Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Năm, 2024, 09:40:59 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sợi chỉ mỏng manh  (Đọc 45485 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
namvinh789
Thành viên
*
Bài viết: 159


« vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2016, 09:37:06 am »



CHƯƠNG 1

  Đã một giờ trôi qua và có lẽ là hơn nữa, thiếu tá An-đrây Mi-rô-nốp miệng vẫn không rời điếu thuốc lá - hết điếu này anh lại châm ngay điếu khác. Mi-rô-nốp đi đi, lại lại từ góc này sang góc kia trong căn phòng làm việc. Anh đếm mười bốn bước đi, quay lại mười bốn bước, rồi lại đi mười bốn bước nữa. "Đi bao nhiêu bước rồi: năm trăm, một ngàn, năm ngàn hay mười ngàn?" - ý nghĩ đó thoáng đến rồi vụt biến đi vì nó có nghĩa lý gì đâu.
  Mi-rô-nốp dừng lại bên cửa sổ, anh mở rộng hai cánh cửa. Không khí mát mẻ mùa thu ùa vào căn phòng. Những làn khói thuốc lá đang luẩn quẩn quanh bàn, xao động và tan dần. Tỳ tay vào khung cửa, Mi-rô-nốp nhìn ra đường. Trước mắt anh là những khung cảnh quen thuộc: bên phải là đường phố hẹp mang tên Đgiéc-gin-xki * ngược về phía trước, đường hơi dốc thoai thoải. Về buổi chiều, đường phố náo nhiệt hẳn lên với những ô tô du lịch, tơ-rô-lây-buýt ** và xe khách loại lớn. Bên trái, trông rõ một phần quảng trường Đgiéc-gin-xki với cửa hàng bách hóa "Thế giới thiếu nhi" đang tấp nập người ra vào. Từ trên tầng năm của tòa nhà Ủy ban an ninh nhà nước, có thể trông rõ dòng người vô tận trên các vỉa hè, đường rẽ...
  Mi-rô-nốp trầm ngâm ngắm nhìn cảnh người, xe tấp nập, nhộn nhịp. Nhưng khung cảnh gần gũi và quen thuộc thường ngày ấy hôm nay đối với anh không thể gợi lên được một niềm vui nào như mọi hôm. Anh đang bận tâm suy nghĩ một vấn đề quan trọng.
  Mi-rô-nốp thở dài, đóng cửa sổ lại và quay về bàn làm việc. Ngồi xuống chiếc ghế mềm, Mi-rô-nốp lại kéo cặp tài liệu và dở tập " Hồ sơ số..."
  Bìa tập hồ sơ màu nâu mỏng dính. Trong đó chỉ có mười đến hai mươi trang. Chính những vấn đề trong cặp hồ sơ ít ỏi đó đã làm cho người thiếu tá an ninh mất ăn mất ngủ suốt ba hôm nay. Anh mở cặp giấy và lại một lần nữa, không hiểu là lần thứ mấy rồi, chăm chú đọc hết trang này sang trang khác. Nhưng tất cả đều vô ích, vì không có gì sáng sủa hơn. Càng đọc bao nhiêu anh càng thấy bế tắc bấy nhiêu (và quả là Mi-rô-nốp hầu như đã gần thuộc lòng) anh không làm sao lần ra đầu mối của cuốn chỉ để theo đó có thể tiến hành cuộc điều tra. Còn nhiều điều chưa rõ ràng, chưa được xác minh.
  Phải tập trung chú ý ai trước? Phải nghiên cứu ai trước? Mi-rô-nốp suy nghĩ. Xa-môi-lốp-xcai-a ư? Điều này chẳng cần phải nói vì chính là đã bắt đầu từ mụ ta, tuy nhiên Mi-rô-nốp cũng tin là Xa-môi-lốp-xcai-a chỉ là một con cờ ngẫu nhiên không đáng được các cơ quan an ninh nhà nước chú ý.
  Trê-nhi-a-ép chăng? Rất mơ hồ. Quả thật nếu như tin vào lời khai của Xa-môi-lốp-xcai-a (nhưng có nên tin mụ ta không?) thì trường hợp của Trê-nhi-a-ép quả là lạ lùng thật. Tại sao ông ta, một con người sống phong lưu, dư dật lại phải đi bán những quần áo phụ nữ nhập cảng. Nếu quả như vậy thì dù chỉ là một giả thuyết tồi nhất: điều đó có khác gì một kẻ đầu cơ. Bản thân Trê-nhi-a-ép lại là một đảng viên, từng tham gia cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại, một trung tá kỹ sư, một người đã được thưởng nhiều huân chương, một nhà xây dựng cỡ lớn. Không thể nào ông ta lại giống một kẻ có thể gây nên những tội lỗi chống Tổ quốc, chống Nhà nước xô-viết.
  Vậy thì là ai bây giờ? Tác giả của mẩu thư còn sót lại chăng? Cũng có thể lắm. Nhưng, nên bắt đầu với anh ta như thế nào nếu như chưa biết rõ anh ta, hay đúng hơn là cô ta, là ai? Phải tìm tác giả bức thư đó ở đâu? Tìm như thế nào? Nếu như trong tay Mi-rô-nốp đã có được một mối chỉ nào đấy thì nó cũng rất mỏng manh, rất rời rạc...
  Mi-rô-nốp gấp cặp hồ sơ lại và hình dung toàn bộ quá trình sự việc.
  Câu chuyện bắt đầu từ hôm người ta bắt giữ Xa-môi-lốp-xcai-a - một mụ buôn lậu khét tiếng, từ lâu cơ quan công an đã quen mặt. Tại một cửa hàng ở Mát-xcơ-va, mụ ta đã bị bắt quả tang trong lúc đang bán một số áo khoác bằng ni-lông của phụ nữ theo giá đầu cơ. Khi khám chiếc túi xách căng phồng của mụ Xa-môi-lốp-xcai-a, công an còn phát hiện một số quần áo phụ nữ sản xuất ở nước ngoài (Mỹ, Tây Đức, Pháp) và một số đồ trang sức phụ nữ, theo như các chuyên viên xác minh cho biết thì đó là các loại đồ trang sức cổ rất quý giá.
  Nhân viên công an chẳng khó khăn gì lắm đã xác minh được tất cả những đồ vật mà Xa-môi-lốp-xcai-a bán đều là những loại hàng không có trong màng lưới thương nghiệp Liên-xô. Một điều làm cho người ta phải suy nghĩ là phần lớn những quần áo đó đều hoàn toàn mới, chưa hề mặt lần nào. Lại thêm những đồ trang sức quý giá kia càng làm cho vấn đề trở lên bí ẩn và đáng nghi ngờ.
  Hơn nữa, khi khám xét kỹ các đồ vật tịch thu của Xa-môi-lốp-xcai-a người ta còn phát hiện ở trong lần lót của một chiếc áo khoác (cũng cần phải nói thêm là chiếc áo này đã được dùng vài ba lần) có một mẩu giấy bị lộn xuống góc gấu áo, qua lần vải túi bị thủng. Mẩu giấy ấy là phần còn lại của một bức thư hay là một trang nhật ký nào đó. Nó không có đoạn đầu, không có đoạn cuối, cũng không có một câu nào hoàn chỉnh. Chỉ còn sót lại những dòng vô nghĩa với một nét chữ phụ nữ nguệch ngoạc:
...người Nga không biết và sẽ không biết...
...ấy... giữ mình cho cẩn thận. Rằng...
...hoàn thành nhiệm vụ đã...
...trở thành kẻ phản bội...
  Xa-môi-lốp-xcai-a có biết mẩu giấy này không? Những đồ vật kia và nhất là cái áo đáng ngờ đó đến tay mụ ta bằng cách nào?
Trong các cuộc hỏi cung ở cơ quan công an, mụ đã khai nhiều điều mâu thuẫn với nhau. Lúc đầu mụ khai rằng những đồ vật (trong đó có chiếc áo đáng ngờ) là do mụ bắt được ở ngoài phố, bắt được một cách bình thường. Mụ đang đi và bỗng thấy một gói gì đấy. Xung quanh chả có ai. Mụ mở ra và thấy trong đó có nhiều quần áo. Làm thế nào với món hàng này nhỉ! Và thế là mụ quyết định đem bán. Chả lẽ như vậy là phạm tội ư? Tuy nhiên khi các nhân viên hỏi cung bảo mụ nói rõ địa điểm và thời gian nhặt được gói đồ, thì họ thấy Xa-môi-lốp-xcai-a lúng túng hơn. Cuối cùng mụ phản cung lại, mụ lại đưa ra một khẩu cung mới: không, quả là mụ không nhặt được gói đồ đó, mà nó do một trong những người quen mụ đưa nhờ bán hộ. Người đó là Trê-nhi-a-ép, Ca-pi-tôn I-la-ri-ô-nô-vích Trê-nhi-a-ép.
  Trê-nhi-a-ép là ai? Xa-môi-lốp-xcai-a không khẳng định dứt khoát được: ông ta là quân nhân, có lẽ là đại tá. Ông ta sống ở thành phố Crai-xcơ, - ông ta làm gì? Thủ trưởng, một thủ trưởng lớn, có xe riêng. Ngoài ra Xa-môi-lốp-xcai-a không biết gì hơn về Trê-nhi-a-ép nữa.
  Cơ quan công an xác minh lời khai của mụ; họ điện hỏi Crai-xcơ xem có ai tên là Ca-pi-tôn I-la-ri-ô-nô-vích Trê-nhi-a-ép mang quân hàm đại tá không? Và họ chả phải chờ đợi lâu. Có một người như vậy sống ở đấy: kỹ sư, trung tá dự bị Trê-nhi-a-ép, hiện đang làm việc tại một công trường xây dựng quân sự đặc biệt ở Crai-xcơ.
----------------------------------------------------------
* Đồng chí Đgiéc-gin-xki Ph. Ê., Bộ trưởng bộ công an đầu tiên của Liên-xô
** Ô-tô chạy điện.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Ba, 2021, 01:23:23 pm gửi bởi ptlinh » Logged
namvinh789
Thành viên
*
Bài viết: 159


« Trả lời #1 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2016, 11:21:46 pm »

  Khi các nhân viên điều tra đã thu thập đầy đủ các tài liệu như lý lịch tự khai, giấy nhận xét công tác, và các giấy tờ cần thiết, thì đường đời của người trung tá kỹ sư này không có gì đáng nghi ngờ. Trê-nhi-a-ép sinh năm 1915 tại một làng hẻo lánh ở Xi-bê-ri. Sau khi tốt nghiệp trường làng ra tỉnh làm ăn. Vừa làm vừa học đã tốt nghiệp lớp trung cấp kỹ thuật buổi tối, sau đi Mát-xco-va và học tại Học viện xây dựng quân sự. Trong thời gian chiến tranh chiến đấu ở mặt trận. Ban đầu công tác ở một đơn vị công binh, sau đấy chiến đấu trong hàng ngũ du kích. Bị thương rồi khỏi, lại ra mặt trận và một lần nữa về đơn vị công binh. Đã được thưởng nhiều huân chương và bằng khen của Chính phủ. Sống độc thân. Sau chiến tranh đi hết công trường này đến công trường khác. Mới đây vừa giải ngũ về ngành dự bị. Ở Crai-xcơ đã gần hai năm và là một trong những nhà lãnh đạo một công trường lớn xây dựng các công trình đặc biệt. Trong các bản nhận xét về đạo đức và tư cách đều nhấn mạnh: trung tá kỹ sư Trê-nhi-a-ép là một người có đạo đức tốt, trung thành với sự nghiệp của Đảng, rất cố gắng trong công tác và luôn luôn trau dồi trình độ tư tưởng, chính trị của mình, có tinh thần trách nhiệm trong mọi công tác.
  Thật ra, đọc những dòng nhận xét khô khan trong các bản lý lịch có đóng dấu thì khó mà hình dung được hình dáng, bộ mặt của một người mà người ta chỉ biết được một phần nào về tư cách, đạo đức, sở thích và khuynh hướng. Nhưng, ở đây cuộc đời của Trê-nhi-a-ép hiện lên khá đẹp đẽ. Không có một dấu vết đáng nghi ngờ nào cả. Khó mà hiểu được một người như vậy mà lại quen với Xa-môi-lốp-xcai-a, và ông ta đã lấy các quần áo phụ nữ ấy ở đâu? Tại sao lại phải bán đi một cách rất khó hiểu: bán ở một thành phố khác qua tay mụ buôn lậu chuyên nghiệp?
 Mặt khác, liệu có thể tin rằng, Xa-môi-lốp-xcai-a đang có âm mưu nấp sau lưng một người như trung tá kỹ sư này chăng? Các cơ quan công an đã gửi tất cả tang vật có kèm theo mảnh giấy đáng ngờ đó về Ủy ban an ninh nhà nước.
  Chuyện đã xảy ra từ ba hôm trước. Từ hôm ấy đến nay, chiếc cặp bìa nâu với đầy đủ các tài liệu đó nằm trên bàn làm việc của thiếu tá Mi-rô-nốp. Trong chiếc cặp còn có lá thư viết tay của cục trưởng thiếu tướng Va-xi-li-ép gửi Mi-rô-nốp:
  "Đồng chí Mi-rô-nốp! Hãy nghiên cứu kỹ các tài liệu trong hồ sơ. Hỏi kỹ kẻ bị bắt và báo cáo cho tôi biết ý kiến riêng của đồng chí".
  Quả là quá dễ dàng khi nói: "Báo cáo cho biết ý kiến riêng của đồng chí!" Còn làm thế nào mà báo cáo được nếu như những ý kiến sơ bộ, cho đến nay vẫn chưa có được. Báo cáo cái gì bây giờ? Đã ba ngày qua, Mi-rô-nốp nghiền ngẫm tập hồ sơ nhưng chưa hề thấy có một tý ánh sáng nào. Anh đã trực tiếp hỏi cung Xa-môi-lốp-xcai-a. Nhưng, những lần hỏi cung đó chưa mang lại cho anh điều gì mới mẻ, hấp dẫn. Nhìn toàn bộ vấn đề, thì sự quen biết giữa Xa-môi-lốp-xcai-a với Trê-nhi-a-ép chỉ hoàn toàn ngẫu nhiên. Mụ vẫn chỉ nói đi nói lại mãi về Trê-nhi-a-ép như là đã khai trong những lần trước"đại tá", "một thủ trưởng lớn". Ngoài ra Xa-môi-lốp-xcai-a không cung cấp được điều gì mới hơn.
  Qua lời khai của Xa-môi-lốp-xcai-a thì mụ đã đến Crai-xcơ để thăm những người quen. Ở đó, mụ tình cờ gặp Trê-nhi-a-ép mà trước đây mụ có quen biết. Hình như Trê-nhi-a-ép có mời mụ ta về nhà chơi, rồi đề nghị mụ ta bán hộ những đồ trang sức ở Mát-xco-va. Còn những đồ vật đó là của ai và làm sao Trê-nhi-a-ép lại có thì mụ không biết rõ. Trê-nhi-a-ép không nói gì về điều này và Xa-môi-lốp-xcai-a cũng không cần hỏi. Đối với mụ ta, điều đó chả có gì cần thiết.
  Trong khi hỏi cung Mi-rô-nốp giả vờ như vô tình hướng câu hỏi vào chiếc áo khoác mà họ đã tìm thấy mảnh giấy bí mật. Chiếc áo đó cũng do Trê-nhi-a-ép đưa cho phải không? Xa-môi-lốp-xcai-a có xem kỹ nó không? Có tìm thấy gì trong túi áo không?
  -Trong túi à? Mụ buôn lậu ngạc nhiên hỏi.- Ồ, ngài thủ trưởng, các túi đều rỗng tuếch. Chẳng có gì trong ấy cả! Không có lấy một chút gì đâu. Tôi đã xem kỹ mà...
  Đúng: Xa-môi-lốp-xcai-a không lục soát kỹ chiếc áo nên mụ ta không phát hiện ra mảnh giấy bị xé. Điểm này, có thể tin ở mụ ta được, nhưng còn những điểm khác...
  Phải bắt đầu điều tra ở Crai-xcơ thôi! Rõ ràng là phải như vậy - Mi-rô-nốp dự kiến. Như thế, tức là phải đi tới đấy. Có thể là sẽ phát hiện bổ sung được điều gì đó tại chỗ. Và, cũng có thể sẽ giúp cho việc điều tra bắt nguồn từ ở đây. Tuy vậy, trước khi đi cũng cần phải báo cáo với Xê-men Pha-đê-ê-vích đã (tức là thiếu tướng Va-xi-li-ép). Phải thảo luận và để đồng chí ấy cho chỉ thị. Đồng chí ấy sẽ quyết định có nên đi Crai-xcơ hay không. Sự sáng suốt của thiếu tướng, những kinh nghiệm lớn trong công tác an ninh của ông, cũng như óc xét đoán ông có thể nhìn nhận rõ từng chi tiết quan trọng và đáng kể ở chính những điểm mà người khác nếu như không phải là một cán bộ lão luyện trong công tác phản gián thì không làm sao thấy được. Nhiều lần ông làm cho An-đrây Mi-rô-nốp ngạc nhiên.
  Hồi chuông điện thoại cắt đứt luồng suy nghĩ của anh.
  - Đồng chí Mi-rô-nốp đấy phải không? Giọng thiếu tướng vang lên trong máy nói.- Mời đồng chí...
  Nếu có một người nào không biết nghề nghiệp của Xê-men Pha-đê-ê-vích, gặp ông ngoài phố, trong nhà hát hay chỗ hội họp công cộng thì không chắc đã nghĩ rằng đấy là một cán bộ an ninh có nhiều kinh nghiệm. Trông thiếu tướng thật hiền từ, bình thường. Khuôn mặt ông mang đặc điểm của người trí thức Nga - hiền lành và thông minh. Ông luôn bận thường phục. Bộ quần áo hơi rộng so với thân hình của ông. Bộ tóc đã điểm bạc nhưng vẫn còn dày và cong cong một cách tự nhiên. Đôi mắt ông dường như sâu thêm sau cặp kính dày. Do vậy, nên đôi khi người ta cảm thấy cái nhìn của ông có vẻ khe khắt, khô khan.
  Cuộc đời của thiếu tướng cũng không phẳng lặng lắm. Ngay từ hồi thanh niên, ông đã được Đoàn thanh niên cộng sản cử sang làm công tác an ninh. Ông từng có dịp may mắn thi hành những nhiệm vụ của Đgiéc-gin-xki và đã có lần được gặp riêng Phê-lích Ê-mun-đô-vích. Ông đã làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Men-gin-xki, Tơ-ri-lít-xe và các cán bộ an ninh Bôn-sê-vích lỗi lạc khác. Trong những năm ba mươi, vì có những thay đổi trong cơ quan an ninh nên Xê-men Pha-đê-ê-vích Va-xi-li-ép chuyển khỏi cơ quan trung ương. Ông đi công tác ở một vùng biên giới hẻo lánh và ông đã lăn lộn ở các vùng biên giới gần hai chục năm ròng. Mãi đến những năm năm mươi ông mới lại được cử về Ủy ban an ninh nhà nước. Từ đó Xê-men Pha-đê-ê-vích Va-xi-li-ép trở thành thủ trưởng trực tiếp của thiếu tá Mi-rô-nốp. Đọc xong tập tài liệu, để nó sang một bên, thiếu tướng dựa lưng vào thành ghế, bảo:
  - Nào, An-đrây I-va-nô-vích, kể lại nghe nào.
  Ông với tay lấy chiếc cặp bìa màu nâu. Thiếu tướng dở từng tờ hồ sơ. Ông đọc lướt và lắng nghe Mi-rô-nốp báo cáo.
Logged
namvinh789
Thành viên
*
Bài viết: 159


« Trả lời #2 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2016, 08:42:57 am »

  Thiếu tá báo cáo rành rọt, vắn tắt như đã lựa từng lời từng ý một. Trong khi anh đang báo cáo lại tình hình vụ án thì thiếu tướng đã kịp đọc lướt các trang giấy trong cặp. Ông gạt nó sang một bên, tay trái chống cằm, ông nhìn thẳng vào mặt Mi-rô-nốp. Kết luận của thiếu tá về mối liên quan giữa tác giả mẩu giấy bí mật với một con người như Trê-nhi-a-ép còn rất mơ hồ. Thiếu tướng bỗng đặt tay phải lên bàn,mấy ngón tay gõ khe khẽ xuống bàn. Nhịp gõ mỗi lúc một nhanh. Mi-rô-nốp hoang mang: mọi cán bộ trong Cục đều đã biết thói quen ấy của thiếu tướng. Nếu thiếu tướng gõ nhịp tay liên hồi như vậy lên mặt bàn tức là ông đang lo ngại hoặc đang bực mình về điều gì đấy.
  -- Xin lỗi nhé.-- Thiếu tướng bỗng ngắt lời Mi-rô-nốp.-- Anh đã biết rõ là trung tá kỹ sư Trê-nhi-a-ép làm gì chưa?
  -- Hình như là...-- Mi-rô-nốp rụt rè đáp-- Tôi đã đọc và biết được đầy đủ tất cả những điều ghi trong hồ sơ lý lịch. Trê-nhi-a-ép là một trong những người lãnh đạo một công trường lớn ở Crai-xcơ.
  -- Ừ, nhưng là công trường nào?
  -- Theo chỗ tôi được biết thì đó là một công trường bí mật. Một công trình quốc phòng đặc biệt.
  -- Ấy chính thế đấy: công trình quốc phòng đặc biệt -- Thiếu tướng nói và giơ ngón tay trỏ lên. Tôi sẽ không kể cho anh tỷ mỉ, điều đó không cần thiết. Nhưng phải biết rằng, đấy là một công trình quốc phòng loại đặc biệt tối mật. Anh đã biết bọn tình báo nước ngoài đang rất chú ý đến các loại công trình này. Hơn thế, trong tay tôi đã có những tin tức cho hay: cơ quan tình báo của một nước tư bản đã chú ý đến công trường ở Crai-xcơ. Từ chuyện này, ta thấy có thể có một điều gì đây đặc biệt liên quan đến Trê-nhi-a-ép. Anh có cảm thấy thế không nào?
  -- Thực lòng mà nói,-- Mi-rô-nốp ngập ngừng,-- tôi chưa hoàn toàn cảm thấy như vậy. Chúng ta đều biết là, những người được đưa vào làm ở các công trường này đều đã qua sự kiểm tra rất tỷ mỉ, kỹ càng. Nên Trê-nhi-a-ép thì...
  -- Sao lại dính Trê-nhi-a-ép vào đấy?-- Thiếu tướng hơi cau mày, tay lại gõ gõ xuống bàn -- Chả lẽ lại cứ phải dính dáng đến Trê-nhi-a-ép. Nhưng, dĩ nhiên cũng có thể có một âm mưu gì đấy đã xảy ra quanh ông ta, nấp sau lưng ông ta. Ông ta là cái bình phong, và chả riêng gì mình ông ta đâu. Chúng ta không nên khẳng định một điều gì sớm nhưng cần phải nghĩ tới điều có thể xảy ra sau này. Nhìn chung thì Trê-nhi-a-ép cũng không đến nỗi hấp dẫn với chúng ta lắm, mặc dù chứng cớ cho thấy rằng đây là một chuyện xấu, bán các thứ hàng ngoại qua tay một mụ buôn lậu. Nhưng làm sao mà ông ta có thể có những loại hàng này? Thật không đẹp đẽ gì! Phải rút ra kết luận gì ở đây? Có thể loại trừ trường hợp là một bộ máy tình báo ngoại quốc nào đó đã thu thập được những tin tức về Trê-nhi-a-ép, dò la được những mặt yếu của ông ta và đang định mon men tới gần ông ta chăng? Tôi nhắc lại rằng: tất cả những điều này chỉ là giả định. Cần phải kiểm tra thật kỹ càng! Tại sao lại có giả định như vậy? Điều đó đòi hỏi chúng ta phải phân tích. Hình như mảnh giấy lạ lùng tìm thấy ở lần lót chiếc áo khoác là do phụ nữ viết, phải không?
  Mi-rô-nốp lặng lẽ gật đầu.
  -- Và mụ Xa-môi-lốp-xcai-a đã nhận chiếc áo đó từ tay Trê-nhi-a-ép. Đúng không? Thế tức là, quanh quẩn bên Trê-nhi-a-ép hiện nay có thể có một phụ nữ nào đó mà chúng ta cần phải hết sức chú ý. Phải tìm cho ra người phụ nữ -- tác giả của mẩu giấy bí mật đó. Hơn nữa, điều này cũng không thể loại trừ: có thể Trê-nhi-a-ép đã bị lọt vào "tầm mắt" của bọn tình báo nước ngoài. Cần phải quan tâm bảo đảm an ninh và điều kiện công tác, sinh hoạt cho ông ta. Để làm việc đó, cần phải nghiên cứu kỹ càng những người chung quanh. Theo dõi cách làm việc, sinh hoạt của ông ta và những người gần gũi. Cuối cùng, dù muốn hay không, chúng ta cũng phải tìm hiểu nguồn gốc của những món hàng nước ngoài và các đồ trang sức cổ quý giá kia. Tóm lại, đó là nhiệm vụ của anh. Chỉ có thể giải quyết những nhiệm vụ đó ở ngay Crai-xcơ. Anh phải chuẩn bị đi đến đấy. Tôi đã gọi điện báo cho đồng chí Xcơ-vô-re-xki -- đại tá Cục trưởng cục an ninh Crai-xcơ biết là anh sẽ đến. Hình như đồng chí đại tá có quen biết anh phải không?
  -- Vâng, thưa đồng chí Xê-men Pha-đê-ê-vích, -- Mi-rô-nốp trả lời.-- Còn hơn cả sự quen biết thông thường nữa ạ.
  -- À, à. Tôi nhớ ra rồi. Dạo chiến tranh phải không? Xcơ-vô-re-xki phụ trách mọi vấn đề, đồng chí ấy sẽ giúp anh. Nếu như có điều gì không rõ, cứ gọi điện cho tôi, đừng ngại. Có lẽ như thế là hết rồi đấy. Hỏi gì nữa không?
  -- Không, đồng chí Xê-men Pha-đê-ê-vích, tất cả đã rõ.-- An-đrây đứng dậy.-- Bao giờ đồng chí cho tôi lên đường?
  -- Tôi giữ anh làm gì?-- Thiếu tướng hỏi lại, thay cho câu trả lời. -- Cố thu xếp đi ngay hôm nay! Thôi chúc anh thành công!
  Ngay tối hôm đó Mi-rô-nốp đi Crai-xcơ.
Logged
namvinh789
Thành viên
*
Bài viết: 159


« Trả lời #3 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2016, 10:33:09 am »

                                                                                                             CHƯƠNG 2
  Chuyến đi Crai-xcơ làm Mi-rô-nốp hồi hộp không những chỉ do tính chất phức tạp và nghiêm túc trong nhiệm vụ của anh; mà còn là do nơi đó anh rất thích. Một thành phố phương Nam ấm áp và vui vẻ. Đã mấy năm rồi An-đrây không đến Crai-xcơ nên anh càng mong sao cho chóng tới thành phố như mong gặp người thân cũ lâu ngày xa cách.
  ...Gần trưa, sau cửa sổ toa tàu đã thấp thoáng hiện ra mái các nhà máy, các dàn giáo công trường và những tháp nhọn của cần trục. Tàu hỏa đã đến Crai-xcơ.
  Tòa nhà màu trắng rộng lớn của khu ga rực lên dưới ánh nắng phương Nam chói chang. Mi-rô-nốp thấy nhiều khu nhà mới xây. Trước đây, khi anh tới Crai-xcơ, nhà ga lớn lộng lẫy này cũng chưa có. Quảng trường nhà ga đã thay đổi: nó được mở rộng hơn và rải nhựa bóng loáng.
  Từ quảng trường, đường phố rộng chạy tỏa ra khắp hướng như rẻ quạt với các hàng cây bồ đề, cây dẻ mọc thẳng tắp dọc trên vỉa hè. Xe con, xe lớn xuôi ngược vội vã, hoàn toàn giống như cảnh ở Mát-xcơ-va. Nhưng ở đây thưa thớt hơn.
  Chả khó khăn gì, anh đã tìm được tòa nhà của Cục an ninh nhà nước trong thành phố. Mi-rô-nốp đi thẳng đến phòng khách của cục trưởng.
  Đối với Ki-rin Pê-tơ-rô-vích Xcơ-vô-re-xki, An-đrây Mi-rô-nốp có những tình cảm phức tạp khác nhau. Đó là lòng biết ơn đối với mọi sự chăm sóc thân tình mà Xcơ-vô-re-xki đã dành cho anh trước đây. Đó là lòng kính trọng đối với những kinh nghiệm phong phú của người cán bộ phản gián. Anh khâm phục công lao và uy tín của ông. Cuối cùng đó là những đức tính trong nếp sống,trong phương pháp làm việc của một con người thuộc thế hệ đi trước mà Mi-rô-nốp nhiều khi có cảm giác như tình cảm cha con.
  An-đrây biết Xcơ-vô-re-xki từ nhiều năm trước: chiến tranh đã khiến cho họ có dịp sống với nhau. Trước chiến tranh Ki-rin Pê-tơ-rô-vích làm việc ở Ủy ban nội vụ tỉnh Xmô-len-xcơ, khi tỉnh này bị phát xít Đức chiếm đóng thì ông đã lãnh đạo một trong những binh đoàn du kích chiến đấu ở khu Tây - Nam tỉnh. Chính ở đây, đầu mùa đông năm 1942, cậu học sinh An-đrây Mi-rô-nốp bị mồ côi cả cha lẫn mẹ trong thời kỳ quân Hít-le tràn qua, đã được dẫn đến với đội du kích lớn này.
  Ngay từ buổi đầu, Xcơ-vô-re-xki đã dự định, nếu có hoàn cảnh thuận lợi là gửi ngay cậu bé này về "Đất lớn"-- hậu phương Xô-viết, nhưng mãi vẫn không có dịp và khi có dịp thì những dự định cũ không hợp nữa: An-đrây đã trở thành một người gắn bó với đơn vị. Chàng trai lanh lẹn, thông minh và chín chắn trước tuổi đó, với lòng căm thù sâu sắc bọn Hít-le, lúc đầu làm việc ở ban tham mưu, về sau dần dần trở thành một trong những tay quân báo xuất sắc của du kích. So với những người lớn tuổi anh lọt vào dễ dàng hơn các làng mạc, thành phố bị chiếm đóng, vào tận hang ổ của địch, duy trì sợi dây liên lạc với những người hoạt động bí mật, khai thác nhiều tin tức tình báo có giá trị.
  Chính trong những năm hoạt động du kích đó, những đức tính cần thiết của một người tình báo, một cán bộ phản gián tài giỏi đã dần dần hình thành trong con người An-đrây Mi-rô-nốp.
  Sau khi đuổi bọn phát xít khỏi các vùng Xmô-len-xcơ, O-ri-ôn, Bri-an-xcơ, binh đoàn du kích do Xcơ-vô-re-xki lãnh đạo đã thay đổi nhiệm vụ: người thì chuyển vào bộ đội thường trực, người thì bắt tay vào công cuộc khôi phục trong hoàn cảnh hòa bình.
  Theo nguyện vọng và với sự giúp đỡ của Xcơ-vô-re-xki, An-đrây Mi-rô-nốp được cử đi học tại trường quân sự bộ đội biên phòng. Sau những năm phục vụ ở biên giới, ở Trung Á và Viễn Đông, vào đầu những năm năm mươi, Mi-rô-nốp được điều về công tác tại Ủy ban an ninh nhà nước ở Mát-xcơ-va...
  Chia tay với Ki-rin Pê-tơ-rô-vích Xcơ-vô-re-xki từ năm 1943,nhưng An-đrây vẫn không mất liên lạc với ông. Hai người ít khi gặp nhau nhưng thỉnh thoảng anh vẫn viết thư cho ông... Mấy năm nay, anh chưa gặp lại Xcơ-vô-re-xki nên giờ đây anh rất vui sướng trước cuộc gặp gỡ này.
  Xcơ-vô-re-xki cũng không kém phần vui mừng khi thấy An-đrây.
  --Chà, chà, lại gặp cậu ở đây. Nào, xem xem có gì biến đổi không nào?-- Xcơ-vô-re-xki xúc động reo lên. Ông cầm tay An-đrây kéo vào phòng và tò mò ngắm anh. Không,-- đại tá vừa nói vừa ấn vai An-đrây ngồi xuống chiếc đi-văng và tự ông cũng ngồi xuống cạnh anh,-- cậu không thay đổi gì cả: khá lắm!-- Xcơ-vô-re-xki thực lòng ngạc nhiên, nhìn khuôn mặt rám nắng, kiên nghị của An-đrây với đôi vai rộng và thân hình cân đối khỏe mạnh của anh, miệng cứ tấm tắc.-- Cậu hầu như không thay đổi gì cả, vẫn còn trẻ, trẻ lắm. Bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? Đã ba mươi chưa?
  -- Ồ, Ki-rin Pê-tơ-rô-vích!-- An-đrây mỉm cười.-- Đồng chí quá khen. Trên ba mươi từ lâu rồi đấy...
  -- Chà, chà,-- Xcơ-vô-re-xki thở dài.-- Thời gian trôi nhanh thật. Nhanh thật!... Thế, sống ra sao? Vẫn chưa lập lại gia đình chứ?
  -- Chưa, Ki-rin Pê-tơ-rô-vích ạ. Như người ta nói là: chỉ sợ tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa thôi. Đồng chí cũng đã biết rồi đấy!-- Mi-rô-nốp nói, vẻ không vui.
  Xcơ-vô-re-xki hiểu. Những nằm đầu khi mới về Mát-xcơ-va, Mi-rô-nốp đã làm quen với cô sinh viên Li-u-đa ở ga tàu thủy Him-ki. Li-u-đa có vẻ thích anh. Và, anh cũng vậy, anh thấy có cảm tình với cô gái đó. Chả hiểu vì sao? Từ xưa, An-đrây luôn có vẻ ngại ngùng đối với các cô gái, nhưng sau khi quen biết Li-u-đa độ vài ba tuần thì anh chợt hiểu ra, anh đã yêu Li-u-đa, yêu một cách nghiêm túc. Một tháng sau, mặc dầu bố mẹ Li-u-đa phản đối là con gái họ còn trẻ chưa vội gì lấy chồng cả, nhưng họ vẫn cứ quyết định làm lễ cưới. Nhưng về sau, sự việc lại diễn ra hoàn toàn khác hẳn với những điều mà Mi-rô-nốp đã suy tính. Càng gần gũi vợ bao nhiêu, Mi-rô-nốp càng nhận thấy rõ cô ta là một người quá được nuông chiều từ bé, một người nhẹ dạ và thậm chí rất bướng bỉnh. Cuộc sống chung không được hòa thuận lắm.
  Do điều kiện nhà ở còn khó khăn nên sau khi cưới, Mi-rô-nốp và vợ vẫn phải ở nhờ căn phòng -- chung một nhà với gia đình khác. Điều đó làm cho Li-u-đa không hài lòng. Cô ta đòi phải có nhà riêng. Ai chả biết là trong những năm ấy, một gia đình hai vợ chồng son mà đòi ở riêng một nhà thì thực tế hoàn toàn không cho phép. Mi-rô-nốp coi những đòi hỏi của Li-u-đa là lố bịch. Từ đấy, sự bất hòa giữa hai người bắt đầu. Mâu thuẫn càng ngày càng nhiều và trở nên sâu sắc hơn.Li-u-đa không thích chồng đi làm đêm, mãi đến gần sáng mới về nhà. Cô không thích kiểu sống giản dị khiêm tốn của Mi-rô-nốp. Cô rất khó chịu trước lòng căm ghét của anh đối với những ý nghĩ trống rỗng và cuộc sống vô công rồi nghề.
Logged
namvinh789
Thành viên
*
Bài viết: 159


« Trả lời #4 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2016, 10:07:39 pm »

  Li-u-đa không thấy xấu hổ khi cô mắng chồng là giả dối với cô. "Tôi, -- cô ta nói,-- tôi cứ nghĩ rằng công tác phản gián của anh phải là một công việc hết sức hấp dẫn, lãng mạn, phải là một cuộc sống sôi nổi và rộng rãi. Còn anh thì sao? Anh chỉ mài mòn đũng quần suốt ngày, suốt đêm như một nhân viên bàn giấy hạng quèn. Không, anh cũng chưa được như một nhân viên bàn giấy nữa -- còn tồi tệ hơn loại ấy. Anh nhân viên bàn giấy còn có lúc rảnh rang nghỉ ngơi chiều tối với vợ. Chứ anh thì làm gì có!" Tất nhiên Mi-rô-nốp không thể nói cho cô ta biết là anh đã "mài mòn đũng quần" như thế nào. Tuy nhiên, anh biết công tác phản gián của anh luôn luôn đòi hỏi cả hai điều -- sự kiên nhẫn và sự " mài mòn" đũng quần.
  An-đrây ngày càng hiểu rõ là anh đã sai lầm rất lớn khi cưới Li-u-đa làm vợ và không thể tiếp tục mãi cuộc sống với cô ta được. Anh đau khổ chịu đựng những điều xảy ra. Tất cả những việc đó đã mấy năm nay, nhưng vết thương lòng của anh vẫn chưa hàn gắn được...
  Ki-rin Pê-tơ-rô-vích Xcơ-vô-re-xki cũng biết chuyện vợ con của Mi-rô-nốp. Ông hiểu tâm trạng của anh và nghĩ, tốt hơn hết là đừng hỏi gì thêm. Ông đi thẳng vào công việc.
  -- Nào An-đrây, báo cáo đi, anh đến đây làm gì? Những nét đại thể thì tôi biết rồi. Xê-men Pha-đê-ê-vích Va-xi-li-ép đã nói với tôi qua điện thoại. Nhân viên của tôi cũng đã báo cáo. Nhưng tôi muốn biết tỷ mỷ hơn.
  An-đrây kể lại cặn kẽ việc bắt giữ Xa-môi-lốp-xcai-a, về những khẩu cung của mụ và những tang vật khám thấy trong xắc. Nhưng khi anh vừa nói đến mẩu giấy bí mật và những dòng chữ ghi trên đó thì Xcơ-vô-re-xki bỗng cắt ngang:
  -- Khoan! Chờ một lát. Đấy, căn cứ theo lời anh thì rõ ràng là ở Mát-xcơ-va, các anh đã nghĩ nát óc về tờ giấy kia ở đâu ra? Ai viết những câu đó và nó có nghĩa gì? Mẩu giấy này theo tôi nghĩ, có lẽ là do vợ Trê-nhi-a-ép viết. Đúng! Tất cả đều chứng tỏ, mẩu giấy đó là của cô ta.
  Mi-rô-nốp sửng sốt hỏi:
  -- Xin lỗi, xin lỗi cho tôi hỏi đã, đồng chí Ki-rin Pê-tơ-rô-vích! Vợ nào? Trê-nhi-a-ép là người độc thân cơ mà.
  -- Độc thân à? Ai bảo anh vậy. Không phải đâu. Ông ấy đã có vợ. Tuy nhiên... tuy nhiên hiện nay, có thể coi như kẻ độc thân thật...
  -- Đồng chí nói gì vậy, Ki-rin Pê-tơ-rô-vích, đồng chí không đùa đấy chứ? Khi thì đã có vợ, lúc thì lại là kẻ độc thân. Thật lạ lùng! Tôi đã đọc kỹ toàn bộ hồ sơ của ông ấy, và biết rõ: ông ấy là người độc thân, chưa bao giờ cưới vợ cả. Hồ sơ mới nhất mà tôi có, làm cách đây hai năm trước khi Trê-nhi-a-ép được cử đến công trường ở Crai-xcơ. Khi đến làm việc ở Crai-xcơ ông ấy không hề có điều gì bổ sung vào hồ sơ của mình cả. Ở Crai-xcơ cũng không có điều gì bổ sung thêm. Ở phòng địa chỉ cũng vậy...
  -- Thế mà ông ta,-- Xcơ-vô-re-xki nói xen ngang, -- lại cưới vợ cách đây gần hai năm ,trước lúc về Crai-xcơ.
  -- Trước khi về Crai-xcơ? Như vậy mọi sự giờ đã rõ hơn. Nhưng sao đồng chí lại nói: ông ta là kẻ độc thân, trong khi theo như lời đồng chí vừa nói, thì ông ta đã có vợ từ hai năm nay? Thế là thế nào?
  -- Ồ, người anh em ạ, đây là cả một câu chuyện dài. Tôi vừa được biết từ hôm qua thôi. Vợ Trê-nhi-a-ép đã bỏ chồng. Cô ta bỏ đi. Có thể đã được ba bốn tháng nay rồi. Đây là một việc chả tốt đẹp gì, một sự dối trá. Cô ta bỏ đi vội vã đến nỗi chả kịp mang theo đồ đạc gì. Trê-nhi-a-ép chờ đợi, chờ mãi cho đến lúc không thể chờ được nữa. Ông ta đành chịu đựng một mình. Nhưng còn có những đồ vật để lại, ông ta quyết định phải đoạn tuyệt với nó. Trong lúc đó thì Xa-môi-lốp-xcai-a xuất hiện... Phần còn lại của câu chuyện thì anh đã rõ. Do đó, tôi nghĩ rằng: có phải chính chiếc áo khoác nữ kia là của người vợ Trê-nhi-a-ép không? Kể cả mẩu giấy nữa? Anh nghĩ sao?
  An-đrây vẫn chăm chú nghe Xcơ-vô-re-xki, chưa vội trả lời. Giờ đây anh đang nghĩ tới điều khác.
  -- Đồng chí Ki-rin Pê-tơ-rô-vích,-- anh hỏi,-- cho tôi hỏi một điều có được không? Làm sao đồng chí biết được câu chuyện: bỏ trốn, lừa dối? Những câu chuyện loại này người ta không thích đưa ra bàn tán. Mà Trê-nhi-a-ép, xét kỹ ra, thì không phải là người ba hoa.
  Xcơ-vô-re-xki hơi phân vân, đưa tay xoa xoa chiếc đầu hói bóng, ông bối rối nói:
  -- Anh hiểu chứ, ở đây có một chi tiết khác.
  -- Chi tiết gì vậy? -- Mi-rô-nốp hỏi, hồi hộp. -- Chi tiết gì nữa?
  -- Anh hiểu không, khi Cục công an Crai-xcơ nhận được tin về việc bắt giữ mụ Xa-môi-lốp-xcai-a, và việc mụ ta vu khống Trê-nhi-a-ép thì mấy cậu phụ trách điều tra hình sự đã mời ngay Ca-pi-tôn I-la-ri-ô-nô-vích Trê-nhi-a-ép đến hỏi. Sau khi ông ta gặp họ, tôi mới được hay biết. Do đó, chúng tôi biết được những chuyện rắc rối về gia đình của ông ta. Mặt khác, ông ta cũng biết việc Xa-môi-lốp-xcai-a bị bắt và nguồn gốc lần điều tra này. Quả thật là ngốc nghếch vô cùng, nhưng bây giờ cậu nghĩ xem, nên làm gì? Giờ thì phải tính đến các chứng cớ. Trong cuộc nói chuyện ấy có một cán bộ của tôi dự, cậu Lu-ga-nốp. Nhưng cậu ta cũng không biết gì nhiều lắm. Đúng là chuyện "hỏi han" này xảy ra thật bất ngờ.
  -- Thế còn mẩu giấy, và những dòng chữ bí mật kia, họ cũng nói với Trê-nhi-a-ép à? -- Mi-rô-nốp hồi hộp hỏi.
  -- Không,--_Xcơ-vô-re-xki nói, giọng nói làm cho anh yên tâm, -- về mảnh giấy đó thì cơ quan công an chúng tôi chưa hề biết đến. Chính tôi cũng vừa được Xê-men Pha-đê-ê-vích cho biết mới đây thôi.
  An-đrây không muốn để lộ sự bất bình của mình về lối làm ăn hấp tấp, non nớt của cơ quan công an địa phương. Thật là họ không biết cách điều tra nên bắt đầu từ đâu, nhưng họ cũng hiểu là việc điều tra sẽ đụng chạm đến một con người cụ thể tham dự vào sự kiện. Thật tai hại. Nhưng về một mặt nào đó thì Xcơ-vô-re-xki cũng có cái đúng: cái gì phải xảy ra thì nó tất yếu sẽ đến, không thể bỏ qua các chứng cớ được.
  Theo ý kiến của Xcơ-vô-re-xki, An-đrây quyết định tiếp tục cuộc điều tra cùng với đại úy Lu-ga-nốp -- cán bộ của Cục an ninh nhà nước tỉnh Crai-xcơ, người đã dự vào cuộc nói chuyện với Trê-nhi-a-ép ở sở công an. Anh hẹn với đại tá là đến chiều hoặc có thể là muộn hơn -- anh sẽ gặp đại tá tại nhà riêng, An-đrây chia tay với ông và đến phòng Lu-ga-nốp.
  Phút đầu gặp gỡ, đại úy lu-ga-nốp không gợi cho Mi-rô-nốp một cảm giác gì đặc biệt: vóc người hơi thấp, nhưng mập và khỏe. Khuôn mặt vào khoảng bốn mươi. Anh tiếp An-đrây vẻ chậm chạp, khô khan. Nhưng chỉ một lát sau, An-đrây hiểu, cảm giác ban đầu đã đánh lừa anh. Đại úy không phải là con người khô khan như anh tưởng, trái lại, sau vài phút bỡ ngỡ, anh đã tỏ ra lanh lẹn, mặc dù anh không có ý bắt người cùng nói chuyện phải thay đổi ý nghĩ ban đầu của mình. Nói chung, qua thái độ, giọng nói, Mi-rô-nốp thấy anh ta có một tính cách nghiêm nghị. Đặc biệt, Mi-rô-nốp rất hài lòng khi nghe Lu-ga-nốp, cố nén vẻ bực tức nhưng đầy mỉa mai, kể lại những việc làm của cơ quan công an Crai-xcơ. Họ đã hấp tấp cho gọi Trê-nhi-a-ép đến hỏi. Có một cán bộ công an nào đó, như Lu-ga-nốp cho biết, đã can ngăn và cho rằng gọi như vậy là quá sớm. ( Bản thân Lu-ga-nốp cũng ủng hộ quan điểm này). Nhưng ý kiến đó đã không được xét đến. Làm sao được! Trê-nhi-a-ép -- một nhân vật nổi tiếng ở Crai-xcơ! Ông ta có điều gì bí mật? Một con mụ buôn lậu nào đó đã vu khống, đã đổ tiếng xấu cho ông ta. Tất nhiên là cần phải hỏi. Ông ta sẽ nói hết, sẽ trình bày rõ ràng.
  --Nhưng theo ý kiến cá nhân thì anh có nhận xét gì về Trê-nhi-a-ép?
  -- Ý kiến gì được, đồng chí thiếu tá? -- Lu-ga-nốp hỏi lại với vẻ hết sức chân thực. -- Tôi cũng chỉ là một người dự buổi nói chuyện lâu không quá một giờ đó. Tôi có thể nói gì về ông ấy? Cảm giác chung nhất là ông ta có vẻ đường hoàng, tự tin. Tôi không muốn kêt luận một cách vội vã về bất cứ ai. Chúng tôi cũng chưa có những tài liệu cần thiết về ông ta, do đó tôi thấy cần phải phân tích thêm đã.
  Câu trả lời đó của Lu-ga-nốp đã làm cho An-đrây rất thích. Anh không ưa những con người ba hoa như ông Khôn-xơ * (mà quả là trong đời vẫn hay gặp những người như vậy). Họ thường tự phụ, khoe khoang là " họ biết đánh giá con người ngay từ cái nhìn đầu tiên".
  Lu-ga-nốp không biết được gì thêm so với những điều mà Mi-rô-nốp đã có, những điều anh đã nghiên cứu trong tập hồ sơ bìa nâu, nếu như không kể đến một số chi tiết bổ sung thêm về hoàn cảnh gia đình Trê-nhi-a-ép.
  Nói chuyện với Lu-ga-nốp, Mi-rô-nốp biết thêm được một số chi tiết để bổ sung cho những điều mà Xcơ-vô-re-xki đã nói. Thế là, Trê-nhi-a-ép -- con người độc thân từ lâu,đã lấy vợ một cách tình cờ, đột ngột chỉ một vài ngày sau khi quen biết một phụ nữ: cô ấy đã trở thành vợ của ông ta. Họ của người phụ nữ đó là Vê-lít-cô, tên là Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na.
  Cuộc sống của gia đình Trê-nhi-a-ép có thể nói là đầm ấm, tươi sáng. Bỗng nhiên, khoảng năm tháng trước đây, ông biết rằng, vợ ông đã lừa dối ông. Tiếp đó, cô ta bỏ đi đâu không một ai biết. Chờ mãi không thấy Ôn-ga quay về lấy đồ dùng, quần áo, Trê-nhi-a-ép liền quyết định tống táng đi cho khuất mắt. Do đó, đồ đạc mới rơi vào tay mụ Xa-môi-lốp-xcai-a. Đấy là tóm tắt tất cả những gì Trê-nhi-a-ép đã nói ở sở công an.
  Còn những dòng chữ bí mật trên mảnh giấy bị xé dở quả là hoàn toàn bất ngờ đối với Lu-ga-nốp. Anh vân vê mãi mẩu giấy, chăm chú đọc những dòng chữ khó hiểu, cắn môi, suy nghĩ.
  -- Hừ, -- anh bật ra một tiếng rồi đưa trả An-đrây mẩu giấy, -- điều này đã thay đổi toàn bộ vấn đề. Chúng ta sẽ làm gì bây giờ?
  Bây giờ phải làm gì? Bắt đầu điều tra từ đâu? Tất cả những việc đó Mi-rô-nốp đều đã có ý định: trước hết, cần phải tìm cách xác minh được nét chữ thường ngày của Ôn-ga Vê-lít-cô và so sánh nó với nét chữ trên mẩu giấy này. An-đrây nghĩ, có thể Ki-rin Pê-tơ-rô-vích đã nói đúng: "đó là nét chữ do chính tay cô ta viết". Nếu quả là như vậy thì công việc sẽ dễ dàng hơn. Trước lúc áp dụng những biện pháp khẩn trương nhất để tìm cho ra người phụ nữ bỏ trốn kia thì việc dò lại mặt chữ phải là điều rất cần thiết. Và nếu như việc kiểm tra đó chứng tỏ đúng là nét chữ của cô ta thì công việc sẽ trở nên thuận lợi hơn. Khi tìm thấy người phụ nữ bỏ trốn, thì nhiều vấn đề lúc đó sẽ được xác minh.
-----------------------------------------------------
* Khôn-xơ -- nhân vật nổi tiếng trong các tác phẩm trinh thám của nhà văn Anh A.Cô-nan Đôi-lơ (1859 - 1930).
Logged
namvinh789
Thành viên
*
Bài viết: 159


« Trả lời #5 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2016, 08:17:43 am »

  -- Xin lỗi đồng chí Lu-ga-nốp, -- Mi-rô-nốp bỗng nói. -- Tên thường gọi của đồng chí là gì?
  -- Va-xi-li Nhi-cô-lai-ê-vích, đồng chí thiếu tá ạ.
  -- Còn mình tên là An-đrây I-va-nô-vích. Vậy cậu có thể cho biết thêm là trong lúc nói chuyện Trê-nhi-a-ép có nói rõ chi tiết nào để xác định được là cô vợ của ông ta đi đâu không? Cô ta đã mua những loại quần áo đắt tiền kia ở đâu?
  -- Không, đồng chí thiếu tá ạ, quên xin lỗi, không, An-đrây I-va-nô-vích ạ. Chi tiết nào ở đây nhỉ? Ông ta đã được báo cho biết về việc mụ Xa-môi-lốp-xcai-a. Chính ông ta cũng xác minh là ông ta đã đưa những đồ dùng đó cho mụ ấy. Tóm lại, ông ta chỉ kể rất vắn tắt mấy câu về hoàn cảnh lấy vợ và việc cô vợ bỏ trốn, để giải thích lý do ông ta đã nhờ bán quần áo của vợ. Thế rồi chúng tôi chia tay. Chả ai hỏi thêm được điều gì. Còn về phần tôi, như anh biết đấy, tôi không tiện can thiệp vào câu chuyện của mấy cậu công an hình sự. Nói đúng ra, thì việc tôi có mặt lúc nói chuyện cũng không phải là do chủ ý từ trước.
  -- Này, cậu nghĩ xem, -- sau một phút suy nghĩ Mi-rô-nốp nói, -- ta có nên mời Trê-nhi-a-ép đến hỏi lần nữa không? Cứ mời ông ta đến sở công an vì ông ta cho rằng cậu là người của cơ quan công an hình sự. Với lý do là để xác minh thêm vài việc có liên quan đến mụ Xa-môi-lốp-xcai-a. Một hay hai lần gọi thì cũng chả có gì khác nhau, chả có gì là xấu cả. Nhưng cậu cứ nghĩ xem: có thể có những chi tiết quan trọng sẽ lộ ra trong cuộc nói chuyện lần này. Còn về mẩu giấy khó hiểu kia, thì đừng đả động đến.
  Sau một lát suy nghĩ, Lu-ga-nốp đồng ý. Họ vạch kế hoạch cho cuộc nói chuyện và thống nhất rằng, để cho Trê-nhi-a-ép khỏi lo lắng thì Lu-ga-nốp sẽ giới thiệu Mi-rô-nốp là người giúp việc của anh.
  Lu-ga-nốp nhận trách nhiệm tìm cách để lấy được nét chữ của vợ Trê-nhi-a-ép.
  Còn An-đrây chịu trách nhiệm nghiên cứu những người công tác gần gũi với Trê-nhi-a-ép và bố trí việc bí mật bảo vệ ông.
Logged
namvinh789
Thành viên
*
Bài viết: 159


« Trả lời #6 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2016, 04:39:38 pm »

                                                                                                                 CHƯƠNG 3
  Sáng hôm sau, họ ngồi trong một căn phòng lịch sự do Sở công an Crai-xcơ dành riêng cho hai người. Mi-rô-nốp nóng lòng chờ đợi, anh thầm hỏi: kỹ sư, trung tá dự bị Trê-nhi-a-ép là người thế nào? Nói gì thì nói, chứ hình dung một con người chỉ qua tài liệu, qua các bản lý lịch và nhận xét thì không thể nào tốt bằng cách gặp mặt trực tiếp được.
  Trê-nhi-a-ép đến rất đúng giờ hẹn. Mi-rô-nốp lặng lẽ quan sát người trước mặt mình. Một thân hình cao lớn, cân đối; khuôn mặt kiên nghị, thông minh. Ông tỏ ra tự chủ và điềm đạm. Chỉ hơi gật đầu đáp lại lời chào của Lu-ga-nốp, Trê-nhi-a-ép đường hoàng ngồi xuống chiếc ghế tựa dành cho mình và không hề để ý đến sự có mặt của Mi-rô-nốp.
  -- Nào, tôi có thể giúp gì các đồng chí bây giờ? -- Ông hỏi giọng trầm nhẹ nhàng, qua giọng nói cũng như thái độ và cách hỏi, Trê-nhi-a-ép như muốn biểu lộ rằng, ông là một người bận bịu nhiều việc, không muốn để phí thì giờ vào những câu chuyện vô ích.
  -- Đồng chí Ca-pi-tôn I-la-ri-ô-nô-vích, trước hết xin lỗi đã làm phiền đồng chí lần thứ hai, -- Lu-ga-nốp mào đầu, -- nhưng quả là chúng tôi rất cần sự giúp đỡ của đồng chí. Chúng tôi cần phải xác minh thêm vài vấn đề liên quan đến mánh khóe của mụ Xa-môi-lốp-xcai-a.
  Trê-nhi-a-ép nhún vai.
  -- Tôi còn có thể nói thêm gì được nữa? Vì một người như mụ ta -- mụ Cơ-láp-đi-a Xê-me-nốp-na Xa-môi-lốp-xcai-a.
  -- Không, Cơ-láp-đi-a Pê-tơ-rốp-na, -- Lu-ga-nốp khẽ chữa lại.
  -- Ừ thì Pê-tơ-rốp-na vậy, chả sao, -- Trê-nhi-a-ép hơi mỉm cười. -- Tôi cũng mới biết mụ ta. Tôi biết mụ ta qua một người bạn, -- tôi cũng không nhớ rõ là ai -- khi tôi đang cần thuê một căn phòng thì Xa-môi-lốp-xcai-a có người quen lại đang cần đổi phòng ở. Do đó mụ ta đã giúp tôi với tư cách một người môi giới; tất nhiên là có hoa hồng. Đấy, tất cả sự quen biết của chúng tôi chỉ có vậy thôi. Mấy ngày trước, tình cờ tôi gặp lại mụ ta ở ngoài phố. Xa-môi-lốp-xcai-a là loại người như thế nào thì các đồng chí đã biết. Chúng giày vò tôi, làm khổ tôi suốt bao tháng nay rồi. Tôi bảo mụ ta: "Này, bà có thể giúp tôi bán hộ những thứ quần áo kia đi được không?" Mụ ta vồ lấy ngay. Và thế là sau đó công an Mát-xcơ-va đã bắt được mụ ta như là một con ăn cắp. Thật là một việc xấu, và rất phiền toái cho tôi.
  -- Xin lỗi, -- Mi-rô-nốp cắt lời Trê-nhi-a-ép, và hỏi, -- tôi không hiểu rõ ý đồng chí. Đồng chí nói rằng nhờ Xa-môi-lốp-xcai-a bán hộ mấy thứ quần áo của đồng chí nhưng nó có phải là của đồng chí đâu? Đó là quần áo nữ kia mà?
  Trê-nhi-a-ép bực mình nhìn Mi-rô-nốp rồi lại nhìn Lu-ga-nốp.
  -- Tôi nhớ là hai lần trước tôi đã nói rõ, -- Trê-nhi-a-ép nhìn thẳng vào Lu-ga-nốp rồi dằn giọng, -- những đồ vật đó là của Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na,vợ cũ của tôi. Các anh còn hỏi gì nữa?
  -- Ồ, đồng chí Trê-nhi-a-ép, xin đừng giận, sao lại phải nói với nhau gay gắt như vậy? -- Lu-ga-nốp nói. -- Đây là người giúp việc của tôi. -- Anh vừa nói vừa hất đầu chỉ An-đrây. -- Anh ấy không được dự buổi nói chuyện lần trước. Tôi cũng mới kể vắn tắt cho anh ấy biết qua thôi. Tôi nghĩ rằng nếu anh ấy có hỏi điều gì hơi đột ngột làm đồng chí phật ý thì chúng ta thứ lỗi cho anh ấy. Tất cả chúng ta, những người ngồi ở đây đều chỉ có một mục đích là: xác định và nêu ra những điều có liên quan đến Xa-môi-lốp-xcai-a người mà như đồng chí đã khẳng định là đồng chí cũng hiểu biết rất ít. Tôi chẳng hạn! Tôi hoàn toàn không tin được mụ ta chỉ buôn bán ngần ấy thứ hàng của đồng chí. Không có sự giúp đỡ của đồng chí thì chúng tôi khó mà hiểu hết về mụ ta được. Đồng chí đồng ý chứ?
  Trê-nhi-a-ép im lặng gật đầu.
  -- Tôi cũng không giấu đồng chí là, -- Lu-ga-nốp nói tiếp, -- chúng tôi có điều băn khoăn: làm sao mà Xa-môi-lốp-xcai-a lại kiếm được nhiều quần áo phụ nữ loại hiếm như thế. Tôi muốn nói đến những hàng ngoại. Nếu như đúng là những quần áo của vợ đồng chí thì chúng tôi sẽ không phải suy nghĩ, băn khoăn làm gì. Nhưng không nên loại trừ là, không phải tất cả những thứ ấy là của vợ đồng chí đưa cho mụ ta. Chúng tôi chỉ muốn biết rõ Xa-môi-lốp-xcai-a đã tìm được những thứ hàng đó bằng cách nào để buôn bán kiểu trao tay như vậy.
  Lu-ga-nốp và Mi-rô-nốp đưa cho Trê-nhi-a-ép bản kê các thứ quần áo nữ mà họ đã khám thấy trong xắc của mụ buôn lậu. Trê-nhi-a-ép xem lướt qua. Ông nói với các cán bộ điều tra rằng,ông chưa bao giờ ngó tới những tài sản riêng của vợ mình. Theo lời ông nói thì chính Xa-môi-lốp-xcai-a đã tự lục lọi trong tủ quần áo và các va-ly của Ôn-ga để chọn lấy những thứ mà mụ cho là có thể bán được; còn hầu hết những thứ còn lại thì ông đã biếu mụ để "tỏ lòng cảm ơn sự giúp đỡ".
  Thế là Trê-nhi-a-ép đã dễ dàng tránh được việc xác định một cách chính xác những thứ đồ dùng nào là của vợ mình mà công an đã tìm thấy ở mụ Xa-môi-lốp-xcai-a.
  -- Tôi xin hỏi một câu nữa, -- Mi-rô-nốp dè dặt. -- Đồng chí có thể cho biết một cách tỷ mỉ về mối quan hệ, về bạn bè, người quen của vợ đồng chí được không?
  -- Để làm gì? Các đồng chí quan tâm tới điều đó để làm gì? -- Trê-nhi-a-ép hỏi lại, cáu kỉnh. -- Điều đó có liên quan gì đến công việc kia?
  An-đrây chưa vội trả lời ngay: cho Trê-nhi-a-ép xem mảnh giấy chăng? Nói cho ông biết là có điều đáng nghi về vợ ông, rằng có thể trong số bạn bè của cô ấy có kẻ thù chăng? Nên nói thế nào khi mà tất cả những điều đó còn chưa được xác minh, còn chưa rõ ràng? Không! Không nên! Không nên, nó sẽ không giúp được gì cả.
  -- Đồng chí có biết, -- Mi-rô-nốp thong thả nói, -- theo tôi hiểu như lời đồng chí nói thì đồng chí cũng không biết là những loại hàng kia đã đến tay vợ đồng chí bằng cách nào. Có phải thế không? Chúng ta cần xác minh lại điều đó. Tôi nghĩ rằng, xác minh điều đó cũng là vì quyền lợi của đồng chí. Chúng ta không loại trừ câu giải đáp đó còn giấu kín trong quá khứ của vợ đồng chí, trong số bạn bè của cô ấy. Đồng chí rõ chứ?
  -- Sao lại không rõ! -- Trê-nhi-a-ép cười có vẻ đau khổ. -- Về quá khứ của Ôn-ga, thú thật tôi hoàn toàn không biết, và không để ý tới. Còn về bạn bè cô ấy, tôi cũng không biết gì hơn vì tôi chưa hề gặp một người bạn hoặc là một người quen nào của cô ấy cả...
  -- Xin lỗi, -- Mi-rô-nốp ngắt lời, -- đồng chí đã chung sống với cô Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na tới gần hai năm mà chả lẽ lại không biết tý gì về quá khứ, về cuộc đời của cô ấy? Tuy nhiên...
  Ngay lúc đó, An-đrây bỗng nhớ lại câu chuyện vợ chồng đáng buồn của chính mình, nhớ đến Li-u-đa. Chính bản thân anh đã biết gì về quá khứ người vợ cũ của mình chưa? Biết ít lắm. Ôi! Biết quá ít. Thật vậy, đối với Trê-nhi-a-ép vấn đề này cũng chả có gì là khó hiểu cả. Tất cả đều có thể như vậy lắm. Chả lẽ lại kết thúc câu chuyện ở đây mà chả tìm thêm được điều gì mới mẻ, không biết thêm được chứng cớ gì mới, không có thêm được dù là một chi tiết nào chăng?
  Họ im lặng một lúc, Mi-rô-nốp lại tiếp:
  -- Đồng chí Ca-pi-tôn I-la-ri-ô-nô-vích ạ,đồng chí có thể kể cho biết là đồng chí đã quen biết vợ mình trong hoàn cảnh, trong trường hợp nào được không? Quen nhau ở đâu? Đồng chí có thể nhớ lại dù là những chi tiết hoặc những nét nhỏ nhất mà đồng chí cho là có ích đối với chúng tôi được không?
  -- Tôi có thể nói điều gì có ích đối với các đồng chí? Trê-nhi-a-ép hỏi lại, không giấu sự bực mình. -- Tôi quen biết Ôn-ga ra sao điều đó có liên quan gì đến ai đâu. Tuy vậy, nếu các đồng chí thấy cần thiết thì...-- Trê-nhi-a-ép nhìn Mi-rô-nốp như muốn hỏi. Mi-rô-nốp gật đầu. -- Tôi xin kể?
  Trê-nhi-a-ép bắt đầu kể lại việc quen biết với Ôn-ga Vê-lít-cô bằng một giọng xúc động, vội vã và lúng túng:
  -- Ôn-ga... Tôi quen biết Ôn-ga ở Xô-tri. Tất nhiên là điều này không phải đơn giản. Các đồng chí cũng biết đấy. Từ lâu tôi vẫn sống độc thân và chưa hề có ý nghĩ lấy vợ. Cũng có lúc tôi mê một vài cô nhưng rồi lại không thành. Chuyện chẳng lâu la gì. Cũng có thể do nghề nghiệp của tôi. Tôi là nhà xây dựng, lại là một quân nhân. Nay công trường này, mai lại đi nơi khác. Làm sao còn có thể nghĩ đến việc lập gia đình nữa? Lập gia đình để làm gì cơ chứ? Thế rồi năm tháng trôi qua. Cách đây gần hai năm, đúng vào lúc tôi sắp đến công tác ở Crai-xcơ này thì tôi xin đi nghỉ phép ở Xô-tri...
  Tôi chả cần chữa bệnh gì đặc biệt cả. Chỉ đến để tắm biển, đi chơi thoải mái ít bữa thôi. Cứ thế hết tuần này sang tuần khác. Tôi đã cảm thấy chán. Tôi nghĩ, có lẽ đã đến lúc vẫy tay từ biệt Xô-tri để trở về nơi công tác, thì tôi gặp được một người láng giềng --- một thiếu tá--- vừa đến nghỉ ở đây. Anh ta trẻ hơn tôi. Chúng tôi làm quen với nhau rất nhanh như bất cứ ai đã từng quen nhau ở các khu nghỉ mát. Sống đã có bạn nên vui hơn và chính qua anh bạn này -- anh thiếu tá trẻ tuổi, nên tôi mới quen biết với Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na.
  Trê-nhi-a-ép im lặng một lúc.
  -- Tôi sẽ kể cho các anh biết,sự quen biết đó diễn ra như thế nào, -- ông nói tiếp -- Một lần hai chúng tôi đi dạo dọc bờ biển vào buổi tối. Trăng rất sáng đến nỗi tưởng có thể đọc sách được. Đi qua một khu rừng thưa, chúng tôi nghe có tiếng nói chuyện. Giọng nam và giọng nữ và có thể nói là cả hai đều lớn tiếng với nhau thì phải. Chúng tôi định quay về phòng thì ngay lúc ấy vang lên một tiếng tát rồi một phụ nữ vùng chạy ra khỏi lùm cây. Cô ta còn trẻ măng, vì tôi đã kịp quan sát dưới ánh trăng. Cô ta rất đẹp! Tôi không ngờ phút gặp gỡ ngắn ngủi đó đã đóng một vai trò rất lớn. Tôi chỉ biết rằng là tôi có thể ngất được. Vâng, tôi xin lỗi vì đã có những tình cảm tầm thường như vậy... Nhưng đúng thế, tôi có thể ngất đi được!
  Trê-nhi-a-ép thở dài não nuột, hình như có cái gì đang chẹn lấy cổ họng mình. Ông cố gắng nói tiếp:
  -- Sau đó, tôi thấy người đàn ông đứng tuổi, tóc rối bù chạy theo cô ta. Chúng tôi ở cái thế mặt đối mặt với cặp kia. Có thể là, cuộc chạm trán đó sẽ chả có nghĩa gì và sẽ qua đi,nếu như người con gái không quen biết kia không nắm lấy tay anh bạn tôi. Té ra, cô ta quen anh đó. Chúng tôi chả biết làm gì. Tôi thành ra người chứng kiến. Chúng tôi chào người đàn ông là chồng cô gái.
  Tôi hiểu là anh ta không bằng lòng về sự xuất hiện của chúng tôi nhưng cô ta thì trái lại. Cô cố ý giữ chúng tôi lại, vui vẻ nói chuyện và thỉnh thoảng liếc nhìn tôi. Nhìn bề ngoài thì có thể nghĩ rằng, giữa hai vợ chồng họ hầu như không có chuyện gì xảy ra, và chúng tôi chỉ là bốn người bạn thân đang giết thì giờ bằng cách đi dạo mát. Theo đề nghị của Ôn-ga, cả nhóm chúng tôi cùng vào hiệu ăn, ngồi ở đấy khoảng hơn nửa giờ rồi ra về. Khi chia tay, Ôn-ga mời tôi và thiếu tá đến phòng vợ chồng cô ở khu điều dưỡng. Dĩ nhiên tôi không có ý nhận lời, một lời mời có tính chất xã giao, mặc dầu ý nghĩ về Ôn-ga không lúc nào rời khỏi đầu óc tôi. Nhưng việc đó lại xảy ra. Hai hôm sau chúng tôi gặp lại cô ta trên bãi tắm của khu chúng tôi. Cô ta cho biết là chồng cô đã phải về bất ngờ để đi công tác ở đâu đó. Cô ta một mình ở lại Xô-tri.
  Cần phải nói là tôi không thích những chuyện tán tỉnh, không biết nói những lời bay bướm, không biết phỉnh nịnh. Từ lúc gặp Ôn-ga tôi cứ im như hến.
  Cô ta thì trái lại, luôn tỏ ra là một người nói chuyện rất lịch thiệp, hiền dịu.
  Các đồng chí có thể đoán được cảm giác của tôi chứ? Khi chỉ có hai người với nhau tôi thấy hồi hộp lạ thường. Hoang mang và mặt nóng bừng, nói năng ấp úng. Nhưng rồi dần dần gặp nhau luôn, tôi đã thấy mạnh dạn. Tôi đã quen với Ôn-ga và tôi cảm thấy hình như mình quen cô đã lâu. Hơn thế nữa càng ngày cô đối với tôi càng trở nên thân thiết. Chả bao lâu tôi giật mình nhận ra: tôi không thể sống xa cô được nữa.
Logged
namvinh789
Thành viên
*
Bài viết: 159


« Trả lời #7 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2016, 11:43:17 pm »

  Một tuần, lại tuần khác, tôi cảm thấy rằng tình cảm và suy nghĩ của Ôn-ga cũng chả khác gì tôi. Cô ta ngày càng dành cho tôi sự săn sóc, chú ý đặc biệt. Mối quan hệ của chúng tôi ngày càng gắn bó, gần gũi hơn. Cô ta kể cho tôi nghe về cuộc sống chán ngán với người chồng mà cô không hề yêu, vì anh ta luôn luôn tỏ ý ghen tuông rất ti tiện...
  Trê-nhi-a-ép lại im lặng. Một lúc sau ông mới tiếp tục:
  -- Nói sao bây giờ! Chúng tôi hiểu: số phận đã gắn bó chúng tôi và ngay ở đấy, ở Xô-tri, chúng tôi quyết định lấy nhau. Vấn đề còn lại là cô ta cần phải chính thức ly dị người chồng cũ của mình.
  -- Nhân thể xin hỏi thêm, -- Mi-rô-nốp ngắt lời, -- hình như họ ông ta là Vê-lít-cô? * Tôi chưa thấy đồng chí nói đến họ tên ông ấy bao giờ cả.
  -- Vê-lít-cô à? -- Trê-nhi-a-ép hỏi lại. -- Không phải. Đó là họ thời con gái của Ôn-ga. Còn họ của chồng cô ta là gì thì tôi, khỉ thật, cũng không biết nữa. Tôi chỉ biết ông ta là bác sĩ, hình như là bác sĩ phẫu thuật thì phải. Ông ấy sống ở Cui-bư- sép. Đấy là tất cả những gì tôi biết. Có lẽ các đồng chí cũng hiểu rằng tôi chẳng bận tâm đến ông ta làm gì. Tất cả những gì liên quan đến việc ly dị thì Ôn-ga làm lấy. Còn cách nào khác được? Đó không phải là việc của tôi...
  Tôi cùng Ôn-ga rời Xô-tri trở về Xa-ra-tốp nơi tôi đang làm việc. Chưa kịp tới nơi thì đã có quyết định chuyển tôi về công tác ở Crai-xcơ. Chúng tôi lại cùng nhau tới đây. Thật là hạnh phúc cho tôi, Ôn-ga tỏ ra là một bà chủ nhà tuyệt diệu. Cô ta biến cái hang gấu lạnh lẽo của tôi thành một tổ uyên ương ấm cúng. Đặc biệt may mắn, tôi đã đổi được căn phòng rộng cũ của tôi lấy hai căn buồng nhỏ khác... Chính vì thế mà tôi đã quen biết mụ Xa-môi-lốp-xcai-a. Tôi không biết các loại công việc khác thì ra sao, nhưng về khoản môi giới nhà cửa thì phải nói là mụ ta rất thánh!
  -- Chúng tôi,-- Trê-nhi-a-ép nói tiếp, chúng tôi sống với nhau rất tâm đồng ý hợp, có thể nói tất cả những lúc nhàn rỗi, hầu như từng phút vậy, tôi đều dành cho cuộc sống của cô ta. Tôi cố gắng làm mọi điều để cô ta cảm thấy mình là người có hạnh phúc. Thật sự đối với những nhược điểm của cô ta, quả thật là càng ngày càng lộ ra, tôi cũng đều biết rõ nhưng cố gắng bỏ qua.
  -- Ý đồng chí định nói gì? -- Lu-ga-nốp hỏi.
  -- Mê vải vóc, -- Trê-nhi-a-ép trả lời, -- cô ta lao vào việc may mặc. Ôn-ga có thể đi suốt ngày qua khắp các cửa hiệu, khắp các hàng thợ may, đến các người quen biết hoặc không quen biết để lùng, may áo quần theo mốt mới. Đôi khi tôi cũng lựa cách để ghìm cô lại, nhưng quả là khó mà từ chối cô ta bất cứ điều gì. Vả lại, cô ta cũng chả nghe lời tôi. Có đôi lúc chúng tôi đã giận nhau. Nhưng cuối cùng bao giờ Ôn-ga cũng thắng, vì tôi, tôi không thể không chiều cô ta được.
  Nói chung, nếu không có những chuyện lặt vặt đó thì cuộc sống của chúng tôi quả là tốt đẹp, hòa thuận. Nhưng đám mây đen u ám đầu tiên trong cuộc sống của chúng tôi đã đến: người chồng cũ của Ôn-ga bỗng dưng xuất hiện. Gần một năm trước đây, chả hiểu vì sao biết được chỗ ở của chúng tôi, ông ta đến Crai-xcơ để gặp Ôn-ga, vừa đe dọa vừa dỗ dành cô. Tôi được biết là Ôn-ga chưa ly dị với chồng cũ mà chỉ bỏ trốn khỏi nhà ông ta.
  Đối với tôi, con người đó không thể có một cảm tình gì cả. Nhưng hành vi của Ôn-ga làm tôi rất căm giận. Các đồng chí tự nghĩ xem, đó là một sự lừa dối. Mà không phải cô ta chỉ lừa dối ông chồng cũ mà cô ta còn lừa dối cả tôi nữa, khi cô ta nói là cô ta đã ly dị với chồng xong. Thật ra thì Ôn-ga có bỏ đi đâu mấy ngày và cô ta nói đi Cui-bư-sép để làm đơn ly dị, nhưng thực tế chỉ là đi thăm người bà con nào đó ở một thành phố khác...
  -- Thành phố nào? -- Mi-rô-nốp ngắt lời, hỏi rất hồi hộp. -- Cô ấy gặp ai?
  -- Tôi không biết chính xác, -- Trê-nhi-a-ép đáp, -- vì tôi không hỏi kỹ. Tôi chỉ nhớ, theo như Ôn-ga nói là cô về Vô-rô-ne-giơ. Nhưng đấy là mãi về sau, lúc cãi nhau cô ta mới lộ ra. Chắc các đồng chí cũng hiểu là, những việc không hay ho đó đã làm nứt rạn cuộc sống êm ấm của chúng tôi, nhưng điều đó không kéo dài được vì, quả thật, tôi vẫn yêu cô ta, yêu một cách mãnh liệt!
  Hè năm ngoái, công việc ở công trường bận đến nỗi tôi không thể có thời gian đi nghỉ. Mặc dầu đầu năm chúng tôi đã định cùng nhau đi nghỉ hè ở Ki-xlô-vơ-xcơ. Tôi không muốn cô ta bực mình thất vọng vì kế hoạch bị phá vỡ nhưng không làm cách nào khác được thế là tôi không lấy giấy đi nghỉ và đành để cô đi một mình. Chúng tôi rất buồn khi phải chia tay nhau như vậy, nhưng còn cách nào khác; tôi muốn làm vui lòng người mà tôi yêu quý nhất!..
  Trê-nhi-a-ép thở dài mệt nhọc, cúi đầu rồi im lặng. Hai ba phút nặng nề trôi qua. Sau đấy, hình như đã lấy lại được bình tĩnh, ông lại nói tiếp. Ông kể có vẻ vội vàng và hồi hộp hơn:
  -- Vâng, thế là mọi sự bất hạnh đều bắt đầu từ chuyến đi ấy. Sau khi ở Ki-xlô-vơ-xcơ trở về, Ôn-ga thay đổi hẳn. Một người nào đó chứ không phải là cô ta nữa. Cô không còn đi đến các hàng vải, hiệu may nữa. Suốt ngày cô ủ rũ, chỉ nằm xoài trên đi-văng thở dài chẳng chịu làm gì mà cũng chẳng bước chân ra khỏi cửa. Thỉnh thoảng cô ta cũng có đọc một quyển sách nào đấy mà cô ta tiện tay cầm lên. Tất cả mọi cách của tôi nhằm dò hỏi xem cô ta làm sao lại như vậy, đều vô ích. Đáp lại những câu hỏi của tôi, cô ta chỉ nói dối qua quýt là người khó chịu, mệt mỏi. Tôi không biết là tình trạng đó kéo dài đến bao giờ nếu như không xảy ra một chuyện. Một hôm, vào ngày nghỉ, tôi đang nằm một mình trên đi-văng, còn cô ta đi đâu đó. Nằm chán, tiện tay tôi chọn một cuốn sách để trên giá. Khi cầm đến một quyển và dở ra định đọc thì có một tờ giấy rơi ra. Tôi nhặt lên đưa mắt nhìn. Tôi cảm thấy như bị ai đánh một cú làm cho choáng váng. Trước mắt tôi là dòng chữ: "Ôn-ga thân yêu...".
  Đó là một bức thư, một bức thư tình. Gửi cho ai? Cho Ôn-ga! Một bức thư tình gửi cho Ôn-ga -- người mà tôi yêu quý, tôn thờ. Tôi choáng váng, không hiểu ra sao, cần phải làm gì nữa. Vò nát bức thư, tôi vất xuống sàn nhưng rồi lại nhặt lên và cố bình tĩnh để đọc. Không còn nghi ngờ gì, Ôn-ga đã phản bội tôi. Đây, các đồng chí hãy đọc và suy xét xem.
  Trê-nhi-a-ép lấy ở túi trong áo vét-tông một tờ giấy nhàu nát chi chít những dòng chữ nắn nót và đưa cho Lu-ga-nốp.
  -- Đồng chí đọc đi. Cứ đọc xem, -- Trê-nhi-a-ép giục giã. -- Tôi nghĩ rằng Ôn-ga đã có người khác, nhưng người đó là ai? Té ra lại là một thằng ranh con mới nứt mắt. Một thằng sinh viên. Quả thật, tôi không ngờ bị một đòn như vậy. Tôi không hiểu là liệu mình có đủ sức để chịu đựng cơn ác mộng này không...-- Giọng nói của Trê-nhi-a-ép lạc hẳn đi. Ông cố gắng lấy lại bình tĩnh và nói tiếp: -- Như người chết đuối vớ phải cọc, tôi tự an ủi mình, hay có lẽ đây chỉ là sự nhầm lẫn. Nhưng vô ích. Các chứng cớ đã tự xác minh sự thật. Bức thư nói lên tất cả: sự thay đổi của Ôn-ga, tính tình đỏng đảnh, thái độ buồn nản bấy lâu nay của cô ta...
  Giải đáp điều này chả có gì khó, tôi đã nắm được chứng cớ trong tay. Lát nữa, Ôn-ga sẽ về. Sẽ ra sao đây? Nói thẳng cho cô ta là tôi đã biết cả, là tôi đã đọc bức thư chăng?Hay cứ làm ra vẻ như không có gì xảy ra cả? Không! Không, cần phải thế! Thế là khi Ôn-ga vừa về, tôi yên lặng chìa bức thư cho cô ta. Cô ta bỗng khóc nức nở. "Đúng, đúng, đúng vậy, -- cô ta khẳng định. -- Tôi là một người lừa dối, hèn hạ, tôi biết, nhưng tôi biết làm thế nào khác được? Anh ta là ai à? Anh muốn biết chứ gì? Anh cần biết? Ừ, thì tôi sẽ nói. Anh ta là sinh viên, nhà địa chất. Ở Lê-nin-grát. Chúng tôi quen biết nhau ở Ki-xlô-vơ-xcơ. Chúng tôi đã yêu nhau. Anh muốn làm gì thì làm". Tôi đâm ra hoang mang. Nghĩ đến việc mất Ôn-ga là tôi không thể nào chịu đựng được. Nhưng có lối thoát nào đây? Không. Chẳng còn cách nào cả. Ngày hôm sau, mọi việc được quyết định.
  Thật ra, Ôn-ga cũng tỏ vẻ dao động, do dự nhưng chả được lâu. Sợ xấu hổ trước mọi người nên buộc lòng chúng tôi phải giấu kín việc cô ta sẽ bỏ đi. Còn nguyên nhân chuyến đi bất ngờ này của cô ta thì chúng tôi đã biện bạch là cô ta phải đi chữa bệnh đợt nữa ở Ki-xlô-vơ-xcơ. Cô ta đã đến đấy. Nhưng không phải để chữa bệnh mà là đến với người chồng mới của mình.
  Những ngày sắp xa nhau quả là những ngày nặng nề, giày vò cả tôi lẫn cô ta. Khó mà nói được rằng ai trong chúng tôi đau khổ hơn. Nhưng cuối cùng rồi mọi sự đã đi đến chỗ kết thúc: tôi không biết là tại sao tôi có đủ nghị lực nữa, nhưng hôm đó chính tôi đã tiễn Ôn-ga ra ga, đưa cô ta lên tận buồng trong toa tàu. Chúng tôi buồn bã chia tay nhau. Đấy, toàn bộ câu chuyện của tôi là thế. Tất cả cũng chỉ có thế thôi.
  Trê-nhi-a-ép im lặng, gục đầu xuống và bỗng nhiên trông ông già đi đến chục tuổi.
  -- Thế còn quần áo? -- Mi-rô-nốp phá tan sự im lặng nặng nề.
  -- Xin lỗi, đồng chí định nói gì? Quần áo nào?... À, đúng còn một số quần áo... -- Trê-nhi-a-ép xoa xoa tay lên trán. -- Cô ta chỉ lấy đi những thứ thật cần thiết và mới may. Khi tôi khuyên cô ấy lấy đi hết thì cô ta nói: "tất cả những thứ đó là tôi đã mua bằng tiền của anh, anh muốn làm gì với chúng thì làm". Tôi vẫn chờ đợi, hy vọng cô ta sẽ nghĩ lại và trở về với tôi. Nhưng, như các anh đã thấy đấy, nửa năm nay tôi không thấy tăm hơi cô ta đâu nữa. Đối với tôi thì tất cả những thứ kia, những đồ đạc, quần áo của cô ta là một sự dày vò, là cái gai trước mắt tôi. Thế là, Xa-môi-lốp-xcai-a đã mang chúng đi bán. Đấy, những gì đã xảy ra sau đó là như vậy đấy.
  -- Xin lỗi. -- Mi-rô-nốp lại hỏi.-- Thế tên họ anh chàng sinh viên mà Ôn-ga theo là gì? Chả là về anh chàng sinh viên này thì tôi có chỗ vẫn chưa hiểu rõ lắm. Đồng chí có nói rằng anh ta sống ở Lê-nin-grátnhưng Ôn-ga thì lại đi đến Ki-xlô-vơ-xcơ. Sao lại như vậy?
  -- Họ thằng sinh viên kia, tôi không biết, như các đồng chí thấy, bức thư không có chữ ký. Chỉ có một chữ viết tắt nào đó thôi. -- Trê-nhi-a-ép chỉ vào bức thư nằm trước mặt Lu-ga-nốp. -- Cô ấy đến Ki-xlo-vơ-xcơ có lẽ vì anh chàng kia sẽ đến đấy thực tập hay là thăm dò gì đó. Giờ thì có lẽ họ đã trở về Lê-nin-grát rồi. Vả lại, tôi còn cần biết gì đến điều đó? Tôi không phải Xa-đốp-xki cho nên tôi không cần phải đuổi theo cô ta làm gì.
  -- Xa-đốp-xki? Xa-đốp-xki nào?
  Trê-nhi-a-ép cười, vẻ buồn rầu:
  -- Thật là tình cờ như vậy đấy: Xa-đốp-xki -- chồng cũ của Ôn-ga. Tôi cố nhớ lại họ ông ta mà không nhớ nổi, thế mà nó đột nhiên lại bật ra.
  Mi-rô-nốp kín đáo ra hiệu cho Lu-ga-nốp. Anh đứng dậy, nói:
  -- Đồng chí Ca-pi-tôn I-la-ri-ô-nô-vích, xin lỗi là đã giữ đồng chí quá lâu, nhưng công tác chúng tôi...
  -- Không! Không sao! -- Trê-nhi-a-ép ngập ngừng bắt tay từ biệt Lu-ga-nốp và Mi-rô-nốp rồi bước ra cửa.
  Đến cửa, ông bỗng quay lại và bước một bước ngập ngừng:
  -- À, còn bức thư! Các đồng chí còn cần không?
  -- Đồng chí muốn lấy lại? -- Lu-ga-nốp hỏi.
  -- Quả là thế. Dù sao thì đó cũng là một kỷ niệm. Tuy là kỷ niệm đau xót đấy nhưng nó vẫn là một kỷ niệm.
  -- Chúng tôi đề nghị cho chúng tôi giữ ít lâu nếu như đồng chí không phản đối, -- Mi-rô-nốp nói,-- có thể nó sẽ cần cho chúng tôi.
  -- Vâng, tùy các anh, -- Trê-nhi-a-ép nói, lặng lẽ gật đầu chào và đi ra.
  -- Nào, cậu thấy thế nào? -- An-đrây quay hỏi bạn khi cánh cửa vừa đóng kín.
  Lu-ga-nốp nhíu mày, băn khoăn:
  -- Nói gì bây giờ được nhỉ? Đối với tôi thì trong câu chuyện của ông ta chả có điều gì mới mẻ nếu như ta tước bỏ tất cả những chi tiết lãng mạn của nó.
  -- Thế còn bức thư? Lần trước ông ấy có đưa cho anh xem bức thư không?
  -- Bức thư à? Đúng đấy. Lần trước ông ấy không đưa ra. Nhưng bức thư này tôi cũng liệt vào một trong những chi tiết lãng mạn. Dù bỏ nó đi thì thực chất vấn đề cũng không thay đổi cơ mà.
  -- Một chi tiết thú vị! -- Mi-rô-nốp trầm ngâm, nhận xét.
  -- Sao, nói rõ hơn xem nào?
  -- Đúng, nhiều thú vị lắm. Này nhé, thí dụ như tại sao ông ta giữ lại bức thư mà đáng lẽ ra là phải đốt quách nó đi? Sao ông ta lại mang đến đây cho chúng ta đọc? Rồi sao lại không muốn để nó lại đây?
  -- Tôi cũng không biết, -- Lu-ga-nốp nói, -- điều gì làm anh chú ý đến bức thư này. Ta thử đọc qua xem sao.
  Vừa nói Lu-ga-nốp vừa cầm lấy bức thư và đọc to lên:
  -- "Ôn-ga thân yêu!
  Theo như những lá thư em đã viết, bây giờ em đã khác hẳn, hay là em chỉ viết vậy thôi? Giá như em biết rằng, anh khao khát được gặp em, anh đang chờ mong em như thế nào! Lúc chia tay, anh muốn nói nhiều với em, nhưng... anh đã không thể nói được gì. Anh không đủ can đảm nói rằng: em sẽ là của anh, của anh mãi mãi. Nhưng, dầu sao, anh cũng chỉ mong ước như vậy, và chỉ có như vậy. Rất nóng lòng chờ em ở chỗ cũ vào cuối tháng Năm này. Anh lại được cử về đấy công tác. Anh biết và anh tin rằng chúng ta sẽ gặp nhau để sẽ không bao giờ xa nhau nữa. Đúng vậy, phải không em?" V.của em..."
  Đọc xong, Lu-ga-nốp nhìn Mi-rô-nốp:
  -- Đúng, không thể nói một cách dứt khoát được. Hoàn cảnh Trê-nhi-a-ép chả lấy gì làm khó hiểu. Ông ấy đang đau khổ và rõ ràng là có cơ sở hẳn hoi. Dù sao thì tôi cũng cho câu chuyện của ông là chân thật.
  -- Tôi đồng ý, -- An-đrây gật đầu tán thành, -- Chúng ta không có cơ sở gì để nghi ngờ tính chân thật của câu chuyện cả. Nhưng, còn bức thư... Câu chuyện về bức thư này thì tôi nghĩ dứt khoát là không hay lắm. Còn về thực chất của sự việc thì còn một vấn đề khó hiểu. Không có Ôn-ga thì chúng ta sẽ không thể nào làm sáng tỏ vấn đề được. Chúng ta thử suy nghĩ xem, làm cách nào để tìm được cô ta.
  Họ thống nhất với nhau là Lu-ga-nốp sẽ tập trung vào việc tìm kiếm Ôn-ga và mẫu chữ của cô, còn Mi-rô-nốp sẽ tập trung nghiên cứu, tìm hiểu những người chung quanh Trê-nhi-a-ép. Họ chia tay. Một trong những biện pháp được thi hành để tìm kiếm Ôn-ga là gửi điện đi Ki-xlo-vơ-xcơ và đến tất cả các nơi mà cô ta đã sống như ở Xa-ra-tốp, nơi hai vợ chồng Trê-nhi-a-ép đã sống trước khi đến Crai-xcơ, như Cui-bư-sép nơi người chồng trước của Ôn-ga đã sống và cả ở Trê-nhi-gốp nơi Ôn-ga đã sinh ra và lớn lên. Ma xui quỷ khiến biết đâu được là hiện nay ở đấy lại chả còn người nào đó thân thích của cô ta đang sống? Biết đâu được, hay chính cô ta lại đang ở đấy!
-----------------------------------------
* Phần lớn phụ nữ Nga khi lấy chồng thì theo họ chồng, do đó Mi-rô-nốp tưởng là Ôn-ga cũng mang họ chồng là Vê-lít-cô.
  
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Sáu, 2016, 11:53:36 pm gửi bởi namvinh789 » Logged
namvinh789
Thành viên
*
Bài viết: 159


« Trả lời #8 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2016, 11:45:36 pm »

Trong khi đó sau khi ở Sở công an ra,Trê-nhi-a-ép lững thững đi về nhà mình. Được nửa đường, ông dừng lại và suy nghĩ một lát. Bỗng ông quay lại, rảo bước đi về trung tâm thành phố. Đến khu nhà trụ sở thành ủy đảng, Trê-nhi-a-ép đi vào. Theo cầu thang rộng, ông bước lên gác hai vào phòng bí thư thành ủy. Đồng chí Xô-cô-lốp -- bí thư thành ủy, vừa thu dọn xong giấy tờ, thì Trê-nhi-a-ép ung dung bước vào.
  -- Ồ, mời vào, Ca-pi-tôn I-la-ri-ô-nô-vích, mời đồng chí vào, -- Xô-cô-lốp giấu vẻ bực mình, mời Trê-nhi-a-ép, -- Suốt buổi đã ngấy lên vì giấy tờ thế mà các nhà xây dựng lại không để cho yên một lát, -- đồng chí nói tiếp, cố giấu vẻ mặt không hài lòng của mình bằng nụ cười mỉa mai. -- Nào, nhà xây dựng có vấn đề gì bàn với chúng tôi đấy?
  -- Vấn đề riêng thôi, đồng chí Pi-ốt I-va-nô-vích ạ, -- Trê-nhi-a-ép cau có, và kín đáo liếc nhìn Xô-cô-lốp. Rõ ràng là ông đang lộ vẻ hồi hộp.
  -- Được, nói đi, tôi nghe đây, -- người bí thư đảng vừa nói, vừa chỉ tay mời ngồi xuống ghế!
  -- Pi-ốt I-va-nô-vích ạ! Tôi yêu cầu thành ủy xem xét lại tư cách, phẩm chất của tôi. Nếu không xứng đáng thì cứ việc thi hành kỷ luật và bỏ cái trò theo dõi, chất vấn mà cơ quan công an đã làm đối với tôi. Tôi không hiểu là đồng chí có biết không, nhưng mới có mấy tháng nay mà tôi phải chịu đựng bao nhiêu là điều thử thách. Vợ bỏ đi...Rồi bây giờ lại đến những buổi hỏi cung, cặn kẽ chi li từng chuyện cỏn con... Lý do gì cơ chứ? Tôi không phải là trẻ con nữa...
  -- Chuyện gì vậy?..-- Xô-cô-lốp ngắt lời. -- Đồng chí định nói về câu chuyện con mụ đầu cơ ấy chứ gì? Tôi có nghe nói về mụ ta. Đồng chí giám đốc công an có báo cáo cho biết. Thì anh định nói về ai bên ấy? Đúng, vợ bỏ đi -- điều đó dĩ nhiên là không vui sướng gì nhưng ma quỷ nào xui khiến mà đồng chí lại dính dáng vào cái việc của mụ buôn lậu, đầu cơ ấy? Chơi với dân buôn lậu? Quả là việc đó chả tốt đẹp gì đối với đồng chí, vì đồng chí là một người cộng sản mà lại là cán bộ lãnh đạo!
  -- Tất nhiên là, trong việc này, tôi là thằng ngu rồi, -- Trê-nhi-a-ép nghẹn ngào xác nhận. -- Tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm về điều này. Các đồng chí cứ thi hành kỷ luật, mặc dầu tôi không có tội tình gì. Nhưng không phải vì vậy mà cứ quấy rầy người ta không dứt. Cứ nay hỏi, mai hỏi...
  -- Vậy thì đồng chí muốn gì? -- Bí thư thành ủy hỏi. -- Khi chính mình đã dính dáng với bọn buôn lậu chứ! Để mọi người biết thì sao? Có phải thế không? Theo tôi biết thì, họ mời đồng chí đến Sở công an chính là để đồng chí giúp họ làm sáng tỏ câu chuyện xấu xa này. Vậy thì đồng chí cáu làm gì? Hay là, ở Sở công an họ đã đưa ra những việc mà đồng chí không hề có lỗi? Nếu đúng như vậy thì đồng chí cứ cho biết hết, chúng tôi sẽ không tha thứ những kiểu làm ăn như vậy.
  -- Không, -- Trê-nhi-a-ép nói, -- chả có ai khiêu khích hay dọa gì tôi cả. Khi họ gọi tôi đến lần thứ nhất, tôi không phản đối gì, tôi hiểu là cần phải giúp đỡ các đồng chí công an. Nhưng sau lần thứ nhất, họ lại gọi đến lần thứ hai, hết cuộc thẩm vấn này đến cuộc hỏi chuyện khác. Tất cả cũng chỉ vấn đề ấy mà thôi. Họ cứ sục vào đời tư, vào những điều đau khổ của riêng tôi không có liên quan gì đến ai cả. Đấy, vấn đề tôi phàn nàn là thế. Tôi xin nhắc lại: nếu tôi có lỗi thì thi hành kỷ luật, nhưng đừng có quấy rầy nhau mãi.
  -- Chính đồng chí cũng hiểu là nắm sự việc không đúng thì làm sao mà kết luận được. Đó cũng là bài học cho anh nhớ suốt đời đấy. Còn vấn đề về những câu hỏi có tính chất riêng tư về cuộc đời của anh -- vấn đề moi móc như anh nói, thì tôi sẽ nói chuyện với bên công an. Đồng ý chứ?
  Xô-cô-lốp thu dọn giấy tờ để tỏ rõ là câu chuyện đã kết thúc. Trê-nhi-a-ép đứng dậy, xin lỗi và đi ra. Khi cánh cửa vừa khép chặt, bí thư thành ủy liền gọi điện thoại cho giám đốc công an thành phố. Sau khi hỏi bên công an là tại sao lại gọi Trê-nhi-a-ép lên lần thứ hai, đồng chí liền gọi điện thoại ngay cho Xcơ-vô-re-xki. Câu chuyện với cục trưởng Cục an ninh nhà nước tỉnh Crai-xcơ rõ ràng đã làm hài lòng người bí thư thành ủy. Nói chuyện xong với Xcơ-vô-re-xki, đồng chí lại ngồi vào ghế, và tiếp tục làm việc một cách bình tĩnh thoải mái.
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Sáu, 2016, 11:55:32 pm gửi bởi namvinh789 » Logged
namvinh789
Thành viên
*
Bài viết: 159


« Trả lời #9 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2016, 09:06:43 am »

                                                                                                                 CHƯƠNG 4
  Những ngày sau buổi nói chuyện với Trê-nhi-a-ép, Mi-rô-nốp và Lu-ga-nốp phải bù đầu với bao công việc. Trong khi chưa có điện trả lời từ Ki-xlo-vơ-xcơ và chưa xác định được chỗ ở hiện nay của Ôn-ga Vê-lít-cô thì họ lao cả vào việc tìm kiếm những người quen và bạn bè của Ôn-ga ở Crai-xcơ. Làm công việc đó không phải chỉ cần có thời gian mà đòi hỏi... cả đôi chân khỏe nữa. Đúng, đôi chân khỏe. Họ đã chạy đi chạy lại không phải là ít!
  Trước hết, Lu-ga-nốp đến căn nhà Trê-nhi-a-ép ở. Qua các câu chuyện với những người chung quanh và người nhân viên quản trị anh biết được thêm một số chi tiết làm sáng tỏ hơn nếp sinh hoạt của Trê-nhi-a-ép. Cũng ở đây, anh đã biết cô Dê-len-cô -- nữ y tá trẻ, láng giềng sát phòng với vợ chồng Trê-nhi-a-ép. Hình như Dê-len-cô chơi thân với Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na. Lu-ga-nốp cũng biết được là trước đây vợ chồng Trê-nhi-a-ép và hiện nay tuy chỉ còn một mình, nhưng ông ta cũng mượn một bà giúp việc tên là Xtê-pha Lép-cô-vích. Có lẽ hỏi chuyện bà này sẽ cho ta nhiều điều bổ ích. Mi-rô-nốp nhận việc đó; sau khi đã tìm được lý do có vẻ phù hợp thì ngay chiều hôm đó anh đến thăm bà Xtê-pha ở nhà riêng.
  Thật là may, Xtê-pha Lép-cô-vích lại là một người đàn bà thích bắt chuyện.
  -- Tôi sống ra sao à? -- Bà xởi lởi trả lời ngay câu hỏi của An-đrây. -- Không sao,không có gì đáng phàn nàn cả. Làm gì thì làm miễn là có lương ăn. Tôi phục vụ ở khách sạn, và tôi đã nhận thêm một buồng nhà tư để kiếm thêm tiền tiêu vặt: buồng của ông Trê-nhi-a-ép Ca-pi-tôn I-la-ri-ô-nô-vích. Anh không biết ông ta à? Sao lại thế được nhỉ? Ông ta là người thế nào ư? Một người nghiêm nghị, lịch thiệp đã đứng tuổi. Sống dè sẻn, điều đó quả là có thật. Nhờ mua gì thì tính từng Cô-pếch một. Nếu cho thế là căn cơ, thì cũng được. Chúa chả giận đâu! Đối với tôi điều đó chả hề gì. Đấy là việc của ông ta.
  Khi nói sang Ôn-ga Vê-lít-cô, thì bà ta xòe tay ra:
  -- Nói gì về chị ấy được nhỉ? Tôi cứ tưởng Ôn-ga là người rất tốt. Thế mà lại hóa ra là người nhẹ dạ. Ca-pi-tôn chiều chuộng, quý mến bấy nhiêu mà cô ta vẫn đang tâm bỏ ông ta. Đúng! Bề ngoài mà nhìn thì cô ta rất hiền lành, dịu dàng khiêm tốn. Bỗng dưng lại xoay ra thế! Ai làm sao mà hiểu được? Còn ông chồng thì tôi không phải nói nữa -- một con người điềm đạm, đứng đắn đến thế, mà cô ta vẫn bỏ đi chả nói lại lấy một lời. Nhưng trước khi xảy ra chuyện đó tôi đã để ý thấy có sự lạ rồi. Chả là, trước lúc cô ta bỏ đi mấy ngày, tôi thấy có một người trẻ tuổi đến thăm cô ấy. Anh ta vào buồng, ngồi uống cà-phê và cứ im thin thít. Còn cô ta thì sao? Cô Ôn-ga ấy mà, như ngồi trên đống kim ấy, cứ nhấp nha, nhấp nhổm. Đúng thế thật mà! Còn anh khách kia thì cô ấy khoe là anh em thúc bá. Nhưng hoàn toàn không có vẻ gì giống là anh em cả. Tại sao tôi lại nhớ kỹ vậy? Chả là ngày hôm sau tôi lại gặp anh ta ở khách sạn, đúng ngay tầng tôi làm việc. Thế tức là anh ta ở đâu đó đến.
  -- Anh ta không phải là người ở đây? -- Mi-rô-nốp hỏi nhanh, hết sức chú ý chi tiết của bà Lép-cô-vích lắm lời này.
  -- Anh ta ấy à? Dĩ nhiên không phải là người ở đây rồi. Ở tỉnh khác đến nên mới thuê khách sạn chứ.
  -- Anh ta ở đâu đến, bà có nhớ không?
  -- Sao lại không nhớ? -- Lép-cô-vích nói, giọng có vẻ ngạc nhiên trước câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn của Mi-rô-nốp. -- Sao lại không nhỉ, thậm chí còn nhớ kỹ là khác. Dù sao thì anh ta cũng không phải là người xa lạ, anh ta là anh họ Ôn-ga -- cô chủ nhà xinh đẹp, hiền lành của tôi cơ mà.
  -- Thế thì anh ta ở đâu đến? -- Mi-rô-nốp hỏi lại.
  -- Hừ, theo như anh ta nói thì, hình như từ...
  Bà Lép-cô-vích nhắc đến N. -- một thành phố cảng loại lớn. Mà ở gần đó, Mi-rô-nốp biết có một số nhà máy sản xuất các loại hàng quân sự tối mật. Ngay cả Mi-rô-nốp cũng không được biết cụ thể. "Nếu như "ông anh" này làm việc tại một trong số những nhà máy trên đây thì sao? -- An-đrây thoáng nghĩ. -- Không nên loại trừ điều này."
  -- Như tôi đã nói là, -- bà Lép-cô-vích lại sôi nổi, nói tiếp, -- tôi gặp anh ta ở hành lang lúc vừa ở trong buồng bước ra...
  -- Buồng số mấy, bà có nhớ không? -- An-đrây lại hỏi ngay.
  -- Nhớ chứ! Buồng số mười lăm...-- Bà Lép-cô-vích hơi ngập ngừng. -- À! Hình như không phải... Phòng hai mươi lăm. Ôi, tôi sao tự nhiên lại bị lẫn rồi. Phòng hai mươi mốt thì đúng hơn. Đúng rồi, phòng hai mốt.
  Câu chuyện về sau không còn gì hấp dẫn nữa, An-đrây Mi-rô-nốp vội cảm ơn và tìm cách kết thúc câu chuyện con cà con kê này.
  Ngay tối hôm đó, Mi-rô-nốp và Lu-ga-nốp đến phòng giám đốc khách sạn. Họ yêu cầu cho mượn sổ đăng ký khách trọ. Hai người đặc biệt chú ý số khách trọ khoảng từ mùa xuân đến mùa hè năm ngoái. Mi-rô-nốp chú ý ngay đến người khách mang tên An-tôn Vla-đi-mi-rô-vích Rư-gi-cốp, ba mươi ba tuổi, kỹ sư vô tuyến điện từ thành phố N. tới. Tháng tư năm ngoái, anh ta đã trọ ở khách sạn này mấy ngày nhưng không phải là buồng mười lăm hay hai mươi mốt mà là buồng số mười tám -- dãy số chẵn. Theo như trong sổ ghi: Rư-gi-cốp đến Crai-xcơ công tác.
  Ngay đêm đó, công an thành phố N. nhận được điện yêu cầu thẩm tra Rư-gi-cốp: nơi làm việc, và mục đích chuyến đi của anh tới Crai-xcơ. Sáng hôm sau, Lu-ga-nốp cũng đã tìm cách lấy được mẫu nét chữ của Ôn-ga Vê-lít-cô. Không nghi ngờ gì nữa: những dòng chữ lạ lùng trên mảnh giấy vụn kia chính là do tay cô ta viết. Lu-ga-nốp và Mi-rô-nốp càng nóng ruột đợi điện trả lời ở Ki-xlo-vơ-xcơ tới.
  Mi-rô-nốp tiếp tục nghiên cứu rất kỹ về Trê-nhi-a-ép và những người giúp việc quanh ông ta. An-đrây nói chuyện với Xcơ-vô-re-xki và đề nghị ông cử một cán bộ của Cục an ninh nhà nước tỉnh Crai-xcơ thường xuyên bám sát Trê-nhi-a-ép nhằm bảo vệ ông ta và đề phòng những bất trắc có thể xảy ra. Còn đối với những người cộng sự với ông ta thì vẫn phải tiếp tục theo dõi.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM