Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 24 Tháng Năm, 2024, 05:50:15 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngã ba Con Voi  (Đọc 307563 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
TQNam
Thành viên
*
Bài viết: 1267


« Trả lời #10 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 12:44:35 pm »

Đợt Hồng binh - lính của chú Võ Văn Kiệt, nhập ngũ 12-78, bạn học phổ thông của tôi về F5, tôi không còn gặp lại ai sau này bác ạ !
----
Có tôi đây mà, anh Hai, anh Ba đó ơi (nhưng khác trường).
Logged
haanh
Thượng tá
*
Bài viết: 5795


HOT nhất forum


« Trả lời #11 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 12:59:32 pm »

hehe , đối với những trận đánh địch nằm bờ đập , ta vận động từ trảng trống sau này đối với bọn em là bình thường , có lẽ rút được các kinh nghiệm xương máu của đàn anh nên chỉ có 1 cánh đánh duy nhất là dàn đội hình thật mỏng , vận động thật nhanh để áp sát địch . Hehe , địch thấy mình liều chết xông lên là sợ mất vía quây đầu bỏ chạy . Mà đến thời em hỏa lực của D bắn chi viện chỉ có 1 cây DK và 1 cây cối 8 thôi nhé vì vậy muốn sống thì phải chạy thật nhanh  Grin
Logged

NAM QUỐC SƠN HÀ NAM ĐẾ CƯ .
angko krao
Thành viên
*
Bài viết: 219


« Trả lời #12 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 01:16:11 pm »

@haanh: Mình lạ cái là đánh từ mờ sáng , mà chỉ huy D lại để anh em mình phơi lưng trên đồng ăn cối ? Tới chiều mới có pháo binh chi viện. Cần gì chờ pháo lớn ! DK82, cối 82 đi theo D cho vận động lùi vào bìa rừng táng câm họng mấy khẩu cối của nó đi chứ ! Còn cối 6 cấp C, thậm chí M79, B40-41 của AE mình cũng chịu thua nó vậy sao ? Angry
@ bác TQNam: khi gặp bác em cứ nhớ tới tụi bạn học PT của em, nên cứ đòi cụng với bác hoài ! Vậy mà bác có biết đâu ! Grin
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Bảy, 2009, 01:35:04 pm gửi bởi angko krao » Logged
trong_93
Thành viên

Bài viết: 4



« Trả lời #13 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 01:39:08 pm »

Bác viết hay quá cháu sem mà có cảm nhận như mình đang thấy vậy cảm ơn bác  Grin .Bác cố post tiếp cho chúng cháu sem chứ đang sem dở mà dừng thì chán lắm Cry
Logged
H3 Hùng
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 4438


Hẹn ngày trở lại Preav


WWW
« Trả lời #14 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 01:42:00 pm »

Trong khi chờ đợi các bác CCB nhớ lại và thông tin thêm về trận đánh này (tháng 3/79, theo quân sử (sư 5) thì hình như là diễn ra ở căn cứ Âm-leng)tôi xin gởi thêm hồi 4 trong quyển Ngã ba con voi xem co gợi ý gì cho các bác nhớ hay không?

1.   TRẠM PHẨU TIỀN PHƯƠNG
Gọi là trạm phẩu tiền phương, bệnh xá trung đoàn hay K23 cũng đều đúng. Trạm phẩu này, bệnh xá này có bác sĩ Mai Cẩm Tú, đại đội trưởng K23 là người nổi tiếng toàn trung đoàn và khắp vùng chiến sự quanh ngã ba Nimith, đó là về sau này khi trung đoàn 4 hùng cứ một phương trời ở khu vực ngã ba con voi (anh nổi tiếng cũng có lẽ vì tên anh quá đẹp!). Còn ngay tại thời điểm này thì nó cực kỳ dã chiến, trạm phẩu không giống, trạm xá càng không phải.
Anh đang mùa hành quân
Pháo lăn dài chiến dịch...
Toàn trung đoàn đang xuất kích đánh địch và cái phẩu tiền phương này cũng theo sát đoàn quân tiên phong, nó chỉ cách tiền tuyến chừng 10 phút đi bộ.
*
*   *
Trời càng lúc càng nắng. Kiến trong ụ mối nghe tanh hơi máu, nó bò ra và tìm tôi mà cắn. Nằm trong cái hố tiền tiêu của thằng Pôn Pốt đào sẳn trên ụ mối thì đở nắng vì có tàn cây che khuất, nhưng lại bị kiến và mấy thằng Pôn Pốt khốn nạn cứ nhè chổ tôi ẩn mình chờ chết mà bắn, đạn cứ chíu chíu vào hướng tôi nằm nổ lụp bụp thật là khó chịu.
Tôi kéo súng, tụt ra sau lưng ụ mối mà nằm, chịu nắng nhưng mà tránh được kiến và đạn. Tháng 3 trời nắng lắm và tôi càng lúc càng khát. Cái bình toong của tôi bị mảnh đạn bắn thủng, nước chảy gần hết, còn một ít nước dưới đáy bình đã bị tôi uống cạn từ sáng rồi.
Nấp dưới ụ mối, dưới cái nắng thiêu đốt, người tôi nóng ran, khát khô cổ họng. Tôi suy nghỉ miên man, nghỉ rằng mình sẽ được đưa về nước chữa trị. Về nước lần này phải uống một trận nước đá lạnh cho đã. Hơn một tháng nay, trên cái đất nước khô khan nóng bức này tôi thật không hề được thưởng thức qua một ngụm nước đá.
Mặt trời lên cao, cao lắm rồi! Mãi mới thấy mấy anh em tiếp thương tải đạn vận dụng địa hình địa vật chạy lên.
Thấy đồng chí Đinh Văn, chiến sĩ cối 60, nhập ngũ cùng đợt, lên tham gia tiếp thương, là người thân quen, tôi xin đồng chí ấy nước để uống cho đở khát. Anh ngần ngừ không muốn, vì bài học trên chiến trường chúng tôi thuộc nằm lòng là không cho thương binh mất máu uống nước nhiều, vì như vậy càng làm vết thương chảy máu, càng dễ chết.
Tôi nài nỉ:
- Xin một hớp thôi!
Anh đưa bình toong cho tôi, tôi rót ra một nắp bi đông rồi uống.
Thật đúng là một hớp! Không đã đâu vào đâu!
Tôi trả bình toong lại cho anh, anh cầm bình toong ngạc nhiên, uy tín thiệt, quả đúng là một hớp! Thông thường thì khi người khát gặp nước thì uống ừng ực mà...
Đồng đội kéo xác hạ sĩ Trọng về, anh nằm đó, lấm lem đất cát với vết thương đổ ruột trên người. Đại đội phó Hội bị bắn gãy chân cũng được anh em kè nách xốc về, anh đứng đó, mồ hôi chảy ròng ròng, mặt mày đỏ gay, nhăn nhó, đau đớn nhưng gan lì, không kêu rên một tiếng.
Hạ sĩ Trọng được đặt vào cái võng của anh để cáng thương mang đi, đồng chí Hội mới từ quân y viện trở về không có võng...
Đồng chí Thạch, chỉ huy trung đội xử:
- Lấy võng của thằng Hùng cáng anh Hội, còn thằng Hùng để anh em kè về.
Có một đồng chí nào đó nghe lệnh bước tới, kè vai xốc nách tôi lên. Tôi gượng đứng thẳng dậy, xua tay:
-Khỏi, để tôi tự đi.
Theo đoàn quân cáng thương trở về tuyến sau, anh em mạnh tay khỏe chân đi trước, tôi lết bết theo sau. Cái chân trái khỏe tôi bước tới một bước, cái chân phải kéo lê lên một bước, rồi đứng trụ lại, cho anh chân khỏe bước tới, tôi cứ thế mà đi theo nhịp điệu cà nhắc, cố gắng không làm đau vết thương sau mông bên phải. Đi được một đoạn thấy hai chiến sĩ gánh một thùng nước đi tới, tôi rề lại xin nước uống.
Một đồng chí hỏi, vẻ quan tâm:
- Sốt rét hả, thấy mặt xanh quá!
Tôi cười cười đáp lể, không trả lời, khụy chân xuống, ghé miệng vào thùng nước, uống ừng ực. Đã ơi là đã!
Tôi cảm ơn hai anh bạn, rồi cà nhắc đi về gặp quản lý đại đội của mình. Quản lý đại đội là đồng chí Bùi, lính Bắc, người dong dỏng cao, anh chững chạc và khá là vui tính. Anh kêu tôi ở lại ăn cơm, rồi viết giấy cho tôi đi phẩu trung đoàn.
*
*   *
Sau khi đồng chí Vịnh băng bó, vết thương của tôi đã ngưng chảy máu, hồi nảy nằm trên ụ mối, bị kiến chui vào người đốt, tôi đã tháo băng ra bỏ, để phủi kiến. Cái quần tôi bị xé ra lúc băng bó, máu me và rách nát, tôi vất bỏ nó đi không thương tiếc. Lấy quần áo mới thay vào, người tôi lúc này trông cũng đã khá lại.
Vẫn còn khát, tôi tranh thủ uống nước nhiều hơn ăn cơm. Vết thương tôi đã cầm máu lâu rồi, nên tôi thoải mái uống nước không ai ý kiến gì.
Cơm nước xong xuôi, tôi cầm giấy của quản lý đại đội đi lên phẩu trung đoàn. Phẩu trung đoàn cũng gần ngay đó, tôi bước tới bàn phẩu xuất trình giấy giới thiệu rồi đứng đó... Tôi nghe văng vẳng bên tai hình như đài phát thanh đang phát chương trình văn nghệ chiều chủ nhật thì phải, và hình như nói cái gì đó về ngày sinh nhật đoàn 26 tháng 3. Cả tháng qua, hành quân chiến đấu liên tục tôi thực sự không biết hôm nay là thứ mấy, ngày gì. Trận đánh này xãy ra ở đâu, vào ngày nào, đến nay tôi thực sự cũng không tường tận. Tôi không phải là nhà viết sử, và cũng không có nguồn tài liệu nào để truy cập chính xác thời gian, địa điểm trận đánh, tôi chỉ viết lại những gì mình còn nhớ sâu đậm trong ký ức một thời chinh chiến, một thời ngang dọc.
Có tiếng ai đó giọng chỉ đạo:
- Làm lọc.
Tôi đứng bên bàn phẩu, đưa cái mông bên phải ra cho đồng chí quân y sĩ tiêm thuốc tê, rồi lấy kéo cắt thịt nghe sựt sựt, sựt sựt... Không thấy đau, trong tai tôi tiếng đài phát thanh văng vẳng, văng vẳng.
Tiếng dao kéo rổn rảng, đồng chí quân y sĩ đã làm lọc vết thương xong, đã khoét một cái lổ sâu hoắm trong cái mông của tôi, ước cở ngón tay đút vô lọt. Đồng chí trét một loại thuốc mỡ màu xanh vào cái lỗ đó, rồi băng miệng vết thương lại bằng keo dán, vậy là xong. Vậy là trong người tôi vẫn còn mảnh đạn cối 60 Trung quốc mà tôi không hề hay biết!
Tôi không hề hay biết gì về cái mảnh đạn để đời đó. Mãi đến năm 2008, chân tôi bị đau, đi cà nhắc, tôi tưởng bị thấp khớp, tôi tưởng cái cổ xương đùi của tôi có vấn đề, tôi đi chụp X quang để tìm bệnh...
Bác sĩ phát hiện một dị vật phản quang ngay sau mông gần đốt xương cùng, ông hỏi tôi trước đây có bị thương không. Tôi trả lời có, trước đây đi ở lính Campuchia tôi có bị thương. Ông bác sĩ nói vậy là còn mảnh đạn đó, rồi chỉ cho tôi cái dị vật phản quang kia. Nó nằm đó đã hơn 29 năm, trong phần mềm sau mông tôi, hình thoi, nhỏ thôi, dài gần một phân rưởi, còn rộng không tới một phân.
Nó làm tôi thốn, làm tôi khó chịu, tôi muốn lấy nó ra cho đời bớt khổ!!! Tôi đến phòng mạch của một ông thạc sĩ bác sĩ ở Bến Tre nhờ ông thu xếp mổ cho tôi, ông lắc đầu:
- Coi vậy chứ khó lấy ra lắm, có khi phải rạch nát cái mông ra mới thấy nó.
Tôi nghĩ là do phương tiện y khoa ở Bến Tre không được hiện đại nên bác sĩ họ ngại. Tôi lên Sài gòn, đến bệnh viện Hoàn Mỹ, tôi nhờ bác sĩ khám và mổ cho tôi. Ông bác sĩ nhìn phim chụp thẳng, rồi nhìn phim chụp nghiêng, rồi lắc đầu nói:
- Khó lấy ra lắm, nó nằm yên như vậy lâu rồi thì cứ để cho nó yên.
Tôi nói bác sĩ xem cố gắng mổ lấy ra có được không, chứ nó làm tôi thốn lắm!
Ông này trả lời cũng y như ông bác sĩ ở Bến Tre:
- Không dễ lấy nó ra đâu, có khi phải rạch nát mông đó.
Thấy tôi có vẽ chưa phục, ông mới nói rõ:
- Mảnh đạn này chỉ có thể mổ khi nào nó di chuyển, nó làm mủ, khi đó mình lần theo đường mũ mà lấy nó ra.
Ông nói như vậy thì quá ư là khoa học, quá ư là biện chứng rồi, thôi đành chấp nhận chung sống hòa bình với nó vậy!
Thế nhưng tôi vẫn còn tức cái ông mảnh này lắm! Dặn vợ con tôi khi nào tôi chết, thiêu tôi xong, khi hốt cốt tôi, nhớ kiếm cái mảnh đạn này, lấy ra để nguyên đó, đặt lên dĩa (như dĩa cúng trái cây), đem lên bàn thờ, để trước di ảnh của tôi, để cho tôi nhìn thấy cái mặt thằng tay sai Bắc Kinh, cái thằng Made in China này. Tại nó nên tôi mới phải ra trận, tại nó nên tôi mới phải bị thương đi cà nhắc... và bây giờ thỉnh thoảng lại lên cơn đau với nó.
Rời bàn phẩu, tôi đi qua trạm xá. Đây là một cái nhà sàn cao và rộng rãi, lính tráng ồn ào đang tụ hội đánh tiến lên, sàn nhà dơ bẩn, tàn thuốc đầy rẩy, tôi bị đau ở mông, không nằm võng được, mà cũng không còn võng đâu mà nằm. Coi bộ nằm ở đây không ổn, lính đông quá, nằm dưới sàn nhà sợ bị anh em nó đi qua đi lại đá trúng mông thì khổ. Tôi đi qua cái nhà sàn kế bên, một căn nhà sàn thấp nhỏ và sạch sẽ. Tôi dọn vệ sinh chổ tôi nằm cho tươm tất xong thì có kẻng cơm.
Tôi khập khiểng đi lãnh phần cơm của mình, một phần cơm trắng với một gói bột nêm (giống như cái gói bột nêm mì gói bây giờ). Tôi đong cho mình một bi đông nước, chỉ đong 2 phần 3 bình thôi, vì cái bình toong này nó đã bị lủng một lổ ở phía trên, khi tôi ăn trái đạn cối 60 của thằng Pôn Pốt hồi sáng sớm.
Tôi lếch thếch trở về, gặp một anh quân y sĩ dáng vẽ thông cảm, hỏi:
- Đau không?
Tôi gượng cười trả lời:
- Đau ít thôi!
Ăn cơm với bột nêm vậy mà  ngon miệng. Thông thường, nhiều bửa chúng tôi chỉ được ăn cơm với nước muối pha một ít nước gạo rang cho có màu vàng vàng, rồi nêm bột ngọt. Thế thôi!
Sáng hôm sau thức dậy, tôi lấy kem và bàn chải ra đánh răng tử tế, xúc miệng bằng chỉ một ngụm nước còn sót lại trong bi đông.
Tôi đang hòa nhập vào cuộc sống ở trạm xá trung đoàn một cách nhẹ nhàng, cơm ngày ba bửa, nước đun sôi để nguội uống thoải mái mỗi bửa 2 phần 3 cái bình toong thủng...
Tối đó tôi lên cơn sốt, nằm rên hừ hừ trong căn nhà sàn nhỏ bé của mình. Cái mảnh đạn tôi ăn hôm qua, hôm nay nó hành cho tôi sốt.
Vậy mà sáng ra tôi lại tỉnh như không, tôi vẫn đi lãnh cơm ăn bình thường, tôi còn rảnh rổi đi thăm ngôi làng tôi đang nằm dưỡng thương nửa chứ. Tôi đi vào một căn nhà sàn lớn hư hại nham nhở, nồi niêu, chén bát ngổn ngang, có cả màn, gối, chăn, chiếu, nhưng chẳng có cái nào lành lặn để mà tận dụng. Nhiều căn nhà bị đốt cháy nham nhở... Rồi tôi kiếm được ở đâu đó một ống nylon trắng, đó là ống đựng đạn B41. Tôi đốt chảy cái nhựa nylon cao cấp đó ra, nhỏ vào cái  lổ thủng của bình toong để vá. Vậy mà vá được, cái bình toong của tôi lại chứa nước ngon lành.
Tối hôm đó đang nằm ngũ thiêm thiếp thì tôi giật mình tỉnh giấc vì có quá nhiều tiếng động trên con đường đất đỏ trước nhà. Người, quá trời là người! Dân Campuchia bồng bế nhau về làng, đi suốt đêm như trảy hội. Người khá giả đi bằng xe bò, người nghèo lội bộ gánh con, phụ nữ đội thúng trên đầu... Đoàn người áo đen đông đảo nhưng không ồn ào, con nít không quấy phá, một trật tự đáng kinh ngạc. Chế độ Pôn Pốt đã thủ tiêu hoàn toàn ý chí kháng cự của những con người này, đến con nít nhỏ cũng không dám cười, dám khóc, sợ Ăng-ca bực mình, đập cho một cái cán cuốc là tiêu đời.
Chiến dịch giải phóng các tỉnh đồng bằng sông Mê-kông trên phần đất Campuchia của quân đoàn 4 và sư đoàn 5 chúng tôi đang phát huy tác dụng: Hàng vạn, hàng vạn người dân được giải thoát từ các trại tập trung đang quay trở về làng bản của mình.
Chúng tôi những thương bệnh binh K23 kéo cả ra đường để xem cuộc hành hương vĩ đại này. Một anh lính nào đó kêu tôi lại, dạy cho tôi một câu tiếng Campuchia, rồi chỉ cho tôi đến chổ một cô gái xinh đẹp, dáng người cao ráo, nước da ngăm đen, nét mặt buồn buồn đang đứng nghỉ chân, hỏi:
- Ôn sa lanh boòng tê?
Một anh lính Bắc đứng kế bên buộc miệng chửi liền:
- Bôi bác.
Còn anh lính dạy tôi câu nói tiếng Campuchia đó khoái chí đứng cười ha hả.
Riêng tôi thì quê xệ, lui ra đứng ngẩn ngơ nhìn cô gái. Cô không nói gì cả, thong thả đội thúng lên đầu bỏ đi, vẽ mặt vô cảm như người mất hồn.
Tôi lính mới tò te, đây là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với dân, được dạy cho một câu nói tiếng Campuchia để nói chuyện với dân, vậy mà trớt quớt...
Sau này tôi mới hiểu nghĩa của cái câu ôn sa lanh boòng tê? Tức là em có thương anh không? Câu hỏi này trong hoàn cảnh đó quả là trớt quớt, làm tôi nhớ mãi.
Hành trình trở về quê hương của những người dân Campuchia đau khổ đến mất hồn này kéo dài mấy ngày mới ngớt. Nổi đau diệt chủng của Pôn Pốt để lại quá lớn, trên gương mặt thất thần của những con người đang lũ lượt kéo nhau đi trước mắt chúng tôi.
*
*   *
Vết thương của tôi lành rất mau, mấy ngày sau thay thuốc, tôi thấy cái lổ đạn sâu hoắm đó giờ chỉ còn sâu khoảng hơn một đốt ngón tay.
Trung đoàn tiếp tục hành quân theo chiến dịch, tôi bây giờ thuộc quân số K23, cũng lên xe hành quân theo chiến dịch trong đội hình khối hậu cần. Nhờ quân y cho thuốc mát tay, nên tôi di chuyển lúc này cũng đở khổ, không còn lết bết như lúc mới vào viện.
Trong thời gian hành quân trong đội hình khối hậu cần, tôi đã trãi qua nhiều phum làng trù phú. Có một cái phum rất đẹp, nhà hai bên đường lợp ngói đỏ rất bắt mắt, không biết là xây cho ai ở?
Thường thì chúng tôi lên xe đi một buổi, dừng lại vài ngày rồi đi tiếp. Trong khoảng thời gian này tôi không khám phá được gì nhiều, vì bị thương đi đứng khó khăn nên ít di chuyển. Nhưng có một chuyện làm tôi nhớ mãi:
Sáng này, theo sự chỉ dẩn của dân địa phương, một đơn vị của ta xuất kích đi truy quét và bắt được 4 thằng Pôn Pốt mang về, bốn thằng này là chỉ huy Ăng-ca có nợ máu với nhân dân, bị dân địa phương căm thù sâu sắc. Bộ đội bàn giao 4 thằng này cho dân làng xử.
Buổi chiều hôm đó, ăn cơm xong, mấy thằng nằm viện chung rủ tôi cùng đi xem dân làng xử tội Pôn Pốt. Chúng tôi kéo nhau đi, cũng gần đây thôi, cách trạm xá vài trăm bước.
Pháp trường là một bãi đất trống ven đường đất đỏ, một đám người đông đúc quay tròn quanh bãi. Xa xa, cách đó vài chục bước chân, người ta đang đào hố chôn tập thể, và xa hơn nửa, mặt trời chênh chếch xế về Tây, tuôn trào lửa đỏ, trời tháng tư hầm hập nóng. Tôi xen vào đám đông cùng xem cảnh dân Campuchia hành quyết bọn Ăng-ca.
Trước mắt chúng tôi là bốn người đàn ông Campuchia vạm vở, đen đúa, trần trùng trục, quấn xà-rông, nằm sấp dưới đất, tay bị trói thúc ké ra sau lưng bằng khăn cà-ma, đầu bê bết máu... Máu loang lổ trên nền đất khô, trên những thân thể đang nằm thoi thóp. Họ bị đập đầu cũng đã lâu, máu trên đầu đang khô lại. Có người thở phì phọp, máu từ trong miệng người đó thổi ra từng bong bóng nhỏ, phồng lên, xẹp xuống, phồng lên, xẹp xuống...
Một ông già dáng người quắt thước, vẽ mặt căm phẩn, đi vòng quanh, cầm cây đập thẳng cánh vào đầu từng thằng nghe bốp bốp... Những người bị đập đầu có vẽ tê liệt rồi, không nghe la, không dẫy dụa, chỉ thấy một người còn sức co giật từng cơn nhẹ nhẹ.
Một phụ nữ trọng tuổi, dáng người ốm yếu, mắt mũi ròng ròng, bà vừa đánh, vừa khóc, vừa kể, cảnh tượng thật bi ai, thê thảm! Không biết tiếng, nhưng tôi hiểu bà đang kể tội mấy thằng này đã giết chồng bà, giết con bà, để lại một mình bà đau khổ tàn tạ trong tuổi xế chiều. Bà không có sức, bà đánh không đau, bà đánh như mẹ đánh con, không hung ác, không giận dữ.
Bốn thằng Pôn Pốt đó sắp chết rồi, không thấy phản xạ vì trước những cái đánh của bà. Chỉ thấy máu trên đầu chúng bê bết, bê bết trên những cái đầu đen, tóc quăn tít.
Đứng coi hoài cũng chán, tôi bỏ ra, đi về. Đầu nghỉ mông lung, đúng là nợ máu trả bằng máu. Mình giải quyết mấy thằng Ăng-ca theo cách  này quá hay, những người dân của cái làng này vậy là không còn đường lùi, phải triệt để xây dựng chính quyền mới, triệt để tiêu diệt Pôn Pốt, không để nó có cơ hội quay về trả thù khốc liệt.

Logged
chehatsen
Thành viên
*
Bài viết: 31


« Trả lời #15 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 01:46:58 pm »

em nghĩ chắc  là các bác chỉ huy không đơn giản là chủ quan khinh địch đâu ,là chỉ huy ai lại không muốn đơn vị mình được trang bị và hổ trợ với hỏa lực mạnh ,cứ máy bay ném bom rải thảm rồi pháo binh cày nát trận địa địch sau đó cho vài em xe tăng t54 trực thăng  tiến lên thăm dò nếu sinh lực địch còn mạnh thì rút ra và máy bay dội bom và pháo binh tiếp nhưng mà nước mình khi đó còn nghèo mọi cái điều thiếu thốn nên chuyện hy sinh nhiều là việc chẳng ai muốnvà khó tránh khỏi,nhưng rõ ràng là biết vũ khí thiếu thốn sẽ dẫn đến hy sinh nhiều nhưng mình vẫn dám đứng lên bảo vệ đất nước thì tinh thần đó thật đáng tự hào và trân trọng nó là chỗ dựa tinh thần cho thế hệ sao này đứng lên  bảo vệ đất nước
Logged
H3 Hùng
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 4438


Hẹn ngày trở lại Preav


WWW
« Trả lời #16 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 01:47:50 pm »

Gởi bác Angco Krao:
Trận này địch cứng lắm, D3 có truyền thống đánh chính diện, xung phong đanh nhau chết bỏ mà sao trận này thê thảm vậy! Tôi thực không hiểu, lúc đó tôi chỉ là anh binh nhì thôi! Xin các CCB có tham gia trận này lên tiếng dùm. Rất cám ơn.
Logged
lethaitho
Thượng tá
*
Bài viết: 1313



« Trả lời #17 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 01:53:49 pm »

Cái ông H3 Hùng này quả là lính mới tò te, vào cái bị thương ngay nên không có kinh nghiệm mánh mung gì! Grin
Khi bị thương, quần áo rách te tua mà lại lấy quần áo của mình ra thay làm gì?? Đến phẫu trung đoàn sẽ được phát một bộ mới, ta cất đi (để sau này bán ), vẫn mặc bộ đồ rách te tua ấy, lên quân y F hay QĐ vẫn có thể kiếm thêm một hai bộ nữa... Không ai truyền kinh nghiệm cho ông à??
Logged

Ngôi sao như mắt anh, trong những đêm không ngủ
Giáo án em vẫn mở, cho ánh sao bay vào
danngoc
Thành viên
*
Bài viết: 948

Đã bị khóa vĩnh viễn


« Trả lời #18 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 01:57:13 pm »

Hay quá bác ạ
Logged

Chết vì ghét người!
trong_93
Thành viên

Bài viết: 4



« Trả lời #19 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 02:09:02 pm »

 Cry Cry :'(Huhuhu cảm động wá vậy bác là thương binh hả.Nghe bác nói bác ở Bến Tre bác là đông hương với cháu đấy nhà cháu gần TX bến tre . bác cô post tiếp cho anh em thưởng thức,sau đo  4 thang Ăng_ca ra sao bác có được về nước hok. Huh Huh Grin
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM