Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 27 Tháng Năm, 2024, 01:46:10 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiếc khuy đồng  (Đọc 24509 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
namvinh789
Thành viên
*
Bài viết: 159


« vào lúc: 12 Tháng Chín, 2016, 06:19:51 pm »


                                                                                                          LỜI NHÀ XUẤT BẢN
  Cuốn tiểu thuyết tình báo "Chiếc khuy đồng" của Ô-va-lốp viết dựa trên một câu chuyện có thật, xảy ra tại thành phố Ri-ga, nước Cộng hòa Lét-tô-ni (Liên-xô) tạm thời bị quân phát xít Đức chiếm đóng vào những năm đầu chiến tranh thế giới lần thứ hai.
  Câu chuyện lý thú phản ánh cuộc đấu tranh gay go, mạo hiểm, quyết liệt giữa cơ quan tình báo Liên xô và bọn gián điệp của các nước đế quốc; nêu lên những mâu thuẫn, xung đột tất yếu không thể tránh khỏi trong nội bộ bọn gián điệp đế quốc, phản ánh sự cấu xé vì quyền lợi và tham vọng giữa các nước đế quốc, dù lúc bấy giờ với danh nghĩa là đồng minh của Liên xô chống phát xít Hít-le.
  Hiện nay, bọn phản động bành trướng bá quyền Bắc Kinh đang ra sức cấu kết với đế quốc Mỹ, tiến hành một kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt đối với nước ta. "Chiếc khuy đồng" ra mắt lần này chắc chắn sẽ góp phần giúp bạn đọc nâng cao tinh thần cảnh giác Cách mạng, bồi dưỡng và củng cố thêm ý chí bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
  Nhân dịp này, xin chân thành cảm ơn Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, người dịch và Nhà máy in Tổng cục Hậu cần đã nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi in cuốn sách này.
                                                                                                                                                                      NHÀ XUẤT BẢN THUẬN HÓA


                                                                                                                          *
                                                                                                                       *    *

                                                                                                                LỜI TÁC GIẢ

  Tính đến nay đã gần tròn 20 năm, tôi có viết về Prô-nin, một cán bộ của Cục An ninh Quốc gia, và là người bạn của tôi, một tập truyện nhan đề là NHỮNG VIỆC MẠO HIỂM CỦA THIẾU TÁ PRÔ-NIN.
  Xuất bản tập truyện ấy chẳng được bao lâu thì cuộc Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc bùng nổ.
  Từ đó chúng tôi mỗi người một ngả, không liên lạc và cũng không hề gặp nhau.
  Trong quãng thời gian ấy, những sự kiện lớn lao đã bắt buộc một số người phải rút vào hoạt động bí mật...
  Rồi chiến tranh lại tan đi, công cuộc kiến thiết hòa bình trở lại trên khắp đất nước, người người lại sum họp và sau đó một thời gian mà tôi cho là dài lắm, cuộc sống lại trả hai chúng tôi về cảnh cũ.
  Đương nhiên tôi có hỏi về cái quá khứ của Prô-nin, tuy rằng anh không bao giờ thích để ai ca tụng mình. Anh đáp: "Tôi đã làm những gì thì chưa đến lúc phải kể lại, mà tôi cũng không có quyền nói hết những việc mình làm. Nhưng tôi có quyển nhật ký nhỏ của một đồng chí sỹ quan mà tôi có nhiệm vụ phải gặp gỡ trong những ngày đầu chiến tranh. Xin biếu anh đây. Đọc trong ấy tất anh sẽ biết được ít nhiều về tôi. Anh ta ghi quyển nhật ký này không phải để cho mọi người xem, nhưng nếu thấy thích, anh có thể phổ biến. Tất nhiên, những tên thật nên thay đổi đi ".
  Tôi đọc hết những dòng nhật ký đó và quyết định viết thành tiểu thuyết này. Lời lẽ quyển tiểu thuyết gần giống y như bản thảo nhật ký, tôi chỉ chữa lại một vài tình tiết ở đôi chỗ và thay đổi vài ba tên thật mà thôi.

                                                                                                                                                                                      Ô-VA-LỐP.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Ba, 2021, 01:25:08 pm gửi bởi ptlinh » Logged
namvinh789
Thành viên
*
Bài viết: 159


« Trả lời #1 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2016, 06:59:47 pm »

 
 1. BUỔI ĐẦU GẶP GỠ
  
  Tôi mở ngăn kéo bàn giấy lấy chiếc khuy đồng ra. Chiếc khuy đồng giản dị này là vật kỷ niệm duy nhất của tôi để ghi nhớ lại những sự việc lạ lùng nửa hư nửa thực mà tôi đã bị bắt buộc phải chứng kiến và tham dự vào...
  Cái vật bằng đồng nhỏ bé đó nằm gọn lỏn trên lòng bàn tay, gợi lại trong tâm trí tôi hình bóng ả đàn bà ấy, một hạng đàn bà kỳ dị hiếm có ở trên đời mà tôi đã quen biết trong những cảnh ngộ thật là éo le, khó hiểu. Đó là Xô-phi-a An-cốp-xcai-a.
  Nếu nói theo quan niệm thông thường của ta thì ả không phải là một trang tuyệt thế giai nhân: nét mặt không cân đối, thân hình chả lấy gì làm hoàn mỹ. Thế mà ả đã khiến cho nhiều kẻ mày râu phải "đổ quán xiêu đình" trước cái sóng khuynh thành của mình...
  Bạn thử hình dung ra một người đàn bà khá cao, tóc nâu sẫm, mặt hơi dài, trán dô gần như trán đàn ông với đôi mắt một mí màu gio mà trong cơn giận dữ thường biến sang màu xanh như mắt mèo và sắc như lưỡi dao cạo. Mũi hếch, cằm thon. Khác thường nhất là đôi môi đỏ chót, trề ra y hệt như môi trẻ con và có thể đột ngột mím chặt lại một cách dữ tợn, tái dần đến nỗi trắng nhợt ra. Hai vành tai quá rộng nói lên đặc khiếu thẩm âm của ả. Đôi má thỉnh thoảng mới ửng hồng, mái tóc mềm hơi uốn cong bên thái dương, hai cánh tay có vẻ quá mảnh khảnh nếu đem so với bộ đùi nở nang như đùi nhà thể thao chuyên nghiệp.
  Trong khi trò chuyện với ai ả chỉ nghe một bên tai, còn tai kia hình như đang mải lắng nghe một khúc nhạc hiu hắt từ cõi xa xăm nào vọng tới; nếu một mắt nhìn chòng chọc vào mặt người đối diện thì mắt kia hình như đang đăm chiêu soi vào khoảng không gian thăm thẳm. Và nếu tay phải ả dịu dàng vuốt ve anh thì tay trái có thể thình lình móc khẩu súng lục xinh xắn tối tân ở trong xắc ra để bắn chết anh trong nháy mắt.
  Phải chăng trong câu chuyện oái oăm này cũng phải có một nhân vật lạ đời như thế?
  Tôi là thiếu tá Ma-ca-rốp, sĩ quan tham mưu Liên Xô. Mấy tháng trước khi xảy ra chiến tranh, tôi được phái đến Ri-ga, một thành phố lớn và cổ kính nằm giữa hai miền Đông và Tây Âu...
  Nhiệm vụ của tôi là nghiên cứu chiến trường và chuẩn bị kế hoạch bố trí quân lực ở miền Tây Bắc để ngăn chặn một cuộc tiến công bất ngờ của quân địch khi chiến tranh bùng nổ. Công tác đó có tính chất hết sức bí mật. Lúc bấy giờ Ri-ga là một thành phố đông đúc và phức tạp. Những dãy nhà nguy nga tráng lệ ngất nghểu bên những phố xá tồi tàn đổ nát. Trước mắt chúng tôi đầy rẫy những nghịch cảnh giàu nghèo, sang hèn, vừa khêu gợi trí tò mò mà lại vừa kỳ lạ.
  Ri-ga là thủ đô của nước Cộng hòa xô-viết Lét-tô-ni vừa thành lập được ít lâu.
  Tôi sống khá kín đáo trong căn buồng riêng tại nhà đồng chí công nhân xưởng cơ khí tên là Xe-plít. Đồng chí là một đảng viên cộng sản lâu năm đã được tôi luyện trong thời kỳ hoạt động bí mật. Nhờ có chìa khóa riêng để ra vào cửa lớn nên tôi ít làm phiền đến chủ nhà.
  Tôi còn nhớ rõ đêm ấy vào khoảng cuối tháng sáu, sau khi báo cáo tình hình công việc hàng ngày với thủ trưởng, tôi bước ra khỏi tòa nhà đồ sộ sáng trưng ánh điện, đi qua một phố nhỏ rồi rẽ xuống đường bờ sông Đô-gáp xây bằng đá, rộng thênh thang.
 Mùa hè ở biển Ban-tích thật là êm dịu. Khí trời khô ráo nhẹ nhõm. Lòng tôi lâng lâng giữa biển hương thơm ngào ngạt dâng lên từ dòng sông và từ hoa cỏ dại đẫm sương...
  Đêm đã khuya. Bốn bề vắng ngắt. Tôi đội mũ dạ, mặc áo choàng màu sẫm, trong bóng tối khó mà nhận thấy. Một làn gió lạnh thoảng qua. Tôi rùng mình định kéo cổ áo lên chợt nghe tiếng gọi khẽ sau lưng.
  -- Xin ông nghe tôi!
  Thoạt tiên tôi ngỡ là một ả gái điếm nào đó đón khách đêm, nhưng cái giọng vừa oai vệ, vừa nũng nịu ấy làm cho tôi suy nghĩ và không thể bỏ qua được. Tôi quay lại. Một người đàn bà lạ mặt đứng sững trên vỉa hè. Chị ta khoác áo măng tô màu xanh nhạt, hai tay đút túi, cánh tay trái đeo một chiếc xắc mốt mới, đội mũ hẹp vành. Nhìn qua cũng biết ngay là hạng người lịch sự, chị ta nói một câu bằng tiếng Nga khá trơn tru nhưng hơi lơ lớ giọng nước ngoài:
  -- Xin lỗi ông. Tôi tha thiết nhờ ông một việc, mong ông đừng từ chối...
  Tôi lặng lẽ nghiêng mình để đáp lại. Người đàn bà lạ mặt nói tiếp :
  -- Nhờ ông đưa tôi đi hết con đường bờ sông này.
  Cho đó là chuyện thường nên tôi nhận lời ngay. Hai chúng tôi khoác tay nhau tha thẩn men theo những dãy nhà đồ sộ. Người đàn bà lặng lẽ bước. Tôi cũng chả buồn hỏi chuyện. Xung quanh không một bóng người. Xa xa, dòng sông loang loáng bạc. Bên kia sông lấp lánh ánh đèn...
  Bỗng nhiên có tiếng bánh xe lăn trên mặt đường. Tôi ngoái nhìn lại. Từ xa, một chiếc ô tô đang vùn vụt lao về phía chúng tôi. Phải nói rằng đó là một loại xe tốt nhất, bởi vì nó bon nhanh và êm đến nỗi chỉ trong chốc lát hai chiếc đèn pha đã chiếu lóa mắt tôi. Chưa kịp định thần thì người bạn gái đồng hành đột ngột ôm chầm lấy tôi, ghì sát vào ngực rồi áp chặt đôi môi nóng hổi của ả vào môi tôi. Một mùi thơm nồng nàn khiến tôi ngây ngất...
  Ngay phút đó tôi nghe tiếng xe chạy chậm hẳn đằng sau lưng, cửa xe hé mở và đóng sầm lại ngay. Khi tôi đẩy vội được người ấy ra để nhìn thì chiếc xe đã lướt xa về phía trước, chỉ còn chấm đèn đỏ lừ lập lòe sau đuôi như báo hiệu một tai biến vừa tránh khỏi.
  Trước vẻ kinh ngạc của tôi, người đàn bà chỉ cười khúc khích, vừa vuốt nhẹ ống tay áo tôi vừa liếc mắt đưa tình:
  -- Anh đáng yêu lắm, giá mà được yêu anh? -- Rồi ả lại nói thêm nửa úp nửa mở -- Anh đừng xấu hổ, không thể như thế được đâu, đời nào tôi lại yêu anh.
  Đi được mấy bước nữa lại nghe thấy tiếng huýt sáo lanh lảnh vang lên giữa đêm khuya tĩnh mịch như để báo hiệu một việc gì. Lần này không kịp nhìn quanh nữa, người đàn bà kỳ dị đẩy tôi dúi vào tường và lấy hết sức vít đầu tôi xuống. Tôi chợt linh cảm thấy rằng có người sắp bắn mình... Nhưng không, tịnh không có tiếng nổ nào cả. Tuy nhiên, tôi nghe rõ ràng tiếng gió rít, hình như có một con chim vô hình bay vút qua, cánh gần quệt vào đầu tôi.
  Tiếng huýt sáo im bặt. Mấy giây sau, người đàn bà buông tay ra, tôi quay ngoắt lại nhìn vào bóng tối mờ mờ. Xa xa hình như tôi thoáng thấy một bóng đen hiện lên trên nền trời xám, nhưng chỉ trong khoảnh khắc rồi lại vụt biến vào đêm tối. Tôi nghĩ đó có lẽ chỉ là một ảo ảnh. Trong lúc ấy cái ả kỳ quái kia vẫn thản nhiên như không có việc gì xảy ra. Không nén nổi cơn giận, tôi thốt lên:
  -- Lạ thật! Chị định đùa dai mãi thế này hay sao?
  Ả hỏi lại tôi :
  -- Anh bảo cái gì? -- Rồi vừa cười ngặt nghẽo ả vừa tự trả lời -- A, cái ấy à?...không, ai định thế. Sắp xong rồi.
  Muốn hiểu rõ sự thực về những việc vừa xảy ra tôi lại hỏi :
  -- Mong chị cho tôi biết thế là nghĩa làm sao?
  -- Không, không thể cho biết được -- Ả lạnh lùng đáp, nhưng lại dịu dàng tiếp -- Dù sao thì cũng nhờ anh mà tôi được tai qua nạn khỏi và tôi rất hài lòng vì đã chọn đúng mặt để gửi vàng.
  Tôi cau mày :
  -- Chọn thế thì ai mà chả chọn được. Chắc là chỉ độc một mình tôi vô phúc gặp phải cái tai bay vạ gió này mà thôi.
  Ả ghì chặt lấy tay tôi, cãi lại :
  -- Anh nghĩ vậy chỉ tổ mệt óc. Trước khi nhờ anh, tôi đã thừa hiểu mình phải cần đến ai.
  Tôi cười chế nhạo :
  -- Đúng thế chăng? Một người đàn ông mới độ ba mươi tuổi cao lớn, ăn mặc lịch sự...
  Ả ngắt lời :
  -- Ồ, đâu phải thế. Tôi biết những điều mà chắc rằng anh không thể ngờ đến -- Ả ngắm tôi từ dưới lên trên một cách tinh quái -- Anh có muốn tôi nói rõ tông tích của anh không?
  Tôi cũng vênh mặt kiêu hãnh nhìn lại ả từ đầu xuống chân:
  -- Nói xem nào.
  Ả không cần đắn đo, nói ngay:
  -- Anh là sĩ quan Liên Xô, thiếu tá Ma-ca-rốp.
  Đôi mắt tôi trợn lên tròn xoe:
  -- Quái lạ!
  -- Anh vừa đi báo cáo cấp trên về và anh đang... -- Ả im lặng giây lát rồi lại mỉm cười -- Thôi, anh làm gì thì cũng chả quan trọng lắm.
  Tôi muốn dò xem ả còn biết thêm những gì về tôi:
  -- Thế thôi à?
  -- Đã bảo điều đó không quan trọng cơ mà.
  Ả trả lời cộc lốc và bước gấp hơn. Tôi vừa bám theo sát gót vừa nát óc suy nghĩ về mọi việc mới xảy ra. Chợt ả hất hàm về phía trước, nói:
  -- Đến nơi rồi. Anh nên nhớ là tới chỗ góc kia thì con đường này rẽ thành nhiều ngả...
  Chúng tôi đứng lại ở đấy. Con đường bến đá thì rẽ xuống phía dưới, còn phía kia là một đại lộ dài, rộng, rực rỡ ánh đèn từ các cửa hiệu và các tiệm ăn chiếu ra. Tôi vội hỏi:
  -- Nhưng chị là ai mới được?
  -- Anh là người Nga mà không nhớ rằng tục ngữ Nga vẫn có câu: "Biết nhiều thì chóng già", mà chóng già thì có nghĩa là mau chết. Tôi rất sợ cho anh phải chết bây giờ.
  -- Chị có thể cho tôi biết tên?
  -- An-cốp-xcai-a. Có thế thôi. Chào anh nhé!
  Ả giựt tay ra. Để giữ ả lại, tôi bèn níu lấy chiếc xắc. Lập tức ả đánh mạnh vào tay tôi một cái rõ đau. Chiếc xắc rơi trên mặt đường. Tôi cúi xuống nhưng vừa cầm lấy cái quai da bỗng cảm thấy tiếng gió rít lạnh ở đầu ngón tay. Cái quai đứt tung ra. Người đàn bà liền giằng lấy chiếc xắc ở tay tôi. Tôi ngơ ngác nhìn quanh; khi trông lại thì chỉ thấy tấm áo choàng màu xanh nhạt đang thấp thoáng sau rặng cây xa. Không thể buông thả mụ đàn bà này được.
  Ả lủi rất nhanh. Tôi cố đuổi theo.
  Sau vòm cây đen sẫm, ánh điện xanh lung linh trên mái khách sạn Rim, một chốn ăn chơi trưởng giả bậc nhất ở Ri-ga hồi đó.
  Người đàn bà lạ mặt rẽ ngoặt vào khách sạn. Tôi hấp tấp vượt qua đại lộ, lách qua cánh cửa quay vào tiệm. Gian treo áo rộng thênh thang, thế mà trên các giá đã đầy ngộn áo khoác không còn chỗ trống nào nữa. Tuy vậy tôi cứ cởi áo choàng, nhảy vội theo bậc thang đá hoa lên một gian phòng lộng lẫy treo la liệt những tấm gương lớn, khung mạ vàng óng ánh và những ngọn hoa đăng bằng pha lê lấp lánh muôn màu.
  Các bàn ăn đã chật ních. Hầu hết đàn ông đều mặc Xmô-kinh, đàn bà vận xiêm áo dạ hội. Dàn nhạc đang dạo một giai khúc mê ly cho những cặp trai gái quấn lấy nhau lả lướt lượn giữa gian phòng. Tôi liền chiếm một bàn con mà ông khách vừa mới đứng lên. Bồi bàn ập ngay đến nhận thực đơn rồi năm phút sau mang lại một phin cà phê bốc khói và một chai rượu Mác-tanh hảo hạng sắc vàng óng ánh.
  Tôi nhắp rượu, uống một ngụm cà phê rồi bắt đầu quan sát đám khách khứa. Tôi đưa mắt từ bàn này qua bàn nọ, từ bộ mặt này đến bộ mặt khác. Sục vào đây quả là không uổng công. Đúng cái mụ đàn bà lúc nãy đang ngồi cách tôi dăm bàn. Ả mặc áo dài đen, vành cổ hở rộng. Trên ngực lấp lánh chiếc thánh giá vàng treo đầu sợi dây chuyền mỏng manh. Mắt ả đăm đăm nhìn vào cõi xa hình như không để ý đến một ai.
  Ngồi cùng bàn với ả có một người đàn bà nhiều tuổi hơn mặc áo dài màu hoa cà và một người đàn ông không đoán được tuổi, ăn vận quá ư chải chuốt, nhưng nét mặt thì ủ ê, thiếu khí sắc và rất khó tả, trừ bộ ria hung hung cắt ngắn và mái tóc bóng mượt màu vàng nhạt.
  Tôi nhìn ả kỳ dị chăm chú đến nỗi hình như ả cũng cảm thấy, nên quay lại nhìn tôi.
  Không biết ở nơi trăm mắt trông vào này tỏ ra quen biết với ả có tiện chăng? Phân vân như vậy rồi tôi khẽ gật đầu để vừa tỏ ra mình chú ý đến ả lại vừa cho xung quanh khỏi ai nhận thấy. Nhưng ả nhìn sang phía khác và hai hàng mi cong không hề chớp động tựa hồ như mới thấy tôi lần đầu. Tôi gọi người bồi bàn lại và khẽ hất hàm về phía ả:
  -- Này, bà kia có hay đến đây không?
  Hắn cười ranh mãnh:
  -- Thưa, tôi không biết bà ta ạ. Nếu ông muốn tôi xin giới thiệu một bà khác rất thích những ông cao lớn.
  Tôi cau mày cảm ơn hắn. Lúc ấy ả kia cùng hai người lạ đứng dậy đi ra, họ thản nhiên qua sát bàn tôi ngồi. Một mùi thơm sặc sụa xông vào mũi. Tôi vờ nán lại giây phút để tránh sự nghi ngờ của mọi người, rồi quăng vội mấy đồng bạc lên bàn, lật đật ra khỏi phòng.
  Trong gian treo áo không có ai cả. Ngoài phố chỉ loáng thoáng vài khách qua đường. Tôi quay lại hỏi người gác cửa:
  -- Bác có thấy một bà mặc áo choàng xanh nhạt vừa ra không?
  Người gác cửa lễ phép mỉm cười:
  -- Bẩm có ba người: hai bà, một ông. Họ lên xe đi rồi ạ...
  Tôi móc túi lấy ra mấy đồng bạc giúi vào tay bác ta rồi lững thững trở về nhà, định bụng sáng sớm hôm sau sẽ báo cáo cho cấp trên biết những việc này. Đến nhà tôi còn dừng lại dưới mái hiên ngó trước trông sau, xong mới mở cửa bước vào rồi vừa khóa trái cửa lại vừa khoan khoái chắc mẩm trong bụng rằng, mọi việc không may thế là đã kết thúc và không một kẻ nào có thể phá giấc ngủ yên tĩnh của mình đêm nay. Tôi thong thả trèo lên cầu thang. Dường như đâu đây có tiếng động. Tôi chậm bước, rồi dừng hẳn lại, hồi hộp lắng nghe động tĩnh. Chợt một luồng ánh sáng từ trên chiếu xuống thẳng vào người tôi. Tôi chớp chớp mắt cố nhìn về phía ấy. Vẫn cái mụ ban nãy đang đứng sững trên đỉnh cầu thang, tay thọc vào túi, đôi mắt mèo hau háu nhìn tôi.
  Tôi chưa kịp hỏi một lời nào thì bàn tay phải của ả đã giơ lên. Một nòng súng đen ngòm chĩa vào ngực tôi.
  -- Lạ thật!... -- Tôi kêu lên như vậy và còn nghe thấy tiếng động cơ rền vang trên đầu mỗi lúc một gần rồi mới ngất đi.
  
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Chín, 2016, 08:23:01 pm gửi bởi namvinh789 » Logged
namvinh789
Thành viên
*
Bài viết: 159


« Trả lời #2 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2016, 01:09:28 am »


2. HÃY NẰM YÊN.

  Vừa chợt tỉnh lại tôi trông thấy ngay trước mắt bộ mặt gian ác của mụ đàn bà đã bắn mình. Toàn thân mệt nhừ, đau ê ẩm. Đầu nặng trĩu không cất lên được. Tôi mấp máy môi.
  -- Hả, tôi làm sao thế này?
  Bằng một giọng oai vệ mà dịu dàng, ả thì thầm bảo tôi:
  -- Im, im ngay! Không được nói một câu tiếng Nga nào cả. Muốn sống thì im đi, sau sẽ rõ.
  Thực tình thì tôi cũng không buồn nói vì đang còn yếu lắm. Chóng mặt quá tôi phải nhắm nghiền mắt lại, đến khi mở mắt ra lần sau thì ả đã biến mất.
  Tôi dần dần tỉnh táo hẳn và chăm chú ngắm nhìn mọi vật xung quanh. Khắp nơi một màu trắng toát và chan hòa ánh sáng: bàn ghế, chăn đệm đều trắng, tường cũng trắng tinh, giường thì mạ kền bóng lộn. Hóa ra tôi đang nằm trong bệnh viện. Phải, đây đúng là một căn phòng của bệnh viện.
  Nắng vàng mùa hạ tràn vào phòng qua hai cửa sổ lớn. Phòng này có ba giường cả thảy. Giường tôi kê bên cửa sổ, trên giường ở cạnh cửa lớn có một bệnh nhân khác, giường thứ ba đối diện với giường tôi thì chưa có ai nằm.
  Tôi chật vật lắm mới nhấc nổi cánh tay tê dại lên sờ vào ngực... Ngực tôi băng kín. Tôi nằm đây bao lâu rồi và sao con khốn nạn bắn tôi lại ở đây?
  -- Đồng chí!... -- Tôi gọi bệnh nhân kia, nhưng anh ta chẳng đáp lại mà cũng không nhúc nhích. Về sau tôi mới biết anh ta đang mê man bất tỉnh.
  Lúc ấy có tiếng ồn ào ngoài hành lang. Cửa mở rộng, một đám người khoác áo trắng, đội mũ vải trắng kéo vào phòng. Tôi đoán đây là giờ thăm bệnh của bác sỹ.
  Họ cười đùa, trò chuyện líu lô toàn bằng tiếng Đức và dừng lại bên giường ở cạnh cửa. Một đứa còn trẻ, vừa lùn vừa béo nói liến thoắng những gì mà tôi chỉ hiểu được lõm bõm. Dáng chừng hắn báo cáo về bệnh tình của bệnh nhân. Trong bọn có một lão cao lênh khênh, cổ dài ngoẵng, bộ mặt nhăn nheo còm cõi, đầu nghếch cao như đầu chim. Tên này có lẽ là chúa tể ở đây vì cả bọn đối với hắn đều giữ vẻ khúm núm. Tên to béo vẫn nói thao thao bất tuyệt, thỉnh thoảng lại kính cẩn gọi lão già ấy là "ngài giáo sư".
  -- Được! -- Lão ta cau mặt ngắt lời. Đoạn giơ bàn tay xương xẩu lên trước mặt vừa lần lượt xòe bốn ngón tay ra vừa trịnh trọng đếm -- Một, hai, ba, bốn... Thế là xuôi.
  Mãi bốn hôm sau tôi mới biết lão này định nói gì.
  Sau đó họ vây quanh lấy giường tôi. Bây giờ không phải tên béo phị nói nữa mà lại đến lượt "người bạn gái đồng hành" của tôi. Ả cũng khoác áo và trùm khăn trắng như những đứa khác. Không hiểu ả làm cái thá gì ở đây mà trông bộ đi đứng, ăn nói rất tự do, đường hoàng. Ả trỏ vào tôi:
  -- Thưa giáo sư, đây là một thành tựu lớn của ngài.
  Ả nói tiếng Đức rất sõi khiến tôi cũng dễ hiểu. Lão già mà bọn chúng cung kính gọi là giáo sư liền mỉm cười ra điều nhũn nhặn. Không rõ lão cười với thành tích của mình hay cốt cười với người đàn bà vừa tâng bốc lão. Lão uốn lưỡi đáp :
  -- Phải, cái ca này kết quả rất tốt.
  Ả kia lại tiếp :
  -- Sáng nay anh ta đã động đậy rồi và định hỏi chuyện, nhưng tôi ngăn lại. Anh ta còn yếu lắm, phải đợi cho khỏe đã.
  Lão giáo sư cười nịnh :
  -- Ồ, cô thật là một nữ hộ lý chu đáo. Tôi tin rằng với sự chăm sóc của cô thì ông...ông...
  Lão lúng túng đằng hắng. Ả kia nhanh miệng nhắc :
  -- Ông Béc-din. Giáo sư cũng đã biết đấy.
  Lão già cẩn thận lặp lại và gật gật cái đầu đầy ý nghĩa :
  -- Ông Béc-din sớm muộn tất cũng bình phục.
  Lão cúi xuống nhìn vào mặt tôi hồi lâu và lấy ngón tay dài nghêu chạm khẽ vào vai tôi.
  -- Ông Béc-din ạ, tôi còn đọc thấy trong đôi mắt ông một niềm luyến tiếc đối với cuộc sống hiện tại -- Lão nói như vậy rồi cất giọng đọc một câu thơ bằng tiếng Anh của Sếch-xpia: "Kẻ hèn nhát phải chết nhiều lần, còn người dũng cảm thì chỉ một lần thôi".
  Tôi chẳng thèm để ý đến những lời nói bóng bẩy ấy vì còn mải theo đuổi một mớ ý nghĩ rối như bòng bong mấy hôm nay.
  Sau đó tên giáo sư bước sang phòng khác. Cả bọn lục tục kéo theo. Nằm im một mình, tôi băn khoăn tự hỏi: Vì sao mình là An-đrây Ma-ca-rốp nay lại mang tên Béc-din -- một người Lét-tô-ni? Vì sao bọn thầy thuốc nói toàn tiếng Đức? Tôi đang nằm ở đâu đây? Tại sao mụ đàn bà đã mưu sát tôi giờ lại săn sóc tôi?... Hàng chục câu hỏi quay cuồng trong óc nhưng tôi không tìm được một câu trả lời nào. Cuối cùng tôi kết luận: chắc là mình bị bắt cóc. Phải, chỉ có phỏng đoán đó là đúng thôi vì một sĩ quan ở cương vị như tôi tất biết được nhiều điều bí mật và cố nhiên là không thể không làm cho Bộ tổng tham mưu các cường quốc chú ý. Vả lại bất cứ một cơ quan gián điệp nào cũng có thể làm cái việc mạo hiểm và khinh xuất ấy. Mạo hiểm là vì dám bắt cóc một sĩ quan Hồng quân ngay trên đất nước Liên Xô; khinh suất là vì dám suy bụng ta ra bụng người: dám đánh giá con người xô-viết bằng cái nhìn rất "tư bản".
  Tuy không có chứng cớ chính xác, nhưng tôi vẫn cứ đinh ninh là mình bị bắt cóc và hiện nằm ở nhà thương Đức.
  Hàng ngày bọn hộ lý và y tá vào phòng tôi luôn. Khi thì mang thức ăn đến, khi thì hỏi han bệnh tình. Phần lớn họ nói với tôi bằng tiếng Đức, một số nói tiếng Lét-tô-ni. Nhưng vì nhớ lời dặn buổi sáng của ả đàn bà kia nên tôi không trả lời mà chỉ gật đầu hay lắc đầu để đáp lại.
  Trời xế chiều, ả lại vác mặt đến. Ả ngồi xuống cạnh giường vừa mỉm cười vừa xoa tay tôi và thì thầm bằng tiếng Anh. Giá có kẻ nào nghe trộm ngoài cửa cũng không làm sao hiểu được. Giọng ả dịu dàng nhưng cương quyết :
  -- Hãy chịu đựng ít lâu đã rồi khắc biết hết. Trong khi đóng vai Béc-din thì anh phải nói tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Lét-tô-ni, và không được nói tiếng Nga. Anh phải quên đi. Đừng nhớ mình là người Nga nữa. Sau này tôi sẽ nói rõ.
  -- Bà cho tôi biết đây là nơi nào?
  -- Bệnh viện Đức.
  -- Sao lại thế?
  -- Chưa cần biết vội.
  -- Nhưng bà là ai đã?
  Ả tủm tỉm cười :
  -- Không nhớ à? Tôi đã bảo anh rồi cơ mà -- Ả ngừng một tí rồi tiếp -- Cả họ nữa thì là Xô-phi-a An-cốp-xcai-a. Chúng ta quen biết nhau từ lâu, anh phải nhớ tên tôi chứ -- Ả đứng dậy, đặt một ngón tay vào môi -- Nằm nghỉ cho chóng khỏe nhé, cứ nhớ lời tôi dặn thì sẽ yên lành cả.
  Ả ra về và hai ngày liền không đến. Tôi vẫn nằm, tiếp tục suy nghĩ và phán đoán nhưng chẳng được gì hơn. Hôm sau tôi cố thu hết sức, nhỏm dậy nhìn qua cửa sổ mới biết rõ ràng là mình vẫn ở Ri-ga. Tôi nhận ra ngay những đường phố quen thuộc. Và điều phỏng đoán "bị bắt cóc" lập tức tan biến đi.
  Trong những ngày tôi nằm bất tỉnh nhân sự, ở Ri-ga đã xảy ra nhiều việc còn kinh khủng hơn là việc tôi bị một tên do thám ngoại quốc nào đó bắt cóc.
  Ngay đêm tôi bị bắn, bọn phát xít Hít-le đã bắt đầu tiến công Liên Xô và ngay trong ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh, Ri-ga đã lọt gọn vào tay chúng. Bệnh nhân nằm giường bên là một tên phi công bị không quân Liên Xô bắn cháy máy bay, rơi xuống vùng ngoại ô Ri-ga và bây giờ hắn đang hấp hối.
  Bọn Đức hết lòng chạy chữa cho hắn là lẽ thường tình. Nhưng đằng này chúng lại tận tâm săn sóc một tù binh Nga như tôi nữa... Thật là khó hiểu! Chúng mưu tính việc gì đây mà phải buộc tôi đội tên Béc-din? Thôi, đợi đến khi sức khỏe được phục hồi rồi dò la xem đầu đuôi ra làm sao. Tôi tự nhủ thầm như vậy.
  Ngày thứ ba kể từ lúc tôi hồi tỉnh, người ta cáng vào phòng thêm một bệnh nhân nữa và đặt lên giường đang bỏ trống. Tôi đã đỡ nhiều nên nằm chăm chú nhìn người láng giềng mới. Đó là một người đàn ông đứng tuổi, ngực băng kín, chắc là bị thương nặng. Thoạt tiên gã đã khiến tôi có cảm tình ngay. Nét mặt phúc hậu, cặp mắt xanh thông minh, mái tóc vàng hoe, đôi môi hơi se, nhìn ngoài trạc độ 45 tuổi. Nói chung gã cũng giống như ngàn vạn con người lương thiện khác.
  Vài giờ sau, hai sĩ quan Đức vận binh phục SS màu đen, khoác áo trắng bước vào phòng. Một tên đeo lon thiếu tá, còn tên kia là trung úy. Chúng liếc nhìn tôi và dừng lại bên giường bệnh nhân mới. Tên thiếu tá chào gã:
  -- Hai-lơ Hít-le!
  Gã đáp lại bằng một giọng yếu ớt nhưng cố tỏ ra nhanh nhảu :
  -- Hai-lơ!
  Chị hộ lý khiêng vào một chiếc bàn con có đủ bút, mực giấy và hai cái ghế. Tên thiếu tá bắt đầu hỏi cung:
  -- Tên anh là gì?
  Gã dõng dạc đáp theo tác phong quân sự :
  -- Phi-đrích Gát-ca.
  Tên trung úy hý hoáy ghi chép. Tên thiếu tá lại hỏi :
  -- Ở Nga anh cũng mang tên ấy chứ?
  -- Không, trong hộ chiếu thì ghi là Phê-ca.
  -- Phê-đô Gát-ca?
  -- Vâng, đúng thế.
  -- Tôi rất hài lòng vì anh đã làm tròn bổn phận đối với quốc trưởng Đại Đức quốc. Anh nói vất vả lắm phải không?
  -- Thưa không, tôi còn đủ sức và rất sẵn sàng...
  Cuộc hỏi cung kéo dài suốt hai giờ liền. Qua lời khai, tôi biết Gát-ca là một kiều dân Đức, cư trú ở vùng sông Vôn-ga, sinh trưởng tại vùng Sa-rép. Gã đã tốt nghiệp trường sư phạm trung cấp và dạy học ở Sa-ra-tốp. Từ đó gã luôn luôn tìm cách sang hàng bọn Đức. Trung đoàn Hồng quân vừa giao chiến chưa được mấy chốc, gã thừa lúc tiếng súng tạm im, vứt vũ khí, chạy sang phòng tuyến quân Đức. Bên Hồng quân liền nã súng theo tên phản bội, còn bọn Đức thì đã thừa hiểu việc ấy nên chúng không bắn phát nào. Gát-ca bị thương nặng nhưng gã cố chạy đến tiền duyên trận địa địch mới chịu ngã xuống. Trước khi sang hàng giặc, thằng đốn mạt đã lẻn vào phòng tham mưu trung đoàn ám sát tham mưu trưởng và đánh cắp nhiều tài liệu quan trọng. Sau khi nắm được tông tích gã, bọn Đức vội vã chuyển ngay gã từ viện quân y tiền phương về đây.
  Gát-ca có vẻ thừa hiểu rằng lời nói vu vơ không thể chiếm được lòng tin của bọn Đức mà phải có những tin tức chính xác và quan trọng về Hồng quân mới mong được trọng dụng.
  Thật vậy, gã không nói một câu nào thừa vì gã đã để ý tất cả cái gì đáng để ý, ghi nhớ tất cả những gì cần ghi nhớ và giờ đây gã đang đắc ý kể lại cho hai tên sĩ quan Giét-ta-pô những điều mắt thấy tai nghe. Còn tôi là kẻ chứng kiến sự phản bội của gã. Nhưng không hiểu tại sao bọn Giét-ta-pô rất chú ý đến tôi. Chẳng những sự có mặt của tôi không làm cho chúng phải dè dặt mà trái lại hình như chúng nó có vẻ hài lòng khi thấy tôi lắng nghe câu chuyện giữa tên phản bội kia với chúng. Điều đó càng làm tôi thắc mắc.
  Trước khi ra về, bọn Giét-ta-pô thân mật bắt tay, chúc Gát-ca chóng khỏi.
  Hộ lý mang phần ăn trưa đến. Toàn là những thứ cao lương mỹ vị : bít tết, súp lơ xào, hạt dẻ hầm thịt vịt và cả một cốc sữa đầy ắp. Rõ ràng là chúng tôi được biệt đãi như các vị khách quý. Gát-ca ăn ngấu nghiến, tôi cũng cốt bồi bổ cho lại sức để tìm cơ hội trở về hàng ngũ chiến đấu, chỉ một mình tên phi công là chả buồn đụng đến thức gì cả.
  Ngày hôm sau hai tên sĩ quan lại đến. Hình như chúng đã dùng cách nào đó để kiểm tra lời khai về việc ám sát tham mưu trưởng, và những tài liệu của Gát-ca đã cung cấp chắc quan trọng lắm cho nên thấy tên thiếu tá hứa đề nghị lên trên tặng thưởng huân chương cho gã. Tên phản bội này quả là nguy hiểm. Gã nhớ rõ mồn một vị trí chiếm lĩnh trận địa của các sư đoàn pháo binh, phòng tuyến của từng trung đoàn bộ binh, sân bay của các sư đoàn không quân. Lúc đầu tôi có cảm tình với gã bao nhiêu thì bây giờ tôi càng căm ghét gã bấy nhiêu. Tôi muốn lập tức băm vằm gã làm trăm nghìn mảnh để gã khỏi phun ra những bí mật quân sự của Hồng quân, nhưng than ôi trong tay tôi lại không có lấy một mảnh cật nứa để rọc giấy nữa!
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Chín, 2016, 10:32:16 pm gửi bởi namvinh789 » Logged
namvinh789
Thành viên
*
Bài viết: 159


« Trả lời #3 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2016, 01:10:12 am »

  Bọn Giét-ta-pô ôm đến cho Gát-ca một chồng sách báo tiếng Đức. Gã nhã nhặn mời tôi xem. Tờ báo nào cũng đều huênh hoang quảng cáo cho cuộc hành binh "chẻ tre", "chớp nhoáng " của Hít-le về phía Đông, rêu rao về việc chiếm lĩnh Mát-xcơ-va nay mai, về việc "làm cỏ" dân Liên Xô. Tôi bĩu môi không tin những lời lếu láo đó, trái lại Gát-ca nở mặt nở mày đọc say sưa từng dòng một.
  Hết ngày thứ tư thì tên phi công phát xít thở hơi cuối cùng. Cái chết của hắn đã cắt nghĩa cho tôi hiểu tại sao hôm nọ lão giáo sư kia lại giơ bốn ngón tay ra. Lão già đã thay mặt thần chết định ngày hóa kiếp cho hắn và hắn không sao cưỡng lại nổi.
  Trong phòng chỉ còn có tôi và Gát-ca. Hằng ngày, ngoài giờ thăm bệnh, thay băng, quét dọn và cơm nước, thỉnh thoảng y tá và hộ lý mới lui tới nên thường rất vắng vẻ. Gát-ca nhiều lần định gợi chuyện với tôi nhưng tôi giả vờ còn yếu không tiếp chuyện được. Thực ra, càng ngày tôi càng khỏe hơn và cảm thấy đã đủ sức để xé xác cái tên ăn ở hai lòng kia ra.
  Ngày nào bọn Giét-ta-pô cũng đến thăm Gát-ca và mỗi bận chúng lại moi thêm được một tin tức mới. Dần dần những điều gã tích trữ được sắp hết. Tên trung úy ghi chép ít hơn. Nhưng hình như giữa bọn này và Gát-ca còn có dự định gì ngấm ngầm với nhau chưa nói toạc ra.
  Một buổi chiều, An-cốp-xcai-a đến, lặng lẽ ngồi xuống cạnh tôi và theo thói quen đăm đăm nhìn vào bức tường trước mặt. Tiếng ồn ào ngoài phố vọng vào phòng. Gát-ca đang nằm thiêm thiếp. Ả ghé sát vào gần tai tôi, hỏi bằng tiếng Anh :
  -- Đã bao giờ anh biết yêu thật sự chưa?
  -- Tất nhiên phải biết chứ. Có lý nào một người đàn ông đã ba mươi tuổi đầu mà...
  Ả vội ngắt lời :
  -- Không, đây tôi không có ý nói đến cái thứ tình yêu thông thường ấy. Tôi muốn biết anh đã yêu người đàn bà nào đến nỗi quên hết trí khôn, danh dự, lương tâm chưa?
  Tôi nghĩ thầm: "có lẽ ả đang bẫy mình đây, nếu không khéo sẽ biến thành con thiêu thân dại dột ". Tuy vậy, tôi cũng muốn lợi dụng ả để trốn khỏi nơi này nên vờ ngập ngừng đáp:
  -- Chẳng biết nữa, nhưng tôi chưa hề có diễm phúc được gặp một người đàn bà nào như thế cả.
  An-cốp-xcai-a liền ghé tận tai tôi thỏ thẻ :
  -- Anh có thể yêu em chăng? Nếu vì em mà anh quên hết tất cả thì em sẽ hiến thân cho anh...
  Tôi quay phắt đầu về phía Gát-ca. Gã vẫn nằm im như chết. An-cốp-xcai-a thản nhiên bảo :
  -- Gã ngủ say rồi. Mà nếu còn thức hắn cũng chả hiểu được gì đâu.
  Tôi xoi mói nhìn ả, lơ lửng đáp lại để tìm kế hoãn binh :
  -- Ai biết đâu đấy... Chúng ta sẽ nói chuyện ấy sau.
  Ả làm bộ vùng vằng giận dỗi :
  -- Là đàn ông thì chớ nên đắn đo trước những câu hỏi ấy của đàn bà.
  Ả đứng lên đi lại gần cửa bật đèn rồi quay lại hỏi Gát-ca bằng tiếng Đức :
 -- Anh ngủ hay sao đấy?
  -- Không, chúng tôi đã ăn chiều đâu.
  An-cốp-xcai-a mỉm cười thò tay vào túi móc ra một thỏi sô-cô-la bẻ làm đôi chia cho chúng tôi mỗi người một nửa. Gát-ca cầm lấy ngay:
  -- Xin cảm ơn bà.
  Ả hỏi tôi :
  -- Còn anh?
  -- Tôi không thích của ngọt.
  An-cốp-xcai-a nhìn sâu vào đáy mắt tôi :
  -- Hừ, rồi anh còn phải thích những thứ ngọt hơn thế nữa.
  Ả cúi đầu chào từ biệt rồi quay gót đi ra. Gát-ca nhìn theo bóng ả gật gù :
  -- Những người đàn bà như thế còn ngọt hơn sô-cô-la nhiều.
  Sáng hôm sau tên thiếu tá lại đến thăm Gát-ca. Lần này không có tên trung úy đi theo vì chả còn gì nữa mà ghi chép. Hắn ngồi xuống ghế trước mặt Gát-ca, thong thả hỏi :
  -- Anh thấy trong người thế nào?
  -- Thưa khỏe hẳn rồi ạ.
  -- Anh tốt số lắm.
  -- Lạy chúa, đó là nhờ hồng phúc của Chúa và đức quốc trưởng phù hộ cho tôi đấy thôi.
  -- Thế bây giờ anh định làm gì?
  -- Bẩm quan thiếu tá, tôi xin làm tròn mọi việc mà đức quốc trưởng và ngài giao cho.
  Tên thiếu tá ba hoa vẽ ra trước mắt Gát-ca một tương lai xán lạn. Mặc dù sinh trưởng ở nước Nga nhưng Gát-ca tỏ ra là một người có mang dòng máu Đức, bọn Giét-ta-pô không hề nghi ngờ gã. Gã sẽ được lưu lại làm phiên dịch ở sở mật thám Đức. Bước đầu gã sẽ tạm đeo lon trung sĩ, sau đó sẽ tùy theo công trạng mà cất nhắc. Tôi nghĩ thầm : "Còn để gã làm chó săn cho phát xít thì còn nguy hại nhiều". Tên thiếu tá hỏi :
  -- Anh cho biết ý kiến của mình thế nào. Chúng tôi không thúc anh đâu, cứ thư thả mà suy tính...
  Gát-ca sốt sắng đáp :
  -- Bẩm quan thiếu tá, cũng chả có gì phải suy nghĩ đâu ạ. Tôi xin đội ơn ngài và nguyện hết lòng vì Đại Đức quốc của chúng ta.
  Tên Đức cười híp mắt, vỗ vai Gát-ca:
  --Anh xứng đáng lắm. Bao giờ được ra viện đến chỗ tôi ngay nhé.
  Gát-ca tiễn chân vị thượng cấp tương lai của gã đến cửa, xong quay vào nằm lăn ra ngủ ngay.
  Một, hai rồi ba giờ qua, Gát-ca cứ ngáy như sấm, còn tôi cứ miên man với bao nhiêu ý nghĩ.
  Làm gì bây giờ?
  Trốn về đơn vị. Có lẽ chỉ có chước ấy là hơn hết vì đó là con đường thoát thân duy nhất. Nhưng trước khi đi phải xử tên phản bội này đã, nếu không bọn mật thám còn lợi dụng bàn tay đẫm máu của gã. Tôi đưa mắt tìm khắp phòng không thấy có cái gì có thể làm chết người được cả. Bỗng tôi sực nhớ tới quyển sách kể lại chuyện các phạm nhân trong trại tập trung trừng trị một tên chỉ điểm. Họ dùng bao tải úp vào mặt hắn rồi đè chặt cho đến khi chết ngạt. Tôi thấy mình thừa sức làm việc ấy.
  Lát sau gã tỉnh giấc. Không biết chuyện trò với ai được nữa, gã ư ử hát bài "Ca-chiu-xa". Nghe tên phản bội hát bài ca lành mạnh của Tổ quốc, lòng căm tức tràn lên tận cổ, tôi chỉ muốn xông đến bóp cổ gã ngay lập tức. Nhưng sợ hỏng việc, tôi đành nén lòng đợi trời tối.
  Ánh nắng nhạt dần, bóng đêm trùm xuống. Cơm nước xong, Gát-ca thở dài nói một mình :
  -- Chà, không biết họ làm gì ngoài kia nhỉ?
  Tôi nghĩ bụng : "Ngày mai thì mày chả biết thêm cái gì nữa ".
  Bây giờ trong phòng chỉ có hai người. Gát-ca nằm yên không cựa quậy. Tôi thì nằm quay mặt vào tường giả làm bộ ngủ say. Một lúc lâu, xem chừng đã khuya tôi vờ kêu to:
  -- Khát nước quá!
  Không thấy ai lên tiếng, tôi bèn tung chăn dậy tắt đèn. Sau khi đứng im vài phút cho mắt quen với bóng tối, tôi mới lấy chiếc gối rón rén bước tới giường Gát-ca. Gã đang nằm nghiêng. Tôi cầm gối đứng chờ. Một lát, gã nặng nề lật ngửa người ra. Khuôn mặt của gã như trắng hẳn lên trong bóng tối. Tôi giơ chiếc gối lên toan úp xuống thì... Gát-ca chợt mở to mắt ra -- đôi mắt trừng trừng nhìn tôi. Gã không thèm chồm dậy, cứ nằm nguyên dõng dạc bảo tôi bằng tiếng Nga:
  -- Béc-din, anh chớ giở trò ngốc ra đây. Đừng hấp tấp làm liều. Hãy trở về chỗ và nằm yên.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Chín, 2016, 10:31:38 pm gửi bởi namvinh789 » Logged
namvinh789
Thành viên
*
Bài viết: 159


« Trả lời #4 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2016, 12:31:40 am »


3.DƯỚI BÓNG HỒNG

  Tôi đứng ngây ra như phỗng đá cạnh giường Gát-ca khá lâu, mồm há hốc, mắt giương to, tay ôm chặt chiếc gối. Còn Gát-ca thì điềm nhiên quay mặt vào tường, nhắm nghiền hai mắt, thở đều đều giống như người đã ngủ say.
  Chán nản, tôi lủi thủi lui về gieo mình xuống đệm, nghĩ ngợi lan man. Nào ai ngờ được câu chuyện lại đi đến chỗ như vậy. Giá mà gã rút súng ra bắn vào ngực tôi thì chả có gì đáng ngạc nhiên. Đằng này gã không hô hoán cho bọn Đức tóm cổ tôi, cũng không chống cự. Hay gã không phải là Gát-ca? Thế thì gã là ai? Sao thái độ bên ngoài của gã thật rõ rõ ràng thù địch với ta? Không thể chịu được, tôi lại mon men đến bên giường gã lần nữa, tất nhiên lần này tôi không mang gối theo. Tôi đánh bạo gọi to:
  -- Ông Gát-ca!... Đồng chí Gát-ca!...
  Gã không trả lời. Cụt hứng, tôi đành trở về chỗ nằm trằn trọc suốt đêm định bụng ngày mai phải dò cho ra manh mối. Nhưng sáng hôm sau mọi việc đã biến chuyển chớp nhoáng như trên màn ảnh.
  Chúng tôi vừa mới dậy, chưa kịp rửa mặt và uống cà phê điểm tâm thì đã thấy tên trung úy Giét-ta-pô trước đây thường đi theo tên thiếu tá, dẫn xác đến.
  -- Hai-lơ!
  -- Hai-lơ!
  -- Tôi đến tìm ông đây, ông Gát-ca ạ. Chúng tôi rất cần ông.
  Tôi đăm đăm nhìn Gát-ca cố tìm xem gã đang giấu giếm một điều gì dưới cái lốt bề ngoài kia. Nhưng gã không thèm quay mặt về phía tôi. Bằng giọng rắn rỏi gã đáp lời tên sĩ quan phát xít :
  -- Tôi xin phục tùng mọi mệnh lệnh của ngài, thưa ngài trung úy. Tôi ao ước được trở thành đứa con xứng đáng của nước Đức hùng cường.
  Người hộ lý bước vào dập gót, ưỡn ngực và lớn tiếng báo cáo :
  -- Bẩm trung úy, mọi việc đều xong xuôi cả. Ông bệnh nhân có thể thay quân phục ngay bây giờ.
  Tên này gật đầu :
  -- Đi thôi!
  -- Xin ngài vài phút nữa để tôi nhặt mấy tờ báo.
  Gát-ca moi bằng hết mớ báo chí phát xít ở trong ngăn kéo bàn ra. Gã có vẻ hí hửng lắm. Vừa thu dọn đồ đạc gã vừa nghêu ngao một bài dân ca Đức tình tứ :
                   "Qua sông phải lụy lái đò
               Tối trời nên phải lụy cô bán dầu..."
  Gã lắc lư cái đầu lấy nhịp, chuyển sang điệp khúc :
                    "Nhị đào đừng bẻ cho ai.
                Chữ trinh nhớ giữ cho người tình chung
                     Lời nguyền gửi trọn hay không... "
  Gã liếc nhìn tôi như chế giễu và tiếp tục lải nhải :
               "Là do ở một tấm lòng em thôi...
                       Tình tính tang, tang tính tình...".
  Mấy câu hát ngụ ý khuyên răn những ai muốn sang sông thì phải lấy lòng người chủ thuyền và có sang được bờ bên kia hay không cũng do chính mình mà thôi...
  Khó lòng mà đoán ra thâm ý của gã, nhưng lời ca thì bao hàm một ý nghĩa hết sức bóng bẩy. Sự việc đêm hôm qua, lời ca hôm nay và thái độ của Gát-ca đối với bọn Đức làm cho tôi rất băn khoăn. Họ ra đi được một chốc thì An-cốp-xcai-a vào đưa cho tôi tờ giấy ra viện. Ả nói :
  -- Tôi đã chở đồ đạc đến đây cho anh rồi. Thay ngay quần áo đi, tôi ngồi đợi anh ở dưới kia.
  Người hộ lý mang lên cho tôi một chiếc va li rất đẹp đóng bằng da dầu bóng lộn, nhưng không phải là va li trước kia của tôi. Trong đó có quần áo lót, một bộ cánh, một đôi giày, toàn là đồ mới và thuộc loại đắt tiền cả. Những thứ này tự tay An-cốp-xcai-a mua lấy chứ không phải được may theo kích thước của tôi, do đó cái thì dài, cái thì rộng. Nhưng mặc vào chắc nom cũng "có vẻ" lắm nên thoáng trông thấy tôi chị y tá liền xuýt xoa :
  -- Ồ, ông Béc-din đẹp giai quá!
  Khi chúng tôi ra cổng, tên lính gác vội vàng bồng súng chào. Chiếc xe kiểu chạy đua của Đức dài như điếu xì gà màu hạt dẻ đỗ sẵn trước cửa. An-cốp-xcai-a bảo tôi :
  -- Mời anh lên xe.
  Tuy chưa biết bước đường sắp tới rồi sẽ ra sao nhưng tôi cứ đánh liều ngồi vào xe. An-cốp-xcai-a cầm lấy tay lái. Chúng tôi lướt qua các phố xá. Vẫn những cảnh cũ đường xưa mà không hiểu sao Ri-ga lại có vẻ khác trước đến thế. Từ người qua lại, xe cộ, cây cối cho đến màu trời, cái gì cũng khang khác...
  Tôi tò mò ngắm An-cốp-xcai-a. Ả đội chiếc mũ nhỏ màu xanh lơ. Trước trán phủ một tấm mạng mỏng màu hồng nhạt làm cho bộ mặt thêm phần bí hiểm. Đôi mắt ả long lanh...
  Chiếc xe được mở hết máy lao như tên bay. Tôi hỏi ả:
  -- Chị định mang tôi đi đâu đây?
  -- Về nhà.
  -- Nhà chị à?
  Ả nhếch mép cười nhạo:
  -- Ấy không, về nhà anh chứ!
  Xe chạy vào một đường phố trồng cây thẳng tắp. An-cốp-xcai-a bảo tôi giọng cộc lốc :
  -- Đừng nhìn lên cây.
  Tôi không tuân lời ả. Trước mặt tôi lủng lẳng những xác bị treo cổ. Tôi đặt nhẹ tay mình lên bàn tay An-cốp-xcai-a.
  -- Đi đâu mà vội thế?
  Ả lườm tôi rồi giảm bớt tốc độ. Trên một cành cây có hai thây đàn ông treo kề nhau, mặt xám ngoét, đầu gục xuống. Một người đeo tấm biển trước ngực trên đề chữ "phạm tội gián điệp". An-cốp-xcai-a nhìn tôi dò xét :
  -- Chắc anh thương xót lắm nhỉ?
  Tôi lặng thinh. Ả lại dận hết ga. Xe rẽ ngoặt hai phố nhỏ rồi bon vào một đại lộ yên tĩnh có những biệt thự kiến trúc theo kiểu tối tân nhất. An-cốp-xcai-a đỗ xe trước một tòa nhà bốn tầng nguy nga, tráng lệ :
  -- Đến nơi rồi đấy.
  -- Nơi nào đây?
  -- Hẵng vào nhà đi đã. Nói chuyện ngoài đường không tiện.
  Chúng tôi vừa bước lên bậc thềm, chị gác cửa vội đứng dậy kính cẩn cúi đầu :
  -- Kính chào ông Béc-din ạ!
  Đến tầng gác hai, An-cốp-xcai-a móc trong xắc ra một chiếc chìa khóa nhỏ tra vào ổ khóa có khắc nhãn hiệu Ăng-lê, và dẫn tôi vào buồng treo áo rộng thênh thang. Một người đàn bà có tuổi, tóc vàng nhạt, mặc váy đen, đội mũ viền ren lật đật ra đón chúng tôi. An-cốp-xcai-a đon đả :
  -- Chào chị Mác-ta. Ông Béc-din đã về đây.
  Người đàn bà cười rất gượng gạo :
  -- Kính chào ông... -- chị ta ngập ngừng như bị líu lưỡi và phải cố gắng lắm mới nói tiếp được -- ông... Béc-din.
  An-cốp-xcai-a ôn tồn bảo :
  -- Thôi được, chị xuống bếp làm cơm đi. Bắt đầu từ hôm nay, ông Béc-din lại ăn cơm nhà đấy. Còn anh thì theo tôi.
  Chúng tôi đi qua phòng ăn rồi vào phòng giấy. Phòng nào cũng bày biện rặt những đồ đạc lịch sự, đúng mốt mà ta chỉ thấy ở các nhà giàu có sang trọng. Trong phòng giấy kê một chiếc bàn đánh véc ni bóng nhoáng, một cỗ ghế bành xinh xắn, một tủ sách đầy ăm ắp. Trên tường treo la liệt tranh bột màu vẽ theo kiểu từa tựa giống nhau, nét bút nguệch ngoạc phóng túng.
  Chúng tôi dừng lại giữa phòng. An-cốp-xcai-a đứng lặng thinh. Tôi sốt ruột nên phải lên tiếng trước :
  -- Mong chị nói rõ cho tôi...
  Chẳng đợi dứt câu, ả lườm tôi một cái sắc như dao cạo:
  -- Anh nên tỏ ra là một ông chủ lịch thiệp hơn. Trước khi hỏi gì hãy mời tôi ngồi đã chứ.
  -- Ông chủ à? Tôi chỉ muốn biết hiện nay mình đang ở đâu thôi.
  -- Thì anh đang ở trong nhà mình mà lại. Đây là biệt thự của ông Béc-din hay của anh cũng thế mà thôi.
  Tôi bực mình quát to:
  -- Xin đủ! Có phải chị định đùa dai với tôi không thì bảo? Một là trả lời ngay, hai là để tôi đi khỏi nơi này tức khắc.
  Ả mỉm cười mai mỉa :
  -- Và ngay lập tức anh sẽ sa vào lưới Giét-ta-pô. Nên nhớ ở đất Ri-ga ngày nay không phải dễ lần đâu nhé -- Ả ngồi vắt vẻo trên ghế bành hất hàm chỉ cho tôi chiếc ghế đối diện -- Ngồi xuống đây ta sẽ nói chuyện ôn hòa hơn. À mà anh biết vẽ không nhỉ?
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Chín, 2016, 03:53:36 pm gửi bởi namvinh789 » Logged
namvinh789
Thành viên
*
Bài viết: 159


« Trả lời #5 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2016, 10:10:59 pm »

  Những lời quát tháo vừa rồi không đem lại kết quả gì cả. Ả không phải là hạng người biết run sợ trước uy vũ mà trái lại đối với ả lời lẽ ôn hòa có lẽ được việc hơn. Nghĩ thế, tôi cau mày đáp:
  -- Biết. Tuy tranh của tôi không làm vừa ý những cặp mắt sành sỏi, nhưng trong khi lập bản đồ tôi cũng thường vui tay vẽ quấy quá vài bức phong cảnh.
  An-cốp-xcai-a hớn hở ra mặt:
  -- Ồ, thế thì tốt quá. Anh đã vượt quá lòng mong đợi của tôi rồi đấy. Chả là anh đang đóng vai ông Béc-din, một họa sĩ mà lại. Ông Béc-din thích vẽ phong cảnh lắm -- Ả trỏ tay lên tường -- thưa ông Béc-din, tranh của ông vẽ đấy.
  Tôi hằn học ngắm những bức tranh bột màu:
  -- Của ấy làm gì mà chả vẽ được. Cứ chấm, cứ quệt bừa đi là xong cả.
  -- Vậy anh nên luôn luôn nhớ mình là họa sĩ nhé. Trong thành phố Ri-ga nhiều người biết anh và anh cũng có giao thiệp với một số.
  -- Nhưng bà cũng thừa hiểu tôi không phải là Béc-din.
  Ả đến sát bên tôi, ghé ngồi lên tay vịn của ghế bành:
  -- Anh đẹp giai mà ngốc nghếch quá. Anh vẫn loay hoay với những ý nghĩ mà trước đây một tháng vẫn quay cuồng trong đầu óc anh -- giọng ả đượm một vẻ buồn rất "kịch" -- Khi thời gian cuồn cuộn trôi đi thì một trăm năm chỉ tưởng chừng như một nháy mắt mà trong vòng một tháng nay nhân loại đã trải qua một quãng đường rất dài, dài bằng cả một thế kỷ lúc thường. Tháng trước Ri-ga còn là một nước Cộng hòa của Nga Xô mà bây giờ đã nghiễm nhiên trở thành một tỉnh của nước Đức. Mát-xcơ-va lại sắp thất thủ. Mặt trời đang mọc từ phương Tây chứ không phải từ phương Đông nữa. Còn thiếu tá Ma-ca-rốp đã bị đào sâu chôn chặt và không bao giờ có thể sống lại được, và nếu anh định phục sinh cho hắn thì người ta bắt buộc phải mai táng cho hắn lần thứ hai. Hiểu chưa? -- Ả đứng dậy chắp tay sau lưng, đi đi lại lại trong phòng -- Không nên tự đào hố chôn mình lần nữa. Ở đời có nhiều khi người ta đành phải nhắm mắt đưa chân theo những bước xoay vần huyền bí của tạo hóa, những lúc đó chỉ có kẻ mất trí khôn mới dại dột cưỡng lại định mệnh -- Ả dừng lại trước mặt tôi như cô giáo đứng trước cậu học sinh, dõng dạc truyền -- Hãy nhớ lấy anh là họa sĩ Béc-din. Bố mẹ anh đã chết cách đây dăm bảy năm. Anh đã từng du học tại Pa-ri, chưa vợ, sống một cuộc đời vô tư phóng đãng. Mụ ban nãy vừa là đứa ở vừa là quản gia của anh. Mụ tên là Mác-ta và đã hầu hạ anh được ba năm -- Ả suy nghĩ -- Có lẽ thế là hết đấy -- và chợt nhớ ra -- À, anh tuy không phải là kẻ tôn thờ Hít-le nhưng vẫn có cảm tình với Đức hơn bọn đỏ. Rõ chưa?
  Ả nhìn ra cửa sổ và hình như khẽ gật đầu với một người nào đó rồi quay lại:
  -- Tôi về đây. Còn anh thì nên đi xem qua nhà cửa của mình một tí. Nếu có khách đến thăm nhớ đừng có lẩn tránh đấy. Chiều tối tôi lại đến.
  Ả bước thoăn thoắt ra cửa. Trong phòng còn lại mùi dư hương choáng váng. Nghĩ đến đơn vị tôi càng sốt ruột, nhưng phải thận trọng và khôn ngoan mới mong thoát khỏi chốn này.
  Nghe lời An-cốp-xcai-a, tôi đi xem qua nơi ăn chốn ở của mình. Nào phòng giấy, nào phòng ăn, phòng khách, phòng ngủ, buồng tắm... thật thừa thãi rộng rãi đối với một người chưa vợ con. Tất cả các phòng đều được trang hoàng rất đúng "gu" của chủ nhân.
  Khi qua buồng tắm tôi nhìn vào gương và lạ quá! Không nhận được ra mình nữa. Tôi còn nhớ rõ rằng trước kia tóc tôi màu hạt dẻ, thế mà bây giờ lại hóa ra vàng hoe. Tôi đi thẳng xuống bếp. Mác-ta đang lúi húi bên lò lửa. Tôi đăm đăm nhìn chị và chị cũng tò mò ngắm nghía tôi. Bỗng chị thốt lên:
  -- Thưa ông Béc-din, xin lỗi ông cho phép cháu hỏi. Hình như ông không phải là Béc-din?
  Biết ăn nói làm sao bây giờ. Tôi lúng túng:
  -- Sao lại không phải? Béc-din là một họ rất phổ biến...
  Tôi quay lại phòng giấy và bắt đầu tìm hiểu người chủ cũ của căn nhà này. Tủ sách của Béc-din được chọn lọc khá cẩn thận. Hắn có vẻ ham mê nền nghệ thuật cổ của La Mã, lịch sử chính trị của vùng Ban-tích, đặc biệt là lịch sự cận đại và văn học Pháp hiện đại. Có thể nói hắn là một tâm hồn khá phù phiếm. Trong tủ có đủ các tác phẩm của Pôn-va-lê-ri, Hăng-ri Đrê-nhe, Đuyn-lơ Rô-manh, Mác-xen Prút, Bô-đơ-le, Rem-bo...Trên bàn có tập "Nấp dưới bóng hồng" trong thiên trường ca "Tìm lại thời gian đã mất" của Mác-xen Prút.
  Lúc ấy quả thật là tôi chưa hiểu rõ được ngụ ý kín đáo trong cái tên sách đó đối với cuộc đời bí hiểm của ông Béc-din trước kia và của tôi về sau. Đời hắn cũng như đời tôi trong ngôi nhà này đều ẩn nấp quanh "váy" của một bọn thiếu nữ kiều diễm.
  Y hẹn, buổi chiều An-cốp-xcai-a lại đến. Tôi đang ngồi trước bàn giấy giở từng trang sách của Prút mà óc mải nghĩ kế để trốn khỏi Ri-ga. An-cốp-xcai-a từ đâu xồng xộc bước vào, (ả có chìa khóa riêng để mở các cửa nhà này) và hỏi ngay một cách hách dịch:
  -- Đang tìm cách chuồn đấy phải không?
  -- Cô tinh ý lắm.
  -- Chỉ khổ cho bộ óc anh thôi. Những cái đã đi qua không bao giờ trở lại nữa đâu -- Ả dịu dàng nói tiếp -- Anh chớ lo, rồi đâu sẽ vào đấy tất -- Ả lấy quyển sách trong tay tôi cất vào tủ -- Tôi thèm cà phê lắm. Anh bảo Mác-ta pha cho tôi một cốc.
  Nói thế, nhưng ả lại tự tay ấn lấy nút điện giấu kín trong pho tượng đồng đen đặt trên bàn...
  Chúng tôi sang phòng ăn. Mùi cà phê thơm phức. An-cốp-xcai-a hỏi tôi:
  -- Anh không uống cà phê với rượu vốt-ca à? -- Rồi ả đến tủ lấy ra một chai rượu rót vào cốc.
  Tôi chả thiết uống tí nào và cảm thấy ngường ngượng cho lối sống nhàn hạ này giữa những ngày giông tố của Tổ quốc. Mặt tôi lạnh như tiền:
  -- Tôi cần hỏi cô rất nhiều điều. Đã đến lúc cô nên nói cho tôi rõ sự thật.
  Ả ranh mãnh nhìn tôi:
  -- Nào, để tôi kể ra xem có đúng không nhé. Trước tiên anh muốn biết những sự việc xảy ra vào buổi tối mà chúng ta quen biết nhau chứ gì, thứ nữa là anh muốn biết tại sao tôi đã bắn anh mà lại còn cứu sống, và săn sóc anh trong bệnh viện, cuối cùng là nhờ pháp thuật gì mà anh lại biến thành Béc-din...
  Ả mỉm cười khiến tôi vô tình cũng cười theo:
  -- Đúng lắm. Và tôi mong rằng...
  -- Dần dần anh sẽ biết hết. Tối hôm đó nhờ có mặt anh mà tôi thoát khỏi tai biến, rồi hoàn cảnh buộc tôi phải bắn anh, còn cứu sống anh là do sự tháo vát của tôi và việc đó có lợi cho cả hai ta...
  Tôi vẫn chưa hiểu:
  -- Nhưng làm thế nào mà tôi lại hóa thành Béc-din?
  -- Giản đơn thôi. Chỉ cần nước hàm dương khí, một loại hóa chất đã được kiểm nghiệm. Các bà, các cô muốn nhuộm tóc hoe vẫn thường dùng nó. Việc này có thể làm phật lòng anh, nhưng mong anh thứ lỗi. Anh rất giống Béc-din, chỉ khác nhau có màu tóc. Phải mạnh dạn hóa trang như các diễn viên để không cho ai mảy may nghi ngờ rằng anh không phải là người mà anh đang đội lốt.
  Tôi cười chua chát:
  -- Cô nói thì nghe ngon như ăn kẹo ấy. Cô có biết đâu người đầu tiên không tin tôi là Béc-din lại chính là Mác-ta.
  Tôi liền thuật lại những lời Mác-ta nói với tôi ban sáng dưới bếp. An-cốp-xcai-a sầm ngay mặt lại, the thé rít lên:
  -- Mác-ta!
  Vì quá giận dữ nên An-cốp-xcai-a quên bẵng nút điện ở dưới đuôi con khỉ bằng thủy tinh treo lơ lửng dưới ngọn đèn trên bàn ăn.
Logged
namvinh789
Thành viên
*
Bài viết: 159


« Trả lời #6 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2016, 12:54:26 am »

  Mác-ta thong thả bước vào. An-cốp-xcai-a nghiến răng mát mẻ:
  -- Mời bà ngồi xuống đây tôi thưa chuyện.
  Mác-ta điềm nhiên ngồi xuống với vẻ điềm tĩnh lạ lùng của một người lao động bình thường. An-cốp-xcai-a hất hàm về phía tôi:
  -- Hình như mụ không nhận ra ông Béc-din?
  Mác-ta hơi bối rối, ngập ngừng:
  -- Lạy chúa! Con là người theo đạo, nhưng con không thể tin rằng người chết còn có thể tái sinh, bẩm bà...
  An-cốp-xcai-a cười nhạt:
  -- Mụ phải tin, vì nếu vô phúc mụ phải chết dưới viên đạn của ta thì đừng hòng sống lại nữa -- Ả nghiêng đầu về phía tôi và hỏi Mác-ta -- Thế mụ bảo ai đây?
  -- Thưa...thưa...đây là ông Béc-din ạ.
  -- Ai? Ai? Nhắc lại xem!
  Mác-ta nhắc lại rành rọt hơn:
  -- Thưa đây là ông Béc-din.
  An-cốp-xcai-a oai nghiêm nhìn Mác-ta:
  -- Phải. Cấm mụ không được phép tỏ ý nghi ngờ gì trong khi nói chuyện với ông Béc-din cũng như khi cầu nguyện trước thánh giá, hiểu không?
  Mác-ta yên lặng.
  -- Sao mụ lại câm như hến thế kia?
  Mác-ta lí nhí đáp:
  -- Thưa con hiểu rồi ạ.
  -- Có cần hỏi thêm gì nữa không?
  -- Thưa không.
  -- Thế thì dỏng tai lên mà nghe nốt điều cuối cùng này. Em và con trai mụ ở trại tập trung bên Đức sẽ không bao giờ trở về quê hương nữa nếu trong khi mê ngủ mụ lại hở ra điều bí mật vừa rồi. Rõ chưa?
  -- Thưa đã.
  Tách cà phê đang uống dở của An-cốp-xcai-a đã biến đi đằng nào không biết mà khẩu súng lục kiểu trinh thám đã nằm gọn lỏn trong bàn tay trắng muốt của ả y như một màn ảo thuật. Ả rít chặt hai hàm răng lại:
  -- Mụ có tin rằng ta giết được mụ không?
  -- Thưa có.
  -- Tốt lắm. Nếu mụ còn làm phật ý ta hay để cho ông Béc-din kêu ca về sự hầu hạ của mụ thì ta sẽ không tha chết đâu. Thôi, cút xuống nhà mà ngủ.
  Mác-ta lủi thủi đi ra. An-cốp-xcai-a cũng đứng dậy ngay:
  -- Tôi mệt lắm, phải về bây giờ. Tôi báo trước cho anh biết là sẽ có rất nhiều thiếu nữ đến thăm anh. Cần phải tiếp đón họ thật khéo.
  Quả thực là về sau, hầu như ngày nào các cô gái cũng đến nhà tôi. Lúc đầu tôi chẳng hiểu họ lui tới chốn này với mục đích sâu xa gì...
  Buổi trưa hôm sau, Mác-ta lên báo cho tôi:
  -- Thưa ông Béc-din, có một cô đến chơi.
  Một thiếu nữ rất xinh đẹp, gót sen uyển chuyển bước vào phòng khách. Cô ta vận quần áo xanh lam, đội mũ, xách ví... Vừa trông thấy tôi, cô ta reo lên và lẳng lơ tát yêu vào má.
  -- À, anh Béc-din. Lâu lắm em mới gặp anh.
  Nhưng khi Mác-ta đi khỏi rồi, cô ta liền nghiêm nét mặt lại, hỏi tôi:
  -- Vào phòng giấy chứ anh?
  Chúng tôi ngồi xuống cạnh bàn. Người thiếu nữ móc trong ví ra một mảnh giấy nhàu nát:
  -- Bọn Giét-ta-pô dạo này ít đến "Ét-xpla-nát" và mấy tên du kích đỏ đã đặt một trạm liên lạc ở đây. Mảnh giấy này ghi tên các sĩ quan Đức thường lui tới chỗ chúng tôi. Ngoài ra còn có hai địa chỉ, một của tên chỉ huy hiến binh, một của tên chỉ huy không quân ở Ri-ga.
  Qua câu chuyện, tôi được biết cô này là hầu bàn ở tiệm ăn Ét-xpla-nát và đồng thời cũng là một nữ thủ hạ của ông Béc-din. Điều đó thì dễ đoán rồi, nhưng Béc-din làm việc cho ai thì tôi chưa biết. Các cô gái cứ lần lượt đến thăm tôi. Có khi một ngày cả hai cô. Nghề công khai của họ là hầu bàn, nhân viên mỹ viện, thợ chuốt móng tay... Phần lớn đều rất xinh đẹp. Lúc mới bước vào nhà thì cô nào cũng đùa cợt với tôi một vài câu lả lơi, âu yếm nhưng khi đã vào đến phòng giấy thì họ liền đổi ngay nét mặt và trao cho tôi những mảnh giấy ghi chi chít nào địa chỉ, nào tên họ và thì thầm kể cho tôi nghe những tin tức mà họ lượm lặt được.
  Đây đúng là bọn tai mắt của Béc-din rồi. Lưới gián điệp này chẳng những không làm nên trò trống gì mà sớm muộn rồi cả thầy lẫn trò đều bị sa vào cạm bẫy của bất cứ một cơ quan phản gián nào một cách dễ dàng. Tuy tôi không chuyên về công tác tình báo nhưng không bao giờ lại tổ chức lưới tay sai cẩu thả như thế.
  Những tin tức mà bọn này mang đến thực ra chả có ý nghĩa gì quan trọng, nhưng một gián điệp già đời tất nhiên không thể khinh thường một việc nhỏ nhặt nào cả, vì một lưới điệp viên dù đơn sơ đến đâu cũng vẫn có giá trị nhất định của nó.
  Nói chung cũng nhờ các cô gái xinh tươi đó mà tôi biết được nhiều việc làm của bọn sĩ quan cùng bọn cầm quyền Đức ở Ri-ga. Bọn này cố nhiên không phải là gián điệp nhà nghề. Chúng làm tay sai cho Béc-din chẳng qua là cốt kiếm thêm tiền để được phè phỡn tấm thân mà thôi. Nhưng tục ngữ có câu: "Kiến tha lâu đầy tổ". Những việc vụn vặt lâu ngày góp lại cũng giúp cho Béc-din biết khá rõmọi tầng lớp trong cái xã hội xung quanh mình mà hắn cần biết.
  Thoạt tiên thú thực rằng tôi cũng hết sức ngạc nhiên không hiểu vì sao bọn do thám của Béc-din lại gồm toàn con gái, mà hình như hắn còn cố ý chọn cho được những thiếu nữ đang độ đào tơ mơn mởn. Sau này tôi mới vỡ lẽ, té ra đó chỉ là tấm lưới ngụy trang rất khéo để che đậy đám điệp viên thật của Béc-din mà thôi.
  Ngày thứ ba kể từ hôm tôi đến ở nhà Béc-din. An-cốp-xcai-a hỏi tôi:
  -- Các vị nữ khách vẫn đến thăm anh đấy chứ?
  -- Ừ, họ vẫn đến. Nhưng không hiểu sao...
  -- Không hề gì. Không hề gì... Rồi sẽ ổn cả. Những tin tức của họ tuy chẳng đáng kể, nhưng nếu họ không lui tới nơi này thì sẽ rầy rà cho chúng ta đấy. Nên chiều chuộng họ hơn nữa. Anh chỉ trả công cho họ bằng tiền thì chưa đủ đâu... Phải giống như ông Béc-din trước kia thì họ mới thỏa mãn, nghe nói có vài cô bất bình về thái độ của anh rồi đấy, cố mà khuyến khích họ.
  Ả lấy trong ngăn bàn ra một chùm chìa khóa và mở cánh cửa tủ bí mật trên tường giấu sau một bức tranh bột màu. Két bạc này không lấy gì làm to lắm nhưng trong đó có nhiều thứ tiền: đô-la, mác, stéc-linh, và lấp lánh các loại hoa tai, vòng, nhẫn, chuỗi hạt, dây chuyền... nom y như một cửa hàng mỹ nghệ. Trong góc tủ có một chiếc phong bì lớn màu xanh lơ. Tôi dốc phong bì xuống. Những tấm ảnh khỏa thân "mốt Pa-ri" lố bịch rơi ngổn ngang làm tôi ngượng đến chín mặt, thế mà An-cốp-xcai-a vẫn điềm nhiên như không. Tôi nhét vội tất cả vào phong bì bước ra cửa. Ả gọi giật lại:
  -- Anh mang đi đâu đấy?
  -- Vứt vào sọt rác!
  -- Ấy, đừng dại. Ông Béc-din giữ nó cốt mua vui cho bọn đào đấy.
  Tôi nhún vai.
  -- Cô biết đâu...
  Ả mím chặt môi son lại:
  -- Tôi biết rằng anh không giống Béc-din trước kia. Nhưng tôi khuyên anh đừng quẳng những thứ ấy đi. Trong nghề của chúng ta không thể lường trước được mọi tai biến sẽ xảy ra. Vì vậy có khi những vật rất tầm thường không ngờ lại giúp chúng ta được việc to. Trả nó về chỗ cũ đi -- Ả lấy chiếc phong bì trên tay tôi ném vào góc tủ rồi chậm rãi ra lệnh -- Anh hãy đếm kỹ số tiền này và giữ gìn cho cẩn thận. Còn đồ nữ trang thì để thỉnh thoảng làm quà cho bọn con gái. Nhớ đấy!
  Từ đó về sau theo lời An-cốp-xcai-a khi thì tôi biếu cô này một chiếc nhẫn, khi thì tặng cô kia một dây chuyền. Họ nhận quà một cách vui vẻ nhưng hình như họ còn đòi hỏi một sự chăm sóc dịu dàng hơn...
  Một bận An-cốp-xcai-a hỏi tôi:
  -- Béc-din, anh cho tôi biết thế nghĩa là nhút nhát hay là nguyên tắc cứng nhắc?
  Tôi ngơ ngác:
  -- Cô định nói gì?
  -- So với Béc-din trước thì anh quá thật thà. Các cô ấy vẫn giận anh đấy.
  Tôi chăm chú nghe ả nói nhưng lại quan tâm đến một khía cạnh khác với ả.
  -- Thế cô vẫn gặp họ à?
  Ả nói lảng:
  -- Chỉ một vài người thôi. Béc-din trước cũng chả cho tôi biết tất cả mọi việc bí mật của hắn đâu.
  -- Nhưng tại sao bọn Đức lại có vẻ nể nang ông Béc-din bí mật này thế?  Cơ quan phản gián của chúng không phải là thường, tại sao chúng không hề nghi ngờ sự giao thiệp thường xuyên giữa bọn thiếu nữ với chủ nhân ngôi nhà này?  Sao chúng không để ý đến cử chỉ lạ lùng của Béc-din và vẫn để hắn yên thân?  Sao đối với tôi bây giờ chúng cũng tỏ ra mặc kệ?
  -- Vì đâu anh dám chắc rằng chúng mặc kệ anh? -- Ả vặn lại tôi bằng một giọng giễu cợt rồi giải thích -- Ấy là lẽ rất giản đơn. Vì chúng thừa biết rằng anh không phải là Béc-din mà là Blây.
Logged
namvinh789
Thành viên
*
Bài viết: 159


« Trả lời #7 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2016, 05:52:08 pm »

  
4. MỜI NHẢY

  Càng ngày tôi càng tụt sâu vào vòng luẩn quẩn. Từ Ma-ca-rốp tôi bỗng hóa thành Béc-din. Chưa kịp dò ra manh mối thì đã biến thành Blây rồi. Thế này có lẽ đến điên mất...
  Tôi có cảm tưởng như mình là một con rối trên sân khấu mà người điều khiển là An-cốp-xcai-a. Lòng ham muốn chiến đấu bên cạnh đồng đội cứ day dứt mãi tâm trí tôi, tuy tôi vẫn biết đường về đơn vị phải lên thác xuống ghềnh... Cuộc sống bao giờ cũng vẫn phức tạp và khó hiểu hơn bất cứ một cuốn tiểu thuyết nào... Hôm qua An-cốp-xcai-a bảo tôi là Béc-din, hôm nay là Blây, ngày mai biết đâu tôi lại chả mang thêm tên Ta-go nữa. Nhìn nét mặt thản nhiên của ả, tôi nóng bừng hai tai:
  -- Cô không cắt nghĩa cho tôi cái tên Blây này nốt hả?
  -- Rồi sẽ biết sau. Bây giờ anh nên nghe tôi thì hơn.
  Tôi vờ nghe ả và để mặc cho ả lái câu chuyện sang hướng khác. Thừa lúc vô ý, thình lình tôi tóm lấy hai tay ả bẻ quặt ra sau lưng.
  Ả kinh ngạc kêu lên:
  -- Anh điên rồi sao?
  Kể ra hành động như thế thật quá bất nhã đối với phụ nữ, nhưng tôi không còn cách nào khác.
  Ả gào to:
  -- Mác-ta!
  Tôi nhanh nhẹn lấy tay bịt ngay miệng lại và rút dải lụa trên cửa trói gô hai tay vào người, đoạn ấn ả ngồi xuống ghế bành. Tưởng tôi say rượu ả ngồi im, mồm ú ớ:
  -- Không cần phải...
  Ả định dỗ dành tôi, nhưng tôi đã thừa hiểu đối thủ của mình là một tay như thế nào rồi. Tôi trừng trừng nhìn ả. Thường ả vẫn để khẩu súng lục trong xắc hoặc trong túi áo choàng. Nhớ câu "cẩn tắc vô áy náy", tôi bèn giật chiếc khăn bàn buộc nốt hai chân ả lại rồi oai vệ ngồi xuống ghế đối diện.
  -- An-cốp-xcai-a mong cô hiểu cho. Lần này thì cô ở trong tay tôi, vậy liệu mà trả lời dứt khoát những câu tôi hỏi. Bao giờ hỏi xong tôi sẽ cởi trói cho. Nếu không chịu nói thực thì tôi sẽ bắn chết tươi và lập tức trốn khỏi nơi này dù có bị sa vào tay Giét-ta-pô cũng cam lòng.
  Mới một phút trước đây An-cốp-xcai-a đang bối rối, mặt ỉu xìu. Sau khi nghe ý kiến tôi, ả ngẩng đầu lên vui tươi, đôi mắt xanh mừng rỡ nhìn tôi. Nụ cười ngạo mạn thường ngày trở lại trên môi ả.
  -- Té ra anh muốn nói chuyện với tôi? Nào bắt đầu thôi.
  -- Trước hết cô là ai?
  -- Anh xoàng lắm. Lại vào đề bằng cái công thức cũ rích ấy của những tên thẩm phán già. Tôi là Xô-phi-a An-cốp-xcai-a. Anh cũng thừa biết rồi đấy.
  -- Đừng vờ nữa. Hãy trả lời đúng ý tôi. Cô là ai và hiện làm việc gì?
  -- Thế nếu tôi trả lời rằng tôi là một đội viên du kích đỏ, rằng tôi được lệnh cứu sống anh?
  -- Hừ, lúc đầu bắn chết và sau đó cứu sống phải không?
  Ả gật đầu:
  -- Thôi được rồi, xin quẳng câu nói đùa ấy đi. Tôi không phải cộng sản mà cũng chẳng phải du kích -- Ả cựa tay -- Mỏi quá! Anh có thể cởi trói cho tôi được không?
  Tôi lắc đầu cương quyết:
  -- Không. Đợi tôi hỏi xong mọi điều bí mật rồi mới tha cô được.
  -- Tùy anh đấy. Nếu anh tha thiết muốn biết đến thế thì tôi sẽ trả lời thôi.
  -- Thế cô là ai?
  -- Tôi ấy à? Nữ gián điệp.
  -- Cô làm cho cơ quan nào?
  Ả nhún vai:
  -- Chúng ta cứ coi là làm cho Itelligence service (cơ quan gián điệp Anh).
  -- Không phải cô làm cho bọn Đức à?
  -- Nếu tôi làm cho Đức thì anh không được ngồi chễm chệ thế này đâu mà mọt xác ở trong nhà tù dành riêng cho bọn Do Thái và cộng sản cơ.
  -- Hẵng tạm tin như vậy. Còn chỉ huy của cô là ai? Hắn có ở đây không?
  -- Có, hắn ở đây.
  -- Ai?
  -- Chính anh.
  -- Trả lời cho nghiêm túc chứ!
  -- Ừ, thì tôi có đùa đâu. Cấp trên trực tiếp của tôi là anh, ngoài ra không còn ai khác.
  -- Tôi chả hiểu thế là sao cả.
  -- Có gì là khó. Nếu anh có một ít kinh nghiệm tất đoán ra ngay.
  Ả chòng chọc nhìn tôi. Trong đáy mắt xanh thẳm của ả vụt lóe lên một tia sáng nửa như chế nhạo, nửa như hằn học nhưng ả liền dập tắt ngay ngọn lửa tự ái đó, nét mặt ả lại lộ vẻ mệt mỏi và thản nhiên:
  -- Tôi chỉ muốn dần dần tập cho anh quen với vai kịch của mình, nhưng anh đã nóng nảy muốn biết thì nghe đây...
  Ả bắt đầu kể với một giọng miễn cưỡng và rất cương quyết khiến cho người ngoài cuộc có thể tưởng nhầm rằng ả thành thật lắm:
  -- Muốn đi sâu vào sự thực của câu chuyện trước hết anh cần phải hiểu tôi, nhưng tiếc rằng anh không muốn và không thể hiểu tôi được cho nên tôi sẽ tránh đả động nhiều đến đời tư của tôi...
  Blây xuất hiện ở Ri-ga khoảng năm, sáu năm về trước, còn tôi thì mãi về sau mới đến đây. Hắn đội tên là Béc-din. Tôi cũng không rõ trên đời này có ông Béc-din thực hay không. Họa sĩ Béc-din là con trai một gia đình giàu có. Hắn đã từng du học tại Pa-ri. Không ai nghi ngờ gì việc đó cả. Cũng có thể là trước đây trong thành phố Ri-ga này có một họa sĩ tên là Béc-din đã tốt nghiệp trường mỹ thuật Pa-ri thực. Có thể như thế. Nhưng cái người từ Pa-ri trở về Lét-tô-ni sau thời gian xa gia đình lại là một Béc-din khác. Béc-din thật đi đâu? Có thể là hắn còn ở lại Pa-ri, có thể là hắn đã sang Nam Mỹ, và cũng có thể hắn bị ô tô chẹt chết... Điều đó tôi vẫn chưa biết chắc. Vả lại bố mẹ Béc-din mất trong khi hắn đang du học, cho nên sau đó cũng không còn ai để ý vạch trần mưu gian của Blây nữa. Còn nếu một vài người quen cũ có nhận thấy rằng Béc-din khác trước thì cũng dễ nói dối thôi. Tất nhiên là xa nhà bao nhiêu năm mà lại sống ở một đô thành ăn chơi hoa lệ như Pa-ri nữa!  Chắc anh đã rõ được mục đích bí hiểm của trò chơi hóa trang chứ? Blây là sĩ quan tình báo Anh, đã được cử làm phái viên do thám khu Ban-tích. Hắn đạt trụ sở ở đây vì từ lâu Ri-ga đã trở thành sào huyệt của mọi thứ gián điệp quốc tế. Công việc của hắn ngày một nhiều, địa bàn hoạt động ngày càng mở rộng. Vì vậy tôi được phái sang đây để giúp hắn...
  Tôi xen vào:
  -- Có phải vì ganh tị với thế lực của Blây nên cô đã khử hắn để chiếm lấy địa vị không?
  Ả lườm tôi khó chịu rồi lắc đầu:
  -- Anh nhầm to. Ai lại khờ dại đến nỗi đi giết người cùng đi một đường và chung mục đích với mình -- Mắt ả hơi tươi lên -- Chúng tôi đã sống khá êm đềm. Nhưng tình hình càng rắc rối khiến công việc càng khó khăn hơn. Ba Lan lọt vào tay quân Đức, Pa-ri thất thủ, chính quyền xô-viết thành lập ở các nước cộng hòa quanh vùng Ban-tích... Cuộc đời vụt biến chuyển với một tốc độ rất lạc quan và kẻ gián điệp, vốn là một anh hùng không tên cũng chẳng bao giờ có tiền hô hậu ủng, thì những lúc ấy lại phải răm rắp chấp hành những mệnh lệnh nhằm đẩy bánh xe lịch sử tiến lên, hoặc kéo lùi nó lại...
  -- Cô rõ khéo thi vị hóa nghề gián điệp. Những mớ lý thuyết ấy...
  -- Phải, thực tế còn thô bạo và đáng sợ hơn nhiều -- Ả hơi kéo dài giọng -- Thế rồi đúng vào buổi tối tôi quen anh, Blây đã bị bắn chết...
  -- Ai bắn hắn?
  -- Chưa dám cả quyết... Blây bị bắn và...
  -- Tôi cũng bị bắn?
  -- Đúng!
  -- Cô có thể đoán được tại sao Blây bị giết và tôi vì cớ gì mà suýt chết không?
  -- Tất nhiên là không có hành động nào là vô duyên cớ cả. Anh là kẻ vô phúc đã chứng kiến những sự việc không cần người làm chứng.
  -- Xin đội ơn cô. Tôi không bắt buộc cô phải làm bạn đồng hành với tôi.
  Ả lắc đầu:
  -- Điều đó không can hệ gì... Nhưng anh còn tốt số hơn Blây.
  -- Vì cô dùng súng lục không thạo chứ gì?
  -- Không, tôi bắn rất "xuya". Nhưng ngay lúc chĩa súng vào tim anh tôi chợt nảy ra ý nghĩ giữ anh sống để thế anh vào chỗ Blây...
  -- Đã bị gián điệp Đức giết phải không? Tôi muốn biết kẻ nào đã giết Blây?
  -- Thì tôi đã bảo anh là chưa ai dám đoán chắc về việc này cơ mà. Ngay tình báo Liên Xô cũng có thể giết được Blây chứ sao?
  Tôi không buồn cãi nhau với ả nữa.
  -- Thế tại sao cô lại cần đến tôi?
  -- Việc này rất quan trọng. Vì phải làm cho bọn Anh và Đức tưởng rằng Blây vẫn còn sống. Nếu Intelligence service biết Blây chết rồi, lập tức chúng sẽ phái ngay tên khác đến đây để thay thế, rồi ai biết được tôi sẽ làm ăn ra sao với tên phái viên mới này. Vả lại bọn Đức cũng đã ngầm nuôi dự tính gì đó đối với Blây nên rất chú ý đến hắn, hiện nay chúng đang âm mưu mua chuộc anh, vì vậy anh nên giả vờ làm việc cho Anh và cả cho Đức nữa.
  -- Nhưng nếu tôi không giả vờ làm việc cho ai cả thì sao?
  -- Thì anh sẽ theo gót tên Blây xấu số. Nên nhớ rằng trong ván cờ này không ai nhường bước ai đâu nhé.
  -- Sao cô lại có thể tin tôi và căn cứ vào đâu mà cô dám nhất quyết là tôi không lợi dụng cơ hội tốt để trở về hàng ngũ Hồng quân?
  -- Căn cứ vào lòng ham sống sợ chết của anh. Anh là một con người bình thường và muốn sống. Nếu anh chạy được trở về hàng ngũ Hồng quân đi nữa thì người ta cũng sẽ giết anh tức khắc.
  Tôi ngạc nhiên:
  -- Giết tôi? Vì tội gì?
  -- Gieo nghi ngờ không phải là một việc khó khăn lắm đâu. Có thể dễ dàng làm cho bên Hồng quân tin ngay rằng anh đã bị mua chuộc và được tung trở về hàng ngũ để làm gián điệp. Anh đã bị trói chặt vào với tôi rồi...
Logged
namvinh789
Thành viên
*
Bài viết: 159


« Trả lời #8 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2016, 10:09:32 pm »

  Thực tình tôi tha thiết muốn sống lắm. Nhưng tôi lại coi trọng danh dự lương tâm hơn là tính mạng. Vì vậy, dù cho đã bị ràng buộc, tôi cũng vẫn không từ bỏ ý định trốn về đơn vị. Nhưng muốn cho công việc được trót lọt cần phải khôn ngoan một tí nên tạm thời phải tham gia vào ván cờ của ả yêu tinh này trong một thời gian. Tôi hỏi tiếp:
  -- Bây giờ cô muốn gì tôi nào?
  -- Trước hết mong anh cởi trói cho, chân tay tôi đã tê dại cả rồi đây này. Sau nữa anh phải đóng vai Blây. Mới đầu thế là đủ rồi.
  Tôi cởi trói cho ả. Lúc này ả không dám giết tôi và tôi cũng chưa dại gì giết ả vội, vì không chuẩn bị cẩn thận thì đừng hòng thoát khỏi Ri-ga.
  -- À, mà còn cái hôn đêm hôm ấy và chiếc ô tô trên đường bờ sông cô chưa nói rõ cho tôi biết.
  -- Ồ, đó chỉ là những câu chuyện lặt vặt. Đầu mối không phải là ở đấy.
  -- Vậy thì ở đâu?
  -- Ở ngày mai kia. Cần phải hành động chứ không nên nhìn lại đằng sau.
  -- Hành động những gì nào?
  -- Đóng vai Blây chứ còn gì nữa.
  -- Nhỡ tôi bị lột mặt nạ thì sao?
  -- Không, không thể có điều đó, vì tôi đã làm một con toán kỹ lắm rồi. Anh nhớ rằng trong đám thân thuộc của Blây thì những ai thuộc phái hữu đã cuốn gói từ ngày thành lập chính quyền Xô-viết, còn những kẻ về phái tả thì đã tản cư theo các cơ quan Xô-viết hết rồi, cho nên nếu mụ đầu bếp và cô tình nhân của anh mà giấu kín được điều này thì thử hỏi còn ai dám nghi ngờ anh không phải là Blây nữa?
  -- Chị làm bếp như thế nào tôi đã rõ rồi còn cô tình nhân mặt mũi ra sao thì tôi đã thấy đâu.
  Ả cười ngặt nghẽo, vừa xoa bóp cánh tay bị tê:
  -- Anh không đoán ra ư?
  Ả đứng lên đi lại trong phòng và nghiêm trang bảo tôi:
  -- Thế này anh Béc-din ạ. Bây giờ tôi vào buồng tắm sửa soạn một tí. Anh thì thay quần áo đi, rồi chúng ta thử đi lại đằng này để kiểm tra xem anh có giống Béc-din như lời tôi nói không.
  Tôi nghe ả.
  Chúng tôi xuống đến cửa thì thấy chiếc ô tô quen thuộc đã đỗ sẵn ở đó. Tôi nhìn ả:
  -- Xe ai đây? Của cô hay của tôi?
  -- Của anh. Nhưng hiện giờ tôi chưa muốn giao cho anh toàn quyền sử dụng.
  Tôi thầm hiểu ngay. An-cốp-xcai-a ngồi vào chỗ lái. Tôi hỏi ả:
  -- Đi đâu đây? Có cần giữ bí mật không?
  -- Không. Đến giáo sư Grê-nhe, người đã chạy chữa cho anh.
  -- À, cái lão già mà tôi trông thấy ở bệnh viện chứ gì? Cô sẽ giới thiệu tôi là ai?
  -- Hắn biết anh với cái tên Béc-din, nhưng hắn đang ngờ anh là Blây.
  -- Không phải do cô bảo chứ?
  -- Không. Bọn Đức không cần tôi bảo cũng có thể biết được rằng Blây đội lốt Béc-din.
  -- Nếu vậy sao chúng lại không tóm cổ ngay từ lâu? Anh và Đức đang đánh nhau cơ mà?
  -- Đừng ngây thơ quá. Đối với anh chúng có dự tính sâu sắc hơn thế nhiều. Chả nhẽ chúng lại vừa tốn thuốc vừa mất công chạy chữa cho một tên Lét-tô-ni vớ vẩn hay sao?
  -- À, té ra vì thế mà lão giáo sư đã đọc thơ Sếch-xpia cho tôi nghe.
  -- Tất nhiên tụi Đức tin rằng anh đã bị tình báo Liên Xô giết hụt.
  -- Còn cái lão Grê-nhe của cô là người như thế nào?
  -- Grê-nhe à? Anh cần phải thân với hắn vì không phải hắn chỉ phụ trách riêng công tác y tế mà còn là một nhân vật có thế lực trong giới cầm quyền ở đây. Là một giáo sư lừng lẫy tiếng tăm, hắn đã luồn được vào đảng Quốc xã từ trước khi Hít-le nhảy lên ghế quốc trưởng. Hắn quen biết cả Gơ-ben *, có liên lạc với các chính khách quốc tế và hắn còn đảm nhiệm cả một sứ mạng đặc biệt của bọn Hít-le ở nước ngoài nữa...
  -- Thế thì hắn là một tên lang băm, vì người thầy thuốc tốt không bao giờ làm việc cho bọn người sát nhân ấy...
  -- Anh lại lý luận trẻ con rồi. Anh cho là trong đám thủ hạ của Hít-le không một kẻ nào có lương tâm hay sao? Riêng Grê-nhe thì bọn đồng đảng đã phải trách hắn là đã quá nhân đạo. Những kẻ như hắn chính là rường cột của đảng Quốc xã Hít-le...
  Đến một ngã tư, xe chúng tôi phải dừng lại vì phía trước có nhiều xe cộ bị mắc nghẽn. An-cốp-xcai-a sốt ruột thò đầu ra ngoài nhìn tên cảnh sát không chớp mắt. Tên này vội vàng bắt các xe trước tránh sang một bên rồi cúi đầu nhã nhặn mời An-cốp-xcai-a đi...
  Không ngờ ả còn có phép thuật làm mê hồn ngay cả những tay cảnh sát như thế!
  Xe lướt đi, câu chuyện lại tiếp tục.
  -- Dạo ấy cô làm gì ở bệnh viện mà ra vào đường hoàng như vậy?
  -- Săn sóc anh chứ còn làm gì nữa. Tôi được phép ra vào tự do ở đấy. Sợ rằng trong cơn mê sảng anh buột mồm nói nhảm nên cần thiết phải có một người hiểu biết anh luôn luôn ở cạnh...
  Xe đỗ lại trước nhà giáo sư Grê-nhe. Tụi cầm quyền Đức đã dành cho tên tướng quân y này cả một tầng gác trong tòa nhà ba tầng đồ sộ. Tên lính gác không hỏi han gì hết. Chúng tôi trèo lên thang gác trải thảm. Tôi có cảm tưởng rằng Grê-nhe sống ở đây đã hàng chục năm nay. Trong nhà trang hoàng theo lối Đức. Đồ đạc bày biện rất ngăn nắp, thảm trải sạch bóng, khung ảnh óng ánh vàng.
  Chúng tôi bước vào phòng khách. Hình như ở đây đang chuẩn bị một cuộc họp mặt long trọng. Trông thấy An-cốp-xcai-a, Grê-nhe luống cuống chạy ra săn đón. Súng sính trong bộ quân phục cấp tướng, nom hắn càng gầy gò, lênh khênh hơn. Ngực hắn lấp lánh chiếc huân chương chữ thập. Hắn lắc lư cái cổ ngỗng dập gót giày đánh cộp một cái và nâng bàn tay vị nữ thượng khách đưa lên môi, nói giọng trách móc:
  -- Cô quên tôi rồi. Người già hay hờn dỗi lắm đấy.
  An-cốp-xcai-a giới thiệu tôi:
  -- Đây là ông Béc-din. Ông ấy muốn thân hành đến cám ơn giáo sư.
  -- Ồ, chúng tôi đã quen nhau rồi cơ mà. Tôi mong rằng tình bạn giữa chúng ta sẽ càng ngày càng khăng khít. -- Grê-nhe niềm nở nói và nhìn An-cốp-xcai-a đầy ngụ ý -- Mặc dù...
  Hắn đọc luôn hai câu thơ của Sếch-xpia. An-cốp-xcai-a lạnh lùng nhìn hắn:
  -- Ông định nói gì thế?
  Tôi liền dịch lại:
  -- Tình bạn lúc nào cũng bền vững, trừ trong địa hạt tình yêu...
  An-cốp-xcai-a nhún vai:
  -- Tôi hiểu lắm. Nhưng ông không có lý do gì để ghen tuông cả.
  Grê-nhe cười đùa:
  -- Giá tôi biết trước cô cứ quấn quýt lấy ông Béc-din như vậy thì đừng hòng tôi chạy chữa cho ông ta khỏi vết thương...
  An-cốp-xcai-a đường hoàng như một bà chủ. Ả giới thiệu tôi với đám khách khứa của Grê-nhe. Phần lớn bọn này đều là sĩ quan cao cấp, bọn chức trách quân sự cầm đầu bộ máy cai trị của Hít-le ở Ri-ga, và một số là quan lại hành chính. Có hai tên mang theo vợ. Một số bà chưa chồng. Các bà đều ăn mặc xiêm áo dạ hội thướt tha, đeo các thứ ngọc ngà quý giá.
  Chúng tôi đến lâm cho họ bỏ dở câu chuyện. Tất cả đều chăm chú nhìn tôi, hình như họ đã biết tiếng tăm của tôi rồi thì phải. Nhưng họ còn chú ý đến An-cốp-xcai-a hơn. Các bà càng nhìn ả bằng cặp mắt hằn học, ghen tị bao nhiêu thì các ông lại nhìn ả với lòng khao khát, thèm muốn bấy nhiêu.
  Grê-nhe đưa tôi đến trước một tên nét mặt nghiêm nghị vận quân phục hiến binh, trên mép có một bộ ria mũi đen nhánh kiểu Hít-le nom rất ngộ, tóc hắn hung hung y như đuôi cầy. Hắn ngồi vắt vẻo trên ghế bành lặng lẽ đưa mắt nhìn mọi người. Grê-nhe nói với tôi:
  -- Xin phép giới thiệu, đây là ông Ê-din-ghe và phu nhân, còn đây là ông Béc-din... -- Lão dừng lại mấy giây rồi nhấn mạnh -- Chính ông ta!
  Tôi nghiêng mình thi lễ với vợ tên Ê-din-ghe béo ục ịch nhưng hai bên chưa kịp mở miệng chào nhau thì hắn đã bảo vợ:
  -- Ngồi xuống Lô-ta. Rồi hắn đứng dậy nắm chặt lấy cổ tay tôi -- Ông Béc-din, mời ông sang đây. Chúng ta cần quen biết nhau lắm.
  Hắn dắt tôi sang phòng ăn. Quanh cái bàn con, mấy tên sĩ quan đang đứng tu rượu vang. Hắn ngang nhiên gạt tất cả những chai lọ sang bên cạnh và với lấy một bình rượu trắng.
  -- Chúng ta đang ở đất Nga nên cần uống rượu Nga. -- Hắn rót luôn hai cốc đầy và đưa cho tôi một -- Xin mời ông nâng cốc.
  Chúng tôi uống cạn. Hắn nói như ra lệnh:
  -- Sắp chơi nhạc rồi. Mời ông đến chỗ "bà đầm" của mình...
  Nhìn vào phòng khách tôi thấy một bà rất đẹp thướt tha trong tấm áo hồng đang đứng bên chiếc đàn dương cầm sửa soạn hát. Tôi lại gần, An-cốp-xcai-a đưa mắt về phía ông bạn mới, khẽ hỏi:
  -- Hắn là ai thế?
  -- Chánh mật thám Ê-din-ghe đấy, nên hẩu với hắn.
  Tôi thở dài ngao ngán. Ai ngờ được ngày nay lại sa vào chốn hang hùm nọc rắn này.
  Vừa lúc ấy, ả kỹ nữ cất tiếng hát một bài tình ca của Su-man. Tiếng ca trong vắt, trầm bổng mê ly... Sau đó ả hát tiếp một bài điên cuồng mà bọn lính cảm tử của Hít-le vẫn thường gào thét mỗi khi chúng thắng trận. Bọn sĩ quan Đức đứng dậy nhún nhảy và cất tiếng ri rỉ hát theo... Lời ca vừa dứt thì Grê-nhe hăm hở đến ngồi trước chiếc dương cầm. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến nay chưa bao giờ tôi được nghe những khúc nhạc "điếng người" như thế. Hắn vung tay lên rồi mổ cò xuống phím đàn như người đánh máy chữ. Hắn chơi toàn những bản đã thuộc lòng nên không cần nhìn vào vở nhạc. Trước tiên là dạo khúc của bản "Mê-che-din-ghe", kế đó là hai đoản khúc của Bắc-khơ và cuối cùng là giai khúc "Mời nhảy" của Vê-bê.
  Tôi đang nhức đầu điếc tai với những tiếng đàn "lách cách" của tên trí thức kiêm nghệ sĩ phát xít này, chợt nghe một giọng nói khàn khàn cất lên đằng sau lưng:
  -- Ông Béc-din, tôi cần gặp ông.
  Tôi quay phắt lại. Tên chánh mật thám đứng sát người tôi.
  -- Mời ông đến phòng giấy. Tôi đợi ông vào một ngày gần đây nhất.
  Tôi nghĩ bụng: Âu cũng là khúc nhạc "Mời nhảy" đây nhưng lời mời này thì không thể nào từ chối được.
  Nhạc dứt. Tiệc bày ra. Một bữa ăn nhẹ nhàng, không lấy gì làm phè phỡn lắm nhưng cũng có đủ các món: tôm hùm, cá thu biển, thịt nai, cô nhắc, hoa quả tươi và nhiều thứ mỹ vị khác. Suốt bữa tiệc chỉ một mình Grê-nhe không uống rượu, vì hắn còn bận xun xoe bên váy An-cốp-xcai-a. Khi tiệc tan, ả là vị khách độc nhất hân hạnh được chủ nhân tiễn ra tận cửa.
  Về đến nhà, tôi chếnh choáng, lên gác. Trong người nóng bừng, không muốn ngủ. Tôi bèn đi thẳng vào phòng giấy lấy một quyển tiểu thuyết. Khi trở lại phòng ngủ thì đã thấy An-cốp-xcai-a ngồi chồm chỗm trên giường tôi đầu ủ rũ cúi gằm giống hệt bộ dạng một đứa trẻ sắp bị đòn. Tôi giương mắt nhìn ả có ý hỏi vì sao mà chưa về. Ả nói khẽ:
  -- Anh có muốn em ở lại đây với anh đêm nay không? Anh có thể kế nghiệp Blây về mọi mặt được đấy.
  Tôi yên lặng lắc đầu. Ả ngạc nhiên:
  -- Chả nhẽ anh không thích em hay sao?
  Tôi cố lấy giọng thành thực:
  -- Thích lắm chứ. Nhưng bây giờ chưa phải lúc.
  -- Anh thật là con người gang thép. Em mê anh lắm.
  -- Cô thật hết sức khó hiểu. Tại sao cô lại có thể đem lòng yêu một kẻ mà đồng chí của kẻ đó đã giết hại tình nhân của cô là đại úy Blây.
  -- Chữ đồng chí đây anh có ý nói ai vậy?
  -- Tôi có ý nói tình báo Liên Xô, vì cô chả bảo rằng họ đã giết Blây là gì?
  Ả uể oải đáp:
  -- Hừ, sao lại dính chuyện tình báo Liên Xô vào đây!  Đã vậy thì chính tay tôi bắn chết Blây đấy.
Logged
namvinh789
Thành viên
*
Bài viết: 159


« Trả lời #9 vào lúc: 24 Tháng Chín, 2016, 07:52:11 pm »

5. BÊN NẤM MỘ MÌNH

  Tại sao An-cốp-xcai-a lại giết chết tình nhân của nó? Vì ghen tuông? Vì trừng phạt? Vì tiền tài? Suốt đêm tôi loay hoay đặt ra hết giả thuyết này đến giả thuyết nọ nhưng rốt cuộc vẫn không tìm ra được một lời giải nào.
  Trời đã hửng sáng. Lại một buổi sáng nặng nề, nhàn rỗi, chờ đợi... Thật là tai bay vạ gió bỗng dưng phải đội lốt tên gián điệp Anh theo lệnh của người đàn bà vừa là hung thủ đã giết tôi vừa là ân nhân cứu mạng cho tôi.
  Bây giờ hoàn cảnh tôi có hai mặt. Một mặt bọn Đức không mảy may nghi tôi là sĩ quan Hồng quân. Đó là một thuận lợi lớn. Mặt khác tôi đang bị lẻ loi cô độc. Mà hành động cô độc thì bao giờ cũng nguy hiểm, khó khăn. Vậy nên làm gì để có thể đạt được mong ước của mình? Tốt nhất là liên lạc với tổ chức bí mật của ta ở Ri-ga. Một hôm tôi đã liều mạng mò ra phố tìm đến nhà người chủ cũ trước đây là đồng chí Xe-plít. Sau một lúc đi loanh quanh các ngõ hẻm tôi rẽ vào chỗ ở cũ và hồi hộp gõ cửa. Một người đàn bà ăn vận sạch sẽ hé cửa ló đầu ra.
  -- Xin lỗi bà. Hình như đây là nhà của ông Xe-plít?
  -- Xe-plít à? -- Bà ta nhìn tôi ngờ vực và lắc đầu nguây nguẩy -- Tôi không biết Xe-plít nào cả. Tôi mới dọn đến đây thôi. Tốt hơn hết là ông đến hỏi sở cảnh sát -- Bà ta ngập ngừng nói thêm -- hình như ông ta bị cảnh sát mời đi rồi.
  Xong, người đàn bà lắc đầu một lần chót và vội vàng đóng sầm cửa lại. Mối hi vọng duy nhất ấp ủ lòng tôi bấy lâu nay thế là tan vỡ. Tôi thất thểu bước trở ra đường phố như kẻ mất hồn, trong bụng đinh ninh là Xe-plít đã bị treo cổ rồi. Thế là phải nén lòng chờ đợi một thời gian nữa.
  Lại một ngày đằng đằng bắt đầu. Tôi uể oải vươn vai ngồi dậy cạo râu, rửa mặt, nuốt qua loa mấy miếng quà sáng, rồi sang phòng giấy lấy một quyển truyện lật lật vài trang... Chán ngấy, tôi lại quẳng vào một xó, ngồi đợi bọn bạn gái đến chơi. Nhưng cũng chả thấy mống nào. Mãi tới 11giờ An-cốp-xcai-a mới lò mò đến, mặt mày hớn hở. Ả mặc chiếc áo dài nâu mới nguyên, đội mũ, đi găng ni lông y như đào xi nê.
  -- Ổn cả chứ?
  Tôi nhún vai :
  -- Nếu cô cho sự nhàn hạ của tôi là ổn thì ổn thật...
  -- Thế thì tôi đến phá sự yên ổn của anh đây -- Ả lại gần bàn giấy -- Chúng mình làm việc một chốc anh nhé.
  -- Tôi chả hiểu cô định gọi cái gì là công việc?
  -- Tất cả đều là công việc -- Ả làm lành -- Anh có đợi cô nàng nào không?
  -- Có lẽ có. Tôi chẳng hẹn ngày giờ nào hết. Nếu ai cần thì cứ đến.
  Ả cười nhạo báng :
  -- Anh nhầm rồi. Họ có ngày có giờ nhất định cả đấy. Danh sách các cô ấy đâu?
  Tôi ngơ ngác :
  -- Danh sách gì?
  -- Ồ, thế chả trách: Anh tưởng Blây là một kẻ cẩu thả lắm chắc. Không, ngược lại. Sổ điện thoại của anh đâu nhỉ?
  Rồi ả tự mình lục trong đống báo cũ lôi ra một quyển vở nhỏ. Trong đó ghi rất thứ tự họ tên, địa chỉ và số điện thoại có lẽ là của bạn bè và những người mà Blây giao thiệp. Ả trỏ cho tôi bản danh sách:
  -- Các tiên nữ của anh đây.
  Có thể phân biệt ra họ ngay trong số những địa chỉ khác, bởi vì bên cạnh mỗi họ đều kèm theo một biệt hiệu hay bí danh: Mai, Ly, Hồng, Cúc... Rồi mới đến chỗ ở, nơi làm việc...
  Bất cứ ai khi nhìn vào đây cũng có thể tìm ngay ra được các nữ do thám của đại úy Blây. Nhưng vì hắn chọn toàn là những thiếu nữ kiều diễm nên người khác cũng có thể tưởng lầm rằng đó là danh sách các tình nhân của họa sĩ Béc-din.
  An-cốp-xcai-a hỏi tôi:
  -- Trong đám này cô nào hay đến đây nhất?
  Tôi suy nghĩ một lát:
  -- Có lẽ... là cô tóc vàng hoe... Nếu tôi không nhầm thì cô ta làm nghề uốn tóc.
  -- Anh thử nhớ xem cô ta đến đây vào những lúc nào?
  Tôi nhíu mày:
  -- Hình như là hai lần một tuần thì phải... đúng rồi. Một tuần hai lần vào buổi sáng. Cô ta tên là Éc-na.
  An-cốp-xcai-a dặn tôi:
  -- Anh nên chú ý hơn nữa. Cần phải đếm xem họ đến đây mấy lần và ghi lại những thứ đã tặng họ.
  Tôi cười mỉa:
  -- Vậy tôi phải thuê một nhân viên kế toán nữa sao?
  Ả điềm nhiên lắc đầu:
  -- Không, không cần thế. Nhưng anh nên ghi chép cẩn thận thì tốt hơn là dùng trí nhớ.
  Tôi thở dài. Thực ra thì tôi đã đếm các vị nữ khách của tôi rất chính xác. Trong phòng ngủ tôi có mấy cái hộp đựng khuy áo. Ví dụ, bảy cái khuy xanh có nghĩa là cô Éc-na đã đến bảy lần. Năm chiếc khuy đen là cô In-ga đã đến năm lần. Nhưng tôi không muốn cho An-cốp-xcai-a biết điều đó. Ả nói tiếp:
  -- Ngoài bọn thiếu nữ ra có ai đến đây nữa không?
  -- Có, một lão chủ hiệu bán củi.
  -- Hắn đến làm gì?
  -- Hắn nài tôi mua củi nếu tôi định thôi dùng khí than để đun nấu.
  An-cốp-xcai-a xoi mói nhìn tôi:
  -- Chỉ có thế thôi ư?
  Tôi gật đầu. Mà đúng như vậy, người khách lạ này không nói thêm nữa, tuy nhiên trong suốt buổi nói chuyện hắn cứ mân mê trong tay chiếc bưu ảnh mà trên đó có in một cành hoa. Và tôi còn nhận thấy tên lái buôn này có vẻ kỳ dị khác người, hình như hắn thầm chờ đợi ở tôi điều gì không tiện nói ra. Tôi quả quyết rằng nếu tôi mà biết mật khẩu của Blây thì sẽ nắm được tên này tức khắc và nhờ đó có thể lần ra đầu mối bí mật của tên sĩ quan tình báo Anh. Nhưng tôi cũng giấu kín điều này không cho An-cốp-xcai-a biết. Ả nghiêm nghị bảo tôi:
  -- Dù sao anh cũng phải ghi chép lại cẩn thận những người đến thăm anh. Nếu anh quan tâm đến công việc này anh sẽ thấy cuộc đời đáng sống hơn. -- Ả xoay sang chuyện khác -- Hôm qua Ê-din-ghe bảo gì anh vậy?
  -- Hắn mời tôi đến chơi.
  -- Thật ư?
  -- Thật. Hắn bảo là hai bên cần gặp nhau và mời tôi đến sở mật thám.
  -- Vậy anh định bao giờ đến chơi hắn?
  -- Thong thả đã, chả việc gì mà vội.
  -- Ấy, không nên. Phải đi ngay nội trong ngày hôm nay. Hiện giờ hắn là một trong những tên tai to mặt lớn ở đây. Việc giao hảo với hắn là một đảm bảo an toàn cho anh.
  Cho ả nói có lý nên tôi vội vàng tuân theo.
  Ê-din-ghe chiếm cứ một tòa công thự nguy nga sáu tầng. Trong phòng thường trực lố nhố những hiến binh. Chúng nhìn tôi khinh khỉnh tựa hồ như tôi là kẻ phạm tội bị gọi đến đây. Tôi đến chỗ cấp giấy ra vào trình hộ chiếu:
  -- Tôi cần gặp ông Ê-din-ghe.
  -- Quan chánh không tiếp dân Lét-tô-ni chúng mày. Cút đi! -- Một tên mặt non choẹt vênh váo quát.
  Tôi chắc là bọn này chưa được Ê-din-ghe báo cho biết trước về tôi. Sau khi khẩn khoản mãi chúng mới cho phép tôi gọi dây nói. Tôi xin nói chuyện với Ê-din-ghe. Tên thư ký riêng của hắn vừa nghe tôi xưng tên đã vội vâng dạ rối rít.
  Mấy phút sau chính tên lính hỗn xược ban nãy từ trong phòng hớt hải chạy tọt ra đứng nghiêm giơ tay chào, rồi lễ phép dẫn tôi đến văn phòng Ê-din-ghe. Chúng tôi lên thang máy và đi dọc theo hành lang. Chợt tôi thấy từ đằng kia đi lại hai sĩ quan SS với một tên tùy tùng cũng mặc quân phục hiến binh màu đen nhưng không đeo lon, cánh tay lại mang dấu hiệu "sọ người trên hai xương bắt chéo".
  Tôi ngờ ngợ là đã gặp hắn ở đâu nên cứ nhìn chòng chọc. Cuối cùng sực nhớ ra... đúng là tên Gát-ca trong nhà thương dạo nọ. Hắn lẽo đẽo theo hai tên sĩ quan, nách cắp một gói gì đen đen dáng bộ trịnh trọng, đăm chiêu, không hề lưu ý đến xung quanh, có vẻ một tên tay sai trung thành ra mặt.
  Tôi vẫn tò mò nhìn Gát-ca xem thử có nhận ra mình không, nhưng hắn chỉ thản nhiên đi qua cạnh tôi như hai người trước đây không hề mảy may quen biết.

Logged
Trang: 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM