Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Năm, 2024, 09:14:37 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Binh thư yếu lược  (Đọc 189361 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #200 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2009, 02:58:18 pm »


*
*   *

PHÉP MÁY ĐÁ GIỮ TRẠI.

Phàm phép giữ rất khó, cho nên cổ nhân dùng đủ các thứ răng sói, bàn chông, hỏa tiễn, hỏa công để phòng bị. Nhưng các phép ấy dẫu hay mà công dụng cũng khó, cho nên Lộc-khê tiên sinh chế ra phép máy đá giấu lửa để giữ thành luỹ, giặc có quân trăm vạn, bậc thang cao mà trèo lên cũng đều thịt nát xương tan, còn lo gì nó đục thành nữa.

Cách làm: Bốn mặt lũy, trên đầu lũy bên ngoài tận cùng dựng liền hai cột nhỏ dài 5 tấc, cách nhau hơn 30 thước, lại dùng gỗ rắn dài hơn 30 thước, rộng 1 thước, bốn góc đều có vòng sắt. Trước đem vòng sắt của hai góc ván ấy treo lên cột ngắn trên lũy, còn hai góc mé ngoài thì bỏ xuống. Lại dựng một cái cột ở trong lũy, cao hơn luỹ 3 thước, đầu cột đặt bánh xe làm thân ròng rọc. Lại lấy dây máy buộc vòng sắt hai góc bên ngoài của tấm ván, dây góc bên tả chằng sang góc bên hữu, dây góc bên hữu chằng sang góc bên tả. Xong rồi, lại dùng một dây buộc vào giữa dây hai góc dắt vào trong lũy để lên trên cái ròng rọc ở đầu cột cao, đầu dây buộc chặt vào dưới chân cột. Rồi đem đá to đặt chồng chất trên tấm ván. Bốn mặt lũy đều làm như thế. Nếu quân giặc bắc thang mây trèo thành mà lên, hay là nó đào lũy phá thành, thì ta lập tức cắt đứt cái dây ở chân cột, tấm ván nghiêng ra mà đá đổ xuống cả.

Lại sai quân đào một hốc vuông vức 4 thước ở bên trong chỗ gần lũy, xong rồi, lại lấy da lợn rừng sống phơi khô làm gối cho lính nằm ở trong hốc ấy để nghe xem giặc có đào hang dưới đất hay không. Phép này thực là thần diệu.


*
*   *

PHÉP NỎ THẦN GIỮ TRẠI.

Đại tướng trước hết phải bảo trọng thân mình. Nếu không như thế, thảng hoặc kẻ gian lẻn vào được mà làm hại thì Nhà nước cậy vào đâu, xã tắc dựa vào đâu? Cho nên làm tướng ngày thì nghiêm lệnh như Chu Á-phu1, đêm thì phòng gian như Trịnh tử2, mà còn lâm sự lo sợ ngay ngáy nơm nớp, há dám ngủ kỹ cậy mạnh mà coi thường tính mệnh đâu! Cho nên Lộc-khê tiên sinh chế ra phép đặt máy nỏ giữ trại. Giả sử Kinh Kha3 sống lại, Nhiếp Chính4 phục sinh, cũng chỉ làm người dưới suối vàng mà thôi, còn cậy gì về dao găm mũi nhọn nữa!

Cách làm: Dùng một cái nỏ lớn, xoi rãnh đặt ba tên, dưới nỏ ở chính giữa lại làm một lỗ tròn to hơn 1 tấc. Lại dựng một cột gỗ ở cửa trại, gần chỗ hổ môn5, đầu cột dùng một cốt sắt tròn đóng vào 5 phân, cao hơn đầu cột 2 tấc. Rồi đem lỗ tròn dưới nỏ lồng vào cột sắt ấy, để tiện xoay chuyển. Đầu nỏ làm một cái vòng thau. Lại lấy hai sợi dây tơ nhỏ, một sợi giằng buộc vòng thau vào cái bạo cửa bên tả, một sợi giằng buộc vào bạo cửa bên hữu, tạm thắt lại như cách thắt giải áo. Lại dùi đằng sau nỏ một lỗ chếch, lấy gỗ nhỏ cắm vào, nửa ở dưới nỏ nửa ở trên nỏ, để làm máy nỏ. Lại lấy một miếng gỗ đỡ ở đầu dưới máy nỏ ấy tạm cài vào bên cột máy. Rồi sau giương dây nỏ đặt vào trên máy, bên trên đặt ba tên để đợi dùng. Nếu kẻ gian vô ý xông vào, động phải dây tơ, nỏ tự xoay chuyển, rơi cái gỗ đỡ, dây nỏ bật lên, tên nỏ bắn ra.
_______________________________________
1. Chu Á-phu: Tướng đời Hán Văn Đế, rất nghiêm quân lệnh, vua đến cũng không cho vào và nói rằng trong quân chỉ biết lệnh của tướng.
2. Trịnh tử: Trịnh Tử Sản, trước khi đem quân đi đánh giặc đặt người canh cửa giữ các quan, giữ các phủ khố cẩn thận rồi mới đem quân đi.
3. Kinh Kha: Dũng sĩ nước Yên cầm dao găm vào điện vua Tần, xuýt nữa đâm được Tần vương (Tần Thủy hoàng).
4. Nhiếp Chính: Dũng sĩ người ấp Chỉ cầm gươm đâm chết tướng nước Hàn là Hiệp lũy, báo thù cho Nghiêm Trọng tử.
5. Hổ môn: Chỗ cửa đêm đi lại vẽ hình con hổ để tỏ uy mãnh.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #201 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2009, 03:00:44 pm »


*
*   *

PHÉP DÂY TIÊN TRÓI GIẶC.

Phàm đêm trong dinh phải có cách phòng gian; cách nào nên làm trước? Nên dùng dây tiên trói giặc.

Cách làm: Trước dựng hai cái cột lớn ở hai bên cửa tướng, hai bên cột treo hai cái đèn đỏ, bấc đèn tẩm các thứ diêm tiêu lưu hoàng. Lại lấy dây mây chằng ngang hai cột, cột bên tả buộc sang bên hữu, cột bên hữu buộc sang bên tả. Lại lấy hai miếng gỗ rắn cài vào trên dây mây, liệu cách cột mỗi bên 3 thước, hai bên đều thế. Lại sai hai người khỏe vặn hai miếng gỗ vài mươi lần rất chặt. Treo chuông đồng ở đầu hai miếng gỗ ấy. Lại lấy hai sợi dây gai buộc hai miếng gỗ ấy kéo ra ngoài cửa, làm phép máy động như phép bính đinh. Xong rồi, lại lấy một thanh gỗ rắn cắm ngang vào đầu hai miếng gỗ. Lại lấy một sợi dây da trâu buộc vào giữa thanh gỗ ngang ấy treo xuống làm một cái vòng to, liệu chừng cái máy phát động vừa đúng vào giữa vòng ấy thì khéo. Lại đào lỗ ở trong vòng ấy làm máy phát hỏa, trong máy có ngòi thuốc ngầm thông đến đèn đỏ hai bên, để đợi dùng. Nếu có kẻ gian vô ý bước vào vòng ấy, động vào máy thì hai miếng gỗ chuyển ngược, chuông đồng kêu vang lên, đèn đỏ bật sáng lên, kẻ gian sẽ bị trói ngay.

Kiêm-trai xét: Phép này làm như phép bính đinh. Nhưng phép bính đinh thất truyền, không thể hiểu được. Cứ ý tôi nghĩ: nên đem hai dây gai buộc hai miếng gỗ kéo ra ngoài cửa hợp làm một dây, đầu dây thò xuống buộc vào miếng gỗ ngang nhỏ dài 2 tấc như chữ đinh (丁), lại đào lỗ dưới đất, lấy ván dùi hổng đặt trên miệng lỗ, lấy gỗ nhỏ buộc đầu dây đặt xuống dưới lỗ hồng của ván. Lại lấy gạch đá chặn bên tấm ván ấy, lấy đất cát rải bằng trên mặt. Dây da trâu thì dùng vòng sắt tròn đường kính 5 phân buộc vào đầu dây, lại một đầu luồn vào vòng sắt rồi mới đem buộc vào gỗ ngang trên máy. Cái đầu dây buộc vòng sắt còn thừa rủ xuống, nên dẫn chạy vòng quanh làm vòng tròn to, chạy bên ngoài quanh cái lỗ đặt máy.


*
*   *

PHÉP NỎ KHỎE PHÒNG GIAN.

Phàm trí tướng lập dinh đóng trại tất phải chuẩn bị trước để phòng kẻ gian tế. Như trong cửa dinh nên làm một cái nỏ khỏe, sai thợ xoi ba lòng bắn được ba tên. Rồi sau dựng giá gỗ cao 3 thước, đặt nỏ lên trên, buộc lại cho chặt. Đằng sau lại dựng một cái cột cao 2 thước 5 tấc, đầu cột làm bánh xe như ròng rọc. Lại ở trước cái giá gỗ cách hơn 10 bước đào một lỗ sâu 1 thước hơn, trên nhỏ dưới to, mặt lỗ ấy làm máy đặt một tấm ván tròn ở trên, rải đất cát cho bằng, không để lộ ra. Làm như thế xong rồi, bèn giương dây nỏ lên máy, đặt ba tên nỏ thần, mũi tên tẩm thuốc độc. Lại lấy một sợi dây gai nhỏ buộc ở máy nỏ, đem dây ấy gác lên bánh xe, rồi kéo ra trước nỏ, buộc vào tấm ván tròn. Nếu trong đêm tối thích khách của giặc lẻn đến, chân xéo lầm vào tấm ván tròn ở trên miệng lỗ, ván ấy rớt vào trong lỗ thì sợi dây động, tên đều bắn ra, trúng là chết.

Bài thuốc độc tẩm tên.

Nhựa cây thấu cốt (tục gọi là nhựa cây cộng), ban miêu, từ thạch (đá nam châm), điền cơ (tục gọi là khoai dại).

Các vị trên giã riêng ra trữ cả vào trong ống tre, rồi đem tên nỏ bỏ vào ống tre ngâm 3 tháng 10 ngày.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #202 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2009, 03:02:07 pm »


*
*   *

PHÉP LƯỚI TRỜI YỂM TRẠI.

Trước tôi từng hỏi thầy rằng: Binh pháp có nói “Người đánh giỏi trước giả làm yếu, sau tỏ là mạnh, khiến người đến mà không để người khiến mình đến” là nghĩa thế nào? Thầy nói: “Lấy nhàn mà đợi nhọc, gọi là ứng binh, thừa thắng mà đánh, gọi là kiêu binh. Ứng binh thì được, kiêu binh thì thua. Cho nên ta trước giả làm yếu là muốn làm cho giặc kiêu, sau tỏ sức mạnh là để hoàn toàn nắm sự thắng về ta”. Tôi nói: “Kế ấy làm thế nào?” Thầy nói: “Lấy lợi mà nhử họ, gọi là dụ giặc, lấy kế mà đánh úp, gọi là đặt kỳ. Lấy quân giặc tham lợi mà địch với mưu đặt kỳ, khác gì đàn dê đánh nhau với hổ dữ, không được là rõ ràng lắm, còn phải nói gì. Ví như quân giặc mới đến, khiêu chiến ta, ta nên yên quân không động, đợi khi nhuệ khí của giặc hơi suy, rồi ta ra quân giao chiến, giả cách thua mà chạy, bỏ cả trại sách. Quân giặc tất đuổi theo tranh cướp lấy trại, khi giặc hẳn kiêu, ta lại ra quân khiêu chiến, làm cho nó tức, đợi đến lúc đánh đương say, ta lại từ từ mà lui, giặc tất cho ta là nhát, rồi chạy suốt vào trại thiên la. Ta đánh phá giặc dễ như lấy đồ trong túi.

Tôi lại hỏi: “Pháp thiên la thế nào?”

Thầy nói: “Phép làm, trước lấy dây gai đan làm lưới to, bốn mặt đều có mảnh tre làm nẹp, bốn góc đều có vòng sắt, mỗi vòng đường kính 2 tấc. Lại do bốn bên lưới ấy, chia trên đất làm bốn góc, mỗi góc đóng hai cái cọc, mỗi cọc cao 2 thước, cách nhau 1 thước, đầu cọc đục suốt một lỗ tròn to 2 tấc 5 phân, 2 lỗ ở hai cọc đối nhau; bốn góc đều thế. Lại dùng gỗ dài đẽo làm bốn cái cột neo, mỗi cái dài 8 thước, cái neo một đầu dùng cốt sắt to 1 tấc 9 phân đóng thẳng vào, một đầu dùi ngang một lỗ to 2 tấc. Lại có một thanh gỗ rắn dài 1 thước 6 tấc, to 1 tấc 9 phân. Bốn góc đều làm đủ như thế. Đến khi dùng, trước hết đem cái neo ấy để ở quãng giữa hai cái cọc, lấy thanh gỗ rắn cắm vào như hình chàng xay. Lại lấy cán gỗ đầu neo cắm vào vòng sắt bốn mặt lưới, giương lưới lên cao. Lại dùng bốn cái cây nống, nống bốn cái neo lên. Xong rồi lại lấy bốn sợi dây buộc vào chân cái cây nống kéo ra. Xong rồi, lại lấy một mảnh ván vuông 2 thước, bốn góc ván ấy dùi hai lỗ, lại sai người đào ở chính giữa một cái hố vuông sâu 2 thước, trên nhỏ dưới to, đem mảnh ván vuông ấy đặt lên trên hố, rồi kéo dây ấy buộc vào lỗ ở bốn góc ván vuông ấy. Trên lưới treo các thứ đao, thương, tên, đá, ngoài lưới làm sẵn nhà sát đó như kiểu nhà trại. Nhử giặc đến đấy, quân giặc tham lợi, không ngờ tranh nhau cướp trại, xéo vào ván vuông sập xuống, dây giật cây nống bốn mặt đổ xuống, mà lưới sập chụp hết.


*
*   *

PHÉP CHỮ ĐINH GIỮ THỦY TRẠI.

Phàm khi thủy chiến, dùng chiến thuyền kết làm thủy trại, ban đêm ngủ phải có cách phòng gian, nếu không phòng gian thì không phải là trí tướng. Muốn phòng gian phải làm phép đặt chuông.

Cách làm: Ở giữa sông dựng hai cái cột cao 4 thước, cách nhau 10 thước, đầu cột gác một cái gỗ ngang làm chữ đinh (丁), hai cột đều thế. Hai bên cái gỗ ngang của mỗi cột treo hai cái thanh la đồng. Đó là phép cột chữ đinh ngang sông. Lại đi từ hai cột ấy ra ngoài 10 thước, bên tả bên hữu cũng dựng hai cột chữ đinh, cũng treo thanh la như trước (Cộng thanh la ngang sông và hai bên tả hữu là 8 cái). Trước mỗi thanh la dựng một cần tre cao vừa đến chính giữa thanh la, ở dưới mỗi cần tre trong đáy nước đều đóng cọc ngắn, đầu cọc làm bằng. Rồi buộc dây gai vào mỗi đầu cành tre, đầu dây lại buộc vào cái gỗ ngang. Lại đem cần tre kéo xuống uốn thành hình cung, đặt trên đầu cọc bằng, lấy đá đè lên; tám cọc đều thế. Mỗi hòn đá lại buộc bằng dây gai, đầu các dây gai ấy hợp làm một, lại dùng một sợi dây gai dài 100 bước hay 50 bước buộc vào hòn đá, kéo ra bên ngoài mà chăng ngang sông. Nếu có thuyền giặc ban đêm lẻn vào thủy trại, mái chèo động vào dây chăng ngang sông thì các hòn đá ở đầu cọc đều rơi xuống mà cần tre đều đập vào thanh la kêu vang lên thì ta biết ngay. Đó là phép đặt chữ đinh giữ thủy trại.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #203 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2009, 03:07:30 pm »


*
*   *

PHÉP LÀM CỜ XEM HƯỚNG GIÓ.

Gió là hiệu lệnh của trời, cho nên biết xem gió thì điều hay biết trước và điều không hay cũng biết trước. Như sắp hàng binh mà không biết xem hướng gió thì biết đâu lành dữ mà làm theo hay tránh đi. Muốn xem hướng gió thì trước làm cờ xem gió.

Cách làm: Ngoài cửa trại, dựng một cái cột cao vài mươi thước, trên đầu cột đặt một cái bánh xe cùng một con diều bằng gỗ, có cái cờ nhỏ như hình đầu cột buồm. Lại lấy 10 cân lông đuôi gà kết làm một sợi dây dài bằng cái cột, buộc vào sau đuôi diều gỗ, đầu dây thò xuống; lại lấy lông ngan kết làm một búp như hình hoa cúc; lại lấy một sợi dây gai nhỏ bằng sợi dây lông ấy buộc vào đầu mỏ diều gỗ; đầu dây thò xuống buộc một hòn sắt, để xem hướng gió. Nếu có gió thì con diều gỗ chuyển động theo mà dây lông bay lên. Muốn biết hướng gió thì dùng một sợi dây tơ nhỏ buộc vào dưới búp lông hoa cúc của dây lông, buộc qua sang gặp cái dây có hòn sắt ở mỏ diều. Rồi dùng địa bàn có kim chỉ nam đặt ở dưới cái dây ngang ấy thì biết hướng gió bốn phương tám mặt.


*
*   *

Lời tổng bình về tập Thiên

Kiêm-trai xét: Khoảng đời Lê Chiêu-thống, Nam triều có Loan-khê xử sĩ theo quân đến, đem sách nay đến yết kiến tiên công tôi là tiến sĩ chiêu thảo tổng quản cấm binh binh mã tướng quân nói rằng: “Sách này có thể dùng để cần vương đánh giặc”. Tôi thấy chỗ bàn Tập Thiên có huấn từ, tôi xin tiên công tôi hiệu đính. Nay xin thuật lời bàn rằng: Trời là ông cha của chúng sinh, là gốc rễ của vạn vật, tôn trọng tuyệt đối, to lớn không còn cái gì ở ngoài. Dẫu to như cá côn nhảy 3 nghìn dặm, chim bằng bay 9 vạn dặm, cao như núi Thái-sơn, sâu như sông Hoàng-hà, cũng chỉ là một vật nhỏ trong bầu trời. Tôi đọc sách binh pháp không phải không nhiều, nhưng chật án đầy hòm đều là hình trạng mây gió, dài dòng đẫy sách đều là hình thể rắn chim. Duy có sách Hổ trướng khu cơ rất là tinh diệu, rất là giản dị. Nếu người ta học được thì trong lúc thảng thốt vẫn bàn nói như thường, dẫu có thần binh năm lộ cũng chẳng bằng xem cá, vỗ đùi1, vận dụng một lòng mà có thể bẻ mũi nhọn, đánh tan trận, không suy nghĩ mà làm được, không miễn cưỡng mà đúng phép, hình như tạo hóa tự nhiên. Cho nên tôi cách Lộc-khê hơn một trăm năm, mà xem diệu pháp lưu truyền, thần cơ tạo hóa, còn khiến phải thè lưỡi lạnh dạ, huống là người được thân gần học tập! Nay bốn thiên trong tập này2 cộng 36 điều, thực là then máy của hổ trướng, khóa chốt của tướng môn, thực xứng với tên Hổ trướng khu cơ vậy. Cho nên tôi đối với thiên này thì bảo là nên tiềm tâm, tận tâm, dụng tâm, đối với các bài thơ thì bảo là nên xét kỹ, nghĩ kỹ, xem quý, dốc làm, cũng chẳng nên sao? Nay xin làm lời huấn từ, để tỏ cái ý ba lần ra lệnh, năm lần nhắc lại.

Huấn từ rằng:

Tờ giấy mỏng điểm bao nét ngọc, sách bìa vàng sáng tựa ngọc châu. Đem văn giáo để giữ thành thì nghĩa sâu của Lân kinh3, dùng võ công để dẹp loạn thì then máy của Hổ trướng4. Cầm cờ tướng đảm đương ngoài cõi, tiếng thơm lẫy lừng; ngồi trong màn quyết định mưu mô, chước thần không sót. Vén mây mù ở hang nguyệt, kính ngọc của tướng môn; quét khói bụi ở chân trời, rùa thiêng của binh trướng. Chứa cả kiền khôn vào sách báu, rất sâu rất tinh; phát tạo hóa trong lụa vàng, càng kỳ càng diệu. Xem tam tài mà đặt tên tập5, văn sáng như ngọc lành, lấy tứ tượng mà chia thiên6, chữ đẹp như châu quý. Định giang sơn của xã tắc, oanh liệt rồng bay; trong vũ trụ lập công danh, tít cao bằng liệng. Quét sạch khói lang ở cửa ải, không phải mỏi tay; đặt yên nhà nhạn trong cõi trần, không cần nhăn trán. Rửa nhật nguyệt trên mây biếc, thần phục quỷ kinh; dựng núi sông làm nghiệp to, trời tươi sao sáng. Lừng nghĩa dũng đến nghìn thuở, nào ai địch cùng; định thái bình trong một thời, không gì sánh kịp. Sách thư xướng trước đỡ trời một tay; trúc bạch truyền đời lưu danh muôn thuở. Cứu nhân dân trong đồ thán, thua gì Tử Nha; trổ kinh luân ở dưới trời, kém đâu Y Doãn. Thực là khóa chốt của cửa tướng, người học phải suy; thực là then máy của nhà binh, người bậy chớ bảo. Tiên giác bao cao cả; huấn từ nên kính theo.
_______________________________
1. Xem cá vỗ đùi: Lỗ Ẩn công đi xem đánh cá ở Ấp Đường; Hán Văn đế nghe Phùng Đường nói truyện Liêm Pha Lý Mục thì vỗ đùi mà nói rằng: Ta được Liêm Pha Lý Mục mà dùng thì sợ gì.
2. Tập Thiên.
3. Kinh Xuân thu.
4. Tức là Hổ trướng khu cơ.
5. Thiên tập, Địa tập, Nhân tập.
6. Tứ tượng: Theo lời sớ của Kinh Dịch thì tứ tượng là kim mộc thủy hỏa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #204 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2009, 03:13:25 pm »


HỔ TRƯỚNG KHU CƠ


QUYỂN II
TẬP ĐỊA



YẾU CHỈ BÀN VỀ TRẬN.

Cao Chiêu-dương nói: Phép bày trận bắt đầu từ Hoàng đế đánh Xi-vưu, trên xem trời, dưới xem đất, theo số âm dương chẵn lẻ cùng việc quỷ thần tạo hóa mà làm ra phép chính kỳ biến hóa1, làm ra cơ khởi phục hành chỉ2, mà đặt ra các trận Thái cực, Thái tổ, Tiên thiên, Thái thủy, Hà đồ, khiến cho hàng trận của ba quân rõ ràng trật tự. Cho nên tiến thì nhanh như gió, đóng thì vững như núi. Chỗ nào đụng là đầu, biến binh chính làm binh kỳ. Ví như con rắn Thường-sơn, đánh đầu thì đuôi cứu, đánh đuôi thì đầu cứu, đánh giữa thì đầu đuôi cùng cứu, mà cái thế nắm cơ, yên như bàn thạch, quân hàng ức vạn, vững như Thái sơn, công của Hoàng đế sánh cùng trời đất vậy. Về sau có sách Lục thao của Thái công, sách Tam lược của Hoàng-thạch công, sách Binh pháp của Tôn tử, sách Yếu chỉ của Tử Phòng, phát thiên căn ở dĩ vãng, dò nguyệt quật ở tương lai, mà làm thành 72 phép, khiến cho đời sau biết phép nhiệm mầu, thì công các ông ấy cũng ngang với Hoàng đế vậy. Từ sau khi các ông ấy mất đi, người học binh thư đều mờ mịt không biết nguồn gốc. Đến đời Hậu Hán có bảy người hiền ở Long-trung3, ngẫm nghĩ dung hội, đem truyền bảo nhau chế ra các trận Bát môn kim tỏa, Chu thiên hồn nguyên, trận pháp ấy rõ như mặt trời mặt trăng, phát minh những điều tiền hiền chưa phát, người đời ấy xem như vén mây mù mà thấy trời xanh, cắt gai góc mà thấy đường cái, vậy công của bảy người hiền ấy cùng với công của các ông trước kia có thể ngang hàng mà không trái nhau, học giả nên kính cẩn mà đọc.

Kiêm-trai xét: Bảy người hiền ở Long-trung là Thủy kính Tư-mã Huy, Bàng-đức công, Gia-cát Khổng-minh, Thôi Châu-bình, Thạch Quảng-tuyền, Từ-Thứ, Mạnh-công Uy.

Lê Thủ-chân nói: Trận là bày binh, chẳng qua là bộ khúc phân minh, quân cơ chỉnh túc mà thôi. Tuy nhiên, cái đạo làm tướng mà không biết trận pháp thì khác gì chân què mà chạy, ngoảnh mặt vào tường mà đứng, để đến nỗi tính mệnh ba quân xác tan ở sa trường, hồn vùi ở chiến địa, mà tiều tụy ở khoảng lưỡi gươm mũi giáo là tội bởi ai? Cho nên Hiên-viên xem trên xét dưới, thấy trời có các sao Vũ-khúc Phá-quân, đất có các tượng Ngũ nhạc Cửu châu, thì biết khoảng trời đất đã có trận thế tự nhiên rồi, huống chi là người! Bởi thế mới đặt ra các trận pháp Thái cực, Thái tố, Thái thủy và Hà đồ, Bát quái, Tiên thiên, khắp rồi trở lại; vòng quanh không mối, biến hóa mầu nhiệm, đều có lẽ tự nhiên của trời đất. Cho nên bạn tôi cho rằng công Hoàng đế sánh cùng trời đất cũng chẳng phải sao! Bởi vì phép trận, không đầu không đuôi, không sau không trước, bốn phương tám mặt, hồn thiên không biết đầu mối, vạn ngựa nghìn binh, san sát chẳng biết cửa ngõ. Đến khi giặc đánh chỗ nào thì lấy chỗ ấy làm đầu, mà tách ra trước sau tả hữu để đến cứu. Cho nên Binh pháp nói rằng “chỗ nào đụng là đầu”, chẳng rất đúng sao!
_______________________________________
1. Chính kỳ biến hóa: Biến hóa chính làm kỳ, kỳ làm chính.
2. Khởi phục hành chỉ: Dậy nấp, đi dừng.
3. Long-trung: Tên núi ở tỉnh Hồ-bắc, nơi Gia-cát Lượng ở ẩn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #205 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2009, 03:17:19 pm »


*
*   *

Trận thứ nhất: Thái cực bao hàm.
Trận thứ hai: Thái tố tam tài.
Trận thứ ba: Biến làm trận Thải thủy hồn nguyên


Hình 1-2. Trận thứ nhất và trận thứ hai: Thái cực bao hàm và Thái tố tam tài.



Hình 3. Trận thứ ba: Biến làm trận Thái thủy hồn nguyên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #206 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2009, 03:19:04 pm »


BÀN VỀ BA TRẬN TRÊN.

Ba trận trên là phép cổ do Hoảng đế chế, số quân có 5.800 người mà đại tướng ở giữa cầm quân cơ đã 1.000 người, còn 4.800 người chia làm 12 đội, mỗi đội có một tỳ tướng coi 400 người. Đấy là số quân. Nếu muốn bày trận thì trước bày trận Thái cực bao hàm, đại tướng ở giữa đánh một tiếng chiêng ba tiếng trống, trước bày trận ngũ hành, một hành làm một trận, mỗi đội 200 người. Xong rồi, lại đánh một tiếng chiêng, đội Địa bên tả cách đại tướng 30 bước mà đứng; đội Thiên bên hữu cách đại tướng 30 bước mà đứng. Xong rồi đại tướng lại đánh một tiếng chiêng, ngoài đội Địa bên tả là đội Nhật nối theo, ngoài đội Nhật là đội Dương nối theo, ngoài đội Dương là đội Phong nối theo, ngoài đội Phong là đội Xà nối theo, ngoài đội Xà là đội Phượng nối theo. Bên hữu, ngoài đội Thiên là đội Nguyệt nối theo, ngoài đội Nguyệt là đội Âm nối theo, ngoài đội Âm là đội Vân nối theo, ngoài đội Vân là đội Điểu nối theo, ngoài đội Điểu là đội Long nối theo. Thành hình chữ nhất (一). Nếu bên tả đội Phượng gặp giặc thì lấy đội Phượng làm chính, đội Xà làm kỳ, đội Phong tiếp chiến, đội Dương ứng cứu, đội Nhật làm chi bên tả, đội Địa làm cánh bên tả, để cùng giúp nhau. Bên hữu đội Long gặp giặc thì lấy đội Long làm chính, đội Điểu làm kỳ, đội Vân tiếp chiến, đội Âm cứu ứng, đội Nguyệt làm chi bên hữu, đội Thiên làm cánh bên hữu. Như thế thành trận thứ nhất Thái cực bao hàm.

Nếu muốn biến làm trận Thái tố tam tài thì đại tướng đánh một tiếng chiêng, thổi ba tiếng còi; đại tướng tiến lên bày trận ngũ hành mà đứng. Ở dưới thì hai đội Thiên Địa cách nhau 50 bước mà đứng. Bên tả, ngoài đội Địa thì đội Nhật đứng nối ngang theo để làm đáy trận. Bên hữu ngoài đội Thiên thì đội Nguyệt cũng đứng nối ngang để làm đáy trận. Xong rồi, đại tướng lại đánh một tiếng chiêng thì bên tả đội Dương đi chéo lên đứng vào bên ngoài đội Nhật, ngoài đội Dương, đội Phong cũng đi chéo lên đứng nối theo, ngoài đội Phong, đội Xà cũng đi chéo lên đứng nối theo, ngoài đội Xà đội Phượng cũng đi chéo lên đứng nối theo. Bên hữu đội Âm đi chéo lên đứng bên ngoài đội Nguyệt, ngoài đội Âm, đội Vân cũng đi chéo lên đứng nối theo, ngoài đội Vân, đội Điểu cũng đi chéo lên đứng nối theo, ngoài đội Điểu, đội Long cũng đi chéo lên đứng nối theo. Phép tiến lui, đánh đâm cũng giống trận trước. Đấy là trận thứ hai biến làm Thái tố tam tài.
 
Nếu muốn biến làm trận Thái thủy hồn nguyên thì đại tướng đánh một tiếng chiêng, thổi ba tiếng còi; đại tướng cũng ở giữa mà bày trận ngũ hành. Xong rồi lại đánh một tiếng chiêng thì đội Địa ở bên tả đi nhanh thẳng lên mà đứng ở trước trận, đội Thiên ở bên hữu lui xuống đứng ở sau trận. Đội Nhật bên tả đi chéo lên đứng ở bên tả đội Thiên, đội Nguyệt bên hữu cũng đi chéo lên đứng ở bên hữu đội Thiên, để làm mặt sau trận. Xong rồi đại tướng lại đánh một tiếng chiêng thì đội Dương bên tả đi nhanh lên đứng ở bên ngoài đội Nhật, đội Âm bên hữu cũng đi nhanh lên đứng ở bên ngoài đội Nguyệt, để làm ruột trận. Xong rồi, đại tướng lại đánh một tiếng chiêng thì đội Phong bên tả đi chéo lên đứng ở bên tả đội Địa, đội Vân bên hữu cũng đi chéo lên đứng ở bên hữu đội Địa, để làm mặt trước trận. Xong rồi, đại tướng lại đánh một tiếng chiêng thì đội Xà bên tả đi ngang ra nối vào bên trên đội Phong, đội Phượng cũng đi ngang ra nối vào bên dưới đội Nhật, đội Điểu bên hữu cũng đi ngang ra nối vào bên dưới đội Nguyệt, đột Long cũng đi ngang ra nối vào bên trên đội Vân, để làm du binh ứng tiếp. Như thế thì thành trận thứ ba Thái thủy hồn nguyên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #207 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2009, 03:20:56 pm »


Trận Tiên thiên Hà đồ đất hẹp nhất biến.
Trận Tiên thiên Hà đồ đất rộng nhị biến.


Hình 4. Trận Tiên thiên Hà đồ đất hẹp nhất biến.




Hình 5. Trận Tiên thiên Hà đồ đất rộng nhị biến.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #208 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2009, 03:24:12 pm »


BÀN VỀ HAI TRẬN TRÊN.

Tiên thiên Hà đồ là do con long mã mang đồ thư hiện ra trên sông. Phục Hy theo đấy mà vạch ra bát quái, Hoàng đế theo đấy mà chế ra trận pháp. Số quân có 7.600 người, đại tướng lĩnh 1.000 người, còn 6.600 người, trước lấy 5.000 người chia làm 9 đội1 làm số thiên địa. Trong 9 đội ấy quân nhiều ít không đều nhau là theo phép chẵn lẻ trước sau của trời đất. Lại lấy 1.600 người chia làm 8 đội bát quái, mỗi đội 200 người để phòng khi dùng đến. Phép này đại tướng đứng ở giữa, đánh năm tiếng chiêng một tiếng trống, trước bày quân làm trận ngũ hành. Xong rồi, lại đánh một tiếng chiêng một tiếng trống, cầm cờ Địa thập phất một cái thì đội Địa thập đằng trước đứng vào bên tả đại tướng, đội Địa thập đằng sau đứng vào bên hữu đại tướng. Lại thổi một hồi còi, cầm cờ Bát quái phất một cái thì các đội Bát quái đi thẳng lên chia làm hai dây, bên tả thì bốn đội Khôn Chấn Ly Đoài đứng ở bên ngoài đội Địa thập tiền, bên hữu thì bốn đội Cấn Khảm Tốn Càn đứng ở bên ngoài đội Địa thập hậu. Xong rồi, lại đánh một tiếng chiêng một tiếng trống, cầm cờ Thiên nhất phất một cái thì đội Thiên nhất tiến lên đứng vào bên tả các đội Khôn Chấn Ly Đoài, bên hữu thì đội Địa nhị cũng tiến lên đứng vào bên hữu các đội Cấn Khảm Tốn Càn. Xong rồi, lại đánh sáu tiếng chiêng bảy tiếng trống, cầm cờ Địa lục phất một cái thì đội Địa lục tiến lên đứng ngang bên tả đội Thiên nhất, bên hữu thì đội Thiên thất cũng tiến lên đứng ngang bên hữu đội Địa nhị. Xong rồi, lại đánh ba tiếng chiêng bốn tiếng trống, cầm cờ Thiên tam phất một cái thì đội Thiên tam tiến lên đứng ngang bên tả đội Địa lục, bên hữu đội Địa tứ cũng tiến lên đứng ngang bên hữu đội Thiên thất. Lại đánh tám tiếng chiêng, chín tiếng trống, cầm cờ Địa bát phất một cái thì đội Địa bát tiến lên đứng ngang bên tả đội Thiên tam, bên hữu thì đội Thiên cửu cũng tiến lên đứng ngang bên hữu đội Địa tứ. Như thế thì thành trận Tiên thiên Hà đồ đất hẹp nhất biến. Việc tiến lui đánh đâm chính kỳ ứng tiếp thì cũng giống như trận Thái cực trước, không cần nói nữa.

Nếu muốn biến làm trận Tiên thiên Hà đồ bát quái hỗ tàng đả bổ2, thì đại tướng đứng giữa đánh năm tiếng chiêng một tiếng trống, cũng tiến lên trước bày trận ngũ hành. Xong rồi, lại đánh mười tiếng chiêng mười tiếng trống, cầm cờ Địa thập phất lên, thì bên tả đội Địa thập tiền tiến lên đứng chắn ngang trước mặt đại tướng, bên hữu đội Địa thập hậu lùi xuống đứng chắn ngang sau lưng đại tướng. Xong rồi, lại thổi một hồi còi cầm cờ Bát quái phất lên, thì bên tả các đội Khôn Chấn Ly Đoài tiến lên đứng vào bên tả đại tướng, bên hữu các đội Cấn Khảm Tốn Càn tiến lên đứng vào bên hữu đại tướng. Xong rồi, lại đánh một tiếng chiêng hai tiếng trống, cầm cờ Thiên nhất phất lên, thì bên hữu đội Thiên nhất lui xuống đứng vào đằng sau đội Địa thập hậu, bên hữu đội Địa nhị cũng tiến lên đứng vào đứng trước đội Địa thập tiền. Xong rồi, lại đánh sáu tiếng chiêng bảy tiếng trống, cầm cờ Địa lục phất lên, thì bên tả đội Địa lục lui xuống đứng vào bên dưới đội Thiên nhất, bên hữu đội Thiên nhị cũng tiến lên đứng vào bên trên đội Địa tam. Xong rồi, lại đánh ba tiếng chiêng bốn tiếng trống, cầm cờ Thiên tam phất lên, thì bên tả đội Thiên tam tiến lên đứng vào bên ngoài các đội Khôn Chấn Ly Đoài, bên hữu đội Địa tứ cũng tiến lên đứng vào bên ngoài các đội Cấn Khảm Tốn Càn. Xong rồi, lại đánh tám tiếng chiêng chín tiếng trống, cầm cờ Địa bát phất lên, thì bên tả đội Địa bát tiến lên đứng vào bên ngoài đội Thiên tam, bên hữu đội Thiên cửu cũng tiến lên đứng vào bên ngoài đội Địa tứ. Như thế là phép âm dương xen nhau, che giấu lẫn nhau. Xong rồi, đại tướng lại thổi ba hồi còi, cầm cờ Bát quái phất lên, thì bên tả hai đội Khôn Chấn rẽ ngang xuống đứng vào góc đông-bắc, hai đội Ly Đoài cùng rẽ ngang lên đứng vào góc đông-nam, bên hữu hai đội Cấn Khảm rẽ ngang xuống đứng vào góc tây-bắc, hai đội Tốn Càn cũng rẽ ngang lên đứng vào góc tây-nam. Như thế thì thành phép Tiên thiên Hà đồ Bát quái hỗ tàng đả bổ.
_________________________________
1. 9 đội là: Thiên nhất, Địa nhị, Thiên tam, Địa tứ, Thiên thất, Địa lục, Thiên cửu, Địa bát và Địa thập. Còn Thiên ngũ là đại tướng, mà Địa thập lại chia hai làm Địa thập tiền, Địa thập hậu.
2. Hỗ tàng đả bổ: Che giấu lẫn nhau để đánh giặc và bắt giặc.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #209 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2009, 03:28:20 pm »


Trận chính Bát môn kim tỏa
Trận Bát môn kim tỏa nhị biến
Trận Bát môn kim tỏa tam biến
Trận Bát môn kim tỏa tứ biến


Hình 6. Trận chính Bát môn kim tỏa.



Hình 7. Trận Bát môn kim tỏa nhị biến.



Hình 8. Trận Bát môn kim tỏa tam biến.



Hình 9. Trận Bát môn kim tỏa tứ biến.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM