Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 27 Tháng Năm, 2024, 01:35:05 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phi công tiêm kích (phần III)  (Đọc 243612 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #230 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2016, 08:43:14 pm »

        Bác phi công tiêm kích hoặc Viet Trung 51 giới thiệu từng người trong ảnh cho mọi người biết đi.

        "...Nhưng khi ra tận nơi thì mới thấy cũng ghê thật : cái ống phản lực bằng thép chịu nhiệt cứng như thế mà quăn như vỏ đỗ, bánh lái lên xuống bên trái thì mất đâu mất 1/3. Ái chà ! Cái lũ F-4 láo toét này đã đập vào đít ngựa sắt của tao rồi !..."

        Bác phi công tiêm kích ơi, bọn nó làm như thế nào mà lại đập vào đít ngựa sắt của bác thế (Tên lửa không đối không của Mỹ nổ gần mục tiêu (giống như SAM 2) hay là bắt buộc chạm vào mục tiêu mới nổ?)

        Hôm trước bác mới nói đến bữa sáng, thế còn bữa chính thì như thế nào ạ? Khi di chuyển giữa các sân bay để làm nhiệm vụ, đồ đạc bác mang theo có nhiều không? (lần trước bác mới chỉ nói tới việc "rải" sẵn bàn chải đánh răng ở các sân bay để đến chỗ nào cũng có để dùng ngay thôi)

        Khi có lệnh cất cánh, máy bay của bác nằm sẫn ngay trên sân bay hay vẫn trong nơi cất dấu? Nếu nằm trên sân bay thì làm sao bảo vệ được máy bay thoát khỏi bọn không quân Mỹ? Vậy lúc nào thì ta đưa máy bay ra nằm chờ trên sân bay? Khi đưa ra thì dùng xe kéo? máy bay tự bò ra hay dùng trực thăng cẩu ra (mà dùng trực thăng thì giấu trực thăng vào đâu). Mà MIG 21 khi cần lùi thì phải làm thế nào, nó có tự bò lùi được không? Em hỏi hơi nhiều, bác thông cảm, khi nào rảnh rỗi thì trả lời cũng được ạ.
   
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Tư, 2016, 09:02:22 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #231 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2016, 09:01:28 pm »

Tuần trước, có 12 phi công Mỹ từng tham chiến trong cuộc chiến tranh đánh phá bằng Không quân ra miền Bắc Việt Nam đi theo đường du lịch sang thăm lại đất nước Việt Nam sau hơn 40 năm họ từng tham chiến. Tôi cũng may mắn được nhắc đến và đã có cuộc hội ngộ mà mọi người cho là "cuộc gặp mặt thế kỷ". Các phi công Mỹ tham chiến ở nhiều thời điểm khác nhau trong năm 1972. Có người từng nằm trong "Khách sạn Hin-ton" 8 tháng trời rồi được trao trả về Mỹ. Đặc biệt, có 1 cựu Trung tá tên là Curt Dose, người đã tham chiến trong ngày 10-5-1972 hai đợt : đợt đầu và đợt cuối. Ở đợt đầu, Dose đã bắn phi công Nguyễn Văn Ngãi khi biên đội của các anh Đặng Ngọc Ngự, Nguyễn Văn Ngãi cất cánh từ sân bay Kép. Mới đến độ cao thu càng thì 2 chiếc F-4 của biên đội Dose từ độ cao 5.000 mét phát hiện được, đã lao xuống tấn công. Dose đã bắn trúng máy bay của Ngãi. Vì ở độ cao quá thấp, Nguyễn Văn Ngãi không kịp nhảy dù, hy sinh ngay đầu đường băng. Hơn 40 năm sau, Dose trở lại Việt Nam và có nhã ý muốn trở lại sân bay Kép và muốn đến thắp nhang cho người phi công mà Dose từng bắn rơi. Trong 2 buổi chiều tiếp xúc và cùng ăn tối, tôi luôn ngồi cạnh Curt Dose, hỏi thêm một số vấn đề và lắng nghe xem thái độ của Dose. Dose đã được đến sân bay Kép (chỉ đứng từ xa chứ không được vào tận nơi) và được gặp người nhà của phi công Nguyễn Văn Ngãi. Cuộc gặp của Dose với chị gái và cháu của Ngãi cùng với mấy phi công cùng trang lứa với Ngãi được VTV4 tổ chức, có ghi hình. Tôi không biết sẽ phát vào lúc nào. Rồi Dose được về thăm gia đình Ngãi, ra nghĩa trang để thắp nhang viếng Nguyễn Văn Ngãi và gia đình có mời cơm trưa. Trước tình cảm, đạo lí và nghĩa tình của người Việt Nam, Dose đã phát biểu với những lời chân thành và đầy cảm động. Bức ảnh mà Viet trung đưa lên trang thì Dose đứng ở hàng sau. Từ trái sang, có anh Nguyễn Kim Khôi (nguyên cán bộ Đại đội tên lửa của MiG-21) rồi đến Dose. Tiếp là các phi công Việt Nam Nguyễn Thanh Quý và anh hùng Nguyễn Văn Bảy. Hàng trước thì có anh hùng Từ Đễ, tôi, anh hùng Phạm Phú Thái, anh hùng Đồng Văn Song, anh hùng Nguyễn Đức Soát, phi công tiêm kích MiG-17 Mai Đức Toại (sau này bay trên MiG-19 và đã bắn rơi 2 máy bay Mỹ) và phi công MiG-17 Nguyễn Văn Lâm.. Bác Mai Đức Toại đã gặp lại đối thủ của mình và cả hai đã lên mô tả lại trận đánh diễn ra ngày hôm ấy ra sao và cảm tưởng bây giờ thế nào. Nhìn chung, bây giờ tất cả đã già rồi, mọi suy nghĩ đã chín chắn, đã đằm lại, chúng tôi trao đổi với nhau như các phi công với các phi công, tạm gác lại quá khứ và tìm cách thân thiện. Đoàn các phi công Mỹ còn đi suốt vào Nam rồi mới trở về Mỹ. Sơ bộ như vậy để các đồng đội biết...
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #232 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2016, 09:20:41 pm »

Gửi Giangtvx !
Bữa ăn trưa của bọn tôi thì nhiều hơn bữa ăn sáng, bữa ăn tối cũng vậy, đều phải tính ra ca-lo cho đảm bảo. Có cả cuốn "Sổ tay chăm sóc phi công" đàng hoàng. Trong đó in chi tiết lắm. Nói chung, các anh chị nuôi quân cho bếp bay đều là những Trung cấp nấu ăn. Khi bọn tôi đi cơ động thì ở các sân bay cũng đều có bếp bay, mức ăn đều đảm bảo như ở sân căn cứ, trừ những sân cơ động chưa kịp chuẩn bị thì đành phải chấp nhận ví như hôm tôi hạ cánh xuống sân bay Miếu Môn, Hòa Lạc... chẳng hạn, bữa sáng nhà bếp cho ngay 5-6 bát mì sợi hãm để sẵn, choáng lắm.
Còn khi trực ban chiến đấu thì bọn tôi trực ngay gần đầu sân bay để có thể cất cánh với thời gian nhanh nhất. Nếu phải trực trong hầm (ví dụ như ở sân bay Kép trong giai đoạn 12 ngày đêm năm 1972) thì mở máy xong phải lăn một đoạn dài mới ra đến sân bay để cất cánh. Như sân bay Kép thì vào giai đoạn đường cất hạ cánh bị đánh hỏng, chưa sửa chữa kịp thì dùng ngay đoạn đường lăn ấy mà cất cánh cho dù chỉ có mấy trăm mét thôi.
Còn nhiệm vụ của Trực thăng thì hồi chiến tranh, các đồng chí kỹ sư kỹ thuật của ta đã có sáng kiến dùng trực thăng Mi-6 cẩu các máy bay MiG đi sơ tán vào các nơi an toàn, như rừng cà-phê ở Thanh Hóa rồi vào ven các làng thôn... ngụy trang thật kỹ, khi nào cần thì lại cẩu ra nơi trực. Máy bay Mi-6 đúng là đã có công lớn trong cuộc chiến qua.
Họ hàng nhà MiG bọn tôi (MiG-17, MiG-19, MiG-21) không có số lùi nên không lùi được mà có một chiếc cần gọi là cần dắt, ngoắc gài vào bánh trước của máy bay rồi dùng sức người đẩy và một thợ máy điều khiển cần dắt để đưa vào đúng vị trí cần thiết. Đơn giản vậy thôi, Giangtvx ạ !
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #233 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2016, 09:32:31 pm »

Tôi lại giải thích tiếp cho hết nhẽ. Các loại tên lửa không đối không loại cảm ứng nhiệt thì có thể nổ cách mục tiêu, nơi nhiệt cao nhất (thường là đuôi, sau ống phản lực) với cự li bao nhiêu đó, mà cũng có thể chui tụt vào trong động cơ máy bay. Khi nó nổ gần động cơ thì máy bay bị thương nhiều, có thể vẫn về hạ cánh được và nặng hơn thì phải nhảy dù, bỏ máy bay. Còn nếu nó chui tọt vào động cơ thì chẳng còn cách nào cả, sống sót được là may, còn có cơ nhảy dù, bằng không thì chết là cái chắc. Cái này lại phải nhờ đến Huyphongssi giải thích cho cặn kẽ thêm thôi. Mà lâu nay vắng bóng Huyphongssi trên trang, không biết đồng đội bây giờ ở nơi mô ? Chú ngựa chiến của tôi hôm đó chắc là bị tên lửa nó nổ gần do tôi cơ động liên tục và gấp nên chỉ bị thế thôi.
Còn "gia tài" bọn tôi đem theo người ư ? Ngoài khẩu súng ngắn K-59 (sau này là K-27) với mấy băng đạn, rồi la bàn, dao găm... thì trong áo bay có nhét một chiếc quần đùi, thêm nữa là quyển sổ nhật ký, chiếc bút. Vậy là hết ! Đơn giản vậy mà !...
Logged
star
Thành viên
*
Bài viết: 127


Paracel Islands & Spratly Islands Of VIETNAM


« Trả lời #234 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2016, 06:59:16 am »

Hồi trước, khi tìm hiểu về không chiến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, em nghĩ rằng máy bay Mỹ chủ yếu không chiến bằng tên lửa tầm nhiệt AIM-9 (rắn đuôi chuông) và chỉ có thể tấn công hiệu quả từ bán cầu phía sau.
Những năm gần đây, khi đọc nhiều tài liệu phía Mỹ, em mới thấy rằng giai đoạn cuối 1971 và 1972, F-4 của không quân Mỹ được trang bị chủ yếu là AIM-7 (chim sẻ), điều khiển bằng radar, tấn công tầm xa, từ cả bán cầu phía trước và phía sau. Sau đó, từ khoảng giữa 1972, AIM-7 còn được cải tiến thêm để có thể tấn công tầm ngắn. Đầu nổ của AIM-7 thuộc loại "thanh giăng liên kết", có khả năng phá hủy cấu trúc hơn hẳn đầu nổ mảnh. Khi tấn công (có thể là từ rất xa, ngoài tầm nhìn), một chiếc F-4 thường phóng liên tiếp nhiều tên lửa AIM-7 vào một mục tiêu (bắn "liên thanh" chứ không phải bắn "tỉa từng phát một").
F-4 của không quân thì chủ yếu trang bị AIM-7, của hải quân thì chủ yếu trang bị AIM-9 (do cất cánh từ tàu sân bay nên trang bị và chiến thuật của F-4 hải quân khác với F-4 không quân). Như vậy, trong các chiến dịch Linebacker I và II, các máy bay Mig luôn bị tấn công từ nhiều phía, từ mọi khoảng cách. Qua đó mới thấy những khó khăn và sự khốc liệt mà các phi công của ta đã vượt qua để luôn duy trì hiệu quả các chuyến xuất kích, chia lửa với các lực lượng phòng không, giữ gìn bầu trời Tổ Quốc.       
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Tư, 2016, 07:54:28 am gửi bởi star » Logged

Những việc ta làm, thành - bại ngày hôm nay,
Sẽ có sử sách ngày mai ghi chép lại.
Dân tộc ta còn mãi là nhờ lòng cương quyết,
Mấy ngàn năm oanh liệt chống quân thù.
(Câu Thơ Yên Ngựa)
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #235 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 10:06:22 am »

Đúng như vậy, Star ạ ! Khi bước vào chiến dịch Linebacker, các máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ được trang bị loại tên lửa mới AIM-7E-2 Sparrow và AIM-9G Sidewinder (sau đó là phiên bản cải tiến AIM-9 J). Các máy bay F-4 E đã được nghiên cứu lắp thêm bộ phận cánh tà trước nhằm tăng tính năng khí động học khi cơ động ở mặt phẳng ngang nên chúng vòng rất gấp mà không bị mất tốc độ. Điều này giúp chúng có thể quần nhau ở mặt bằng ngang ngửa với cả MiG-17 và MiG-19 được. Ngoài ra, trên một số máy bay F-4, Mỹ cũng đã lắp thêm hệ thống tác chiến điện tử AXP-80 "Electronic Device code-named Cobat Tree", như một hệ thống trợ giúp trên không, có khả năng thu được tần số thu phát của hệ thống phân biệt địch ta SRO-2 và SRZO-2 cùng với hệ thống SOD-57 của các máy bay MiG. Hệ thống AXP-80 có khả năng nhanh chóng xác định được thời điểm cất cánh và vị trí của các máy bay MiG. Ngoài ra, Mỹ còn sử dụng mọi thủ đoạn trong việc gây nhiễu điện tử, sử dụng hàng loạt các vũ khí cải tiến như bom thông minh, bom dẫn đường la-ze và tăng tỉ lệ máy bay đối phó với tiêm kích của ta lên đến tỉ lệ 3/1. Những trận không chiến trong ngày 10-5-1972 là những trận điển hình cho lối đánh mới và sự cải tiến các loại vũ khí và thủ đoạn gây nhiễu của Không quân, Hải quân Mỹ. Ngoài những việc cải tiến về vũ khí, khí tài thì chúng cũng được chuẩn bị kỹ hơn về chiến thuật và kỹ thuật không chiến cũng như cách đánh. Tổng chỉ huy lực lượng Không quân là Tướng Vogt - Tư lệnh Tập đoàn Không quân số 7. Đấy là một con sói già nên rất chú trọng đến vấn đề chiến thuật. Chính vì vậy mà mới nảy sinh ra những Phi đội tìm diệt MiG (MiGCAP) và lực lượng tiêm kích bảo vệ các máy bay ném bom tăng lên khá nhiều : mỗi chiếc máy bay ném bom phải bố trí từ 2 đến 3 chiếc tiêm kích đi bảo vệ kể cả lúc bay vào lẫn lúc bay ra. Đồng thời, chúng cũng xé nhỏ các biên đội ra, không bay với số lượng nhiều, cồng kềnh như trước nữa, bay theo nhiều hướng, theo nhiều độ cao vào đánh phá các mục tiêu. Cũng vì thế mà suốt trong giai đoạn năm 1972, hầu như anh em chúng tôi toàn gặp bọn tiêm kích F-4, hơn nữa lại hay ở thế bị động và trong tình trạng nhiễu đối không kinh khủng. Muôn vàn khó khăn trong những ngày tháng ấy, nhưng như châm ngôn xưa : "Vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn". Trong cái khó, ló ra nhiều cái khôn. Chúng tôi cũng tìm cách khắc chế, hóa giải được những "mẹo vặt" của bọn chúng.
Logged
star
Thành viên
*
Bài viết: 127


Paracel Islands & Spratly Islands Of VIETNAM


« Trả lời #236 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 10:17:38 pm »

Vâng, cảm ơn bác đã giải thích thêm chi tiết. Đọc tài liệu từ phía Mỹ, quả thật em thấy phát ngợp về nguồn lực khổng lồ cả về nhân lực, vật lực, trí lực mà họ đã huy động để chế áp những cánh bay của ta. Con số cụ thể: "tăng tỉ lệ máy bay đối phó với tiêm kích của ta lên đến 3/1" ("mỗi chiếc máy bay ném bom phải bố trí từ 2 đến 3 chiếc tiêm kích đi bảo vệ kể cả lúc bay vào lẫn lúc bay ra") đủ thấy các phi công của ta luôn là đối thủ nặng kí mà bộ chỉ huy đối phương luôn luôn phải dè chừng.

Tham gia những thảo luận trên diễn đàn cũng giúp em rút ra được nhiều điều bổ ích. Trước đây, em hơi bị sa đà vào "số máy bay địch bị bắn hạ" mà không để ý đến những ý nghĩa khác rộng hơn. Ví dụ, trước đây em đã từng đặt câu hỏi là tại sao phải đưa máy bay vào hoạt động ở khu 4, trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt, một bên là núi, một bên là biển. Sân bay dã chiến, đường băng ngắn nằm trong tầm pháo hạm của địch, vừa phải không chiến với số lượng địch đông hơn nhiều lần, vừa phải dè chừng tên lửa Talos phóng lên từ các chiến hạm ... Những chủ đề tranh luận, trao đổi trên diễn đàn giúp em có được cái nhìn rộng hơn, phần nào hiểu được đó chính là một trong những đặc điểm của chiến tranh phi đối xứng. Dù khó khăn gian khổ thế nào thì ta vẫn luôn bảo đảm sự hoạt động của Mig trên bầu trời, khiến cho đội hình của địch phải phức tạp hơn, cồng kềnh hơn với số lượng tiêm kích gấp 2, gấp 3 lần cường kích. Ngay cả như vậy, đối phương cũng không thể tự do tấn công mặt đất mà lúc nào cũng phải dè chừng những đòn trừng phạt đến từ trên không. Kết quả là bộ máy chiến tranh phá hoại của đối thủ sẽ phải chịu sự tiêu tốn, hao mòn hơn gấp nhiều lần.

Nhân ngày 30.04, em kính chúc bác luôn mạnh khỏe, dẻo dai để tiếp tục những câu chuyện kể, về mình và về các đồng đội của mình, để lớp người đi sau như chúng em hiểu hơn về những gì cha anh đã phải trải qua để Đất Nước mình không còn phải chịu cảnh bắc nam chia cắt.
Logged

Những việc ta làm, thành - bại ngày hôm nay,
Sẽ có sử sách ngày mai ghi chép lại.
Dân tộc ta còn mãi là nhờ lòng cương quyết,
Mấy ngàn năm oanh liệt chống quân thù.
(Câu Thơ Yên Ngựa)
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #237 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2016, 09:02:07 am »

        Vâng, cám ơn bác phicongtiemkich đã giải đáp.

        Thời kỳ đầu của chiến tranh, khi chưa xuất hiện tên lửa kiểu AIM-7 thì các máy bay muốn tấn công được phải tìm cách bám đuôi và công kích từ phía sau đối phương. Nhiều trường hợp quân ta do mải đánh địch, không kịp thời phát hiện được bị bám đuôi, lại không có đồng đội (hoặc mặt đất cảnh báo) nên bị chúng bắn trúng.

        Có tài liệu nói rằng để khắc phục hạn chế đó, ta lắp thêm gương chiếu hậu cho máy bay. Tài liệu ấy nói có đúng không hả bác? Chú ngựa sắt của bác có lắp gương không? Cái gương ấy nó to hay nhỏ, có dáng lồi không? Ảnh dưới đây có phải buồng lái của MIG 21 không, có giống với buồng lái trên máy bay của bác không? Mà nó chật chội như thế thì lắp gương được vào chỗ nào? (mà sao ta không lắp luôn ra da quan sát và cảnh giới phía sau cho đảm bảo ạ?). Mong bác trả lời ạ!

« Sửa lần cuối: 12 Tháng Năm, 2016, 10:51:24 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #238 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2016, 08:30:17 pm »

Cám ơn Star đã hiểu phần nào cho nỗi gian khổ của các phi công tiêm kích của ta trong giai đoạn chiến tranh vừa qua. Thực ra, còn nhiều người vẫn không hiểu hết thế nào gọi là chiến công mà phi công lập được khi xuất kích. Hầu như đại đa số đều thấy rằng : cứ bắn rơi được máy bay địch thì đấy mới là lập chiến công, còn không thì coi như là không có chiến công. Điều ấy chỉ đúng một phần thôi. Với phi công tiêm kích, điều quan trọng nhất là phải chiến đấu hết sức mình để bảo vệ được mục tiêu được giao, không thể để bất kỳ quả bom, quả đạn nào của địch đánh phá đúng vào mục tiêu ấy. Vì vậy, việc cản phá, bẻ gãy các đợt oanh kích của địch không cho chúng đánh phá mục tiêu mới là quan trọng nhất. Đương nhiên, trong quá trình chiến đấu bảo vệ mục tiêu ấy mà lại bắn rơi được máy bay địch thì còn gì bằng. Đấy là chiến công lớn. Còn nếu như, anh chỉ chăm chăm vào mỗi việc bắn máy bay địch mà để chúng nó đánh nát bét mục tiêu mình cần bảo vệ thì còn có gì để mà nói, mà thanh minh ?. Nếu như mục tiêu mình được giao vẫn nguyên vẹn qua những đợt oanh kích mà mình không bắn rơi được máy bay địch thì vẫn được coi là hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong chiến tranh, việc hoàn thành nhiệm vụ được giao nhiều khi phải trả giá ngay chính cuộc sống của bản thân mình. Nhiều chuyến xuất kích chiến đấu rõ ràng là chỉ có đi mà không có về, nhưng vẫn xuất kích, vẫn chiến đấu. Đã có nhiều phi công sau đó phải bỏ máy bay, nhảy dù vì không thể hạ cánh nổi, do hết dầu, do thời tiết quá xấu v.v.. Những chuyến bay ấy đều là những chuyến bay cảm từ, và các phi công tiêm kích chúng tôi chưa hề một ai thoái thác nhiệm vụ cả, Star thân mến ạ !
Cũng xin trả lời câu hỏi của Giangtvx. Buồng lái ấy chính là buồng lái của MiG-21 thân yêu của bọn tôi. Tôi cũng có được may mắn là sau một thời gian tham gia chiến đấu thì được tham dự một cuộc họp mà người nghe lại chính là đại diện của Tổng công trình sư chế tạo ra MiG đến để nắm bắt những yêu cầu của người sử dụng MiG. Hôm đó, đại loại là chúng tôi đã đưa ra một số yêu cầu bổ sung cho trang thiết bị trên MiG-21 như : thêm tên lửa không đối không, bởi chỉ có 2 quả thôi là quá ít, rồi thêm gương chiếu hậu để quan sát phía sau đuôi, rồi thêm quạt trong buồng lái vì buồng lái rất nóng, rồi thêm súng để sử dụng khi "đánh giáp lá cà" v. v....Một thời gian ngắn sau, các yêu cầu của chúng tôi được đáp ứng, trong đó có việc mà Giangtvx hỏi là gương chiếu hậu. Giangtvx cứ tưởng tượng khi lái xe ô-tô thì gương chiếu hậu thế nào, với MiG-21 cũng tương tự như thế. Nó có thể giúp cho phi công nhìn phía sau đuôi máy bay mình chừng 4 km. Hiện nay, trong Bảo tàng của QC PK-KQ có để một buồng lái MiG-21 nên Giangtvx có thể vào ngồi mà quan sát một cách thực tế hơn, Giangtvx ạ !
Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #239 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2016, 06:25:32 pm »

xuanv338 chào anh phicongtiemkich. Chào các bác  nhà mình đang tham gia trang. Lâu lắm em đi lang thang khai hoang vỡ hóa. Nay trở về thấy anh tiemkich đã về qua nhà. xuanv338 tới chậm nên bác lại đi về Thường tín mất rồi. Không gặp được anh phicongtiemkich, xuanv338 gửi lại trang lời chúc sức khỏe. và đọc bài viết. Thật may có cái tò mò của người khác để mình được nghe lỏm chuyện của lính nhà trời. Cứ là hay vì chuyện trên trời nó mênh mông quá, nghe chuyện trên cao cứ như trong các câu chuyện trời, đất, tiên, phật, rất huyền thoại. Thấy bác lên trang là chắc sức khỏe của bác vẫn bình an. Cảm ơn chuyện của bác nhà trời. cảm ơn câu hỏi của Giangtvx giúp xuan38 cùng được nghe. Chúc bác phicongtiemkich, chúc mọi người mạnh khỏe, viết bài hay.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM