Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Năm, 2024, 09:16:41 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 28 ngày đêm quyết định vận mệnh Trung Quốc  (Đọc 79181 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #70 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2014, 02:36:41 pm »

4. TÔI THỬ ĐO TỬU LƯỢNG CỦA NGƯỜI


Thủ tướng của chúng tôi sinh trưởng từ vùng đất thấm đượm nền văn hóa Thiệu Hưng, văn hóa sư gia, cũng là nơi sản xuất loại rượu ngon có tiếng - Thiệu Hưng hoàng tửu, vì thế mà ông biết uống rượu hay do câu “nam vô tửu như kỳ vô phong” răn dạy, điều đó tôi không dám khẳng định, song những câu chuyện về Chu Ân Lai và rượu thì rất nhiều, có thể viết thành một cuốn sách khá dày và luôn luôn liên quan đến hai chữ “Mao Đài”. Hồng quân chúng tôi thường nói đùa, hồi Vạn lí trường chinh, khi qua Quý Châu chiếm được trấn Mao Đài, lính tráng đã uống cạn tất cả mọi vò rượu ở đây, dần dần tạo nên điển tích “uống hết rượu Mao Đài”. Kỳ thực chất lượng rượu Ngũ Lương hơn hẳn Mao Đài, nhưng vì Hồng quân và Chu Thủ tướng không uống loại rượu này, mất đi hai điểm đó, Ngũ Lương đành nhường ngôi mỹ tửu cho Mao Đài.

Chuyện vui cuối cùng vẫn là chuyện vui, nhưng Mao Đài quả đã thành danh trên thế giới và gắn bó với Thủ tướng của chúng tôi, và hồi ấy lúc qua trấn Mao Đài trong cuộc Vạn lí trường chinh, Thủ tướng dùng loại cốc đong được một lượng, uống liền 25 cốc Mao Đài tửu, ông nói với tôi như vậy, sau này nhiều lần kiểm nghiệm tôi thấy đúng.

Vậy xin được kể tiếp câu chuyện tửu lượng của Thủ tướng.

Năm 1940, tôi đảm nhiệm công việc cảnh vệ cùng Chu Ân Lai từ Diên An về Trùng Khánh để dự đàm phán với Quốc dân đảng. Trên đường đi, chúng tôi gặp không biết bao nhiêu là sĩ quan của Quốc dân đảng, sư trưởng, quân đoàn trưởng, Tư lệnh v.v... họ đều tốt nghiệp ở trường quân sự Hoàng Phố, từng là học sinh của Chu Ân Lai, thầy trò cửu biệt trùng phùng, thiết rượu chào mừng, vừa để ôn cố, vừa để thầy giáo cũ của mình tẩy trần sau mỗi chặng đường là đương nhiên và không thể từ chối. Là cảnh vệ cho Thủ tướng, tôi không dám vắng mặt trong tất cả các buổi tiệc và nhận thấy chưa một cậu học trò nào địch nổi tửu lượng của thầy, nhưng tửu lượng bao nhiêu thì vẫn đo không được, có lẽ khoảng 1 cân, ít ra cũng 8 lượng, tôi nhẩm đoán.

Mùa thu năm 1945, cuộc đàm phán Quốc - Cộng nâng lên cấp thượng đỉnh Tưởng - Mao. Khi Mao Trạch Đông vừa đến Trùng Khánh thì 8 giờ tối hôm ấy Tưởng Giói Thạch đã mở tiệc khoản đãi ở dinh quan Lâm Viên, đàm phán bắt đầu từ những cốc rượu. Tiếp sau đó là liên tục yến hội, nào chính phủ Nam Kinh mời, nào các đảng phái dân chủ khác mời, nào đoàn thể nhân dân mời. Mỗi lần tiệc tùng như vậy, mọi quan khách đều tranh nhau chúc rượu Mao Trạch Đông. Lúc ấy Mao - Chu như hình với bóng, Chu Ân Lai sợ kẻ xấu ám hại Mao Trạch Đông, cho nên khi nói chuyện ông lùi sau Mao nửa người, còn lúc ai mời rượu ông lại dành lên trước nửa người và luôn miệng: “Ái dà, Mao Chủ tịch của chúng tôi tửu lượng có hạn, tôi xin thay, xin hầu quý vị...”. Nhìn Chu Ân Lai hết cốc này đến ly khác, hết vòng này đến lượt khác, uống thay cho Mao Trạch Đông, thể như “liều mình cứu chúa”, mắt tôi tự nhiên nhòa lệ, tôi thương ông quá.

Năm năm cùng Chu Ân Lai có mặt trong các tiệc rượu, nghe ông giảng giải về tửu đạo, tôi cũng đã hiểu biết ít nhiều xung quanh chủ đề rượu và uống rượu. Rượu vào có người mặt đỏ, có người không. Người mặt đỏ chưa hẳn là không biết uống, ngược lại người không đỏ mặt chắc gì đã là giỏi rượu, mà phải nhìn vào đôi mắt của họ để phán đoán. Có người càng uống, mặt càng đỏ, mắt sáng quắc như xuất thần, nó năng oai vệ, sang sảng, Chu Ân Lai thuộc loại này. Có người rượu vào, da mặt cũng đỏ, nhưng ánh mắt ảm đạm, thần sắc lúc tán lúc tụ, uống rượu trở thành tra tấn hoặc hình phạt đối với họ, Mao Trạch Đông là như vậy, và ông không bao giờ quá chén “ba ly”. Có người uống khá nhiều nhưng mặt vẫn như thường vì màu đỏ đã được da thịt che khuất, như tướng quân Hứa Thế Hữu chẳng hạn. Còn ai càng uống càng trắng, càng xám, càng xanh, nghĩa là biến sắc ba màu thì không nên ham rượu. Lúc về già, nguyên soái Hạ Long tuy rượu vào, mặt không biến sắc, nhưng Chu Ân Lai vẫn khuyên ông cai luôn “ngọn gió” quyến rũ ấy.

Cùng một người, tửu lượng của anh ta còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, ăn ngủ, tính tình và tâm trạng lúc nâng ly. Trong thời gian đàm phán ở Trùng Khánh, Chu Ân Lai từng thay Mao Trạch Đông nhận chúc rượu, luôn “liều mình cứu chúa”, khi ấy điều kiện sức khỏe của ông thật bất lợi, mất ngủ và phải làm việc căng thẳng, hầu như không được nghỉ ngơi. Vào tiệc, Chu Ân Lai lại bận rộn như ở bàn đàm phán, uống hàng chục cốc mà chưa miếng nào vào bụng, vòng này đến lượt khác, như thể đánh trận vậy. Quả thật, uống rượu cũng giống như ở chiến trường, những người thành tâm như Trương Trị Trung thì không nói làm gì, còn loại ô hợp kia, lai lịch nhân cách nào đâu có biết, lắm kẻ từng giết nhau giữa tửu trường “nam chinh bắc chiến”, và nói chung hai ba đấu rượu lọt xuống bụng rồi thì tà ý hay chân tâm khó mà đoán biết, tất cả đều bốc lên, đều “rượu vào lời ra”: “Mao tiên sinh, lần này trở lại đàm phán, so với giai đoạn trước thuận lợi hơn nhiều, chúc cho chúng ta sớm đi đến hiệp nghị, xin chúc mừng, xin cạn cốc.” “Ân Lai huynh, rượu của Mao tiên sinh huynh gánh dùm uống giúp, còn của bản thân huynh nữa nhé, phải cạn hai cốc, hai cốc...”

“Chu tiên sinh, tiểu đệ xin thay mặt đảng bộ Trùng Khánh, Quốc - Cộng hợp tác mà, hãy xem nhau như đồng sự và cốc thứ nhất xin mời Mao tiên sinh, cốc thứ hai mời hiền huynh Ân Lai.”

Những ngày đàm phán đi vào bế tắc, giữa thỏa hiệp và nguyên tắc, Chu Ân Lai đã tìm được cách đột phá. Phía bên kia cũng lắm kẻ cuồng say vì sự nhượng bộ to lớn của Trung Cộng, nhưng không ít người cay cú do chưa tiêu diệt được cộng sản, tất cả những tâm trạng vui buồn ấy đều thể hiện trong tiệc rượu, trào lên rồi ập xuống sau mỗi vòng cụng ly, cạn chén, cảnh tượng ở tửu trường làm tôi liên tưởng đến biển cả, những ngọn sóng hùng hổ vươn cao như muốn nuốt hết tất cả, bỗng kiệt sức không thể dâng lên hơn nữa, đành đổ nhào xuống mõm đá, vỡ tan thành bọt trắng ngần, lan tỏa ra phía sau, lúc ấy thật yên tĩnh, chỉ còn lại tiếng rào rào của bọt sóng lùi dần, xa dần mà thôi. Cứ thế hết cơn sóng này đến cơn sóng khác, Chu Ân Lai vẫn hiên ngang chống đỡ cho Mao Trạch Đông, mặt ông đỏ ong, đôi mắt sáng quắc, lại thêm hàng mi đen dày càng khiến cho ông oai vũ. Chu lên tiếng:

- Tôi đề nghị chúng ta không nên loạn chiến, bất luận là uống rượu hay đàm phán, đều cần bình đẳng cả. Tôi xin mời tất cả các vị uống được rượu cùng nâng ly, và sau đây thay mặt Mao Chủ tịch kính quý vị 3 ly. - Chu Ân Lai lịch sự, lễ độ mỉm cười, đưa mắt nhìn toàn thể tửu trường, rồi gật đầu: - Vâng, xin quý vị cạn trước cho phải đạo. Sau đó Chu Ân Lai một hơi 3 ly uống cạn, và không quên: - Giờ đến lượt tôi, kính quý vị 3 ly nữa. Và ông giữ đúng lời mời của mình, lại cạn thêm 3 ly nữa, tửu trường lặng sóng, tôi chỉ còn nghe tiếng Chu Ân Lai khẽ nói: chúng ta đâu phải chuốc rượu, cụng ly cạn cốc là vì hữu nghị, không gây khó dễ cho người khác, ai uống được xin cứ tiếp tục đứng dậy kính mọi người 3 ly. Quả nhiên, Trương Quần, Thiệu Lực Tử, Trương Trị Trung thay nhau phát biểu:

- Ân Lai huynh nói chí phải, chúng ta không nên loạn chiến, ai uống được xin mời tự nhiên kính rượu mọi người - Người nào kính rượu liền một lúc phải cạn 3 ly đầy như Chu Ân Lai vừa làm mẫu nên không mấy ai dám cả gan một mình đương đầu khiêu chiến. Tửu trường “im tiếng súng”, tôi nghe văng vẳng bên tai lời nhận xét của tay phóng viên đứng phía sau: “Mỗi một Chu Ân Lai mà đã đánh bại cả Quốc dân đảng trong đêm rượu này”. Tôi thương Chu Ân Lai quá chừng, ông phải làm việc, phải đấu trí ngay cả lúc uống rượu.

Trở về văn phòng ở Hồng Nham, tôi ngửi thấy một mùi toàn rượu từ hơi thở của Chu Ân Lai, tôi quan tâm và hỏi: “Thưa Chu Phó chủ tịch, sao đồng chí không để Mao chủ tịch uống bớt một vài ly cho đỡ mệt?”. Ông ôn tồn đáp lại: “Mình sợ trong rượu có tay chân của địch!” và sau đó Chu lại tiếp tục công việc chuẩn bị cho phiên họp đàm phán ngày mai.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #71 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2014, 02:39:26 pm »

Lần thứ hai ở Vân Nam, cũng một cốc rượu lịch sử, nhưng tình hình hoàn toàn khác với Trùng Khánh. Hội nghị Bandung kết thúc, chúng tôi đáp máy bay từ Indonesia về Côn Minh, cán bộ lãnh đạo quân, chính, đảng tỉnh Vân Nam mở tiệc chào mừng đoàn đại biểu do Chu Ân Lai dẫn đầu thắng lợi trở về. Đêm ấy Chu Ân Lai đã được mọi người chúc rượu, kính rượu và một lần nữa tửu lượng mênh mông của ông lại phát huy tác dụng. Chu Ân Lai không từ chối một ai, cũng như khi ra về ông ân cần bắt tay tạm biệt từng người một, tôi đếm đúng 280 đồng chí tất cả.

Năm 1961, Mao Trạch Đông triệu tập hội nghị Lư Sơn lần thứ hai, Chu Ân Lai được gia đình Dương Thượng Khuê mời cơm. Nhắc đến Thượng Khuê và vợ Dương là Thủy Tĩnh thì bất cứ người nào trong Trung Nam Hải đều biết rõ, bởi vì Dương Thượng Khuê là bậc cách mạng lão thành, từng là trưởng ban tuyên truyền tỉnh ủy khu xô-viết trung ương, sau năm 1949 là bí thư tỉnh ủy Giang Tây. Trung ương mở hội nghị ở Lư Sơn, vợ chồng Dương Thượng Khuê - “quan sở tại” đã hết lòng thết đãi, bày tỏ sự quan tâm, phục vụ. Thủy Tĩnh lúc ấy còn trẻ, ân cần giao tiếp, để lại ấn tượng đẹp đẽ với mọi khách quý đến Giang Tây. Thủy Tĩnh thường giúp anh chị em cảnh vệ, nhân viên cơ quan mối mai nên vợ nên chồng, tiếng lành đồn xa về bí thư tỉnh ủy phu nhân đẹp người đẹp nết này. Ngoài ra, Thủy Tĩnh còn nổi tiếng với tửu lượng của mình, cô đã “hạ gục” một Bộ trưởng chính phủ trong cuộc “đọ sức” trên tửu trường. Hồi đó, trong chính phủ nhiều người biết uống rượu, như bộ ba Thủ tướng, Trần Nghị và Kiều Quán Hoa, hoặc như danh tướng Hứa Thế Hữu 7 lần tham gia cảm tử quân, 9 lần bị thương nặng chốn sa trường cũng “khét tướng” là một trong bốn vị đại tửu ở Nam Kinh, hoặc như Bộ trưởng Liêu Lỗ Ngôn trước khi tàn tiệc ra về còn uống một lúc nửa chai, ông bảo “không nên lãng phí” v.v...

Chu Ân Lai đến chậm vì ông có công việc cần bàn với Mao Trạch Đông, tiệc vui ở nhà Dương Thượng Khuê và Thủy Tĩnh phải chia làm hai, Đặng Tiểu Bình và Lý Phú Xuân dùng trước và sau đó còn đi tham quan một số cơ sở với Dương Thượng Khuê, phần của Chu Ân Lai dành lại, giao cho Thủy Tĩnh đợi khách và thù tiếp. Tôi được Thủ tướng kéo vào bàn tiệc. Thức ăn hôm ấy Thủy Tĩnh khéo bày thực đơn “tứ tinh vọng nguyệt”, bốn “ngôi sao” là các món rau tươi chầu về một “mặt trăng” - thịt xào, kèm theo hai chai Mao Đài. Thủy Tĩnh ân cần tiếp đãi Thủ tướng, hai bên hàn huyên, chén tạc chén thù, và đều biết rõ tửu lượng của nhau. Trước khi ra về, Thủ tướng mới tiết lộ hôm nay phần dự cơm khách, phần để thử xem tài uống rượu của nữ nhi, ông vui vẻ nói: “Thật danh bất hư truyền”, Thủy Tĩnh đáp lại: “Em cám ơn, Thủ tướng lại nhà”. Tôi ngồi cùng Thủ tướng và vẫn chưa đo được chính xác tửu lượng của Người, vì khi tửu ý vừa nhen lên thì cuộc vui đã kết thúc, không rõ ông vừa uống vào giai đoạn nào.

Anh em phục vụ chúng tôi sống và làm việc bên cạnh Chu Ân Lai khá lâu, quan sát và đúc kết ra 3 giai đoạn hay còn gọi 3 đỉnh, 3 cao nguyên trên “tửu lộ” của ông. Cao nguyên thứ nhất, chúng tôi mệnh danh là “phong cảnh tự nhiên”, ở đây chúng ta không có cảm giác rằng Chu Ân Lai biết uống rượu, phần lớn là các buổi tiệc gia đình do chị cả Đặng chủ trì bày biện, ông chỉ uống xã giao, lý do vì sao chúng tôi sẽ kể ở phần sau. Điều đáng chú ý ở giai đoạn này là những lúc cảm cúm, nhiễm lạnh này nọ, Chu Ân Lai không bao giờ uống thuốc, nghe ông gọi “chú Hà ơi, cho tí gì nhé” là tôi biết ngay chai Mao Đài, đĩa lạc rang và cái ly nhỏ. Thủ tướng vừa nhắm lạc rang với Mao Đài, vừa phê duyệt văn thư. Vị thứ tư kèm theo là thau nước ấm ngâm chân, phương thuốc của Chu Ân Lai chỉ có ngần ấy, tam bôi tửu xong, mũi lấm tấm mồ hôi, hắt hơi và đi ngủ thế là lành bệnh. Chu Ân Lai kể cho chúng tôi nghe không biết bao nhiêu câu chuyện về linh dược Mao Đài đã giúp Hồng quân trị bách bệnh trên dặm đường Vạn lí trường chinh, nay về Trung Nam Hải, Thủ tướng vẫn không quên và ưa dùng bài thuốc của những ngày gian khổ ấy. Cao nguyên thứ hai là trạng thái hưng phấn, lúc này đôi mắt Thủ tướng của tôi như có thần, dung mạo tuyệt vời, tư duy mẫn cảm, giọng nói oai vệ, đề tài rộng lớn “trên dưới cũng phải tới 5 ngàn năm, ngang dọc không ít hơn 10 vạn lý”. Đây là giai đoạn làm chúng tôi thoải mái nhất, tám chín lạng vẫn cứ vui mà hai ba cân cũng chẳng hề gì, đó là theo cách nói của dân nước tôi, đo tửu lượng bằng cân lạng.
Cao nguyên thứ ba, đó là say, quả là rất nguy hiểm, phải sau một, hai ngày mới bình phục sức khỏe, lúc này những con sâu rượu hành hạ Thủ tướng tôi, và chứng tôi là những người có lỗi đầu tiên, song xin đừng quở trách, vì tôi vẫn chưa đo được tửu lượng của Người, để biết mà “hãm” lại. Tỷ như lần “cược rượu” với tướng quân Hứa Thế Hữu mà tôi sắp kể dưới đây thì tửu lượng của Thủ tướng thật không ngờ.
Thế Hữu là viên tướng truyền kỳ với nhiều giai thoại, ông lấy việc uống rượu làm một tiêu chí đánh giá lòng trung thành và tính hào hiệp của quân sĩ. Vào thời cực thịnh của Hứa, ông bày trò “thách rượu”, một cái bát và một vò rượu đặt giữa bàn, giúp việc cho ông là viên “giám tửu” có nhiệm vụ kiểm tra người uống trung thực hay giảo hoạt và phạt rượu, sĩ tướng dưới trướng Hứa Thế Hữu đều sợ hình thức uống rượu này, đồn đại thế nào đến tai Chu Ân Lai và Chu đã dùng phương pháp “lấy rượu trị rượu”. Thủ tướng có tài xử lý các mâu thuẫn phức tạp nhất, tùy người mà sử dụng phương pháp khác nhau, ví như Hứa Thế Hữu chẳng hạn, ngoài Mao Trạch Đông ra, ai nói gì ông cũng giả vờ nghe cho xong chuyện, tính nóng như lửa, đến như lão Tổng Tư lệnh Bành Đức Hoài mà toàn quân phải kính nể vẫn cứ nhường nhịn Thế Hữu. Đối với một đồng chí như vậy, đơn thuần phê bình không giải quyết được vấn đề, khuyên ngăn càng vô hiệu, nói nặng nói nhẹ đều như “nước chảy đầu vịt”, song Chu Ân Lai đã nghĩ cách, cách đặc biệt với những người đặc biệt... Nhân Hứa Thế Hữu về thủ đô công tác, Chu Ân Lai phát hỏa “tấn công”:

- Hứa Tư lệnh này, đêm nay có rỗi không? Đến chỗ tôi, ta cùng uống rượu. - Chu mời mọc thân thiết.

- Dạ rỗi, không phải hội họp gì cả. - Hai mắt Hứa Thế Hữu sáng hẳn lên, lâu nay nghe đồn Thủ tướng hay rượu, mấy bận định kết giao bạn uống nhưng chưa có dịp, nay được Thủ tướng mời, thật như cởi tấc lòng. Hứa xoa xoa hai bàn tay với nhau và không biết nên báo cáo với Thủ tướng như thế nào, liền buộc miệng: “Lần sau tôi sẽ tìm cách săn cho Thủ tướng một con báo”...

- Đêm nay - Chu Ân Lai khẽ nói - phạm vi hẹp, chỉ mình tôi và Hứa Tư lệnh, cho nên cứ tự nhiên nhé. Đúng như Thủ tướng nói, không có người thứ ba, có chăng chỉ là nhân viên phục vụ tiếp rượu và thức ăn mà thôi, đến món thứ tư thì đứng sang một bên và án binh bất động.

- Thủ tướng có dịp về Nam Kinh, tôi sẽ mời ăn cơm dã chiến, toàn là thịt săn tại chỗ. - Hứa vui vẻ vào cuộc, còn Chu mỉm cười gật đầu, ông tin như vậy và cũng đã nghe tài săn bắn của Thế Hữu.

- Hứa Tư lệnh, ta uống rượu gì?

- Dạ tùy Thủ tướng chọn.

- Nghe nói đồng chí ưa Mao Đài, mà tôi cũng thích loại rượu đó.

- Dạ, Mao Đài vậy.

- Cho chai Mao Đài. Chu Ân Lai gọi nhân viên phục vụ mang rượu lên rồi chậm rãi hỏi Hứa Thế Hữu: - Nghe nói Nam Kinh có “tứ đại tửu”, là ai vậy?

- Dạ Vương Bình, Giang Vị Thanh, Nhiếp Phượng Tri và Hứa Thế Hữu tôi.

- Trong bốn người ai có tửu lượng lớn nhất?

- Dạ, có lẽ là tôi ạ - Hứa Thế Hữu cười.

- Nam Kinh, Hứa Tư lệnh là số 1, nếu đến Sơn Đông, liệu có được không?

- Sao lại không được ạ? Tôi đã từng đánh khắp Sơn Đông rồi kia mà, còn kẻ nào dám đối địch nữa đâu!

- Tư lệnh nói đánh trận phải không?

- Dạ vâng, thắng trận Tế Nam hồi ấy, Thủ tướng còn nhớ không?

- Nhớ chứ, đánh trận thì tôi tin, còn uống rượu chưa chắc, Võ Tòng 18 bát rượu, người Sơn Đông dữ lắm!

- Ái dà, Thủ tướng cứ tin tôi, lâu nay Hứa này đã chịu thua ai trên tửu trường đâu!

Vừa lúc ấy, nhân viên phục vụ bưng lên một chai Mao Đài còn khằng xi, tự tay Chu Ân Lai nhận rượu đặt lên bàn và bắt đầu chọc tức viên Tư lệnh Hứa Thế Hữu.

- Hứa Tư lệnh là người thật thà mà nghe nói uống rượu lại lắm mưu mẹo.

Hứa Thế Hữu như lồng lên, chửi thề:

- Thủ tướng để tôi đi tìm cái thằng nói láo ấy và cho nó một trận, tôi biết hắn rồi.

- Thôi thôi, mới thế mà đã nổi nóng. Hứa Tư lệnh biết đâu mà tìm. Bây giờ tôi và Tư lệnh hai ta thi nhau, coi ai uống hơn ai?

- Thủ tướng ư? Dạ không được đâu ạ.

- Sao? Tư lệnh chê tôi uống không nổi à?

- Dạ không phải như thế, nếu Thủ tướng chưa tin tửu lượng của Hứa tôi, dạ dám xin cho mời một “đấu thủ” khác.

- Đã uống rượu thì không phân biệt quan to hay quan nhỏ mà chỉ xem tửu lượng ai cao, ai thấp. Đồng chí Thế Hữu, nếu đồng chí không thắng được tôi lần này thì chứng tỏ lâu nay...

- Sao ạ?

- Chứng tỏ lâu nay Hứa Tư lệnh của tôi cũng nói trạng và tán phét - Chu Ân Lai cười, pha chút khiêu khích.

- Dạ vâng, Thủ tướng đã cho phép, thì em xin theo.

Chu Ân Lai mở rượu định rót vào ly cho Hứa Thế Hữu, Hứa vội vàng ngăn lại:

- Dạ thôi, mỗi người một chai tiện hơn.

- Cũng được - Chu Ân Lai gọi người phục vụ - Cho thêm chai Mao Đài nữa đi.

Cuộc tửu thí bắt đầu! Hứa vào ngav 3 ly kính rượu Thủ tướng, ông quay cuồng với quyết tâm thanh minh, rằng Hứa tôi thật thà thế mà có kẻ ton hót lên Thủ tướng phải mang tiếng là “nói trạng”, là “tán phét”, cứ thế lần này 2 ly uống cạn, lần khác 2 ly một hơi, cấp tập rót rót, uống uống. Còn Chu thong thả, vừa nhắm, vừa uống, tận hưởng vị nồng cay của rượu hòa với mùi thơm bùi của lạc, thức ăn mà ông rất hợp khẩu vị, quay sang hỏi han tình hình Nam Kinh, tình hình quân đội, nhiều lúc khẳng khái và cảm động hồi ức lại những chuyện xưa từng vang bóng một thời... Bỗng nghe Hứa Thế Hữu báo cáo:

- Thưa Thủ tướng, dạ cạn xong. Hứa cho chai rượu đặt thẳng đứng vào miệng ly, cả chai, cả ly không còn một giọt. Mặt Hứa chớm đỏ nhưng không nhìn rõ, giọng nói tuy âm vang song có chiều mệt nhọc khó thở, ông nhẹ nhàng đặt chai không xuống bàn, có lẽ vì uống với Chu Ân Lai nên Hứa mới “văn minh” như vậy, và quay nhìn Chu.

- Ồ, thế thì tôi thua Hứa Tư lệnh rồi! - Chu Ân Lai vừa nói, vừa cố rót chai rượu vào ly, nhưng ô hay, cả chai lẫn ly đều khô từ lâu! Mắt Hứa như muôn ngàn hoa lửa, thật là “quỷ tha ma bắt” cả một chai Mao Đài chứ ít đâu, sức mình mà còn phải cố gắng lắm mới xong, thế nhưng Chu Ân Lai ung dung ẩm thực và cùng cạn như nhau, hay là rượu giả? Hứa tự nhiên nghi ngờ, đoán già đoán non.

- Hứa Tư lệnh, theo cách nói của nhà binh, cuộc thi đến đây kết thúc, được không? Chu Ân Lai hỏi.

- Dạ chưa được ạ, đây mới là hiệp một thôi, xin Thủ tướng sang hiệp hai để phân rõ thắng bại. - Hứa kỳ kèo mãi và Chu Ân Lai đồng ý, cho nhân viên phục vụ bưng lên 2 chai Mao Đài nữa. Hứa nhanh nhẹn mở nút kiểm tra, Chu cười:

- Như nhau cả thôi, tùy Tư lệnh chọn.

Vẫn thế, mỗi “đấu thủ” một chiến thuật “công tửu” đợt hai. Bình thường Thủ tướng tôi cũng cạn ly liên tục, nhưng hôm nay ông đổi cách uống “nâng lên đặt xuống” ung dung tự tại, ngược lại Hứa Thế Hữu thì mất vẻ hào phóng của Nam Kinh tứ đại tửu, ông lo thua cuộc nên đâm ra hồi hộp lúng túng và đành sử dụng chiêu thức “tốc chiến tốc thắng”.

Sau hai tiếng đồng hồ, cuối cùng Hứa Thế Hữu cạn xong chai Mao Đài thứ hai, ông không gọi rượu nữa, đầu óc có vẻ lắc lư nhìn Chu Ân Lai. Chu cho chai rượu dốc thẳng vào ly, không còn một giọt, ông gọi nhân viên phục vụ:

- Cho thêm hai chai nữa, xem ra Hứa Tư lệnh còn uống được mà.

Hai chai thứ ba đặt lên bàn, Chu hỏi Hứa:

- Tư lệnh dùng chai nào?

Hứa chỉ gật đầu hình như muốn nói “chai nào cũng được”, rồi từ từ tuột xuống đất, gắng gượng đứng lên nhưng không còn sức nữa, Chu Ân Lai vực ông lên ghế và sau đó là tiếng ngáy như sấm động của Hứa.

Khi tỉnh rượu, Hứa Thế Hữu đứng nghiêm theo tư thế con nhà lính và báo cáo Chu Ân Lai:

- Thưa Thủ tướng, Hứa tôi xin bái phục, từ nay về sau Thủ tướng chỉ đâu, Thế Hữu này xin đánh đó.

- Nói bậy, Mao Chủ tịch chỉ đâu, chúng ta đánh đó, - Chu Ân Lai sửa lại câu nói của Hứa.

- Dạ vâng, nhưng Hứa tôi muốn thề rằng, Thủ tướng bảo chết, thì tôi chết, bảo sống thì tôi sống, Thế Hữu này xin nghe lời Thủ tướng.

- Vậy hôm nay tôi muốn Hứa Tư lệnh làm điều này...

- Xin sẵn sàng đợi lệnh!

Từ đó về sau người ta thấy Hứa Thế Hữu bãi trò “thách rượu”, sĩ tướng của ông được “giải phóng”, những nhân viên “giám tửu” giúp việc này đều “phục viên”, còn ông, như đã hứa với Chu Ân Lai, mỗi lần không quá 6 cốc, khoảng nửa cân, tự nguyện rút khỏi Nam Kinh tứ đại tửu. Tất nhiên những kết quả vừa nêu thật quá sức đối với một người ghiền rượu như Hứa, nên cũng đã diễn ra từ từ theo một quá trình có sự giám sát của vợ con ông.

Đối với người Trung Quốc chúng tôi, Mao Đài là loại rượu trắng có độ cồn khá cao, một lúc uống cạn hai chai mà không đổ, không say, thật cũng chẳng mấy ai. Thủ tướng tôi sở dĩ làm được điều đó, ngoài tửu lượng mênh mông ra, còn phải kể đến nhiệm vụ mà ông cần hoàn thành, tỷ như ở Trùng Khánh, hoặc như hôm nay vì mong muốn Hứa Thế Hữu đừng lấy rượu trị người nên ông đã thắng đối thủ có hạng trên tửu trường. Điều đặc biệt thứ hai là mấy chục năm phục vụ Thủ tướng, tôi chưa hề thấy ông “lấy rượu giải sầu”, đối với Chu càng vui ông càng gần rượu. Câu chuyện sau đây là do chị cả Đặng (Đặng Dĩnh Siêu - vợ của Thủ tướng) kể lại. Chị mà không kể thì làm sao chúng tôi biết được và cũng không có ai dám hư cấu một câu chuyện như vậy đối với lãnh tụ của mình, ấy là lần đầu tiên Chu Ân Lai bước đến cao nguyên thứ ba trên “tửu lộ” của mình!
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #72 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2014, 02:41:21 pm »

Tháng 8 năm 1925, Chu Ân Lai và Đặng Dĩnh Siêu kết hôn, hôn lễ ngoài một số nghi thức tập tục cổ truyền ra, còn chủ yếu là bạn bè thân hữu hai họ cùng dự tiệc rượu. Tiệc vui chưa từng có, nhiều người say và cả chú rể Chu Ân Lai cũng không tránh khỏi sự cuốn của câu nói “nam vô tửu như kỳ vô phong”, nên đêm tân hôn đã không động phòng hoa chúc, khiến cô dâu phải vò võ canh trường. Đặng Dĩnh Siêu kể lại như vậy và tâm sự: “Từ hôm đó tôi mới hay Thủ tướng biết uống rượu, và bắt đầu phản đối, nhưng vô hiệu, có lẽ vì công việc mà mấy chục năm nay ông phải uống nhiều rượu đến thế...”. Đêm ấy chị cả Thái đành ở lại, vừa chăm nom cho Chu Ân Lai mau tỉnh rượu, vừa động viên Đặng Dĩnh Siêu đừng buồn. Trong cơn say, chú rể kể đủ chuyện từ phong trào Ngũ Tứ đến cách mạng Tân Hợi, từ bên Pháp lúc đi du học đến nước Nga quê hương của Lê-nin, và vui nhất là câu nói mà sau này Đặng Dĩnh Siêu nhắc mãi:

- Từ Nhật Bản về đến Thiên Tân, tham gia mít tinh, nghe diễn thuyết, chao ôi diễn giả là một cô gái có đôi mắt to, đầy hấp dẫn - chị cả Thái hỏi dặm: - Cô nào vậy? - Tiểu Siêu chứ còn ai - mọi người cười ầm, kể cả cô dâu tên Siêu mà Chu vừa nhắc. Cũng hay, “Tiểu Siêu” hai chữ ấy sau này trở thành lời xưng hô thân ái của Chu Ân Lai đối với vợ, mãi cho tới già.

Câu chuyện mà Chu Ân Lai vừa kể trong lúc say là có thật, đó là năm 1919, ông từ Nhật Bản trở về nước, và lao ngay vào phong trào Ngũ Tứ, gặp Đặng Dĩnh Siêu mới 15, thua ông những 6 tuổi, họ cùng nhau tham gia khai hội, viết tập san, tổ chức “giác ngộ xã” và Chu luôn gọi Dĩnh Siêu là “em gái nhỏ”, hoặc “Tiểu Siêu”. Tháng 11 năm 1920, Chu Ân Lai đi du học ở Pháp, năm 1924 về nước và năm 1925 cưới “Tiểu Siêu” ở Quảng Châu. Năm năm xa nhau mà tình yêu vẫn son sắt, vui với Đặng Dĩnh Siêu, vui với bạn bè, Chu Ân Lai càng gần với rượu và mãi vui đến mức quên cả lời em dặn dò, quên cả đêm tân hôn, kể thì cũng hơi thất lễ và vợ chồng sau này chính vì rượu mà ít nhiều đã xảy ra mâu thuẫn, chung quy là ở chỗ: người vợ nào mà không sợ chồng do quá chén vừa hỏng việc, vừa hại sức khỏe. Quả là như vậy, chúng tôi nhẩm tính, từ Chu Ân Lai đến Trần Nghị, Kiều Quán Hoa, Hứa Thế Hữu v.v... đều mắc chứng ung thư, có lẽ các vị uống nhiều rượu quá chăng.
Lần thứ hai, tại Mạc Tư Khoa, Chu Ân Lai đã bị quỵ vì rượu và chính tôi là người trong cuộc, tôi đã không làm tròn nhiệm vụ mà trước khi lên đường chị cả Đặng căn dặn: “Chú trông giúp chị, đừng để Thủ tướng uống nhiều rượu nhé!”, chắc bà sợ những thùng rượu Nga và những người Nga uống rượu!

Tháng 4 năm 1954, lần đầu tiên sau ngày thành lập nhà nước cộng hòa nhân dân, Trung Quốc tham gia hội nghị quốc tế Genève. Chu Ân Lai đã bôn tẩu khắp nơi trên thế giới cho sự tham dự của Trung Quốc tại hội nghị này mà sử sách còn ghi lại đầy đủ. Lúc này sức khỏe của Thủ tướng không được tốt lắm, mấy lần xuất huyết mũi, cho nên chị cả Đặng rất lo lắng khi hay tin đoàn Trung Quốc phải sang Liên Xô hội đàm công việc chuẩn bị tham gia hội nghị. Bà nhớ lại những lần tiếp xúc với các đồng chí Liên Xô, mỗi người bên ấy là cả một “thùng rượu”, họ uống rượu 65 độ như thể dân chúng tôi uống trà, rượu gì cũng uống được, vào bàn tiệc chỉ sau vài lần “cạn chén”, “đến đáy” là hoàn toàn “giải phóng”. Bà căn dặn tôi nhớ chăm lo cho Thủ tướng, tuy tửu lượng của ông có cao mấy cũng không bì được với người Nga. Từ ngày được phong chức “phó quan”, tôi có nhiệm vụ bảo vệ Thủ tướng khi uống rượu, chúng tôi và Thủ tướng đã thống nhất cần phải xa rượu, vừa giữ gìn sức khỏe, vừa bảo đảm công việc, chúng tôi quyết định phương pháp “lấy nước thay rượu”. Nhân viên Trung Nam Hải đều biết cách dùng nước trà thay rượu nho, dùng bạch thủy thay rượu trắng, nhưng phải nhớ chai nào bình nào, kẻo rót nhầm cho khách thì khốn, nên tất cả đều được huấn luyện, thực tập nhiều lần. Sau những lần thù tiếp đó, các đồng chí Liên Xô và Châu Âu cứ tưởng tửu lượng của Thủ tướng tôi mênh mông như biển cả, khâm phục người da vàng cũng áp đảo được người da trắng trên bàn rượu. Tại “sân nhà” dùng được phương pháp đó, nhưng sang nước người “đá sân” của họ thì đành bó tay, đành dựa vào tửu lượng thực tế của mình.

Hội đàm giữa Liên Xô và Trung Quốc về các vấn đề chuẩn bị tham gia hội nghị Genève, sự phối hợp đấu tranh ngoại giao của hai đoàn Xô - Trung tại hội nghị v.v... đều đi đến kết quả nhất trí. Trước khi đoàn Trung Quốc trở về Bắc Kinh, Khrusov - Bí thư thứ nhất Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Malenkov - Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng lúc bấy giờ đã mở tiệc chiêu đãi Chu Ân Lai. Tham dự dạ yến hôm ấy còn có Molotov - Ngoại trưỏng và sẽ là trưởng đoàn Liên Xô tại hội nghị Genève, cùng nhiều quan khách khác, toàn thể thành viên của đoàn Trung Quốc đều được mời dự tiệc. Đêm ấy tôi đã linh cảm chẳng lành, tôi không nói được tiếng Nga, mọi công việc thông dịch đều trông vào một mình Sư Triết, người tiếp rượu đều do bạn đảm nhiệm, hoàn toàn không thể “lấy nước thay rượu” như ở nhà, huống hồ chế độ ăn uống phục vụ lãnh đạo của Liên Xô lúc đó rất nghiêm ngặt, thức gì cũng qua kiểm tra khó mà đánh tráo.

Khrusov khai mạc, ông nói rất ngắn, sau vài câu là đề nghị nâng ly, toàn thể cử tọa đều đứng dậy, người Nga nhiệt tình hào hiệp khó ai bằng, không giống như bên nước tôi ai kính rượu, người đó uống, còn đây, đã hô “xuống đáy” là y như rào rào “cạn”, “cạn”. Theo phép ngoại giao, sau kính rượu là hồi rượu, khách phải mời lại chủ và cứ thế “kính - hồi”, “mời - đáp” liên tục hết đợt này sang đợt khác, Thủ tướng của chúng tôi lâu nay vẫn chủ trương “khách tùy chủ biện” nên không hề chối từ bất cứ một ai, tôi nhận xét ông đã bước vào cao nguyên thứ hai trên “tửu lộ” của mình. Bằng một giọng nói thông minh và pha chút dí dỏm, Chu Ân Lai tay lắc ly rượu, quay sang nói với Khrusov:

- Người say đâu phải vì rượu, nhưng từ một góc độ nào đó mà quan sát thì Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam, ba nước chúng tôi được tham gia hội nghị quốc tế lần này là rất có ý nghĩa và thắng lợi.

Khrusov do uống nhiều rượu hay là đầu óc sao đó, nghe xong phiên dịch, ông vẫn chưa hiểu hết câu nói của Chu Ân Lai. Khi ấy, Mỹ không thừa nhận ba nước Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, nhưng phải ngồi vào bàn đàm phán với họ, điều đó chẳng khác nào như một sự thừa nhận hay sao. Khrusov chắc không nhận thức được ý nghĩa trên, nên ông vẫn khăng khăng:

- Hội nghị lần này chưa chắc đã giải quyết được vấn đề gì, chúng ta khó mà dự đoán được kết quả của nó.

- Thưa đồng chí Khrusov, hiện nay Mỹ, Anh và Pháp đã không thể ngồi đàm phán với chúng ta, nghe chúng ta nói rõ lập trường, nguyên tắc của mình đôi với các vấn đề quốc tế, tôi nghĩ đó là một thắng lợi rất đáng trân trọng - Chu Ân Lai giải thích thêm cho Khrusov. Phiên dịch xong, các đồng chí lãnh đạo Liên Xô hình như phân tích gì đó nên Khrusov gật đầu lia lịa rồi thét vang “Kha-ra-số”, “tốt, tốt”, “đúng, đúng”, đoạn nâng ly mời Chu Ân Lai, uống cạn, rồi ôm lấy Thủ tướng tôi, xoay và hôn má. Người Nga thường thổ lộ tình cảm của mình như vậy, phải ôm, phải xoay, phải hôn mới nói hết những gì muốn nói. Chu Ân Lai cạn ly cùng Khrusov và cao hứng mà rằng:

- Nếu hội nghị lần này giải quyết được một số vấn đề nào đó thì thật là quý hóa và có ích cho sau này, đoàn chúng tôi muôn cố gắng để giành được thắng lợi. - Cử tọa vỗ tay, tôi thấy mọi người rời khỏi ghế ngồi bước tới ôm hôn Chu Ân Lai, chúc rượu, cạn ly, mặt Thủ tưóng tôi không còn đỏ nữa, dần dần biến sang xanh và trắng, chết rồi, triệu chứng sắp bước vào cao nguyên thứ ba, tôi lo lắng vô cùng, nhưng đành bó tay. Đang lúc bối rối như vậy thì tôi thấy Molotov đến cạnh Chu Ân Lai, ông nâng ly:

- Hội nghị Genève lần này, hai chúng ta sẽ kề vai sát cánh chiến đấu bên nhau, hãy cạn cốc vì tình hữu nghị giữa chúng ta. - Chu Ân Lai vẫn phong độ, gật đầu mỉm cưòi đáp lễ, nhưng mặt ông hầu như trắng bệnh, ông ép sát mình với Molotov và rỉ tai thân mật:

- Đồng chí Molotov, tình hữu nghị giữa chúng ta đã có từ lâu, năm 1928 khi sang Mạc Tư Khoa dự đại hội 6 của đảng chúng tôi, tôi gặp đồng chí, nghe đồng chí đọc lời chào mừng. Đồng chí là đại ca, chúng tôi phải học tập các đồng chí, đây là lần đầu tiên Trung Quốc tham gia hội nghị quốc tế, chưa có kinh nghiệm và cả tri thức nữa, nên cần tiếp tục học tập các đồng chí, xin hãy cạn chén vì sự cùng nhau nỗ lực của chúng ta! - Chu Ân Lai một hơi uống cạn ly rượu và bỗng nghe tiếng choang, ly vỡ, ông quỵ người, Molotov và Trương Văn Thiên kịp đứng bên đỡ lấy Chu Ân Lai, chúng tôi dìu ông ra xe và nhanh chóng đưa về phòng nghỉ. Phía Liên Xô bối rối, mọi người tỉnh rượu và xin lỗi, Trương Văn Thiên vừa đi theo Chu Ân Lai vừa giải thích với bạn, rằng Thủ tướng chúng tôi gan yếu, hồi Vạn lí trường chinh đã đau một lần, không được uống nhiều rượu, mấy hôm nay làm việc căng thắng nên mới như thế này... Molotov lắc đầu: “Chúng tôi thật đáng trách và phải nhớ bài học này.”

Phải sau một ngày mệt nhoài, nôn hết rượu, Thủ tướng tôi mới tỉnh lại, ông hỏi Sư Triết:

- Ngày hôm qua tôi đã nói những gì?

- Thủ tướng nói rất hay, các đồng chí Liên Xô đều phải khen “Kha-ra-số”.

- Không có gì mất tư cách?

- Dạ không, chỉ có đoạn... năm 1928 tại đại hội 6 của đảng chúng ta, nghe đọc lời chào mừng, chắc Thủ tướng muốn chỉ Stalin, nhưng nói nhầm ra Molotov...

- Ừ, còn chỗ nào không thỏa đáng nữa, đừng giấu tôi.

- Dạ không, - Sư Triết khẳng định. - Đúng là như vậy ạ.

Đoàn về đến Bắc Kinh chậm một ngày, Thủ tướng đã báo cáo kết quả hội đàm lên Mao Chủ tịch và Trung ương, ông không quên nhận khuyết điểm về say rượu với Mao, Mao hỏi:

- Có uống nhiều như ở Trùng Khánh không? - Mao cười: - Người ghiền rượu mà uống say là chuyện bình thường, nếu gặp tôi, tôi không đấu rượu với họ mà yêu cầu họ thi ăn ớt cùng tôi, lấy sở trường bù sở đoản!

Tôi kể lại chuyện này cho Sư Triết nghe, anh ngạc nhiên: “Thủ tướng quá thật thà, uống tí rượu mà phải kiểm thảo với Trung ương, ở bên này như vậy là thường, nếu kiểm thảo phê bình thì ngày nào cũng cần khai hội”, lúc ấy Sư Triết đang công tác ở Liên Xô.

Năm 1972, khi được Chu Ân Lai mời tiệc, Nixon đã hỏi:

- Nghe nói tửu lượng của Ngài rất lớn?

- Ngày xưa uống được, hồi Vạn lí trường chinh từng một lúc uống hết 25 cốc Mao Đài, loại cốc to hơn cái ly này nhiều.

- Thế còn bây giờ?

- Tuổi cao, bác sĩ đã hạn chế, nhiều nhất cũng chỉ 3 ly mà thôi.

- Tôi nghe người ta kể, rằng khi Hồng quân trên đường trường chinh đánh chiếm trấn Mao Đài, các ông đã uống hết mọi vò rượu ở đây?

- Đó là chuyện vui, nhưng trong thực tế Mao Đài quả nhiên trở thành linh dược trị bách bệnh cho Hồng quân trong những năm tháng ấy.

- Xin hãy cạn ly bằng Mao Đài - một loại linh dược của Hồng quân.

Chu Ân Lai mỉm cười, chiều khách, cạn với Nixon một ly Mao Đài. Đó là ly rượu cuối cùng của đời ông, vì ngày 12 tháng 5 năm 1972, khám nghiệm trong nước tiểu của Chu có số hồng huyết cầu nhiều hơn quy định, ngày 18 tiếp tục kiểm tra mới hay, Chu Ân Lai đã mắc chứng ung thư bàng quang. Ông xa rượu vĩnh viễn, sớm hơn 4 năm trước khi tạ thế.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #73 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2014, 02:44:23 pm »

5. KHÓC THAN VÀ GIẬN DỮ


Năm 1942, ba cơ quan của Trung Cộng là Cục phương Nam, Tân Hoa xã, Văn phòng đại diện quân đoàn 18 đều làm việc ở Trùng Khánh, thân phụ Chu Ân Lai và thân mẫu Đặng Dĩnh Siêu cũng được đưa về đây cùng sống với con cái dâu rể. Số nhà 50 đường Tằng Gia Nham ngoài đề 3 chữ “Chu công quán” với những tầng lầu xinh xắn, nhưng Chu Ân Lai rất ít ở đây vì gần Thượng Thanh Từ, trụ sở của cơ quan đầu não Quốc dân đảng do thủ lĩnh đặc vụ Đới Lạp chỉ huy. Chu và gia đình trú tại Hồng Nham Chủy, tuy xa trung tâm thành phố khoảng 5 cây số nhưng an toàn, phong cảnh lâm viên có cây cối núi đồi, lại được quân lính bảo vệ. Thân phụ Chu Ân Lai có tên gọi Chu Thiệu Cương, người hiền lành, trung hậu và hơi nhút nhát, ai cũng xưng hô là cụ Chu, chị cả Đặng không dám kêu “cha” mà một điều hai điều đều “thưa cụ, bẩm cụ”. Cụ Chu ưa uống rượu và du lãm, cho nên anh em phục vụ chúng tôi thường phải chú ý hai điều ấy thôi.

Đó là những ngày cuối tháng 6 năm 1942, Trùng Khánh vô cùng nóng nực, Chu Ân Lai vào viện mổ bàng quang, Đổng Tất Vũ nhận được điện của Mao Trạch Đông từ Diên An truyền về: “Ân Lai cần tĩnh dưỡng, chưa lành bệnh chưa ra viện, có ra viện cũng phải nghỉ ngơi giữ gìn sức khỏe, mong đồng chí hết sức chú ý”.

Đổng Tất Vũ, Đặng Dĩnh Siêu và Tiền Chi Quang ngày ngày thay phiên nhau vào viện chăm nom Chu, nhưng một sự việc không may đã bất ngờ xảy ra: ông cụ đi chơi trúng gió, kíp đưa đi cấp cứu, song tuổi cao sức yếu, không may qua đời. Biết làm thế nào bây giờ, vết mổ của Chu còn chưa cắt chỉ, ông lại là người con có hiếu; mỗi lần về quê thăm gia tộc gặp các bậc bề trên, Chu Ân Lai đều lễ phép cúc cung bái lạy đâu và đấy, ai ai cũng khen ông giữ được gia phong. Các đồng chí cả ba cơ quan quyết định giấu Chu Ân Lai, giữ gìn thi thể ông cụ và nán đợi vài ngày nữa xem bệnh tình của Chu thuyên giảm ra sao rồi mới báo cáo với ông.

Vừa thấy tôi vào dọn dẹp bệnh phòng, Chu Ân Lai liền hỏi:

- Sao hai hôm nay không thấy Đổng Tất Vũ?

- Thưa Phó chủ tịch, chắc bên Cục phương Nam có công việc. - Tôi trả lời qua quýt rồi giả vờò bận rộn soạn cái này sắp cái kia. Chu Ân Lai vẫn tỏ ra áy náy bồn chồn và gọi tôi:

- Chú Hà, bỏ đấy, tôi hỏi thật chú ở nhà có việc gì không?

- Dạ không ạ, chắc bên Cục phương Nam...

- Cục phương Nam thế nào, nếu có công việc lại càng phải vào gặp tôi, cớ sao hai ngày rồi không thấy Đổng Tất Vũ đâu cả?

Kỷ luật và nguyên tắc dạy chúng tôi, rằng việc không được biết không nên hỏi, việc không được nói phải thật im lặng, tôi loanh quanh một lúc rồi tìm cách cáo từ. Ngày thứ ba vết mổ của Chu Ân Lai vừa cắt chỉ, Ngô Khắc Viện vào viện báo cáo tình hình cơ quan, dù Ngô có bản lĩnh đến mấy cũng không giấu được ánh mắt hoảng loạn khi nhìn thẳng vào Chu Ân Lai, ông hỏi Ngô:

- Các đồng chí đang giấu tôi điều gì phải không? Chú Hà - Chu Ân Lai gọi tôi đưa ông ra viện gấp. Sự tình đến nước này thì khó lòng mà giấu được Chu, tôi tìm cách kéo dài thời gian làm thủ tục để liên lạc với chị cả Đặng chủ động chuẩn bị.

Xe tới văn phòng Hồng Nham Chủy, không cần ai dìu đỡ, Chu Ân Lai lao vào nhà và thấy Đặng Dĩnh Siêu tay mang băng đen.

- Chuyện gì thế Tiểu Siêu?

- Cụ vừa qua đời cách đây 3 hôm vì trúng gió...

- Trời! - Chu Ân Lai chỉ kêu được ngần ấy và gục quỵ xuống đất khóc than như một đứa trẻ thơ: - Tiểu Siêu! Sao em nỡ giấu anh. Các đồng chí! Sao các đồng chí nỡ giấu tôi. Đã 3 ngày rồi, trời ơi! Các đồng chí không có cha mẹ hay sao? Chủ nghĩa Mác dạy chúng ta không cần cha mẹ hay sao? Không làm người con hiếu thảo thì chúng ta sao trỏ thành cộng sản được? Không có cha mẹ làm gì có chúng ta?

... Mọi người chỉ còn biết im lặng và cùng Chu Ân Lai tuôn trào dòng lệ của đạo làm con. Đổng Tất Vũ đến bên cạnh ông và đưa bức điện của Mao Trạch Đông như để thanh minh mọi sự giấu kín trong 3 ngày qua, Chu Ân Lai lau nước mắt và đứng dậy thảo ngay điện báo cho Máo: “Thưa Chủ tịch, vừa về thì hay tin thân phụ qua đời đã 3 ngày, đau thương cùng cực, ân hận làm con bất hiếu, sáng mai sẽ an táng”. Vài phút sau Mao phúc điện phân ưu: “Tôn ông tạ thế, Bộ Chính trị gửi lời chia buồn thống thiết, mong đồng chí cẩn trọng, bệnh vừa thuyên giảm, chú ý nghỉ ngơi”.

Chu Ân Lai đứng bên linh cữu cha đúng một đêm tròn, tưởng nhớ đức cù lao, công dưỡng dục của phụ mẫu, ai khuyên ông đi nghỉ vì mới ra viện, ông cũng không nghe. Thi hài cụ ông Chu Thiệu Cương mai táng tại phần đất của Trung Cộng ở Trùng Khánh lúc bấy giờ, sau đó trở thành nghĩa trang liệt sĩ chôn cất Lý Thiếu Thạch cùng 20 chiến sĩ Hồng quân bị Quốc dân đảng ám hại ngay trong lúc Mao và Tưởng đàm phán, tại đấy còn có sinh phần của thân mẫu Đặng Dĩnh Siêu.

Câu chuyện tôi vừa kể là những gì muốn nói về đức tính hiếu thảo trong con người Chu Ân Lai, muốn nói về tình cốt nhục trong con người cộng sản mà hồi ấy Quốc dân đảng và Tưởng Giới Thạch cố sức bôi đen, xuyên tạc chúng tôi. Ngày 8 tháng 4 năm 1946, sau khi tiễn các đồng chí Vương Nhược Phi, Bác Cổ, Diệp Đình, Đặng Phát bay về Diên An, Chu Ân Lai và chúng tôi trở lại văn phòng của Trung Cộng ở Thượng Thanh Từ để chờ phúc điện từ Trung ương về chuyến bay hạ cánh. Vương Nhược Phi và Bác Cổ có nhiệm vụ báo cáo với Mao Trạch Đông và Trung ương tình hình đàm phán với Quốc dân đảng và kết quả của hội nghị chính trị hiệp thương, còn Diệp Đình vừa được phóng thích từ nhà ngục của Quốc dân đảng. Theo kế hoạch Chu Ân Lai bố trí thì Diệp phải nghỉ ngơi vài ngày ở Trùng Khánh, nhưng ông nhớ Diên An da diết nên xin Chu cho phép cùng con gái đi đón là Dương Mi cùng bay trong chuyến này; người thứ tư là Đặng Phát, đại biểu Trung Cộng dự hội nghị công hội ở Paris quá giang về Diên An. Tôi thấy Chu Ân Lai bồn chồn một cách lạ thường, đi đi lại lại và luôn hỏi Trần Hạo “đã có điện của Diên An chưa?”. Đã mấy phen lâm nạn trên không, Chu Ân Lai lo lắng cho các chiến hữu đồng chí của mình, huống hồ lúc ấy tình hình rất phức tạp, Quốc dân đảng và Tưởng Giới Thạch sẵn sàng đánh phá bất cứ khi nào chúng tôi sơ suất. Còn nhớ Mao Trạch Đông đến Trùng Khánh đàm phán, hiệp định “song thập” chưa ký kết thì bỗng đại sứ Mỹ là Hurley chuẩn bị về nước, Chu Ân Lai rất lo lắng, ông gặp Hurley chất vấn:

- Thưa ngài đại sứ, ngài đón Mao Chủ tịch từ Diên An đến đây dự đàm phán, nay hiệp định vẫn chưa được ký, ngài sắp về nước, rõ ràng là sẽ rất khó khăn, rõ ràng sẽ làm mất lòng tin của mọi người!

Hồi ấy, Tưởng Giới Thạch đã có ý định hãm hại Mao Trạch Đông, cho dù ông ta đang bị dư luận trong và ngoài nước gây sức ép nhưng cũng không loại trừ khả năng manh động. Sở dĩ Chu Ân Lai đồng ý để Mao Trạch Đông bay từ Diên An về Trùng Khánh là vì trong phi cơ có hai “con tin”: đại sứ Mỹ Hurley và Trương Thị Trung - Thượng tướng của Quốc dân đảng. Vậy lần này trở về Diên An, Chu Ân Lai quyết tìm mọi cách bảo vệ an toàn cho Mao Trạch Đông, ông gặp Trương Thị Trung:

- Huynh không thể đón Mao Chủ tịch đến đây mà không đưa về lại Diên An, nếu quả thất tín như vậy là chúng tôi kiên quyết phản đối!
Cuối cùng Chu Ân Lai gặp Tưởng Giới Thạch buộc ông ta phải đáp ứng yêu cầu của Trung Cộng, đảm bảo an toàn cho Mao Trạch Đông trở về Diên An.

Nhưng lần này đối với Vương Nhược Phi, Bác Cổ, Diệp Đình và Đặng Phát, Chu Ân Lai đã không làm được như vậy và quả nhiên điện báo từ Diên An truyền đến: máy bay mất tích, đó là vụ không nạn “mồng 8 tháng 4” được ghi trong lịch sử Trung Cộng, phi cơ đã đâm vào rặng núi Hắc Trà Sơn, cướp đi sinh mạng của những người cộng sản và Chu Ân Lai quằn quại khóc than như thể bao trách nhiệm đều mình ông gánh chịu. Ngày 19 tháng 4, chúng tôi làm lễ truy điệu các liệt sĩ 4 tháng 8, Chu Ân Lai nén đau thương kể lại chuyến bay vượt Tần Lĩnh lần trước và căn dặn mọi người đừng nghi oan cho các phi công quân đội Mỹ lúc bấy giờ. Đó là lần thứ hai tôi chứng kiến Chu Ân Lai khóc than, ông khóc cho tình đồng đội, đồng chí, bằng hữu... một nhu cầu trong cuộc sống của con người.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #74 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2014, 02:49:26 pm »

Ngày 26 tháng 6 năm 1946, quân đội Quốc dân đảng phát động tấn công khu giải phóng Trung Nguyên và tuyên bố trong 48 tiếng đồng hồ sẽ tiêu diệt toàn bộ Hồng quân Trung Nguyên. Lý Tiên Niệm cùng các tướng lĩnh chỉ huy phá vòng vây theo 3 hướng và cuộc nội chiến mà Trung Cộng cũng như nhân dân Trung Quốc tìm mọi cách ngăn chặn cuối cùng đã bùng nổ. Tuy nhiên, Chu Ân Lai vẫn liên tục điện về Diên An đề xuất: “Tình thế hiện nay vừa đánh vừa đàm, nhưng đánh là chủ yếu”. Trong khi đó, Tưởng Giới Thạch vừa dốc quân vào nội chiến, vừa bức hại các nhân sĩ dân chủ của lực lượng thứ ba, ngày 11 tháng 7 ám sát Lý Công Phác - uỷ viên Trung ương Đồng minh Dân chủ, tiếp đến ngày 15 lại là Văn Nhất Đa, cũng trung uỷ của tổ chức này. Tôi hộ tống đưa Chu Ân Lai đi gặp Marshall - đại diện phía Mỹ, ông phản đối:

- Quốc dân đảng dùng vũ lực đánh Trung Cộng, chúng tôi có quân đội của mình nên chẳng nói làm gì, nay họ thảm sát cả Đồng minh Dân chủ, những nhân sĩ tay không tấc sắt, thật là hành động phát xít... - Nói đến đây, mắt Chu Ân Lai đỏ hoe và không ngăn nổi dòng lệ tuôn trào, ông khóc cho đồng bào của mình trong cảnh nồi da xáo thịt, khóc trước một người nước ngoài.

Mấy hôm sau, Đào Hành Tri, một trung uỷ nữa của Đồng minh Dân chủ vì uất ức, chảy máu não và qua đời. Chu Ân Lai và Đặng Dĩnh Siêu đến thăm Đào tiên sinh lúc lâm chung, nắm bàn tay khô lạnh vàng nghệ của người sắp khuất, Chu Ân Lai nước mắt giàn giụa an ủi: sự nghiệp của tiên sinh sẽ do bạn bè và hậu thế kế tục, xin tiên sinh hãy an lòng. Tháng 10 năm ấy (1946), Tưởng Giới Thạch đánh chiếm Trương Gia Khẩu, Trường Xuân, An Đông, Tô Bắc và Sơn Đông, cả một vùng đất đai rộng lớn, và mở “nguỵ quốc đại” - quốc dân đại hội mà không có Trung Cộng và lực lượng thứ ba tham gia. Ngày 28 tháng 10, tổng thư ký của Đồng minh Dân chủ là Lương Thấu Minh bỗng đưa ra phương án đình chiến theo hiện trạng rất bất lợi cho phía Trung Cộng chúng tôi. Chu Ân Lai bàng hoàng vì mới đây thôi, ông vừa ký cùng Đồng minh Dân chủ một “hiệp định quân tử” cam kết sẽ thống nhất hành động phối hợp đối phó với Quốc dân đảng, thế mà nay Lương Thấu Minh không hề trao đổi gì cả, đã đơn phương trao phương án cho Marshall và Quốc dân đảng. Chu Ân Lai gặp Lương Thấu Minh, với một giọng nói đau xót, ông trách móc Lương:

- Tiên sinh không cần giải thích gì nữa, trái tim tôi đã tan nát mất rồi. Quốc dân đảng áp bức chúng tôi, thôi cũng đành mội lẽ, nay đến như lực lượng thứ ba - Đồng minh Dân chủ mà lại đi áp bức chúng tôi nữa hay sao? Làm người phải trọng chữ tín, hiệp nghị của chúng ta tiên sinh vứt đâu? Lâu nay chúng tôi một lòng đoàn kết với tiên sinh, nay chúng tôi lâm nguy, tiên sinh không những không giúp đỡ, ngược lại còn... các người thật không đáng bạn bè!

Nói đến hai chữ “bạn bè”, bỗng Chu Ân Lai oà khóc, ông khóc trước mặt kẻ phản bội, có gì hèn yếu lắm không? Hoàn toàn không, bởi ông tiếc nuối về một niềm hy vọng từng ấp ủ bấy lâu, nay tan vỡ như những quả bóng bọt. Lịch sử đã không phụ lòng Chu Ân Lai, ngoại trừ một vài người bội bạc như Lương Thấu Minh, còn đại đa số nhân sĩ Đồng minh dân chủ đã tuyên bố kiên quvết không tham gia quốc dân đại hội độc đảng của Tưởng Giới Thạch, vì vậy mới có tên gọi “nguỵ Quốc đại”.

Tôi đã kể những lần khóc than của Chu Ân Lai, vì người thân, vì bạn bè đồng chí, vì nhân dân đồng bào và vì cả sự vô mộng, thất vọng, nhưng có lẽ làm tôi đau đớn nhất vẫn là bao giọt lệ oan ức của ông khi phải viết kiểm thảo. Lịch sử còn ghi nhận, trên nhiều vấn đề quan trọng, ý kiến của Chu Ân Lai là chính xác nhưng không được Mao Trạch Đông tiếp nhận và do đó đành chịu phê bình. Thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Mao Trạch Đông chủ trương “một ngựa tiên phong cả đoàn cùng chạy”, say sưa đưa ra kế hoạch với chỉ tiêu cao, xa thực tế; ngược lại Chu Ân Lai luôn nhấn mạnh cân đối, ông nói:

- Tôi là thủ tướng, qua thực tế công tác tôi nhận thấy: “một ngựa tiên phong” sẽ gây nên sự căng thẳng cho toàn cục, chỉ tiêu kế hoạch cao, xa thực tế là một sự mạo hiểm, làm kinh tế cần cân đối và ổn định mới có thể tăng trưởng được.

Chu Ân Lai và Trần Vân hô hào “chống mạo hiểm” trên báo chí, gây cho Mao Trạch Đông tức giận, ông quy kết Chu - Trần là bảo thủ hữu khuynh, dội nước lạnh lên nhiệt tình cách mạng của quần chúng nhân dân và phát động phê phán phái “chống mạo hiểm”, buộc Chu Ân Lai và Trần Vân viết kiểm điểm. Trần Vân “cáo bệnh” vào viện tĩnh dưỡng, mãi đến lúc Mao Trạch Đông nhận ra hậu quả của ba năm khốn đốn và than rằng “gia bần niệm hiền thê” (nhà túng bần lại nhớ tới vợ hiền) thì ông mới “lành bệnh” trở về làm việc. Thời gian đó Chu Ân Lai một mình đứng mũi chịu sào, ông bảo thư ký là Phạm Nhược Ngu khởi thảo bản kiểm điểm, nhưng Mao Trạch Đông không đồng ý, yêu cầu Thủ tướng phải tự mình viết để có thể “nâng cao” nhận thức.

Chu Ân Lai ngồi vào bàn làm việc, tay cầm bút, tay bóp trán, đôi lông mày nhíu lại, mắt nhìn trang giấy, nhưng vẫn thế không ra được nửa chữ, ông ném bút, nhoè mực, mấy lần xé tờ này lấy tờ khác... Thủ tướng ngồi yên như pho tượng, nước mắt giàn giụa, ông khóc cho thân phận một “sư gia” gặp phải “huyện quan” không tương xứng chăng? Tôi, chị cả Đặng, và thư ký Phạm Nhược Ngu đứng bên ngoài nhìn vào mà lòng đau như cắt, nhưng không biết làm cách gì để có thể giúp được Thủ tướng... Mãi sau, khi những nguồn tin nhân dân đói khổ dồn dập tràn về Trung Nam Hải, “khuyết điểm” chống mạo hiểm của Thủ tướng mới được giải oan, nhưng tất cả đều đã muộn...

Điều kỳ lạ mà tôi muốni nói trước khi kết thúc chương “khóc than” này là những ngày cuối đời trên giường bệnh, Thủ tướng của chúng tôi không hề nhỏ lệ, ông không tiếc thân mình hay bao dòng nước mắt của Chu Ân Lai đã cạn lâu rồi bởi nhiều điều oan trái trước đó? Có lẽ do cả hai!

Chuyện kể tới đây sẽ có người nhầm rằng Thủ tướng tôi chắc chẳng bao giờ tức giận nổi nóng, hoàn toàn không phải như vậy, bởi vì những trận lôi đình của ông từng làm chúng tôi khiếp đảm. Song đối với ông, trong các cuộc đấu trí tranh chấp cùng kẻ địch, dù phẫn nộ, giận dữ đến mấy Chu Ân Lai vẫn tỏ ra điềm tĩnh, không hề thô lỗ, đúng như người xưa răn dạy “nóng nảy mất khôn”, ông phải giữ cái đầu rất lạnh để ra đòn chính xác mà hạ gục đối phương, còn tất cả đều “nuốt” vào con tim. Sự tức giận nổi nóng mà tôi sắp kể sau đây chỉ đề cập Chu Ân Lai với bạn bè, đồng chí và những người thân cận bên ông, phần lớn ở dạng tình cảm khác thường, vẻ mặt nghiêm khắc phê bình, thậm chí là trách cứ, răn dạy. Nhiều cán bộ làm việc ở trung ương đã phát biểu rất giống nhau, “trong cuộc đời của mình, tôi chỉ sợ hai người, sợ Chủ tịch uy nghiêm và sợ Thủ tướng cẩn thận”. Người viết chuyện này có gặp một Bộ trưởng hồi thập niên 50 và hỏi ông: trong chính phủ đồng chí sợ ai nhất? - Chu Ân Lai, và không sợ ai nhất? - cũng Chu Ân Lai. Sợ Thủ tướng vì ông làm việc quá ư nghiêm túc, cẩn thận, trách nhiệm, còn “không sợ” Chu, vì ông vô cùng cao thượng, thuần khiết, chân chất, thẳng thắn và yêu người. Khi nổi giận, Mao Trạch Đông từng thét lên: “xéo”, nhưng ở Chu Ân Lai quá lắm là “xằng bậy”, “như hề” và “không cho phép làm như vậy”.

Hồi ấy, những năm đầu xây dựng nước Trung Hoa mới, có lẽ vì không khí chiến thắng hay sao mà hoạt động khiêu vũ được mọi người ưa chuộng, kể cả các vị ở Trung Nam Hải. Tôi còn nhớ, Bắc Kinh lúc bấy giờ có vài vũ trường dành riêng cho cán bộ và tướng lĩnh Trung ương, Mao Trạch Đông, Chu Đức, Lưu Thiếu Kỳ thường nhảy ở Xuân Ngẫu Trai, Chu Ân Lai lại thích Tử Quang Các và Bắc Kinh phạn điếm. Vũ điệu không phong phú như ngày nay, quanh đi quẩn lại chỉ là, “hữu nghị vũ” nhịp ba, nhịp bốn, còn vũ nữ, bạn nhảy được tuyển chọn rất nghiêm ngặt, phần lớn là nữ chiến sĩ Quân giải phóng hoặc diễn viên các đoàn văn công, ban ngày tập luvện vũ đạo, học chính trị nội quy kỷ luật, ban đêm đến vũ trường đã định cùng múa với các vị lãnh đạo. Đã là nhảy múa thì trăm người trăm tính, năm ngón tay cũng dài ngắn khác nhau, người lịch lãm với tâm hồn bay bổng, tận hưởng vẻ đẹp của âm nhạc, vũ đạo và tiết tấu, thư giãn nỗi mệt nhọc sau một ngày làm việc căng thẳng, kẻ ham vui đôi phần cuồng nhiệt, lại có gái nhảy bên mình, trẻ đẹp và lý lịch trong sạch, mắt nhìn mắt, miệng cười với miệng, lắm phe bàn tay không được thật thà cho lắm đã rời khỏi vị trí mà vũ luật quy định để tìm đến tận đâu... họ chặc lưỡi và cho rằng, âu cũng là tiêu khiển và có như vậy thì nhảy mới say.

Chúng tôi cùng Thủ tướng đến vũ trường Tử Quảng Các, chậm so với giờ khai mạc gần gũi một tiếng đồng hồ. Đêm ấy ngoài nhảy múa ra còn nghe ba ca sĩ chuyên nghiệp là Triệu Yến Hiệp, Tân Phượng Hà và Mã Ngọc Đào đơn ca. Thủ tướng tôi rất thích ca nhạc, ông để mặc đám tuỳ tùng chúng tôi với các bạn nhảy, còn mình tựa người trên ghế sofa, mắt lim dim, tay khẽ đánh nhịp, say sưa hương thụ từng giọt, từng giọt âm thanh bay bổng, du dương. Một vũ nữ mạnh dạn đến mời Thủ tướng, ông lịch lãm mỉm cười gật đầu và điệu nhảy cuốn hút họ như một làn gió xuân dịu êm. Bỗng tôi thấy mặt ông biến sắc, đang hiền hoà đôn hậu tự nhiên nghiêm nghị, lạnh tanh, ông dìu bạn nhảy ra gần cửa và khẽ nói: tôi có chút việc phải về, thôi nhé. Là nhân viên phục vụ, ngay từ khi phát hiện thấy Thủ tướng không vui, tôi dõi theo ánh mắt của ông và bắt gặp luồng sáng giận dữ ấy quét lên thân hình một cán bộ, rồi vụt tắt nơi bàn tay quờ quạng dâm loạn của y, người vũ nữ bé bỏng tội nghiệp đành thủ phận cho kẻ kia hưởng thụ mà không dám chống cự, hắn áp sát, áp sát và rất sành điệu không lỗi nhịp ba bước, bốn bước đến nỗi khó mà phân biệt bốn chân hay là hai chân. Chu Ân Lai như bị xúc phạm, không còn hứng thú gì với nhảy với múa, tôi vội vàng lục tìm áo khoác cho ông, bỗng nghe ngoài cửa có tiếng quát của Chu Ân Lai:

- Anh không còn trẻ mỏ gì nữa để mà dụ dỗ người con gái đáng tuổi cháu này.

- Cháu cảm ơn bác, thưa Thủ tướng - cô vụt chạy khỏi vũ trường và bỏ luôn cái nghề vũ nữ bạc bẽo kia. Té ra “quan phụ mẫu” chịu không nổi, liền nhỏ to, hăm doạ rồi dìu cô bé ra cửa định mang lên xe, nhưng không ngờ Thủ tướng đứng chờ tôi ở đó, ông đã cứu nguy cho cô ta và nhờ đó cho nhiều phụ nữ khác nữa...
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #75 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2014, 03:02:08 pm »

Những “pha” như vậy thời mở cửa hiện nay không hiếm, nhưng hồi ấy là vô cùng quan trọng và bị quy kết “không nghiêm túc”, nhờ một vài lần nổi giận của Thủ tướng mà không khí các vũ trường công khai được đánh giá là lành mạnh, còn vũ hội gia đình thì khó lòng quản lý. Thuật ngữ vũ hội gia đình mới rộ lên gần đây, khi kinh tế thị trường phát triển, trên thực tế nó đã có từ lâu, từ những năm 50. Tất nhiên không phải ai cũng tổ chức được loại vũ hội này, riêng ở Bắc Kinh lúc đó hình như chỉ có Cao Cương là một. Cao Cương vốn là “ông vua” cách mạng vùng ba tỉnh Đông Bắc, nay điều về thủ đô đảm nhận chức Phó chủ tịch Chính phủ Trung ương kiêm chủ nhiệm uỷ ban kế hoạch nhà nước, có thể nói Cao đã thuộc loại chạm trần của quyền lực, ông có năng lực, gan dạ, nhiều cống hiến cho cách mạng trước đây và cho cuộc kháng Mỹ viện Triều được Mao Trạch Đông biểu dương. Đó là sở trường của Cao, còn nhược điểm, sở đoản ở ông là mê gái và phớt lờ dư luận, theo cách nói của Lâm Bưu, chẳng qua là “tiểu tiết vô hại” mà thôi. Thời Đông Bắc, Cao Cương thuộc loại nhân vật “không gật đầu thì đến ông trời cũng không dám đổ mưa”, nắm quyền sinh quyền sát, cho ai thăng quan người ấy nhờ, bắt ai giáng chức kẻ đó chịu. Lý do thật đơn giản, vương triều nào cũng vậy, lúc mới gây dựng đều phải qua giai đoạn “anh hùng trị quốc”, toàn quyền quân đội, chính quyền đảng phái tập trung vào “chư hầu” mỗi phương, họ mang sứ mệnh lịch sử có tính nhân trị trước khi lập nên nền pháp trị. Quyền lực nằm trong tay “chư hầu”, có thể bằng lý tưởng, đạo đức, kỷ cương v.v... mà tự mình hạn chế hay không. Tài ba cống hiến của Cao Cương không ai phủ nhận, và khi kháng Mỹ viện Triều, Đông Bắc và Cao Cương đều có vị trí và trách nhiệm đặc biệt. Từ một góc độ nào đó mà phân tích trục tam cực Bành Đức Hoài (Triều Tiên) - Cao Cương (Đông Bắc) và Chu Ân Lai (Bắc Kinh) những năm 50 là rất khăng khít và quan trọng, họ từng tâm đầu ý hợp cho cả cục diện Trung Quốc mà người lèo lái là Mao Trạch Đông. Nay Cao Cương về Bắc Kinh công tác, Cao - Chu vẫn gắn bó như xưa, Cao mở vũ hội, nhẽ nào Chu lại từ chối. Nhưng bản chất mê gái của Cao Cương thì khó mà thay đổi, lúc còn trị vì ở Đông Bắc mang “phí chiêu đãi” đến trận tiền “cứu chúa”, giải thoát cho ông khỏi vòng vây của bao nàng tóc vàng da trắng hám tiền mà chẳng sợ quan. Nhiều đồng chí già từng làm nhiệm vụ “cứu chữa” cho Cao Cương đã viết hồi ký kể chuyện này khá tỉ mỉ, xin miễn nhắc lại ở đây. Nhưng có điều Cao Cương lầm tưởng Bắc Kinh cũng như Đông Bắc, ngay lần đầu tiên khai trương vũ hội gia đình mà Cao mời Chu tham dự thì ông nhanh chóng lộ nguyên hình, mắt ông hau háu như gã thợ săn lập tức xói vào những nơi cong nhất, bí hiểm nhất của vũ nữ, miệng ông liên hồi phun ra bao lời gợi dục kích tình, rất thô lỗ tự nhiên, chẳng cần một loại văn chương nào che đậy. Chu Ân Lai ít nhiều dự đoán Cao Cương sẽ làm gì, nếu chỉ ngần ấy thì tạm có thể khoan dung tha thứ cho loại khuyết điểm “hủ hoá” bằng mắt và miệng, ông không thể bắt mọi người phải văn nhã, lịch lãm như mình, mỗi người trước khi đi với cách mạng đã từ nhiều ngả, nhiều nơi, giáo dục và rèn luyện hoàn toàn khác nhau, ví như Bành Đức Hoài thường gọi Cao Cương là “Cao rỗ đại ca”, Cao lấy làm thích thú và thân mật khi nghe như vậy, nhưng đối với Chu, điều đó cấm chỉ, nếu không Cao sẽ không phục Chu. Giá như Cao Cương dừng lại ở mức độ dăm ba câu bông đùa, vài đôi lần khiêu khích bằng ánh mắt cợt nhả thì chắc Thủ tướng tôi đã không nổi giận, đằng này ông tiếp tục “phóng tay” sờ mó, nắn bóp vũ nữ và cũng yêu cầu vũ nữ làm việc đó cho mình. Chàng hảo hán Thiểm Tây, “ông vua” một vùng Đông Bắc, “chư hầu” nhân trị xưa nay đã làm cho Thủ tướng tôi kinh ngạc, sau này nhiều lần ông vẫn than với chúng tôi rằng: “Cao sơn hoàng đế viễn”, lắm quan địa phương xằng bậy mà trung ương khó lòng kiểm tra kịp! Chu Ân Lai mặt mày ảm đạm cáo từ ra về, vài lần sau nữa Cao Cương lại mời, nghĩ vì đại sự không thể gây mâu thuẫn với một Phó chủ tịch chính phủ, Phó chủ tịch Hội đồng quân sự, Chủ nhiệm uỷ ban kế họạch nhà nước nên Chu đành phải đeo mặt nạ đến dự vũ hội gia đình ở Cao công quán. Mức độ “vui vẻ” của Cao ngày một gia tăng, và đêm hôm ấy Chu dìu bạn nhảy ra gần cửa, vẫn câu nói xưa “tôi có chút việc phải về, thôi nhé” cáo biệt với cái trò nhảy múa của Cao Cương, Thủ tướng tôi hoàn toàn nổi giận, và về sau ông kiên quyết đấu tranh với Cao, chứ không thể xem đó là “tiểu tiết vô hại” như kiểu Lâm Bưu thường nguỵ biện.

Năm 1955, Chu Ân Lai bay qua Cairo để đến Alger dự hội nghị Á Phi. Trước khi máy bay hạ cánh tại phi trường Cairo tiếp nhiên liệu, Chu Ân Lai nhận được điện báo về cuộc đảo chính quân sự ở Alger, ông liền xin Mao Trạch Đông và Trung ương cho phép thay đổi kế hoạch, ở lại Cairo viếng thăm ngoại giao, quan sát tình hình diễn biến đảo chính, xem thử hội nghị Á Phi có tiếp tục họp ở Alger nữa hay không. Trung Cộng đã đồng ý đề nghị của Chu. Ngoại trưởng Trần Nghị đi tiền trạm nên gặp đúng cuộc đảo chính xảy ra ở Alger, nhiều đoàn cũng đến sớm như thế và rất lo lắng liệu hội nghị sẽ tiến triển ra sao. Trần Nghị vốn người ngay thẳng, bộc trực nên có biệt hiệu “thùng pháo”, hễ đã nổ là liền một mạch cho đến viên cuối cùng, ông thấy các đoàn thắc mắc băn khoăn và điểm pháo luôn:

- Hội nghị Á Phi lần này nhất định vẫn khai mạc theo kế hoạch đã định. -Trần Nghị nói như đinh đóng cột, không còn “chỗ” để hiệu đính nếu vạn nhất có sai sót.

Quả nhiên do tình thế thay đổi, lòng người xáo động, ý kiến không nhất trí, hội nghị Á Phi lần ấy không thể nào họp ở Alger vừa qua đảo chính, các đoàn lần lượt ra về, Chu Ân Lai cũng rời Cairo bay về Bắc Kinh. Câu nói của Ngoại trưởng Trung Quốc đã hoàn toàn sai, khiến cho Chu Ân Lai vô cùng tức giận Trần Nghị, ông phải kêu lên: “Xằng bậy, thật là xằng bậy”.

Trần Nghị biết mình có sai lầm nên chủ động đến gặp Chu Ân Lai, ông hỏi cảnh vệ:

- Thủ tướng đang làm gì?

- Dạ báo cáo đang đợi đồng chí Ngoại trưởng và có vẻ rất bực tức ạ!

Trần Nghị là người dám làm dám chịu, tuy lính tráng cáo trạng lên như vậy nhưng ông vẫn bình tĩnh tiến thẳng vào Tây Hoa sảnh - văn phòng của Chu Ân Lai - và với tư thế con nhà binh, ông hô:

- Báo cáo Thủ tướng, tôi có mặt! - Hình thức võ quan này, Trần Nghị chỉ áp dụng khi gặp Mao Trạch Đông; với Chu Ân Lai ông tỏ ra thân mật và văn nhã hơn, nhưng hôm nay Trần phá lệ vì sợ Chu Ân Lai đập bàn, quát nạt.

- Đồng chí Trần Nghị, đồng chí thật vô tổ chức, vô kỷ luật. - Đôi mày sậm đen của Chu Ân Lai nhíu lại, ông bước về phía Trần Nghị như muốn có một động tác gì đó, bỗng ông dừng chân, nhìn Trần, rồi quay về bàn làm viêc. Chúng tôi tưởng Thủ tướng sẽ đập bàn phẫn nộ như vừa mới phê bình một vị đại tướng, nhưng ông chỉ gõ nhẹ ba tiếng và với lời nghiêm khắc nhất trong từ điển mắng chửi của mình, Chu Ân Lai dằn từng chữ:

- Không cho phép làm như vậy!

- Tôi sai, xin kiểm thảo với Thủ tướng.

- Không phải với tôi, mà với Mao Trạch Đông, với Trung ương!

- Vâng, Trần Nghị tôi rõ và xin chấp hành!

Đó là lần đầu tiên Chu Ân Lai nổi nóng với Trần Nghị Và cũng là lần cuối cùng vị nguyên soái mang áo ngoại giao không gây âu lo cho Thủ tướng, họ như cặp bài trùng, bổ sung cho nhau trên mỗi cuộc cờ trong và ngoài nước.

Lại vẫn những ngày tháng người lính vừa nắm chính quyền, chuyện ấu trĩ tất nhiên đã xảy ra và thường làm cho Chu Ân Lai bực tức nổi giận, nhưng ông phải ra tay chèo chống vì biết rằng “trăm dâu đổ đầu tằm” và mình là người quản gia, không còn ai vào đó nữa... Ba giờ chiều hôm ấy, Chu Ân Lai tiễn hoàng thân Sihanouk về nước, cùng ra sân bay với ông là La Thuỵ Khanh, Lưu Á Lầu và nhiều tướng lĩnh cao cấp khác, và cũng đúng ba giờ thì trận bóng đá giữa hai đội tuyển Trung Quốc và Indonesia sẽ diễn ra trên sân vận động Tiên Nông Đàn. Sau những cái bắt tay, ôm hôn, từ biệt hoàng thân Sihanouk bước lên cầu thang vẫy chào đi vào khoang máy bay, cửa vẫn chưa đóng, ngay lúc ấy nhiệm vụ ngoại giao xem như đã hoàn thành, các vị tướng lĩnh ra hiệu cho nhau lần lượt “chuồn” dần ra cổng để lên xe tiến về Tiên Nông Đàn. Chu Ân Lai đứng yên dõi nhìn chiếc máy bay cất cánh và quay lại ra lệnh cho tôi: đóng chặt tất cả các cửa ra vào sân bay, ai hỏi vì sao thì trả lời Thủ tướng chỉ thị! Đám cổ động viên bóng đá lững thững quay lại. Ngay trên phi trường, các vị được Chu Ân Lai cho một bài học về phép tắc ngoại giao đưa đón khách và cộng thêm điều lệ bộ binh, tướng chưa rút mà quân đã bỏ chạy cả sao? Tất cả những bài học này các vị đều đã thuộc, nhưng hôm nay cố tình “chây lười”, Chu biết vậy và nói nhanh trong vòng 15 phút, rồi tuyên bố: phạt các anh nửa hiệp một, hãy mau về Tiên Nông Đàn, những bất ngờ đang đợi khán giả...

Làm tôi sợ đứng tim chính là lần Chu Ân Lai mở tiệc chiêu đãi Thủ tướng Nehru tại Hoài Nhơn Đường, khách chủ vừa đứng lên cụng ly, rượu chưa chạm môi thì điện vụt tắt, cả Hoài Nhơn Đường tối đen như mực. Kẻ xấu đã tung tin đó là điềm gở báo hiệu quan hệ Trung - Ấn sắp đi vào thòi kỳ u ám. Nhưng cũng may sau giây lát đèn sáng trở lại. Chu Ân Lai xem như không có chuyện gì xảy ra, thù tiếp khách quý một cách ân cần. Tiệc tàn, tiễn Nehru lên xe. Chu Ân Lai quay về văn phòng Tây Hoa sảnh phê duyệt văn thư cho ngàv mai, tôi tưởng mọi việc thế là xong, nào ngờ đúng ba giờ sáng Thủ tướng ra lệnh triệu tập họp khẩn cấp, bao gồm Bộ Ngoại giao, Văn phòng Trung ương Đảng, Chính phủ Bắc Kinh, Cục điện lực v.v... hệ thống điện thoại đồng khởi làm việc và câu cuối cùng không sót vang lên đầu giây đằng kia - thủ tướng căn dặn tuyệt đối đúng giờ. Tất cả đều phải vùng; dậy rời khỏi chăn êm đệm ấm và nhớ đời cái tội làm mất điện ở Hoài Nhơn Đường đêm đó!
Về sau, mỗi lần khách nước ngoài đến thăm, gặp dịp hội đàm, chiêu đãi, người ta thường nhắc lại điển tích “hội nghị lúc gà gáy” và lo lắng chu toàn mọi bề hậu cần.

Phần tôi, trước gọi là “phó quan” của Chu Ân Lai, sau cách mạng đổi thành “thư ký hành chánh”, một lần Thủ tướng đi công tác nước ngoài, tôi xin phép ở nhà sửa chữa lại tư thất cho ông, kẻo ẩm thấp và hư hỏng quá nhiều. Tất nhiên, công việc sửa chữa nhà cửa tôi đều thỉnh thị ý kiến chị cả Đặng và các đồng chí khác như Đồng Tiểu Bằng chẳng hạn; nhưng khi từ nước ngoài trở về, Chu Ân Lai vào phòng và lập tức quay ra, ông nói: Đây không phải là nhà của tôi - rồi một mạch bảo lái xe đưa đến văn phòng Tây Hoa Sảnh, Thủ tướng ăn ở tại đó. Tôi hoảng quá và không dám để chị cả Đặng và Đồng Tiểu Bằng liên luỵ nên nhận hết trách nhiệm về mình, nhờ Trần Nghị can thiệp, nhưng Thủ tướng nhất mực yêu cầu trở lại nguyên trạng! Thôi đành vậy, tôi cho người mang trả tất cả gia cụ về kho nhà nước và xin ông giữ phần gỗ sàn, xi măng vôi vữa sả tường và những nước sơn mới quét. Thủ tướng ân cần bảo tôi: Chú Hà, tôi không làm khó dễ cho chú, nhưng chúng ta phải nêu gương. Chú thử nghĩ, tư thất của Thủ tướng tiên phong tân trang, thì sau đó là Bộ trưởng, thứ trưởng, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm v.v... sẽ lần lượt nối đuôi theo, nhà nước còn nghèo, biết lấy tiền đâu cho đủ? Tôi im lặng nhận “lỗi”, Thủ tướng trở về và ít ra sàn nhà bằng gỗ đã bớt ẩm thấp rất nhiều, góp một phần nhỏ bé giữ gìn sức khoẻ cho ông.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #76 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2014, 04:50:35 pm »

6. SÁU VĂN PHÒNG


Nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới đã nghiên cứu và bình chọn Chu Ân Lai là người bận rộn và nhiều việc nhất của hành tinh chúng ta. Nhận định ấy không hề khoa trương chút nào, bởì vì những gì mà mấy chục năm qua thủ tướng để lại quả là một chứng minh hùng hồn. Tinh thần cống hiến và tài trí thông tuệ hơn người của Chu Ân Lai nhiều sách báo trong và ngoài nước đều đề cập, ở đây xin không nhắc lại, tôi chỉ muốn dành chương này để kể về “sáu văn phòng” của Thủ tướng. Thuật ngữ “văn phòng” anh chị em thư ký chúng tôi sử dụng bấy lâu hoàn toàn khác hẳn với một không gian nào đó ở Tây Hoa sảnh, Đại lễ đường Nhân dân, Điếu Ngư Đài hoặc Tân Lục Sở v.v.. mà do quan sát quy luật sinh hoạt và làm việc của Thủ tướng nên chúng tôi đã đặt tên như vậy, cũng là loại “tiếng lóng” để “che mắt” mọi người bớt “quấy rầy” ông.

“Văn phòng thứ nhất”, xưa dùng từ thô thiển, ngày nay văn minh hơn gọi là phòng vệ sinh, phòng rửa tay, phòng tắm v.v.. Lịch sinh hoạt hàng ngày của Thủ tướng, mở mắt tỉnh dậy là đi nhà vệ sinh và cũng bắt đầu làm việc ngay tại đó, nên chúng tôi mới dám đặt tên “thứ nhất”, hay nói gọn hơn “văn phòng 1”.

Năm 1940, tôi được điều về Trùng Khánh phục vụ Chu Ân Lai, “văn phòng 1” của ông còn rất thô sơ, chúng tôi chọn một góc vườn cách nhà khoảng hơn 10 mét, làm cái lều, đào lỗ, đặt hai hòn gạch. Mỗi sáng trở dậy, Thủ tướng tôi cầm tập sách báo đêm qua để sẵn đầu giường và đi ra “văn phòng 1” vừa “làm việc”, vừa xem tin tức, một ngày bận rộn của ông đều bắt đầu như vậy. Do nhiều nguyên nhân về thể trạng, thời gian đi vệ sinh của Thủ tướng tương đối dài không giống những người “tốc chiến tốc thắng” 3 phút là xong, mà nhanh thì nửa giờ, hoặc chậm phải đến cả tiếng, cho nên không làm việc kể cũng uổng, một đời hẳn không biết bao nhiêu là ngày tháng. Thời lượng công tác ở “văn phòng 1” của Thủ tưóng hoàn toàn do tình trạng sinh lý của hôm ấy quyết định, thường thường hai việc đều hoàn thành một lúc. Thoạt đầu Thủ tướng đọc các điện khẩn đêm qua truyền về, rồi xem báo hàng ngày vừa ra sáng nay. Cũng có lúc, chắc bạn sẽ ngạc nhiên hoặc mỉm cười không tin, vâng, cũng có lúc tại “Văn phòng 1” Thủ tướng vừa xem văn thư, vừa nghe chúng tôi báo cáo tình hình, vừa ra chỉ thị và vừa “làm cái việc ấy” nữa.

Trường hợp văn thư sách báo đã xong mà “công việc” vẫn chưa hoàn thành triệt để, Thủ tướng gọi chúng tôi bổ sung kế hoạch. Nhiều thầy thuốc lo ngại, hay là vì Thủ tưóng có thói quen đọc sách báo khi đi vệ sinh nên bị ức chế mà kéo dài thời gian như vậy và sử dụng các biện pháp y học, nhưng đều vô hiệu, cuối cùng đành chấp nhận để Thủ tướng làm việc ở “văn phòng 1” vì đối với ông thời gian là châu báu.
Ngày đầu tiên nhận việc phục vụ Chu Ân Lai, tôi đã trình diện ông tại “văn phòng 1”.

- Đồng chí tên là Hà Thụ Anh?

- Dạ vâng, thưa Chu phó chủ tịch.

- Ở đơn vị nào điều về?

- Lữ đoàn 385.

- A, đồng chí là lính của Phương diện quân số 4.

Tôi lấy làm xấu hổ vì mình là lính của Phương diện quân số 4 do Trương Quốc Đào chỉ huy, đi đến đâu cũng mang tiếng không tốt đẹp gì. Hình như biết tôi lúng túng, Chu Ân Lai cười vang:

- Trương Quốc Đào không tốt, nhưng sĩ tướng của Phương diện quân số 4 đâu phải là xấu, Trung ương đều rất tín nhiệm các đồng chí, ông ấy đã không biết đánh trận mà lại còn thọc tay tận xuống cấp tiểu đoàn, cho nên cơ sự mới ra nông nỗi này. - Nói đến đây Chu Ân Lai lắc đầu và tiếp tục bảo tôi: - Hoan nghênh đồng chí Hà về công tác cùng chúng tôi.

Từ hôm ấy, Chu Ân Lai không hề nhắc tới mấy chữ “Phương diện quân số 4” nữa, tôi liên tục được thăng chức “phó quan” lên thư ký cơ yếu, rồi vệ sĩ trưởng v.v... mà điểm bắt đầu là “văn phòng 1” của Thủ tướng.

Thời kiến Quốc, về thành phố, tiện nghi của “văn phòng 1” được hoàn thiện dần, tư thế ngồi xổm thay vì ngồi bệt nên đỡ tê chân, và “hiệu suất” làm việc nâng lên rõ rệt, lúc này tuổi tác của Thủ tướng cũng đã cao, công việc của một đất nước đến cả tỷ dân cũng nhiều vô kể, chúng tôi ai cũng chợt nghĩ, cứ mà kéo dài mãi cơ sở vật chất loại “văn phòng 1” như ở Trùng Khánh thì thật là gay go. Tất cả đám thư ký chúng tôi đều tôn trọng tập quán làm việc tại “văn phòng 1” của Thủ tướng, bởi vì người Trung Hoa chúng tôi có câu “Nhất niên chi kế tại dư xuân, nhất thiên chi kế tại dự thần” - mọi việc của một ngày đều bắt đầu từ buổi sáng, cũng như mọi kế sách của cả năm hầu như sẽ đến tự mùa xuân, và “tranh nhau” đưa phần việc mà mình phụ trách “xếp hàng” tại “văn phòng 1” để được Thủ tướng phê duyệt trước. Thủ tướng thường đi ngủ vào lúc 3 giờ sáng và thức dậy khoảng 7 giờ, trong khoảng 3, 4 tiếng đồng hồ ấy biết bao chuyện đã xảy ra ở Trung Quốc và trên thế giới mà Chu Ân Lai không thể không biết, do đó chúng tôi phải kịp thời báo cáo ông ngay ở thời khắc bắt đầu của một ngày công tác, địa điểm chỉ có tại “văn phòng 1” là thuận lợi nhất. Thủ tướng vừa bước chân vào “văn phòng” là anh em chúng tôi theo sát sau lưng nhẹ nhàng đặt tất cả điện khẩn, công văn khẩn, báo cáo khẩn lên một cái đôn thấp bố trí bên cạnh chỗ “làm việc” để Thủ tướng với tay lấy xem dễ dàng. Nhiều năm quan sát, tôi thấy đây là thời điểm mà Thủ tướng làm việc hưng phấn nhất, hiệu suất cao nhất và quả là ông có 3 cái đầu cùng đồng thời động não, mắt đọc điện báo văn thư rồi cẩn thận phê ghi ý kiến rõ ràng và dễ hiểu cho người thực hiện, tai nghe anh em chúng tôi báo cáo những vấn đề thuộc lĩnh vực khác vừa thu thập qua điện thoại không có văn bản và miệng phát ra những chỉ thị mà hồi đêm Thủ tướng đã “nhất dạ sinh bách kế”, sáng ra phải truyền đạt ngay cho thư ký. Trong kho lưu trữ của nhà nước, hằng hà sa số văn bản còn giữ lại đều có bút tích của Chu Ân Lai phê ghi lúc bình minh ngay ở “văn phòng 1” này.

Có một lần Liêu Thừa Chí vội vàng tìm gặp Thủ tướng, nhưng trực ban đã nói với ông:

- Chương trình làm việc hôm nay của Thủ tướng sắp xếp kín cả rồi, không còn chỗ trống để chen vào báo cáo của đồng chí.

- Việc này khẩn cấp lắm, không gặp Thủ tướng là không xong - Liêu Thừa Chí hốt hoảng hỏi: - Thế Thủ tướng ở đâu?

- Dạ đang đi cầu ạ!

- A, “văn phòng 1” - Liêu Thừa Chí mừng rỡ chạy thẳng vào nhà vệ sinh làm việc với Thủ tướng và từ hôm đó “văn phòng 1” bị lộ, các đồng chí Trung ương nhanh chóng phổ biến kinh nghiệm cho nhau rồi lần lượt xộc đến đây giải quyết công việc khẩn cấp. Thủ tướng bảo chúng tôi chuẩn bị thêm vài cái ghế để các Bộ trưởng, thứ trưởng cùng ngồi bàn bạc cho tiện, tất nhiên các đồng chí nữ thì phải truyền đạt bắc cầu, gián tiếp qua anh em nam chúng tôi. Thật khó mà tưởng tượng nổi, công việc của một chính phủ, của một quốc gia lại được thực hiện ở trong loại “văn phòng” như vừa kể, vấn đề rất nghiêm túc và được giữ kín mấy chục năm nay, người bên ngoài cũng chỉ hiểu “văn phòng 1” là một nơi nào đó mà thôi, quan trọng nhất vẫn là những sản phẩm đưa ra từ nơi ấy và Thủ tướng không hề câu nệ, người ở đâu, bàn làm việc và văn phòng ở đó. Xong việc ở “văn phòng 1” đi ra, nếu không có vấn đề gì quan trọng phải điện thoại xin ý kiến của Mao Trạch Đông, Thủ tướng dành 5 phút tập bài thể dục do ông tự biên soạn và sau đó bước vào “văn phòng thứ hai”.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #77 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2014, 04:56:07 pm »

Chúng tôi gọi bàn ăn chứ không phải nhà ăn là “văn phòng thứ hai” của Thủ tướng, vì ông ngồi ăn chỗ nào thì chỗ ấy lập tức trở thành bàn làm việc, ngay cả nơi yến tiệc. Nhưng tục ngữ có câu “trời đánh còn tránh bữa ăn”, việc khẩn cấp đều đã giải quyết ở “văn phòng 1” rồi, nên anh chị em chúng tôi cam kết không được quấy rầy Thủ tướng lúc này, đế ông ăn ngon miệng, tiêu hoá tốt, đảm bảo sức khoẻ. Mặt khác chị cả Đặng cũng căn dặn: “Các đồng chí những 20 thư ký, nếu cứ luân phiên quần thảo thì có ngày Thủ tướng sẽ tắt thở ngay trong bữa ăn đó”, cho nên khi sắp xếp lịch làm việc cho Thủ tướng, chúng tôi đều để trống lúc ăn cơm, còn lại là chằng chịt, chi chít công việc. Ngày 20 tháng 1 năm 1981, chị cả Đặng mang tới Văn phòng Trung ương đảng 26 cuốn lịch công tác của Chu Ân Lai trong hơn 26 năm qua, Hồ Diệu Bang là Tổng bí thư lúc bấy giờ đã tiếp nhận di sản quý báu đó của Thủ tướng, phải nói chính xác là 26 cuốn lẻ 8 tờ ghi đầy đủ từng phút từng ngày những việc Chu đã làm kể từ đầu năm 1950 cho đến hôm mồng 8 tháng 1 năm 1976 - lúc ông qua đời, trong đó chúng ta có thể tìm thấy khá nhiều công việc giải quyết tại bàn ăn - “văn phòng 2”.

Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đều có một thói quen ăn uõng không theo một quy luật nhất định và miệng nhai nhưng mắt không rời trang chữ, tuy vậy giữa hai người có điểm khác nhau. Khi sang Liên Xô hội đàm với Stalin, Mao Trạch Đông mang theo một đám quân sư, bộ hạ đều làm công tác nghiên cứu triết học, nên lúc bàn vào vấn đề sản xuất, xây dựng kiến thiết, công trình viện trợ v.v... các đồng chí này trình bày không mấy rõ ràng, Stalin bèn nói với Mao Trạch Đông: “Về kinh tế, đồng chí cho gọi Chu Ân Lai sang, như vậy hội đàm sẽ có kết quả hơn”. Được lệnh, Chu Ân Lai và đoàn chuyên gia kinh tế liền ứng viện, Mao Trạch Đông cười và nói với Stalin rằng: “Hôm nay thì chúng tôi có đầy đủ binh mã, vừa thượng tầng kiến trúc vừa hạ tầng cơ sở kinh tế”, quả nhiên đàm phán Trung - Xô đi đến ba hiệp định, đạt yêu cầu của Mao triết gia “đẹp một tí và cũng ngon một tí”. Làm triết học nhiều lúc có thể thoát ly sự ràng buộc của sự vụ cụ thể, nhưng đối với kinh tế thì không như thế được, cho nên lúc ăn cơm Chu Ân Lai xem sách báo, văn kiện và phải hạ bút phê ghi rất chi tiết, cẩn thận, còn Mao Trạch Đông thì gật gù suy ngẫm sẽ tán đồng hoặc sẽ phản đối.

Ăn sáng xong, Thủ tướng nhanh chóng đi vào văn phòng thứ ba, ông vội vàng đến mức nước súc miệng nhổ vào ống nhổ ở văn phòng này, chứ không phải bên nhà ăn. Tôi không mở ngoặc kép cho mấy chữ văn phòng thứ ba vì đó là nơi làm việc thông thường mà ai cũng biết, đơn sơ, bài trí nhẹ nhàng với bức tượng thạch cao bán thân hình hài chủ tịch, các tuyển tập, trước tác của Mác, Ănghen, Lênin, Stalin và Mao Trạch Đông, ngoài ra là loại sách công cụ Từ nguyên, Từ hải dùng để tra cứu. Chu Ân Lai thường triệu tập các vị phó thủ tướng, Bộ trưởng, chủ nhiệm uỷ ban đến đây trao đổi ý kiến hay hội nghị. Bàn làm việc của Thủ tướng tôi ngày nào cũng chất cao công văn giấy tờ. Ông có “tam bảo văn phòng”, thứ nhất là ống vải bảo hộ tay áo, Chu Ân Lai cần mẫn như một người thợ sắp chữ hoặc như một công chức luôn phải cạo giấy, trước khi ngồi vào bàn cẩn thận mang hai ống này vào hai tay vừa giữ cho tay áo sạch sẽ, vừa bảo vệ nơi khuỷu tay lâu sờn, thứ hai - kính lão và thứ ba - lọ dầu gió. Hồi chưa sản xuất máy điều hoà không khí, phòng làm việc của Thủ tướng phải dùng quạt điện và lò sưởi than, tuy có hơn nhà hầm ở Diên An nhưng không được đông ấm hè mát một cách tự nhiên như kiểu ở vào hốc núi trên cao nguyên hoàng thổ. Công việc đầu tiên của Thủ tướng là phê duvệt văn kiện và sau đó tiếp đến các hoạt động ở bên ngoài như hội nghị, thuyết trình, đón khách, đi kiểm tra, thị sát, tới khoảng 10 giờ tối thì không khí ở Tây Hoa Sảnh mới thực sự rộn rịp, khẩn trương, xe đưa Thủ tướng trở về và nghe tiếng húng hắng là chúng tôi nhận ra ngay Chu Ân Lai. Ngày xưa khi còn hoạt động bí mật, ông thường ám hiệu bằng cách húng hắng ho, lâu dần thành thói quen không sửa được, và nay có thể thay cho việc ấn chuông. Toàn bộ đám thư ký trình lên các báo cáo vừa thu thập trong ngày và Thủ tướng lại vào bàn, đeo mục kỉnh, mang ống vải bảo hộ tay áo, bắt đầu làm việc ca 3. Sức hoạt động của Chu Ân Lai thật là phi thường, không chỉ về mặt số lượng mà chủ yếu ở nơi chất lượng, chúng tôi thường chứng kiến các điệp khúc như sau:

- Báo cáo này nhận từ lúc nào?

- Thưa Thủ tướng buổi trưa ạ.

- Sao bây giờ mới trình?

- Dạ lúc ấy Thủ tướng đang bận.

- Không cho phép làm như thế, tôi đã nhắc các đồng chí nhiều lần rồi, có việc quan trọng là phải báo cáo ngay cho Chủ tịch, vậy mà các đồng chí để trễ cả nửa này. - Thủ tướng vừa răn dạy, vừa xem báo cáo và nhanh chóng phê ghi rồi giao cho thư ký thực hiện tức thì trong đêm ấy, đoạn ông hạ giọng ân cần bảo ban: - Các đồng chí đừng sợ tôi bận, những vấn đề khẩn cấp, dù tôi đang ngủ hay đang họp hành gì đó đều phải kịp thời báo cáo. Nhưng có lẽ điều làm chúng tôi sợ nhất là khi nhận những báo cáo bất thành văn tự của Bộ trưởng, thứ trưởng mà cứ thế trình lên Thủ tướng, thì trận “lôi đình” không biết sẽ đi đến đâu - Văn vẻ như thế này, các đồng chí đã không sửa lại còn đùn đẩy lên tôi - Nhiều thư ký biện bạch: - Dạ thưa đó là do Bộ trưởng viết ạ. Thủ tướng phán ngay: - Thế trong cái văn phòng này, ai chịu trách nhiệm với tôi? Bộ trưởng hay đồng chí? Xem những báo cáo như vậy quả là lãng phí thời gian.

Thủ tướng tôi cẩn thận đến mức văn tự, chữ nghĩa nào chưa rõ đều tra khảo Từ hải, Từ nguyên, thậm chí lật cả Từ điển Khang Hy, những câu, những đoạn viện dẫn phải trích theo nguyên tác có đầu có đuôi... Tội nghiệp, có hôm Thủ tướng kéo thước tính logarit để dò và kiểm tra từng con số, chúng tôi phải kêu lên: - Thủ tướng không tin các bộ tính toán hay sao? Ông giải thích: - Tôi ký thì dễ, ngoáy bút là xong, nhưng đây là quốc kế dân sinh, sai một ly đi một dặm, sẽ lãng phí mồ hôi, nước mắt và máu của nhân dân, có thể nói “ngàn cân treo đầu ngòi bút này”... Thủ tướng cẩn thận một cách cực đoan, nhiều lúc ông đã than rằng, “tôi như ông thầy dạy văn, ngày ngày phải chấm luận, sửa bài”, đó là cách nói hình tượng của Thủ tướng, còn đối với chúng tôi, Chu Ân Lai như một nhà điêu khắc, như một thợ thêu, cần mẫn gọt dũa, cần mẫn chọn chỉ chọn màu tạc nên, dệt lên những tác phẩm bất hủ...

- Ân Lai anh, đứng dậy vận động tí đã! - Lời nhắc nhở nhẹ nhàng ấy của chị cả Đặng vẫn thường đêm văng vẳng ngoài hành lang. Phòng làm việc của Chu Ân Lai có 3 chìa khoá, một giao cho trực ban cảnh vệ, một giao cho trực ban thư ký và một do ông giữ. Đặng Dĩnh Siêu không cầm cái nào và không hề bước chân vào căn phòng này. Hơn thế nữa, nguyên tắc không can dự đến công việc của Thủ tướng đã trở thành “hiệp nghị hôn nhân” từ lâu giữa hai người, vì vậy mà chị cả Đặng chỉ có thể đứng ngoài hành lang khẽ nhắc vào.

- Anh sẽ vận động, Tiểu Siêu về nghỉ đi! - Chu Ân Lai rời khỏi ghế ngồi, vươn vai và đi lại trong phòng, một cách tập thể dục giữa giờ, sau đó tiếp tục làm việc, mãi tới lúc “cho tôi cái khăn nóng” thậm chí “cho mình điếu thuốc” thì ông mới về phòng ngủ - “văn phòng thứ tư”.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #78 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2014, 04:57:39 pm »

Trên giường ngủ, Chu Ân Lai vẫn làm việc, vẫn “tam bảo văn phòng”: cây bút chì xanh đỏ, mục kỉnh lão và lọ dầu gió. Thủ tướng để văn kiện bên cạnh người, nằm đọc, lúc cần phê ghi thì bắt chân chữ ngũ, kê tờ giấy lên đầu gối mà viết. Anh em chúng tôi thấy vậy bèn làm cho ông tấm bìa cứng, nhưng cũng cứ mỏi chân, về sau chị cả Đặng gọi thợ mộc thiết kế và đóng cho Thủ tướng cái bàn đặc biệt nằm nghiêng có thể phê ghi được, điều kiện làm việc ở “văn phòng 4” từ đó được cải thiện hơn. Chiếc bàn độc nhất vô nhị ấy hiện còn giữ gìn và trưng bày ở Bảo tàng Cách mạng Trung Quốc. Những năm 60, Thủ tướng mắc chứng đau tim, tại “văn phòng 4” này còn phải chuẩn bị thêm những lọ thuốc trợ thủ giảm cơn đau. Vào thời kỳ kinh tế khó khăn, các đồng chí lãnh đạo trung ương kiên trì không ăn thịt và trứng, còn lương thực thì theo định lượng. Thủ tướng lại phải làm việc mỗi ngày liên tục 17 tiếng đồng hồ, vào đến “văn phòng 4” ông mệt nhoài sóng sượt, nhưng vẫn không bỏ thói quen làm việc, ai khuyên can, Thủ tướng tôi cũng chỉ mỉm cười, gật đầu và rồi lại đọc, lại ghi.

Anh chị em thư ký chúng tôi bàn cách đối phó và nhất trí cử Trịnh Thục Vân - nữ y tá vừa đưa thuốc cho Thủ tướng, vừa “đứng vạ”, khi nào ông đi ngủ thì mới ra khỏi phòng.

Trịnh Thục Vân 15 tuổi tòng quân, 18 tuổi vào Trung Nam Hải và phục vụ Thủ tướng mãi cho đến ngày ông tạ thế. Nằm trên giường bệnh, Chu Ân Lai đã an ủi Thục Vân: “Bác chứng kiến cả một quãng đời từ a hoàn tóc đen trở thành a hoàn tóc trắng của cháu ở chốn Trung Nam Hải này và ngẫm ra, thời gian không tha thứ cho bất kỳ ai, phải không Thục Vân?”. Những năm 50, lúc hội đàm Trung - Mỹ ở Varsava, có ngày Chu Ân Lai làm việc liên tục 22 tiếng đồng hồ, ông ngồi lỳ ở văn phòng 3 mà không chịu về “văn phòng 4”, chị cả Đặng đi đi lại lại ngoài hành lang nhắc nhở, rồi ấn chuông nhiều lần, tất cả đều vô hiệu, bèn cử Thục Vân đưa nước trà vào cho Thủ tướng và cứ đứng vậy. Chu Ân Lai ngẩng đầu lên và hỏi Thục Vân:

- Cháu chưa về ư?

- Thủ tướng chưa đi ngủ thì nên vận động một chút. Thủ tướng chưa vận động là cháu chưa hoàn thành nhiệm vụ, Thủ tướng làm chưa xong việc chưa chịu đi ngủ, cháu cũng vậy, phải xong việc mới về được ạ!

Từ đó “Tiểu Trịnh” trở thành át chủ bài “khuyên chúa” tập thể dục giải lao, “khuyên chúa” đi nghỉ đúng giờ, nhưng túng thế lắm chúng tôi mới ngả bài “đứng vạ” của Trịnh Thục Vân. Năm 1966, lúc ngài Lý Tôn Nhân từ nước ngoài trở về, vì một số công việc xảy ra những ngày đầu Cách mạng văn hoá, Chu Ân Lai phải làm việc liên tục 60 tiếng đồng hồ, máu dồn lên mắt, đau đến mức không còn nhìn thấy gì nữa, trở về “văn phòng 4” ông vẫn không tài nào ngủ được, dựa vào thành giường vờ nhắm mắt, cũng thế, ông gọi thư ký đến bàn bạc công việc, đọc cho ông nghe các bài phát biểu tại tiệc chiêu đãi Lý Tôn Nhân, y tá vào chích thuốc yêu cầu ngừng đọc, nhưng Thủ tướng không chịu, bảo rằng: “Đồng chí nào tiêm cứ tiêm, đồng chí nào đọc cứ đọc và tôi nghe cứ phải nghe”. Sinh mạng của Chu Ân Lai cứ như vậy mà hao tổn dần, và khi “văn cách” cuốn cờ, thì mọi năng lượng vật chất ở ông cũng cạn kiệt.

“Văn phòng thứ năm” của Thủ tướng rộng mênh mông, trên rừng dưới biển, thành phố, nông thôn, nhà máy, công trường, cơ quan, trường học, đường phố, thương trường, chợ búa v.v... tất cả những nơi ông đặt chân đến trên lãnh thổ Trung Hoa bao la, cũng như đất khách quê người, bầu bạn bốn phương. Thói quen của Chu Ân Lai là yêu cầu mỗi thư ký cùng ông làm việc tại “văn phòng 5” đều viết tờ báo cáo, viết xong ông duyệt và trình về cho Mao Trạch Đông. Nội dung tờ báo cáo phải “có xương có thịt”, nghĩa là đúng thực tế, mang phong thái điều tra và toát lên cách nhìn của người viết; về hình thức cần dùng mực đậm, chữ to và chân phương, tất cả đều nhằm mục đích làm sao cho Chủ tịch dễ đọc và chấp nhận. Đó là nhiệm vụ toát mồ hôi đối với đám thư ký chúng tôi, có người đã viết đến lần thứ mười hai mới hoàn thành một vài câu “có xương có thịt” mà Mao Trạch Đông phải gật gù tán thưởng. Tại “văn phòng 5”, chúng tôi phải giữ kỷ luật của Thủ tướng, ấy là mắt nhìn thật tinh, tai nghe thật thính, tay ghi thật nhanh còn miệng thì im thin thít, tranh thủ mọi lúc mọi nơi hoàn thành tờ báo cáo, ưng nói gì thì phát biểu gọn gàng trên một trang giấy mà thôi...

Cuối cùng, kể đến “văn phòng thứ sáu” của Thủ tướng, nó hoàn toàn khác với 5 loại “văn phòng” vừa kể, đó là một tổ chức thuộc biên chế Quốc vụ viện có tên gọi Văn phòng Thủ tướng, thể như “Văn phòng Đặng”, “Văn phòng Trần”, “Văn phòng Dương” v.v... Văn phòng Thủ tướng thường được hiểu với nghĩa rộng bao gồm tất cả chúng tôi - những người làm việc bên cạnh Chu Ân Lai và trụ sở ở Tây Hoa Sảnh nên còn gọi Văn phòng Tây Hoa sảnh; cơ cấu tổ chức từ chánh văn phòng, phó văn phòng cho đến tổ trưởng, tổ phó 5 tổ tổng hợp, ngoại giao, quân sự, tài chánh kinh tế và hành chính. Thời cực thịnh của Văn phòng Tây Hoa sảnh là năm 1955 với 20 người, đến từ ngũ hồ tứ hải, do nhiều nguồn giới thiệu, nhưng về với Chu Ân Lai thì trở thành một tập thể nhất thống. Năm 1958, Mao Trạch Đông phê phán phái “chống mạo hiểm”, Văn phòng Tây Hoa sảnh dần dần bị cắt giảm biên chế, còn đâu khoảng hơn 10 người. Cuối năm 1964 sang đầu năm 1965, một hôm Mao Trạch Đông hỏi Chu Ân Lai: “Đồng chí dùng gì mà nhiều thư ký vậy? Để họ dắt mũi mình sao?”. Trở về Tây Hoa Sảnh, Thủ tướng tuyên bố giải tán văn phòng của ông, Đồng Tiểu Bằng, nguyên chánh văn phòng Tây Hoa sảnh điều về văn phòng Trung ương Đảng, Hứa Minh là phó chuyển công tác làm phó thư ký đoàn Quốc vụ viện, Cố Minh được đề bạt lên chức phó chủ nhiệm uỷ ban kế hoạch nhà nước. Văn phòng Tây Hoa sảnh nay gọi là tổ trực ban giúp việc cho Thủ tướng, nhưng công việc vẫn nhiều như xưa, bởi vì Mao Trạch Đông lãnh đạo vĩ mô, những vấn đề cụ thể đều đặt lên vai Chu Ân Lai gánh vác, tự thân Thủ tướng tôi phải hỏi han, quay điện thoại liên hệ các nơi. Đến thời kỳ “văn cách”, Lâm Bưu và “Tứ nhân bang” đã gây khó khăn cho Thủ tướng, cuối cùng thì tổ trực ban cũng phải giải thể luôn, thư ký và cảnh vệ bên cạnh Chu Ân Lai đều bị Giang Thanh đưa đi nông thôn, chỉ còn lại mình tôi và Cao Chấn Phổ mà thôi. Khi bệnh tình của Thủ tướng quá ư trầm trọng, người ta mới cho Kiều Kim Vượng trở lại chăm sóc ông...

Những ngày cuối đời của Chu Ân Lai thật là buồn thảm, tôi sẽ kể tiếp ở chương sau cùng của cuốn sách này, một thời nhộn nhịp khẩn trương với các văn phòng 1, 2, 3, 4 và 5 đâu còn nữa, trong tôi giờ đây chỉ đọng lại mười chữ mà Thủ tướng luôn dành cho anh chị em thư ký chúng tôi: tín nhiệm, tôn trọng, dân chủ, bồi dưỡng và quan hoài.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #79 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2014, 05:01:37 pm »

7. ĐỜI THƯỜNG


Thời kỳ Chu Ân Lai đi thăm 14 nước Âu, Á, Phi, một phóng viên nước ngoài phỏng vấn ông: “Thưa Thủ tướng, năm nay Thủ tướng đã 65 tuổi, nhưng trông rất trẻ, không rõ thủ tướng có bí quyết hay mật phương gì?” Đây cũng là đề tài mà nhiều người quan tâm. Nixon khẳng định “Quyền lực làm chúng ta trẻ lại”; trong một bài ca nào đó có câu “Người cách mạng luôn luôn trẻ trung, còn xanh tươi hơn cả cây tùng, cây bách”; những người sống và làm việc bên cạnh Thủ tướng thì cho rằng: “Lòng nhân ái khiến cho Thủ tướng mãi mãi không già”. Còn bản thân Chu Ân Lai? Hồi ấy ông trả lời phỏng vấn: “Tôi là người phương Đông, có lẽ vì thế mà thoạt trông có vẻ trẻ chăng?”. Chu Ân Lai đã sống theo tập quán phương Đông như thế nào, hiện là một chủ đề thu hút nhiều người quan tâm nghiên cứu, thậm chí có thầy thuôc đang đi tìm bí quyết trường thọ của Thủ tướng. Sẽ có bạn đọc bảo rằng, ông nói sai rồi, Thủ tướng qua đời năm 78 tuổi, sao gọi là trường thọ được? Ngày nay người thọ 78 rất phổ biến kia mà.

Bạn hãy cùng tôi tạm quy ước “Tỉnh mới là sống”, và do đó căn cứ vào nhật ký làm việc của Chu Ân Lai thì ông có tuổi thọ đến 120 cơ. Nếu chúng ta cũng lao tâm lao lực, cúc cung tận tuỵ như Chu Ân Lai, như Gia Cát Lượng thì chẳng mấy ai sống lâu như họ, một thầy thuốc nhận định như vậy và nói vớí tôi: “Thủ tướng của chúng tôi chết vì mệt, chọn ra 10 vạn người làm việc như Thủ tướng thì dám chắc sau một năm sẽ có 1 vạn người ngả bệnh suy sụp, sau năm năm con số lên tới 3 vạn...”. Tất nhiên không thể thực hiện được loại thí nghiệm như vậy, nhưng tôi tin những gì mà ngươi thầy thuốc, ấy đã nói. Là một trong số hai mươi thư ký của Chu Ân Lai, hôm nay nhắc lại vẻ trẻ trung, sức làm việc và sự trường thọ của Thủ tướng càng làm tôi sống lại với bao kỷ niệm đời thường của ông, xung quanh 6 chữ thực, y, cư, hạnh, khang, lạc mà ai ai cũng phải theo, nhưng ở Chu Ân Lai có phần đặc biệt hơn.

Chu Ân Lai là một trong những người thấm nhuần văn minh Đông phương, ông thường nói “nhân khao y trang, mã khao yên” và căn dặn chúng tôi: con người phải chăm chú quần áo thể như yên cương nơi con ngựa vậy. Từ ngày về Bắc Kinh làm thủ tướng, Chu Ân Lai giao nhiệm vụ cho tôi trước; gọi là “phó quan”, nay dùng thuật ngữ cách mạng đổi thành “thư ký hành chánh” - lo lắng giúp ông về khoản trang phục, ông dặn: “Mình tham gia nhiều hoạt động, quần áo phong mạo phải chỉnh tề vì người nước ngoài cũng như đồng bào trong nước đều để ý xem xét, nhưng dù sao chú cũng giữ cho một nguyên tắc, ấy là trang phục của mình chú thiết kế như thế nào đó mà thể hiện được bộ mặt người dân Trung Quốc”. Chúng tôi không đưa Thủ tướng ra cửa hiệu “Hồng Đô” may đo mà mời thợ chuyên trách vào Trung Nam Hải phục vụ riêng cho ông. Sau nhiều lần thảo luận, thầy trò quyết định chọn mẫu áo Tôn Trung Sơn với nguyên liệu hoàn toàn hàng nội hoá, màu sắc nhã và trang nghiêm, đó là kiểu cách lễ phục mà Chu Ân Lai liên tục sử dụng trong suốt 27 năm làm thủ tướng, bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu cũng nghiêm túc ăn vận, khiến cho anh chị em tuỳ tùng chúng tôi cũng theo ông mà tươm tất không dám xuề xoà. Trong khi đó, Mao Trạch Đông thích mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, không thật chăm chút như Chu Ân Lai và hầu hết đều do vệ sĩ giúp ông nâng khăn sửa túi, không mấy khi Mao Trạch Đông động chân động tay, ông cũng chẳng quan tâm đám người phục vụ đang bận rộn mặc quần áo cho mình, người ta nói mắt ông lúc ấy hình như đang dõi trông những nơi xa xăm nào đó tận bên Nga, bên Mỹ.

Chăm nom phong mạo cho Chu Ân Lai có một vấn đê nan giải, đó là cạo râu. Chu Ân Lai từng để râu quai nón khá đẹp, rất nam nhi đã làm cho Trương Học Lương - người dấy binh bắt Tưởng Giới Thạch trong vụ sự biến Tây An - phải thảng thốt kêu lên: “Chào mỹ nhiêm công!” (người có bộ râu đẹp). Râu của Chu Ân Lai vừa rậm, vừa cứng lại mọc rất nhanh. Thời Vạn lí trường chinh và hồi mới đến Thiểm Bắc, không có điều kiện cạo sửa, nhìn những tấm ảnh kỷ niệm lúc bấy giờ, ông tự mình trào lộng:

Ngoảnh lại miệng đâu tìm không thấy,
Bỗng dưng tiếng nói giữa ngàn râu!


Nguyên văn hai câu thơ này là: “Chuyển lai chuỷ giác vô mịch xứ, hốt văn mao lý hữu thanh âm”, nghe nói do Tô Tiểu Muội sáng tác để chọc tức Tô Đông Pha. Sau khi về thành phố, Chu Ân Lai phải “xuống râu “ và mỗi ngày cạo một lần, ban đầu còn nhờ thợ cắt tóc bên Bắc Kinh phạn điếm làm giúp, nhưng sau đó Thủ tướng tự mình giải quyết, song trong công việc cạo râu của Thủ tướng tôi xảy ra một mâu thuẫn khá buồn cười, ấy là cạo râu để “thể hiện bộ mặt của người Trung Quốc”, nhưng lưỡi dao cạo lại phải mua của người nước ngoài, vì lúc bấy giờ nước chúng tôi chưa sản xuất được loại hàng này. Điều đó làm cho Chu Ân Lai băn khoăn mãi, nguyên tắc dùng nội hoá của ông bị xâm phạm, mâu thuẫn ấy được giải quyết sau khi có lưỡi dao cạo “made in China”, tất nhiên sản phẩm không chỉ để phục vụ một mình Chu Ân Lai mà còn biết bao nhiêu đấng mày râu khác nữa.

Trong hành lý của Chu Ân Lai đi công cán nước ngoài có một va-li da được nhân viên cảnh vệ bảo quản cẩn mật, và ngay như câu chuyện về chiếc va-li ấy cũng không phải ai ai đều biết, đến nay mới có thể “mở ra” cùng xem, song đương nhiên sẽ có nhiều ý kiến bình luận khác nhau. Toàn bộ đồ dùng sinh hoạt hàng ngày như chăn, mền, ra rải giường, đệm, gối, khăn, màn v.v... của Chu Ân Lai đều đựng trong chiếc va-li “bí mật” đó. Ông có thói quen không ưa dùng tiện nghi của bất cứ một khách sạn nào. Mỗi sáng nhân viên tuỳ tùng của Chu nhanh chóng thu vén mọi thứ cho vào va-li, khoá chặt, rồi mới báo nhà buồng đến làm vệ sinh hàng ngày. Nội y của Thủ tướng đi đến đâu thì nhờ nhân viên đại sứ quán Trung Quốc ở nước đó giặt là giúp, nhiều đại sứ phu nhân đã phải khóc khi làm việc này và mắng mỏ chúng tôi sao nỡ để Thủ tướng ăn mặc như thế. Nhớ hồi đến Ai Cập, Từ Khắc Lập là Trần Gia Khang đại sứ phu nhân đã mua toàn bộ nội y mới thay thế số cũ của Thủ tướng, vệ sĩ trưởng Thành Nguyên Công can ngăn, bà nổi khùng: “Các đồng chí phục vụ Thủ tướng chẳng biết gì cả”, Thành Nguyên Công đành im lặng và để đại sứ phu nhân gặp Thủ tướng, quả nhiên bà “va đầu vào tường”.

- Vợ chồng chúng tôi lấy tiền túi mua sắm để Thủ tướng dùng, chứ không phải công quỹ đâu ạ!

- Tiền túi của anh chị cũng là ngoại tệ mà Chính phủ đã chi, nếu cần sắm quần áo thì tôi đã mua ở Bắc Kinh, hà tất phải tốn ngoại tệ như thế này, vả lại những quần áo kia còn dùng được, tuy có mạng vá đôi chỗ.

Chu Ân Lai quay lại hỏi anh em chúng tôi: “Mình làm như vậy có gì là quá đáng lắm không?” và như tự hỏi mình, rồi trầm ngâm tự bạch: “Mình cho là không quá đáng vì hiện tại Trung Quốc đang rất nghèo khó, có hai cách nghĩ, vô lẽ Trung Quốc sáu, bảy trăm triệu dân không lo nổi cho Thủ tướng của mình quần áo hay sao, huống hồ còn ảnh hưởng đến vấn đề đối ngoại nữa, điều ấy hoàn toàn có lý. Nhưng mình lại nghĩ, làm một Thủ tướng của sáu, bảy trăm triệu dân, khi nhân dân đề xướng tiết kiệm, nhẽ nào riêng mình lãng phí xa hoa”. Nhẩm lại trong cuộc đời làm Thủ tướng của mình, Chu Ân Lai chỉ may sắm quần áo 5 lần mà thôi. Thoạt đầu, khi mới vào thành phố, Thủ tướng thực hiện một lần “xây dựng cơ bản đại quy mô” bao gồm những bộ quần áo Tôn Trung Sơn để “thể hiện bộ mặt Trung Quốc”. Tháng 6 năm 1954 lần đầu tiên Thủ tướng thăm Ấn Độ, cùng Tổng thống Nehru đề xứ 5 nguyên tắc chung sống hoà bình. Báo chí còn ghi lại, hồi ấy Nehru do dự, nhưng Gandhi phu nhân bị phong độ lịch lãm, tài cán thao lược của Chu Ân Lai “mê hoặc” đã dùng toàn bộ sức lực và ảnh hưởng của mình vận động vua cha chấp thuận. Từ Ấn Độ trở về, Thủ tướng cảm nhiệt chảy máu mũi, cho nên tiếp đó Thủ tướng thăm các nước Đông Nam Á, chúng tôi phải sắm cho ông hai bộ đồ lụa hợp với khí hậu nóng bức và luôn thể là những bộ quần áo để Thủ tướng dùng khi đi lao động với nông dân, đó là lần thứ hai. Lần thứ ba, khi thăm Campuchia, vì quốc vương vừa tạ thế, đang trong những ngày quốc tang, Thủ tướng và cả đoàn đều mang thêm bộ com-lê trắng, lúc đón chúng tôi ở Phnôm Pênh hoàng thân Sihanouk vô cùng cảm kích về màu trắng tôn quý ấy. Lần thứ tư, vào năm 1963, Chu Ân Lai đi thăm 14 nước Âu, Á, Phi, chúng tôi chuẩn bị quần áo cho Thủ tướng rất chu đáo mà mãi 10 năm sau đó không phải sắm sửa gì thêm. Cuối cùng, lúc Kissinger đến Trung Quốc, chúng tôi may mới cho Thủ tướng bộ Tôn Trung Sơn màu pháp lam, ông thường mặc bộ lễ phục quen thuộc này cho tới tháng 3 năm 1975 và theo ý nguyện, khi ra đi vào cõi vĩnh hằng trên thân mình Chu Ân Lai quàn bởi bộ quần áo may lần thứ năm, cũng là lần chót!...
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM