Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 27 Tháng Năm, 2024, 03:19:21 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hoa lửa đường về  (Đọc 7199 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #110 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2022, 08:13:50 am »

*
*   *

Có sự kiện quan trọng xảy ra mà tôi là một nhân chứng. Đó là:

Trước khi có hiệp định Paris về Việt Nam, ta và đối phương đang giằng co trên bàn hội nghị, Bộ Tư lệnh B2 thúc đẩy các đơn vị, các địa phương đẩy mạnh hoạt động, tấn công địch liên tục, loại bỏ âm mưu của chúng lấn đất giành dân. Phải giữ vững địa bàn đứng chân, mở rộng vùng giải phóng, lấn sân vùng địch kiểm soát, biến một số vùng địch thành vùng ta tranh chấp...

Chủ trương trên nhiều tỉnh, nhiều huyện, nhiều vùng thực hiện đạt nhiều thắng lợi.

Khi hiệp định Paris được ký kết, phương châm chỉ đạo của Trung ương là chuyển phương thức đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, lấy đấu tranh vũ trang là chính, sang phương thức đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao là chính cho phù hợp với tình hình mới.

Sự chuyển hướng này không có nghĩa loại bỏ hẳn đấu tranh vũ trang, cấm chỉ mọi hoạt động quân sự. Tuy ta không chủ trương tiến công bằng mọi hình thức chiến thuật để tiêu diệt tiêu hao sinh lực địch, triệt hạ đồn bót, giải phóng đất đai... Nhưng phải chiến đấu tự vệ, kiên quyết đánh trả nếu địch ngoan cố vi phạm hiệp định, tiếp tục thực hiện âm mưu lấn đất giành dân. Đồng thời ta phải tranh thủ củng cố xây dựng phát triển về lượng và chất cho cả ba thứ quân công khai và bí mật.

Nhưng nhiều đơn vị, địa phương không quán triệt đầy đủ tư tưởng chỉ đạo và phương châm phương thức đấu tranh trong tình hình mới, hiểu lệch, nghiêng hẳn theo khuynh hướng đấu tranh chính trị đấu tranh ngoại giao đơn thuần, máy móc... dẫn đến địch đánh ta, ta không đánh trả vì sợ nổ súng sẽ vi phạm hiệp định. Địch nống ra ta lui dần, thậm chí có nơi ta tự rời bỏ địa bàn mà trước đây chịu nhiều hy sinh, công sức mới tạo dựng được. Không tranh thủ củng cố phát triển xây dựng lực lượng, ngược lại có nơi giải thể đơn vị, giải tán cơ quan chỉ huy ở cơ sở v.v..

Tuy thế vẫn có nơi nắm vững tư tưởng tiến công không co thủ hữu khuynh nên địch đánh ta, ta đánh trả quyết liệt như vùng 20 tháng 7 (Chợ Gạo - Mỹ Tho), vùng Chương Thiện (Cần Thơ)... Đặc biệt ở Chương Thiện địch huy động 21 tiểu đoàn chủ lực liên tục tiến công nhiều tuần vào vùng địa bàn ta kiểm soát. Bằng lực lượng tại chỗ ta kiên quyết đánh trả. Không chỉ chống càn, ta chủ động vận dụng các hình thức phục kích tập kích khi chúng hành quân khủng bố càn quét làm chúng tổn thất nặng phải rút chạy. Ta giữ vững địa bàn, tranh thủ thời cơ mở rộng thêm vùng giải phóng.

Trước tình hình trên, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền lập ban soạn thảo chỉ thị và tài liệu hướng dẫn, uốn nắn nhận thức sai lệch đi đến hành động sai lầm. Xác định vị trí vai trò phương thức tiến hành đấu tranh vũ trang trong tình hình mới - tình hình địch ngoan cố, cố tình vi phạm hiệp định - tuy vẫn tuân thủ phương châm, phương thức lấy đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao là chính.

Tôi được chỉ định vào ban biên soạn tài liệu. Ban có 4 người: đồng chí Năm Ngà, tôi và đồng chí Quý cán bộ phòng dân quân, do đồng chí Chín Vinh (tức Trần Độ phó chính ủy Miền) chủ biên.

Chỉ thị và tài liệu được hỏa tốc gửi đi các nơi. Tôi được phái đi gặp đồng chí Tư lệnh quân khu 8 (T8) truyền đạt ý kiến đồng chí Tư Nguyễn (tức Trần Văn Trà) yêu cầu triển khai thực hiện theo tinh thần chỉ thị và tài liệu hướng dẫn không được chậm. (T8 có ưu điểm giữ vững vùng 20 tháng 7, nhưng sai lầm để mất cả vùng 4 Cai Lậy).

Mấy hôm sau tôi lại được phái đi xuống quân khu Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn (T4) với nhiệm vụ như chuyến đi T8, đặc biệt phải nắm rõ tình hình. Thời gian gần đây Bộ tham mưu và bộ Tư lệnh Miền không nhận được báo cáo, thiếu thông tin về hoạt động địch và ta của T4.

Tôi một mình với con ngựa sắt (chiếc môtô Honda 90) xuyên rừng về lại chiến trường xưa.

Một đồng chí lãnh đạo nói với tôi: “Tôi đã đọc thư của đồng chí tham mưu trưởng đề nghị đồng chí được làm việc với tôi theo nội dung Bộ yêu cầu. Nhưng tôi và đồng chí khỏi làm việc này. Hai ngày nữa sẽ có hội nghị cán bộ quân sự toàn thành. Tôi mời đồng chí dự. Qua hội nghị này đồng chí sẽ nắm tình hình rõ hơn, cụ thể hơn các vấn đề, hoặc vấn đề nào đồng chí cần tìm hiểu sâu”.

Khi nhận nhiệm vụ tôi không bị gò bó thời gian nên chấp nhận phương án của ông.

Hội nghị quân sự toàn thành diễn ra khá đơn giản. Địa điểm trên một vùng đất cao thuộc xã Phú Mỹ Hưng (Củ Chi). Hội trường là tấm dù lớn nguyên chiếc được căng rộng che bên trên. Mọi người ngồi bẹp trên những tấm vải nhựa tự mang theo. Không bàn ghế. Một cuộc họp dã chiến. Đại diện trên 30 người ở các quận huyện, các đội trưởng du kích, biệt động, các chỉ huy bộ đội địa phương... Đồng chí Tư lệnh quân khu chủ trì hội nghị. Các phòng ban không có ai dự.

Ngày đầu dành cho các đơn vị địa phương lần lượt báo cáo phản ánh tình hình.

Tôi tập trung nghe ghi chép tỉ mỉ. Càng nghe ruột gan tôi càng như bị thiêu đốt. Thật may tôi được dự hội nghị này. Tôi thầm cảm ơn đồng chí tư lệnh. Điều rất quan trọng tôi cần biết đã dần dần lộ diện. Nó được phanh phui chính những người trong cuộc nói ra.

Tối hôm ấy tôi thức trắng đêm để hệ thống lại những điều “cốt tử” tôi thu nhận trong hội nghị. Tôi dự tính viết thành bản báo cáo với Bộ tham mưu và Bộ tư lệnh Miền.

Sáng hôm sau mọi người vừa tỉnh giấc, tôi đã có mặt bên lán ở của đồng chí tư lệnh. Ông ngạc nhiên sao tôi đến gặp ông quá sớm. Tôi báo cáo với ông tôi chỉ cần dự hội nghị một ngày hôm qua là đủ, vì cái tôi biết đã rõ. Tôi phải quay về ngay Bộ tham mưu Miền. Tôi đề nghị ông thông qua bản tổng hợp của tôi thảo trước khi tôi rời T4. Những nội dung tôi sẽ báo cáo với cấp trên đều ghi vào đây. Tôi không tự ý thêm bớt. Nêu ông không đồng ý vấn đề nào xin có bút phê và ghi chú.

Ông đọc bản tổng hợp của tôi với nét mặt suy tư lung lắm. Cuối cùng ông phê vào đấy “đồng ý tất cả” và ký tên. Tôi vội vã quay ra để ông ăn sáng kịp đến hội nghị.

Chiều tôi trong ngày tôi về đến căn cứ phòng tác chiến. Tôi đi xe máy chưa vững lắm, nhưng nóng ruột vì “sự kiện động trời”- tôi biết được ở T4 cần phải về gấp, vả lại tôi không muốn ngủ đêm giữa rừng nên chạy bạt mạng. Nhờ chuyến đi này tay lái tôi thêm cứng cáp.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #111 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2022, 08:17:22 am »

*
*   *

Tôi trải tấm bản đồ địa hình thành phố Sài Gòn - Gia Định và vùng lân cận lên mặt bàn trong phòng họp riêng của các thủ trưởng Bộ tham mưu.

Trên bản đồ tôi ghi rõ vị trí đứng chân từng đơn vị trực thuộc T4 trong nội thành và ngoại thành, những địa bàn ta kiểm soát hoặc vùng tranh chấp... trước khi có hiệp định Paris và sau khi hiệp định được ký kết. Tuy đi xa về mệt, nhưng tôi phải thức đến nửa đêm lúi húi “sáng tác ra tác phẩm” này.

Ngoài đồng chí Bảy Hiền có hai Tham mưu phó khác là đồng chí Đức chuyên trách chỉ đạo công tác quân lực và đồng chí Quang chuyên trách chỉ đạo công tác tình báo chiến lược.

Nội dung thuyết trình tôi xin ghi lại mấy điểm chủ yếu:

Bao trùm trên mọi việc là quan điểm của lãnh đạo T4 nghiêng hẳn và đề cao đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao, gạt hẳn đấu tranh vũ trang, không còn nằm trong các phương thức đấu tranh chung. Từ đó dẫn đến những hành động:

- Đã rút tiểu đoàn 16 bộ đội địa phương ra khỏi Bưng Sáu xã (Thủ Đức). Triệt thoái tiểu đoàn 14 bộ đội địa phương của tỉnh Bình Dương ra khỏi địa bàn thuộc T4(1)

- Không đánh trả các cuộc hành quân càn quét lấn chiếm của địch vì sợ vi phạm hiệp định.

- Giải thể, rút ra ngoài toàn bộ lực lượng vũ trang mật đang ém trong nội thành (địch thở phào nhẹ nhỏm, tự nhiên được ăn ngủ yên lành). Giải thể các cơ quan chỉ huy quân sự nội thành. Ban hành những quy định có tính ràng buộc đi đến vô hiệu hóa hoạt động các cơ quan chỉ huy quân sự cấp huyện ngoại thành.

- Không tranh thủ củng cố, phát triển lực lượng, ngược lại giải thể tiểu đoàn 16, giải thể Tiểu đoàn 2 Quyết Thắng. Cả hai tiểu đoàn đều có bề dày truyền thống. Tự mình tước bỏ sức mạnh, “quả đấm” quân khu không còn... Phong trào du kích chiến tranh trên các vùng có nguy cơ lụi tàn.

Hậu quả các vùng đất ta đã mở ra trước khi có hiệp định, địa bàn du kích trọng điểm ta đã làm chủ suốt bao năm bị mất. Lực lượng vũ trang yếu hẳn sức chiến đấu về tổ chức và tư tưởng tinh thần.

Tình hình trên kéo dài từ khi có hiệp định đến khi tôi có mặt tại T4 (trên 3 tháng).



Nghe tôi báo cáo, ba đồng chí Tham mưu phó sững sờ nhìn nhau không ai nói lời nào. Không khí trầm hẳn xuống. Điếu thuốc trên tay đồng chí Bảy Hiền đã châm lửa nhưng không rít hơn nào, nó cháy làm nóng tay, anh giật mình vứt đi.

Anh thở dài lẩm bẩm như tự nói với mình: “Sao thế nhỉ? Sao anh Hai P. làm thế nhỉ? Thật không hiểu nổi”. Anh quay sang hỏi tôi:

- T4 đã nhận chỉ thị và tài liệu uốn nắn sai lệch về “Phương châm phương thức” của Bộ Tư lệnh chưa?

- Họ đã nhận - Tôi đáp lời anh - nhưng theo đồng chí Tư lệnh T4 thường vụ Thành ủy chưa nghiên cứu. Chưa có ý kiến của thường vụ chưa làm gì được.


(1) Trước khi kí kết hiệp định, theo chỉ đạo của Bộ tư lệnh Miền, Bộ tham mưu điều động tiểu đoàn 14 tỉnh Bình Dương để tăng cường thêm lực lượng cùng tiểu đoàn 16 kiên quyết giữ vững Bưng Sáu xã không để địch lấn chiếm.
Bưng Sáu xã là một vùng du kích chiến tranh phát triển rất mạnh của ta thời đánh Pháp cho đến nay gồm 6 xã: Long Trường, Phú Hữu, Phước Long, Tăng Nhơn Phú, Bình Trưng và An Phủ xây dựng thành 2 khu căn cứ: khu B và C. Trước đây Pháp, sau này là Mỹ ngụy hao tốn sinh mạng phương tiện tiền của quyết đánh bật ta ra khởi địa bàn nhưng chưa bao giờ thành công. Bưng Sáu xã là bàn đạp về hướng đông để lực lượng ta từ đây thâm nhập vào Sài Gòn - Gia Định. Nó như mũi nhọn luôn chực chờ chọc thủng vào hông sào huyệt của đầu sỏ Mỹ - ngụy... Mấy mươi năm nó vẫn vững vàng thách thức bọn xâm lược Pháp Mỹ. Khi có hiệp định, địch không tốn một tên lính một viên đạn, chiếm lại vùng đất có ý nghĩa chính trị quân sự rất lớn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #112 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2022, 08:18:21 am »

Anh ngước nhìn hai đồng chí ngồi đối diện mình:

- Chuyện động trời, quyết định làm những việc tày đình, thế mà họ không báo cáo. Dù chịu sự chỉ đạo của cấp ủy địa phương, nhưng họ còn phải chịu sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Miền chứ. Giải quyết mối quan hệ giữa cấp ủy trực tiếp với hệ thống chỉ huy ngành dọc, là tư lệnh quân khu anh Hai P sao lại không biết điều này? Dù gì tham mưu chúng mình đã sai sót không phát hiện sớm vụ này để giúp Bộ Tư lệnh uốn nắn kịp thời. Bộ Tư lệnh T4 cách chúng ta một ngày đường. Mười Nỹ đã đi ...” Anh hất đầu về phía tôi như hỏi: “Đúng không”. Tôi gật đầu đáp trả.

Anh nói như than: “Giờ làm sao đây?”

Đồng chí Sáu Đức góp ý: “Việc trước mắt vào báo cáo ngay với anh Tư”.

- Ai báo cáo? Đồng chí Bảy Hiền hỏi lại - Người nào trong ba chúng mình đều không ổn. Sự có mặt bọn ta chỉ làm bực mình thêm cho các anh.

- Vậy thì Mười Nỹ - Đồng chí Quang đề cử.

Các anh nhất trí vì tôi vừa ở T4 về, tình hình do tôi phát hiện. Địa bàn tôi quen thuộc. Nếu Bộ Tư lệnh cần hỏi rộng điều gì tôi có thể dẫn giải thêm. Các anh trên thực tế chưa hiểu rõ địa bàn này bằng tôi.

Tôi đồng ý. Công việc này tôi làm thường xuyên hàng tháng với Bộ Tư lệnh.

Tôi và anh Bảy Hiền vào căn cứ chỉ huy. Lúc này tại hội trường lớn đang có cuộc hội nghị tổng kết chiến dịch Nguyễn Huệ 1972 dành riêng cho bộ đội chủ lực Miền. Các chỉ huy sư đoàn bộ binh và binh chủng đang làm việc do đồng chí Tư Nguyễn chủ trì. Nghe anh Bảy Hiền báo là tôi mới từ T4 về có việc khẩn cấp trình lên anh, anh cho hội nghị giải lao và gọi tôi vào. Còn lại trong phòng họp chỉ có đồng chí Tư Nguyễn, anh Hoàng Cầm, phó Tư lệnh, anh Sáu Khâm, Tham mưu phó chuyên trách về bộ đội chủ lực.

Tôi trải tấm bản đồ lên bàn rồi đi ngay vào nội dung. Vừa báo cáo tôi vừa liếc mắt nhìn sắc mặt anh Tư Nguyễn. Mặt anh đỏ bừng. Tôi biết sự phẫn nộ của anh sắp đến điểm.

Đúng thật, tôi vừa kết thúc bản báo cáo chỉ kéo dài mười lăm phút thì anh đã ngồi xổm hai chân lên ghế tay đập liên hồi lên mặt bàn. Anh hét: “Bảy Hiền đâu? điện ngay cho T4, lệnh cho tôi triệu hồi gấp đồng chí Hai P về ngay Bộ Tư lệnh Miền”.

Ông lặp lại lệnh trên đến hai lần và yêu cầu anh Bảy Hiền thực hiện ngay.

Trở lại hội trường nhỏ của Bộ tham mưu, ba anh và tôi bàn đi tính lại mất nửa giờ việc thảo bức điện. Làm sao nội dung điện đúng tinh thần của đồng chí Tư lệnh Trần Văn Trà, nhưng đừng gây cú sốc đột ngột cho đồng chí Hai P.

Sau việc này tôi được nghỉ một tháng tại trại an dưỡng của Miền dành cho cán bộ trung cao cấp. Tại đây thật bất ngờ tôi gặp lại đồng chí Hai P ghé qua. Ông đã nghỉ việc ở T4 và đã làm việc với Bộ Tư lệnh Miền. Ông giáp mặt tôi chỉ chào rồi vội bỏ đi trước ngày ông lên đường ra Bắc.

Ở trại an dưỡng về được vài ngày, tôi được lệnh chuẩn bị một số nội dung phục vụ cho cuộc họp quan trọng của đồng chí Tư Nguyễn.

Mờ sáng tôi vác chồng bản đồ và tập tài liệu vào hội trường giao ban Bộ Tư lệnh. Ông Năm Ngà đã có mặt

Thay vào chiếc bàn gỗ dài mỗi bên cho mười người ngồi bằng cái bàn nhỏ hơn và 4 cái ghế. Ở góc phòng gần bậc lên xuống (hội trường âm xuống đất một mét) được bố trí cái bàn nhỏ và hai chiếc ghế. Ông Năm Ngà bảo tôi: “Đây là chỗ ngồi của tao với mầy” .

Tôi trải bản đồ lên bàn. Những tấm khác treo thành hàng ở đầu bàn. Một trong số đó có bản đồ địa hình thành phố Sài Gòn - Gia Định - Chợ lớn. Những ký hiệu tôi ghi trước đây trên bản đồ vẫn giữ nguyên. Đồng chí công vụ đã mang đến bình trà, mấy bao thuốc lá mang nhãn hiệu sản xuất tại Sài Gòn và cả Hà Nội.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #113 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2022, 08:19:57 am »

Mọi việc đã sẵn sàng. Những ai trong cuộc họp này? Ngay đồng chí Tham mưu trưởng cũng không là thành viên chính thức.

Anh Tư Nguyễn là người đầu tiên bước vào hội trường. Sau anh, một người thấp đậm mặc bộ bà ba đen, tôi nhận ra đồng chí Chín Hồng (đồng chí Phạm Hùng), ông là ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Trung Ương Cục, Chính Ủy lực lượng vũ trang Miền Nam. Tiếp đến, đồng chí Mười Cúc (đồng chí Nguyễn Văn Linh) ông trong ban lãnh đạo Trung Ương Cục và là Bí Thư Thành ủy T4 (ông ra Bắc bây giờ mới trở về) Đồng chí đi sau cùng vóc người cao lớn, tôi nhận ra đồng chí Năm Xuân (đồng chí Mai Chí Thọ) (cũng có tên thường gọi Tư Cao) phó Bí thư Thành ủy.

Thấy thành phần, tôi nghĩ đây là cuộc họp rất quan trọng liên quan chiến trường T4. Anh Tư Nguyễn đến chỗ anh Năm Ngà và tôi căn dặn: “Hai đồng chí được dự nhưng chỉ nghe, không được ghi chép, không tiết lộ nội dung cuộc họp này”.

Đồng chí tham mưu trưởng và tôi đứng thẳng người. Anh Năm Ngà thưa: “Xin tuân lệnh anh Tư”.

*
*   *

Chiến tranh đã lùi xa 30 năm. Sáu người có mặt trong cuộc họp, bốn người đã khuất bóng. Hai người còn lại trong đó có tôi (chỉ là chứng kiến) và một người đến tuổi tám mươi (người trong cuộc).

Đồng chí Trần Văn Trà ra lệnh không tiết lộ nội dung cuộc họp. Đến bây giờ tôi vẫn phải chấp hành. Vì vậy, tôi không ghi cụ thể vào đây ý đồng chí A đồng chí B.

Xin tóm lại:

Đó là cuộc đấu tranh giữa hai khuynh hướng, hai quan điểm hai tư tưởng gần như trái ngược nhau.

Một bên bám vào chỉ thị của Trung Ương và Bộ Chính trị về chuyển phương châm phương thức đấu tranh trong tình hình mới - tình hình có hiệp định, lấy đấu tranh chính trị đấu tranh ngoại giao là chính. Theo đó là phù hợp với xu thế thời đại, là tỏ thiện chí yêu chuộng hòa bình của ta, tôn trọng hiệp định mà ta đã ký, không để rơi vào cái bẫy khiêu khích của địch nếu manh động nổ súng, địch lấy cớ xé bỏ hiệp định hoặc không thi hành đầy đủ. Công sức đấu tranh ngoại giao của ta mấy năm liền đổ sông đổ biển...

Một bên đưa ra lập luận phải nắm quyền chủ động vận dụng khéo léo sáng tạo chiến lược tấn công trong khuôn khổ pháp lý của hiệp định. Địch đánh ta ở đâu ta phải đánh trả quyết liệt ở đó. Về ngoại giao ta tố giác chúng vi phạm hiệp định, về quân sự ta nhân cơ hội để tiêu diệt tiêu hao sinh lực chúng. Ta được lợi trên cả hai mặt mà không mang tiếng vi phạm hiệp định. Không chủ quan với tư tưởng hòa bình chủ nghĩa bị đánh bất ngờ, không co thủ hữu khuynh. Không lạc quan tin vào sự trung thực của kẻ thù nghiêm chỉnh thực thi những điều chúng ký kết. Kinh nghiệm hiệp định Geneve 1954 giữa ta và Pháp đã chứng minh...

Một ý mà tôi nhập tâm rất sấu sắc: “Không thể giải quyết chiến tranh giải phóng của chúng ta giành thắng lợi cuối cùng chỉ bằng giải pháp chính trị ngoại giao. Dĩ nhiên không xem nhẹ vấn đề này. Không buông lỏng quan điểm bạo lực...”. Nhiều dẫn chứng chỉ rõ âm mưu Mỹ - ngụy có kế hoạch phá hiệp định khi nó đang còn trong trứng nước...

Cuộc tranh luận không to tiếng ồn ào, hòa nhã trên tinh thần xây dựng, nhưng cũng đôi lúc căng thẳng.

Cuộc họp kéo dài một ngày, chỉ nghỉ để dùng bữa trưa. Lúc ngưng họp, các đồng chí lãnh đạo vừa ra khỏi hội trường, tôi nhanh chân lẹ tay đến gấp bản đồ gói luôn mấy bao thuốc lá và đĩa kẹo ngọt còn nguyên trước khi các đồng chí công vụ đến thu dọn. Thuốc lá dành phần cho ông Năm. Còn kẹo thuộc phần tôi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #114 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2022, 08:01:35 am »

20

DỨT ĐIỂM
KHOẢNH KHẮC Ở SỞ CHỈ HUY CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH
THÁNG 4 NĂM 1975

9 giờ ngày 29 tháng 4 năm 1975

19 năm tôi mới gặp lại anh Nguyễn Chí Điềm tại sở chỉ huy chiến dịch. Anh là Tư lệnh binh chủng đặc công Bộ Tổng Tham mưu. Còn tôi cán bộ Bộ tham mưu tác chiến chiến dịch. Thời kháng chiến chống Pháp anh là Trung đoàn trưởng trung đoàn 812 chúng tôi ở Cực nam Trung Bộ.

Cuộc giao ban của Bộ Tư lệnh chiến dịch vừa xong, anh ôm chầm lấy tôi. Không để tôi kịp tỏ nỗi mừng khi gặp lại[người chỉ huy cũ, anh lôi tuột tôi về lán dành riêng cho anh. Mọi thứ chuyện giữa hai chúng tôi nổ ra liên hồi. Đang lúc chuyện trò rôm rả bỗng lán bên cạnh phát ra tiếng reo ầm ĩ: “Dương Văn Minh Tổng thống ngụy quyền đề nghị ngừng bắn, xin bàn giao chính quyền cho cách mạng”. Câu này lặp đi lặp lại, chuyển từ lán này sang lán khác như một làn sóng lượn từ gần đến xa vang động cả khu rừng. Bắt được tin này đến lượt tôi lôi anh quay lại hội trường nơi Bộ Tư lệnh họp bàn việc. Lúc bấy giờ khoảng hơn 9 giờ ngày 29 tháng 4 năm 1975.

Sở chỉ huy đóng nơi trước đây vốn là căn cứ Lữ đoàn đặc công 429. Nó ẩn mình trong cụm rừng Câm Xe không hiểu sao gần như nguyên vẹn không bị chất độc hóa học và bom đạn tàn phá. Nó ở vị trí giữa trục Đông bắc thị trấn Dầu Tiếng và Tây nam huyện Chơn Thành. Hội trường được xây dựng một phần âm xuống đất, rộng trên 50 mét vuông. Tuy ẩn kín dưới tàn cây nhiều tầng trông nó vẫn bề thế khang trang. Giữa phòng chiếc bàn dài ghép bằng những tấm ván thô, trên trải rộng những tấm bản đồ địa hình tác chiến chiến dịch chi chít ký hiệu xanh đỏ. Hành lang xung quanh phòng họp, trên mặt đất bằng nện cứng là dãy bàn làm việc của cán bộ tác chiến chúng tôi. Sau lưng, những tấm bản đồ các hướng chiến dịch to bè như những chiếc chiếu thả từ mái hiên nhà xuống chấm đất.

Tôi về vị trí của mình lặng lẽ quan sát cảnh tượng náo nhiệt ồn ào đầy phấn khích. Tôi đứng trên bậc thềm cao nhìn xuống, đứng sát đầu bàn là thượng tướng Văn Tiến Dũng Tổng tham mưu trưởng, Tư lệnh chiến dịch. Đứng cạnh bên phải ông là Trung tướng Trần Văn Trà Tư lệnh chiến trường B2, phó Tư lệnh chiến dịch. Ngồi trên chiếc băng dài cạnh tướng Dũng là ông Lê Đức Thọ đại diện Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Phạm Hùng Bí thư Trung ương Cục, Chính ủy chiến dịch. Bọc quanh các ông là lãnh đạo chỉ huy các Tổng cục, các cục, các Tư lệnh quân binh chủng...

Tiếng cười nói xôn xao trên những khuôn mặt rạng rỡ làm bừng sáng cả gian phòng bỗng im bặt. Giọng đồng chí trực ban tác chiến báo cáo rành rọt lời yêu cầu Dương Văn Minh mà anh đã bắt sóng ghi lại qua đài phát thanh Sài Gòn. Tin trên trước đó vài phút hầu như ai cũng biết. Nghiệp vụ tham mưu chúng tôi vẫn phải báo cáo theo thông lệ.

Sau thảm bại tan rã ở miền Trung và khắp các chiến trường đầu não Mỹ - ngụy tại Sài Gòn cảm thấy cái chết của chế độ chúng cận kề. Để kéo dài ngày tàn, họ thông qua một vài tổ chức nước ngoài mong được thương lượng với ta tìm giải pháp cứu vãn. Điều đó không lạ. Ta không đếm xỉa đến. Tình huống xin ngừng bắn bàn giao chính quyền của tổng thống ngụy lúc quân ta đã chọc thủng vành đai phòng ngự ngoại vi Sài Gòn cũng là chuyện không lạ Nhưng chúng tôi có chút bất ngờ. Điều này có khả năng địch đầu hàng sớm. Ý chí chiến đấu của chúng như thế hoàn toàn rệu rã. Ta sớm hoàn thành nhiệm vụ chiến dịch. Sài Gòn tránh được một cuộc tàn phá. Tuy nhiên phải cảnh giác kế hoãn binh để có cơ hội hồi sức và chờ “phép mầu” nào đó của bạn đầu sỏ Mỹ - ngụy .

Vấn đề đặt ra trước mắt cấp bách: Quyết tâm của Bộ Tư lệnh. Thời gian lúc này là chiến lược, phải sớm quyết định để kết thúc cuộc chiến kéo dài 30 năm toàn thắng, nhanh chóng, trọn vẹn, giảm đến mức tối thiểu thiệt hại về tính mệnh, tài sản của đồng bào.

Tôi nhìn những mái đầu tóc muối tiêu hoặc đã bạc trắng chứa trong đó những bộ óc khôn ngoan, lão luyện đầy quyết đoán, từng trải trong chiến tranh và trên con đường hoạt động cách mạng. Tôi hồi hộp chờ mong ở họ một quyết định cuối cùng. Ai sẽ là người đưa ra ý kiến trước. Không có ý kiến riêng lẻ, mà là “bản đồng ca” phát cùng lúc: “Không ngừng bắn. Không có chuyện bàn giao chính quyền. Tiến công, tiếp tục tiến công buộc địch phải hạ vũ khí đầu hàng vô điều kiện”.

Lạ thay, những giọng nói Bắc, Trung, Nam xen lẫn, câu chữ không trùng khớp, nhưng ý tưởng là một. Một quyết định tuyệt diệu, đúng đắn, chính xác biểu lộ sự thống nhất ý chí tuyệt đối của những con người nhạy cảm thông minh. Tôi nhìn họ không còn là những vật thể sống riêng lẻ, mà là một khối đá hoa cương rắn chắc. Lòng tôi nôn nao khó tả. Tôi cảm thấy sự toàn thắng đã nắm trong tay chưa phải xảy ra ở chiến trường một hai ngày tới, mà ngay tại đây, lúc này.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #115 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2022, 08:04:37 am »

TÔI ĐI CHUYỂN MẬT LỆNH

10 giờ 30 ngày 29 tháng 4 năm 1975.

Sau chuyện đề nghị ngừng bắn... của Dương Văn Minh, Bộ Tư lệnh đã nhanh chóng hạ quyết tâm. Chúng tôi, những cán bộ tham mưu tác chiến lập tức thảo và phát lệnh cho tất cả các hướng chiến dịch, các Bộ chỉ huy quân sự địa phương các quân khu, các tỉnh quán triệt tinh thần chỉ đạo và mệnh lệnh tác chiến của Bộ Tư lệnh. Riêng cánh Tây - Nam* vì một lý do kỹ thuật nào đó không thể chuyển bằng vô tuyến điện mà bằng mật thư.

Đồng chí Ba Trần (Trần Văn Danh) tham mưu phó chiến dịch gọi tôi đến trao một phong thư với giọng nói rít qua kẻ răng: “Đây là mật lệnh của Bộ Tư lệnh. Đồng chí giao tận tay anh Sáu Nam (Lê Đức Anh) và anh Năm Ngà (Nguyễn Minh Châu) trước 2 giờ sáng ngày 30 tháng 4. Các anh hiện ở đâu tự tìm lấy. Xe đang đợi ngoài mé rừng”. Vừa nói ông vừa chỉ tay ra phía sau lưng tôi. Tôi nhận phong thư bỏ vào túi áo ngực cài cúc cẩn thận. Ông nói tiếp: “Cùng đi với đồng chí có Chín Lộc. Nhưng đồng chí chịu trách nhiệm chính”.

Rất ngạc nhiên, tôi cứ tưởng người ta chuẩn bị cho chúng tôi những chiếc môtô Honda 90 như mọi lần đi công tác. Ai dè là chiếc Jeep lùn quân sự kiểu Mỹ mới tinh như vừa xuất xưởng.

- Lôi đâu ra được thứ của quý thế này? - Tôi hỏi đồng chí lái xe đang lúi húi cắm lá cờ giải phóng bên trái đầu máy.

- Em không rõ thủ trưởng ạ! Vừa mới nhận bên văn phòng.

- Xăng nhớt đủ cho một chuyến đi xa chứ?

- Thừa sức, xe mới toanh. Thủ tướng nghe xem, máy êm ru,

Vừa nói (Sơn tên đồng chí lái xe) cho nổ máy. Đúng thật, máy chạy rất êm. Vừa lúc hai vệ binh xuất hiện. Cả hai dập chân đứng nghiêm đúng điều lệnh để báo cáo. Mới nhìn thấy hai chiến sĩ đến làm nhiệm vụ bảo vệ tôi cảm tình ngay. Đó là hai chàng trai rất trẻ. Tuổi đời chưa quá hai mươi. Cả hai nói giọng Nghệ An. Trang bị vũ khí cá nhân đầy đủ. Vận đồng phục chính quy bằng vải kaki Tô Châu màu xanh lá mạ, đi giày vải, đội mũ cối gắn sao giải phóng, nai nịt gọn gàng.

- Đúng là lính chính quy có khác - Sơn gục gặc đầu nháy mắt vẻ tinh nghịch: “Vào lâu chưa hai chú em?” Không đợi các chàng trai cất tiếng, Sơn cười hì hì: “Mới nhìn biết ngay mấy cậu vừa mới “bóc tem”. Bây giờ đi nếm mùi chiến trường với ông anh đây nhá”.

Một cái vỗ chụp lên vai tôi cùng lúc giọng nói rổn rảng chính cống âm điệu Sài Gòn chào tôi. Tôi siết chặt tay Chín Lộc người bạn đồng hành với tôi. Anh là phó chính ủy trong ban lãnh đạo Đoàn 22 (cơ quan tình báo chiến lược chiến trường B2). Anh có vóc người cao lớn, cao hơn tôi nửa cái đầu. Điều ngẫu nhiên trùng hợp hai chúng tôi đều mặc quân phục bằng vải pô-lít-te màu cỏ úa, đi giày da đen “Cốt-sư-ghin”, thắt lưng Mỹ, đeo sắc cốt Nga, đội nón cối của Tàu viện trợ. Về thứ bậc anh cao hơn tôi hai cấp. Tuổi đời tôi kém anh đến bảy. Nhiệm vụ được gỉao tôi lại giữ vai trò chính.

Trải tấm bản đồ chiến trường 1/50.000 của Mỹ sản xuất, tôi xác định đường đi đích đến. Lúc nãy đồng chí Ba Trần bảo tôi tự tìm vị trí đồng chí Sáu Nam - Năm Ngà. Ông biết tỏng là bọn tham mưu tác chiến chúng tôi thừa hiểu các đồng chí ấy hiện giờ ở đâu?

Đồng chí Sáu Nam phó Tư lệnh B2 kiêm Tư lệnh cánh Tây và cánh Nam đang đi cùng sở chỉ huy của đồng chí Năm Ngà tham mưu trưởng B2 kiêm Tư lệnh binh đoàn 232. Lúc này sở chỉ huy hỗn hợp của hai Tư lệnh đang chốt đóng tại bờ đông sông Vàm Cỏ Đông phía tây tiểu khu Hậu Nghĩa (tức huyện lỵ Đức Hòa tỉnh Long An ngày nay)(1)


(1) Gọi cánh Tây - Nam là tên gọi tắt. Đồng chí Lê Đức Anh chỉ huy cánh Tây bao gồm binh đoàn chủ lực 232 như một quân đoàn do đồng chí Năm Ngà chỉ huy và lực lượng vũ trang địa phương tỉnh Long An. Đồng chí cũng chỉ huy cánh Nam bao gồm trung đoàn chủ lực 88 và lực lượng vũ trang 2 tỉnh Gò Công và Mỹ Tho. Hai cánh này ở Hướng Tây và Hướng Nam đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #116 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2022, 08:05:03 am »

Chuyến đi vất vả nhưng lắm thú vị.

Xe tôi lao trên con đường bụi đỏ xuyên qua những khu rừng cao su bạt ngàn. Gần đến thị trấn Dầu Tiếng nghe nhiều tiếng nổ nhỏ lớn liên hồi. “Quái lạ - Tôi nghĩ - Ta đã giải phóng vùng này khá lâu. Vậy ai đánh? Đánh ai? Không lẽ giặc liều lĩnh tung biệt kích đánh phá sau lưng quân ta? Gặp anh em du kích hỏi ra mới biết kho đạn địch ở căn cứ cũ trong trị trấn vẫn đang bốc cháy gây nổ dữ dội. Điều này đã giải đáp thắc mắc chúng tôi. Thị trấn trên nghìn dân (đa số công nhân cao su) đã được giải phóng nhưng không thấy một ai lai vãng.

Chúng tôi vượt cầu Bến Củi theo lộ đắp lao về hướng huyện lỵ Gò Dầu (Tây Ninh). Định đến đây sẽ theo quốc lộ Tây Ninh - Sài Gòn qua Trảng Bàng xuống Củ Chi. Đến cách thị trấn khoảng ba bốn trăm mét bị hàng tràng đạn đại liên trong ấp xối xả bắn ra. Xe tôi đang giữa đồng trống. Đạn chiu chiu trên đầu, hai bên, đạn ghim xủi đất, đạn cắm trước đầu xe... Có tiếng hét từ phía sau vọng đến bảo xe tôi phải quay lại. Gò Dầu vẫn còn địch.

Đồng chí lái xe tỏ ra một tay lái cừ, bình tĩnh anh cho xe bay xuống ruộng khô né tránh luồng đạn, cua gấp quay đầu mở hết tốc độ lao về phía sau. Ra khỏi vòng khống chế hỏa lực địch tôi thấy nhẹ người. Thương vong chẳng ngại, nhưng bị lúc này thật vô nghĩa. Điều đáng sợ nhiệm vụ không hoàn thành. Ai cũng đau ê ẩm do những cú xốc bật người suýt văng ra khỏi xe. Mấy đồng chí du kích hào hển chạy đến bực tức quát chúng tôi sao lại lao đầu vào chỗ địch mà không dọ hỏi trước.

Thị trấn Gò Dầu lúc này chưa được giải phóng. Địch lợi dụng thế đất cao ngoan cố án ngữ bố trí hỏa lực kiểm soát cánh đồng rộng hướng Bến Củi đến. Chúng bắn chúng tôi không chỉ một khẩu đại liên.

Nhận lời xin lỗi và biết được yêu cầu, anh em du kích sốt sắng chỉ con đường vận động của đoàn chiến xa quân ta xuất kích tiến công Đồng Dù và phát triển về hướng Sài Gòn.

Anh Chín Lộc vỗ vai Sơn khen tài “dũng sĩ lái xe Trường Sơn” có khác. Sơn khom người đi quanh xe lúi húi kiểm tra. Ái chà một tiếng lớn tỏ vẻ mừng rỡ, anh nói: “Bà đỡ thủ trưởng ạ! Bọn lính ngụy dở ẹt, xả hàng thúng đạn chẳng làm xe ta dính viên nào”. Anh chậc lưỡi nói tiếp: “Nếu xe hỏng ông Ba cạo trọc đầu em là cái chắc...”. Tinh thần cánh lính lái xe là thế. Coi xe còn quý hơn sinh mạng của mình.

Té ra con đường xe tăng ta vận động là con đường rất quen thuộc với tôi. Trước khi được đều về công tác phòng tác chiến Bộ tham mưu Miền, tôi là tham mưu phó trung đoàn bộ binh 88 độc lập trực thuộc Bộ Tư lệnh Miền. Trung đoàn tôi từng hành quân từ căn cứ suối Bà Hảo (chiến khu Dương Minh Châu) lên xuống hoạt động vùng Trảng Bàng, Củ Chi nhiều tháng trong và sau Tết Mậu Thân. Giữa năm 1968 tôi được thuyên chuyển làm trưởng Ban tác chiến Bộ Tư lệnh phân khu 1. Những năm 1969 - 1970 địch phản kích ác liệt, nhiều lúc đánh bật lực lượng ta ra khỏi các căn cứ nam bắc sông Sài Gòn, chúng tôi thường phải tạm lui về suối Bà Hảo. Mỗi lần trở về căn cứ phía sau hay xuống bám trụ chiến trường đều phải đi trên con đường hiện nay xe tăng ta vận động. Trước đây đường một lối đi nhỏ hẹp, bây giờ từ vị trí tập kết đến vị trí triển khai, đoàn tăng và các loại ôtô quân sự cùng vận động trên một trục. Nó trở thành đường quân sự làm gấp băng đồng khô ngập bụi đến quá mắt cá chân. Xe tôi chạy đến đâu cuốn theo cột bụi mịt mù như một cơn lốc lớn. Dọc đường thỉnh thoảng gặp những trạm tiếp tế hậu cần, các trạm cứu thương, kho đạn... Trong những lều bạt dã chiến của các sư đoàn, quân đoàn. Đến một cụm ba chiếc lều khá lớn cắm cờ mang dấu chữ thập đỏ, tôi biết là trạm cấp cứu quân y. Tôi cho dừng xe để vào hỏi thăm tình hình thương vong đồng chí mình. Một quân nhân có nước da màu đồng hun vì nắng gió ra đón chúng tôi. Anh tự giới thiệu bác sĩ quân y trạm trưởng. Biết ý định, anh đưa chúng tôi vào chiếc lều lớn dành cho thương binh. Lều trống không. Anh nheo mắt cười nói: “Từ sáng đến giờ chưa ca nào về trạm. Chúng tôi đang thất nghiệp đây. Mong sao được ngồi chơi xơi nước dài dài, đừng phải đụng dao đụng kéo”. Chúng tôi rất mừng tạm biệt các đồng chí quân y tiếp tục cuộc hành trình. Vượt qua Suối Nhánh - Trảng Cỏ, 12 giờ hơn chúng tôi đặt chân lên một cứ điểm của địch tại Trung Hòa thuộc xã Trung Lập Thượng (Củ Chi). Đây là đồn tiền tiêu của căn cứ Đồng Dù được xây dựng kiên cố trên một khu đất cao do đại đội Bảo an tăng cường chốt giữ. Tại đây còn có tề xã, dân vệ, phòng vệ dân sự vũ trang, các đội bình định nông thôn, bọn thám báo gián điệp thiên nga - phượng hoàng. Cứ điểm này được yểm trợ của pháo binh Đồng Dù, trực thăng vũ trang kiểm soát một vùng rộng lớn các xã Nam Trảng Bàng đến giáp sông Sài Gòn. Vừa là tiền đồn cũng là bàn đạp xuất phát những cuộc hành quân càn quét lấn chiếm, tung biệt kích tình báo gián điệp sâu vào vùng tranh chấp và căn cứ ta.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #117 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2022, 08:05:36 am »

Mới sáng nay nó được tăng cường một bộ phận lực lượng sư đoàn 25 bộ binh ngụy ngoan cố ngăn chặn hòng làm chậm bước tiến của quân ta.

Bây giờ nó hoàn toàn không còn chút diện mạo hình thù của tiền đồn nổi tiếng một thời ngạo nghễ thách thức lực lượng du kích trong vùng. Trên một diện tích hơn một hec-ta là đống đổ nát hoang tàn. Không một bức tường, một trụ cột nào còn ló khỏi mặt đất. Tất cả đều bị dấu xích xe tăng ta nghiền nát, húc đổ sau cơn bão lửa của pháo binh. Lửa vẫn âm ỉ trong những đống sắt, gỗ lẫn lộn các khối bê-tông nát vụn đủ mọi thứ tạp nham. Bốc theo khói là mùi tanh của máu, mùi khét của xác người bị cháy thiêu...

Tôi cho xe phóng theo con đường sỏi đỏ ra Phước Hiệp, một thị tứ bên quốc lộ 1 (Sài Gòn - Tây Ninh). Từ đây và dọc ven lộ là những khu dân cư tập trung đông đúc.

Một điều lạ làm chúng tôi có phần ngơ ngác. Quân ta như làn sóng cuộn ầm ào lướt qua đang phát triển về hướng Sài Gòn. Toàn bộ quân địch ở đây và hệ thống kềm kẹp của chúng bị tiêu diệt, tan rã. Thế sao không có một người dân nào lai vãng trên đường, ngoài đồng. Nhà nhà cửa đóng im ỉm. Tất cả đều lặng im. Cuộc giao tranh đôi bên đã chấm dứt cách đây hai tiếng đồng hồ. Không còn một phát súng, một tiếng nổ nào. Thế mà cảnh vật xung quanh chìm vào tĩnh lặng. Hình như guồng máy hoạt động trong phố phường thôn xóm ngừng quay.

Tôi đem điều này trao đổi với anh Chín Lộc. Anh khẽ lắc đầu. Hình như tâm trạng anh giống tôi. Anh tư lự suy nghĩ. Anh chưa tìm ra câu trả lời thích đáng. “Tấn công kết hợp nổi dậy của quần chúng”. Câu này tôi nghe người ta nói lập đi lập lại nhiều lần giống như các cha cố rao giảng những điều Chúa dạy ghi trong sách Thánh Kinh. Tôi không phải nhà lãnh đạo có tầm cỡ gì, càng không phải nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp, tôi là người lính, nên tôi phải tuân thủ “Trên bảo sao dưới phải nghe vậy”.

- Đúng là im ắng quá thủ trưởng Mười ạ! Hay đồng bào ở đây đã ầm ầm xuống đường kéo theo bộ đội ta để phối hợp đấu tranh dưới Sài Gòn rồi!

Tôi không dám tin là Sơn nói thật hay nói đùa hoặc có ẩn ý gì trong đó. Nhưng sự thật đang bày diễn ra trước mắt tôi, trước mắt mọi người. Tôi liếc nhìn anh Chín Lộc. Anh là cán bộ chính trị cao cấp trong quân đội. Câu nói của Sơn chắc phái làm cho anh phản ứng. Anh vẫn im lặng để thân người lắc lư bởi những cú xóc nảy của xe khi vượt qua các ổ gà trên đường sỏi đỏ. Còn tôi tự dặn lòng: “Điều gì anh thấy rồi suy nghĩ về nó, những điều suy nghĩ đó hãy nhốt nó trong đầu, đừng để cái miệng hại xác phàm”.

Thế là tôi ngồi im như anh Chín Lộc. Điều lí thú đáng chú ý là vô số cờ ba que của thể chế “Việt Nam cộng hòa” bị vứt xuống sân, ngoài đường, bị xé thành nhiều mảnh. Những khẩu hiệu chống cộng bị xóa bỏ đạp đổ.

Chưa đến thị xã Hậu Nghĩa đã nghe tiếng súng nổ rộ. Không gặp một ai trên đường đi để hỏi thăm. Rút kinh nghiệm chuyện Gò Dầu, chúng tôi thận trọng cho xe nhích từng bước. Có tiếng quát bảo phải dừng lại. Ba chiến sĩ giải phóng tiếp cận xe tôi. Nhìn trang phục biết đó là bộ đội địa phương hoặc du kích. Một đồng chí có giọng nói và phong cách điềm đạm lễ phép hỏi chúng tôi từ đâu đến, cần gì? Qua câu chuyện trao đổi tôi được biết tình hình vùng này. Anh là tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Long An. Đơn vị anh phối hợp cùng các đơn vị bạn tiến công làm chủ thị xã Hậu Nghĩa. Một ổ đề kháng cuối cùng tại dinh tỉnh trưởng đang còn chống cự, ta chưa dứt điểm. Anh khuyên chúng tôi còn thời gian nán đợi để giải quyết xong số địch ngoan cố, đêm xuống mới đi được. Gần nhà máy đường có con rạch ăn thông ra sông Vàm Cỏ Đông. Lúc này nước đang ròng. Lòng rạch cũng như cánh đồng mênh mông bùn ngập đến đầu gối. Dù khỏe lội suốt ngày chưa chắc tới. Đường duy nhất tại đây ra bờ sông là con rạch. Khoảng 8 giờ tối nước lên tận đầu rạch, anh sẽ cho xuồng đưa đi. Tính toán thời gian, chúng tôi tiếp nhận phương án anh nêu.

Tiếng súng ngừng hẳn. Toàn bộ những tên ngoan cố đều bị tiêu diệt và bắt sống. Đồng chí tiểu đoàn trưởng cho người đưa chúng tôi đến một khu vườn râm mát sát mé đầu rạch nghỉ ngơi, đợi... Đi ngang dinh tỉnh trưởng ngụy quyền tôi thấy đông tù binh được dồn vào nửa sân rộng. Kẻ đứng người ngồi, co ro rũ rượi, tóc tai bờm xờm, mặt mày tái xanh tái xám lấm lét nhìn mọi người qua lại.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #118 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2022, 08:05:57 am »

Đồng chí du kích bưng một rá cơm đầy được ủ nóng và chén muối ớt mang đến mời chúng tôi. Tay anh cứ nắn nắn vành tai, miệng ấp a ấp úng hình như tỏ vẻ ngượng ngùng khi phải “chiêu đãi khách bề trên” bữa cơm đạm bạc. Anh nói: “Anh em ở đây chỉ ăn cơm nắm. Đồng chí chỉ huy dặn phải tìm cách nấu cho các thủ trưởng ít cơm nóng. Thức ăn không có chi. Địa phương vừa mới giải phóng, lệnh trên cấm, chưa được mua bán đổi chác xin xỏ gì của dân...

Chúng tôi rất cảm động thịnh tình giúp đỡ của anh em. Được cơm có muối là một ân huệ. Lúc này giá trị nó gấp trăm lần những buổi chiêu đãi tiệc tùng linh đình sau này năm ba lần tôi được dự. Cái quý ở tấm lòng thương yêu giúp đỡ nhau của những người lính giải phóng. Không cần những lời khách sáo dông dài, anh Chín Lộc ôm hôn anh du kích như ôm hôn đứa con trai mình lâu ngày gặp lại.

Đêm xuống. Không điện, thị xã chìm trong bóng tối. Bầu trời trong và nhiều sao nên vẫn thấy lờ mờ cảnh vật trong tầm nhìn gần.

Hướng về Sài Gòn, một vừng sáng bạc ánh lên màu trời vắt vòng từ đông sang tây. Tôi chợt như mang máng hai câu thơ trong bài thơ nổi tiếng của Lê Anh Xuân:

“... Cái vừng sáng bồn chồn thương nhớ
Cứ đêm đêm nức nở gọi ta về ...”


Tôi đọc cho anh Chín Lộc nghe. Anh cười bảo: “Đã đến lúc chúng ta về. Nội trong ngày mai chúng ta sẽ về”.

Một chiếc xuồng nhỏ cặp bờ nơi chúng tôi đứng đợi. Cảnh vật im ắng lạ thường. Có ai ngờ trưa nay chiến tranh ngự trị nơi đây. Bây giờ nó đã và đang bị đẩy lùi về hướng Sài Gòn. Sài Gòn sào huyệt bọn đầu sỏ Mỹ-ngụy. Đã 30 năm, tại đây chúng mang chiến tranh gieo rắc chết chóc khắp miền Nam, gây đau thương tang tóc cho cả nước. Giờ đây đang lùi sát nách chúng, sẽ quyết định số phận chúng tính từng giờ. Chiến tranh được xua đi trả lại cho ruộng đồng vườn tược, phố chợ xóm quê, trả lại cho mọi người dân Củ Chi, Đức Hòa... Mảnh đất giàu truyền thống cách mạng bắt đầu có được một đêm yên ả thanh bình.

Mọi nhà vẫn cửa đóng then cài, chỉ lộ ánh đèn qua khe hở. Từ chiều đến giờ, ngoài anh chị em du kích, bộ đội ta, năm bảy cán bộ Đảng, dân, chính... Tôi chưa bắt gặp người dân nào.

Một giọng nói trong trẻo mời chúng tôi xuống xuồng. Lúc này có mây cây đèn bão thắp sáng nên tôi nhận ra hai cô du kích trẻ nai nịt gọn gàng. Cả hai vai mang súng cạt-bin đang cắm chèo đứng đợi. Xuồng nhỏ đủ chở hai khách và hai người chèo. Tôi cùng một vệ binh đi. Anh Chín Lộc và các đồng chí khác ở lại. Nước triều đang lên chảy ngược. Ngược nước và ngược cả gió. Gió từ cánh đồng rộng trước mắt và từ sông Vàm Cỏ thổi vào mát rượi nhưng làm cản nặng tay chèo. Xuồng nhỏ chở nhẹ vẫn tiến ì ạch. Chúng tôi đề nghị thay hai cô nhưng bị từ chối. Thôi thì dùng miếng ván nhỏ làm tay chèo hỗ trợ hai cô được chút nào hay chút ấy.

Quá 11 giờ đêm xuồng ra đến sông cặp bờ. Anh Vũ Long phụ trách tham mưu binh đoàn đón tôi và cho người đưa tôi đến chỗ anh Năm Ngà.

Đọc xong lệnh, anh Năm Ngà cười: “Ở đây cũng được tin này. Không ai có ý nghĩ chấp nhận đề nghị của Dương Văn Minh. Đến nước này đâu có chuyện ngừng bắn thương lượng. Chính quyền chúng tan rã nát bét còn gì mà bàn giao. Tiến công - tiếp tục tiến công giải phóng trọn vẹn Sài Gòn chỉ nội ngày mai”.

Tôi nói khẽ tiếp lời anh :

- Vâng, ngày mai 30 tháng 4 sắp bắt đầu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #119 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2022, 08:08:41 am »

SÀI GÒN - CÁI ĐÍCH CHÚNG TÔI ĐẾN

11 giờ 30 ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Niềm vui chiến thắng náo nức lòng người. Không khí rộn ràng lan tỏa khắp khu rừng, nơi đặt sở chỉ huy Bộ Tư lệnh chiến dịch.

Sau khi báo cáo chuyến công cán chuyển mật thư với đồng chí Ba Trần, tôi và anh Chín Lộc ai về đơn vị nấy. Định tranh thủ chợp mắt một chút cho lại sức mặc mọi người háo hức thu xếp đợi lệnh về Sài Gòn.

Liên lạc đến, thế là không có chuyện nghỉ ngơi. Tôi vội đến gặp đồng chí tham mưu phó. Ông giao tiếp nhiệm vụ cho tôi và anh Chín Lộc. Nét mặt lúc nào cũng nặng nề nghiêm trang, ông đưa cho tôi tập bản đồ không ảnh chụp toàn cảnh Sài Gòn — Gia Định của Mỹ tỉ lệ 1/10.000. Ông nói: “Trong chiến dịch ta mất liên lạc với phái đoàn quân sự ở trại Đa-vit. Bộ Tư lệnh và anh Tư (tức Tư Nguyễn, tức Trần Văn Trà) rất nóng ruột anh em trong ấy không rõ ra sao? Hai đồng chí về trước Sài Gòn vào Đa-vít nắm tình hình báo gấp về Bộ tham mưu trong đêm nay”. Hùng hắn ho mấy tiếng, ông nói tiếp: “Tôi cho một cán bộ quân báo người gốc Sài Gòn rành đường đi cùng các đồng chí”. Tôi xin phép hỏi lại ông: “Kế hoạch tổ chức bí mật hướng dẫn phái đoàn ta thoát ra vùng ngoại thành của Ban binh vận Trung ương Cục không thành công ư?” Nhắc đến chuyện này ông bực bội khó chịu: “Chẳng nên trò trống gì?”. Ông dặn chúng tôi ngày mai 1 tháng 5 lúc 10 giờ trưa đợi ông tại dinh thủ tướng ngụy để tổ chức tiền trạm đón lãnh đạo về thành.

Chúng tôi được phép chuẩn bị 15 phút. Lần đi này không trở lại. Cuộc chiến gian khổ kéo dài 30 năm đang đặt một dấu chấm hết. Thời kỳ mới đấu tranh trên mặt trận mới sắp bắt đầu: Khôi phục - Xây dựng - Phát triển toàn diện Đất nước.

*
*   *

Tôi lôi trong chiếc hòm gỗ thông làm từ thùng đạn súng cối ra mọi thứ: đôi ủng cao su tôi thường dùng để lội rừng, bọc quần áo, dép nhựa, giày đinh chiến lợi phẩm, bình trà, li chén, hộp lớn hộp con... trăm thứ bà nhằng. Tôi chọn mấy cái thật cần thiết như bọc đạn hai khẩu súng ngắn dự trữ trữ, chiếc võng ni lông, cái radio ba băng, một bộ quân phục, màn tuyn và tấm đắp cho vào ba lô con cóc khá gọn. Mọi thứ tôi vứt lại mặc dù trước đây nó rất đáng giá với đời sống của tôi. Không gì quý hơn Tổ quốc đã được độc lập hoàn toàn. Thống nhất - hòa bình được lập lại từ Bắc chí Nam. Tôi nhớ lại và tự nói với mình: “Chà, 29 năm về trước, mình từ giã gia đình ra đi ở tuổi niên thiếu rồi trở thành anh bộ đội cụ Hồ tham gia đánh Pháp. Lúc ấy mình mang theo những thứ gì nhỉ? Một cái bị lác với bộ quần áo đã vài miếng vá mặc thời đi học. Một tấm đắp cũ sờn mép lỗ đỗ những vết thủng to bằng hòn bi. Chỉ thế thôi. À, khi ra khỏi nhà bà ngoại chạy theo nhét vào túi lọ dầu xoa Nhị thiên đường, chai thuốc sát trùng phòng khi trái gió trở trời..!

Hôm nay trở về với chiếc ba lô con cóc nhẹ tênh. Chà có ai hỏi mình trả lời sao đây? - “Anh đi chừng ấy năm bây giờ về được gì ?” - Sao có chuyện tính toán so đo ấy nhỉ ? Được - Mất à? Rõ ràng như cái bàn tay có năm ngón. Mất cái kiếp đời nô lệ ngựa trâu. Còn được cái không thể gì so sánh quý giá vô ngần. Hồi vắt chiếc bị lác trên vai, đầu trần chân đất đi theo tiếng gọi Bác Hồ tham gia đánh Tây - Tây bại. Tiếp tục đuổi Mỹ - Mỹ cút. Đến nay lật ngụy - ngụy nhào. Dân tộc độc lập, Tổ quốc thống nhất. Được cả nước. Cái được này quá lớn, lấn át, xóa đi bao nỗi nhọc nhằn, đôi chút uất ức hận lòng, những thiệt thòi kể cả những giọt nước mắt đắng cay, tủi nhục... do sự đố kỵ chèn ép, áp đặt bất công... Dù gì mình cũng quá hạnh phúc cơ mà. Hàng triệu đồng chí đồng bào không được như mình chứng kiến ngày huy hoàng của Đất nước. Họ đã yên nghỉ dưới những nấm mộ chôn cất vội vã sơ sài, thậm chí hài cốt còn vương vãi nơi rừng sâu nủi thẳm nào đó! Họ đã tạo hạnh phúc hôm nay cho mình, cho mọi người, cho cả dân tộc. Họ đâu có tính toán thiệt hơn. Còn mình - đến lúc này vẫn sống tuy ba mảnh đạn còn ghim trong người. Mỗi khi trái gió trở trời nó hành hạ mình đau buốt kinh khủng. Điều quan trọng mạng sống vẫn còn. Mạng sông tồn tại suốt 29 năm làm lính Cụ Hồ. Mình tự hào không để bị ô danh và hổ thẹn với người đã khuất.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM