Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:20:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một cây cầu quá xa  (Đọc 131620 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #250 vào lúc: 03 Tháng Tám, 2015, 08:27:05 am »

Họ đã trụ được gấp đôi thời gian trước 1 kẻ thù vượt trội về binh lực và hỏa lực. Với vị tư lệnh can đảm người Scotland, người mới lần đầu được chỉ huy 1 sư đoàn không vận, thì việc rút lui thật là cay đắng vì khi ấy Urquhart chưa biết đó là phương án duy nhất. Lúc này lực lượng của ông chỉ còn chưa đến 2500 người và ông chẳng thể đòi hỏi các binh sĩ dưới quyền gắng gượng hơn được nữa. Ông rất bực bội khi biết quân cứu viện nằm cách đấy có 1 dặm đường và bị ngăn cách với sư đoàn mình chỉ bởi bề rộng sông Rhine. Urquhart đành miễn cưỡng tuân theo quyết định của thượng cấp. Đã đến lúc phải cho những người lính dũng cảm của Arnhem thoát ra.

Tại Hartenstein, trung tá Eddie Myers mệt mỏi trao 2 lá thư – thư của Browning và trình tự triệt thoái của tướng Thomas - cho Urquhart. Lá thư của Browning chứa những lời khen ngợi, động viên viết trước đó 24 tiếng, giờ đã lỗi thời. Trong thư có đoạn viết: “…Tập đoàn quân đang ào ào xông lên để hỗ trợ cậu, nhưng…chắc phải đến cuối ngày” và “tôi vẫn cảm thấy bình thường chứ ko quá mệt mỏi và thất vọng như cậu…nhưng có lẽ ko thể nào bì được với việc cậu đang làm…”

Trình tự rút quân – nhất là lại đến từ  Thomas, người mà Urquhart, cũng như Browning ko thể nào tha thứ vì sự chậm trễ - khiến việc này càng buồn hơn. Trong thư Thomas nói lúc này sư đoàn 43 Wessex đã bắt đầu cảm thấy sức ép đang gia tăng mạnh mẽ của quân Đức. Mọi kỳ vọng vào việc phát triển đầu cầu bên kia sông Rhine đều phải bỏ hết; thay vào đó là việc rút sư đoàn 1 Không vận ra. Urquhart và Thomas sẽ cùng thỏa thuận về ngày giờ rút quân.
 
Urquhart đang cân nhắc để quyết định. Ông chẳng còn do dự về ngày giờ nữa khi nghe tiếng pháo binh và súng cối địch bắn phá liên hồi bên ngoài. Để cứu mạng binh sĩ dưới quyền, việc triệt thoái phải được tiến hành sớm dưới sự che chở của bóng đêm. Đúng 8g sáng, Urquhart liên lạc với Thomas qua điện đài. Ông báo: “chiến dịch Berlin phải tiến hành tối nay.”
 
20 phút sau đó, Urquhart cho phát đi bức điện gửi Browning mà ông đã bảo trung úy Neville Hay mã hóa đêm hôm trước. Nó vẫn còn phù hợp, nhất là ở câu cảnh báo: “Kẻ thù chỉ cần đánh nhẹ nữa là cũng có thể tan rã hoàn toàn.” Vào thời điểm này, tình cảnh của Urquhart bi đát đến nỗi ông cũng chẳng biết liệu lính của mình có thể trụ được đến tối ko nữa. Thế rồi vị tướng đau khổ bắt đầu soạn thảo hoạt động khó khăn nhất trong tất cả các thể loại tác chiến: đó là Rút lui. Chỉ có 1 cách duy nhất, vượt qua 400m kinh hoàng của sông Rhine về Driel.
 
Kế hoạch của Urquhart được lập dựa trên cách thức của 1 cuộc triệt thoái kinh điển khác của quân Anh – Gallipoli năm 1916. Tại đó, sau nhiều tháng ác chiến, lính Anh cũng cũng đã phải rút lui dưới hỏa mù. Những toán quân nhỏ vẫn tiếp tục nổ súng che mắt địch để cho thành phần chủ lực triệt thoái an toàn. Urquhart cũng tiến hành thủ đoạn tương tự. Trên khắp chu vi phòng thủ, những toán lính nhỏ sẽ tiến hành bắn mạnh để đánh lừa quân địch trong lúc phần lớn lực lượng rút đi. Dần dần các đơn vị trên mặt bắc chu vi phòng thủ sẽ rút dần xuống tới bờ sông để di tản. Sau đó, các lực lượng cuối cùng, ở gần sông Rhine nhất sẽ theo chân họ. Sau này Urquhart kể lại: “Thực ra tôi lên kế hoạch rút quân giống như ta làm xẹp 1 cái túi giấy vậy. Tôi muốn những toán quân nhỏ vẫn bám giữ trong những vị trí then chốt tạo nên ấn tượng chúng tôi vẫn ở nguyên đó, trong khi tất cả thì rút lui dọc theo 2 bên sườn.”

Urquhart còn ngụy tạo thêm 1 số biểu hiện “bình thường” khác nữa. Các đài vô tuyến vẫn hoạt động như lúc bình thường. Những khẩu pháo của Sheriff Thompson vẫn  nhả đạn đến phút cuối. Lính quân cảnh gác khu tù binh Đức chỗ sân tennis ở Hartenstein  vẫn tiếp tục đi tuần. Họ sẽ là những người ra đi cuối cùng. Dĩ nhiên, bên cạnh những toán chặn hậu, còn có những người khác nữa. Đó là những người phải ở lại gồm bác sĩ, lính quân y và thương binh nặng. Những thương binh ko thể đi bộ nhưng vẫn còn khả năng chiến đấu cũng sẽ ở lại vị trí phòng thủ và tiếp tục bắn.

Để tới được bờ sông, các binh sĩ của Urquhart sẽ đi theo 2 tuyến đường ở 2 bên hông chu vi phòng thủ. Các phi công tàu lượn sẽ đóng vai trò dẫn đường, họ tiến hành đánh dấu đường thoát bằng những dải băng trắng. Các binh sĩ, lấy vải quấn vào giày, sẽ theo đó tìm đường ra tới mép nước.  Tại đây lính công binh điều phối (beachmasters) sẽ cho họ lên đội thuyền di tản: gồm 14 ca nô công suất lớn (storm boats), chở được 14 người mỗi chiếc – do 2 đại đội công binh Canada vận hành, cùng 1 số thuyền nhỏ nữa. Ko thể xác định được số lượng thuyền nhỏ này. Chẳng có ai, kể cả các sĩ quan điều phối còn nhớ chúng gồm bao nhiêu chiếc; nhưng trong số đó có cả mấy chiếc DUKW cùng số xuồng vải bạt khung gỗ còn sót lại của cuộc vượt sông hôm trước. Urquhart đã rất liều lĩnh khi cho rằng quân Đức khi nhìn thấy thuyền chạy trên sông sẽ tưởng các binh sĩ đang nỗ lực vượt sang chu vi phòng thủ chứ ko phải rút ra khỏi đó. Ngoài việc bị phát hiện, hơn 2000 con người đang cố thoát ra còn phải đối mặt với nhiều nguy nan nữa. Urquhart có thể hình dung ra được rằng; nếu như thời gian biểu ko được tuân thủ nghiêm ngặt thì 1 nút cổ chai tệ hại sẽ hình thành nơi đáy chu vi phòng thủ nhỏ hẹp – khi đó đang có bề rộng là 650m. Và nếu để xảy ra ách tắc ở chỗ xuống sông thì lính của ông sẽ bị tận diệt ko thương tiếc. Sau những kinh nghiệm cay đắng của quân Ba Lan và tiểu đoàn Dorsets khi cố gắng vượt sang chu vi phòng thủ, Urquhart biết chắc cuộc di tản sẽ bị đối phương ngăn trở. Dù cho tất cả pháo của Quân đoàn 30 đều đã được huy động để bảo vệ, Urquhart vẫn dự đoán quân Đức sẽ gây  thương vong nặng cho các binh sĩ dưới quyền. Thời gian cũng là kẻ thù của ông. Phải mất nhiều tiếng đồng hồ mới hoàn tất được việc di tản. Ngoài ra còn có vấn đề trong công tác bảo mật của kế hoạch nữa. Do các binh sĩ có thể bị bắt và hỏi cung trong ngày, nên ko có ai, trừ các sĩ quan cấp cao và những người được giao nhiệm vụ cụ thể, được báo trước về kế hoạch trên cả. Sau khi trao đổi qua điện đài với tướng Thomas và đạt được sự đồng thuận cơ bản về kế hoạch triệt thoái, Urquhart tổ chức họp cùng số sĩ quan cao cấp còn lại: Đại tá Pip Hicks; trung tá Iain Murray của trung đoàn phi công tàu lượn, lên thay cho Hackett bị thương; trung tá R. G. Loder-Symonds chủ nhiệm pháo binh sư đoàn; thượng tá Mackenzie, tham mưu trưởng; trung tá Eddie Myers, chỉ huy công binh, người điều hành cuộc di tản này. Trước khi buổi họp bắt đầu, thượng tá Graeme Warrack, chủ nhiệm quân y sư đoàn đã tới gặp Urquhart và trở thành người đầu tiên biết đến kế hoạch di tản. Warrack “rất chán nản, buồn rầu. Chẳng phải vì tôi phải ở lại – đó là nghĩa vụ đối với thương binh – mà là vì lúc đó tôi thấy sư đoàn rút đột ngột quá.”
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #251 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2015, 08:36:53 am »

Trong hầm rượu khác sạn Hartenstein, Urquhart báo tin “Đêm nay chúng ta sẽ rút ra” cho các sĩ quan đang vây quanh. Sau đó ông phổ biến từng bước kế hoạch. Thành công của kế hoạch phụ thuộc rất nhiều vào sự tỉ mỉ về thời gian. Bất kỳ việc ùn ứ nào cũng sẽ trở thành thảm họa. Các binh sĩ chỉ việc đi, chứ ko được dừng lại chiến đấu. “Họ phải lẩn tránh nếu bị bắn và chỉ được phép bắn trả trong tình huống nguy hiểm tới tính mạng.” Khi các sĩ quan chuẩn bị giải tán, Urquhart dặn họ giữ bí mật càng lâu càng tốt và chỉ được nói cho những người thật cần thiết.

Tin vừa rồi chỉ làm cho các sĩ quan cao cấp trên của Urquhart hơi bất ngờ. Giống như Warrack, họ rất thất vọng vì quân cứu viện đã ko đến. Trong đầu, họ sợ các binh sĩ sẽ gặp phải thử thách còn khốc liện hơn nữa khi rút lui. Anh lính thông tin James Cockrill, tăng phái cho bộ chỉ huy sư đoàn, ngẫu nhiên nghe được thông điệp ngắn gọn “Đêm nay là chiến dịch Berlin”. Anh cố gắng nghiền ngẫm xem nó có ý nghĩa gì? Anh thậm chí còn chưa bao giờ nghĩ tới việc triệt thoái. Cockrill cứ tưởng sư đoàn sẽ “chiến đấu đến người lính cuối cùng, viên đạn cuối cùng”. Anh nghĩ “chiến dịch Berlin” là 1 cố gắng to lớn nhằm đột phá đến cầu Arnhem “theo kiểu của trận đột kích hào hùng của Lữ đoàn Khinh Kỵ binh ( trận đánh của kỵ binh Anh vào pháo binh Nga trong trận Balaclava năm 1855 hồi chiến tranh Crưm. Kỵ binh Anh thắng nhưng bị thiệt hại nặng nề. ND) hay đại loại như vậy.” 1 người khác thì lại biết rõ nó có nghĩa là gì. Tại sở chỉ huy Lữ đoàn đổ bộ đường không 1, thượng tá Payton-Reid của trung đoàn biên phòng Scotland (KOSB) đang tham gia sắp xếp việc di tản quân bên mặt tây chu vi phòng thủ thì nghe thấy đại tá Pip Hicks lẩm bẩn điều gì đó về “1 Dunkirk nữa”.

Trong suốt ngày hôm ấy, quân Đức điên cuồng tấn công cố tràn ngập các vị trí của những con Quỷ đỏ, thế nhưng họ vẫn trụ được. Thế rồi, các binh sĩ còn nhớ là vào hơn 8g tối 1 chút, tin rút quân được truyền xuống. Với thiếu tá Geoffrey Powell, thuộc tiểu đoàn 156 của Hackett, trên đầu chu vi phòng thủ, thì cái tin trên là “1 đòn khủng khiếp. Tôi nhớ đến những người đã bỏ mình rồi nghĩ đến chuyện mọi nỗ lực vừa qua đều đổ sông đổ bể hết cả.” Vì lính của ông đang nằm ở xa nhất nên vào lúc 8g15, Powell cho quân tập hợp theo hàng 1.

Binh nhất Robert Downing, tiểu đoàn dù 10 được lệnh rời chiến hào về khách sạn Hartenstein. Tại đó, anh gặp 1 trung sĩ. Người này bảo "Chỗ kia có cái dao cạo cũ, ra làm lông tí đi." Thấy Downing giương mắt nhìn, viên trung sĩ nói tiếp: "Khẩn trương! Chúng ta sẽ về bên kia sông; và vì Chúa, phải làm sao trở lại như lính Anh mới coi được."

Thiếu tá Robert Cain lại đi mượn dao cạo trong 1 căn hầm khác gần vị trí mình. Có người tìm ra nước; Cain đặt dao lên đám râu 1 tuần chưa cạo của mình rồi cẩn thận chùi khuôn mặt dính máu và ám đen khói súng. Khi bước ra anh đứng dưới mưa 1 lúc để ngắm nhìn ngôi nhà thờ Oosterbeek. Nhà thờ có con gà trống chỉ hướng gió bằng vàng. Anh vẫn để ý đến nó trong suốt thời gian của trận đánh. Đối với anh, nó là 1 vật mang lại may mắn. Gà còn thì sư đoàn còn. Rồi anh bỗng cảm thấy buồn vô hạn và tự hỏi liệu ngày mai nó còn còn ở đấy nữa ko?

Cũng như những người lính khác, thiếu tá Thomas Toler của trung đoàn phi công tàu lượn được trung tá Iain Murray bảo đi rửa ráy chút đỉnh. Toler chẳng muốn làm chút nào. Ông đã quá mệt và "nghĩ rửa ráy là cả 1 sự cố gắng". Murray đưa ông cái dao cạo của mình. "Bọn ta sẽ rút ra. Ko thể để lục quân nghĩ chúng mình là đám bụi đời được." Với chút bọn mà Murrayđể lại, Toler bắt đầu cạo râu. "Thật là tuyệt. Khi cạo xong tôi bỗng thấy tinh thần thể chất mình sảng khoái hơn hẳn." Trong sở chỉ huy của Murraycó lá cờ thêu hình Ngựa có cánh Pegasus (cờ hiệu của sư đoàn. ND) mà Hackett dự định sẽ giương lên khi Tập đoàn quân 2 đến. Toler ngắm nó hồi lâu rồi cẩn thận cuộn nó lại mang đi.
 
Trong các vị trí pháo binh sẽ khai hỏa đánh lạc hướng địch để hỗ trợ cho cuộc di tản, pháo thủ Robert Christie đang nghe Willie Speedie, hiệu thính viên gọi về pháo đội. Speedie báo tần số chỉ huy mới rồi nói ngắn gọn: “Chúng tôi tắt máy đây. Hết.”

Trung sĩ Stanley Sullivan, lính dù tiền sát, người đi mở đường 9 ngày trước rất giận dữ khi biết tin phải triệt thoái. “Tôi cứ tưởng chúng tôi sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”. Chốt tiền tiêu của Sullivan đóng trong 1 ngôi trường “nơi những đứa trẻ đến để học. Tôi sợ cho lũ trẻ ấy khi phải rút đi. Cần phải cho chúng nó và cả quân Đức biết, chúng tôi đã nghĩ gì.” Trong căn phòng anh cố thủ có tấm bảng đen, Sullivan viết lên nó hàng chữ đậm, gạch chân nhiều lần. Nội dung là: “Bọn ta sẽ trở lại !!!”*

*Chú thích: Đám trẻ chẳng bao giờ thấy nó. Ngày 27 tháng 9 trong hành động trả thù tàn bạo nhằm vào người Hà Lan, quân Đức đã ra lệnh tất cả các khu vực ở Arnhem phải tản cư. Arnhem cùng các làng mạc quanh đó ko hề có người ở cho đến tận những ngày cuối cuộc chiến, ngày 14/4/1945 khi lính Canada kéo đến.

Đúng vào 9g tối, bầu trời đêm nhoáng nhoàng khi rất nhiều pháo của quân đoàn 30 gầm lên. Những tiếng nổ dậy lên suốt viền chu vi phòng thủ, 1 cơn mưa đạn pháo trút xuống các vị trí quân Đức. Lính của Urquhart bắt đầu rút ra sau đó 45 phút. Thời tiết xấu từng làm ngăn cản quân cứu viện và đồ tiếp tế suốt tuần qua giờ lại giúp đỡ cho các con Quỷ đỏ; cuộc triệt thoái bắt đầu trong điều kiện mưa to gió lớn – cộng với tiếng ầm ầm của trận pháo kích –che chở cho cuộc đào thoát của quân Anh.
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #252 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2015, 01:42:21 pm »

Trong mưa, gió tàn quân của sư đoàn 1 Không Vận, mặt bôi đen, trang bị buộc gọn, giày bọc lại cho khỏi ồn, vất vả trèo ra khỏi công sự xếp hàng thực hiện chuyến đi nguy hiểm xuống sông. Trời tối đen khiến cho các binh sĩ chẳng thể nhìn xa hơn vài gang tay. Họ lập thành 1 dây xích người, nắm tay hoặc bám vào áo ngụy trang của người đi trước.

Trung sĩ William Tompson, phi công tàu lượn, gập người chống lại cơn mưa lớn. Nhận nhiệm vụ hướng dẫn các binh sĩ khác ra bờ sông, anh đã chuẩn bị tinh thần cho 1 đêm dài ướt nhẹp. Khi nhìn những người lính đi ngang anh chợt nhận thấy:”Tuy ít người nhưng chúng tôi đều đã trải qua hỏa ngục 1 cách anh dũng.”

Với anh lính thông tin James Cockrill “chiến dịch Berlin” giờ thì đã quá rõ ràng. Anh được chỉ thị ở lại tiếp tục nhiệm vụ trong khi đồng đội rút lui. Anh sẽ phải “duy trì liên lạc điện đài và làm mọi thứ để quân Đức ko nhận ra điều gì khác thường”. Cockrill 1 mình ngồi trong bóng tối dưới hàng hiên khách sạn Hartenstein “cặm cụi truyền đi những thông điệp mã hóa. Tôi nghe thấy nhiều chuyển động khắp xung quanh nhưng người ta chỉ thị tôi vẫn phải duy trì sóng liên lạc.” Cockrill biết chắc khi trời sáng mình sẽ bị bắt làm tù binh. Anh vẫn dựng khẩu súng trường bên cạnh nhưng đó chỉ là thứ vô dụng. Súng chỉ có 1 viên đạn giả chứa bản mật mã liên lạc với tập đoàn quân 2 và đó là viên duy nhất còn lại của anh.

Trên bờ nam sông Rhine các bác sĩ, lính cứu thương, y tá chữ thập đỏ Hà Lan đang sẵn sàng trong những khu tiếp nhận và trạm xá dã chiến. Tại Driel, đoàn xe cơ giới và xe cứu thương cũng chờ sẵn để đưa những người sống sót trong sư đoàn Urquhart về Nijmegen. Dù việc chuẩn bị đón những người mới đến đang choán hết thời gian, Cora Baltussen sau 2 ngày đêm kiệt sức chăm sóc cho thương binh vẫn nghĩ rằng trận pháo kích và các hoạt động bên bờ nam này là khởi đầu cho đợt vượt sông kế tiếp. Khi đạn pháo địch cấp tập xuống Driel, Cora đã bị mảnh vỡ ghim vào đầu, vai trái và hông. Dù rất đau nhưng Cora vẫn coi như ko có chuyện gì cả. Thứ cô lo nhất là bộ quần áo vấy máu của chính mình. Cô vội đạp xe về nhà để thay đồ rồi sẽ quay lại đón những thương binh chắc chắn sẽ được đưa về sớm. Trên đường đi Cora lọt vào vùng pháo địch bắn. Bị hất văng ra khỏi xe đạp nhưng ko bị thương, cô nằm 1 lúc trong cái mương đầy bùn rồi lại đi tiếp. Cora về đến nhà thì kiệt sức. Vào hầm nhà, cô nằm xuống định chợp mắt 1 lát nhưng đã ngủ hết đêm mà chẳng hề biết “chiến dịch Berlin” đã diễn ra.

Dọc bờ sông chỗ đáy chu vi phòng thủ, đội thuyền sơ tán do lính công binh Canada và Anh điều khiển đã đợi sẵn. Cho đến lúc này kẻ thù vẫn chưa nghi ngờ gì. Thực tế, quân Đức rõ ràng chưa biết chuyện gì đang diễn ra cả. Pháo của họ vẫn nhắm vào số quân còn lại của Dorsets, khi tiểu đoàn này bắt đầu tổ chức đánh nghi binh ở phía tây chu vi phòng thủ. Xa hơn nữa, pháo binh Anh cũng khạc lửa làm ra vẻ tổ chức bắn yểm hộ cho 1 đợt vượt sông khác.

Trong mưa lớn, những hàng quân ngoằn ngoèo di chuyển từ 2 bên cánh chu vi phòng thủ xuống bờ sông với tốc độ chậm. 1 số lính quá kiệt sức nên đã đi lạc và rơi vào tay quân thù; những người ko thể tự đi được đã được giúp đỡ. Trong bóng đêm ko có ai dừng lại cả. Đứng lại làm ồn, hay hoảng loạn là chết ngay.

Trong ánh lửa bập bùng của những căn nhà cháy, trung sĩ Ron Kent, thuộc đại đội dù tiền sát của thiếu tá Boy Wilson, dẫn trung đội vào 1 vườn bắp cải được chọn làm điểm hẹn của đơn vị. Họ đợi ở đó cho đến khi toàn đại đội tập trung xong mới đi xuống bờ sông. Kent kể: “Dù bọn tôi biết sông Rhine ở hướng nam nhưng ko biết điểm sơ tán nằm đâu cả?” Bỗng nhiên lính thấy 1 luồng đạn vạch đường màu đỏ từ hướng nam bắn đến nên nhắm luôn  chỗ đó để đi. Chẳng mấy chốc họ đã tới được chỗ có những dải băng trắng đánh dấu và các phi công tàu lượn mờ mờ hiện ra bắt đầu chỉ lối cho họ. Toán của Kent nghe thấy bên trái có tiếng súng bắn và tiếng lựu đạn nổ. Thiếu tá Wilson cùng 1 toán khác đã chạy lạc sang vị trí Đức. 2 binh sĩ bị giết chết trong trận đụng độ ác liệt sau đó, khi chỉ còn cách vùng an toàn có 1 dặm đường.

Những người lính vẫn còn nhớ tới từng chi tiết nhỏ nhất về chuyến di tản – những câu chuyện thương tâm, ghê sợ và đôi khi rất buồn cười. Binh nhất Henry Blyton thuộc tiểu đoàn 1 đang trên đường ra sông thì nghe thấy tiếng ai khóc. Hàng lính phía trước đứng lại. Các binh sĩ bu lại bên đường. Tại đó, 1 thương binh đang nằm trên mặt đất ướt sũng khóc gọi mẹ. Mọi người được lệnh đi tiếp. Chẳng ai được phép dừng lại để giúp người thương binh cả. Trước khi lực lượng của thiếu tá Dickie Lonsdale rời vị trí, họ đã ghé qua nhà Ter Horst để mang theo càng nhiều thương binh còn đi được càng tốt. Hạ sĩ Sydney Nunn, người đã cùng 1 phi công tàu lượng hạ gục chiếc xe tăng Tiger lúc trước đã nghĩ mình ko thể nào ra sông nổi. Những vị trí pháo binh gần nhà thờ hôm ấy đã bị quân Đức tràn ngập. Nunn cùng 1 toán lính biên phòng Scotland đã có 1 trận giao tranh ngắn ngủi nhưng ác liệt với quân Đức. Trong đêm mưa, hầu hết mọi người đã rút hết. Nunn nằm trên đất sau khi nhận vết thương đầu tiên sau 9 ngày chiến đấu. Đạn pháo nổ trong đống đá khiến 1 viên sỏi văng ra làm mẻ cái răng cửa của Nunn.
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #253 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2015, 08:16:08 am »

Trung sĩ Thomas Bentley, tiểu đoàn 10 đi theo trung úy Neville Hay, phụ trách đơn vị Phantom. Anh nhớ lại “Chúng tôi liên tục bị bắn tỉa. Tôi thấy 2 phi công tàu lượn tiến ra ngoài chỗ sáng để thu hút hỏa lực lính Đức, như là để cho chúng tôi biết chúng bắn từ đâu đến.” Cả 2 người đều bị giết chết.

Tại Hartenstein, tướng Urquhart cùng bộ tham mưu đã chuẩn bị lên đường. Sau khi gói ghém nhật ký chiến trướng, đốt giấy tờ thì Hancock, lính cần vụ của Urquhart lấy vải rèm ra quấn giầy cho ông tướng. Mọi người quì xuống nghe vị tuyên úy cầu Chúa. Urquhart nhớ ra chai whiskey mà cậu cần vụ đã bỏ ba lô cho ông hôm đổ bộ. Urquhart nói: “Ta truyền tay nhau nào. Mỗi người làm 1 ly”. Sau cùng, Urquhart xuống hầm rượu thăm các thương binh “quấn đầy băng, nẹp” và nói lời tạm biệt với những người còn tỉnh táo. Những ngưởi khác, đang ngủ do tác động của morphin, thì chẳng hay biết gì về chuyện triệt thoái. 1 người lính tiều tụy, cố ngồi dậy dựa lưng vào tường nói với Urquhart: “Tôi mong ông thành công, sếp ạ.”

Thiếu tá hải quân Arnoldus Wolters, sĩ quan liên lạc Hà Lan tại bộ chỉ huy đi sau nhóm của ông tướng, tuyệt đối giữ im lặng. “Giọng của tôi mà mở miệng ra, chắc sẽ bị cho là lính Đức ngay.” Đôi lúc, Wolters bị lạc dấu người đi phía trước,. “Chả biết phải làm gì nữa. Tôi chỉ biết vừa đi tiếp vừa cầu nguyện cho mình đi đúng hướng”. Wolters thấy cực ký chán nản chỉ toàn nghĩ về vợ cùng đứa con gái chưa thấy mặt. Anh chẳng thể gọi điện về nhà dù họ chỉ ở cách Hartenstein có vài dặm đường. Chiếc đồng hồ mua tặng vợ từ bên Anh vẫn còn nằm trong túi; con gấu Teddy, quà cho cô con gái thì nằm đâu đó trong cái tàu lượn vỡ. Nếu may mắn ra được đến bờ sông, thì Wolterscũng cũng sẽ lại đi tiếp, và có thể là sang Anh.

Cuộc vượt sông đã bắt đầu, trung tá Myers cùng với lính công binh đảm nhiệm chuyển vận binh sĩ tiến hành khẩn trương đưa người lên thuyền. Quân Đức lúc này dù chưa nhận ra cuộc triệt thoái nhưng nhờ pháo sáng cũng phát hiện được các hoạt động diễn ra trên sông. Đạn pháo và cối bắt đầu rót xuống. Nhiều thuyền bị thủng và lật úp. Người rơi xuống nước kêu cứu. Còn số khác, đã chết thì trôi đi. Những binh sĩ bị thương bám chặt vào các mảnh vỡ cố bơi sang bờ nam. Nửa số thuyền đã bị phá hủy trong vòng 1 tiếng đồng hồ, tuy nhiên việc qua sông vẫn được tiếp tục.

Khi thiếu tá Geoffrey Powell ra được tới bờ sông sau 1 đoạn đường dài, anh cứ ngỡ đợt di tản đã kết thúc. Có 1 chiếc thuyền đang nhấp nhô nửa nổi nửa chìm trên mặt nước. Powell lội ra xem. Thuyền thủng lỗ chỗ, mấy lính công binh trên đó đều chết. Khi 1 số lính của ông vừa tách ra để bơi thì bỗng từ trong bóng đêm hiện ra 1 chiếc thuyền. Powell nhanh chóng gom quân lại rồi cho 1 số lên thuyền còn mình cùng những người còn lại đợi cho đến khi chiếc thuyền quay lại. Đứng trên bờ nam sông, Powell quay lại nhìn về bờ bắc hồi lâu. "Cuối cùng rồi cũng đã qua được sông. Tôi chẳng thể tin là mình còn sống." Quay sang 15 người lính bẩn thỉu của mình, Powell lệnh: "Xếp làm 3 hàng" rồi dẫn họ bước đều về khu vực đón quân. Khi tới gần ngôi nhà, Powell hô lớn: "Tiểu đoàn 156. Đứng lại! Bên phải quay! Giải tán!". Anh đứng trong mưa nhìn họ đi về chỗ ở. "Mọi chuyện đã kết thúc. Vì Chúa mà chúng tôi đã xông vào rồi rút ra. Thật đáng tự hào."

Khi chiếc thuyền chật ních chở tướng Urquhart chuẩn bị sang sông thì nó lại mắc lầy. Lính cần vụ của ông là Hancock liền nhảy xuống đẩy. Urquhart kể: "Cậu ấy đẩy thuyền vượt qua khỏi vũng lầy, nhưng đến khi vất vả leo lên lại thì có ai đó lại hô lớn: "Đi thôi! Thuyền quá tải rồi". Đúng là đồ vơ ơn. Hancock cứ mặc kệ, lấy hết sức bình sinh và đu lên thuyền."

Dưới làn đạn súng máy, Urquhart mới qua được nửa sông thì máy thuyền bỗng giật cục rồi tắt ngóm. Chiếc thuyền trôi theo con nước; với Urquhart thì "dường như có 1 khoảng thời gian dài bất tận trước khi máy nổ lại." Họ tới được bờ nam ít phút sau đó. Ngoái lại, Urquhart thấy những luồng đạn của quân Đức đang quất xuống mặt sông. Ông nói: "Tôi ko nghĩ chúng biết mình đang bắn vào những cái gì."

Trong những trảng cỏ, rừng cây trên bờ sông, có hàng trăm người đang chờ đợi. Hiện giờ chỉ còn nửa số thuyền vẫn còn hoạt động dưới hỏa lực súng máy bắn rát. Cái nút cổ chai mà Urquhart từng lo sợ đã xảy ra. Đám đông ngày càng tăng thêm, dù ko có hoảng loạn nhưng nhiều người vẫn cố dấn lên trước. Các sĩ quan, hạ sĩ quan phải hết sức cố gắng để ngăn họ lại. Hạ sĩ nhất Thomas Harris, tiểu đoàn 1 nhớ lại: "Có hàng trăm người đang chờ để qua sông. Nhiều thuyền có đông người đến mức ko thể chạy nổi." Lúc này đạn cối Đức đã vào gần khu vực xuống thuyền hơn. Harris cùng nhiều người khác đã quyết định bơi qua bên kia. Anh cởi áo cùng giày trận ra, ngụp xuống dòng nước và rất ngạc nhiên khi thấy mình đã bơi qua được.

Nhiều người khác lại chẳng may mắn như thế. Khi pháo thủ Charles Pavey ra tới bến sông thì chỗ này đang bị súng máy quất tới tấp. Trong số đông đang đứng trên bờ có 1 người tiến ra bơi về phía Pavey. Mặc kệ đạn réo xung quanh, anh này nhô đầu lên thở hổn hển nói "Ơn chúa! Con sang được rồi." Pavey nghe có người nói: "Đồ ngốc. Cậu vẫn ở bờ bên này đó."

Trung sĩ Alf Roullier, ngưởi đã xoay xở nấu món hầm cho mọi người hôm chủ nhật, lúc này cũng đang cố gắng bơi trên sông. Đang chới với trong làn nước thì có 1 chiếc thuyền chạy đến cạnh rồi có người nắm cổ áo mình. Anh nghe người này nói: "Tốt rồi, anh bạn. Tiếp tục đi. Tiếp tục."Roullier đã hoàn toàn mất phương hướng. Anh nghĩ chắc mình chết đuối mất thôi thì cái giọng ấy lại cất lên "Giỏi đấy, anh bạn già." và tay công binh Canada kéo anh lên thuyền. Roullier bàng hoàng lẩm bẩm: "Tôi đang ở chỗ quái nào thế?" trong khi tay Canada cứ nhe răng ra cười. Anh ta bảo: "Về nhà tới nơi rồi."
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #254 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2015, 08:25:37 am »

Trời sắp rạng, anh lính thông tin James Cockrill vẫn cùng điện đài ngồi dưới hiên khách sạn Hartenstein thì bỗng nghe có tiếng nói thầm giục giã: "Nào, gà con. Đi thôi". Khi những người lính đang đi ra sông thì bất ngờ nghe có tiếng nổ lớn. Cockrill thấy nách và cổ bị cái gì giật mạnh. Khẩu súng Sten anh đeo sau lưng đã bị mảnh đạn làm toác 1 đường rộng. Tới gần bờ sông, nhóm của Cockrill đi ngang qua mấy phi công tàu lượn đang đứng trong bụi rậm. 1 người nói: "Khi nào bọn tôi bảo mới được đi. Bọn Đức có 1 khẩu Spandau (đại liên MG42. ND) khống chế chỗ này, đạn của nó đi ở tầm ngang hông ta." Dưới sự chỉ dẫn của mấy phi công, từng người 1 chạy hết tốc lực về phía trước. Khi đến lượt mình, Cockrill khom người xuống rồi bắt đầu chạy rồi ngã đè lên 1 đống người. Anh nhớ lại: "Có từ 20-30 người. Tôi nghe thấy có nhiều tiếng gọi mẹ, những người khác thì van xin chúng tôi đừng bỏ bọn họ lại. Nhưng chúng tôi chẳng thể nào dừng lại." 1 trái pháo sáng bùng lên chỗ bờ sông, súng máy bắt đầu quạt lia lịa. Cockrill nghe có tiếng gọi mọi người ai biết bơi thì ra bơi. Anh lao xuống dòng nước lạnh buốt, cố bơi vượt qua đám người đang hốt hoảng lặn hụp chung quanh.

Đột nhiên Cockrill nghe thấy có tiếng nói: "Tốt rồi anh bạn, đừng sợ. Tôi tóm được cậu rồi." 1 lính Canada kéo anh lên thuyền. Ít giây sau Cockrill nghe tiếng đáy thuyền chạm vào bờ. Anh kể "tôi tí nữa thì khóc khi nhận ra mình bị đưa trở lại nơi xuất phát." Chiếc thuyền vào trong bờ để thu thập thương binh. Các binh sĩ quanh đó cũng tham gia đưa người lên thuyền, Cockrill còn nhớ khi chiếc thuyền khởi hành, thì tứ phía đều có người vội vã trèo lên. Dù thuyền bị quá tải và phải chạy dưới lằn đạn địch. Những lính Canada vẫn lái nó sang được đến bờ bên kia. Sau những giờ kinh hoàng dưới hiên nhà và chuyến đi đầy ác mộng trên mặt nước, Cockrill cảm thấy rất ngạc nhiên: "khi thấy mình đang ở trong 1 nhà kho và được ai đó đưa cho điếu thuốc." Thế rồi Cockrillsực nhớ 1 điều. Anh cuống cuồng lục túi áo và lấy ra viên đạn duy nhất mình có: viên đạn giả cỡ 0.303 có chứa bản mật mã liên lạc.

Ngay trước 2g sáng số đạn dược còn lại của sư đoàn 1 Không vận đã được cho nổ tung. Các pháo thủ của Sheriff Thompson bắn hết những viên đạn pháo cuối cùng rồi phá hủy bệ khóa nòng. Hạ sĩ Percy Parkes cùng số lính còn lại trong khẩu đội được lệnh rút. Parkes hết sức ngạc nhiên vì chưa từng nghĩ đến chuyện phải triệt thoái. Anh cứ ngỡ mình sẽ ở lại cho đến khi quân Đức tràn ngập vị trí. Đến khi ra tới sông anh còn thấy ngạc nhiên hơn nữa. Khu vực đang kẹt cứng với hàng trăm con người, có người nói thuyền đã bị chìm hết cả. Người lính đứng cạnh Parkes hít 1 hơi thật sâu rồi nói: "Có vẻ bọn mình sẽ phải bơi."Parkes đăm đăm nhìn ra sông "Nó rộng quá. Nước đang dâng cao và chảy rất xiết. Tôi chẳng nghĩ mình bơi qua nổi. Tôi thấy nhiều binh sĩ mặc nguyên quần áo nhảy xuống rồi bị nước cuốn đi. Những người khác thì đơn giản là bị bắn gục khi đang bơi. Tôi thấy 1 gã vượt sông bằng 1 tấm ván, lưng vẫn đeo ba lô. Nếu anh ta làm được thì tôi cũng có thể làm thế."

Parkes lột hết chỉ mặc độc cái quần cụt và bỏ hết đồ lại kể cái đồng hồ quả quýt bằng vàng của mình. Giòng nước khiến chiếc quần bị tụt, anh liền đạp phăng nó luôn. Anh bơi qua được bờ bên kia. Ẩn trong các bụi cây và khe rãnh, rốt cục anh cũng tới 1 cái trang trại nhỏ bỏ hoang. Parkes mò vào tìm quần áo. Sau đó vài phút, anh gặp 1 binh nhất thuộc tiểu đoàn Dorsets, người này chỉ đường cho anh về nơi tập kết. Tới đây anh được phát cho 1 cốc trà nóng cùng mấy điếu thuốc lá. Phải mất 1 lúc lâu thì anh chàng Parkes đang mệt đứt hơi mới hiểu được lý do vì sao mọi người cứ nhìn mình chằm chằm. Anh đang mặc cái áo thun thể thao màu sắc lòe loẹt và chiếc quần thụng của phụ nữ.

Binh nhất Alfred Dullforce của tiểu đoàn 10 trần truồng bơi sang tới bờ nam nhưng vẫn đem theo khẩu súng lục cỡ nòng 0.38. Anh rất bối rối khi thấy trong đám lính trên bờ có 2 phụ nữ. Dullforce chỉ muồn "lùi lại, trốn trong làn nước". 1 phụ nữ gọi rồi đưa cho anh cái váy. Anh nhớ lại "Cô ấy chẳng thèm chớp mắt khi thấy tôi đang ở truồng. Cô bảo tôi ko phải lo vì họ ra đây là để giúp đỡ những người vượt sông." Mặc cái váy hoa hòe hoa sói dài tới gối, Dullforce lên 1 xe tải Anh chở những người lính sống sót về Nijmegen.

Lúc này thì quân Đức bắt đầu nã đạn cấp tập xuống bến vượt, đạn cối rơi xuống ầm ầm. Khi thiếu tá hải quân Arnoldus Wolters chạy đến sau 1 hàng người đang đợi thuyền, thì có quả đạn nổ tung ngay giữa họ. Wolters nhớ lại "Tôi thì hoàn toàn chẳng bị gì nhưng xung quanh có 8 người chết và 1 bị thương nặng". Anh tiêm cho người này 1 liều morphin rồi khiêng cậu ta ra thuyền. Chiếc thuyền đã quá tải chẳng còn chỗ nào cho Wolters nữa. Anh đành lội xuống bước bám vào mạn thuyền và nương theo nó qua sông. Lảo đảo lên tới được bờ nam thì anh ngã quị.

Đến bình minh thì đoàn thuyền sơ tán gần như đã bị phá hủy hết. tuy nhiên lính công binh Canada và Anh vẫn mặc kệ pháo, cối và đạn súng máy địch, tiếp tục dùng những thuyền còn lại đưa người qua sông. Binh nhất Arthur Shearwood, tiểu đoàn 11, thấy lính Canada đưa mấy thương binh lên 1 chiếc thuyền nhỏ. 1 lính Canada ra dấu cho Shearwood leo lên thuyền. Động cơ không nổ. Lính Canada yêu cầu tất cả những người còn đem theo súng trường lấy ra chèo thuyền đi. Shearwood vỗ vai người ngồi phía trước nói. "Nào ta bắt đầu chèo thôi." Anh kia nhìn Shearwood vẻ vô hồn rồi chỉ vào cái vai quấn đầy băng của mình nói "Ko được đâu. Tôi đã mất 1 tay rồi."

Đến rạng sáng thì thiếu tá Robert Cain đã đưa tất cả người của mình qua sông hết. Nhưng đến khi anh cùng thượng sĩ "Robbo" Robinson đứng trên bờ sông chờ đợi thì lại chẳng thấy chiếc thuyền nào xuất hiện. Có người trong nhóm lính khác chỉ 1 chiếc thuyền bị thủng nhẹ đang nhấp nhô trên mặt nước. 1 binh sĩ bơi ra kéo nó vào. Cain và Robinson bắt đầu dùng báng súng chèo thuyền trong khi mấy người còn mũ sắt lo tát nước. Sang đến bờ nam, 1 quân cảnh chỉ cho họ đường đến cái nhà kho. Người đầu tiên anh nhận ra trong đó chính là đại tá Hicks. Ông đại tá nhanh chóng bước đến nói: "Coi này, ít ra ở đây cũng có 1 sĩ quan đã cạo râu." Cain nở nụ cười mệt mỏi đáp: "Tôi được giáo dục tốt mà, sếp."
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #255 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2015, 08:35:02 am »

Bên chu vi phòng thủ vẫn còn nhiều binh sĩ túm tụm đội mưa dưới hỏa lực quân Đức. Dù có vài thuyền đã cố sang sông dưới màn khói ngụy trang thì tới giờ, trong ánh sáng ban ngày, việc sơ tán ko thể tiếp tục được nữa.Trong số lính cố bơi sang có nhiều người đã bị dòng nước chảy xiết cuốn đi hoặc bị dính đạn súng máy. Những người khác thì vẫn vượt qua được. Những người còn ở lại, do bị thương nặng ko thể làm gì được, đành ngồi bất lực dưới mưa to hay quay về các bệnh xá trong chu vi phòng thủ. Nhiều binh sĩ lại quyết định lẩn trốn chờ đến tối vượt sang bờ đối diện. Cuối cùng thì số này cũng đã thoát được.

Tại Driel và trên bờ nam, những người lính bẩn thỉu, kiệt sức đi tìm lại đơn vị - hay những gì còn lại của đơn vị mình. Trung sĩ Stanley Sullivan, đơn vị dù tiền sát, người đã viết giòng chữ thách thức trên tấm bảng đen của trường học, còn nhớ có người hỏi: "Tiểu đoàn 1 đâu?". Có anh hạ sĩ lập tức đứng nghiêm đáp: "Đây ạ, thưa sếp." Cạnh anh là 1 nhúm người bẩn thỉu đang đau đớn cố đứng lên. Pháo thủ Robert Christie cứ lang thang khắp nhiều nhóm binh sĩ để tìm số lính cùng pháo đội. Không thấy ai quen mặt cả. Christie bỗng cảm thấy chảy nước mắt. Anh chẳng gặp ai thuộc pháo đội 2 ngoài mình cả.

Trên đường đến Driel, tướng Urquhartđi ngang qua bộ chỉ huy của tướng Thomas. Ông ko chịu vào mà cứ đứng ngoài mưa đợi các phụ tá thu xếp phương tiện vận tải. Khi Urquhart đang đứng chờ bên ngoài có chiếc xe jeep từ bộ tư lệnh của tướng Browning trờ tới. 1 sĩ quan hộ tống Urquhart về Quân đoàn bộ. Ông cùng nhóm tùy tùng được đưa đến 1 tòa nhà nằm ở ngoại ô phía nam Nijmegen. Urquhart kể: "Thiếu tá Harry Cator, trợ lý của Browning, chỉ 1 căn phòng và đề nghị bọn tôi thay quần áo ướt ra." Vị tướng kiêu hãnh người Scotland đã từ chối "Tôi thật vô lý khi muốn Browning nhìn thấy mình trong tình trạng vốn dĩ thế này." Sau 1 hồi chờ đợi thì Browning xuất hiện. "trong bộ dạng ko chê vào đâu được". Urquhart nghĩ, ông ta trông như "vừa mới đi duyệt binh về chứ ko phải đang ở trong 1 trận đánh nữa". Urquhart nói với vị chỉ huy Quân đoàn đơn giản thế này: "Xin lỗi vì mọi việc đã ko diễn ra như tôi đã kỳ vọng." Browning rót cho ông 1 ly rượu và đáp: "Anh đã làm hết sức của mình rồi." Sau đó, trong phòng ngủ dành cho mình, Urquhart mới nhận thấy mình chẳng tài nào chợp mắt được dù đã khao khát bấy lâu nay. Ông nói: "Còn quá nhiều mối trăn trở trong trí óc và lương tâm. "

Thực sự có rất nhiều điều cần phải suy nghĩ. Sư đoàn 1 Không Vận đã chở thành vật hy sinh và bị tận diệt. Lực lượng 10.005 quân lúc đầu của Urquhart giờ chỉ còn lại 2.163; cùng với 160 lính Ba Lan và 75 lính Dorsets vượt được sông Rhine trở về. Sau 9 ngày sư đoàn có khoảng 1.200 tử trận; 6.642 bị thương, bị bắt hoặc mất tích. Sau này được biết là quân Đức cũng phải chịu thiệt hại nặng nề: số thương vong là 3.300 người, trong đó có 1.100 chết.
Chuyến phiêu lưu ở Arnhem đã chấm dứt cùng chiến dịch Market-Garden. Chẳng còn làm được gì hơn ngoài việc rút về để củng cố. Cuộc chiến sẽ vẫn tiếp tục cho đến tận tháng 5 năm 1945. 1 sử gia Hoa Kỳ đã viết sau này rằng: "Chiến dịch đổ bộ đường không lớn nhất chiến tranh Thế giới thứ 2 đã kết thúc trong thất bại. Dù cho Montgomery khẳng định nó đã thành công đến 90%, thì tuyên bố ấy cũng chỉ là cách nói an ủi mà thôi. Phải chiếm được Arnhem thì mới giành được thắng lợi, còn ko thì những mục tiêu khác cũng chẳng để làm gì cả. Đổi lại sự hy sinh, anh dũng vô bờ ấy, quân Đồng minh chỉ lấn thêm được có 50 dặm - chẳng điđược tới đâu cả."*

*Tiến sĩ. John C. Warren, Các chiến dịch đổ bộ đường không tại châu Âu trong chiến tranh TG 2, trang 146.

Có lẽ do ko dự đoán được số người đi thoát nên xe cộ để chuyên chở những binh sĩ sống sót, kiệt sức đã bị thiếu hụt. Nhiều người sau khi đã phải chịu đựng đủ điều cơ cực nay lại phải cuốc bộ về Nijmegen. Đại úy Roland Langton, tiểu đoàn Cận vệ Ireland, đứng trên đường trong mưa lạnh nhìn sư đoàn 1 Không Vận trở về. Khi thấy hàng người mệt nhoài, cáu bẩn bước chuệch choạc ấy, Langtonbỗng lùi lại. Dù biết tiểu đoàn mình đã cố hết sức trong việc tiến quân trên xa lộ từ Nijmegen đến Arnhem, nhưng anh vẫn cảm thấy bứt rứt và "rất ngượng nghịu khi phải nói chuyện với họ".

Khi đoàn quân đi ngang qua 1 lính Cận Vệ Ireland khác đang lặng lẽ đứng bên vệ đường, có anh lính đã hét lên: "Mày đã ở chỗ quái nào vậy hử?". Anh lính Cận vệ nhỏ nhẹ trả lời: "Bọn tôi đã chiến đấu suốt 5 tháng rồi đó." Hạ sĩ nhất William Chennell, lính Cận vệ nghe tay lính dù kia nói: "Vậy à? Thế sao ko tiến nữa đi?" Trong lúc đoàn người lũ lượt đi qua, có 1 sĩ quan đã đứng ngoài mưa suốt nhiều giờ để tìm người quen. Đó là đại úy Eric Mackay, người đã cùng số lính tụt lại chiến đấu anh dũng trong ngôi trường gần cầu Arnhem, rồi vượt thoát về đến Nijmegen. Giờ đây anh muốn tìm lại những thành viên trong đại đội. Hầu hết số binh sĩ trên đều chưa đến được cầu Arnhem, nhưng Mackay vẫn bướng bỉnh cố tìm ra người của mình trong dòng lính dù từ Oosterbeek đến. Anh nói về những người lính "Sợ nhất là nhìn vào mặt họ. Tất cả đều có vẻ cực kỳ rầu rĩ và mệt mỏi. Tuy nhiên đó đây vẫn có thể thấy mặt những cựu binh, với vẻ mặt ko lẫn vào đâu được. Nếu ko nhìn vẻ bề ngoài thì chẳng thể nghĩ rằng họ vừa bị đánh tơi tả cả." Mackay đã ở trên đường từ suốt đêm cho tới tận sáng. "Chẳng thấy khuôn mặt thân quen nào hết. Càng nhìn tôi càng cảm thấy chán ghét tất cả. Ghét những người chịu trách nhiệm vì việc này, ghét lục quân vì sự lừng khừng của họ. Tôi nghĩ đã có rất nhiều sinh mạng và cả 1 sư đoàn giỏi đã bị mang ra phung phí. Làm vậy để làm gì?" Trời sáng bạch, Mackay mới quay về Nijmegen. Tại đây anh bắt đầu tìm kiếm từng điểm thu dung, từng nơi lưu trú, quyết tìm cho ra quân của mình. Với 200 lính công binh thuộc đại đội mình, chỉ còn 5 người, trong đó có cả Mackay, trở về được.

Phía bên kia sông vẫn còn những binh sĩ và thường dân do nhiệm vụ hoặc thương tích mà phải ở lại. Những toán lính ko kịp đi theo cũng thế, họ chui xuống chiến hào, công sự giờ đây ko người bảo vệ. Số người còn lại này chẳng còn tia hy vọng nào nữa. Họ ngồi trong chu vi phòng thủ phó mặc mọi việc cho số mệnh.
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #256 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2015, 08:27:13 am »

Anh lính quân y Taffy Brace dẫn số thương binh cuối cùng còn đi được ra đến bờ sông thì đã thấy nơi đây đã vắng ngắt thuyền bè. Đang đứng túm tụm với nhau chợt Brace thấy có viên đại úy bước tới. Người sĩ quan hỏi Brace: “Làm sao bây giờ? Sẽ chẳng có chiếc thuyền nào nữa đâu.”. Brace nhìn các thương binh rồi nói: “Chắc phải ở lại thôi. Tôi ko thể bỏ họ mà đi được.” Viên đại úy đưa ta ra bắt rồi bảo cả bọn “Chúc các cậu may mắn. Tôi sẽ thử bơi sang bên kia”. Khi nhìn người sĩ quan lội ra dòng nước, Brace gọi: “Chúc anh may mắn. Tạm biệt.”

Đối với thiếu tá Guy Rigby-Jones, bác sĩ ở Tafelberg thì “việc sư đoàn ra đi thật là 1 quả đắng khó mà nuốt nổi”, tuy nhiên ông vẫn thực hiện chức trách của mình. Rigby-Jones cùng đội quân y rà soát nhà cửa trong khu vực khách sạn để đem thương binh về. Họ khiêng thương binh đến điểm tập kết, đưa họ lên các phương tiện chuyên chở của Đức rồi trèo lên theo, cùng đi về nơi giam giữ.

Cha tuyên úy Pare ngủ ở Schoonoord suốt cả đêm. Khi tỉnh giấc ông liền cảm thấy có điều gì rất kỳ quái đã xảy ra. Rồi ông nhận ra 1 sự tĩnh lặng lạ thường. Vội vã chạy vào 1 căn phòng, ông nhìn thấy 1 lính cứu thương đang đứng bên cửa sổ, ko thèm ẩn nấp gì hết. Khi Pare tới gần thì anh lính quân y quay lại nói: “sư đoàn đi hết rồi.” Pare, chẳng được ai báo cho biết chuyện di tản, nhìn anh này chòng chọc. “Cậu điên à, bây?”. Anh kia lắc đầu: “Nhìn ông coi kìa sếp. Chúng ta sắp thành tù binh bây giờ. Ông tướng cũng đã phải rút lui.” Cha Pare vẫn ko thể tin nổi. Tay lính cứu thương nói: “Thưa sếp, ông phải báo tin này cho thương binh. Tôi chẳng đủ can đảm ra nói với họ đâu.” Pare đi 1 vòng khách sạn. Ông nhớ lại: “mọi người vẫncố giữ bình tĩnh nhưng tinh thần thì đều đã suy sụp.” Sau đó trong còn phòng lớn, nơi che chở cho hầu hết thương binh, 1 người lính tới ngồi chỗ chiếc đàn piano và bắt đầu chơi 1 liên khúc các bản nhạc đang thịnh hành. Mọi người bắt đầu hát và cha Pare cũng nằm trong số ấy.

Cha Pare  nói: “Chuyện này thật khó hiểu sau những ngày cuối cùng đầy cay đắng ấy. Quân Đức cũng ko sao hiểu được. Nhưng thật ra cũng dễ dàng lý giải thôi. Trạng thái hồi hộp, cảm giác bị bỏ rơi đã tạo thành 1 phản ứng bùng nổ và chẳng còn biết làm gì hơn ngoài ca hát.”

Sau đó, Hendrika van der Vlist cùng những người dân Hà Lan bắt đầu chuyển đi tới giúp thương binh trọng các bệnh viện của quân Đức. Cha Pare lưu luyến vẫy tay từ biệt họ. “Họ đã đồng cam cộng khổ với chúng tôi, chịu đựng đói khát đến quên cả bản thân mình,” Khi chiếc xe cứu thương cuối cùng đi khỏi, cha Pare cùng các nhân viên y tế cũng đưa số đồ đạc ít ỏi của mình lên 1 chiếc xe tải Đức. Ông nhớ lại: “Bọn Đức cũng tới giúp, trông có vẻ tò mò hơn là thù địch. Chẳng ai nói gì hết.” Khi chiếc xe lăn bánh, cha Pare đăm chiêu nhìn đống đổ nát của Schoonoord “nơi đã xảy ra nhiều phép lạ.” Ông “vẫn tin chắc chỉ cần 1,2 ngày nữa, hay có thể là đêm mai. Tập đoàn quân 2 sẽ vượt sông Rhine và tái chiếm khu vực này.”

Ở bên kia đường, Kate ter Horst cũng đã nói xong lời từ biệt với những người bị thương, và giờ đã trở thành tù binh. Cùng với 5 đứa con và chiếc xe kéo tay, chị bước ra rồi đi bộ đến Apeldoorn. Đi được 1 đoạn, chị đứng lại ngoái nhìn ngôi nhà cổ đã từng là nhà mình. Chị viết: “1 tia nắng đang chiếu vào chiếc dù màu vàng nhạt đang treo trên mái ngôi nhà. Màu vàng nhạt…1 lời chào từ lính nhảy dù…Tạm biệt, các bạn….cầu Chúa phù hộ các anh.”

Cô gái trẻ Anje van Maanen cũng đang trên đường tới Apeldoorn để tìm cha. Những xe chữ thập đỏ, xe cứu thương chở thương binh từ Tafelberg cũng đang chạy vượt qua cô. Anje cùng bà dì và người anh đứng nhìn những khuôn mặt thân quen mà cô đã chăm sóc suốt 1 tuần. Và rồi trong 1 chiếc xe tải chạy ngang cô nhận ra có cha mình trên đó. Cô hét lên gọi cha rồi bắt đầu chạy theo. Chiếc xe dừng lại và bác sĩ van Maanen leo xuống đón gia đình mình. Ôm chặt mọi người ông nói: “Chúng ta chưa bào giờ nghèo quá và cũng chẳng thể nào giàu. Ta đã mất hết nhà cửa, tài sản và cả ngôi làng. Nhưng ta vẫn còn nhau và đều còn sống cả.” Khi bác sĩ van Maanen quay lại xe tải để chăm lo thương binh, ông hẹn sẽ gặp lại gia đình ở Apeldoorn. Đi cùng hàng trăm người tị nạn khác, Anje ngoái đầu nhìn lại. Cô viết “Bầu trời đỏ sậm, giống như máu của những người lính dù đã hy sinh vì chúng tôi. Cả 4 chúng tôi đều còn sống, nhưng trận đánh tuyệt vọng này đã để lại trong tôi 1 ấn tượng khó phai nhòa. Vinh quang cho tất cả những gì thân yêu, cho những chàng Tommy dũng cảm và cho tất cả những người hy sinh thân mình để giúp đỡ, cứu sống kẻ khác.”

Tại Driel, Cora Baltussen thức giấc trong sự yên tĩnh lạ kỳ. Lúc đó đã là giữa buổi sáng ngày thứ 3, 26/9. Vừa đau vì những vết thương, vừa bối rối trước khung cảnh tĩnh mịch, Cora khập khiếp bước ra ngoài. Khói vẫn đang bốc lên giữa thị trấn và ở Oosterbeek, bên kia sông, nhưng tiếng ồn của trận chiến thì chẳng còn nữa. Cora lấy xe đạp rồi từ từ đạp về phía thị trấn. Phố xá vắng tanh, lính tráng đã đi đâu cả. Cô nhìn thấy xa xa những chiếc xe cuối cùng đang phóng về phía nam tới Nijmegen. Chỉ còn thấy mấy người lính trên vài chiếc xe jeep là còn nán lại gần 1 ngôi nhà thờ đổ nát ở Driel. Cora bỗng nhận ra rằng, quân Anh và quân Ba Lan đang triệt thoái. Trận đánh đã kết thúc. Lính Đức sẽ quay lại. Khi cô bước tới gần toán lính nhỏ thì chuông của nhà thờ bị tàn phá bắt đầu rung lên. Cora ngước lên nhìn. Có 1 lính dù đầu quấn băng ,đang ngồi trên tháp chuông. Cora gọi hỏi “Có chuyện gì vậy?”. Anh lính hét lớn “Kết thúc cả rồi. Chấm dứt. Bọn tôi phải rút ra. Đây là những người cuối cùng.” Cora nhìn anh chằm chằm: “Thế sao anh lại rung chuông?”. Người lính lại lấy chân đạp cái chuông lần nữa. Tiếng chuông vang vọng khắp cái thị trấn Hà Lan cả ngàn năm tuổi rồi mới tắt. Anh lính cúi xuống nhìn Cora rồi nói: “Có lẽ đó là điều đúng đắn nên làm.”
 

Theo quan điểm chủ quan của tôi, nếu như chiến dịch được ủng hộ hết sức ngay từ đầu, được cung cấp đầy đủ máy bay, binh sĩ  và các nguồn lực cần thiết – thì nó đã thành công bất chấp những sai lầm của tôi, hay thời tiết xấu, hay việc quân đoàn II xe tăng SS có mặt trong khu vực Arnhem. Tôi vẫn ủng hộ MARKET-GARDEN mà ko hề thấy hối tiếc.

Thống chế, hiệp sĩ BERNARD MONTGOMERY
Hồi ký: Montgomery của Alamein, trang 267



“Đất nước tôi chẳng bao giờ đủ khả năng phục vụ lần nữa cho những chiến thắng xa xỉ của Montgomery.”


BERNHARD, hoàng thân Hà Lan viết cho tác giả.
 





Chú giải về con số thương vong

Số lượng thương vong của lực lượng Đồng Minh trong chiến dịch Market-Garden còn lớn hơn cả cuộc đổ bộ vĩ đại ở Normandy. Hầu hết các sử gia đều đồng ý tổng số tổn thất của quân Đồng Minh trong khoảng thời gian 24 tiếng của ngày D, mồng 6 tháng 6 năm 1944, là vào khoảng 10.000 đến 12.000 người. Trong 9 ngày của chiến dịch Market-Garden, tổng thiệt hại – của cả quân dù và lực lượng mặt đất – lên tới hơn 17.000 người bị giết, bị thương và mất tích.

Quân Anh bị thương vong nặng nhất: 13.226 binh sĩ. Sư đoàn của Urquhart gần như hoàn toàn bị tiêu diệt. Trong số 10.005 người tại Arnhem, bao gồm cả lính Ba Lan và phi công tàu lượn, tổng số thương vong là 7.578. Ngoài số này ra còn có thêm 294 phi công cùng phi hành đoàn của Không quân Hoàng gia nữa; nâng tổng số bị thương, bị chết và mất tích lên 7.872 người. Quân đoàn 30 của Horrocks mất 1.480 binh sĩ. Các quân đoàn 8 và 12 thiệt hại 3.874.

Con số thương vong của quân Mỹ, gồm cả phi công tàu lượn và của sư đoàn Không quân vận tải IX (IX Troop Carrier Command) được đưa ra là 3.974. Sư đoàn Không vận 82 của tướng Gavin mất 1.432 lính. Sư đoàn Không vận 101 của tướng Taylor mất 2.118. Tổn thất của các phi hành đoàn là 424 người.

Vẫn chưa biết được con số đầy đủ bên phía Đức nhưng họ thừa nhận số tổn thất ở Arnhem và Oosterbeek là 3.300 quân, trong đó có 1.300 chết. Tuy nhiên thiệt hại của Model trên toàn bộ chiến trường Market-Garden còn cao hơn nhiều. Không có con số cụ thể về số quân đối phương tử trận, bị thương và mất tích trong cuộc đột phá ở Neerpelt và trong các trận đánh dọc theo hành lang ở Nijmegen, Grave, Veghel, Best và Eindhoven. Qua phỏng vấn các chỉ huy quân Đức, tôi dè dặt ước tính tổn thất của Cụm tập đoàn quân B ít nhất là từ 7.500 cho đến 10.000 quân và có lẽ trong đó có ¼ là chết.

Số thường dân Hà Lan bị thương vong là bao nhiêu? Chẳng ai có thể nói được. Những trường hợp tử vong ở Arnhem và Oosterbeek được cho là khá thấp, chưa đến 500, nhưng ko ai có thể khẳng định chắc chắn. Tôi đã nghe về con số thương vong được đưa ra trong toàn chiến dịch Market-Garden – gồm chết, bị thương và mất tích – và hậu quả của việc cưỡng bách di tản khỏi khu vực Arnhem cùng sự thiếu thốn, đói khổ trong mùa đông khủng khiếp sau trận chiến là 10.000 người.





HẾT
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #257 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2015, 08:46:37 am »

Cám ơn bác Ngthi 96 đã bổ sung hoàn chỉnh chương cuối cùng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM