Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 27 Tháng Năm, 2024, 01:40:05 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mùa đông lạnh nhất - David Halberstam  (Đọc 91707 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #210 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2013, 01:33:28 am »

Vấn đề không lực Liên Xô đảm bảo bầu trời là trung tâm của kế hoạch quân sự Trung Hoa. Nhưng chi tiết việc hỗ trợ quân sự của người Nga mơ hồ một cách đáng ngạc nhiên, đặc biệt khi giờ G đã rất cận kề. Ngày 9 tháng Mười, Bành Đức Hoài tổ chức một cuộc họp với các tư lệnh tập đoàn quân dưới quyền, và họ cũng hỏi ông vấn đề này rất kỹ. Những câu hỏi của họ rất thẳng thắn và chi tiết, nhưng cả ông lẫn Gao Gang, chính trị gia cùng làm việc với ông, đều không thể trả lời họ. Giữa cuộc họp, họ gửi điện cho Mao Trạch Đông, hỏi, “Có bao nhiêu máy bay ném bom bộ tư lệnh có thể gửi đến Triều Tiên sau khi quân chúng ta bắt đầu giao chiến trong các chiến dịch ở đó? Khi nào [không quân] sẽ xuất kích, và ai là người chịu trách nhiệm?”. Rõ ràng những câu hỏi này không chỉ trong tâm trí của các tư lệnh cấp sư đoàn, trung đoàn mà đến cả từng đại đội trưởng, trung đội trưởng trong quân đội Trung Hoa. Trên thực tế, đó cũng là những câu hỏi mà các lãnh đạo Trung Hoa vẫn cố để có câu trả lời cho chính họ.

Quân Trung Hoa đã vào vị trí, sẵn sàng vượt biên giới, nhưng vẫn chưa có lời nói xác đáng từ phía người Nga. Và rồi người Nga nuốt lời. Hầu như cùng lúc với những tư lệnh dưới quyền họ Bành đặt câu hỏi cho ông ta, thì các đồng nghiệp dân sự của ông đang ép người Nga trả lời cho câu hỏi đó. Ngày 8 tháng Mười, Chu Ân Lai và phiên dịch chính của Mao, Shi Zhe, bay đến Moscow để thảo luận về các hình thức hỗ trợ của phía Nga. Họ đến nơi vào ngày 10 tháng Mười cũng với một ít các đồng nghiệp Trung Hoa khác, trong đó có Lâm Bưu. Mỗi khi đến Liên Xô, họ ngay lập tức bay đến nhà riêng của Stalin bên bờ biển Đen. Ở đó, họ hội ý với các lãnh đạo hàng đầu của Liên Xô: Stalin, Georgi Malenkov, Lavrenti Baria, Lazar Kaganovich, Nikolai Bulganin, và Anastas Mikoyan, cũng như là với Molotov.

Giờ đây những thứ cược trong một ván bài lớn đã diễn ra trong vài tuần qua được mổ xẻ lần nữa. Những gì xảy ra là hết sức phức tạp trong hoạt cảnh giữa những nhân vật cứng rắn và đầy hoài nghi. Không bên nào tin những gì bên kia đang phát biểu. Ví dụ như, người Trung Hoa nói với Stalin rằng họ không thực sự muốn gửi quân vào cuộc chiến này, rằng đất nước họ đã kiệt sức sau cuộc nội chiến, nhưng Stalin hiểu rằng việc nói ngược này không phải là sự thật, rằng phía Trung Hoa đã khẳng định với Kim Nhật Thành họ sẽ giúp ông ta. Còn Stalin bắt đầu cuộc họp với việc nói lên tình huống hiểm nghèo của Triều Tiên. Rồi ông hỏi, những đồng chí Trung Hoa của ông nghĩ gì? Chu Ân Lai, người hiểu hơn ai hết về cam kết của Mao đã quyết và ý định cứu viện, ông trả lời rằng sẽ tốt hơn cho Trung Hoa nếu không can thiệp [vào Triều Tiên]. Cuộc nội chiến, ông nói, đã rất tốn kém, và Trung Hoa vẫn còn đang phải hồi phục.

Nhưng nếu Bắc Triều Tiên không được giúp đỡ nhanh chóng, Stalin đáp lời, họ có thể không tồn tại nổi trong hơn một tuần. Trung Hoa nên cân nhắc sự lợi hại của an ninh quốc gia nếu Mỹ khống chế được Bắc Triều Tiên (như thể người Trung Hoa không từ nghĩ về điều này hằng mấy tháng rồi). Rồi ông thông báo cho các vị khách rằng Liên Xô không và không thể gửi quân, có phần không nhỏ bởi việc họ không muốn đối đầu trực diện với người Mỹ. Ông đề nghị rằng Trung Hoa thì có thể và nên làm. Nga có thể cho họ một lượng lớn trang thiết bị còn tồn hồi thế chiến II và có thể hỗ trợ không quân trên lãnh thổ đông bắc Trung Hoa và vùng bờ biển, bao gồm tất cả các lực lượng Trung Hoa ở bờ bắc sông Áp Lục. Đây khó là điều Trung Hoa muốn nghe, bởi cuộc chiến sẽ diễn ra ở bờ nam sông Áp Lục. Còn để mà gửi không quân của ông sang phía nam sông Áp Lục, Stalin nói người Nga cần thêm thời gian để chuẩn bị cho một cuộc chiến trên không với người Mỹ. Một cuộc họp dài hơi, kéo từ 7 giờ tối đến 5 giờ sáng, mà không đạt mấy thành công. Người Trung Hoa sẽ nhớ mãi việc Liên Xô bội ước lời hứa của họ ngay vào thời điểm quan trọng nhất. Những hạn chế của tình đồng chí đã được nhận ra khá sớm trong cuộc cờ.

Những lập trường đã được vạch ra. Stalin ở thế mạnh hơn. Ông biết Trung Hoa sẽ can thiệp, với những lí do phục vụ cho chính họ hơn là bất kỳ tình cảm nào với Triều Tiên, và ông cũng biết họ [Trung Hoa] lệ thuộc vào ông trong mảng kỹ thuật không quân và hải quân nếu họ vẫn muốn tấn công Đài Loan. Mao Trạch Đông nổi đóa với việc Liên Xô lùi bước. Ngày 12 tháng Mười, ba ngày trước khi quân Trung Hoa vượt sông Áp Lục, Mao gửi điện cho Bành Đức Hoài bảo ông tạm dừng mệnh lệnh khởi chiến vừa rồi. Tất cả đơn vị giữ nguyên vị trí hiện tại. Ông và ban lãnh đạo hiện đang xem xét lại. Không có hỗ trợ không quân như mong đợi, thì đó là một quyết định rất khó khăn, nhưng ông vẫn cảm thấy chắc chắn rằng quân đội của ông có thể thu xếp được, dù sẽ khó khăn vô cùng, và thương vong sẽ lớn hơn nhiều.

Bành Đức Hoài cũng rất tức giận với quyết định của người Nga – bởi quân của ông giờ đây trong tình hình nguy hiểm. Ông tường trình nguy cơ và xin từ chức tư lệnh. Nhưng không có điều gì tác động nhiều đến suy nghĩ của Mao Trạch Đông. Khá có thể là bởi ông luôn nghi ngờ Liên Xô và không bao giờ nghĩ họ sẽ làm toàn bộ phần việc của mình. Rõ ràng các quyết định của ông luôn căn cứ vào những gì tốt đẹp mà ông nhìn thấy, cho Trung Hoa, chứ không phải cho Liên Xô hay cho Triều Tiên. Mao vẫn sẽ đưa quân đi bởi nếu không làm thế sẽ cho thấy nước Trung Hoa mới, Trung Hoa của ông, yếu ớt trên chính vùng biên giới của mình. Và một lần nữa, bất kể có không lực Nga yểm trợ hay không, ông mạnh mẽ phát biểu trước những đồng nghiệp của mình về quyết tâm can thiệp. Dù gì họ cũng có được một lượng lớn thiết bị quân sự của Nga, và ông nói thêm, ít nhất Nga cũng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Trung Hoa. Ông yêu cầu Bành Đức Hoài không từ chức tư lệnh. Ngay cả với việc không có hỗ trợ không quân của Liên Xô, ông tin rằng, họ vẫn có thể đánh quân Mỹ thành công. Thế mạnh tinh thần của họ là nhân tố quyết định. Khi cuộc họp kết thúc, Trung Hoa quyết định – một lần nữa – can thiệp vào Triều Tiên. Họ tấn công quân Nam Hàn trước, Mao nói với Chu Ân Lai qua điện thư. “Trước mắt, chúng tôi tin rằng chúng ta nên tham chiến và chúng ta phải tham chiến. Tham chiến có thể là điều đáng làm nhất, còn nếu không có thể gây ra những thiệt hại to lớn”. Ông nói, Chu Ân Lai nên tiếp tục thương thuyết với Nga, cố tối đa hóa số lượng viện trợ có được. Quân Trung Hoa sẽ thiết lập các vị trí phòng thủ ở vùng núi non cực bắc. Ngày 19 tháng Mười được chọn làm ngày D-day mới cho việc vượt sông Áp Lục.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #211 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2013, 01:36:18 am »

Ngày 16 tháng Mười, Bành Đức Hoài gặp các sư đoàn trưởng của ông để thông qua kế hoạch và khích lệ tinh thần. Những gì ông nói với họ là thế này: nếu không chiến đấu với quân Mỹ ở đây, họ có thể phải chiến đấu trên đất Trung Hoa. Nhưng khi ông nói đến việc không có hỗ trợ không lực từ Liên Xô, ông vẫn phải đối diện với những băn khoăn đáng kể từ các tư lệnh dưới quyền. Một số các sỹ quan chiến trường cao cấp đã gửi ông một bức điện bày tỏ sự e dè của họ với việc phải chiến đấu với quân Mỹ mà không có không quân yểm trợ. Bức điện nói “Quân địch có thể tập trung một lượng lớn phi cơ, đại bác và xe tăng để tiến hành những trận tấn công lớn vào chúng ta mà không phải lo lắng chút nào”. Địa hình gây khó khăn cho việc thiết lập vị trí phòng thủ. “trong thời tiết khắc nghiệt và mặt đất đông cứng. Nếu quân địch bắt đầu một trận tổng công kích thì khả năng giữ được địa bàn của chúng tôi ít đi”. Những vị chỉ huy đó muốn ít nhất là đợi sang xuân. Họ nói họ phát biểu với tư cách của các tư lệnh thực chiến.

Vì có sự bất đồng quan điểm này, Bành Đức Hoài bay về Bắc Kinh trong ngày 18 tháng Mười. Mao Trạch Đông lắng nghe báo cáo của ông về sự băn khoăn của nhiều tư lệnh cao cấp, nhưng không cho thấy khả năng thay đổi tiến trình sự kiện – hoặc sửa đổi thời biểu. Giờ đây quyết định đã chốt. Các đơn vị bắt đầu chuyến vượt sông ngay trong đêm 19. Họ vượt sông ngay sau trời lặn và dừng di chuyển ngay trước khi bình minh lóe dạng ở buổi sáng kế tiếp. Để tích lũy kinh nghiệm, chỉ hai hoặc ba sư đoàn vượt sông trong đêm đầu tiên. Bành Đức Hoài bay về lại Andong và nói với các tư lệnh dưới quyền rằng bất kỳ ý kiến nào với quyết định sẽ được xem là bất phục tùng. Con đường đi đến sự xung đột giữa hai quốc gia, Hoa Kỳ và Trung Hoa, giờ đã thiết lập. Đêm 19 tháng Mười, cuộc vượt biên giới bắt đầu. Nó diễn ra một cách trôi chảy, dù không phải các đơn vị đều hoàn toàn hăng hái. “Cửa vào địa ngục” vài người đã từng phục vụ trong chế độ Dân quốc gọi cây cầu họ bắt qua sông Áp Lục là vậy.

Có một vấn đề khác cũng đặt ra, đó là ai sẽ chỉ huy quân lính. Mao Trạch Đông quyết định là Bành Đức Hoài. Nhưng Kim Nhật Thành nghĩ người Trung Hoa sẽ để cho ông chỉ huy quân của họ. Rõ ràng là ông cần được cải tạo: không thể để cho một lãnh đạo Triều Tiên, một người mà phía Trung Hoa hoàn toàn khinh rẻ, được đưa vào vị trí chỉ huy quân Trung Hoa. Bản thân Bành Đức Hoài cũng coi thường cái cách mà quân Bắc Triều Tiên đã đánh nhau ở miền Nam. “Có thể thấy đó là chủ nghĩa phiêu lưu! Cách điều quân khiển tướng cực kỳ trẻ con. Trong ngày 19, Bình Nhưỡng được lệnh tử thủ. Và kết quả là 3 vạn quân phòng thủ không thể thoát ra được [khỏi cuộc tấn công của quân LHQ]” ông viết trong một báo cáo. Lúc đó, người Trung Hoa giấu không cho Kim Nhật Thành biết ông không còn trách nhiệm với cuộc chiến. Về cơ bản, bây giờ một người Trung Hoa sẽ chỉ huy.

(Hết chương 24)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #212 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2013, 01:38:45 am »

Chương 25

Ngày 15 tháng Mười, sau năm năm rưỡi làm tổng thống, Harry Truman rốt cuộc cũng gặp Douglas MacArthur. Lúc này, quân của MacArthur đang chạy đua về sông Áp Lục, và quân Trung Hoa bốn ngày sau cũng vượt sông và nam tiến. Truman đã muốn gặp MacArthur từ hồi ông giữ vị trí tổng thống. Nhưng vị tướng đã hai lần gạt bỏ lịnh từ cấp tổng thống bảo về Washington. Giờ đây, sau trận Inchon, lúc này là thời điểm tốt để gặp nhau, Washington tin thế. Với cuộc gặp này còn có những yếu tố chính trị: đợt bầu cử giữa kỳ sẽ đến vào đầu tháng Mười một; trận Inchon là một thành tựu to lớn; Truman và người quanh ông, sau khi rất bị áp lực hồi đầu cuộc chiến, xem ra cố chia sẽ một ít vinh quang hiện đang bủa quanh MacArthur.

Truman, một con người có cảm nhận mạnh mẽ, luôn cảm thấy rằng ông sẽ làm tốt với một ai đó nếu ông ngồi xuống và nói chuyện với họ. Truman tin rằng ông có thể đọc được người khác khá giỏi khi họ mặt đối mặt, và họ cũng có thể thấy ông chơi rất thẳng thắn, rằng ông không làm tốn thời gian người khác và trong lời ông nói là những việc quan trọng. Ông có quan hệ với những tướng lĩnh như Eishenhower và Bradley, nhưng MacArthur thì không. Chủ yếu những gì ông cảm nhận về vị chỉ huy của ông là vẻ hùng vĩ của ông ta. Hai ngày trước cuộc gặp, trên đường đến đảo Wake, ông viết một chút cho người anh bà con Nellie Noland, và nói “ngày mai sẽ phải nói chuyện với cánh tay mặt của Chúa”.

Rốt lại điều đã đưa đến cuộc gặp ở phía Washington là yếu tố chính trị. George Elsey, một trợ lý thân cận và đôi khi là người viết diễn văn, chính là người lên ý tưởng của cuộc gặp, và đã làm cật lực để triển khai nó, ông đề nghị vụ này lần đầu với Truman là hồi cuối tháng Chín, ngay sau khi Seoul được tái chiếm, trong một chuyến đi thuyền dọc sông Potomac. Có một tiền lệ cho việc này. Hồi cuối thế chiến II, Roosevelt đã đến Honolulu để phân xử các vấn đề tranh cãi giữa đô đốc Chester Nimitz và MacArthur. Lúc đầu Truman không chắc lắm về chuyến đi, và cuối cùng xuôi theo, luật sư cố vấn đặc biệt của ông Charles Murphy nói là do ban tham mưu của ông ép ông đi. Dĩ nhiên là không ai nói thẳng về yếu tố chính trị trong đó – nhưng nó luôn tồn tại. Vài quan chức Nhà Trắng, đặc biệt nhất là Matt Connelly, bí thư của tổng thống, cho rằng đó là một sai lầm, và nói với tổng thống như thế. Tại sao? Truman hỏi ông. “Thế từ khi nào mà đức vua phải đi gặp hoàng tử nhỉ?”. Connelly trả lời. Dean Acheson, ông tin MacArthur luôn là kẻ thù, nghĩ rằng một chuyến đi kết hợp giữa chính trị và chính sách là một quyết định cực kỳ tệ.  Sau này ông nói là ông có “sự chán ghét to lớn với toàn thể ý định đó” và không muốn có mặt trong thành phần đi. Khi Truman bảo ông đi cùng, ông lưỡng lự: ”Trong khi tướng MacArthur có rất nhiều đặc trưng của một nhà cầm quyền ngoại quốc, tôi nói, và khá khó khăn trong mọi vấn đề, thì thật là không khôn ngoan nếu thừa nhận việc này”. Với hội đồng tham mưu liên quân, chỉ có Bradley đi. Tướng Marshall, lúc này là bộ trưởng bộ   Quốc phòng, chọn không đi, có phần vì mối quan hệ cá nhân ông với MacArthur khá tệ, và cũng bởi ông không muốn kiểu trộn lẫn giữa chính trị và an ninh quốc gia.

Lúc đầu Honolulu dường như là một điểm đến hợp lý nhất, nhưng MacArthur khăng khăng rằng rất nguy hiểm nếu ông ở cách quá xa sở chỉ huy của mình, và thay vì thế, đảo Wake được chọn, đảo cách Washington chừng 4700 dặm và Tokyo 1900 dặm. (Một trong những lý do thật là bởi MacArthur không muốn đi xa vì ông không thích bay đêm). Ngay cả một khoản cách ngắn hơn đến đảo Wake cũng không phải là chỗ ông muốn đi. Trên đường đi từ Tokyo, vị tướng trong trạng thái tâm lý không tốt, càu nhàu không ngớt với John Mucio, đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, về việc bị ép phải đi chuyến này. Thật là lãng phí thời gian, ông nói, khi bị triệu tập đi một quảng đường xa thế này chỉ vì các lý do chính trị. Sao họ không biết là “ông vẫn còn đang đánh nhau trong một cuộc chiến?”. Một ngôi sao như MacArthur không muốn có một ngôi sao chính trị nào ở Washington hết, đặc biệt là một người khác đảng, chia sẽ sự hoan nghênh dành cho ông. Bay xa thế này để gặp tổng thống là vi phạm cảm giác không chính thức của ông về tôn ti: mọi người phải đến gặp ông.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #213 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2013, 01:41:33 am »

Và thế là cuộc họp vẫn diễn ra vào ngày 15 tháng Mười năm 1950 trong sự bực bội gần như công khai của MacArthur. Cuộc chạm trán sinh ra rất nhiều câu chuyện, một số không thật – đơn cử như chuyện MacArthur cố tình làm chuyến bay của ông đến muộn và thế là Truman hạ cánh trước và phải chờ vị tướng. Những mẩu chuyện khác thì có thật – như chuyện vị tướng không chào tổng thống Hoa Kỳ. Trong số những người bị ngạc nhiên trước dấu hiệu bất phục khá chủ đích đó, có Vernon Walter, một sỹ quan trẻ được xem là một phiên dịch viên có tài và sau này nổi lên như là một nhân vật gần gũi với một số chính trị gia đảng Cộng hòa, trong đó có Richard Nixon. Đó là một chỉ dấu thứ hai cho thấy MacArthur không nhìn nhận bất cứ ai từ Washington có cấp cao hơn ông, Walker nghĩ. Dấu hiệu đầu là việc ông không thèm chào bộ trưởng Lục quân Frank Pace. Sau này Walker viết “Trong sách của tôi, bộ trưởng Lục quân là sếp của toàn bộ lính Mỹ bất kể cấp bậc”. Nhưng với Walters, việc làm nhục thực thụ chính là việc không chào tổng thống của MacArthur. Đó là một sự vi phạm rất nghiêm trọng nghi thức. Truman, như Walker nhận thấy, đã không để ý việc đó. Đó là một ưu điểm khi là tổng thống: nếu bạn quyết định thấy điều gì thì nó sẽ diễn ra, và nếu bạn chọn không thấy, thì nó sẽ không.

Không có gì ngạc nhiên khi cuộc họp bắt đầu trong một không khí nghi ngờ lẫn nhau. Nhưng cũng đúng khi nói rằng, ít nhất là ở ngoài mặt – và nó hầu như là ở ngoài mặt – cuộc họp đã diễn tiến tốt đẹp. Vì khi cuộc họp diễn ra, là ở thời điểm tốt nhất trong cuộc chiến. Nhưng có một vấn đề quan trọng trong lịch trình, đặc biệt là trong suy nghĩ của đội hình Washington:  bản chất ý định của Trung Hoa. Những thông điệp ầm ĩ từ Bắc Kinh về việc Trung Hoa tham chiến – và không chỉ từ hướng K.M. Panikkar – rõ ràng làm Washington lo lắng. Họ nghiêm túc đến mức nào? Tổng thống và những người quanh ông băn khoăn. Những từ đầu tiên Truman nói là: “Tất cả các nguồn tin tình báo của chúng ta chỉ ra rằng Trung Hoa đang can thiệp vào” sau này Vernon Walkers nhớ lại.

Nhà Trắng đã chơi tay trên trong việc kiểm soát tin tức của cuộc họp. Truman mang đến nhóm phóng viên hàng đầu của Nhà Trắng, còn MacArthur thì không được phép mang theo các nhà báo ưu thích của ông ở Tokyo, đặc biệt là các thông tín viên từ AP, UP và International News Service – những tay bị nhạo báng với tên gọi “vệ binh cung điện” bởi những phóng viên Tokyo khác vốn nghĩ rằng các câu chuyện của họ có thể được viết bởi nhân viên ban tham mưu của MacArthur, hoặc do chính tướng quân viết. Sự kiện họ bị bỏ lại ở Nhật chỉ làm MacArthur thêm phần phát cáu; việc kiểm soát hình ảnh giờ ngoài tầm khống chế của ông. Điều này không làm tăng tinh thần của ông.

Bản thân địa điểm gặp khá là hoang sơ. Tuy nhiên, cả hai nhân vật dường như hòa hợp với nhau ở mức khá chấp nhận, hoặc có lẽ chính xác hơn, cả hai đều cư xử tốt nhất. Ở cuộc họp đầu, MacArthur hỏi liệu rằng ông có thể hút ống tẩu không và Truman trả lời rằng có thể, còn bảo thêm ông ta có thể phà khói vào mặt ông hơn bất cứ ai trên đời. Thực tế là có hai cuộc họp ở Wake: một cuộc họp riêng giữa Truman với MacArthur, trong đó họ trao đổi về ý định của Trung Hoa, và một cuộc họp khác dài hơn có sự hiện diện của mọi người, ở đó chủ đề chính một lần nữa là Trung Hoa – và cuộc chiến sẽ nhanh chóng kết thúc thế nào.

Có một bản tốc ký tuyệt vời của cuộc họp chính. Vernice Anderson, một thư ký có kinh nghiệm làm việc cho Phillip Jesseup, một quan chức bộ Ngoại Giao, Vernice ngồi ngay ngoài phòng họp nơi diễn ra cuộc họp thứ hai, và bởi cửa chính để mở nên cô quyết định ghi chép lại. Kết quả là có một bảng ghi tốc ký hoàn chỉnh của cuộc hội thoại. Chỉ vài tháng sau bảng ghi này trở nên khá quan trọng, khi cuộc chiến trở nên đau đớn hơn, và khi MacArthur cho thấy không mấy muốn chấp nhận bất kỳ trách nhiệm nào cho sự tính sai việc Trung Hoa tham chiến.

MacArthur xác quyết với Truman rằng chiến thắng “đã thắng ở Triều Tiên”. Sau một thảo luận ngắn về tương lai hậu chiến của một Triều Tiên thống nhất, Truman hỏi MacArthur một câu hỏi quan trọng – rằng cơ hội can thiệp của Trung Hoa hoặc Liên Xô thế nào? “Rất nhỏ” MacArthur trả lời “Nếu họ can thiệp trong tháng đầu hay tháng thứ hai, thì đó là một quyết sách có lý. Chúng ta không còn sợ họ can thiệp nữa. Chúng ta không còn thiếu sẵn sàng. Trung Hoa hiện có 30 vạn quân ở Mãn Châu”. Trong số đó, ông nói, có chừng 10 đến 12,5 vạn bố trí dọc sông Áp Lục, và chỉ năm đến sáu vạn có thể vượt sông. “Chúng không có không quân. Còn giờ quân ta đã có căn cứ không quân ở Triều Tiên, nếu Trung Hoa cố đánh xuống Bình Nhưỡng thì đó sẽ là cuộc tàn sát vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #214 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2013, 01:44:51 am »

Với những đe dọa từ Bắc Kinh, Dean Rusk nhớ lại, MacArthur khá là tùy tiện. Dean nói, ông ta không “hiểu đầy đủ tại sao họ [người Trung Hoa] dự vào chuyện trời ơi này, và rằng họ giờ phải mang công mắc nợ vì nó”.

Thế rồi MacArthur nói về cuộc đổ bộ sắp đến của quân đoàn Mười lên Wonsan và sự kiện Bình Nhưỡng sẽ thất thủ trong vòng một tuần và rằng kháng cự của quân Bắc Triều Tiên có thể sẽ kết thúc trên thực tế vào dịp lễ Tạ ơn. Ông hi vọng có thể rút tập đoàn quân Tám ra vào dịp Giáng Sinh. Omar Bradley hỏi rằng liệu có khả năng đưa một trong các sư đoàn đang chiến đấu ở Triều Tiên qua nhận công tác ở Châu Âu không. Có, vị tướng trả lời, và đề nghị đó nên là sư đoàn bộ binh số Hai, đơn vị đã chiến đấu ác liệt trong vòng phòng thủ Pusan. Các công tác thủ tục cũng bắt đầu tiến hành để đưa sư đoàn Hai rời Triều Tiên.

Chẳng có ai trong ban tham mưu cao cấp của Truman lẫn Truman ép MacArthur nhiều ở các chi tiết. Thật đáng tiếc, đó là sự thật nhạy cảm nhất của các chủ đề, các chỉ thị họ trình bày cho ông liên quan đến vùng đất quanh biên giới và những gì họ sẽ làm nếu có các dấu hiệu của Trung Hoa – hoặc Nga – hiện diện. Tin tức tốt đến nỗi không ai muốn biết thêm gì. Như thể những gì họ không nói hoặc không biết sẽ không làm tổn thương họ. Và việc gì có thể xảy ra nếu Trung Hoa đã tham chiến và bằng cách nào đó xoay sở để né tránh được không lực của MacArthur đã không bao giờ được thảo luận. Mỗi nhân vật chính, bởi cách cư xử tốt và yếu tố chính trị tốt, đã né tránh những câu hỏi khó. MacArthur được vui lòng mỗi khi ông muốn, và dù ông càu nhàu xuốt đường từ Tokyo đến Wake rằng họ lợi dụng ông cho các mục tiêu chính trị, ông được cư xử tốt nhất và khẩn khoản nhất, không một tư lệnh nào trong lịch sử nhận được nhiều hỗ trợ như vậy từ một tổng thống.

Về phần mình, Truman cũng không ít lãng tránh việc bàn thảo các câu hỏi khó, nguy hiểm ở phía trước, đặc biệt là những câu hỏi đặt ra cho khả năng Trung Hoa bước vào cuộc chiến. Không ai nhắc nhở MacArthur về lệnh cấm đưa quân LHQ đến các tỉnh tiếp giáp Mãn Châu. Tất cả điều đó là có chủ tâm. Đến một lúc, khi cuộc họp dường như đã đi quá nhanh, Dean Rusk cố làm chậm lại chút đỉnh, vì ngại cánh báo chí vốn hay ngờ vực có thể chộp sự ngắn gọn và viết rằng điều này cho thấy tất cả chỉ là trò PR. Ông viết một mẩu giấy và chuyển cho tổng thống đề nghị rằng họ nên chầm chậm một tý. Và câu trả lời trở lại là: “Không, tôi muốn biến khỏi đây trước khi chúng ta rơi vào rắc rối”. Và cuối cùng, trước khi họ chia tay, Truman gắn huân chương Phục vụ xuất sắc cho vị tướng (cái thứ năm của ông), cái này là cho “sự dũng cảm và tận tụy can đảm trong công tác và kỹ năng ngoại giao tột bậc”. Trên đường đến phi trường, MacArthur hỏi Truman liệu rằng ông sẽ tham gia bầu cử lại không. Truman đáp bằng việc hỏi lại MacArthur rằng ông ta có kế hoạch chính trị nào không. Không, vị tướng trả lời: “Nếu ngài có bất kỳ viên tướng nào ra tranh cử chống lại ngài, thì tên anh ta sẽ là Eisenhower, không phải là MacArthur”. Eisenhower, Truman nói, không mấy hiểu biết về chính trị: “Chính phủ của anh ta sẽ làm chính phủ Grant trông như là một khuôn mẫu hoàn hảo”.

Cuộc họp rốt cuộc là sai lầm trong hầu hết mọi phương diện. Mối nguy to lớn tiềm tàng với các lực lượng LHQ được tối thiểu hóa, việc sẽ đối diện với điều đó thế nào chẳng được thảo luận mấy tí. MacArthur nghĩ rất đúng về cuộc họp này hơn bất kỳ ai: cuộc họp chỉ để chia sẽ vinh quang của trận Inchon trong những tuần ngay trước cuộc bầu cử giữa kỳ. Lúc hai đoàn chuẩn bị chia tay rời Wake, tình trạng lạc quan lại bùng lên. “Tôi chưa từng có một hội nghị nào thỏa mãn hơn kể từ khi làm tổng thống” sau này Truman nói với phóng viên về ngày đó. Một thông cáo được thảo và ký tắt bởi cả hai ông, một phóng viên chứng kiến cảnh này viết “như thể họ là lãnh đạo của những chính phủ khác nhau”. John Gunther ghi nhận rằng, vị tướng dường như bồn chồn và nóng lòng ra về. Ông rút đồng hồ bỏ túi ra, xem, lau nó cẩn thận, và đút lại vào túi. Ông từ chối trả lời phỏng vấn. “Tất cả những nhận định” ông nói “sẽ do cán bộ truyền thông của tổng thống đưa ra”, những từ ngữ cáu kỉnh, như Gunther ghi nhận, với chút ít chua cay trong đó, bởi các tổng thống chỉ có bí thư báo chí, chứ không có cán bộ truyền thông. Sau này Acheson viết “Mỗi người đều nghĩ là đã có một sự hiểu nhau được thiết lập, nhưng mỗi bên cũng đều có ý tưởng khác nhau về việc đó”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #215 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2013, 01:49:10 am »

Một trong những vấn đề nằm ở chỗ mỗi bên có góc nhìn rất khác biệt về việc Trung Hoa tham chiến là tốt hay xấu. Chỉ một vài tuần sau, việc trở nên không thuận lợi, Matt Rigdway, người theo dõi những sự kiện nổ ra với chủ nghĩa yếm thế gắn chặt từ Washington, nhớ lại một thời khắc khi ông và Harriman đến thăm MacArthur hồi đầu tháng Tám 1950. Lúc chủ đề Đài Loan được nhắc đến, và MacArthur đột nhiên trở nên khá sôi nổi.

Nếu người Trung Hoa đủ xuẩn để tấn công hòn đảo, chính ông sẽ đến đó, tự nắm quyền chỉ huy và sẽ “đánh xiểng liểng chúng, đó sẽ là một trong những trận đánh quyết định của thế giới – một thảm họa lớn đến mức chấn động châu Á và có lẽ sẽ đập được chủ nghĩa cộng sản”. Thế rồi ông dừng lại và nhận xét rằng ông lo là chúng sẽ không khờ như vậy, trước khi nói thêm “Tôi hằng đêm cầu nguyện rằng chúng sẽ làm vậy. Tôi quỳ gối cầu xin”. Ridgway nghĩ không có nhiều lính Mỹ khác đang cầu nguyện cho một cuộc chiến trên lục địa châu Á với một quốc gia có dân số chừng 600 triệu. Lúc đầu, Ridgway cho rằng đó chỉ là một kiểu cao ngạo của MacArthur, tiếng nói của một ông già khát khao có một địa vị lớn lao hơn trong lịch sử. Sau này, để cố hiểu việc bắc tiến của MacArthur, Ridgway viết “Dù cho quan điểm này của ông, như thể một kiếm sỹ tìm diệt con rồng chủ nghĩa cộng sản, thể hiện qua cuộc tiến quân khinh suất của ông đến biên giới Mãn Châu, dĩ nhiên là không ai có thể đoán định được. Nhưng riêng tôi cho rằng điều này để thêm phần hào nhoáng cho giấc mơ chiến thắng của ông”.

Trong hai lực lượng sẽ sớm đụng nhau trên chiến trường, chỉ có phía Trung Hoa hiện đã hiểu việc gì sẽ diễn ra. Còn phía Mỹ, cả về chính trị lẫn quân sự, vẫn sung sướng một cách có chủ đích với sự mù tịt của mình. Những sự kiện ở Triều Tiên không bao giờ được phép xảy ra lần nữa, Truman nhanh chóng nhận ra MacArthur vẫn đầy hoài nghi và thù địch như bao giờ. Còn về phần ông, MacArthur rốt cuộc viết lại rằng cuộc họp ở Wake đã làm cho ông nhận thức được “một sự thay đổi tai hại kỳ lạ” diễn ra ở Washington, cho thấy một chính phủ thiếu phần sẵn lòng đánh nhau với chủ nghĩa Cộng sản. Như trong một cuộc phỏng vấn năm 1954 với Jim Lucas của tờ Scripps Howard, MacArthur nói về Truman: “Cái thằng con hoang nhỏ bé đó [Truman] ôi trời, nó tin rằng nó là một người ái quốc”.

Rõ ràng ngay từ đầu, cuộc chiến đó của người Mỹ đã không được định vị rõ ràng, và có những quan điểm rất khác biệt giữa Washington và Tokyo. Rất sớm, hồi ngày 13 tháng Bảy, khi Joe Collins và Hoyt Vandenberg đến gặp ông ở Tokyo, MacArthur đã nói khá công khai về nhiệm vụ trước tiên của ông là tiêu diệt các lực lượng Bắc Triều Tiên, và rồi ý định của ông ta sẽ là “tạo nên một Triều Tiên thống nhất”. ”Có lẽ cần phải chiếm toàn bộ Triều Tiên” ông thêm “dù hiện này nó chỉ mới mang tính chất suy đoán”. Giờ đây đấy là mục tiêu của ông: rõ ràng người ở Washington muốn tắm trong ánh vinh quang của ông làm MacArthur nhận thức được rằng ông mạnh hơn bao giờ hết, và điều đó làm cho ông khó bị ngăn trở hơn bao giờ hết.

Trong số những sai lầm quân sự Mỹ trong thế kỷ hai mươi, có quyết định của MacArthur gửi quân đến sông Áp Lục. (Còn Việt Nam là một sai lầm chính trị và kiến trúc sư trưởng là cánh dân sự). Tất cả loại cờ đỏ ở đó dành cho ông, những loại cờ mà ông chọn không nhìn thấy. Thế là các đơn vị của ông, quyền chỉ huy bị chia rẽ, liên lạc thường yếu ớt một cách nguy hiểm, thời tiết thì tệ đi từng này, vẫn tiến lên phía bắc, trong khi quân Trung Hoa quan sát và kiên nhẫn chờ họ trên các ngọn đồi cao, chuẩn bị sẵn sàng khóa các tuyến giao thông huyết mạch nhỏ hẹp dành cho việc rút lui hay trốn chạy. Cũng chính vị tướng đã tranh luận cho việc chọn Inchon bởi quân Bắc Triều Tiên có điểm yếu về tuyến tiếp vận, giờ lại cho phép chính tuyến tiếp vận của ông kéo dài một cách nguy hiểm trên vùng đất mà ông không khống chế được. Cũng chính vị tướng đã muốn đổ bộ vào Inchon bởi điều này có thể làm kết thúc cuộc chiến nhanh chóng và giảm bớt nguy cơ lính của ông phải đánh nhau trong mùa đông Triều Tiên khắc nghiệt, giờ đây lại sẵn sàng đưa họ lên xa hơn phía bắc trong khi mùa đông Mãn Châu đang đến. “Một trong những điều tôi thấy khó hiểu nhất – và khó tha thứ ở góc độ một tư lệnh” gần 40 năm sau Matt Ridgway nói “là phía Tokyo mù tịt với những điều kiện mà quân của họ phải chiến đấu ở đó”.

Trong số nhiều sai lầm nghề nghiệp mà MacArthur phạm phải trong thời điểm đó, bao gồm cả sự ngạo mạn và phù phiếm, không gì lớn hơn việc ông đã đánh giá thấp quân thù. Trung Hoa mà ông nghĩ rằng ông hiểu – dù rằng trong toàn bộ thời gian ở châu Á, ông hầu như không có lúc nào ở đó – là một Trung Hoa của thế kỷ 19. Như Bruce Cumings, một sử gia cuộc chiến Triều Tiên ghi nhận, người Châu Á trong mắt MacArthur là: “dễ bảo, biết vâng lời, ngây thơ và nhanh chóng đi theo sự lãnh đạo kiên quyết”. Trong cuối thập kỷ 1940, đó là điều đúng với Nhật Bản, bởi người Nhật, sau thất bại thảm hại trong cuộc chiến, đang tìm kiếm những bài học từ những người chiến thắng. Nhưng đa số phần còn lại của khu vực lại nhiễm vào cuộc cách mạng mới. Những gì xảy ra trong nội chiến Trung Hoa phản ánh rất nhiều cho những thay đổi đó, những điều mà MacArthur chọn không bao giờ hiểu. Đó là một phần bản chất của ông, và đó cũng là điều trở thành huyền thoại nơi ông. Ông không đặt câu hỏi; do điều này sẽ ngụ ý rằng có vài thứ ông không hiểu biết. Thay vào đó ông là một dạng sấm truyền, một người mà mọi người khác đến để nghe. Thiếu tướng Dave Barr, trưởng phái bộ cố vấn quân sự cuối cùng của Mỹ ở Trung Hoa [Dân quốc], một nhân chứng cho sự trỗi dậy của Mao Trạch Đông và rất hiểu biết về những chiến thuật của phía Trung Hoa cộng sản, ông là một sư đoàn trưởng ở Triều Tiên khi Trung Hoa tham chiến. Ông hiểu hơn đa số sỹ quan Mỹ về việc tại sao những người Cộng sản chiến thắng ở Trung Hoa, nhưng MacArthur không thèm để ông hướng dẫn cho các sư đoàn trưởng, trung đoàn trưởng khác.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #216 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2013, 01:53:39 am »

Trung Hoa tồn tại trong trí óc MacArthur là một Trung Hoa chưa bị cuộc cách mạng đụng tới. Ông dường như chẳng thèm quan tâm việc Mao đã làm gì, làm như thế nào để chiếm được quyền lực và dường như cũng chẳng mấy quan tâm đến các lực lượng do cuộc cách mạng đã sinh ra. Ông cũng cho thấy sự thiếu tò mò lạ lùng về ai là địch thủ của ông và tại sao họ đã rất thành công trong quá khứ. Dù có những thông tin trước khi Trung Hoa tấn công, dù họ có được tin tức từ những tù binh, nhưng bộ phận tình báo của Charles Willoughby biết rất ít về chỉ huy của quân địch, đến cuối tháng Mười Hai, một tháng sau đợt tấn công lớn của Trung Hoa, MacArthur vẫn nghĩ Lâm Bưu chứ không phải Bành Đức Hoài là tư lệnh phía Trung Hoa. Dường như MacArthur tin rằng chiến thắng của Cộng sản trong nội chiến không có ý nghĩa gì lớn lao mấy. Lực lượng quân sự của Cộng sản “được đánh giá quá cao”, ông nói vậy với đại diện Hạ viện hồi tháng Chín năm 1949, một tháng trước khi Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập chính quyền. Cách để đánh bại họ, ông nói lúc đó, là đánh “ở nơi chúng yếu nhất, cụ thể là trên không và trên biển”. Ông nói thêm, tất cả những gì phải làm là đưa “500 phi cơ chiến đấu, đặt dưới quyền của những kỵ binh kiểu cũ như tướng Chennault”. Ông đã khéo léo dùng không quân trong chiến dịch của mình ở Thái Bình Dương chống quân Nhật, như một kiểu pháo binh tầm xa, và dường như ông tin rằng có thể dùng đúng cách đó để đánh với quân Trung Hoa. Niềm tin về sự áp đảo của không quân Mỹ hơn mọi điều khác, cho thấy một sai lầm quân sự, sớm ám ảnh, nếu không chỉ với cá nhân MacArthur, không nghi ngờ gì mà còn với mọi cá nhân chiến đấu dưới quyền ông. Trông như thể ông cho rằng lính Trung Hoa sẽ hành quân thẳng đến tuyến quân Mỹ vào ban ngày trong đội hình chiến đấu truyền thống, thách thức quân Mỹ quét sạch họ từ trên không. Ông mù quáng bởi thành công trong việc dùng không quân ở Thế Chiến II, Joe Collins sau này viết, nhưng đó là khi đánh nhau với các mục tiêu cố định, không di chuyển của quân Nhật, chứ không phải là với quân Trung Hoa cùng cái cách họ xuất hiện trong cuộc chiến này. Đáng tiếc thay, Collins nhận định, gần như không có cảm nhận trực tiếp chiến trường ở sở chỉ huy của ông ta.

MacArthur có câu thần chú riêng về các lực lượng đang đánh nhau. Ông tự kiêu về sự hiểu biết của ông với cái mà ông gọi là tâm lý phương Đông, hoặc cụm từ mà ông dùng đi dùng lại “suy nghĩ phương Đông”. Ông nói rằng người châu Á kính trọng những ai có uy, mạnh mẽ và không dao động. Một trong những huyền thoại lớn của chiến tranh Triều Tiên, Mike Lynch nói, ông này sau khi Johnnie Walker mất đã thành phi công của Matt Ridgway và quan sát nhiều nhân vật chính của cuộc chiến đó ở khoảng cách rất gần, “là kiến thức về đầu óc phương Đông do Douglas MacArthur tự nhận. Chúng ta có thể hiểu về những doanh nhân giàu sụ ở Manila, những lãnh đạo người Hoa tham nhũng và hèn nhát trong quân đội Tưởng giới Thạch, và những người Nhật hạ mình ở Tokyo. Nhưng chúng ta không biết gì về chiến binh Bắc Triều Tiên cứng cỏi, hoặc những người Trung Hoa tận tụy đã đánh bại Tưởng giới Thạch. Đó là một sai lầm cổ điển trong nguyên tắc cơ bản nhất của những tư lệnh quân đội: hiểu về kẻ địch của mình”.

Trên thực tế MacArthur không có hiểu biết nhiều về châu Á. Ông không ở trên lục địa châu Á từ năm 1905; và ông chẳng mấy quan tâm tới những sự kiện mà ông không thích. Nếu có bất kỳ quốc gia châu Á nào ông hiểu biết khá, thì đó là Phillipin, một quốc gia khá khác biệt với đa số những quốc gia châu Á khác như là New York khác Texas vậy. Ở đó, thực tế ông là một dạng người hùng quốc gia và có mối quan hệ cực tốt với tầng lớp trên, và cũng đã được tưởng thưởng khá nhiều cho vai trò của mình. Thực sự là ông và vài nhân vật chính trong ban tham mưu của mình nhận được những khoản chi khổng lồ từ đầu năm 1942 từ nhà lãnh đạo Phillipine Manuel Quezon, nhằm đảm bảo vai trò của họ ở tư cách những người bạn có ảnh hưởng của Manila trong tương lai. Ngay cả trước khi ông rời quần đảo này sang Úc, một trong những vụ thu xếp tài chính khó xử nhất trong cuộc chiến, Quezon đã chuyển 640,000 đô la Mỹ cho MacArthur và vài thành viên ban tham mưu. “Hiếm khi, nếu có, sỹ quan Mỹ nào nhận được bằng chứng về sự kính mến cao như vậy”, Carol Morris Petilli khi viết về vụ này đã khô khan nói. Trong số đó, 500,000 cho bản thân MacArthur (có lẽ tương đương với 10 triệu đô hiện nay, miễn thuế); Richard Sutherland, tham mưu trưởng bị khinh miệt nhiều của ông ta, nhận 75,000 đô, cấp phó của Sutherland là Richard Marshall được 45,000 và Sid Huff một trợ tá khác của MacArthur nhận 20,000. Bộ Chiến Tranh biết việc này, nghĩa là George Marshall và chắc chắn Roosevelt biết giao dịch này, nhưng không ai cố cản. Không lâu sau đó Quezon cũng ra một đề xuất tương tự với Eisenhower, lúc này là một sỹ quan quan trọng ở Washington, vì lý do ông đã phục vụ ở quần đảo từ năm 1935 đến 1939. Eisenhower đã khôn ngoan và tử tế từ chối Quezon đồng thời ghi vào trong hồ sơ cán bộ của ông giải trình về việc này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #217 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2013, 02:04:23 am »

Cũng như rất nhiều tướng lĩnh trước ông, MacArthur tin rằng một cuộc chiến sẽ rất giống với cuộc chiến tiếp theo – nay cả khi đó là với một kẻ thù khác – và thế là ông thất bại trong việc hiểu được sự khác nhau giữa hai quân đội châu Á to lớn mà ông chiến đấu trong hai cuộc chiến rất khác nhau. Trong thế chiến II, người Nhật đưa ra một quân đội truyền thống, đánh nhau trong một cuộc chiến tranh qui ước, điểm yếu không nằm ở khả năng có hạn của từng cá nhân người lính, mà là hạn chế của cơ sở kỹ nghệ đất nước họ. Với góc độ quân sự, thực vậy họ yếu ở sức mạnh truyền thống, nhất là không quân. Người Trung Hoa thì ngược lại, ít nhất đất nước họ không được công nghiệp hóa nhiều, họ hiểu điểm yếu của họ rất rõ, và đã biến đổi chiến thuật của họ cho phù hợp. Phần lớn cung cách chiến đấu của họ phản ánh tình trạng ban sơ của nền kinh tế kỹ nghệ. Họ có thể di chuyển những lực lượng lớn mà không bị phát hiện ra – di chuyển vài sư đoàn trong khoản cách lên đến 15 dặm trong đêm mà không có một điếu thuốc nào được hút, rồi đào hang hốc trong ban ngày – làm MacArthur và ban tham mưu hoàn toàn bất ngờ.

Thế là các đơn vị của MacArthur tiếp tục tiến mạnh về phía sông Áp Lục, còn quân Trung Hoa cẩn thận chuẩn bị một trận phục kích lớn nhất trong thời kỳ chiến tranh hiện đại. Giờ đây những gì phía Trung Hoa muốn là MacArthur tiến xa hơn lên phía bắc, làm tuyến tiếp vận của ông thêm phần không ổn định. Hồi Lei Yingfu báo cáo với Mao Trạch Đông về ý định tấn công của MacArthur lên Inchon lúc cuối tháng Tám, nhà lãnh đạo Trung Hoa đã hỏi ông dồn dập những câu hỏi không chỉ về những chiến thuật của vị tướng đó trong quá khứ mà còn cả những chi tiết cá nhân ông ta nữa. Lei trả lời rằng ông ta “nổi tiếng vì sự ngạo mạn và tính bướng bỉnh”. Điều này hấp dẫn Mao. “Tốt, tốt” ông nói “Hắn ta càng ngạo mạn, càng bướng bỉnh càng tốt.” Ông thêm “Một kẻ địch ngạo mạn thì dễ đánh bại”.

Giờ đây ban tham mưu của MacArthur, theo cái tôi của ông ta, đã đóng vai trò chính, xác quyết những gì ông ta muốn sẽ xảy ra thành việc đã xảy ra, và rằng  bất kỳ lo ngại nào với định kiến của ông bị tối thiểu hóa. Clark Lee, một phóng viên và Richard Henschel, phóng viên ảnh chiến trường, họ đã đi cùng MacArthur xuyên suốt thế chiến II, có lần đã viết rằng ban tham mưu phản ánh những gì tệ hại nhất trong ông bởi ban ấy đã làm tăng thêm tính chất của sự tệ hại đó, chứ không phải bù đắp cho điều đó. Hai ông viết “Một số hành động như thể họ là những người đã đưa ông xuống khỏi cây thập giá sau khi ông bị đóng đinh lên đó bởi Marshall- đô đốc King – Harry Hopkins [những nhân vật hàng đầu Washington thời đó] và họ xác quyết rằng không có điều gì lần nữa có thể tổn thương ông ấy”. Luôn là như vậy. Tại một thời điểm nhiều năm trước MacArthur đụng độ với tướng Marshall. “Ban tham mưu của tôi” ông bắt đầu, nhưng Marshall ngắt lời ông: “Ngài không có một ban tham mưu, thưa tướng quân. Ngài có một tòa án”. Với Joseph Alsop, một nhà báo đồng cảm trên danh nghĩa, thì lề thói của ban tham mưu MacArthur ở Tokyo dường như không khác mấy với những gì Alsop đọc về tòa án của vua Louis XIV. Ông viết: Tòa nhà Dai Ichi  “là nguồn gốc mọi hành vi cơ bản của các tập đoàn quân trên chiến trường: nhưng lại ở xa hơn, nhận tin từ tiền tuyến, chậm chạp hơn, xu nịnh hơn và ngu xuẩn hơn”.  Ai ai cũng chậm chạp và bợ đỡ MacArthur, và âm điệu của họ với ông “luôn luôn hoàn toàn màu mè và tỏ vẻ tôn kính, và tôi luôn giữ lại quan điểm rằng sự bợ đỡ đó rốt cuộc sẽ là thứ làm ông vấp ngã”.

Đến mùa thu năm 1950, vũ trụ của họ là một vũ trụ nhỏ nhưng không bền vững. Nếu ông cười, họ sẽ cười; nếu ông tư lự họ sẽ tư lự. Nói sự việc diễn tiến tốt, đó là bởi ông là một con người vĩ đại; còn nếu không, thì đó là bởi những kẻ thù truyền kiếp ở Washington. Sử gia William Stueck viết một câu rất thích hợp: lúc này “vây quanh bản thân ông” là  những người “không quấy rầy cõi thần tiên ông ta [MacArthur] tự tạo”. Không nơi nào sự yếu kém của ban tham mưu ám ảnh ông như ở Triều Tiên, và hiếm có thất bại nào mà không liên quan tới một nhân vật – trưởng ban tình báo của ông, ban G-2, Charles Willoughby. Không chỗ nào trong sở chỉ huy của MacArthur có cách biệt rõ ràng giữa tài năng cần cho công việc với thiên kiến cùng sự khoa trương của một người mang trọng trách đáng kể như Willoughby, hay Sir Charles, hoặc Ngài Willoughby, hay Baron von Willoughby – hoặc Bonnie Prince Charles như đôi khi ông được các sỹ quan không thuộc băng Bataan gọi. Dave Barret, trưởng phái đoàn Dixie, cho rằng ông ta là một hình ảnh biếm họa. Lúc riêng tư ông gọi ông ta là “Hoàng tử xứ Pilsn”. Còn Carleton West, một sỹ quan tình báo trẻ từ OSS nói, tên của Willoughby đáng ra phải đánh vần là chữ V – Villoughby – bởi sự quá Phổ, độc đoán và ngạo mạn của ông ta.  Có lần Willoughby hỏi tiến sỹ Roger Egeberg, một trong những cán bộ tham mưu cao cấp “Roger này, cậu có nghĩ tôi phát âm có quá giống người Phổ không?”. Nhưng có thể nói, Egeberg thêm, rằng ông ta rất tự hào về điều đó. Có dịp MacArthur đã gọi ông ta là: ”Tay phát xít dễ thương của tôi
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #218 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2013, 02:07:27 am »

Willoughby không chỉ là cán bộ tình báo chính của MacArthur khi bước vào cuộc chiến Triều Tiên, mà ông còn là cán bộ tình báo quan trọng duy nhất. Phần lớn các vị tư lệnh đều muốn có nhiều nguồn thông tin tốt nhất có thể; còn MacArthur chỉ tập trung vào những nguồn tin tình báo hạn hẹp và bị khống chế. Khao khát của ông là không có bất đồng quan điểm hoặc ngay cả ý kiến lựa chọn trong tầm của ông. Vấn đề luôn quan trọng với ông là các báo cáo tình báo phải phù hợp với những gì ông định làm ở đó. Điều này có nghĩa là tin tình báo của Willoughby chuyển cho MacArthur phải được làm theo khuôn khổ một cách có chủ đích.  Những ước đoán tình báo có tính chuyên nghiệp cao cho thấy có sự gia tăng hiện diện của Trung Hoa, điều này có thể ngăn cản ông làm việc ông muốn nhất: cú tiến sau cùng đến sông Áp Lục. Chỉ sau thất bai thê thảm to lớn của Willoughby về dự định và vị trí các tập đoàn quân Trung Quốc, thì CIA mới được phép trở lại khu vực.

Willoughby là một người gốc Phổ cực hữu “hoàn toàn lý thuyết và gần như không có chút thực tế nào” đó là những từ do Frank Wisner, Giám đốc kế hoạch của CIA phát biểu. Ông ta luôn dường như không thể đồng hóa hoàn toàn: ông ta nói với Robert Sherrod, người của tạp chí Time trong Thế chiến II, rằng nước Mỹ nên chiến đấu với một kẻ thù khác. “Chính sách này của Washington chẳng đi vào đâu cả” ông nói “Chúng ta nên giao nước Anh cho nước Đức. Cuộc chiến của chúng ta sẽ kết thúc ở đây [châu Á]”. Siêu anh hùng của ông – hơn cả MacArthur – là nhà độc tài Tây Ban Nha Francisco Franco, một tay phát xít chính cống đã được phát xít Đức ủng hộ để nắm chính quyền trong thập niên 1930 và rồi nghiên hẳn về phía Đức trong suốt thế chiến II. Ngay cả khi ông công tác trong ban G-2 của MacArthur, ông vẫn bận rộn với tiểu sử của Franco. John Gunther đã bất ngờ khi trong một bữa ăn tối hồi giữa Thế chiến II, Willoughby, người cay độc  với những lãnh đạo quân – dân sự Mỹ ở châu Âu và Washington, đột nhiên nâng cao ly của ông và chúc : “vị chỉ huy quân sự vĩ đại thứ nhì trên thế giới, Francisco Franco”, một nhân vật khó là đồng minh, hoặc là bạn của Hoa Kỳ. Frank Gibney, một phóng viên trẻ của tờ Time chuyên trách Willoughby, ghi rằng ông ta “luôn nói về hai vị tướng vĩ đại, và vấn đề lớn của bạn là ở một thời điểm nào đó phải hiểu vị tướng vĩ đại nào ông ta đang nhắc đến, MacArthur hay Franco. Ông ta đang nói rằng nhận được rượu gửi từ Tướng quân, thế là bạn phải hiểu đó có lẽ là Franco, với giả định rằng Tây Ban Nha có liên quan tới rượu nhiều hơn là nhân vật đang ở tòa nhà Dai Ichi”.

Không một sở chỉ huy nào Willoughby có thể với tới vị trí quá quan trọng như vậy, và khi ông leo càng cao thì các đặc tính Phổ càng đậm. Khi có dịp, ông đeo kính một mắt, dù rằng, như một sỹ quan đồng đội nói, làm ông giống Erich von Stroheim, một nhà làm phim, hơn là giống Gerd von Rundstedt, tổng tham mưu trưởng quân Đức trong Thế chiến II. Có những điều đáng khinh trong lối cư xử của Willoughby, Gibney nghĩ, như việc ráng cố có vẻ quý phái hơn. “Ông ta ra chỗ CLB Tokyo, sẵn sàng chơi tennis với bọn bợ đỡ ông ta, những đại tá thuộc ban ông, trong những ngày nóng nhất. Ông ta nhìn quanh trông thấy bạn, và nói ‘A Gibney, thể hiện tốt đó, thật tốt khi thấy cậu ra đây chơi hôm nay, Gibney – à, người ta nói chỉ có những con chó điên và người Anh mới ra ngoài trời trưa nắng thế này, nhưng tôi cũng thế’. Và điều dễ sợ là bọn đại tá nịnh bợ đó rú lên cười như thể ông ta nói cái gì vui lắm, và thế là đột nhiên bạn sẽ lo ngại cho những tin tình báo đến sở chỉ huy Tokyo và đưa về Washington”.

Có nhiều tranh cãi về nguồn cội của ông. Tuyên bố của ông rằng ông là hậu duệ của một người bố Đức quý phái và một người mẹ Mỹ nói chung được tin là không đúng, và hầu hết mọi người tin rằng ông đã tự bịa ra người quý tộc đó. Rõ ràng là ông đã làm chút ít để giải quyết những bí ẩn trong quá khứ của ông. Trong quyển Who’s Who Mỹ và trong tiểu sử ông viết cho quân đội, Willoughby nói ông sinh ở Heidelberg, Đức vào ngày 8 tháng Ba năm 1892, và là con của Freiherr (Baron) T. von Tscheppe-Weidenbach và bà Emma von Tscheppe-Weidenbach (tên thời con gái là Emma Willoughby of Baltimore). Nhưng trong hồ sơ lưu ở Heidelberg ngày đó chỉ ghi nhận sự ra đời của Adolf August Weidenbach, cha là ông August Weidenbach, thợ làm dây thừng, và bà Emma Langhauser, một người Đức. Theo Frank Kluckhohn của tờ The Reporter, tìm kiếm trong thư tịch Đức cho thấy không có ai có quyền hợp pháp ban cho chữ “von” trong tên của Willoughby. Một trong những người bạn của Willoughby từ hồi xưa xác nhận rằng cả cha lẫn mẹ ông đều là người Đức và cái họ Willoughby là một cách chuyển ngữ thô của Weidenbach, vốn mang nghĩa là “suối liễu” theo tiếng Đức. Kluckhohn đã hỏi Willoughby về điều này và ngay sau đó được trả lời rằng ông thực ra là một trẻ mồ côi, và không bao giờ biết cha mình là ai và bị kẹt với cái phiên bản trên Who’s who. Hình như ông đến Mỹ lúc 18 tuổi vào năm 1910 và vào quân đội dưới cái tên Adolf Charles Weidenbach. Trong ba năm ông đóng được lon trung sĩ, rồi rời quân ngũ, đến học ở trường Gettysburg, sau đó học vài khóa ở đại học Kansas, và rồi dạy ngoại ngữ cho các trường nữ ở vùng Trung tây. Đến năm 1916, trở lại quân đội, phục vụ ở vùng biên giới Mexico, và có cả đến Pháp nhưng không tham gia chiến đấu thực tế. Sau chiến tranh, ông phục vụ với tư cách tùy viên quân sự ở Venezuela, Colombia, và Ecuador, ở đó Ned Almond lần đầu chạm mặt với ông ta, và theo Bill McCaffrey, ghét ông ta. Rốt rồi ông trở thành một kiểu sử gia quân đội và là một sỹ quan tình báo. Đâu đó vào giữa thập niên 1930, ông làm quen được với MacArthur khi ông này dạy ở Fort Leavenworth, bang Kansas, một nơi Lục quân gửi những sỹ quan đang ở giữa sự nghiệp có triển vọng nhất vào các khóa học huấn luyện bổ sung, và năm 1940 ông tháp tùng MacArthur đi Phillipine, và nhanh chóng trở thành một chuyên gia tình báo trong ban tham mưu của MacArthur. Và từ đó, một trong những công việc chính của ông là khuyếch đại huyền thoại của MacArthur. Ông đã làm trong cả Thế chiến II cũng như những năm ở Tokyo và Triều Tiên để nghiên cứu sâu về binh nghiệp MacArthur, ông nói rằng nghiên cứu đó dài cả ba ngàn trang giấy, dù rằng quyển sách khi ông xuất bản chỉ có độ dài bình thường.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #219 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2013, 02:09:30 am »

Nếu như ban tham mưu của MacArthur luôn thống nhất trong việc chống lại bất kỳ thách thứ nào đến từ bên ngoài, thì bên trong cũng luôn có nhiều bè phái đánh nhau để dành ân sủng đặc biệt từ vị tướng; Willoughby và Courtney Whitney, một sủng thần khác của MacArthur, một luật sư đồng thời cũng giúp làm vài công tác pháp luật cho ông ta, họ liên tục đánh nhau để dành vị trí sủng thần hạng nhất.  Whitney đặc biệt hữu dụng trong những năm ở Phillipine bởi mối quan hệ của ông với tầng lớp trên của xã hội Manila, nhưng Willoughby rất biết nghe những gì MacArthur muốn nghe và ông ta còn muốn đặt sự sùng bái MacArthur ở vị trí cao nhất trong lịch sử. Năm 1947, ông viết thư cho MacArthur: “Không một nhân vật đương thời nào có thể sánh được với ngài… Về cơ bản [mọi người] phải theo một nhà lãnh đạo vĩ đại, một con người cụ thể chứ không phải là một sự tưởng tượng, theo một Malbrough [sic], theo một Napoleon, theo một Robert E. Lee. Dưới đó, có những đồng minh lâu năm … Một quý ông có thể phục vụ một đại nhân. Đó sẽ một kết cục có hậu cho sự nghiệp của tôi… và như tôi phóng tầm mắt nhìn khắp thế giới, những đại lãnh chúa khác đang rời vũ đài, đang chiến đấu trong một cuộc chiến cay đắng bảo vệ hậu phương chống lại đám đông vô danh thấp hèn dẫn dắt bởi  ngọn roi của người Nga”.

Tồn tại người như Willoughby là bằng chứng cho việc nhiều sỹ quan cao cấp ở Washington cho rằng MacArthur đang điều hành quân đội của riêng ông, và vuột xa tầm tay của chủ tịch Hội đồng Liên quân. Với họ, Willoughby là hàng thừa bỏ qua một bên từ hồi Thế chiến I “cái kiểu quá người Phổ khiến tất cả những gì ông ta cần là một cái nón sắt có chóp đinh”, theo như cách dùng từ của Clayton James, người viết tiểu sử của MacArthur. Thành kiến tư tưởng mãnh liệt của ông ta làm cả những người khác trong ban tham mưu của MacArthur cũng không thoải mái. Trong những trận tranh cãi nội bộ ban tham mưu về tương lai của nền dân chủ Nhật, Willoughby là một người nồng nhiệt cực kỳ, ráng đá đại bản doanh của chính sách Kinh tế mới tự do, những người ông cho là cộng sản hoặc thiên cộng. Ông cũng là một tay kiểm duyệt báo chí tự phong, luôn cảnh báo bất kỳ sự vượt quá giới hạn nào chống lại cả sự chiếm đóng lẫn cá nhân MacArthur. “Có vài người trong số chúng tôi tường thuật về các cuộc tranh luận trong chính giới ở những ngày đó – một chủ đề quan trọng và rất lý thú, ở đó có các trận chiến nảy lửa về hướng đi một nước Nhật mới cần theo. Điều này cũng có nghĩa là tường thuật về hai lực lượng chính trong đại bản doanh của MacArthur, phái cải cách, và phái truyền thống,” Joseph Fromm của tờ US News & World Report nói “Willoughby hoàn toàn tin  – bởi tôi đã làm những bài tường thuật nguyên gốc về sự phân hóa này, những bài tường thuật mà cả ông ta lẫn MacArthur đều không ưa – rằng tôi là một người Cộng sản. Tôi nhớ có một ngày ông ta gọi tôi đến gặp một – một, và đó là một chuyện hoàn toàn điên khùng. Tất cả những gì ông ta muốn là nói chuyện về Lenin và Marx, từng người, như chúng ta hiểu cuộc chơi đó là gì, ông ta: một người chống Cộng và là một con người của luật lệ và tôi, trong suy nghĩ của ông ta, một tay Cộng sản và như thế là ngoài vòng pháp luật, và chúng tôi có thể bằng nhau ở cuộc đấu khẩu này, biện luận về điều đó, những nhân vật tầm thế giới, nhưng cuối cùng quan điểm của ông ta về chủ nghĩa cộng sản chiến thắng tôi”. Nhiều năm sau, Fromm lấy được hồ sơ an ninh của ông thông qua đạo luật tự do thông tin. Và thứ này làm ông choáng váng bởi chứa lượng dữ liệu tào lao rất lớn về ông, tất cả những thông tin đó được Willoughby và lính của ông ta trong ban G-2 làm, đa số trong đó là xấu xa, và khoét rộng ra, mà đa số là không chính xác một cách đáng ngạc nhiên “đó là những thứ có thể làm đổ vỡ sự nghiệp của một con người nếu nó bị nhìn nhận nghiêm trọng. Chẳng biết nói gì về những người chịu trách nhiệm sưu tập thông tin đó nhỉ, rất lãng phí thời gian vào việc đó, và thật choáng váng trước sự bất tài của sở chỉ huy dính dáng tới thực tế này”
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM