiệm vụ mới.

        Tình hình chiến sự ở vùng đất Trung đoàn đến đang diễn ra phức tạp, quyết liệt. Bọn Pôn Pốt sau khi bị liên quân Việt Nam - Campuchia đánh cho tan tác đã gượng dậy, một số chạy lên triền núi Đăng Rếchphía Tây tỉnh này. Tên Tà Mốc đã tập hợp lại chỉ huy đánh chiếm một số vùng thuộc Công Pông Chư Năng, Pua Xát, Bát Đam Boong. Mũi tiến công của Trung đoàn 273 sẽ đánh từ hướng Phnôm Pênh lên, kết hợp với Trung đoàn 266 và Trung đoàn 270 tiến từ Công Pông Xpư sang, tạo thành gọng kìm phối hợp với sư đoàn 330 tiến công tiêu diệt địch ở đây.

        Đi tàu hải quân không như tàu du lịch. Tàu chạy rất nhanh, lắc rất mạnh. Chỉ nửa giờ nhiều chiến sĩ đã say nôn, phải nằm xoài ra. Có lẽ trải qua nhiều vất vả, đi nhiều loại phương tiện nên tôi không bị say. Ngồi trong tàu cũng buồn, tôi bèn lên boong.

        Trước mắt tôi là khoảng trời rộng bao la, gió thổi lồng lộng, mát rượi, càng đi lên lòng sông hẹp dần, hai bên bờ là bãi cây đước, cây bần rộng, có lúc tôi thấy từng đàn vịt trời, chim trời nghe tiếng động bay lên rợp trời. Đất nước Chùa Tháp đất đai rộng, màu mỡ, thiên nhiên còn hoang sơ là thế giới của loài chim, muông thú. Đất nước này giàu đẹp thế nhưng cũng bị bao tang tóc do bọn diệt chủng gây nên. Tôi thầm mong đất nước bạn bình yên để nhân dân sinh sống tự do, xây dựng đất nước thật hùng cường.

        Bộ đội hải quân của chúng ta là những thanh niên điển trai, mặc quân phục trắng kẻ xanh, đội mũ quân chủng thật đẹp. Các anh thân thiện và hiếu khách. Thì họ cũng xuất thân như các chiến sĩ quân binh chủng khác, như chúng tôi cả thôi. Nghĩa là họ đều là con em công nhân, nông dân, trí thức. Gốc người lao động nên họ toát lên nét cần cù, chịu khó, khuôn mặt trải nắng gió, đầy tự tin.

        Trong chiến dịch Hồ Chí Minh khi chúng tôi đang tiến đánh những cứ điểm cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa Trảng Bom - Biên Hòa - Sài Gòn thì các đồng chí hải quân cũng rẽ sóng vượt trùng khơi hàng trăm hải lý tiến đánh giải phóng các đảo xa thuộc quần đảo Trường Sa đang bị quân Việt Nam Cộng hòa chiếm giữ. Trong chiến dịch giải phóng Phnôm Pênh, các chiến sĩ hải quân đã góp phần quan trọng. Trò chuyện với các anh, tôi được biết đơn vị này từ hướng Châu Đốc - An Giang tiến lên, vừa tiến vừa đánh địch hai bên bờ. Ngày 5 tháng 01 năm 1979 đã có mặt ở Niếc Lương đưa sư đoàn 7 vượt sông đánh hành tiến lên Phnôm Pênh rồi chở quân tiến lên đổ bộ lên bến sông gần Phnôm Pênh. Ngày ấy, Trung đoàn 273 cũng được tàu hải quân đưa qua sông. Và, giờ đây chúng tôi đang được bộ đội hải quân đưa lên mặt trận phía Tây Campuchia.

        Trời mỗi lúc một nắng to hơn, người nào cũng vã mồ hôi hột. Khoảng 11 giờ, tàu trinh sát đi đầu phát hiện có dấu hiệu địch trên bờ nhưng chúng không đánh có lẽ thấy đoàn tàu dài và vũ khí nhiều quá, nên sợ. Nhưng rồi, khi tốp tàu thứ nhất đi qua, thì phía sau tiếng súng nổ trên bờ, có cả B40, B41, cột nước bốc cao, nhưng do chúng ở xa nên tàu không sao. Cùng lúc ấy, các loại hỏa lực trên tàu dồn về nơi địch vừa bắn. Dàn hỏa tiễn Kachiusa phát hỏa, đạn xoáy gió lao vun vút, lửa bùng lên nơi lính địch đang ẩn náu. Bọn này khó mà sống sót.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM