Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Năm, 2024, 12:38:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phi công tiêm kích (phần III)  (Đọc 243494 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #570 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2018, 06:58:34 am »

Tôi vừa kết thúc chuyến đi vào miền Trung giữa thời điểm nắng nóng nhất. Đi để thăm lại các sân bay Thọ Xuân, Vinh, Đồng Hới, để thấy được sự phát triển đến không ngờ ở những nơi mà cách đây mấy chục năm chúng tôi từng cơ động. Ở đâu chúng tôi cũng được tiếp đón chu đáo. Thật cảm động và tự hào khi tận mắt chứng kiến những thay đổi vượt quá cả sự mong chờ của mình và tự hào vì lớp lớp đàn em đã thực hiện được nhiều điều mong muốn ở những thế hệ trước.
Tôi cứ đi và cứ nhớ lại tháng 5 năm 1972, cái tháng mà những nơi này suốt ngày rền rĩ tiếng đạn, tiếng bom, tiếng rít của các loại máy bay cùng sự quật cường của cả dân tộc.
Sau trận không chiến của biên đội MiG-19 vào ngày 12-5-1972, ngày 18-5 tiếp tục những trận không chiến của MiG-17, MiG-19, MiG-21. Ngày này, Không quân Việt Nam đã xuất kích chiến đấu 26 lần/chiếc và tiến hành 8 trận không chiến. Cả 3 loại máy bay MiG-17, MiG-19, MiG-21 đều bắn rơi máy bay Mỹ. Các máy bay của KQ Việt Nam xuất kích và không chiến với các loại máy bay Mỹ vào buổi sáng đều về hạ cánh an toàn. Riêng buổi chiều, hai chiếc MiG-19 của biên đội Phạm Ngọc Tâm, Nguyễn Thăng Long khi cất cánh chiến đấu tại khu chiến Lục Nam bị bắn rơi. Cả hai phi công nhảy dù an toàn.
Ngày 20-5, biên đội MiG-21 của Lương Thế Phúc, Đỗ Văn Lanh xuất kích lúc 11h35 phút đã gặp và giao chiến với tốp 12 chiếc F-4. Trong trận không chiến không cân sức này, phi công Đỗ Văn Lanh đã bắn rơi 1 chiếc F-4. Phi công trên chiếc F-4D này là John D. Markle nhảy dù được cứu thoát, còn James W. William thì bị bắt làm tù binh.
Sang ngày 23-5, các loại máy bay MiG-17, MiG-19, MiG-21 đều xuất kích và lao vào những cuộc không chiến với số đông máy bay Mỹ. Nguyễn Đức Soát trên MiG-21 đã bắn tan xác chiếc A-7, Phạm Hùng Sơn trên MiG-19 bắn cháy chiếc F-4, Vũ Văn Đang và Nguyễn Văn Điển trên MiG-17 mỗi người bắn rơi 1 F-4, nhưng phía KQ Việt Nam cũng chịu tổn thất : phi công MiG-19 Vũ Chính Nghị phải nhảy dù, phi công MiG-17 Nguyễn Văn Điển khi bám theo một chiếc F-4 khác, không kịp kéo ra khỏi góc bổ nhào quá lớn, đã lao xuống đất, hy sinh. Phi công Vũ Văn Đang trên MiG-17 cũng phải nhảy dù nhưng lại bị trúng mảnh quả tên lửa thứ hai nên đã hy sinh. Phi công MiG-17 Nguyễn Công Ngũ cũng phải bỏ máy bay, nhảy dù. Vậy là, trong ngày 23-5-1972, KQ ta xuất kích 9 tốp với 28 lần/chiếc của cả ba loại máy bay MiG, trong đó, 3 tốp gặp đối phương và tiền hành không chiến, bắn rơi 5 máy bay Mỹ nhưng cũng chịu nhiều tổn thất (2 phi công hy sinh, 2 nhảy dù).
Ngày 24-5, hai biên đội MiG-21 xuất kích là Phạm Phú Thái, Nguyễn Công Huy và Lương Thế Phúc, Đỗ Văn Lanh, đã gặp địch, lao vào không chiến nhưng trong các trận không chiến này, các biên đội MiG bắn đến 6 quả tên lửa nhưng không hạ được mục tiêu nào. Riêng Đỗ Văn Lanh, máy bay của anh bị mảnh đạn của pháo cao xạ văng vào làm chảy hết dầu, động cơ ngừng hoạt động. SCH lệnh cho nhảy dù nhưng anh vẫn bình tĩnh đưa máy bay về hạ cánh an toàn trên sân bay Đa Phúc (chuyện này tôi đã kể tỉ mỉ trong "Chiến mã trên không" rồi). Trong 2 lần xuất kích của 2 biên đội, tuy không bắn rơi  máy bay Mỹ nào nhưng đã góp phần cản phá đợt tấn công của Không quân Mỹ vào các mục tiêu.
Ngày 31-5, biên đội MiG-21 của Nguyễn Văn Lung, Mai Văn Tuế nhận lệnh xuất kích vào lúc 15h17 phút đã gặp nhiều tốp F-4 và vào giao chiến với chúng. Trong trận này, phi công Nguyễn Văn Lung đã bị 4 quả tên lửa của F-4 bắn. Ba quả trước không trúng, nhưng quả thứ tư đã lao đúng vào buồng lái của chiếc MiG, phá hủy phần đầu của máy bay nên anh Nguyễn Văn Lung - Đại đội trưởng Đại đội 9 đã hy sinh.
Tổng kết lại, tháng 5 là tháng Không quân Việt Nam tổ chức đánh địch nhiều ngày nhất. Tính ra có đến 25/31 ngày. Cả ba loại tiêm kích MiG-17, MiG-19, MiG-21 đều xuất kích và tham gia chiến đấu trong các trận không chiến. 125 tốp với 325 lần chiếc trong đó có 31 tốp gặp địch, bắn rơi 16 chiếc F-4, 1 chiếc F-105, 2 chiếc A-7 là kết quả không nhỏ. Nhưng ta cũng gánh chịu tổn thất : hy sinh 11 phi công và 6 phi công nhảy dù an toàn.
Phía trước thời gian còn dài. Nhiều cuộc không chiến ác liệt còn đang chờ đợi, nhưng cho dù có gian nan, vất vả và hy sinh đến đâu chăng nữa thì các phi công tiêm kích của KQ nhân dân Việt Nam cũng đã sẵn sàng nghênh đón, sẵn sàng đi đến cùng cho tới kết cục cuộc chiến thắng lợi...
Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #571 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2018, 06:36:56 pm »

xuanv338 chào anh phicongtiemkich.  Càng đọc chuyện của anh phicongtiemkich càng hiểu sâu hơn binh chủng nhà trời. Bao hy sinh thật lớn cả về người và máy bay mà ngày chiến tranh có mấy khi lính bộ binh được nghe ai kể chuyện thế này. Những cái tên anh nhắc trong các trận không chiến nghe đã quen thuộc qua những trang hồi ức anh viết về đồng đội. Chuyện viết của anh nghe thật bi hùng. Những trận không chiến mất đi một phi công là một tổn thất vô cùng to lớn. Một tiểu đoàn quân may ra chọn được 1,2 lính đủ tiêu chuẩn làm lính bay. Huấn luyện đào tạo, nơi đào tạo một lính biết bay đâu đơn giản như một anh lính bộ bình. Và để có một phi công bay giỏi, thông minh, kinh nghiệm đánh giặc giữa trời đâu có được ngay sau đào tạo. Mỗi lần đọc chuyện thấy anh nhắc lại hy sinh thêm một phi công mà người đọc xót sa , thương tiếc. Cảm ơn anh nhà chuyển sử thành văn Nguyễn Công Huy đã cho người đọc biết cái thật nhất của KQ Việt Nam trong cuộc chiến tranh đã lùi xa mà chưa mấy ai được biết cái thật nhất của nó. xuanv338 chúc anh khỏe, xuất bản thêm nhiều cuốn sách quý để mãi cho đời sau.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #572 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2018, 08:07:44 pm »

Cám ơn Xuanv338 đã luôn theo dõi và động viên kịp thời tựa như người Chính trị viên vậy. Quả thực, cho tới ngay thời điểm này, việc tuyển phi công tiêm kích cũng vẫn rất khó khăn mặc dù đời sống vật chất bây giờ khác xa thời xưa nhiều. Vấn đề chính vẫn là có thích nghi được với cuộc sống trên không hay không và các phản xạ trong chiến đấu sẽ thế nào. Để đào tạo thành 1 phi công, ít nhất phải mất 3 năm, sau đó về đơn vị chiến đấu cũng phải mất từng ấy thời gian nữa để kèm cặp quen dần với những điều kiện cụ thể chuẩn bị cho chiến trận và rồi cũng không biết phải mất bao lâu nữa mới hình thành được bản lĩnh chiến đấu. Nói ra thì thật khó và dài dòng. Chính vì thế mà có đoàn bay này về nước thì hy sinh ít, đoàn khác lại hy sinh nhiều hơn. Nhưng tựu trung lại, bất kể phi công nào hy sinh (dù trong chiến đấu hay huấn luyện) cũng đều là tổn thất rất lớn. Tôi nói đây không phải là xem thường sự hy sinh của các người lính khác, nhưng với lính bay đào tạo quá tốn kém và trách nhiệm không nhỏ trong nhiều việc, đơn thuần nhất là tài sản trang thiết bị đang nắm giữ. Và cũng bởi là Binh chủng non trẻ và nằm trong khuôn khổ bí mật nên ít người biết thực chất nó ra làm sao. Có những điều sau nhiều năm chiến tranh có thể nói được mà cũng có điều không bao giờ nói được bởi nhiều lí do. Cũng xin các đồng đội thông cảm và sẻ chia.
Tôi xin hé lộ một chút là cuốn "Bay vào vũ trụ" viết về người được tặng 3 lần Anh hùng, phi công vũ trụ - Trung tướng Phạm Tuân cũng sắp ra đời. Có lẽ, nếu đọc thì mới hiểu việc tuyển chọn và rèn luyện để trở thành phi công vũ trụ nó gian nan tới mức nào và cũng hiểu thêm con người trên vũ trụ họ ăn, ở, ngủ, nghỉ cùng các sinh hoạt khác nó khác người dưới mặt đất thế nào. Để so sánh thì các phi công tiêm kích chắc không được nhiều phần như họ đâu...
Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #573 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2018, 04:57:00 pm »

xuanv338 chào anh phicongtiemkich. Nghe chuyện lính nhà trời đánh nhau ko chỉ riêng xuanv338 mê đâu anh.  Anh lính không chiến cũng giỏi và viêt văn cũng tài. Anh viết một cuốn chuyện cứ như ngày xưa có anh lính xa nhà viết lá thư từ ngoài tiền tuyến gửi cho người yêu ở hậu phương vậy. EM chúc mừng anh sắp có cuốn chuyện ra đời. Nhân vật chính của cuốn chuyện lại là người quê Lúa.
Logged
Viet Trung 51
Thành viên
*
Bài viết: 142


« Trả lời #574 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2018, 09:26:12 am »

Ban liên lạc cựu học viên Trường không quân Krasnodar họp tổng kết một năm hoạt động. Chuẩn bị đón sách kỷ yếu và tổ chức gặp mặt kỷ niệm 80 năm thành lập trường.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #575 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2018, 06:35:04 am »

Cám ơn Xuanv338 và Viet Trung 51 đã động viên và đưa tin. Chuyện viết sách thì chẳng được như Xuanv338 nghĩ đâu. Thoạt đầu là phải đặt vấn đề xem nhân vật ấy có đồng ý cho mình viết không đã, sau rồi mới "lân la" trò truyện để "moi" tư liệu, rồi về cặm cụi viết nháp, rồi trình cho nhân vật ấy duyệt rồi lại mang về chỉnh sửa. Cứ như vậy phải mất khá nhiều lần mới xong bản thảo. Tiếp đến là sưu tầm ảnh cùng các tư liệu có liên quan rồi lại trình, lại chỉnh sửa. Xong hết các "công đoạn" rồi thì nhân vật nếu không còn ý kiến gì nữa mới viết cho mình mấy dòng tựu trung là "Tôi đã đọc kỹ, không có ý kiến gì nữa, nay giao cho tác giả hoàn tất việc in ấn". Tới bấy giờ mới lần tìm NXB để xin cấp phép rồi tiếp đến là các thủ tục a,b,c...Nói chung, "đứa con tinh thần" cũng cứ phải thai nghen đủ 9 tháng 10 ngày mới mong ra đời, có "đứa con" còn như "chửa trâu", phải hơn cả năm đấy, Xuanv338 ạ. Nó chẳng nhanh như viết thư về nhà mà lại càng chẳng nhanh bằng viết thư tình đâu!
Cuốn "Kỷ yếu những học viên học tại trường KQ Krasnôđar" mất khá nhiều thời gian để sưu tầm ảnh cùng các tư liệu liên quan đến từng học viên. Vì in bằng song ngữ (tiếng Việt và tiếng Nga) nên cũng mệt hơn. Tổng cộng, từ năm 1961 đến năm 1992 đã có 1.730 học viên Việt Nam đào tạo tại trường (còn được gọi là Trường Đại học hàng không quân sự mang tên Anh hùng Liên-xô A.K.Sêrôp). Tốt nghiệp được 1.066 học viên gồm 581 phi công và thành viên tổ bay, 481 kỹ thuật viên hàng không cùng 4 dẫn đường mặt đất. Số không tốt nghiệp chủ yếu do sức khỏe và học lực không đáp ứng yêu cầu. Khi về nước tham gia chiến đấu, đã có 83 người lập chiến công : bắn rơi 170 máy bay các loại của Mỹ, ném bom gây thương tích nặng 2 tàu chiến thuộc Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, đánh hỏng nhiều căn cứ quân sự quan trọng của địch. 38 phi công được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Có 12 phi công trở thành phi công Ace và 1 phi công vũ trụ. 123 đồng chí đã anh dũng hy sinh trong các trận không chiến. Có 1 đồng chí trở thành Ủy viên Bộ chính trị, 2 đồng chí Ủy viên TW Đảng, 1 là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, 1 Thứ trưởng và 20 đồng chí được phong quân hàm cấp tướng.
Từ năm 2007 đến nay vẫn có một số đoàn học viên Việt Nam tiếp tục được đào tạo tại trường (đào tạo cả phi công lẫn kỹ thuật viên).
Cuốn kỷ yếu này ra đời nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập trường (với tiêu đề "Trường Không quân Sêrôp A.K. Krasnôđar - Một thời tuổi trẻ") là như vậy.
Báo cáo, hết!...
Logged
Viet Trung 51
Thành viên
*
Bài viết: 142


« Trả lời #576 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2018, 01:53:27 pm »

Cảm ơn anh PCTK đã cho biết rõ thông tin về cuốn "Kỷ yếu những học viên học tại trường KQ Krasnôđar". Em muốn hỏi thêm về trường hợp các ĐC đã hy sinh trong khi học tập tại trường KQ Krasnodar, cụ thể là có bao nhiêu ĐC đã hy sinh. Em được biết QC đã cho di chuyển các ĐC ấy về VN, nhưng ở bên ấy nhân dân bạn vẫn ghi nhớ các AE hy sinh như ở Akhtary, dù hài cốt ĐC Chính đã được chuyển về VN, tuy nhiên ở NT địa phương vẫn có bia mộ "gió" và nhân dân bạn vẫn đến viếng, đặt hoa...
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #577 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2018, 09:20:30 am »

Cám ơn Xuanv338 đã quan tâm rất chi tiết. Trong quá trình học tập tại trường Krasnôđar, có 7 học viên hy sinh trong các trường hợp khác nhau. Hiện cho tới giờ vẫn còn 3 đồng chí chưa đưa về nước được với lí do khi chôn cất hồi ấy chỉ khắc bia chí bằng gỗ nên qua thời gian bị mục nát không tìm lại được dấu vết. Cũng đã từng có nhiều đoàn sang tìm rồi nhưng không kết quả. Đành xây đài tưởng niệm các đồng chí ấy trong tâm khảm mà thôi. Trong 3 người ấy, có một người bay cùng đoàn tôi và chơi thân với tôi. Anh ấy là học sinh miền Nam tập kết. Khi chuyển loại từ L-29 lên bay MiG-21, vì lí do sức khỏe, anh ấy phải chuyển xuống bay MiG-17.  Đêm trước khi chia tay, chúng tôi thức trắng đêm, chủ yếu nghe anh ấy tâm sự. Vốn dĩ là người ít nói, kiệm lời, vậy mà đêm hôm đó anh ấy nói rất nhiều, hầu như tôi không có cơ hội nói chen ngang. Không biết đấy có phải là một cái "điềm" hay không nhưng thời gian ngắn sau thì anh ấy hy sinh. Khi cất cánh, vừa tách đất để lấy độ cao, máy bay anh ấy bốc cháy, anh không kịp xử lí và hy sinh ngay đầu đường băng của sân bay Kusôpscaia.
Chúng tôi vẫn hay nói chuyện về anh ấy cho dù anh ấy đã "đi xa" đến biệt tăm. Thi thoảng tôi vẫn mơ gặp anh ấy cùng các anh khác trong đoàn bay đã vĩnh viễn "xếp lại đôi cánh của mình", thậm chí còn nói chuyện cười vui với nhau nữa, hệt như cái thời từng sống với nhau. Chỉ lúc giật mình tỉnh giấc mới biết rằng mình vừa gặp đồng đội trong mơ. Vậy là không thể ngủ lại nổi và nước mắt cứ thế chảy tràn...Những đêm mất ngủ quả là những đêm thật dài...
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #578 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2018, 03:18:44 pm »

Tôi vừa có chuyến đi vào sân bay Phù Cát thăm lại nơi cách đây 31 năm tôi từng hạ cánh ở đó. Số là, khi ấy Sư đoàn chúng tôi mang tặng các Trung đoàn KQ ở Phù Cát và Biên Hòa một số MiG-21. Tôi bay dẫn toàn đội vào hạ cánh ở Đà Nẵng, ngày hôm sau thì chia thành hai tốp : tốp đi Biên Hòa và tốp đi Phù Cát. Tôi tách ra dẫn biên đội 4 chiếc đi Phù Cát bàn giao cho Trung đoàn 940 nay là 925. Bốn anh em chúng tôi ở lại đó vài hôm rồi được An-26 chở ra Bắc. Từng ấy năm tới giờ tôi mới trở lại. Cảnh sắc gần như thay đổi hoàn toàn, từ sân bay đến nơi ăn ở, từ chủng loại máy bay đến đội ngũ phi công...tất cả đều gây cho tôi sự ngỡ ngàng. Cuối tháng này, Trung đoàn lại đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Trung đoàn KQ 925 trước kia được trang bị loại máy bay MiG-19 đã ra quân đánh thắng trận đầu ngày 8-5-1972 và liên tục tổ chức các cuộc không chiến thắng lợi vào các ngày sau đó. Trung đoàn 925 ngày nay được trang bị loại Su-27 hiện đại hơn nhiều. Tôi đã có dịp ngồi hàn huyên với số phi công của Trung đoàn. Chúc Trung đoàn luôn phát huy truyền thống vẻ vang và viết tiếp những trang sử hào hùng của Trung đoàn Anh hùng.
Logged
Haianh_od
Thành viên
*
Bài viết: 64


« Trả lời #579 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2018, 05:21:45 pm »

Cám ơn chú PCTK đã ghi lại những trang sử hào hùng của những năm chống Mỹ.
Thật là tình cờ trong buổi dự lễ tốt nghiệp của con gái cháu tại Bournemouth - Anh quốc, bố của một bạn tốt nghiệp cùng cũng là PC trung đoàn vận tải 918. Hôm nay cả nhà cháu đi đến Augsburg nơi con trai AHLS PC Nguyễn Duy Lai (E923) định cư và sẽ dự ngày giỗ của ông. Chắc là ba cháu và chú Lai cũng mừng vì con cái đã gắn kết với nhau.
Cuốn sách dịch của chú có hi vọng gì không? Đang trong những ngày sôi động của WC2018 tại Nga chợt nhớ đến 2019 là năm VN tại Nga và ngược lại. Hi vọng cuốn truyện dịch của chú sẽ được ra mắt trong dịp đó.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM