Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 02 Tháng Sáu, 2024, 02:36:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ông tướng tình báo và hai bà vợ  (Đọc 77712 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #10 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2010, 08:55:00 am »

Tuyết Mai có cặp mắt bồ câu, đôi má bầu bầu, giọng nói dịu dàng, dễ mến. Cô trạc hăm hai tuổi. Ở trên xe, cô thủ thỉ khuyên giải "người yêu", cố ý để người ngồi cạnh nghe tiếng. Một bà trạc năm mươi tuổi mặc áo lụa màu mỡ gà, quần sa tanh trắng, tóc vấn trần, góp chuyện:

- Lạy Thánh, xin Ngài xá tội cho. Tôi xét ra cậu giáo tuổi Ngọ, mợ tuổi Tý, người cầm tinh con Ngựa, người cầm tinh con Chuột không đến nỗi xung khắc nhau đâu. Gia đình tôi quen biết ông thầy bói ở Ô Chợ Dừa, gọi tiền vận, hậu vận đều đúng. Nếu gặp hạn, ta cúng lễ để giải hạn, cậu ạ.

Tuyết Mai phân bua:

- Trong quẻ Ngài phán rằng nếu chúng cháu lấy nhau sẽ có một người chết. Cứ thành vợ, thành chồng ăn ở với nhau hết tuần trăng mật rồi có chết cũng chả sao.

- Sao cô nói gở vậy? Cô cậu còn trẻ, còn sống với nhau đến đầu bạc răng long, lo gì!

Nguyễn Thanh Bình vẫn giữ bộ mặt thiểu não. Bọn cảnh sát ở Cầu Giấy, ở bến xe Kim Mã không thèm xét kỹ nên ông giáo thất tình không phải trình căn cước. Tuyết Mai đưa Bình vào gia đình cơ sở ở Bạch Mai. Cô dặn "người yêu":

- Sáng mai em sẽ sắm vai vợ chưa cưới của ông cử Lê Thọ Đắc. Anh Đắc sẽ đưa anh về nhà riêng. Trước mắt, anh là ông giáo dậy luyện thi tú tài cho em gái anh Đắc là Lê Tâm Trinh.

Nguyễn Thanh Bình có chỗ ở mới. Anh làm quen với Lê Tâm Trinh. Cô nữ sinh mười bảy tuổi rất thích nói chuyện với thầy giáo mới, bạn của anh mình.

Sau hai giờ trò chuyện, thầy giáo Nguyễn Thanh Bình đã chiếm được tình cảm của cô học trò. Tâm Trinh ủng hộ thầy trên bước đường lập công danh, sự nghiệp. Cô nhận lời cùng với thầy đi khiêu vũ và trong cuộc vui này, cô đã làm quen với người phụ nữ đẹp: Cẩm Nhung. Theo gợi ý của Lê Thọ Đắc cô mời Cẩm Nhung về nhà riêng của mình. Nhung đùa:

- Chị có hai bạn trai: Anh Trần Hảo và đại úy Giắc. Em định mời người nào?

- Tùy chị!

- Mời cả hai.

- Như vậy có tiện cho chị không?

- Không có gì là bất tiện cả nếu em có thêm bạn gái hoặc em tiếp khách giúp chị.

Lê Thọ Đắc và Nguyễn Thanh Bình đặt hy vọng nhiều vào buổi tiếp xúc này. Rà lại những bạn bè đã học trường An-be Sa-rô và trường Bưởi, Lê Thọ Đắc chợt nhớ đến Trần Hảo. Hảo là con một nhà thầu khoán chuyên mở thầu xây dựng nhà cửa cho nhà binh Pháp. Đã từ lâu, Trần Hảo đeo đuổi Cẩm Nhung - một hoa khôi. Không ai hiểu rõ lý lịch thật của Cẩm Nhung. Người ta đồn rằng Cẩm Nhung là quận chúa, gọi cựu Hoàng đế Bảo Đại là ông chú, có tên khai sinh là Công Tằng Tôn Nữ Cẩm Nhung - cũng có ý kiến là cô đã từ bỏ dòng họ Tôn Thất của nhà vua để lấy họ Nguyễn. Vua Gia Long, vua đầu tiên của triều đại nhà Nguyễn là Nguyễn Phúc Ánh thì cô cháu gái đời thứ 16 hay 17 của ông ta gọi là Nguyễn Thị Cẩm Nhung cũng chả có gì sai trái. Có người còn quả quyết Cẩm Nhung là đầm, có quốc tịch Pháp mang tên là Mari hoặc Mari Nhung. Trên thực tế, theo lý lịch thì má của Cẩm Nhung là quận chúa Cẩm Loan, còn ba của cô là hoàng thân Ưng Toàn. Như vậy thì Công Tằng Tôn Nữ Cẩm Nhung là một quận chúa, con một ông hoàng rất gần gũi với Bảo Đại.

Người ta đồn rằng cô nữ sinh trường Đồng Khánh - Cẩm Loan - mẹ của Nhung càng lớn, càng bộc lộ vẻ đẹp riêng biệt của những cô gái miền sông Hương, núi Ngự. Nhờ khuôn mặt trái xoan, nước da trắng hồng, cặp mắt đen láy và mái tóc dài chấm gót, cô tô điểm cho nét thùy mị của mình bằng nụ cười nửa miệng, bằng những tiếng "dạ" nhỏ nhẹ, êm tai. Cho mãi tới năm hai mốt tuổi người ta chưa thấy cô cặp kè với một chàng trai nào, nhưng đột nhiên sau chuyến đi theo vua Bảo Đại ra kinh lý Bắc kỳ, cô về Huế, lấy chồng một cách vội vã và có con ngay. Người ta đồn Cẩm Nhung không phải con của chồng cô: mũi Cẩm Nhung hơi cao, mắt màu nâu... Không ai nghi ngờ đức hạnh của bà mẹ và tuy có những tiếng thầm thì, to nhỏ, chưa ai dám khẳng định bố đẻ Cẩm Nhung là người da trắng, Cẩm Nhung là đầm lai.

Năm 1945, sau ngày vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị, bà mẹ Cẩm Nhung đồng ý gửi cô sang Pháp du học. Một viên thiếu tá người Pháp nhận là cha nuôi của cô. Năm đó, Cẩm Nhung tròn mười ba tuổi. Năm 1947, Cẩm Nhung theo cha nuôi (hay cha đẻ?) về nước. Cô ở lỳ tại Hà Nội, thỉnh thoảng mới đáp máy bay về Huế thăm ba má vài ngày.

Cẩm Nhung có những vẻ đẹp riêng, tính cách riêng. Cô gái Huế thùy mị nhưng lại có vẻ ăn chơi đàng điếm ở Pa-ri cùng những nét nghịch ngợm, sắc sảo, hợm hĩnh của các nữ sinh con nhà giàu Hà Nội, được vào học ở trường dành riêng cho con em người Pháp, có những lời ăn nói, cách đi đứng không bình thường. Cùng một lúc, Cẩm Nhung muốn cặp kè với bất cứ ai mà cô ta thích, sẵn sàng ở lại nhà người bạn trai mới quen biết một hai ngày và cũng dễ dàng quên ngay anh ta khi có bạn trai khác.

Qua Trần Hảo, Lê Thọ Đắc làm quen với Cẩm Nhung. Anh rỉ tai em gái:

- Nếu em mời được Cẩm Nhung về nhà, ta sẽ tạo thêm nhiều thuận lợi cho anh Thanh Bình.

Lê Tâm Trinh ngúng nguẩy:

- Em ghét con mụ đầm lắm. Trông thấy con trai mắt mụ ta cứ long lên. Không khéo anh hoặc anh Bình sẽ sa vào bẫy của mụ ta.

- Em đừng nên quá lo xa. Anh chỉ cần đến mụ ta một lần thôi. Cố mời kỳ được tên đại úy công binh, vì tên này sẽ có quyền định đoạt số phận của anh Bình.

Tâm Trinh bằng lòng. Vì thương anh Bình, cô có thể làm tất cả. Cô không ngờ Cẩm Nhung nhận lời. Cô nêu với anh ruột những yêu cầu của Cẩm Nhung. Lê Thọ Đắc gạt đi:

- Ta tổ chức vũ hội gia đình hai nữ, bốn nam cũng được.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #11 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2010, 08:59:10 am »

Nguyễn Thanh Bình không rõ Lê Thọ Đắc có phải cơ sở bí mật của ta ở nội thành hay không, anh có nhận nhiệm vụ do Tuyết Mai truyền đạt lại không? Nguyễn Thanh Bình và Lê Thọ Đắc mới sống chung, thực sự mới biết nhau nhưng cả hai đều thấy tâm đầu, ý hợp như đôi bạn tri kỷ. Bình hỏi bạn:

- Sao anh quan tâm đặc biệt tới Cẩm Nhung như vậy? Anh định qua Cẩm Nhung để tôi kết bạn với Giắc à?

- Đây là ý nghĩ bột phát của tôi. Tôi không rõ nhiệm vụ của anh, nhưng cái lý do mà các anh tạo ra: “anh là thầy giáo dạy tư cho em gái tôi" chưa thật ổn.

Lê Thọ Đắc kể là Cẩm Nhung có hàng trăm kiểu áo quần khác nhau. Buổi sáng, Cẩm Nhung đang là cô gái Huế thùy mị, nết na, e lệ trong trang phục quần trắng, áo dài tím, tóc xõa ngang vai thì buổi chiều cô đã diện đúng mốt Pa-ri, tự lái xe với tốc độ cao nhất với vẻ ngang tàng, ngổ ngáo. Cẩm Nhung có nét đẹp tự nhiên, lôi cuốn, hấp dẫn không chỉ các chàng trai cùng lứa tuổi mà cả với các bà, các cô và những ông lão đã quá tuổi lục tuần ngay cả khi cô không trang điểm. Cô có nước da trắng của người châu Âu, nhưng lại mang khuôn mặt trái xoan xinh xắn của các nữ sinh Hà thành nên không một họa sĩ nào không mơ ước được chọn cô làm người mẫu và không ai đoán nổi đã có bao nhiêu vệ tinh xoay quanh cô.

Nguyễn Thanh Bình cười trêu bạn:

- Trong số các vệ tinh đó có quan cử Lê Thọ Đắc?

Đắc chắp hai tay trước ngực, đùa:

- Mô Phật! Bần tăng chưa nghĩ đến lập gia đình.

Anh xòe bàn tay ra trước mặt bạn:

- Tôi kém Cẩm Nhung nhiều quá. Một (Đắc cụp một ngón tay): tôi không giàu bằng nàng. Hai: - Địa vị kém nàng; Ba: - điều này quan trọng hơn: tôi thấp hơn nàng chín centimét; Bốn: - tôi không có ý định chọn bạn trăm năm theo "típ" của nàng; Năm: tôi không có bản lĩnh trị con ngựa bất kham đó vì tính khí ả quá thất thường, đang là Phật trên tòa sen bồng biến thành ác quỷ. Tôi có cảm giác là ả  sẵn sàng gí mũi súng vào ngực bạn tình bóp cò ngay sau lúc ái ân với ả.

Nguyễn Thanh Bình cười vang:

- Chà, chà, anh tả về Cẩm Nhung quá sống động đến mức tôi nôn nóng muốn được chiêm ngưỡng người đẹp, để tự mình đánh giá xem nàng là Quan âm bồ tát hay đao phủ? Này, anh Đắc, sao anh lại có ý định đưa tôi lên máy chém vậy?

- Đừng lo, anh bạn. Anh có ưu thế vượt hẳn tôi là rất đẹp trai, cao hơn Cẩm Nhung bốn xen-ti-mét. Hơn nữa anh chỉ dựa vào Cẩm Nhung để che cái "tội" làm thầy giáo dạy tư cho em tôi Một khi anh đã kết bạn với đại úy Giắc Đuyboa và Cẩm Nhung, tôi tin là sẽ không ai điều tra lý lịch của anh nữa.

- Cám ơn anh!

Chia tay với bạn, Nguyễn Thanh Bình về phòng riêng. Không hiểu sao anh chợt nhớ đến vợ con da diết. Anh ao ước được ôm bé Hạnh vào lòng. Không rõ vợ anh có thay đổi nhiều không? Cô kém anh một tuổi nhưng từng trải hơn, đĩnh đạc hơn. Giống như nhiều cô gái Hà Nội thời đó, cô cố theo học, hy vọng có mảnh bằng tiểu học trong tay, rồi ở nhà lo quán xuyến việc gia đình. Cô may vá, thêu, đan rất giỏi và ít ai sánh kịp tài nội trợ của cô. Sau Cách mạng tháng Tám, anh gặp cô ở Nha Công an. Cô là đội viên điệp báo của anh và anh đã để ý đến cô. Cô ăn mặc giản dị, không đánh phấn thoa son nhưng vẫn toát lên vẻ nền nã của người con gái có duyên thầm, càng nhìn, càng ưa.

Nguyễn Thanh Bình đâu phải là chàng trai "đụt" không biết tán gái và chưa được yêu. Nhờ học giỏi, thông minh, đẹp trai nên đã có nhiều cô gái con nhà giàu, con quan tham, quan phán trực tiếp mời chào anh đi ăn cao lâu, đi nhảy hoặc gửi thư cho anh và có cô làm thơ tặng anh nữa. Anh đọc những lá thư sáo rỗng đó không có chút rung cảm của trái tim. Phải chăng các cô nhờ người viết hộ hoặc dựa vào bản mẫu cuốn sách “những lá thư tình nổi tiếng thế giới" để sao chép lại, cải biên đi chút ít cho phù hợp với hoàn cảnh giữa hai người? Anh đã từng cùng các bạn sinh viên đi du ngoạn chùa Thầy, chùa Tây Phương, đi tắm biển Đồ Sơn, nghỉ mát ở Tam Đảo, nhưng anh chả để ý đến ai trong số nữ sinh trong đoàn. Tại sao? Anh không lý giải nổi. Về hình thức bề ngoài, nhiều cô đẹp hơn hẳn Thoa, giầu hơn Thoa, có học thức hơn, song anh đã chọn Thoa. Thoa cũng đã để ý đến anh. Thoa hơn hẳn các cô gái khác. Các cô tiêu tiền không cần đếm, sẵn sàng vung tiền ra bao các bạn; hoặc sai bồi dùng ô tô chở về đủ món sơn hào, hải vị để đãi bạn những bữa tiệc linh đình trong lúc các cô chưa hề biết thế là tráng trứng, luộc rau.

Phạm Thị Thoa của anh khác hẳn các tiểu thư đài các. Hôm đầu, anh đến nhà cô đúng lúc cô đang luộc ốc nhồi. Cô chả cần sửa lại sắc đẹp, vén những lọn tóc lòa xòa trước trán, lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt, cô phân công luôn:

-Anh Bình giúp em một tay nhé!

- Rất sẵn sàng.

Thoa hướng dẫn anh cách nhể ốc, nhặt hành, thái rau và trưa hôm đó, anh đã ăn bữa bún ốc ngon tuyệt vời.

Từ ngày đó, anh thường đến với Thoa và chả biết hai người đi đến tình yêu từ phút nào, do ai chủ động? Khi anh tỏ tình với Thoa, cô đã nhận lời ngay. Bây giờ anh đã có vợ, song tình thế buộc anh phải sắm vai chàng trai chưa vợ để tiếp xúc với Cẩm Nhung và đại úy Giắc. Với anh, người con gái có tên là Cẩm Nhung cũng giống như một Hồng Loan, một Diệu Hương nào đó, chả có quan hệ gì tới anh. Dù sao, anh cũng hơi tò mò vì cách mô tả của Lê Thọ Đắc về người đẹp. Không hiểu Cẩm Nhung sắc nước, hương trời tới đâu, đa tình, đỏng đảnh ở mức độ nào, hiền dịu, duyên dáng ra sao? Thôi, mặc cô nàng. Anh với tay tắt ngọn đèn bàn. Bóng tối ập vào anh nhắm mắt lại. Trong giấc ngủ chập chờn, anh mơ thấy vợ và con gái đang quấn quýt bên anh. Anh thật là hạnh phúc.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #12 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2010, 09:03:03 am »

Trong lúc này, hai anh em Lê Thọ Đắc, Lê Tâm Trinh lo hoàn tất chương trình tiếp khách. Đắc không thích Cẩm Nhung. Nếu không vì Thanh Bình, anh không khi nào mời cô ta tới nhà vì anh không khuyến khích Tâm Trinh bắt chước Cẩm Nhung, không muốn em gái sa đọa. Anh kể cho em gái nghe lai lịch của Cẩm Nhung. Lê Tâm Trinh khinh ghét người đàn bà mà cô sẽ tôn làm khách quý, nhưng cũng tò mò muốn xem chị ta ăn mặc ra sao, cư xử thế nào khi cùng một lúc phải tiếp người yêu và nhân tình?

Chiều hôm sau, bàn tiệc đã bày sẵn. Nguyễn Thanh Bình, Lê Thọ Đắc, Lê Tâm Trinh có những tâm trạng riêng. Đắc không biết Bình là ai, chưa hiểu lý lịch thật của Bình và càng không rõ chuyện Bình mới rời bỏ vùng giải phóng. Với Đắc, Bình chỉ là một cán bộ được tổ chức phân công chui vào hoạt động trong hàng ngũ địch, cụ thể là lọt vào một cơ quan quân sự của Pháp. Anh giúp Bình như giúp cho chính mình. Nay mai, cách mạng về, anh không chỉ ra đón chào với đôi bàn tay trắng. Anh đã có thành tích, đã lập công và nhờ công lao này anh sẽ được tin cậy, được trọng dụng.

Nguyễn Thanh Bình đã gặp lại Tuyết Mai. Cấp trên đồng ý kế hoạch của anh. Qua Cẩm Nhung, nếu nắm được Giắc, anh sẽ bỏ qua được nhiều khâu rắc rối về thủ tục. Giắc sẽ trả lương cao, sẽ trao cho anh một chức vụ quan trọng. Giắc sẽ là người cung cấp những nguồn tin quan trọng cho anh. Trong một buổi tối, anh phải tranh thủ được thiện cảm của Giắc, chiếm được cảm tình của Cẩm Nhung và không làm cho Trần Hảo giận. Anh để tâm trau chuốt cho cái mẽ bề ngoài của mình. So với những người cùng lứa tuổi, anh thuộc loại đẹp trai. Với khổ người cao, anh có bộ ngực nở nang, thân hình cân đối. Khá nhiều cô gái chết mê, chết mệt trước vẻ đẹp lực sĩ của anh. Trông thấy anh, Tâm Trinh lên tiếng:

- Anh Thanh Bình định chài chị Cẩm Nhung hay sao mà diện vậy? Anh còn muốn em nhận là ông giáo không?

- Anh Thọ Đắc đã cho tôi biết về Cẩm Nhung rồi. Theo ý cô Cẩm Nhung sẽ đi với Giắc hay Trần Hảo?

- Khó nhỉ? Có lẽ anh Hảo sẽ đưa xe đón chị ấy.

- Nhỡ Giắc cũng đến đón thì sao?

Lê Thọ Đắc chêm vào.

- Theo ý tôi, ba người sẽ đi ba ô tô đến.

Tâm Trinh lắc đầu:

- Em đánh cuộc là chị Nhung sẽ đi với anh Hảo. Thưa thầy giáo, thầy ngả về phe nào ạ?

Nguyễn Thanh Bình xua tay:

- Khó hiểu quá! Nếu đặt địa vị tôi là Trần Hảo, tôi sẽ không đến nơi nào có Giắc.

Tiếng còi ô tô ngoài cổng. Lê Tâm Trinh chạy trước, ôm choàng lấy Cẩm Nhung:

- Chị mặc đồ đầm trông càng đẹp. Chào anh Hảo. Xin mời đại úy lên nhà.

Trinh kéo Cấm Nhung đi trước.

- Chị lái xe lấy à?

Nhung nhún vai:

- Làm cách nào khác được khi chị có hai bạn trai? Chị đón Hảo, cùng với Hảo đến đón Giắc.

Trinh quay lại phía sau. Cô muốn nói cho ông anh ruột biết bản lĩnh của Cẩm Nhung. Cô ta có cách xỏ mũi cả hai chàng trai làm cho cả hai người đều ngoan ngoãn chịu sự điều khiển của cô.

Vừa bước vào phòng, không cần mời khách ngồi, Lê Thọ Đắc tuyên bố:

- Trong gian phòng này chỉ có chúng ta và chỉ chúng ta thay nhau làm chủ. Đây là các loại rượu, bánh ngọt, hoa quả. Bên phải chúng ta là các món ăn Âu và bên trái có bày sẵn cỗ với các món ăn Việt Nam. Vì có anh Giắc, từ giờ phút này, nếu ai nói tiếng Việt sẽ bị phạt rượu. Sáu chúng ta, mỗi người sẽ làm chủ cuộc vui nửa giờ. Người làm chủ có toàn quyền lựa chọn đĩa hát, phân chia bạn nhảy và mời khách thưởng thức rượu, thức ăn theo sở thích của mình. Tôi muốn các vị dành vinh dự đầu tiên cho cô em út của chúng ta: cô Tâm Trinh, người có sáng kiến tổ chức buổi họp mặt tối nay. Tiếp đó là bà hoàng Cẩm Nhung, nói theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Người thứ ba là anh Giắc, vị khách quý của tất cả chúng ta. Người chủ thứ tư là anh Trần Hảo. Sau anh Hảo đến thầy giáo riêng của cô em gái yêu quý của tôi, anh Nguyễn Thanh Bình và tất nhiên, người điều khiển cuộc vui cuối cùng là tôi, người bạn trung thành với các vị có mặt tại đây. Nào mời cô Trinh.

Trinh chỉ lên chiếc đồng hồ quả lắc treo trên tường:

- Bây giờ là mười bảy giờ ba mươi phút. Em gái các anh, các chị không thích ăn, không muốn uống mà chỉ thèm nhẩy. Nào ta cùng nhẩy. Xin mời anh Giắc cặp đôi với...

Giắc đứng dậy đến bên Tâm Trinh nghiêng mình. Trinh cười như nắc nẻ, kéo tay Lê Thọ Đắc:

- Đây là bạn nhẩy của anh.

Giắc miễn cưỡng ôm vai bạn nhẩy. Tâm Trinh lại gần Hảo và rỉ tai Cẩm Nhung:

- Chị tiếp thầy giáo giúp em.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #13 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2010, 01:35:59 pm »

Nửa tiếng đầu trôi qua trong điệu nhạc êm dịu. Đến lượt mình làm chủ, Cẩm Nhung không muốn rời Thanh Bình ra nữa. Sau hai tuần rượu mạnh, Cẩm Nhung chọn bản nhạc tăng-gô kèm theo lời tuyên bố:

- Chị em tôi giống tính nhau. Tôi không muốn thay đổi những gì cô Tâm Trinh đã sắp xếp.

Nguyễn Thanh Bình vẫn phải trả lời những câu hỏi lục vấn của Cẩm Nhung. Nhung tranh luận:

- Lấy vợ giàu, vợ có danh giá hơn mình đâu phải có tội. Thiếu gì những kẻ tai to mặt lớn được mở mặt với đời do biết cách đào mỏ. Tôi có thể giúp anh được gì? Anh bay với tôi vào Huế, tôi giới thiệu anh với ba má tôi...

- Cám ơn lòng tốt của Cẩm Nhung. Tôi rất muốn tự lập nên đã tự đề ra lời thề là không bao giờ nhờ vợ nếu chưa lập nghiệp. Cô học trò của tôi cũng khá xinh và cũng vào loại giàu có ở đô thành, nhưng tôi chưa để mối quan hệ đi quá tình thầy trò.

- Tôi có nên xem đây là một lời thú tội thành thật để xếp anh vào danh sách những người chưa có ý trung nhân không?

- Mỗi người có quyền riêng của mình.

- Anh chán nghề thầy giáo rồi phải không?

- Phải nói rằng tôi đã ngán ngay từ khi bắt buộc bước vào nghề và mỗi ngày qua đi, cái ngán lại tăng thêm theo hệ số nhân.

- Nếu tôi giúp anh thoát khỏi cảnh này, anh có bằng lòng không?

- Xin cô nói rõ ý hơn?

- Tôi yêu cầu ba nuôi tôi nhận anh làm thư ký riêng.

- Kiêm luôn chức vụ hộ sĩ riêng cho cô? Tôi nghĩ rằng cô sẽ ban cho tôi ân huệ khác.

- Ví dụ?

- Làm một nhà thầu khoán hoặc làm việc dưới quyền đại úy Giắc Đuy-boa.

- Nghĩa là anh không muốn gần tôi?

- Khi chưa có đủ tiền riêng tổ chức bữa tiệc để chiêu đãi cô như hôm nay.

- Với lý do này thì được. Tôi sẽ nói chuyện với Giắc về anh.

Bản nhạc kết thúc. Giắc nhận quyền làm chủ. Anh chàng đại úy người Pháp mời mọi người vây quanh mâm cỗ với đủ món ăn cổ truyền của Việt Nam. Giắc so đũa, chia cho từng người.

- Xin mời. Ở Pa-ri cũng có giò lụa do người Việt làm nhưng không ngon bằng giò Hà Nội. Món nem Sài Gòn và rau ghém này rất hợp với khẩu vị của tôi.

- Anh Giắc cầm đũa thạo nhỉ!

Giắc luôn thích thú về lời khen, khoe luôn:

- Tôi ăn được bún với lòng lợn chấm mắm tôm và thịt chó.

Những người trong cuộc đều cười vui thích thú. Nguyễn Thanh Bình quay mặt đi để che giấu ánh mắt của mình. Với một tên thực dân đi xâm chiếm nước người đã nói tiếng Việt, ăn được những món ăn thuần túy Việt Nam thì không hiểu hắn đã gây ra bao nhiêu tội ác? Anh quay về phía Giắc, nhắc:

- Anh Giắc, anh sử dụng thời gian lãng phí quá. Quyền làm chủ của anh chỉ còn có mười lăm phút. Anh chọn bạn nhảy đi chứ!

Giắc đứng ra giữa nhà, đặt tay trái vào tim mình, tuyên bố:

- Tôi không muốn chuyển tiết mục vì nhiều lí do. Thứ nhất, do tôi bất mãn vì bị bỏ rơi trong hai bản nhạc đầu. Thứ hai, vì tôi phân vân không biết chọn ai giữa hai người đẹp. Thứ ba, là lòng tôi hiện nay giá lạnh. Thôi được, theo gợi ý của ông giáo, xin mời ông Đắc và ông Hảo làm một đôi. Cô Cẩm Nhung và...

- Giắc?

- Bình?

Giắc lắc đầu:

- Tôi ưa trả thù. Người đẹp không mời tôi, xin mời hai người đẹp nhảy với nhau. Tôi sẽ "cặp bồ" với ông giáo.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #14 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2010, 01:40:38 pm »

Cẩm Nhung cười phá lên. Cô ôm Tâm Trinh quay tròn trong vòng nhảy. Nguyễn Thanh Bình bá vai Giắc. So với viên đại úy người Pháp, anh không kém về chiều cao cũng như bề ngang. Anh thủ thỉ tâm sự:

- Ngài đại úy có sáng kiến độc đáo. Nếu không có đề nghị ấy, chả khi nào tôi được vinh dự hầu chuyện đại úy.

- Anh nói tiếng Pháp hay lắm. Anh đã sang Pháp lần nào chưa?

- Đó là mơ ước của tôi. Nghe nói quê đại úy có nghề trồng nho?

- Đúng. Nếu anh được thưởng thức món rượu nho do ông nội tôi pha chế. Tuyệt!

- Xin lỗi, đại úy có biết danh từ "rượu đế" của Việt Nam không?

Giắc cười ha hả, xác nhận:

- Có, tôi có biết. Rượu đế của Việt Nam có một hương vị đặc biệt mà có lẽ không một thứ rượu nào trên thế giới sánh kịp trừ một loại rượu... tình. Thế nào, Tâm Trinh của anh khá đấy chứ?

Nguyễn Thanh Bình trả lời lấp lửng:

- Cô Trinh và gia đình muốn cô ấy thi bác sĩ.

- Còn anh?

- Tôi đang đứng giữa ngã ba đường có thể ngả về bên này, có thể đi theo hướng khác.

- Nghĩa là ông giáo theo Việt Minh?

- Không phải như thế! Với tôi, điều quyết định không phải là chính trị, mà là kinh tế. Tôi đi theo tiếng gọi của đồng tiền.

- Và anh sẽ gạt sang bên những đòi hỏi của trái tim?

- Trong những năm trước mắt của cuộc đời. Tôi còn trẻ tuổi, lo gì.

Tiếng chuông đầu tiên của giờ thứ mười chín vừa điểm, Trần Hảo, với vẻ trịnh trọng có tính toán của nhà thầu khoán, tuyên bố:

- Thưa quý vị, sau năm nghìn bốn trăm giây chờ đợi, tôi mới được quay về với người đẹp của tôi. Mời anh Giắc tiếp nữ chủ nhân. Tôi có ý định cho phép hai vị khách còn lại được tự do hành động.

Đề nghị của Hảo được hoan nghênh vì đã đem lại cái mới cho cuộc vui. Lê Thọ Đắc bập lấy:

- Thanh Bình, ý anh thế nào?

- Ta dùng tiệc Âu, được không?

Hai người bạn có dịp tâm sự với nhau. Bình nhận xét:

- Giắc đã xiêu lòng. Hắn muốn giúp tôi nhưng vì tế nhị, hắn chưa dám chủ động đặt vấn đề. Trong bữa tiệc này, tôi cũng đóng vai người chủ, ngang hàng với Giắc. Chắc là qua gợi ý của Tâm Trinh và của Cẩm Nhung, Giắc sẽ mời tôi cùng cộng tác.

Nguyễn Thanh Bình đã dự kiến đúng. Khi được quyền làm chủ, anh đề nghị Giắc kết đôi với Cẩm Nhung, Trần Hảo kèm Tâm Trinh.

Nửa tiếng nữa trôi qua. Lê Thọ Đắc tìm ra cái cớ để cho Giắc gặp riêng Thanh Bình qua lời tuyên bố:

- Thưa các anh, các chị. Tôi hoàn toàn thông cảm với vẻ bất mãn của anh Giắc khi sự chịu đựng của tôi đã tăng gấp đôi. Các bạn bất công quá. Tôi đã chờ đợi, chờ đợi và đúng  giây thứ một vạn vẫn chưa được gần gũi người đẹp một lần nào. Tôi xin lặp lại đề nghị của Giắc.

Giắc cười ha hả tán thưởng. Viên đại úy công binh chủ động mời Thanh Bình và ngay từ bước nhảy đầu tiên, y đã đặt vấn đề.

- Cô Cẩm Nhung cho tôi biết là anh muốn thay đổi không khí vì đã ngán nghề ông giáo. Nếu anh không chê những con số thống kê vô vị, mời anh về làm việc với tôi.

- Ôi, Cẩm Nhung thật là tốt. Trong vòng nhẩy trước, tôi phàn nàn về số phận hẩm hiu của mình và bây giờ tôi đã biết được kết quả. Không hiểu sức tôi có kham nổi việc anh giao không. Tôi cần chuẩn bị những hồ sơ gì? Bao giờ sẽ gặp lại để anh kiểm tra trình độ?

Giắc kéo Bình ngồi xuống ghế:

- Ồ, những chuyện vặt. Tôi với anh là bạn. Tôi tin anh và để bầy tỏ lòng thành, tôi viết giấy chứng nhận cho anh. Lẽ tất nhiên, anh có toàn quyền từ chối, nếu anh không thích. Còn vấn đề tiền lương? Bước đầu, anh vui lòng nhận ngang mức lương những người có bằng tú tài. Tôi sẽ nâng dần lương cho anh.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #15 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2010, 01:43:34 pm »

Nguyễn Thanh Bình gấp tờ giấy của Giắc cất vào túi. Anh lại dìu Giắc ra vòng nhầy. Điệu Săm-ba vui nhộn chưa hết phần mở đầu đã được chủ nhân mời khách vào bàn tiệc. Cẩm Nhung đến gần Thanh Bình:

- Anh thích có Việt Nam hay ưa món ăn Tây?

- Thưa cô, với thân hình lực sĩ lại quá nghèo như tôi thì khoai lang luộc hay ngô bung cũng ngon.

- Chà! Nghe anh nói, Cẩm Nhung ghen với anh. Có nhiều bữa, Nhung chỉ gặm nổi một lát bánh mì.

- Nếu vậy, tôi khuyên cô dùng món mầm đá.

- Tiếng Việt chúng ta thật phong phú. Cẩm Nhung không tài nào dịch cho người Pháp lần đầu đặt chân đến Hà Nội hiểu vì sao "đại phong" lại là lọ tương được.

- Cô giảng chữ đại là lớn, phong là gió. Gió lớn sẽ đố chùa, đổ chùa thì tượng lo. Cô viết hai chữ tượng lo, nhắc dấu nặng của chữ tượng sang chữ lo để giải thích, chắc người ta sẽ hiểu.

Cẩm Nhung cười vang. Giắc quay lại.

- Anh Bình có tài gì khiến người đẹp vui cười như vậy?

Nghe Bình kể lại, Giắc giơ cao hai tay lên trời ra vẻ bất lực rồi bình phẩm:

- Mỗi nước có nền văn hóa riêng. Trong hành lý đem về Pháp của tôi có tập thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Đọc bài thơ nào của bà tôi cũng thích. "Quân tử có thương thì đóng cọc, xin đừng mân mó nhựa ra tay" để tả quả mít quả là rất thanh mà không ai không hiểu cái tục của ý thơ.

- Anh Giắc mà chuyển sang nghề giáo sư sử học hoặc nghiên cứu ngôn ngữ Việt chắc là thích hợp. Cô Cẩm Nhung có đồng ý với tôi không?

- Anh Giắc sẽ là chủ đồn điền trồng nho. Anh được hưởng gia tài và kế nghiệp nghề truyền thống của gia đình. Về Pháp anh sẽ quên chúng ta ngay.

Giắc cười ha hả:

- Cô Cẩm Nhung hiểu lầm tôi rồi. Người Việt Nam có câu nói rất hay trong trường hợp này: "Nếu lòng dạ tôi như cái bánh, tôi xin bóc ra để mọi người xem". Chỉ cần Cẩm Nhung ra lệnh là tôi sẽ chấp hành ngay, dù phải nhảy vào vòng lửa.

- Cám ơn anh Giắc !

Nhung đang bắt cá hai tay, "ôm" một lúc hai người tình đều nằm trong tính toán tương lai của cô. Cô sẽ không về Huế. Người con gái đã sống rất phóng khoáng giữa thủ đô Pa-ri hoa lệ; đã buông thả mình tại Hà Nội không thể ghép mình trong khuôn phép một gia đình hoàng tộc mà cô đang mang dòng họ. Khi giao dịch cô ít khi dùng giọng Huế với người Hà Nội và cô thường tự giới thiệu mình là Mari Nhung trước những vị khách của ông Giô-dép. Đến bây giờ, tuy má cô chưa chính thức thú nhận, nhưng cô không chỉ linh cảm mà bằng trực giác, cô biết mình là con đẻ của ông Giô-dép. Ông thương cô thực sự. Ông muốn gây dựng tương lai rực rỡ cho cô. Ông thuyết phục cô, vun đắp cho cô với Giắc nhưng Cẩm Nhung chưa chiều theo ý ông. Dù sao, cô cũng là người Việt Nam, cô chưa có ý định dứt khoát sẽ chọn ai làm chồng. Nguyễn Thanh Bình đã lọt vào mắt xanh của cô. Anh được liệt vào danh sách những ứng cử viên mà cô cần xét duyệt.



Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #16 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2010, 01:49:38 pm »

4

Chị Loan vào trong "buồng" kéo cánh cửa liếp khép lại ngồi xuống bên Thoa:

- Em chờ cậu Đạo à? Liệu hôm nay nó có đến không?

- Em chả biết nữa chị ạ.

- Ồ, cái cô này. Bao nhiêu ngày cô cậu không gặp lại nhau rồi?

- Đã bốn tám ngày, chị ạ.

- Hay nó chuồn rồi? Đàn ông đều như thế cả. Khi họ đã chiếm đoạt được mình, họ bỏ rơi mình ngay. Chị phân vân quá. Chị muốn em bớt cô đơn, lo đến hạnh phúc cho em, ai ngờ chị lại hại em.

- Chị! Em cam đoan với chị, anh Đạo không phải là người như vậy đâu.

- Sao cậu ấy không đến nữa? Cô có biết địa chỉ của cậu ấy không?

- Không ạ!

- Số điện thoại?

- Anh ấy không nói với em.

- Cô không hỏi cậu ấy đang làm gì, ở phố nào à?

- Em chỉ cần tình yêu của anh ấy thôi, chị ạ!

- Trời ! Cô cứ như người từ trên trời rơi xuống. Cô nghĩ tới hiến dâng, dâng hiến, còn cậu ấy cho cô cái gì?

- Anh ấy cho em nhiều lắm chị ạ.

Bất giác Thoa liếc mắt xuống bụng mình. Đã nên tâm sự với chị Loan điều này chưa? Chưa nên. Dứt khoát người đầu tiên nhận được tin chị có mang phải là anh. Sau lần gặp gỡ đầu, Thoa cũng có đôi chút dằn vặt. Chị không chút băn khoăn về cô nữ sinh Tâm Trinh mà luôn nhớ tới những lời anh kể về Cẩm Nhung. Chắc chắn cô ta trẻ và đẹp lắm. Đã có lần chị được xem ảnh Nam Phương hoàng hậu đứng cạnh vua Bảo Đại. Bà ta đẹp vô cùng. Chị so sánh với Cẩm Nhung khác nào mảnh chĩnh so với chuông khánh, kẻ mười người chưa được một. Chị chỉ còn biết tin ở anh. Tất nhiên, anh kém xa Trần Hảo và đại úy Giắc về địa vị, tiền tài, danh tiếng song chỉ có người con gái nào vừa câm, vừa mù, vừa điếc mới bỏ qua anh. Cẩm Nhung có thừa tiền, thừa danh vọng, thừa những người đàn ông theo đuổi song đang thiếu một mối tình, liệu cô ả có chấm anh không?

Anh vẫn tìm đến với Thoa. Chị không mảy may nghi ngờ tình cảm của anh. Chị chưa từng trải trong tình yêu song cái giác quan thứ sáu của người phụ nữ, người mẹ, người vợ mách bảo là chị đang được anh yêu mãnh liệt với tất cả tình cảm chân thành của người chồng, người cha. Anh chị trò chuyện hàng giờ về Hạnh. Anh yêu con vô cùng. Anh kể lại cảm giác đầm ấm, tràn ngập tình phụ tử khi anh được ôm con gái vào lòng. Anh chỉ dám gọi con, xưng ba thầm trong miệng, vì anh sợ cháu Hạnh khoe với mọi người. Anh mơ ước được gặp con lần nữa nhưng không tiện quay về Phượng Vũ. Chị định về quê bế con lên Hà Nội hoặc nhắn mẹ đưa cháu ngoại đến điểm hẹn nào đó, song mọi phương án đều thấy không an toàn. Anh bàn với chị:

- Anh không muốn chiềng mặt ra đường hoặc ngồi bên em ở bờ sông. Anh ngại có mật thám theo dõi.

Ý kiến của anh rất đúng nên chị cần bảo vệ anh. Chị đặt vấn đề với chị Loan:

- Anh chị cho em mở cửa ngách...

Anh chồng chị Loan hiền lành, ít nói, bị hen suyễn kinh niên, rất ít khi xen vào việc của người khác đã lên tiếng phản đối:

- Cậu Đạo xui cô như vậy phải không? Không được đâu. Người ta có vợ, có con rồi, cô còn bám theo để làm gì? Cô đừng biến nhà tôi thành nhà chứa.

Chị Loan gạt đi:

- Đây là chuyện riêng của chị em phái nữ chúng tôi, tôi sẽ bàn với cô Thoa!

Khi chỉ còn hai chị em, Thoa ôm lấy chị Loan:

- Em khổ quá chị ơi! Em không thể nào dứt khỏi anh Đạo Em yêu anh vô cùng.

- Thế nó có yêu mày không?

- Vợ anh Đạo còn trẻ, đẹp lắm và rất giầu song anh ấy chỉ nghĩ tới em, yêu em.

Qua những lần tiếp xúc, chị Loan có nhận xét tốt về anh, khen anh chừng chạc, đúng mức, không thuộc loại trai lơ, hám gái. Đạo đẹp trai, giầu, có địa vị nên kiếm ở đâu cũng được gái nếu anh ta thích “ăn vụng". Anh ta đến với Thoa hoàn toàn do tình yêu cũ trỗi dậy và Thoa gắn bó với anh cũng xuất phát từ trái tim. Chị Loan hết sức thông cảm với đôi trẻ. Chị bàn:

- Em dẫn cậu Đạo về quê em làm giấy giá thú...

- Không tiện đâu chị ạ! Nếu anh Đạo thuận theo mình, anh sẽ phạm tội lừa dối vợ.

- Vẽ sự! Tôi cho anh tất cả, tôi chỉ cần nắm đằng chuôi, cột chặt đời anh vào đời tôi.

- Chị ạ, em đã luống tuổi rồi, em quyết định không lấy chồng nữa. Em sẽ hiến dâng tất cả cho anh. Có với anh một đứa con là em mãn nguyện rồi.

- Con hoang ư?

Thoa khẽ gật đầu. Thoa trình bày là mình không nuôi ý định phá tan tổ ấm của anh, làm cho một người đàn bà khác đau khổ. Chị nài nỉ:

- Chị thương em. Em đâu phải đồ đĩ nay kiếm đứa này, mai cặp kè với thằng khác để biến căn buồng này thành nhà chứa. Em chỉ có mình anh Đạo. Em muốn giữ cho anh là cũng lo giữ mình.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #17 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2010, 01:54:17 pm »

Chị Loan nhíu đôi lông mày. Chị phân vân lắm. Chị có nên ủng hộ Thoa không? Nếu cô ấy có người yêu đàng hoàng, chị dễ xử hơn. Kể ra chồng chị cũng nặng lời với cô song anh không ác ý. Anh chỉ muốn ngăn cản không cho cô Thoa giữ mối quan hệ úp úp, mở mở với cậu Đạo thôi. Anh không định "nối giáo cho giặc", tạo thuận lợi cho hai kẻ ngoại tình. Anh không phong kiến, không mê tín dị đoan nên chả nghĩ tới kiêng khem khi có đôi trai gái lạ ăn nằm với nhau trong nhà mình, mà chỉ đơn giản là anh rất ghét trò dơi chuột. Chị sẽ thuyết phục anh về trường hợp đặc biệt này. Chị Loan nói hết ý này với Thoa kèm theo ý kiến:

- Chị thông cảm với em và cậu Đạo. Chị cầu chúc cho hai em hạnh phúc, tốt nhất là nên vợ, nên chồng. Chị bằng lòng cho em mở lối đi riêng.

- Cảm ơn chị!

Vợ chồng chị Loan khá tế nhị, không tò mò về những lần Đạo đến với Thoa. Anh Đạo, trong vai người đàn ông trốn vợ, lén lút đến với gái, luôn giữ thái độ hòa nhã, lịch sự, dè dặt với chủ nhà. Anh đến với chị nhưng không hẹn trước, không theo giờ giấc nhất định và chả có quy luật nào. Chị không trách anh, hết sức thông cảm với anh. Anh muốn gặp chị không phải mỗi tuần, mỗi ngày mà muốn được ở bên chị từng phút, từng giây. Anh tâm sự:

- Anh đang có cuộc sống rất đầy đủ về vật chất. Anh sẵn sàng từ bỏ tất cả để được về sống chung với con và em trong một túp lều.

Chị nhỏ nhẹ:

- Em đã làm tất cả để được ở bên anh.

Điều này thì anh quá hiểu rồi. Anh đã lường mọi gian nan mà chị phải gánh chịu khi chị tiễn anh vào thành; khi chị rời Thanh Hóa để "dinh tê"; cách đối phó lúc trình diện trước đồn trưởng cảnh sát rồi những ngày gửi con đi tìm chồng. Tình yêu mà chị dành cho anh không chỉ chứng minh bằng lời nói mà qua mọi việc làm, khiến anh vô cùng xúc động. Chị thổ lộ:

- Tiếc rằng em không hoạt động trong cùng đường dây, nằm trong mạng lưới với anh, song em sẽ bảo vệ anh. Em biết đặt lợi ích của cách mạng trên hạnh phúc riêng.

Chưa lần nào chị đòi anh ở nán lại cùng mình thêm ít phút hoặc xin anh hẹn cho lần gặp tới. Tiễn anh đi, tối nào chị cũng ngồi nhà để chờ anh, hồi hộp nghe tiếng chân anh bước gấp, sung sướng nghe tiếng anh gõ cửa. Chị mong anh song không trách vì anh không đến. Những ngày gần đây, chị thực sự sốt ruột vì không thấy anh xuất hiện. Chị phải làm gì đây khi chưa có ý kiến của anh? Không hiểu anh mừng, anh buồn hay anh lo? Chị có con lúc này là đúng hay sai? Lần gần gũi gần nhất cách hôm nay là bốn tám ngày, tính ra đã sang tháng thứ hai chị không có kinh mà anh chưa trở lại. Có chuyện gì xảy ra với anh? Anh bận ư? Chị cần anh quá! Tại sao anh không tranh thủ ghé thăm chị vài phút? Hay là chị cứ báo tin mừng với chị Loan? Không nên! Dứt khoát phải chờ ý anh.

Phải đến ngày thứ bảy mươi xa cách, anh mới đến với chị. Chị khóc tức tưởi. Tình cảm dồn nén căng quá khiến chị không giữ bình tĩnh nổi. Anh hoảng hốt:

- Có chuyện gì xảy ra phải không em? Anh thật đáng trách quá. Hơn hai tháng qua, anh bận vô cùng.

Chị lau nước mắt, gượng cười:

- Anh lên chào anh chị chủ nhà rồi xuống đây. Em có chuyện quan trọng cần nói với anh!

Anh hôn lên tóc chị:

- Xin tuân lệnh. Anh mua biếu anh chị mỗi người bộ quần áo, em xem có hợp không?

- Lẽ ra anh nên tặng vải. Em chả cần xem vì anh thừa biết cách cho quan trọng hơn của cho. Anh xuống ngay nhé!

Anh đón tin vui với nét mặt rạng rỡ, mắt sáng long lanh. Anh trìu mến:

- Anh sung sướng, hạnh phúc lắm! Anh tin là chúng ta sẽ có con trai. Anh muốn đặt tên con là Thành.

Chị trêu chồng:

- Anh tên là Bình phải đặt tên con là An chứ?

- Tên Thành có nhiều ý chứ em. Thứ nhất là chúng ta sinh con ở thành phố Hà Nội, thứ hai là tình yêu của vợ chồng ta bền vững như bức tường thành; thứ ba là chúng ta hy vọng cuộc kháng chiến sẽ thành công, thứ tư là... à, hay là em gọi con là Thanh để vợ chồng ta nhớ những kỷ niệm ở Thanh Hóa.

Chị cười:

- Thôi đi ông. Chưa có ai nghe tin vợ có mang đã nghĩ đến việc đặt tên cho con như anh. Em lo nẫu cả ruột vì có nhiều việc cần bàn với anh.

- Việc gì?

Những ngày qua, chị đã vạch cho mình biết bao phương án. Nếu anh không đồng ý có con, chị sẵn sàng phá thai. Đây là điều thất đức (theo quan niệm thời đó - 1953) nhưng vì nhiệm vụ của anh, chị sẽ không từ chối. Trường hợp anh muốn có con thì phải lý giải về cái thai của chị như thế nào? Chị chứa hoang ư ? Cũng được thôi. Người ta sẽ phỉ nhổ chị, khinh rẻ chị là loại gái dễ dãi, thậm chí lên án cái kẻ không chồng mà chửa với những lời lẽ nặng nề nhất, chị cũng cắn răng chịu đựng. Trước họ, chị sẽ cúi đầu, xấu hổ, không cãi lại nửa lời song chị sẽ mỉm cười, sung sướng, hãnh diện vì cái thai trong bụng. Chị chỉ phân vân về lời thú nhận trước dư luận. Chị sẽ khai ra ai là bố đứa trẻ, chị quan hệ với anh ta ở đâu, trong trường hợp nào? Nay mai, khi sinh nở, chị sẽ khai tên bố của con mình là ai? Chị đâu có quyền khai họ tên thật của anh! Chị cất kỹ tờ giấy giá thú khi anh chị lấy nhau ở Nghệ An và tờ khai sinh cho cháu Hạnh ở Thanh Hóa để giấu tung tích anh, lẽ nào chị lại khai ra khi sinh con thứ hai? Cách tốt nhất là chị trở về làng Phượng Vũ để "mai danh ẩn tích" và sinh con, song chị không muốn xa anh chút nào. Phương án thuê chỗ mới, chọn nghề mới sẽ dễ che giấu chuyện "chửa hoang" nhưng rất khó lý giải mối quan hệ giữa anh và chị.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #18 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2010, 02:01:17 pm »

Anh ôm chị, kéo chị vào lòng mình, thủ thỉ:

- Em tha lỗi cho anh. Anh vô tâm và đơn giản quá! Anh không lường hết nỗi khổ tâm và những gì em sẽ gánh chịu. Anh là thằng chồng đoảng quá!

Ngừng một lát anh nói tiếp:

- Anh chỉ nghĩ được điều duy nhất là đặt tên cho con.

Chị im lặng chờ đợi. Anh sẽ gỡ thế kẹt cho chị như thế nào?

Anh bàn:

- Ở Hà Nội có nhiều ngõ hẻm lắm. Em tìm căn hộ nào vắng chủ để thuê. Em không cần đi làm nữa. Anh có tiền.

Chị không tán thành gợi ý của anh. Anh không nông nổi song vì thương chị, anh đưa ra ý kiến chưa kịp phân tích điều hơn, lẽ thiệt. Chị tỉnh táo vì có thời gian suy nghĩ lâu hơn anh. Chị hỏi lại:

- Anh có định đón mẹ em và bé Hạnh lên ở chung với em không?

- Như thế càng hay em ạ. Mẹ sẽ săn sóc em khi em sinh nở và anh được gần con gái.

- Không ổn đâu anh! Người sống trong ngõ hẻm thường là dân lao động nghèo, thất học. Anh diện sang như thế này mà xuất hiện ở đó, dù chỉ một lần là người ta đặt dấu hỏi ngay. Chả lẽ anh cải trang? Em đón mẹ lên lại càng bất lợi vì cái kim để trong bọc lâu cũng lòi ra, bí mật mà có thêm người thứ ba tham dự sẽ rất dễ bị lộ. Mặt khác, em không chịu được cảnh ăn không ngồi rồi ở một nơi toàn người xa lạ.

Anh ngồi, dáng bần thần. Anh thương chị, yêu chị. Chị là vợ anh, là người đàn bà duy nhất đã đến với anh, đọng lại trong trái tim anh, sao anh không thể san sẻ cho vơi nỗi khổ của chị? Anh hoạt động đơn tuyến - Nhiệm vụ của anh là săn tin nên anh dành toàn bộ tâm trí lo chiếm được lòng tin của đại tá Giô-dép Các-păng-chi-ê, củng cố tình bạn với Giắc và không làm phật ý Cẩm Nhung. Cẩm Nhung khác xa vợ anh. Nàng quận chúa ngồi trên đống vàng, sống trên nhung lụa.. luôn săn đón, chiều chuộng, mời mọc anh, song anh vẫn giữ khỏang cách nhất định vì không để Giắc ghen và anh không thể phản bội chị. Chị là của anh. Trước mắt anh có hai người đàn bà: quận chúa Cẩm Nhung trẻ hơn, học vấn cao, có vẻ đẹp "nghiêng nước nghiêng thành" khó có ai sánh kịp - Cẩm Nhung còn là con gái đại tá tình báo Pháp đầy quyền lực, với số hồi môn nhiều gấp vài triệu lần vốn liếng mà chị Thoa hiện có, song trái tim của anh luôn hướng về chị. Chị là tất cả cuộc đời anh, người cùng chung lý tưởng với anh, cùng chia ngọt sẻ bùi với anh. Chị đã hy sinh tất cả vì anh, để bảo vệ bí mật cho anh, lẽ nào anh không đem lại niềm vui cho chị, không bảo vệ chị? Anh ôm lấy chị, nhỏ nhẹ:

- Trên trái đất này không có người đàn bà có chồng nào chịu mang tiếng chứa hoang khi người đó không ngoại tình. Anh không nỡ lòng nào để em gánh chịu nỗi tủi nhục đó.

Chị cười cốt để trấn an anh:

- Có gì đáng gọi là tủi nhục đâu anh? Nếu ở địa vị anh, em mới không chịu đựng nồi. Anh là đảng viên, là cán bộ cách mạng mà mọi người đều gọi anh là tên phản động, là Việt gian sao anh không tủi nhục? Anh có gan chịu đựng, cười cười, nói nói hồn nhiên trước mặt quân thù, thì em cũng biết cách đóng kịch với mọi người. Em không thua kém anh đâu.

Đến lúc này anh thực sự hiểu chị. Chị không nông nổi mà đã cân nhắc tỷ mỉ từng chi tiết về chuyện lý giải cái bào thai của mình. Anh đành thú nhận:

- Anh gây phiền muộn cho em nhiều quá rồi nên em tính sao anh cũng đồng ý.

Theo ý chị, cả anh và chị sẽ thú nhận "chuyện dại dột” của mình với chị Loan, anh hứa nhận con, sẽ chu cấp hoàn toàn cho cháu nhỏ. Chị Loan là người nhân từ, không có con nên chị dễ thông cảm và tha thứ cho người đàn ông dám nhận mọi trách nhiệm về phần mình, nhận nuôi dưỡng cháu bé và người mẹ. Chị bàn:

- Em sẽ về làng Phượng Vũ sinh con. Mẹ sẽ giúp em làm giấy khai sinh cho cháu ngoại. Anh đã thay tên đổi họ rồi nên em cứ lấy họ tên bố của Hạnh là bố của Thanh, chắc sẽ ổn thôi. Nếu họ gây khó dễ, em tạm thời dùng họ của em cho con. Em sẽ khai là sinh con ngoài giá thú.

- Nếu vậy tội cho em lắm. Con là chung của chúng ta, tại sao em phải chịu khổ cho riêng mình, mọi cay đắng, tủi nhục mình em gánh chịu?

- Đó là em tự nguyện. Vì chồng, vì con, em dư sức làm tất cả những gì mà người khác không làm được.

- Cám ơn em !

- Em sẽ trao đổi với chị Loan. Trong lĩnh vực này, phụ nữ chúng em dễ thông cảm với nhau hơn.

- Tùy em !

Chị Loan không khiển trách, rầy la Thoa khi nghe "tin dữ". Tâm lý của người phụ nữ không có con của chị Loan là thuận lợi với Thoa. Chị thực sự hài lòng khi biết rằng Đạo không thuộc loại Sở Khanh. Đạo xin nhận con, hứa chu cấp đầy đủ cho đứa con tương lai. Chị khuyên Thoa:

- Cô cứ ở đây với anh chị, cứ chửa, cứ đẻ, chả phải đi đâu cả!

- Nhưng em không thể khai bố cháu bé là anh Đạo.

- Đó là chuyện riêng của cô cậu. Nếu cô định giữ tiếng cho cậu Đạo, anh chị nhận cô là em dâu, là vợ cậu Phụng, em ruột chị.

Ôi, cách xử lý của chị Loan sao mà đơn giản thế, lại ổn thỏa được mọi bề. Chị kể cho "mợ" Thoa về em trai mình. Phụng đã đi lính khố đỏ từ năm 1940. Năm 1945, Phụng đóng lon cai. Cách mạng tháng Tám thành công, ông cai khố đỏ quay về làng thuộc huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Chị Loan trao cho Thoa ảnh em ruột mình:

- Đây là "chồng" của mợ. Cậu Phụng ba hai tuổi đã có vợ và ba con rồi. Cậu mợ ấy và các cháu không lên Hà Nội đâu, em đừng ngại. Từ hôm nay, chị sẽ đổi cách xưng hô với em. Sáng mai, chị em ta cùng đi cúng chùa, cầu phúc cho cháu. Khi trở về, ta nói là về Ý Yên thăm chồng em.

- Chị! Sao chị tốt với em quá mức như vậy? Liệu anh có nghe theo kế hoạch của chị không?

- Ôi dào, anh cô là ông ba phải, quan bẩy cũng ừ mà quan tư cũng gật. Anh phải nghe lời chị. Chị thích có cháu bé. Chị sẽ xin làm chân vú để trông con cho mợ.

Tối hôm sau, được chị Thoa thông báo, anh Đạo vô cùng cảm động. Điều nan giải của vợ chồng anh được tháo gỡ khá nhẹ nhàng. Anh cảm ơn vợ chồng ông chủ và trao cho chị Loan khoản tiền lớn.

- Cô Thoa mới có mang lần đầu nên còn bỡ ngỡ lắm. Chị thương em, chị giúp em chăm sóc Thoa.

- Vợ chồng tôi làm điều nhân đức giúp cô cậu. Chúng tôi sẽ không đụng tới một xu nào trong khoản tiền này cho mình. Cậu lo cho cô Thoa và cháu bé như thế này là tốt, là có trách nhiệm, có lương tâm.

Đắn đo giây lát, chị dặn thêm:

- Từ nay, cô Thoa sẽ là em dâu tôi rồi nên cậu không đi lối cửa ngách nữa. Cậu đi cửa chính vào nhà rồi xuống với cô ấy.

- Cám ơn anh chị. Chị chu đáo quá, em xin nghe lời chị.

Chị Thoa và chồng dẹp được mối lo. Hai người chờ đợi ngày đứa con thứ hai chào đời.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #19 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2010, 02:12:25 pm »

5


Điện Biên Phủ thất thủ. Nguyễn Thanh Bình vui như mở cờ trong bụng. Anh muốn hát vang, hò reo cho thỏa thích. Pháp đã bại trận rồi. Ngày mà người Pháp nói chung, đại tá Giô-dép Các-păng-chi-ê, đại úy Giắc Đuy- boa và Cẩm Nhung nói riêng rời khỏi Việt Nam không còn xa nữa. Nhiệm vụ của anh sắp hoàn thành rồi. Anh sẽ vứt bỏ chiếc mặt nạ đang phải mang hàng ngày để sống như một người bình thường bên cạnh vợ và hai con của anh: bé Hạnh, bé Thanh. Cu Thanh đã gần một tuổi rồi. Thằng bé thật bụ bẫm, ngộ nghĩnh, trông rất giống anh. Anh không thể ở bên cạnh lúc chị sinh nở. Anh chị chủ nhà không nửa lời trách anh vì đã "đọc" được tình cảm thật của anh. Anh vồ vập, yêu con trai thật lòng. Tiếc rằng anh không thể và không dám đến thăm con hàng ngày. Điều đó sẽ không xẩy ra nữa. Anh sẽ mua một căn hộ, đón vợ, con và mẹ vợ về chung sống. Ngày hạnh phúc đã gần kề rồi. Anh sung sướng lắm song anh phải giả bộ mặt đưa đám, tỏ ra đau buồn trước tin bại trận ở Điện Biên Phủ. Anh đến chia buồn với Giắc. Giắc thổ lộ:

- Pháp và Việt Minh sẽ ký hiệp định Giơ-ne-vơ. Tôi sẽ về Pháp nối nghiệp trồng nho - Không rõ cô Cẩm Nhung có về Pháp theo đại tá Giô-dép không?

- Chắc lúc này tâm trạng mọi người đang xáo động. Hãy ráng đợi ít lâu nữa anh Giắc ạ! Theo nhận xét của tôi, cô Cẩm Nhung ít chú ý tới mối quan hệ với má ruột và gia đình hoàng tộc.

Vào đầu tháng 6 năm 1954, Cẩm Nhung tạt qua chỗ làm việc của anh. Anh tươi cười:

- Chào bà hoàng! Ngọn gió nào đưa cô tới đây vậy?

- Anh cấm tôi tới thăm anh sao? Từ ngày quen biết, chúng ta đã gặp nhau cả chục lần rồi.

- Nhưng chưa bao giờ cô hạ cố đến nơi làm việc của tôi.

Cẩm Nhung nhỏ nhẹ, vẻ dàn hòa:

- Anh Bình! Cẩm Nhung có việc riêng nhờ anh Bình góp ý. Chiều mai Nhung chờ anh lúc bốn giờ. Địa chỉ của Nhung đây.

Cẩm Nhung trao cho Bình tấm danh thiếp. Cái lối mời khách như ra lệnh, không cần biết khách có giờ rảnh không, có thú vị với cuộc hẹn hò đó không của Cẩm Nhung - một quận chúa, một cô gái đẹp con nhà giàu, có địa vị cao - buộc Bình phải nở nụ cười:

- Tôi không chờ đợi có diễm phúc này. Tôi xin có mặt trước giờ hẹn mười lăm phút.

- Nếu vậy anh sẽ phải chầu chực ngoài cửa vì vào giờ đó Cẩm Nhung chưa về.

- Tôi lại thích đến điểm hẹn trước để hưởng thú vui chờ đợi cô.

- Anh lỳ lắm. Thôi được, Cẩm Nhung sẽ đón anh lúc ba giờ chiều.

Đêm hôm đó, Nguyễn Thanh Bình khá băn khoăn về lời hẹn với người đẹp. Anh đâu cần tới Cẩm Nhung và đại tá tình báo Giô-dép Các-păng-chi-ê, ba đẻ của cô gái.

Chiều hôm sau Thanh Bình đi bộ về phố Hoàng Diệu. Vừa trông thấy khách, Cẩm Nhung đã mở rộng hai cánh cổng sắt, tự trách:

- Cẩm Nhung thật thiếu sót. Lẽ ra Nhung phải đưa xe tới đón anh.

- Cám ơn. Tôi sợ anh Giắc và không có ý định chuốc sự hiểu lầm với anh Trần Hảo.

Cẩm Nhung mặc bộ đồ đầm bằng lụa, màu tím Huế. Thanh Bình đoán được ngay dụng ý của chủ nhà. Màu tím Huế dễ nhắc đến dòng dõi hoàng tộc của nàng quận chúa và tôn thêm nước da vốn đã trắng hồng. Vải lụa mỏng dính tô đẹp thêm đường nét khiêu gợi trên cơ thể khá cân đối của chủ nhà. Cẩm Nhung chủ động khoác tay khách lên gác, giới thiệu:

- Nhà có tám phòng. Trừ phòng ngủ của ba, phòng tiếp khách, nhà ăn, Nhung có riêng năm phòng: phòng hòa nhạc, phòng chơi bóng bàn, phòng ngủ, phòng khách riêng và phòng họa. Nhung sẽ chơi nhạc cho anh thưởng thức và giới thiệu những tác phẩm hội họa.

Cẩm Nhung dẫn bạn trai đi thăm từng phòng. Nhà rộng và vắng vẻ quá! Những người hầu, tài xế, bồi bếp, con sen không được bén mảng lên nhà nếu không có lệnh chủ gọi. Cẩm Nhung khoác tay anh rất tự nhiên. Cô dẫn anh vào phòng họa. Có khoảng năm chục bức tranh chủ yếu là tranh phong cảnh, treo trên tường. Tranh nào cũng được đặt trong loại khung đẹp, đắt tiền. Qua phòng tranh, Thanh Bình biết được những nơi Cẩm Nhung đã đặt chân tới. Ông Giô-dép đã cùng con gái sang Anh, Ý, Nhật, Trung Quốc. Bình trầm trồ khen:

- Từ ngày quen biết, hôm nay tôi mới được thưởng thức tài nghệ của họa sĩ Cẩm Nhung. Cô học vẽ ở đâu vậy? Cô thật có hoa tay. Sao cô không vẽ chân dung? Tranh lụa của cô có hồn lắm song nếu cô vẽ tranh dùng chất liệu sơn mài độc đáo của Việt Nam, tôi nghĩ là dễ truyền cảm hơn.

- Anh quá khen vậy thôi. Tôi không dám nhận là họa sĩ đâu. Nhung chả học ở trường nào, mà mời thầy dạy riêng tại nhà. Nhung vẽ chỉ để giải trí thôi. Anh sang đây, Nhung sẽ đàn cho anh nghe.

Thanh Bình nhận ngay được tín hiệu trong cách xưng hô của nàng quận chúa. Cô không tự xưng là tôi mà đã biểu lộ vẻ thân mật bằng cách nhỏ nhẹ, dịu dàng xưng tên của mình. Bao giờ cô ấy sẽ chuyển gam từ Nhung thành "Em"? Bình không có ý định thúc đẩy cho quá trình này tiến nhanh hơn mà cố ý giữ khoảng cách như cũ.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM