Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Năm, 2024, 07:01:48 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lính Tây nguyên  (Đọc 275558 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nguyentrongluan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1246


« Trả lời #30 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2012, 01:38:40 pm »

Chuyện thứ hai :
Giang  “xẻng”

Giang học k4 khoa chế tạo máy  Đại học Cơ điện . Vào C2D76 Hắn ở B2 cùng thằng Cảnh khoa điện , thằng Định k5B khoa máy . Tiếng là cùng trường nhưng Giang cứ lầm lì đi thao trường một mình ở cuối hàng còn hai thằng Cảnh và Định vác hai khẩu CKC vênh vang đi trước .
Phải nói là Giang là con người chỉn chu kỉ luật của đơn vị , cũng như nếp sống văn hoá quân đội . Thật là môt tấm gương cho trung đội noi theo . Mỗi ngày đi thao trường Giang đeo cái xẻng chéo qua vai nằm ra đằng sau lưng . Lúc nào cũng thấy Giang nghiêm chỉnh đi đúng  hàng và đặc biệt bọn Cơ điện không bao giờ thấy Giang ngồi quán nước chợ Hanh . Giang có răng khểnh hay cười nhưng kiệm lời . Bọn mình thấy hắn nghiêm chỉnh nên nhiều khi cũng ngại . Tuy thế chẳng bao giờ Giang phê bình ai . Cứ cặm cụi , cứ cung cúc tập luyện và hầu như Giang không mắc một khuyết điểm nào suốt 3 tháng rưỡi huấn luyện .   Một hôm sinh hoạt đại đội , chủ đề  : lí tưởng của người chiến sĩ thể hiện cụ thể trong đời sống tân binh . Thôi thì nhiều ý kiến lắm . Đại đội toàn người có học , không là sinh viên thì cũng là cán bộ công nhân nhà máy nên phát biểu không mấy khó khăn . Nào là : tôi gác tình riêng để lên đường đi chống Mĩ . Nào là dù vợ dại con thơ tôi cũng không hề nao núng .  Nào là  : biết là bố tôi ốm nặng tôi vẫn hướng về  ... phía chiến trường . Có chú  trẻ măng ở quê nhập ngũ thì thật thà nói : bộ đội khổ thì khổ thật nhưng còn sướng hơn ở nhà nên tôi thấy bình thường ...Mọi người nói vãn rồi thì thấy Giang giơ tay xin ý kiến
Giang bước lên , nhìn bình thản hơn 100 anh em trật tự phía dưới rồi nói thật ngắn gọn :
- Tôi vào bộ đội đã 3 tuần nay , tôi vẫn không có súng . Tôi chỉ được phát một cái xẻng . Tôi biết Đảng giao vũ khí gì tôi dùng vũ khí đó mà đánh giặc , gắn bó yêu thương nó coi nó như vợ mình , cho dù tôi chưa có vợ . Cái xẻng tôi mang từ sáng đến chiều trên lưng và ngay cả ban đêm khi báo động nó vẫn trên lưng tôi . Đã 3 tuần nay tôi chỉ tháo ra khi đi ngủ , còn ngày chủ nhật tôi vẫn ... cầm ở tay .
Cả đại đội cười rinh rích . Cười hinh hích rồi cười toé lên . Bê trưởng B2 thì đỏ mặt . C phó quay sang hỏi   :
-    Sao thiếu súng mà không báo lên C bộ .
Ngay lúc ấy Chính trị viên bước lên . Ông  làm động tác cho hơn trăm con người yên lặng . Vị trung uý nói trong xúc động :
- Thưa các đồng chí . Đây là tấm gương sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng . Quân đội phải cám ơn mái trường XHCN đã rèn luyện giáo dục các đồng chí tốt như thế . Tôi mong từ nay về sau đồng chí Giang phát huy không xa rời lí tưởng và không xa rời cái xẻng . Coi cái xẻng là vũ khí chiến đấu để làm gương cho toàn đơn vị .
Đại đội vỗ tay rào rào . Giang nghiêng bên này cũng thấy rào rào , nghiêng đằng trước , đằng sau cũng thấy rào rào . Hoan hô , hoan hô .
 Ngày hôm sau Giang được phát súng CKC nhưng cái xẻng thì nó không thể xa rời lưng Giang được nữa . Chót phát biểu trước thiên hạ rồi , lại được thủ trưởng khen rồi , thôi gắng mà đeo . Cái xẻng nó mặc định vào Giang mất rồi . Bây giờ cả đại đội hễ ai gặp Giang cũng chú ý nhòm sau lưng xem  có còn cái xẻng không . Suốt cho tới ngày đi chiến đấu Giang vẫn đeo cái xẻng sau lưng một ngày dễ đến 14 tiếng  và Giang đương nhiên được gọi là Giang xẻng . Vào chiến trường Tây Nguyên Giang cũng vẫn là Giang xẻng .
Bây giờ Giang ở đâu , nếu đọc được chuyện này gọi điện cho mình nhé : Số máy của mình : 0976582742 . Cứ gọi rồi khắc nhận ra tên nhau
                * *   *
                            *

Logged
nguyentrongluan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1246


« Trả lời #31 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2012, 01:40:37 pm »

Ấy là chuyện về lính , chứ còn chuyện về chỉ huy thì cũng nhiều không kém . Tất nhiên chuyện về chỉ huy cũng dễ hay và dễ nhớ như chuyện lính tráng mà thôi .
 Người lính tân binh ngày đầu vào bộ đội gặp thủ trưởng nào thì thủ trưởng ấy sẽ trở thành người thầy đầu tiên .
    Chuyện về hai người “ thầy lính “ đầu tiên ấy xa lắc lơ rồi mà vẫn nhớ . Buồn thì ít mà vui thì nhiều , vì có 4 tháng chưa kịp buồn thì đã đi chiến trường . Suốt đường hành quân cứ nguyên chuyện đại trưởng và chính trị viên cũng đủ vui , đỡ nhọc .

Kể về Đại đội trưởng .

Hồi ấy , gọi theo mấy  “đồng chí chị nuôi ” là Đại trưởng . Đại trưởng ơi , em xin về . Đại trưởng ơi y tá bảo lên uống thuốc , rồi ăn cơm mấy cô ẽo ợt bê cơm lên xê bộ éo éo gọi Đại trưởng ơi ...cơm . Vui thế .
Đại trưởng cười , nói giọng thổ Cao bằng thân thiện  : 
-   “ mấy tứa này gần chù gọi pụt pằng anh ,”
 Rồi cười he he nheo mắt nhìn cái Tĩnh đánh hai quả mông tanh tách chạy về bếp . Bê trưởng Đinh văn Bệ ở B1 , hàm chuẩn  uý người tày Lạng sơn thì chê :
-   Cái láo ây loái tiếng kinh chưư .. sói à . ( cái lão ấy nói tiếng kinh chưa sõi à )
Đại trưởng biết , đại trưởng mắng : pậy nào , tồng chí pệ pậy nào . Rồi cả thầy trò cười ngất ngả . Ngày đầu tiên về đơn vị , tập hợp ở sân kho hợp tác . Cán bộ trực ban chạy ra : báo cáo đại trưỏng , đại đội có mặt đầy đủ xin chỉ thị  đồng chí . Đại trưởng lừ lừ : Tủ cái gì mà tủ , tôi lếm nhanh tược có trăm hai . lói dối thế thì ti chín tấu làm sao tựơc . trung đội trưởng trực ban ứ ứ rồi im thít .
Một hôm , ngoài thao trường 209 ( thao trường 209 là  khu doanh trại của E209 sư 312 cũ ở đầu dốc Vai có mấy cái nhà 2 tầng  để học đánh vào thành phố ).
Lính tập hợp thành vòng tròn , đại trưởng hạ khoa mục . Nào là khi vào thành phố , đừơng xá nhằng nhịt , người đông , dễ lộ , nhiều dây điện nhùng nhằng...v.v . đại trưởng nói :
-   ... Các tồng chí đừng có tởng ,vào thành phố ló khó lắm chớ , chết nhơ chơi à . xe cộ ló ti tối mắt à , dây địn ló nhiều như ... ( các đồng chí đừng có tưởng vào thành phố nó khó lắm chứ , chết như chơi à , xe cộ nó đi tối mắt à , dây điện nó nhiều như...) đại trưởng ngó quanh đang tìm cái gì để ví cái sự nhiều của dây điện , chợt ông nhìn  ra mấy bụi tre mắt sáng lên :
-   ...dây địn nhiều như lá tre à .
Thế là cả đại đội cười phá lên , tưởng đại trưởng cáu . Nhưng không  , ông ấy đỏ mặt lên rồi cũng cười phá lên . Cười ngặt nghẽo , và thế là chiến sĩ nào cũng nhớ dây điện trong thành phố là ... Rất Nhiều .

Chuyện về chính trị viên  ( khó kể hơn )
Trung úy Vũ Văn Mấu quê Phủ lí . Năm ấy cũng đã 28 tuổi . Đã từng đánh nhau ở Lào vì thế ông rất hay kể chuyện về Lào , và theo ông ấy thì Lào cũng giống như người Tày nên cứ ai người Tày  ở đại đội là ông ấy yêu quí (trừ đại trưởng ra )
    Tuần có 2 ngày sinh hoạt đại đội thì cả hai ngày Chính trị viên cầm chịch . Tư tưởng mà lị . Ông  rất thận trọng với đám lính ngộ chữ này nên không mấy thiện cảm . Ông ấy lệnh mỗi trung đội tháng ra một tờ báo tường . Thôi thì 4 Bê báo tường đẹp ơi là đẹp , đủ cả văn , thơ , nhạc , hoạ , chuyện tranh truyện cười xanh đỏ vui mắt lắm . Nhưng ông chỉ dò tìm những cái tên của mấy chú tân binh Phú Lương người Tầy bổ xung . ( số là trong đại đội tôi có 7 người là dân tộc Phú luơng bổ xung về sau ) Còn như Ngô Thịnh , Trọng Luân , Triệu Bình , Mạnh Tiêu , thầy Kim Long , Thầy Huấn , cả anh Thiệp Hải Phòng là cây văn hoá cũng  đừng hòng nhé . Thơ á , vẽ đẹp á , chả là gì . Một lần , ông dò ra bài thơ  “đào hầm “ của binh nhì Ma văn Mát .
“ Đào hầm mỗi ngày một lần / đào hầm mệt lắm/ nhưng căm thù giặc sài lang / mồ hôi ướt áo chẳng cần . ”
Các bạn đừng cho là tôi bịa nhé , chính tôi làm tờ báo ấy đấy . Trong cuộc sinh hoạt tiếp theo , chính trị viên gọi Ma Văn Mát lên . Ông bắt tay , khen ngợi rồi hỏi :
-   Đồng chí đào hầm bằng gì .
Mát trả lời :
-   bằng cuốc chim . Vì hắn có cái cuốc chim .
Chính trị viên khen tốt lắm , thế chứ ! cuốc chim là vũ khí diệt mĩ đấy . Cái cuốc chim của đồng chí không kém gì cái xẻng của đồng chí Giang . Đồng chí viết như thế là toát ra từ đáy lòng căm thù giặc , đồng chí phải báo tin về cho gia đình  thành tích của mình và phải căm thù giặc hơn nữa rồi động viên bố mẹ cũng căm thù giặc trồng nhiều khoai sắn .
Tối hôm ấy tôi thấy Ma Văn Mát hí hoáy viết thư tới khuya lắm .
Hôm sau mình hỏi : sao mày viết là giặc sài lang . Nó bảo thằng nào đểu cũng là sài lang tất . Tôi chịu nó . Mà tôi cũng chẳng hiểu sài lang là gì .
Trung uý Mấu chọn liên lạc riêng cho mình là binh nhì Lí Trọng Nghẻ . không phải là Nghé đâu nhá . Nhưng ông ấy cứ gọi nó là Nghé . ông ấy bảo gọi thế cho nó hiền lành gần gũi nông dân mình hơn . Lí do nó là người dân tộc . Công nhận nó hiền , khoẻ , thật thà . ông ấy thích lắm . Hiền , thật thà , khoẻ là tiêu chuẩn trước tiên để chọn liên lạc và công vụ của các thủ trưởng  . Có điều thằng này nghiện thuốc lào dã man , mà chính trị viên thì không hút thuốc . Suốt ngày kè kè bên thủ trưởng , đến  giờ nghỉ nó nhào ngay xuống bếp anh nuôi hút một điếu phê quá ngã ngửa ở sân gần bụi chuối  đúng lúc trung uý Mấu đi xuống . Chính trị viên há hốc mồm nhìn chú liên lạc của mình nằm ti hí mắt , hiền từ nhìn thủ trưởng . Nó cứ nhìn trung uý Mấu mà không dậy nổi , ở đôi mắt đang nhìn thủ trưởng với một phần hai con ngươi lăn ra hai giọt nước .
Sau lần ấy ông Mấu cho phép nó được hút thuốc lào tại C bộ , nhưng mỗi ngày 4 lần chia đều ra hai buổi .
Chúng tôi vào lính thì đã có sẵn 4 cô Chị Nuôi rồi . Hai tháng sau lại bổ xung 2 cô nữa.  Mỗi khi mấy cô chị nuôi mặc cái áo lót đông xuân nữ màu trắng đi giặt về là tụi mình khoái lắm . Em nào cũng binh nhất nhá , bọn mình thì binh nhì . Nhưng các binh nhì cứ dán mắt vào mấy bộ ngực hiên ngang của cấp trên . Cấp trên cũng tạo điều kiện cho cấp dưới bổ túc mắt và tỏ ra thông cảm với những cái cổ họng đang chạy lên chạy xuống . Chính trị viên cáu lắm , còn đại trưởng thì cười hi hí :
-   chúng mày coi chừng à  mấy tằng sin viên là nó tĩ lắm lố ( chúng mày coi chừng à mấy thằng sinh viên là nó đĩ lắm lố ) . Cả tiểu đội nữ gọi đại đội trưởng là “đại trưởng ” nhưng tịnh không cô nào dám gọi chính trị viên là “Chính viên ” hay “  trị viên  ” bao giờ cả .

   Rồi chúng tôi đi B . Cả đại trưởng và chính trị viên dẫn quân vào đến  trạm 5 Trường sơn thì chia tay chúng tôi để quay ra bắc  . Hôm ấy đúng vào 30 tết . Cả hai ông xuống từng võng bắt tay và ôm từng người chiến sĩ của mình . Bốn tháng ở bên nhau , biết bao chuyện lặt vặt vui buồn mà chỉ có đời bộ đội mới nhớ được nhiều về nhau đến thế . Trong bóng đêm Trường sơn , tôi vẫn cảm nhận ra hai ông ấy trào nước mắt .



 chuyện về tiểu đội anh nuôi

Trong đại đội đầu tiên của tôi ở Bắc thái có một tiểu đội tôi thích nhất . Từ  A trưởng đến chiến sĩ đều rất đẹp , ai nhìn  cũng thích . Họ lại trẻ , lại ngoan , hơn một trăm con người đều thích chẳng cứ tôi . Đó là tiểu đội nữ anh nuôi .
   Hôm đầu tiên về đến đơn vị đã thấy một thím ra đón mặt tươi như hoa , cười nói rộn ràng . Xe vừa dừng dưới luỹ tre ( lối đi vào Cbộ sau này ) thím ào lại đưa đây em xách hộ , nào đưa tay em đỡ mà nhẩy xuống . Thật ngỡ ngàng có cô gái xinh mà thân tình đến thế . Cánh cựu Sinh Viên đang chộn rộn tâm hồn vì mới mặc quân phục có vài tiếng đồng hồ cũng dịu lại và cái thằng đàn ông trong con người mình đánh thức mình nhìn chằm chằm vào bộ ngực nở nang của thím
Sáng hôm sau . Bữa cơm đầu tiên của chúng tôi . Thôi thì khỏi phải nói có bao nhiêu nụ cười của các thím đều mang ra dùng hết . Một sào đất người rặt những người có học , mặt mũi tinh khôi , tâm thần mộng mị đứng xếp hàng ở sân nhà ăn để các thím điểm tâm . Không giống như đợt quân trước đó đi từ làng quê mười bẩy mười tám tuổi mặt bấm là ra sữa . Cánh lính này nó cao to , thư sinh mà chú nào cũng ngoài 20 . Vừa cứng cáp , vừa e lệ kiểu cáo già vừa ngây thơ như con sói cô đơn . Các thím thích lắm . Phải nói là các thím thích thật  . Chỉ ba ngày sau , lí lịch nữ quân nhân nhà bếp này chúng tôi ai cũng thuộc . Thuộc nhất là Mạnh Tiêu khoá 4 và Ngô Thịnh khoá 6 . Không hiểu sao chúng nó lấy thông tin ở kênh nào mà Thịnh tồ ghé tai tôi nói nhỏ : “ A trưởng Tĩnh máu lắm đấy “
Gọi là tiểu đội nhưng ngoài hai nam giới luống tuổi có 4 cô thôi . Tĩnh , Hà , Xuân , Phiến . chỉ có Phiến là người Cao bằng , còn ba cô đều dân  Đất tổ Vua Hùng . Máu là phải .
Vào đơn vị 15/9 ngày 21/9 đã phải phục vụ địa phương chương trình văn nghệ tết Trung thu . Tối hôm ấy , trăng lên vượt qúa luỹ tre , cả đại đội ngồi kín sân kho hợp tác xã với độ trăm người vừa trẻ con vừa người lớn nghe các chú tân binh hát múa . Đã lại sức sau một tuần thay đổi trạng thái lại đang bừng bừng nhiệt huyết  , tối ấy các chú hát hay mê man . Các nam phụ lão ấu vỗ tay cũng dã man . Cả tiểu đội chị nuôi long lanh ánh mắt . Từ ngạc nhiên chuyển sang thích thú rồi đến thẫn thờ nhìn các chú lính SV đại học cơ điện . Thằng Tiêu rỉ tai mình : tấn công đi , thằng Thịnh vỗ nhẹ vào vai mình : được đấy . Tôi nghe mà ù cả tai , chưa kịp phản ứng gì đã thấy thằng Ngô Thịnh sán vào em Tĩnh  hai đứa tình tang mỗi đứa túm một đầu cái thang khiêng đi trả . Sớm hôm sau khi ra nhà bếp thấy Mạnh Tiêu rười rượi đăm chiêu trong khi Ngô Thịnh vừa xếp hàng lấy cơm vừa hát “ Rà pô ta u nát sờ nái ia ...” ( bài Ca Chiu sa )
Sau này cùng tiểu đội trinh sát D8 E64 ở chiến trường hai thằng vẫn cãi nhau cái vụ đêm hôm ấy . Cho tới bây giờ không ngã ngũ , dù cả hai đã già cóc kẹ .
   Tiểu đội nữ này họ đặt câu hỏi : Sao đợt lính này không ăn bánh mì ? sao họ chỉ thích chè đặc cà phê ? sao họ ăn uống không hộc tốc như các đợt quân khác ? sao họ hay đi sửa quần áo thế ?..Vân vân và vân vân . Nhưng chỉ có mỗi câu mà họ không hỏi . “Sao họ hay  rủ bọn mình ra bờ ruộng lúa tâm sự thế ? “
Hai tháng sau bổ xung thêm hai cô người Tầy Cao bằng .Trong hai cô có Hoàng Thị Làn người Cao bằng tuổi 18 trắng phau phau . Làn nói tiếng kinh chưa sõi . Nhưng yêu thì cần gì phải nói . Mình thích cô ấy thật . Nhưng chưa bao giờ dám rủ Làn ra ruộng lúa như bọn thằng Thịnh , thằng Cảnh khoá 5 khoa Chế tạo Máy  . Những tối đi sinh hoạt  về , Làn đi theo mình tới cổng . Hai đứa cấu nhau cái rồi Làn chạy đường Làn mình chạy đường mình .
Một hôm . Trời mùa đông nhá nhem . Làn rửa soong nồi ngoài giếng . Tôi xoay xoay cái bát B52 giả vờ đứng bên hỏi han . Thấy Làn ngẩng lên :
- Em puồn lắm .
-   Sao Làn buồn
- Anh Thì B1 anh ấy pảo : Làn ơi sao mày iu cái thằng ten như cột nhà chái ?
Trong nhá nhem mùa đông mà mặt mình cũng nóng ran lên , vừa buồn cười vừa tức , mà lại thương Làn . Hôm sau đi thao trường gặp thằng Thì thấy nó nheo nheo nhìn mình . Vào chiến trường đến Kon tum thì nó đi đơn vị Kĩ thuật xe trên B3 . chẳng biết cái thằng  “tình địch “ của mình còn sống hay chết .
Trước khi đi B độ một tuần . Một hôm chừng chín giờ tối tôi nghe Làn gọi ngoài cổng . Chạy ra , Làn nấp vào hàng dứa tây ngõ nhà chủ dúi vào tay tôi một gói lá chuối mềm mềm , kéo vội tay tôi cắn một cái rồi vùng chạy . Tôi đứng nghe chó trong xóm sủa râm ran kéo dài về phía C bộ . Tôi trở vào giở gói lá chuối hơ lửa  thì ra một đùm thịt lợn luộc . Nấp sau cánh cửa dưới bếp nhà chủ , tôi nhìn ra trời sương lạnh đầu đông Bắc thái . Làn thương lính đói , thương chúng tôi xắp ra trận , hay ... tình yêu của trai gái thời chiến tranh đơn giản vậy thôi ? Hay tôi ngộ nhận . Và , mãi mãi về sau tôi không bao giờ có cảm giác giống như thế này nữa .
Ngày đi chiến đấu . Từ sáng tinh mơ , bếp đại đội bộn bề soong chậu nồi niêu chồng đống không ai rửa . Tất cả tiểu đội nữ anh nuôi ôm nhau nép vào nhau đứng ngoài bờ ruộng nhìn vào sân kho nơi chúng tôi xếp hàng nhận mệnh lệnh hành quân đi vào Nam . Họ khóc . Họ khóc nhiều như những người thân của lính . Gọi nhau , chạy ra chạy vô , dúi vào tay lính những cái khăn Musoa , vài viên thuốc cảm , lọ dầu . Rồi chúng tôi hành quân ra đồi thông gần ga Lương sơn. Cả tiểu đội nữ anh nuôi đi theo . Đi bên cạnh , lúc đầu hàng lúc xuống cuối , vừa cười vừa khóc . Hôm ấy trời lạnh . Má Làn đỏ rực , cái màu  má đỏ của cô gái vùng cao ám vào trong tôi từ ấy . Họ không được tới chỗ chúng tôi . Đứng bên kia đồi thông Làn gọi  :  Anh ơi tặng em tấm ảnh anh ơi . Bấy giờ tôi mới nhớ là chưa tặng em cái gì . Tôi lội bờ ruộng rạ chạy sang đưa cho em tấm ảnh bé như con tem chụp ngày đầu vào lính . Làn buông tay đồng đội đang léo xẹo vào nhau ùa lại : anh đi rồi về anh nhé .  Tôi chạy quay trở về , đàng sau là tiếng cô Tĩnh , cô Hà , xuân ...và tiếng Làn ngọng líu lo gọi tên mình  .
   
   Bốn năm chiến trinh , chúng tôi không có một kiềng đóng quân cố định . Lê từ hầm này sang hầm kia từ vùng núi này qua vùng núi nọ . Thư từ chả có điều kiện mà gửi , nhận thư vào lại càng khó . Trong cái đại đội tôi hàng mấy chục người không còn trở về . Mấy chục người mang mảnh đạn trên thân thể . Tôi may mắn qua nhiều chiến dịch mà vẫn còn lành lặn . Ngày trở về , Bắc Thái nghèo xơ xác , bộ đội không còn đông như ngày xưa , khiến xóm làng đìu hiu hơn . Sư đoàn 304B cũng chuyển đi đằng nào , chẳng còn phiên hiệu nữa . Tiểu đội anh nuôi gái của tôi trôi nổi về đâu ? không ai rõ . Chẳng biết số phận các em thế nào ? Một thời các em hiến tuổi trẻ của mình vào lính , một thời các em yêu thương người lính bằng tình yêu nguời em gái , người chị lo anh trai em trai bát cơm miếng nước .

Trở về đâu ? thân gái cứng tuổi giữa vùng quê khốn khó ? Có đủ sức vượt qua cái thời đói kém những năm 80 của đất nước mình hay không ? hả các em
Bây giờ ai ở thị thành  ? ai về thôn dã ?   ai thành bà già áo chàm ở miền núi đồi nào tít Cao bằng , Lạng sơn , Phú thọ ? Tôi cứ hình dung ra ở một nơi xa lắm một bà già ngồi bần thần giở hộp huân chương cũ trong chiêù mưa buồn trên nhà sàn xa ngái , mắt long lanh trẻ lại , nhớ một thời đã từng là bộ đội chống Mỹ ở Bắc thái xa lắc lơ . Trong mớ huân chương cũ ấy có tấm ảnh tôi ngày xưa ...nhỏ xíu , ố vàng /


Hoàng Cầu mùa hè 2011
  Nguyễn trọng Luân 






   

Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #32 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2012, 04:22:20 pm »

Chào bác nguyentrongluan, "cái pộ tội kể chụn hay lắm vớ". Đúng là chất sinh viên khoác áo lính không lẫn đi đâu được. Những câu chuyện đơn giản nhưng vẽ được chân dung một thời. Giản di nhưng đậm đà tình người và vẫn còn nguyên chất tếu và chất trẻ thời đôi mươi gian khó của một thế hệ đàn anh.

Cám ơn bác và mong bác tiếp tục.
Logged
HaHoi
Thành viên
*
Bài viết: 513


« Trả lời #33 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2012, 05:36:45 pm »

Chào bác @nguyentrongluan,
chuyện bác hay quá! đọc thú vị quá, như được xem bộ phim ngắn của một thời xa vắng.
Bác ruột em là hiệu trưởng trường bác những năm đấy đấy, ông anh trai cả con bác em cũng vào TN rồi B2 từ năm 71, mãi năm 88 mới ra quân.
Chúc bác gõ bàn phím đều tay cho lớp trẻ như em và các đồng đội của bác được biết thêm các câu truyện lính của các bác nhé.
Logged
behienQYV7C
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1482


« Trả lời #34 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2012, 07:37:19 pm »

Rồi tôi về chiến đấu ở Củ chi . Tôi náu quân ven sông sài gòn . Lục bình trôi ngàn ngạt , hoa tím loang mặt sông . Tưởng như màu tím hắt cả lên trời . Rồi những đồng đội tôi mấy trăm người hi sinh sáng 29/4/75 ở Căn cứ Đồng Dù lại nằm ở ven sông Sài gòn . ( Nghĩa trang An nhơn Tây ) .
Vợ chồng tôi quay lại Củ chi . Tôi lại ám ảnh cái màu hoa tím Lục bình trên sông Sài gòn .
Có hai thứ hoa đều là hoa dại mà tôi rưng rưng nhớ , rưng rưng yêu .
HOa quì dại
Hoa lục bình trên sông Sài gòn


Chào anh nguyentrongluan, BH rất xúc động và trân trọng những tình cảm anh dành cho đồng đội của mình. Nhà BH cũng ở An nhơn tây, Củ Chi và ở ngay cạnh nghĩa trang liệt sĩ An nhơn tây , tại đây có trên 10.000 mộ liệt sĩ , ngày xưa còn nhỏ đi học , cứ lễ tết là trường BH tổ chức lên đây làm có và thắp hương cho các anh . Mỗi ngày BH và các bạn đi làm về đều leo lên trên đài tưởng niệm đùa nghịch , ở đây vừa sạch sẽ vừa lộng gió , nên đám trẻ con rất thích . Nhà BH cũng ở cạnh bờ sông Sài gòn , BH sẽ post hai tấm ảnh BH chụp ở bờ sông Sài gòn cho anh xem để nhớ về một thời sống và chiến đấu cùng các đồng đội trên mảnh đất thép này.

Đây  là một đoạn bờ sông sài gòn ở ruộng nhà BH, xa xa bên kia là xã Thanh tuyền , Bến cát , Sông bé là quê anh Thai88 . Bên tay phải sát bờ sông có một lùm cây đủng đỉnh ( loại cây hay trang trí đám cưới hoạc lễ tết ) , năm 1979 mới về quê BH thấy ở đó có 3,4 bao cát đựng trong bao chỉ xanh chồng chất lên nhau , BH hỏi Ba “ ai để mấy bao cát này ở đây vậy Ba ?  “ , Ba BH bảo “ chỗ này chắc ngày xưa các chú phục ở đây để đánh tàu địch “  . Ngày xưa cây cối rậm rạp lắm , còn bây giờ nạn hút cát làm nó tiêu điều thế đấy anh ạ .



Đám lục bình trôi trên sông, xa xa về phía trái hình là khúc đoạn sông đổi hướng quanh chảy về Dầu tiếng , Sông bé . Anh có thấy đám lục bình trôi đầy sông không ? ngày xưa bộ đội muốn sang sông cũng nhờ nó đấy anh . Ngày còn nhỏ BH cũng vì thích màu hoa tím của nó mà bị ăn đòn mấy lần , hihi , vì tội lội xuống hố bom hái hoa lục bình .



BH xin tặng anh 2 câu thơ .

Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong

Thời gian rồi cũng phai mờ tất cả , chỉ mong tình đồng chí và chất lính trong các CCB mãi không thay đổi .




« Sửa lần cuối: 13 Tháng Giêng, 2012, 07:57:52 pm gửi bởi behienQYV7C » Logged

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy ta có thêm ngày nữa để yêu thương
behienQYV7C
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1482


« Trả lời #35 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2012, 07:41:31 pm »

Đọc bài của anh nguyentrongluan BH nhớ anh em đồng đội học quân y chung với BH lắm, cũng tính cách chân thật, vô tư và có khi dại khờ của tuổi trẻ . Cách viết của anh đơn giản, mộc mạc nhưng mang nặng tình cảm với những đồng đội và một thời tuổi trẻ đã qua, cám ơn anh về những bài viết thật xúc động .
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Giêng, 2012, 12:02:21 am gửi bởi behienQYV7C » Logged

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy ta có thêm ngày nữa để yêu thương
behienQYV7C
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1482


« Trả lời #36 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2012, 08:18:42 pm »

Mà hồi ấy rẫy của đồng bào có nhiều loại quả đắng ghê gớm: dưa đắng, mướp đắng, cà đắng...! Cái vị đắng của dưa "đồng bào" các bác cố nhá được. chứ bob tui không tài nào nhá nổi. Vị đắng đậm đặc đến nỗi: mới nếm thử phải nhổ ra ngay, rồi súc miệng mãi vẫn chưa hết vị đắng.

BH nhớ có loại khổ qua rừng ( ngoài bắc gọi là mướp đắng ) quá nó to chỉ bằng ngón chân cái, nghe nói ăn có thuốc , nhưng mà nó đắng ăn không nổi , hihi , đắng chắc như kí ninh vậy , nấu xong có khi phải đem đổ vì đắng quá .

« Sửa lần cuối: 13 Tháng Giêng, 2012, 08:29:30 pm gửi bởi behienQYV7C » Logged

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy ta có thêm ngày nữa để yêu thương
nguyentrongluan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1246


« Trả lời #37 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2012, 10:56:41 pm »

tôi cám ơn những đồng đội một thời đọc những bài viết của tôi /
tôi cám ơn những ai chưa từng qua đời lính mà lại đồng cảm được điều tôi viết .
tôi cám ơn trang QSVN này .
Tôi hi vọng đây là nơi giãi bầy tâm sự của một đời người làm chiến sĩ . chứ không sa đà học thuật chiến tranh
tôi muốn rằng tôi mãi mãi trẻ trung như ngày tôi mới vào bộ đội
Logged
svailo
Thành viên
*
Bài viết: 1129



« Trả lời #38 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2012, 11:56:33 pm »

  ***************88
 Anh NguyenTrongLuan viết hay lắm . Rất lính .
 " Tĩ lắm lố " mà không ... thô - Tuyệt !
Logged
phuonglinh
Thành viên
*
Bài viết: 7


« Trả lời #39 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2012, 12:18:48 am »

Trích dẫn
Rà pô ta u nát sờ nái ia ...” ( bài Ca Chiu sa )
Bài này không phải Ca chiu sa đâu bác. Đó là bài Песня о тревожной молодости - Thời thanh niên sôi nổi:
Забота у нас простая,
Забота наша такая:
Жила бы страна родная, -
И нету других забот.
<a href="http://www.youtube.com/watch?v=s-j4qJ9J6qU" target="_blank">http://www.youtube.com/watch?v=s-j4qJ9J6qU</a>
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM