Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Năm, 2024, 06:35:40 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Yên Thế  (Đọc 28290 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #100 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 10:16:25 am »


Lính thời phục ở bên ngoài
Bỗng nghe tiếng nói trái tai lạ lùng
……………………………..
Ở ngoài lính mới gọi vào:
"Đem đầu ra thú quan, chào ngài đây.
Nhược bằng không thú quan Tây
Đem quân vào lấy đồn này không lâu".
Hãy còn đương nói với nhau
Bỗng đâu quân Cụ từ sau đánh vào
Cùng nhau súng bắn đì đùng,
Bà Ba lúc ấy thị hùng ra tay
Bắn ra chết bốn thằng Tây
Mấy thằng đội bốn lính này ngã ra.
Cho nên lính phải kéo ra
Bà Ba đắc thế đuổi qua chùa Lèo
Tây thời chẳng biết làm sao
Vội vàng kinh sợ ào ào chạy ra
Lính thi bắn phải quyền già,
Chết ở trong hội không ra được ngoài
Hãy còn đối địch chẳng thời,
Nhã Nam đại lý bồi hồi lo toan.
Lính về khắp hết chan chan
Sao không thấy lính Nhã Nam thế này?
Vội vàng đi sục lính Tây
Đem quân vào cứu giải vây tức thì
Lính Tây rằng: "Chẳng vội gì
Bao giờ có giấy vậy thì sẽ hay
… (thiếu một đoạn) …
Đạn ra như thể cát bay
Lòng nào chẳng sợ, gan nào chẳng kinh.
Ấy là mặt trận Cả Dinh
Về sau chửa biết tình hình làm sao?
… (thiếu một đoạn) …
Quan Hoàng, ghi chuyện về sau còn dài.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #101 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 10:17:26 am »


Câu hỏi 36: Những nhân tố nào, những điều kiện gì đã giúp cuộc khởi nghĩa của nông dân Yên Thế có thể duy trì và đứng vững trong khoảng thời gian gần ba mươi năm, trong khi các phong trào cùng thời, trước sau đều tan rã nhanh chóng trước sự khủng bố ác liệt của quân thù?
Trả lời:


Giặc Pháp kéo sang xâm lược, bọn vua chúa nhà Nguyễn chỉ sau một thời gian ngắn chống cự yếu ớt đã nhục nhã đầu hàng, cam tâm để ngoại bang giày xéo Tổ quốc.

Nhưng nhân dân ta, với truyền thống bất khuất cố hữu của giống nòi, quyết không chịu sống đời nô lệ, nên ngay từ đầu đã anh dũng vùng lên. Phong trào kháng Pháp lan rộng khắp cả nước, nhất là từ sau khi kinh thành Huế thất thủ, Hàm Nghi xuất bôn và phát hịch Cần Vương (7-1885).

Trong cao trào chống Pháp đó, cuộc khởi nghĩa của nông dân Yên Thế do đề đốc Hoàng Hoa Thám lãnh đạo kéo dài và kiên quyết nhất, mà cũng làm cho địch lo ngại và tổn thất nhiều nhất. Cuộc khởi nghĩa Yên Thế tồn tại gần 30 năm (1884-1913) chuyển tiếp qua hai thế kỷ là một biểu hiện của sức tranh đấu mãnh liệt của dân tộc Việt Nam. Nét đặc thù của khởi nghĩa Yên Thế so với các cuộc khởi nghĩa chống Pháp đương thời là: Bên cạnh hoạt động quân sự, nghĩa quân đã coi trọng việc tiếp xúc với kẻ thù, và xem đó là một sách lược ngoại giao, một trận tuyến tạo thêm điều kiện thuận lợi cho phong trào.

Kể từ năm Đề Nắm bị đầu độc chết và Đề Thám một mình thống lãnh nghĩa quân (từ năm 1893 đến năm Đề Thám hy sinh (1913), cuộc khởi nghĩa kéo dài hơn 20 năm. Không kể những cuộc hành binh lẻ tẻ và trong phạm vi nhỏ hẹp của bọn chức trách địa phương, ngay Bộ tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương đã phải tổ chức ba cuộc hành binh đại quy mô vào những năm 1895, năm 1909 và năm 1910. Chúng đã phải bốn lần thay đổi tướng tá cao cấp, đã chết hàng trăm sĩ quan, binh lính, cuối cùng mới đàn áp xong hẳn phong trào nghĩa quân Yên Thế, mà bè lũ thực dân cướp nước gọi là "cái ung nhọt của xứ Bắc Kỳ".

Hoạt động của nghĩa quân Yên Thế đã từng bao phen rung động cả bọn tư bản cầm quyền ở chính quốc và bọn đầu sỏ thực dân ở Đông Dương, khiến chúng phải hai lần dùng kế giảng hòa để hòng mua chuộc nghĩa quân mà vẫn thất bại.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #102 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 10:18:49 am »


Toàn bộ tiến trình cuộc khởi nghĩa Yên Thế cho thấy: Về thời gian khởi nghĩa, đó là lúc phong trào Cần Vương đang vùng lên đợt cuối cùng rồi lắng xuống, thất bại; cuộc khai thác thuộc địa thứ nhất của thực dân Pháp bắt đầu, việc cướp đất diễn ra tàn bạo, khiến mâu thuẫn giữa đế quốc Pháp và nông dân Việt Nam càng sâu sắc. Trong tình hình ấy ngọn lửa đấu tranh vũ trang của dân tộc không bao giờ bị gián đoạn. Về điều kiện khởi nghĩa, đã kế thừa trực tiếp được địa bàn cũng như lực lượng và kinh nghiệm chiến đấu của các đội nghĩa quân như Cai Kinh, Đề Nắm..., có được căn cứ địa, vừa thủ hiểm, vừa khai thông; tiến có thể công, thoái có thể thủ, lại vừa có thể tiếp xúc được rộng rãi với nông dân miền Bắc, nghĩa sĩ ba kỳ. Về tinh thần chiến đấu, gan dạ, anh hùng, mưu trí, thao lược kể từ buổi đầu "quyết chiến" cho đến khi bị thất thế quyên sinh. "Ý chí bất khuất của cụ (tức Hoàng Hoa Thám) đã làm cho cụ có thể chiến đấu dẻo dai được với quân thù... Vừa chỉ huy, vừa xung phong đi đầu trong những trận đánh... Cái can đảm ấy đã được chứng thực trong nhiều trận chiến đấu khốc liệt, cùng những ngày gian khổ ghê gớm"1.

Nhân tố chủ yếu nhất, quyết định nhất của cuộc khởi nghĩa ở Yên Thế là tinh thần yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc của nhân dân Yên Thế. Yên Thế trong quá trình lịch sử đã từng là địa bàn của nhiều cuộc đấu tranh oanh liệt chống phong kiến và đế quốc. Bước vào những năm cuối thế kỷ XIX, Yên Thế lại là một trong những nơi thực dân Pháp chiếm đoạt nhiều ruộng đất nhất. Bọn đại điền chủ Pháp dựa vào binh lính và súng ống của quân đội thực dân, lũ lượt kéo nhau lên cướp đoạt trắng trợn ruộng vườn của nhân dân Yên Thế. Bầm gan tím ruột trước mối thù mất nước, nhân dân địa phương còn sôi sục căm hờn trước mối thù mất ruộng. Chính vì vậy, mà họ đã vùng dậy cầm vũ khí giết giặc theo tiếng gọi cứu nước thống thiết của Hoàng Hoa Thám, vị thủ lĩnh kiệt xuất của phong trào. Họ đã không chút ngần ngại cho con em mình sung vào nghĩa quân, trực tiếp đánh giặc, đã đóng góp nhân, vật, tài, lực cho phong trào, đã giúp đỡ và bảo vệ nghĩa quân trong những ngày khó khăn, đã làm tai mắt đưa đường chỉ lối, cung cấp địch tình cho nghĩa quân. Giặc Pháp khủng bố tàn bạo bao nhiêu cũng không lay chuyển được lòng yêu nước nồng nàn và chí căm thù giặc sâu sắc của nhân dân Yên Thế, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, để tạo điều kiện cho nghĩa quân giết giặc.

Nhân tố trọng yếu thứ hai là lực lượng vũ trang chống Pháp. Nghĩa quân Đề Thám bao gồm hầu hết là những nông dân lao khổ sôi sục căm thù lũ giặc cướp nước cướp ruộng và hăng hái tự nguyện sung vào đội ngũ nghĩa quân giết giặc. Họ được thử thách, rèn luyện kỹ càng trước khi nhập ngũ chính thức và ngày càng trưởng thành trong cuộc chiến đấu sống mái với quân thù. Đội quân ấy lại do các nhóm nghĩa quân kháng Pháp ở nhiều nơi khác tập hợp lại nên càng dày dạn trong chiến đấu, càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm tác chiến. Dưới sự chỉ huy tài tình của Đề Thám, nghĩa quân đã áp dụng chiến thuật du kích một cách vô cùng linh hoạt, khi ẩn khi hiện, lúc tiến lúc lui, lợi dụng triệt để địa hình địa vật hiểm yếu của núi rừng Yên Thế trùng trùng, điệp điệp, làm cho giặc Pháp không sao giành được thế chủ động và nhiều phen thất đảm kinh hồn.

Nhân tố thứ ba, đó là vai trò và tác dụng của Đề Thám, người chỉ huy lỗi lạc của phong trào. Xuất thân là một nông dân lao khổ, mang nặng mối thù mất nước, Đề Thám đã dành trọn đời mình cho sự nghiệp đánh giặc cứu nước. Sau lúc thủ lĩnh Đề Nắm chết, trong khi phần đông tướng tá binh sĩ nghĩa quân đã bỏ hàng ngũ trở về gia đình làm ăn sinh sống, hoặc đầu hàng giặc để kiếm chút lợi danh, Đề Thám đã một mình khẳng khái đứng ra tập hợp một số người kiên trì và quật cường nhất trong đám tàn quân, thành lập đội võ trang tiếp tục kháng chiến. Giặc Pháp dùng hết cách mua chuộc, dụ dỗ, đến tập trung lực lượng tấn công tiêu diệt vẫn không lay chuyển gan vàng dạ sắt của người anh hùng quyết tâm đề kháng đến cùng. Gương sáng đó đã có tác dụng tốt đẹp đến tinh thần và tư tưởng toàn bộ tướng sĩ và binh lính nghĩa quân.
_______________________________
1. Trần Huy Liệu, Nguyễn Công Bình, Văn Tạo: Tài liệu tham khảo cách mạng cận đại Việt Nam, tập 2, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, 1958, tr. 60.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #103 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 10:19:11 am »


Anh dũng tuyệt vời trong chiến đấu, Đề Thám còn luôn luôn quan tâm đến đời sống nhân dân trong vùng, vừa chống giặc vừa bảo vệ dân chúng, giúp đỡ dân chúng trong việc canh tác, như cho mượn thóc giống, trâu bò, nông cụ, trong việc xây dựng đền chùa hay nhà thờ bị giặc phá hủy. Do đó làm cho nông dân Yên Thế ngày càng gắn bó với sự nghiệp cứu nước, ngày càng nhận thức thêm cụ thể rằng, quyền lợi thiết thân của họ luôn luôn thống nhất với nhiệm vụ giết giặc cứu nước. Sự gắn bó mật thiết với quần chúng trên một mức độ nhất định là nét đặc sắc phân biệt khá rõ rệt người anh hùng Yên Thế với các thủ lĩnh nghĩa quân đương thời.

Lại phải nói đến một nhân tố khác, tuy khách quan, nhưng thực tế đã giúp nghĩa quân Yên Thế có thêm điều kiện chống giặc lâu dài và bền bỉ. Đó là ảnh hưởng của các phong trào yêu nước và các cuộc khởi nghĩa chống Pháp khác thời bấy giờ. Ngoài việc đối phó với nghĩa quân Yên Thế, giặc Pháp còn phải quan tâm rất nhiều đến các phong trào yêu nước và các cuộc khởi nghĩa nổ ra cùng thời ở khắp các địa phương. Các phong trào kháng Pháp ở Đông Triều, Cao Bằng, Bắc Cạn, cũng như ở Tây Bắc lúc đó, nhất là cuộc khởi nghĩa Hương Sơn của Phan Đình Phùng ở miền Trung, trong thực tế hầu như không có liên hệ gì với phong trào ở Yên Thế, nhưng ít nhiều đã cổ vũ thêm tinh thần kháng Pháp của nghĩa quân Đề Thám và buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó. Sau này khi địch đã dẹp tắt các phong trào đó thì cũng là khi chúng rảnh tay và có thể tập trung lực lượng lớn với những cuộc hành quân đại quy mô tấn công tiêu diệt nghĩa quân Đề Thám.

Cuối cùng, cuộc khởi nghĩa Yên Thế cuối thế kỷ XIX cũng như bất cứ một phong trào nào của nhân dân ta hồi đó bùng nổ trước tiên là do hành động xâm lược trắng trợn của thực dân Pháp. Nó là một bằng chứng hùng hồn về tấm lòng yêu nước nồng nàn của dân chúng luôn luôn tha thiết với chủ quyền quốc gia, với độc lập dân tộc, và nhằm mục đích cuối cùng là giải phóng đất nước khỏi nanh vuốt quân thù. Cho nên, mặc dù trước sau không có mặt sĩ phu và văn nhân trong hàng ngũ nghĩa quân, phong trào Hoàng Hoa Thám cho tới trước đình chiến lần thứ hai (năm 1897), xét về ý nghĩa cùng tác dụng khách quan của nó, vẫn nằm trong toàn bộ giai đoạn Cần Vương.

Bước sang những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trong hoàn cảnh phong trào Cần Vương tan rã và trong những điều kiện lịch sử mới, phong trào Yên Thế không thể không tiếp thu những nhân tố mới, và khách quan đã trở thành một bộ phận của phạm trù mới, phạm trù cách mạng dân tộc có tính chất tư sản.

Tất nhiên sự biến chuyển này rất bị hạn chế vì bản chất phong kiến của phong trào, vì điều kiện giai cấp của người chỉ huy; nhưng dù sao năm 1897 là năm bắt đầu cuộc đình chiến lần thứ hai cũng là cái mốc quan trọng chấm dứt giai đoạn Cần Vương trong căn bản đã cáo chung vào năm 1896 với thất bại của Hương Sơn khởi nghĩa và mở đầu cho giai đoạn phong trào bước vào phạm trù cách mạng dân tộc có tính chất tư sản.

Đặc điểm của giai đoạn mới là cục diện đấu tranh đã được mở rộng, chứ không thu hẹp trong những căn cứ địa thủ hiểm như trước. Đồng thời còn bắt liên lạc với các lực lượng kháng Pháp dưới xuôi như hội đàm với nhóm sĩ phu có khuynh hướng cải lương Phan Chu Trinh, nhóm sĩ phu có khuynh hướng bạo động như Phan Bội Châu, tổ chức binh lính tiến hành binh biến ở Bắc Ninh - Nam Định và nhất là vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Nội trong đó Đề Thám có một vai trò quan trọng với hình thức tập hợp quần chúng mới là đảng Nghĩa Hưng.

Chính nhờ có sự biến chuyển đó mà phong trào Yên Thế đã có đủ sức kéo dài cuộc chiến đấu, trong khi các cuộc vũ trang đấu tranh khác cùng thời kỳ đều bị quân thù dập tắt trong sắt lửa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #104 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 10:20:30 am »



TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hoàng Hoa Thám và phong trào nông dân Yên Thế, Nhà xuất bản Văn hóa, Hà Nội, 1958.
2. Lịch sử Quân sự Việt Nam, tập 9, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.
3. Lịch sử cận đại Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1960.
4. Trần Văn Giàu, Chống xâm lăng, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 2001.

Hết
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM