Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 27 Tháng Năm, 2024, 03:23:28 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 28 ngày đêm quyết định vận mệnh Trung Quốc  (Đọc 79283 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #20 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2014, 10:33:26 am »

ĐƯỜNG DÂY NÓNG GIỮA MAO TRẠCH ĐÔNG VÀ TRƯƠNG HỌC LƯƠNG


Người ngồi đó, đầu hói bóng chỉ còn vài sợi bạc lơ thơ, thân không cao nhưng vai rộng, từ lưng trở lên như một đường thẳng, Tôn Minh Cửu nay tuy đã 80 lẻ 4 tuổi mà phong độ nhà binh vẫn oai phong lẫm liệt, tác giả cuốn sách này đã có dịp đến thăm “con người lịch sử” họ Tôn, phòng khách nhà cụ chỉ treo mấy bức ảnh chụp chung cùng nguyên soái Diệp Kiêm Anh khi còn ở Thượng Hải năm 1997.

Tôn Minh Cửu là tâm phúc của Trương Học Lương. Cách đây không lâu đã có người hỏi Trương, nếu được trở về đại lục thăm viếng, ông sẽ tìm gặp ai? Trương không do dự mà rằng: Tôn Minh Cửu! Tháng 8 năm 1991, hãng truyền hình Nhật Bản NHK phỏng vấn ghi hình Trương Học Lương ở Đài Bắc, sau đó họ đem trình chiếu cho Tôn Minh Cửu xem, Tôn nước mắt đầm đìa, nhớ về một quá vãng gắn bó giữa hai người.
Tôn Minh Cửu sinh ngày 13 tháng 1 năm 1908 tại Liêu Ninh, làm quản giáo học dưới quyền Trương Học Minh - em trai Học Lương. Năm 1931, Học Lương được phong chức phó Tư lệnh hải lục không quân Quốc dân đảng, từ Nam Kinh lên Bắc Kinh ghé qua Thiên Tân, Học Minh cử Tôn Minh Cửu hộ tống anh mình. Trương quý trọng Tôn, bèn tặng chiếc đồng hồ Thụy Sĩ có hình Học Lương trong đó để ghi nhớ mốc quan trọng trên đường hợp tác giữa họ, từ bấy Tôn luôn luôn là tham mưu tuỳ tòng cơ yếu của Trương.

Khi tiến quân vào Tây An, Trương Học Lương hạ trại tại ngõ Kim Gia, còn Tôn Minh Cửu trú ở ngôi nhà tứ hợp cách đó không xa, và hôm nay là nơi đón tiếp “Ngô tiên sinh”. Theo căn dặn của Học Lương, Minh Cửu bố trí lực lượng bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đại biểu Hồng quân họ Ngô. Sau mấy ngày phục vụ, được biết “Ngô tiên sinh” chính là tướng quân Diệp Kiếm Anh, Minh Cửu càng cẩn trọng hơn. Và như vậy, một đường dây nóng Trương Học Lương - Diệp Kiếm Anh - Mao Trạch Đông được hình thành, chỉ riêng tháng 10 năm 1936, 18 mật điện đã liên lạc giữa Tây An và Bảo An. Ngày 29 tháng 10 năm 1936, Diệp Kiếm Anh điện khẩn: “Tưởng - Trương đã hội đàm, kết quả rất xấu, Tưởng tuyên bố phỉ không tiễu sạch thì quyết chưa kháng Nhật. Kiếm đề nghị sau ba ngày sẽ rời về Tây An báo cáo tỷ mỷ, đợi lệnh”. Thượng tuần tháng 11, Diệp Kiếm Anh nhận điện từ đại bản doanh “Trở về Bảo An thương lượng, nhân tiện nhờ Trương tướng quân tài trợ ít nhiều kinh phí”. Trương Học Lương lập tức đáp ứng năm vạn quan Quang Dương và hôm nay Diệp mang về cho Bộ trưởng Tài chính Hồng quân Lâm Bá Cừ.

Là một phó Tư lệnh của “Tây Bắc tiễu phỉ Tổng Tư lệnh bộ”, tại sao Trương Học Lương lại khẳng khái chi viện cho “phỉ” như vậy? Chuyện dài ấy đã bắt đầu từ cuộc mật đàm thâu đêm ở giáo đường Thiên Chúa thành Diên An.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #21 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2014, 03:36:45 pm »

TRONG GIÁO ĐƯỜNG THIÊN CHÚA


Sáng ngày 9 tháng 4 năm 1936, một chiếc Ba-ưng (ngày nay phiên âm theo Boeing là ba-âm), cất cánh từ sân bay Lạc Xuyên, hồi ấy bóng dáng của máy bay trên bầu trời cao nguyên hoàng thổ là rất hiếm hoi. Chiếc Ba-ưng lao vào tầng không và bay về đâu thì chẳng ai đoán trước được, song có điều lịch sử còn ghi lại rằng, người lái chuyến bay ấy chính là tướng quân Trương Học Lương. Trương là con người đa tài đa nghệ, biết sử dụng mô-mô, ô-tô và cả máy bay. Năm 1934, khi Trương thắng xe đi thị sát vùng Ngạc Đông Ma, quan sở tại dẫn bộ hạ ra đón ông cách thành 30 dặm, đợi mãi mà không thấy, sau mới hay chiếc xe “dẫn đường” chính do tướng quân tự lái đã vượt qua từ lâu. Lại có lần vì việc cần Trương cưỡi mô-tô phóng một mình từ Thiên Tân về Bắc Kinh chỉ mất vài ba tiếng đồng hồ.

Trương Học Lương mua chiếc Ba-ưng làm chuyên cơ cho mình, bay đây bay đó, vừa nhanh chóng, vừa hiệu quả. Còn chuyến bay này do ông tự lái là nhằm bảo mật, “hành khách” gồm ba vị: Vương Dĩ Triết - chỉ huy quân đoàn 7 của Đông Bắc quân, Tôn Minh Cửu và một nhân vật thần bí khác. Chiếc máy bay lượn một vòng trên bầu trời Lạc Xuyên rồi lao về hướng bắc, cho đến lúc nhìn thấy dòng Diên Hà uốn lượn trên nền hoàng thổ và trông rõ đỉnh Bảo Tháp nơi ngọn núi bên sông, Trương Học Lương hạ độ cao và cho Ba-ưng từ từ đậu xuống bãi rộng - đây chính là Diên An. Đoàn phi hành bốn người đi về doanh trại của quân Đông Bắc đồn trú tại thành Diên An nghỉ ngơi và chờ người của khu đỏ phái ra. Đó là Xuyên Khẩu phía đông Diên An, đợi cho trời tối họ mới vào thành. Ba ngày trước đó, Trương Học Lương và Vương Dĩ Triết nhận được điện báo của Mao Trạch Đông và Bành Đức Hoài: “Ngày 8, đại biểu của phía chúng tôi là Chu Ân Lai và Lý Khắc Nông sẽ đến Diên An cùng Trương tiên sinh bàn mưu cứu Quốc, định khởi hành từ Ngõa Dao Bảo vào ngày 7, hẹn nhau tại Xuyên Khẩu chờ người của tiên sinh đón vào thành, mọi sự an toàn dám cậy nhờ tiên sinh bố trí thỏa đáng...”.

Phó đoàn cho Chu Ân Lai là Lý Khắc Nông, người An Huy, vào đảng năm 1926, năm 1928 bắt đầu đảm nhiệm công việc bí mật của phòng đặc vụ trung ương Trung Cộng ở Thượng Hải, năm 1931 là ủy viên dự khuyết Bộ Chính Trị. Lý là người từng giúp Chu Ân Lai thoát hiểm khi bị lộ do bọn đầu hàng khai báo, sau khi trường chinh về đến Thiểm Bắc ông giữ chức cục trưởng cục liên lạc và một trong các đối tượng mà Lý có quan hệ chính là Trương Học Lương. Đoàn của Chu Ân Lai gồm năm người được bí mật đưa tới nhà thờ xứ Diên An, Trương Học Lương đã chờ sẵn ở đó. Đây là lần đầu tiên Chu - Trương gặp nhau, lúc bấy giờ Chu còn để râu quai nón khiến Trương phải thốt lên “mỹ nhiêm công” (người có bộ râu đẹp). Trương Học Lương và “mỹ nhiêm công” vừa gặp nhau mà như đã quen thân từ lâu, nói cười vui vẻ. Năm mươi năm sau, khi trả lời phóng viên truyền hình NHK Nhật Bản, nhớ lại lần đầu quen biết Chu Ân Lai, Trương Học Lương đã dùng 12 chữ để bình phẩm họ Chu - phản ứng sắc sảo, nói năng xuất chúng, học thức uyên thâm!

Trương Học Lương giới thiệu với Chu Ân Lai nhân vật thần bí của mình, mà ông gọi là thư ký. Chu Ân Lai bật cười và bắt tay viên thư ký:

- Chào Lưu tiên sinh.

- Chào Chu tiên sinh! Chào Chu tiên sinh!

Trương Học Lương ngỡ ngàng vì Chu, Lưu đã biết nhau từ lâu. Đúng vậy, nhân vật “Lưu tiên sinh”“ chính là Lưu Đỉnh, 33 tuổi, người Tứ Xuyên, từng làm việc dưới quyền của Chu Ân Lai. Năm 1930, sau khi du học ở Liên Xô trở về Thượng Hải, Lưu Đỉnh dã đến báo cáo Chu Ân Lai và Chu đã bố trí cả hai vợ chồng Lưu Đỉnh - Ngô Tiên Thanh cùng làm việc tại phòng đặc vụ của Trung Cộng. Lưu thông minh, tháo vát, được Chu mến phục, còn Ngô quả là một nữ tướng, năm 1933 bà làm tổ trưởng điệp viên của cục tình báo Viễn Đông Quốc tế Cộng sản. Đang là đảng viên Trung Cộng, Lưu Đỉnh tự nhiên trở thành thư kí của tướng quân Quốc dân đảng, chuyện thật khúc khuỷu dài dòng, song cũng đều bắt nguồn từ một quan điểm “không liên Cộng kháng Nhật, ấy chỉ là nói suông...” và do đó Trương Học Lương cần có đại biểu Trung Cộng bên cạnh làm “bạn”, làm “thư kí” - sứ mạng đó đặt lên vai Lưu Đỉnh. Tương tự, những Lý Khắc Nông, Cao Phúc Nguyên v.v... đều có nhiệm vụ “xe chỉ luồn kim”, họ làm nên cuộc mật đàm đêm nay giữa Trương - Chu ở nhà thờ xứ thành Diên An.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #22 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2014, 03:39:08 pm »

TỪ “PHẢN TƯỞNG KHÁNG NHẬT”,
MAO TRẠCH ĐÔNG CHUYỂN KHẨU HIỆU THÀNH
“BỨC TƯỞNG KHÁNG NHẬT”


- Tôi lớn lên ở Đông Bắc - Chu Ân Lai tự giới thiệu.

- Tôi biết, Trương Học Lương đáp lại. - Thầy Trương Bá Linh cho tôi hay điều đó.

Trương Bá Linh, người Thiên Tân, đã có công sáng lập nên trung học Nam Khai, rồi đại học Nam Khai, và sau đó, năm 1948 đảm nhiệm chức viện trưởng Viện khảo thí của chính phủ Quốc dân đảng. Năm 15 tuổi, Chu Ân Lai học trung cấp ở Nam Khai, và lúc ấy thầy hiệu trưởng chính là Trương Bá Linh, Chu lấy làm ngạc nhiên vì sao Học Lương cũng là học sinh của Trương Bá Linh? Đang khi phân vân như vậy thì Chu bỗng nghe Trương cười vang:

- Trước đây tôi nghiện thuốc phiện, chích moóc-phin, nhưng nhờ Trương Bá Linh tiên sinh khuyên giải nên sau đó đã cai khử hoàn toàn, vì vậy mà tôn Người làm thầy!

- Thế là chúng ta cùng chung một sư tổ - Chu Ân Lai nhanh chóng ứng khẩu và kết thúc phần hàn huyên xã giao để đi vào chủ đề mật đàm.

Về kháng Nhật, hai bên không cần nhiều lời, sớm đã nhất trí, quân Nhật chiếm Đông Bắc, Trương phải bỏ bản quán tha hương, Phụng quân trên dưới một lòng kháng chiến trả thù, điều ấy không hẹn mà gặp, thật phù hợp với chủ trương của Trung Cộng, vấn đề còn lại là Tưởng Giới Thạch. Chu Ân Lai trình bày lập trường của Trung Cộng: vì Tưởng Giới Thạch thi hành chính sách “yên trong rồi mới dẹp ngoài”, “yên trong” ở đây là “tiễu Cộng”, cho nên Trung Cộng chúng tôi phải đưa ra khẩu hiệu “kháng Nhật phản Tưởng”, ông nói:

- Dám xin Trương tướng quân cho ý kiến.

Trương Học Lương rất trực ngôn, ông nhận thấy Hồng quân là người kháng Nhật chân chính nhất, điều ấy không còn phải nghi ngờ gì nữa, nhưng còn Tưởng Giới Thạch theo quan sát, Tưởng cũng có thể kháng Nhật, khẩu hiệu “kháng Nhật phản Tưởng” e không có lợi cho sự đoàn kết chống ngoại xâm. Trương trình bày thêm lí do, hiện nay Tưởng là phái có thực lực nhất trong nước, là chủ lưu của Quốc dân đảng, nếu “phản Tưởng” tức là gạt đi một lực lượng mạnh nhất. Tưởng nêu chính sách “yên trong rồi mới dẹp ngoài” tất nhiên là sai, nhưng chưa đến mức đầu hàng Nhật, ông ta đang đứng giữa ngã ba đường. Trương nói:

- Trong đám yếu nhân của Quốc dân đảng, tôi chỉ phục mỗi Tưởng Giới Thạch, ông ta có tinh thần dân tộc và năng lực lãnh đạo. Cho nên có thể hi vọng Tưởng kháng Nhật. Nhưng bên cạnh Tưởng Giới Thạch bao gồm nhiều phái thân Nhật, họ khiến ông ta không dám hạ quyết tâm đánh Nhật, vì vậy Tưởng đang lâm vào hoàn cảnh cực kì mâu thuẫn. Tôi chủ trương, bên trong chúng tôi khuyên, bên ngoài các ông bức làm cho Tưởng Giới Thạch thay đổi chính sách sai lầm, đi lên con đường kháng Nhật với chúng ta. Nếu quả tình Tưởng Giới Thạch đầu hàng giặc ngoại xâm, thì tôi sẽ từ chức và làm theo cách của mình.

Chu Ân Lai chăm chú lắng nghe Trương Học Lương trình bày chủ trương “kháng Nhật, thì phải liên Tưởng” và cảm thấy có lí:

- Tôi tán thành ý kiến của tướng quân, nhưng đây mới chỉ là cá nhân tôi, tôi phải về báo cáo với trung ương Trung Cộng bàn bạc và quyết định trước một chính sách lớn như thế này của tướng quân.

Trương Học Lương rất mãn ý với Chu Ân Lai, cuộc mật đàm kéo dài đến 4 giờ sáng hôm sau, trước khi chia tay, Trương tặng Chu tập bản đồ Trung Quốc vừa mới xuất bản với lời nguyện “cùng nhau bảo vệ Tổ Quốc”. Đoàn Trung Cộng trở về Ngoã Dao Bảo báo cáo Mao Trạch Đông, khi đi năm người, nay thêm Lưu Đỉnh nữa là sáu.

Thật là trùng hợp, lúc 12 giờ đêm ngày 9 tháng 4 năm 1936, khi Chu Ân Lai đang mật đàm với Trương Học Lương tại nhà thờ xứ Diên An. Mao Trạch Đông đã điện báo cho Trương Văn Thiên hoãn phát lệnh “thảo Tưởng”.

Ngày 5 tháng 5 năm 1936, với danh nghĩa Chủ tịch nước Cộng hoà xô viết nhân dân Trung Hoa, Chủ tịch Hội đồng quân sự Hồng quân cách mạng nhân dân Trung Quốc, Mao Trạch Đông và Chu Đức trong “Thông điện đình chiến, hoà đàm, nhất trí kháng Nhật” đã không sử dụng thuật ngữ “quân bán nước Tưởng Giới Thạch” nữa mà thay vì “ông Tưởng Giới Thạch” trung tính, không khinh không trọng. Ngày 1 tháng 9 năm đó (1936), Trung Cộng ban hành chỉ thị nội bộ chuyển khẩu hiệu “kháng Nhật phản Tưởng” thành “bức Tưởng kháng Nhật”.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #23 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2014, 03:43:30 pm »

ĐẠN TRÚNG UÔNG TINH VỆ
VÔ TÌNH CỨU NGUY CHO TƯỞNG GIỚI THẠCH


Trở lại với Tưởng Giới Thạch, một nhân vật chính khác của cuốn sách này, chúng ta thấy ông ta đang phải giáp mặt với ba đối thủ: về quốc tế - quân Nhật từng bước xâm lược, uy hiếp cuộc sống sinh tồn của Tưởng; về quốc nội - Trung Cộng do Mao Trạch Đông lãnh đạo ngày một lớn mạnh mà ông xem như đại hoạ bên trong; về đảng - Uông Tinh Vệ “bằng mặt mà không bằng lòng”, lăm lăm tiếm đoạt quyền lợi của nhau. Từ ngày 28 tháng 1 năm 1932, “thể chế Tưởng - Uông” được hình thành - Uông nắm chính quyền, Tưởng nắm quân đội và cả hai cùng nắm đảng. Nhưng hôm nay, mồng 1 tháng 11 năm 1935, những viên đạn của thích khách đã phá tan cái liên minh khiên cưỡng ấy. Đó là ngày đầu tiên của kì họp thứ 6 khoá 4 toàn thể Ban chấp hành trung ương Quốc dân đảng cử hành tại Nam Kinh. Theo thông lệ, đúng 7 giờ, tất cả uỷ viên trung ương tề tựu kính cẩn viếng lăng Tôn Trung Sơn, 9 giờ nghe Uông Tinh Vệ đọc diễn văn khai mạc dài khoảng 20 phút, sau đó cùng chụp ảnh lưu niệm tại sân hội trường. Hơn 100 vị xếp thành năm hàng, trước ngồi sau đứng, chính giữa đặt hai ghế cho Uông, Tưởng, nhưng vì việc gì đó mà Tưởng Giới Thạch đã không tham gia, nên trống một ghế. Đến 9 giờ 35 phút, các phó nháy, các phóng viên thay nhau bấm máy, ghi lại những khuôn hình lịch sử. Đúng vào lúc mọi người đứng dậy quay vào hội trường họp tiếp, thì vang lên tiếng hô “đả đảo quân bán nước” nổ ra từ trong đám tân văn kí giả và tiếp theo là ba phát súng, tất cả đều nhắm trúng Uông Tinh Vệ, ông ngã gục. Cả đám nháo nhác, Trương Tĩnh Giang hốt hoảng bò sát đất, Khổng Tường Hy lao nhanh vào gầm xe ô-tô gần đó, mỗi Trương Học Lương trấn tĩnh quay người ôm lưng hung thủ và đạp mạnh khẩu súng lục văng khỏi tay y, vệ sĩ ập tới và bắt ngay viên kí giả vừa nã đạn.

Nghe tiếng súng nổ, Tưởng Giới Thạch cùng vệ sĩ của mình chạy tới, quỳ xuống bên cạnh Uông Tinh Vệ. Uông máu me đầm đìa, tưởng mình sắp lìa đời nên quay lại trăn trối cùng Tưởng Giới Thạch:

- Tưởng tiên sinh, thế là huynh đã rõ, sau khi ta chết, mọi công việc chỉ mình huynh gánh vác.

Nhưng Trần Bích Quần, vợ Uông thì không khách sáo như vậy, bà nhìn chằm chằm vào các gương mặt uỷ viên trung ương rồi hất hàm về Tưởng Giới Thạch:

- Ông không muốn Uông tiên sinh đây làm việc thì nói toạc ra, chồng tôi cũng chẳng thèm, cớ sao lại phái người hãm hại?

Tưởng câm như hến, ngậm bồ hòn làm ngọt, cùng mọi người đưa Uông về bệnh viện cấp cứu. Súng nổ, rồi báo chí nổ, Tưởng Giới Thạch trở thành đôi tượng nghi vấn chủ mưu sát hại Uông Tinh Vệ, nhưng theo lời khai của hung thủ - Tôn Phượng Minh, phóng viên Thông tấn xã Thần Quang, ba viên đạn kia định dành cho Tưởng Giới Thạch, và không may Uông phải gánh chịu. “Thể thế Tưởng - Uông” chấm hết, ngày 12 tháng 11 năm 1935 - Ngũ toàn (đại hội khoá 5) của Quốc dân đảng được cấp tốc khai mạc, ngay sau đó ngày 7 tháng 12, Ban chấp hành trung ương bầu Hồ Hán Dân làm chủ tịch đảng, Tưởng làm phó, nhưng do Hồ bị bức ép ra nước ngoài lưu vong nên mình Tưởng Giới Thạch nắm tất cả quyền bính đảng, chính, quân.

Lại nói về đối thủ Trung Cộng, Tưởng Giới Thạch nhiều lần càn quét lên Tỉnh Cương Sơn, năm lần vây ráp tiễu trừ Giang Tây - khu xô-viết trung ương, Hồng quân trường chinh lên mạn bắc, Tưởng đuổi theo và lập nên “Tây Bắc tiễu phỉ”. Mặc dầu đối mặt với hoạ xâm lăng, Tưởng Giới Thạch vẫn khăng khăng “yên trong rồi mới dẹp ngoài”. Năm 1935, ai đó đã gửi “tặng” Tưởng Giới Thạch một chiếc váy đàn bà kèm theo bài thơ trách móc tình yêu nước, kháng Nhật của ông. Lúc 5 giờ chiếu ngày 26 tháng 12 năm 1935, trung tướng Tục Phạm Đình dùng gươm tự sát trước lăng mộ Tôn Trung Sơn, để lại cũng bài thơ kích động lòng hận thù ngoại xâm. Những ngày cuối năm 1935 thật xáo động, Tưởng suy nghĩ lại các nước cờ đã đi và không khỏi phân vân cho tương lai, đành cũng phải hoà đàm với Trung Cộng, nhưng ông có cách “chơi” của mình.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #24 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2014, 03:47:05 pm »

NHỮNG “TUỲ VIÊN” TRÊN CON TÀU CỦA ĐỨC - POSTDAM


Hồi ấy ở Trung Quốc nổi lên “Tứ đại gia tộc”, đó là Tưởng Giới Thạch, Tống Tử Văn, Khổng Tường Hy, Trần Quả Phu và Trần Lập Phu. Hai anh em họ Trần, Quả Phu và Lập Phu có người chú ruột tên là Trần Kỳ Mỹ - ân nhân của Tưởng Giới Thạch, đã dẫn dắt Tưởng đi lên con đường chính trị từ buổi đầu gia nhập Đồng minh hội, Tưởng -Trần kết nghĩa anh em và do đó họ là bậc cha chú đối với “nhị Trần - Quả, Lập”. Trần Lập Phu từng du học ở Mỹ đậu bằng thạc sĩ ngành mỏ, năm 1926 làm thư kí cơ yếu cho Tưởng Giới Thạch, năm 1928 giữ chức chủ nhiệm cục điều tra trung ương Quốc dân đảng kiêm trưởng phòng cơ yếu hội đồng quân sự, đứng đầu Câu lạc bộ trung ương (CC - Central Club) - một tổ chức đặc vụ của Tưởng Giới Thạch, tại Ngũ toàn (đại hội khoá 5). Lập Phu được bầu làm uỷ viên thường vụ Ban chấp hành trung ương Quốc dân đảng.

Tưởng Giới Thạch chọn Trần Lập Phu và một người nữa cũng họ Trương tên Xung làm mật sứ cho mình, cả hai đều “thay tên đổi phận” thành Lý Dung Thanh, Giang Phàm Nam làm “tuỳ viên” cho đại sứ Trung Hoa dân quốc tại nước Đức và hôm nay sau Noel 1935 xuống tàu Postdam đi viễn dương. Tưởng Giới Thạch nghiên cứu các văn kiện đại hội lần thứ bảy của Quốc tế Cộng sản được cử hành từ tháng 7 đến tháng 8 năm 1935 tại Mạc Tư Khoa, và biết rằng đoàn đại biểu Trung Quốc đề xuất thành lập “Chính phủ quốc tế nhân dân thống nhất toàn Trung Quốc”, lãnh đạo Quốc tế Cộng sản “hoàn toàn tán thành ý kiến đề nghị của Trung Cộng”. Trước đây khi ở thăm Liên Xô, Tưởng Giới Thạch cũng đã bái kiến Quốc tế Cộng sản, ông hiểu sâu sắc rằng, Quốc tế Cộng sản là thượng cấp của Trung Cộng và do đó nước cờ của Tưởng trong thế hoà đàm với Mao Trạch Đông là “bỏ gần mà cầu xa”, đưa hai “tuỳ viên” Trần, Trương sang Âu châu, lần đến Liên Xô, liên lạc với Quốc tế Cộng sản và cuối cùng đề nghị thành lập Đồng minh Trung - Xô kháng Nhật và như vậy sẽ buộc Trung Cộng “quy phục”.

Hành tung của Trần Lập Phu và Trần Xung được bảo mật nghiêm ngặt, thế mà vẫn không giấu nổi tình báo Nhật. Trần, Trương sau khi đến Ý, đang liên lạc với Mạc Tư Khoa thì báo chí ở Nhật đưa tin “mật sứ của Tưởng Giới Thạch muốn thăm Liên Xô”, Tưởng đành thu quân triệu hồi hai vị “tuỳ viên” về nước. Nhưng khi họ vừa đặt chân lên Tân Cương thì lại nhận được điện báo của Tưởng Giới Thạch yêu cầu quay sang Mạc Tư Khoa cùng với Đặng Văn Nghi thực hiện sứ mạng chưa hoàn thành.

Đặng Văn Nghi, 31 tuổi, người Hồ Nam, là học sinh khoá 1 trường quân sự Hoàng Phố, sau đó được cử sang Liên Xô học tiếp hai năm, về nước làm phó trưởng ban chính trị của trường, giúp việc cho trưởng ban Chu Ân Lai, từ năm 1928 là thư kí và tham mưu tuỳ tùng cho Tưởng Giới Thạch, mùa đông năm 1931 lại sang Liên Xô và giữ chức võ quan tại đại sứ quán của Trung Hoa dân quốc. Vào thời gian Trần Lập Phu và Trương Xung xuống tàu Postdam viễn du, Đặng Văn Nghi rời Nga về nước báo cáo công tác, vừa đến Tân Cương thì ngày 9 tháng 12 năm 1935 tờ “Thời báo cứu quốc” của Trung Cộng xuất bản ở Paris đăng bài phát biểu của đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Quốc tế Cộng sản, lần đầu tiên dùng cách xưng hô - “Tưởng Tổng Tư lệnh Nam Kinh”. Bài phát biểu nêu rõ: nhanh chóng đình chỉ những cuộc “nồi da xáo thịt”, đoàn kết mọi đảng phái, mọi quân đội, chấm dứt nội chiến, tập trung mũi súng vào quân xâm lược. Tưởng Giới Thạch nắm bắt nguồn tin quan trọng này nên đã chỉ thị cho Đặng Văn Nghi quay lại Mạc Tư Khoa, hiệp sức cùng Trần Lập Phu và Trương Xung tìm cách hội đàm với đại diện của Trung Cộng ở Quốc tế Cộng sản.

Kể từ sau năm 1927, đây là lần đầu tiên Quốc - Cộng lại “nắm tay nhau”, nhưng tạm ở xứ người. Đặng Văn Nghi trao cho Vương Minh ba điều kiện của phía Tưởng Giới Thạch: (1) Huỷ bỏ chính phủ xô-viết Trung Quốc, tất cả những người lãnh đạo và viên chức của Chính phủ này sẽ về làm việc tại Chính phủ Nam Kinh. (2) Cải biên Hồng quân công nông thành quân cách mạng Dân quốc, vì muốn đánh thắng Nhật thì phải thống nhất chỉ huy quân đội. (3) Khôi phục hình thức Quốc - Cộng hợp tác thời kì 1924 -1927 hoặc áp dụng hình thức nào đó nhưng vẫn đảm bảo sự tồn tại độc lập của Trung Cộng.

Vương Minh lắng nghe Đặng Văn Nghi nói tiếp:

- Đương nhiên Hồng quân sẽ không nhận người của Quốc dân đảng rồi, nhưng hai bên có thể trao đổi chuyên gia chính trị để tỏ lòng tin cậy lẫn nhau. Tưởng uỷ viên trưởng chúng tôi biết Hồng quân thiếu vũ khí, đạn dược và lương thảo, ngài đồng ý chi viện, thậm chí cả binh lính nữa và yêu cầu Hồng quân tiến ra tiền tuyến Nội Mông, còn chúng tôi sẽ bảo vệ lưu vực Trường Giang!

Con người có vóc dáng ngũ đoản như Vương Minh không dại gì mà mắc mưu Tưởng Giới Thạch, và cũng đủ khôn ngoan nhận biết thân phận mình, ông nói:

- Hồng quân chắc chắn là không thể tiến ra tiền tuyến Nội Mông, song có một điều các ngài nên nhớ: Quốc tế Cộng sản tuy là thượng cấp của Trung Cộng, nhưng muốn tiến hành đàm phán Quốc - Cộng thì phải tìm đến Ban chấp hành trung ương của Trung Cộng, phải tìm đến Mao Trạch Đông, ông ta mới là người quyết định cuối cùng.

Đặng Văn Nghi điện báo cho Tưởng Giới Thạch và nước cờ “bỏ gần mà cầu xa” của Tưởng tạm dừng, ông sẽ làm cách nào để gặp lại đối thủ của Mao Trạch Đông?
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #25 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2014, 03:50:26 pm »

NHỊP CẦU “MỤC SƯ” VÀ “TUỲ VIÊN”


Ngày 29 tháng 1 năm 1936, “Tuần san cứu quốc” Paris đăng trả lời phóng viên “Trung Hoa đỏ” (tiền thân Tân Hoa xã ngày nay) của Mao Trạch Đông - Chủ tịch chính phủ nước Cộng hoà xô-viết nhân dân Trung Hoa và Vương Gia Tường - uỷ viên ngoại giao, có đoạn nói “Nếu Tưởng Giới Thạch thực lòng muốn kháng Nhật thì chính phủ xô-viết Trung Quốc sẽ bắt tay cùng ông ta trong một mặt trận”.

Sau khi tín hiệu ấy phát ra, một mục sư thần bí từ Thượng Hải đi Tây An cố đô tìm gặp Trương Học Lương, nhờ tướng quân đưa ông ta lọt vào địa phận kiểm soát của Hồng quân. Mục sư họ Chu tên Kế Ngô. Ông còn mang theo cả giấy giới thiệu “điều tra viên của Bộ Tài chánh” do Khổng Tường Hy ký. Trương Học Lương mật điện cho Nam Kinh và Ngoã Dao Bảo, cả hai nơi Quốc dân đảng và Trung Cộng đều xác tín con người phi phàm này, giao hảo đi lại với Tưởng Giới Thạch cùng Mao Trạch Đông. Quả vậy, trong thư gửi Tống Tử Văn ngày 14 tháng 8 năm 1936, Mao Trạch Đông đã nhắc đến “con thoi” Chu Kế Ngô, có điều danh tính chính thức của ông là Đổng Kiện Ngô, công tác bí mật của Trung Cộng ở Thượng Hải. Còn phía Quốc dân đảng, Tưởng Giới Thạch nhờ Tống Tử Văn tìm người “bắc cầu”, Tử Văn hỏi chị ruột là Tống Khánh Linh, bà tiến cử Đổng Kiện Ngô. Trước khi Đổng lên đường, Tưởng Giới Thạch đã căn dặn tỉ mỉ và giao nhiệm vụ chuyển bốn điều kiện đàm phán cho Trung Cộng: (1) Không tiến công Hồng quân, (2) Nhất trí kháng Nhật, (3) Phóng thích chính trị phạm, (4) Vũ trang dân chúng. Lần ấy Tống Khánh Linh nhờ Đổng đem vào cho Hồng quân một bao “thuốc trắng” Vân Nam, bà biết quân cách mạng thiếu dược phẩm cầm máu khi bị thương.

Cùng đi với “mục sư” còn có “tuỳ viên” Trương Tử Hoa - một chàng trai mới 22 tuổi, đây lại là một nhân vật được chọn lựa theo đường dây khác. Trần Lập Xuân và Trương Xung khi đi Liên Xô có nhờ Tằng Dưỡng Phố tìm giúp “mật sứ”, qua nhiều mắt xích chắp nối, Tả Cung trúng cử và cải tên đổi họ để làm nhiệm vụ này. Tả Cung tức Trương Tử Hoa vào Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 16 tuổi và hành tung ấy bên Quốc dân đảng không nắm được, còn bí danh của anh trong Trung Cộng là “Hoàng quân”, mọi hoạt động của “mật sứ” thật kín đáo, ngay đến cả “mục sư” cũng không rõ “tuỳ viên” giúp việc cho mình là ai?

Ngày 19 tháng 2 năm 1936, chiếc Boeing cất cánh từ Tây An đưa hai hành khách quan trọng nêu trên bay về hướng bắc, họ đến Diên An và sau đó được kị binh đưa về Ngoã Dao Bảo - địa phận của Hồng quân. Hôm ấy, ngày 27 tháng 2, Mao Trạch Đông, Trương Văn Thiên và Bành Đức Hoài bận việc ở tiền tuyến Thạch Lầu - Sơn Tây, Chu Ân Lai và Lưu Chí Đan cũng đi công tác nơi khác, chỉ mình Bác Cổ tiếp hai mật sứ. Sau khi làm việc xong với đoàn, Bác Cổ nghe Trương Tử Hoa báo cáo tình hình Thượng Hải và thỉnh thị Mao Trạch Đông. Ngày 2 tháng 3, Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai mời Đổng Kiện Ngô và Trương Tử Hoa lên Thạch Lầu hội kiến, Đổng phải về Nam Kinh, chỉ có Trương ở lại và qua anh, Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông đã có thể bí mật đối thoại với nhau.

“Mục sư” Đổng Kiện Ngô trở về Nam Kinh thì một việc không may đã xảy ra, “Sơn Tây vương” Quốc dân đảng là Diêm Tích Sơn không hiểu từ nguồn tin nào biết được Tưởng Giới Thạch cử người đi Ngoã Dao Bảo, đã điện chất vấn Tổng Tư lệnh: “Vì sao lại liên Cộng đánh Tấn quân?” (Tấn - chữ viết tắt tỉnh Sơn Tây), vì lúc này Hồng quân Mao - Chu đang giao tranh với quân của Diêm ở Thạch Lầu, từ bấy Tưởng Giới Thạch dập ngay nhịp cầu họ Đổng, có thân phận là mục sư, một thời được gọi là “mục sư đỏ”.

Một mình Trương Tử Hoa ở lại khu đỏ, làm nhiệm vụ cho hai đảng. Anh vượt sông Hoàng Hà ra tận tiền tuyến Sơn Tây tìm gặp Mao Trạch Đông, Trương Văn Thiên, Bành Đức Hoài báo cáo tường tận mọi địa hình. Tháng 3 năm 1936, Bộ chính trị Trung Cộng họp mở rộng ngay ở chiến trường Thạch Lầu thảo luận vấn đề đàm phán với Quốc dân đảng, thống nhất chỉ huy công việc này là quân uỷ trung ương và ban thường vụ. Tháng 4 năm ấy, Phùng Tuyết Phong đi Thượng Hải gặp Lỗ Tấn bàn về công tác trên mặt trận văn hoá kháng Nhật, Trương Tử Hoa về Nam Kinh chuyển cho Tưởng Giới Thạch năm điều kiện của Trung Cộng, tỏ lòng mong muốn Nam Kinh liên Cộng kháng Nhật. Trong chuyến đi này, Trương Tử Hoa cũng chuyển nhiều lá thư cá nhân bạn bè Quốc - Cộng, Chu Ân Lai gửi Thầm Tiểu Sầm, Lâm Bá Cừ gửi Đàm Chấn v.v...

Sau đó không lâu, Trương Tử Hoa mất tích, Nam Kinh đã hạ gục anh vì tìm ra hành tung cộng sản của nhân vật này, nhịp cầu “tuỳ viên" cũng gãy luôn.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #26 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2014, 03:54:16 pm »

CHUẨN BỊ CHO HỘI ĐÀM
GIỮA TƯỞNG GIỚI THẠCH VÀ CHU ÂN LAI


Từ ngày 10 đến 14 tháng 7 năm 1936, kì họp thứ 2 khoá 5 toàn thể Ban chấp hành trung ương Quốc dân đảng được cử hành ở Nam Kinh, giọng điệu của Tưởng Giới Thạch so với trước đây có vẻ ái quốc hơn và mong muốn cùng Chu Ân Lai hội đàm bàn bạc, hoặc ở Hương Cảng hoặc ở Quảng Châu. Phía Quốc dân đảng đưa ra ba lời hứa: (1) khu xô-viết vẫn có thể tồn tại, (2) đổi tên Hồng quân thành Liên quân và được đãi ngộ như nhau, (3) đại biểu Trung Cộng công khai tham gia quốc dân đại hội. Phía Trung Cộng quy định “bảo mật chính trị, quân sự và ngoại giao” nên từ ngày 8 tháng 10 năm 1936 mọi điều cơ yếu chỉ trao đổi trong phạm vi hẹp gồm Mao Trạch Đông, Trương Văn Thiên, Chu Ân Lai, Chu Đức, Trương Quốc Đào, Từ Hướng Tiền, Hạ Long v.v...

Phan Hán Niên có nhiệm vụ mang bức thư của Chu Ân Lai viết ngày 22 tháng 9 năm 1936 chuyển cho Tưởng Giới Thạch và cùng Trần Lập Phu hội đàm dọn đường. Tưởng Giới Thạch hiểu rằng, họng súng đẻ ra chính quyền, nên điều kiện của phía ông đưa ra đầu tiên là giải quyết vấn đề quân đội Trung Cộng và tất nhiên Phan Hán Niên đã kiên quyết cự tuyệt, Phan nói:

- Làm như vậy là đứng trên lập trường “tiễu cộng” của ông Tưởng Giới Thạch, chứ đâu phải điều kiện để hợp tác kháng Nhật?

Cuộc hội đàm Trần - Phan không đi đến đâu thì Chu Ân Lai “xuất thánh” cũng chẳng có kết quả gì, Mao Trạch Đông điện cho Phan Hán Niên biết “Tưởng tiên sinh giờ đây đã tiến công mạnh khiến cho các tướng lĩnh Hồng quân phải sinh nghi!” và do đó bên Trung Cộng hạ lệnh “quyết chiến!”.

Trưa ngày 22 tháng 10 năm 1936, một chuyên cơ từ Nam Kinh hướng về Tây An cất cánh, 3 giờ chiều hôm đó, Tưởng Giới Thạch cùng Tống Mỹ Linh đáp xuống cố đô, cùng đi có hơn 10 vị tuỳ tòng nữa. Tưởng đến Tây An lần này với hai mục đích, thứ nhất là “tiễu Cộng”, vì gần đây chủ lực Trung Cộng chuyển về Thiểm Bắc, thứ hai là “tị thọ” - ngày sinh 31 tháng 10 cũng sắp tới, và năm nay ông vừa 49 tuổi, mà theo tập quán của người Trung Hoa thì “tác cửu bất tác thập”. Vừa rồi, các ngôi sao của bốn hãng phim nổi tiếng ở Thượng Hải là Minh Tinh, Thiện Nhất, Liên Hoa, Tân Hoa đã liên hoan mừng thọ Tưởng Giới Thạch, người ta diễn vở “Cầu hồn” của Sekhov, và Lam Bình (tức Giang Thanh) tham gia thủ vai trong vở kịch một màn này. Còn hôm nay, ở Trường An, Tưởng Giới Thạch cao giọng trước sĩ quan Quốc dân đảng:

- Quân nhân phải biết lễ nghĩa, liêm sỉ, tại gia tận hiếu, tại quốc tận trung, phải phục tùng thượng cấp. Không tiễu Cộng mà chỉ nói kháng Nhật là không hiếu không trung, phải trừng trị những quân nhân không hiếu không trung đó. Quân nhân cách mạng phải biết địch gần và địch xa, Cộng đảng là địch gần, Đông Bắc quân cần tiêu diệt chúng, còn quân Nhật - đang ở xa lắm! Nếu không tích cực tiễu Cộng mà chỉ hô hào suông kháng Nhật tức là không phân biệt gần xa, phân biệt trong ngoài, phân biệt thị phi, phân biệt nặng nhẹ v.v... và do đó không là cách mạng nữa...

Đó là tất cả những gì mà Tưởng Giới Thạch chuẩn bị cho hội đàm với Chu Ân Lai. Ngày 29 tháng 10 năm ấy, Tưởng Giới Thạch đi Lạc Dương “tị thọ”, ngày 30 khánh lễ được cử hành khá long trọng. Đúng 9 giờ Trương Học Lương và Diêm Tích Sơn đến chúc mừng, ngay lúc ấy trên bầu trời Lạc Dương xuất hiện đội hình máy bay chiến đấu xếp thành con số “50”, Khổng Tường Hy gửi tặng một cỗ bánh sinh nhật rất đặc biệt, Tống Mỹ Linh thân hành cắt bánh phân tặng mọi người. Những chiếc máy bay vừa xếp hình con số “50” được lệnh hạ cánh ở phi trường Tây An đợi lệnh chiến đấu, còn 13 sư đoàn bộ binh thì hành quân về hướng Thiểm Bắc - khu đỏ của Mao Trạch Đông.

Ngày sinh nhật lần thứ 49 đáng nhớ của Tưởng Giới Thạch đã mở đầu cho cuộc tiến công Trung Cộng và Mao Trạch Đông đáp lại bằng mệnh lệnh “quyết chiến” mà cuốỉ bản kịch này là lời hô muôn năm - Hồng quân, Xô-viết và Kháng chiến chống Nhật. Cuộc hội đàm Trần - Phan chấm dứt, các mật sứ nơi nội trướng trở về với mỗi chiến hào của mình.

Nhưng, kì lạ thay, Tưởng Giới Thạch đã không thoát khỏi năm hạn 49, sáng ngày 12 tháng 12 năm 1936, ông bị Trương Học Lương và Dương Hổ Thành hạ lệnh bắt giam... một sự kiện chấn động cả Trung Quốc vừa nổ ra ở cố đô.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #27 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2014, 04:01:29 pm »

III

ĐẤU TRÍ TÂY AN
NỬA ĐÊM LƯU ĐỈNH TÌM MUA PIN ĐIỆN


Hiếm có một khách hàng nào mà nửa đêm lại vội vàng gõ cửa hiệu đồ điện mua cho được pin đèn, dù phải trả giá gấp đôi như ông Lưu Đỉnh.
Lúc đó, 0 giờ ngày 12 tháng 12 năm 1936 mà người đời cứ nhắc mãi là “song thập nhị”, “thư kí” của Trương Học Lương, đảng viên cộng sản Lưu Đỉnh đến hiệu đồ điện đập cửa dựng người chủ hiệu thức dậy để mua mấy cặp pin, “một phút cũng không được chậm trễ” rồi vội vàng trở về ngõ Kim Gia - tư dinh của phó Tổng Tư lệnh.

Sau khi nghe Trương Học Lương truyền lệnh, phản ứng đầu tiên của Lưu Đỉnh là phải cấp tốc điện báo cho Mao Trạch Đông, nhưng Trương lại giới nghiêm, “cúp” điện toàn thành phố Tây An, nên Lưu Đỉnh dùng pin vậy.

Tướng quân Trương Học Lương đã phát động cuộc bạo động từng kinh thiên động địa mà sử sách muôn đời mãi lưu - sự biến Tây An!
Phóng viên tạp chí “Đông Kinh tân văn” của Nhật Bản, ngày 16 tháng 1 năm 1993 đã sang tận Đài Bắc phỏng vấn “con người lịch sử” họ Trương, về sự biến Tây An. Ông Trương Học Lương nói, trước khi xảy ra sự biến ông chỉ gặp Chu Ân Lai một lần ở nhà thờ xứ Diên An, người ta cho rằng, do Trung Cộng xui giục, điều đó hoàn toàn trái ngược với lòng yêu nước của ông. Trong hồi kí của mình, Lưu Đỉnh hoàn toàn nhất trí với Trương Học Lương, lúc 0 giờ ngày 12, sau khi nghe Trương thông báo tin “dữ” này, Lưu mới hay biết mọi điều, rằng Trương Học Lương và Dương Hổ Thành đã chủ động phát động cuộc binh biến 12 tháng 12. Tuy trước đây nhiều lần, hai tướng quân thông qua mật sứ đàm phán với Trung Cộng, chủ yếu là “kết thúc nội chiến, cùng nhau kháng Nhật”, nhưng chưa hề bàn đến dùng vũ lực để can gián Tưởng Giới Thạch.

“Mua pin trở về thì Tưởng Giới Thạch đã bị bắt, tôi vội vàng điện báo cho Bảo An, người phát tín hiệu là Bành Thiệu Côn”, Lưu Đỉnh nhắc lại.
Cảnh vệ của Chu Ân Lai lúc bấy giờ là Lưu Cửu Châu còn nhớ như in, rằng hôm đó mờ sáng ngày 12 tháng 12 năm 1936, Chu Ân Lai đã ngồi làm việc trong nhà hầm.

- Thưa Chu Phó chủ tịch, đồng chí dậy sớm quá!

- Tiểu Lưu đã biết Tưởng Giới Thạch bị bắt chưa? - Chu Ân Lai hỏi người cảnh vệ.

- A! - Lưu Cửu Châu la lớn.

- Theo chú, Tưởng Giới Thạch có bị chém không?

- Thưa Chu Phó chủ tịch, không ạ!

- Vì sao?

- Thưa Chu Phó chủ tịch, vì ông ấy đã là tù binh.

Chu Ân Lai cười thích thú và hết lời khen ngợi chú bé cảnh vệ Cửu Châu. Còn tại nhà hầm của Mao Trạch Đông, ngày 12 ông nhận được tin này, phản ứng đầu tiên của ông là ngạc nhiên, “Ha, sao Tưởng tiên sinh lại có ngày hôm nay?”- Thế cũng đã mười năm kể từ lúc “chia tay” nhau ở Quảng Châu, Mao - Tưởng hai người đối địch, thề cùng sống mái một phen, mà nay chỉ qua vài tiếng đồng hồ từ Tổng Tư lệnh tiên sinh trở thành tù nhân! Nhưng liền sau đó Mao Trạch Đông bỗng tư lự, sẽ xử trí ra sao? Quả là một vấn nạn! Xư-nua trong tác phẩm “Tạp chí Trung Cộng” viết: “Chu Ân Lai đã nói với Vương Bính Nam: cả một tuần nay chúng tôi không hề chợp mắt... đây có lẽ là quyết định khó khăn nhất trong đời chúng tôi”.

Quả vậy, nước cờ Tây An đã làm bạc đầu nhiều người, bên kia lẫn cả bên này. Tạm gác lại phần trí tuệ - đấu trí sẽ kể ở hồi sau, xin độc giả hãy cùng Trương Học Lương tiến về Hoa Thanh trì - hành cung cùng Tưởng Giới Thạch.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #28 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2014, 04:07:59 pm »

HOA THANH TRÌ CHÌM TRONG CHIẾN TRẬN


Sáng sớm ngày 12 tháng 12 năm 1936 - đó là thời khắc từng làm xoay chuyển cả lịch sử Trung Quốc và Hoa Thanh trì thuộc huyện Lâm Đồng phía đông thành Tây An cũng từng một thời là tiêu điểm quan tâm của thế giới.

Hoa Thanh trì toạ lạc tại phía nam thành Lâm Đồng cuối chân rặng tây bắc của Li Sơn. Năm Trinh Quan 18 Đường triều (Công nguyên 644), nơi đây đã dựng nên Thang Tuyền cung và trong “Trường hận ca”, Bạch Cư Dị có một khổ thơ miêu tả cảnh Dương Quý Phi ngâm tấm thân ngọc ngà giữa dòng suối nước nóng hiếm hoi này:

... Xuân hàn tứ dục Hoa Thanh trì,
Ôn tuyền thuỷ hoạt tẩy ngưng chi.
Thị nhi phù khởi kiều vô lực,
Thủy thị tân thừa ân trạch thì...


Dịch giả tôi phải kính cẩn “nhờ” Tản Đà tiên sinh hạ bút chuyển ngữ áng Đường thi đẹp đẽ trên đây để bạn đọc đôi phần thư giãn trước khi vào trận chiến chôn danh thắng...

... Trời xuân lạnh suối tuôn mạch ấm,
Da mỡ đông kỳ tắm ao Hoa.
Vua yêu bận ấy mới là,
Con hầu nâng dậy coi đà mệt thay!... 
(1)

Ngày 22 tháng 10 năm 1936, từ Nam Kinh, Tưởng Giới Thạch về Tây An “tị thọ”, trú tại Hoa Thanh trì, cho xây dựng nơi đây trở thành hành cung của ông. Ngày 29 Tưởng đi Lạc Dương - Hà Nam, sáng mồng 4 tháng sau về lại Hoa Thanh trì. Lúc bấy giờ Hoa Thanh trì có tám gian phòng, năm gian ở góc đông nam sát khe cạnh núi gọi là “ngũ gian sảnh”, ba gian còn lại tại lối chính đông. Ngũ gian sảnh cột hồng ngói xanh, cây cối um tùm ôm ấp, gian 1 dành cho kẻ hầu người hạ, gian 2 phòng ngủ của Tưởng Giới Thạch, gian 3 phòng làm việc, gian 4 phòng hội nghị, gian 5 chỗ ở của các thư kí. Ngũ gian sảnh là trung khu của hành cung, bốn bề có nhiều hiến binh, vệ sĩ cảnh giới nghiêm ngặt. Trước đây Hoa Thanh trì không có đèn điện, nhưng từ lúc trở thành hành cung, Tưởng Giới Thạch đã cho đặt hẳn một máy phát độc lập đảm bảo ban đêm sáng tựa như ngày.

Khác với Mao Trạch Đông, Tưởng thường ghi nhật kí, lần giở lại “Tây An bán nguyệt kí” của ông có đoạn: “Ngày 11 tháng 12 (năm 1936), sáng ra tản bộ quanh sân, trông lên Li Sơn, có hai người đối diện nhìn ta, khoảng chừng mười phút, lòng đã sinh nghi. Trước khi trở vào văn phòng lại thấy xe nhà binh trên con lộ Tây An - Lâm Đồng ầm ầm chuyển động về phía đông. Giờ làm việc đã điểm, ta vào bàn và không còn rảnh rỗi để suy xét...”. Thế là trước một ngày, Tưởng Giới Thạch với con mắt của một nhà quân sự đã phát hiện ra dấu hiệu khả nghi, nhưng vì “không rảnh rỗi để mà suy xét” nên mới ra nông nỗi này!

Chập tối hôm đó, Tưởng Giới Thạch triệu hội “Trương Dương Dự” cùng các tướng lĩnh về hành cung ăn cơm tối và luôn thể hội nghị bàn kế hoạch vây tiễu Hồng quân. Ý đồ của Tưởng, cũng ngày 12 sẽ hạ lệnh “tổng công kích tiễu Cộng” lần thứ 6. Trương Dương Dự là mật khẩu, chỉ ba người Trương Học Lương, Dương Hổ Thành và Dự Học Trung.

Thế nhưng “Dương Dự” không đến, còn Trương Học Lương kế hoạch cũng vậy, vì cả ba người đã liên danh tổ chức yến tiệc thiết đãi quan viên quân, chính trực hệ của Tưởng Giới Thạch từ Nam Kinh lên, đúng vào đêm 11 tại Tân Thành đại lầu ở Tây An. Nhận được lệnh của Tổng Tư lệnh, phó Trương đành dứt áo lên đường. Tưởng, Trương cùng ngồi một bàn và hãy nghe Tưởng miêu tả về Trương đêm hôm ấy, vẫn trích từ “Tây An bán nguyệt kí” - “Hán Khanh kim nhật” khác thường, thần sắc đổi thay, nói năng ấp úng, ta cảm thấy có điều gì đó, trước khi thiếp ngủ mà vẫn nghĩ không ra.

Quả vậy, vì trước dó “Hán Khanh” Trương Học Lương đã trịnh trọng tuyên bố với các cận thần, bộ hạ rằng ông và Dương Hổ Thành quyết định bắt giam Tưởng Giới Thạch, yêu cầu đình chỉ nội chiến, cùng nhau kháng Nhật.

Trương Học Lương cử ba đại tướng tiến về Lâm Đồng thực hiện sứ mạng lịch sử này. Người thứ nhất, doanh trưởng cận vệ đội - Tôn Minh Cửu, tâm phúc của Trương, lâu nay tham gia mọi việc cơ yếu, hoàn toàn tin cậy, chỉ có điều Tôn là sĩ quan du học ở Nhật, kinh nghiệm chiến đấu chưa nhiều nên phải thêm hai đại tướng tả hữu hai bên. Người thứ hai, sư trưởng sư đoàn kị binh số 6 - Bạch Phượng Tường, và người thứ ba - Lưu Quế Ngũ, trung đoàn trưỏng trung đoàn số 18 thuộc sư của Bạch. Bạch, Lưu là hai tay lục lâm, bắn súng cực giỏi, nghe nói ban đêm tối đen, vẫy tay vẫn trúng. Hai người cũng không phải trực hệ với Trương Học Lương, nhưng ông lại tin dùng trong công việc cơ mật, vì ngoài tinh thần kháng Nhật rất kiên quyết của họ ra, Bạch và Lưu đều qua thử thách.

Lưu Quế Ngũ kể rằng, lần nọ tôi và phó Tổng Tư lệnh (chỉ Trương Học Lương) đang ngồi với nhau, bỗng phát hiện thấy khói của dây cháy chậm, ông vội vàng bỏ chạy và kêu to: mìn, mìn, tôi bình tĩnh tìm cho được quả mìn và ném nó ra ngoài cửa sổ. Tướng quân hỏi tôi: sao anh không chạy? và sờ lên ngực tôi xem thử tim đập ra sao, tôi trả lời: hạ quan có thể chạy tránh, nhưng bỏ mặc phó Tư lệnh cho ai? Ông cười và nói: anh thật can đảm. Ngày 8 tháng 12, lúc 2 giờ chiều, Trương Học Lương cho tôi hay về kế sách bắt giam Tưởng Giới Thạch, ông nói phải đưa tôi đến Hoa Thanh trì nghe Tổng Tư lệnh, uỷ viên trưởng giáo huấn, nhân thể có thời gian quan sát cho kĩ địa hình địa thế mà hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi giới thiệu tôi với Tưởng Giới Thạch xong, ông bỏ về, để mình tôi ở đó, hoàn toàn tin tưởng tôi, không sợ tôi “bán chủ cầu vinh”.

Còn Bạch, nhận được lệnh của Tưởng liền nhanh chóng về Tây An lĩnh đủ 12 khẩu súng lục, giao cho phó quan lau sáng từng khẩu một, phó quan ngớ người không hiểu để làm gì mà nhiều súng vậy. Bạch Phượng Tường giải thích: - Vùng núi Tây An có một con hổ hại người, phải nhắm trúng nó, mãi sau bộ hạ của ông mối hiểu “con hổ” hiện đang nằm ở Hoa Thanh trì.

Trương Học Lương còn nhớ, ngày đầu tiên trở thành quân nhân, ông đã nghe thân phụ căn dặn: “Con muốn làm người lính ư? Hãy cắt cái đầu của mình dắt vào lưng nịt!”. Thật đúng như vậy, khi hạ lệnh bắt giam Tưởng Giới Thạch, Trương Học Lương có cảm giác “đầu mình đã lìa khỏi cổ”.

Tôn Minh Cửu kể rằng, khoảng 10 giờ tối ngày 11 tháng 12 nhận được mật lệnh, tôi đến tư dinh Trương Học Lương ở ngõ Kim Gia, ông bảo tôi: “Bây giờ anh đi mời Tưởng uỷ viên trưởng về thành, nhưng cấm không được bắn chết ông ta”. Trương Học Lương như cảm thấy nếu cuộc “can gián binh lực” này mà thất bại thì hậu quả không biết sẽ ra sao. Ông nói: “Ngày mai vào giờ này, không khéo anh và tôi chưa hẳn sẽ gặp lại nhau, có thể tôi và anh đều chết cả”. Bản thân tôi phần nào cũng có tâm trạng như vậy, rằng đi mà không trở về, tôi cáo biệt vợ con, viết một chúc thư dắt vào túi áo trên, vạn nhất nếu mệnh hệ gì thì nhờ Ứng Đức Điền đưa Tôn Minh Xương - em tôi - đi khu đỏ Thiểm Bắc hoặc sang Liên Xô học tập...

Nửa đêm, Đông Bắc quân và Tây Bắc quân phối hợp hành động: quân Đông Bắc của Trương Học Lương tiến về Lâm Đồng bắt Tưởng, quân Tây Bắc của Dương Hổ Thành có nhiệm vụ giam giữ tất cả quan viên quân chính của Tưởng Giới Thạch ở thành phố Tây An. Trương Học Lương hạ lệnh Lưu Đa Thuyên - sư trưởng sư đoàn 105 làm tổng chỉ huy, chia làm hai tuyến, tuyến ngoài cảnh giới bốn bề Hoa Thanh trì, chặn quân của Tưởng phá vòng vây tháo chạy, tuyến trong do Tôn Minh Cửu, Bạch Phượng Tường, Lưu Quế Ngũ và Vương Ngọc Toán chọc thẳng vào Hoa Thanh trì bắt sống Tưởng Giới Thạch, chỉ huy tuyến này là Đường Quân Nghiêu - lữ đoàn trưởng.

Bố trí trận đồ rành mạch xong, Trương Học Lương mới cho Lưu Đỉnh biết mọi quân cơ, Lưu vội vàng mua pin đèn để chạy máy điện báo về cho Mao Trạch Đông ở Bảo An, lúc ấy các mũi tiến công đều đã lên đường. Lính tráng không rõ chân tướng sự việc ra sao, họ chỉ biết lệnh truyền: Trương phó Tổng Tư lệnh bị bắt giam ở Hoa Thanh trì, hãy mau mau đi cứu nguy cho Trương phó, bắt sống Tưởng tổng, chỉ có bắt sống Tưởng Giới Thạch thì mới giải thoát được Trương Học Lương. Theo trinh sát, đội cận vệ nội viên của Tưởng chỉ có khoảng 30 người, quân hiến binh vòng ngoài đồn trú gần miếu Vũ Vương khoảng 70 người.

Vương Ngọc Toán một đòn dẹp yên quân hiến binh ở miếu Vũ Vương, trong khi đó xe ô-tô chở đại đội trưởng Vương Hiệp - thuộc hạ của Tôn Minh Cửu và 15 binh sĩ đâm thẳng vào cổng chính Hoa Thanh trì phá vỡ rào chắn, giao tranh với lính gác cổng, tiếng súng đã đánh thức mọi người và xe của Tôn Minh Cửu cũng vừa ập tới. Phải băng qua lửa đạn Tôn Minh Cửu và Vương Hiệp mới lọt vào khu trung tâm của hành cung là Ngũ Giang sảnh, hai người thộc vào phòng ngủ của Tưởng Giới Thạch thì vắng vẻ lạ thường, trên bàn còn nguyên mũ, cặp da và răng giả của Tưởng, trên giá áo đại y đang treo ngay ngắn, chăn đệm vẫn còn hơi ấm, chứng tỏ người vừa tẩu thoát không lâu, và một cánh cửa sổ bên cạnh giường mở toang, đúng là Tưởng đã nhảy qua đây. Bạch Phượng Tường vào Lưu Quế Ngũ đến sau hay tin Tưởng Giới Thạch đã chạy trốn, liền chia nhau lùng sục. Tổng chỉ huy Lưu Đa Thuyên điện báo tình hình về Trương Học Lương. Trương toát mồ hôi khi nghe tin Tưởng tẩu thoát, vừa lúc ấy Tôn Minh Cửu cấp báo - tìm thấy một chiếc giày sau tường phía núi, lập tức lệnh truyền: càn Li Sơn!

Núi ấy tên gọi là Li Sơn, “li” là con ngựa có lông xanh tuyền, hình núi giống như tuấn mã, sắc núi quanh năm một màu thanh tú, nên mệnh danh như vậy. Từ xưa Li Sơn đã có tên tuổi, hỏa phong đài của Chu U Vương tương truyền từng lập trên đỉnh Li Sơn, lăng Tần Thủy Hoàng cũng đặt ở đây, rồi Hoa Thanh trì, Đường triều Hoa Thanh cung đều quần tụ dưới chân Li Sơn và nay Tưởng đang ẩn mình trên đó.

Quân Đông Bắc dàn hàng ngang theo Li Sơn, ai cũng hăm hở để trở thành người bắt sống Tưởng Giới Thạch và nhận thưởng một vạn quan. Đến lưng chừng núi, tiểu đội trưởng Trần Tư Hiếu bắt được một thị vệ của Tưởng, Tôn Minh Cửu chạy tới thì mới hay đó là cháu của Tưởng, tên gọi Hiếu Trấn, hầu hạ cạnh Tưởng. Tôn Minh Cửu dí súng lục vào đầu Tưởng Hiếu Trấn, làm cho y sợ hãi và đưa mắt chỉ tới nơi Tưởng Giới Thạch ẩn nấp.

Tưởng chân trần, đầu trần, vận áo lụa màu đồng, quần ngủ màu trắng, đứng trân trân trong đêm trường gió lạnh, tuy thất thế sa lưới nhưng vẫn oai vệ hất hàm:

- Các người là ai?

- Đông Bắc quân - Tôn Minh Cửu đáp. Tưởng Giới Thạch thở phào nhẹ nhõm.

- Trương phó Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ cho chúng tôi bảo vệ ủy viên trưởng, mời ủy viên trưởng về thành lãnh đạo chúng tôi kháng Nhật, giải phóng Đông Bắc.

Sau đó tình tiết ra sao? Trong “Tây hành mạn ký”, nhà báo Mỹ - Xư-nua đã miêu tả: Tôn Minh Cửu chào Tưởng Thạch, câu đầu tiên của Tưởng là: “Anh là đồng chí, mà lại nổ súng bắn ta”. Tôn trả lời: “Chúng tôi không nổ súng, chúng tôi chỉ yêu cầu ủy viên trưởng kháng Nhật cứu nước”. Tưởng vẫn cứ ngồi lì trên một tảng đá và khăng khăng: “Gọi Trương thiếu soái lên đây, ta mới xuống núi”. Tôn giải thích: “Trương thiếu soái không ở đây, quân lính trong thành đã khởi nghĩa, chúng tôi đến bảo vệ ủy viên trưởng”. Tưởng Giới Thạch xem chừng đã yên tâm và đòi ngựa, Tôn đáp: “Ở đây không có ngựa, nhưng tôi sẽ cõng ủy viên trưởng hạ sơn”. Tưởng do dự một lát rồi đồng ý để cho Tôn Minh Cửu cõng mình, xe ô-tô đã đợi họ dưới đó... Đằng đông, trời hửng đỏ, đêm Li Sơn vừa qua.

Màn một của sự biến Tây An đã khép, ở Lâm Đồng trên núi Li Sơn, Tưởng Giới Thạch bị nghĩa quán vây bắt giải về Tây An, nơi ấy chân tay của ông cũng bị tóm gọn. Trương, Dương thở phào nhẹ nhõm, thầy trò Học Lương và Minh Cửu vẫn lại gặp nhau, chúc thư của Tôn chỉ để làm kỷ niệm.


----------------------------------------------------------
(1) Xem Thơ Đường - Tản Đà dịch - NXB Trẻ 1989
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #29 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2014, 04:07:49 pm »

LÃO NHÂN CỬU TRẬT NHỚ CHUYỆN XƯA


Cửu trật đại thọ của Trương Học Lương cử hành tại Đài Bắc đúng vào ngày 31 tháng 5 năm 1990 với sự tham gia của hơn 80 vạn quan chức Quốc dân đảng, trên thực tế đây là dịp “minh oan” cho một ông già vừa tròn 90 tuổi và Trương trở thành nhân vật của báo chí, lại “chấn động” dư luận như năm nào ông dấy binh phát động sự biến Tây An.

Trương Học Lương sinh ngày 17 tháng 4 năm Tân Sửu. Năm 1928, ngày âm lịch ấy nhằm đúng dương lịch mồng 4 tháng 6, cầu đường sắt Thẩm Dương bị Nhật đặt mìn đánh gãy, đoàn tàu của Trung Quốc chìm sông, thân phụ của Trương là Tác Lâm tử vong. Từ đó, Học Lương lấy ngày cha qua đời làm sinh nhật cho mình để khắc cốt ghi xương mối thù với quân Nhật. Hôm nay sau hơn nửa thế kỷ, người phỏng vấn ông lại là một ký giả trẻ của Nhật, họ muốn quay về cái ngày sinh nhật tắm máu ấy của Trương. Ông nói:

- Thù nhà nợ nước đặt lên vai tôi, quyết không đội trời chung cùng kẻ thù. Phụ thân tôi qua đời, chính phủ Nhật Bản phái đặc sứ đến an ủi tôi, người đó tên Lâm Quyền Trợ - một nhà Trung Quốc học, tôi trả lời ông ta: Lâm tiên sinh, ông suy nghĩ quả là chu đáo, nhưng có điều ông vẫn không rõ, tôi là người Trung Quốc.

Liền sau đó Trương Học Lương cho hạ cờ Đông Bắc quân, treo cờ thanh thiên bạch nhật của Tôn Trung Sơn. Trong ba ngày cả ba tỉnh Đông Bắc rợp một màu cờ Trung Hoa dân quốc, lập tức ngày 11 tháng 3 năm 1928, Trương Học Lương được chính phủ phong cấp quan Tư lệnh quân biên phòng Đông Bắc.

- Từ bấy, tôi và Tưởng tiên sinh bắt đầu hợp tác với nhau. Quan hệ cá nhân giữa chúng tôi là rất tốt; ông ấy qua đời, tôi đã đến viếng, nhưng về công việc thì có thể dùng vế đối sau đây để diễn đạt, đó là: “Chính kiến chi thanh uyển nhược cừu địch” hoàn toàn trái ngược với “Quan hoài chi yên tình đồng cốt nhục”. Cuộc đấu tranh chính kiến giữa tôi và Tưởng Tổng thống tập trung vào bốn chữ “yên trong” và “dẹp ngoài”, còn tôi “dẹp ngoài rồi mới yên trong”. Tôi căn bản không đồng ý tiễu Cộng, quân Đông Bắc chỉ muốn trở về quê hương, chỉ muốn giải phóng bản quán khỏi ách xâm lược của phát xít Nhật, kẻ thù của họ đâu phải Hồng quân mà đánh đấm cho tổn hao binh lực.

Hồi ấy tinh thần kháng Nhật lên cao, chính phủ thì lừng khừng, do dự nên Trung Cộng đã phất cờ dân tộc chiếm được lòng dân. Về phần mình, ý nguyện không muốn giao tranh cùng Hồng quân tôi phải giấu kín trong lòng vì còn phải tuân thủ kỷ luật của nhà binh.

Quay lại sự biến Tây An, Trương Học Lương không cần giải thích gì thêm, đó là tất yếu của “chính kiến chi tranh” mặc dầu về quan hệ cá nhân là “tình đồng cốt nhục”, song ông khái quát:

- Tình hình lúc ấy “tam quốc tứ phương”: Nhật Bản, Trung Hoa dân quốc của Quốc dân đảng, Cộng hòa xô-viết nhân dân Trung Hoa của Trung Cộng, và trong nội bộ thì có hai phương: Tưởng Giới Thạch một bên và Trương Dương một bên. Quan hệ đan chéo nhau thật là phức tạp, và do đó chúng tôi phải khôn ngoan xử lý mọi tình thế.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM