Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 02 Tháng Sáu, 2024, 12:44:40 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: The Last Battle - Trận chiến cuối cùng  (Đọc 99050 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #30 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2016, 08:39:22 am »

        Roosevelt không nghĩ vậy. Ông thấy rằng nếu Đức quốc xã của Hitler hoàn toàn sụp đổ thì Mỹ phải đưa quân vào Đức càng nhiều càng tốt, và ông cho là có thể đưa một phần quân vào Đức “thông qua Scotland” – từ đó vào Đức từ phía bắc. Chính vì điểm này mà ông chắc chắn là các phe trong Đồng minh sẽ đua nhau giành lấy Berlin; trong trường hợp đó, các sư đoàn Mỹ phải đến được đó “sớm nhất có thể.” Harry Hopkins, cố vấn và đồng thời là tâm phúc của Roosevelt, đang có mặt trên tàu Iowa, cũng có cùng cảm giác cấp bách như thế: ông nghĩ rằng Mỹ cần “sẵn sàng đưa một sư đoàn dù đến Berlin trong vòng hai giờ sau khi sụp đổ xảy ra.”

        Hết lần này tới lần khác, các cố vấn quân sự của ngài Tổng thống cố nhấn mạnh với ông tầm nghiêm trọng của việc một thay đổi trong kế hoạch Rankin C sẽ dẫn tới hậu quả gì. Roosevelt vẫn cương quyết.

       Cuối cùng, ông kéo một tấm bản đồ nước Đức của National Geographic đang đặt trên bàn về phía mình và bắt đầu vẽ. Đầu tiên, ông vẽ một đường cắt qua biên giới phía tây nước Đức tới Düsseldorf và xuôi về phía nam sông Rhine tới Mainz. Từ đó, bằng một nét đậm, ông cắt nước Đức ra làm đôi dọc theo vĩ tuyến 50, đại khái từ Mainz ở miền tây chạy về phía đông tới thị trấn Asch nằm bên biên giới với Tiệp. Rồi ngòi bút của ông chạy về phía đông bắc tới Stettin nằm bên sông Oder. Mỹ sẽ có vùng nằm trên đường này, Anh có vùng bên dưới.

       Nhưng theo như Roosevelt phác thảo, ranh giới phía Đông của khu vực của Mỹ và Anh sẽ tạo thành một cái nêm. Đỉnh của nó nằm ở Leipzig; từ đó nó chạy theo hướng đông bắc tới Stettin và về phía đông nam tới Asch.

        Ngài Tổng thống không nói ra, nhưng cái tam giác nông này rõ ràng là khu vực dành cho Liên Xô. Nó không bằng một nửa khu vực chia cho Nga như trong kế hoạch Rankin C đề xuất. Berlin cũng không còn nằm trong phần lãnh địa mà ông để lại cho Nga nữa. Nó nằm trên đường ranh giới giữa khu của Nga và Mỹ. Tướng Marshall hiểu rằng ngài Tổng thống định để quân Anh, Mỹ và Liên Xô đồng chiếm giữ Berlin.

        Tấm bản đồ cho thấy những gì có trong đầu ngài Tổng thống, không lầm đi đâu được. Ngài Tổng thống nói với các tướng lĩnh quân sự cấp cao của mình rằng, nếu quân Mỹ lấy phần phía nam như lời đề nghị của COSSAC theo kế hoạch Rankin, thì “người Anh sẽ xen vào mọi bước đi của chúng ta.” Roosevelt nói, rõ ràng là “các suy tính chính trị của Anh đứng đằng sau những điều khoản này.”Cuộc thảo luận chấm dứt mà không có quyết định rõ ràng nào, nhưng Roosevelt khiến các tướng lĩnh quân sự cấp cao của ông không còn chút nghi ngờ gì về việc ông muốn gì.

       Để Mỹ chiếm đóng như cách Roosevelt vạch ra có nghĩa là cần đóng một triệu quân ở châu Âu “trong ít nhất một hoặc hai năm.” Kế hoạch hậu chiến của ông cũng tương tự cái cách Mỹ đến với cuộc chiến – dốc toàn lực nhưng với thời gian và sự dính dáng tối thiểu vào các vấn đề của châu Âu. Ông đã đoán trước sẽ có một cuộc đột phá thành công và nhanh chóng vào vùng trung tâm của địch – “một cuộc xâm lược nước Đức bằng đường sắt mà không cần chiến đấu gì nhiều” – quân Mỹ sẽ  lao theo cuộc tấn công này vào vùng tây bắc và từ đó tới Berlin. Hơn hết thảy, ngài Tổng thống Mỹ quyết tâm có được Berlin (*).


                                       * * * * * * * * * 


       Đó được xem là kế hoạch cụ thể đầu tiên của Mỹ với nước Đức. Chỉ có một rắc rối duy nhất. Roosevelt, thường bị chỉ trích vì cướp việc của Ngoại trưởng của mình, không hề nói gì về quan điểm của ông với ai khác ngoài mấy tướng lĩnh quân sự cấp cao của mình. Họ đã bỏ quên kế hoạch đó gần bốn tháng.
 
       Sau cuộc họp trên tàu Iowa, Đại tướng Marshall đưa tấm bản đồ của Roosevelt – bằng chứng hữu hình của tư duy điều hành về việc chiếm đóng nước Đức – cho Thiếu tướng Thomas T. Handy, Cục trưởng Cục Hành quân, Bộ Chiến tranh. Khi tướng Handy quay lại Washington, tấm bản đồ được lưu trữ trong đống hồ sơ tối mật của Cục Hành quân. Sau này ông nhớ lại, “Theo tôi biết, chúng tôi chưa bao giờ nhận được chỉ thị nào bảo chuyển nó cho bất kỳ ai ở Bộ Ngoại giao.”

          Việc các cố vấn quân sự của Roosevelt xếp xó kế hoạch của chính ông chỉ là một trong chuỗi đánh giá sai lầm kỳ quặc và đắt giá đã xảy ra trong giới quan chức Mỹ trong khoảng thời gian sau cuộc họp trên tàu Iowa. Những sai lầm này có ảnh hưởng sâu sắc đến tương lai của Berlin và nước Đức.

         Ngày 29/11, Roosevelt, Churchill và Stalin gặp nhau lần đầu tại Hội nghị Teheran. Trong cuộc họp này, ba ông lớn đã chỉ định các đại diện ngồi vào Ủy ban Cố vấn châu Âu (EAC) tại London đầy quan trọng – cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo các điều khoản đầu hàng cho Đức, định ra các vùng chiếm đóng, và lập kế hoạch điều hành đất nước cho phe Đồng minh.

       Anh chỉ định bạn thân của Anthony Eden, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Sir William Strang vào EAC. Nga chọn một tay thương lượng cứng đầu, nổi tiếng về tính ngoan cố - Fedor T. Gusev, Đại sứ Liên Xô tại Vương quốc Anh. Roosevelt bổ nhiệm phái viên của mình trong Điện St. James, John G. Winant, một người tận tụy nhưng thường nhút nhát và không có tài ăn nói. Winant chưa bao giờ được chỉ dẫn tường tận về công việc mới của ông, cũng không được cho biết các mục tiêu tại Đức của ngài Tổng thống.

.........................................

     (*): Lời miêu tả các sự kiện trên tàu Iowa đến từ biên bản viết tay do Đại tướng George C. Marshall viết. Bản ghi nhớ thực sự không chứa các trích dẫn trực tiếp, chỉ ghi lại các điểm chính của cuộc họp. Tôi đã trực tiếp trích dẫn lời ngài Tổng thống và những người khác ở những chỗ có nói rõ là họ đã nói thế.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #31 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2016, 09:29:21 am »

       
      Tuy vậy, cơ hội để vị Đại sứ biết được mình phải tán thành chính sách gì tại EAC nhanh chóng xuất hiện – nhưng rồi lại mất đi. Tại Hội nghị Cairo (Roosevelt, Churchill, Chiang Kai-shek) từ ngày 22-26/11; cuộc họp tại Teheran (Roosevelt, Churchill, Stalin) bắt đầu ngày 28/11 và kéo dài đến ngày 1/12; sau cuộc họp tại Teheran, Roosevelt và Churchill gặp nhau lần nữa ở Cairo vào ngày 4/12. Đêm đó, trong một bữa ăn tối kéo dài với Churchill, Eden và Tham mưu trưởng của Tổng thống, Thủy sư Đô đốc William D. Leahy, một lần nữa Roosevelt lại bày tỏ sự phản đối kế hoạch Rankin C.

       Ông nói với những người Anh – hình như là không tiết lộ nội dung tấm bản đồ của mình hay những điều ông đã sửa lại – rằng ông thấy Mỹ nên có vùng tây bắc nước Đức. Churchill và Eden mạnh mẽ phản đối lời đề xuất đó, nhưng vấn đề được giao cho Hội đồng Tham mưu trưởng Anh-Mỹ nghiên cứu. Đến lượt mình, Hội đồng lại đề nghị để cho COSSAC, tướng Morgan xem xét khả năng sửa lại kế hoạch Rankin C.

       Dù là một đại biểu tại Cairo, Winant lại không được mời tới bữa gặp mặt ăn tối này và dường như không bao giờ được cho biết về những vấn đề được thảo luận hôm đó. Khi Roosevelt quay về nhà, Winant bay về London để tham gia cuộc họp đầu tiên của EAC, chỉ biết áng chừng về ý muốn thật sự của ngài Tổng thống và ban lãnh đạo.

       Mỉa mai thay, cách Đại sứ quán Hoa Kỳ tại London có vài dặm, tại Điện Norfolk ở Quảng trường St. James, có một người biết rất rõ Tổng thống Roosevelt muốn gì. Trung tướng Sir Frederick Morgan, sửng sốt trước mệnh lệnh mới yêu cầu ông kiểm tra lại bản kế hoạch Rankin C của mình trên quan điểm hoán đổi khu vực của Anh và Mỹ, bắt ban tham mưu khốn khổ của ông phải làm việc ngay lập tức. Ông nhanh chóng kết luận rằng đây là chuyện không tưởng – ít nhất là cho tới khi Đức bại trận. Ông báo cáo lại với thượng cấp – và sau này ông nhớ lại, “thế là chấm dứt vấn đề” mà ông đã lo lắng.



                                        * * * * * * * * *



         Trong khi đó, các tướng lĩnh quân sự của Mỹ, dù phản đối rằng họ không muốn dính líu vào chính trị, thực tế lại thành người quyết định chính sách hậu chiến của Mỹ tại châu Âu. Với họ, việc phân chia và chiếm đóng nước Đức là các vấn đề quân sự thuần túy, cần được Vụ Dân sự của Bộ Chiến tranh giải quyết. Kết quả không tránh khỏi là Bộ Chiến tranh mâu thuẫn với Bộ Ngoại giao về vấn đề nước Đức. Điều này làm dấy lên một cuộc chiến, và trong quá trình đó, mọi hi vọng đạt được một chính sách nhất quán, chặt chẽ cho Mỹ về vấn đề này đều bị dập tắt và không thể cứu vãn.

       Đầu tiên, ai cũng thấy rõ là cần làm gì đó để để chỉ đạo ngài Đại sứ Winant trong cuộc thương lượng với EAC tại London. Để hợp nhất các quan điểm mâu thuẫn nhau của Mỹ, một nhóm đặc biệt gọi là Ủy ban Hoạt động An ninh được thành lập tại Washington vào đầu tháng 12/1943, với các đại diện đến từ Bộ Ngoại giao, Bộ Chiến tranh và Bộ Hải quân. Các đại diện của Bộ Chiến tranh, là các quan chức thuộc Vụ Dân sự, thực ra ban đầu đã từ chối không ngồi vào ủy ban – hoặc là, không công nhận sự cần thiết của EAC.

        Các sĩ quan lục quân này kiên trì ý kiến là toàn bộ chuyện nước Đức đầu hàng và bị chiếm đóng đơn thuần là một vấn đề quân sự và sẽ được Hội đồng Tham mưu trưởng Anh-Mỹ quyết định vào thời điểm thích hợp, và “ở một mức độ quân sự.” Vì tình cảnh lố bịch này mà các thủ tục bị trì hoãn hai tuần. Trong khi đó, Winant ngồi ở London mà chẳng được chỉ dẫn gì.

        Cuối cùng, mấy vị quân nhân đồng ý tham gia các cuộc họp và ủy ban bắt đầu sắp xếp làm việc – nhưng chẳng đạt được mấy. Mỗi nhóm trong ủy ban phải giải thích rõ các đề xuất cho thượng cấp trong bộ của mình trước khi đánh điện cho Winant ở London. Tệ hơn, lãnh đạo mỗi bộ có thể phủ quyết một chỉ thị được đề xuất ra – một đặc quyền mà Bộ Chiến tranh sử dụng rất nhiều lần.

       Sau này, Quyền Chủ tịch Ủy ban, Giáo sư Phillip E. Mosely của Bộ Ngoại giao, người sẽ là Cố vấn Chính trị của Đại sứ Winant, bình luận rằng các sĩ quan trong Vụ Dân sự “đã được nghiêm khắc chỉ thị không được đồng ý chuyện gì, hoặc gần như thế, mà chỉ có thể báo cáo lại tình hình thảo luận cho cấp trên của họ. Hệ thống đàm phán độc lập, với các chỉ đạo cứng nhắc và việc thực hiện quyền phủ quyết này giống với quy trình của các nhà đàm phán Liên Xô, dù Liên Xô có thể thức cứng nhắc hơn.”

        Nguyên tháng 12/1943, tình trạng tranh cãi tiếp diễn. Theo ý kiến của quân đội, các vùng chiếm đóng có thể được xác định ít nhiều dựa trên vị trí sau cùng của các đoàn quân khi ký kết hiệp ước đầu hàng. Dưới tình huống đó, các đại diện của quân đội thấy việc cho phép Winant đàm phán bất cứ thỏa thuận nào về vùng chiếm đóng với EAC là thiếu khôn ngoan.

       Các quân nhân ngoan cố tới mức họ thậm chí còn bác bỏ một kế hoạch của Bộ Ngoại giao, dù khá tương tự với kế hoạch của Anh – nó cũng chia Đức thành ba phần bằng nhau – nhưng có một điểm thêm vào khá quan trọng: một hành lang nối Berlin, nằm sâu trong vùng chiếm đóng của Liên Xô với vùng của phương Tây. Tác giả của hành lang này là Giáo sư Mosely. Sau này ông giải thích, ông nghĩ Liên Xô sẽ phản đối nhưng ông nhấn mạnh ở phần kết luận là “Tôi tin rằng nếu kế hoạch được trình bày trước tiên với sự kiên quyết mạnh mẽ, nó có thể cân nhắc khi Liên Xô bắt đầu trình bày đề xuất của họ.” Ông dám chắc, “Điều khoản này phải được thực hiện để có thể trực tiếp và tự do tiếp cận Berlin về mặt lãnh thổ từ phía Tây.”

        Kế hoạch của Bộ Ngoại giao được đưa tới Vụ Dân sự thuộc Bộ Chiến tranh để nghiên cứu trước cuộc họp toàn  ủy ban. Nó bị đình trệ một thời gian. Cuối cùng, giáo sư Mosely đến gặp mấy quan chức của Vụ Dân sự và tìm vị đại tá có thẩm quyền với vấn đề này. Ông hỏi viên sĩ quan này là ông ta đã nhận được kế hoạch chưa. Vị đại tá mở ngăn kéo dưới cùng của bàn làm việc và nói, “Chắc là nó cũng nằm trong đây.” Kế hoạch này chưa từng được gửi đến chỗ Winant.

       Tại London, EAC gặp không chính thức lần đầu vào ngày 15/12/1943, và với Đại sứ Winant, có vẻ như buổi họp chỉ thương lượng về các quy định và thủ tục. Ông vẫn chưa nhận được chỉ đạo chính thức. Từ nguồn tin của Anh, ông được biết một cách không chính thức về bản kế hoạch đã làm Roosevelt phiền lòng, nhưng ông không biết đó là kế hoạch Rankin C của tướng Morgan: ông chỉ nghe đó là Kế hoạch Attlee. Ông cũng được biết, và cũng theo con đường không chính thức (qua Trợ lý Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Mỹ John J. McCloy), rằng Tổng thống muốn vùng tây bắc. Winant không nghĩ là người Anh sẽ đổi kế hoạch (*). Dự đoán của Winant hoàn toàn đúng.

.......................................

      (*): Trong thư gửi Đại tướng Marshall ngày 12/12 McCloy viết, “Người Anh đã có ảnh hưởng kinh tế lâu dài với vùng đông bắc, và Winant nói với tôi là kế hoạch đó được đưa ra sau khi đã tham khảo các nhân vật quan trọng trong lĩnh vực kinh tế và chính trị của họ. Tôi không biết Tổng thống muốn có vùng đó tới mức nào khi gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của người Anh… Tổng thể thì tôi thích vùng đông bắc, nhưng tôi không cho là nó đáng để tranh giành một phen lớn.” Dường như Bộ Ngoại giao không bận tâm đến cách này hay cách khác. Trong thư, McCloy nói thêm là Cordell Hull đã gọi điện và nói rằng “ông ấy không đặc biệt thích miền nam hay miền bắc.”
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #32 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2016, 11:14:16 am »

          Ngày 14/1/1944, Đại tướng Dwight D. Eisenhower, Tổng tư lệnh Tối cao mới được bổ nhiệm, đến London để thực hiện nhiệm vụ, và toàn bộ bộ máy tham mưu quân sự, trước đó nằm trong tay tướng Morgan, giờ chính thức thuộc quyền của ông.

        Nhưng có một kế hoạch mà đến ông cũng không có ảnh hưởng gì trong những ngày muộn màng này. Sau hôm tướng Eisenhower đến, tại cuộc họp chính thức đầu tiên của EAC, kế hoạch Rankin C của tướng Morgan được Sir William Strang trình bày với Đại sứ Winant và vị phái viên của Nga Fedor Gusev. Người Mỹ, vì cứ đình trệ ở Washington, đã đánh mất tiên cơ. Cái này thì chẳng bao giờ giành lại được.

      Sau này, Strang viết rằng ông đã có một lợi thế trước các đồng nghiệp, “trong khi họ phải đánh điện xin chỉ thị từ một chính phủ ở xa và đôi khi còn không thông cảm và thấu hiểu, còn tôi thì ở ngay trung tâm mọi chuyện, thường nhanh chóng có chiến lược hành động vạch ra cho tôi. Tôi có một lợi thế lớn hơn là chính phủ tôi đã bắt đầu lập kế hoạch hậu chiến vào thời điểm phù hợp một cách có trình tự.”

         Ngày 18/2, tại cuộc họp chính thức thứ hai của EAC, bằng một quyết định chắc chắn đã lập kỷ lục trong ngoại giao của Liên Xô, Đại sứ Gusev khó nhìn thấu đã nghiêm trang chấp thuận đề xuất phân chia khu vực của Anh mà không hề bàn cãi gì.

       Đề xuất của Anh phân cho Liên Xô gần 40% diện tích nước Đức, 36% dân số và 33% nguồn tài nguyên sản xuất. Dù Berlin được phân chia giữa các phe Đồng minh nhưng lại nằm sâu trong vùng chiếm đóng của Liên Xô, cách ranh giới Anh-Mỹ 110 dặm. Sau này Strang nhớ lại, “Điều khoản đưa ra có vẻ rất công bằng, và nếu như nó có vẻ hơi thiên về phía có lợi cho Liên Xô, nhưng nó lại phù hợp với mong muốn của các lãnh đạo quân sự của chúng tôi, vốn lo lắng về thiếu hụt nhân lực sau chiến tranh, không muốn có một vùng chiếm đóng lớn hơn mức cần thiết.” Còn có nhiều lý do khác. Một trong số đó là nỗi sợ của các lãnh đạo Anh và Mỹ rằng Nga có thể thiết lập hòa bình riêng với Đức. Một mối lo khác, đặc biệt là giới quân sự Mỹ, là sợ Nga sẽ không tham gia cuộc chiến chống Nhật. Và cuối cùng, Anh tin là nếu không chặn trước thì Nga có thể đòi tới 50% nước Đức vì đã phải chịu nhiều tổn thất trong chiến tranh.

        Như Mỹ đã lo ngại, có vẻ như đã là bút sa gà chết. Dù Ba ông lớn vẫn phải chấp nhận kế hoạch của Anh, có một sự thật khó nuốt đối với Mỹ là cả Anh và Nga cùng nhất trí với nhau (*). Nói cách khác, đây là việc đã rồi và Winant chẳng thể làm gì khác ngoài báo cáo lại cho chính phủ của mình.

       Sự chấp nhận nhanh chóng của Liên Xô trước kế hoạch của Anh khiến Washington và ngài Tổng thống bị mất thăng bằng. Roosevelt vội vã gửi một bức thư ngắn cho Bộ Ngoại giao. Ông hỏi, “Bản phác thảo phân chia khu vực chiếm đóng của Anh và Nga là như thế nào, và chúng ta nhận được phần nào? Tôi phải biết nó có đúng với cái tôi đã quyết định mấy tháng trước hay không.”

       Các quan chức Bộ Ngoại giao bối rối vì một lý do rất chính đáng: họ đâu được biết những quyết định mà Roosevelt đã đưa ra ở Hội nghị Teheran và Cairo về phân chia vùng chiếm đóng.

      Có một cơn mưa điện thoại giữa Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ và Bộ Ngoại giao trước khi trình thông tin lên cho Tổng thống. Rồi vào ngày 21/2 sau khi xem qua kế hoạch của Anh và Nga, Roosevelt phản ứng lại. Ông thẳng thừng tuyên bố trong một thư báo gửi Bộ Ngoại giao, “Tôi không đồng ý với cách phân chia ranh giới của Anh.” Ông không đề cập đến khu vực của Liên Xô, nhưng thay vào đó, một lần nữa bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ về phần được chia cho nước Mỹ, thậm chí còn lặp lại mạnh mẽ hơn nữa những điều ông đã nói với các cố vấn quân sự của mình trên tàu Iowa. Với Bộ Ngoại giao, bản thư báo của ngài Tổng thống đã tiết lộ cho họ một chuyện chưa được biết trước đó.

       Ông viết, “Mục tiêu cơ bản của chúng ta không phải là tham gia vào các vấn đề nội bộ ở Nam Âu, mà là tham gia tiêu diệt nước Đức vì nó có thể là nguyên nhân tiềm năng của một cuộc Thế chiến lần thứ ba. Chúng ta có nhiều chỗ khó khăn trong việc di dời quân… từ mặt trận Pháp đến mặt trận miền bắc nước Đức – được gọi là một trò chơi ‘nhảy cừu.’ Các mục tiêu này bề ngoài có vẻ hợp lý, vì dù quân Anh và quân Mỹ có đóng ở đâu vào ngày Đức đầu hàng đi nữa, thì các cánh quân này cũng dễ dàng đi bất cứ đâu – về phía đông, bắc hay là nam… Cân nhắc tới mọi thứ, và hãy nhớ là nguồn tiếp tế tới từ một nơi cách đó 3.500 dặm hoặc hơn bằng đường biển, Mỹ phải sử dụng các cảng miền bắc nước Đức – Hamburg và Bremen – và… Hà Lan… Do đó, tôi nghĩ chính sách của Mỹ là phải chiếm được miền tây bắc nước Đức…Nếu cần thêm điều gì để chứng minh cho sự bất đồng với người Anh… tôi chỉ có thể thêm rằng các suy tính chính trị ở Mỹ đã tạo nên quyết định cuối cùng của tôi.”

       Rồi sau đó, để chắc chắc tuyệt đối là ngài Ngoại trưởng của mình thực sự hiểu được ông muốn gì, Roosevelt thêm, có gạch dưới các dòng chữ: “Nếu những gì nói trên chưa hoàn toàn rõ ràng thì anh có thể gặp tôi nói chuyện.”
      Bằng một giọng điệu hài hước hơn, ông giải thích lập trường của mình với Churchill. Ông viết cho ngài Thủ tướng, “Làm ơn đừng bảo tôi phải để lại một đội quân Mỹ nào trên đất Pháp. Tôi đơn giản là không làm thế được! Như tôi đã đề nghị trước đó, tôi kịch liệt phản đối việc phải ‘làm cha’ của Pháp, Bỉ và Italy. Ngài thực sự cần phải tự nuôi nấng và dạy dỗ ‘con cái’ mình. Với quan điểm là chúng có thể làm bức tường chắn cho ngài trong tương lai, ít nhất bây giờ ngài cũng nên trả tiền học phí!”

      Dường như các tham mưu trưởng của Mỹ cũng được nghe từ ngài Tổng thống. gần như ngay lập tức, các sĩ quan quân đội từ Vụ Dân sự rút khỏi Ủy ban Hoạt động An ninh. Vài ngày sau cuộc họp của EAC tại London, một vị đại tá xộc vào văn phòng của giáo sư Mosely trong Bộ Ngoại giao và trải một tấm bản đồ ra trước mặt ông.

       Ông ta nói, “Đây là điều Tổng thống thực sự muốn.” Giáo sư Mosely nhìn tấm bản đồ. Ông không biết nó đã được chuẩn bị khi nào hay là trong hoàn cảnh nào. Ông chưa bao giờ thấy qua nó – mọi người khác ở Bộ Ngoại giao cũng chưa. Tấm bản đồ này là cái mà Tổng thống Roosevelt đã đánh dấu trên tàu Iowa.

...............................

       (*): Một trong những bí ẩn lớn xuất hiện từ cuối Thế chiến thứ hai là Roosevelt lại là người chịu trách nhiệm cho việc phân chia vùng chiếm đóng. Sự thật là từ đầu chí cuối kế hoạch này là của Anh. Kế hoạch này do Anthony Eden khởi xướng, do Ủy ban của Attlee phát triển (dùng tư tưởng quân sự nghiêm khắc của tướng Morgan làm phương tiện), do Churchill và nội các của ông chấp thuận, và do Strang trình bày ở EAC. Nhiều nguồn tin của Anh và Mỹ xem điều khoản phân chia khu vực là kế hoạch của Nga. Kết luận sai lầm này xuất phát từ sự thật là khi Gusev chấp thuận đề xuất của Anh tại buổi họp thứ hai, ông ta cũng đưa ra một bản phác thảo của Liên Xô về các điều kiện đầu hàng cho nước Đức. Có một phần nói về phân chia khu vực: nó y chang kế hoạch của Anh.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #33 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2016, 08:05:44 am »

     
      Kể từ đó, tấm bản đồ của Roosevelt lại biến mất khỏi tầm nhìn, cũng bí ẩn như khi nó xuất hiện. Giáo sư Mosely đoán nó sẽ được đem ra tại cuộc họp tới của ủy ban tại Washinton. Nhưng chẳng bao giờ có. Nhiều năm sau, giáo sư Mosely nói, “Tôi không biết nó có chuyện gì. Lần kế bọn tôi gặp nhau, mấy sĩ quan ở Vụ Dân sự đưa ra một tấm bản đồ mới toanh, họ giải thích sự thay đổi này là dựa trên chỉ dẫn của Tổng thống. Tôi chẳng bao giờ biết được ai là người nhận được các chỉ thị đó.”

     Ý tưởng mới có phần tương tự tấm bản đồ trên tàu Iowa của Tổng thống, nhưng không nhiều lắm. Khu vực của Mỹ vẫn nằm ở vùng tây bắc, Anh nằm ở phía nam, nhưng đường ngăn cách giữa hai bên dọc theo vĩ tuyến 50 giờ ngừng trước biên giới với Tiệp một đoạn. Hơn nữa, ranh giới phía đông của khu vực của Mỹ chạy răng cưa về phía đông, bên trên Leipzig để chiếm được nhiều lãnh thổ hơn.

      Còn có một sự thay đổi nữa, quan trọng hơn hết thảy: Berlin không còn nằm trong vùng chiếm đóng của Mỹ nữa. Trong phiên bản ban đầu của Roosevelt, ranh giới phía đông của khu vực của Mỹ kéo dài vượt qua cả thủ đô; giờ đường ranh giới chạy về phía tây thành một đường bán nguyệt quanh thành phố. Có phải Roosevelt – sau khi khăng khăng với các tướng lĩnh quân sự của ông là “Chúng ta phải tới Berlin” và “Mỹ phải có được Berlin” – giờ đã đổi ý? Các sĩ quan của Vụ Dân sự không nói gì. Nhưng họ yêu cầu rằng đề cuất mới phải được chuyển tới London ngay, và Winant phải yêu cầu EAC chấp nhận nó!

       Dù gì đi nữa thì đó cũng là một đề xuất vô lý, và Bộ Ngoại giao biết thế. Theo kế hoạch mới, cả Anh và Nga đều có vùng chiếm đóng nhỏ hơn; có vẻ họ sẽ khó lòng chấp nhận một thỏa thuận như thế sau khi vừa đồng ý một điều khoản lãnh thổ vừa ý hơn trước đó. Các sĩ quan Vụ Dân sự đã đưa ra đề xuất này mà không có một bản ghi nhớ đi kèm nào để hỗ trợ Winant hợp lý hóa nó trước mặt EAC; Cho đến khi được yêu cầu chuẩn bị tài liệu kèm theo thì họ từ chối và nói đó là việc của Bộ Ngoại giao. Cuối cùng, bản đề xuất được đưa đến tay Winant mà không có bất cứ tài liệu đi kèm nào. Ngài Đại sứ hốt hoảng đánh điện để được hướng dẫn chi tiết hơn. Vì không có tài liệu hướng dẫn, ông đành xếp xó kế hoạch; nó không bao giờ được đưa ra.

       Đó là nỗ lực cuối cùng để đưa ra một kế hoạch của Mỹ. Roosevelt tiếp tục trì hoãn việc chấp thuận kế hoạch của người Anh cho đến tận cuối tháng 3/1944. Lúc đó, George F. Kennan, cố vấn chính trị của Đại sứ Winant, bay tới Washington để giải thích các vấn đề xuất hiện ở EAC vì sự trì hoãn này cho ngài Tổng thống nghe.

      Roosevelt xem lại tình hình và sau khi kiểm tra đề xuất của Anh một lần nữa, ông nói với Kennan là “cân nhắc mọi thứ, đó có thể là một quyết định công bằng.” Sau đó, ông chấp thuận vùng chiếm đóng của Liên Xô và tổng thể kế hoạch, nhưng với một điều kiện: ông nhấn mạnh là Mỹ phải có được vùng tây bắc. Theo như bản báo cáo mà Kennan đưa cho giáo sư Mosely sau đó, khi buổi gặp kết thúc, Kennanđã hỏi ngài Tổng thống rằng chuyện gì đã xảy ra với kế hoạch ban đầu của ông. Roosevelt cười. Ông nói, “Ồ, đó chỉ là một ý kiến thôi mà.”
      Trong suốt những tháng quan trọng đó của năm 1944, khi quân Anh-Mỹ tiến vào lục địa, quét sạch quân Đức ra khỏi nước Pháp và bắt đầu tiến về Đức, những cuộc chiến chính trị trong hậu trường cứ thế tiếp diễn. Roosevelt kiên quyết giữ nguyên yêu cầu của mình về vùng tây bắc nước Đức. Churchill cũng mạnh mẽ từ chối phải rời khỏi vị trí của mình.

      Vào tháng 4, Winant đã thông báo miệng với EAC về quan điểm của chính phủ của mình, nhưng ông không đề cập với các đại biểu về mong muốn của ngài Tổng thống bằng văn bản ngay lập tức. Ngài Đại sứ vẫn chưa sẵn sàng làm thế, chừng nào ông còn chưa nhận được chỉ thị về một vấn đề mà ông cho là rất quan trọng. Trong kế hoạch của Anh, vẫn không có một điều khoản nào về đường vào Berlin của phương Tây.

       Người Anh đoán trước là sẽ không có vấn đề gì trong việc đi đến Berlin. Họ cho là khi giao tranh chấm dứt, một số quan chức của Đức sẽ ký kết hiệp định đầu hàng và điều hành đất nước dưới sự kiểm soát của Tư lệnh Tối cao. Không vùng nào có thể tách biệt khỏi các vùng khác, và theo quan điểm của Strang, sẽ có “một số người Đức được tự do qua lại giữa các vùng và từ vùng của phương Tây qua thủ đô… các nhân viên dân sự và quân sự của phe Đồng minh nếu có mục đích chính đáng cũng sẽ được tự do qua lại trong nước Đức.”

      Hơn nữa, những khi chủ đề này được nhắc tới trong EAC, Gusev của Nga luôn đảm bảo trơn tru với Strang và Winant rằng ông thấy không có khó khăn gì. Gusev nói đi nói lại, nói cho cùng, nội sự có mặt của quân Anh và Mỹ cũng đã tự động đem lại quyền tiếp cận Berlin rồi. Đó là chuyện đương nhiên, một loại thỏa thuận giữa các quý ông. Tuy vậy, Winant nghĩ là cần vạch rõ điều khoản đó ra. Ông tin rằng cần đưa vào các “hành lang” như ban đầu Mosely đã đề xuất trước khi Ba ông lớn chính thức chấp nhận kế hoạch của Anh. Ông định trình bày đề xuất này cùng lúc với việc chính thức đưa ra quan điểm của ngài Tổng thống về vùng chiếm đóng cho EAC. Ông muốn được bảo đảm về các tuyến đường sắt, đường cao tốc và đường không nhất định qua khu của Liên Xô tới Berlin.

      Vào tháng 5, ngài Đại sứ bay về Washington, gặp Tổng thống, và rồi phác họa điều khoản hành lang của mình với Bộ Chiến tranh. Vụ Dân sự đã thẳng thừng bác bỏ kế hoạch của Winant (*).

      Các sĩ quan ở đó trấn an ông rằng tiếp cận Berlin “chỉ đơn thuần là một vấn đề quân sự” và sẽ do các tư lệnh địa phương xử lý thông qua các kênh quân sự khi Đức bị chiếm đóng. Bị đánh bại, Winant trở về London. Ngày 1/6, ông chính thức đồng ý kế hoạch của Anh và khu vực dự kiến được chia cho Nga, với một điều kiện là Mỹ phải có được vùng tây bắc. Tài liệu này không chứa điều khoản nào về quyền tiếp cận Berlin (**).

..................................................

     Lời dẫn của tác giả:

     (*): Những trao đổi giữa Roosevelt và Winant trong cuộc gặp, hay lập trường của ngài Tổng thống về vấn đề Berlin không được tiết lộ. Việc Bộ Chiến tranh phản đối hay đồng ý kế hoạch “hành lang” của Winant cũng rất mù mờ. Thiếu tướng John H, Hildring, Vụ trưởng Vụ Dân sự, được cho là từng nói với Winant rằng “cần bảo đảm quyền tiếp cận Berlin.” Cuốn sách này phản ánh quan điểm của ba sử gia chủ chốt của Mỹ trong giai đoạn này:

       Giáo sư Phillip Mosely (The Kremlin and World); Herbert Feis (Churchill Roosevelt Stalin); và William M. Franklin, Giám đốc Văn phòng Lịch sử của Bộ Ngoại giao (Zonal Boundaries and Access to Berlin—World Politics, tháng 10/1963). Franklin viết, “Winant dường như không hề ghi lại các đoạn hội thoại đó… Tuy nhiên, có điều này rất rõ ràng: Winant không hề được ai ở Washington chỉ thị hay khuyến khích đặt vấn đề với Nga.”

       (**): Vì một số lý do không bao giờ được làm rõ, lập trường của Winant về quyền tiếp cận Berlin đã thay đổi sau khi ông trở lại từ Washington.

       Nhà ngoại giao kỳ cựu Robert Murphy nhớ lại là không lâu sau khi gia nhập Bộ chỉ huy Tối cao vào tháng 9/1944, ông có dùng bữa trưa với Winant ở London và đã thảo luận về việc tiếp cận Berlin. Murphy giục Winant nên giở lại vấn đề. Ông viết trong cuốn hồi ký của mình, Ngoại giao giữa các chiến binh, như sau:

       Winant tranh luận rằng quyền tự do tiếp cận Berlin của chúng ta ẩn bên trong quyền hiện diện tại đó. Người Nga… có khuynh hướng dù thế nào cũng hoài nghi động cơ của chúng ta và nếu chúng ta cứ khăng khăng về vấn đề chuyên môn này thì chỉ càng làm cho lòng nghi ngờ của họ sâu thêm.” Theo Murphy, Winant không muốn ép EAC về chuyện này.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #34 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2016, 10:47:21 am »

     
      Ít ra, trong trạng thái thăm dò, phe Đồng minh đã quyết định tương lai của thành phố: khi chiến tranh chấm dứt, nó sẽ thành một hòn đảo do các bên cùng chiếm đóng nằm ở trung tâm khu vực do Liên Xô nắm giữ.

     Cuộc đấu tranh quyền lực giờ nhanh chóng đi vào hồi kết. Cuối tháng 7/1944, Gusev phấn khởi hợp thức hóa những gì Liên Xô giành được tại EAC, cố tình đưa vấn đề lên đỉnh cao tranh cãi. Ông nhẹ nhàng nói, trừ khi bất đồng giữa Anh và Mỹ được dàn xếp ổn thỏa để Ba ông lớn có thể ký kết thỏa thuận, còn không thì Liên bang Xô viết thấy không có lý do gì để tiếp tục thảo luận ở EAC. Ngụ ý đe dọa sẽ rút khỏi Hội đồng Cố vấn, qua đó khiến công sức nhiều tháng qua thành công dã tràng, rốt cuộc mong muốn đó đã có hiệu quả.

      Hai bên bờ Đại Tây Dương, các nhà ngoại giao và cố vấn quân sự đang lo lắng thúc giục lãnh đạo của mình nhượng bộ. Cả Churchill và Roosevelt vẫn ngoan cố. Có vẻ như Roosevelt là người dao động ít nhất trước lời đe dọa của Liên Xô. Winant nghe nói là ngài Tổng thống không thể hiểu nổi tại sao “còn cần thảo luận thêm với Liên Xô vào lúc này,” vì Mỹ đã đồng ý với vùng chiếm đóng của Liên Xô rồi.

       Nhưng giờ Roosevelt đang chịu sức ép từ mọi phía. Trong khi các cuộc tranh cãi ầm ĩ về chính trị tiếp diễn, các đội quân Anh-Mỹ đang lũ lượt kéo vào nước Đức. Vào giữa tháng 8, Đại tướng Eisenhower đánh điện cho Hội đồng Tham mưu trưởng Anh-Mỹ, cảnh báo rằng họ
có thể phải “đối mặt với việc chiếm đóng nước Đức sớm hơn dự kiến.” Một lần nữa, như tướng Morgan đã dự đoán trước ngay từ đầu trong kế hoạch Rankin C của mình về cách bố trí quân, các kế hoạch gia lại điên đầu về việc này: quân Anh bên cánh trái đang tiến về miền bắc nước Đức, còn quân Mỹ bên cánh phải đang tiến về miền nam.

       Bây giờ, Eisenhower đang xin chỉ đạo chính trị về khu vực chiếm đóng – ông là quân nhân Mỹ đầu tiên làm thế. Ông nói, “Tất cả những gì chúng ta có thể làm là tiếp cận vấn đề trên cơ sở thuần quân sự” và điều đó có nghĩa là duy trì “cách bố trí quân hiện tại.” Eisenhower nói thêm: “Trừ khi chúng ta nhận được chỉ thị ngược lại, còn không thì chúng ta phải chấp nhận tình hình… cân nhắc các tình huống chúng ta có thể phải đương đầu và việc thiếu quyết định cơ bản về khu vực chiếm đóng.”

      Cuộc khủng hoảng, vốn từ lâu đã là không thể tránh được, giờ đã xuất hiện. Bộ Chiến tranh và Bộ Ngoại giao Mỹ, từng hoàn toàn nhất trí với nhau, giờ đối mặt với một tình trạng tiến thoái lưỡng nan: không ai sẵn sàng lật lại vấn đề với ngài Tổng thống lần nữa.

      Trong bất kỳ trường hợp nào, vấn đề này cũng sẽ được thảo luận tại cuộc họp mới giữa Roosevelt-Churchill dự kiến vào mùa thu; bất cứ quyết định cuối cùng nào cũng phải hoãn cho tới lúc đó. Trong khi đó, kế hoạch của Eisenhower không thể trì hoãn lâu hơn được nữa. Vì các Tham mưu trưởng của Mỹ đã chuẩn bị sẵn kế hoạch chiếm đóng tại miền nam hoặc miền bắc, vào ngày 18/8, họ khuyên Eisenhower là họ “hoàn toàn nhất trí” với giải pháp của ông. Do đó, dù Roosevelt vẫn chưa thông báo quyết định của mình, giả thuyết Mỹ sẽ chiếm miền nam được giữ nguyên.

      Roosevelt và Churchill gặp nhau lần nữa tại Quebec vào tháng 9/1944. Roosevelt đã thay đổi rõ rệt. Ngài Tổng thống vốn đầy sức sống giờ trông có vẻ xanh xao yếu ớt. Căn bệnh bại liệt của ông, xưa nay được che đậy bởi sức quyến rũ nổi tiếng và sự thân mật dí dỏm giờ hiện rõ trong từng bước đi khập khiễng và đau đớn.

      Nhưng còn hơn thế nữa. Ông đã tại vị từ năm 1933 – lâu hơn bất kỳ một Tổng thống Mỹ nào khác – và giờ vẫn tranh cử cho nhiệm kỳ thứ tư. Chiến dịch tranh cử, hoạt động ngoại giao trong nước và ở nước ngoài, những gánh nặng căng thẳng trong những năm tháng chiến tranh, tất cả đang gây tổn hại cho ông rất mau. Dễ thấy tại sao các bác sĩ, gia đình và bạn bè ông đều năn nỉ ông đừng tranh cử nữa.

      Đối với đoàn đại biểu Anh, Roosevelt có vẻ đang yếu đi rất nhanh. Tham mưu trưởng của Churchill, Đại tướng Sir Hastings Ismay, bị sốc trước vẻ ngoài của Roosevelt. Ông nói, “Hai năm trước, ngài Tổng thống là hiện thân của sức khỏe và sinh khí, nhưng giờ ông ấy đã gầy đi quá nhiều tới mức ông giống như bị co rút lại vậy: áo khoác của ông chùng trên bờ vai rộng và cổ áo trông như lớn hơn vài cỡ. Chúng tôi biết bóng tối đang đến gần.”

      Mệt mỏi, chán nản, mắc kẹt giữa các tình huống và sức ép từ các cố vấn của mình cũng như Churchill, ngài Tổng thống cuối cùng cũng nhượng bộ và chấp nhận miền nam. Người Anh cũng thỏa hiệp với ông. Cùng với các nhượng bộ khác, họ đồng ý để Mỹ kiểm soát các cảng lớn và các khu vực tập kết của quân đội tại Bremen và Bremerhaven (*).

       Cuộc gặp cuối cùng trong thời chiến của Ba ông lớn diễn ra ở Yalta, vào tháng 2/1945. Đó là một hội nghị quan trọng. Chiến thắng đang ở phía trước, nhưng rõ ràng là mối liên hệ giữa các nhà lãnh đạo Đồng minh đang yếu đi khi mà các suy tính chính trị dần thay thế các tình hình quân sự thực tế. Càng tiến sâu vào trung tâm nước Đức, Nga càng kiêu ngạo và đòi hỏi nhiều hơn. Churchill, từ lâu đã ghét Chủ nghĩa Cộng sản, đặc biệt quan ngại cho tương lai của các quốc gia như Ba Lan, mà Hồng quân đã giải phóng và đang kiểm soát.

       Roosevelt, hốc hác và yếu hơn nhiều so với hồi ở Quebec, thấy mình vẫn ở vị trí Đại Thẩm phán. Trong quan điểm của ông, một thế giới hòa bình sau chiến tranh chỉ có thể có được nếu như Stalin chịu hợp tác. Ông từng bày tỏ chính sách của mình đối với nhà lãnh đạo Liên Xô qua các lời sau: “Tôi nghĩ rằng nếu tôi đưa cho ông ta mọi thứ mình có thể đưa và không cần nhận lại gì, kẻ quyền cao chức trọng thì phải rộng rãi với người khác, ông ta sẽ không cố thôn tính thêm nữa và sẽ hợp tác với tôi vì một thế giới dân chủ và hòa bình.”

       Ngài Tổng thống tin rằng Mỹ có thể “hòa thuận với Nga” và ông từng giải thích rằng ông có thể “kiềm chế Stalin” dựa trên “nền tảng giữa những người đàn ông với nhau… Bác Joe (**)… có thể thân cận được.” Dù ngài Tổng thống ngày càng quan ngại về các dự định của Liên Xô sau chiến tranh, ông có vẻ vẫn khá lạc quan.

      Tại Yalta, các quyết định lớn sau cùng trong thời chiến được đưa ra. Trong số đó, có một quyết định trao cho Pháp quan hệ đối tác toàn diện trong việc chiếm đóng nước Đức. Vùng chiếm đóng của Pháp tại Đức và Berlin sẽ được cắt ra từ vùng của Anh và Mỹ; Stalin, vốn phản đối việc Pháp tham chiến, từ chối không cắt phần của Nga. Vào ngày 11/2/1945, Ba ông lớn chính thức chấp thuận khu vực tương ứng của mình.

      Vậy là, sau 16 tháng mơ hồ và đầy tranh cãi, cuối cùng Mỹ và Anh cũng nhất trí với nhau. Kế hoạch chiếm đóng, dựa trên một kế hoạch ban đầu có tên Rankin C giờ được giới quân sự biết đến bằng cái tên Chiến dịch Nhật thực, có một điều lãng quên đầy ngạc nhiên: không có một điều khoản nào về đường tới Berlin của Anh và Mỹ.

.............................
  
       (*): Tại Hội nghị, một cuộc tranh cãi khác đã nổ ra giữa ngài Tổng thống và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, Henry Morgenthau, dẫn đến một kế hoạch kinh tế khắt khe và khó đạt được dành cho nước Đức, biến Đức thành một quốc gia nông nghiệp và không có công nghiệp. Ban đầu Churchill tán thành kế hoạch này, nhưng sau đó lại thay đổi lập trường dưới sức ép từ các cố vấn của ông. Mấy tháng sau, Roosevelt cũng bác bỏ kế hoạch gây tranh cãi của Morgenthau.

     (**): Chỉ Josef Stalin - ND.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #35 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2016, 03:00:24 pm »

      Stalin mất có sáu tuần để vi phạm thỏa thuận Yalta. Trong vòng ba tuần diễn ra cuộc hội nghị, Nga đã lật đổ chính phủ của Rumania đang do Liên Xô chiếm đóng. Trong tối hậu thư gửi đến Vua Michael, Liên Xô thẳng thừng ra lệnh chỉ định Petru Groza, người đứng đầu Đảng Cộng sản Rumania làm Thủ tướng. Ba Lan cũng bị mất nốt: cuộc bầu cử tự do hứa hươu trước đó không hề diễn ra.

      Stalin có vẻ đã khinh khỉnh quay lưng lại cốt lõi của hiệp ước Yalta, trong đó khẳng định là các bên trong phe Đồng minh sẽ hỗ trợ “nhân dân giải phóng khỏi ách thống trị của Đức Quốc xã và… các nước chư hầu trước đó của phe Trục… để lập nên các cơ quan dân chủ do chính mình bầu ra.” Nhưng Stalin thấy là các điều khoản trong hiệp ước Yalta có lợi cho mình – ví dụ như sự chia cắt nước Đức và Berlin – cần được thực thi cẩn trọng.

      Roosevelt đã thường xuyên được Đại sứ của ông tại Moscow, W. Averell Harriman, cảnh báo về tham vọng lãnh thổ tàn nhẫn của Stalin, nhưng giờ đây, sự vi phạm niềm tin trắng trợn của nhà lãnh đạo Liên Xô khiến ông bị sốc. Vào chiều thứ bảy ngày 24/3, trong một căn phòng nhỏ trên tầng thượng Nhà Trắng, Roosevelt vừa dùng xong bữa trưa với bà Anna Rosenberg, người đại diện cá nhân của ông, có trách nhiệm nghiên cứu các vấn đề về các cựu binh đi lính trở về, thì nhận được điện tín từ Harriman về tình hình tại Ba Lan.

       Ngài Tổng thống đọc tin báo và rồi điên lên vì giận dữ, liên tục vỗ lên tay vịn xe lăn. Sau này bà Rosenberg nhớ lại, “Khi đập vào xe, ông ấy cứ lặp đi lại lại: Averell đã đúng! Chúng ta không thể bàn chuyện làm ăn với Stalin được! Ông ta đã phá vỡ mọi hứa hẹn của mình tại Yalta (*)!”

     Tại London, Churchill phiền não trước sự chệch hướng của Stalin khỏi tinh thần hiệp ước Yalta tới mức ông nói với viên thư ký của mình là ông sợ thế giới sẽ cho là “Ông Roosevelt và tôi đã tán thành một hiệp ước lừa dối.” Khi quay về từ Yalta, ông nói với người dân Anh rằng “Stalin và các nhà lãnh đạo Liên Xô muốn sống trong mối quan hệ bình đẳng và tình bạn danh dự với các nền dân chủ phương Tây. Tôi thấy… lời của họ chính là khế ước.” Nhưng cũng trong ngày thứ bảy đó, ngày 24/3, ngài Thủ tướng đang lo lắng đã nhận xét với người phụ tá của mình rằng: “Tôi thật không muốn chia cắt nước Đức cho tới khi mối nghi ngờ của tôi về các ý định của Nga trở nên rõ ràng.”

       Khi mà các bước đi của Liên Xô trở nên “rõ như ban ngày,” Churchill thấy là lực lượng đàm phán mạnh nhất của phe Đồng minh phương Tây sẽ là sự hiện diện của quân Anh và Mỹ sâu trong lòng nước Đức, để họ có thể gặp quân Nga tại “càng xa về phía đông càng tốt.” Do đó, tin nhắn của Nguyên soái Montgomery báo rằng ông định tiến nhanh về sông Elbe và Berlin thực sự là tin tức đầy khích lệ: với Churchill, việc nhanh chóng chiếm được Berlin giờ là yếu tố sống còn. Nhưng, bất chấp thông điệp của Montgomery, không tư lệnh nào ở mặt trận phía Tây được ra lệnh chiếm lấy thành phố. Mệnh lệnh đó chỉ có thể đến từ một người: Tư lệnh Tối cao, Đại tướng Eisenhower.



      4.



      Cuộc tấn công khiến hàng phòng thủ Berlin gục ngã hoàn toàn vì quá bất ngờ. Gần 11 giờ trưa thứ tư ngày 28/3, những chiếc máy bay đầu tiên xuất hiện. Ngay lập tức, pháo binh toàn thành phố khai hỏa, nã pháo lên trời. Tiếng súng nổ ầm ĩ huyên náo, cộng thêm tiếng còi báo động không kích rền rĩ muộn màng càng ồn thêm gấp bội, nghe muốn thủng màng nhĩ. Những chiếc máy bay này không phải của Mỹ. Các cuộc không kích của Mỹ thường dễ đoán trước: chúng thường xảy ra vào lúc 9 giờ sáng và rồi một lần nữa vào lúc giữa trưa. Cuộc tấn công này lại khác. Nó đến từ phía đông, và cả nhịp độ lẫn chiến thuật đều mới lạ. Đông đảo lính Nga thét lên muốn bể nóc nhà, nã đạn vào các đường phố.

       Ở Potsdamer Platz, người ta chạy đủ hướng. Trên đường Kurfürstendamm, những người bán hàng nhào ra cửa, chạy tới lối đi xuống ga tàu điện ngầm, hoặc chạy vào khu phế tích của Nhà thờ Tưởng niệm Kaiser-Wilhelm. Nhưng một số người dân Berlin đang đứng xếp hàng mấy tiếng liền trong hàng người dài dằng dặc, chờ mua khẩu phần ăn hàng tuần, không thèm nhúc nhích.

       Ở Wilmersdorf, y tá 36 tuổi Charlotte Winckler kiên quyết phải lấy được thực phẩm cho hai đứa con, Ekkehart 6 tuổi và Barbara 9 tháng. Ở Adolf-Hitler-Platz, Gertrud Ketzler và Inge Rühling, bạn lâu năm với nhau, đang cùng những người khác bình tĩnh chờ đợi trước một cửa hàng tạp hóa. Mới nãy, cả hai vừa quyết định sẽ tự tử nếu quân Nga tới được Berlin, nhưng giờ họ không nghĩ đến chuyện đó nữa. Họ định nướng một cái bánh cho lễ Phục sinh, và đã đi mua sắm nguyên vật liệu cần thiết suốt mấy ngày nay.

      Ở Köpenick, bà Hanna Schultze 40 tuổi mập mạp đang hi vọng kiếm thêm được ít bột mì để làm một cái bánh bông lan cẩm thạch cho dịp lễ. Trong buổi mua sắm hôm nay, bà Hanna còn hi vọng kếm được một thứ nữa: một đôi dây đeo quần cho chồng bà, ông Robert. Đôi dây đeo cuối cùng của ông gần như không xài được nữa.

...............................

      (*): Tôi nghe việc này trong một cuộc trò chuyện riêng tư với bà Rosenberg (giờ là bà Paul Hoffman). Bà Roosevelt cũng có mặt; sau này hai người phụ nữ so sánh với nhau và nhất trí về từng lời chính xác mà ngài Tổng thống đã nói.


Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #36 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2016, 10:53:48 am »

       Trong các cuộc không kích, bà Erna Saenger luôn lo lắng cho “Papa,” cách bà gọi ông chồng Konrad của mình. Ông luôn ngoan cố không chịu đến hầm trú ẩn ở Zehlendorf, và như thường lệ, ông đang ở ngoài. Ông Konrad đang bước chậm chạp về phía nhà hàng ưa thích của mình, nhà hàng Alte Krug trên đường Königin-Luise Strasse. Chưa có cuộc không kích nào có thể ngăn người cựu chiến binh 78 tuổi này đến gặp các đồng đội từ thời Thế chiến thứ nhất vào thứ tư hàng tuần. Và hôm nay cũng không ngoại lệ.

       Có một người Berlin đang thực sự tận hưởng từng giây phút của cuộc tấn công. Cậu nhỏ Rudolf Reschke, đội chiếc mũ lính cũ, chạy tới chạy lui từ cửa ra đường và ngược lại, cố tình trêu chọc mấy chiếc máy bay tầm thấp ở Dahlem. Mỗi lần như thế, Rudolf lại vẫy tay với các phi công. Một trong số họ, có lẽ đã thấy được trò hề của cậu, bèn sà xuống chỗ Rudolf. Khi Rudolf chạy đi, một tràng súng nổ lia qua vỉa hè đằng sau. Đó chỉ là một phần trong trò chơi của Rudolf. Trong chừng mực của cậu, chiến tranh là điều vĩ đại nhất từng xảy ra trong 14 năm đời mình.

        Máy bay hết đợt này tới đợt khác tấn công vào thành phố. Ngay khi các phi đội này hết đạn, chúng lại tách ra bay về phía Đông, để những đội khác đang lũ lượt kéo tới thay thế.

        Cuộc không kích bất ngờ của Nga vẽ thêm một nét khủng khiếp mới vào cuộc sống tại Berlin. Thương vong rất nặng nề. Nhiều cư dân bị thương không phải vì trúng đạn của địch mà là vì hỏa lực đáp trả của lực lượng phòng ngự của thành phố. Để hạ mấy chiếc máy bay ở dưới thấp nằm trong tầm nhìn, các đội phòng không phải hạ nòng súng xuống gần ngang ngọn cây. Kết quả là, thành phố bị bao phủ trong mảnh bom đạn bị nung đỏ rực. Những mảnh bom chủ yếu xuất phát từ sáu tháp phòng không lớn nhô cao khỏi thành phố ở Humboldthain, Friedrichshain, và từ sở thú Berlin.

       Những pháo đài chịu bom khổng lồ này được xây dựng vào năm 1941-1942, sau những cuộc tấn công đầu tiên của quân Đồng minh vào thành phố. Mỗi tháp đều rất hùng vĩ, nhưng lớn nhất trong số đó là hệ thống phức hợp phòng không xây gần khu nuôi chim của sở thú, dù xây tại đó không hợp lý cho lắm. Đó là một tòa tháp đôi. Tháp nhỏ hơn, gọi là Tháp L, là một trung tâm điều hành thông tin, có ăng ten radar chi chít. Cạnh đó là Tháp G, những khẩu pháo trên tháp đang nhả đạn.

      Tháp G rộng khủng khiếp. Nó chiếm diện tích gần bằng một khối nhà trong thành phố và cao hơn 40m – ngang với một tòa nhà 13 tầng. Các bức tường bê tông kiên cố dày hơn 2,5m, có một hàng lỗ hổng cắt sâu bên hông, được đậy lại bằng các lá thép dày khoảng 7-10 cm. Trên mái, một ụ pháo gồm 8 khẩu pháo 127 ly đang khạc đạn liên hồi, và tại bốn tháp pháo ở bốn góc, các khẩu pháo phòng không tự động nhiều nòng có thể bắn liên thanh đang nã đạn lên trời.

      Tiếng ồn trong pháo đài thật không thể chịu nổi. Ngoài tiếng bắn của các ụ pháo, còn có tiếng ầm ầm liên hồi của các trục nâng đạn pháo đang vận chuyển dòng đạn pháo vô tận từ một kho đạn dược dưới đất đến chỗ từng khẩu pháo. Tháp G không chỉ được thiết kế làm bệ bắn pháo mà còn là một khu nhà kho, bệnh viện và nơi trú không kích cao 5 tầng. Tầng thượng, nằm ngay dưới mấy ụ pháo, có một đơn vị đồn trú gồm 100 lính.

     Bên dưới là một bệnh viện không quân có 95 giường bệnh, có phòng chụp X quang và hai phòng phẫu thuật đầy đủ trang thiết bị. Bệnh viện có 6 bác sĩ, 20 y tá và khoảng 30 hộ lý.

      Tầng kế tiếp, tầng ba, là một kho tàng. Các nhà kho ở đây chứa những món đồ triển lãm đắt giá của các bảo tàng hàng đầu Berlin. Tại đây có các bức tượng Pergamon nổi tiếng, thuộc bệ thờ thiêng vĩ đại do Vua Eumenes II của Hy Lạp cổ đại xây dựng vào khoảng năm 180 TCN; các món đồ cổ Ai Cập, Hy Lạp và La Mã đa dạng, gồm có tượng, phù điêu, chậu và bình; có “Kho báu vàng của Priam,” một bộ sưu tập khổng lồ gồm các món vòng tay, dây chuyền, hoa tai, bùa hộ mệnh, đồ trang trí và trang sức bằng vàng và bạc, do nhà khảo cổ người Đức Heinrich Schliemann khai quật năm 1872 tại thành cổ Troy. Còn có các tấm thảm thêu Gobelin vô giá, một số lớn tranh vẽ – trong đó có các bức chân dung của họa sĩ Đức thế kỷ 19 Wilhelm Leibl – và bộ sưu tập tiền xu khổng lồ của Kaiser Wilhelm.

     Hai tầng dưới cùng của tháp là chỗ trú ẩn không kích rộng mênh mông, có các kho thực phẩm và nhà bếp rộng lớn, và doanh trại khẩn cấp của đài phát thanh Đức, Deutschlandsender.

    Hoàn toàn tự túc, Tháp G có nguồn nước và năng lượng riêng, và dễ dàng đủ chỗ cho 15.000 người khi có không kích. Hệ thống này có lượng tiếp tế và đạn dược đầy đủ tới mức đơn vị quân sự đồn trú tại đây tin là dù phần còn lại của Berlin có gặp phải chuyện gì thì tòa tháp sở thú cũng có thể cầm cự được một năm nếu cần.

     Cuộc không kích chấm dứt, cũng đột ngột hệt như lúc mở đầu. Các khẩu pháo trên Tháp G từ từ ngừng lại. Khắp Berlin, khói đen bốc lên cuồn cuộn từ các đám cháy do trúng đạn. Cuộc không kích chỉ kéo dài hơn 20 phút. Các đường phố Berlin đông đúc trở lại, cũng nhanh như lúc trở nên trống trơn. Ngoài các khu chợ và cửa hàng, người vừa rời khỏi hàng giờ giận dữ cố đòi lại vị trí xếp hàng trước đó từ những người đang từ chối nhường chỗ, cũng ngang ngạnh không kém họ.

      Bên trong sở thú, một người đàn ông vội vã ra ngoài ngay khi các khẩu pháo của Tháp G ngừng bắn. Sau mỗi lần không kích ông đều lo lắng như thế, ông Heinrich Schwarz, 63 tuổi, chạy đến khu chuồng chim, mang theo một xô thịt ngựa nhỏ.

      Ông gọi, “Abu, Abu.” Một tiếng kêu kỳ quặc phát ra từ bờ ao gần đó. Rồi một con chim bề ngoài kỳ dị, đến từ sông Nile, có bộ lông màu xanh xám và cái mỏ to giống như một chiếc giày gỗ Hà Lan lật úp, nhẹ nhàng bước ra khỏi mặt nước bằng đôi chân khẳng khiu như cây cà kheo và bước tới chỗ ông. Ông Schwarz thấy nhẹ nhõm hẳn đi. Con cò Abu Markub (Cò mỏ giày) quý hiếm vẫn an toàn.

      Dù không có không kích đi nữa, càng ngày, việc gặp mặt con cò hàng ngày càng mang tính thử thách hơn với ông Schwarz. Ông giơ xô thịt ngựa ra. Ông nói, “Tao phải cho mày ăn cái này thôi. Tao có thể làm gì được? Tao không còn cá nữa. Mà có muốn ăn không?” Con chim nhắm mắt lại. Ông Schwarz buồn bã lắc đầu. Con cò mỏ giày ngày nào cũng từ chối kiểu đó. Nếu cứ tiếp tục cứng đầu, chắc chắn con cò này sẽ chết. Nhưng ông Schwarz chẳng thể làm được gì. Lon cá ngừ hộp cuối cùng đã hết và không thể tìm ra cá tươi ở Berlin – ít nhất không phải dành cho sở thú Berlin.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #37 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2016, 06:41:15 pm »


      Trong số lũ chim chóc còn lại, con cò mỏ giày này là thú cưng của tổ trưởng tổ giữ chim Schwarz. Những con chim yêu thích khác của ông đã mất từ lâu – con vẹt Arra 75 tuổi mà ông Schwarz đã dạy nó nói “Papa,” đã được chuyển tới Saar hai năm trước vì lý do an toàn. Nguyên cả lũ đà điểu châu Phi đã chết vì bị sốc trong các cuộc không kích. Chỉ có con Abu còn ở lại – và nó đang từ từ chết đói. Ông Schwarz điên lên vì lo lắng. Ông nói với vợ, bà Anna: “Nó càng ngày càng gầy trơ xương. Mỗi lần tôi cố cho nó ăn, nó lại nhìn tôi như muốn nói, ‘Chắc chắn là ông nhầm rồi. Thứ này tôi đâu ăn được.’”

      Trong số 14.000 con thú, chim chóc, bò sát và cá có tại sở thú vào năm 1939, giờ chỉ còn lại tổng cộng 1.600 con. Trong sáu năm chiến tranh, sở thú này – trong đó có một khu thủy cung, một vườn côn trùng, các chuồng voi và bò sát, nhà hàng, rạp chiếu phim, phòng khiêu vũ và tòa nhà điều hành – đã bị trúng hơn một trăm quả bom có sức công phá cao. Cuộc không kích khủng khiếp nhất là vào tháng 11/1943, khiến hàng trăm hàng ngàn con vật chết đi. Không lâu sau đó, phần lớn những con thú còn sống sót đã được sơ tán tới các sở thú khác trong nước. Kiếm đồ ăn cho hơn 1.600 con thú và chim chóc còn lại càng ngày càng khó khăn giữa một Berlin đang theo chế độ khẩu phần thực phẩm.

       Nhu cầu của sở thú, dù là cho bầy thú đã cắt giảm số lượng đi nữa, cũng rất lớn: không chỉ cần một lượng lớn thịt ngựa và cá, mà còn cần 36 loại thực phẩm khác nhau, từ mì, gạo và lúa mì xay cho tới hoa quả đóng hộp, mứt cam và ấu trùng kiến. Cỏ khô, rơm, cỏ ba lá và rau quả tươi thì có khá nhiều, nhưng những thứ khác thì gần như không thể kiếm ra được. Dù đã dùng các thực phẩm khác thay thế, nhưng từng con chim con thú đều chỉ còn không đầy nửa khẩu phần ăn trước kia – và hãy nhìn xem.

      Trong số chín con voi của sở thú, giờ chỉ còn mỗi một con. Lớn da xám của nó chùng xuống thành những nếp nhăn lớn, giờ Siam nóng tính tới mức những người giữ thú không dám vào trong chuồng nó. Rosa, con hà mã bự con, còn thảm hơn, da nó khô lại và nứt nẻ, nhưng đứa con hai tuổi của nó, Knautschke, cục cưng của mọi người, thì vẫn giữ được sự vui vẻ trẻ thơ. Pongo, con khỉ đột nặng 240 kg, bình thường rất tốt tính, đã sụt hơn 22 kg, thường ngồi bất động hàng giờ trong chuồng, rầu rĩ nhìn mọi người chăm chăm. Năm con sư tử (trong đó có hai con sư tử con), mấy con gấu, ngựa vằn, linh dương, khỉ và mấy con ngựa hoang quý hiếm, đều đang có dấu hiệu sụt cân.

      Còn có một mối đe dọa thứ ba đối với sự tồn tại của những con vật trong sở thú. Người giữ thú Walter Wendt thường xuyên báo cáo rằng mấy con thú quý hiếm bị mất tích. Chỉ có một kết luận khả dĩ duy nhất: một số người dân Berlin đã ăn trộm và xẻ thịt bọn thú để bổ sung vào khẩu phần ăn èo uột của mình.

       Giám đốc sở thú Lutz Heck đang đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan – một tình thế mà ngay cả tình bạn của ông với Thống tướng Hermann Goering, hay là với ai khác đi nữa cũng không thể giải quyết. Trong cuộc bao vây kéo dài, bọn chim và thú chắc chắn sẽ chết đói. Tệ hơn, những con vật nguy hiểm – như sư tử, gấu, cáo, linh cẩu, mèo Tây Tạng và con khỉ đầu chó đắt giá của sở thú, một con thú quý hiếm mà cá nhân ông Heck đã đưa về từ Cameroon – có thể trốn thoát trong trận đánh. Ông Heck tự hỏi, khi nào thì ông nên giết con khỉ đầu chó và năm con sư tử mà ông hết mực yêu quý đây?

     Gustav Riedel, người giữ chuồng sư tử, từng cho hai con sư tử con Sultan và Bussy chỉ mấy tháng tuổi bú bình, đã quyết định một chuyện: dù có được lệnh như thế nào, ông cũng sẽ cứu hai con sư tử con. Không chỉ có ông Riedel thấy thế. Gần như người giữ thú nào cũng định cứu con vật mình yêu quý. Tiến sĩ Katherina Heinroth, 74 tuổi, vợ của giám đốc thủy cung, nơi bị trúng bom tan tành, đang chăm nuôi một con khỉ con tên là Pia trong căn hộ của mình. Người giữ thú Robert Eberhard thì bị ám ảnh bởi việc bảo vệ cho mấy con ngựa và ngựa vằn quý hiếm do mình chăm sóc. Mối bận tâm lớn nhất của Walter Wendt là mười con bò rừng châu Âu – họ hàng gần với bò rừng châu Mỹ. Chúng là niềm tự hào và hạnh phúc của ông. Ông đã dùng những thứ tối tân nhất của công nghệ gây giống trong ba mươi năm qua để tạo ra lũ bò này. Chúng rất độc đáo và đáng giá hơn một triệu mark – khoảng 250.000 dollar.

      Đối với Heinrich Schwarz, người giữ chuồng chim, ông không thể chịu nổi khi thấy con cò mỏ giày phải khốn khổ. Ông đứng bên bờ ao, gọi con chim thêm lần nữa. Khi nó bước tới, ông Schwarz cúi xuống và nhẹ nhàng bế nó lên. Từ nay trở đi nó sẽ sống – hoặc chết – trong phòng tắm nhà ông.



      ***************



     Tại phòng hòa nhạc Beethoven sơn đỏ và vàng kim theo phong cách Baroque, tiếng cây gậy điều khiển gõ đánh “cách” khiến khán phòng đột nhiên lặng hẳn đi. Nhạc trưởng Robert Heger giơ tay phải lên rồi đứng yên. Ngoài kia, đâu đó giữa thành phố điêu tàn, tiếng còi xe cứu hỏa rền rĩ xa xa. Heger cứ đứng yên như thế một hồi lâu. Rồi ông hạ cây gậy điều khiển xuống và, được báo trước bằng bốn tiếng trống trầm thấp, bản Violin Concerto của Beethoven vang lên êm dịu từ những nghệ sĩ của Dàn nhạc giao hưởng Berlin. Khi bộ gỗ bắt đầu đoạn nhạc trầm lắng của mình bằng tiếng trống, nghệ sĩ solo Gerhard Taschner chờ đợi, dán mắt vào người nhạc trưởng. Phần đông thính giả đang phủ kín phòng hòa nhạc chưa bị hư hại nằm trên đường Köthenerstrasse đến đây để nghe nghệ sĩ violin tài hoa mới 23 tuổi này, và khi những nốt nhạc trong trẻo như tiếng chuông ngân thình lình vang lên từ cây violin của anh, rồi nhỏ dần và mạnh mẽ vang lên lần nữa, họ lắng nghe trong mê ly ngây ngất. Một số người có mặt tại buổi hòa nhạc chiều hôm đó, vào tuần cuối cùng của tháng ba nhớ lại rằng, một số người dân Berlin đã quá xúc động trước màn biểu diễn của Taschner mà âm thầm rơi lệ.

      Trong suốt cuộc chiến tranh, dàn nhạc giao hưởng gồm 105 người này đã giúp người dân Berlin có được sự thanh thản hiếm hoi giữa nỗi sợ hãi và tuyệt vọng, và được hoan nghênh nhiệt liệt. Dàn nhạc trực thuộc Bộ Tuyên truyền của Joseph Goebbels, và các thành viên trong đây đều được miễn quân dịch, vì đảng Nazi thấy Dàn nhạc giao hưởng này có ích cho tinh thần người dân. Người dân Berlin hoàn toàn đồng ý về điều này. Đối với những người yêu âm nhạc, Dàn nhạc giống như một liều thuốc an thần giúp họ thoát khỏi chiến tranh và sự khủng khiếp của nó trong thoáng chốc.

      Có một người luôn xúc động sâu sắc khi nghe dàn nhạc chơi, đó là Bộ trưởng Bộ Vũ khí và Sản phẩm Chiến tranh của Hitler, Albert Speer, giờ đang ngồi tại vị trí quen thuộc của mình giữa dàn nhạc. Speer, người có văn hóa nhất trong bộ máy quyền lực của Nazi, hiếm khi bỏ lỡ một buổi biểu diễn. Hơn bất cứ thứ gì khác, âm nhạc giúp ông xoa dịu ưu phiền – và ông chưa bao giờ cần điều đó nhiều hơn là lúc này.

      Bộ trưởng Speer đang phải đối mặt với vấn đề lớn nhất trong sự nghiệp. Trong suốt cuộc chiến, bất chấp mọi thất bại có thể hình dung được, ông vẫn luôn giữ nền công nghiệp Đức tiếp tục sản xuất.

      Nhưng lâu nay các số liệu và kế hoạch của ông đã cho thấy một điều không thể tránh khỏi: những ngày cuối cùng của nền Đệ tam Quốc xã đang được đếm ngược. Khi quân Đồng minh tiến vào nước Đức ngày càng sâu, ngài Speer vốn thực tế là vị bộ trưởng duy nhất trong nội các dám nói thật với Hitler. Ông viết cho Quốc trưởng vào ngày 15/3/1945, “Chúng ta thua rồi. Nếu chúng ta thua, thì đất nước này cũng sẽ diệt vong.”

       Ngày 19/3 Hitler đưa ra một mệnh lệnh điên rồ: nước Đức phải bị phá hủy hoàn toàn. Phải cho nổ hoặc thiêu cháy mọi thứ - các nhà máy năng lượng, các công trình nước và khí đốt, đập nước và cửa cống, cảng và kênh rạch, các hệ thống công nghiệp và mạng lưới điện, tất cả số tàu thuyền và cầu, mọi chiếc tàu hỏa và các công trình liên lạc, mọi phương tiện giao thông và các cửa hàng đủ loại, thậm chí là cả đường cao tốc quốc gia.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #38 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2016, 07:35:18 am »


        Speer đã khẩn khoản nài xin Hitler. Ông đã đánh liều xin rút lại chính sách này. Nếu Hitler hủy diệt thành công các công trình kiến trúc cùng với ngành công nghiệp và thương mại của Đức, ông ta sẽ phá hủy kha khá công trình của chính Speer xây dựng nên – những cây cầu, đường cao tốc rộng lớn, những tòa nhà cao tầng. Hơn bất kỳ ai khác, ông là người có trách nhiệm giúp các công cụ chiến tranh khủng khiếp của Hitler không bị hủy hoại toàn bộ. Nhưng ông còn có một mối bận tâm khác quan trọng hơn. Speer nói với Hitler rằng, dù chế độ có gặp phải chuyện gì, “chúng ta cũng phải làm mọi thứ có thể để duy trì một nền tảng cho đất nước này tồn tại, dù là theo một cách nguyên thủy đi chăng nữa… Chúng ta không có quyền phá hủy những thứ có thể ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của nhân dân…”

       Hitler không mảy may suy suyển. Ông ta đáp lại, “Không cần phải cân nhắc đến nền tảng của một sự tồn tại dù là nguyên thủy nhất nữa. Ngược lại, tốt hơn là phá hết đi, và phải tự tay phá nó. Quốc gia này đã cho thấy nó quá yếu đuối…” Bằng những lời đó, Hitler đã xóa sổ nhân dân Đức. Như ông ta đã giải thích với Speer thì, “những kẻ còn lại sau trận chiến đều là đồ thấp kém, vì những người tài thì đã hi sinh.”

      Speer thấy kinh hoàng. Những con người đã chiến đấu anh dũng vì lãnh tụ của mình có vẻ như giờ chẳng có ý nghĩa gì với Quốc trưởng. Nhiều năm nay, Speer đã nhắm một mắt mở một mắt trước sự tàn bạo trong các chiến dịch của Nazi, tin rằng bản thân ông không nằm trong số đó, ít nhất về mặt trí tuệ. Giờ, ông bắt đầu nhận ra điều mà ông đã từ chối đối mặt suốt mấy tháng nay. Như lời ông nói với tướng Alfred Jodl, “Hitler hoàn toàn điên rồi… phải ngăn ông ta lại.”
      Từ ngày 19-23/3, một chuỗi mệnh lệnh “tiêu thổ” tuôn ra từ sở chỉ huy của Hitler, gửi đến các tỉnh trưởng và các tư lệnh quân sự trên toàn nước Đức. Những ai chậm chạp làm theo thì bị đe dọa xử bắn. Speer lập tức hành động. Biết rõ mình đang đặt mạng sống vào vòng nguy hiểm, ông định ngăn chặn kế hoạch của Hitler, với sự hỗ trợ của một số ít bạn bè là các quan chức quân sự cấp cao. Speer gọi điện thoại cho các nhà tư bản công nghiệp, bay tới các đơn vị quân sự đồn trú, gặp gỡ các quan chức cấp tỉnh, đâu đâu ông cũng nhấn mạnh là kế hoạch của Hitler sẽ đặt dấu chấm hết vĩnh viễn cho nước Đức, dù người ông gặp có là những tay Nazi bảo thủ nhất.

       Cân nhắc đến mục đích nghiêm trọng của chiến dịch của ngài bộ trưởng, sự hiện diện của ông tại buổi hòa nhạc này có lẽ khá là ngớ ngẩn – nếu không phải vì điều sau: trong số những thứ mà Speer cố duy trì và bảo vệ, Dàn nhạc giao hưởng này thuộc nhóm ưu tiên hàng đầu.

     Mấy tuần trước, tiến sĩ Gerhard von Westermann, giám đốc dàn nhạc, đã nói với nghệ sĩ violin Taschner, vốn là nghệ sĩ yêu thích của Speer, rằng hãy nhờ ngài bộ trưởng giúp bảo vệ dàn nhạc. Trên lý thuyết, các nghệ sĩ được miễn quân dịch. Nhưng mắt thấy trận chiến ở Berlin đang cận kề, tiến sĩ Von Westermann sợ là một ngày nào đó cả dàn nhạc sẽ được lệnh sung vào Lực lượng Phòng vệ Địa phương, Volkssturm.

       Mặc dù dàn nhạc do Bộ Tuyên truyền của Joseph Goebbels điều hành, nhưng tiến sĩ Von Westermann biết là không thể hi vọng gì vào sự giúp đỡ từ cơ quan đó.

     Ông nói với người nghệ sĩ violin, “Cháu phải giúp chúng ta. Goebbel đã bỏ quên chúng ta rồi… hãy tới chỗ Speer và nhờ ông ấy giúp… tất cả chúng ta cùng quỳ gối cầu xin cháu.”

      Taschner cự kỳ miễn cưỡng: hễ nói tới chuyện lẩn trốn hay bỏ chạy đều bị xem là phản quốc và có thể bị cách chức hay bỏ tù. Nhưng cuối cùng anh cũng đồng ý.

      Khi gặp Speer, Taschner do dự mở đầu. Anh nói:
      “Thưa ngài Bộ trưởng, tôi muốn nói với ngài về một vấn đề hơi nhạy cảm. Tôi hi vọng ngài sẽ không hiểu lầm… nhưng những ngày này, có một số chuyện hơi khó nói…”

       Nhìn anh với ánh mắt sắc bén, Speer nhanh chóng trấn tĩnh anh, được khích lệ, Taschner bèn kể cảnh ngộ của dàn nhạc. Ngài bộ trưởng chú tâm lắng nghe. Sau đó, Speer nói với Taschner rằng tiến sĩ Von Westermann không cần phải lo lắng. Ông đã nghĩ ra một kế hoạch có thể làm được nhiều hơn là giúp các nghệ sĩ không phải vào Volkssturm. Ông định bí mật di tản toàn bộ 105 người trong dàn nhạc vào những giây phút tận cùng.

      Giờ Speer đã thực hiện phần đầu trong kế hoạch. 105 người ngồi trên sân khấu của Phòng hòa nhạc Beethoven đang mặc comple đen công sở, thay vì veston lễ phục như thường lệ, nhưng trong số thính giả ngồi đây, chỉ có Speer là biết rõ lý do. Những bộ veston – cùng với những cây đàn piano, đàn harp, những cây kèn Tuba danh tiếng và các bản nhạc của dàn nhạc – đã được âm thầm chuyển đi khỏi thành phố bằng xe tải ba tuần trước. Số hàng hóa quý giá này được giấu ở Plassenburg, gần Kulmbach, cách Berlin 240 dặm về phía tây nam – ngay trên đường tiến quân của Mỹ.

       Phần thứ hai trong kế hoạch của Speer – cứu người – phức tạp hơn thế. Bất chấp các cuộc không kích dày đặc, cùng với việc quân xâm lược đang cận kề, Bộ Tuyên truyền vẫn không hề cắt giảm lịch biểu diễn của dàn nhạc. Các buổi hòa nhạc được lên lịch ba đến bốn lần một tuần, giữa các cuộc không kích, kéo dài đến hết tháng 4, khi mùa biểu diễn chính thức kết thúc.

      Muốn di tản các nghệ sĩ trước thời điểm đó là bất khả thi: Goebbels chắc chắc sẽ quy cho họ tội đào ngũ. Speer quyết định sẽ di tản dàn nhạc về phía Tây; ông tuyệt đối không định để họ rơi vào tay quân Nga. Nhưng kế hoạch của ông hoàn toàn phụ thuộc vào tốc độ hành quân của phe Đồng minh phương Tây: ông hi vọng quân Anh-Mỹ sẽ giành được Berlin trước mũi quân Nga.

       Speer không định chờ tới khi quân Đồng minh phương Tây vào được thành phố. Ngay khi quân Đồng minh còn cách thành phố một khoảng bằng một tuyến xe buýt chạy đêm, ông sẽ ra lệnh di tản. Mấu chốt của kế hoạch là tín hiệu di tản. Các nghệ sĩ sẽ phải rời đi cùng lúc, và vào lúc trời tối. Điều đó có nghĩa là cuộc bỏ trốn phải bắt đầu ngay sau buổi hòa nhạc. Vì lý do bảo mật, tín hiệu di tản cần được giữ kín càng lâu càng tốt. Speer đã đưa ra một cách tuyệt diệu để báo động cho các nghệ sĩ: vào phút chót, nhạc trưởng sẽ thông báo có thay đổi trong chương trình và dàn nhạc sẽ chơi một danh sách đặc biệt do chính Speer đã chọn. Đó sẽ là ám hiệu cho các nghệ sĩ; ngay sau buổi biễu diễn họ sẽ đi lên một đoàn xe buýt đang chờ bên ngoài Phòng hòa nhạc Beethoven trong bóng tối.

      Trong tay tiến sĩ Von Westermann là các bản nhạc mà Speer đã chọn làm ám hiệu. Khi chuyên gia văn hóa của Speer đưa các bản nhạc này đến chỗ ông, Von Westermann không giấu nổi ngạc nhiên. Ông hỏi viên trợ lý của Speer:
       “Tất nhiên là anh không lạ gì âm nhạc của những giờ phút cuối cùng. Anh biết đó, chúng khắc họa cái chết của các vị thần, sự hủy diệt điện Vallhalla và kết thúc của thế giới. Anh có chắc đây là cái ngài Bộ trưởng đã chọn không?”

       Không có lầm lẫn nào cả. Speer đã chọn bản Die Götterdämmerung ¬của Wagner – Hoàng hôn của các vị thần – dành cho buổi hòa nhạc cuối cùng của Dàn nhạc giao hưởng Berlin.

       Von Westermann không biết rằng, trong lựa chọn này có một gợi ý cho kế hoạch cuối cùng và cũng là kế hoạch tham vọng nhất của Speer. Ngài bộ trưởng với quyết tâm cứu được càng nhiều phần của nước Đức càng tốt, đã quyết định rẳng chỉ còn một con đường duy nhất. Suốt nhiều tuần nay, Albert Speer, con người theo chủ nghĩa hoàn hảo này đang cố tìm cách thích hợp để ám sát Hitler.


                                        * * * * * * * * *
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #39 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2016, 05:58:57 pm »

     
      Dọc theo mặt trận phía Đông, các đoàn quân đông đảo của Nga đang tập trung lại, nhưng còn lâu họ mới sẵn sàng mở màn cuộc tấn công vào Berlin. Các tư lệnh Liên Xô phát cáu vì trì hoãn. Sông Oder là một rào chắn kiên cố và băng tan mùa xuân lại khá chậm: mặt sông vẫn bị băng bao phủ một phần. Bên kia bờ là hàng phòng ngự của Đức – các boongke, bãi mìn, hào chống tăng và các khẩu pháo vùi lấp bên trong. Mỗi ngày trôi qua quân Đức lại mạnh thêm, và điều này khiến các tướng lĩnh Hồng quân lo lắng.

     Không ai tha thiết muốn bắt đầu hơn Thượng tướng Vasili Ivanovich Chuikov, 45 tuổi, tư lệnh của Tập đoàn quân Cận vệ 8 tài ba, rất nổi tiếng ở Liên Xô vì đã từng chỉ huy phòng thủ ở Stalingrad. Chuikov đổ lỗi việc trì hoãn cho phe Đồng minh phương Tây. Sau cuộc đột kích của Đức tại cao nguyên Ardennes vào tháng 12, quân Anh và Mỹ đã yêu cầu Stalin giải tỏa áp lực bằng cách đẩy nhanh tiến độ hành quân của Hồng quân từ phía Đông. Stalin đã đồng ý và mở cuộc tấn công vào Ba Lan sớm hơn dự định. Sau này Chukov nói ông tin là “nếu các đường dây liên lạc của chúng tôi ở hậu phương không quá dàn trải như thế, chúng tôi đã có thể hạ được Berlin từ tháng hai.”

      Nhưng quân Liên Xô vượt qua Ba Lan nhanh tới mức khi các đoàn quân tới được sông Oder thì họ nhận ra mình chạy nhanh hơn nguồn tiếp tế và đường dây liên lạc của mình. Cuộc tiến công buộc phải ngừng lại, theo Chuikov, vì “chúng tôi cần đạn được, nhiên liệu và cầu phao dể vượt sông Oder, dòng chảy nằm chắn trước Berlin.” Việc phải tái cơ cấu và chuẩn bị đã cho quân Đức thời gian gần hai tháng để tổ chức lực lượng phòng thủ. Chuikov cảm thấy thật cay đắng. Chờ đợi hàng ngày có nghĩa là đội Cận vệ của ông sẽ chịu nhiều thương vong hơn khi cuộc tấn công bắt đầu.

     Thượng tướng Mikhail Yefimovich Katukov, tư lệnh Tập đoàn quân Xe tăng Cận vệ 1, cũng phấn khích tương tự, mong chờ cuộc tấn công bắt đầu, nhưng ông lại thấy mừng trước sự trì hoãn này. Lính của ông cần nghỉ ngơi, còn các đội bảo trì thì cần thời gian để sửa chữa các chiếc xe thiết giáp.

     Ông nói với một vị tư lệnh sư đoàn của mình là tướng Đại tướng Getman, sau khi họ tới được sông Oder, “Tính theo đường chim bay, đội xe tăng đã đi được khoảng 570 km.” Rồi ông tiếp, “Nhưng Andreya Levrentevich à, công tơ met của họ cho thấy họ đã đi hơn 2.000 km. Nhưng con người thì không có công tơ met và ai mà biết được có những hao mòn và hư hại gì trong người mình chứ.”

      Getman đồng tình. Ông tin chắc quân Đức phải bị tiêu diệt và Berlin sẽ bị chiếm, nhưng ông cũng rất vui khi có cơ hội để tái tổ chức. Ông nói với Katukov, “Đồng chí Thượng tướng, điều cơ bản trong chiến tranh nói rằng hạ được các thành trấn không làm nên chiến thắng, mà là phải tiêu diệt kẻ thù. Năm 1812, Napoleon đã quên mất điều đó. Ông ta đã thua tại Moscow – mà Napoleon đâu phải tay lãnh đạo dạng vừa đâu.”

      Các Sở chỉ huy khác trên toàn mặt trận cũng có tình trạng giống thế. Dù mất kiên nhẫn vì trì hoãn, ai cũng hào hứng khi có dịp nghỉ ngơi, vì trận đánh dữ dội sắp tới không phải là ảo ảnh. Các nguyên soái Zhukov, Rokossovskii và Koniev đã nhận được những bản báo cáo rùng rợn về những thứ họ có thể sẽ phải đương đầu. Các ước tính tình báo của họ cho thấy có hơn một triệu lính Đức trong lực lượng phòng thủ và gần ba triệu dân có thể giúp Berlin chống địch. Nếu các báo cáo này là đúng. Hồng quân có thể bị áp đảo ba đánh một.

        Khi nào thì cuộc tấn công sẽ diễn ra? Các vị nguyên soái vẫn chưa biết. Cụm tập đoàn quân đông đảo của Zhukov đã được chọn để chiếm thành phố - nhưng điều này cũng có thể thay đổi. Cũng giống quân Anh-Mỹ bên mặt trận phía tây đang chờ từ “Xuất phát” từ Eisenhower, các tư lệnh Hồng quân cũng đang chờ lệnh từ Tư lệnh Tối cao của mình.

      Điều khiến các nguyên soái lo lắng hơn hết thảy là tiến độ của quân Anh-Mỹ từ sông Rhine. Mỗi ngày trôi qua, bọn họ đang tới gần sông Elbe hơn – và tới gần Berlin. Nếu Moscow không ra lệnh tấn công sớm, quân Anh và Mỹ có thể vào thành phố trước Hồng quân. Vậy mà Josef Stalin vẫn chưa nói ra câu “Xuất phát.” Có vẻ chính ông ta cũng đang chờ đợi.

                     
                                 
                                          * * * * * * * * * * * * * * * * * *
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM