Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Năm, 2024, 07:30:51 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mùa đông lạnh nhất - David Halberstam  (Đọc 91615 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #140 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 02:11:48 pm »

Chương 17

Sự sụp đổ của Trung Hoa – Tưởng Giới Thạch nhanh chóng trở thành một vấn đề chính trị Mỹ. Thường thì sự thất bại của một chế độ nào đó kiểu như vậy chỉ tạo nên một đóm sáng nhỏ trên màn hình ra đa chính trị Mỹ. Nhưng đây là một thời điểm khác hẳn. Sau khi Tưởng thất bại năm 1949, đã có rất nhiều bài viết về việc Hoa Kỳ đã phản bội ông như thế nào. Báo cáo về sự sụp đổ đang diễn ra khá bất nhất và ít nhất là có thiên vị chính trị: Tưởng có nhiều chiến hữu rất quyền lực trong giới báo chí Mỹ, như Harry Luce, và Roy Howard của hệ thống Scripps Howard – những người kiểm duyệt trên thực tế những tin tức phóng viên đưa về.

Chuyện này là hoàn hảo với đảng Cộng hòa. Việc Tưởng thất bại là một biểu thị rõ ràng của vấn đề thoái hóa biến chất (của chính phủ) mà họ đã quyết dùng sau thất bại tranh cử của Dewey. Việc Tưởng đã thực sự chấm dứt ở Đài Loan tạo ra một vấn đề không bao giờ thoát khỏi được. Mỉa mai thay, những ai đã cảnh báo đúng đắn rằng Tưởng sẽ không làm được gì, chợt nhận ra họ phải ở trong thế phòng thủ, bị buộc tội rằng đã chơi xấu ông ta bởi thuộc cánh tả. Tổ Trung Hoa trong bộ Ngoại Giao chạy tán loạn và ẩn nấp càng xa càng tốt, vì sợ rằng sự nghiệp của họ sẽ bị tổn hại nghiêm trọng bởi đã có những báo cáo chính xác. Một quân nhân quan trọng trong vấn đề Tưởng thất bại là Joe Stilwel, thì ông đã chết vào tháng Mười năm 1946. Chính phủ nhận ra họ bị kẹt trong một tình thế rất khó khăn: những nhà chỉ trích thuộc đảng Cộng hòa đã khôn ngoan liên kết chuyện của Tưởng với vấn đề quan trọng nhất của Truman và Acheson – vấn đề an ninh tập thể của châu Âu. Truman và Acheson không thể đạt được thứ mình muốn cho kế hoạch Marshall nhằm tái thiết một Tây Âu điêu tàn nếu không thỏa hiệp với vấn đề Trung Hoa, chính sách của họ ở châu Âu là một con tin hữu hiệu cho việc (phải) tán thành chính sách của kẻ thù về Trung Hoa.

Chính phủ nhanh chóng thất thế trong trận chiến tuyên truyền cũng như trận chiến chính trị. Năm 1949, Acheson cho phép Bộ Ngoại giao tổ hợp thông tin và xuất bản công khai Sách Trắng Trung Hoa, một tài liệu lịch sử về vấn đề tại sao Tưởng thất bại dù có viện trợ rất lớn từ Mỹ và đây là một thất bại cho cả hai phía trên Thái Bình Dương. Ở Mỹ, đây được xem là một trong những cú đá sau cùng với một chế độ đang nao núng và làm hội vận động Trung hoa điên tiết; ở Trung Hoa, Mao chộp lấy điều này như là một bằng chứng không thể chối cãi – do chính Mỹ đưa ra nhé – rằng Mỹ thường xuyên hoạt động chống lại Trung Hoa của ông. Đó là một bằng chứng rõ ràng rằng người Mỹ là kẻ thù của Trung Hoa.

Và như thế chính phủ đã chơi một ván bài, bằng những đề nghị viện trợ Tưởng, dù hiểu rõ rằng sẽ không có khả năng tốt đẹp nào sẽ đến, mà chỉ để không có dấu tay của Hoa Kỳ trên thất bại hiển nhiên sẽ đến. Đây là một sự thật không chỉ với những người Dân chủ mà còn với nhiều người Cộng Hòa. Năm 1948, khi Bourke Hickenlooper, một thượng nghị sỹ bảo thủ bang Iowa, đến gặp Arthur Vandenberg, lãnh đạo chính trị của ông, để hỏi rằng liệu 570 triệu $ viện trợ cho Trung Hoa có thể làm được điều gì không, Vandenberg trả lời, như Thomas Christence ghi lại là: “Ít nhất là việc Trung hoa sụp đổ sẽ không đặt lên vai của chính phủ Mỹ”. Vấn đề quan trọng ở đây, Vandenberg nói, chính là quan điểm của công chúng, vốn rất ủng hộ việc viện trợ cho dù là cho một Trung Hoa đang chết đi – “Chúng ta đang đảm trách việc chống lại sự xâm lấn của Cộng sản, và chúng ta đang hoàn toàn lờ đi một khu vực và để nó hoàn toàn tan rã mà chẳng có tới một cử chỉ hỗ trợ nào”

Ván bài kết thúc, nhưng kết thúc vẫn chưa hẳn là kết thúc, trong khung cảnh chính trị. Hoa Kỳ không thể rút ra khỏi thứ họ muốn, bởi hậu quả chính trị của Tưởng ở Mỹ còn trở nên mạnh mẽ hơn nhiều. Hoa Kỳ và Trung Hoa của Mao, cả hai đều không hiểu ra rằng đang bắt đầu những bước đi gần như không lay chuyển được hướng đến một cuộc xung đột quân sự.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #141 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 02:13:44 pm »

Nếu ở trong nước chính phủ bị công kích vì đã làm quá ít, thì ở Bắc Kinh, trong nước Trung Hoa mới, thì bị tố giác là đã trợ giúp cho Tưởng quá nhiều. Trong mắt Mao Trạch Đông và đồng sự, những hành vi của Mỹ không thể vô tội. Trong góc nhìn của họ, dấu vết của Hoa Kỳ có ở mọi nơi trong cuộc nội chiến. Người Mỹ đã hỗ trợ tài chính cho Tưởng từ năm 1941 đến 1949. Phi cơ và phương tiện vận tải hàng hải của Hoa Kỳ đã đưa quân Tưởng lên phía bắc Trung Hoa để tiếp nhận quân Nhật đầu hàng. Các quan sát viên trung lập sẽ không làm như vậy. Trong suy nghĩ của người Mỹ, đó chỉ là một sự giúp đỡ nhỏ nhoi mà Hoa Kỳ tối thiểu có thể làm – nhưng với Mao và các cán bộ cao cấp của ông thì đó là một sự can thiệp thái quá vào đất nước và cuộc chiến của họ. Với họ, Mỹ đã hành động chính xác theo cái cách một nước tư bản giàu có muốn làm.

Ngoài ra điều này cũng đưa đến một lực lượng mới bạo dạn trong nền chính trị Mỹ: hội vận động Trung Hoa. Đó là một liên minh lỏng lẻo của những người với những mục đích khác nhau. Được kết nối với nhau bởi những thành viên giàu có, quyền lực của chính gia đình Tưởng, thường làm việc ở Washington hoặc những nơi đặc biệt nào đó, với các chính trị gia bảo thủ có ảnh hưởng ở Mỹ, và các đồng minh trong giới báo chí cùng thân hữu. Đó là một liên minh bất định hình, nhưng lại rất thật và tập trung cao. Đó là một liên minh có ảnh hưởng bởi có số lượng cao, dù rằng có nhiều mục tiêu. Đó là một tổ chức vận động mạnh mẽ nhất trong thời kỳ ấy ngay cả khi hoạt động vì một quyền lực nước ngoài tại Washington. Điều cơ bản liên minh ấy muốn rất đơn giản: viện trợ ồ ạt cho Tưởng càng lâu càng tốt. Cuối thập niên 1940, ngay cả khi cánh Cộng sản đã chiến thắng, hội vận động này vẫn muốn Hoa Kỳ tiếp tục xem chế độ Tưởng đại diện cho Trung Hoa, và khóa chặt mọi sự thừa nhận ở Washington với chính quyền Mao Trạch Đông, đồng thời giữ Trung Hoa mới bên ngoài Liên Hợp Quốc và cuối cùng là duy trì viện trợ cho Tưởng ở Đài Loan. Những gì hội vận động này muốn, dù cho đến nay Tưởng đã thua trong cuộc chiến, là Hoa Kỳ phải hành động như thể ông ta đã thực sự chiến thắng trong cuộc chiến. Điều họ thực sự hi vọng là một biến động chính trị lớn không chắc xảy ra, thứ sẽ đưa các lực lượng của Tưởng chiến thắng trở về đại lục dưới lá cờ người Mỹ; những điều có thể nói là giống như một cuộc chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa.

Những người đến với hội vận động Trung Hoa có một số là yêu Trung Hoa chân thật – ít nhất trong tưởng tượng của họ – với một niềm tin rằng Tưởng dù cho có vô số khuyết điểm thì vẫn là nhà lãnh đạo duy nhất có khả năng ở Trung Hoa để chống lại Cộng sản. Với những người khác, lý do ủng hộ vị Thống chế là ty tiện và cực kỳ ích kỷ, đôi khi còn kém cả việc rằng làm cho Trung Hoa Dân quốc thường được trả kha khá. Với đa số người vấn đề này là cơ hội để làm điều gì đó đối với một giai đoạn nắm quyền quá dài của đảng Dân chủ. Vài người, như hạ nghị sỹ Walter Judd – ông khi còn trẻ là một nhà truyền giáo, hoặc như Henry Luce – con một nhà truyền giáo, họ không chỉ yêu Trung Hoa mà còn yêu Tưởng, họ tin như tin vào thánh tích rằng sự thật vĩ đại nhất của cuộc chiến này chính là Tưởng và Trung Hoa là một là đồng nghĩa với nhau. Đa số họ không có tình cảm với những chính sách thân châu Âu, điều đã chi phối chính sách ngoại giao Mỹ quá lâu, và họ đang tìm cách hướng sự tập trung chống cộng của Mỹ vào khu vực Thái Bình Dương, vùng đất họ cho rằng tương lai sẽ ở đó.

Với những người thân-Trung-Hoa, những người đã trải qua thời niên thiếu là con các nhà truyền giáo ở Trung Hoa, thì sức hút của quốc gia đó rất sâu và không khoan nhượng; Trung Hoa theo cách nào đó cũng như là nhà, là tổ quốc của họ như Hoa Kỳ vậy. Thêm vào đó, khi nói rằng Tưởng đã thất bại thì cũng như nói cha mẹ họ, những người đã cống hiến cuộc đời họ để mang Thiên chúa giáo đến cho Trung Hoa, đã thất bại (thực vậy, ít nhất trong cảm nhận hẹp về công việc của họ, họ đã thất bại). Hồi mùa thu năm 1946, một trong những lần tới Trung Hoa, Luce đã đấu tranh với John Melby – ông này gợi ý rằng cam kết cá nhân với Tưởng, hay đúng hơn với Trung Hoa, là sai lầm. Luce ngay lập tức bác bỏ ý kiến của Melby với một câu trả lời bộc trực ngoại lệ. “Anh nên nhớ rằng chúng ta sinh ra ở đây. Đây là tất cả những gì ta cần biết. Chúng ta đã cam kết dùng cả cuộc đời để đưa giáo lý Cơ đốc đến Trung Hoa. Và giờ anh công kích chúng ta vì điều đó. Anh đòi hỏi chúng tôi phát biểu rằng cuộc đời chúng ta đã lãng phí; là vô ích. Là không vì điều gì cả. Đó là một điều rất khó để hỏi với bất kỳ ai, phải không?” Luce trả lời. Melby đồng ý, nhưng rằng điều đó đã qua rồi bởi thế giới và Trung Hoa đã thay đổi, và bởi Trung Hoa mà họ biết, đang chết đi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #142 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 02:14:32 pm »

Nhưng đó chính dạng cảm xúc mãnh liệt đó – và lòng hoài cổ – đã góp phần không nhỏ cho sự thành công của hội vận động Trung Hoa. Phần lớn hoạt động chính trị khởi đầu trực tiếp từ đại sứ quán Trung Hoa ở Washington và, ở thời điểm gần cuối năm 1948, khi bà Tưởng đến quốc gia này và lưu lại khá dài, thì đến từ nhà anh rể của bà ở Riverdale, New York. Tưởng giới Thạch có hai người anh em đằng vợ là Tống Tử Văn và Khổng Tường Hy (cùng với đại sứ Trung Hoa tại Mỹ Wellington Koo) đã làm rất tốt việc của mình. Tống Tử Văn đã có lần cảnh báo John Paton Davies, một quan chức ngoại giao thông minh, và là một trong những người có năng lực nhất trong tổ chính sách Trung Hoa rằng không có bất kỳ thư tín nào của Bộ Ngoại giao gửi từ Trung Hoa về mà ông không có được trong vòng 2 đến 3 ngày. Những lãnh đạo cao cấp của Dân quốc đôi khi dường như hiểu rõ Washington làm việc như thế nào hơn là phía Mỹ hiểu họ, và họ có đồng minh trong khắp chính phủ, một lượng lớn các thượng nghị sỹ Cộng hòa đầy quyền lực và ngay cả một số ít các thượng nghị sỹ Dân chủ phản bội như Pat McCarran của bang Nevada. Tuy nhiên, đồng minh vĩ đại nhất của họ, nhân vật vận động quan trọng nhất, người đã đưa một nhóm người lọt vào thay vì đứng bên lề chính trị và cho họ những nguyên nhân pháp lý vững vàng hơn, đó không phải là một chính trị gia, mà chính là nhà truyền thông quan trọng nhất thời đại, Henry Luce.

Không ai có tầm quan trọng với liên minh ủng hộ Tưởng hơn Luce – ông cho liên minh đó tiếng nói trên toàn quốc được nhìn dưới góc độ trung tâm chính trị hơn là thiên hữu, và ông cũng cật lực làm việc để triệt tiêu các quan điểm đối lập ông. Vì ông là một người thiên lệch ghê gớm và là một đảng viên Cộng hòa nhiệt tâm – “nhà thờ thứ hai của tôi” như cách ông gọi đảng của mình, nên cả những người Dân chủ tự do cũng luôn trong tình trạng phòng ngự trong thế giới của ông. Một số người thân-Trung-Hoa khác có khá ít sự đáng trọng về chính trị, nhưng Luce có thể xoay sở để thay đổi cân bằng chính trị  và phát ra sự hồ nghi với những người chủ trương ôn hòa – những người có cái nhìn thực tế về các sự kiện đang diễn ra ở Trung Hoa mà ông căm ghét. Một số ít người khác trong hội vận động Trung Hoa là đồng minh chính trị bình thường của ông; một số lớn hơn khác thì không – bởi họ là những người theo chủ nghĩa biệt lập – còn ông thì lại thuộc nhóm lãnh đạo cánh theo chủ nghĩa quốc tế của Đảng Cộng Hòa thời đó, và như vậy là kẻ thù bất cộng đái thiên của họ trong các kỳ đại hội đảng Cộng Hòa năm 1940, 1944, 1948 và thời điểm 1952. Nhưng ông ve vãn được bất kỳ ai định chống ông trong vấn đề Trung Hoa với sự mạnh mẽ, đập tan mọi do dự của bất cứ ai theo cách của ông. Ông công kích mạnh mẽ mọi đối tượng nghề nghiệp – chính trị gia, nhà ngoại giao, hay nhà báo – bất chấp mọi nỗi thống khổ hay luân lý thông thường hoặc đạo đức nghề báo. Những ai bị ảnh hưởng do những gì các tờ báo của ông viết, thì cũng đáng kiếp, ông tin vậy, bởi họ đã lung lạc niềm tin vào chân lý của ông, không đồng ý với ông hoặc chen ngang đường ông.

Là con của một cặp vợ chồng nhà truyền giáo ở Trung Hoa, ông là một người thông minh, vụng về một cách khác thường trong đời sống xã hội, với một trí tuệ hoang sơ to lớn và một bản tính hiếu động tò mò. Ở trường Hotchkiss, trường trung học của ông, và sau đó là đại học Yale, ông là một cậu trai nghèo, khác biệt với mọi người, và luôn quá hăm hở, bố mẹ ông không có quan hệ với phụ huynh khác của các bạn học quý tộc. Ông luôn mặc những bộ quần áo sai mốt, lỗi thời theo kiểu Mỹ thời xa lắc, sao chép một các trung thực bằng chất liệu vải nặng dày bởi các thợ may Trung Hoa. Biệt danh của ông là “Chink Luce”, một cái tên không mong đợi nhất. Có lần ông nói với tiểu thuyết gia Pearl Buck rằng ông cực kỳ căm ghét trường trung học và đại học, bởi ông thấy mình quá khác biệt và quá nghèo.  Và khi trở thành chủ báo cực kỳ thành công, ông trở nên càng kiên định hơn với niềm tin của mình, quan trọng nhất trong đó là góc nhìn của ông về nước Mỹ có thể và sẽ thành thế nào  trong thế kỷ hai mươi, nhà sáng tạo ra khái niệm gần như hung hăng về một Thế Kỷ Mỹ. Ông là sự pha trộn lạ kỳ giữa những thứ dường như không ăn khớp hoàn hảo vào nhau: một người theo thuyết Calvin đồng thời là nhà báo; và rồi một khi có ai chống đối ý tưởng của ông, ông hành động như  lãnh chúa tàn ác Trung Quốc – không chấp nhận tù binh. Lúc bắt đầu sự nghiệp phóng viên, dường như ông không mấy hứng thú khơi lại mối quan hệ của ông với Trung Hoa; bởi đó là một quá khứ đau đớn và ông đã vất vả lột nó ra, ông trở thành Mỹ hơn cả những cậu trai bản địa mà ông đã không làm thân thành công hồi còn đi học. Nhưng đến năm 1932, ở tuổi 34, và đã thành công cực kỳ trong tư cách biên tập viên cũng như chủ báo, ông đi thăm lại Trung Hoa và mối quan hệ bỗng tươi mới lại. Gia đình họ Tống, người giàu nhất Trung Hoa (và có lẽ nhanh sau đó là ở tầm thế giới, nhờ vào viện trợ Mỹ), đã vờn ông một cách khéo léo, họ rất khôn ngoan trong việc lôi kéo những người phương Tây quyền lực, nói toàn những điều hay và làm những gì họ muốn, và như vậy những người phương Tây đó rơi vào vòng của họ. Trong những ngày định mệnh đó, Luce đã xác quyết rằng toàn thể Trung Hoa sẽ nên trở thành một quốc gia với những con người như cái gia đình đặc biệt đó: thời thượng, theo đạo Thiên Chúa, là dân tư bản, dường như biết ơn – và rằng nhiệm vụ đưa Trung Hoa đến cái hiện thân mới hoàng tráng này từ một quá khứ hung bạo, ngoại đạo, giờ đây  không gì khác chính là nhiệm vụ  của nước Mỹ trong Thế Kỷ Mỹ. Ông rời Trung Hoa sau chuyến thăm đó với một đại nghiệp lớn nhất của mình.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #143 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 02:16:38 pm »

Không chủ đề nào có thể làm ông ám ảnh, ủng hộ hơn. Khi Luce và vợ, một cây bút cũng là một chính trị gia Clare Boothe Luce, đến thăm viên Thống chế và Thống chế phu  nhân vào năm 1941, khi về ông viết ngay rằng: ”đã làm quen với hai người, một nam và một nữ, so với những người cùng thời, họ sẽ được nhớ đến qua hàng nhiều thế kỷ nữa”. Hơn bất cứ người Mỹ nào, Luce đã lãng mạn hóa (và đại chúng hóa) cái chủ nghĩa tân thời mà Tưởng được cho là hiện thân. Không một người Mỹ nào khác có ảnh hưởng đến việc  tạo ra ảo tưởng rằng một Trung Hoa dưới quyền Tưởng muốn thành giống như nước Mỹ. Nếu chính quyền Tưởng chỉ có được một chút thành công, một chút hiệu quả và một chút đáng trọng như trên các báo của Luce rêu rao, giá mà Tưởng chỉ có một phần nhỏ của trí thông minh mà Luce gán cho ông ta, thì có lẽ đã không có cuộc khủng hoảng Trung Hoa, và những người cộng sản đã có thể bị đánh bại dễ dàng.

Không gì can gián được ông trong ý tưởng rằng đích đến của Trung Hoa chính là nguyên mẫu nước Mỹ mà còn trong quan điểm rằng chính Tưởng và gia đình ông là những người dẫn dắt lộ trình. Bất kỳ nhân vật chính trị Mỹ nào chen vào đường ông đi sẽ bị hủy diệt; bất kỳ mẫu thông tin nào mà các phóng viên có nghề của tờ Life and Time gửi về từ thực địa có nói đến việc thất bại một cách có hệ thống của Tưởng cũng như sự vươn lên mạnh mẽ của những người Cộng sản sẽ chắc chắn bị kiểm duyệt. Không một chứng cứ nào về lý do Tưởng thất bại có thể thay đổi suy nghĩ của ông – thay vào đó ông còn thêm phần độc địa với những ai sưu tập chứng cứ đó. Trong một thời gian dài, ông hi vọng cuộc chiến Triều Tiên có thể mang đến con đường giúp Tưởng trở lại đại lục. Có lần em của ông, Elisabeth Moore, nói với Alan Brinkley – người viết tiểu sử của ông rằng: “Harry luôn tìm cơ hội để lật đổ chế độ Cộng sản ở Trung Hoa. Anh ấy hiểu rằng Hoa Kỳ không thể đơn giản tuyên chiến với những người cộng sản, nhưng anh ấy nghĩ các cuộc chiến với phía Cộng sản có thể cho chúng ta cơ hội tiến vào Trung hoa. Về phía mình ông thực sự muốn cuộc chiến Triều Tiên trở thành cuộc chiến Mỹ – Trung, và ông cũng nói như vậy về cuộc chiến Việt Nam hồi đầu thập niên 1950”.

Liệu rằng ông có phải là một thành viên hội vận động Trung Hoa thực thụ không là một câu hỏi hấp dẫn. Dĩ nhiên trong cái vấn đề hấp dẫn nhất này có một sự thống nhất ngay lập tức, ông dù sao cũng là một nhân vật quan trọng nhất trên mặt trận Trung Hoa. Nhưng ở trong đa số việc, ông cùng những thành viên khác của hội vận động Trung Hoa là những bạn đồng sàn lạ lùng.  Brinkley viết: “Ông còn năng nổ hơn một thành viên thực thụ. Ông là một người theo chủ nghĩa quốc tế chính cống và còn họ trong phần lớn các vấn đề là những người theo chủ nghĩa biệt lập”. Đa số họ về mặt bản chất thì giống với đại tá Robert McCormick, và McCormick, lãnh đạo của những người theo chủ nghĩa biệt lập thời đó, một kẻ thù chính trị và thường xuyên bị chế nhạo trên báo của Luce. Với McConrmick, Luce cũng đơn giản là kẻ thù, bởi là người đã giúp giữ vị trí ứng viên đại diện đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống cho Wendell Willkie, rồi Tom Dewey (hai lần), và cuối cùng Dwight Eisenhower. Dù sao thì điều đã ghép họ ăn ở tạm thời với nhau chính là Trung Hoa.

Sự căm ghét của Luce với Acheson khởi nguyên từ việc Trung Hoa đã trở thành một thứ gần như là bệnh lý. Lúc riêng tư ông thích gọi Acheson là  “thằng con hoang đó”. Khi quân Bắc Triều vượt vĩ tuyến 38, ông cảm thấy mình được minh oan, và lệnh cho những cây bút xã luận của mình viết bài, như theo John Shaw Billings – biên tập viên hạng nhất của tờ Life và trong hơn hai thập niên ông là một cây bút viết xã luận hàng đầu trong đế chế của Luce – ghi nhận : “ Hãy tự tìm cách viết bài xã luận mà tôi đã nói với các anh, trong việc lật ngược các chính sách của Truman với Trung Hoa”. Ngay tại thời khắc cuộc chiến Triều Tiên bắt đầu, tờ Time đã đưa Acheson vào tâm ngắm, và trong tháng Giêng năm 1951 đã viết về ông ta “ Những gì người ta nghĩ về Dean Gooderham Acheson trải dài từ một kẻ theo đuôi, hoặc một tay não ngắn, hay một tên kém hiểu biết cực kỳ, cho đến một người hiếu chiến đã đưa Hoa Kỳ vào một cuộc chiến tranh thế giới, để cảnh cáo, nếu không nghe rõ được lời bênh vực rằng hắn là một Ngoại trưởng vĩ đại”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #144 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 02:18:13 pm »

Cả tờ Life và tờ Time, dù tinh vi hơn hầu hết những đầu báo đối thủ, nhưng khi thực sự cần thiết – ví dụ như trong kỳ bầu cử tổng thống, vẫn trở thành những công cụ trần trụi phục vụ cho ý chí của chủ báo.  HIếm khi thành kiến chính trị trên các tờ báo của Luce lộ quá rõ như trong trường hợp đưa tin về Trung Hoa. Luce đã làm phần việc của mình dành cho Trung Hoa, bên cạnh những việc khác: đó là kiểm duyệt, cắt xén những bài viết gửi về từ Trung Hoa bởi một phóng viên vĩ đại nhất của ông trong thời đó, Theodore White. Luce không thể biến đêm thành ngày, nhưng chắc chắn rằng ông có thể biến những thông tin của White gửi từ thực địa mô tả từ thất bại này đến thất bại khác thành những báo cáo thắng lợi nối thắng lợi. BỞi vậy nên White cũng quen với việc tác phẩm của ông bị viết lại hoàn toàn. Có lần ông dán lên cửa phòng ông dòng chữ: “Bất cứ sự trùng hợp nào giữa những gì được viết ra nơi đây và thứ được in trên tạp chí Time là hoàn toàn ngẫu nhiên”.   Giữa họ có một cuộc chiến dai dẳng – cả hai cùng yêu Trung Hoa, nhưng White nghĩ rằng Tưởng là một thất bại toàn phần, và tin rằng Trung Hoa phải tự tìm cho mình một đại diện mới. Mùa thu năm 1944, khi cuộc đụng độ giữa Tưởng và Stilwel lên tới đỉnh cao  và Roosevelt quyết định cho Stilwel thôi chức, vị tướng đã gọi hai phóng viên có nhiều ảnh hưởng mà ông tin cậy đến gặp, là White và Brooks Atkinson của tờ NewYork Times, để làm một cuộc phỏng vấn dài về lý do ông bị gọi về và tại sao vấn đề Trung Hoa là tuyệt vọng. Với cả White và Atkinson đó là một khoản khắc nghề báo tuyệt vời: “Thằng chó đẻ ngu dốt đó không bao giờ muốn đánh nhau với quân Nhật …. Mọi sai lầm chính yếu của cuộc chiến này có thể tìm thấy nguồn gốc là từ Tưởng Giới Thạch”. Câu chuyện này quá lớn đến nổi Atkinson đã chọn bay về cùng với Stilwel vài ngày sau đó trên chính chiếc phi cơ của vị tướng để chắc chắn tránh được việc kiểm duyệt; và kiếm được giải Pulitzer từ bài báo này; còn bài viết dài 13 trang của White thì lại bị đảo ngược hoàn toàn và trở thành thứ mà như theo lời ông là : ”cực kỳ đồng bóng, cực kỳ ủng hộ Tưởng làm sai lệch quan điểm dân Mỹ – đây chính là nhiệm vụ của Luce và tôi thì phải luôn cảnh giác chống lại”

Chính phủ trong tình thế phòng thủ với vấn đề Trung Hoa và vấn đề thoái hóa biến chất gần như ngay từ hồi Thế Chiến II vừa kết thúc. Trong nước, Truman dưới áp lực của cánh hữu, đã tôi luyện cho lòng trung thành của chính phủ và quen với các thủ tục an ninh. Trong các nỗ lực ngoại giao, tổ Trung Hoa giờ phải chịu trách nhiệm tới mọi sự kiện mà họ cảnh báo sẽ xảy ra. Nghiên cứu lại thời đó, họ được nhìn nhận là một trong những nhóm cán bộ ngoại giao tài giỏi, thông minh nhất mà Bộ Ngoại giao đã cử làm. Nhưng bắt đầu vào khoản giữa thập niên 40, họ bị tống đi khắp từ Liverpool, Dublin, Thụy Điển cho đến Peru, Comlumbia hay Nauy, Tân Tây Lan. Ray Ludden, một trong những người tài năng trong số đó, đi lòng vòng trong các nhiệm kỳ ngắn hạn ở Dublin, đến Brussel, đến Paris, đến Stockholm – bất cứ đâu trừ châu Á. “Từ năm 1949 tôi mới có được thì giờ” có lần ông nói “tôi không thể nhận một công việc như một tay bắt chó”. Thời đó, bi kịch cá nhân của họ trở thành bi kịch của quốc gia, bởi chính phủ tự làm mình mù lòa ở một vùng đất sẽ trở nên rất quan trọng – và là một ổ chỉ trích quan trọng, bởi những lực lượng tham gia cuộc chơi rất hay thay đổi và cách mạng, để chia cách những gì bạn không thích khỏi những gì đe dọa bạn. Không ai trong tổ Trung Hoa có vai trò trong tháng Mười năm 1950 khi quân Mỹ vượt biên giới 38 bắc tiến, và cũng không ai có vai trò trong các quyết định quan trọng về Việt Nam 15 năm sau đó
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #145 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 02:20:10 pm »

Lúc đầu, cuộc thanh trừng chính trị chỉ nhằm vào lớp cán bộ cấp thấp và cấp trung, nhưng đến năm 1948, người của hội vận động Trung Hoa liều lĩnh, sẵn sàng và mong muốn một ván bài lớn hơn. Và có lẽ cách tốt nhất để hiểu về một giai đoạn đấu tranh chính trị gay gắt và xấu xí là xem xét việc lãnh đạo hội vận động Trung Hoa kế đó chuyển mũi nhọn vào chống George Catlett Marshall. Ông là bạn hữu của Trung Hoa, hồi thanh niên ông phục vụ ở đó lúc còn là một sỹ quan trẻ, và luôn giữ lại trong mình tình cảm chân thành, bởi vậy khi bà Tưởng đến Hoa Kỳ vào cuối năm 1948 nhằm biện hộ cho trường hợp của bà trước Washington và công chúng Mỹ, bà đã ở với gia đình Marshall tại Virginia. Marshall đã miễn cưỡng quay lưng với Tưởng, không phải vì hờn dỗi cá nhân mà bởi đã thấy quá rõ rằng Trung Hoa của ông ta đang chết đi, không thể cứu tỉnh lại được và còn vì Marshall đặt lợi ích của Hoa Kỳ lên trên lợi ích của Tưởng. Ông hiểu rằng đó là những quyết định khó khăn và nguy hiểm nhất – bỏ rơi một đồng minh và chấp nhận kẻ chiến thắng trong nội chiến Trung Hoa là những người xa lạ, thù địch, điều này trông như làm cho thế giới khó khăn và nguy hiểm hơn. Cái chủ nghĩa yêu nước đó của ông giờ bị công kích với sự sụp đổ của Tưởng bởi nói nhiều về thời đại hơn là về bản thân Marshall.

Năm 1945, khi Thế Chiến II chấm dứt, nếu có một người Mỹ dường như đứng ngoài mọi phe cánh và có được lòng biết ơn của cả nước thì đó chính là George Marshall, con người vị tha nhất, ít theo ý thức hệ nhất, “một con người vĩ đại” như Truman thán phục nói. Lúc ấy, ông là kiến trúc sư chính của công cuộc động viên nhanh chóng đáng kinh ngạc của nước Mỹ trong thế chiến II. Ông đã đưa một quân đội nhỏ bé thảm hại, yếu ớt và trang bị kém  phản ánh cho một nước Mỹ ngây thơ và theo chủ nghĩa biệt lập trong năm 1941 thành một lực lượng hùng mạnh vượt qua eo biển Anh chỉ hai năm rưỡi sau đó. Đa số thường dân Mỹ đồng ý với cảm nhận của vị tổng thống về Marshall, tại thời điểm chiến tranh kết thúc; một người Mỹ vĩ đại nhất còn sống; nhiều quân nhân, như Matt Ridgway, cho rằng ông là quân nhân Mỹ vĩ đại nhất kể từ sau George Washington. Phản ánh lại sự chia rẻ lớn lao về vấn đề Trung Hoa trong nền chính trị Mỹ; chỉ năm năm sau, là người nắm quyền quyết định về viện trợ cho Tưởng, ngay cả Marshall cũng lộ ra nhược điểm, không chỉ các phán quyết mà cả lòng yêu nước của ông cũng bị đặt dấu hỏi.

Trong suốt thế chiến II, tờ Time luôn hào phóng ca tụng Marshall. Nên giờ chống lại thì cần có sự giải thích từ phía các kẻ thù của ông, rằng tại sao ông chuyển sang chống lại Tưởng Thống chế. Câu trả lời, đầu tiên được phát ra rõ ràng từ một Wellington Koo khéo léo, đại sứ tại Washington, rất đơn giản: rằng Marshall trở nên cay đắng và tan ảo mộng bởi ông đã thất bại quá rầu rĩ trong nhiệm kỳ công tác tại Trung Hoa. Đó là một câu trả lời nghèo nàn chứa không ít mỉa mai, ngay cả đó là với một công bộc biết tách biệt giữa công việc và cái tôi, đừng nói đến ở đây là Marshall. Nhưng ngay cả vậy cũng không đủ. Tháng Ba năm 1947, trang bìa Tờ Time của Luce đã cho ông biết ông đang phải chịu một hình thức soi mói mới. Nếu ông tiếp tục sẵn lòng viện trợ cho Trung Hoa, có một lượng không giới hạn các tính từ để mô tả ông – một người Spartan, lạnh lùng, cương quyết, am hiểu sẵn sàng làm những công việc thời bình một cách tài giỏi như đã làm trong thời chiến. Thay vì thế, tờ Time đã đặt một câu hỏi đơn giản nhưng đáng ngại: “Marshall có đủ lớn cho những trách nhiệm khổng lồ trước mặt ông?” . Đó là một phát súng cảnh cáo: cùng lên tàu, hoặc chúng tôi sẽ đá anh ra. Hơn thế nữa, đó là một thông điệp cực kỳ quan trọng đính kèm: nếu Luce và hội vận động Trung Hoa có thể làm tổn thương một nhân vật danh tiếng hoặc ít nhất với những người trung hòa và có cỡ như Marshall, thì có thể triển khai điều này với bất kỳ một ai.

Giữa tháng Năm 1947, Luce gặp Wellington Koo, phần lớn cuộc trao đổi của họ là nói về Marshall. Lúc đó Koo biết – từ những cuộc trao đổi riêng của ông với Marshall vài ngày trước – vị ngoại trưởng lo sợ rằng Dân quốc đã là một trường hợp thất bại. Thực ra mà nói, Koo xác quyết rằng họ gặp vấn đề với Marshall. Luce thì lạc quan hơn, bởi Marshall là đồng minh trong nhiều cuộc chiến khác. Ông bảo Koo rằng, ông chắc chắn Marshall trong số những người hiểu rõ mối đe dọa của chủ nghĩa Cộng sản mà những người khác trong chính phủ Truman không biết. Luce cũng chắc ăn rằng: Marshall hiểu rõ điều mà Luce gọi là “mâu thuẫn vĩ đại giữa chính sách Trung Hoa của ông ta và chính sách toàn cầu hiện tại của Hoa Kỳ”. Koo nói rằng Luce đã bảo ông ta: “Hoặc là ông ta [Marshall] sẽ thay đổi chính sách Trung Hoa bằng cách đưa nó trung hòa với chính sách toàn cầu của Hoa Kỳ hoặc là ông ta sẽ bị mất thể diện”. Koo nói thêm: “Nếu ông ta không thay đổi điều đó, ngài Luce bảo tôi rằng tờ Time, do ngài điều khiển, sẽ chỉ ra những mâu thuẩn. Nhưng Luce tin rằng George Marshall sẽ thay đổi chính sách, rằng ông ấy quá thông minh để không làm điều đó”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #146 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 02:22:48 pm »

Khi Marshall không khuất phục trước ước vọng của hội vận động Trung Hoa và những yêu cầu của đế chế Luce, chiến tuyến bắt đầu vạch ra rằng ông không thuộc cánh tả hay Cộng sản, nhưng ông đã bao che cho những người khác ở bộ Ngoại giao. Tệ nhất là ông nhận thông tin – bài học của ông ở Trung Hoa – từ những người không đúng. Hoặc như theo thượng nghị sĩ William Jenner của bang Indiana, một tiểu-McCarthy đưa ra: “Tướng Marshall không chỉ sẵn lòng, mà còn nóng lòng đóng vai trò quân xung kích cho bọn phản bội. Sự thật đây là một vai trò không mới cho ông, cho tướng George C. Marshall, một sự dối trá sinh động”. Rốt cuộc khi có ai đó lưu ý rằng Jenner công kích ông, Marshall trả lời: “Jenner? Jenner nào nhỉ? Tôi không nghĩ là tôi biết tay đó”

Nếu việc làm mất thể diện những ai được nhìn nhận làm mất mặt Tưởng giới Thạch là một mảng trong nỗ lực của Luce nhằm giữ cho chế độ của ông ta tồn tại trong nền chính trị Mỹ, thì mảng khác cũng có mục tiêu không kém nhức nhối. Ý tưởng một lần nữa nguyên ủy xuất phát từ Wellington Koo. Người của tòa đại sứ Trung Hoa hiểu rằng không chỉ họ đang tăng dần sự xa cách với chính phủ Truman mà  việc hỗ trợ ít ỏi của chính phủ Mỹ với vấn đề này là do chính phủ tập trung vào một chính sách ngoại giao khôn ngoan khác : tăng cường an ninh ở châu Âu. Các quan chức chính phủ thống nhất với dự định làm ổn định nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá ở châu Âu thông qua kế hoạch Marshall, cùng Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ trong cái được biết dưới tên Học thuyết Truman, tất cả tạo thành một con đê chống lại chủ nghĩa bành trướng tiềm tàng của Liên Xô. Ý tưởng của Koo là buộc chặt việc viện trợ cho Trung Hoa với những chi tiêu cho các chính sách ngoại giao khác. Kể từ đó, không thể có viện trợ cho Hy Lạp, Thổ Nhỉ Kỳ, không có tiền cho việc phục hồi châu Âu, nếu đồng thời không có một cục viện trợ đẩy sang Trung Hoa. “Phải chăng người ở châu Âu, còn chuột bọ thì ở châu Á?”   thượng nghị sỹ Styles Bridges của bang New Hampshire, một trong những người mạnh mẽ nhất, hỏi trong một buổi điều trần ở Thượng viện, và đó là một mô tả hoàn hảo của vị trí mới cho những người ủng hộ châu Á. Với chính phủ Truman, họ bị vây hãm hơn và thiếu sự ủng hộ rộng rãi trong nước cho các gói viện trợ ngoại quốc, đó là một kiểu tống tiền chính trị. 

Trung Hoa là một chủ đề đặc biệt được dùng để chống Truman, nhưng cuộc tấn công còn rộng hơn. Phần lớn những người giận dữ đến từ vùng Trung Tây, từ những người theo bản năng, quả thực vậy – cực kỳ ghét người Anh và những người đã cảm thấy rằng trong cả thế chiến người Mỹ bị đưa vào một đống lộn xộn, và rằng tất cả những nổ lực sau này của Hoa Kỳ nhằm dựng lại một châu Âu hậu chiến kiệt quệ không gì khác hơn là nước Mỹ đang cố làm phần việc lý ra là của nước Anh. Những người bảo thủ Trung Tây này không nhìn thấy việc khôi phục châu Âu là một phần của sự tư lợi mới trong một thế giới mà giờ đây vì những vũ khí hiện đại, Đại Tây Dương đã thu hẹp lại. Họ, như theo Thomas Christensen, một giáo sư đại học Princeton, gọi là: người theo chủ nghĩa biệt lập châu Á (Asialationists). Như thể mỗi đảng có một đại dương riêng. Thái Bình Dương, như theo Richard Rovere và Arthur Schlesinger viết hồi năm 1951, là đại dương của đảng Cộng Hòa; còn Đại Tây Dương là đại dương của đảng Dân chủ. Ngay cả Bob Taft, vốn thường cảnh giác trước bất kỳ rối rắm ngoại giao nào, dường như cũng thích Thái bình Dương hơn. “Tôi tin rất mạnh mẽ rằng vùng Viễn Đông rốt cuộc sẽ đóng vai trò quan trọng hơn cho nền hòa bình tương lai của chúng ta hơn là châu Âu”. Những người Cộng hòa thách thức chính quyền trong vấn đề Trung Hoa  có ít đóng góp với những chính sách Hoa Kỳ trong những năm gần đây. Như JohnSpanier một nhà khoa học chính trị nổi bật, đã sắc sảo chỉ ra, những người Dân chủ không bao giờ dính líu tới bất kỳ nghị sỹ Cộng hòa đầu đàn nào trong việc ra chính sách của họ với Trung Hoa. Khi các lực lượng của Tưởng bắt đầu sụp đổ, thượng nghị sỹ Brien McMahon, đảng viên Dân chủ bang Connecticut và thành viên Ủy Ban Quan hệ quốc tế Thượng Viện, quyết định kiểm tra xem liệu có sự bất đồng ý kiến nào của các thượng nghị sỹ Cộng Hòa trong các chính sách chính thức trong những năm cốt tử 1947 – 1949 không. Ông nhận thấy không có một đề xuất nào cho việc thay đổi chính sách Trung Hoa từ bất cứ thành viên nào; cũng không có đảng viên Cộng hòa nào lên tiếng ở Hạ viện hoặc Thượng viện để ủng hộ cho việc gửi lính chiến đấu Mỹ sang đó hỗ trợ Tưởng Giới Thạch. Họ cũng không có câu trả lời cho câu hỏi mà thượng nghị sỹ Tom Connally của bang Texas, một trong những người bảo vệ Truman, hỏi vị đồng nghiệp đảng Cộng hòa Arthur Vandenberg: “Liệu anh có đưa những đứa con trai của anh sang chiến đấu trong nội chiến Trung Hoa không?”

Câu hỏi đó là một điều mà Vandenberg, một nhân vật chỉ trích lưỡng đảng trong thời ấy, đang vật lộn khi đảng của ông bắt đầu phân rã. Ông là một trong những đảng viên CỘng hòa ôn hòa, trở nên rất lo lắng về việc khai thác quá mức vấn đề Trung Hoa ngay cả khi Tưởng tiếp tục sụp đổ. Vandenberg cảnh báo cho vài đồng nghiệp của mình, rằng có thể sẽ trở thành con dao hai lưỡi nếu GOP nắm quyền. Và như thế, tháng Chín năm 1948, Vandenberg, một ngoại trưởng dự kiến nếu đảng Cộng Hòa thắng cử, viết thư cho thượng nghị sỹ Bill Knowland, một trong những người ủng hộ Trung Hoa, cảnh báo ông ta, chống lại việc thúc đẩy vấn đề Trung Hoa quá rát, vì sợ rằng đảng CỘng Hòa sẽ chóng nhận thừa kế điều đó. Ông viết “Rất dễ cảm thông với Tưởng giới Thạch như tôi luôn đã và vẫn đang làm. Nhưng cũng có một vấn đề khác là kế hoạch sử dụng viện trợ có hiệu quả trừ phi viện trợ Mỹ đi cùng thực binh Mỹ  khi mà thực tế cho thấy dù với huấn luyện theo chuẩn Mỹ của chúng ta và trang bị Mỹ thì các sư đoàn đã đầu hàng mà không bắn một phát súng”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #147 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 02:26:11 pm »

Như vậy sự thất bại của Trung Hoa chỉ là phần nổi của núi băng, chủ đề này có lẽ giúp họ lấy lại quyền điều hành đất nước, làm đất nước một lần nữa trở thành một nước Mỹ của họ. Nước Mỹ của họ là một nước Mỹ của thế kỷ đã qua, một nước Mỹ với cách kinh doanh và đức hạnh kiểu cũ, hình mẫu của họ. Họ không nợ tiền và không phụ thuộc vào chính phủ thuê làm việc. Họ là những lãnh đạo các thị trấn trong một thời đại mà lãnh đạo gần như độc quyền của người da trắng, đàn ông, và theo Tin lành, và họ phần lớn là dân chuyên nghiệp, trong một thời đại mà giới trung lưu còn rất nhỏ bé. Họ thuộc về những câu lạc bộ thị dân nơi hầu như mọi người cũng cảm thấy như họ là đất nước đang trôi khỏi những gì họ cho là chủ nghĩa Mỹ. Chính sách Kinh tế mới – và những lực lượng mở cửa cho nó – là kẻ thù. Hoặc, như thượng nghị sỹ Hugh Butker của bang Nebraska đã nói trước cuộc bầu cử 1946: “Nếu chính sách Kinh tế mới vẫn tiếp tục điều khiển Hạ viện sau kỳ bầu cử, nó sẽ là nguồn cơn cho Đảng Cộng sản điều khiển đất nước này”. Những người này theo thuyết nổi trội bản địa một cách bản năng, tin rằng đó là sức mạnh chứ không phải là một điểm yếu. Họ không tin hoặc thích nước Mỹ đã bầu cho Franklin Roosevelt và Harry Truman, nước Mỹ của các siêu đô thị của người Thiên Chúa giáo, Do Thái, da đen và công đoàn. Họ không tin tưởng bất kỳ điều gì hay bất kỳ ai khác biệt; và giờ là lúc còn hơn nữa. Nước Mỹ của Roosevelt là chúng nó và xấu xa, và chúng nó đã điều khiển nước này gần hai mươi năm.

Cả Truman và Acheson đều hiểu ván bàn chính trị đang chơi, và họ khinh bỉ những ai lãnh đạo lực lượng đang tập hợp đó. Acheson gọi họ là: “Bọn người nguyên thủy”.  Còn Truman nói là: “Đám súc vật”. Ngay từ đầu Truman đã biết rằng Trung Hoa là một thất bại cả trong chính trị nội địa lẫn chính sách ngoại giao. Trong một cuộc họp nội các tháng Ba năm 1947, tổng thống đã phàn nàn chua chát về những đồng minh Trung Hoa của họ. Như ông viết trong nhật ký “Tưởng giới Thạch sẽ không đánh thắng. Những người Cộng sản sẽ đánh thắng – họ cuồng tín. Sẽ là đổ tiền [viện trợ thêm] vào một cái hang chuột trong tình hình hiện tại”. Thực tế là tổng thống đã bực bội Tưởng và chính phủ của ông ta ngay từ hồi ông vừa nhận chức. Trong suy nghĩ của mình, ông đang bị dẫn dắt bởi một chính sách sai lầm và một đồng minh bất tín, bất lương. Đã có một số cuộc điều tra mật cấp quốc gia về dòng tiền viện trợ chảy đi đâu, và đã ghi nhận thấy một số lượng tiền  khổng lồ được tích trữ một cách đáng ngờ bởi thành viên gia đình họ Tưởng. Những người thuộc Quốc dân Đảng, như Truman nói, không gì khác hơn là “những kẻ lừa đảo, những kẻ nhận hối lộ. Tôi sẽ cá với anh rằng một tỷ đô [viện trợ] hiện đang ở trong các nhà băng New York”, trong một lần nói chuyện với David Lilienthal, một nhà Kinh tế mới và là một người ủng hộ mạnh mẽ.

Điều làm Truman giận run – giận là một từ thích đáng – là những áp lực gay gắt về mặt chính trị của cánh Dân quốc đã không được đền đáp xứng đáng bằng những thể hiện về mặt quân sự ở phía họ. Nó chống lại mọi thứ ông tin tưởng – một chính phủ không biết chiến đấu, nhưng lại công kích ông về mặt chính trị và thường xuyên yêu cầu được có thêm vũ khí, trong khi quân lính của họ không thèm dùng. Có một cuộc họp rất đáng quan tâm, đó là cuộc họp giữa Truman và đại sứ Koo vào ngày 24 tháng Mười một năm 1948, nó phản ánh (trong một lối diễn đạt sẽ thành phổ biến trong một cuộc chiến tương lai) sự khủng hoảng lòng tin to lớn mà phía Dân quốc hiện đang gặp phải. Truman cũng hiểu rất rõ rằng khi ông và Koo ngồi với nhau thì ông không chỉ trao đổi  với đại diện của một nước ngoài đang gặp khó khăn mà còn là thương thuyết với một kẻ thù chính trị quan trọng; chính Koo, dù cực kỳ thân thiện, trên thực tế là lãnh đạo của một nhóm lớn chính trị gia đối lập và tòa đại sứ (Trung Hoa) cực kỳ gần gũi với Tom Dewey, người vừa bị Truman đánh bại.

Sự lựa chọn thời điểm của Koo không thể tệ hơn và sự hạ mình của ông trước tổng thống Mỹ là rõ ràng: “Tôi nói tiếng Mỹ, thay vì tiếng Anh, và chúng tôi xoay sở hoàn hảo trong cuộc nói chuyện” Koo sau này viết lại. Đó không phải là một thời điểm lý tưởng cho vị đại diện của một chế độ đang chết hỏi xin thêm quân viện. Truman dường như không dễ tiếp thu mọi điều. Vị tổng thống hỏi rằng Koo có biết là ông vừa nhận được thông tin rằng 32 sư đoàn Trung Hoa Dân quốc đã đầu hàng phía Cộng sản đâu đó quanh Từ Châu? Và họ đã nộp toàn bộ quân trang, quân bị của mình cho phía Cộng sản? Sự thật là Koo thú nhận không biết về việc đó. Với vấn đề viện trợ, Truman nói với Koo, ông biết thách thức to lớn mà nhân dân Trung Hoa đang đối mặt và ông sẽ trao đổi thêm với Marshall, nhưng đó là tất cả những gì ông sẵn sàng làm. Không dễ dàng gì khi nói ra có 32 sư đoàn, đồng nghĩa với 250,000 đến 300,000 quân bị mất đi cùng với một khối lượng trang bị to lớn, và đó không phải là một rắc rối biệt lập. Ngay khi Koo rời Nhà Trắng, ông đã phối kiểm thông tin với một người bạn, George Yeh, vụ phó Vụ ngoại giao. Cuộc chiến Từ Châu đã diễn ra thế nào? Yeh trả lời là không quá tệ. Nhưng tổng thống Truman vừa mới nói với ông là có tới 32 sư đoàn đầu hàng ở đó. Điều này có đúng không? Yeh thừa nhận là đúng. Sự thật là vậy, thực tế là trong những ngày đó quân đội Dân quốc đang tan chảy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #148 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 02:26:53 pm »

Trong những tháng cuối cùng trước khi phía Cộng sản toàn thắng, thiếu tướng David Barr, trưởng phái bộ cố vấn quân sự Hoa Kỳ, trên thực tế đã cùng làm công tác kế hoạch với ban tham mưu cao cấp của Tưởng Giới Thạch như thể ông là một viên tướng Trung Hoa (trong số đó có việc đề nghị phá hủy xe cộ trước khi họ rút lui để chúng không bị quân Cộng sản lấy được, và đây cũng chỉ là một trong số nhiều đề xuất mà không một ai chịu lắng nghe). Viên đại sứ Mỹ cuối cùng ở Trung Hoa, John Leighton Stuart đã không được phép gặp gỡ các lãnh đạo cao cấp phía Cộng sản Trung Hoa bởi sợ sẽ kích động các nhà chỉ trích trong nước.

Thế nên dù cho Tưởng có mất Trung Hoa, thì ông lại được, nếu không với toàn thể Washington thì cũng đủ hỗ trợ chính trị để giữ ông nắm quyền ở Đài Loan. Năm 1952, chỉ ngay sau cuộc bầu cử Dwight Eisenhower làm tổng thống, đã có một buổi tiệc tối lớn tổ chức bởi Wellington Koo, khi đó vẫn là đại sứ của Tưởng, với sự hiện diện của vài người ủng hộ Trung Hoa quyền lực nhất – Herry Luce, thượng nghị sỹ William Knowland, Pat McCarran và Joe McCarthy, cùng với hạ nghị sỹ Walter Judd. Lúc gần cuối đêm tất cả họ giơ tay nâng cốc chúc mừng Tưởng với câu thét xung trận ưa thích: “Trở lại đại lục”.

(Hết chương 17 – Hết phần 4)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #149 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 02:31:47 pm »

PHẦN NĂM

Canh bạc cuối cùng: Quân Bắc đánh Pusan

Chương 18


Ở Triều Tiên trận đấu cuối cùng đã điểm. Những ngày đầu tháng Tám năm 1950, các lực lượng miền Bắc sẵn sàng cho trận công kích cuối cùng trước các đơn vị Liên Hiệp Quốc mất sức tập trung phía bên kia bờ sông Naktong. Nhưng thế tấn công của bộ đội miền Bắc bị chậm một cách đáng lưu tâm. Chỉ huy quân LHQ quyết định rằng sông Naktong là một phòng tuyến tốt nhất để quân của họ có thể thở nổi, ngay cả với các đơn vị mới toan vừa đến đất nước này từ Hoa Kỳ. Roy Appleman, một sử gia quân đội, đã miêu tả sông Naktong như là một hào thành khổng lồ bảo vệ đến ba phần tư vòng phòng thủ Pusan. Vòng phòng thủ Pusan không nhỏ, và là nơi nổ ra trong vài tuần kế tiếp hàng trăm kiểu trận đánh be bé cùng với một ít trận lớn hơn. Appleman miêu tả vòng cung phòng thủ Pusan là một hình chữ nhật, có chiều dài chừng 100 dặm từ bắc xuống nam và 50 dặm từ tây sang đông, tiếp giáp với biển Nhật Bản ở phía đông và eo biển Triều Tiên ở phía nam, chính con sông Naktong giữ phần lớn biên giới phía tây. Bản thân sông Naktong là một con sông đục ngầu và chảy chậm chạm, nó sâu không quá 6 feet ở điểm sâu nhất và rộng từ ¼ đến ½ dặm. (“Rộng bằng sông Missouri” binh nhất Charles [Butch] Hammel thuộc sư đoàn công binh số 2 nói, anh lớn lên ở một nơi cách sông Missouri 50 dặm và cũng là người đã giúp dựng một cây cầu bắt qua sông Naktong đúng ngay vào thời điểm tấn công mạnh sau cuối của quân Bắc Triều Tiên, bởi vậy nên chính quân Bắc chứ không không quân Mỹ là người dùng cây cầu đó đầu tiên). Nếu không có chướng ngại vật tự nhiên do sông Naktong cung cấp, có lẽ các lực lượng Mỹ đã không thể trụ nổi. Với họ, con sông còn hơn là một chướng ngại vật, nó còn là nơi Walker tập trung quân binh, và lần đầu tiên có thể bảo vệ được các cánh.

Bên trong vòng cung phòng thủ, mọi thứ tốt dần lên. Với điều kiện đường bộ cũng như đường sắt, lần đầu tiên, cơ hội đưa các đơn vị dự bị đến và tham gia nhanh chóng vào các hoạt động quân sự một cách có hiệu quả. Và như thế, việc bịt các lỗ thủng trên chiến tuyến của Walker trở nên dễ dàng hơn. Thêm nữa, từ giữa tháng Bảy, những đơn vị đầu tiên của sư đoàn bộ binh số 2 đã lên tàu từ Hoa Kỳ tới Triều Tiên, và gần như cùng lúc vài bộ phận của Lữ đoàn Thủy quân lục chiến số 1 cũng đã đến, đây là đơn vị sau này thành Sư đoàn TQLC số 1 và là mũi xung kích của trận đổ bộ Inchon. Tất cả những điều này đã đưa đến cơ hội cân bằng lực lượng: khả năng chiến đấu về phía quân Mỹ đã tăng lên rất nhiều, trong khi đó khả năng của quân Bắc Triều Tiên lại bắt đầu suy yếu. Đến cuối tháng Tám, mọi chỉ huy quân Mỹ đều biết rằng một trận tấn công lớn của Bắc Triều Tiên sắp sửa nổ ra. Các đơn vị quân Bắc chuẩn bị cho việc tấn công từ phía bắc và phía tây sông Naktong vẫn còn rất mạnh mẽ, có chừng 13 sư đoàn bộ binh, trung bình có 7500 quân cho mỗi sư, thêm vào đó là một sư đoàn thiết giáp với chừng 1000 lính và hai lữ thiết giáp với 500 quân cho mỗi lữ. Dù đó vẫn là một quân đội được huấn luyện kỹ, nhưng những gì đạt được khá dễ dàng với quân Bắc chỉ vài tuần trước giờ đã khó khăn hơn nhiều. Không lực LHQ ngay tức khắc đã tăng số phi vụ hỗ trợ quân bộ trong tháng Tám gấp đôi so với hồi tháng Bảy, kìm quân Bắc xuống, đồng thời phá hủy lương thực, đạn dược cũng như tuyến hậu cần. Đến cuối tháng Tám, khi những trận đánh quyết định trên dòng Naktong bắt đầu, những ngày huy hoàng nhất của bộ đội Bắc Triều Tiên đã hoàn toàn rơi lại phía sau rồi, dù vẫn còn một số ít người ở cả hai phía vẫn còn tin vào điều đó. Như theo cách viết của T.R. Fehrenbach, chỉ huy một đơn vị bộ binh ở đó thì đã: “chảy máu tới chết”. Như Yoo Sung Chul, một tướng Bắc Triều Tiên hồi hưu, vài năm sau đó nói rằng: “Cuộc chiến Triều Tiên đã được lên kế hoạch đến cuối chỉ trừ vài ngày mà chúng tôi đã không lên kế hoạch bất cứ thứ gì trong trường hợp những điều đó có thể sai lạc. Nếu bạn chiến đấu trong một cuộc chiến mà không có kế hoạch cho những thất bại, thì bạn đang chuốc lấy muộn phiền”.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM