Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 27 Tháng Năm, 2024, 01:48:19 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vùng biên ải  (Đọc 81360 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #150 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2010, 08:03:19 am »

XI
 

Lồ quả là một tên láu cá và có thiên bẩm về chiến trận. 

Bàn bạc trong ban tham mưu đã thống nhất: cả bọn sẽ rút lên núi Chè Can Chư Sủ rồi từ đó chia ba ngả: Lồ rút về quê hắn ở Lao Pao Chải, Lùng về Hầu Thào, còn Xì Xám Mần và A Linh về đóng ở một thôn sát đường biên giới, tạo thế chân vạc; nhưng hắn lại bí mật tính toán đường đi nước bước riêng. Sáng ngày khởi sự, đợi cho Mần và A Linh lên đường, Lồ cho Lùng đi theo một con đường rừng song song  với đường bọn kia đi, cũng là lên núi Chè. Như vậy, một mũi tên sẽ bắn trúng hai đích. Bọn A Linh và Mần sẽ thu hút sự chú ý của Việt Minh. Bọn Lùng cũng có nguy cơ bị Việt Minh phát giác. Trong khi đó, hắn sẽ ung dung tìm kế thoát thân. 

Lồ đã lừa được Mần, A Linh, Lùng và lừa được cả Đắc. 

Và bây giờ Đắc lại bị Lồ lừa lần nữa: Lồ không lên núi Chè. Đường ở chân hắn. Nơi chân người khác e dè, chân hắn không biết nề hà; hắn luồn lách theo bờ sông Chảy. 

Ngày thứ hai, vượt khỏi vòng vây của du kích, đám quân của Lồ chia thành từng tốp nhỏ, như người đi chơi, đi chợ, thong dong trên những con đường mòn, qua các làng Hmông nhỏ, trở về Lao Pao Chải. 

Lồ cũng theo những tốp ấy. Trên lưng ngựa, cùng với Seo Say, hắn xuyên qua các cánh rừng, những ngọn núi vắng bóng nhà.

Ngày thứ ba, hắn đã ở trên con đường nhỏ về làng quê. Seo Say thôi không nắm đuôi ngựa nữa. Lồ bế nàng đặt lên trước hắn và giật cương cho con ngựa đen phất đuôi phơ phởn, thong thả bước trên con đường quang. 

Quả thật, lúc ấy Lồ như cởi hết cơn giận và buồn phiền. Trời như phụ hoạ với hắn, bừng nắng sớm và ở phía quê hắn, những vệt mây óng vàng chói lọi giống như những ánh hào quang phất lên đón chào. 

Phấn chấn, hắn huých ngựa. Trong tiếng vó ngựa, máu hắn lai chảy rộn ràng và người hắn lại như bừng lên một nguồn năng lượng mới. Chao ôi! Muôn vàn cái khó đã qua rồi. Hắn đã vượt ra khỏi vòng cương toả, không quay về quy thuận bọn ngoại tộc như mưu kế dẫn dụ của Mần và A Linh. Cái mộng bá chủ thiên hạ của bọn Tàu, Lồ không lạ. Với A Linh, còn chăng là chút dư vị ái ân thuở đã xa.

Hắn lại dồi dào sức lực. Tay hắn vẫn cứng như lời ông nội Lồ Pláy hắn dạy. Ôi, giờ đây hắn mới nhận ra rằng, làng quê, cái nơi chôn nhau cắt rốn của hắn mới thực sự là cái nôi của cả đời hắn. Sao hắn lại bỏ làng quê mà đi? Ngu dại quá! Làng quê, nơi hắn có sức mạnh của dòng họ Châu, niềm tin thánh thần của dân làng, nơi hắn có ông nội xù xì như cái cội gốc của tất cả những ao ước, sức lực. Hắn đang trở về cái cội gốc của tất cả, để rồi lại mạnh mẽ lên, rồi lại lên ngựa ra roi, vung kiếm. 

Con ngựa đen soải những bước dài qua khu đồng hoang, men theo những bãi cỏ hoa cau đế nở xanh thẫm, những triền đồi trắng hoa giềng dại.

- Say à, đừng giận tôi nhé. 

Say ngồi thõng hai chân một bên cổ ngựa, giữa hai cánh tay vạm vỡ của Lồ. Người nàng hâm hấp nóng. Cuộc chạy trốn dường như đã vắt kiệt sức của nàng. Nàng chẳng nói một lời. 

- Ta trừ hết bọn chúng rồi... trên đời giờ chỉ còn có em thôi, Say à.

Gió ngược, mạnh như đập vào mặt ngựa. Bờm ngựa rối tung. Tiếng Lồ trượt trong gió. Hắn thấy lòng chợt lắng xuống dịu dàng, trìu mến và thoáng chút ân hận. Khoảng khắc ấy thật là hiếm hoi trong cuộc đời luôn luôn căng thẳng, dữ dội của hắn. Hay là vì giờ đây, hắn đã nhận ra sự quen thuộc của cảnh vật bản quê và ngửi thấy hơi hướng mơ hồ của cây hoa bạc hà, mùi cỏ thơm, và chút ký ức về một thời thiếu niên trong sạch chợt thức dậy trong tâm khảm?

Nhưng sự trìu mến của hắn không được Seo Say tiếp nhận. Hắn cảm thấy như thế. Hắn thét một tiếng, ghì chặt cương, ghìm ngựa. Con ngựa tức giận, dựng hai vó lên trời, bổ xuống, đứng lại. Say ngước cặp mắt nhìn hắn đầy vẻ oán trách rồi sập mi mắt. Bờm ngựa và hai cánh tay Lồ như cái đai ép làm nàng nghẹt thở. Nàng quằn quại, cố nén cơn đau dội lên từ gan ruột. Và trong chốc lát, mặt nàng đang nhợt trắng đỏ dần lên rồi tím sẫm lại, thân nàng đang hâm hấp nóng nguội dần rồi lạnh toát. Nàng cố để không tuột khỏi tay Lồ, và cuối cùng nàng bập miệng vào cánh tay Lồ để cắn. Nhưng nàng không còn hơi sức để làm nốt cái việc bộc lộ lòng yêu cuồng dại cay đắng ấy, nàng ật cổ, mép sùi bọt trắng. Nàng đã ăn thuốc phiện lúc sáng nay để chết.

- Trời! 

Lồ rụng rời, tuột tay cương. Nàng Seo Say yêu dấu, người đàn bà cả cuộc đời toàn gặp bất hạnh, những tưởng mãn đời sẽ thờ phụng Lồ khi gắn bó tự nguyện với Lồ, giờ đây biết mình đã lầm, đã lạnh cứng, lăn từ trên lưng ngựa xuống đất.

Kinh hãi và bội bạc, tàn nhẫn, Lồ không xuống ngựa, hắn quay mặt đi và thúc ngựa phi thẳng về Lao Pao Chải. Ngược gió, con ngựa cạn sức rất nhanh. Mặt Lồ ê ẩm vì cát bụi. Qua cổng làng có cái trụ đá cổ xưa, hắn cho ngựa chạy chậm lại và lúc ấy mới thật bàng hoàng. 

“Cái gì vừa xảy ra ấy nhỉ? Hừ, ta chạy ngược gió có một mình. Điềm xấu gì rồi?”
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #151 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2010, 08:21:24 am »

Con ngựa bước uể oải vào làng. Hắn đã trở nên cô đơn, lẻ loi  rồi chăng? Cảm giác ấy càng xâm chiếm lòng hắn vì cái thôn Lao Pao Chải lúc này sao vắng vẻ tẻ nhạt! Thôn họ Châu, vẻ già nua bốc lên từ mỗi nóc nhà mốc meo loang lổ các mảng rêu đỏ. Những đống phân ngựa ẩm, hôi khẳn, mọc những cái nấm trắng hoang dại. Trai làng đâu cả rồi? Trên mình ngựa mấy năm chinh chiến giờ chúng đã bị Việt Minh tóm cổ cả rồi chăng? 

Thắc mắc của Lồ được giải đáp ngay. Cái thôn buồn tẻ bỗng nổi tiếng chân ngựa. Tựa như các thiên binh thiên tướng nhà trời bay xuống, một đoàn hơn chục con ngựa, từ cuối thôn đã ào tới trước Lồ. Thì ra đây là bọn vệ sĩ, sảo quán, quân lính của Lồ mới trở về. Chúng đã làm xong cái công việc là đuổi giạt mấy anh cán bộ Việt Minh đang công tác ở đây đi. Chúng quây lấy Lồ, kể công tích và reo mừng: 

- Na nủ! Na nủ về rồi! 

- Na nủ người trời về rồi!

Na nủ người trời về rồi! Lồ cảm thấy được an ủi. Hắn dong ngựa đi đầu. Bọn trai trẻ trên ngựa chen nhau đi sau. Hai bên đường, người đã từ trong nhà bước ra, đàn ông, đàn bà trẻ con chắp tay lễ hắn. Có ông cụ còn quì xuống lạy hắn. Và ở sân nhà hắn, cờ xanh cở đỏ cắm la liệt như ngày hội, ngày lễ tết. Người đang túm tụm, vây quanh hắn. Hắn nhổm trên mình ngựa, cao hứng, vung tay:

- Pê tu Hmông trang! Anh em người Hmông ta! - Hắn nói như nói với lính dưới quyền, trơn tru, không vấp váp - Ta là người trời cho ngọc, về đây cùng anh em một lòng đánh lại bọn Cộng sản Việt Minh. Ta giữ đất Hmông! Ta giữ quê bản! Ta là chúa đất này! 

Quanh hắn người ta nhôn nhao cười nói. Có một gã gào thật to: 

- Ta đã có na nủ người trời, giờ sắp có phua thay rồi. 

Lúc đó từ trong nhà hắn, có hai người đi ra. Một người già cao lớn, mặt đỏ phừng, mặc áo lanh quần lanh không nhuộm, và một lão béo ú, thấp người, mặt tròn phèn phẹt, nốt ruồi ở cằm loăn xoăn ba cái lông, ria mép nhọn hoắt. Đó là lão Pláy, ông nội Lồ và lão thầy cúng A Đa, lão này trước ở Can Chư Sủ, Lồ mới quen biết ít lâu nay. 

Lão Pláy kéo tay Lồ đi vào hiên. Lão quản ma chắp tay vái Lồ: 

- Tôi biết mệnh na nủ còn trường mà. Nguỵ Diên lừa được cha con Tư Mã ý vào hang Thượng Phương rồi, Khổng Minh truyền nổi lửa, tưởng phen này cha con Tư Mã ý thành tro, khói, thế mà tự dưng trời đổ mưa. Na nủ qua hiểm nguy càng vinh thăng. Na nủ về đúng ngày con cừu, ngày vua Hmông ta ra đây! 

Lồ cau mày, nhìn cái nốt ruồi ở cằm lão béo, bỗng sa sầm, quay đi. “Mẹ nó chứ! Đi đến đâu cũng gặp thằng ngoại tộc!”. Nhưng ý nghĩ đó lập tức bị bật ra khỏi hắn. 

Lão Pláy quay lại, nhìn hắn, bất ngờ.

- Con Seo Say đâu?

Lồ không đáp, cổ thấy ngưa ngứa, khó chịu. Lão Pláy cười hơ hớ, cái cười còn đầy khí lực ham muốn. Người hầu trong nhà bưng ra một chậu nước cho Lồ rửa mặt. Lão Pláy bảo: 

- Ừ, mày nghỉ một tí rồi đi tìm thằng bố mày về đây! 

Lồ há hốc mồm, lão Pláy trợn mắt: 

- Mày không biết nó, hả? Đ.mẹ cái thằng, trồng cây mía hóa ra cây lau. Nó là seo phải, thế mà nó theo mấy thằng Việt Minh. May, chúng mày về đánh, nó chạy vào rừng rồi. Mày đi bắt nó về, tế tao. Tao là vua sắp ra đây! 

Lồ đánh rơi cái khăn xuống chậu nước. Vừa lúc ấy trên trời cao có tiếng máy bay.

*

Hôm sau, hai lần máy bay tới, lượn một vòng rồi bỏ đi. Lồ chạy theo, gào chửi: Đ. mẹ, thằng mũi lõ, mặt mốc nhé! 

Hôm sau nữa, hắn đốt ba đống lửa. Chiếc máy bay tới, vòng quanh, ngẫm nghĩ rồi lại quay đi. Lửa thì Việt Minh cũng đốt được! Dại nhiều lần rồi. Hôm sau nữa, tiếc rẻ, chiếc máy bay lại tới. Lồ trải một tấm lanh ra sân. Máy bay thả xuống một tờ giấy có dòng chữ: “Nếu phải người bên ta thì rải ra một lá cờ tam tài ra sân”. Đào đâu ra cờ tam tài bây giờ! Lồ điên đầu. Nhưng rồi khâu chắp vội vàng, màu sắc nhôm nhoam, cũng được một lá cờ Tây. Nhận được tín hiệu làm tin, máy bay thả xuống một hòm lựu đạn lửa, một tạ gạo, mười cái mề đay.  

Khốn nạn! So với những cuộc tiếp tế trước đây, từng ấy thứ thấm tháp gì. Nhưng Lồ không thất vọng. Hôm sau nữa, hắn có điện đài. Và từ hôm đó, hắn lại hồi sinh. Phơ-rô-pông đã có mặt trên bầu trời Lao Pao Chải. Đức cha đã tìm thấy con chiên lạc! 

Nhưng cái may lại kéo cái rủi đến cho Lồ. 

Lúc này hắn cần giữ kín để xây dựng lực lượng thì chiếc máy bay lại thành tên chỉ điểm tin cậy của Việt Minh. 

Đắc cay vì bị Lồ lừa, đang lùng sục ở dưới sông Chảy, được tình báo báo cho biết tin này, liền điều hai đại đội bộ đội và du kích lên vây Lao Pao Chải.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #152 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2010, 09:30:51 am »

XII
 

Ngày 18-11 - Lão Pláy xưng vua, nhảy từ trên núi cao xuống. Kết quả: xác lão nát bét. Mê muội đến thế là cùng.

Ngày 1-12 - Châu Quán Lồ chạy cùng phó của hắn, Sùng Seo Lùng và năm tên vệ sĩ. Chúng xuyên rừng lên Pha Linh rồi vòng về Cán Cấu. Qua các làng chúng cướp ngựa, gạo, ngô, hãm hiếp đàn bà con gái.

Ngày 5-12 - Lồ qua Hầu Thào, không kéo thêm được một người nào theo, tức giận đốt ba nhà dân. 

Ngày 9-12 - Lồ cướp một thồ gạo của một bà cụ, đang đi trên đường Quán Dín Ngài. 

Ngày 12-12 - Na nủ đến rừng Ô Tô Chải, đói quá na nủ khóc rồi ra bẻ trộm ngô ở nương. Chính chủ nương ngô này kể: đúng là Lồ, mắt chột mà. 

Ngày 20-12 - Lồ và Lùng đánh phọt óc một ông cụ ở La Pan Tẩn vì ông cụ không cho chúng cướp gà. 

Ngày 26-12 - Tôi cùng Tếnh, chú bé Pùa, A Sinh và mấy du kích theo sát Lồ. Tới đây, hắn mất tích. Nghi là hắn vào hang trên núi Chè Can Chư Sủ. Hang này, nghe nói xưa bọn Lử ở. Đường rất khó đi. Chiều qua, Pùa báo: thấy có khói ở chỗ đó.

Đắc gập sổ tay, gài lại quai mũ sắt. Cúi xuống vốc nước sông Chảy rửa mặt, anh nhận ra hàm râu lâu không cạo đã mọc lởm chởm, đen sì một vệt dưới cằm, trên mép. “Hừ, trông cũng ra cái vẻ trường chinh vạn dăm đây!” Đắc mỉm cười, sửa sang lại quân phục. Anh vẫn giữ thói quen ra trận, chiến sĩ phải tề chỉnh, sạch và đẹp. Một lần Chính bắt gặp anh soi gương lúc sắp lên đường, anh ngượng nghiụ. Chính cười: “Sao cậu lại nghĩ đó là tiểu tư sản? Không, chúng mình yêu cái đẹp chứ. Tớ tiếc là không đẹp trai như cậu”. Thật ra Chính đẹp, một vẻ đẹp dịu dàng và mạnh mẽ nhưng được ẩn hết vào bên trong.

Đắc thích vẻ đẹp của mình. Đôi mắt trầm, sắc dưới hàng mi rậm, đen, hai cánh mũi vát lên  làm cái chỏm mũi nhọn chúc xuống như cái mỏ, thật dữ, một cái cằm vuông xanh những chân râu. Vẻ đẹp ấy, với cuộc sống chinh chiến, không phai bạc.

Ra trận lần nào Đắc cũng tươi trẻ và tự chuẩn bị cho mình một quyết tâm: phải giành chiến thắng, dù mình có phải hi sinh. Nhất là lúc này đây, anh sắp đi vào trận quyết định: diệt tên trùm phỉ số một của miền biên ải. Chính đã gọi điện cho anh, nhưng anh khẩn khoản với Chính cho anh được chỉ huy trận này. ừ, anh có thể chết. Nhưng đó sẽ là cái chết đánh dấu một thời điểm của sự phát triển. Chính nói vui: “Ông nói về cái chết đẹp như thế làm tôi cũng muốn chết. Nhưng ông chả chết được đâu. Ông sẽ gặp lại Thuý đấy” - Đắc cười vui mơ hồ. Anh kể cho Chính nghe những cảm xúc của anh lúc anh dự buổi kể khổ của những người lầm đường và bảo: Chết cho con người ra khỏi đời thú dữ là đẹp lắm chứ! Xã hội Hmông đã phân cực. Những tên đại gian ác giờ đây cứ bớt dần số lượng. Vài chục, mười lăm tên, rồi bấy giờ là một. Sẽ phải là con số không (0). Anh đang làm nhiệm vụ thực hiện con số 0 đây. Một con số 0 như vậy, nghĩa là chỉ còn lại một xã hội không còn mầm độc ác!

Vậy là những suy nghĩ đã dẫn Đắc trở về cái khuynh hướng trữ tình mãnh liệt và man mác của anh. 

Nhưng, đại đội trưởng Tếnh đã đeo súng, gọn gàng từ trong nhà bước ra. 

- Đồng chí Tếnh nhận mặt được Lồ chứ? 

- Nó cao lớn, một mắt. Hay mặc quần áo biệt kích. Chân đi hải xảo. Tôi hai lần thấy nó. Năm 1946, nó hành tội bố tôi ở Pha Linh, tôi thấy nó. Vừa rồi, lọt vào Pha Linh, tôi cũng thấy mặt nó. 

Đắc gật đầu: 

- Nó là một thằng có tài đấy. 

- Đồng chí biết nó à? 

- Còn lạ gì! Năm 1946 nó có chân trong chính quyền liên hiệp tỉnh ta. Sau nó phản bội. Nó vốn hư hỏng. Để quốc làm nó hư hỏng thêm. Nhưng nó sẽ chết vì đi ngược chiều gió.  

Mắt đại đội trưởng Tếnh sáng như hai mũi dao nhọn. Đôi mắt ấy đã nhận rõ mặt kẻ giết bố mình, anh trai mình, đồng chí mình. Giờ đây, nó nghiêm trang và sắc lạnh ghê gớm. Đắc hiểu: mối thù riêng bao giờ cũng có ý nghĩa sâu sắc của nó, mặc dù chính Tếnh cũng đã hiểu, anh sống không phải chỉ vì mối thù đó; nhất là giờ đây, anh đã là một đại đội trưởng.

Đắc thắt lại bao súng. Pùa, A Sinh và năm anh du kích Can Chư Sủ nữa đã đến. Họ ăn ngô luộc rồi lên đường. Người dẫn lối là anh phỉ về hàng đầu tiên ở Can Chư Sủ: anh Giàng Seo Giống.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #153 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2010, 09:57:52 am »

*
Phơ-rô-pông, tên sĩ quan già dặn trong nghề, cùng các đại uý, thiếu tá, trung tá, trung tướng, những ác-nu, Coóc-li-đô, Sô-mét, cả trùm GCMA, đại tướng Xa-lăng, con cáo già “không bao giờ đặt thừa một bước chân, nói thừa một lời”, quả đã khôn ngoan khi chọn Châu Quấn Lồ làm con át chủ bài trong cuộc phản loạn và ra sức gây dựng hắn trở thành thần tượng của ý chí Hmông, trước hết là đối với vùng biên giới Việt - Trung, sau nữa là đối với cả vùng tam giác vàng. 

Không phải chỉ vì Lồ gắn bó chiều sâu với dân tộc hắn - một dân tộc có khả năng trở thành tên lính xung kích gác giữ tam giác vàng như dự tính của chúng. Chúng cần Lồ, chẳng phải là chỉ vì vai trò của hắn. Lồ còn được quý trọng vì hắn vốn gốc gác nông thôn, dân dã, xuất thân từ người lính, khoẻ mạnh và quen với mọi cực khổ của chiến trận vùng núi. Hắn thích nghi với đời sống nông dân Hmông. Chỉ cần một vốc ngô, một hớp nước lã hắn cũng sống được. Nằm trong hang lạnh, hắn vẫn có thể ngủ đẫy giấc. Hắn có thể tử thủ ở đất này trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Bọn chủ tên tay sai tính toán vậy, chúng nghĩ đến cả trường hợp cuộc phản loạn bị đánh tan và Lồ chỉ còn lại một thân một mình.

Chúng đã dự đoán đúng. 

Giờ đây Lồ ở trong cái hang đá trên núi Chè cùng với Lùng và hai tên vệ sĩ, một họ Châu, một họ Sùng. Sau một chặng đường trốn lủi, hắn thấy thấm mệt. Mặt hắn xọp lại. Con mắt chột sâu hoắm. Đôi lúc hắn thừ người như nghĩ ngợi.

Thực ra Lồ vốn không có thói quen hồi tưởng. Những ngày hắn mới nổi lên, ngày hắn làm uỷ viên quân sự tỉnh với Việt Minh, ngày hắn phản Việt Minh trở về Pha Linh, buổi hắn thăng quan; mối tình vụng trộm của hắn với A Linh, cuộc sống với Seo Say; thói chuyên chế của lão Pláy, những tội ác, những bước đường gian truân, khốn khó. Hắn chẳng nhớ gì! Hắn không tiếc những thời cơ tốt! Hắn chẳng sám hối vì tội lỗi! 

Giờ đây, hắn chỉ có một ý nghĩ là ngờ vực tất cả và chỉ còn một ý muốn: tìm mọi cách để vượt sang Lào. Trong một chuyến lên tiếp tế gần đây cho hắn ở Lao Pao Chải, Phơ-rô-pông có nói cái ý đó và bảo đã gửi cho hắn cái bản đồ. Giờ đây, nhớ lại, hắn thầm trách A Linh, nhưng cũng chẳng nghĩ ngợi lâu la về việc đó. Đường đi ở chân hắn, hắn cần gì đến tờ giấy ấy. Nghỉ ngơi ít hôm, chuẩn bị xong ít lương ăn đường là hắn sẽ đi thôi. 

Ánh sáng từ ngoài cửa hang lọt vào làm Lồ thức giấc. Lồ mở mắt, nhìn thấy một cái mạng nhện đang rung rinh trên nóc hang. Thoắt cái, một con nhện đen từ một lỗ đá nào đó bò ra. Con nhện đi lại trên những sợi tơ mỏng mảnh. Sao nó đi tài thế? Hắn trố mắt kinh ngạc, khi vút một cái, con nhện thả mình ra giữa lòng hang. Trời! Y như nó nhảy dù! Mà chỉ dính có một sợi tơ mảnh như khói! 

Con nhện làm cho hắn vui. Hắn ngồi dậy, thấy mình cởi trần, liền ập tay che kín nách và quay lại. Tên vệ sĩ họ Châu gầy nhóc đang há mồm cười ở sau lưng hắn. 

- Mày cười cái gì thế?

- Cười... con chuột... 

- Con chuột nào? 

- Nó ở trên nóc hang, cứ thập thò thập thò. 

Lồ mặc áo, miệng làu bàu. Tên vệ sĩ nói thế là ý gì? Ví hắn như con chuột hả? Mắt nó gian lắm. Nó nhìn nách hắn để xem ngọc trời cho, thế mà hỏi thì nó nói lảng. 

Lồ đi ra cửa. Tên vệ sĩ gầy đi theo. 

- Sùng sảo quán đâu? - Lồ quay lại. 

- Ông ấy về bên Hầu Thào. 

- Thật chứ?

- Vâng. Ông ấy về lấy bánh giầy... làm lương ăn đường.

- Còn thằng họ Sùng? 

- Nó cũng theo ông ấy đi. 

- Hừ! 

Lồ ngồi phệt xuống tảng đá ở sau cửa hang. Hắn rút hai khẩu súng ngắn ở hai bên hông xem lại đạn, rút băng đạn ở khẩu tiểu liên trước ngực ngó nghé, rồi lại tra vào. Đó là những vật bất li thân của hắn. Hàng tháng nay rồi, chúng hằn vào da thịt hắn: súng ngắn cọ thành chai ở hông, dây tiểu liên sát thành vệt dày bóng như sẹo ở cổ. Hắn chỉ còn tin chúng thôi. Chúng luôn là tôi tớ trung thành của hắn.

Hắn không tin ai cả. Cả cái tên vệ sĩ của hắn đây nữa. Gã thiếu niên này cũng như Phừ, họ Châu, cũng tự nguyện theo hắn. Nhưng gương Phừ nào đã xa? 

- Bao giờ Sùng sảo quán về? 

Hắn hất hàm, đột ngột hỏi gã vệ sĩ. 

- Tôi không biết. 

Gã vệ sĩ đứng dậy, rồi bỗng nghênh tai, mặt tươi hớn. 

- Có lẽ họ về đấy. 

Có tiếng chân bước ở ngoài cửa hang thật. Gã vệ sĩ định chạy ra. Nhưng, hắn bị Lồ đưa tay giật vạt áo và ngã chổng kềnh trên đá. Lồ nằm rạp xuống, sau tảng đá, chĩa súng ra ngoài cửa hang. 

Gã vệ sĩ bò dậy, khe khẽ kêu: 

- Na nủ Lồ, đúng người mình rồi. 

- Câm mồm! 

- Kìa, đúng họ đang đi vào đấy mà. 

- Câm!

Cửa hang có bóng người. Cái bóng ấy gò lưng thồ một địu nặng. Nó dừng lại nghỉ, rồi dò dẫm bước vào hang. Bỗng... hự! Cái bóng ngã lăn quay, ba bốn cái bánh giầy to bằng cái vành khăn, trắng mịn lăn ra đất. Nó nghển lên, kêu ơ ơ. 

Nhưng Lồ đã chĩa súng vào mặt nó. Nó là tên vệ sĩ của Sùng Seo Lùng.

- Thật là mày không? 

- Thật tôi mà! 

- Đ. mẹ, có dẫn ai đi theo sau không? 

Tên vệ sĩ đứng dậy, cúi đầu, khúm núm. Nó hiểu là Lồ nghi ngờ nó. Giờ, chắc Lồ yên tâm rồi chứ. Nó nhặt một cái bánh giầy đưa cho Lồ. Nhưng Lồ lại lùi về sau, quát:

- Sùng sảo quán đâu? 

- Ông ấy bảo tôi về trước. Ông ấy gặp vợ ông... 

- Nó còn làm gì? 

Tên vệ sĩ cười, giơ tay làm một cử chỉ thô tục. Lồ gầm ghì. 

- Chúng mày lập mưu làm phản ông, hả! 

Tên vệ sĩ sợ hãi giật lùi vào sau tảng đá. Lồ cúi nhặt một cái bánh giầy, nhưng chưa kịp ném cái bánh giầy vào mặt tên vệ sĩ, Lồ bỗng rủn cả hai đầu gối. 

Cửa hang vừa nổ ùng một tiếng tạc đạn.

Và lọt vào lòng hang một tiếng nói trai trẻ Hmông thật dõng dạc. 

- Châu Quán Lồ và đồng bọn.
Các ngươi đã bị du kích Hmông vây chặt, không còn lối thoát thân nữa.
Chính phủ sẽ khoan hồng với kẻ đầu hàng và biết hối cải.
Hãy bỏ súng xuống, và đi ra từng người một, hai tay giơ lên đầu. 


- Hàng cái l. mẹ mày! 

Lồ chửi, lia một băng tiểu liên ra ngoài cửa hang.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #154 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2010, 10:03:04 am »

*
Gần sáng, các chiến sĩ kéo từ trong hang ra ba cái xác chết. 

Đắc, bị đạn Lồ bắn sượt qua cánh tay trái, cầm đèn pin rọi lướt qua mắt hai tên trẻ tuổi, dừng lại ở cái mặt chỉ có một con mắt lành. 

- Thằng Lồ đây! Khốn nạn thân mày. Ơ, sao nó lại còn mở mắt nhỉ? 

Các chiến sĩ du kích xúm lại. Con mắt lành của Lồ còn mở thật. 

Đại đội trưởng Tếnh, người đã nã đạn trúng Lồ khi hắn liều mạng nhảy ra cửa hang, lục túi Lồ, lôi ra mấy đồng bạc trắng, một góc bánh giầy và một nắm lá ngón. Những nốt rỗ huê mờ mờ trên trán Tếnh lặn đi đâu cả, giờ mặt Tếnh như đỏ tía lên. Cha ơi, anh Seng ơi, thù riêng con đã trả được rồi. Cha, anh đừng buồn nữa nhé. Anh Tích ơi, em đã trả thù cho anh được rồi, ở dưới âm, anh hãy yên nghỉ nhé. Nghẹn ngào, Tếnh quay lại Đắc: 

- Bố tôi, khi còn sống bảo: Kẻ độc ác khó chết lắm. Nó hấp hối còn lâu. Giời phạt nó, bắt nó ăn năn với tội lỗi. 

- Vuốt mắt cho nó đi! 

Đắc nói, quay đi, tra súng vào bao. 

Pùa cúi xuống, vuốt mắt cho tên trùm phỉ. Tếnh khoác súng vào vai:

- Anh Đắc à, dân Hmông tôi còn có nhiều người tin là Lồ có ngọc trời cho, đạn không thể bắn chết được. Tôi đề nghị đưa xác nó ra chợ cho dân xem. 

Đắc nghĩ: “Chính dặn: không nên tuyên truyền rộng”. Anh phẩy tay, nhăn mũi: 

- Xác nó bẩn quá! 

Và anh đi xuống dốc núi. 

Mặt trăng mờ đã chìm xuống sau cánh rừng Chè. Phía đông, mây sớm rờn rờn trông như lông chim gáy, rồi chuyển sang vàng mơ như lụa. Bình minh đang lên! 

Đắc đứng lại, thở một hơi dài, rồi tìm cuộn băng băng vết thương. Thế là xong một nhiệm vụ. Thời khắc này thật thiêng liêng. Chấm dứt những náo động, hỗn loạn. Một thế giới cũ đã khép lại. Một thời đại mới vào buổi bình minh. Thật thế chăng? Lịch sử bao giờ cũng có những trang hào hùng và bi đát. Con người chỉ có thể làm ra lịch sử một khi thực sự hiểu biết cuộc sống, nhận thức được tất cả qui luật của nó, đề ra được những phương pháp đúng và lao vào thực tiễn với tất cả nhiệt tình và nghị lực phi thường; nhưng con người muốn làm được điều ấy thì phải có một cuộc cách mạng ở ngay bản thân mình. 

Đắc đi thong thả. Sau anh, du kích khiêng xác Lồ và hai tên phỉ trẻ. Họ giục anh đi nhanh.  Sáng bừng, họ về với thị trấn. 

Khả đang đánh răng, thấy Đắc, mừng rỡ:

- Hoan hô anh Đắc! Hết phỉ rồi! 

- Sao ông biết? 

- Ôi giời! Các làng họ truyền tin, đốt đuốc rầm rầm cả lên kia kìa. Tôi chờ anh về để chính thức báo cáo với anh Chính. Hoan hô quân ta! Anh Đắc ơi, anh cho anh em cuốn dù, nghỉ xả hơi chút chứ, mệt phờ cả rồi. 

Đắc cởi bao súng, bỏ mũ sắt, vui vẻ: 

- Chỉ có dân tộc Hmông là tạm được nghỉ ngơi thôi. Họ đã quá cực khổ. Họ lại có tài năng và đã góp phần xứng đáng. Chỉ có họ đáng được nghỉ. Còn tôi với ông... nghỉ một hôm thôi. À! Điện cho anh Chính đi. Báo cho toàn tỉnh biết, để cùng mừng.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #155 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2010, 10:10:27 am »

XIII
 

Phiên chợ hôm nay đông hơn bao giờ hết. Không có chủ trương của ban cán sự mà phiên chợ như một ngày hội lớn. Dân hơn hai mươi xã từ Can Chư Sủ, Tả Van Chư đến Pha Linh, Lao Pao Chải, lũ lượt chảy từng đoàn, dòng dòng nô nức về dự chợ, dự hội. Bị động, nhưng thật hào hứng, Đắc họp tất cả bộ đội châu, du kích, cán bộ các ngành phân công tổ chức tiếp đón, ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi cho đồng bào.  

Người ta muốn tìm gặp lại nhau sau những ngày chiến tranh nặng nề, dài dặc.  

Người ta đòi phải được xem mặt cái thằng đại gian, đại ác Châu Quán Lồ. Xác Lồ may chưa chôn, được tiêm thuốc giữ cho khỏi thối và đành phải đưa ra chợ, đặt trong một cái lều xung quanh có chăng dây thừng cho dân xem.

Chỗ ấy, đầu phiên chợ, chen chúc những người là người. Ồ, nó có ngọc trời cho đâu. Nó cũng chỉ là con người nhưng hóa thành thú dữ thôi. Người ta cười mai mỉa. Một số người bấy lâu lòng dạ có chút nghi hoặc về cái hào quang phủ quanh Lồ, giờ như giũ ra khỏi cơn mộng mị, ngẩn ngơ một lúc rồi tỉnh. Lịch sử hiện đại mà như cổ tích. Mà giống cổ tích thật: có kẻ ác, có người hiền, có cuộc hành trình gian khó - phải cắt đầu mình, phải đánh nhau với thuồng luồng, rắn lớn - để đi đến đất nước của sự sung sướng! Tấm mạng che cuối cùng đã được mở. Đất nước bao lâu nay bị bọn nửa người nửa quỉ cai trị, nhiều cái xấu xa, dơ bẩn quá, nghĩ mà kinh!

Đến trưa, nơi đặt xác Lồ đã vắng vẻ. Chỉ thỉnh thoảng mới có một bà cụ tới cắm hương để cho hồn nó khỏi trở về quấy nhiễu mọi người. Mọi người còn mải với việc khác.

Chảo thắng cố, mẹt lèng phân, việc ăn uống, việc sắm cày, cuốc, tậu trâu, đổi ngựa, mua lợn giống, đám khèn sáo, đám chọi chim hoạ mi... đời sống ở đó, hệ trọng và vui thú hơn. Hàng nghìn con người xoay tròn trong khu chợ, náo nhiệt, rộn ràng.

Giữa trưa, Na mới từ các thôn lân cận trở về. Theo anh là hơn trăm dân công. Đám dân công đến nhà chị Nhương nghỉ ngơi, uống nước, ăn cơm. Nhương bận tíu tít. Lạnh, hai má chị đỏ như má con gái. Chị đã vào làm việc ở ban phụ nữ châu.

Pao cũng đưa dân công ra châu, đang đi tìm Na thì chợt nghe thấy tiếng gọi. Đứng một lúc, người gọi chen trong đám đông mới tới được, Pao giật mình.  

- Cha! Cha đi đâu?  

Mấy hôm nay, Pao không về nhà. Giờ hố pẩu đi đâu mà quàng chăn đỏ và xách túi gạo? Cái chân bị Lử bắn giập xương bó thuốc của bà cụ Doa đã khỏi, nhưng mặt hố pẩu còn xanh nhợt. Ông cụ nhìn Pao, ánh mắt đã giải thoát khỏi nỗi sầu muộn.

Pao chợt hiểu ra, vội nắm cánh tay cha:  

- Cha! Cha không phải đi dân công, cha à.  

- Không... không... - Ông cụ lập bập.  

- Cha ơi, cha không phải thế đâu. Chính phủ tin cha, như tin dân tộc Hmông ta mà.  

- Chào bác Lầu. Chào đồng chí Pao!  

Pao ngoảnh lại:  

- Ơ! Anh Na, chị Nhương.  

- Vui quá, thế là gặp gần đủ mặt - Chị Nhương cười, cầm khăn tay chấm khẽ mắt - Chỉ thương chú Tích, chú Quang Ngọc. À, cô Nguyệt mới về hôm qua, anh Na ạ.  

- Ở đâu thế?

- Khổ! Rơi vào tay bọn phỉ. May có một bà cụ người Dao cứu giúp. Nay như người mất hồn. Chiều qua cô ấy về đây, mặt mày bơ phờ, gặp anh Đắc, anh Đắc bảo anh Khả thu xếp chỗ ăn nghỉ, thuốc thang cho cô ấy. Nghĩ cũng tội!

Quanh bốn người, vỗ đập những sóng âm thanh. Có ai đó vừa thổi sáo, điệu gì quen thuộc quá, nghe như bài Quang Ngọc sáng tác. Pao nghiêng tai, ngẩn ngơ. Anh chào chị Nhương, anh Na, bảo cha về làng, rồi đi.

Pao lên nghĩa trang một lát rồi đi xuống.  

Qua chỗ đặt xác Lồ, thấy mấy lão già đang thổi tù và, khấn khứa, anh dừng lại. Một giọng rền rĩ lê thê đang hát bài Khua kê:

Mình chết thật hay mình chết giả
Mình chết giả thì mình dậy đi...
Lúc này, người và vũ trụ u mờ, lạnh ngắt.


Pao đi vào trong chợ.  

Chợ đông mà Pao thấy bồn chồn, phấp phỏng điều gì rất lạ. Hay là những công việc còn lại đang giục giã Pao?  

Quanh chợ một vòng, Pao về.  

Pao bước những bước hấp tấp. Nhưng ra khỏi chợ thì Pao đi chậm lại. Không gian yên tĩnh quá!

Gió huýt nhẹ. Những ngọn sa mu đung đưa, lay động. Vắng tiếng máy bay. Chiến dịch lớn đang mở ở miền tây làm thằng Tây phải dồn lực lượng vào đấy, hay nó biết Lồ, Lử và bọn phỉ đã bị tiêu diệt, không còn trông mong gì được nữa? Êm ả quá, núi đồi làng bản, lòng người. Bao nhiêu công sức, mồ hôixương máu mới có được giờ phút này. Chẳng có gì được hưởng không cả. Được mảnh ruộng phải vỡ đất, gỡ đá. Đẻ ra được con người còn phải đau đớn. Huống hồ đây là sinh nở ra một xã hội mới. Dân tộc Hmông của Pao vừa trải qua môt cơn thử thách nặng nề. Nhưng có sự lớn dậy nào mà chẳng có trong nó chút ít lầm lạc? Giờ thì chắc là khác rồi. Niềm vui đã trải, nỗi đau đã từng, còn nhiều việc phải làm, nhưng sẽ mới mẻ và sâu xa khác thường.  

Pao dấn bước và lòng bỗng xôn xang.

Bên đường, có tiếng kèn lá gọi.

Chao! Như hôm nào, lâu rồi nhỉ, mà vẫn còn nguyên vẹn vẻ tươi mới: nàng mặc váy áo mới nổi đường thêu, khăn to vành, vòng bạc mới chuốt sáng trắng, dù hồng cầm tay, e lệ và nồng nàn đứng đón anh. Không phải như là câu hát tuyệt vọng nàng mang máng nhớ khi nàng ốm đau mê sảng: “Nơi ấy, cửa nhà trời, ta cầm ô đứng đợi mình”. Nàng đứng đợi anh, ở trên cõi trần này, dưới gốc thông, cùng với một con ngựa vàng. Cảnh đời thực mà như mơ. Sự thể thường tình mà không phải là là thường tình. Nàng dường như phải vượt một chặng đường xa lắm để đến được đây, đợi anh, và hình như đã đợi anh lâu rồi.

Pao dắt con ngựa. Seo Cả đi sau Pao. Cả hai đều không nói một lời, như sợ mất đi chiều sâu im lặng của niềm hạnh phúc chỉ có thể cảm nhận được bằng con tim.

Đi được một quãng, Pao dừng ngựa:  

- Cả à, có mùi gì thơm thơm.  

Cả ngơ ngác, mắt tròn như mắt thiếu nữ.  Đồi núi mướt xanh. Mùa đông, khóm ngải tàn. Khóm ngải tàn rồi khóm ngải lại xanh. Mùa xuân, cỏ ngải bốc dậy làn hương thơm mộc mạc, đậm nồng.  

- Cỏ nó có lòng từ thiện, anh à - Chị đáp khe khẽ.  

Pao gật đầu:  

- Mấy năm toàn mùi thuốc đạn, khói súng, nó trốn đi đâu hết, em nhỉ.  

Seo Cả cười. Chị kêu khe khẽ và sung sướng. Pao  đã quay lại bất thần bế chị đặt lên ngựa.  

“Em đặt cả hai chân vào cái đai cổ ngựa đây. Đừng sợ! Anh dắt!”.  

Anh nói và cầm cương ngựa. Con ngựa ngoan ngoãn đi, móng gõ đều đều trên đường đá.



1975-1980  
Lao Cai - Hà Nội
Sửa lại 8/2002



Hết
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM