Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 02 Tháng Sáu, 2024, 12:21:45 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một thời chiến trận Phần II  (Đọc 152953 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Đức Cường
Thành viên
*
Bài viết: 607



« Trả lời #350 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2016, 07:54:29 pm »

Đoạn trích thật hay. Hihi... Anh Phuockhanh kể thật chi tiết. Người phía bên Tây Trường Sơn cũng thật đáng yêu. Mà anh phuockhanh có cô gái hàm răng bằng chặn nào mang lòng mến anh bộ đội miền Bắc mác Hải Phòng không đấy ạ? Chỉ có một thời chiến trận mà hay thế giá có hai thời thì người đọc tha hồ nghiến chữ của anh lính Tây Nguyên. Tiếp đi anh. Hôm nay em có cả cuốn đọc không phải chờ đợi nữa rồi.

Chị Xuanv38 thật vui tính. Không cần phải chờ đọc trích đoạn " MỘT THỜI CHIẾN TRẬN " nữa mà có thể đọc liền một mạch. Lần này Đức cường cũng " to mắt " biết lý do rồi đấy. Nhưng không gen tỵ đâu vì Đức cường cũng " như rứa " Grin Grin.
Phần 1 và phần 2 , người lính Trường sơn đã phác họa một bức tranh đường ra trận thật sinh động . Người đọc mới hiểu thêm về cuộc sống của người lính cũng như đồng bào đông trường sơn và tây Trường sơn. Đoạn này bác viết hay quá ." ..đường mòn vắt lên đỉnh núi như đi trong mây. ngó xuống vực sâu thăm thẳm, lạnh sống lưng, tưởng vô tình trượt chân lăn xuóng đó là cả một thế giới huyền bí rặt những loại ác thú rình rập...". Đoạn văn thật ấn tượng chả khác gì chị XV tả chiếc lá rơi qua khung cửa sổ phòng hóa ngiệm.
Chúc bác @phuoc Khanh mạnh khỏe để hành quân trên cả hai mặt trận MVH và fb đều nhé.
Logged

Mời các đồng chí và các bạn đón đọc blog:
http://blogtiengviet.net/Hoilinh77NghiLoc/
phuockhanh
Thành viên
*
Bài viết: 658


« Trả lời #351 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2016, 05:00:35 pm »

Đức Cường đưa ra những lời "KHEN" khéo không PK lại phải đi chưa mũi Đức Cường ơi! CB mới thức là người tài, Viết về sinh hoạt hàng ngày mà cuốn hút ghê lắm! CB đang nghỉ giải lao chu du thiên hạ....
Logged
phuockhanh
Thành viên
*
Bài viết: 658


« Trả lời #352 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2016, 05:07:28 pm »

   (tiếp) Tiểu đoàn 3 (sau là tiểu đoàn 6) trước đây là Tiểu đoàn 7 thuộc Bộ tư lệnh 350 Hải Phòng. Khi được biên chế về Trung đoàn 42 thành một trung đoàn hoàn chỉnh để vào Nam chiến đấu nên đổi thành Tiểu đoàn 3. Gốc từ Bộ tư lệnh Hải Phòng nên có tới 80% là lính quê ở Hải Phòng. Nói đến Hải Phòng thì từ xưa tới nay vẫn có tiếng là “gấu”. Khi trung đoàn suất quân, Tiểu đoàn 3 (Hải Phòng) làm đội quân tiên phong. Hai tiểu đoàn 1,2 và các đại đội trực thuộc đi sau “bọc hậu”, chẳng nói ra nhưng ai cũng hiểu là để đón những tay tụt tạt và định B quay.
   Chuyện đời không có lửa sao có khói, không có tỳ vết gì thì ai dám đặt điều cho ai? “Gấu” và “cướp cảng” được các tay chiến sỹ  Tiểu đoàn 3 thể hiện trên đường Trường Sơn bằng hai chuyện trở thành một kỷ niệm đến bây giờ, người còn sống trở về thường nhắc đến như một “chiến tích” trong những ngày hành quân vào Nam chiến đấu.
   Chuyện thứ nhất là đập chết chú lợn nặng cỡ sáu, bẩy chục ký đem về thịt (tôi quên mất tên trạm). Đầu trò là một tiểu đội trưởng người Đồ Sơn (xin dấu tên). Khi dẫn chiến sỹ đi cải thiện gặp lợn trong rừng, tiểu đội trưởng này đập luôn và kệ nệ khiêng về. Dĩ nhiên gặp lính khác đại đội phải né tránh. Không phải lợn rừng, càng may không phải lợn của đòng bào Lào nuôi, nếu là của dân thì khốn đốn to, sẽ nhận kỷ luật đích đáng. May là lợn của trạm giao liên nuôi thả rông. Đại đội trưởng Nghĩa sôi máu, sáu cơn; mặt phừng phừng vì tức dận, còn Chính trị viên Nguyễn Thiết Kế tái mặt vì sự việc quá bất ngờ, lẳng lặng ra suối ngồi. Đại đội trưởng Nghĩa tập trung cả đại đội, giọng anh rít lên: “Ri là chuyện đã rồi, tôi cấm không một đồng chí nào hé lộ, nếu ai để lộ - anh vỗ vỗ vào khẩu súng ngắn bên hông, giọng đanh lại – Nghĩa này không ngán đâu nhé, tôi bắn”. Biết thừa là anh dọa. Hôm đó được bữa thịt lợn tươi ngon tuyệt, càng ngon hơn vì là miếng ăn vụng!  Cả đại đội đều biết kín mồm kín miệng.
   Chuyện thứ hai là cướp kho gạo ở Trạm 54, các chiến sỹ Hải Phòng đã thể hiện đúng nghĩa của từ “cướp cảng”.
   Đi trên đường dãy Trường Sơn thường phải mang mười lăm ngày gạo (9kg). Càng vào sâu chỉ cấp mười ngày ăn. Đi lấy gạo ở Trạm 54, thủ kho đong gạo cho quản lý các đại đội. Mấy tay chưa đến lượt mình nhận, đứng, ngồi, nhìn những bao gạo căng đầy, xếp chồng lên nhau. Cái dạ dày đói meo, thấy gạo sờ sờ trước mặt, cơn thòm thèm nổi lên, cộng cái danh “cướp cảng” thúc dục và thế là tài sọc bao được dịp “trổ”. Khởi sướng “phá kho”  là cánh Đồ Sơn (lại Đồ Sơn ), chặt nứa, phát nhọn đầu, xiên vào bao, gạo chảy tuôn vào ba lô, ruột tượng. Chiến sỹ coi kho phát hiện đuổi chỗ này thì lại chạy chỗ khác. Giữ không nổi liền vác súng ra bắn chỉ thiên ba phát dọa và cũng là báo động (ở đường Trường Sơn quy định báo động bắn ba phát súng một lần; bình yên, an toàn hay thông đường bắn phát một), chắc mẩm nghe tiếng súng thì mấy tay lính mới thập thò cửa ngõ Trường Sơn sẽ sợ xanh mắt mèo, bỏ cuộc.
   Nhưng thủ kho nhầm, nhầm to. Đây là đội quân Hải Phòng, nội ngoại thành có cả. Lính bộ binh có, trinh sát có, một tuổi quân đến ba bốn tuổi quân đều có mặt; thậm chí có cả chục tay vào Trường Sơn lần thứ hai. Toàn những bộ mặt chẳng biết ngán ai bao giờ. Súng nổ, mấy tay trinh sát chỉ một cú nhẩy đã ôm chặt thủ kho, tước súng. Tất cả ào vào bê cả bao gạo ra, mở ba lô đổ đầy, thuồn ruột tượng căng phồng. Cởi áo ra dúm, cởi quần dài buộc túm hai đầu ống, tống đầy gạo. Xong xuôi, trả súng, cười nói hả hê, ung dung vác gạo về. Tối hôm ấy anh nào anh nấy phễnh bụng, nằm trên võng đu đưa nghêu ngao hát, cười đùa như một buổi liên hoan văn nghệ. Ngày sau hành quân đi khoẻ hẳn lên.
   Cuối chặng đường hành quân đích thân tiểu đoàn trưởng Trí chọn chỗ bãi trống, bằng phẳng, tập hợp đại đội, gọi quản lý trải ny lông xuống đất và lệnh- lệnh thực sự- cho tất cả đổ hết gạo ra, đong đủ số lượng được cấp, còn thừa thu hồi. Việc làm kiên quyết của Tiểu đoàn trưởng các đại đội chấp hành nghiêm, không có sự phản ứng nào. Gì thì gì vẫn có tay láu lỉnh giấu cả bao tượng gạo xuống bờ suối, đổ vào nòng cối 60ly… Hậu quả vụ “cướp kho” làm đoàn quân Nam tiến Hải Phòng bị phạt đích đáng, không được vào trạm khách cũ, nơi có đầy đủ bếp Hoàng Cầm, có chỗ mắc tăng võng, sạch sẽ dưới rừng cây đại thụ mà các đoàn đi trước để lại. Phải ra trú quân khu rừng mới, tự lo liệu bếp núc, nước nôi xa xôi và chỗ nghỉ ngơi phải phát dọn lấy.
   Đoàn quân xuyên rừng trong tiếng gầm rú của máy bay phản lực ném bom khi xa, khi gần; trong tiếng rền rĩ của may bay trinh sát trong những đám mây xanh thăm thẳm, nghe tiếng hu hú của bom B52 xoáy vào không khí nghe rờn rợn như tiếng của loài ác quỷ bị thương đang dãy dụa giữa cánh rừng già Trường Sơn huyền bí…
   
Logged
phuockhanh
Thành viên
*
Bài viết: 658


« Trả lời #353 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2016, 05:10:27 pm »

Càng sâu vào trong đường ít dốc, quân đi càng khỏe, hôm nào cũng đến trạm sớm, lính  tụt tạt hầu như không còn nữa. Đến sớm có nhiều thời gian túm tụm đánh tiến lên. Cuộc sát phạt cho quên đi nỗi mệt nhọc, quên đi nỗi vương vấn trong đầu, trong tim của những người lính chẳng biết mình có sống mà trở về hay không. Trung đội có 4 tên được liệt vào loại hăng hái nhất là ba tiểu đội trưởng: Miền, Hiển và tôi, còn Uân là chiến sỹ ở xã Lâm Động, huyện Thủy Nguyên cũng vào hạng tay chơi có máu mặt. Tay này đánh cờ tướng vào loại sắc và say. Khi còn ở Bắc Uân đánh cờ với tôi là đồng ngũ là bình thường, đánh với trung đội trưởng Doãn Du chả ngại, còn đến chỗ tiểu đoàn trưởng Đàng chơi nữa kia. Bây giờ... chơi mà không có cay cú thì nhạt nhẽo như nước ốc. Phải là những cỡ như bộ tứ này mới khoái. Say sưa sát phạt nhau bằng bôi râu, đội mũ, đội xoong nồi, đeo mặt nạ phòng độc… Tiểu đội trưởng Hiển hôm nào cũng xăng xả bê nồi quân dụng úp ngược, để bên. Hiển, quê ở huyện An Dương Hải Phòng, tay này mà bôi râu thì khuôn mặt trở nên dữ dằn, gớm giếc khác gì mặt giặc. Miền thì cứ nhe cái răng vàng sáng chói lọi ra chiếu vào mấy con bài đã loại để đoán quân còn trên tay đối thủ…Hiển thì cứ hừ hừ cao giọng dọa cho đối phương luống cuống mà tính sai nước cờ. Cuộc sát phạt được các chiến sỹ quây quanh cổ vũ khích lệ các “thủ trưởng tiểu đội” thêm say máu như xung trân…
   Trong những trạm khách nghỉ lại có một trạm đã khắc sâu trong ký ức không thể phai mờ. Nói trạm cho oai chứ thực ra là nơi dừng chân ở khu rừng khộp bằng phẳng bên đất Lào. Cây khộp mọc thưa thớt, vươn cao thẳng tắp, lá to như lá bàng. Cây khộp cương trực vươn thẳng như một quân tử. Dưới cây khộp là cỏ le mọc dày như mạ, cao trên đầu gối. Gọi là cỏ le chứ loại cây này thân cứng, có đốt như cành trúc, dày dít trên mặt đất, nhìn xa tít tắp. Xa xa là cao nguyên Pô-lô-ven của Lào như một bức tường chắn ngang đường chân trời.
   Từ ngày rời đất Bắc nay mới được ở nơi thoáng đãng, nhìn thấy cả bầu trời trong xanh vời vợi. hoàng hôn buông xuống, mặt trời chiếu những tia nắng vàng rực xuống thảm cỏ đang chuyển sang màu vàng nhạt làm cho cả cánh rừng rực rỡ, huyền ảo, mông lung đến kỳ lạ. Gần hai tháng hành quân trong rừng già, chỉ thấy cây, lá, không thấy mặt trời, đồng nghĩa không có ánh nắng, nhất là ánh nắng hoàng hôn. Đây là lần đầu tiên và cũng là duy nhất chúng tôi có một buổi chiều tà hoàng hôn tuyệt đẹp trên đường hành quân khi thấy mặt trời sắp lặn. Bộ đội mắc võng nằm đung đưa, đứa thì đi đi lại lại, in lên nền vàng rực rỡ ấy như hình ảnh Hồng Quân Xô Viết trong phim chiến đấu hồi thế chiến thứ hai đầy chất lãng mạn. Đêm, trăng tròn vành vạch tỏa ánh sáng trắng xuống cánh rừng huyền ảo, như thực như hư, những mái tăng ướt sương lấp lóa như hắt ánh trăng ngược lại.
   Sáng hôm sau hành quân sớm ra bờ một con sông (hình như sông Xê Măng Hiêng), nghỉ lại ở đây, chờ chiều tối thuyền độc mộc chở qua sông. Nghỉ lai chúng tôi phát hiện có rất nhiều cây củ mài mọc trên cát. Thế là tất cả vác xẻng hì hụi đào, đào say sưa. cắm đầu, chổng mông như kẻ đào mỏ xuóng hố sâu lút đầu. Củ mài to bằng bắp tay, dài tuồn tuột, như đòn gánh. Hì hụi nấu canh, luộc. Mặt lính no nê trông như hồng hào hẳn hơn mọi ngày…
   Truyền đơn tâm lý chiến của địch rải trắng trên dọc đường hành quân, và ở đây cũng vậy. Những tờ truyền đơn chụp ảnh máy bay B52 ném bom chùm, cảm tưởng như phát ra những tiếng à à lao xuống, chúng gọi là “hung thần B52”; tờ thì in ảnh chụp khẩu đại pháo 175 ly, “vua chiến trường“ vẻ ngạo nghễ vươn cái nòng dài ngoẵng đe dọa bộ đội. Ở bờ sông này truyền đơn còn chỉ đường xuôi theo dòng sông trên đất Lào sẽ có trạm đón tiếp (!). Chúng tưởng sẽ làm lung lạc được quyết tâm sắt đá của người chiến sỹ Giải phóng quân! Bộ đội ta khoái nhất thu nhặt truyền đơn làm giấy vệ sinh thay lá rừng là tuyệt vời.
   Cuộc hành quân trên đường Trường Sơn dừng lại ở trạm T1- đường dây Giải Phóng- đúng ngày 30-12-1971. Tính trọn hai tháng vượt đường Trường Sơn huyền thoại. Đây là một thắng lợi, một chiến công đầu của Trung đoàn 24, mật danh đoàn Ba Vì.  Cũng từ hôm nay chúng tôi thực sự trở thành chiến sỹ Giải phóng quân! Cái tên thân thương, trìu nếm và mang chất Anh hùng ca của thời đại Hồ Chí Minh mà nhà thơ Tố Hữu đã ngợi ca hình ảnh tuyệt đẹp trong câu thơ :  “…Kính chào Anh con người đẹp nhất!..” (còn nữa)
Logged
Đức Cường
Thành viên
*
Bài viết: 607



« Trả lời #354 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2016, 04:29:56 pm »

  ...truyền đơn tâm lý chiến của địch rải trắng trên dọc đường hành quân, và ở đây cũng vậy. Những tờ truyền đơn chụp ảnh máy bay B52 ném bom chùm, cảm tưởng như phát ra những tiếng à à lao xuống, chúng gọi là “hung thần B52”; tờ thì in ảnh chụp khẩu đại pháo 175 ly, “vua chiến trường“ vẻ ngạo nghễ vươn cái nòng dài ngoẵng đe dọa bộ đội. Ở bờ sông này truyền đơn còn chỉ đường xuôi theo dòng sông trên đất Lào sẽ có trạm đón tiếp (!). Chúng tưởng sẽ làm lung lạc được quyết tâm sắt đá của người chiến sỹ Giải phóng quân! Bộ đội ta khoái nhất thu nhặt truyền đơn làm giấy vệ sinh thay lá rừng là tuyệt vời...
Đọc đến đây tôi lại nhớ đến lứa tuổi thơ của mình . Quê tôi ở Huyện Nghi lộc Nghệ An. Một vùng trong điểm bắn phá của không lực Mỹ trong những năm 1964-1972. Hồi đó tôi đang học cấp 1. Đi học phải đội mũ rơm. Học sinh tự nhuộm vải mùng ( cũ ) màu xanh để thay  áo ngụy trang. Một hôm đi học về thấy máy bay , bay rất thấp sau đó thấy bầu trới lấp lánh. không lâu sau thì trên bầu trời rơi xuống giấy thiếc cắt dài như sợi bún cùng tiền giấy loại 2 đồng và 5 đồng. Nửa còn lại là in truyền đơn kêu gọi " viện trợ cho đồng bào Miền bắc!". Chỉ cần lấy kéo cắt nửa truyền đơn thì sẽ trở thành " tiền thật". Thực tế tiền bạc địch thả và truyền đơn không ai nhặt vung vãi đầy đồng. Cảm ơn bác Phukhanh đã nhắc lại cho  Đức Cường một kỷ niệm thời thơ ấu.
Logged

Mời các đồng chí và các bạn đón đọc blog:
http://blogtiengviet.net/Hoilinh77NghiLoc/
phuockhanh
Thành viên
*
Bài viết: 658


« Trả lời #355 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2016, 09:03:01 pm »

 .. Một hôm đi học về thấy máy bay , bay rất thấp sau đó thấy bầu trới lấp lánh. không lâu sau thì trên bầu trời rơi xuống giấy thiếc cắt dài như sợi bún cùng tiền giấy loại 2 đồng và 5 đồng. Nửa còn lại là in truyền đơn kêu gọi " viện trợ cho đồng bào Miền bắc!". Chỉ cần lấy kéo cắt nửa truyền đơn thì sẽ trở thành " tiền thật". Thực tế tiền bạc địch thả và truyền đơn không ai nhặt vung vãi đầy đồng. Cảm ơn bác Phukhanh đã nhắc lại cho  Đức Cường một kỷ niệm thời thơ ấu.

Đọc đoạn ấy ĐC nhớ thời chiến tranh phá hoại Mỹ rải tuyền đơn. PK đọc của ĐC lại nhớ vụ thả tuyền đơn và giải giấy bạc họ bảo để gây nhiễu của máy bay Mỹ đúng y như ĐC mô tả, vào năm 1966, mình đang ở Hà Nôi. Nhặt vài tờ đúng là cắt đi giống y tiền Bắc bấy giờ nhưng giấy mỏng hơn. Mình giáy mấy tờ nhưng bạn bảo giữ lại quy về tư tưởng đấy thế là đốt đi.
Logged
phuockhanh
Thành viên
*
Bài viết: 658


« Trả lời #356 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2016, 06:57:00 pm »

(Tiêp)
Chương II     BINH TRẠM 37 ĐƯỜNG 559-ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN

   Đứng chân ở trạm T1, lao vào đào hầm, làm chỗ nằm trên đất. Lệnh cấm không được nằm võng vị sợ bom B52 ném tọa độ gây sát thương lớn. Rồi họp, kiểu họp “kinh điển” ai mà chả biết. Lại ưu điểm, lại khuyết điểm, sáo mòn rỗng tuyếch. Lơ đễnh nghe mà tay lính nào thừa biết là phục vụ cho xung trận. Xung trận thì có thằng chết, thằng thương, thằng sống…Điều mà người lính nào cũng đã xác định từ khi đặt chân lên tàu Nam tiến!!!
   Từ Bắc vào cán bộ cấp phó từ trung đội đến trung đoàn không được biên chế. Vào đến chiến trường một loạt các bộ cấp phó được bổ xung về. Họ trưởng thành trong chiến  trường có kinh nghiệm chiến đấu, lại qua lớp đào tạo của Trường quân chính B3, bài bản. Với sự kết hợp cán bộ cũ và mới, giữa người có kinh nghiệm thực tế chiến đấu trên chiến trường và những cán bộ chỉ huy đã hiểu tâm tue nguyện vọng chiến sỹ sẽ làm sức mạnh chiến đấu được nâng cao hơn.
   Anh Đào Quốc Hỷ, quê Ninh Bình về làm tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 3, anh Diệp, quê huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên về làm Chính trị viên phó đại đôi 10. Trung đội tôi có anh In người dân tộc Hoa, quê ở Quảng Ninh, nói tiếng kinh còn ngọng, đã qua gần ba năm ở chiến trường, về làm trung đội phó. Anh Đôi trung đội trưởng đi viện do sốt rét tái phát nên anh In quyền trung đội trưởng.
   Trung đội trưởng Đôi đã từng chiến đấu ở bên Lào và được đi học Trường sỹ quan lục quân. Anh  làm trung đội trưởng của tôi từ khi tôi mới nhập ngũ, tính đến nay đã hơn một năm. Anh đi viện, vài ngày sau tôi có quyết định điều động sang đại đội công binh của trung đoàn. Xa anh, tôi nhớ nhất một hôm sau ngày hành quân vất vả, về đến trạm khách, chúng tôi túm tụm ngồi hút thuốc lào. Trời tối, máy bay Mỹ vẫn i ỉ trên đầu sợ nó phát hiện ánh lửa nên phải khum hai bàn tay che lửa. Tôi che cho anh hút, đến lượt tôi, anh che cho tôi hút. Đợi cho tôi nhả hết khói thuốc, anh mới hỏi:
   - Thi này! Tao hỏi thật nhá- giọng anh rất chân thành, không có ý này, ý nọ như những câu hỏi của cán bộ khác - mày có nghĩ có ngày sống trở về không? Tôi không do dự, không đắn đo hoặc nói chung chung, mà dứt khoát:
   -  Không!..
   Anh cười và nói: Sao chú mày bi quan thế !
   Chia tay anh em trong đại đội, những người đã gắn bó cùng tôi khi vui buồn trong suốt chặng đường hành quân vượt Trường Sơn sao mà lưu luyến, bùi ngùi thế không biết. Nhất là trong tiểu đội, những chiến sỹ tuổi mười tám, đôi mươi, bao giờ cũng coi tôi như người anh cả. Hỏi tôi từ cái nhỏ nhặt nhất đến những điều khó phân sử trong sinh hoạt hàng ngày… Thản, dân tộc thổ, tiểu đội phó chân thật, chịu khó, đã có vợ và một con. Thịnh, cái cậu mà tôi gán cho cô nữ sinh tên Ứng ở Cự Nẫm Quảng Bình lúc nào cũng thể hiện là người chín chắn nhưng không dấu nổi những phút giây bồng bột, ngây thơ của tuổi mười tám. Dũng ngây thơ đến ngờ nghệch, Điệp thì khắc khổ, lụ khụ như một ông già, Hiến thì hay nhăn nhó khi mệt nhọc, Bạo thì thật thà, chất phác…Hậu có vẻ ranh hơn. Mỗi người một nết, một tính cách nhưng đều có một điểm chung là có thương yêu đùm bọc như anh em ruột thịt, đồng cam cộng khổ, cùng san xẻ lúc nặng nhọc, lúc đói, lúc no. Cả bảy chiến sỹ là bảy tâm hồn, bảy nhân cách, bẩy tính nết.  Cũng như trung đội trưởng Đôi, như toàn trung đội…hình ảnh đồng chí, đồng đội; những người lính ấy đã khắc sâu vào trái tim tôi không thể phai mờ!  Mỗi khi nhớ về họ như nhớ anh em ruột thịt cùng máu mủ…
   Tôi đeo ba lô lên tiểu đoàn bộ làm thủ tục giấy tờ thì nghe Chính trị viên tiểu đoàn Phượng vừa ký giấy vừa ta thán, anh nói:  “Mất hết nhân tố của tôi rồi!”
   Cùng điều động ở Đại đội 10 có 3 tiểu đội trưởng là tôi, Yên, Cập. Yên và Cập về đại đội trinh sát trung đoàn. Vài hôm sau anh Trần Thế Thủ tiểu đội trưởng lại điều về C công binh, đề bạt làm Trung đội trưởng. Anh là đảng viên và có sáu tuổi quân. Đúng là Đại đội 10 mất nửa cán bộ “đầu binh cuối cán”. Tôi về công binh, qua trung đoàn bộ, thấy tôi, tuy đang họp, anh Dùng  chạy ra, phấn khởi nói:
   - Thi đấy à! Về công binh hả ? Thế là được rồi !  Anh nắm tay, tôi đón nhận tình cảm thân thương, trìu mến từ đôi bàn tay của anh và cảm thấy không còn khoảng cách cấp trên với cấp dưới. Còn lại chỉ là tình cảm của người anh với đứa em ruột thịt! Tôi hiểu được ý câu nói của chính trị viên tiểu đoàn là thế nào.
   Về đại đội công binh, tôi gặp anh Luật, thủ trưởng của tôi ngày ngập ngũ. Khi đó anh là Chính trị viên phó đại đội.  Bây giờ anh là Chính trị viên trưởng đại đội công binh. Anh giữ tôi ngủ với anh một tối rồi mới cho tôi về tiểu đội mình phụ trách. Gặp anh Luật là cuộc hội ngộ đầu tiên sau thời gian xa anh và sau này tôi và anh cứ như duyên số, xa nhau rồi gặp lại nhiều lần. Tôi gặp Xuân, tiểu đội trưởng, đồng hương huyện. Xuân ở xã Cộng Hiền, nhập ngũ trước tôi hai năm. Trong chiến trường gặp đồng hương là vui lắm.
   Đại đội công bịnh đang ôn luyện khoa mục rà phá bom mìn. Luyện tập khoảng một tuần thì trung đội tôi nhận nhiệm vụ đi phối thuộc ở Binh trạm 37, thuộc đường dây 559- đường Trường Sơn. Trong chiến trường gọi là đường dây Xã Hội Chủ Nghĩa, để phân biệt với đường nhánh rẽ về các tỉnh, quân khu, gọi là đường dây Giải phóng.
                                                                          ***   
   Sau hai ngày hành quân theo đường dây giải phóng, mật danh là CO2, chúng tôi đến được đại đội công binh của đường dây 559 đang làm nhiệm vụ ngoài mặt đường. Đại đội trưởng là anh Cương người Thanh Hóa, Chính trị viên là anh Ý. Về đây trung đội lại tách làm hai bộ phận. Hai tiểu đội do trung đội trưởng Thủ phụ trách về điểm chốt cách đại đội hai ngày đi bộ. Tiểu đội của tôi hoạt động độc lập, vào cứ của đại đội, cách độ một tiếng đồng hồ. Nhiêm vụ của chúng tôi là sửa đường C, con đường dự phòng. Sao lại có đường C, tôi sẽ kể ở phần sau.
   Là những chiến sỹ mới vào chiến trường, khác lính cũ về màu áo, da dẻ, đi đứng ngó nghiêng, nhìn ngang, ngó dọc, ngơ ngác như chú gà mới mua từ chợ về trước cách sống ở chiến trường.  Cái gì cũng lạ, cũng xem, cũng hỏi, cũng lạ, lạ đến cả hố bom sao mà nó to thế…
   Cứ của Đại đội công binh nằm trong khu rừng già, cây to tới hai ba người ôm, cao vút, ba tầng lá che kín bầu trời. Trên mắt đất là những chiếc nhà âm nằm rải rác khắp quả đồi, mái lợp bằng những đoạn tre lồ ô bổ đôi, một hàng ngửa, một hàng úp theo kiểu lợp ngói âm dương. Mỗi căn nhà sâu xuống hơn một mét, lại dùng tre lồ ô hay gỗ kè bốn chung quanh, đổ đất dày hàng mét, thành bức tường chắc chắn vô cùng. Mỗi nhà đủ cho một tiểu đội ngủ nghỉ. Đây là kiểu nhà đơn giản nhất, lại rất hiệu quả tránh sát thương khi máy bay B52, B57 ném bom tọa độ. Hiện tại toàn đơn vị ra bám mặt đường phục vụ vận chuyển.
   Cứ có hai chiến sỹ của đài quan sát là Son và Rấu. Son là đài viên còn Rấu nấu ăn. Khi chúng tôi đến Rấu nấu cơm luôn cho cả tiểu đội. Đúng như cái tên cha mẹ đặt cho, Rấu  thấp bé, da ngăm ngăm đen, mộc mạc, hiền lành chất phác. Có lẽ vì có một mình nên cậu ta rất thân thiện mấy chú sóc ở bờ suối. Hôm nào cũng vậy, sau bữa ăn Rấu mang cơm ra bờ suối cho sóc ăn rồi ngồi xem. Cậu ta bảo biết nết ăn của từng con một.  (còn tiếp)
Logged
phuockhanh
Thành viên
*
Bài viết: 658


« Trả lời #357 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2016, 09:54:28 am »

 (Tiếp)Nhiệm vụ của chúng tôi là mở rộng các “cua” hẹp ở con đường C. Làm nhiệm vụ trên con đường huyền thoại mới hiểu một phần sự thông minh tài trí của cán bộ và chiến sỹ Trường Sơn chống lại bộ óc chiến tranh điện tử với vũ khí hiện đại của đế quốc Mỹ như thế nào. Trên mỗi cung đường, không chỉ có một đường mà có tới hai, ba con đường, đặt tên là A,B,C… Việc có đường A, B, C là để nếu đường A bị địch đánh phá, ta không thể cho xe chạy qua được thì lập tức chuyển sang chạy đường B hoặc C… Như vậy mạch máu giao thông không bao giờ ngừng chảy. Mở các con đường này không chỉ công binh mà cả thủ kho, lính vận tải, lái xe cùng góp sức. Về mùa mưa (thường bắt đầu vào cuối tháng tư đầu tháng năm và kết thúc vào tháng 11, đầu tháng 12) xe không thể chạy trên đường rừng núi trong mùa mưa lũ, xe được đưa vào cất dấu trong rừng, ngụy trang kín đáo. Không những phòng tránh máy bay mà cả biệt kích thám báo. Khi đó lái xe buông vô lăng, cầm cuốc, xẻng cùng công binh đi mở đường dưới những trận mưa như đổ nước. Những con đường dự phòng được mở ra từ những đôi bàn tay như thế.
    Anh Được, quê tỉnh Thanh Hóa, cán bộ cũ hướng dẫn công việc cho chúng tôi. Hàng ngày ăn cơm sáng xong (ở đây gạo nấu tự giác), mang theo nắm cơm bữa trưa rồi kéo nhau ra mặt đường đào, cuốc, san lấp, mở cua hẹp. Hai tay phồng rộp, rát rất khó chịu. Chiều tà rút quân về. Trong khi làm, anh Được hay kể chuyện về biệt kích, thám báo địch tung vào hậu cứ lùng sục, phát hiện lực lượng ta, chấm tọa độ rồi gọị máy bay bắn phá, hoặc kể về những loại bom máy bay Mỹ hay ném xuống đường Trường Sơn. Tuy là kể chuyện nhưng chúng tôi coi đây như một bài học về kinh nghiệm chiến đấu ở chiến trường. Hết một ngày làm viêc về, sau bữa cơm chiều, chúng tôi vào nhà âm thắp ngọn đèn dầu đánh vài ván tiến lên rồi quay ra ngủ.
   Trời tối là máy bay C130, loại máy bay trinh sát vũ trang cứ bay i ỉ trên trời. Săn lùng suốt đêm, bắn cối 40ly ùng oành, ùng oành liên hồi. Hết loại 40ly là đến từng tràng đạn 20ly rẹt rẹt một thôi một hồi như bò đái. Nó bắn nơi nó nghi có sự hoạt động của ta. Máy bay C130 là loại máy bay được trang bị kính hồng ngoại có thể khuếch đại ánh sáng mờ trong đêm tối. Có thể phát hiện tàn lửa của ống sả xe ô tô phụt ra. Sau này, trong một lần tôi đi cáng thương đã chứng kiến một khúc gỗ cháy âm ỉ ở bên đường do buổi chiều chúng đánh phá gây nên. Gió thổi léo lên, thằng C130 phát hiện, nó vòng đi vòng lại bắn từng tràng dài 20ly, bắn chán khi không thấy gì mới bỏ đi. Nó bắn nát bét quanh khúc gỗ, vét đạn dày di dày dít. Đêm nào chúng tôi cũng ngủ thiếp đi trong tiếng rên i ỉ trên trời và tiếng ùng oành của bom đạn dội về.
   Hậu cứ của đại đội công binh là điểm cao nhất của khu vực, có một đài quan sát để theo dõi các trận đánh phá của máy bay trong khu vực đại đội đảm nhiệm. Phụ trách đài là Son, quê Phú Thọ. Son nhỏ nhắn, xăn chắc, nước da đỏ hồng, miệng rộng và khi cười lộ hàm răng trắng bóng, đôi mắt sáng sắc xảo. Tôi thầm thán phục người nào đã chọn Son làm đài viên. Vóc dáng, cử chỉ của Son đã toát lên vẻ nhanh nhẹn như con sóc, lanh lợi và láu lỉnh như chú mèo. Son leo lên đài thoăn thoắt như chú sóc. Ngoắt cái Son đã đứng trên chòi cao chót vót.
   Đài đặt ở quả đồi cao nhất, cây cao nhất. Từ đây quan sát toàn khu vực mà đại đội công binh đảm nhiệm. Máy bay Mỹ ném bom, đánh phá bất kể chỗ nào đài viên đều theo dõi, quan sát được. Nhiệm vụ là ghi chép tọa độ máy bay đánh phá, loại máy bay gì, bao nhiêu chiếc, chúng ném bao nhiêu quả bom, số quả nổ, chưa nổ. Số liệu đó được điện về chỉ huy ngay để có phương án kiểm tra và sử lý để thông đường.
   Một lần tôi hỏi Son là có bao giờ bỏ sót một trận đánh phá không. Son cười, hóm hỉnh trả lời tỉnh khô:
   - Có chứ !
   - Có bị phê bình hay kỷ luật gì không? - Tôi hỏi lại.
   - Kỷ luật làm sao được anh! Vì đó là máy bay B52 hay B57 ném tọa độ, bom nổ rồi mình mới biết, thì chịu thôi. Khi gọi ăn cơm, Son hay dùng từ “khợp”, lề mề chậm chạp, la cà là “tụt tạt”, hay là “ọt”. Lúc đầu tôi không thích lắm, khi quen lại thấy đúng ngôn từ của lính Trường Sơn.
    Ở đến gần tết âm lịch năm 1972 thì đại đội điều chúng tôi về  Trạm palye cách xa nửa ngày đường. Trạm có ba người. Anh Trường tiểu đội trưởng, chiến sỹ có anh Khoa và “chú Nhỏ”- theo cách gọi vui của anh Trường vì tên cậu ta là Nhỏ. Cả ba đều là những lính cựu Trường Sơn. Nghe các anh nói năm phục vụ cả tiểu đội tôi thán phục vì sức chịu đựng đến phi thường ở chốn rừng xanh núi đỏ, với muôn vàn gian khổ, thiếu thốn nơi bom đạn ác liệt. Anh Khoa quê ở Cao Bằng, dân tộc Tày, vào từ 1965; anh Trường quê tỉnh Hưng Yên, vào từ năm 1966; còn “chú Nhỏ”, quê ở Nghệ An, cũng có thâm niên ở chiến trường hơn cả tuổi quân của chúng tôi. Đường ô tô xuyên qua những khu rừng xanh ba tầng lá. Tôi chợt nhớ đến câu thơ của Tố Hữu: “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù!”…      
    Tiểu đội ngủ trong căn hầm kèo được “vĩ đại” đã đào sẵn từ trước, sâu đến ba mét, những cái kèo phải hai người khiêng, còn cái chồng nóc phải sáu người khiêng mới xuể (theo lời anh Khoa kể).
    Nhiệm vụ của tiểu đội là chống lầy cho những cái ngầm vượt suối do xe chạy nhiều  hư hỏng. Chúng tôi chặt những cây gỗ một người vác, dài độ 4mét, mang về xếp sát vào nhau, dùng khúc gỗ lớn hơn đè hai đầu rồi đóng cọc gìm chặt.  Sau mỗi ngày ra mặt đường, tối về cả tiểu đội vào căn hầm “vĩ đại” ôm nhau kể mọi thứ chuyện trên rừng dưới biển, cho vơi đi mệt nhọc một ngày lao động vất vả, cho bớt cô quạnh heo hút giữa rừng sâu và cũng cho vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ Miền Bắc xa vời vợi … Chuyện gì rồi cũng đưa về những kỷ niệm của tuổi học trò, những tình cảm chớm nở, chưa hẳn là yêu làm xôn xao những chàng trai trẻ mà bây giờ chẳng biết có ngày gặp lại hay không. Thi nhau kể, tranh nhau nói. Những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn ấy như khắc sâu vào trái tim các chàng trai chiến trận.
   Lộc quê ở xã Phong Cốc huyện Yên Hưng tỉnh Quảng Ninh kể chuyện bị cô giáo phạt vì không thuộc bài, Việt kể chuyện đi học muộn, Khuê thì kể chuyện ở Trường sư phạm cưa cô bạn cùng lớp trầy trật, vất vả đến thế nào. Hôm trả phép đi chiến đấu mấy cô bạn cùng lớp đến tiễn chân, đang xếp quần áo, còn cái quần chịt bỏ lại mẹ tưởng quên xăng xả cầm ra, nói trước mặt bạn: Quên cái này, con cầm đi không chạy nó lắc! Trời đất ơi, Khêu bảo mặt nóng phừng phừng vì ngượng, không có chỗ mà chui vì sự thật thà chất phác của mẹ. Chuyện nào cũng vui, cũng cuốn hút, và hôm nào bọn chúng cũng bắt “anh cả” kể những kỷ niệm riêng tư chúng bảo phải nhiều lắm. (còn tiép)
Logged
anhtho
Thành viên
*
Bài viết: 1282


Một thời để nhớ !


« Trả lời #358 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2016, 07:20:53 pm »

Đoạn trích thật hay. Hihi... Anh Phuockhanh kể thật chi tiết. Người phía bên Tây Trường Sơn cũng thật đáng yêu. Mà anh phuockhanh có cô gái hàm răng bằng chặn nào mang lòng mến anh bộ đội miền Bắc mác Hải Phòng không đấy ạ? Chỉ có một thời chiến trận mà hay thế giá có hai thời thì người đọc tha hồ nghiến chữ của anh lính Tây Nguyên. Tiếp đi anh. Hôm nay em có cả cuốn đọc không phải chờ đợi nữa rồi.

Chị Xuanv38 thật vui tính. Không cần phải chờ đọc trích đoạn " MỘT THỜI CHIẾN TRẬN " nữa mà có thể đọc liền một mạch. Lần này Đức cường cũng " to mắt " biết lý do rồi đấy. Nhưng không gen tỵ đâu vì Đức cường cũng " như rứa " Grin Grin.
Phần 1 và phần 2 , người lính Trường sơn đã phác họa một bức tranh đường ra trận thật sinh động . Người đọc mới hiểu thêm về cuộc sống của người lính cũng như đồng bào đông trường sơn và tây Trường sơn. Đoạn này bác viết hay quá ." ..đường mòn vắt lên đỉnh núi như đi trong mây. ngó xuống vực sâu thăm thẳm, lạnh sống lưng, tưởng vô tình trượt chân lăn xuóng đó là cả một thế giới huyền bí rặt những loại ác thú rình rập...". Đoạn văn thật ấn tượng chả khác gì chị XV tả chiếc lá rơi qua khung cửa sổ phòng hóa ngiệm.
Chúc bác @phuoc Khanh mạnh khỏe để hành quân trên cả hai mặt trận MVH và fb đều nhé.
Em đang thêo dõi " Tiểu thuyết " của anh Phuockhanh Duccuong Ah.
Logged

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
tantrao
Thành viên
*
Bài viết: 29


« Trả lời #359 vào lúc: 24 Tháng Giêng, 2016, 10:48:44 am »


Tham gia thêm với anh Phước Khánh: Từ đầu mùa khô 1970-1971 trên tuyến vân tải chiến lược đương Trương Sơn mà anh Phước khánh tham gia trong lực lương công binh sửa chữa đường.Đich đưa vào loại máy bay AC 130 (không phải C130 là loại máy bay vân tải )AC 130 là đối tượng nguy hiểm nhất của tuyến vận tải lúc này.AC 130 nó có thể túc trực hết đêm này sang đêm khác,từ đầu đến cuối tuyến,đặc biệt là khu vực nam bắc đương số 9 , hầu như không đoàn xe nào của ta không bị loài ác điểu nay tấn công.đây là loại máy bay được trang bị tia hồng ngoại phương tiên phát hiên tia lửa điên của động cơ xe,phương tiẹn khuyếch đại ánh sáng mờ để nhận rõ mục tiêu trong đêm tối sát thương mục tiêu bằng súng 40 li.20li.tên lửa tầm ngắn.Đội hình xe đang chạy,khi gặp AC 130 dù tắt hết đèn vẫn bị phát hiện.Thời gian này lái xe thương vong nhiều.Tôi con nhớ có những câu ca dao thời ấy.....Cà Roàng ,bảy mốt A-Ki
                                Lái xe qua đó có đi không về     (71 là cây số 71 đường 20,A-Ki là ngầm a ki thuộc cây số 68 đương 20)
                 Hoặc là....Em về mà lấy chồng đi
                                Để cho anh phải lái xe qua Roàng.
 Mài đến 31 tháng 3 năm 1972 tiểu đoàn tên lửa 67 E 275 bằng 1 quả tên lửa bắn cháy 1 AC 130 rơi tại chỗ có 11 thằng mĩ trên máy bay cháy thui, Từ đó bọn Mĩ không đưa loai máy bay này ra nưa.


Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM