Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Năm, 2024, 11:06:18 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các Truyện ngắn của lính - Vũ Công Chiến & các bạn  (Đọc 138361 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
baoleo
Moderator
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #120 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2008, 08:12:53 am »

TÌM TRONG NỖI NHỚ
(Tiếp chương cuối)
Sau buổi gặp Quân vài ngày, Lan Chi gọi điện đến nhà Kiên để báo rằng cô và Quân không thu xếp thời gian đi ăn nhà hàng cùng vợ chồng Kiên được : Quân phải vào dự hội nghị khoa học ở Sài Gòn cho đến sát ngày Lan Chi quay lại Pháp mới trở ra Hà Nội, về phần Lan Chi thì về nước có ít ngày nên cũng rất nhiều việc bận, thôi đành khất hẹn đến một dịp sau.
     Kiên không có ở nhà, người nghe điện thoại là vợ anh. Giọng Thi khá lạnh lùng, khô khan, không hề có chút âm sắc vui vẻ, niềm nở của ngày hôm trước. Hai người trao đổi với nhau vài câu ngắn gọn rồi dập máy. Lan Chi thở phào : dù thái độ của Thi làm cho cô không thoải mái, cô vẫn cảm thấy nhẹ nhõm vì không phải trực tiếp nói chuyện với Kiên. Cô sợ phải nghe giọng nói thất vọng của anh.
     Kiên gọi điện lại cho Lan Chi ngay ngày hôm sau. “Anh không thể mời em đi ăn thiếu Quân được à ?”, anh giận dỗi hỏi. Lan Chi ấp úng. Cô không dám nói rằng cô đã biết hết cả rồi, cô không thể nhận lời mời của anh vì không lòng dạ nào mà bắt cả mình lẫn vợ chồng anh phải chịu đựng cái màn bi hài kịch “gia đình hạnh phúc” ấy thêm lần nữa, và nhất là cô lại càng không muốn làm tổn hại đến hạnh phúc vốn đã rất mong manh của gia đình anh.
     - Lần này em về nước ít ngày quá nên bận thật đấy, - Lan Chi nói sau vài giây do dự. - Họ hàng, bạn bè kéo đi khắp nơi, mà cũng chẳng dám đi nhiều vì sợ bọn trẻ con nó mệt. Thôi, anh cho em khất đến lần sau nhé.
     - Nhưng còn bánh tôm Hồ Tây thì sao hả Lan Chi ? Anh đã hứa với em, em cũng đã hẹn với anh...- Kiên nói với vẻ tuyệt vọng như thể toàn bộ vận mệnh anh đều phụ thuộc vào việc có rủ được Lan Chi đi ăn bánh tôm hay không.
     - Để lần sau vậy, - không biết nói gì hơn, Lan Chi lặp lại. Cảm thấy sống mũi đã cay cay, cô vội vã cắt ngang cuộc nói chuyện : - Thôi nhé, bây giờ em có việc phải đi, có gì em sẽ gọi điện lại cho anh.
     Nhưng Lan Chi không gọi điện thoại lại cho Kiên : cô đã quyết định sẽ tránh mặt anh cho đến trước khi trở về Pháp mới chào tạm biệt.
Logged
baoleo
Moderator
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #121 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2008, 08:13:44 am »

TÌM TRONG NỖI NHỚ
(Tiếp chương cuối)
Những ngày còn lại ở Hà Nội của Lan Chi trở nên u ám hẳn sau khi cô được biết về nỗi bất hạnh của gia đình Kiên. Cô đau đớn nghĩ rằng mình không có khả năng làm gì được cho anh ngoài việc cầu mong cho anh và Thi hàn gắn lại. Thi yêu anh, Thi có thể đem lại cho anh hạnh phúc. Còn cô, điều duy nhất mà cô nên làm bây giờ là biến hẳn khỏi đời anh để tránh cho tình hình phức tạp thêm. Ý nghĩ rằng trong lúc cô hạnh phúc với Trung thì Kiên có thể ly dị vợ và sống cô độc một mình làm Lan Chi khổ tâm không chịu nổi. Mặc cảm có lỗi với Kiên lại trở về đè nặng trong lòng cô, day dứt hơn bao giờ hết.
     Kiên còn gọi điện thoại đến nhà bà cô của Lan Chi thêm hai lần nữa để hỏi xem cô có rảnh không thì anh đến chơi. Cả hai lần, Lan Chi đều thoái thác là “có hẹn” và “rất bận”.
     Mà đúng là Lan Chi bận thật. Sau bao nhiêu năm cô mới trở về Hà Nội, lại về đúng vào tháng mười hai, tháng có ngày giỗ mẹ cô. Mộ bố mẹ Lan Chi hiện giờ nằm cạnh nhau ở quê nội của cô, một làng ngoại thành Hà Nội. Lan Chi mua hương hoa và đưa ba đứa con về quê thăm mộ ông bà ngoại chúng. Ở lại nhà ông bác trong quê một ngày, hôm sau cô trở lại nhà bà cô ở Hà Nội, buồn rũ rượi mất mấy hôm chẳng thiết đi đâu. Nhưng rồi cũng phải đi vì lũ trẻ cuồng cẳng không ngồi nhà lâu được. Lại có thêm một lô bạn bè cũ liên tục đến rủ đi chơi : bạn cấp hai, bạn cấp ba, bạn thời đại học ở Nga..., đủ cả. Nhiệm vụ trọng tâm của những chuyến đi chơi cùng bạn bè này là nếm lại bằng hết tất cả những món ăn thuộc cái danh sách “thèm”  mà Lan Chi đã lập ra với bao nhiêu nhớ tiếc trong những năm dài của cuộc sống tha hương. Quán ăn được bọn bạn cô chọn lựa rất kỹ lưỡng, vậy mà không hiểu sao khi ăn Lan Chi luôn luôn gặp phải cái cảm giác kỳ lạ “rất ngon nhưng không giống hẳn” như hôm đầu ăn bún chả ở nhà bà cô. Sau khi nghe bạn bè cô khẳng định rằng những hàng này bao nhiêu năm vẫn làm đúng một kiểu như vậy, không hề thay đổi, Lan Chi buồn rầu nghĩ rằng có lẽ sự thay đổi chính là ở phía cô.
     Cái ngõ nhỏ của Lan Chi cũng không còn giống như cô vẫn hình dung trong nỗi nhớ. Hôm chiêu đãi ba đứa con một chầu đi chơi phố bằng xích lô sans souci ( một trong những kỷ niệm đáng ghi nhớ nhất của ba anh em cu Nam trong chuyến đi này ), Lan Chi đã chỉ đường cho xích lô rẽ qua nhà cũ của mình. Xích lô dừng lại vài phút, Lan Chi lạ lẫm nhìn khung cảnh xưa :  cây bàng “sâu róm” đầu ngõ không còn, mặt đường phẳng phiu chứ không gồ ghề đậm nhạt nhiều mảnh vá, nhà cũ phá bỏ nhà mới xây lên khắp nơi... Và điều bất ngờ nhất là cái “thế giới tuổi thơ” của cô bây giờ sao trông như nhỏ hẹp lại đi đến chỉ còn một nửa ! Tại vì những ngôi nhà mới nhiều tầng đã choán mất một phần không gian trong ngõ, hay vì suốt bao nhiêu năm qua mắt cô chỉ quen nhìn những đường phố lớn mà thôi ? Ngồi trên xích lô đi tiếp loanh quanh vài vòng cho lũ trẻ được dạo chơi, Lan Chi vừa ngượng ngùng vừa buồn bực vì phải hỏi và nghe ông xích lô giải thích cặn kẽ cho cô như cho một khách du lịch nước ngoài về những đường phố mà cô không thể nhận ra, về những công trình mới xây sau khi cô đã rời Hà Nội. Mọi thứ đã thay đổi quá nhiều trong hơn chục năm qua, cuộc đời cô đã tách rời khỏi số phận của quê hương, cô đã phần nào trở thành người lạ.
Logged
baoleo
Moderator
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #122 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2008, 08:14:27 am »

TÌM TRONG NỖI NHỚ
(Tiếp chương cuối)
Hai ngày trước khi Lan Chi trở lại Pháp, Kiên đến tìm cô bất ngờ vào quãng hơn chín giờ tối, lúc cả ba đứa con cô đều đã lên giường đi ngủ. “Anh phải đến vào giờ này mới chắc gặp được em. Ban ngày, sợ em đi chơi”, anh nói.
     Kiên đưa cho Lan Chi một đống quà cho ba đứa trẻ con và một bức tranh được gói ghém cẩn thận.
     - Anh đem đến cho em cái này, không hiểu em còn thích không, - anh nói một cách hơi lúng túng. - Để làm kỷ niệm thôi chứ chẳng có giá trị gì đâu. Đây là cái tranh anh vẽ ngày xưa. Cái mà em thích nhất.
     - “Mắt thô lố” à ? - Lan Chi cười hỏi.
     - “Mắt mênh mông”, - Kiên trả lời, vẻ lúng túng bị xóa đi ngay bằng một nụ cười rất thân thương đối với Lan Chi.
     - Bao nhiêu năm rồi mà sao anh vẫn còn giữ được ? - Lan Chi ngạc nhiên.
     - Anh chỉ còn giữ một vài bức thôi. Trước khi sang Ba Lan, anh có đem mấy bức được nhất đến gửi nhà một thằng bạn ở Matxcơva, đến khi nó về nước thì nó lại quẳng vào thùng hàng biển, mang về Hà Nội hộ anh.
     - Dạo này chắc anh vẫn còn vẽ chứ ?
     - Không đâu, anh bỏ lâu rồi. Chẳng có thời gian. Cũng chẳng còn cảm hứng.
     - Tiếc nhỉ... Hồi trước, em chẳng thể hình dung anh thiếu cái giá vẽ được.
     - Có bao nhiêu điều mà hồi trước mình có hình dung được đâu.
     Vài phút im lặng trôi qua. “Em pha nước anh uống nhé”, Lan Chi nói và định đi lấy ấm chén để pha trà. Kiên vội xua tay : “Thôi, muộn rồi, anh về ngay đây. Anh chỉ định đến hỏi xem ngày kia mẹ con em đi lúc mấy giờ.” Lan Chi nói giờ của chuyến bay. Kiên hỏi anh có thể đi tiễn mấy mẹ con được không ? “Đã có Vũ, em họ của em đi tiễn rồi. Như vậy tiện hơn anh ạ”, Lan Chi trả lời. “Thế thì anh sẽ ra thẳng sân bay”, Kiên nói bằng một giọng cương quyết khiến Lan Chi không thể có thêm ý kiến gì được nữa.
    Lan Chi đi tiễn Kiên ra đến tận cổng của khu nhà. Lúc đi đến chỗ để xe máy của anh, đột nhiên Kiên quay lại hỏi Lan Chi :
     - Tại sao mấy ngày qua em cứ tìm cách tránh mặt anh ?
     - Em... em có tránh mặt anh đâu, - Lan Chi luống cuống nói.
     - Quân nói cho em biết hết rồi phải không ? - Kiên lại hỏi, giọng bỗng trở nên hơi gay gắt.
     - Vâng, em biết hết cả rồi. - Lan Chi thú nhận. Rồi cô nói liền một mạch, rất nhanh : - Vợ chồng anh đang có chuyện không vui, em không muốn đổ thêm dầu vào lửa. Em không muốn làm cho Thi khó chịu. Em không muốn gây thêm bất hòa giữa anh và Thi.
     - Em có gây bất hòa bao giờ đâu, - giọng Kiên dịu hẳn đi. - Anh và Thi đã lục đục từ lâu rồi. Em về nước mà tránh anh thì chỉ làm cho anh buồn thôi chứ cũng chẳng cứu vãn gia đình anh được.
     - Sao lại không cứu vãn được ? Nếu anh cố lên một tí thì nhất định sẽ đâu vào đấy thôi. Em thấy Thi rất dễ thương. Cô ấy xinh hơn em nhiều, - Lan Chi nói bằng một giọng như dỗ dành, năn nỉ.
     - Anh có nói Thi xấu bao giờ đâu, - Kiên bật cười. - Hồi mới quen, anh cũng thấy cô ấy khá xinh. Nhưng xinh hơn em thì... mắt anh không bao giờ thấy thế. Trong mắt anh, không ai có thể đẹp bằng em được.
     - Thi hơn em nhiều thứ lắm, - Lan Chi nói với vẻ gần như tuyệt vọng. - Thi nhanh nhẹn, tháo vát chứ không lớ ngớ như em...
     - Thi không có những cái mà anh yêu nhất ở em, - Kiên ngắt lời Lan Chi. - Cô ấy không nhẹ nhàng, tinh tế như em. Cô ấy không dịu dàng, đằm thắm như em. Hồi đầu, anh cứ tưởng Thi có thể giúp anh quên em được. Nhưng càng sống lâu với Thi thì anh lại càng nhớ em hơn.
     - Nhưng anh cần phải quên em ! - nước mắt Lan Chi đã bắt đầu chảy ra, cô nghẹn ngào nói.
     - Anh không thể quên em. Anh không muốn quên em ! - Kiên đáp một cách bướng bỉnh.
     - Thi mới là người có thể cho anh hạnh phúc. Còn em, em chẳng có gì để cho anh nữa cả. Muộn quá rồi ! -  Lan Chi vừa nói vừa cố cầm nước mắt.
     - Nhưng anh có yêu cầu gì em đâu. Được đứng bên em, được nhìn thấy em, được nghe em nói thế này đối với anh đã là hạnh phúc.
     - Đến cả cái hạnh phúc nhỏ nhoi ấy em cũng chẳng thể cho anh lâu được. Mấy ngày nữa là em lại đi rồi. Anh phải quên em đi. Em không thể chịu đựng được nếu anh cô độc và bất hạnh. Em không thể chịu đựng được... - Lan Chi thổn thức.
     Anh bước sát lại gần và vuốt nhẹ tóc cô : “Đừng khóc nữa Lan Chi. Anh cũng không chịu đựng được khi nhìn em khóc.” Không kìm nổi, cô gục đầu vào vai anh và khóc nức lên. Kiên đứng lặng, sững sờ. Anh có cảm giác như đang trở về quá khứ khi nhìn mái đầu của Lan Chi run rẩy trên vai mình, như ngày xưa... như ngày xưa.
    Khi cô ngẩng đầu lên, Kiên cúi xuống và phác một cử chỉ như muốn hôn lên môi cô. Lan Chi lắc đầu và lùi lại. Kiên như bừng tỉnh, anh vội nói : “Thôi, anh về đây. Ngày kia, anh sẽ ra sân bay.”
Logged
baoleo
Moderator
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #123 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2008, 08:15:06 am »

TÌM TRONG NỖI NHỚ
(Tiếp chương cuối)
    Đường ra sân bay có vẻ thoáng đãng hơn, không chen chúc toàn người là người như hôm Lan Chi trở về Hà Nội. “Có thể là vì mình đã bắt đầu quen nhìn cảnh này rồi”, Lan Chi nghĩ. Cô mơ màng nhìn khung cảnh lướt qua cửa xe, tự hỏi không biết đã bao nhiêu lần mình đi trên con đường này nhỉ ? Đã bao nhiêu lần cô rời Hà Nội ra đi ?
     - Chúng mình đi về nhà với ba hả mẹ ? - ngồi bên cạnh Lan Chi, bé Lan Anh chợt hỏi.
     - Ừ, chúng mình về nhà. Con nhớ ba lắm rồi phải không ? - Lan Chi âu yếm hỏi lại.
     Con bé gật đầu rồi nói, nửa như hỏi, nửa như khẳng định :
     - Mẹ cũng nhớ.
     - Ừ, mẹ cũng nhớ, - Lan Chi mỉm cười xác nhận.
     Cô ngả người vào lưng ghế, nhắm mắt lại. Bỗng thấy thèm giọng nói ấm áp của chồng, sự gần gũi dịu dàng và âu yếm của anh. Bỗng thấy cần sự yên ổn ở ngôi nhà nhỏ thân thương, ở nhịp điệu đều đặn của cuộc sống hàng ngày quen thuộc. Bỗng thấy nhớ bờ sông Garonne những chiều thư thả, ngồi tựa đầu vào vai chồng, nhìn lũ con đùa nghịch trên thảm cỏ xanh... Rồi bỗng thấy chạnh lòng tủi thân khi chợt bắt gặp mình đang ghen tị với dòng người hối hả ngược xuôi trên đường phố. Ghen với sự thanh thản của một tình yêu trọn vẹn không bị giằng xé làm đôi. Ghen với cái hạnh phúc bình yên khi nhà và quê hương là một.
Logged
baoleo
Moderator
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #124 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2008, 08:15:46 am »

TÌM TRONG NỖI NHỚ
(Tiếp chương cuối)
     Taxi dừng lại ở sân bay. Vũ vừa chạy đi tìm xe đẩy để chở các vali của Lan Chi thì Kiên xuất hiện. Bó hồng nhung đỏ thắm trong tay anh làm chiếc áo khoác màu be sáng mà anh mặc trên người cũng hồng rực lên.
     - Đây là hoa hồng Đà Lạt. Không đẹp bằng hoa hồng Matxcơva, nhưng anh đã tìm khắp nơi rồi, chỉ có thế này là được nhất thôi, - Kiên nói như xin lỗi.
     - Hoa đẹp lắm đấy chứ, - Lan Chi đỡ bó hoa từ tay Kiên và bỗng mỉm cười. - Anh biết không, hồi em mới ở Matxcơva về Hà Nội, em cũng đi bán hoa Đà Lạt để kiếm thêm tiền đấy.
     - Thật à ? - Kiên hỏi với vẻ hết sức ngạc nhiên. - Thế mà hồi xưa anh lại cứ tưởng tính em mơ mộng, không làm những chuyện dính dáng đến buôn bán tiền nong được.
     Một ý nghĩ vụt qua trong đầu Lan Chi : “Vậy là Kiên không nhận được thư mình kể chuyện đi bán hoa. Hay là anh ấy quên ?” 
     - Thì đúng là hồi xưa em mơ mộng thật, cho nên đi bán hoa đã đánh mất tiền đấy, - cô cười đáp. - Nhưng bây giờ thì em “tỉnh” ra nhiều rồi. Bao nhiêu năm nay em bán sách có xảy ra chuyện gì đâu.
     - Hoa hồng Matxcơva đúng là đẹp hơn hẳn thật. Mọi khi anh không chú ý đến điều này, hôm nay đi chọn hoa mới nhận ra, - Kiên lại nói. Rồi mắt anh chợt sáng lên. - À, nếu mọi chuyện ở công ty anh yên ổn thì có thể nửa năm nữa anh sẽ có việc phải đi Matxcơva đấy. Nếu lúc đó mà gặp được ai sang Pháp thì anh sẽ gửi hoa hồng cho em nhé.
     - Thôi, việc gì phải rắc rối thế hả anh. Mà Matxcơva chắc bây giờ cũng đã thay đổi nhiều rồi.
     Kiên có vẻ muốn đáp lại điều gì thì bất chợt bé Lan Anh đang ngồi trên chiếc vali cạnh đó đứng dậy giật áo mẹ : “Mẹ ơi, chú Vũ lấy được xe đẩy rồi kìa. Chúng mình xếp vali lên nhé.” Kiên hơi giật mình. Từ nãy, mải nói chuyện, anh không để ý đến mấy đứa con của Lan Chi.
     - Hai đứa sinh đôi của em đây phải không ? - anh nhìn Lan Anh và Việt Anh rồi hỏi. - Sao giống mẹ quá thế này !
     - Vâng, ai cũng bảo là hai đứa này giống mẹ. Thằng cu đầu thì lại giống ba nó...- Lan Chi kể.
     Nhưng Kiên hình như không còn chú ý nghe cô nói nữa. Mắt anh hướng vào bé Lan Anh của cô. “Con gái em xinh quá !”, anh nói. Con bé thấy được người lạ khen thì thẹn thò mỉm cười với Kiên rồi hạ hàng mi rợp hướng cái nhìn xuống đất. Lan Chi thấy mắt Kiên như mờ đi, xa xăm. Ngày xưa, anh mơ một bé gái đầu lòng có nước da trắng mịn, đôi mắt to dưới hàng mi rợp, mênh mông, mênh mông...
     Vũ mang xe đẩy lại gần. Kiên nhanh nhẹn xách luôn cả hai chiếc vali của Lan Chi đặt lên xe. Phân vân một lát, Lan Chi quay lại bảo Vũ :
     - Thôi, em còn nhiều việc phải làm, cứ về luôn bây giờ cũng được. Có anh Kiên tiễn chị đây rồi.
     - Ừ, phải đấy, - Kiên mừng rỡ nói theo. - Vũ có việc bận thì cứ về đi. Mình rộng rãi thời gian, có thể ở lại đây đợi đến lúc Lan Chi vào được bên trong.
     Vũ chào hai người rồi đi về. Kiên đẩy chiếc xe chở vali đi cạnh Lan Chi và lũ trẻ. Họ tiến đến gần cửa kiểm tra của hải quan. Còn mười phút nữa mới đến giờ làm thủ tục cho chuyến bay của Lan Chi. “Mình đứng lại đợi ở đây thôi”, Lan Chi nói rồi nhờ Kiên hạ một chiếc vali to đặt nằm xuống đất để lũ trẻ ngồi lên đỡ mỏi.
     - Em có định bao giờ lại về nước nữa không ? - Kiên hỏi.
     - Em chưa định chính xác được, nhưng chắc chắn thế nào cũng phải về thôi. Lần sau nhất định sẽ về lâu hơn, rồi còn phải cho bọn trẻ con vào Sài Gòn thăm quê ba chúng nó nữa chứ. Có lẽ từ nay em sẽ cố về thật thường xuyên. Lần vừa rồi chần chừ mãi mới về, thấy mọi thứ thay đổi nhiều quá, cảm giác mình cứ như là người lạ, buồn ghê cơ, - Lan Chi nói và thở dài.
     - Vợ chồng em có lúc nào nghĩ đến chuyện về nước hẳn không ? Bây giờ tình hình trong nước thoáng hơn nhiều rồi, anh thấy có những người đã về hẳn đấy.
     - Nếu em chỉ có một mình thì em sẽ về ngay. Nhưng bây giờ nặng gánh quá rồi. Đến tuổi này, lại có ba đứa con, không phải ai cũng dám làm lại từ đầu, - Lan Chi trả lời. Rồi nhìn thấy vẻ mặt buồn bã của Kiên, cô mỉm cười nói nửa đùa nửa thật : - Thôi, đợi khi nào mấy đứa con của em lớn lên, tự lập được, em không phải lo cho chúng nó nữa thì sẽ rủ ông xã về ở hẳn Hà Nội, tham gia câu lạc bộ hưu trí với vợ chồng anh cho vui. Rồi sáng sáng chúng mình sẽ cùng nhau ra Hồ Gươm múa võ.
- Em vẫn hệt như xưa, lúc nào cũng đùa được, - Kiên phì cười.
    Đã đến giờ làm thủ tục hải quan. Nhìn dòng người đang rậm rịch chuyển động về phía cửa, Lan Chi bảo : “Có lẽ đến lúc em phải vào rồi”. Cô định nhờ Kiên nhấc chiếc vali đặt lại lên xe đẩy thì thấy anh ngập ngừng như muốn nói điều gì.
     - Có chuyện gì vậy anh ? - Lan Chi hỏi.
     - Anh có thể hôn em để từ biệt được không ? - Kiên rụt rè nói. Nhận thấy vẻ mặt lúng túng của Lan Chi, anh nói thêm : - Một cái thôi, một cái hôn từ biệt.
     Lan Chi bối rối nhìn xung quanh. Sau lưng cô, anh em cu Nam đang ngồi trên chiếc vali, chụm đầu vào nhau say sưa đọc quyển truyện tranh tiếng Việt mà mẹ chúng vừa mua cho. Cô quay lại nhìn Kiên, thở nhẹ, và một tia tinh nghịch chợt lóe lên trong mắt cô.
     - Hôn lên trán thôi nhé, - cô nói.
     Một nụ cười làm gương mặt Kiên sáng bừng lên.
     - Hôn trán thì chán chết, - anh đáp và cúi xuống đặt một nụ hôn nhẹ nhàng lên môi cô. Một nụ hôn thật dịu dàng nhưng ngắn ngủi. Rồi anh lùi lại, thở dài.
     Lan Chi ngước mắt nhìn Kiên. Cô nhận thấy cặp mắt anh ngấn nước.
     - Thôi, em đi nhé, - cô nói sau vài giây im lặng, đưa bàn tay gạt ngang hàng mi đẫm lệ và cố mỉm cười.
     - Ừ, em đi...
Logged
baoleo
Moderator
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #125 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2008, 08:16:37 am »

TÌM TRONG NỖI NHỚ
(Tiếp chương cuối)
Máy bay cất cánh được khoảng mười lăm phút là Việt Anh và Lan Anh đã cùng nhau lăn ra ngủ. Cu Nam thì không buồn ngủ, nó lấy cái tai nghe mà cô tiếp viên vừa phát cho, đeo vào đầu và nghe nhạc với vẻ mặt rất say sưa.
     Lan Chi xếp lại chỗ ngồi để hai bé sinh đôi có thể nằm cho thoải mái. Cô cẩn thận đặt bó hoa hồng vào một góc xa để hai đứa khỏi vô ý đạp vào. “Không biết khi về đến nhà thì hoa có còn tươi không nhỉ ? Hoa hồng Matxcơva thì tươi lâu lắm”, cô nghĩ. Rồi cô mỉm cười nhớ đến Kiên, nhớ đến lời anh hứa gửi hoa hồng Matxcơva sang Pháp cho cô. Tính Kiên vẫn thế, khi nào bốc lên là sẵn sàng hứa đủ mọi điều, hứa đến cả những chuyện hái trăng sao trên trời đem xuống. Anh tưởng có thể tìm được ở Matxcơva cho cô những bông hồng đẹp như hình ảnh mà anh lưu giữ trong ký ức. Nhưng làm sao mà tìm được hả Kiên ? Những bông hồng đẹp như ngày xưa ấy, mình chỉ có thể tìm trong nỗi nhớ thôi anh.



                                                                                         2 - 5 / 2003
                                                                                          L.N.M.
HẾT
Logged
gicungduoc
Thành viên
*
Bài viết: 95


« Trả lời #126 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2008, 11:44:45 pm »

Vừa rồi VTV1 có giới thiệu về 1 quyển tiểu thuyết, của 1 cô gái k, nhân vật trong TT chính là tác giả, với tựa đề là "VƯỢT QUA CÁNH ĐỒNG CHẾT", nếu các bác thích đọc thì em sẽ post lên.
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #127 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2008, 07:31:01 am »

    Bác post lên đi, để bà con hiểu thêm khía cạnh khác nữa ở K.

      Theo TS nghí, vì tham gia công tác và chiến đấu ở K nhiều năm nên nhiều CCB hiểu đất K và có tình cảm rất lớn với xứ sở đó. (còn hiểu hơn cả xứ phương Bắc ấy chứ).

      Chờ đọc truyện bạn gửi.
Logged
taupaypay
Thành viên
*
Bài viết: 126



« Trả lời #128 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2008, 09:38:18 pm »

Nếu thấy nhạy cảm quá thì các bác cứ xóa đi cũng được !!!

Sau trận đánh phục kích bọn lính Thái ở Bản Vườn lê 42, tôi được cử đi học lớp tập huấn công binh, chuyên về gỡ mìn và kỹ thuật mở cửa hàng rào đánh căn cứ. Mục đích của lớp học là để giúp cho các đơn vị bộ binh, khi đánh các cứ điểm của địch có thể tự mình gỡ mìn và sử dụng kỹ thuật đặt  mìn định hướng phá hàng rào thép gai để tạo cửa mở, hiệu quả hơn cách dùng bộc phá ống thông thường. Sau hơn một tháng, kết thúc khoá học, tôi trở về đơn vị và được phiên chế vào B5, trung đội chuyên làm nhiệm vụ mở cửa và đánh lô-cốt đầu cầu của đại đội. Chỉ huy mới của tôi là tiểu đội trưởng Trịnh.
A trưởng Trịnh không có gì đặc biệt lắm. Dáng người cũng chỉ tầm thước, nhưng to khoẻ theo kiểu lực điền. Anh vào chiến trường trước tôi hai mùa chiến dịch. Thế cũng đủ để tôi nể phục lắm rồi. Điều đáng nói hơn là anh gan dạ và rất xông xáo trong chiến trận. Anh là một trong những tiểu đội trưởng "cứng" của đại đội. Anh Trịnh đón nhận tôi về tiểu đội một cách hồ hởi. Thái độ của anh làm cho tôi rất thoải mái. Anh giữ tôi lại nằm chung hầm với anh. Căn hầm chữ A có đáy dài 2 mét và rộng hơn 1 mét làm cho chúng tôi thêm gần gũi nhau. Chúng tôi cùng kể chuyện về bản thân mình cho nhau nghe. Chẳng bao lâu mà chúng tôi trở nên thân thiết. Về cá nhân anh, tôi không ngờ là anh lại không biết chữ. Quê anh ở Sơn Tây. Chỉ cách Hà nội có hơn bốn chục cây số, vậy mà do nhà nghèo mà anh không được đi học. Tuổi thơ của anh gắn liền với chăn trâu, cắt cỏ và biết làm ruộng sớm. Trước khi đi bộ đội, anh làm ruộng và là lao động chính trong gia đình. Ở quê, anh còn không biết đến cái tàu hoả hay tàu điện là gì. Cũng vì vậy nên anh càng quý tôi, khi biết tôi đã học hết lớp 10 phổ thông. Sự chân thành và nghịch cảnh đã gắn bó tôi với anh thành đôi bạn lính. Lúc ở hậu cứ, hai chúng tôi luôn ở chung hầm. Còn khi ra trận thì tôi và anh bao giờ cũng đào hầm cạnh nhau. Là tiểu đội trưởng, nhưng trong những trận đánh chốt, anh thích sử dụng hoả lực B40, dù rằng giữ súng này thì phải năng vận động và thay đổi vị trí bắn để tránh địch phản pháo. Nhờ có hàm răng hơi hô, nên anh bắn B40 rất tốt. Có trận chốt, anh bắn tới 12 quả đạn trong một buổi sáng mà vẫn không ù tai hoa mắt như cảnh báo trong lý thuyết. Những lúc ra trận như thế mà được quạt AK yểm hộ cho anh thì thật tuyệt.
Anh Trịnh tỏ ra quan tâm đến tôi có phần thiên vị hơn so với anh em khác trong tiểu đội. Cũng chút ít thôi, và có phần hợp lý nên cũng không ảnh hưởng đến tình cảm chung trong cả tiểu đội. Chả gì thì tôi cũng là lính thành phố, vóc dáng thư sinh và yếu nhất tiểu đội. Nhưng khi chuẩn bị ra trận thì hầu như toàn bộ thủ pháo và bộc phá trong cả trung đội, tôi đều giành phần bấm kíp và gói, vì tôi đã được học về công binh một cách bài bản. Tôi cũng là người thạo nhất về cách đặt  giá mìn định hướng. Thực ra, nói vậy cho nó đầy đủ thôi, chứ lính tráng trong chiến trường sống chết vì nhau lắm. Ai cũng có thể sẵn sàng hy sinh vì đồng đội.
Logged
taupaypay
Thành viên
*
Bài viết: 126



« Trả lời #129 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2008, 09:38:46 pm »

Thời gian mùa mưa, đơn vị chúng tôi phải làm nhiệm vụ cùi cõng đạn dược và lương thực để chuẩn bị hậu cần cho mùa khô. Các loại hàng hoá bình thường như gạo, thuốc nổ, đạn cối…thì chia đều trọng lượng cho nhau  được. Riêng những lần vác đạn DKB thì phải hai người vác chung một quả. Quả đạn DKB chính là đạn của hoả tiễn Ca-chiu-sa tháo rời, gồm phần thân và đầu đạn. Phần đầu đạn chỉ nặng có 21 cân, nhưng phần thân nặng tới 35 cân. Mọi cặp khác đều chia ra thay đổi cho nhau, nhưng riêng cặp tôi với anh Trịnh, thì anh giành phần vác thân quả đạn suốt cả quãng đường vận chuyển 6 tiếng đồng hồ. Vậy mà đến bữa thì mọi suất ăn của lính tráng đều như nhau, còn đói nữa là khác, nhưng cũng chẳng ai ăn hơn ai đến một miếng.
Trận đánh đầu tiên của mùa khô 1973, anh Trịnh đã cứu tôi trong một tình huống khác thường. Căn cứ Ba-lào-ngam có hệ thống công sự vững chắc, do một tiểu đoàn lính Thái Lan chiếm giữ. Do phải đánh cứ điểm kiên cố, chúng tôi được tăng cường 4 xe tăng phối hợp. Các trận đánh thông thường, chúng tôi chỉ mở cửa rộng 4 đến 6 mét là đủ cho bộ binh xung phong. Trận này có xe tăng nên cấp trên yêu cầu mở cửa rộng 8 mét. Anh Trịnh lại hạ quyết tâm thêm, là sẽ mở cửa rộng 12 mét. Cứ điểm địch có 5 lớp hàng rào. Đêm đó, chúng tôi bò vào dùng kìm cắt đứt 3 lớp rào ngoài. Sau đó tại chân mỗi hàng rào, chúng tôi đặt nối nhau tới 6 ống bộc phá loại 1,2 mét. Trước 2 lớp rào trong cùng, chúng tôi dựng 2 giá mìn định hướng DH10, mỗi giá 3 quả. Tất cả các giá mìn và bộc phá đều được nối liền nhau bằng dây nổ, để khi điểm hoả thì tất cả đều nổ cùng một lúc. Kết quả là khi chúng tôi điểm hoả mở màn trận đánh vào 5 giờ sáng thì cả một vệt 5 lớp rào đã bị phá bay, tạo thành cửa mở rộng tới 12 mét. Cả trung đội chúng tôi tiếp tục chiến đấu tại chỗ suốt ngày hôm đó để giữ cửa mở, không cho địch ra bít lại.
Một ngày trôi qua. Khoảng sáu giờ tối thì xe tăng của ta vào đến cửa mở. Trận đánh chính thức bắt đầu. Chiếc xe tăng đi đầu chạy sát qua căn hầm của tôi. Vì quanh cứ điểm này, địch không phát quang hết cây lúp súp, nên xe tăng không nhận rõ hướng cửa mở. Một người lính trên xe tăng mở nắp xe quát to hỏi tôi trong tiếng máy nổ ầm ầm:
         - Hướng cửa mở đâu?
Tôi chỉ tay, nhưng vẫn chưa nhìn rõ nên người lính tăng vẫy tay, và tôi trèo lên thành xe tăng, định ngồi đó chỉ đường. Đúng lúc chiếc xe tăng dịch đít xe chỉnh hướng thì anh Trịnh bỗng xuất hiện. Anh nhảy bổ lên thành xe tăng quát to lên câu gì đó, rồi nắm cổ áo  tôi, kéo tôi ngã nhào xuống đất. Đoạn anh vụt đứng dậy kêu to với người lính tăng:
           - Hướng cửa mở đây này.
Và anh chĩa AK về hướng cửa mở bắn một loạt dài. Những viên đạn lửa lắp sẵn của anh tạo thành một vệt đỏ dài thẳng hướng cửa mở. Chiếc xe tăng đóng nắp và xịt khói lao vào cửa mở, kéo theo những chiếc xe tăng khác và đám bộ binh có nhiệm vụ đánh thọc sâu.
Tôi còn chưa hết bàng hoàng thì anh Trịnh đã lại túm lấy cổ áo tôi, gí sát mặt anh  vào mặt tôi mà quát:
          - Sao mày ngu thế. Ngồi trên nóc xe tăng mà làm bia đỡ đạn à.
Rồi anh chỉ tay theo hướng xe tăng, và tôi cũng còn kịp nhận ra những vệt đạn liên thanh của địch bắn vào thành xe tăng toé lửa.
Thế là tôi thoát chết, nhờ sự dày dạn kinh nghiệm chiến đấu của anh. Sau trận đó tôi càng quý mến anh hơn.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM