Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Năm, 2024, 03:07:30 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ biên giới tây nam đến đất chùa tháp Tập 1+2+3  (Đọc 86379 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #140 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2017, 10:40:54 pm »

       
*

*      *

        Sáng hôm sau, tôi ra quán mua chè, thuốc lá, mấy gói kẹo lạc, biết là kẹo này không thể ngon nhưng với lính ở điểm tựa là rất quí. Sau này khi bước vào kinh doanh, đi đây đi đó nhiều, tôi suy nghĩ mãi, tại sao một nước có rất nhiều cây lương thực làm tinh bột như gạo, các loại khoai, đường, mật cũng sẵn tới độ dân xài không hết, lại còn có ca cao, cà phê, vậy mà chúng ta chưa có một loại bánh kẹo nào được người dùng khen ngợi, cao hơn nữa là bánh kẹo có thương hiệu mang tầm quốc tế. Không tự sản xuất nên bánh kẹo ngon hàng năm nước ta phải bỏ ra hàng trăm triệu đô la để nhập khẩu của nước ngoài. Câu trả lời này dành cho các nhà nghiên cứu, chế biến, sản xuất, kinh doanh bánh kẹo ở Việt Nam chúng ta.

        Đeo chiếc ba lô dựng một ít tư trang và thêm mấy gói quà bánh đơn sơ, tôi đón xe sang điểm tựa tiền tiêu sớm. Đường đi vẫn nhiều ổ voi, ổ gà, vẫn những cây gỗ lát ngang đường. Nhiều cây đã gãy vụn vất hàng đống bên đường. Thỉnh thoảng gặp các tổ chốt bảo vệ đường. Cùng anh em công binh dò dầm, cần mẫn từng bước dò mìn, chất nổ, để phòng lính Pôn Pốt lẻn sang cài đêm qua. Người nào cũng mang khuôn mặt thiếu ngủ hốc hác. Tuy vậy, đôi mắt các anh vẫn tinh anh. Dò mìn trên trục giao thông cũng vô cùng vất vả, nguy hiểm, đã có nhiều chiến sĩ công binh hy sinh ngay khi tháo gỡ bom mìn. Hai bên đường vẫn còn ngập nước. Tuy những trận mưa đã giảm nhưng ở cánh đồng các mương hồ đã đầy ắp nên nước chưa tiêu đi đâu được.

        Về tới đại đội 1 gặp cuộc hội ý, giao ban sáng vừa kết thúc. Tôi gặp ở đây đủ tất cả các cán bộ trung đội, tiểu đội, bộ binh, hỏa lực và mấy người ở đơn vị trực thuộc tiểu đoàn đang phối hợp với đại đội. Cũng có mấy người tôi chưa biết tên.

        Vừa thấy tôi mọi người reo lên và vây lấy hỏi chuyện. Tôi mở ba lô lấy trà, thuốc lá, kẹo bánh đãi anh em. Chúng tôi trò chuyện qua lại rất vui vẻ. Mọi người xa Thành phố Hồ Chí Minh đã lâu nên hỏi tôi về sự thay đổi của thành phố như thế nào. Tôi cũng hỏi sức khỏe và mấy người bạn thân về tin tức gia đình ở quê.

        Anh Tiến giới thiệu số cán bộ mới được điếu về với tôi rồi nói:

        - Từ ngày ông đi mọi việc ổn cả, lính mới về nhiều rồi. Thấy anh em chưa thật thành thạo thao tác kỹ chiến thuật nên chúng mình đã huấn luyện cho họ thêm phương pháp xạ kích, kỹ chiến thuật bộ binh. Qua đây cũng thấy thêm, công tác huấn luyện ở các trung tâm chưa đáp ứng được yêu cầu của chiến trường . Phải chăng còn do chương trình huấn luyện hiện nay nhiều quá nên dẫn tới huấn luyện nhanh. Nhớ lại trước kia chúng mình được huấn luyện kỹ, với phương châm: “Thao trường đổ mồ hôi nhiều, chiến trường đổ máu ít”. Không biết khẩu hiệu đó có còn ở các trung tâm huấn luyện tân binh nữa không. Chúng ta cũng vừa huấn luyện anh em thêm một môn có thể nói là mới, là kỹ thuật tháo gỡ các loại mìn địch và sử dụng mìn chống lại địch xâm nhập ở tuyến biên giới Tây Nam.

        Dừng một lát, anh nhìn tôi rỗi nói tiếp:

        - Ông phải nên đi dứng cẩn thận ở đây mìn nhiều lắm đấy.

        Anh Tiến dặn dò tôi như người anh với đứa em. Có phải anh quên tôi từng chiến đấu ở đất này rồi hay tính anh thường như vậy đối với mọi người.

        Bọn lính Pôn Pốt thường lẻn sang cài mìn thì tôi đã biết, nhưng có lẽ hiện tại chúng gài nhiều mìn, chất nổ nên anh Tiến mới dặn dò kỹ vậy.

        Anh Đạc vỗ vai tôi thân mật hỏi nhỏ nhỏ:

        - Học xong sao anh Phú không làm chuyến về Thái Bình thăm nhà.

        Tôi cười cho anh biết vì nhiệm vụ cấp bách lắm nên vừa học xong là có xe đưa chúng tôi lên đây ngay. Các thủ trưởng bảo là chưa cho đi phép lúc này vì nhiệm vụ cấp bách lắm, hãy đưa kiến thức vừa học lên điểm tựa mà thực hành. Họ còn cho biết thêm là mùa khô tới, sẽ có nhiều chuyển động lớn về quân sự nên không một ai được đi phép. Nghe các thủ trưởng bảo vậy, chúng tôi chấp hành ngay, không một ai than thở hay kiếm cớ này, cớ nọ để về quê cả. Không chỉ nhiệm vụ mà mình còn có lòng tự trọng nữa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #141 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2017, 10:41:43 pm »


        Anh Đạc nhìn tôi thông cảm, chia sẻ. Trò chuyện một lát về bản thân, chuyện học hành, tôi cho các anh biết về những thông tin thời sự, về đời sống dân tình ở Sài Gòn. Tôi thành thật cho họ biết là đời sống đa số dân lao động ở thành phố đang gặp nhiều khó khăn, nên tư tưởng nhiều người cũng diễn biến phức tạp lắm. Tuy vậy, thành phố rất bình yên.

        Anh em hỏi tôi về sinh hoạt của học viên, tôi vui vẻ cho họ biết, trong thời gian học anh em chúng tôi rất ít khi ra khỏi trường, chủ nhật thường mua đồ về tổ chức những cuộc nhậu đơn sơ cho vui. Nhiều người muốn đi phép thăm gia đình vì đã lâu chưa được thăm quê nhưng không được. Nhưng khi tâm sự, chúng tôi lại thấy mình được đi học thế này cũng đã hơn anh em khác đang bám điểm tựa dọc biên giới rồi. Vậy là ai cũng yên tâm. Thực tình, chúng tôi rất nhớ đơn vị, nhớ đồng đội nên ai cũng muốn về biên giới gấp, không ai tụt tạt để làm những việc có tính chất cá nhân cả.

        Nghe tôi nói vậy, các anh rất vui. Sống với nhau đã lâu, các anh và tôi rất hiểu nhau. Nhân tiện, anh Đạc và anh Tiến cho tôi biết về tình hình địch, nhất là những đơn vị của chúng đang ở đối diện với các cụm điểm tựa của ta. Ngoài những đơn vị cũ, địch tăng cường một số đơn vị mới, có thể chúng kéo từ nơi khác đến.

        Lính Pôn Pốt vẫn rất chai lì, chúng có thể nằm phục kích giữa cánh đồng sình lấy hay bên bụi rậm đầy vắt, sên. Ban đêm hay thấy những vị trí không có quân ta chốt giữ là chúng mang mìn mò sang, cứ một tổ vài ba tên với rất nhiều mìn, chôn trên các con lộ đất và cả trên bờ ruộng. Lính Pôn Pốt dã man tới độ luôn có đã tâm giết hại dân thường. Với chúng tất cả là kẻ thù, cần phải giết. Hình như đám giặc này ghiền giết người mất rồi. Chúng đã giết dân Campuchia, lại còn muốn giết người Việt Nam. Hễ nhắc tới bè lũ diệt chủng này là tôi nhớ đến tội ác trời không dung, đất không tha của chúng với đồng bào ta ở dọc biên giới Tây Nam. Chúng chém, đập đầu người già, trẻ em, dùng lưỡi lê đâm thủng ruột phụ nữ đang mang thai. Giết xong, chúng vứt xác xuống giếng, xuống kênh rạch. Chúng ném thi thể người xuống giếng là để triệt nguồn sống luôn. Tội ác đầy thú tính ấy chính là căn bệnh vô phương cứu chữa của một đội quân diệt chủng, xâm lược. Chúng phải bị trừng phạt đích đáng.

        Có thể nói, từ ngày lên biên giới Tây Nam làm nhiệm vụ, sư đoàn 341 đã đến rất nhiều địa bàn các tỉnh có đường biên. Ở đâu địch tập trung đông quân, chiến sự diễn ra ác liệt là sư đoàn chúng tôi cơ động đến đánh. Nhưng ở địa bàn Tây Ninh là lâu nhất. Những người lính sư đoàn 341 gắn bó với mảnh đất này sâu sắc, đã có những trận đánh lớn, thắng lớn, nhưng cũng có những trận bộ đội ta hy sinh và bị thương khá nhiều.

        Từ khi đến làm nhiệm vụ đánh địch trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, dải đất trọng yếu trong cuộc chiến đấu bảo vệ tuyến biên giới Tây Nam, chúng tôi biết thêm về lịch sử, văn hóa dân gian về vùng đất này.

        Địa bàn Tây Ninh có tính chất chiến lược quan trọng trong hai cuộc chiến tranh giải phóng đất nước. Tây Ninh là vùng đất nối giữa miền Đông và miền Tây Nam Bộ, tức là Đồng Nai, nay là Bình Dương với Long An, núi Bà Đen là điểm cao có thể khống chế toàn vùng. Thời miền Nam tạm chiếm, Mỹ - ngụy bố trí ở Tây Ninh nhiều đơn vị được xem là mạnh của chúng.

        Trong kháng chiến chống Mỹ, Tây Ninh có căn cứ của Trung ương Cục Miền Nam, bộ chỉ huy Miền. Qua lịch sử tổng kết chiến tranh, chọn nơi này dứng chân là để các nhà lãnh đạo thuận tiện chỉ huy hai quân khu lớn là quân khu 7 và quân khu 9 và các đơn vị biệt động, dân chính hoạt động trong nội thành Sài Gòn - Gia Định.

        Tây Ninh là cửa ngõ của thành phố Sài Gòn - Gia Định. Từ biên giới Tây Ninh đến thành phố không thật xa. Thời chiến tranh chống Mỹ, Tây Ninh nằm trong vùng tam giác sắt. Tây Ninh cũng tiếp giáp với đất thép Củ Chi. Địch thường mở những chiến dịch lớn càn quét trên đất Tây Ninh. Chiếm được vùng đất này, khống chế điểm cao là núi Bà Đen xem như là thắng lợi của chúng. Nhưng các chiến dịch, trận càn của Mỹ - ngụy đều bị quân giải phóng và lực lượng quân sự địa phương đánh bại.

        Có phải nhận thấy địa bàn quan trọng nên ngay từ dầu, bè lũ Pôn Pốt đã xua quân sang xâm lấn, đốt phá, giết hại đồng bào ta ở rất nhiếu làng ấp ở đây. Và, sau này, chúng tập trung những sư đoàn mạnh nhất dọc biên giới tiếp giáp với Tây Ninh. Chúng đã tổ chức những trận đánh hòng lấn chiếm vùng đất mang tầm chiến lược quan trọng này chăng? Nhưng các cuộc xâm lăng, lấn chiếm đất của chúng đều bị chúng ta bẻ gãy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #142 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2017, 10:42:15 pm »


        Thời gian này dọc tuyến biên giới một số nơi đã được bố phòng với những bờ đất, bãi chông. Đó là những công trình phòng chống giặc sang xâm lấn của địa phương. Chống giặc theo phương thức truyền thống. Xây dựng làng ấp tự vệ chống giặc, bảo vệ đất đai, mùa màng trong hai cuộc kháng chiến giải phóng nhân dân ta đã làm và mang lại hiệu quả tốt.

        Đứng chân ở biên giới thuộc tỉnh Tây Ninh, các đơn vị sư đoàn 341 cũng như các sư đoàn chủ lực khác được sự hỗ trợ rất lớn của chính quyền và nhân dân địa phương. Ngay từ những ngày đầu chiến tranh bùng nổ, tỉnh ủy Tây Ninh đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, trong đó có quân đoàn 4 để đánh giặc, bảo vệ nhân dân. Các làng, xã đều có dân quân, du kích tham gia chiến đấu với bộ đội chủ lực. Tỉnh ủy ra nghị quyết chuyên đề xây dựng phòng tuyến biên giới, phát động nhân dân toàn tỉnh 10 ngày công từ ngày 10 đến 20 tháng 6 năm 1978, đã có bốn mươi vạn lao động, đào đắp trên khoảng nửa triệu mét khối đất, xây năm mươi cây số bờ thành , cắm ba mươi vạn cây chông chống giặc xâm lấn. Trong các đợt làm nhiệm vụ đã có năm mươi tư người hy sinh, chín mươi tư người bị thương.

        Ngoài ra, chính quyền và nhân dân Tây Ninh cũng đã hỗ trợ đắc lực vế vật chất cho các đơn vị chủ lực. Sau này chúng tôi được biết, khi các đơn vị chủ lực từ xa đến chưa kịp mang theo lương thực, thực phẩm, tỉnh Tây Ninh đã cấp đầy đủ để các đơn vị ấy bước vào làm nhiệm vụ.

        Tây Ninh cũng là địa phương huy động đông đảo lực lượng thanh niên xung phong, tự vệ, dân quân du kích kết hợp với bộ đội chủ lực làm nhiệm vụ đánh giặc Pôn Pốt xâm lấn biên giới.

        Khi nhân dân Campuchia từ trong nước chạy sang lánh nạn, tỉnh Tây Ninh đã dành đất, huy động nhân lực xây dựng những làng trại với đầy dủ phương tiện để nhân dân bạn nương náu, có cái ăn, cái mặc. Trại Bến Sắn là nơi để nhân dân bạn sinh sống đông nhất, được các nhà báo trong nước và quốc tế đánh giá cao về tính nhân đạo dành cho người tị nạn.

        Nhân dân Tây Ninh, cũng như khắp các tỉnh có đường biên tiếp giáp với Campuchia phân biệt rõ tình đoàn kết với nhân dân Campuchia với mối thù bè lũ diệt chủng Pôn Pốt khi chúng tàn sát đồng bào ta. Trong tiến trình lịch sử, đồng bào ta ở biên giới cùng với nhân dân bạn luôn đoàn kết keo sơn, dọc đường biên có cả những khu chợ để cho nhân dân hai bên mua bán, trao đổi hàng hóa, người dân Campuchia nổi tiếng về sự thật thà. Chia ngọt sẻ bùi vốn là truyền thống của nhân dân Việt Nam - Campuchia. Có những lúc lũ lụt xảy ra ở phía Campuchia, nhân dân bên đó chạy sang lánh thiên tai, bà con ta sẵn sàng nhường nhà cửa để nhân dân bạn ở, giúp đỡ lương thực, thực phẩm, dành cả chuồng trại để chứa gia súc. Ngày giặc Mỹ ném bom hủy diệt làng ấp ta dọc đường biên, đồng bào ở Tây Ninh đã lánh sang Campuchia và được nhân dân bạn giúp đỡ tận tình. Trong lịch sử hàng trăm năm, đã có biết bao nhiêu trai gái hai bên kết hôn với nhau. Dân lao động, nhất là người làm ruộng, sống chân tình, dầm mưa dải nắng, nên gặp người cùng cảnh ngộ là thương quí nhau.

        Là nơi được gọi phên giậu của đất nước, đồng bào ở biên giới Tây Nam, trong đó có nhân dân Tây Ninh luôn giữ chắc bờ cõi. Tôi đã có dịp gặp nhiều người nông dân ở đây, họ kể rằng, âm mưu của bè lũ Pôn Pốt có từ rất lâu, ngay khi chúng ta vừa giải phóng miền Nam, chúng đã cho những tên lính cải trang thành nông dân sang đất ta gọi là xâm canh, khai khẩn thêm đất để trồng trọt, cho dù đất đai phía bên đó rộng mênh mông, dân cư thưa thớt. Thấy họ làm những việc trật với tình hữu nghị, bà con ta giải thích rằng đây là đất Việt Nam, bọn đó vẫn im lặng. Thế rồi, hàng ngày xảy ra những vụ nông dân bị vấp phải mìn ngay trên thửa đất mình cày cấy, gieo trồng từ mấy đời. Ai đã cài mìn, chất nổ lên ruộng đất của nông dân? Một câu hỏi được đặt ra và không khó lắm, bà con đã bắt được tại trận những tên lính Pôn Pốt khoác áo nông dân đưa mìn sang giết người lao động. Thời gian đầu, để giữ tình hòa hiếu, chúng ta giải thích cho họ làm vậy là phạm nhiều tội như xâm phạm đến đất đai của nông dân Việt Nam, nổ mìn, phạm tội giết người lương thiện là trái với lời Phật dạy và lương tâm làm người. Nghe ta ân cần giải thích họ cúi đầu nhận tội. Ta phóng thích bọn đó. Nhưng ít lâu sau lại bắt được nhiều tên, trong đó có tên từng bị bắt. Hỏi kỹ mới hay, chính bọn chúng bị Ảng Ka bắt đi cài mìn gây tội ác với nhân dân Việt Nam. Biết là gây tội nhưng không đi sẽ bị

        Ăng Ka đập đầu chết.

        Nhân dân lao động không bao giờ hận thù nhau. Họ sống với những gì mình có, hưởng thụ bằng sức mình bỏ ra. Tình yêu của nhân dân, đặc biệt là nông dân dành cho ruộng, vườn, đất đai viên trạch. Họ chỉ mong có cuộc sống bình yên. Nhưng khi có kẻ thù xâm lược, lấn chiếm đất đai thì họ không bao giờ tha thứ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #143 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2017, 10:43:07 pm »

       
*

*       *

        Trên hướng đại đội 1 chúng tôi đảm nhiệm tình hình địch vẫn im ắng, nhưng ở hướng chùa Bạch Bột của trung đoàn 266 và 270 chốt giữ thì chiến sự lại diễn ra thường xuyên căng thẳng, ác liệt. Địch luôn tổ chức luồn sâu mật tập, tiến công các chốt của trung đoàn 270 và 266. Theo thông báo trung đoàn 270 bị tổn thất đáng kể.

        Trung đoàn 270 là một trong ba trung đoàn bộ binh mạnh của sư đoàn 341. Trong kháng chiến chống Mỹ, khi bám trụ điểm chốt ở miền Đông Nam Bộ, trung đoàn đã chiến đấu xuất sắc, kìm chân, đánh tan những đơn vị được gọi là mạnh của quân ngụy. Trong các trận tiến công địch giải phóng Xuân Lộc, dù gặp vô cùng khó khăn khi địch sử dụng vũ khí tối tân, hủy diệt, nhưng đơn vị đã chiến đấu ngoan cường, cùng các đơn vị bạn, quét sạch địch, giải phóng vùng Xuân Lộc, Biên Hòa. Vậy mà tại biên giới Tây Nam này, trung đoàn lại gặp những khó khăn, tổn thất thì đủ biết cuộc chiến đấu chống bè lũ Pôn Pốt để bảo vệ biên giới gian nan đến như thế nào.

        Một tin không vui đến với chúng tôi là đồng chí Vân , trung đoàn trưởng 270, do áp lực nặng quá, bị choáng đầu ngã gục không tiếp tục chỉ huy trung đoàn được nữa. Trung đoàn trưởng Vân là một cán bộ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Anh Vân đã chiến đấu nhiều chiên trường, gan dạ, dũng cảm, chỉ huy trung đoàn 270 giành nhiều thắng lợi trên biên giới Tây Nam này. Cán bộ, chiến sĩ trong trung đoàn rất cảm phục anh Vân, không chỉ trong chỉ huy chiến đấu mà trong cuộc sống hàng ngày anh sống chan hòa, cởi mở.

        Trung đoàn 270, là một đơn vị chủ lực, phải căng ra trên một tuyến phòng ngự khá dài, đối mặt với lối đánh du kích của Pôn Pốt, đã có lần chúng luồn qua được tuyến phòng ngự của một số đơn vị rồi bất ngờ nổ súng tập kích gây khó khăn và thiệt hại cho ta. Sư đoàn phải điều lực lượng dự bị tới hợp đồng đánh tan đội hình địch, tiêu diệt, đẩy lùi được quân tập kích. Sau trận ấy, trung đoàn phải dành một thời gian ngắn cũng cố rồi lại vào trận đánh mới. Cũng như trung đoàn 273, từ khi lên làm nhiệm vụ ở biên giới, cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 270 đường như không có thời gian nghỉ ngơi, trong khi đời sống vật chất khó khăn, kẻ thù nham hiểm. Dù vậy, trung đoàn đã đánh nhiều trận mang lại chiến thắng, góp phần giữ vững tuyến phòng ngự trên biên giới.

        Nhưng có lẽ do áp lực trách nhiệm lớn của một trung đoàn trưởng ở hướng chính diện, hơn nữa, con người ta khi đã đứng tuổi sức lực giảm sút, lại sống giữa môi trường căng thẳng, thời tiết khắc nghiệt, nên sức khỏe anh Vân mới bị suy sụp đột ngột đến như vậy. Người từng trải trong chiến đấu, có ý chí cao như anh Vân không phải vì trận đánh vừa qua khốc liệt quá đã khiến tinh thần anh dễ dàng gục ngã được.

        Sư đoàn điều gấp đồng chí thiếu tá Lê Hải Anh, trưởng ban tác chiến sư đoàn, xuống thay đồng chí Vân. Đồng chí Anh là cán bộ trẻ, sức khỏe tốt, giữ chức trưởng ban tác chiến đã lâu nên nắm rõ các đơn vị, trong đó có trung đoàn 270. Cấp trên còn tăng thêm một số đơn vị phối hợp với trung đoàn 270.

        Với kinh nghiệm chỉ huy và từng làm trưởng ban tác chiến sư đoàn, đồng chí Lê Hải Anh đã nhanh chóng cũng cố, xốc lại đội hình, chỉ huy đơn vị đánh mấy trận và mang lại chiến thắng. Từ đó, trung đoàn 270 lấy lại thanh thế của một đơn vị chủ lực mạnh, cán bộ và chiến sĩ có quyết tâm chiến đấu cao. Trung đoàn 270 đã giữ vững các điểm tựa, trong các trận đánh sau đó đơn vị này thường được giao những nhiệm vụ quan trọng. Đó là luồn sâu vào đội hình địch, đảm nhiệm hướng chính diện. Dù nhiệm vụ khó khăn tới đâu, trung đoàn vẫn hoàn thành một cách xuất sắc, thu được những chiến công vang đội, xứng đáng là một trong những trung đoàn chủ lực của sư đoàn 341. Trong những chiến công đó có đóng góp lớn của trung đoàn trưởng Lê Hải Anh.

        Đồng chí Lê Hải Anh sau này mang quân hàm trung tướng, chức vụ Phó Tổng tham mưu trưởng. Khi nghỉ hưu đồng chí Anh được chúng tôi bầu làm Trưởng ban liên lạc hội cựu chiến binh sư đoàn 341. Với bản tính năng nổ, hoạt bát, quan hệ rộng, đồng chí Lê Hải Anh đã góp phần tập hợp anh em cựu chiến binh sư đoàn sống khắp cả nước về một mối, giúp đỡ những người hoàn cảnh khó khăn. Các dịp kỷ niệm năm chẵn ngày thành lập sư đoàn, đồng chí Lê Hải Anh cùng ban liên lạc đã tổ chức họp mặt cựu chiến binh rất trọng thể. Rất tiếc, đồng chí đã từ trần năm 2016. Tôi và nhiều đồng đội cũ đã đến viếng tiễn đưa Trung tướng Lê Hải Anh từ Hà Nội về an táng tại quê nhà Thanh Hóa .
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #144 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2017, 10:44:06 pm »

       
*

*      *

        Trong suốt thời gian phòng ngự hay tiến công địch, bên cạnh sư đoàn 341 còn có các đơn vị trực thuộc quân đoàn phối hợp tác chiến. Đó là trung đoàn xe tăng, sau này cơ cấu biên chế thành lữ đoàn 22 tăng, thiết giáp.

        Các tiểu đoàn, đại đội tăng, thiết giáp thuộc lữ đoàn 22 được bố trí đội hình cùng đơn vị bộ binh. Thông thường tăng, thiết giáp đứng chân sau đội hình bộ binh, nhưng ở biên giới Tây Nam, xe tăng, thiết giáp có khi đứng cạnh các điểm tựa, sẵn sàng đánh địch lấn chiếm và phản công, tiêu diệt địch. Bộ đội tăng, thiết giáp cũng chịu đựng gian khổ như bộ binh, có khi còn gian khổ hơn vì cơ động xe qua địa hình bùn lầy. Đã có những chiến sĩ xe tăng hy sinh trên biên giới Tây Nam.

        Trung đoàn pháo binh 55 của sư đoàn là một đơn vị pháo mạnh, luôn kịp thời chi viện cho các đơn vị bộ binh. Pháo binh đứng phía sau nhưng cán bộ tác chiến, chiến sĩ trinh sát, thông tin nhiều khi lên tận điểm tựa để phát hiện mục tiêu, báo về trận địa để lên bảng bắn, rồi chỉ mục tiêu cho pháo bắn tiêu diệt địch. Nhiều lúc, trận địa pháo gặp sình lầy, chiến sĩ phải dùng cây đóng thành từng mảng làm giường cho pháo. Kéo pháo qua địa hình phức tạp, lầy lội hay gập ghềnh đã khó, làm giường cho pháo càng khó khăn hơn vì giường phải thật chắc để giữ thăng bằng cho khẩu pháo. Trong trận tiến công địch ở cánh đồng trước bờ đập ấy, khi bộ binh gặp khó khăn nan giải, chính pháo binh đã chi viện rất hiệu quả, nã đạn tiêu diệt những cụm chốt của địch trên bờ đê, khiến đội hình chúng tan rã.

        Bộ đội công binh, như lữ đoàn 25, sau này đổi tên là lữ đoàn 550 công binh, của quân đoàn đã phối hợp với sư đoàn 341 trong suốt thời gian chiến đấu. Đầu năm 1978 này, đã mở đường, ra tháo bom mìn, chất nổ cho sư đoàn 341 và sư đoàn 9 tấn công địch ở Ba Vét 2, Khánh An, Khánh Bình, Sầm Rông, ngã tư Nhà Thương. Các chiến sĩ công binh dầm mưa, nửa người ngập trong bùn nước, bắc cầu, đắp đường cho bộ binh và các phương tiện khác tiến lên phía trước.

        Công binh là binh chủng đi trước về sau. Khi chiến dịch hay trận đánh vừa lên phương án, bộ đội công binh đã có mặt ở thực địa để mở đường và khi trận đánh kết thúc, bộ đội công binh còn phải ở lại để thu dọn chiến trường.

        Ở chiến trường biên giới Tày Nam này cũng thế, trước khi bộ binh hành quân, công binh đã đi mở đường, bắc cầu qua sông, qua kinh rạch, làm công sự lớn. Công binh ở mặt trận biên giới Tây Nam đã tháo gỡ không biết cơ man nào là mìn, chất nổ do lính Pôn Pốt sang cài trên đất ta.

        Các đơn vị bộ đội đặc công, binh chủng dặc biệt tinh nhuệ của quân đội ta, đã có mặt ngay từ dầu những ngày chiến sự diễn ra. Lên biên giới là vào trận ngay. Bằng lối đánh vào tận hang ổ địch những đòn bất ngờ, gây cho chúng sự hoảng loạn tinh thần.

        Tôi muốn lược ghi, chắc chắn là mới nêu được một phần nhỏ chiến công của các quân binh chủng của Quân đội ta đã chiến đấu ròng rã suốt ba năm trên biên thùy Tây Nam Tổ quốc. Đầy chính là lời tri ân của một người lính bộ binh với đồng đội, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ đã quả cảm hy sinh cho sự nghiệp giữ nước, bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc .
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #145 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2017, 04:26:26 pm »

        
*

*        *

        Sau một thời gian dài bám điểm tựa đánh và tiến công địch, cấp trên điều lực lượng dự bị Bộ Tổng Tham Mưu là sư đoàn 2 của Quân Khu 5 đến thay thế tuyến phòng ngự của trung đoàn 266 và 270. Trung đoàn 270 và trung đoàn 266 lùi về sau cũng cố lực lượng.

        Sư đoàn 2 anh hùng, còn gọi là sư đoàn 2 thép, trong kháng chiến chống Mỹ, tên tuổi sư đoàn gắn liến với mảnh đất Quân khu 5, từng sang làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Lào, tham gia chiến địch Đường 9 Nam Lào năm 1971. Trong sư đoàn có trung đoàn 1 hay còn gọi là đoàn Ba Gia, ba lần được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

        Sư đoàn 2 thép kiên cường đánh Mỹ, làm nên nhiều chiến công lẫy lừng, nay lại có mặt ở chiến trường biên giới Tây Nam để đánh bè lũ Pôn Pốt xâm lược. Được biết, sư đoàn 2 từ đất Quảng, khi nhận nhiệm vụ đã đánh giặc suốt dải biên giới từ Kontum đến miền Tây Nam Bộ. Được tin sư đoàn 2 thép tới, cán bộ, chiến sĩ chúng tôi vui mừng khôn xiết vì có thêm đơn vị mạnh cùng hiệp lực.

        Khi trung đoàn 270 và trung đoàn 266 đi chuyển về phía sau cũng cố thì trong giai đoạn này trên tuyến tiền tiêu chỉ còn lại trung đoàn 273 chúng tôi. Thời gian này trung đoàn chúng tôi kiên cường bám giữ tuyến đầu biên giới ở khu vực đường 13 quanh ngã ba Săng Ke.

        Được chọn ở lại bám điểm tựa lại phải đảm nhiệm một vùng rộng lớn hơn, trung đoàn 273 đã xác định nhiệm vụ rất nặng nề, cần phải quyết tâm cao hơn nữa.

        Thời điểm này, theo nhận định của cấp trên là bọn Pôn Pốt sẽ dùng thủ đoạn luồn sâu, mật tập các chốt thuộc địa bàn của trung đoàn 273. Nhất là khu vực đại đội 1, tiểu đoàn 1. Trước tình hình đó, ban chỉ huy đại đội thường xuyên đôn đốc anh em tích cực canh gác. Tích cực cũng cố ủng hộ hầm hào, làm nhiều vụ chiến đấu. Ban đêm phải trực chiến và canh gác năm mươi phần trăm quân số. Tổ chức thêm nhiều bãi mìn chống giặc xâm lấn. Tăng cường đạn cối thật nhiều, lấy sẵn các vật chuẩn, mục tiêu bắn, sẵn sàng hỗ trợ tốt nhất cho các hướng trong đêm. Hai khẩu đội cối 60 ly đã được tăng cường với cơ số đạn lên tới 300 quả một khẩu. Với số đạn này, phát huy tốt, thì nó là loại vũ khí lợi hại nhất để tiêu diệt, đập tan âm mưu của bọn Pôn Pổt mật tập tiến công trong đêm.

        Gác đêm ở điểm tựa trên biên giới vất vả, gian nan không thể kể hết. Một đơn vị bố trí rất nhiều vọng gác, các vọng gác không nên dàn hàng ngang mà theo địa hình, có khi phải bung nống vọng gác lên phía trước, cách công sự chính cả trăm mét. Mỗi đêm chia làm hai ca, ca đầu gác từ 6 giờ sáng đến 12 giờ khuya, ca thứ hai gác nhận nhiệm vụ thay thế từ 12 giờ đến sáng hôm sau, tức là 6 giờ sáng. Nếu thiếu quân số phải huy động cả anh nuôi, cần vụ, có khi cán bộ trung đội, đại đội cũng ra vọng gác mà ngồi canh giặc.

        Gác đêm ở điểm tựa tiền tiêu liên tục sáu giờ trong tình hình căng thẳng vô cùng, không thể ngủ vì chẳng may khi chợp mắt địch lẻn vào là tính mạng người gác không thể còn mà địch sẽ chọc thủng qua tuyến phòng ngự đánh thẳng vào phía sau thì nguy cơ chưa biết thế nào. Một vọng gác bị chọc thủng, có khi cả tuyến điểm tựa bị phá vỡ.

        Ở biên giới Tây Nam, gác đêm còn phải đối mặt với thứ giặc nữa là muỗi. Rất nhiều các loại muỗi, có loại muỗi nhỏ, nhỏ tới độ khó nhìn thấy, đốt rất dau, có loại muỗi thân to, thấy được cả vệt vằn, đốt không đau nhưng chỉ cần một mũi chích của muỗi vằn ấy là bị sốt liền. Sốt xuất huyết ở biên giới khiến con người toát mồ hôi hột, người nóng như thiêu, vật lộn trên võng, trên phản như phát điên. Đã có người mất hay bị thọt chân, mù mắt vì dùng thuốc không đúng cách khi sốt rét.

        Biết là muỗi cũng phải ngồi hoặc đứng gác. Dùng cách hun khói, tất nhiên là không thể được. Cũng không thể dùng tay đập hay dùng quạt xua vì sợ địch phát hiện ra tiếng động là phải trả giá bằng cái chết và có khi mất cả tuyến phòng ngự. Vậy là mỗi người chỉ dùng cái khăn nhỏ nhẹ nhàng đuổi sinh vật bé nhỏ, tàn ác, đồng minh của kẻ thù Pôn Pốt ấy bay đi.

        Bây giờ đây trên thị trường xuất hiện nhiều thứ thuốc diệt muỗi, diệt côn trùng, tôi chợt nghĩ, giá như hồi ở biên giới Tây Nam có những loại thuốc này thì hay biết mấy. Tôi lại nhớ, lại thương đồng đội mình khi bị sốt rừng hành thân thể. Nhiều người bị sốt rét nhiều đã ảnh hưởng đến sức khỏe sau này.

        Cũng vậy, khi trở về quê hương, sống cuộc sống thanh bình, kinh tế tương đối ổn định, những lúc ngồi trước mâm cơm, có khi là bàn tiệc, với nhiều món ăn ngon, gọi cách khác là đủ các món sơn hào hải vị, tôi lại nhớ tới bữa cơm, có khi chỉ là vắt cơm, gạo hẩm, có lúc phải độn bo bo, bột mì, thức ăn chỉ là vài nhát đậu hủ, rau muống, bát nước luộc rau nhạt. Những ngày mùa mưa, mưa dầm dề, từ hầm ngó ra mưa trắng trời, cồn cào vì đói. Rồi những đợt luồn sâu xuyên đêm tối dưới trời mưa dầm, luồn trong rừng tre gai, băng cánh đồng trống, nửa người chìm trong màng nước lạnh giá, rồi đỉa, rồi sên, vắt bám hút máu. Thức ăn chỉ là vắt cơm nguội hay bánh lương khô. Có khi hết cả cái ăn, cả đơn vị nhịn đói, đói đến quay quắt. Tôi cũng nhớ đến nhiều trận có đồng chí bị lạc, chết đói, chết khát trong rừng sâu. Nhớ thương đồng đội gian khổ khi mình được sống yên bình, cái ăn, cái mặc đã đầy đủ, tôi không cẩm nổi nước mắt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #146 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2017, 04:28:10 pm »

       
*

*      *

        Chính trong thời gian này, đại đội chúng tôi nói riêng và toàn trung đoàn, sư đoàn nói chung, đã tổ chức nhiều trận diễn tập, đánh địch trong đêm để anh em chiến sĩ mới làm quen với các tình huống chiến đấu. Rất có thể chúng sẽ có nhiều trận đánh lớn trong thời gian tới. Toàn tuyến chốt của chúng ta vẫn im lặng. Nhưng khí thế đánh địch, chống địch tập kích đã thật nóng lên. Anh em lính mới nhiều, nhưng cũng đã được học tập hướng dẫn rất bài bản. Rất chi tiết và được tiếp thu kinh nghiệm chiến đấu của các lớp đàn anh, nên anh em trẻ cũng đã được nâng cao bản lĩnh của lính chiến.

        Qua nắm bắt tình hình cho thấy trong đơn vị cán bộ chiến sĩ công tác chuẩn bị tốt, tinh thần bộ đội cao, công tác hậu cần đảm bảo khẩu phần ăn, thuốc men đầy đủ. Nhiệm vụ các đơn vị là phải đập tan và bẻ gãy chiến thuật luồn sâu, mật tập của Pôn Pốt. Điều quan trọng nhất là phải phát hiện địch sớm. Chủ động đánh địch không để bị bất ngờ, sẵn sàng chiến đấu tiêu diệt địch ngay. Dưới sự chi viện tối đa của cối 60 ly của đại đội và cối 82 ly của tiểu đoàn cùng các loại hỏa lực của cấp trên. Hỏa lực của chúng ta sẽ áp đảo địch ngay lúc khai chiến, bắn áp đảo, bắn tiêu diệt những cụm hỏa lực địch. Mất hỏa lực, đám lính Pôn Pốt sẽ không có lực lượng hỗ trợ, tinh thần bất an, đó là thời cơ cho bộ binh ta tiêu diệt, làm tan rã đội hình chúng. Trận này nhất định sẽ chiến thắng. Chúng ta đang như những người thợ săn đầy kinh nghiệm đầy bản lĩnh đang giăng lưới trời, đón chờ tiêu diệt bọn thú dữ hung hăng mất hết nhân tính này.

        Cũng có thể nhờ kinh nghiệm đối mặt với kẻ thù một thời gian dài, hay linh tính mách bảo mà từ trung đoàn, tiểu đoàn cho đến cán bộ đại đội, đều xác định là Pôn Pốt sẽ tập kích lớn vào khu vực này trong mấy ngày tới. Trinh sát cũng cho biết là địch có động thái đi chuyển quân tới sát đường biên, tung từng tốp thám báo vào sát điểm tựa của ta để dò lực lượng và tìm chỗ hở để đánh lén, tập kích. Cán bộ tiểu đoàn, đại đội, thường xuyên nhắc nhở, đôn dốc anh em tăng cường cảnh giác cao độ. Thời gian đi qua từng phút, từng giờ, tâm trạng người lính ở điểm tựa luôn căng thẳng.

         Cũng đúng thôi, tuy rằng được học tập, huấn luyện nhưng rất nhiều anh em chưa tham gia chiến đấu trận nào vẫn tỏ ra hồi hộp lo lắng là phải lắm.

        Trước đây, tranh thủ thời gian địch lùi quân ra xa, các tiểu đoàn, đại đội đã tổ chức diễn tập, với giả định nhiều tình huống diễn biến phức tạp diễn ra. Đặc biệt là phương án chống bọn Pôn Pốt mật tập. Nhờ những đợt diễn tập ngắn, ở tại điểm tựa như thế, các chiến sĩ mới chỉ được huấn luyện những thao tác cơ bản, bắn đạn thật súng bộ binh, nay được hướng dẫn thêm nhiều thao tác, cơ động trong công sự, sử dụng lựu đạn thật, các loại hỏa súng B40, B41, đánh chặn địch khi chúng vào sát điểm tựa và tiến công địch khi có cơ hội. Kinh nghiệm của cán bộ từng chiến đấu vô cùng phong phú. Từ chỗ rất lo lắng, anh em lính mới đã hồ hởi mong được chiến đấu ngay.

        Lúc này, chúng ta chờ địch sang để đánh tiêu diệt, chứ không hề tấn công sang địa bàn chúng. Sự đợi chờ trong thế này cũng gây ra tâm trạng chiến sĩ ít nhiều căng thẳng.

        Theo phân công, nếu xảy ra tác chiến kể cả ban đêm, đồng chí Quang đại đội phó, cùng một liên lạc xuống tăng cường chiến đấu với trung đội tiền tiêu là trung đội 1. Trung đội này được tăng cường một khẩu 12,7 ly của đại đội 4 và một khẩu đại liên của tiểu đội 11. Tôi và một y tá sẽ xuống nơi đứng chân của tiểu đội cối 60 ly, cùng chỉ huy và động viên tinh thần chiến sĩ. Hai đồng chí cấp trưởng cùng một liên lạc, một y tá, hai chiến sĩ thông tin sẽ trực chỉ huy tại Ban chỉ huy đại đội.

        Chiều ngày cuối tháng 9 hoàng hôn buông xuống nhanh, không có trăng nên rất tối trời. Không gian dịu mát, gió thổi nhè nhẹ. Những con ếch nhái, côn trùng bắt đầu cất bản hợp xướng rền rĩ quen thuộc. Tất cả anh em đã ăn xong bữa chiều. Mọi người đều như linh cảm trận chiến lớn sẽ xảy ra đêm nay. Vẫn bố trí một nửa quân số trực chiến, sẵn sàng chiến đấu.

        Tôi cùng đồng chí Quang, đại đội phó, và một đồng chí liên lạc đi vòng khắp khu vực điểm tựa để kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu. Chúng tôi rất yên tâm vì anh em các trung đội, anh em lính mới tinh thần cao, mọi người phấn chấn chờ đánh địch, không một ai tỏ ra quá bồn chồn lo lắng hay run sợ. Chợt một người hỏi to:

        - Liệu đêm nay bọn Pôn Pốt có mò vào không chính trị viên ơi? Chúng em đợi chúng nó dẫn xác vào mãi nóng ruột lắm rồi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #147 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2017, 04:29:02 pm »


        Tôi đáp vui:

        - Bọn này ma mãnh lắm đấy, nó cứ phát hiện mình chủ quan, lơ là canh gác là nó mò tới liền.

        Các chiến sĩ đểu hiểu ý tôi nói. Họ hứa với chúng tôi là luôn sẵn sàng, canh gác cẩn thận, không để bất ngờ, thấy địch là để chúng vào trong tầm súng là bắn.

        Tạm biệt anh em, tôi nhanh chóng đi vòng về vị trí hai khẩu cối 60 ly, kiểm tra lại các vật chuẩn, nhắc anh em lau chùi lại súng, kiểm tra vũ khí. Hướng dẫn, kiểm tra các chiến sĩ về qui trình thao tác lấy đạn không nổ ra khỏi nòng súng, xử lý tình huống khi thuốc đạn đầy lấp kim hỏa, kiểm tra trận địa dự bị. Tôi hài lòng về những thao tác rất chuẩn và nhanh gọn của anh em. Rồi tôi vừa cười vừa nói thêm:

        - Phải nhớ tháo các bịt đầu đạn nhé, kẻo vội bắn quên tháo, đạn không nổ Pôn Pốt nó cười nhạo cho đấy.

        Mọi người cười vang. Xạ thủ số 2 vốn là lính mới nhập ngũ tháng 5 năm 1978, người gầy nhẳng như tôi trước đây, cười hết cỡ, nhe cái răng khểnh, nói:

        - Quên làm sao được hả chính trị viên?

        Không khí trở nên vui vẻ, thân tình giữa chỉ huy và chiến sĩ vậy còn gì bằng. Chúng tôi chia nhau từng điếu thuốc và tiếp tục trò chuyện. Tôi căn dặn anh em phải canh gác thật kỹ, tránh chủ quan khinh địch. Đó là lời dặn dò, nhắc nhở tuy cũ nhưng bao giờ cũng cần thiết. Đối với đám giặc Pôn Pốt, chỉ cần chúng ta lơ là, mát cảnh giác là phải trả giá đắt.

        Bóng tối ập xuống tự bao giờ, chúng tôi vế hầm chỉ huy đại đội. Sau khi nhâm nhi li trà nóng, chúng tôi cùng nhau nhận định tình hình địch. Tuy bọn địch có vẻ rút lui vào thế cố thủ nhưng đó là động tác đánh lừa ta, chúng sẽ bất ngờ tấn công vào lúc ta sơ hở nhất. Nghĩ thế, chúng tôi nhắc các đồng chí thông tin, giữ đường dây liên lạc thật tốt. Lúc này thường dùng máy hữu tuyến để liên lạc giữa các cấp chỉ huy. Bọn lính Pôn Pốt cũng thường lẻn sang cắt đứt đường đây liên lạc của ta.

        Đồng chi chiến sĩ trực máy nhanh chóng mang túi đồ nghề chạy đi kiểm tra đường dây.

        Vừa lúc đó chuông điện thoại reo. Anh Đạc cầm máy nói chuyện với tiểu đoàn trưởng. Nhận định của trên đêm nay có nhiều khả năng bọn Pôn Pốt sẽ tập kích lớn vào khu vực tiểu đoàn 1, hướng đại đội 1 là mục tiêu quan trọng. Tiểu đoàn trưởng yêu cầu toàn đại đội nói riêng và toàn tiểu đoàn nói chung tập trung canh gác, trinh sát bám địch sẵn sàng đánh phủ đầu bọn Pôn Pốt.

        Theo kinh nghiệm của các đơn vị bị Pôn Pốt tập kích điểm tựa của ta thường theo phương án, là chúng bí mật tiền nhập áp sát các vị trí chốt, thậm chí chỉ cách hố chiến đấu của đối phương chừng năm đến mười mét, rồi bất ngờ dùng B40 và B41 bắn dồn dập, tiêu diệt các ụ súng tiền tiêu của ta, rồi chúng hô xung phong và bắn loạn xạ để áp đảo, làm anh em ta mất tinh thần không kịp phản ứng. Khi ta mất tinh thần, đội hình rối loạn, chúng sẽ nã đạn hỏa lực gây thương vong cho ta. Kế đó, chúng sẽ nhanh chóng tràn vào chiếm trận địa và sử dụng lựu đạn, công cụ như báng súng, dao búa để tàn sát. Lính Pôn Pốt thường giết người bằng biện pháp trung cổ rất tàn bạo, đã man. Chúng biết, đánh bất ngờ vào đội hình đối phương dễ dàng chiếm được chốt nhất.

        Theo phương án đề ra, quân ta đánh địch lấn điểm tựa vào ban đêm sẽ sử dụng cối, các khẩu đội hỏa lực để tiêu diệt, ngăn cản địch là chính. Lúc phát hiện rõ địch các đơn vị hỏa lực như DKZ, 12,7 ly mới nổ súng tiêu diệt. Khi có thời cơ, bộ binh mới bật khỏi công sự tiến công địch.

        Cũng theo phương án, theo hợp đồng giữa các đơn vị, địch vào hướng nào, thì hướng đó chiến đấu, đêm tối nên rất khó chi viện cho nhau. Kinh nghiệm này, bài học xương máu này, đã có ở một số đơn vị khi lệnh cho bộ đội xuất kích trong đêm. Cơ động đội hình trong đêm là việc làm phải được tính toán rất kỹ khi lên phương án tác chiến, phải có sự hỗ trợ của nhiều loại hỏa lực bắn đè đầu quân địch xuống, hợp đồng giữa đơn vị này với đơn vị khác cũng phải rất chặt chẽ. Trên lý thuyết là thế nhưng khi trận đánh diễn ra, cơ động đội hình lớn giữa địa hình trống trong đêm là rất nguy hiểm. Bài học đã có không phải một lần mà là hai lần rồi, thật là đau xót.

        Khi nhận được chỉ thị chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, ban chỉ huy đại đội chúng tôi đã họp. Chúng tôi lên phương án chiến đấu. Nhận định là địch sẽ tập kích vào hướng chính diện điểm tựa đại đội, chúng tôi đôn đốc các trung đội canh gác thật chặt, bổ sung thêm đạn, mỗi người ba cơ số, các khẩu đội cối, ĐKZ, 12,7 ly cũng đã được cấp đẩy đủ đạn. Tiểu đoàn cũng đã thông báo cho chúng tôi biết địch có thể tập kích bất ngờ vào đêm nay hoặc rạng sáng mai.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #148 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2017, 04:29:42 pm »

       
*

*       *

        Tám giờ tối hôm đó, cũng vẫn như mọi ngày, công tác chuẩn bị đã hoàn thành, mấy anh em ban chỉ huy chúng tôi ngồi vây quanh ấm trà nóng trò chuyện, ở điểm tựa buổi tối họp hành, giao ban xong, chúng tôi thường cùng nhau uống trà. Trà là thứ nước giải khát không thể thiếu ở điểm tựa, uống trà để tỉnh táo hơn. Thông thường ngồi nhâm nhi li trà nóng, chúng tôi tán đủ thứ chuyện. Ở điểm tựa trò chuyện lan man cũng giúp giảm bớt căng thẳng.

        Hôm nay khi thay đến ấm trà thứ hai, chúng tôi bàn sang công việc phòng thủ chiến đấu. Bố trí lực lượng như thế là chặt, không còn thấy những chỗ yếu để địch đánh bật được. Nhưng anh Đạc thấy cần phải đến tận nơi kiểm tra, nhắc nhở chiến sĩ canh gác nên gọi đồng chí liên lạc cùng đi.

        Tính anh Đạc vốn rất cẩn thận, việc gì thấy chưa ổn là anh đến tận nơi kiểm tra, có thể cùng làm với chiến sĩ, xong mới yên tâm. Sau khi cùng đồng chí liên lạc đi kiểm tra một vòng qua các trung đội để nhắc nhở tăng cường gác, mỗi trung đội cử hai phấn ba quân số bố phòng, sẵn sàng chiến đấu, theo như chỉ thị của tiểu đoàn, anh Đạc trở về. Chúng tôi lại châm thêm ấm trà mới, ở mặt trận mỗi tối có thời gian yên tĩnh để ngồi bên ấm trà cũng được xem hạnh phúc lắm.

        Vừa nhâm nhi ly trà nóng, anh Đạc vừa cho chúng tôi biết tình hình canh gác ở các trung đội. Nghe anh nói chúng tôi đều yên tâm và nói sang chuyện vui khác. Tuy đi bộ qua chặng đường khá dài nhưng anh Đạc vẫn khỏe khoắn, tươi cười góp chuyện. Anh Đạc là người vui tính, hay kể chuyện. Anh cũng biết nhiều chuyện và kể với giọng hài hước. Những câu chuyện của anh khiến mọi người vui hơn. Ở chiến trường cẩn phải nói chuyện để xua đi nỗi trống vắng. Hơn thế, chúng tôi còn trẻ nên người nào cũng vui tính, hổn nhiên. Qua gian khổ, khốc liệt, có lúc đối mặt với cái chết là chúng tôi trò chuyện về đời thường, về những kỷ niệm. Một trong vô vàn kỷ niệm là tình yêu thời học sinh, sinh viên hay lúc ở quê hương. Chuyện về tình yêu là chủ đề không bao giờ cạn.

        Trong khi chúng tôi nói cười rôm rả, thấy mỗi mình anh Tiến ngồi bần thần, tôi quay sang hỏi đùa:

        - Em Lý hồi này thế nào mà không thấy thư từ gì cả nhỉ?.

        Lý là người yêu anh Tiến. Hai người cùng một xã, học với nhau suốt những năm cấp ba nên cũng có cảm tình riêng, tuy chưa sâu đậm, tình yêu học trò mà! Học hết cấp ba Tiến lên đường nhập ngũ, còn Lý vào đại học. Tình yêu hai người nảy nở khi anh mặc áo lính, em mặc áo sinh viên. Thời bấy giờ có rất nhiều mối tình nên thơ như thế. Tốt nghiệp đại học, Lý trở về công tác ở phòng kế hoạch huyện. Tình cảm hai người càng gắn bó hơn. Tuy thế, họ vẫn nối với nhau qua nhửng cánh thư.

        Tôi nhỏ nhẹ hỏi về những lá thư cô Lý gửi cho anh. Câu hỏi của tôi như trúng vào tâm trạng Tiên nên anh lấy tấm ảnh của Lý trao cho tôi, hỏi thật thà :

        - À, nhờ ông nhận xét hộ tôi xem Lý là người thế nào?.

        Nói xong Tiến đưa cho tôi tấm ảnh đen trắng cỡ 3x4 hình một cô gái mặc áo trắng rồi lặng lẽ chờ tôi nhận xét.

        Tấm ảnh den trắng cỡ nhỏ, cỏ lẽ là ảnh để làm hồ sơ đi đại học nên bức hình Lý mím môi, hơi cứng. Tóc bện hai dé, một để ra trước ngực, một vắt sau lưng. Kiểu tóc phổ thông của các cô gái miền Bắc lúc đó. Đôi mắt Lý mở to kiên nghị, trán cao hơi nhô. Thực ra nhìn ảnh thì cũng đoán đây không phải là người con gái đẹp. Song có tính tình mạnh mẽ thông minh. Người lính có được người vợ như cô Lý là điểm tựa vững chắc ở hậu phương. Hồi đó, quan niệm của chúng tôi về người vợ không phải ở nhan sắc đẹp mà chính là tính tình, là công việc, là bản lĩnh đạo đức vì nhiệm vụ chúng tôi luôn ở xa nhà hay ngoài mặt trận.

        Nhìn ngắm bức hình qua ánh đèn nhỏ một lúc, tôi phán:

        - Cô bé này thông minh, ham học, nhưng rất bướng bỉnh. Chắc trong lớp hay nghịch, thậm chí hay lý sự, hay trêu ông lắm phải không?.

        Tiến hỏi dồn:

        - Sao ông biết hay vậy?

        Tôi liền giải thích:

        - Phụ nữ trán cao, rộng, thể hiện sự thông minh. Nhưng trán hơi nhô ra phía trước thường là bướng bỉnh. Nhưng Lý là người sống rất vui và tình cảm thể hiện qua ánh mắt, cửa sổ của tâm hồn mà.

        Thấy anh Tiến im lặng chăm chú nghe, tôi nói thêm:

        - Cô này với ông sẽ rất hợp. Vì ông là người sống có bản lĩnh, có ỷ chí, cũng rất thông minh, hiểu biết và có tính nhường nhịn. Khi mình nhường nhịn một người vợ có tính bướng bỉnh thì mọi xung đột sẽ không còn, gia đình êm ấm. Nói chung đã là chồng vợ, sống liên tục từ ngày này, tháng nọ, năm khác thế nào cũng xảy ra mâu thuẫn. Vậy thì cần phải nhường nhịn nhau.

        Nghe tôi nói vậy, Tiến cười vui, gương mặt anh bừng sáng, nom trẻ hẳn. Tình yêu bao giờ cũng làm cho ta trẻ hơn lên.

        Tôi thầm cầu mong, chiến tranh kết thúc để anh Tiến và tất cả chúng tôi trở về hậu phương xây dựng gia đình. Đây chính là ao ước của người chiến sĩ ở mặt trận. Được sống trong cảnh đất nước thanh bình , có một mái ấm, có vợ, có chồng, có con cái là khao khát chính dáng. Nhưng với người chiến sĩ, mong muốn ấy đâu phải đến được dễ dàng. Từ ngày lên biên giới, biết bao đồng đội của tôi đã hy sinh. Họ nằm xuống khi chưa hề biết thế nào là hạnh phúc đôi lứa. Người có gia đình thì để lại cảnh vợ dại, con thơ. Biết thế, nhưng làm người thanh niên, công dân của đất nước, chúng tôi tự nguyện đứng ở nơi làn tên, mũi đạn này để đánh lũ xâm lược.

        Giờ đây ngắm niềm vui trên gương mặt anh Tiến, tôi cảm động khôn cùng. Trong chiến tranh, người chiến sĩ ở mặt trận phải đối mặt với gian khổ, ác liệt, sống và chết cách nhau gang tấc nên người lính rất khát khao tình cảm. Chính tình cảm, nhất là tình yêu của người phụ nữ, người vợ, người yêu ở hậu phương là điểm tựa tinh thần lớn cho người chiến sĩ. Và, những người mẹ, người vợ ở hậu phương xa xôi trên toàn lãnh thổ Việt Nam luôn là điểm tựa cho người chiến sĩ, không chỉ năm xưa mà cả hôm nay, trên dải biên giới Tây Nam này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #149 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2017, 04:30:28 pm »

       
*

*       *

        Chuyện trò tán ngẫu một lúc nữa rồi tôi đi nằm trước. Nằm một hồi vẫn trằn trọc không sao ngủ dược. Cứ miên man nghĩ ngợi những việc gần, việc xa. Tôi có cả tính hay nghĩ vẩn vơ như thế. Thói quen này ảnh hưởng tới giấc ngủ, biết vậy nhưng tôi không sửa nổi.

        Đất trời về đêm thật yên tĩnh, có lẽ đêm nay bọn địch không đánh hay bắn pháo sang đất ta chăng? Nghĩ vậy, rồi tôi cũng thiếp đi lúc nào không biết.

        Ầm - Ầm... hai tiếng nổ lớn xé tan sự tĩnh lặng trong đêm. Tôi vùng dậy chộp lấy khẩu AK. Nghe ngóng một chút, anh Đạc nói lớn:

        - Mìn nổ hướng trung đội 1. Có tiếng kêu la của bọn địch bị thương.

        Tôi nói:

        - Pôn Pốt mò vào rồi đấy!

        Cùng lúc, tiếng 12,7 ly điểm xạ Thùng - Thùng - Thùng, Thùng -Thùng -Thùng, vừa dứt hai loạt điểm xạ. Thì tiếng nổ của B40-B41 ùng -oàng, ùng -oàng, ùng -oàng dồn dập hướng trung đội 1. Anh Đạc nói to:

        - Chúng nó tập kích lớn rồi đấy. Chết cha! Sao không thấy 12,7 ly bắn nữa?

        Nhưng các loại súng AK của anh em trung đội 1 đã rộ lên, cả tiếng súng của khẩu đại liên nổ liên hồi. Xen kẽ là những tiếng mìn nổ. Lúc này không chỉ có hướng của trung đội 1 mà các hướng đều có tiếng mìn nổ cùng với tiếng AK của anh em mình.

        Anh Đạc nói:

        - Ông Quang xuống ngay trung đội 1. Ông Phú xuống ngay chỗ cối đi. Sao chưa thấy cối bắn?

        Không gian vỡ òa trong tiếng nổ vang trời, rung đất. Chớp nổ của súng, của đạn, của mìn, chớp lửa đỏ rực nhằng nhằng. Cùng những tiếng kêu la của Pôn Pốt, thi thoảng mới có tiếng nổ đạn B của Pôn Pốt bắn vào chốt của mình. Cùng với tiếng AK của chúng nhưng rời rạc, lạc lõng không gắt. Nhưng đạn bay vun vút, có cả những trái pháo hú gió lao qua đầu chúng tôi.

        Tiếng súng nổ ran lên khắp nơi, không gian run lên trong tiếng nổ. Trận đánh đang vào cao điểm. Tôi cùng với một đồng chí y tá chạy xuống vị trí cối. Vừa chạy gần đến vừa nói to cho anh em biết:

        - Phú đây! Phú đây!

        Thấy anh em đang thao tác, tôi hét to:

        - Bắn ngay, cấp tập mỗi vật chuẩn 5 quả.

        Tong -tong -tong -tong. Anh em thả đạn liên tục chớp nổ đầu nòng sáng lòa. Không đợi đạn nổ, pháo thủ liên tiếp thả đạn, bắn vào các mục tiêu đã định sẵn. Rồi những tiếng nổ của đạn cối rền vang. Lẫn trong tiếng nổ, là tiếng la hét hoảng loạn của bọn lính Pôn Pốt ngày càng nhiều.

        Các loại súng của ta vẫn nổ dồn dập, có lúc mặt đất rung lên trong tiếng pháo, cối, tiếng súng bộ binh. Tôi cho 2 khẩu cối cấp tập bắn về các hướng. Hướng trung đội 1 cách khoảng 250 mét có 3 ngôi mộ xây, ở đây anh em đã gài mìn và cũng là vật chuẩn số 1 hướng Tây của cối. Nếu chúng tập kích, chắc chắn ở vị trí này chúng sẽ tập trung nhiều, hoặc ban chỉ huy của Pôn Pốt sẽ ở đó. Tôi nói anh em, phải chần cho bọn địch ở khu vực này thật kỹ. Chớp lửa điểm nổ sáng lòa liên tục. Đã mấy chục phút chiến đấu. Tiếng súng bộ binh đã ngớt, chỉ còn 2 khẩu đại liên vẫn điểm xạ khạc đạn đều. Đạn cối còn nhiều, nhưng tôi nhắc anh em chuyển sang bắn chế độ chậm. Bắn rải rác mặt sàng vào các vị trí.

        Lúc sau, anh Đạc cùng một liên lạc xuống thông báo các hướng chiến đấu rất tốt. Cối bắn rất có hiệu quả, chắc chắn trấn áp tinh thần và làm địch sát thương nhiều.

        Nhưng rồi, dịch phát hiện ra nơi đứng chân của khẩu đội 12,7 ly của ta, chúng đã nã liên tiếp 3 quả đạn cối. Ba chiến sĩ của khẩu đội 12,7 ly đã trúng đạn, một đồng chí hy sinh. Khẩu 12,7 ly bị hư hỏng. Chúng ta mất đi một khẩu đội hỏa lực mạnh.

        Các đồng chí bộ binh cũng ngay lập tức phát hiện ra cụm cối của địch và nã đạn hỏa lực vào đó. Xác những tên lính vừa gây tội ác bị hất lên, ổ hỏa lực bị dập tắt.

        Các khẩu đội hỏa lực của ta phát huy rất tốt, bắn trúng mục tiêu. Các chiến sĩ bộ binh chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Những cụm hỏa lực địch ở xa cũng bị cối chúng ta dập liên tục, xác lính chúng bị hất lên. Phần lớn hỏa lực địch bị tiêu diệt hoặc bọn lính đã bỏ súng mà ẩn nấp hay vọt chạy rồi. Hỏa lực bị tiêu diệt, không có gì để hỗ trợ cho bộ binh, đội hình địch náo loạn, rối tung. Mấy tên chỉ huy thúc lính quay trở lại chống cự nhưng chính nó lại đánh tháo. Nhưng chúng đã lâm vào đường cùng, khó lòng chạy thoát vì trinh sát của ta đã chỉ mục tiêu cho pháo, cối bắn chặn.

        Trận đánh này diễn ra rất trúng phương án của chúng ta. Địch bị giáng trả một đòn đích đáng, đội hình chúng rối loạn, bọn lính không phản ứng được gì.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM