Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 15 Tháng Năm, 2024, 02:36:07 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.  (Đọc 101022 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #130 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2008, 07:29:57 pm »

  Trong chuyến về Sài Gòn trước khi lên Đà Lạt gặp Bảo Đại, Kim Sơn đã thông báo cho Dupra biết, anh sẽ đi tìm lại gia đình và ngỏ ý nhờ y tìm giúp. Tay Phòng nhì trao cho anh một địa chỉ trên đường Phan Thanh Giản, bảo: "Hình như đó là nơi ở của gia đình anh", kèm theo nụ cười úp mở: "Về đó, sẽ có nhiều điều thú vị bất ngờ chờ anh. Nhưng có gặp người em của anh thì phải coi chừng, anh ta là Cộng sản thứ thiệt đấy". Vừa bước vào căn nhà số 90-92-94 đường Phan Thanh Giản (nay là Lê Thị Riêng, quận 1) Kim Sơn đã hết sức ngạc nhiên khi biết rằng mình đã... có vợ, trong khi chân dung của anh lại đang đặt trên bàn thờ gia đình, dưới khói hương leo lét. Câu chuyện này cũng là kết quả tốt đẹp sau một vai kịch mà anh từng đóng. Số là năm 1944, trước lúc ra trường, học sinh Trường Lycée Sisowath và Trung học nữ Phnôm Pênh đã cùng nhau công diễn một vở kịch. Viết kịch bản xong, tác giả kiêm đạo diễn Huỳnh Trung Nhì quyết định chọn cô Nguyễn Thị Nho - hoa khôi Trường trung học nữ vào vai chính - một cô gái nghèo phải đi làm vợ bé một kẻ nhà giàu. Còn Kim Sơn, vai diễn đảm nhận khiêm tốn hơn nhiều: anh sắm vai gã đầy tớ của nhà giàu nọ. Với Kim Sơn như vậy là quá đủ. Từ lâu, anh đã thầm yêu trộm nhớ "chị" Nho (hai người bằng tuổi) nhưng chưa một lần dám ngỏ lời. Với vai đầy tớ, anh sẽ có cơ hội (dù chỉ là trên sân khấu) bưng nước, pha trà và chăm sóc "bà chúa" của lòng mình. Đùng một cái, cách hôm công diễn chỉ 2 ngày, cô Nho xin trả vai vì "bố em hổng chịu". Ông Minh, bố cô Nho, là một viên chức của Ty Công chánh Phnôm Pênh không chịu nổi việc con gái cưng độc nhất của mình phải vào một vai khốn khổ nên nhất quyết phản đối. Không dám cãi lời cha, cô diễn viên chính đành trả vai. Đạo diễn tái mặt: Lấy ai thay bây giờ? Trời xui đất khiến, Kim Sơn xung phong: "Kiếm người khác vào vai đầy tớ, tôi đóng vai cô Ngọc vợ bé, với điều kiện cô Nho phải tự tay hóa trang cho tôi". Bí quá, đạo diễn đành gật. Không ngờ, Kim Sơn nhập vai quá tốt. Sân khấu vừa hạ màn, giáo sư Xuân, người phụ trách môn Việt văn ở Trường Sisowath đã kêu lên với đạo diễn: "Anh thuê cô nào đóng vai cô Ngọc vừa đẹp vừa diễn hay quá vậy?!". Sau vở diễn, tình cảm của hai người đã bắt đầu quyến luyến. Thu hết can đảm, Kim Sơn chỉ dám gửi cho người mình yêu ba chữ "Anh yêu em" bằng tiếng Pháp rồi trốn biệt, ốm tương tư suốt cả tháng trời. Cô Nho cũng viết cho anh một lá thư dài 5 trang, nêu rõ hàng loạt lý do, nào không môn đăng hộ đối (nhà Kim Sơn rất giàu), nào cả hai còn nhỏ, chưa có tương lai (mới 17 tuổi) nên chưa thể trả lời v.v... Cuộc tình mới nhen lên, dùng dằng chưa dứt thì Cách mạng tháng Tám nổ ra. Mang theo cơn ốm tương tư, Kim Sơn đi biền biệt theo kháng chiến. Trong khi đó, cô Nho cũng hồi hương về Trà Ôn, Vĩnh Long, sau đó lên Sài Gòn tiếp tục học. Là hoa khôi, hàng loạt thầy thông, thầy ký, cậu ấm đã liên tục đến "thưa chuyện" cùng cha mẹ cô xin cưới. Thấy cô Nho đã lớn, cha mẹ cô cũng có ý thúc giục. Bí quá, cô Nho lên Sài Gòn, kể hết cho em ruột của Kim Sơn là Nguyễn Ngọc Hà nghe, nhờ Hà nhắn hỏi anh Sơn một câu dứt khoát để còn yên tâm chờ đợi. Nghe Hà kể, gia đình Kim Sơn vốn cũng quý mến cô Nho nên đồng ý. Cha mẹ cô Nho đưa điều kiện phải làm đám hỏi trước cho chắc ăn. Mẹ Kim Sơn quyết định: "Đã vậy thì cho cưới luôn". Vậy là trong khi Kim Sơn đang ngang dọc tung hoành với chi Lam Điền ở đường số 5 ngoài Bắc thì tại Sài Gòn, đám cưới linh đình của anh đã được tổ chức, chỉ vắng mỗi mình... chú rể. Cô Nho về nhà chồng, trở thành người giữ tay hòm chìa khóa của gia đình anh chưa bao lâu thì cô tin Kim Sơn đã chết ở chiến khu Việt Bắc. Vậy là bàn thờ anh được lập, cô để tang anh. Giữa năm 1949, khi Kim Sơn trở lại, thấy ông chồng kháng chiến thoắt cái trở thành một tên Việt gian, mang hàm đại úy ngự lâm quân, cô Nho giận lắm, khóc rưng rức. Gia đình Kim Sơn cũng nhìn anh bằng cặp mắt tức giận. Hoảng quá, Kim Sơn chỉ dám ở nhà vài ngày rồi lặn luôn, sau khi thề sống thề chết với cô vợ trẻ là mình không hề thay lòng đổi dạ, cả với kháng chiến lẫn với... vợ hiền. Hoàng Đạo cũng phải vận hết tài hùng biện mới giúp gia đình Sơn giải tỏa hết những mối nghi ngờ.

  Tại Sài Gòn, trong vai diễn hai tên Việt gian cỡ bự, cả Hoàng Đạo lẫn Kim Sơn đã bị Công an Nam Bộ tóm cổ. Phải mất hơn nửa tháng, cả hai mới chứng minh được tư cách kháng chiến của mình mà vẫn không làm lộ vai diễn đặc biệt, nhờ đó mới được thả. Một tháng sau khi Kim Sơn tự do, từ Hà Nội, thư của Ty Điệp báo và Nha Công an Trung ương yêu cầu thả hai anh mới vào đến Công an Nam Bộ! Những cuộc bàn bạc thương thuyết giữa Phục Việt và Phòng nhì đã đi đến một kế hoạch quan trọng: Phục Việt sẽ khởi nghĩa ở Khu IV cướp chính quyền từ tay Việt Minh, sau đó Pháp sẽ nhanh chóng đổ quân vào hỗ trợ chính quyền do Phục Việt nắm, tiến tới khởi nghĩa toàn quốc chống Việt Minh của các đảng phái. Kế hoạch được trù liệu sẽ tiến hành vào khoảng tháng 10-1949, ngay sau đại hội đảng Phục Việt. Trước khi vào trận cuối cùng, Ty Điệp báo đã đem toàn bộ kế hoạch và điệp vụ báo cáo lên Nha Công an Trung ương. Thấy nước cờ "lấy chính trị phục vụ chuyên môn" này có phần quá phiêu lưu, Trung ương đã không duyệt. Hoàng Đạo, Kim Sơn và đảng Phục Việt "ma" được cấp trên yêu cầu chấm dứt vai trò. Trước khi rút, Hoàng Đạo và Kim Sơn được lệnh tìm mục tiêu đánh một trận thật lớn để gây tiếng vang cho cuộc kháng chiến.

  Là một đại úy ngự lâm quân, thường được hộ tống Hoàng Đạo cùng Quốc trưởng Bảo Đại và Thủ tướng Trần Văn Hữu vào Nam ra Bắc bằng máy bay Dakota, óc phiêu lưu của Kim Sơn lại nhanh chóng hình thành một kịch bản táo bạo, theo mô hình của đảo chính Galvao ở Bồ Đào Nha trước đó. Nhờ hỏi chuyện phi hành đoàn, Kim Sơn biết sân bay Thanh Hóa do Nhật xây dựng từ thời Chiến tranh thế giới thứ II vẫn có thể đáp được Dakota, nếu được dọn dẹp, phát quang lại. Theo kịch bản, trong chuyến bay đưa cả Bảo Đại và nội các của Thủ tướng bù nhìn Trần Văn Hữu ra Hà Nội họp bàn kế hoạch cho khởi nghĩa của Phục Việt ở Thanh Hóa, Hoàng Đạo và Kim Sơn sẽ tiến hành bắt cóc toàn bộ nội các này. Là sĩ quan ngự lâm quân, việc Kim Sơn đưa vũ khí lên máy bay sẽ không ai ngăn cản. Khi máy bay sắp ra đến xứ Thanh, Kim Sơn sẽ "nháy" Hoàng Đạo ra và trao khẩu Thomson vào tay anh. Trong khi Kim Sơn dùng súng Côn bạt khống chế phi hành đoàn thì Hoàng Đạo sẽ chĩa súng vào ngực Bảo Đại và toàn bộ nội các, bắt máy bay phải đáp xuống sân bay Thanh Hóa. Kế hoạch gần như chắc chắn thành công. Trường hợp xấu nhất, Kim Sơn và Hoàng Đạo sẽ cho nổ máy bay, tiêu diệt toàn bộ nội các lẫn Quốc trưởng, gây tiếng vang thật lớn.

  Quá phấn khởi với vở diễn táo bạo và chắc ăn này, Hoàng Đạo đã nhanh chóng báo cáo với cấp trên xin chỉ thị. Phấn khích vì kế hoạch thỏa mãn cả óc tưởng tượng lẫn máu phiêu lưu, cả Hoàng Đạo lẫn Kim Sơn đều không tính đến hậu quả của cú "bắt cóc" động trời này. Lẽ tất nhiên, ngay khi Bảo Đại và toàn bộ nội các Trần Văn Hữu bị bắt sống, Pháp sẽ tung quân nhảy dù vào Thanh Hóa để giải cứu, đồng thời toàn bộ vùng biển Khu IV cũng sẽ bị tàu chiến Pháp vây chặt. Lực lượng quân sự của ta ở Thanh Hóa lúc này chỉ chủ yếu là dân quân tự vệ, còn quân chính quy đã tăng cường gần hết cho các chiến trường khác, e không thể cố thủ nổi trước 3 gọng kìm không - thủy - lục quân của quân đội Pháp. Vì vậy, Hoàng Đạo và Kim Sơn nhận được chỉ thị: "Bãi bỏ kế hoạch, tuyệt đối không được phiêu lưu". Rất buồn vì kế hoạch không được chấp thuận, không có cơ hội "đánh một trận kinh thiên động địa" như ao ước, nhưng Kim Sơn vẫn không nản. Anh lại nhanh chóng cùng Hoàng Đạo vạch kế hoạch bắt sống đại diện những đảng phái phản động và đánh chiến hạm Pháp đang lởn vởn ngoài khơi biển Sầm Sơn.

  Theo đúng kế hoạch, ngày 15-9-1949, 3 tên phản động là Đinh Xuân Cầu - một tai mắt của tình báo Pháp, Lê Quang Thiện (tức Minh), đại biểu Quốc dân đảng và Nguyễn Văn Hướng, nguyên là Tổng bí thư đảng Đại Việt từ Vĩ tuyến 16 trở vào, được tuần dương hạm Annamite đưa vào bờ biển Sầm Sơn. 11 giờ đêm, Hoàng Đạo và Cao Nguyên Bình đứng ở mép nước bấm đèn pin ra hiệu. Lập tức thuyền phó tàu Annamite cùng đội lính bảo vệ cho hạ thủy canô xuống đưa Cầu, Hướng, Minh vào bờ. Riêng Kim Sơn, anh phải tránh mặt vì trong chuyến đưa Đinh Xuân Cầu vào thăm chiến khu Phục Việt trước đó, anh đã được cấp trên ra lệnh "chết" để chấm dứt vai kịch đang thủ diễn. Khi 3 tên phản động được đưa đến nơi an toàn, Kim Sơn mới xuất hiện. Trông thấy anh, Đinh Xuân Cầu tái mặt ngạc nhiên. Đến lúc đó, y mới được Kim Sơn và Hoàng Đạo "vui vẻ" thông báo cho biết toàn bộ sự thật. Để giữ mạng sống và chuộc tội với cách mạng, Đinh Xuân Cầu đã ngoan ngoãn viết thư cho trùm Phòng nhì Dupra thông báo "thắng lợi", đồng thời xin thêm điện đài, đồ đạc và gấp rút chuẩn bị để "đón ông bà Hoàng Đạo cùng vào".

  Kế hoạch đánh tàu được bàn bạc đến từng chi tiết nhỏ nhất, được Nha Công an Trung ương duyệt và chỉ đạo chặt chẽ. Đích thân đồng chí Nguyễn Duy Soạn, Phó giám đốc Ty Công an Hà Nội được Nha cử vào trực tiếp chỉ huy vụ đánh tàu này. Đêm 19 rạng ngày 20-9, Kim Sơn đã một mình ra tàu chiến địch để liên lạc hẹn ngày đón. Lẽ ra, việc này phải giao cho người khác vì Kim Sơn được coi là đã chết, lỡ lên tàu gặp lại người quen thì anh chắc chết. Nhưng, ngoài Kim Sơn, không ai thuộc đường đi nước bước trên tàu địch, cũng không ai thạo tiếng Pháp hơn anh nên Kim Sơn lại đành liều mình. Dù đã cải trang thật kỹ, song từ lúc bước chân xuống thuyền đến lúc cập mạn tàu, Kim Sơn cũng cứ ngay ngáy lo lỡ đứng đón anh trên boong là Dupra, Barberit hay Jacquemin thì hỏng bét. Rất may, chuyến cải trang cho vai diễn cuối cùng đã không hề gặp sự cố nhỏ nào. Đúng hẹn, ngày 26-9-1950, thông báo hạm Amyot D'lnville, dài 150m, rộng 15m đã tiến vào cửa biển Sầm Sơn. Đây là chiếc tàu lớn nhất, giàu chiến tích nhất trong Chiến tranh thế giới thứ II của hạm đội tuần dương Pháp, nay được điều sang biển Đông và đang trên đường sang chi viện cho chiến tranh Triều Tiên. Tổ công tác gấp rút chuẩn bị cho "ông bà Hoàng Đạo" xuống tàu. Thuốc nổ được nhét trong va li quần áo của bà Hoàng Đạo, lẫn giữa những bánh thuốc phiện được đem ra bán lo kinh tài cho đảng Phục Việt. 3 ống kíp nổ do Chu Duy Kính, tức Mai, tức điệp viên A15 giữ. Người thủ vai "bà Hoàng Đạo" là điệp viên A16, chị Nguyễn Thị Lợi, một phụ nữ Nam Bộ bất hạnh được Công an Thanh Hóa cứu sống và được Hoàng Đạo cưu mang. Khi được nhận vào tổ điệp báo với bí danh A16, chị đã tình nguyện làm người xách va li xuống tàu và ở lại, chấp nhận hy sinh để đánh tàu, còn Hoàng Đạo sẽ viện cớ đang bận việc và quay lại.

  Đêm ấy, biển động dữ dội, nhưng sợ chờ lâu không thấy người ra, tàu địch sẽ chạy mất lỡ cơ hội, cả tổ quyết định vẫn xuống thuyền ra biển. Đề phòng bất trắc, Hoàng Đạo đã nhờ các đồng chí địa phương chặt luồng ghép làm mảng chắp thành cánh hai bên be xuồng cho sóng khỏi đánh lật. 2 giờ sáng thuyền rời xa bờ biển Sầm Sơn. Gần 6 giờ sáng, thuyền mới xa bờ được chừng 8km. Cả đoàn đều ướt đẫm và say sóng nhừ tử. Đúng lúc đó thì thuyền cập mạn tàu Amyot D'lnville. Sau khi đưa "ông bà Hoàng Đạo" lên tàu xong, Kim Sơn cúi xuống mạn tàu bảo "người đầy tớ": "Anh Mai đưa hành lý của bà lên".

  Chiếc va li thuốc nổ to đùng, lúc ở trên bờ Kim Sơn và Mai phải lặc lè khiêng mới đưa được xuống thuyền. Còn ở đây, thuyền tròng trành, đường lên tàu chỉ là một chiếc thang dây chao lắc, Kim Sơn vã mồ hôi. Không thể để hai người thòng dây xuống kéo, khối thuốc nổ bị va đập chắc chắn sẽ nổ tung... Đúng lúc nan giải ấy, điệp viên A15 (Mai) chứng tỏ một nỗ lực phi thường. Buộc quai vào va li thuốc nổ, một mình Mai đã cõng nó trên lưng lần từng bước trên bậc gỗ thang dây và đưa nó lên trên boong tàu cao ngất không một lần va đập.
Trong khi Hoàng Đạo, Kim Sơn ngồi nói chuyện với viên thuyền trưởng thì Mai tiếp tục đưa va li quần áo vào cabin cho "bà Hoàng Đạo" thay. Được một lát, theo lệnh Hoàng Đạo, Kim Sơn cũng xin phép thuyền trưởng để tới cabin trông chừng sức khỏe "bà Hoàng Đạo". Vào đến nơi, anh đứng gác cửa để cho Mai cắn kíp gắn vào va li thuốc nổ. Khi mọi việc đã hoàn tất, những màn chào hỏi, từ biệt cũng đã diễn xong, cả tổ - trừ chị Lợi ở lại - xuồng thuyền để vào bờ thì một tình huống mới nảy sinh. Vào thời điểm đó, trình độ của ngành quân giới còn rất thô sơ, non yếu. Kíp nổ hẹn 4 giờ, có lúc mới 2 giờ đã nổ, có lúc... tịt luôn, không thể chủ động được. Để chắc ăn, bộ phận quân giới đã chuẩn bị cho tổ điệp báo 3 kíp nổ một lúc. Khi gắn kíp, do quá hồi hộp, Mai chỉ cắn vỡ lọ acid của 1 kíp rồi trở ra nhưng Kim Sơn không biết. Khi xuống quay mũi vào bờ, anh mới nói. Kim Sơn tức điên lên, đòi "đưa 2 chiếc kia đây, tao liều mạng lên cắm lại". Khổ thay, 2 kíp thừa, Mai đã quăng xuống biển ngay khi vừa trở lại thuyền. Việc Kim Sơn liều mạng quay lại tàu, chấp nhận hy sinh để kích nổ va li thuốc cũng không thể thực hiện vì sự trở lại của anh sẽ báo động cho địch, chúng sẽ tiêu diệt cả đoàn và vô hiệu khối thuốc nổ ngay. Không ngờ vai diễn cuối cùng lại có nguy cơ trở thành vai diễn tồi tệ và vô ích nhất, Kim Sơn, Hoàng Đạo và tất cả mọi người đều lặng câm không nói một câu, chỉ gò lưng trên tay chèo nặng trĩu.

  Hơn 10 giờ trưa ngày 27-9-1950, thuyền về đến bờ. Cả tổ trèo lên núi Độc Cước chờ đợi. Tàu Amyot D'lnville quay mũi về hướng đảo Người (Home) và mất hút. 10 giờ 30 phút... 11 giờ... 11 giờ 30 phút, khi tất cả định quay về thì "ầm", một tiếng nổ long trời bùng lên trên mặt biển, kéo theo hàng loạt tiếng nổ dây chuyền khác, dội rền ngoài khơi. Cả tổ nhảy ào lên, ôm nhau sung sướng. Sau phút hân hoan là nước mắt lặng thầm. Hoàng Đạo, Kim Sơn chia nhau bó hương đốt cắm dọc mép bờ nước biển. Cả tổ im lặng dàn hàng ngang trông ra phía biển, cúi đầu tưởng nhớ điệp viên A16 - chị Nguyễn Thị Lợi đã vĩnh viễn không còn quay trở lại. Dù mất mát, đau thương nhưng điệp vụ của họ đã kết thúc toàn thắng. Với Kim Sơn, vai diễn lớn nhất đời anh cuối cùng cũng đã thành công mỹ mãn.

 
Nguyễn Hồng Lam
Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #131 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2008, 07:26:02 pm »

94 - Vũ Ngọc Nhạ (1928-2002)
Cố vấn ba đời Tổng thống ngụy Sài Gòn


  Ở Việt Nam, rất nhiều người đã từng say mê với tiểu thuyết “Ông cố vấn” của nhà văn Hữu Mai (và sau đó là bộ phim cùng tên chuyển thể từ tiểu thuyết), viết về chiến công của một nhà tình báo cộng tác lỗi lạc trong lòng chế độ Mỹ - ngụy ở Sài Gòn. Nhân vật chính trong bộ phim và tiểu thuyết là Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ, bí danh Hai Long, nguyên cố vấn cho ba đời tổng thống ngụy Sài Gòn.

  Vũ Ngọc Nhạ sinh ngày 30-3-1928, tại làng Cối Khê, xã Vũ Hội, Vũ Thư, Thái Bình, tham gia Mặt trận Việt Minh sau ngày Toàn quốc kháng chiến, vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1947. Bốn năm sau, anh trở thành Thị ủy viên của thị xã Thái Bình. Anh đã từng là một trong 300 đại biểu kháng chiến được mời về dự Hội nghị chiến tranh du kích đồng bằng Bắc Bộ (1952). Tại đó, sau vài lần gặp gỡ, biết anh có ít nhiều kinh nghiệm làm công tác địch vận ở vùng địch tạm chiếm ở Thái Bình, chính Hồ Chủ tịch đã chọn anh vào hàng ngũ những người tiên phong làm công tác tình báo của Quân đội nhân dân Việt Nam để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài với Mỹ - ngụy. Anh được đích thân Bác Hồ căn dặn: "Nhiệm vụ của chú là vào Nam tìm cách nắm bằng được Mỹ - ngụy đã làm gì, chúng đang làm gì và sẽ làm gì...". Để tạo vỏ bọc an toàn, người cán bộ Cộng sản Vũ Ngọc Nhạ đã thâm nhập vào quân đội Liên hiệp Pháp và có cơ hội chụp ảnh chung với cha Lê Hữu Từ, cha Cassaigne tại Hải Phòng vào cuối năm 1954 trước khi lên tàu di cư vào Nam không lâu lắm.

  Năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, với tờ căn cước hợp pháp, Vũ Ngọc Nhạ đưa vợ con từ làng Cối Khê, xã Vũ Hội, Vũ Thư, Thái Bình theo quân đội Pháp xuống tàu Hải Phòng di cư vào Nam. Anh tìm cách "bọc mình" thật kín và âm thầm làm nhiệm vụ.

  Có thể nói, trận chiến đấu thật sự của nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ bắt đầu vào một buổi sáng tháng 12-1958. Do Tá Đen, một tên chiêu hồi chỉ điểm, bọn mật vụ thuộc đoàn công tác đặc biệt của Ngô Đình Cẩn do Dương Văn Hiếu cầm đầu đã bắt cóc anh. Sau hơn một tháng giam giữ tại địa điểm bí mật ở đường Bến Vân Đồn, Quận 4, Vũ Ngọc Nhạ bị bọn mật vụ chuyển ra trại Tòa Khâm (Huế). Suốt 8 tháng trời, bằng các thủ đoạn và mọi ngón nghề khai thác, lừa bịp, mị dân, kẻ địch vẫn không phát hiện được con người thật của Vũ Ngọc Nhạ. Trước sau, chúng chỉ biết về anh như tất cả "sự thật" mà tổ chức đã chuẩn bị sẵn khi đưa anh vào sống trong lòng địch. Trong trại Tòa Khâm, Vũ Ngọc Nhạ bắt được liên lạc và được "anh Mười" - tức đồng chí Trần Quốc Hương - và được giao nhiệm vụ trèo cao, chui sâu vào trong lòng địch để hoạt động.

  Từ cái "vỏ bọc" của tổ chức trao cho, dựa vào ảnh hưởng của cha Lê Hữu Từ, cha Hoàng Quỳnh ở nhà thờ Bình An và Phát Diệm mà anh đã có dịp biết, anh bắt đầu hành động. Lúc này, chế độ Ngô Đình Diệm rất cần sự ủng hộ của các linh mục có tiếng chống Cộng quyết liệt này. Vũ Ngọc Nhạ đã khéo léo biến mình thành "cầu nối" cho hai bên kết gắn với nhau. Từ đó, dần dần anh chiếm được lòng tin của Ngô Đình Cẩn - Cố vấn miền Trung của chế độ Ngô Đình Diệm. Cẩn đã "bắt cầu" cho anh sang cha Thục, Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Diệm. Bản tường trình phân tích kỹ bốn nguy cơ "đe dọa chế độ mà Ngô Tổng thống đã dày công vun đắp", mà anh trình lên họ Ngô đã khiến Ngô Đình Cẩn, sau đó là cả Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Diệm quan tâm chú ý. Khi được hỏi, Vũ Ngọc Nhạ đã khéo léo hé cho anh em họ Ngô biết rằng tất cả những ý kiến trong tờ trình đều là của giám mục Lê Hữu Từ, anh chỉ là người lĩnh hội và được thừa nhiệm báo nguy chế độ. Đánh giá rất cao "trách nhiệm" và sự sâu sắc của "bản tường trình", đồng thời tưởng nắm được cơ hội tìm sự ủng hộ của khối Công giáo di cư do giám mục Lê Hữu Từ và linh mục Hoàng Quỳnh lãnh đạo, anh em Diệm - Nhu đã tỏ ra khá vồ vập, mời Vũ Ngọc Nhạ về làm cố vấn. Đồng thời cho rằng nhờ anh mà mối bất hòa giữa Phát Diệm với anh em Ngô Tổng thống cũng được dỡ bỏ, nên cha Lê, cha Hoàng cũng hởi lòng, coi Vũ Ngọc Nhạ như người thân tín. Linh mục Hoàng Quỳnh còn lấy họ của mình đặt cho anh tên mới là Hoàng Đức Nhã.

  Tại Dinh Độc Lập, với những ý kiến sâu sắc về sách lược, chiến lược và chiến thuật đối phó với thời cuộc sâu sắc, Vũ Ngọc Nhạ đã khiến anh em Diệm - Nhu vì nể. Vì thế, chẳng bao lâu, anh đã trở thành một người tâm phúc, thường xuyên được cùng bàn bạc những vấn đề cơ mật, sinh tử với anh em họ Ngô. Một hôm họp gia đình có đầy đủ anh em họ Ngô và Vũ Ngọc Nhạ, Ngô Đình Diệm đã tự đặt biệt danh 5 con rồng cho 5 anh em. Diệm bảo: "Từ nay Ngô Đình Thục là Hồng Long, Ngô Đình Diệm là Bạch Long, chú Nhu là Thanh Long, chú Cẩn là Hắc Long, thầy Hai (tức Vũ Ngọc Nhạ) là Hoàng Long. Đã là anh em trong nhà, thầy Hai không cần phải ý tứ gì". Mở được cánh cửa quyền lực của anh em họ Ngô, Vũ Ngọc Nhạ đã nhanh chóng liên kết với các đồng chí của mình như Lê Hữu Thúy (ủy viên phụ tá Thông tin chiêu hồi), Vũ Hữu Ruật (ở Tổng nha Cảnh sát sau là ủy viên tuyên huấn trung ương lực lượng tự do và phó tổng thư ký thường trực đảng Liên minh dân chủ), Nguyễn Xuân Hòe (ủy viên Văn phòng Tổng thống), hình thành nên một mạng lưới tình báo (lưới A22) nắm giữ các vị trí chủ chốt trong ngụy quyền Sài Gòn để khai thác tin tức chiến lược phục vụ đấu tranh cách mạng.

  Làm cố vấn cho Diệm, Vũ Ngọc Nhạ có điều kiện tiếp cận với các quan chức cấp cao trong chính phủ ngụy quyền, với Tòa thánh Vatican, Giáo chủ Pie XI, Khâm sứ Tòa thánh Sài Gòn, Đức hồng y Xpenman Mỹ... để nắm tình hình, tìm kiếm tin tức.

  Tình hình ở miền Nam ngày càng trở nên phức tạp khi chính quyền Ngô Đình Diệm thẳng tay đàn áp các giáo phái vũ trang Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo. Mỹ buộc phải thực hiện kế hoạch "thay ngựa giữa dòng". Sau cuộc đảo chính nhằm thăm dò thái độ trung thành của các  tướng lĩnh ngụy quân Sài Gòn với chế độ nhà Ngô vào tháng 11-1960 bất thành, việc thực hiện các mưu đồ chính trị của bọn chúng được điều hành thận trọng hơn. Ngày 1-11-1963, cuộc đảo chính do Dương Văn Minh cầm đầu diễn ra thành công, anh em Ngô Đình Diệm bị giết, chế độ chính trị Việt Nam Cộng hòa lung lay. Lúc này, người Mỹ đang ra sức chọn đối tượng lên thay Diệm, tướng Nguyễn Văn Thiệu một giáo dân ngoan đạo, được các cha cố, linh mục có cảm tình là một trong những con bài lọt vào mắt họ. Vũ Ngọc Nhạ được ủy quyền đại diện cho khối Công giáo tổ chức ủng hộ Nguyễn Văn Thiệu lên làm Tổng thống. Cuộc vận động thành công, Thiệu tha thiết mời ông vào Dinh Độc Lập làm cố vấn đặc biệt. Ngay sau ngày lễ nhậm chức Tổng thống, Nguyễn Văn Thiệu sang phòng làm việc của Vũ Ngọc Nhạ bảo: "Thầy Hai dàn xếp cùng người Mỹ đưa tôi lên làm Tổng thống, tôi rất biết ơn thầy. Nhưng khi thầy muốn hạ tôi xuống, thầy phải "xinhan" trước cho tôi nghe, đừng để tôi phải chết nhục như anh em Ngô Đình Diệm!". Từ đó Vũ Ngọc Nhạ được Nguyễn Văn Thiệu tin cẩn hoàn toàn và coi ông như là một chiến hữu "tử vì đạo". Không chỉ có Thiệu mà người Mỹ cũng rất cần ông, vì ông làm cố vấn cho Thiệu nên Mỹ muốn qua ông để thăm dò Nguyễn Văn Thiệu, và Thiệu cũng dựa vào ông để biết "ý tứ" người Mỹ. Vì vậy, ông càng có điều kiện nắm bắt tình hình của cả hai bên. Thành công quan trọng của lưới tình báo A22 là lôi kéo được Huỳnh Văn Trọng, từng là một bộ trưởng dưới thời Bảo Đại, nhưng bị Ngô Đình Diệm bỏ rơi hoàn toàn nên tỏ ra bất mãn. Vũ Ngọc Nhạ đã cố vấn cho Huỳnh Văn Trọng tạo dần thanh thế rồi dùng uy tín của mình trợ giúp Nguyễn Văn Thiệu trở thành Tổng thống, được Thiệu vừa hàm ơn, vừa sủng ái đặt vào ghế cố vấn ngoại giao Phủ Tổng thống (tương đương bộ trưởng). ở vị trí này, Huỳnh Văn Trọng có điều kiện tiếp xúc và lấy được hàng loạt văn kiện, chính sách tối mật của Mỹ - ngụy, giao lại cho Vũ Ngọc Nhạ để Trung ương Cục miền Nam kịp thời có đối sách đấu tranh. Tháng 6-1968, dưới sự dàn xếp và tham mưu của Vũ Ngọc Nhạ, Nguyễn Văn Thiệu đã cử Huỳnh Văn Trọng cầm đầu phái đoàn Việt Nam Cộng hòa sang Hoa Kỳ tiếp xúc, gặp gỡ với hàng loạt tổ chức, cá nhân trong chính phủ và chính giới Hoa Kỳ. Chính những thông tin thu lượm được qua người này đã góp phần vô giá cho lãnh đạo của ta trước khi mở ra cửa đàm phán tại Paris với Mỹ.

  Với vẻ bề ngoài là một con chiên ngoan đạo kính Chúa, luôn sẵn sàng tử vì đạo, nhưng Vũ Ngọc Nhạ, con người có công với mọi chế độ quyền lực ở miền Nam này vẫn không hề nhận bất kỳ một ân sủng, chức tước, bổng lộc nào của những kẻ đứng đầu chế độ mong muốn ban tặng, trả ơn. Cũng chính điều đó đã gây ra quanh ông không ít dư luận. Chẳng hạn, một lần, ông cùng Ngô Đình Nhu và Lệ Xuân lên Đà Lạt, sau khi trao đổi một số công việc, Lệ Xuân hỏi:

  - "Anh là Cộng sản à?

  - Sao bà nghĩ vậy?

  - Anh không cần tiền, không cần tình, chỉ có Cộng sản mới thế.

  - Tôi cũng từng là Cộng sản. Nhưng tôi đã "từ bỏ" Cộng sản lâu rồi.

  Lệ Xuân lắc đầu:

  - Tôi thấy anh lạ thật. Làm việc cho Chính phủ mà không nhận phụ cấp. Gia đình anh thì nghèo xác. Sáng nào trước khi vào phủ Tổng thống anh chả đèo rau ra chợ cho bà vợ anh bán, tôi biết chứ...".

 
Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #132 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2008, 07:26:21 pm »

  Làm cố vấn cho mấy đời Tổng thống ngụy, mọi phụ cấp anh đều cúng cho nhà thờ. Bù lại, sự tin cậy của chế độ đã giúp anh lấy được hàng loạt tài liệu chiến lược, sách lược tuyệt mật, từ kế hoạch xây dựng ấp chiến lược, kế hoạch Stanley Taylor thời Diệm đến kế hoạch "bình định" nông thôn, kế hoạch Phượng Hoàng, sách lược chiến tranh đặc biệt, cục bộ thời Thiệu v.v.. để Đảng kịp thời có đối sách lãnh đạo đường lối đấu tranh.

  Thêm một điều thú vị nữa, là cố vấn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhưng trong trận Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, theo kế hoạch, chính Vũ Ngọc Nhạ sẽ là người chỉ huy biệt động thành tấn công Dinh Độc Lập, bắt hoặc tiêu diệt Nguyễn Văn Thiệu. May cho viên Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, trước giao thừa đã cùng vợ con về quê ngoại (Tiền Giang) ăn tết nên không có mặt. Đêm trước giao thừa, khi tiếng súng tổng tấn công nổi lên khắp nơi, Vũ Ngọc Nhạ - lúc đó đang thay Thiệu "trực" tại Dinh Độc Lập - đã chủ động mở hầm rượu của Tổng thống để "úy lạo anh em binh sĩ", khiến lực lượng phòng vệ trong Dinh Độc Lập say bò lăn bò càng, tạo điều kiện cho cuộc tấn công của quân ta. Tuy nhiên, do kế hoạch có sự thay đổi nên cuộc tấn công vào Dinh đã không nổ ra, để kết quả là sau Tết, Nguyễn Văn Thiệu hết lời khen ngợi và cảm ơn "ông Cố vấn" với sáng kiến mở hầm rượu "lên dây cót anh em" cho nên Dinh Độc Lập đã được giữ nguyên, trong khi Tòa Đại sứ Mỹ cách đó chỉ 300m thì bị Quân giải phóng giã nát.

  Trong lúc Nguyễn Văn Thiệu đang tin dùng Vũ Ngọc Nhạ, thì Cục Tình báo CIA Mỹ đã bắt đầu ngờ vực anh. CIA và mật vụ Mỹ nghi ngờ rằng có một nhóm Cộng sản đang "thao túng" Dinh Độc Lập nên đã theo dõi sát sao và giăng bẫy khắp nơi. Chúng đã gặp Nguyễn Văn Thiệu và cảnh báo ông ta rằng: một lưới tình báo Bắc Việt trong Dinh Tổng thống đang ngầm phá Mỹ và Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Cầm đầu lưới này là Vũ Ngọc Nhạ, người mà ông ta tin cẩn nhất. Nhưng Thiệu vẫn không tin Vũ Ngọc Nhạ là Việt Cộng nằm vùng mà cho rằng đấy chỉ là mưu đồ của người Mỹ muốn hạ uy tín của anh. Nhưng rồi, do những sơ hở trong khâu lấy tin, CIA đã có được bằng chứng về hoạt động của Vũ Ngọc Nhạ và ngày 16-7-1969 cả lưới tình báo A22 sa vào tay giặc (trừ Trần Quốc Hương, người chỉ huy cao nhất đã kịp thời rút lui an toàn). Sau hơn một tháng giam giữ, bọn mật vụ và CIA đã dùng mọi cực hình đánh đập, tra khảo, nhưng anh vẫn không nói một câu. Đau đớn về thể xác, Vũ Ngọc Nhạ còn chịu đựng được, nhưng nỗi vò xé về tinh thần thì không chịu nổi: toàn bộ hoạt động của mạng lưới tình báo đã bị kẻ địch nắm được đầy đủ. Để cứu những người bị bắt oan, đồng thời để có cơ hội tiếp tục đấu tranh công khai khi phiên tòa được mở, Vũ Ngọc Nhạ quyết định thừa nhận những gì mà kẻ địch đã có đủ bằng chứng. Hy vọng Vũ Ngọc Nhạ chịu hợp tác, CIA đã cử người đến gặp và đề nghị anh nhận mình là người của CIA. Lời đề nghị này tưởng chừng là một nước cờ cao: vừa nâng uy tín cho CIA (vì lúc này cái tên Vũ Ngọc Nhạ và lưới tình báo A22 đã nổi tiếng), vừa có cơ may tháo mớ bòng bong chính trị đang ngày càng rối tung lên do vụ bê bối đưa đến. Nước cờ cao nên cái giá không thể thấp: khởi điểm CIA sẽ trả cho Vũ Ngọc Nhạ 2 triệu đôla, trương mục mở vào bất kỳ ngân hàng nào do anh yêu cầu, cộng với khoản lương tháng cực cao. Thế nhưng Vũ Ngọc Nhạ đã không đồng ý. Anh cũng từ chối mọi thiện chí giúp đỡ của các luật sư, từ chối biện hộ trước tòa để biến phiên tòa xử anh thành vô giá trị. Vậy là, từ thắng lợi vì phá được một "vụ gián điệp lớn nhất mọi thời đại", CIA và ngụy quyền Sài Gòn lại rơi tõm vào sự thảm bại của một vụ bê bối chính trị không lối gỡ. Mọi công việc của bị cáo đều do... Tổng thống hợp hiến ủy thác hoặc ra lệnh. Nhân chứng quan trọng nhất của "vụ án" chắc chắn tòa sẽ không triệu tập được vì đó chính là... Tổng thống. Tất cả mọi vụ việc, tình tiết có thể nêu lên đều hoàn toàn là chính sách, chủ trương công việc của chính phủ và đều dính tới các chóp bu chính quyền từ tổng thống, bộ trưởng đến dân biểu, CIA, thậm chí dính đến cả... Tổng thống Mỹ. Mặt khác, Nguyễn Văn Thiệu cũng phản ứng: chính CIA cố tình dàn cảnh để chặt tay, chặt chân Thiệu. Chưa hết, Tòa thánh Vatican và cộng đồng Thiên Chúa giáo di cư cũng cho rằng đây là âm mưu của CIA và chính quyền Thiệu nhằm làm cho Thiên Chúa giáo Việt Nam suy yếu. Sự việc xảy ra đã khiến những kẻ ngồi ghế quan tòa lúng túng, không dám tuyên bố một án tử hình nào. Cả 4 người chủ chốt, gồm: Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng, Lê Hữu Thúy, Nguyễn Xuân Hòe, đều bị kết án chung thân khổ sai và đày ra Côn Đảo. Oái oăm hơn nữa, ngày 23-6-1971, tại Roma diễn ra một đại lễ cầu nguyện cho những ân nhân của Giáo hoàng, Phêrô Vũ Ngọc Nhạ đã được ghi nhận là "người con hiếu thảo của Chúa, vệ sĩ nhiều công đức của Giáo hội, ân nhân của Giáo hoàng Paul VI", được Đức Thánh Cha ban ơn, tặng bằng khen và huy chương của Giáo hoàng. Hai ngày sau, 25-6, một linh mục khâm sai của Vatican đã vào tận khám Chí Hòa trao tặng các phần thưởng cho Vũ Ngọc Nhạ.

  Thái độ ủng hộ của Giáo hoàng Paul VI đã giúp Vũ Ngọc Nhạ, dù đang ngồi tù, uy tín vẫn tăng vùn vụt. Suốt những năm ông bị lưu đày tại Côn Đảo, hàng loạt dân biểu, chính khách, chức sắc tôn giáo và cả cha tuyên úy trong quân đội Mỹ đều viết thư, nhắn hoặc ra tận nơi để thăm hỏi và xin Vũ Ngọc Nhạ cho ý kiến. Năm 1973, thi hành những điều khoản của Hiệp định Paris, chiều 23-7-1973, Vũ Ngọc Nhạ được trao trả tại Lộc Ninh, với danh xưng là "linh mục Giải phóng". Vì thế, cho đến lúc này, khắp miền Nam vẫn không một kẻ nào nghi ngờ vị trí, ảnh hưởng của anh trong chính trường miền Nam. Linh mục Hoàng Quỳnh và nhiều vị chức sắc khác của Tòa thánh Vatican vẫn đều đặn từ Sài Gòn liên lạc với anh ở vùng giải phóng. Uy tín của anh ngày càng lên cao; ngày 12-11-1974, cha Hoàng còn sẵn sàng theo chân Liên - con gái lớn của Vũ Ngọc Nhạ - ra vùng căn cứ của ta ở Đồng Lớn (Trung Lập Thượng, Củ Chi) để cùng anh bàn bạc về lực lượng thứ 3 và chính phủ ba thành phần ở miền Nam theo Hiệp định Paris. Và, chính với tư cách của một người thuộc lực lượng thứ 3, trưa ngày 30-4-1975, Vũ Ngọc Nhạ đã đứng bên cạnh Dương Văn Minh khi viên Tổng thống cuối cùng của chế độ Sài Gòn tuyên bố đầu hàng Cách mạng vô điều kiện. Vào giờ phút đó, với tâm trạng rối bời, Tổng thống Việt Nam Cộng hoà cuối cùng đã không để ý thấy một chi tiết: Con người nhỏ bé đứng bên cạnh ông ta đang nở một nụ cười, nhẹ nhàng nhưng tươi tắn và mãn nguyện.

  Sau ngày giải phóng, trong bộ hồ sơ ta thu được tại Tổng Nha Cảnh sát ngụy quyền có đoạn viết: "Từ trước đến nay, ngoại trừ những giai thoại giả tưởng trong tiểu thuyết trinh thám, chưa bao giờ có những tổ điệp báo thành công như thế. Cụm A22 hoạt động do ông Vũ Ngọc Nhạ cầm đầu phát triển đều đặn và thi thố nhiều thủ đoạn mà chúng ta phải nhìn nhận là huyền diệu và sâu sắc... Cụm đã phát triển một hệ thống điệp vụ vô cùng quan trọng và đã len lỏi vào nhiều cơ quan đầu não của Việt Nam Cộng hòa. Những tin tức chiến lược họ cung cấp đều có giá trị, giúp cho Hà Nội có những dữ kiện chắc chắn khi ấn định chính sách của họ đối với cuộc chiến tranh".
Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ, thầy Bốn, anh Hai Long, ông Cố vấn... đã lập nên những chiến công khiến cả kẻ thù cũng phải khâm phục, trở thành một mẫu chiến sĩ tình báo độc đáo, tạo ra một triết lý hoạt động phản gián có một không hai từ trước tới nay. Ông mất ngày 7-8-2002.

Đinh Hải Lý
(Tổng hợp từ các báo
Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #133 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2008, 07:29:05 pm »

95 - JOHN  LE  CARRE (sinh năm 1931)
Nhà văn bậc thầy về nghề điệp viên


  Le Carre tên thật là David Cornuel sinh năm 1931 ở Pulo thuộc tỉnh Dorset. Năm David lên sáu, mẹ cậu đã bỏ gia đình, gây nên cú sốc sau này tác động đến thái độ đối với phụ nữ của Le Carre. Chàng trai hoàn toàn chịu ảnh hưởng của bố, một người đàn ông khả ái, vô lo và hay mơ mộng huyễn hoặc. Tốt nghiệp phổ thông, David thi vào trường Đại học Tổng hợp Berns học tiếng Đức. David ở trường 9 tháng mà không học gì cả. Cũng tại trường này David lần đầu tiên tiếp xúc với hoạt động tình báo mà ông miêu tả sau này trong một cuốn truyện của mình. Cuộc tiếp xúc là định mệnh đối với David.

  Năm 1949 David từ Berns trở về và được gọi vào quân ngũ. Ông làm việc ở "quân đoàn tình báo" ở Áo và như chính lời ông thừa nhận "ở bộ phận tìm cách moi bí mật bằng tra hỏi những người vượt biên giới Tiệp". Đó là thời kỳ chuyển từ chiến tranh "nóng" sang "lạnh". David thuộc thế hệ những nhà văn Anh mà lập trường chính trị được hình thành vào thời kỳ này. David nhớ lại đã bị sốc trước những biến chuyển quá nhanh của các sự kiện. "Chuyện xảy ra quá nhanh cứ như là nòng súng bất ngờ quay ngược hết lại vậy". Rồi ông đưa ra thí dụ: "Kể từ khi chiến tranh chuyển từ "nóng" sang "lạnh", sau đó tình hình có vẻ dịu đi, chúng ta đã trải qua sự đảo lộn dữ dội về tư tưởng: Những ai trước đây vào năm 1945 còn đi ném bom Berlin thì đến năm 1948 lại bắc sang đó "chiếc cầu hàng không".

  Năm 1952, ra khỏi quân ngũ David thi vào trường Lincohn ở Oxford, lại bắt tay vào học tiếng Đức. Thời gian theo học ở trường David vẫn làm cho các cơ quan tình báo và có nhiệm vụ thu thập tin tức mật báo về các phần tử cánh tả tích cực trong sinh viên. Ông làm điều này hoàn toàn tự giác vì ông cho là tư tưởng và hành động của những người cánh tả là phi đạo đức và có hại. Vào năm 1954 David học hết năm thứ hai, nhưng buộc phải bỏ học vì ông bố đã khánh kiệt và phải tuyên bố vỡ nợ. Sau một thời gian đi làm giáo viên kiếm sống, năm 1956 David lại quay về trường tiếp tục học. Cũng lúc này ông lấy vợ. Năm 1958 David lại bỏ học: "tôi thấy mình bị lôi cuốn vào cuộc chiến xã hội". David cảm thấy bị tổn thương vì vương quốc Anh một thời làm chủ thế giới nay bị sụp đổ ngay trước mắt ông. "Tất cả mọi thứ đều đã sụp đổ, chẳng còn gì nữa, vĩnh biệt thế giới." - tâm trạng của David lúc ấy là như vậy.

  Ngay từ khi còn đi học David đã nỗ lực thi vào làm ở Bộ Ngoại giao. Sau bao trở lực bởi thói quan liêu, David đã đạt được mong muốn. Nhiệm vụ đầu tiên tại Bonn của David là hoạt động trong đường dây MI-5 của Maxwell Night nổi tiếng bởi chiến dịch thâm nhập vào Đảng cộng sản Anh thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến. Bản thân David (khi đã là nhà văn Le Carre) phủ định chuyện ông là "điệp viên", song các cuốn tra cứu đáng tin cậy của Anh lại khẳng định chuyện đó. Cựu giám đốc Cục Tình báo William Conbi thì thấy các cuốn sách của Le Carre phản ánh thật chính xác hoạt động tình báo và chỉ có người trong ngành mới có thể viết chân thực đến thế. Trong cuốn tra cứu "Các điệp viên Anh" đã chỉ rõ từ MI-5 Le Carre đã được chuyển sang SIS và sau khi học xong khóa tình báo ở trại Sarrat-lake đã được cử học tiếp một khóa đào tạo nữa ở Scotland.

  Mùa hè năm 1961, David được bổ nhiệm Bí thư thứ hai sứ quán Anh ở Bonn. Ông ở đó khi bức tường Berlin được dựng lên. Sau này ông thường đến Berlin công tác và đã thuật lại trong cuốn "Điệp viên đến từ băng giá". David bây giờ là nhà văn, song cán bộ Ngoại giao không được phép in sách với tên thực, nên năm 1961 ông bắt đầu lấy bút danh là "Trang Sprit", sau này nổi tiếng với tên Le Carre. Cuốn sách đầu tay "Tiếng gọi tới những người chết" không được ai biết đến, cuốn thứ hai "Tên giết người chuyên nghiệp" năm 1962 cũng vậy. Mãi tới cuốn thứ ba "Điệp viên đến từ băng giá" mới nổi danh và là một cuốn sách ăn khách nhất. Báo chí bắt đầu nói tới ông, gọi David là người "đã phanh phui hồ sơ mật của châu Âu", là tác giả của "Lịch sử tình báo qua tư liệu" và nhấn mạnh là chỉ có người biết rõ "trực tiếp" về tình báo mới viết được như thế. Bí ẩn của bút danh đã gây ra làn sóng đầu cơ trong báo chí. Các sách của ông được ấn hành với số lượng lớn. Năm 1963, chỉ trong có hai tuần ở Mỹ đã bán được 70 ngàn cuốn. Năm 1964 Le Carre thôi làm việc ở Bộ Ngoại giao. Cuốn "Điệp viên đến từ băng giá" được giải thưởng cao quý Somerset Moem cho truyện hình sự. Ông được tạm ứng 50 ngàn stéclinh cho cuốn "Chiến tranh phản chiếu" và trở thành một người giàu có. Phim ảnh được dựng theo truyện của ông với sự tham gia của các ngôi sao. Sách của ông được tái bản hai - ba năm một lần. Cuốn sách nổi tiếng nhất - cuốn "Điệp viên lý tưởng" - được xuất bản năm 1986.

  Cùng với thời gian các quan điểm của Le Carre cũng thay đổi. Ông đã "tả hóa": đã tham gia chiến dịch chống chiến tranh hạt nhân, lên tiếng phê phán gay gắt đường lối của chính phủ Israel ở vùng Cận Đông (thậm chí David còn bị buộc tội đã tuyên truyền cho "Mặt trận giải phóng dân tộc của Palestine"). Ông lên án vụ chính phủ Israel can thiệp vào Liban năm 1982, cũng năm ấy ông tuyên bố luôn luôn bỏ phiếu cho Đảng Xã hội. Cuối những năm 80 Le Carre đã vài lần tới Nga. Trong cuốn "Ngôi nhà Nga" ông cũng viết về hoạt động tình báo, đã thấy niềm tin của tác giả vào sự thay đổi theo chiều hướng tốt lên của các mối quan hệ Đông-Tây. Ông cũng bày tỏ hy vọng của mình khi trả lời phỏng vấn của báo "Văn học" vào tháng 4 năm 1989. Cũng cần nói thêm rằng ngay khi ấy ông đã nói là sau "chiến tranh lạnh" các Cục Tình báo cần thể hiện được những sự thay đổi mà cuộc sống cũng như thời đại đã đưa lại ở phương pháp, hình thức và mạng lưới hoạt động của mình.

  Ý kiến của các chuyên gia tình báo về các tác phẩm của Le Carre rất khác nhau. Giám đốc Cục Tình báo quân sự Israel cho rằng đó là những cuốn sách giáo khoa không chính thức cho các điệp viên. Còn theo con trai của Richard Hemmer thì giám đốc Cục Tình báo, người vốn rất ái mộ Ian Fleming, lại rất ghét Le Carre. Thậm chí một đồng nghiệp tình báo Anh của Le Carre còn mắng vào mặt ông: "Đồ súc sinh! Đồ quái thai!".

  Điệp viên Nga Kim Philby cũng không thích "Điệp viên đến từ băng giá". Trong lá thư gửi vợ năm 1963 ông viết: "Thật dễ chịu sau khi xem những chuyện ngớ ngẩn về điệp viên 007 James Bond, được đọc một cuốn viết có tính chuyên nghiệp về tình báo. Tuy nhiên cốt truyện và tình tiết từ đầu đến cuối hoàn toàn khó tin và sự bịa đặt không đúng sự thật ấy luôn lộ ra ít nhất là đối với những người biết rõ và am hiểu thực tế về hoạt động tình báo". Có lẽ không ở đâu ngoài kho lưu trữ của Cục Tình báo Anh có lưu giữ tư liệu khẳng định hoạt động của điệp viên Le Carre. Trong bài viết này của chúng tôi cũng vậy, Le Carre không phải là một điệp viên bậc thầy, mà chỉ là một tác giả bậc thầy về đề tài tình báo. Chắc là Le Carre đã viết về chính hoạt động của ông và các đồng sự của mình.
Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #134 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2008, 07:20:42 pm »

96 - DIETER GERHARDT (sinh năm 1936)
RUTH  JOHR - điệp viên Xô Viết,
Bạn của tổng thống Nam Phi


  Phán quan của toà án vùng Keiptaun George Munnik lần đầu tiên sau nhiều năm công tác gặp phải một vụ án như vậy. Khi ông tuyên đọc: "Bây giờ toà sẽ xem xét các vật chứng", - thì lẽ ra ông phải cầm chúng trong tay, tự mình nhìn, đưa ra cho mọi người và các vị bồi thẩm xem, đằng này ông lại phải nói thêm:

  - Xin mời các quý vị xem!   

  Lúc đó một số thanh niên trai tráng ngồi ở mấy ghế dưới mới cầm lên những quyển mật mã và các cuộn phim thu nhỏ và từ xa giới thiệu với quan toà và những người khác. Ông Munnik không hề bực bội vì sự không tin tưởng đó, vả lại bằng khoé mắt ông cũng đã nhận thấy bị can hơi nhếch miệng cười, đó là một người đàn ông đĩnh đạc, cao đến hai mét, bốn mươi bảy tuổi, ngồi sau chấn song, cạnh một người phụ nữ nhỏ bé, mảnh mai, duyên dáng. Đây là một vụ án bí mật, không tiền khoáng hậu, chứa đựng những bí mật quốc gia trọng đại nhất, được xử không công khai, tham dự toàn là những người được tin cậy đặc biệt. Trong phòng xử, xung quanh ông là các đơn vị cảnh sát, được tăng cường bằng quân đội, sẵn sàng bất kỳ phút nào cũng có thể tóm ngay "bàn tay Moscva", nếu bàn tay ấy xía vào đây hòng cứu thoát  các điệp viên của mình.

  Nhưng không có gì đặc biệt xảy ra cả. Toà án bắt đầu từ tháng 8 năm 1983 và kết thúc ngày 31 tháng 12, sau bốn tháng rưỡi xét xử. Trong số 124 nhân chứng bị thẩm vấn không có người nào đưa ra được bằng chứng về tội gián điệp của các bị can. Nhưng những bằng chứng đó đã có từ trước: ngoài những cuốn sách mật mã, những cuốn phim thu nhỏ, băng cassette, những máy móc gián điệp cỡ lớn xếp đầy một phòng trong toà. Thêm vào đó các bị can - một cặp vợ chồng - đã không phủ nhận những lời buộc tội rằng họ làm gián điệp cho Liên Xô. Trong lời cuối cùng, bị can chỉ xin một điều: khoan hồng cho vợ ông vì bà chỉ là người thực hiện mù quáng ý chí của ông và chỉ làm nhiệm vụ thư ký và đưa thư mà thôi. Theo pháp luật của Nam Phi thì tội phản quốc bị xử rất nặng, thậm chí tử hình. Ngày 31-12-1983 toà tuyên án...

  ... Mọi việc bắt đầu năm 1962, khi Gerhardt còn công tác ở London, tại đó ông đã đến Đại sứ quán Liên Xô và yêu cầu được gặp tuỳ viên quân sự. Từ đó ông được đưa vào danh sách điệp viên với biệt danh “Felics”. Có một điều đơn giản là cuộc sống phẳng lặng không thoả mãn được tính lãng mạn của ông, lòng mong mỏi muốn bộc lộ mình và lòng căm thù chế độ apacthai đã đưa ông tới chỗ hợp tác với tình báo Xô Viết.

  Vào ngày Noel đẹp trời năm 1968 tại thị trấn Thụy Sĩ Kloster ông làm quen với Ruth Johr - cô con gái 27 tuổi của một công nhân hãng dược liệu, người trình diễn các mốt mũ và là thư ký của một luật sư nổi tiếng Thụy Sĩ. Trong khi đi nghỉ những người trẻ tuổi thường làm quen với nhau rất nhanh. Dieter Gerhardt, sĩ quan hải quân của Nam Phi, lúc này là điệp viên Xô Viết, đã say mê nàng ngay từ ánh mắt đầu tiên và yêu cho đến cuối đời. Tháng 9-1969 ở Keiptaun họ cưới nhau (bà là vợ thứ hai của ông). Vì Dieter Gerhardt là sĩ quan, nên theo luật pháp Nam Phi, người vợ không thể là người nước ngoài. Ruth là người Thụy Sĩ, bà đã nhập quốc tịch Nam Phi.

  Là một phụ nữ vui vẻ, phóng khoáng, xinh đẹp, chẳng bao lâu sau Ruth đã nổi trội trong giới các phu nhân sĩ quan. Thậm chí họ còn bầu chọn bà là đại diện cho câu lạc bộ của họ. Bà biết các thứ tiếng Đức, Pháp, Anh và Italia, Ruth lại học thêm được tiếng Afrikanas và bà đã tổ chức các lớp dạy ngoại ngữ cho các bà vợ sĩ quan. Ngôi nhà của Dieter Gerhardt lúc nào cũng đầy khách, ở đây họ thấy mình được hoàn toàn tự do và cởi mở, dân thuỷ thủ uống rượu và nói mọi chuyện. Mặc dù những điều bí mật cứ tự nhiên rót vào tai Ruth, nhưng Dieter không sử dụng bà ngay lập tức: phải tới một năm rưỡi hoặc hai năm sau ông mới lôi kéo bà vào cuộc. Ông vẫn thu thập những tin tức mà ông biết thông qua cương vị công tác của mình. Ông còn là liên thuyền trưởng và là trưởng sĩ quan của căn cứ hải quân lớn nhất Nam bán cầu Saymonstaun. Dưới trướng của ông có hai ngàn bảy trăm người, ông phụ trách toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật, việc xây dựng và khả năng tác chiến của Hải quân Nam Phi. Năm 1983 ông được phong hàm chuẩn tướng. Khi đã hoàn toàn tin tưởng vào lòng trung thực và trung thành của vợ, Dieter Gerhardt mới nhẹ nhàng cho vợ biết rằng ông làm việc cho tình báo Xô Viết. Ông lo lắng chờ đợi phản ứng của vợ. Cuối cùng bà nói:

  - Em sẽ làm tất cả những gì anh làm.

  Tổng thống Nam Phi Peter Bota, một người phân biệt chủng tộc và căm thù Liên Xô, nhưng trong cuộc sống lại là người dễ chịu và độ lượng. Ông quen với bố của Dieter Gerhardt và che chở cho ông. Vì thế (và cũng vì trình độ chuyên môn cao) nên Dieter rất thích ông ta với tư cách là một nhà chuyên môn khi thảo luận trong phạm vi hẹp những vấn đề quân sự đặc biệt quan trọng. Những cuộc thảo luận như vậy thường kết thúc bằng một bữa cơm thân mật do bà vợ tổng thống chuẩn bị. Một hôm bà Ruth cũng được mời tới dự. Hai bà vợ rất thích nhau, từ đó hai gia đình chơi với nhau, mặc dù có sự cách biệt về xã hội.

  Bạn thân của Dieter Gerhardt là Tư lệnh Hạm đội Hải quân Nam Phi Birmann, ấy là chưa kể đến những sĩ quan cao cấp khác nữa. Tất nhiên, họ không chỉ bàn đến những chuyện thể thao và đua ngựa. Trong nhóm này có Dieter, trong nhóm khác có Ruth. Bà chăm chú nghe các câu chuyện, đôi khi còn lái câu chuyện vào chủ đề cần thiết. Tuy nhiên, nguồn thu thập thông tin của vợ chồng ông không phải chỉ là những thông tin hải quân hoặc những phát ngôn của các nhân vật cao cấp. Vấn đề là ở chỗ Dieter Gerhardt được bước chân vào những nơi tuyệt mật không những đối với Nam Phi, mà còn đối với toàn bộ cánh phía Nam của NATO (mặc dù đường lối chính thức của quốc tế là tẩy chay Nam Phi, nhưng các nhà quân sự của NATO vẫn duy trì tiếp xúc với Nam Phi). Đó là căn cứ tuyệt mật Silvermayn, một kỳ quan về điện tử, được "tổ hợp" bằng mọi thiết bị hiện đại nhất để theo dõi tàu thuỷ và máy bay ở vùng Nam Đại Tây Dương và ấn Độ Dương. Dieter được biết không những các thiết bị và phương pháp hoạt động của căn cứ, ông còn được biết tất cả mọi điều về sự hoạt động và sự di chuyển của các tàu nổi và tàu ngầm của Liên Xô ở Nam bán cầu. Nhưng một thông tin bất kỳ, dù có giá trị nhất đi nữa, cũng chẳng có ý nghĩa gì nếu không được truyền đi kịp thời đến đúng địa chỉ. Bây giờ đến lượt bà Ruth vào cuộc.

  Dieter và Ruth có biệt danh là Felics và Lina. Mọi tin tức thu được Lina chuyển cho các liên lạc viên. Những người này được thay đổi luôn, nhưng họ đều mang tên là Bob. Họ không những là các nhà chuyên môn có trình độ, mà còn là những con người duyên dáng khiến bà hết sức kính trọng và yêu mến, đồng thời yêu luôn cả nghề tình báo mà họ đại diện. Không phải ngẫu nhiên, sau bao nhiêu gian khổ và điều trị Ruth mới sinh được một cậu con trai, hai vợ chồng đặt tên là Gregori để tưởng nhớ thần tượng của mình ở Moscva là Gregori, mà họ đã quen ông trên đường tới thủ đô Xô Viết. Lina tới các cuộc gặp mặt với các liên lạc viên mỗi năm mấy lần, chủ yếu là với lý do thăm thân. đây là những cuộc thăm viếng trên quê hương bà ở Thụy Sĩ, ở Madagaskar kỳ thú và ở các nước khác nữa.

  Những thiết bị mà sau này người ta đem trưng bày trong toà án là do các điệp viên mang đến theo nhiều đường phức tạp khác nhau. Họ nhận các nhiệm vụ và chỉ thị không những trong các cuộc gặp gỡ giữa Lina với các liên lạc viên, mà còn nhờ máy radio bình thường thu sóng cực ngắn. Trong máy có gắn một thiết bị ghi đặc biệt chạy mấy tốc độ. Đến giờ quy định Lina mở máy, trên sóng vang lên mật khẩu, sau đó mấy giây có tiếng rít. Sau khi ghi xong, Lina để máy ở tốc độ không lớn - bây giờ những tiếng rít vô nghĩa đã biến thành những tiếng tạch tè rõ nét, mà một nhân viên điện đài mới vào nghề cũng hiểu được. Ghi lại xong, bà lấy ra cuốn sách mật mã. Nhờ hoá chất một văn bản hiện ra. Bây giờ bà giải mã. Chỉ thị của Trung Tâm bao giờ cũng ngắn gọn và rõ ràng. Đôi khi còn có lời cám ơn vì một thông báo giá trị. Các đồng chí ở Trung Tâm không quên chúc mừng ngày sinh nhật và các ngày lễ.

  Trước năm mới 1983 Dieter đi  Mỹ dự một lớp học ngắn ngày về quản lý và kinh doanh tại thành phố nhỏ Sirakuzy gần New York. Một người bạn cùng lớp tên là Dzhimmi mời ông đi nghỉ cuối tuần ở New York. Tại khách sạn ở đây ông bị bắt. Suốt 11 ngày liền ông bị tra hỏi dồn dập kèm theo những lời đe dọa, những tác động tâm lý. Đầu tiên ông cho rằng chúng không đủ bằng chứng, mà chỉ vì ông có những sơ suất nhỏ, nhưng sau đó ông được biết rằng CIA  đã biết rõ nội dung hồ sơ Moscva của ông. Ông không biết rằng ông bị khai ra bởi một tên tình báo Xô Viết phản động tên là Poliacov, sau này hắn đã bị trừng trị thích đáng. Nhưng chính sự rò rỉ tin tức lại xảy ra từ chính cơ quan mà ông kính trọng dẫn ông đến chỗ thất bại, điều này đã làm ông nản chí. Hơn thế nữa, những lời đường mật cũng không thể không có ảnh hưởng: hợp tác với ban điều tra thì sẽ được giảm tội, rồi lại có những lời đe dọa: trừng trị thẳng tay không những đối với ông, mà còn đối với cả vợ và con trai nữa. Dieter đã không chịu đựng nổi. Ông khai ra hoạt động của mình, thậm chí khai cả tên người liên lạc là Nicolaev mà ông phải gặp trên đường từ Mỹ trở về Duyrich. Nicolaev cũng bị bắt. Bọn chúng đến lục soát nhà bà mẹ của Ruth, chúng phát hiện và tịch thu những cuốn phim thu nhỏ và những hộ chiếu giả. Ruth cũng bị bắt. Trước phiên toà diễn ra vào tháng tám Ruth chỉ nhìn thấy chồng có một lần, khi cả hai người được dẫn từ nhà tù về nhà để họ chứng kiến buổi khám nhà. Chúng tìm thấy máy truyền tin, nhưng chẳng có ích gì vì hai người không sử dụng.

  Ngày 26-1-1983, tổng thống Nam Phi Peter Bota trong một cuộc họp ở Keiptaun đã buồn rầu tuyên bố về việc bắt giữ viên sĩ quan hải quân Nam Phi Dieter vì tội gián điệp. Ông không nhắc đến chuyện Dieter là một người quen thân của mình. Bắt đầu một cuộc điều tra kéo dài. Trong một tư liệu có nói: "Những thiệt hại mà Dieter Gerhardt gây ra có liên quan đến NATO, các lực lượng hải quân Anh, các hệ thống tên lửa Pháp "Ekzoset", ấy là chưa nói đến cấu trúc căn cứ hải quân ở Saymonstaun". Tất nhiên, báo chí đã phẫn nộ viết rằng đối với Dieter Gerhardt thì Nam Phi chẳng có gì là bí mật cả, rằng mới một tháng trước khi bị bắt ông đã có cuộc gặp mặt bí mật với bộ trưởng quốc phòng Tây Đức Manfred Verner. Tờ báo "Sandi star" ở Johannesburg viết: "Những thông tin mà Dieter Gerhardt chuyển cho những người Xô Viết là một trong những đòn chí tử đánh vào phương Tây kể từ ngày bắt đầu "chiến tranh lạnh". Hàng loạt bí mật quân sự và chiến lược quan trọng nhất của Nam Phi, Anh và NATO đã được phanh phui. Đối với người Nga Dieter Gerhardt là một điệp viên có giá trị nhất sau Kim Philby".

  ... Quan toà George Munnik đằng hắng một tiếng, uống một hớp nước, kết thúc bản kết án và nói:

  - Trên cơ sở những điều đã tuyên đọc Dieter Gerhardt bị kết tội tù chung thân, còn Ruth Gerhardt bị mười năm tù.

  Trong phòng im lặng, chỉ có tiếng của Ruth vang lên:

  - Con nhỏ đáng thương của tôi! Tôi biết làm gì đây với Gregori?!

  Ruth đã được tha sớm trước thời hạn và trở về quê hương Thụy Sĩ. Năm 1992, sau khi trên tờ "Tin tức" công bố bài báo của B. Piliatskin "Felics và Lina", tổng thống Nga B.N. Eltsin mới yêu cầu tổng thống Nam Phi ân xá cho Dieter Gerhardt. Yêu cầu đó được thoả mãn và ngày 27-8-1992 Dieter Gerhardt được trả tự do.
Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #135 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2008, 12:31:10 pm »

97 - OLDRICH AIMS (sinh năm 1941)
CIA làm việc cho Nga


  Một ngày xuân tháng 4 năm 1985 có một người lạ mặt gõ cửa Đại sứ quán Liên Xô ở Washington. Anh ta đưa cho người thường trực một cái túi, trong đó lại có một cái túi nữa có đóng dấu gửi cho một công dân Xô Viết, trong đó người lạ mặt thông báo họ tên của mình, đồng thời cung cấp một số thông tin về hai sĩ quan Mỹ hoạt động cho KGB, kèm theo một bức thư nhỏ có ghi: "5.000 USD", tức là cái giá quy định để từ nay anh sẽ cung cấp những thông tin bí mật.

  Như vậy, theo lời thú nhận của chính Aims trước toà án Mỹ ngày 28-4-1994 - tại đó anh bị kết án tù chung thân, thì anh bắt đầu hợp tác với tình báo Xô Viết như thế đó. Nhưng vì các cơ quan mật vụ của Liên Xô không đưa ra lời nhận xét về vụ án Aims, cho nên những điều trình bày trong truyện này đều dựa vào báo chí nước ngoài.

  Oldrich Aims sinh năm 1941 ở một thị trấn nhỏ bang Viskonsin. Cha anh, Carlton Aims năm 1951 là nhân viên CIA, và cả gia đình chuyển sang Miến Điện, lúc đó Miến Điện là trung tâm chú ý của CIA. Học xong phổ thông Rik (tên anh ở nhà) vào đại học tổng hợp Chicago, nhưng bị đuổi học vì tội thường xuyên bỏ học, lang thang với bọn digan quanh nhà hát mong làm nghệ sĩ. Gần một năm anh không làm gì cả. Theo yêu cầu chủ cha, anh làm đơn xin vào CIA. Vì không có trình độ đại học nên anh chỉ được làm việc văn phòng, mãi một năm sau, học xong lớp buổi tối của tổng hợp, anh mới được đi học lớp đào tạo của đội nhân viên tác nghiệp. Tại lớp này anh gặp cô gái Nensi, cũng là nhân viên CIA. Họ quyết định lấy nhau, nhưng sau đám cưới cô phải rời bỏ CIA theo luật định... Năm 1980, anh được cử sang Mexico, cô đã từ chối theo anh. Họ sống ly thân. Tại Mexico, Rik quen một cô gái rất xinh đẹp là Rosario, làm tuỳ viên văn hoá ở Đại sứ quán Columbia. Là người có học vấn cao, duyên dáng và rất văn hoá, cô gái đã chinh phục trái tim người đàn ông bốn mươi tuổi này. Cô cũng là điệp viên ăn lương của CIA. Cô cũng ngạc nhiên thấy Aims là người có trình độ văn hoá cao, am hiểu văn học cổ điển, là điều khác  với đa số người Mỹ. Họ yêu nhau, quyết định sống chung, nhưng đó lại là một vấn đề nan giải đối với Aims: sắp tới vụ giải quyết ly hôn và quyết định vấn đề tài sản. Tình hình tài chính của anh thật thảm hại, nợ như chúa Chổm, và đã nhiều khi anh có ý định phải sở hữu một nguồn thu nhập phong phú để có cuộc sống cao. Anh đã cố xua đuổi ý nghĩ đó mà không được. Lại còn một điều nữa. Anh luôn luôn có cảm giác là mình thiếu khả năng thực tế, thường xuyên bị người ta đánh giá chưa đúng trong công việc. Anh là một nhà phân tích mạch lạc, nhưng người ta lại muốn sử dụng anh như một người chiêu mộ tác nghiệp ít tác dụng. Anh bị giáng một đòn mạnh khi anh nhìn thấy trong hồ sơ của cha anh, một người quá cố mà anh rất yêu mến và kính trọng: "Ông Carlton Aims không có giá trị gì trong ngành tình báo và hoàn toàn không có khả năng". Anh không thể tha thứ cho sự xúc phạm này được. Và thế là Oldrich Aims đi đến một sự lựa chọn. Về lý thì có thể xuất hiện một vấn đề là làm sao anh có thể tự do, không sợ bị theo dõi mà lai vãng đến đại sứ quán Xô Viết và rất nhiều lần gặp gỡ các nhà tình báo Xô Viết? Vấn đề là ở chỗ những cuộc tới thăm và gặp gỡ đó là hợp pháp vì anh là người lãnh đạo một đơn vị phản gián chống Xô Viết của CIA! Oldrich Aims đã có một thời kỳ làm việc "dưới trướng" của đại sứ quán Mỹ ở Ancara, sau đó trong bộ máy trung tâm của CIA ở Washington. Là cộng sự của Ban Xô Viết, anh đã học tiếng Nga thành thạo, có uy tín cao. Anh đã sống mấy năm ở New York, được giao trách nhiệm làm việc với các nhà ngoại giao Xô Viết, đặc biệt là với phó tổng thư ký Liên hiệp quốc Sevtrenco, chính ông này đã đề nghị được phục vụ cho CIA.

  Năm 1985, khi Oldrich Aims đã là tình báo Xô Viết anh lại đến Washington và nhờ chức vụ của mình mà biết được mọi hoạt động chống Liên Xô và chống tình báo Xô Viết đang được tiến hành ở bất kỳ nước nào trên thế giới. Anh cũng được trực tiếp tham gia kiểm tra các điệp viên bị nghi ngờ là có quan hệ với tình báo nước ngoài. Từ tháng 6-1986 đến tháng 7-1989 anh làm việc ở La Mã, ở đây, theo anh thừa nhận, anh đã chuyển cho tình báo Xô Viết từng túi nguyên các tài liệu cơ mật. Sau khi trở về Lengli (đại bản doanh của CIA)  Aims lại được cử vào ban phản gián của CIA. Anh nhận việc tại Ban Xô Viết thuộc nhóm phân tích của Trung Tâm. Anh đã viết những công trình khoa học về các hoạt động của KGB, và bây giờ tình báo Xô Viết đã có được khả năng không những đọc được các báo cáo của CIA, mà còn có thể tác động đến nội dung và những kết luận trong các báo cáo của CIA về KGB. Anh có thể thâm nhập vào các cơ sở dữ liệu bí mật, tại đây, ngoài những điều nói trên còn có những thông tin về các điệp viên nhị trùng, có thể đọc được những tệp điện thoại bí mật. Một tác giả người Mỹ đã viết: “đối với KGB thì việc đặt mua tin tức tại một cơ sở dữ liệu bí mật hoàn toàn mới mang tên là "CIA Trực tuyến" cũng chẳng có gì là khó khăn cả".

  Tất cả những chi tiết trong hoạt động tác nghiệp của Oldrich Aims với tư cách là điệp viên Xô Viết chắc gì đã được công bố trong một tương lai gần. Tuy nhiên, các nguồn tin của Mỹ đã khẳng định rằng Aims có thể đã phá vỡ hàng loạt những chiến dịch lớn của các cơ quan đặc vụ Mỹ chống Liên Xô và nước Nga trong giai đoạn từ 1985 đến cuối 1992. Một trong những điều buộc tội  Aims là anh đã "khai báo" hơn mười điệp viên giá trị của CIA.

  Những "mất mát" lớn nhất trong số đó là ai?

  Là Sergei Motorin, tình báo của KGB, là bí thư thứ ba phòng lãnh sự đại sứ quán Liên Xô ở Washington. Ông này bị chiêu mộ qua con đường quan hệ với gái điếm, buôn bán và ông đã chuyển cho người Mỹ những tin tức về các cộng sự và tình báo KGB trong đại sứ quán. Cuối năm 1984 Motorin về Moscva, nửa năm sau Aims tố cáo ông và ông đã bị vô hiệu hoá.

  Là Adolf Tolcatrev, cán bộ một viện nghiên cứu tuyệt mật, anh này đã chuyển cho người Mỹ những thông tin về hệ thống "ta - địch". Anh bị mua chuộc ở Moscva "bằng tiền" và cũng vì anh không hài lòng với cương vị công tác. Anh bị xử tử ngày 24-9-1986.

  Là Valeri Martưnov, cộng sự của KGB, bí thư thứ ba đại sứ quán Xô Viết ở Washington. Bị mua chuộc bởi cả FBI và CIA. Bị triệu hồi về Moscva, bị ra toà và xử bắn ngày 28-5-1987.

  Là Vladimir Potasev, chuyên gia về các vấn đề giải trừ quân bị, đã cung cấp cho CIA nhiều thông tin, khi làm việc tại Viện nghiên cứu Mỹ và Canada. Bị bắt ngày 1-7-1986, bị xử án 13 năm tù. Năm 1992 Elsin ân xá cho Potasev, anh này đã sang Mỹ và sống tại đó.

  Là Boris Yuzhin, sĩ quan KGB, làm việc "dưới trướng" hãng thông tấn TASS ở San-Fransisko. Bị mua chuộc năm 1978. Năm 1986 bị bắt ở Moscva, bị kết án 15 năm tù. Năm 1992 được Elsin ân xá và hiện sống ở Mỹ.

  Cuối cùng là Dmitri Poliacov, một trong những điệp viên giá trị nhất của CIA. Tự nguyện liên hệ với người Mỹ năm 1961. Trong nhiều năm cung cấp cho CIA những số liệu về tên lửa chiến lược Xô Viết. Trong thời gian làm việc cho Mỹ đã tố giác mười chín tình báo Xô Viết, hơn một trăm năm mươi tình báo là người nước ngoài, gần một ngàn rưởi sĩ quan có liên quan đến Cục Tình báo Trung ương, đã trao cho Mỹ bản chụp các tài liệu về bất đồng sâu sắc giữa Trung Quốc và Liên Xô, giúp cho Nixon dàn hoà được quan hệ với Trung Quốc năm 1972. Năm 1971 Poliakov nhận quân hàm thiếu tướng. Cuối năm 1986 bị bắt, bị tịch thu các thiết bị gián điệp. Đầu năm 1988 bị kết án tử hình. Bản án được thi hành ngày 15-3-1988, việc xử bắn được thông báo chính thức năm 1990. Theo lời giám đốc CIA James Volsi, trong số các điệp viên Xô Viết được chiêu mộ trong thời kỳ "chiến tranh lạnh" thì Poliacov là "một viên kim cương thật sự".

  Bản thân Oldrich Aims, theo nguồn tin của Mỹ, bị phát hiện là vì mức chi tiêu của anh cao hơn nhiều so với nguồn thu nhập chính. Chẳng hạn anh đã mua 3 chiếc xe ô tô "jahuar" v.v... Anh bị theo dõi từ năm 1990 và bị bắt ngày 21-2-1994. Toà án đưa ra phán quyết ngày 28-4 năm đó. Các tài liệu đều cho thấy rằng anh nhận được của tình báo Xô Viết ít nhất là một triệu rưỡi đô la; nhiều khoản lớn còn nằm trong các tài khoản của anh ở các ngân hàng.

  Rosario vợ anh bị kết án sáu mươi ba tháng tù vì tội "không chịu tố giác".
Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #136 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2008, 12:39:55 pm »

98 - Nguyễn Thành Trung (sinh năm 1947)
 Điệp báo viên sau 20 năm ẩn tích - ném bom Dinh Độc Lập


  Qua bao nhiêu lần kiểm tra, cả An ninh quân đội ngụy lẫn CIA (Mỹ) vẫn không hề phát hiện ra rằng, Nguyễn Thành Trung chỉ là một cái tên giả, mang một lý lịch giả. Kỳ thực, viên trung úy phi công hạng ưu ấy có cái tên khai sinh hoàn toàn khác: Đinh Khắc Chung, sinh năm 1947. Cha của anh, ông Đinh Văn Dậu, nguyên là Bí thư huyện ủy Châu Thành, Bến Tre. Mẹ và ba người anh ruột của Chung cũng tham gia Cách mạng suốt hai mùa kháng chiến. Vì vậy, Đinh Khắc Chung được Tỉnh ủy Bến Tre xếp vào danh sách những hạt giống của Cách mạng cần được bảo vệ và phát triển.

  Năm 1956, Tỉnh ủy Bến Tre quyết định thay đổi lý lịch để tạo điều kiện cho Đinh Khắc Chung ăn học đến nơi đến chốn, sau này phục vụ Cách mạng công khai và lâu dài. Ra trước tòa, bà Nguyễn Thị Mỹ - mẹ anh - một mực khai rằng bà chỉ có một mẹ một con. Với đầy đủ người làm chứng - do Tỉnh ủy Bến Tre chỉ đạo - tòa án ngụy đã phán quyết cho cậu bé được mang họ mẹ với cái tên Nguyễn Thành Trung, mục người cha trong lý lịch được ghi: vô danh.

  Ngày 2-3-1963, một biến cố đau thương đã đẩy lệch những giấc mơ trong suy nghĩ của Nguyễn Thành Trung: Ông Đinh Văn Dậu lọt vào ổ phục kích, bị biệt kích ngụy bắn chết. Chúng kéo lê xác ông đi khắp làng để khủng bố bà con. Chưa đủ, bọn ác ôn còn vứt xác ông xuống sông, không cho chôn cất. Ngay sau đó, mẹ Trung cũng bị địch bắt, bị tra tấn, đánh đập. Không còn nước mắt để khóc cha và lo lắng cho mẹ, Nguyễn Thành Trung nghiến răng thề sẽ trả thù. Đầu năm 1964, Nguyễn Thành Trung trở thành nhân viên Ban Dân vận Trung ương Cục, sau đó trở thành điệp báo viên trong mạng tình báo của An ninh Trung ương Cục miền Nam do đồng chí Phạm Hùng - Bí thư Trung ương Cục trực tiếp lãnh đạo.

  Học rất giỏi, Nguyễn Thành Trung dễ dàng tìm được một chỗ cho mình trong khoa Toán - Lý - Hóa của Đại học Khoa học Sài Gòn. Khi tiếng súng Tết Mậu Thân nổ ran thì Nguyễn Thành Trung biến mất. AK47 trên tay, lựu đạn giắt bên người, anh đang cùng một tổ vũ trang 8 người của Thành đoàn tấn công vào cánh Nam Sài Gòn, quần thảo hơn 10 ngày liền với địch ở khu vực cư xá Minh Mạng, vòng qua chợ Thiếc, đường Vĩnh Viễn... Đến mùng 10 Tết, tổ 9 người đã hy sinh hết 6, Trung và 2 đồng đội còn lại đành rút lui tìm đường ra cứ. Được xác định là chưa bị lộ, tháng 5-1968, Nguyễn Thành Trung lại theo những mũi tấn công đợt 2 của Quân giải phóng tiến vào Sài Gòn.
Nhưng, lần này anh không tham gia chiến đấu. Trung được đồng chí Phạm Hùng chỉ đạo: Bỏ Đại học Khoa học, thi vào Không quân ngụy nằm vùng. Anh đậu xuất sắc. Tháng 6-1969, Nguyễn Thành Trung vác ba lô vào quân trường, tạm khoác lên người bộ đồ rằn ri mà anh ghét cay, ghét đắng. Vào không quân, nhiệm vụ mà Nguyễn Thành Trung được giao hết sức nặng nề: bằng mọi giá, phải được chọn lái máy bay chiến đấu. Tuy nhỏ con, nhưng với một ý chí quyết tâm cao, Nguyễn Thành Trung luôn lọt vào tốp xuất sắc nhất trong tất cả các kỳ sát hạch chuyên môn, bỏ xa điểm số của lớp đồng ngũ. Vì vậy, sau 6 tháng quân trường Nha Trang và 6 tháng huấn luyện tại Tân Sơn Nhất, Nguyễn Thành Trung đã được gửi sang Mỹ học lái máy bay. Sang Mỹ, lại một thách thức mới nảy sinh: Các thực tập sinh phi công gồm đủ quốc tịch phải chen nhau để được chọn loại máy bay. Nếu đỗ thấp, họ chỉ được học lái trực thăng, cao hơn mới được lái máy bay trinh sát, đạt điểm giỏi kèm sức khỏe "tuyệt vời" mới được lái máy bay vận tải. Còn lái phản lực cơ phải là hạng "top" ưu hạng, mọi yêu cầu đều phải đạt ở mức "không chê vào đâu được". Vượt lên trên hàng trăm thực tập sinh khác, Nguyễn Thành Trung đã giành được quyền ngồi vào cabin phản lực cơ chiến đấu. Trong hai năm rưỡi (1970-1972), Trung đã được đào tạo kỹ lưỡng qua 4 trường: Lackland và Randofh (bang Tezcat), Kessler (Mississippi) và England (Lusiana). Kết quả tốt nghiệp ở bất kỳ hạng mục nào, Trung cũng đạt "hạng top" (hạng ưu), trong đó có hai lần giành ngôi vị thủ khoa về bom và rốckét. Năm 1972, Nguyễn Thành Trung về nước, được đánh giá là một phi công loại "của hiếm", một "chuyên gia" thành thạo cả hai loại máy bay tiêm kích tối tân: A37 và F5.

  Phần thưởng đầu tiên mà không quân ngụy dành cho viên phi công hạng ưu là cho phép anh chọn đơn vị công tác. Không ngần ngại, Trung chọn đồng bằng sông Cửu Long và xin về Phi đoàn 526, Sư đoàn 4 Không quân đóng tại Cần Thơ. Dù rất sốt ruột, song giai đoạn này Nguyễn Thành Trung vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Đồng chí Phạm Hùng chỉ đạo anh: nằm yên, tạo vỏ bọc tốt, chờ nhận một nhiệm vụ chiến lược - dùng máy bay đánh vào đầu não Mỹ - ngụy. Thời gian này, viên trung úy phi công lại xuất sắc giành thêm một bằng hạng ưu trong khóa huấn luyện lái F5E - loại phản lực cơ chiến đấu tối tân nhất Mỹ mới trang bị cho không quân ngụy. Sau khóa huấn luyện anh được điều về Không đoàn 63 chiến thuật thuộc Sư đoàn 3 Không quân đóng tại Biên Hòa. Lúc đó là đầu năm 1975.

  Chưa kịp được giao nhiệm vụ cụ thể, Nguyễn Thành Trung đã được cấp trên thông báo: anh đã bị lộ trong diện rộng, tuy địch chưa phát hiện được đúng người, song tình thế rất nguy hiểm.Vào thời điểm đó, ngụy quân có bao nhiêu quân binh chủng thì Trung ương Cục miền Nam cũng tổ chức bấy nhiêu lưới điệp báo để thu thập tin tức của chúng. Tháng 1-1975, một điệp báo viên của lưới phụ trách pháo binh bị địch bắt. Không chịu nổi đòn tra, anh ta đã khai báo. Kết quả: địch bắt hết cả lưới điệp báo bộ phận này. Không những thế, anh ta còn khai rằng: "Trong không quân có một điệp báo viên người gốc Bến Tre, còn tên họ, cấp bậc, thì không biết". Ngay lập tức, An ninh quân đội ngụy lần lượt đòi từng sĩ quan không quân lên thẩm vấn. Cùng đơn vị với Trung còn có Đại úy Nguyễn Văn Thụ, vừa là người cùng làng ở Bến Tre, lại chung trường thuở nhỏ, anh ta thừa biết Trung khai man lý lịch, thừa biết gia đình Trung là Cách mạng "gốc". Chỉ cần Thu lộ ra một tý, Nguyễn Thành Trung sẽ bị còng tay tức khắc. Quả nhiên, suốt cả tháng trời, Đại úy Thu bị đình chỉ bay để liên tục khai báo lý lịch với đám an ninh quân đội. Mỗi lần gặp Trung, anh ta lại nhăn nhó: "Tao khai thế nào chúng cũng bảo không đúng". Trung trấn an: "Chắc tại hồi trước bà chị anh có tham gia phong trào sinh viên, bị bắt giam 2 tháng nên họ nghi bóng gió thôi?". Đại úy Thu gật đầu. Trung hỏi dò: "Họ có hỏi gì tôi không?". Không, nhưng mày yên tâm, có hỏi tao cũng "ba không" (không nghe, không thấy, không biết)". Đại úy Thu đã giữ lời. Lúc này, xã An Khánh và cả huyện Châu Thành quê Trung đều do Cách mạng kiểm soát nên muốn thẩm tra lý lịch anh, địch cũng không thể thực hiện được. Tạm thời, anh vẫn an toàn, dù hết sức lo lắng. Cấp trên chỉ đạo: Trường hợp xấu nhất thì cướp máy bay bay ra Lộc Ninh rồi nhảy dù, sẽ có người đón.


Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #137 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2008, 12:40:23 pm »

  Cuộc điều tra của địch chưa kết thúc thì tỉnh Phước Long giải phóng. Biết rõ ngụy quyền đã quyết định không tái chiếm Phước Long, Nguyễn Thành Trung đề xuất: cho sửa lại sân bay Phước Long, anh sẽ cướp máy bay và đáp xuống đó. Trung ương Cục chuẩn y. Bom pháo tơi bời của hai bên đã khiến sân bay này gần như nát bét. Mất đúng 2 tháng, công binh ta mới tạm hoàn tất việc tu bổ sân bay, nhưng nhiều đoạn phải lót tạm bằng vỉ sắt. Chưa hết, sân bay này lại nằm trên đỉnh núi, đường băng chỉ dài 1.000m, trong khi tiêu chuẩn an toàn để đáp máy bay F5E là đường băng phải dài đúng 3.000m. Trung ương Cục lệnh cho Nguyễn Thành Trung: "Không được liều!". Đồng chí Phạm Hùng liên tục hỏi: "Có đáp được không?". Tình thế quá gấp, không còn thời gian để chọn lựa, Nguyễn Thành Trung quyết định: Vẫn cứ đáp. Để được chuẩn y, anh phải thực nghiệm. Các chuyến bay đầu năm 1975, khi trở về căn cứ, Nguyễn Thành Trung đều cố tình giảm bớt độ dài đường đáp của F5E. Lần thứ nhất: máy bay nổ lốp, lần thứ hai: máy bay gãy càng, lần thứ ba: cháy phanh. Một loạt máy bay bị Trung phá hỏng liên tục đã khiến cả binh chủng ngạc nhiên. Đích thân trung tướng Trần Văn Minh, Tư lệnh Không quân ngụy phải vội vã bay ra Biên Hòa, triệu Nguyễn Thành Trung đến hỏi: "Tại sao vậy?". Trung đáp: "Tôi cũng không biết. Mọi thứ đều bình thường, có lẽ mấy chuyến vừa rồi tôi bay dở". Không có bằng chứng gì khác để kết tội anh, tướng Minh đành ra lệnh: trừ Nguyễn Thành Trung 30 điểm tiêu cực, trong khi chỉ có 50 điểm cộng là đủ để lên lon trước niên hạn. Vì vậy, khi đám đồng ngũ cùng niên hạn đã đeo lon đại úy hết thì Nguyễn Thành Trung - viên phi công thuộc hàng giỏi nhất - vẫn chỉ là một trung úy tép riu. Chậm lên lon, song anh vẫn toại nguyện: Chiếc F5E đã ngoan ngoãn dừng lại sau đúng 1.000m mà không còn bộ phận nào bị hư hại nữa. Trung báo cáo lên đồng chí Phạm Hùng: "Đã sẵn sàng". Trung ương Cục trả lời: "Thời gian cướp máy bay: từ ngày 1 đến ngày 10-4-1975. Mục tiêu tấn công trước khi rút: Dinh Độc Lập và Tòa Đại sứ Mỹ".

  Nhưng, cướp máy bay là việc gần như không thể thực hiện được. Dưới mặt đất, không có lệnh điều động, anh không thể tiến đến gần buồng lái, nếu không muốn bị an ninh, quân cảnh bắn hạ. Khi đã cất cánh, anh không thể tự ý tách khỏi phi đội. Nếu gặp trục trặc, ngay lập tức cả phi đội sẽ "áp tải" anh về đến căn cứ. Nếu tự động bay chệch hướng, dứt khoát anh sẽ bị chính các máy bay khác cùng phi đội tiêu diệt. Suy nghĩ nát óc, Trung mới tìm được một kẽ hở duy nhất, nằm ngay trong khâu xuất phát. Việc của anh là phải lừa được cả hai, sao cho đài kiểm soát ngỡ là anh sẽ bay, trong khi chỉ huy và các thành viên khác trong phi đội lại tưởng anh ở lại. Để thực hiện, anh chỉ có thảy 10 giây đồng hồ. Nhanh hơn hay chậm hơn, anh cũng chỉ có chung một kết cục: bị tiêu diệt! Theo quy định, toàn bộ máy bay chiến đấu của Mỹ - ngụy trên vùng trời Nam Việt Nam chỉ được liên lạc với mặt đất trên cùng một tần số. Vì vậy, sóng vô tuyến luôn trong tình trạng quá tải, rất ồn. Để khắc phục, các phi công được dạy cách liên lạc với nhau trong cùng một phi đội bằng cách dùng ký hiệu ngón tay và nhìn qua... cửa kính. Trao đổi bằng cách này, đài kiểm soát không lưu... chịu cứng, không tài nào phát hiện được. Và đó là cơ hội của Nguyễn Thành Trung.

  8 giờ sáng ngày 8-4-1975, Trung được lệnh xuất phát, vị trí số 2. Bởi ở vị trí số 1 là một thiếu tá chỉ huy và ở vị trí số 3 là một đại úy khác. Khi đã ngồi vào buồng lái, anh báo bằng sóng vô tuyến cho đài kiểm soát sân bay Biên Hòa: "Đã sẵn sàng". Trong khi đó, ngón tay Trung lại cong lên báo cho viên thiếu tá chỉ huy phi đội: "Số 2 gặp trục trặc, không xuất phát". Viên thiếu tá cũng cong ngón tay trả lời: "Số 2 trục trặc thì cứ ở nhà, số 1 và số 3 sẽ bay". Anh lại ra hiệu cho số 3 và nhận được dấu hiệu đồng ý. Vậy là, cho máy bay nổ máy nhưng Trung vẫn giữ chặt phanh. 5 giây sau khi chiếc số 1 xuất phát (theo quy định), anh nhìn thấy chiếc số 3 vút lên. Chờ thêm chừng 5 giây, anh nhả phanh cho chiếc F5E lao theo lên trời. Hoàn toàn yên tâm, đài kiểm soát không lưu không hề phát hiện ra rằng chiếc F5E do Trung úy Nguyễn Thành Trung điều khiển đã không hề quay vòng lại để nhập đội hình mà cứ tách đoàn bay thẳng. Anh bay về hướng trung tâm Sài Gòn.

  Chỉ sau ít phút, Nguyễn Thành Trung đã tiếp cận mục tiêu. Theo tính toán, anh sẽ bay từ hướng chợ Bến Thành vào Dinh Độc Lập cắt bom, sau đó vòng lại thả tiếp hai quả còn lại vào Tòa Đại sứ Mỹ. Rất bình tĩnh và tự tin vào trình độ thao tác của mình, song anh vẫn thấy lo lo: lỡ bom rớt không đúng mục tiêu thì sẽ không ít người vô tội thiệt mạng. Mọi suy nghĩ chỉ diễn ra trong tích tắc, hai quả bom đã rời máy bay rơi thẳng xuống Dinh Độc Lập. Hai tiếng nổ từ dưới đất dội lên. Súng phòng không từ phía Dinh vãi đạn lên như mưa ngược. Kệ, Nguyễn Thành Trung vẫn cẩn thận vòng máy bay lại kiểm tra. Trật. Hai quả bom đã rơi về phía cửa Đông của Dinh. Anh quyết định đánh tiếp và lập tức thả nốt hai quả bom còn lại xuống nóc Dinh. Sau đó, anh vòng lại lần nữa để kiểm tra, bất chấp đạn phòng không bắn như vãi trấu. Thành công! Anh hét thầm khi nhìn rõ những cột khói đen đang tuôn ra từ các cửa sổ của Dinh Độc Lập, tại hai vị trí bị trúng bom. Lập tức, anh cho máy bay vòng ra hướng Đông, nhằm thẳng kho xăng Nhà Bè bắn liên tục gần 200 phát đạn. Số đạn còn lại, Trung dành để phòng bị, nếu bị máy bay khác tấn công. Khi vòng trở lại để đưa chiếc F5E trở về sân bay Phước Long, anh nghe trên sóng vô tuyến nhốn nháo đủ thứ tiếng hỏi han quát tháo. Liền đó là một mệnh lệnh khẩn được phát đi từ Bộ Tổng tham mưu ngụy: "Tất cả phi cơ đang hoạt động trên không phải lập tức trở về căn cứ. Tất cả phi cơ ở các căn cứ phải nằm yên tại chỗ, không được xuất phát!". Nghe lệnh, anh cười thầm: Địch vẫn cứ tưởng Nguyễn Cao Kỳ làm đảo chính, cho máy bay oanh tạc Dinh Độc Lập để giết Nguyễn Văn Thiệu. Mặc kệ cho bọn chúng nhầm, Trung vội cho máy bay hạ độ cao tối thiểu để tránh rađa và nhằm hướng Phước Long bay thẳng.

  Khi cấp những tấm bằng hạng ưu cho Nguyễn Thành Trung, các giáo viên Mỹ dạy lái máy bay quả đã không hề đánh giá sai năng lực ưu việt của tay phi công trẻ tuổi. Khi đáp xuống sân bay Phước Long - còn khá tạm bợ - anh đã cho chiếc F5E dừng lại ở sau chỉ... 900m. Một kỷ lục thế giới! Trước và sau Nguyễn Thành Trung, không thể một viên phi công nào dám thực hiện lại cú đáp liều lĩnh ấy với loại máy bay F5E, dù chỉ là thực hiện trong... ý nghĩ! Phần Nguyễn Thành Trung, nếu chiếc F5E của anh lao thêm chỉ 100m nữa - điều này rất dễ xảy ra - nó sẽ rơi cắm đầu từ đỉnh núi xuống. Nhưng, nó đã đáp xuống nguyên vẹn, hoàn hảo, dù không hề có bất cứ một sự hướng dẫn nào từ dưới mặt đất.

  Vậy là, sau gần 20 năm chuẩn bị, một chiến công tình báo chiến lược đã được thực hiện mỹ mãn đến 98%. Nhưng vẫn còn một điểm chưa trọn vẹn: vợ và hai con của Nguyễn Thành Trung bị An ninh không quân ngụy bắt ngay sau khi những trái bom phát nổ chỉ 15 phút. Chi tiết này, tổ chức đã tính đến, bố trí người đón vợ và hai con anh trước khi Trung ngồi vào buồng lái, song, thực hiện không kịp! Chị Cầm vợ anh và hai con gái bị chúng giam ở căn cứ không quân Biên Hòa. Đủ kiểu tra tấn đánh đập, chị chỉ lắc đầu: "Tôi không biết. Việc đang làm, ảnh đâu có cho tôi hay".

  Dù hết sức lo lắng cho tính mạng vợ con đang nằm trong tay địch, song Nguyễn Thành Trung vẫn phải tiếp tục bắt tay vào công việc. Những ngày đó, đại quân ta đã áp sát cửa ngõ Sài Gòn. Sau 10 ngày ở Phước Long, Trung được Trung ương Cục đưa ra Đà Nẵng bằng đường bộ. Đi mất gần 10 ngày, anh có mặt tại căn cứ không quân Chu Lai. Nhiệm vụ mới của anh là gấp rút huấn luyện một phi đội lái A37 ném bom Tân Sơn Nhất. Thời gian huấn luyện: không quá... 1 tuần. Nếu là lúc khác, chắc chắn không ai dám đưa ra một yêu cầu gấp rút như vậy. Nhưng, Trung và những đồng đội mới - các anh Lục, Quang, Vượng, Để, đều là phi công lái Mig-17 - không còn thời gian để chọn lựa. Họ bắt tay ngay vào việc. Và, thêm một kỷ lục tầm... thế giới nữa ngành Không quân Việt Nam đã lập được. Chỉ năm ngày sau, phi đội 5 người đã báo cáo: "Sẵn sàng nhận nhiệm vụ oanh kích Tân Sơn Nhất bằng A37". Ngay lập tức, họ được điều vào sân bay Thánh Sơn (Phan Rang - Ninh Thuận), chuẩn bị xuất kích.

  18 giờ chiều ngày 28-4-1975, cả phi đội lên đường. Trời mưa tầm tã, lại không hề có sự hướng dẫn nào từ dưới mặt đất; sợ lộ, 5 chiếc A37 cũng không dám sử dụng sóng vô tuyến. Nguyễn Thành Trung phải bay trước dẫn đội hình 4 chiếc bay sau cứ bám đuôi anh mà tiến (quan sát bằng mắt). Sợ đồng đội lạc đường, anh không dám bay cao hơn mây, đành dắt cả phi đội bay là là mặt đất. Phía dưới, bộ đội đang hành quân phát hiện ra "máy bay địch", vãi đạn đỏ trời. Vào đến Tân Sơn Nhất, Nguyễn Thành Trung bật vô tuyến ra lệnh cho cả phi đội: "Đánh!". Đúng 19 giờ tối, cả 5 chiếc phản lực cơ đều bổ nhào xuống sân bay Tân Sơn Nhất, đồng loạt cắt bom. Khói lửa mù trời, bom nổ dậy đất. Trong sóng vô tuyến, tiếng đài không lưu ngụy hét lên thất thanh: "A37 của phi đoàn nào? Phi đoàn nào? Phi đoàn nào?". Trên trời, cả 5 phi công Cách mạng đều gần như hét lên cùng lúc: "Cộng sản đấy con ạ!".

  Lại bay thấp để tránh rađa, lại tắt vô tuyến điện, lại căng mắt để né tránh đạn phòng không của bộ đội từ mặt đất vãi lên, 5 chiếc A37 nối đuôi nhau về đến Phan Rang lúc gần 20 giờ và hạ cánh an toàn - liên tục liệng vòng vèo để tránh đạn nên đường bay bị kéo dài. Đến lúc đó, Trung và 4 chiến sĩ cùng phi đội mới nhận ra một điều: ngoài cái tên, họ hoàn toàn chưa biết gì về cuộc đời của người đối diện. Nhiệm vụ được thực hiện thành công bởi một phi đội có một không hai, với vỏn vẹn một câu nói của đồng đội dành cho người phi đội trưởng lúc lên đường "Chúng tôi tin tưởng anh! Chúng ta sẽ thắng!".

  Sau ngày giải phóng Nguyễn Thành Trung được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Khá nhiều thư từ, điện... đã gửi đến chúc mừng anh. Lẫn trong số thư từ đó, Trung nhận được một lời trách cứ đến mức phẫn nộ của một nhà chuyên môn người Mỹ - thầy dạy lái máy bay của anh trong Không lực Hoa Kỳ. Ông ta không trách vì người học trò cưng của mình là một điệp viên Cộng sản; cũng không phản đối gì việc Nguyễn Thành Trung đã trút bom xuống Dinh Độc Lập - đầu não của một lực lượng đồng minh với quân đội Hoa Kỳ. Thậm chí, việc suýt nữa Nguyễn Thành Trung dội bom xuống Tòa Đại sứ Mỹ, ông thầy Mỹ cũng bỏ qua nốt. Điều khiến "ông thầy" "nổi giận" là việc cậu "học trò" dám cho F5E dừng ở mức chỉ sau 900m trên đường băng. Trong thư, ông ta gào lên: "Anh là một thằng điên, một thằng vô kỷ luật. Tôi dạy anh đáp an toàn chứ không dạy anh tự sát. Tôi chưa bao giờ thấy kẻ nào liều lĩnh như anh. Thật không hiểu nổi".

Nguyễn Hồng Lam
Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #138 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2008, 12:43:51 pm »

99 - ALI MOHAMED (sinh năm 1952)
Điệp viên hai mang của Bin Laden xỏ mũi CIA và FBI


  Lần tiếp xúc đầu tiên giữa Ali Mohamed với CIA diễn ra vào năm 1984. Khi đó, chàng thanh niên Ai Cập sau khi vừa xuất ngũ khỏi quân đội nước mình, đã tìm ngay tới văn phòng của Cơ quan Tình báo Mỹ tại Cairô để bày tỏ nguyện vọng muốn trở thành "điệp viên". Anh ta tiết lộ là hiện nay đang có quan hệ với một bộ phận của tổ chức Hezbolla tại Đức. Các quan chức CIA nhanh chóng tiếp nhận anh ta vào làm việc. Tuy nhiên, chỉ sau vài tuần, CIA khẳng định là Mohamed đã cố tình che giấu hoạt động của mình tại Hezbolla. Họ cắt đứt quan hệ và đưa anh ta vào danh sách tình nghi được coi là "những tên khủng bố có khả năng".

  20 năm đã qua, vụ việc của Ali Mohamed có lẽ đã trở thành một ví dụ thuyết phục nhất về những khó khăn mà Mỹ đang phải đương đầu trong cuộc chiến chống khủng bố nói chung, và với mạng lưới của Osama Bin Laden nói riêng. Cho dù CIA đã cảnh báo, ngay từ đầu những năm 90, Ali Mohamed đã trở thành người cung cấp thông tin chính cho FBI về hoạt động đáng ngờ của nhà triệu phú ả Rập Xêut là Osama Bin Laden. Trong khi tiến hành hoàn hảo trò chơi hai mặt với Mỹ, Mohamed đồng thời cũng là một trung sĩ phục vụ trong quân đội nước này. Là thành viên của tổ chức Hồi giáo cực đoan Jahad ở Ai Cập và Al Qaeda, Mohamed từng huấn luyện nhiều tên khủng bố - một vài tên trong số này đã từng đặt bom tại WTC vào năm 1993 và tham gia tấn công các đại sứ quán Mỹ tại Nairobi (Kenya) và Dar - es Salam (Tanzania). Tất cả những hoạt động này của Mohamed được thực hiện ngay trước mũi cơ quan mật vụ Mỹ khi đó mà người Mỹ vẫn hoàn toàn mù tịt. Mãi đến tháng 9-1998, tên gián điệp hai mang này mới bị bắt sau khi chính quyền Mỹ cuối cùng cũng nhận thức được con người này nguy hiểm như thế nào.

  Từ thời điểm này, Mohamed bị giam giữ rất nghiêm ngặt trong tình trạng cách ly hoàn toàn tại một nhà tù ở New York. Anh ta đã thú nhận việc tham gia tổ chức âm mưu khủng bố và những chi tiết về cuộc đời mình trước Tòa án Liên bang Manhattan. Luật sư tham gia vụ xét xử Mohamed nói: "Chỉ một mình anh ta cũng có thể cho thấy sự yếu kém của Mỹ trong hoạt động chống khủng bố, không chỉ trong quá khứ mà còn cả sau ngày 11-9. Anh ta đã đánh lừa cả thế giới và cho phép Bin Laden ung dung chuẩn bị hoạt động khủng bố ngay trước mũi các cơ quan mật vụ Mỹ". Vụ việc của Ali Mohamed nhạy cảm đến nỗi không một cơ quan nào muốn công khai nói về nó. Theo tờ Libération thì cả FBI, quân đội Mỹ cũng như luật sư của anh ta là James Roth đều khước từ trả lời các câu hỏi của phóng viên của tờ báo Pháp này. Một nguồn tin thân cận chịu trách nhiệm điều tra các hoạt động khủng bố ngày 11-9 cho biết: "Mohamed vẫn là một câu đố hoàn toàn bí ẩn do không ai có thể biết rõ, anh ta đã đi sâu vào hợp tác với Mỹ đến mức độ nào". Chí ít, người ta có thể hiểu rõ hơn về bí ẩn này nếu xem xét lại quá khứ của Ali Mohamed.

  Mohamed sinh năm 1952, trong gia đình một quân nhân tại Alexandria và cũng nhanh chóng nối gót cha trên đường binh nghiệp. Thừa hưởng từ cha một sức khỏe và khả năng ngoại ngữ tốt, anh ta nhanh chóng thăng tiến trong sự nghiệp và trở thành thiếu tá quân đội Ai Cập trước khi bị thải hồi vào năm 1984 vì có những biểu hiện quan điểm tôn giáo cuồng tín. Thực tế là Ali Mohamed đã bí mật gia nhập vào tổ chức Jihad của những phần tử Hồi giáo cực đoan từ trước đó. Sau khi rời khỏi quân đội Ai Cập, Mohamed bắt đầu "cuộc phiêu lưu tại Mỹ" của mình. Cho dù không thành công trong việc cộng tác với CIA, anh ta vẫn nhận được thị thực của Mỹ và nhanh chóng biết tận dụng thời gian. Ngay trên chuyến bay tới California, Mohamed đã kịp làm quen với một nữ y tá tên là Linda Sanchez và cưới cô này chỉ vài tuần sau đó. Hai vợ chồng chuyển đến sống tại San Jose và từ đây Mohamed trở thành một công dân Mỹ. Rất nhanh chóng tận dụng kinh nghiệm nhà binh của mình, anh ta trở thành trung sĩ dự bị của quân đội Mỹ tại vùng Forte Bregg, Bắc California. Do từng có cả chục năm quân ngũ, Mohamed được giao nhiệm vụ đào tạo một số đơn vị nhỏ để hoạt động tại vùng Trung Đông. Trong một cuốn băng ghi âm giới thiệu trước những người lính, Mohamed đã từng giải thích: Từ quan điểm của đạo Hồi, Israel không có quyền tồn tại do họ đã chiếm đất của người Hồi giáo.

  Trong 3 năm tại Forte Bregg, Ali Mohamed đã khiến các đồng nghiệp chú ý bởi các "hành vi hay thay đổi và khó đoán trước" của mình. Năm 1988, anh ta biến mất đi đâu vài tuần, khi trở về tuyên bố "được cử đến chiến đấu bên cạnh những chiến sĩ Mujaheddeen Afghanistan để chống lại quân Liên Xô". Anh ta còn mang về 2 dây lưng nói là của những kẻ bị mình giết trong cuộc chiến. Cấp trên đã nhận được báo cáo về vụ việc này, tuy nhiên họ lại không hề xử lý. Sau lần này, Mohamed lại tìm cách gặp đại diện CIA tại Forte Bregg đề nghị được làm việc cho Cơ quan Mật vụ Mỹ, nhưng anh ta không được để mắt tới. Tuy vậy, Cơ quan Tình báo Mỹ cũng biết được tương đối nhiều về hoạt động của Ali Mohamed. Anh ta thường đến New York vào cuối tuần để tiếp xúc với một nhóm bảo thủ cực đoan sống trong trung tâm tị nạn Kifa ở Brooklyn. Theo các chuyên gia đánh giá, đây có thể là hạt nhân đầu tiên của Al Qaeda được Bin Laden tổ chức tại Mỹ. Camera của FBI còn quay được cảnh Mohamed huấn luyện cho 5 chiến binh Hồi giáo, những kẻ sau này bị buộc tội khủng bố tại WTC năm 1993. Viên trung sĩ quân đội Mỹ này còn làm việc cùng với thủ lĩnh Omar Abdel Rahman, kẻ được coi là đầu não của chiến dịch trên. Tuy nhiên, FBI vẫn không hề động đậy. Ngay đến bây giờ, họ vẫn biện luận rằng, "không có đủ thông tin về những tên cực đoan để can thiệp khi đó". Mùa xuân năm 1993, FBI đã có thể tận dụng cơ hội bắt Ali Mohamed. Một kẻ tình nghi vì có quan hệ với Osama Bin Laden bị bắt tại Canada đã khai ra Mohamed. Đến khi bị gọi đến tra hỏi, Mohamed đã thẳng thừng đề nghị được làm người báo tin cho FBI. Anh ta tuyên bố: Bin Laden đã xây dựng mạng lưới Al Qaeda để tấn công người Mỹ trên khắp thế giới và các điệp viên của Osama hiện vẫn đang ẩn mình chờ thời cơ tại Mỹ. Anh ta còn nói mình đã từng có mặt tại các trại huấn luyện của Osama tại Afghanistan và Sudan.

  Trước những tiết lộ này, FBI vẫn quyết định trả tự do cho Mohamed với mục đích sử dụng anh ta làm gián điệp cho mình. Một luật sư tham gia vụ án bình luận: "Chính quyền khi đó đã rất mừng vì cho rằng đã tìm được người có thể cung cấp thông tin quan trọng về Bin Laden. Tuy nhiên, họ không biết cách kiểm soát anh ta". Tất nhiên là Mohamed đã không kể cho FBI tất cả. Ví dụ như anh ta đã nín thinh về việc đã giúp Bin Laden đến được Sudan vào năm 1991 hay đã vài lần huấn luyện các thành viên của Al Qaeda. Anh ta cũng không nói gì về hoạt động của mình tại trung tâm ở Brooklyn. Điều quan trọng nhất mà Mohamed đã giấu kín là Bin Laden đã đề nghị anh ta điều tra về các đại sứ quán nước ngoài tại Nairobi (Kenya). Trong một lần gặp gỡ, Osama đã trao cho Mohamed tấm ảnh chụp mặt tiền Sứ quán Mỹ và giải thích có thể tấn công bằng một chiếc xe tải chở đầy thuốc nổ. Ngày 7-8-1998, những vụ khủng bố tại Kyena và Tanzania đã diễn ra. Tháng 9 năm đó, FBI yêu cầu Ali Mohamed ra làm chứng tại một phiên tòa lớn và sau đó bắt giữ anh ta khi đã khẳng định được chắc chắn "điệp viên" của mình có tham gia tổ chức khủng bố. Tháng 5-1999, Chính phủ Mỹ chính thức buộc tội cựu Trung sĩ Mohamed về việc tổ chức âm mưu khủng bố. Tháng 10-2000, Mohamed đã thú nhận và nói sẵn sàng làm chứng chống lại 4 phần tử Hồi giáo bị buộc tội khủng bố tại Kenya và Tanzania để đổi lấy việc được giảm án. Tuy nhiên, trong phiên tòa kéo dài suốt 6 tháng này, Mohamed không thấy xuất hiện. Nhân vật đã đóng vai trò quan trọng trong hoạt động khủng bố của Al Qaeda đang chờ đợi một bản án tại nhà tù Manhattan. Chính phủ Mỹ cũng từ chối tiết lộ hình phạt nào sẽ dành cho công dân Mỹ gốc Ai Cập đã xỏ mũi cả CIA lẫn FBI này.

Thái Quân
Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #139 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2008, 07:57:20 pm »

100 - JULIE-CRAWFORD ZILBER (thế kỷ XX)
Điệp viên không bao giờ bị lộ



  Xét về nhiều mặt thì Zilber là điệp viên Đức thông minh nhất và thành đạt nhất trong những năm Thế chiến thứ nhất. Là người Đức, nhưng Zilber trông giống người Anh và nói tiếng Anh tuyệt vời. Phần lớn cuộc đời mình anh sống ở nước ngoài, ở những nước thuộc đế quốc Anh. Trong thời gian chiến tranh giữa Anh và thuộc địa, anh đã giúp người Anh được ít nhiều và đã có được giấy tờ chứng nhận. Trong những câu chuyện nhàn đàm đôi khi anh "quá lời" nói rằng trong thời gian chiến tranh anh đã quen với chàng quân nhân tình nguyện người Anh Winston Churchill, thậm chí còn có quan hệ bằng hữu với anh ta nữa. "Nhưng chuyện đó lâu rồi, tất nhiên anh ta đã quên tôi, nhưng khi đó..." - rồi anh ta im lặng một cách đầy ngụ ý. Ngay đầu chiến tranh, tháng 9-1914 Zilber đã đến Anh qua Mỹ và Canada. Anh có hộ chiếu công dân của một quốc gia trung lập và giấy tờ khẳng định hoạt động phục vụ nước Anh chống người thuộc địa. Như thế đủ để người ta cho phép anh vào nước Anh và cư trú tại đó. Anh được lòng các quan chức địa phương, những người cần đến trình độ ngoại ngữ của anh. Zilber được mời vào làm việc tại văn phòng kiểm duyệt, bởi vì các thư từ được viết không những bằng các thứ tiếng châu Âu, mà còn bằng nhiều ngôn ngữ của các dân tộc phải thuần phục đế quốc Anh.

  Những người kiểm duyệt của Anh nổi tiếng trung thực và tỷ mỷ. Nhờ thế mà đã bắt giữ và xử tội được mấy điệp viên Đức. Không ai có thể làm giảm nhẹ tính nghiêm khắc của kiểm duyệt. Hoàng hậu Hy Lạp Sofia (em gái của quốc vương Đức), hoàng hậu Thuỵ Điển (nguyên là công chúa Baden) và hoàng thái hậu Tây Ban Nha tỏ ra sùng Đức rõ rệt. Những bức thư gửi cho các bậc mệnh phụ này và những bức thư do họ gửi đi cũng đều được phân tích kỹ lưỡng và được giữ lại nếu tình hình yêu cầu. Nhiều trường hợp, như với nữ hoàng Hy Lạp, bà đã rơi vào danh sách những người bị tình nghi, và những bức thư của bà không được gửi đi. Một khi ban kiểm duyệt khẳng định rằng những mệnh lệnh gửi tới các điệp viên Đức và các tàu ngầm được chuyển theo đường thư tới Nam Phi bằng mật mã của chính phủ Thuỵ Điển thì tình báo Anh lập tức ra tay. Họ tổ chức sao cho hành vi của hoàng hậu Thuỵ Điển, em gái của Vilgelm, được cả Stokholm biết đến, và ở thủ đô Thuỵ Điển đã bùng lên một vụ bê bối ồn ào. Tất nhiên sau đó người Đức sẽ thôi không dùng đến bộ mật mã Thuỵ Điển nữa.

  Nhưng những người kiểm duyệt Anh cũng là con người, và họ cũng biết thư giãn. Sau một ngày làm việc căng thẳng, ngồi bên các đồng sự đáng tin cậy với những vại bia ngon thì họ cũng chẳng giữ mồm giữ miệng làm gì. Tất nhiên là họ kể đủ mọi thứ chuyện trong các bức thư đọc được, ngoài ra họ còn thảo luận các thông tin quân sự và chính trị mà các tác giả thư từ trao đổi với nhau. Zilber là người vui tính, cởi mở nên luôn có mặt trong các nhóm đó. Anh còn có nhiều bạn ở các nơi khác. Tất cả bổ sung cho khối tri thức mà anh thu lượm được từ trăm ngàn bức thư trực tiếp qua tay anh kiểm duyệt.

  Zilber làm việc một mình, không liên quan đến các điệp viên khác, với Trung Tâm anh cũng giữ quan hệ một chiều, không cần đến sự "giúp đỡ" và những lời khuyên của thượng cấp, thậm chí còn tìm cách tránh xa. Là người kiểm duyệt, tức là cấp kiểm tra cuối cùng, anh có khả năng tự do gửi đi những thông tin tình báo của mình. Để đảm bảo trước dấu triện thật của bưu điện, anh tự gửi cho mình từ khắp các nơi của London những bức thư không bị kiểm duyệt. Như thế anh dùng được những chiếc phong bì "có cửa sổ trong suốt", dưới đó đã ghi sẵn địa chỉ. Khi nhận được bức thư đó, anh vứt đi tờ giấy vô ích có địa chỉ của mình, cài vào đó một thông tin có địa chỉ mới. Sau đó cộp lên phong bì con dấu "Đã kiểm duyệt quân sự" và gửi đến một nơi nào đó ở một nước trung lập. Zilber hầu như không bao giờ dùng một địa chỉ duy nhất. Anh khéo léo đa dạng hoá việc trao đổi thư từ của mình, xử lý tốt "danh sách các nhân vật tình nghi" mới nhất mà lúc nào anh cũng có bên mình, trong đó có địa chỉ những nhân vật có quan hệ với người Đức mà tình báo Anh cũng biết. Khi nhận được bức thư như vậy, người nhận phải chuyển ngay cho một điệp viên Đức. Ngay trong thời kỳ chiến tranh thư từ cũng đến rất nhanh chóng, cho nên phương pháp liên lạc này là nhanh nhất và chắc chắn nhất. Tất nhiên, cũng vẫn có hiểm họa là đụng phải "lưới" của tình báo Anh, nhưng nhờ trời, Zilber vẫn khéo léo gửi đi được các tin mật qua đường New York trong những túi riêng tới các hãng kinh doanh nổi tiếng. Anh cài thư từ của mình vào đó với ký hiệu "nhờ chuyển đi tiếp", và không có trường hợp nào bị trục trặc cả. Là người cẩn thận, anh chỉ dùng phương pháp này một lần đối với một hãng. Cũng có những trường hợp anh lặng lẽ quan sát bọn phản gián Anh rình mò một điệp viên Đức. Anh không thể báo trước hoặc giúp đỡ người đó. Cũng có trường hợp ngược lại: anh phát hiện được điệp viên Anh ở Đức, nhưng không bao giờ anh nhúng tay vào và không giúp gì cho phản gián Đức, vì cho rằng sẽ làm hại chính mình.

  Khi Zilber làm việc sát cạnh những kiểm duyệt viên khác, anh không thể làm đánh dấu thư hoặc chép lại thư, tất cả những thông tin mà anh thu được anh phải lưu giữ trong đầu, và đấy là một việc hết sức căng thẳng. Anh không bao giờ dám viết lách, tàng trữ thông tin trong căn hộ, mà phải đi thuê những phòng ở khác. Để ngụy trang, anh thường phải đi xem hát, anh mua vé, xé phần "kiểm tra", rồi về vứt lung tung những vé "xem rồi" ở cạnh nhà hoặc nơi làm việc. Thường anh cũng mang về nhà những tài liệu cần thiết và chụp ảnh lại. Anh tốn rất nhiều phim, và anh phải mua ở nhiều nơi khác nhau trong thành phố. Một hôm có một tay chủ quán nghi ngờ Zilber và tự hắn theo dõi anh. Khi nhận thấy điều đó, anh liền báo cáo cấp trên, và cũng khuyên người bán hàng rất thận trọng kia hãy yên tâm làm việc của mình.

  Một lần Zilber đọc được một lá thư quan trọng nhất trong suốt cuộc đời tình báo của anh. Một cô gái chia sẻ một niềm vui với một bạn gái: anh cô ta, một sĩ quan hải quân, bây giờ có thể được thường xuyên ở nhà, vì được bố trí công việc ở một cảng gần, làm một công việc bí mật liên quan đến việc trang bị cho những cảng cũ. Người tình báo hiểu rằng đây là một việc quan trọng, và ngay ngày nghỉ đầu tiên đã đến cái thành phố, nơi có cô gái nhẹ dạ gửi thư kia. Anh gặp cô với tư cách một sĩ quan kiểm duyệt quốc gia để cảnh cáo. Cô gái hoảng hốt và lo lắng lạy van Zilber đừng nói chuyện đó cho anh mình biết và đừng làm hại đường công danh của anh ấy. Trong câu chuyện anh biết chắc chắn là có một phương thức đấu tranh mới chống lại loại tàu ngầm Đức vẫn được gọi là "tàu mồi". Ngay bản thân Zilber và bộ tham mưu các lực lượng hải quân Đức trước đây cũng chưa bao giờ nghe đến một chuyện như thế. Khi chia tay, Zilber hứa sẽ bỏ qua chuyện này và ngược lại cũng bắt cô gái hứa không nói gì với anh cô về cuộc gặp đó. "Đây là quyền lợi chung của hai chúng ta", - anh nói thêm. Cô gái cũng hiểu như vậy. Ngày hôm sau Zilber gửi đi một tin hết sức quan trọng, trong đó nói rằng quân Anh đang sử dụng các "tàu mồi". Đó là những tàu buôn cũ đặt các súng đại bác bắn nhanh được nguỵ trang kỹ và các vũ khí khác. Thành tàu được gia cố chắc, hầm tàu chứa bọt biển và các thiết bị giữ cho tàu nổi được khi trúng thuỷ lôi. (Về việc sử dụng các loại tàu này xin xem bài về "Edvard S. Miller"). Bộ chỉ huy Đức cũng đã biết về việc mất tích đột ngột mấy chiếc tàu ngầm, trước khi mất tích đã kịp báo là bị trúng thuỷ lôi địch. Bây giờ câu hỏi đó đã được giải thích. Nhưng sau khi người Đức biết rõ sự thực về "tàu mồi" thì vấn đề cũng không dễ dàng. Khi tàu ngầm Đức biết rằng bất kỳ một chiếc tàu nào trông bề ngoài đơn độc và không có vũ khí cũng có thể bất ngờ trở thành một tàu chiến hung hãn thì họ mất hết khả năng hành động chắc chắn. Đã có những trường hợp ban chỉ huy hãi hùng và không thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình.

  Zilber sống ở Anh cho đến khi chiến tranh kết thúc và không hề bị phát giác, sau đó trở về Đức an toàn, rồi kể lại những chuyện cũ của mình.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM