Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Năm, 2024, 03:55:42 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tản mạn chuyện binh nghiệp  (Đọc 14065 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6619



WWW
« Trả lời #80 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2021, 07:54:22 pm »

Nòng pháo lấy từ... đầu máy xe lửa


Cuối năm 1945, Binh xưởng Thủ Đức (Chi đội 6) làm được ba khẩu pháo bắn đạn ria. Nòng pháo được làm bằng ống tuýp cỡ 80 đến 100 milimét, dài một mét, lấy từ các cấu kiện của một đầu máy xe lửa đã bị hỏng. Một đầu nòng được bịt kín, chỉ trích một lỗ nhỏ có thể luồn vừa đầu dây cháy chậm. Nòng pháo được đặt trên bệ bằng gỗ lim. Mỗi lần bắn, các chiến sĩ phải nhồi thuốc phóng và nạp đạn từ miệng nòng (đạn tự tạo bằng bao gói, mỗi gói chứa 40 đến 50 mảnh gang). Khi bắn thử, mảnh đạn văng xa trên 100 mét, rộng 30 mét, có khả năng sát thương bộ binh địch. Sau đó, chi đội 6 đã sử dụng 3 khẩu pháo tự chế tạo này phục kích đánh địch ở Rạch Trà Chóp, diệt gần một trung đội địch, góp phần bảo vệ cơ quan Thành uỷ và Ủy ban kháng chiến Đặc khu Sài Gòn - Gia Định đóng ở An Phú Đông.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6619



WWW
« Trả lời #81 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2021, 07:54:39 pm »

Ra hàng đi, đồng bào sẽ... yêu hơn


Tháng 4-1952, bộ đội ta tiến đánh đồn Thượng Vỹ (Hà Nam). Trước khi đánh, ta đặt kế hoạch dụ địch ra hàng bằng cách cho một bộ phận vào làng, tập trung súng và tù binh để triển lãm và giải thích chính sách của chính phủ cho đồng bào hiểu. Đồng bào cử người lên nói chuyện cho bọn lính trong đồn biết nhưng bọn chúng vẫn không chịu hàng. Bộ đội kêu gọi: "Nếu anh em trong đồn không chịu hàng là phản dân, phản chính phủ, bộ đội sẽ đánh”. Nghe vậy, đồng bào nói với các chiến sĩ: "Để chúng tôi xin đi nói với bọn họ lần nữa”. Người xung phong đi đầu là vợ viên Chánh quản trong đồn. Bà trỏ tay vào đồn nói lớn: "Các anh ra mà xem bộ đội Chính phủ rất tốt. Các anh ra hàng đi thì chính phủ sẽ tha thứ, đồng bào sẽ yêu hơn". Thế là sau đó, lố nhố 100 nguỵ binh trong đồn kéo ra hàng.


Thể Công (st)
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6619



WWW
« Trả lời #82 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2021, 07:54:56 pm »

Sai sót cơ bản của hoá trang


Bốt Thư Đôi được xây dựng kiên cố trước đình làng với nhiều lớp dây thép gai chằng chịt. Cấp trên chỉ thị bằng mọi giá phải phá bốt, nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn cho dân. Nhận chỉ thị, du kích cùng bộ đội địa phương bàn phương án. Đó là phải bắt sống tên Lý Cáp, sếp bốt ác ôn trước, rồi sau đó mới phá bốt. Nhân mối ta cài vào trong bốt cho biết: Lý Cáp rất háo sắc, thường tán tỉnh chị em mà chúng bắt vào bốt làm phu. Trong số này có chị Lê xinh đẹp được Lý Cáp cặp kè tán tỉnh nhiều nhất. Trưa ngày 5-1-1950, Lý Cáp hớn hở nhận lời mời của chị Lê tới nhà uống rượu. Hắn giắt dao găm và một quả lựu đạn vào thắt lưng, hăm hở ra đi, mà không cho lính bảo vệ đi theo. Vào tới sân, cửa nhà vẫn khép hò, hắn e hèm một tiếng. Một phụ nữ to lớn mở cửa bước ra. Chợt nhìn Lý Cáp hoảng hốt, ú ớ, rồi vội nhảy lùi lại và bỏ chạy. Đồng chí Hoàng Xuân Quế núp trong bếp lao ra, bằng thế võ điêu luyện quật ngã y. Thì ra đồng chí đóng giả nữ quên chưa cạo râu, khiến tên Cáp phát hoảng. Rồi người phụ nữ (do đồng chí Hoàng Thế Thừa đóng giả) cũng tới hỗ trợ trói tên Cáp đưa đến một nơi bí mật. Ngay đêm đó, nhân dân và du kích cùng bộ đội địa phương san bằng bốt Thư Đôi.


Nguyễn Ngô
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6619



WWW
« Trả lời #83 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2021, 08:05:07 pm »

"Thiên lôi"


Đây là loại đạn bắn máy bay bằng súng cối 60 ly, tên gọi là "không lôi" nhưng cánh lính trẻ gọi khác đi đã có địa lôi thì phải có thiên lôi. Thực ra, "không lôi” chỉ là một quả đạn súng cối thông thường, chỉ khác ở bộ phận gây nổ, đầu viên đạn có mũi tròn dẹp bằng đồng xu, hễ lên hết độ cao thì phát nổ. Hồi đó súng cối Việt Nam có bộ phận cò, ấn chốt thì kim hoả tụt xuống, đạn bỏ vào trong nòng súng nằm chờ, khi ta kéo cò kim hoả bật lên, đạn phóng lên hết độ cao thì phát nổ. "Thiên lôi" chỉ mang tính uy hiếp, ít có khả năng bắn rơi máy bay nhưng cũng đã góp phần cổ vũ đồng bào, bộ đội một thời.


Năm 1947, Đại đội Hoàng Văn Thụ mở hội "thể vận” tại cánh đồng thuộc bắc Ân Thi (Hưng Yên). Bảo vệ thao trường là một tổ cảnh giới gõ kẻng báo động, hai tổ trung liên và một tổ súng cối. Buổi sáng tình hình yên tĩnh. Sang nửa buổi chiều kẻng báo động vang lên cả Đại đội tản ra khắp cánh đồng. Hai máy bay địch xuất hiện. Hoả lực phòng không hướng về phía máy bay. "Bắn!". Xen những tràng đạn liên thanh, "thiên lôi" vụt lên trời nổ "oàng" trên cao tạo thành đám khói trắng bằng cái thúng giữa bầu trời. Máy bay địch vòng lại, hoả lực ta xoay hướng đón đánh. Quả "thiên lôi" thứ hai bay lên, một đám khói nữa lơ lửng giữa bầu trời. Hai máy bay địch chỉ bắn được hai loạt rồi chuồn thẳng về hướng Gia Lâm. 


Nhân dân quanh vùng, kể cả bộ đội mắt thấy tai nghe "thiên lôi" đánh đuổi máy bay đều phấn khởi reo hò.


Tâm Đắc (st)
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6619



WWW
« Trả lời #84 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2021, 04:45:29 pm »

Thuỷ lôi bằng đá


Vào năm 1952, trên địa bàn huyện Tứ Kỳ (Hải Dương), quân chiếm đóng Pháp đã xây dựng xong hệ thống đồn bốt nhằm ngăn ngừa các hoạt động của bộ đội, phá vỡ các hoạt động du kích ở cơ sở và khống chế nhân dân ta. Bấy giờ, dọc con sông nhánh nối từ sông Thái Bình, chảy qua sông Đò Đông vào sông Vạn, địch thường dùng ca nô chuyên chở đồ tiếp tế từ Hải Phòng cho quân đồn trú và uy hiếp mọi hoạt động của ta ở các xã ven sông. Sông nhỏ, ca nô địch chạy sát ven bờ, song bộ đội và du kích ta không có vũ khí đặc chủng để diệt tàu địch. Sau nhiều lần "đau đầu" để nghĩ kế, phương án nghi binh doạ địch được vạch ra.


Vào một đêm, các xã ven sông nhận được lệnh huy động dân công đi phục vụ chiến đấu. Họ tới địa điểm tập trung chờ vận chuyển vũ khí và được lệnh khênh đem thả dọc luồng sông mà ca nô địch vẫn thường chạy qua (nhưng không được phổ biến là vũ khí gì). "Cẩn thận" hơn, huyện đội trưởng còn quán triệt mọi người phải giữ "bí mật" thứ vũ khí đem thả. Tuy "bí mật" vậy, nhưng ai cũng đoán đấy là thuỷ lôi chứ đâu biết, thực chất "vũ khí" là 10 quả thuỷ lôi giả bằng đá (tạo trọng lượng) và ống bương (tạo lực nổi), được bịt kín bằng ni lông.


Hiệu quả thật không ngờ, hôm sau và cả những ngày sau nữa, không còn thấy một chiếc ca nô nào của địch chạy trên sông. Thì ra "tai mắt" địch đã báo cho quan thầy của chúng biết để đề phòng. Mãi hơn một năm sau, ca nô địch mới xuất hiện, mà đó là lần xuất hiện cuối cùng để đưa bọn lính ở các bốt rút chạy, vì không chịu nổi sự bao vây, uy hiếp, tiến công của bộ đội và du kích địa phương.


XP(st)
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6619



WWW
« Trả lời #85 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2021, 04:45:54 pm »

Trận địa... lá han


Tháng 3-1950, sau nhiều lần càn quét, không thực hiện được ý định "cất vó” bộ đội chủ lực ta ở Thái Bình, quân Pháp mở cuộc tấn công lớn vào vùng phía Nam của tỉnh. Cánh quân thứ ba của địch theo đường 10 tiến về đường 218, rồi theo đê Diêm Hộ đánh xuống phối hợp với bọn địch từ Diêm Điền theo đường 89 đánh Chợ Cầu, Thần Đầu, Thần Huống. Khi chúng đến Chợ Cầu thì dính một quả mìn chai nổ tung, ba tên đi đầu chết ngay tại chỗ. Chợt có bóng một cô gái chạy vút sau những lùm cây. Hai tên địch cởi trần trùng trục lao tới đuổi theo định bắt sống. Chúng không biết là đã sa vào bụi cây lá han. Đến khi cô gái mất hút thì hai tên địch cũng bắt đầu thấy ngứa ngáy, da thịt nhức nhối. Chúng kêu, khóc rống lên như bị chọc tiết, cả toán quân địch thấy vậy đâm hoảng, không hiểu vì sao, đành bắn như vãi đạn vào các lùm cây rồi cút thẳng. Hai tên lính Pháp bị lá han mình mẩy sưng húp và đến chiều thì tắt thở.


Ngọc Dũng (st)
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6619



WWW
« Trả lời #86 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2021, 04:46:13 pm »

Trinh sát nhờ... ếch nhái


Cứ điểm Đồng Đào là vị trí trọng yếu trong hệ thống phòng thủ phía Đông Hưng Yên được bố trí bằng các công sự ngầm, phía ngoài là hàng rào dây thép gai nhiều lớp kết hợp với mìn, ngoài cùng là hào bao bọc. Bọn địch thả ngỗng để khi du kích, bộ đội ta đột nhập, ngỗng kêu chúng dễ phát hiện. Để trinh sát được hệ thống phòng thủ này, hai chiến sĩ du kích Hưng Yên là Nguyễn Thị Bích và Nguyễn Thị Linh nảy ra sáng kiến bắt ếch nhái, rắn đập chết rồi vứt vào hào cho ngỗng sợ; còn bọn lính canh gác tuần tra phải chui sâu vào công sự hút thuốc lá để khỏi phải ngửi mùi hôi thối. Nhờ đó, các trinh sát của Trung đoàn 42 anh hùng vào sâu được từng vị trí, xác định loại mìn gài, đo từng hoả điểm và sau đó dẫn đường cho bộ đội tiềm nhập chiến đấu. Trong trận đánh đồn này, ta tiêu diệt và bắt 85 tên địch, thu nhiều vũ khí. Hai nữ du kích Linh và Bích được bầu là Chiến sĩ thi đua của tỉnh Hưng Yên.


Sơn Tùng (st)
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6619



WWW
« Trả lời #87 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2021, 04:47:04 pm »

Tương kế tựu kế


Giặc Pháp ở Gia Lâm thường lấy tuần binh ở các làng quanh vùng chiếm đóng đến gác đêm cho chúng ngủ. Du kích Gia Lâm đã tương kế tựu kế diệt địch, thu vũ khí.

Đêm ấy, như thường lệ, hai tuần đinh làng Nha mang sổ đến gác cho chúng. Sau khi xem xong sổ gác, bọn lính Pháp giao cho mỗi anh một khẩu Rơmanhtông. Chúng chỉ để lại một tên gác bên trong còn cả bọn kéo nhau vào nhà đánh bài rồi lăn ra ngủ. Đến khuya, hai anh du kích đánh động để tên lính Pháp bên trong chạy ra rồi mỗi người giáng cho nó một báng súng. Tên lính chết ngay tại chỗ, hai anh liền vào lều lấy thêm mấy khẩu súng nữa rồi rút êm.


Thanh Bài (st)
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6619



WWW
« Trả lời #88 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2021, 04:47:38 pm »

Xã đội Ốc đánh chết Tây lấy súng


Chiều mùa Đông năm 1951, bọn địch đi càn từ bờ sông Trà Lý vào làng Phúc Tiến qua Phúc Trung rồi về Cầu Sắt. Cả bọn đã vào làng Phúc Trung, còn lại một thằng Tây lớ ngớ ở đầu làng Phúc Tiến tìm đường. Phát hiện ra thằng Tây, anh Ốc (ở thôn Nha Xuyên, xã Thái Phúc, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình) hạ lệnh cho hai du kích yểm hộ, còn mình xắn quần, vác cuốc như người đi làm đồng về, nấp ở một ngõ hai bên có tường cao. Thằng Tây vừa đi qua chỗ anh nấp, nhanh như cắt, từ sau lưng thằng Tây, anh dùng cuốc có đầu gỗ đánh mạnh vào sau gáy y. Thằng Tây ngã sấp mặt xuống ngõ không kịp kêu một tiếng. Anh bồi thêm một nhát nữa vào thái dương cho ăn chắc; hai du kích kịp thời chạy ra lôi xác nó dìm xuống ao bèo tây, còn anh ở lại thu khẩu tiểu liên và dọn dẹp vết máu bắn ở ngõ.


Bọn địch nháo nhào chạy ra đường la hét, bắn súng để tìm thằng Tây nhưng nó đã nằm yên nghỉ dưới ao bèo!


Quang Tiến
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6619



WWW
« Trả lời #89 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2021, 04:48:04 pm »

Vận động quân Nhật lấy vũ khí cho chiến khu


Cuối năm 1945, đồng chí Hoàng Ngọc Lương, Chủ tịch huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) nhận được thư của đồng chí Hải Thanh hẹn đến nhà dây thép (bưu điện) Núi Đèo có việc. Khi Hoàng Ngọc Lương đến điểm hẹn, thấy có Hải Thanh và một người lạ. Đồng chí Thanh giới thiệu đó là đồng chí Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh Chiến khu III, thay đồng chí Nguyễn Bình - mới được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương cử vào miền Nam nhận nhiệm vụ mới. Hai đồng chí bàn với Hoàng Ngọc Lương tìm cách vận động quân Nhật để lại cho ta một ít vũ khí trước khi chúng phải rút về nước. Song, nếu đứng trên danh nghĩa Đồng Minh thì chắc chắn quân Nhật sẽ khước từ, chỉ có thể xin theo danh nghĩa cá nhân. Hoàng Ngọc Lương nói là có quen một viên quan tư Nhật ở Đồn Binh - Núi Đèo, tên là Mirôca Oatêmôri.


Theo kế hoạch đã thống nhất với Tư lệnh Chiến khu III, Chủ tịch huyện Hoàng Ngọc Lương mời viên sĩ quan Nhật này xuống lễ ở chùa An Lư rồi đặt tiệc chiêu đãi. Trong bữa tiệc, đồng chí Lương đặt vấn đề: Các anh sắp về nước, theo quy ước của Đồng Minh thì vũ khí phải giao cho quân Tưởng; Việt Nam mới giành được chủ quyền sau 80 năm nô lệ, rất cần vũ khí để tự bảo vệ Tổ quốc mình. Các anh ủng hộ chúng tôi cũng là đóng góp cho nhân dân Việt Nam bảo vệ Tổ quốc.


Đề nghị của Hoàng Ngọc Lương được Mirôca Oatêmôri và một số sĩ quan Nhật ủng hộ. Sau đó, họ bí mật rút từ kho ra tặng cho ta 500 khẩu súng các loại, trong đó có cả súng máy. Số súng này được vận chuyển bằng ô tô về Sở chỉ huy Chiến khu III tại Kiến An (Hải Phòng).
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM