Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Năm, 2024, 04:04:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Huyền thoại Trường Sơn  (Đọc 99854 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2015, 03:49:29 am »

 
ĐỊA ĐIỂM ĐÓNG SỞ CHỈ HUY CƠ BẢN CỦA BỘ TƯ LỆNH TRƯỜNG SƠN SAU HIỆP ĐỊNH PARI VỂ VIỆT NAM.

        Sau khi Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (27/01/1973) cả nước và Bắc Quảng Trị không còn tiếng đạn, bom. Nhân dân ta từ nông thôn tới đô thị, từ hải đảo xa xôi tới vùng núi cao hồ hởi, mừng vui đón nhận cuộc sống thanh bình sau những năm dài chiến tranh tàn khốc.

        Tinh hình mới cho phép Bộ Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn chọn một vị trí đặt Sở Chỉ huy cơ bản - Đại bản doanh của Binh đoàn kề cận chiến trường, tiện cho việc chỉ huy, điều hành toàn tuyến Đông, Tây. Vị trí đó là Bến Tắt thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây là Sở Chỉ huy cơ bản của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đóng công khai trong giai đoạn cuối thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Sở Chỉ huy cơ bản ở Bến Tắt được đặt ở một vị trí cao, rộng; ngay bờ Nam sông Bến Hải. Địa hình, địa thế nơi đây đẹp, gần đường tiêu chuẩn - đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn. Các công trình của Sở Chỉ huy gồm: nhà làm việc, nhà Bộ Tư lệnh, nhà khách, nhà ở của chuyên gia Cu Ba1 làm đường.

        Nhà của Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh Trường Sơn ở noi đây được làm bằng gỗ, rất đẹp, thoáng mát, kiểu nhà sàn, giống nhà của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương.
Sở Chỉ huy ở Bến Tắt, có đường cấp phối đi ven theo bờ sông Bến Hải, nối thông với đường số 1 ở phía Nam cầu Hiền Lương; nối với đường tiêu chuẩn - đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn ở khu vực nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn; có sân bay trực thăng. Về đường thủy, dùng thuyền máy đi từ Sở Chỉ huy theo sông Bến Hải về huyện lỵ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

        Tại Sở chỉ huy Bến Tắt, Bộ Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn đã nhiều lần vinh dự được đón và làm việc với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào chỉ đạo tuyến chi viện chiến lược, chỉ đạo chiến trường giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.


Hầm chỉ huy của Bộ tư lệnh Trường Sơn

------------------
1. Nhóm chuyên gia Cu Ba sang giúp ta sử dụng thiết bị hiện dại (do Chủ tích Phi Đen Caxtơró gửi tặng Bộ đội Trường Sơn) rải nhựa 6 km đường tiêu chuẩn Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn, gần nghĩa trang, kéo dài đến Cam Lộ, nối với đường 9.
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Chín, 2015, 02:57:06 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2015, 02:37:40 am »

  
       SỰ TÍCH NGHĨA TRANG LIỆT SĨ TRƯỜNG SƠN


Toàn cảnh Đài Tổ quốc ghi công

       Trong quá trình xây dựng và vận hành nghĩa trang Quốc gia liệt sĩ Trường Sơn, có sự tích sau đây mang tính huyền thoại.

       -   Một là “Cây Bồ đề thiêng”.

       Cuối năm 1976, vào thời điểm chuẩn bị khánh thành nghĩa trang giai đoạn 1, phát hiện thấy một cây Bồ đề cao 0,80m, tự mọc ở phía mặt sau Đài tưởng niệm, tôi (Đồng Sỹ Nguyên) giao Ban Quản lý nghĩa trang đắp đất, rào lại; hàng năm cây Bồ đề lớn lên rất nhanh nên cho đắp đất thêm, xây tường vây quanh, trông coi cẩn thận. Năm 1999, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thiết kế để cải tạo, nâng cấp Đài tưởng niệm, tôi (Đồng Sỹ Nguyên) yêu cầu: bất luận trường hợp nào, thì cây Bồ đề vẫn phải được giữ gìn nguyên vẹn. Các nhà kiến trúc thiết kế việc cải tạo Đài tưởng niệm cũng rất đồng tình và ủng hộ yêu cầu này.

       Tiếng lành đồn xa về “Cây Bồ đề thiêng”, nên gần đây, các nhà tu hành đạo Phật đã đến cầu kinh ở Đài tưởng niệm và gốc “cây đề thiêng”.

       Quen gần gũi, tôn giữ cây Bồ đề, các nhà sư đều cho rằng đây là cây Bồ đề tự mọc đẹp kỳ lạ, hiếm thấy; cây lớn nhanh; thân có 3 cành phát triển đều nhau, nằm trung tâm phía sau Đài tưởng niệm, cành lá xum xuê, xanh tươi, thân cây vươn cao quá đỉnh Đài, “ôm” hẳn 3 cạnh của Đài, mà theo thiết kế cũ: 3 cạnh Đài là tượng trưng cho 3 miền: Bắc - Trung - Nam.

       Đây là một sự tích có tính huyền thoại, một phúc âm, một điềm lành của liệt sĩ an nghỉ nơi đây. Hàng ngày có hàng trăm gia đình liệt sĩ đến viếng, khách du lịch trong, ngoài nước đến tham quan, ai cũng muốn ngắt một lá cây Bồ đề thiêng cho vào túi để lấy phúc.

       Mong rằng mọi người cùng nhau giữ lấy cây Bồ đề thiêng, tài sản của liệt sĩ Trường Sơn an nghỉ nơi đây, đừng hái lá, bẻ cành ảnh hưởng tới sự phát triển tôn nghiêm của cây, để phúc đức của liệt sĩ Trường Sơn đời đời ban tặng cho chúng ta.

       -   Hai là, mạch nước ngẩm phun ở hồ nước:

       Theo quy hoạch, năm 1975 - 1976, bộ đội Trường Sơn đào hồ nước ở phía trước mặt Đài tưởng niệm để trữ nước mưa, tạo môi trường cảnh quan cho nghĩa trang. Ai cũng lo mùa hạn ở miền Trung, hồ sẽ khô kiệt nước. Bỗng nhiên, khi đào xuống gần 2 mét, tại một vị trí cách tường rào phía Tây của nghĩa trang về bên trong là 9 mét, thì gặp một mạch nước ngầm phun lên rất mạnh. Bộ Tư lệnh Trường Sơn quyết định cho đào hồ sâu hơn, rộng hơn. Từ đó đến nay, nước hồ lúc nào cũng nhiều; những năm hạn hán, vào mùa hạ, nước có cạn nhưng không bao giờ khô kiệt, trừ trường hợp tháo nước đi. Để ngắm cảnh, gần chỗ mạch nước ngầm, bộ đội Trường Sơn đã đắp một đảo nhỏ, có tượng một cô giao liên xinh xắn, duyên dáng. Ai qua đây cũng không quên ra đảo ngắm cảnh, ngắm tượng.


Hồ Sen - nơi có mạch nước ngầm

       Trong lần nâng cấp nghĩa trang từ ngày 19 tháng 5 năm 1999 đến cuối năm 2003, các nhà kiến trúc đánh giá đảo và tượng ở đây là hài hòa và đẹp, cần giữ nguyên. Đây lại là một phúc âm nữa của liệt sĩ Trường Sơn ban tặng. Mong du khách, đồng bào hăy gìn giữ vệ sinh, đảm bảo nước hồ luôn trong xanh, soi bóng hàng cây đa loại quanh hồ, tắm mát hương hồn liệt sĩ.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Chín, 2015, 04:46:26 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2015, 04:39:56 am »

 
        UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN:


Ban thờ Bác Hồ và chân hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn

        Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỉnh Quảng Trị và các tỉnh, thành trong cả nước nên nghĩa trang Quốc gia liệt sĩ Trường Sơn được chăm nom chu đáo; được liên tục cải tạo, nâng cấp. Sau đợt nâng cấp từ tháng 5 năm 1999 đến cuối năm 2003, nghĩa trang xứng đáng là một nghĩa trang liệt sĩ tầm cỡ Quốc gia - một di tích lịch sử - văn hóa độc đáo, tôn nghiêm, đậm đà bản sắc dân tộc, một danh lam thắng cảnh xanh mát, tĩnh lặng...

        Thay mặt mười vạn các binh chủng quân đội, 2 vạn thanh niên xung phong của chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trước đây, chúng tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước hương hồn của mười ngàn hai trăm sáu mươi ba (10.263) liệt sĩ đồng đội được nghìn thu an nghỉ tại nghĩa trang Quốc gia liệt sĩ Trường Sơn; và hàng vạn liệt sĩ Trường Sơn an nghỉ ở các nghĩa trang và nơi khác.

        Cùng với liệt sĩ cả nước, liệt sĩ bộ đội Trường Sơn đã nằm xuống vĩnh viễn để Tổ quốc Việt Nam, dân tộc Việt Nam mãi mãi ngẩng cao đầu cùng nhân loại. Tên tuổi của các liệt sĩ sống mãi cùng non sông, đất nước Việt Nam anh hùng.

        Thay mặt tất cả những người còn sống của các binh chủng quân đội, thanh niên xung phong, văn nghệ sĩ... thuộc Binh đoàn Trường Sơn cũ, chúng tôi rất cảm ơn Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỉnh Quảng Trị, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, huyện Gio Linh, xã Vĩnh Trường, các kiến trúc sư, cán bộ quản lý, công nhân đã tham gia cải tạo, nâng cấp nghĩa trang Quốc gia liệt sĩ Trường Sơn với tầm cỡ mới. Đồng thời, chúng tôi cũng rất cảm ơn các tỉnh, thành đã tham gia cải tạo, nâng cấp các biểu tượng của mình phù hợp, xinh đẹp, tôn nghiêm. Cảm ơn Ban Quản lý nghĩa trang tiếp tục quản lý một nghĩa trang Quốc gia với nội dung công việc mới hơn, nhiều hơn trước.

        Kính mong các gia đình liệt sĩ có người thân nằm tại nghĩa trang Quốc gia liệt sĩ Trường Sơn yên tâm.

        Kính chúc tất cả quý khách trong nước và nước ngoài đến thăm viếng, tham quan, du lịch được các liệt sĩ an nghỉ nơi đây phù hộ.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Chín, 2015, 04:55:05 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2015, 03:54:24 am »

 
HUYỀN THOẠI TRƯỜNG SƠN

(Lời bình trong phim “Huyền thoại Trường Sơn ” của Đài truyền hình Quảng Trị)        

        Trong lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc, Trường Sơn là thế tựa muôn đời, là hồn thiêng sông núi. Thế kỷ XX đã chứng kiến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ròng rã 20 năm. Trường Sơn lại viết nên thiên anh hùng ca bất tử. Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, gắn với con đường Hồ Chí Minh huyền thoại là lớp lớp các thế hệ bộ đội Trường Sơn đã chiến đấu và hy sinh cho đến thắng lợi cuối cùng và mùa xuân đại thắng năm 1975. Tên các chị, các anh đã trở thành tên đất nước. Máu xương các chị, các anh đã hóa tượng đài nơi vùng đất lửa - Nơi ấy, nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn thiêng liêng!

        30 năm qua, triệu triệu con người đã hành hương về đây - Những đoàn người nối nhau đi trong trầm mặc, trang nghiêm và xúc động. Vâng, có cuộc chiến tranh nào mà không mất mát, hy sinh; Có sự ra đi cuối cùng nào không thấm tận tâm hồn ta niềm thương nhớ! Nhưng dường như với Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, những điều đó nhân lên bội phần.

        Giữa một màu trắng mênh mang chừng như vô tận, từng tâm linh thanh xuân, trinh nguyên cứ dội về nghe thiêng liêng, tha thiết đến nao lòng. “Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa / Ai chưa đến đó như chưa rõ mình"... Triệu triệu con người đã về đây để được kính cẩn nghiêng mình và tri ân công lao vì sự trường tồn của dân tộc. Những người cha, người mẹ, người vợ, người chị, người anh về đây để tìm lại bóng dáng người thân ròng rã mấy mươi năm biền biệt không về. Những cựu binh hành hương về đây để thăm lại chiến trường xưa và thức dậy vùng ký ức Trường Sơn cùng đồng đội; Những thanh niên mười tám, đôi mươi nườm nượp về đây để ngưỡng vọng những con người quả cảm và biểu hiện thêm về giá trị của độc lập tự do mà thế hệ của họ chỉ được học qua trang sách thời bình. Và, rất nhiều, rất nhiều những cuộc hành hương nhón gót hòa âm trong tâm linh và hiện thực nơi này...

        Nhưng có lẽ cao hơn tất cả là đạo lý uống nước nhớ nguồn ngàn đời của dân tộc đang hiện hữu hàng ngày, hàng giờ giữa Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

        Sau Hiệp định Giơnevơ đất nước ta bị chia cắt 2 miền Nam - Bắc. Sông Bến Hải - Cầu Hiền Lương trở thành ranh giới tạm thời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc quyết chấp nhận gian khổ hy sinh, chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Để chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, Đảng ta quyết định tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự xuyên dọc Trường Sơn. Ngày 19 tháng 5 năm 1959 tuyến vận tải quân sự Trường Sơn được thành lập. Trọng trách nặng nề và vinh dự lớn lao này được giao phó cho cán bộ chiến sĩ Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn.
Những ngày đầu năm mới thành lập tại khu rừng Khe Hó, Bãi Hà, thượng tá Võ Bẩm, người đoàn trưởng đầu tiên của đoàn 559 vượt thượng nguồn sông Bến Hải dẫn 500 cán bộ chiến sĩ tiến vào Trường Sơn soi đường lập trạm. Quân đi tính từng người, hàng chuyển tính từng cân. Nhưng đó chính là sự khởi đầu cho một tuyến chi viện Trường Sơn - một “trận đồ bát quái” giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

        Cùng với sự phát triển lớn mạnh của chiến trường miền Nam, đoàn 559 bộ đội Trường Sơn cũng ngày càng lớn mạnh, trở thành một lực lượng tổng hợp hiệp đồng quân binh chủng qui mô lớn, có thời điểm lên tới 10 vạn bộ đội, hơn 1 vạn thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến. Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi hiểm nguy, mưu trí, sáng tạo trong soi đường mở lối, xây dựng một tuyến vận tải hoàn chỉnh với tổng chiều dài gần 17000 kilômét nối thông hậu phương miền Bắc với chiến trường miền Nam - Lào - Campuchia. Cả Trường Sơn ào ào ra trận, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Binh chủng nào, đơn vị nào cũng có những sự tích anh hùng, những chiến công huyền thoại; Con đường nào,trọng điểm nào cũng rực rỡ chiến công. Trong cuộc đọ sức giữa tinh thần, ý chí với vũ khí hiện đại; giặc Mỹ đã ném xuống tuyến đường Trường Sơn hơn 4 triệu tấn bom đạn và hàng triệu lít chất độc hóa học. Đường Trường Sơn trở thành cuộc chiến quyết liệt giữa chiến tranh ngăn chặn của địch với chiến tranh chống ngăn chặn của ta. Nhưng cuối cùng Mỹ đã không thể ngăn chặn nổi sức sống mãnh liệt và sự lớn mạnh của tuyến đường.

        Năm tháng sẽ qua đi, nhưng đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một con đường huyền thoại, một kỳ tích oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc.

        Đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình. Trong cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt kéo dài 6000 ngày đêm ấy, hom 2 vạn chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, văn nghệ sĩ đã vĩnh viễn nằm lại với đại ngàn Trường Sơn xanh thẳm, tuổi thanh xuân gửi lại chiến trường.

        Chiến tranh vừa kết thúc, với đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc và sự thôi thúc tự đáy lòng của cán bộ chiến sĩ Trường Sơn, một chốn an nghỉ ngàn thu được chính vị tư lệnh bộ đội Trường Sơn - Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên chọn trên đồi Bến Tắt, xã Vĩnh Trường, Gio Linh, Quảng Trị - Địa danh khởi đầu của huyền thoại Trường Sơn.



Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2015, 01:43:08 am »

        Trên diện tích 40 hecta với những dãy đồi núi trập trùng nơi đầu nguồn của sông Bến Hải, bên đường Hồ Chí Minh, một không gian vừa trữ tình vừa bi tráng với những giao cảm tâm linh giữa người mất - người còn.

        Từ cuối năm 1974 đầu năm 1975, nghĩa trang đã trở thành nơi trở về của hàng vạn liệt sĩ từ các chiến trường Đông - Tây Trường Sơn, từ đất nước Triệu Voi và quê hương Chùa Tháp. 10.327 hài cốt liệt sĩ lúc đó (và nay là 10.263 hài cốt liệt sĩ) nằm tại nghĩa trang Trường Sơn.

        Các chị, các anh là những người con ưu tú của vùng Đông Bắc, Tây Bắc, vùng Châu thổ Sông Hồng, Tây Nguyên, Khu Bốn, Khu Năm hay tận trời Nam Tổ quốc, về nằm kề bên nhau như thuở ở chiến trường. Thời gian trôi qua, cùng với sự đổi thay của quê hương đất nước, nghĩa trang liệt sĩ Trường sơn qua ba lần tôn tạo trùng tu nâng cấp, đã mang một khuôn mặt mới, ngang tầm với Nghĩa trang quốc gia. Và là một công trình tâm linh - văn hóa, một di tích lịch sử của chiến tranh cách mạng thế kỉ XX.

        Khu khánh tiết nằm trên ngọn đồi cao, là một quần thể các công trình hội tụ hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình của một vùng Kinh Bắc phong kín thời gian, ớ vị trí trung tâm, trên ngọn đồi cao lộng gió, nơi có cây Bồ Đề thiêng 30 năm tuổi, vươn cành tỏa bóng với những câu chuyện được truyền tụng như là một phúc âm nơi cõi vĩnh hằng, là thông điệp gửi đến mai sau, sừng sững một tượng đài ba mặt vút cao giữa không gian thoáng đãng; Ba mặt tượng đài vững chắc trong thế chân kiềng biểu trưng cho tình đoàn kết giữa ba nước Đông Dương cùng chiến hào chống Mỹ. Từ khu tưởng niệm nhìn ra phía trước là những dãy đồi có bình độ thấp hơn với mặt hồ nước rộng tạo một tầm nhìn hào phóng và lãng mạn. Sáu bức phù điêu được chạm khắc trên những phiến đá đẹp đã tái hiện những quân binh chủng bộ đội Trường Sơn và cảm ơn những người đã kiến tạo hình hài một chốn vĩnh hằng đẹp như tranh dành cho các anh hùng liệt sĩ.

        Trong cái tĩnh lặng thinh không của rừng núi, trong cái màu trắng bất tận kia, những chiến công bất tử của bộ đội Trường Sơn như hòa lẫn ngọt ngào cùng dòng sông, cây đa, bến nước, sân đình của một miền quê Việt Nam nào đó gần gũi, thân quen.

        Ngày tiễn con đi mẹ ra đến cổng làng mà mỏi mắt chờ mong tin từ chiến trường xa thẳm. Ngày chiến thắng, các anh nằm lại Trường Sơn, mẹ cũng hóa tượng đài.

        Đây khu I, những người con thân yêu của Thủ đô yêu dấu, của Bình Trị Thiên khói lửa và miền Nam thành đồng Tổ quốc. Sinh thành nơi 3 miền đất nước nhưng các chị các anh có chung một con đường ra trận - Đường Hồ Chí Minh. Các anh, các chị nằm lại với Trường Sơn nhưng mãi mãi chói ngời hình bóng Thăng Long ngàn năm văn hiến, thổn thức cùng nỗi nhọc nhằn miền đất của điểm tỳ vai nặng trĩu và bát ngát rừng dừa quê mẹ quê cha.

        Khu II, các anh các chị ra đi từ mái nhà lợp bằng gốc rạ, tường đất, cột tre của Hà Tây, Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định - Quê hương có núi Ba Vì, có trống đồng Ngọc Lũ, có tháp Cổ Lễ, ngày ở chiến trường tìm nhau trong nghĩa đồng hương. Các anh là bộ binh, công binh, lái xe hay thông tin liên lạc, lực lượng vận tải suốt 6000 ngày không nghỉ, chạy ngày chạy đêm, chạy sớm, chạy chiều; Không có kính rồi xe không có đèn, không có mui xe thùng xe có nước, xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước, chỉ cần trong xe có một trái tim.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2015, 04:31:12 am »

        Là phòng không quan trắc với danh hiệu đánh giỏi bắn trúng làm tan xác hơn 2400 máy bay giặc Mỹ. Là bộ binh gắn với chiến công đường 9 Nam Lào và truyền thống xung kích tiến công tiêu diệt địch giải phóng đất đai và mở rộng địa bàn hoạt động chiến lược.

        Các chị, các anh nằm lại ở khu III nghĩa trang này là con em ra đi từ quê hương 5 tấn Thái Bình, là Bắc Ninh, Bắc Giang ngọt ngào câu quan họ; Và Hải Dương, Hưng Yên trĩu nặng gánh Nhãn lồng. Nơi các chị, các anh yên nghỉ ngàn đời có đại ngàn Trường Sơn bất tận, có cô gái PaKô, Vân Kiều mang họ Bác, một thời cùng các chị, các anh tải đạn, chuyển thương tràn đầy hào khí một thuở Trường Sơn mở hội lập công.

        Đi theo tiếng gọi Trường Sơn, từ Thanh - Nghệ - Tĩnh mang trên mình hào khí Xô Viết, những chàng trai, cô gái tuổi thanh xuân nườm nượp ra đi, nườm nượp hành quân xuyên năm tháng, xông lên hòa chiến công cùng Hàm Rồng, Đồng Lộc và lớp lớp nằm lại bên nhau trên đồi Bến Tắt. Gần 1.300 liệt sĩ của Nghệ An và hàng trăm liệt sĩ của Thanh Hóa, Hà Tĩnh góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làm nên sự bất tử giữa đại ngàn Trường Sơn.

        Các chị là thanh niên xung phong, là dân công hỏa tuyến, 30 năm rồi mà nụ cười vẫn tươi nguyên như vừa gặp hôm qua bên một nhánh lan rừng và vạt đỏ nơi cung đường có bom nổ chậm. Những câu chuyện về Tổng đội thanh niên xung phong đường Trường Sơn đã đi vào thơ, vào nhạc với tất cả sự bi tráng của một cuộc chiến tranh; Có những người con gái tuổi thanh xuân chiến đấu anh dũng và nằm lại trên những nấm mồ khắc tên vào những cung đường ra trận.

                                       Tên con đường là tên em gửi lại
                                       Cái chết em xanh khoảng trời con gái
                                       Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em
                                       Gương mặt em bạn bè tôi không biết
                                       Nên mỗi người có gương mặt riêng em.

        Còn đây, những vùng đất nơi biên ải phía Bắc của Tổ quốc; Từ Lạng Sơn, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn, đến Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên - Vượt ngàn dặm thác ghềnh theo chiều dài đất nước, các chị các anh đến với Trường Sơn và hòa vào đoàn quân ra trân. Các chị các anh ra đi từ những mái nhà chênh vênh nơi miền sơn cước, chia tay những rừng cọ đồi chè mang trên mình truyền thống của vùng đất Tổ, của núi rừng Việt Bắc, của hào khí Điện Biên và rực đỏ màu phượng vĩ của thành phố Cảng rộn tiếng còi tàu, đến Trường Sơn để làm nên những huyền thoại.

                                       Trường Sơn xẻ dọc, dọc ngang
                                       Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng
                                       Trường Sơn vượt núi băng sông
                                       Xe đi trăm ngả chiến công bốn mùa.


        30 năm các chị, các anh yên nghỉ vĩnh hằng trên những cánh đồi Bến Tắt, hơn 10 nghìn hạt giống chưa về phù sa, các chị các anh nằm lại giữa lòng đất mẹ Quảng Trị nhọc nhằn mà thủy chung, thơm thảo, vẫn tượng đài cao vút giữa trời xanh, vẫn những hàng mộ chí trắng xóa lặng im, những tượng đồng vững chãi, nhưng dường như mỗi lần đên đây trong mỗi chúng ta như đang đến với sư đoàn, với Tổng đội TNXP, với một cung đường dân công hỏa tuyến của Trường Sơn đi đánh Mỹ. Phải chăng, huyền thoại Trường Sơn thường trực trong tiềm thức của mỗi người; Và những câu chuyện có thật nơi đây cắt nghĩa cho chúng ta niềm vinh quang và những mất mát, nỗi đau và hạnh phúc của một cuộc chiến thần kỳ của dân tộc ròng rã 20 năm...

        Chiến tranh đã lắng dần cùng trầm tích thời gian, Trường Sơn đã xanh lại những cánh rừng. Hoa lại nở trên đường xưa các chị, các anh ra trận. Đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa đang vươn bước rộng dài qua hai miền đất nước. Và, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn mãi mãi là một tượng đài bất tử, là nơi trở về của đạo lý, niềm kiêu hãnh giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

NGUYỀN LỘC       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2015, 04:40:37 am »

 




 
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2015, 04:25:22 am »

 
        NƠI HỒN THIÊNG

 
(Lời bình trong phim “Nơi hồn thiêng” của Đài truyền hình Việt Nam)        



        Con đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, không chỉ của các chiến sĩ Trường Sơn, mà là của đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Suốt chặng đường dài mấy chục năm trời, tất cả các miền quê, các họ tộc ở mọi vùng đất đều gửi những người con yêu quí lên Trường Sơn đi giải phóng miền Nam, vì sự nghiệp độc lập và thống nhất đất nước. Hàng vạn chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì nghĩa lớn. Vong hồn của các chị, các anh còn mãi mãi với non sông, đất nước.

        ... Bộ tư lệnh Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh có mật danh là Đoàn 559, lấy tên tháng, tên năm của ngày thành lập, sau khi Trung ương Đảng ra Nghị quyết 15 về giải phóng miền Nam. Trên các phương tiện thông tin đại chúng khi đó, người ta biết tới các chiến sĩ Trường Sơn với rất nhiều tên gọi: Đoàn vận tải quân sự Quang Trung, Đường dây Thống Nhất, Đường mòn Hồ Chí Minh... Tất cả đều chỉ một binh chủng hợp thành: Bộ đội vận tải cơ giới, bộ đội công binh, bộ đội thông tin, bộ đội pháo binh, hệ thống giao liên... Hàng triệu thanh niên - Phần tinh hoa nhất của dân tộc đã cống hiến tuổi trẻ, cống hiến cả thân xác mình cho Tổ quốc, non sông.

        Trên suốt chặng đường 16 năm để tới ngày 30 tháng 4 đại thắng, lớp lớp các chiến sĩ Trường Sơn đã vượt biết bao khó khăn gian khổ, biết bao người đã gánh chịu thương tật suốt đời, tất cả để chiến thắng.

        Chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Chiến tranh nhân dân trên đường Hồ Chí Minh được phát triển lên đến đỉnh cao, đã xây dựng lên một tuyến đường huyền thoại với công sức và cả xương máu của biết bao con người.

        Mỗi một dòng suối Trường Sơn, mỗi một ngọn núi trên Trường Sơn đều ghi tạc dáng hình của người chiến sĩ anh hùng.

        Ngay trong chiến tranh, tư lệnh mặt trận Trường Sơn, tướng Đồng Sĩ Nguyên và các cộng sự của ông đã nghĩ ngay đến việc qui tập hài cốt liệt sĩ trên dọc dài hai dải Đông Tây dãy núi, trên địa bàn ba nước Đông Dương và qui hoạch nghĩa trang tại đất Gio Linh của tỉnh Quảng Trị. Đó là mảnh đất địa đầu của miền Nam; Nơi trái tim của những người chiến sĩ ngưỡng vọng, nơi trú đóng của Đại bản doanh Trường Sơn, nơi mỗi thước đất, mỗi thước thiêng liêng của hồn dân tộc tụ về; không phải là ở đâu khác mà phải là Quảng Trị, bởi đấy là đất trung chuyển cả đoàn quân của giai cấp vô sản, chống những chiếc gậy tre và mang tên lửa, xe tăng đi giải phóng quê hương...

        Bến Tắt - Cái tên quê, tên suối, tên cầu thật nôm na, đã trở thành địa chỉ của thân nhân trên một vạn gia đình Việt Nam. Bến Tắt đã trở thành bến thương của mỗi người dân, mỗi người chiến sĩ.

        Xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là nhiệm vụ không chỉ của bộ đội Trường Sơn mà còn là của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cùng chung một ước nguyện xây tòa đài tưởng nhớ công lao trời biển của các liệt sĩ đã hiến dâng đời mình cho độc lập tự do của đất nước.

        Những người chiến sĩ công binh có thể đào sông, lấp biển, nhưng công trình Nghĩa trang còn sâu hơn sông, cao hơn núi, bởi những người nằm lại đây là xương cốt Việt Nam, linh hồn Việt Nam, là bạn bè, đồng đội gắn bó bao ngày với bao kỷ niệm không thể nào quên.

        Bộ tư lệnh Trường Sơn ngày trước, Binh đoàn 12 ngày nay là đơn vị thừa kế của Trường Sơn, được sự giúp đỡ của Bộ Lao động Thương binh Xã hội, của các bộ ngành, các địa phương, của tỉnh Quảng Trị, quyết tâm xây dựng Nghĩa Trang Trường Sơn xứng đáng là Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia.

        Một trong những công việc mà các đơn vị thuộc Binh đoàn 12 hết sức quan tâm là việc chăm sóc phần mộ các liệt sĩ. Binh đoàn 12 đã tái thiết nghĩa trang đồi AI Điện Biên Phủ, Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo và nhiều nghĩa trang khác, thì ở đây Đoàn 384 - Một đơn vị của Binh đoàn - cũng coi việc chăm sóc phần mộ liệt sĩ là lương tâm, trách nhiệm của chính mình. Cùng với Nghĩa trang Hàng Dương, nghĩa trang đồi AI Điện Biên Phủ và các nghĩa trang khác mà tỉnh nào, huyện nào cũng có, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là một cột hương, một cột lửa lớn, mãi mãi ghi ơn những người con đã hy sinh cho công cuộc giải phóng non sông đất nước.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2015, 06:59:40 am »

 


        Các anh, các chị nằm đây, hơn 10 nghìn người con từ khắp các miền quê. Họ ra đi từ những mảnh sân khác nhau, những mảnh vườn khác nhau, góc phố khác nhau, nhưng đều từ cội nguồn của truyền thống dân tộc, truyền thống cách mạng. Những đồng đội đang sống hôm nay phải cố gắng làm sao cho nơi các anh chị nằm là mảnh đất yên hàn, thiêng liêng. Mỗi một nắm đất, một nhành cây đều an ủi vỗ về những người đã khuất. Tất cả các chị, các anh đã ngã xuống trên Trường Sơn đều đáng được dựng tượng để con cháu mãi mãi về sau ngưỡng vọng.

        Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn đâu phải chỉ của bộ đội Trường Sơn mà của mọi quê hương trên đất nước chúng ta. Mỗi tỉnh, mỗi thành phố, mỗi địa phương đã về chăm chút cho các anh, các chị, những người đã hy sinh cho cuộc sống hôm nay.

        Biết ơn vô cùng những người con yêu dấu của mọi miền quê đã hy sinh cho chiến thắng, mãi mãi gắn bó với con đường Hồ Chí Minh hôm nay, con đường nối liền Nam - Bắc một dải non sông, con đường của tương lai giàu có của Tổ quốc, con đường đi trong lòng người, nhập vào đời sống tình cảm của cả dân tộc, âm thầm và khiêm tốn như biết bao chiến sĩ đã yên nghỉ ngàn đời trên nghĩa trang Trường Sơn thiêng liêng, hùng vĩ.

        Con đường Trường Sơn của ngày hôm nay là con đường của tình hữu nghị, con đường không biên giới, nối liền tình cảm Việt Nam với bạn bè trên thế giới. Anh linh của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc mãi mãi là sức mạnh thiêng liêng trong trái tim của những người đang sống.

        Có những việc đời giải nghĩa được, mà cũng có những việc đời không giải nghĩa được. Tại sao giữa mảnh đất Gio Linh khô hạn lại có nguồn nước tự phun? Tại sao ngay sau tượng đài lại mọc một cây Bồ Đề của Đức phật? Hay nơi đây là hồn thiêng của sông núi tụ về mà nước trời, cây đời cùng tôn vinh vong hồn bao nghĩa sĩ?

        Mỗi năm cứ đến ngày sinh nhật Bác, cũng là ngày thành lập bộ đội Trường Sơn, truyền thống oanh liệt của kỳ tích đường Hồ Chí Minh lại được ôn lại như một cuộc chạy tiếp sức không bao giờ mệt mỏi.

        Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nơi phụng thờ của nhân dân cả nước, những người chiến sĩ Trường Sơn ngày ấy và bây giờ lại đến với các anh, các chị - những linh hồn đời đời bất diệt, những anh hùng đời đời ghi nhớ công ơn. Những năm tháng này, họ đang đi xây dựng tuyến đường xuyên Việt - xa lộ Bắc Nam mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh ngàn lần kính yêu, là họ chấp hành mệnh lệnh của các anh, các chị thực hiện những ước mơ của các anh, các chị ngày nào.

        Xin vong hồn của các anh, các chị chứng giám cho tâm nguyện của những người lính Trường Sơn hôm nay là sẽ làm con đường cho tốt nhất, đẹp nhất bằng tất cả những gì có được. Họ luôn tự thấy sẽ phải đem lại mọi điều tốt lành cho hôm nay và tương lai, vì một đất nước Việt Nam thống nhất trọn vẹn và sự tồn tại của cả một dân tộc mà các anh, các chị đã chiến đấu và hy sinh. Những người lính của Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Son nguyện xây dựng con đường cho đất nước phồn vinh, con đường mới sánh cùng bè bạn năm Châu.

        Người Phương Đông mình thường nói: “Sống gửi thác về”. Người đã khuất bất kể là tướng lĩnh hay một chiến sĩ bình thường đều quí trọng như nhau. Nhưng ở đây vẫn phải ơn vị tư lệnh Trường Sơn. Tâm hồn ông luôn nức nở vì những người chiến sĩ đã ngã xuống; tâm hồn ông cũng là tâm hồn của bao người dân, bao người chiến sĩ ở mọi miền quê không ngày nào, đêm nào là không nhớ tới người đã khuất. Ây cũng là tấm lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với quá khứ hào hùng.

        Thời gian rồi trôi đi, nhiều việc đời có thể rơi vào lãng quên. Nhưng quên sao được bạn bè, quên sao được đồng đội, quên sao được những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên con đường mang tên Bác Hồ kính yêu!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2015, 02:18:04 am »


 DƯÓI TÁN CÂY BỒ ĐỀ



Cây bồ đề bên đài tường niệm ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn

       Chuyện cây bồ đề mọc cao lớn, tốt tươi phía sau tượng đài Tổ quốc ghi công ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, tôi nghe anh em quản trang kể lại như là một sự lạ. Cây bồ đề ấy, không ai trồng, không ai chăm, tự nhiên mọc lên, vùn vụt trở thành đại thụ, chỉ sau 25 năm vòng thân đã lớn gần bốn mét, đỉnh cây vượt trên đỉnh tượng đài và tán xanh ken dày lá phủ che một vùng đất rộng lớn phía sau.

        Cũng xin được nói rằng: con số thời gian 25 năm tôi viết vào đây chỉ là sự ước lệ, nó chỉ mang ý nghĩa gợi nhắc lại một cái mốc lịch sử thắm đỏ của đất nước: đại thắng mùa xuân năm 1975, cũng là thời điểm linh thiêng ở nơi thượng nguồn sông Bến Hải, chúng ta khởi công xây dựng Cõi vĩnh hằng cho 10.327 liệt sĩ. Lúc hình thành, nghĩa trang có 10.327 mộ liệt sỹ. Sau thân nhân các liệt sỹ xin đưa hài cốt về quê nên con số ổn định đến nay là 10.263 mộ những người đã từng sống, chiến đấu và hy sinh anh dũng trên tuyến đường Trường Sơn ác liệt. Những người lính bất tử ấy đã cùng đồng đội gánh chịu 7.526.700 quả bom của giặc Mỹ ném xuống núi rừng và từ đôi bàn tay rướm máu sần chai của họ, 16.000 km đường chiến lược đã được mở ngang dọc Trường Sơn...

        Tuổi của cây bồ đề ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn chính xác là bao nhiêu không ai biết được. Hỏi trưởng ban quản trang Hồ Tất Ái, phó ban Nguyễn Văn Anh các anh đều lắc đầu trả lời: “Không rõ”. Hỏi Đoàn Thị Hồng, vốn là nữ chiến sĩ của bộ đội 559, đã có hơn 10 năm chăm sóc, hương khói cho anh em đồng đội mình, chị cũng trả lời: “Thiệt lạ các anh ạ, cây bồ đề này không ai trồng cả, tự nhiên mọc lên. Cây mọc lên tự bao giờ anh chị em chúng tôi cũng không biết”. Cả khu nghĩa trang rộng lớn chỉ có duy nhất cây bồ đề này. Còn lại là thông, phượng. Lá thông xanh ngằn ngặt vi vút bốn mùa, hoa phượng cháy đỏ một miền trời khi mùa hạ đến. Cây bồ đề đứng phía sau tượng đài chính, song song với khối bê tông cách điệu hình ngọn núi Trường Sơn - hình tháp lửa - cây súng, dẫu không gắn lên đó bốn chữ vàng Tổ quốc ghi công tôi vẫn cứ rưng rưnghình dung nó cũng vẫn là một tượng đài. Cái tượng đài ngùn ngụt tươi xanh đã được cắm rễ vào đất Mẹ, vươn thẳng lên trời như chính sự liên thông hài hòa của hai cõi, như là nơi trú ẩn, chở che an ủi cho những giọt nước mắt đớn đau và sau cùng chính là thông điệp của hàng vạn người con ưu tú của Tổ quốc ra đi gửi lại cuộc đời.

        Hình như đang có một sự tồn tại huyền diệu nào đó của những người đã khuất ở nghĩa trang nằm bên thượng nguồn sông Bến Hải này. Cách đây mấy năm khi đọc bài bút ký Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn của nhà thơ Lê Đình Cánh tôi cứ bị ám ảnh mãi cái chi tiết: có những buổi sớm mù sương, anh chị em xây dựng nghĩa trang nghe tiếng bộ đội hô tập thể dục. Tiếng hô một hai ba bốn chìm nổi, mờ tỏ trong gió núi. Đến viếng nghĩa trang lần này, chúng   tôi lại được nghe    anh   Nguyễn Văn Thí, chị Đoàn Thị Hồng kể thêm một số chuyện lạ khác. Có một người vợ từ Bắc Ninh vào xin được đưa hài cốt chồng về quê, Ban quản trang sắp xếp cho chị nghỉ lại trong một căn phòng của nhà tiếp đón thân nhân liệt sĩ. Thật là lạ, khi chị bước vào phòng thì có một con chim nhỏ lông màu đá núi bay qua cửa sổ và đậu xuống đầu giường chị ngồi. Hai ngày chị ở đây, con chim lạ ấy cứ quanh quẩn trong phòng, hết đậu trên giường lại bay lên đứng ở cửa sổ, thỉnh thoảng lại kêu lên “tuýt tuýt” như tiếng còi của đồ chơi trẻ con. Mấy lần chị thử xua đuổi, con chim vẫn không chịu bay đi. Chị òa khóc, chắp tay trước ngực vái: “Có phải là anh, thì cứ ở lại với em. Lo làm lụng nuôi con, bây giờ em mới đến thăm anh được. Mai, em xin phép đưa anh về quê rồi mẹ con em sẽ được gần anh, anh ạ!”. Trưa hôm sau, chị mang chiếc ba lô con cóc (chắc là kỷ vật của anh được đơn vị gửi về nhà), đựng hài cốt chồng trở ra Bắc. Trong căn phòng chị tạm trú, con chim cũng bay đi, từ đó đến nay chưa bao giờ thấy xuất hiện trở lại.

        Nằm cạnh tượng đài Tổ quốc ghi công, bên phải là khu mộ liệt sĩ vô danh, có 68 ngôi mộ chưa xác định rõ tên tuổi của liệt sĩ. Mấy lần trước đến đây, tôi chưa thấy ngôi mộ nào được gắn bia, khắc tên tuổi, quê quán người hy sinh. Lần này thì khác, tôi đếm kỹ: 12 ngôi mộ đã có tên tuổi của người mất. Tôi ngồi xuống, thành kính thắp hương, mắt như bị hút vào những dòng tên đồng đội khắc trên từng tấm bia đá mới gắn vào. Nằm ở giữa những ngôi mộ này là một ngôi mộ được gắn hai tấm bia. Tấm bia đứng ở đầu mộ ghi: “Liệt sĩ Lê Minh Cống - Quê: Hiền Dũng, Vĩnh Hòa, Vĩnh Linh, Quảng Trị - Sinh năm 1939 - Nhập ngũ: 26-5-65 - Cấp bậc: Hạ sĩ - y tá - Hy sinh 14-9-1967 (DL) tại mặt trận phía Nam - Vợ con phụng lập” Tấm bia đặt nằm trên mặt vỏ mộ ghi: “Liệt sĩ Ngô Trọng Định - Sinh năm 1941 - Nhập ngũ: 4 - 1963 - Quê: Hiệp Lục, An Khê, Quỳnh Phụ, Thái Bình”.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Chín, 2015, 02:24:38 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM