Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Năm, 2024, 07:33:37 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 28 ngày đêm quyết định vận mệnh Trung Quốc  (Đọc 79179 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #30 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2014, 04:10:50 pm »

TIÊN LỄ, HẬU BINH


Trương Học Lương đã nói “chính kiến chi tranh” giữa ông và Tưởng Giới Thạch tồn tại từ lâu, nhưng “không mấy gay gắt” vì còn “tình đồng cốt nhục”. Song sự kiện vây bắt Tưởng ở Hoa Thành trì là “gay gắt” đến mức không còn cách nào khác hơn, Trương Học Lương nhiều lần “ngôn gián” mà vẫn không được nên phải dùng đến vũ lực, đúng như cố nhân dạy “tiên lễ” rồi mới “hậu binh”. Tất nhiên sự “gay gắt” nêu trên là cả một quá trình, những ngày Tưởng Giới Thạch “tị thọ” ở Lạc Dương, Trương Học Lương đã nhiều lần giải bày nỗi thống khổ ấm ức trong lòng mình với Tưởng:

- Tôi nợ nước chưa trả, thù nhà chưa báo, ấy mà lại bị người đời trách móc là “tướng quân không đề kháng”, thật có lỗi với quốc dân, với đồng bào, với thân phụ... hay là ủy viên trưởng hãy đình chỉ nội chiến, cùng nhau đánh Nhật.

- Hồng quân đã đến lúc mạt vận, chỉ cần gắng thêm một ít nữa thôi là có thể tiêu diệt chúng, lúc ấy bên trong sẽ yên và ta mới có thể chống bên ngoài. - Tưởng Giới Thạch trả lời Trương một cách cương quyết.

Sau đó Trương Học Lương cùng Diêm Tích Sơn lần nữa khuyên can Tưởng Giới Thạch, Tưởng vẫn một mực hăm doạ:

- Tôi phục tùng các anh, hay các anh phục tùng tôi?

Hôm giảng bài ở phân hiệu trường quân sự Lạc Dương, Tưởng nói bóng gió: “Có người muốn liên Cộng, kẻ đó không bằng cả Ân Như Canh”. Ân Như Canh vốn là người Quốc dân đảng, tháng 11 năm 1935 câu kết với đặc vụ Nhật và trở thành đại Hán gian, dự định thành lập “chính phủ tự trị” thân Nhật ở năm tỉnh Hoa Bắc (bao gồm Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Tây, Nội Mông). Như vậy là Tưởng ngầm cảnh cáo Trương, anh muốn liên minh với Trung Cộng thì quá ư tồi tệ còn hơn cả thằng Hán gian.

Tưởng Giới Thạch biết quân Đông Bắc của Trương Học Lương và quân Tây Bắc của Dương Hổ Thành không muốn tiễu Cộng nên ngày 6 tháng 12 năm 1936 triệu hồi Trương, Dương về hành cung Hoa Thanh trì răn đe: “Bất luận như thế nào, đây cũng là lúc thảo phạt đảng Cộng sản, ai chống lại lệnh này... Trung ương không thể không trừng phạt đích đáng”, ông đưa ra phương án và buộc Trương, Dương tự chọn: hoặc Đông Bắc quân và Tây Bắc quân cùng hành quân lên Thiểm Bắc tấn công Hồng quân, hoặc không muốn tiễu Cộng thì Đông Bắc quân sẽ điều về Phúc Kiến, Tây Bắc quân sẽ điều về An Huy, giao hai tỉnh Thiểm Cam cho quân trung ương lên thay thế làm nhiệm vụ thanh toán Cộng sản. Cả hai phương án đều dồn Trương, Dương vào tận chân tường. Ngày hôm sau, mồng 7, vẫn nuôi ít nhiều hy vọng Trương Học Lương lại đến Hoa Thanh trì can gián Tưởng Giới Thạch lần nữa:

- Quân Nhật xâm chiếm nước ta, lòng tham vô độ, ba tỉnh Đông Bắc đã mất và sau đó năm tỉnh Hoa Bắc còn mà cũng như không, gần đây chúng lại lăm le tiến công Nội Mông và chắc chẳng bao lâu sẽ đến lượt Tây Bắc vùng này. Sự tồn vong của quốc gia dân tộc đã đến bước tận cùng, thưa ủy viên trưởng, không kháng Nhật thì không thể nào giữ nước, không đình chỉ nội chiến thì không thể nào cứu dân, tiếp tục tiễu Cộng là xem như tuyệt lộ! Giờ đây, thưa ủy viên trưởng, kháng Nhật là hàng đầu, là số 1, vấn đề Hồng quân có thể dùng phương pháp chính trị giải quyết, chỉ có nhất trí cùng nhau dẹp ngoài thì mới có lòng yên trong, hễ phát động chống ngoại xâm là tức khắc thống nhất được dân tộc. Tinh thần và quyết tâm đánh Nhật của Đông Bắc quân tôi rất cao, chỉ còn đợi lệnh của ủy viên trưởng.

Tưởng Giới Thạch im lặng lắng nghe và lập tức như một ngọn dao đâm thẳng vào Trương Học Lương:

- Anh hiểu Cộng sản tường tận như vậy ư? Anh bị chúng huyễn hoặc mất rồi! Nên nhớ: kẻ thù lớn nhất lúc này của Trung Quốc không phải là Nhật Bản, mà là đảng Cộng sản. Nay là cơ hội tiêu diệt đảng Cộng sản, anh không chủ trương tiễu trừ mà lại liên minh thì thật là phản động. Bây giờ anh có cầm súng bắn tôi, kế hoạch tiễu Cộng của tôi vẫn không thể thay đổi!

Mọi công sức “ngôn gián”, “tiên lễ” của Trương đều vô hiệu. Sau đó đến lượt Dương Hổ Thành gặp Tưởng Giới Thạch, cũng hết lời khuyên can, Tưởng vẫn thế:

- Anh là đồng chí tiền bối của đảng ta, anh phải hiểu chúng ta và Cộng sản là không thể chung sống với nhau, có tiêu diệt Cộng sản tôi mới kháng Nhật, thay đổi quan cấp, tôi chuẩn y!

Sự tình là như thế và Trương, Dương buộc phải dùng đến hạ sách “hậu binh”, vây bắt Tưởng Giới Thạch trên núi Li Sơn đúng vào ngày 12 tháng 12 năm 1936, ngày mà Tưởng đã dự định phát động đợt thứ 6 cuộc tổng công kích Trung Cộng.

Nơi Tưởng Giới Thạch lâm nạn ở Li Sơn, người ta dựng nên một cái đình, đầu tiên bằng gỗ lợp tranh và gọi là “Mông nạn đình”, sau đổi “Phục hưng đình”. Năm 1946, Hồ Tôn Nam cho huỷ đình cũ, xây mới bằng bê tông cốt thép, đặt lại tên “Chính khí đình”. Năm 1950 đổi thành “Tróc Tưởng đình” (đình bắt Tưởng), năm 1986 nhân kỷ niệm 50 năm sự biến Tây An, đình này lại cải danh là “Binh gián đình”. Mỗi thời đã không giống nhau, có lúc rất cụ thể như “lánh nạn”, “bắt Tưởng”, có lúc lại trừu tượng như “chính khí”, “phục hưng”, nhưng đúng với những người trong cuộc thì “can gián bằng binh lực” là hay nhất, còn sau này trong tương lai sẽ như thế nào, nay chưa ai dám nói.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #31 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2014, 04:14:03 pm »

SỰ BIẾN TÂY AN VÀ BA VŨ ĐÀI CHÍNH TRỊ -
BẢO AN, TÂY AN, NAM KINH


Sự biến Tây An như một tảng đá rơi xuống mặt sông gây nên vạn trùng sóng, tin truyền đến đâu, nơi ấy xao động hẳn lên. Trên thực tế đây là lần tổng duyệt đầu tiên về thái độ đối với Tưởng Giới Thạch, người chống Tưởng hân hoan cuồng nhiệt, kẻ thân ông rầu rĩ ê chề ba sân khấu chính trị - Bảo An, Tây An và Nam Kinh trò diễn cùng hoàn toàn khác nhau.

Tiếng súng chỉ mới là hành động, mà hành động thì còn phải tuyên ngôn nói rõ. Vây bắt Tưởng Giới Thạch ở Li Sơn - Lâm Đồng lúc mờ sáng ngày 12 tháng 12, báo chí không cách nào đưa tin kịp. Ngay hôm ấy Trương, Dương đã ấn phát thông báo số 1, nêu rõ 4 điểm: (1) Để đình chỉ nội chiến, nay phải bảo vệ ủy viên trưởng một cách thỏa đáng và yêu cầu ông tỉnh ngộ. (2) Thông báo với toàn quốc và yêu cầu chính phủ lập tức triệu tập hội nghị cứu nước. (3) Đề nghị chính phủ thả tất cả chính trị phạm. (4) Từ nay về sau phải đoàn kết với mọi nhân sĩ đảng phái cùng nhau đánh giặc cứu nước. Tiếp sau thông báo số 1 là tám điều chú ý mà trọng tâm vẫn là “đình chỉ nội chiến, đánh giặc cứu nước”. Hai văn bản lịch sử này chỉ vẻn vẹn 300 chữ, nhưng đã nói rõ lý do vì sao Trương, Dương buộc phải nổ súng ở Hoa Thành trì, thực hiện “binh gián” với Tưởng Giới Thạch.

Cổ thành Tây An sục sôi với cái tin “Tróc Tưởng” (bắt Tưởng), nhân dân cố đô tự động xuống đường hô vang khẩu hiệu “Ủng hộ tám chủ trương của Trương, Dương”, “Xử án Tưởng Giới Thạch”, “Bắn chết Tưởng Giới Thạch”. Còn ở Hồng đô Bảo An, sau khi nhận được điện báo của Lưu Đỉnh, mỗi người nghĩ một cách. Mao Trạch Đông rất vui mừng thoải mái với câu nói “Tưởng Giới Thạch ác bá một đời, hẳn cũng biết sẽ có ngày hôm nay”. Chu Ân Lai nói đùa: “Tưởng tiên sinh nhiều lần treo giải 8 vạn quan để bắt tôi, nay tiên sinh bị bắt mà chúng ta không tốn một xu”. Chu Đức gay gắt hơn: “Có lẽ phải chém!”. Riêng Trương Văn Thiên im lặng suy tư v.v... Tất cả mọi người không bình luận gì thêm vì phải cụng đầu soạn thảo hai văn bản: một báo cáo cho Quốc tế Cộng sản, và một phúc đáp Trương Học Lương rằng sẽ cử Chu Ân Lai đi Tây An cùng Trương, Dương thương lượng kế sách. Nhận được điện báo trả lời của Mao Trạch Đông, Trương Học Lương vui mừng khôn tả, ông thốt lên: “Chu tiên sinh đến là sẽ có tất cả mọi cách” và lệnh cho Lưu Đỉnh chuẩn bị chuyên cơ đi Bảo An đón Chu Ân Lai. Hành động của Trung Cộng thật mau lẹ, Mao Trạch Đông bình luận sự biến Tây An có tính chất như một cuộc “khởi nghĩa kháng Nhật” và Trung Cộng biểu thị sự ủng hộ. Sáng ngày 13 tháng 12 năm 1936, tờ “Trung Hoa đỏ” liền đăng bài “Khởi nghĩa kháng Nhật ở Tây An, Tưởng Giới Thạch bị bắt và hành động cách mạng kiên quyết của nhị thần Trương, Dương!”. Cũng hôm đó, tại nhà số 1 - Thất Hiền Trang phía đông bắc thành Tây An bảng hiệu “Bệnh viện nha khoa của bác sĩ Hai-po-thơ” tự nhiên đổi thành “Trạm liên lạc tại Tây An của Hồng quân Trung Quốc kháng Nhật”, và sau đó không lâu thì chiếm luôn Phu Thi, cải danh là Diên An cho tới ngày nay. Nhân đây cũng xin có đôi lời về ngôi nhà số 1 - Thất Hiền Trang. Mùa xuân năm 1936, theo chỉ thị của Chu Ân Lai về xây dựng một trạm liên lạc bí mật của Trung Cộng tại Tây An, Lưu Đỉnh đã mua căn nhà này và để che mắt thiên hạ, ông nhờ nhà báo nữ người Mỹ mời bác sĩ nha khoa Hai-po-thơ ở Thượng Hải lên đây mở phòng chuẩn trị. Hai-po-thơ người Do Thái, bị phát xít Đức bức hại phải lưu vong sang Trung Quốc, có cảm tình với Trung Cộng, “Y sĩ giúp việc” cho ông là Hạ Minh - vợ của Đặng Trung Hạ - uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị Trung Cộng, về sau còn có một số đảng viên cộng sản nữa làm việc bí mật ở đó, họ lập được điện đài liên lạc với Hồng đô Bảo An.

Sân khấu chính trị thứ ba - Nam Kinh, mãi tới 3 giờ 50 phút chiều ngày 12 mới hay tin Tưởng Giới Thạch “mất tích”, 5 giờ 20 phút tiếp tục nhận thông báo của Trương -Dương, tin dữ “Giới công” bị bắt loan khắp thành, chẳng khác nào như một vụ nổ làm hoảng loạn mọi người và không biết phải bắt đầu làm gì? Đêm 12, Ban chấp hành trung ương Quốc dân đảng họp khẩn cấp bất thường, thảo luận cho tới 3 giờ sáng ngày 13 thì mới ra được quyết nghị: (1) Khổng Tường Hy - phó viện trưởng viện hành chánh (chính phủ ND.) tạm thay quyền Tưởng Giới Thạch làm viện trưởng. (2) Ban chấp hành hội đồng quân sự tăng lên bảy người và do Phùng Ngọc Tường - phó uỷ viên trưởng điều hành. (3) Bộ trưởng lục quân Hà Ứng Khâm chỉ huy quân đội. Hội nghị còn quyết định tước bỏ mọi quan cấp chức vụ của Trương Học Lương và cử Hà Ứng Khâm lãnh binh thảo phạt quân phiến loạn ở Tây An.

Riêng Trần Lập Phu - từng là nhịp cầu liên hệ giữa Quốc - Cộng, lại mở một tuyến khác, ông móc nối với Phan Hán Niên ở Thượng Hải, ngày 14 họ gặp nhau và lập tức hội đàm, nội dung cụ thể xin tạm gác lại hồi sau, vì phải nói ngay tới Tống Mỹ Linh - hiền thê của Tưởng Giới Thạch, bà cũng đang ở Thượng Hải. Lúc 12 giờ trưa 22 tháng 10 năm 1936, Tống Mỹ Linh cùng Tưởng Giới Thạch trên chuyến chuyên cơ hạ cánh xuống Tây An và sau đó họ lên xe về hành cung Hoa Thanh trì. Tống Mỹ Linh và Tưởng Giới Thạch cùng đi Lạc Dương, sau khi Tưởng thổi tắt 50 ngọn nến trên bánh sinh nhật, Mỹ Linh đã giúp phu quân cắt bánh mời quan khách. Ngày 4 tháng 12, Trương Học Lương hộ tống Tưởng Giới Thạch bay về Tây An, lúc ấy Mỹ Linh phải đi Thượng Hải chữa bệnh cho nên trong cảnh tên bay đạn lạc “thiếp không ở cạnh chàng”. Sáng 13, bà vội vàng bay về Nam Kinh và rất không bằng lòng với quyết định của Ban chấp hành trung ương Quốc dân đảng vừa kí chưa ráo mực, Tống Mỹ Linh viết: “Các vị lãnh đạo trung ương trong khi chưa nắm hết tình hình đã vội vàng xử trí Trương Học Lương, lại điều binh khiển tướng thảo phạt Tây An, thật là thô bạo, phần tôi, sẽ cố gắng bằng con đường hoà bình không đổ máu nhanh chóng giải quyết sự việc”. Như vậy ở Nam Kinh xuất hiện phái chủ chiến do Hà Ứng Khâm cầm đầu, và phái chủ hoà do Tống Mỹ Linh thống soái để xử lí sự biến Tây An, phái chủ hoà còn có Khổng Tường Hy, Tống Tử Văn, Tôn Khoa và Vương Sùng Huệ. Chiều ngày 13, một chuyên cơ cất cánh từ Nam Kinh bay về hướng bắc, trên đó là “sứ thần” của Tống Mỹ Linh.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #32 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2014, 04:17:30 pm »

Ở BẢO AN, MAO TRẠCH ĐÔNG ĐỀ XUẤT ĐẤU TƯỞNG


Cùng với lúc chuyên cơ do Tống Mỹ Linh phái cử cất cánh ở Nam Kinh thì một chuyên cơ khác do Trương Học Lương giao nhiệm vụ bay từ Tây An đi Hồng đô Bảo An, lịch sử ghi lại hình ảnh ngoạn mục những sứ giả con thoi nối đuôi nhau bay lượn từ thủ đô Nam Kinh đến cố đô Tây An và cuối cùng là Hồng đô Bảo An.

Sáng ngày 13, nhân dân và Hồng quân ỏ Bảo An cuốc xẻng nô nức đi làm sân bay, người ta cứ tưởng một bãi bằng là phi cơ có thể hạ và cất cánh được, nhưng nào ngờ chuyên cơ lượn mấy vòng trên bầu trời Hồng đô, dành phải quay về Tây An, Chu Ân Lai chỉ còn cách đi đường bộ đến cố đô giúp Trương, Dương bàn kế xử lí sự biến. Hôm ấy Thường vụ trung ương Trung Cộng họp phiên mở rộng do Trương Văn Thiên chủ trì thảo luận chủ đề sự biến Tây An (biên bản cuộc hội nghị này vẫn còn lưu trữ, và do đó chúng ta mới có điều kiện nghiên cứu động thái chính trị lúc bấy giờ).

Thoạt đầu, Mao Trạch Đông báo cáo, ông khẳng định ý nghĩa cách mạng của sự biến Tây An và hành động, cương lĩnh tích cực của Trương, Dương, ông kết luận: chúng ta nên ủng hộ, nhưng trong báo cáo của Mao có hai vấn đề gây nên tranh luận. “Có nên thành lập chính phủ toàn quốc ở Tây An hay không?”. Mao Trạch Đông nói: “Tôi thấy trên cơ sở sự biến Tây An cần thành lập ở đây một chính phủ thực chất, gọi là uỷ ban kháng Nhật, trên danh nghĩa không phải là chính phủ toàn Quốc”, ông còn chủ trương: “Chúng ta nên lấy Tây An làm trung tâm để lãnh đạo cả nước, khống chế Nam Kinh, lấy Tây Bắc làm tiền tuyến kháng Nhật, ảnh hưởng toàn quốc”.

Chu Ân Lai có cách nhìn khác với Mao Trạch Đông về vấn đề này, ông đề xuất: “Trên phương diện chính trị, chúng ta không nên sử dụng phương pháp đối lập với chính phủ Nam Kinh và do đó không chủ trương lấy Tây An làm trung tâm”.

Trương Quốc Đào phát biểu: “Chúng ta phải lấy Tây An làm trung tâm kháng Nhật, tất nhiên là bao hàm cả ý nghĩa trung tâm chính quyền, phải đả đảo chính phủ Nam Kinh, thành lập chính phủ kháng chiến, vân đề cần thảo luận nên thực hiện như thế nào?”.

Trương Văn Thiên suy nghĩ hồi lâu rồi mới trình bày ý kiến của mình, ông ủng hộ quan điểm của Chu Ân Lai không đối lập với chính phủ Nam Kinh, ông nói: Có thể nên chuyển mặt trận thống nhất kháng Nhật cục bộ chuyển thành toàn quốc, khiến cho Trung Cộng nhảy lên vũ đài chính trị một cách hợp pháp”.

Bác Cổ lúc đầu ủng hộ quan điểm Mao Trạch Đông, nhưng sau khi nghe Trương Văn Thiên, thấy có lí, bèn thay đổi ý kiến rằng “nên xem sự biến Tây An là ngọn cờ kháng Nhật, chứ không phải là ngọn cờ phản Tưởng”.

Vấn đề về chính phủ Nam Kinh chưa ngã ngũ trong đầu não của Trung Cộng, thì chủ đề thứ hai lại càng gây tranh luận gay gắt hơn: xử lí Tưởng Giới Thạch như thế nào? Mao Trạch Đông đề xuất “thẩm Tưởng”, “bãi Tưởng”, “trừ Tưởng”, ông nói: “Thứ nhất, vạch mọi tội ác của Tưởng Giới Thạch trước nhân dân, và ủng hộ sự biến Tây An. Thứ hai, bãi miễn Tưởng Giới Thạch, giao nhân dân thẩm xét. Thứ ba, trừ khử Tưởng Giới Thạch về mặt nào cũng có lợi”. - Mao Trạch Đông trút mọi hận thù tích tụ trong 10 năm giao tranh lên đầu Tưởng. Chu Đức dứt khoát hơn: “Chém Tưởng xong, rồi hãy bàn chuyện khác!”. Trương Quốc Đào, Bác cổ ủng hộ quan điểm của Mao Trạch Đông, bổ sung thêm “sát Tưởng” như Chu Đức, Chu Ân Lai và Trương Văn Thiên không phát biểu gì về vấn đề xử lí Tưởng Giới Thạch.

Bốn giờ chiều ngày 13, nhân dân Bảo An mít tinh kiên quyết yêu cầu công khai đấu Tưởng Giới Thạch, thù hận xung thiên, tất cả do Mao Trạch Đông chủ trương. Nixon trong cuốn sách “Các lãnh tụ” đã viết: “Nếu không có Mao Trạch Đông, cách mạng Trung Quốc không thể từ đốm lửa nhỏ thiêu cháy cả đồng cỏ. Và nếu không có Chu Ân Lai, cách mạng Trung Quốc sẽ như lửa liếm rơm, đốt trụi tất cả thành tro!” Những ngày đầu của sự biến Tây An, tính cách của Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai quả đúng như Nixon miêu tả.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #33 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2014, 04:20:00 pm »

TỐNG MỸ LINH CỬ TOAN-NA BAY ĐẾN TÂY AN


Nam Kinh hô hào “thảo nghịch”, Bảo An chủ trương “thẩm Tưởng”, hai bên kiếm đã rút khỏi bao, đứng giữa là Tây An, nơi ấy vừa có quân phản nghịch Trương, Dương vừa có Tưởng Giới Thạch đang bị giam cầm.

Ngày 13 ở Bảo An, ngoài mít tinh quần chúng đòi đấu Tưởng, còn kêu gọi cả báo chí - tờ “Trung Hoa đỏ”. Ngày 15, Mao Trạch Đông và 15 tướng lĩnh Hồng quân phát điện cho chính phủ Quốc dân đảng yêu cầu “bãi miễn Tưởng Giới Thạch, giao cho nhân dân xét xử”.

Ngày 16, hội nghị trung ương Quốc dân đảng quyết định: (1) Đưa Hà Ứng Khâm lên làm Tổng Tư lệnh quân thảo nghịch. (2) Chính phủ ra lệnh xuất binh. (3) Tuyên bố uỷ lão quân dân Tây Bắc. Ngay hôm ấy, Hà Ứng Khâm nhận chức, chính phủ Nam Kinh ban bố lệnh “thảo phạt Trương Học Lương”. Còn trên ấy, Đông Bắc quân, Tây Bắc quân và Hồng quân kiên quyết liên hợp tác chiến, dàn bày thế trận, sẵn sàng nghênh đón thảo nghịch quân ở Nam Kinh lên. Một cuộc nội chiến rất lớn, “đạn đã lên nòng, tên đã trên cung”.

Để có thể dập tắt đoạn dây cháy chậm ngày một ngắn dần, hai chiếc máy bay cất cánh lần lượt từ Nam Kinh, nhưng không dám hạ xuống Tây An sợ quân Trương, Dương bắn rơi. Trước khi bay, Tống Mỹ Linh và vị sứ giả đều điện báo cho Trương Học Lương, nhưng không liên lạc được nên đành cứ bay và sẽ đậu ở Lạc Dương. Sứ giả của Tống Mỹ Linh là người châu Âu, mắt xanh, mũi lõ, tên gọi: Uy-liêm Hăng-ri Toan-na, đã ngoài lục tuần, quốc tịch Anh và sinh sống ở Úc, có lẽ đây là phương án tối ưu, bởi vì Toan-na vừa có tình thâm với Trương Học Lương, vừa được Tưởng Giới Thạch tin cậy, lại là người ngoại quốc, khách quan và không chịu ảnh hưởng của phe đảng nào. Toan-na sinh ra ở Úc, tổ tiên người Tô Cách Lan, năm 1903, ông làm chủ bút tờ “Bưu điện Trung Quốc” ở Hương Cảng, từ bấy Toan-na kết duyên cùng Trung Quốc và dần dần trở thành nhà Trung Quốc học, sau làm phóng viên “Thời báo London”, “Thời báo New York”. Ông thành danh từ năm 1915 khi vạch trần điều ước 21 bí mật kí kết giữa Viên Thế Khải và Nhật Bản. Toan-na quen thân với Tống Diệu Như năm 1911, và do đó có tình nghĩa cùng gia đình họ Tống, ông đã giúp Tôn Trung Sơn khởi thảo tuyên ngôn đối ngoại đầu tiên của chính phủ Dân quốc. Toan-na còn là cố vấn tư gia của Trương Tác Lâm, sau khi Trương đại sư lâm nạn trong chuyến tàu gãy cầu chìm sông. Ông tiếp tục làm gia sư và cố vấn cho Trương thiếu soái Học Lương. Năm 1934, Toan-na tháp tùng Trương Học Lương chu du sáu nước châu Âu, vào tuổi già, ông quả có tình thâm với gia đình họ Trương. Người đời cũng đồn đại, Toan-na là cố vấn của Tưởng Giới Thạch, kì thực không phải như vậy, trong “Tây An bán nguyệt kí”, Tưởng ghi: ““Bên ngoài ngộ nhận Toan-na là cố vấn mà chính phủ đã thỉnh mời, từ đầu Toan-na với tư cách bạn hữu luôn đến cùng ta, và nay ông vẫn như vậy chứ không phải là cố vấn”.

Đêm 12 tháng 12, Tống Mỹ Linh nghe tin Tưởng Giới Thạch bị bắt ở Tây An, bà vội vàng điện thoại cho Tống Tử Văn và Toan-na đang ở tại khách sạn Quốc tế - Thượng Hải, nhờ hai người cùng đến nhà Khổng Tường Hy bàn cách đối phó. Tống Mỹ Linh phờ phạc, như không còn hồn phách nào nữa, với vốn tiếng Anh điêu luyện, bà nói với Toan-na:

- Tây An xảy ra binh biến, uỷ viên trưởng bị bắt và nghe đâu không còn nữa!

- Tôi không tin điều đó, - Toan-na lắc đầu đáp lại. -Thứ nhất, Trương thiếu soái không phản biến uỷ viên trưởng. Thứ hai, uỷ viên trưởng vẫn còn sống!

Đêm ấy, cả bốn người - Tống Mỹ Linh, Tống Tử Văn, Khổng Tường Hy và Toan-na - về Nam Kinh, Tống Mỹ Linh quyết định cử Toan-na đi giảng hoà, chiều tối 13, Toan-na đến Lạc Dương, bà nhận được điện của Trương Học Lương, hoan nghênh Toan-na đến Tây An. Ngày 14, sứ giả bay từ Lạc Dương về Tây An, vừa đến bầu trời cố đô, Toan-na cho thả dù mang thư; theo y ước trong thư, ba đống lửa nổi lên trên sân bay, chuyên cơ của ông hạ cánh an toàn. Năm giờ chiều ngày 14, Trương Học Lương dẫn Toan-na đi gặp Tưởng Giới Thạch, Tưởng vui mừng khôn tả, miệng lắp bắp: “Tôi biết thế nào anh cũng tới”. Toan-na nghe Trương Học Lương nói rõ mọi tình tiết “binh gián” 12 tháng 12, sáng ngày 15 ông gặp Tưởng Giới Thạch lần nữa rồi bay về Nam Kinh báo cho Tống Mỹ Linh biết, Tưởng Giới Thạch vẫn bình an vô sự và Trương Học Lương mời Khổng Tử Hy đến Tây An thương thảo. Tống Mỹ Linh mừng rỡ, bà đã nhìn thấy một tia hi vọng đầu tiên để giải quyết sự biến Tây An.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #34 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2014, 04:23:47 pm »

CHU ÂN LAI TRỞ THÀNH CHỦ MƯU CHO TÂY AN


Ngày 17, Chu Ân Lai đến Đạo Xuyên - phía nam thành Diên An và định lên ô tô đi về phía Tây An, thì chiếc chuyên cơ Ba-ưng của Trương Học Lương do một phi công người Mĩ lái đã kịp đón ông và phái đoàn Trung Cộng, người tháp tùng là Lưu Đỉnh - thư kí của Trương và là đảng viên cộng sản.

Trên đường bay về Tây An, Chu Ân Lai lắng nghe Lưu Đỉnh báo cáo tường tận tình hình trước và sau ngày 12, ông chú ý đến tình tiết Trương Học Lương ra lệnh “chỉ được bắt sống Tưởng Giới Thạch”, và loé lên giải pháp “bức Tưởng kháng Nhật” - bài thuốc đầu tiên chữa trị cho Tây An.

Trương Học Lương vô cùng mừng rỡ khi gặp lại Chu Ân Lai:

- “Mỹ nhiêm công”, bộ râu cực đẹp của ngài đâu rồi?

Trương Học Lương và Chu Ân Lai lập tức hội đàm với nhau, bàn ngay việc nên xử trí Tưởng Giới Thạch như thế nào, Chu nghe Trương nói trước:

- Theo tôi, tranh thủ Tưởng kháng Nhật lúc này là có khả năng nhất. Chỉ cần Tưởng đồng ý đình chỉ nội chiến, cùng nhau kháng Nhật thì phóng thích ngay và vẫn ủng hộ ông ta làm lãnh tụ cả nước kháng chiến chống Nhật cứu nước.

Chu Ân Lai tán dương ý kiến của Trương, nhưng cũng mạnh dạn tâm sự:

- Sự biến Tây An làm chấn động cả trong và ngoài nước, song ít nhiều cũng có tính chất “âm mưu quân sự”.

Trương Học Lương có vẻ không vui mà rằng:

- Tôi chí công vô tư, sao lại là âm mưu?

Chu Ân Lai mỉm cười, giải thích:

- Bắt Tưởng một cách “xuất kì bất ý” và do đó chúng ta lúng túng bị động cách xử trí, thật là “thừa kì bất bị”, không giống như cách mạng tháng Mười ở Nga, Sa Hoàng Nicôlai bị bắt, cũng không giống như Nã Phá Luân thất thế ở chiến dịch Oatéclô, hiện nay lực lượng quân sự của Tưởng Giới Thạch vẫn còn nguyên vẹn, Tây An và Nam Kinh đã trở thành đối lập, cho nên cách xử lí Tưởng Giới Thạch cần phải rất cẩn trọng.

Chu Ân Lai tiếp tục phân tích:

- Như Trương tướng quân vừa nói, nếu thuyết phục được Tưởng Giới Thạch đình chỉ nội chiến, cùng nhau kháng Nhật, thì quả là diễm phúc cho Trung Quốc, nếu tuyên bố tội trạng của Tưởng, giao nhân dân xét xử, cuối cùng giết ông ta, không những không chấm dứt được nội chiến mà còn tạo điều kiện dễ dàng để quân Nhật tiêu diệt Trung Quốc chúng ta.

Chu Ân Lai sở dĩ nói lên điều này vì ông nghe Lưu Đỉnh báo cáo, ngày 16 trong đại hội quần chúng ở Tây An, Trương Học Lương tuyên bố, nếu Tưởng Giới Thạch không chấp nhận kháng Nhật thì ông sẽ vạch mọi tội trạng của Tưởng trong sự biến “9.12”, và hình phạt sẽ do nhân dân quyết định. Vậy là hai người đi đến thống nhất giải quyết sự biến Tây An bằng phương pháp hoà bình. 20 năm sau Trương Học Lương hồi tưởng lại đã nói: “Lúc bấy giờ Chu quả là người chủ mưu cho Tây An”.

Ngay hôm ấy Chu Ân Lai điện báo cáo Mao Trạch Đông và Trung ương, rằng ông và Trương đã thống nhất năm điều kiện đàm phán với Tống Tử Văn. Mao Trạch Đông vẫn tư lự với những câu hỏi: giữ, đấu, bãi, hay giết Tưởng?
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #35 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2014, 04:28:20 pm »

TƯỞNG GIỚI THẠCH, NGƯỜI BỊ BẮT


Chín giờ sáng ngày 12, Tưởng Giới Thạch được đưa về Đông Sương Tân Thành đại lầu. 10 giờ Trương, Dương đưa cho ông thông báo số 1, hai bên tranh luận và Trương Học Lương buộc phải nói:

- Ông không nghe tôi khuyến cáo thì việc này dành để nhân dân xử trí.

- Ta dù thân chết, đầu rơi, tứ chi tàn phế, nhưng nhân cách và chí khí thì vẫn cứ bảo toàn - Tưởng Giới Thạch trả lời.

Ngày hôm sau Tưởng Giới Thạch đòi gặp riêng Dương Hổ Thành. Ông vặn Dương:

- Anh có biết trước chuyện này không?

- Có, - Dương đáp. - Đây là ý nguyện của toàn dân, mong muốn chấm dứt cảnh nồi da xáo thịt, tập trung sức lực chống giặc ngoại xâm.

Năm giờ chiều ngày 14, Toan-na đưa thư Tống Mỹ Linh cho Tưởng Giới Thạch, và nói với ông:

- Tưởng phu nhân nhờ tôi đến đây để hội đàm cùng Trương Hán Khanh, nắm vững ít nhiều về sự biến Tây An, trước hết xin có lời thăm sức khoẻ của ngài. Tôi nghĩ rằng, Trương tướng quân không có ý hãm hại ngài, chỉ cần ngài đáp ứng chủ trương của họ thì họ sẽ hết lòng ủng hộ ngài làm lãnh tụ, đó không chỉ là ý nguyện của hai người Trương, Dương mà là yêu cầu bức thiết của nhân dân Trung Quốc, người nước ngoài như chúng tôi cũng tán đồng chính kiến đó. Nếu ngài chấp nhận thì sau này vẫn là nhân vật vĩ đại của thế giới, ngược lại, rất tiếc sẽ mau chóng trở thành tiểu nhân.

Toan-na là người Tây Dương, đã được Tưởng Giới Thạch tin cậy, cách nói khách quan, nên Tưởng nghe dễ tin cậy, nhưng ông vẫn bi quan và nhờ Toan-na chuyển về cho Tống Mỹ Linh một lá thư với lời văn như thể “di chúc”:

“Mỹ Linh ngô thê (1), ta quyết tâm tuẫn quốc, ta qua đời, toàn bộ gia sản giao cho nhữ (2) kế thừa, mong nhữ trông nom hai con Kinh Quốc, Vĩ Quốc, và thờ nguyện tâm linh ta. Cầu nguyện Thượng Đế ban phước lành cho nhữ”.

Trước khi về Tây An. Toan-na đến thăm Tưởng Giới Thạch lần nữa và nói cho ông rõ cái gọi là “kịch trong kịch” ở Nam Kinh và nội dung điện thoại đường dài với Tống Mỹ Linh và Tống Tử Văn, đặc biệt lời dặn của Tống Mỹ Linh - “Thà kháng Nhật còn hơn chết trong tay địch”.
Thái độ của Tưởng Giói Thạch bắt đầu chuyển biến...

Sáng ngày 17, tin Chu Ân Lai đến Tây An làm cho Tưởng Giới Thạch lo lắng, “tay địch” đã vươn tới cố đô rồi sao?


-----------------------------------------------------------
(1) Vợ ta.

(2) Đại từ nhân xưng ngôi thứ hai.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #36 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2014, 04:58:39 pm »

TRUNG CỘNG QUYẾT ĐỊNH PHƯƠNG CHÂM
“GIẢI QUYẾT HOÀ BÌNH” VÀ “PHÓNG TƯỞNG”


Những ngày ở Tây An, Chu Ân Lai đã tích cực hoạt động và hình thành được một phía của cuộc hội đàm tương lai, theo ngôn ngữ lúc bấy giờ gọi là “tam vị nhất thể” - Trương, Dương, Chu, đại diện cho Đông Bắc quân, Tây Bắc quân và Hồng quân, song ông vẫn thường xuyên liên lạc với Bảo An và Mao Trạch Đông.

Như đã trình bày ở trên, Trung Cộng kịp thời báo cáo với Quốc tế Cộng sản, kết quả thật bất ngờ - Stalin phản đối “đảo Tưởng” và đêm 13, Quốc tế Cộng sản trả lời Trung Cộng, nội dung gồm ba phần: (1) Khẳng định sự biến Tây An là do quân Nhật tạo nên, và nhất định bên cạnh Trương Học Lương có gián điệp Nhật ẩn náu, Liên Xô sẽ không ủng hộ bất kì ai là bạn của Nhật. (2) Nhiệm vụ khẩn cấp của Trung Quốc hiện nay là xây dựng một mặt trận thống nhất kháng Nhật có tính toàn Quốc, là đoàn kết hợp tác, chứ không phải phân liệt, chia rẽ. (3) Tranh thủ hoà bình giải quyết vấn đề Tây An, nhân cơ hội này mà hợp tác với Tưởng Giới Thạch, khiến ông ta tán thành kháng Nhật, trên cơ sở đó tự động phóng thích Tưởng.

Tiếp đó, Stalin đã nhờ đoàn đại biểu Trung Cộng tại Quốc tế Cộng sản chuyển về Bảo An bức điện: “Đảng Cộng sản Trung Quốc đầu tiên nên hiểu rằng: Tưởng Giới Thạch là kháng Nhật, nếu đả đảo Tưởng, tất yếu sẽ ra nội chiến và chỉ có lợi cho quân xâm lược Nhật”. Theo Stalin, làm lãnh tụ ở Trung Quốc, Trương Học Lương chưa đủ tư cách, lực lượng Mao Trạch Đông còn bé nhỏ, chỉ còn Tưởng Giới Thạch mới đủ sức hiệu triệu, thống soái binh mã mà thôi.

Thế gian không có ai đủ sức quán xuyến chính xác tất cả. Trong thời kì đầu của sự biến Tây An, nhận định của Mao Trạch Đông và Stalin đều có sai và có đúng. Đối với Trương, Dương - Mao Trạch Đông ủng hộ, đó là đúng, Stalin phản đối, ấy là sai. Đối với Tưởng Giới Thạch - Mao Trạch Đông chủ trương “đảo Tưởng”, ấy là sai, Stalin “bảo Tưởng”, đó là đúng. Khách quan mà nhận xét, Mao Trạch Đông và Stalin đúng và sai đều có nguyên nhân của họ. Mao Trạch Đông sống tại Trung Quốc, nắm vững tình hình nên lập tức cho rằng sự kiện binh gián Tây An của Trương, Dương là “khởi nghĩa kháng Nhật”, còn Stalin ở Mạc Tư Khoa xa xôi không rõ nội tình Trung Quốc nên quy oan Trương, Dương là “âm mưu của Nhật”. Stalin nhìn toàn cục để đánh giá Tưởng Giới Thạch, còn Mao Trạch Đông dẫu sao vẫn còn mỗi cừu hận 10 năm với Tưởng, xem Tưởng là kẻ thù. Loại trừ cái sai của hai vị, là tiếp tục cái đúng của họ, Chu Ân Lai đã lập công lớn trong việc giải quyết sự biến Tây An.

Từ ngày 12 đến ngày 19, đúng như Chu Ân Lai đã nói với Vương Bính Nam, “một tuần nay chúng tôi chưa hề chợp mắt”, để cuối cùng đưa ra một quyết định “có lẽ khó khăn nhất trong đời chúng tôi” - giải quyết hoà bình sự biến Tây An và phóng thích Tưởng Giới Thạch. Mao Trạch Đông tiếp thu phê bình, quan điểm giữa ông và Trương Văn Thiên đi đến nhất trí. Ngày 21, Trung Cộng điện cho Chu Ân Lai: “nới rộng kích thước với Tưởng Giới Thạch!”.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #37 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2014, 05:02:24 pm »

“TAM VỊ NHẤT THỂ” ĐÀM PHÁN VỚI NHỊ TỐNG


Ngày 21, Mao Trạch Đông cũng điện báo cho Phan Hán Niên ở Thượng Hải về chủ trương của Trung Cộng và yêu cầu thông báo với Trần Lập Phu để họ Tống được rõ trước khi vào đàm phán. Mười một giờ rưỡi sáng ngày 22, hai máy bay đưa Tống Mỹ Linh, Tống Tử Văn và nhiều quan chức của chính phủ Nam Kinh đến cố đô đàm phán giải quyết sự biến Tây An. Từ sân bay Tây An, Tống Mỹ Linh thẳng xe về “nhà giam” Tưởng Giới Thạch. “Ôi, hiền thê, nàng đến rồi ư? Nàng dám vào hang hùm cứu ta!”. Tưởng Giới Thạch kêu lên như vậy và ôm lấy người đàn bà thứ tư của đời mình. Tống Mỹ Linh im lặng trong đầm đìa nước mắt, bà ân hận “em không ở cạnh chàng những lúc hiểm nguy”, sau này Tống Mỹ Linh nhớ lại và nói rằng: “Thế cục Tây An do Toan-na đặt móng, Tống Tử Văn xây tường và cuối cùng do tôi lợp mái”.

Tưởng Giới Thạch thống nhất với nhị Tống - Mỹ Linh, Tử Văn rằng: “cải tổ chính phủ, sau ba tháng sẽ mở hội nghị cứu quốc, cải tổ Quốc dân đảng, đồng ý liên bang thân Cộng”. Nhưng ông đưa ra hai điều kiện: (1) Không xuất đầu lộ diện, hai anh em họ Tống thay Tưởng đàm phán. (2) Không kí tên trong bất cứ văn bản nào, để giữ nhân cách của một lãnh tụ.

Trong thế bí của cuộc cờ, Tưởng Giới Thạch vẫn rất lão luyện, tránh mọi ràng buộc lịch sử sau này và lo cho nước đi tương lai.

Cuộc đàm phán bắt đầu vào sáng 23, đúng cái nơi mà 11 hôm trước Trương Học Lương đã ban bố lệnh “bắt sống Tưởng Giới Thạch” - lầu 2 công đường của phó Tổng Tư  lệnh! Một bên là Trương, Dương, Chu - “tam vị nhất thế” và một bên là nhị Tống - anh em Tử Văn, Mỹ Linh. Thật là nước cờ ngoạn mục, vốn dĩ Chu Ân Lai phải đối mặt với bốn vị Quốc dân đảng, thì nay ông lại liên minh được với hai, chỉ “chọi” lại hai mà thôi và điều ước mười điểm đã được kí kết, một ngày trước Noel 1936, sự biến Tây An xem như đã hạ màn, phần sau chỉ là vĩ thanh.
Năm 1990, phóng viên hãng truyền hình NHK đã phỏng vấn Trương Học Lương:

Hỏi: Tưởng Giới Thạch và Chu Ân Lai từng gặp nhau tại Tây An, lúc ấy hẳn Tưởng tiên sinh cũng có mặt, có phải   như vậy không?

Trả lời: Đây là vấn đề gay gắt, xin đừng hỏi thêm gì nữa. Tôi không những có mặt mà còn đưa Chu Ân Lai đi gặp Tưởng Giới Thạch.

Vẫn như hồi còn ở trường quân sự Hoàng Phố, người là hiệu trưởng, người là chủ nhiệm khoa chính trị, Chu Ân Lai cất tiếng chào:

- Hiệu trưởng tiên sinh, mười năm không gặp nhau, tiên sinh già hơn trước.

- Ân Lai, anh là bộ hạ của ta, anh nên nghe lời ta.

- Thưa hiệu trưởng tiên sinh, chỉ cần ngài thay đổi chính sách “yên trong rồi mới dẹp ngoài”, chấm dứt nội chiến, cùng nhau đánh đuổi quân Nhật thì không những cá nhân Ân Lai này nghe lời ngài mà cả Hồng quân chúng tôi cũng chịu sự chỉ huy của uỷ viên trưởng!

Nhạy cảm với chủ đề mà Chu Ân Lai vừa nêu ra, Tống Mỹ Linh đã nhanh chóng thay Tưởng Giới Thạch trả lời:

- Từ nay sẽ không tiễu Cộng nữa, lần này cảm phiền Chu tiên sinh đã phải vất vả ngàn dặm tới đây để lèo lái, thật vô cùng đa tạ.

Không khí đối thoại bắt đầu cởi mở, Tưởng Giới Thạch vui vẻ:

- Chúng tôi sẽ không gây nội chiến nữa, thực tình mỗi lần đánh nhau, tôi đều nghĩ tới anh, tôi vẫn nhớ anh đã từng giúp đỡ tôi nhiều lắm, mong rằng chúng ta còn có thể cùng nhau làm việc.

Năm 1990, Trương Học Lương chưa dám tiết lộ nội dung đối thoại nêu trên, nhưng 10 năm trước - 1980 khi “Chu Ân Lai tuyển tập” (quyển thượng) ra mắt, lần đầu tiên công bố “3 điện báo về sự biến Tây An”, trong đó có nội dung hội ngộ giữa Tưởng và Chu:

“Tưởng đang bệnh, tôi thăm Tưởng, ổng nói:

Tý: Chấm dứt tiễu Cộng, liên Hồng chống Nhật, thống nhất Trung Quốc, do ổng chỉ huy.

Sửu: Do Tống, Tống, Trương toàn quyền đại diện ổng, cùng tôi giải quyết tất cả.

Dần: Sau khi ổng về Nam Kinh, tôi có thể trực tiếp đi đàm phán”.

Ngày 25 - Noel 1936, quà Chúa giáng sinh - Tưởng Giới Thạch được phóng thích và chính Trương Học Lương tháp tùng Tưởng trở về Nam Kinh.

Phóng viên NHK: Thưa Trương tiên sinh, sau “sự biến Tây An”, ngài cùng Tưởng Tổng thống bay về Nam Kinh, và kết quả đã chịu kỉ luật, tại sao lúc ấy ngài lại làm như vậy, vì nguyên nhân gì?

Trương Học Lương trả lời: Tôi đã nói nhiều lần, tôi là một quân nhân, phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Tôi đi Nam Kinh là để thỉnh tội, kể cả sự hành quyết. Trước khi lên đường tôi đã nhờ một học sinh trông nom giúp gia đình mình, anh ấy là sĩ quan quân đội.

Ngày trở thành quân nhân, thân phụ đã căn dặn: “Con muốn làm người lính ư? Hãy cắt cái đầu mình dắt vào lưng nịt”, nghĩa là anh hãy sẵn sàng nhận lấy cái chết. Quả vậy, sau khi trở thành quân nhân tôi đã chuẩn bị chết bất cứ lúc nào, nhưng vô cùng căm ghét cảnh nội chiến.

Năm 1991, hai học giả họ Đường và Trần đã phân tích toàn diện hơn về nghĩa cử của Trương: (1) Làm dịu đi cục diện phân liệt vừa qua vì lợi ích của quốc gia, dân tộc; (2) Tránh đêm dài mộng lắm, trên mặt lại mọc thêm cành; (3) Quốc tế Cộng sản và Liên Xô có lời trách cứ Trương, Dương; (4) Tự nhận định rằng vẫn còn khả năng trở về Tây An; (5) Đảm bảo niềm tin cho Tưởng Giới Thạch và anh em họ Tống; (6) Vì quốc gia dân tộc thì sinh tử, vinh nhục nào có sá chi.

Ngày 26 tháng 12 năm 1936, Tưởng Giới Thạch và Trương Học Lương về đến Nam Kinh, lịch sử thật trớ trêu, Tưởng như vị anh hùng khải hoàn, còn Trương - thân phận phạm nhân chờ ngày ra pháp đình lãnh án, và sau đó sang sảng lời ông: “Tôi không cảm thấy sai lầm về chủ trương của mình”. Ôi khúc bi tráng Tây An và những cảnh đời chìm nổi của tác giả, không chỉ vang vọng một lần trong kí ức!
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #38 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2014, 05:08:58 pm »

IV

HỢP TÁC LẦN HAI TƯỞNG GIỚI THẠCH LẠI DIỄN KỊCH


Chiếc máy bay đưa Tưởng Giới Thạch an toàn hạ cánh xuống phi trường Nam Kinh, và người ta tưởng sự biến Tây An hoàn toàn hạ màn. Thế nhưng với con người ưa diễn kịch như Tưởng Giới Thạch thì sân khấu Nam Kinh vẫn còn tiếp nối những màn của ông. Tưởng vừa về đến Nam Kinh thì Khổng Tường Hy lập tức ra thông báo thôi giữ chức quyền viện trưởng viện hành chính, mọi công việc phục vị Tưởng viện trưởng điều khiển. Tưởng bị nghĩa quân vây bắt ở Tây An. Khổng lên thay, nay Tưởng được phóng thích và trở lại chức vụ cũ là đương nhiên, nhưng ông lại đề xuất một vấn đề không ai ngờ tới: “Để thể hiện trách nhiệm hành chánh và uỷ viên trưởng hội đồng quân sự”. Thật là một “kịch bản” xuất sắc! Ông mà cũng tình nguyện từ bỏ cái ghế uỷ viên trưởng hay sao? Dư luận nhanh chóng đánh giá, Tưởng Giới Thạch đang đeo mặt nạ, vì sau sự biến Tây An ông quả là bị mất mặt, tự trách móc mình rằng công lao 8 năm tiễu trừ Cộng sản bỗng chốc trở thành tay trắng. Đề xuất của Tưởng không được chấp nhận, người ta chỉ đồng ý ông nghỉ 1 tháng để chữa bệnh vì khi nhảy qua tường rào ở Hoa Thanh trì định trốn thoát. Tưởng Giới Thạch bị ngã khá đau và bắt đầu chứng nhức lưng từ bấy. Ở Tây An, Tưởng đã hứa “từ nay về sau tôi sẽ không tiễu Cộng nữa”, về đến Nam Kinh ông lại tiếp tục phát triển trên “Trung ương nhật báo” rằng, tinh thần yêu nước của quốc dân đồng bào thật là nhiệt thành, sẽ đảm bảo cho sự phục hưng của dân tộc v.v...

Còn Mao Trạch Đông, ông thắng to qua ván cờ sự biến Tây An, công bố nhiều văn bản quan trọng, tiếp tục chỉ thị cho toàn thể Trung Cộng giám sát và buộc Tưởng Giới Thạch làm đúng lời hứa kháng Nhật cứu nước, vui vẻ chuyển dời Hồng đô từ Bảo An về Diên An và tiếp tục phát huy kết quả của cuộc khởi nghĩa Tây An.

Những lúc gặp việc rối bời không thể “dục tốc”, Tưởng Giới Thạch thường tự nguyện “hạ bệ” hoặc trở về quê hương tĩnh dưỡng. Lần này cũng vậy, ông lại đi Khê Khẩu Triết Giang, ngoài ra Tưởng còn có nghĩa vụ chịu tang cho người anh cùng cha khác mẹ là Tưởng Giới Khanh vừa qua đời ngày 27 tháng 12 năm 1936. Giới Khanh con bà hai họ Từ, lớn hơn Giới Thạch 10 tuổi, chức vụ cao nhất là giám đốc hải quan Ninh Ba nên người đời thường gọi ông Tưởng giám đốc. Nghe nói, khi nghe tin Tưởng Giới Thạch bị bắt ở Tây An truyền về quê nhà, Giới Khanh đang xem kịch bỗng lăn đùng ngã bệnh vì ông sẵn chứng cao huyết áp. Giới Khanh nằm liệt giường từ đó và tắt thở vì quá vui mừng lúc người nhà báo cho ông biết, Tưởng Giới Thạch vừa được phóng thích trở về Nam Kinh.

Nhưng trước khi đi Khê Khẩu, Tưởng Giới Thạch phải giải quyết vấn đề Trương Học Lương sao đây? Cho Trương về lại Tây An - mặt mũi Tưởng biết để đâu? Bắt giam Trương - chịu thế nào với dư luận, người ta thả anh ra, còn thân hành tháp tùng anh hồi kinh an toàn, vậy mà nỡ, thật là tiểu nhân! Tưởng Giới Thạch một tay đa mưu túc kế hẳn phải có một giải pháp tinh ranh, sau đây là “kịch bản” của ông với Trương. Trên đường bay Tây An - Nam Kinh, tất nhiên là Trương Học Lương không được ngồi cùng phi cơ với Tưởng, ông và 7 người tuỳ tùng đã hạ cánh sau Tưởng một tí, liền lên xe với Tống Tử Văn thẳng về dinh thự họ Tống. Những ngày đầu Trương sống nhàn nhã, tự do đi thăm thú bạn bè, đương nhiên lúc nào cũng có 2 xe bám riết để “bảo vệ” ông, nhưng đến sáng ngày 31 tháng 12 năm 1936 Trương được mời đi dự hội nghị hội đồng quân sự. Ông bước vào phòng họp, không phải! đây là toà án binh xử Trương Học Lương vì trọng tội “bạo hành uy bức thượng quan”, lãnh án mười năm tù. Tại phiên toà lịch sử này. Trương Học Lương cho công bố mật điện của Tưởng Giới Thạch gửi cho ông ngày 16 tháng 9 năm 1931, hai ngày trưóc khi xảy ra sự biến “9.18”. Hình như Trương Học Lương dự đoán sẽ đến bước đường cùng này nên trong túi áo của ông luôn sẵn sàng những tang chứng ấy. Bức điện ghi rõ ràng chỉ thị của Tưởng “Dù quân Nhật ở Đông Bắc có khiêu khích như thế nào, quân ta cũng không được đề kháng chống trả, tránh mọi xung đột”. Với chỉ thị đó, Trương bị người đời chê trách là “tướng quân không đề kháng”, bị Trung Cộng liệt vào “quân bán nước” và 3 tỉnh Đông Bắc bị Nhật xâm chiếm. Trương Học Lương đọc bức điện Tưởng gửi và trả lời với quan tòa vì sao ông phải dấy binh ở Tây An. rồi khẳng định “về chủ trương, tôi hoàn toàn không sai”.

Nếu lịch sử dừng tại đây, Trương Học Lương lãnh án 10 năm tù, thì sau năm 1946, ông sẽ được trở về với gia đình, nhưng Tưởng Giới Thạch đã cao tay ấn, chuyển kịch bản sang một bước khác, bề ngoài trông có vẻ nhân đạo từ bi, song bên trong thì cực kỳ thâm hiểm, thỏa mãn lòng hận thù của mình.

Chiều hôm ấy, 31 tháng 12 năm 1936, Tưởng trình lên chính phủ lời cầu xin ân xá cho Trương, chính phủ chuẩn y và giao quân đội, Hội đồng quân sự quản thúc. Khi mà Trương Học Lương đã sa vào mạng lưới quản thúc của quân đội thì không ai còn biết được cuộc đời đày ải đã diễn ra như thế nào đối với ông, duy có điều Trương từng bị cầm tù hơn 50 năm đi qua Khê Khẩu - Phụng Hóa, Hoàng Sơn - An Huy, Bình Hương - Giang Tây, Bang Châu, Vĩnh Hưng, Nguyên Lăng - Hồ Nam, Tu Văn, Đồng Tử, Quý Dương - Quý Châu v.v...

Năm 1946, người ta bí mật đưa ông ra Đài Loan, vẫn cầm tù quản thúc cho tới năm 1986...

Kịch bản của Tưởng Giới Thạch là xử án - ân xá - quản thúc, vừa rất thương gia, vừa rất cứng rắn, gạt bằng một trở ngại đáng gờm của mình trên con đường chính trị - tác giả sự biến Tây An, ông Trương Học Lương, người cùng Tưởng “Chính kiến chi tranh uyển nhược cừu địch”!
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #39 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2014, 05:10:48 pm »

TRƯƠNG HỌC LƯƠNG VẪN BÍ MẬT “YÊN TRONG”


Tháng 12 bất hạnh đã qua, Tưởng Giới Thạch thoát hạn, bước vào tuổi 50. Tin tức ân xá cho Trương Học Lương đăng in trên mọi trang báo của Nam Kinh đã tạm xoa dịu tình hình. Ngày 2 tháng 1 năm 1937, Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh đáp máy bay về Khê Khẩu nghỉ phép, dưỡng bệnh, ngày ngày hương khói cho mẹ và anh trai, nhưng kỳ thực đó là thời gian để Tưởng suy ngẫm tiếp tục nước cờ “yên trong” của mình và ông vẫn luôn luôn điều khiển từ xa đối với Nam Kinh.

Ngay hôm tết dương lịch năm 1937, Hà Ứng Khâm đã hạ lệnh quân trung ương phân thành 5 lộ chuẩn bị tiến vào Tây An, còn Dương Hổ Thành chỉ huy quân Tây Bắc thì lập ra 7 đạo phòng tuyến sẵn sàng nghênh tiếp. Cũng ngày đầu năm 1937 ấy, quân Đông Bắc và quân Tây Bắc đã tụ tập mít tinh tại sân vận động Tây An kháng nghị Tưởng Giới Thạch bắt giam Trương Học Lương, và hô vang khẩu hiệu “bước trên con đường máu đấu tranh giải phóng dân tộc”. Tình hình những ngày hậu Tây An sự biến vẫn căng thẳng, như kiếm đã rút khỏi bao, tên đã lên trên cung, mật điện “Lạc Mao” (Lạc Phủ - bí danh tổng phụ trách Trung Cộng lúc bấy giờ, là Trương Văn Thiên, và Mao Trạch Đông) đã đến tay Phan Hán Niên, nhân vật quan trọng của Trung Cộng công tác tại Thượng Hải và Nam Kinh, nhắc anh yêu cầu Tưởng Giới Thạch giữ đúng lời hứa chấm dứt nội chiến cùng nhau kháng Nhật, đồng thời chỉ thị không để Chu Ân Lai về Nam Kinh đàm phán với Tưởng Giới Thạch, vẫn chốt cứ Tây An, phòng tránh âm mưu “Trương Học Lương thứ hai” của Tưởng.

Từ Khê Khẩu, Tưởng Giới Thạch hạ lệnh cho Cố Chúc Đồng: “Quân ta tạm dừng tiến vào Tây An, nhưng phải luôn luôn uy hiếp, tránh mọi sự lỏng lẻo”, đồng ý giải quyết hòa bình hai đạo quân Tây Bắc, còn với Hồng quân, ông vẫn ngấm ngầm quan niệm “phỉ đỏ” như xưa, không chịu ký tên cùng Mao Trạch Đông bất kỳ văn bản gì.

Ngày 2 tháng 2 năm 1937, Tưởng Giới Thạch đi Hàng Châu tiếp tục nghỉ dưỡng, nhưng vẫn không quên lèo lái tình hình với phương châm “yên trong”, kết quả thật khả quan cho Tưởng, quân Đông Bắc rút khỏi Đồng Quan phía đông Tây An hành binh về Giang Tô và An Huy biên chế lại tổ chức, đưa Dương Hổ Thành đi nước ngoài học tập bồi dưỡng, còn quân của Dương rút về Tam Nguyên, ngày 6 tháng 2 quân trung ương “hòa bình” thế chỗ ở Tây An, vấn đề còn lại chỉ là Hồng quân.

Vòng đàm phán Quốc - Cộng đầu tiên được giao cho Chu Ân Lai và Cố Chúc Đồng. Cố Chúc Đồng là quân nhân tin tưởng của Tưởng Giới Thạch, sau này trở thành “thượng tướng ngũ hổ”, tốt nghiệp trường sĩ quan lục quân Bảo Định, tham gia giảng dạy môn chiến thuật quân sự ở trường Hoàng Phố, và là phái hệ của Tưởng. Trước khi lên đường đi Tây An, Tưởng đã căn dặn Chúc Đồng “lấy chính trị làm chủ, quân sự là hỗ trợ”. Từ Lạc Dương. Cố Chúc Đồng chỉ huy 5 tập đoàn quân tiến vào Tây An một cách êm thuận và theo kịch bản của Tưởng giao, cùng Chu Ân Lai đàm phán nhằm hoà tan Hồng quân vào với Nam Kinh.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM