Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 02 Tháng Sáu, 2024, 01:08:45 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Người Bình Xuyên - Kiếp giang hồ  (Đọc 80638 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #40 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2011, 03:13:14 pm »

Chương 15

TRANH THỦ THỜI CƠ, XỨ ỦY HOẠT ĐỘNG MẠNH

SÁU GIÀU CHẠY ĐUA VỚI THỜI CUỘC

Cò Ba-de tạm ngưng bắt bớ Cộng sản, phóng thích một số chính trị phạm sau khi nhận được bức thư của Trần Văn Giàu. Trước thắng lợi đó, văn phòng Xứ ủy được đặt tại nhà Bảy Trân. Chọn địa điểm này vì Bảy Trân với Sáu Giàu, ngoài tình đồng chí còn là bạn tâm giao, cả hai cùng du học tại Pháp, cùng qua Nga học trường Đông Phương, cùng trở về nước hoạt động, sống chết có nhau. Nhà Bảy Trân luôn luôn mở rộng với các đồng chí “thất cơ lỡ vận” cả vợ lẫn chồng đều quý bạn, trọng khách… Bảy Trân tuy bị quản thúc tại gia nhưng làng lính đều kính nể vì thấy Tây tới nhà chơi hoặc đưa xe tới đón và một đôi khi Bảy Trân cũng tham gia các cuộc họp quan trọng, cũng đọc “đít-cua” (discours) cùng chủ tỉnh và chủ quận. Chẳng hạn như vụ gắn “mề-đay” cho Hương quản Trọng bị Mười Nhỏ bắn chết trong khi từ Bình Đăng nhảy qua Chánh Hưng truy nã ăn cướp. Chủ tỉnh Pháp và chủ quận là đốc phủ Chấn đến dự tang lễ. Hương cả Sảnh xã Bình Đăng nhờ Bảy Trân làm một bài diễn văn, nể tình cậu cháu, mà cũng nhân dịp này cũng để răn đe đám hội tề, Bảy Trân đọc “đít-cua” không đả động đến ăn cướp mà tô đậm nỗi đau xót của người vợ mất chồng, đám con mất cha… “không có mề-đay nào bù lại được mất mát lớn lao này”.

Bảy Trân cống hiến hết mình cho Đảng. Anh giao nhà mình cho Đảng lập văn phòng, biến vợ mình thành chị bếp. Còn anh thì vừa là chủ nhà, vừa là phụ tá, đôi khi cố vấn và lúc cần, làm liên lạc. Anh còn đưa em ruột là Chín Báu vô làm thư ký ấn loát. Chín Báu rất có hoa tay, nét chữ rất đẹp. Truyền đơn in thạch bản đều do Chín Báu viết. Anh cũng đưa cháu ruột tên là Biển, con của Tư Ó làm thư ký đánh máy. Biển có tài đánh máy nhanh như bay nhờ tốt nghiệp trường kế toán thương mại. Biển và cái máy đánh chữ loại xách tay hiệu Héc-mét (Hermes)- quà tặng của Chung Văn Năm- không lúc nào rời nhau. Chỉ khi nào mệt lắm, biển mới giao cho Lực là cháu Hương trưởng Hoài, cũng là tay đánh máy cừ.

Chưa bao giờ nhà Bảy Trân nhộn nhịp, phấn khởi như đầu năm 1945 ấy. Bồ lúa vơi đi trông thấy, đàn vịt gà cũng hao hụt, nhưng chẳng ai quan tâm tới ba cái lặt vặt đó. Ngày kia, giữa lúc mọi người đang bận rộn với công việc của mình thì có tiếng chày giã gạo vang lên ngoài đường đắp, đó là tiếng báo động có kẻ lạ tới. Lập tức mọi người gom giấy má, dọn dẹp mọi thứ, bước qua các nhà lân cận- cũng là nhà bà con cật ruột của Bảy Trân. Một lúc sau Brô-sê-riu lò mò tới. Bảy Trân hơi lo:

- Gì nữa đó ông bạn? Cò Ba-de lại muốn gặp tao?

Brô-sê-riu cười nhưng không được vui:

- Tao kiếm mày có chút việc. Đây là việc riêng của tao…

Bảy Trân rót trà nóng đặt trước mặt y:

- Việc riêng của mày? Chuyện gì vậy?

Brô-sê-riu xoay xoay tách trà nóng trong tay:

- Đồng minh sắp đánh Đông Dương. Nhật phải ra tay trước. Nó phải đảo chính vì không thể để Pháp làm
“xanh-kem cô-lon” (2) đâm sau lưng nó. Trong trường hợp đó tao muốn nhờ mày một việc… Mày có thể giấu gia đình tao được không? Có bốn mạng tất cả, tao, vợ tao và hai đứa con.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #41 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2011, 03:14:43 pm »

Bảy Trân gật lịa:

- Yên chí lớn đi! Tao vui lòng, rất vui lòng! Tao hứa danh dự với mày- Ông bắt tay Brô-sê-riu siết thật chặt, thật lâu.- Trước đây tao lạnh nhạt, lẩn tránh mày là vì mày là mật thám mà tao theo cách mạng, gặp nhau không có lợi cho mày cũng như cho tao. Còn bây giờ thì mày là một kẻ chống phát xít xin tị nạn nơi một người Cộng sản, tao vui lòng giúp đỡ!

Brô-sê-riu xúc động mạnh:

- Tao thay mặt vợ tao cám ơn mày trước!

Bảy Trân chỉ bồ lúa, giọng đùa cợt:

- Bồ lúa tao đó, dư sức nuôi thêm 4 mạng! Nhưng tụi bây chớ đòi bơ sữa thì tao không chạy đâu cho ra!
Brô-sê-riu ở chơi một lúc rồi ra về. Khi Bảy Trân báo cáo mục đích cuộc viếng thăm của Brô-sê-riu, Sáu
Giàu gật gù:

- Ngày giờ đen tối nhất của mấy thằng Tây ở Đông Dương sắp tới rồi đó. Mình phải tranh thủ thời gian mới nắm vững dịp may ngàn năm một thuở” này- Với giọng nghiêm chỉnh, ông hỏi: Mày nắm giới giang hồ tới đâu rồi?

Bảy Trân hồ hởi:

- Có một tin hay lắm mà tao quên cho mày biết. Bảy Viễn và Mười Trí đã về tới đất liền. Tụi nó vượt ngục bằng xuồng ba lá, tấp vô Rạch Gốc ở Cà Mau. Liên lạc của tụi nó mang thư về ông Tám Mạnh, nhờ tìm cách rước về Sài Gòn, ông Tám Mạnh mới hỏi ý tao.

- Rồi mày bảo sao?

- Tao bảo ông Tám nên giúp tụi nó. Đây là dịp tốt để sau này nắm hai tay giang hồ trứ danh này. Ông Tám đã nhờ Hai Trực là sếp bót “Se-nho” lấy xe CX (xe mang biển số Nhà nước) xuống Cà Mau rước tụi nó.
Sáu Giàu gật gù:

- Mày nắm được ông Tám Mạnh là một thuận lợi lớn. Từ đó phát huy thêm- Ông chọn một mớ tài liệu vừa
đánh máy xong, bó lại cẩn thận:

- Bây giờ tao giao cho mày thêm một chức nữa, mày làm trưởng ban liên lạc với anh em trí thức. Mày đem tài liệu này trao tận tay bác sĩ Phạm Ngọc Thạch giùm tao. Bác sĩ Thạch có phòng mạch ở đường Chasseloup ngang Xẹc Tây. Mày bảo cô y tá “Tôi là bạn của ông Giàu”, cổ sẽ cho mày vô gặp bác sĩ ngay!
Bảy Trân dắt xe đạp ra đi. Sáu Giàu nói thêm:

- Thằng Nhật sẽ lập nội các bù nhìn ngay sau khi nó đảo chính. Mình phải nắm trước giới trí thức để khuyên họ không nên cộng tác với phát xít. Hoặc cao tay ấn hơn, thì cho họ ra giữ chức bộ trưởng hay thứ trưởng để rồi sau đó mình lái họ theo mình.

- Mày đã nắm được ai ngoài bác sĩ Thạch? - Bảy Trân hỏi.

- Nhiều! Đủ các giới. Giới bác sĩ, ta nắm Hồ Văn Nhựt, Đặng Văn Chung, Phạm Biểu Tâm… Giới luật sư ta tiếp xúc với Trịnh Đình Thảo, Nguyễn Hữu Thọ, Thái Văn Lung, Phạm Văn Bạch, Phạm Ngọc Thuần… Giới bác vật có Lưu Văn Lang, Nguyễn Xuân Bái; giới giáo sư có Phạm Thiều, Đặng Minh Trứ, Nguyễn Văn Chì; giới nhà băng có Mi-sen (Michel) Văn Vỹ… Ông khoác tay- Thôi đi đi kẻo trễ!

Bảy Trân đạp một mạch từ Đa Phước tới phòng mạch bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Thân chủ đầy phòng chờ. Anh nói nhỏ với cô y tá “tôi là bạn của ông Giàu”. Cô y tá vào trong rồi trở ra ngay. Theo sau cô là một bác sĩ hớt tóc cao kiểu bàn chải (brossant). Bác sĩ bắt tay Bảy Trân, đưa vào phòng khám, bảo ngồi chờ, ông đang bận khám một người nằm sấp trên giường trải “ra” trắng.

Bỗng cánh cửa phòng bên hông hé mở, một cô đầm khoảng 30 tới nói mấy câu, nhưng bác sĩ khoác tay bảo: “Chút nữa đi! Bây giờ đang bận”. Cô đầm rút lui ngay, bác sĩ đưa thân chủ ra, đóng cửa cài then lại, đến ngồi đối diện với Bảy Trân:

- Ông là bạn của ông Giàu?

Bảy Trân trao xấp tài liệu:

- Ông Giàu nhờ tôi trao tận tay bác sĩ.

Ông Thạch cất kỹ tài liệu trong ngăn tủ, khóa lại cẩn thận.

-Phải vậy đó. Cả bà đầm của tôi cũng không biết công việc làm của tôi. Lúc nãy bả cự nự tôi đi cả đêm không về. Mình đi họp, làm sao dám cho bả biết?... Ông Giàu vẫn mạnh khỏe chứ?

- Dạ khỏe mạnh- Bảy Trân đứng lên cáo từ. Ông Thạch siết tay thật chặt. Bàn tay thật ấm. Bảy Trân như được truyền nhiệt và trên đường về, suy nghĩ mãi về nhiệt tình yêu nước của những người trí thức tiến bộ.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #42 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2011, 03:15:58 pm »

Tiếng chày lại vang lên báo động. Lần này là một người quen biết cũ của Bảy Trân: Giáo hữu Non. Câu chuyện 15 năm xưa hiện về trong trí Bảy Trân, đậm nét như mới hôm nào. Hồi ấy là năm 1930, Bảy Trân mới về nước vào mùa lúa chín cuối năm.

Để tránh làng lính, anh không về nhà mẹ ở Đa Phước- anh mồ côi cha từ lúc lên 7- mà tấp vô chùa Cao Đài Phú Lạc của dì ruột, do Tư Ó là con của dì trụ trì. Anh mang theo tiền và hóa chất để viết thư mà người ngoài không đọc được- chờ liên lạc với Trung ương. Thời gian chờ đợi khá lâu, Bảy Trân nhờ Tư Ó đưa lên Tây Ninh xin làm thư ký cho giáo tông Cao Đài tại tòa thánh. Hội đồng Trung thấy Bảy Trân trẻ tuổi, đẹp trai, có văn hóa, biết đánh máy, nhận làm thư ký ngay.

Trong thời gian ở đây, Bảy Trân vào thư viện nghiên cứu giáo lý Cao Đài. Với một người được đào tạo tại trường Đông Dương Đại học đường, giáo lý Cao Đài thật là một mớ hổ lốn khó chấp nhận. Nhưng tòa thánh có một nhà in, la cà với thợ xếp chữ, ngấm ngầm tuyên truyền vận động và tổ chức. Giáo hữu Non là người được Hội đồng Trung giao trông coi nhà in. Y là người Cần Đước. Bảy Trân nhìn đồng hương với Giáo hữu Non: Cần Giuộc với Cần Đước như hai anh em sanh đôi dính liền xương sống. Dần dần Bảy Trân thuyết phục Giáo hữu Non. Trong một vụ đấu tranh đòi bãi thuế tại Cần Đước, Giáo hữu Non bị bắt. Ra tòa y khai là Giáo hữu Cao Đài nhưng vẫn bị tòa “đóng nhãn hiệu Cộng sản” và kêu ba năm tù, nhốt Khám Lớn Sài Gòn. Bấy giờ, Tây nghe nói dân Cần Đước, Cần Giuộc là thẳng tay kêu án, bởi chúng không thể quên được hai vụ phá Khám Lớn Sài Gòn xuất phát từ hai nơi này.

Ra đón Giáo hữu Non, Bảy Trân có phần chột dạ “Tay này tìm mình để làm gì đây? 15 năm rồi…”.

Giáo hữu Non đi ngay vô đề:

- Nhật sắp đảo chính. Trong nội các sắp công bố, Cao Đài được dành khá nhiều ghế. Tôi nghĩ ngay tới anh…

Bảy Trân giật mình:

- Trời đất! Tôi học hành tới đâu mà… Thôi cho tôi xin đi anh!

Giáo hữu Non ra sức thuyết phục:

- Tôi biết hết, anh đừng giấu. Anh đi học ở Pháp về, nói tiếng Tây giòn rụm như bẻ củi, nhưng anh có tinh
thần chống Pháp. Anh đã từng kêu gọi anh em nhà in tòa thánh chúng tôi đứng lên giành độc lập. Bây giờ độc lập sắp về tay mình, anh không chịu đứng vô nội các của nước Việt Nam độc lập là nghĩa làm sao?
Bảy Trân tiếp tục thoái thác, giáo hữu Non say sưa nói:

- Nhật khác xa Pháp, Nhật cùng da vàng, mũi xẹp như mình. Mấy chục năm trước đây, Nhật đã giúp đỡ chứa chấp những nhà cách mạng của mình trong đó có đức kỳ ngoại hầu Cường Để. Ông này vốn dòng tôn thất không chịu ách nô lệ bí mật hẹn với hai ông Phan Sào Nam và Tăng Bạt Hổ đem ghe vào sông Hương rước ông ra Hải Phòng xuất dương qua Nhật. Ông cưới công chúa Nhật, làm rể Nhật hoàng. Rồi đây Nhật sẽ đưa ông về chấp chánh thay Bảo Đại.

Bảy Trân cười thầm “Cha này bị bỏ bùa mê thuốc lú của bọn phát xít. Làm sao giải bùa cho nó đây?”.

- Người ta đồn như vậy chứ chưa chắc có chuyện Nhật đưa Cường Để về. Mà dù Nhật có tính như vậy thì Cường Để cũng chưa chắc chịu về, bởi ai biết bài thơ xuất dương của ông với hai câu đầu như thế này:

“Vì nước cho nên phải xuất dương,
Há mang đồ bá với tranh vương…”


Giáo hữu Non không để Bảy Trân đọc hết bài:

- Cờ đến tay ai nấy phất. Hồi ra đi ổng nói như vậy, nhưng bây giờ thời thế đã đổi khác. Dù có ổng hay không có ổng, anh cũng phải ra gánh vác chuyện nước chuyện non. Tôi rất tín nhiệm anh nên lặn lội tới đây tìm anh. Anh mà từ chối thì tôi giận lắm đó.

Bảy Trân gọi vợ làm vịt, mua rượu đãi khách. Nhưng Giáo hữu Non hầm hầm đội mưa ra về khi thấy thái độ lạnh nhạt của Bảy Trân trước đề nghị đầy nhiệt tình nóng bỏng của y. Bảy Trân cũng giầm mưa chạy theo năn nỉ nhưng Giáo hữu Non bỏ đi một nước.

Bảy Trân trình bày mọi việc và đề nghị anh em nên dời đi một thời gian để xem phản ứng của Giáo hữu Non như thế nào.

Sáu Giàu vỗ vai Bảy Trân:

- Vậy là địch và ta đang chạy đua nước rút trong giai đoạn này. Mình đã đi trước chúng một bước, phải giữ khoảng cách đó, đừng cho nó bắt kịp. Ở xa Trung ương là một thất lợi lớn. Nhưng đó cũng là một điều kiện bắt buộc chúng ta phải vận dụng tất cả trí thông minh và tinh thần sáng tạo để “điều, nghiên, phân, tổng” nắm cho được tình hình, thấy cho hết khó khăn để có đường lối thích ứng với tình thế.

Văn phòng Xứ ủy có một máy thu thanh, mỗi ngày Sáu Giàu đều theo dõi tin tức thế giới và trong nước. Nhờ vậy anh biết rõ Đồng minh đang phản công ở khắp các mặt trận. Anh có thể kể vanh vách chiến sự tại châu Ââu, châu Phi và Đông Nam Á. Chiến trường anh chú ý nhất là Thái Bình Dương, tướng A-tuya (mac Arthur) chiếm được đảo Ma-ri-an (Mariannes) và từ đó cho không quân oanh tạc Đông Kinh nhiều lần trong ba tháng đầu năm 1945. Mỹ chiếm đảo Lu xông (Lucon) rồi chiếm Maní (Manille) ngày 24-2. Các tin tức này làm mọi người phấn khởi.

Chú thích:

(2) Cingcueme colonne: đạo quân thứ năm tức số người làm tai mắt cho địch

Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #43 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2011, 03:48:46 pm »

Chương 16

NHẬT ĐẢO CHÁNH BẮT GIAM BỌN PHÁP

VIỆT MINH LÃNH ĐẠO CHIẾM SÀI GÒN

Cuối cùng việc phải đến đã đến.

Đêm 8 rạng ngày 9-3-1945, đồng loạt trên khắp ba nước Việt- Miên- Lào, Nhật đảo chính Pháp. Trừ một số ít, trong đó có tướng A-lét-xăn-đri (Alessandri) chỉ huy một đơn vị nhỏ trốn được sang Trung Quốc, còn lại tất cả quân đội Pháp đều nhục nhã đầu hàng. Tại Sài Gòn có vài nơi nổ súng chống cự lẹt đẹt rồi cũng bó tay chịu trói. Nhục nhã nhất là cò Ba-de. Cách làm nhục quân địch mà bọn Nhật thích áp dụng nhất là bắt quỳ gối, cúi đầu. Một tên lính đưa cao thanh gươm lên toan chặt nhưng một, hai, ba… lưỡi gươm vẫn chưa hạ xuống. Nạn nhân chờ đợi đến đứng tim, nhưng thay vì được giải thoát khỏi kiếp chiến bại, họ lại nghe một chuỗi cười dài. Kẻã chiến thắng đã cười cợt trên nỗi lo sợ của kẻ chiến bại. Cò Ba-de cũng nếm mùi cay đắng ấy. Thay vì chặt đầu, bọn Kem-pê-tai chỉ cạo đầu khô lão thôi. Nhục quá, nhưng tên cáo già tự an ủi là kẻ thù còn cho hắn tạm giữ cái thủ cấp. Hắn cố nuốt hận để chờ ngày ân oán giang hồ. Hắn tin ngày ấy không còn xa.

Bộ máy tuyên truyền đã chuẩn bị sẵn sàng, chỉ chờ đảo chính là bấm nút. Bích chương in nguyên trang giấy báo khổ 65 x 100cm dán khắp đường ca ngợi “khối thịnh vượng chung đại Đông Á”. Hành lang Ê-đen- nơi hẹn hò của tao nhân mặc khách được sung công để biến thành một phòng thông tin. Các tranh ảnh quảng cáo sức mạnh của quân đội Thiên Hoàng được trưng bày ở đây. Ngay cửa ra vào hai bên đường Ca-ti-na và Bô-na có dán tấm pa-nô quảng cáo phim chiến sự “Nos ailes en Birmanie” (không quân Nhật tại Miến Điện) như mời mọc thiên hạ vào rạp xem chiếu công của các đội thần Phong tung hoành trên bầu trời Miến Điện.

Đài phát thanh ra rả suốt ngày những bản nhạc kích động tinh thần bài Âu với những điệp khúc “tàn sát quân trời Âu”. Chưa bao giờ thành phố Sài Gòn có một bản nhạc được phổ biến rộng khắp như bài “Tăng-gô si-noa”, tức bài Hà nhật quân tái tai. Đi đâu cũng nghe con nít nghêu ngao nhại: “Tóc em dài sao em không uốn? Tốn bao nhiêu anh trả tiền cho…”. Một bản khác cũng được mến mộ đó là bài “Mùa thu trên đảo Kinh Châu” mà trẻ con cũng đổi lời “đành lặt lìa cái tay, đành lặt lìa cái chân”, có lẽ để chế nhạo bọn Pháp thất thế mất hết tay chân bộ hạ.

Báo chí thân Nhật dành một góc trang tư đăng bài học chữ Nhật “để bạn đọc có thể cắt và đóng thành tập”.

Tại chợ Bến Thành, dãy dưới đồng hồ, bạn hàng bán giày dép người nào cũng có một quyển sách loại bỏ túi dạy tiếng Nhật. Đầu này một cô học đếm: I chi, ni, xăn, xư… đầu kia một ông học xã giao buôn bán:
“Nippon takuxăn yôtô (Nhật Bổn tốt lắm).

Trong khi đó thì tại trại Ông Dèm (11 ème RIC tức Trung đoàn 11 bộ binh thuộc địa), trại lính tập (5 ème RTA tức Trung đoàn 5 pháo thủ Annam) bọn sĩ quan cùng binh sĩ Pháp bị giam như là tù binh.
Nhưng lá bài quan trọng của phát xít Nhật chính là nội các Trần Trọng Kim. Danh sách nội các được báo chí, đài phát thanh công bố và giới thiệu thành phần các bộ trưởng và thứ trưởng. Toàn là trí thức và nhân sĩ tên tuổi trong nước. Đây là một loại Chính phủ quân chủ lập hiến vì trên chóp bu là Bảo Đại. Trong số trí thức và nhân sĩ hợp tác với Nhật có một ít đã được những người làm cách mạng liên lạc trước. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch nắm chức thủ lãnh Thanh niên Tiền phong. Đây là một thắng lợi quan trọng của Xứ ủy Nam kỳ. Nhật muốn có một đoàn thể thanh niên hùng mạnh làm hậu thuẫn, nhưng chúng chưa làm được Sáu Giàu đề nghị bác sĩ Thạch xung phong lãnh trọng trách này. Bác sĩ Thạch có người bạn Nhật là nhân sĩ I-da, I-da mắc chứng nan y là bại liệt quả thận, trị nhiều nơi không hết, bác sĩ Thạch chữa ông ta hết bệnh. Từ chỗ mang ơn, I-da trở thành bạn thân của bác sĩ. Khi nghe bác sĩ ngỏ ý muốn cộng tác với Chính phủ Trần Trọng Kim, I-da vui mừng “nói vô” với thống đốc Mi-nô-đa (thay Hốp-phen đang bị nhốt ở trại Ông Dèm). Sau khi hội kiến với bác sĩ Thạch, Mi-nô-đa bổ nhiệm bác sĩ Thạch làm thủ lãnh Thanh niên Tiền phong. Không bao lâu từ Sài Gòn đến lục tỉnh, từ thành thị đến thôn quê, đâu đâu cũng có các đoàn thanh niên áo sơ-mi trắng, quần “soóc” xanh, đội nón rơm to vành tay xách tầm vông, ngày ngày tập đều bước, tập cứu thương, tập đánh “móc kiểu lính Hải quân”.

Những ngày này, ngoài việc làm phụ tá kiêm liên lạc, Bảy Trân trở lại nhiệm vụ quan trọng đã được giao phó từ đầu: nắm chắc anh em trong giới giang hồ. Cố nhiên ông không buông ông Tám Mạnh nay đã trở thành đồng chí. Theo chỉ thị của ông, ông Tám Mạnh lãnh chức Đoàn trưởng Thanh niên Tiền phong xã Chánh Hưng. Ông Tám đem hết gia tướng của mình nắm từng tiểu đội, trung đội và đại đội để sau này biến thành bộ đội khi có lệnh.

Hai Vĩnh giao xe thổ mộ cho mấy đứa em, sang Chánh Hưng giúp ông nhạc nắm vững đoàn thể Thanh niên Tiền phong. Được giao một đơn vị, Hai Vĩnh rất phấn khởi. Sống với lứa tuổi 20 đầy nhiệt tình trong sáng, Hai Vĩnh cũng thấy mình trẻ lại. Năm ấy anh tròn 30. “Tam thập nhi lập” người xưa nói thế và Hai Vĩnh cũng tin như thế. Anh tin rằng thời cơ đã đến với anh. Giấc mơ làm tướng của anh đã lờ mờ ẩn hiện. Anh đem hết tin thần ra dạy đàn em, cố sao cho đơn vị mình phụ trách trội hơn các đơn vị khác. Anh mong tới ngày “thân sâu hóa bướm”, biến đội Thanh niên Tiền phong thành Thanh niên Cứu quốc như ông Bảy Trân trình bày cho ông Tám và gia tướng trong một cuộc họp mặt. Ngoài những nghi thức như đi đứng, quay trái, quay phải, thắt các loại nút kiểu “bồi xi cút” (boy scout). Hai Vĩnh chú trọng dạy võ cho đội viên; võ tay không, rồi đến võ tầm vông, cách đánh dao găm… Theo ý Bảy Trân, Hai Vĩnh biến đội Thanh niên Tiền phong thành lực lượng bán quân sự để chờ ngày N.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #44 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2011, 03:49:47 pm »

Ngày N, mà Hai Vĩnh cùng gia tướng ông Tám Mạnh chờ đợi mỗi ngày càng tiến lại gần. Tin chiến sự ngày càng phấn khởi.

Trước nhất là tên Hít-le tự sát ngày 30-4-1945. Tin ghê gớm này làm nội các Trần Trọng Kim rung rinh, nhiều người lo sợ mình ngồi trên ghế ba chân. Hai ngày sau, Hồng quân Liên Xô tiến chiếm thủ đô Béc-lin. Những trận đánh ác liệt trên đường phố diễn ra đến ngày 5-5. Béc-lin treo cờ hàng. Ngày 8-5 Đức quốc xã ký hàng ước. Thế là sau 12 năm, nạn phát xít đã bị đập tan. Dẹp được kẻ thù phía Tây, Đồng minh tập trung lực lượng đánh Nhật. Ngày 8-8, Nga tuyên chiến với Nhật, tiến chiếm Mãn Châu. Ngày 12-8, Nhật đầu hàng và một tuần sau, Nhật hoàng ra lệnh cho các lực lượng chiếm đóng ở Đông Nam Á hạ súng.
Thời cơ ngàn năm một thuở đã đến. Xứ ủy ra lệnh cho các nơi nổi lên cướp chính quyền. Ngày 25-8, đồng bào hưởng ứng lời kêu gọi của Xứ ủy, từ các vùng ngoại thành kéo về Sài Gòn biểu tình đông nghẹt đường phố. Đủ cả các nơi: Bình Chánh, Hóc Môn, Gò Vấp, Thủ Đức, Nhà Bè, Cần Giuộc, Cần Đước, tất cả đều có mặt trong ngày biểu dương lực lượng. Khẩu hiệu vẽ đầy đường, treo khắp phố, cờ xí rợp trời. Khẩu hiệu đập mạnh vào mắt mọi người là “Độc lập hay là chết” đủ ba thứ tiếng Việt, Pháp, Anh. Đây là một ngày hừng hực khí thế chưa từng có suốt 80 năm nô lệ.

I-da chứng kiến cuộc xuống đường biểu dương lực luợng này ước lượng khoảng 1 triệu rưỡi người tham dự. Ông ta khen ngợi thành công lớn của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trong việc chuyển hóa lực lượng Thanh niên Tiền phong thành lực lượng Việt minh. Ngay chiều hôm ấy, có thư mời bác sĩ tới Bộ Chỉ huy quân đội Nhật đóng tại nhà chú Hỏa, đầu đường Acmăng Rútxô (Armand Rousseau nay là Hùng Vương) đối diện với trường trung học Pê-truýt Ký. Bác sĩ Thạch mang thư đến hỏi ý Xứ ủy. Ông Giàu khuyên bác sĩ nên đi, nếu tối không thấy về thì Xứ ủy sẽ tổ chức biểu tình buộc Nhật phải thả bác sĩ về. Thượng tướng Têrausi (Tera- Usi) tư lệnh quân đội Nhật ở Thái Bình Dương, sau vài thủ đoạn hù dọa không thành công đành thú thật với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch: “Quân Đồng minh sắp vào Đông Dương, họ sẽ trả thù người Nhật chúng tôi không chút chùn tay… Các ông có cách nào giúp chúng tôi?

Bác sĩ Thạch mừng rỡ. Từ kẻ mạnh, Tê-ra U-si đã xuống nước.

- Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ những người thất thế. Chúng tôi có thể giúp các ông trốn vào vùng rừng núi hiểm trở và bảo đảm tiếp tế đầy đủ…

Tê-ra U-si như chết chìm vớ được phao:

- Thật chớ? Các ông có đưa ra điều kiện gì không?

Bác sĩ Thạch ra sức thuyết phục:

- Chúng tôi chỉ yêu cầu người Nhật các ông hai điều thôi: Một là không được can thiệp vào công cuộc giành độc lập của chúng tôi. Hai là các ông giao vũ khí cho chúng tôi thay vì để quân đội Anh- Ấn giải giới.
Tê-ra U-si suy nghĩ một lúc rồi nói:

- Điều một thì dễ thôi. Nhật không can thiệp vào cuộc giành độc lập của các ông. Còn điều hai thì khó… chúng tôi không thể công khai cho súng, nhưng nếu ta tổ chức những vụ tấn công giật súng thì hợp lý hợp tình hơn.

Bác sĩ Thạch vui mừng siết tay Tê-ra U-si.

- Như thế là đôi bên cùng có lợi. Tôi sẽ báo cáo mọi việc với cấp lãnh đạo, chắc chắn mọi việc sẽ tốt đẹp.
Các ông hãy tin tưởng nơi chúng tôi.

Tê-ra U-si cởi thanh kiếm lệnh mạ vàng trao bác sĩ:

- Xin tặng bác sĩ thanh kiếm này làm kỷ niệm. Đây là truyền thống võ sĩ đạo của tổ phụ tôi để lại.

Bác sĩ Thạch đưa hai tay đón lấy.

- Xin cảm ơn thượng tướng.

Tê-ra U-si lại rút khẩu súng lục bá cẩm thạch:

- Bác sĩ cầm nốt khẩu súng thân yêu này nữa. Tôi không muốn nó lọt vào tay những kẻ thù của tôi.

Trời tối đã lâu mà không thấy bác sĩ về, ai nấy đều lo lắng. Sinh viên Huỳnh Văn Tiểng, một cán bộ lãnh đạo thanh niên và sinh viên, nguyên Phó trưởng trại suối Lồ Ồ, ngồi đứng không yên. Bỗng anh nghe tiếng cười nói vang rền từ ngoài đường. Bác sĩ Thạch đã về bình yên vô sự. Ông đưa cao thanh gươm lệnh mạ vàng của tư lệnh Nhật ở Thái Bình Dương nói to lên cho mọi người nghe:

- Thắng lợi lớn rồi anh em ơi! Ta đã trung lập hóa quân đội Nhật!

Ngày 2-9, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội, thì Ủy ban Hành chính Lâm thời Nam bộ (gọi tắt là Lâm ủy Hành chính) cũng tổ chức biểu tình mừng độc lập. Thành phố Sài Gòn một lần nữa rực rỡ cờ bay và tràn ngập dưới những dòng thác người háo hức đón mừng bình minh của dân tộc.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #45 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2011, 03:54:15 pm »

Chương 17

THỜI CƠ ĐẾN BÌNH XUYÊN LẬP BỘ ĐỘI

BA DƯƠNG ĐƯỢC BẦU LÀM THỦ LĨNH

Cách mạng Tháng 8 mở toang cánh cửa Khám Lớn, trả tự do cho tất cả thường phạm lẫn chính trị phạm. Cùng với các bạn tù thoát cũi xổ lồng, Bảy Rô bước hư bay ra khỏi vòng thành tòa nhà gớm ghiếc mang số 69, La-răn-đie. Ánh nắng chói chang cùng gió heo may khiến anh có cảm tưởng như ngây ngất. Dù vậy, anh vẫn nhớ nắm tay Năm Tửu, Bà Quẹo:

- Mày hứa cho tao cây xít-trăng-xanh (6,35).

- Thì đi với tao về nhà cho biết luôn thể! Tao có tới hai cây, chia cho mày một cây làm kỷ niệm thời gian
cùng nằm học tại “đại học Khám Lớn”…

Bảy Rô được khẩu “xít-trăng-xanh” lấy làm thích chí, bươn bả về Tân Quy. Vừa bước lên bến đò Long Kiểng
đã có người quen tay bắt mặt mừng:

- Bảy Rô! Về hồi nào?- Một người tướng tá giống người Mười Nhỏ bước xấn tới bắt tay Bảy Rô. Đây là Chín Mập, cũng từng “đi hát” và “ăn hàng”.

- Chín Mập! Tao mới ra khỏi “xoa xăng-nớp La-răn-đie” (1) mày không thấy tao còn bận bộ đồ xanh này sao?

Chín Mập nhìn Bảy Rô, bỗng đổi sắc buồn:

- Mày hay tin Mười Nhỏ chết chưa?

Bảy Rô gật:

- Có nghe. Hình như khoảng 1943 thì phải?

- Phải, năm 1943. Thằng cò Ba-tit-ta ở cầu Chữ Y quyết tìm bắt cho được Mười Nhỏ. Nó bắt vuột một lần,
sau đó cứ cho lính kín bám sát cho tới kỳ đó nó biết Mười Nhỏ ở trên một ghe đi trên con kinh Tẻ. Nó bố trí chặn bắt… Mười Nhỏ nổ súng mở đường máu. Nhưng trong cuộc đọ súng, nó bị bắn thủng ruột. Một tay xách súng, một tay nhét ruột, Mười Nhỏ nhảy lên bờ lủi vô xóm. Nhưng trốn không thoát, bị bắt đưa về nhà thương Chợ Quán là nơi tội phạm được chở tới điều trị. Mười Nhỏ tháo băng, bứt ruột tự sát, thà chết hơn để bọn chó săn tra tấn lập hồ sơ.

Bảy Rô buồn mấy phút. Anh đã từng chia bớt cay đắng ngọt bùi với Mười Nhỏ. Đoạn đời ngắn ngủi của Mười Nhỏ như khúc phim phóng qua trước mắt anh. Mười Nhỏ vốn nóng tánh nhưng chưa đến mức giết người. Nhưng hoàn cảnh đưa con người vào bước đường cùng. Trong đám giỗ tại nhà, Mười Nhỏ gây lộn với chú ruột về một chuyện không đâu. Hai người ngồi ở hai sòng bài, một dưới đất, một trên ván. Mười Nhỏ nổi nóng cầm dao hăm he, người chú cũng đổ quạu nhảy xuống. Không ngờ nhảy ngay mũi dao, trúng ngay chỗ nhược, chết không kịp trối. Vậy là Mười Nhỏ can tội ngộ sát. Ngộ sát hay là cố sát gì cũng là giết người. Mà mạng người thời bình rất quý, giết người dễ nổi danh. Ai cũng sợ kẻ sát nhân. Mười Nhỏ đâm liều làm tới. Hắn xưng là “cố Mười”, coi thiên hạ như cỏ rác. Tới xã Tân Thuận, thấy con gái ông cả Mười xinh đẹp, hắn đòi ông cả phải gả cho hắn. Nhưng ai có con lại gả cho ăn cướp? Mười Nhỏ chém chết cả Mười, cưỡng hiếp con gái nạn nhân tại trận. Thế là thêm một án mạng thứ hai. Từ đó thì giết người trở nên một việc hết sức bình thường đối với Mười Nhỏ. Sau khi nghe Bảy Trân nói chuyện tại nhà anh rể là ông Tám Mạnh, Mười Nhỏ nhắm vào đám hương chức hội tề nhiều hơn. Nếu không có Bảy Rô thì Hương quản Núi cũng đã chết vì mũi súng hai nòng của Mười Nhỏ. Hương quản Núi là tay hống hách trong vùng Long Kiểng- Tân Quy. Hắn hút xì gà, coi dân chẳng ra gì. Giới đánh xe ngựa không ưa hắn. Nhưng khi gặp Mười Nhỏ, hắn run rẩy quỳ mọp xin tha chết. Không hiểu sao Bảy Rô lại nổi máu quân tử Tàu, khuyên Mười Nhỏ tha cho hắn. Mười Nhỏ nể Bảy Rô là bạn của Chín Mập, nên chỉ bạt tay đá đít Hương quản Núi mấy cái rồi cho hắn chạy thoát.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #46 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2011, 03:56:01 pm »

Tiếng Chín Mập kéo Bảy Rô trở về hiện tại:

- Lúc này Tân Quy mình ngon lành lắm. Anh Ba Dương lập ra Thanh niên Cảm Tử Đoàn, toàn là dân anh chị không hà. Mày về thật là đúng lúc. Trụ sở đặt tại chợ Tân Quy… Nhưng bây giờ mày phải theo tao.

- Đi đâu? Tao chưa gặp vợ con với bà già…

Chín Mập phẩy tay:

- Thì sau sẽ gặp! Bây giờ mình phải làm ngay kẻo tụi nó phỏng tay trên.

- Mà làm cái gì chớ? Tụi nó là ai mà sợ phỏng tay trên?

- Có mấy chiếc sà-lan xăng của Nhật đậu kia kìa, mình kéo về tổng hành dinh ở cầu Rạch Đìa làm vốn. Tao sợ chậm tay, tụi khác chớp thì bơ mỏ. Bây giờ thì hỗn quân hỗn quan, mạnh ai nấy quơ. Thằng Ba Bay cũng đã cướp một chiếc sà-lan Nhật, kéo cờ Bình Xuyên chạy lên chạy xuống từ bến đò này vô cầu Hiệp Ân, vui thật là vui!

- Bình Xuyên cũng có cờ nữa à? Cờ ra làm sao?

- Tao cũng không nhớ rõ. Chắc là màu đỏ, với hàng chữ gì đó chẳng hạn như là Thanh niên Cảm Tử Đoàn, hoặc là Hải quân Bình Xuyên.

Hai bên còn “dangca”, Năm Chảng xăm xăm đi tới:

- Đi cướp sà-lan xăng của Nhật chớ tụi bây? Xăng là máu đó nghen. Một giọt xăng là một giọt máu.

Thế là cả ba hùng hổ tiến tới mấy chiếc sà-lan đậu gần đó. Bọn Nhật và đám “Heiho” (Hải Hồ) cự nự không chịu giao sà lan. Bảy Rô có dịp khoe cây “xít-trăng xanh”, quà của Năm Tửu Bà Quẹo. Trước họng súng ngắn, bọn Nhật và “Heiho” chịu lép. Năm Chảng kiếm một tàu kéo, đưa sà-lan xăng về cầu Rạch Đìa, vừa chạy sát bờ vừa bắn mấy phát báo tin chiến thắng.

Chín Mập mê cây súng của Bảy Rô:

- Ê Bảy Rô, tối nay mình “đi hát” nghe. Làm vài vụ kiếm tiền làm vốn…

Bảy Rô trợn mắt:

- Bây giờ mà mày còn tính chuyện “đi hát” nữa sao?

Cách mạng rồi mà…

Chín Mập:

- Cách mạng thì cách mạng chớ! Làm cách mạng cũng cần tiền mua súng đạn, nuôi quân lính. Không tiền thì cách mạng gì!

Bảy Rô nhấn mạnh:

- Vậy là mày chưa biết gì hết. Hồi trước, mình dân nô lệ, không phục Tây tà, làng lính mình mới đi làm ăn cướp. Còn bây giờ, nước nhà đã tuyên bố độc lập, mình phải là người công dân lương thiện như mọi người…
Chín Mập “quê” nạt ngang:

- Thôi thôi! Không đi thì thôi, đừng có “làm tàng” dạy đời! Mày cho tao mượn cây “xít-trăng-xanh”, chút về tao chia cho mà xài. Mày mới ở tù về, nghèo rớt mồng tơi…

Bảy Rô cười nhạt:

- Đâu có chuyện đó mậy! Khẩu súng này, Năm Tửu Bà Quẹo cho tao, dặn kỹ: “Súng này là để trừ gian diệt bạo”. Nếu mày “đi hát” thì nó sẽ “khử” mày trước.

Chín Mập lắc đầu:

- Bảy Rô bây giờ khác Bảy Rô trước quá!

Bảy Rô cười lớn:

- Phải khác chớ mậy! Bốn năm ở đại học Khám Lớn, ngày đêm kề cận các tay làm quốc sự, cũng “bỏ bụng” được chút đỉnh chớ bộ!
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #47 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2011, 03:59:35 pm »

Nhóm Ba Dương bỏ hãng đóng tàu Ni-chi-năn để về Tân Quy lo “chiêu mộ binh mã”. Chủ hãng Nhật đã bỏ đi mất khi hay tin Nhật hoàng đầu hàng. Cũng “ngộ” là lúc ấy, không ai nghĩ tới chuyện ăn cắp gỗ súc như trước. Mối bận tâm duy nhất của các nhóm giang hồ là cướp súng Nhật để phô trương lực lượng. Chín Mập lẻn vô hãng dệt bên kia bến đò ăn cắp ba mươi súng Mút chở đầy tam bản về cầu Rạch Đỉa. Nhà Ba Dương lúc đó biến thành tổng hành dinh bộ đội Ba Dương.

Nhóm Tám Mạnh chiếm hãng A-ta-ka của Nhật cướp súng. Hãng này ở kế Sở Thùng, dựa bờ Rạch Ong chứa súng đạn cho hải quân. Một đêm đi chơi về khuya. Chín Phải trông thấy một xe nhà binh Nhật tuôn hàng xuống sông, dưới dạ cầu Rạch Ong, gần cổng hãng Ni-chi-năn. Anh nghi Nhật lén giấu võ khí thay vì nạp cho Đồng minh. Theo lời kể lại của anh, ông Tám cho thợ lặn tới mò. Thợ lặn Năm Cần Thơ trổ tài trong hai tiếng đồng hồ, từ ba giờ khuya tới năm giờ sáng, đem về cho bộ đội Tám Mạnh 11 súng Mút, một Mi, một FM và một súng lục.

Nhóm Mười Lực, Bảy Môn ở Thủ Thiêm cũng mướn thợ lặn mò súng. Soái hạm La-mốt Pic-kê (Lamotte-Picquet) bị máy bay Đồng minh đánh chìm trên sông Cát Lái là một kho súng không thể bỏ qua được. Rồi chiếc máy bay hai lườn B.28 “Libêrato” của Anh bị phòng không Nhật hạ tại cống Thủ Thiêm đêm 5-5-1944 cũng rất hấp dẫn với bốn khẩu đại liên “Trây-dơ” (13 ly 2).

Nhờ thợ lặn kiêm luôn thợ đúc tài giỏi, nhóm Mười Lực, Bảy Môn làm chuyện hi hữu là tự võä trang hai đại liên 13 ly 2 và hai anh được mỗi người một cây Côn Đui (Colt 12 ly). Đó là chiến lợi phẩm thu “nguội” trên xác chiếc Libêrato. Còn soái hạm của Pháp thì “dâng” cho bộ đội Thủ Thiêm 40 súng Mút.

Bảy Môn còn dùng kế mỹ nhân mua rượu thịt nhờ chị em trong xóm mang tới nơi đóng quân của Nhật, dụ chúng giao súng cho bộ đội Thủ Thiêm đóng ngoài đình. Nhờ vậy mà kiếm thiêm được một cây “luộc” (lourde), loại đại liên bắn đạn nồi (7 ly 7).

Với tư cách đàn anh trong vùng, Ba Dương tiếp xúc với các đơn vị bộ đội lận cận và nhanh chóng thống nhất lực lượng lại thành một khối. Vấn đề đặt tên cho lực lượng này thật là gay go. Trước kia, người lập bộ đội thường lấy tên của mình đặt cho lực lượng trong vùng, như bộ đội Tân Quy cũng được gọi là bộ đội Dương Văn Dương, hay gọn hơn là bộ đội Ba Dương. Bộ đội Nhà Bè mang tên bộ đội Hai nhị, Hai Soái… Ba Dương không muốn lấy tên mình đặt cho bốn đơn vị Tân Quy, Tân Thuận, Nhà Bè, Thủ Thiêm nhập lại. Anh tìm một cái tên tiêu biểu và không đụng tới đầu óc địa phương. Trong vùng ven đô này có rất nhiều địa danh khét tiếng chống Pháp. Xã Tân Thuận có vùng Dừa Sụp là nơi quy tụ các tay “chọc trời khuấy nước”, dân vô gia cư, vô nghề nghiệp, dân trộm cướp, tù vượt ngục, có cả các nhà làm quốc sự đang bị truy tầm. Không xa Dừa Sụp có hàng Mù U, thuộc xã Phú Mỹ, cũng được xem là một giang sơn riêng biệt của các tay giang hồ tứ chiếng. Nhưng nổi bật nhất là Xóm Cỏ, cũng gọi là Hố Bần. Từ ngày nhóm Tư Phương, Mười Nhỏ chọn nơi đây làm sào huyệt thì làng lính không đời nào dám léo hánh tới. Sau khi bàn bạc, tất cả đều nhất trí lấy Xóm Cỏ, Hố Bần đặt tên cho bộ đội mới thống nhất dưới quyền chỉ huy của Ba Dương. Nhưng hai tiếng Xóm Cỏ, Hố Bần nghe không hay, Ba Dương tìm thấy tên vùng này trên bản đồ thành phố Sài Gòn- chợ Lớn là ấp Bình Xuyên thuộc làng Chánh Hưng.

Cái tên Bình Xuyên nghe hay hay. Vùng chi chít sông rạch, chữ Xuyên rất thích hợp. Còn chữ Bình gợi chiến công đánh chiếm và bình định. Thế là bộ đội Ba Dương lấy tên bộ đội Bình Xuyên từ ngày ấy.

***

Bảy Viễn và Mười Trí về Sài Gòn đúng vào những ngày sôi nổi ấy.

Lập tức cả hai trở về “giang sơn” của mình gây lại lực lượng. Bảy Viễn đóng đô ở trường đua Phú Thọ, Mười Trí xưng hùng tại Bà Quẹo. Vốn là tay anh chị khét tiếng, mỗi lần vượt ngục từ Côn Đảo về là thêm một chiến công hiển hách, cho nên “nhất hô bá ứng”, đám du đãng từ lâu như rắn mất đầu, nay trở về tụ tập dưới “trướng” hai tay giang hồ vừa vượt trùng dương về đất liền. Bảy Viễn đánh các bót lân cận cướp súng. Y lấy xâu các sòng bạc tạo quỹ nuôi quân.

Mười Trí cũng làm “kinh tế mạo hiểm” để mua súng và mộ lính. Ngoài ra, ông còn được một số chủ ngựa đua lạc quyên đóng góp để được tiếng Mạnh Thường Quân trong vùng Hóc Môn- Bà Điểm.

Tất cả các nhóm giang hồ đều thi nhau xây dựng bộ đội trong những ngày lịch sử này.

Chú thích:

(1) 69 Lagrandière = Khám Lớn Sài Gòn

Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #48 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2011, 04:01:19 pm »

Chương 18

ĐẠI TÁ CÉDILE NHẢY DÙ XUỐNG TÂY NINH

BỊ BẶT SỐNG KHI VỪA CHẠM ĐẤT

Thực dân Pháp không ngồi yên trước phong trào giành độc lập của nhân dân Việt Nam. Sau bốn năm mất nước về tay Đức quốc xã, chúng dựa thế Đồng minh trở lại chiếm thuộc địa Đông Dương đã lọt về tay phát xít Nhật. Liền sau khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng, Pháp đã phái hai sĩ quan cấp tá bí mật tới Việt Nam chuẩn bị tái lập ách thống trị lần nữa.

Trong một đêm tối trời cuối tháng tám, dân chúng vùng Tây Ninh nghe tiếng máy bay lướt nhẹ trên bầu trời. Đó là một chiếc phi cơ vận tải C-47, cũng được gọi là Đacôta. Trên phi cơ có đại tá Xê-đi (Cédille) và hai sĩ quan cấp úy. Cả ba người đều nai nịt như ra trận, trên lưng mang dù cẩn thận. Phi cơ đảo một vòng, đèn trong ca-bin bật sáng. Một sĩ quan Anh từ buồng lái bước ra bắt tay đại tá Xê-đi, chúc may mắn. Cánh cửa hông mở ra, Xê-đi làm dấu thánh giá rồi bước ra cửa, cắm đầu nhảy xuống. Dù bọc gió mở tròn như một tai nấm khổng lồ, hãm đà rơi lại. Hai sĩ quan cũng rời phi cơ với động tác thuần thục.

Khi bộ ba cuốn dù lại thì chiếc phi cơ đã biến mất. Xê-đi bảo hai tùy viên:

- Giờ này ở miền Bắc Việt Nam cũng có một Đacôta thả dù ba sứ giả như chúng ta. Đó là ông Pierre
Messmer và hai sĩ quan cấp úy như hai ông. Không biết họ có được may mắn như chúng ta không?

Xê-đi chưa dứt lời thì một toán dân quân vũ trang tầm vông giáo mác xông tới bao vây. Xê-đi hất hàm làm hiệu cho một sĩ quan người Việt lên tiếng. Sĩ quan này là trung úy René- Lê Văn Đức, con của Jacques- Lê Văn Đức, điền chủ dân Tây tại Mỹ Tho. Rờ-nê học ở Pháp, nhập ngũ theo lực lượng lưu vong của tướng
Đờ-gôn, nay lãnh sứ mạng cùng về Nam kỳ với đại tá Xê-đi.

- Chúng tôi là phái bộ Đồng minh tới đây giải giới Nhật.

Một người đứng tuổi trong đám dân quân nói:

Phái bộ Đồng minh gì mà tới vào nửa đêm nửa hôm như đi ăn trộm vậy? Y ra lệnh- Trói ba kẻ gian lại!
Rờ-nê kêu lên:

- Không phải là kẻ gian đâu! Đây là đại tá Xê-đi, Ủy viên Cộng hòa Pháp! Đại tá sẽ là người cầm quyền cao
nhất ở Nam kỳ…

Người chỉ huy dân quân cười lạt:

- Nghe giọng nói đã biết mày là Việt gian làm tay sai cho Tây! Bây giờ không ai gọi Nam kỳ mà là Nam bộ. Nước nhà đã độc lập rồi, Ủy viên Cộng hòa Pháp tới đây để làm gì?

Rờ-nê còn lải nhải gì nữa đó, nhưng chỉ huy dân quân nói:

- Chúng tôi giao mấy người cho quân đội Nhật. Muốn gì thì nói với họ.

Đây là điều ba sĩ quan Pháp lo sợ nhất. Rờ-nê ra sức năn nỉ nhưng vẫn bị giải tới toán lính Nhật ở gần nhất. Bọn Nhật đang buồn, không có gì giải trí, vớ được ba tên Pháp, hăm hở bày trò chơi ưa thích. Chúng bắt ba tên Pháp quỳ gối cúi đầu xuống. Một tên tuốt gươm trần đưa lên. Thằng chỉ huy đếm chậm rãi: Ichi…ni…xăn… Rồi chúng cười rộ lên. Tên đao phủ lấy mũi gươm nâng mặt ba tên Pháp lên. Cả ba đều tái xanh, không còn giọt máu. Họ không ngờ đây chỉ là trò chơi thôi.

Bọn Nhật đưa cả ba lên xe, giải về thượng cấp ở Sài Gòn. Xê-đi thoát một cái chết rùng rợn, nhưng vẫn chưa hết lo sợ “Bọn Nhật còn giở trò gì nữa đây?”.

Rờ-nê cũng chết điếng. Hắn không ngờ được đón tiếp ghê gớm như vậy khi trở về quê hương trong bộ quân phục chiến thắng của Đồng minh.

Thì ra, vì không nắm được tình hình ở miền Nam nên chúng nhảy dù quá sớm mà cũng là quá trễ. Quá sớm vì quân Anh- Ấn chưa tới Sài Gòn để giải giới quân Nhật như Đồng minh đã quy định. Và quá trễ vì Việt minh đã cướp chính quyền ngay khi Nhật đầu hàng.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #49 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2011, 04:02:12 pm »

Chương 19

HAI TRIỆU NGƯỜI DIỄU HÀNH MỪNG ĐỘC LẬP

CÓ ĐẦY ĐỦ CÁC NHÓM GIANG HỒ

Có niềm vui nào hơn được sống trong những tháng ngày đất nước vùng lên giành độc lập sau cả trăm năm nô lệ? Có hạnh phúc nào hơn được thấy tuổi xuân của mình hòa nhịp với trái tim của cả nước, ngất ngây trước những trang sử vẻ vang mà chính mình đang góp sức tô điểm?

Hai Vĩnh cảm thấy được điều đó và lao vào cuộc sống hào hùng mỗi ngày càng sôi nổi, càng hấp dẫn. Anh đem hết tâm hồn dìu dắt đội Thanh niên Tiền phong mà ông Tám Mạnh giao cho.

Từ trung tuần tháng tám đến đầu tháng chín, chỉ trong vòng 10 ngày mà có đến ba cuộc xuống đường biểu dương lực lượng. Đầu tiên là cuộc biểu tình ngày 21-8 của nhóm Cao Đài, Hòa Hảo và các tổ chức thân Nhật làm lễ ra mắt Mặt trận Quốc gia Thống nhất. Có khoảng vài trăm ngàn người kéo tới đại lộ No-ro-đom (nay là đại lộ Lê Duẩn). Chưa rành không khí chính trị, Hai Vĩnh náo nức muốn tham gia mọi cuộc xuống đường để giới thiệu với mọi người đội ngũ Thanh niên Tiền phong của anh. Nhưng ông Bảy Trân kịp thời giải thích cho anh em trong nhóm ông Tám Mạnh biết “Mặt trận Quốc gia Thống nhất” là tổ chức thân Nhật mà Nhật đã là kẻ chiến bại sắp bị đưa ra tòa án quốc tế xét xử, các tổ chức Cao Đài, Hòa Hảo chỉ là những cây tầm gởi không còn sống khi cây cổ thụ phát xít Nhật đã trốc gốc…

Bốn ngày sau, ngày 25-8, Xứ ủy tổ chức cuộc biểu dương lực lượng tại vườn Bồ-rô (2). Thanh niên Tiền phong của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là một lực lượng đáng kể bên cạnh đội ngũ công nhân, lao động và nông dân ngoại thành. Trong cuộc biểu tình, Lâm ủy Hành chính Nam bộ ra mắt đồng bào. Trong Lâm ủy có các ông Trần Văn Giàu, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, Nguyễn Phi Hoanh, Huỳnh Văn Tiểng…

Nhưng không ai quên được cuộc biểu tình ngày 2-9, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại vườn hoa Ba Đình giữa thủ đô Hà Nội. Tại Sài Gòn, có khoảng hai triệu người xuống đường chào mừng độc lập, tự do mà biết bao thế hệ cha ông đã hy sinh xương trắng máu đào để dân tộc có được ngày chiến thắng huy hoàng rực rỡ hôm nay. Ngoài các lực lượng công nhân, nông dân, lao động, có một đội ngũ được đặc biệt chú ý đến bên cạnh Thanh niên Tiền phong. Đó là anh em giang hồ tứ chiếng mà thiên hạ gọi là “Bình Xuyên”.

Dân anh chị đi biểu tình cố nhiên là phải khác thiên hạ! Ba Nhỏ là dân Thị Nghè cưỡi ngựa mang gươm, đầu bịt khăn rằn, theo sau “có một vài thằng con con”. Sáu Đối, dân Tân Thuận, đầu quân trong nhóm Ba Dương- Năm Hà, cầm cờ vàng sao đỏ có đuôi như sao chổi và hàng chữ “Tẩy uế quan trường” chẳng hiểu rút từ sách vở nào. Lâm Ngọc Đường cũng cưỡi ngựa, ăn mặc bảnh bao, như một chủ nông trại ở… Pháp. Nhóm ông Tám Mạnh, ngoài các đội Thanh niên Tiền phong của Hai Vĩnh, còn có đội lân của Năm Hồi- với dư âm trận lân râu bạc ở Cầu Dừa năm xưa. Nhóm Bảy Viễn, Mười Trí cũng có mặt, mỗi người một vẻ, nhưng cùng chung một niềm hân hoan: đất nước đã độc lập.

Dân Sài Gòn đổ xô xuống đường, không ai nằm nhà mà chịu nổi trước sức hút của phố phường rực rỡ cờ bay và tiếng chiêng tiếng trống. Dân ngoại thành tràn về như thác. Cờ, băng-rôn, khẩu hiệu, hành khúc. Đằng này hát “Nào anh em ta”, đằng kia ca “Việt Nam mến yêu!”, “Lên đàng” chen vai với “Khúc khải hoàn”. Bỗng mọi người lắng tai nghe một khúc ca đặc biệt làm rung động tâm hồn “Một ra đi là không trở về”.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM