Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:44:41 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một cây cầu quá xa  (Đọc 131627 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #200 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 04:43:26 pm »

Tại Anh, thiếu tướng Sosabowski quan sát lữ đoàn của ông leo lên hàng dài những chiếc Dakota chở quân. Từ hôm Chủ nhật, ông đã cảm thấy sự căng thẳng tăng dần khi những người lính Ba Lan chờ xuất trận. Họ đã tới sân bay hôm thứ Ba chỉ để chứng kiến kế hoạch bị đình chỉ. Sáng thứ Tư này, biết được sự thay đổi khu đổ quân, chính Sosabowski đã hoãn chuyến bay lại 3 giờ để vạch một kế hoạch mới. Giờ đây, gần 1 giờ chiều, trong khi những người lính dù mang vác nặng bước về phía máy bay, không khí bồn chồn đã biến mất. Cuối cùng họ cũng lên đường, và Sosabowski nhận thấy “tâm trạng gần như vui vẻ trong những người lính”.

Tâm trạng của ông hoàn toàn khác. Trong vài giờ ngắn ngủi sau khi hoãn giờ khởi hành, ông đã cố tìm hiểu mọi thứ có thể về tình hình của Urquhart cũng như khu đổ bộ mới. Ông đã phổ biến lại cho cả ba tiểu đoàn của mình tới tận cấp trung đội, nhưng những thông tin ông có thể cung cấp cho họ thật ít ỏi. Sosabowski cảm thấy họ được chuẩn bị quá tồi, gần như “không biết nhảy xuống đâu”.

Lúc này, khi các động cơ khởi động, các tiểu đoàn của ông bắt đầu leo lên 114 chiếc Dakota sẽ mang họ tới Hà Lan. Hài lòng với việc đưa quân lên máy bay, Sosabowski leo lên chiếc máy bay dẫn đầu. Với động cơ nổ rền, chiếc Dakota chuyển bánh chạy từ từ theo đường dẫn, quay đầu chuẩn bị cất cánh. Rồi bất ngờ nó dừng lại. Trước sự lo ngại của Sosabowski, động cơ tắt hẳn. Từng phút trôi qua, và sự lo lắng của ông tăng dần. Ông tự hỏi không biết nguyên nhân gì làm chuyến bay bị trì hoãn.

Bất thần cửa máy bay mở và một sĩ quan RAF leo lên. Đi dọc thân máy bay tới chỗ viên thiếu tướng, anh ta thông báo với Sosabowski rằng kiểm soát không lưu vừa được lệnh đình chỉ cuộc cất cánh. Tình hình lại diễn ra tương tự như hôm thứ Ba: các sân bay phía nam mở cửa và các máy bay ném bom chở hàng tiếp tế đã cất cánh, nhưng ở khu vực Grantham một vùng mây mù dày đặc đang thiết lập. Sosabowski không tin nổi vào tai mình nữa. Ông có thể nghe thấy các sĩ quan và binh lính của mình bật ra những câu rủa khi nghe tin lại bị hoãn nữa. Cuộc đổ quân bị hoãn lại thêm 24 giờ nữa – tới 1 giờ chiều ngày thứ Năm 21/9.

Cả trung đoàn bộ binh đi tàu lượn của tướng Gavin cũng bị chết dí dưới đất thêm lần nữa. Vào đúng ngày dự định thực hiện cuộc tấn công quan trọng vào cầu bắc qua sông Waal ở Nijmegen, lực lượng gồm 3400 người mà Gavin đang trông đợi hơn bao giờ hết, cùng pháo binh và trang bị của họ, đã không thể lên đường. Chiếc phà Driel – Heveadorp vẫn còn hoạt động. Vào ngày thứ Tư định mệnh này, ngày N+3, khi lữ đoàn Ba Lan vẫn có thể qua sông được bằng phà để tăng cường cho lực lượng đã kiệt sức của Urquhart, thời tiết lại giáng một đòn trí mạng vào Market Garden.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #201 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 04:43:39 pm »

Model, với viện binh không ngừng đổ tới, chắc chắn rằng lúc này lực lượng của ông đã đủ mạnh để đánh tan cuộc tấn công của Montgomery. Ông dự định bẻ gãy hành lang của Đồng Minh tại Son, Veghel và Nijmegen. Cầu Arnhem, ông biết, gần như đã trong tay ông. Và đạo quân số 15 của Von Zangen – đạo quân mà Montgomery đã bỏ quên tại Antwerp - đang từ từ lấy lại được sức mạnh. Các ban tham mưu được tổ chức lại, đạn và khí tài được bổ sung hàng ngày. Trong 48 giờ sau, trong nhật ký tác chiến của cụm quân B, phụ lục 2342, Model sẽ báo cáo cho Von Runstedt về tình hình của Von Zangen như sau: “Tổng số quân và khí tài đã được đưa qua cửa Schelde của đạo quân số 15 gồm 82000 người, 530 đại bác, 4600 xe cơ giới; trên 4000 ngựa và một lượng lớn khí tài quan trọng…”(CT: Cho dù đây là những con số chính xác lấy ra từ nhật ký của cụm quân B, có vẻ như chúng cao hơn sự thật, nhất là về số lượng đại bác, xe cơ giới và ngựa. Cuộc sơ tán đạo quân 15 qua cửa Schelde và quanh Antwerp được chỉ huy bởi tướng Eugene Felix Schwalbe. Vào năm 1946 ông ta đưa ra các con số ước tính sau: 65000 người, 225 đại bác, 750 xe cơ giới, xe kéo và 1000 ngựa (xem Milton Schulman, Defeat in the West, tr.180). Tôi không thể giải thích được sự khác biệt này, nhưng những con số của Schwalbe có vẻ thực hơn).

Lúc này, Model tự tin về khả năng làm chủ tình hình của Von Zangen đến mức 72 giờ sau ông ta dự định tái tổ chức hoàn toàn cơ cấu chỉ huy của mình. Von Zangen sẽ chỉ huy lực lượng của cụm quân B nằm ở phía tây hành lang của Đồng Minh; đạo quân dù số 1 của tướng Student, lúc này đang được tăng cường một cách hệ thống, sẽ đảm nhiệm sườn phía đông. Đã tới lúc Model bắt đầu cuộc tấn công của mình với các mũi nhọn trọng điểm.

Tại cầu Son, vào sáng ngày 20, lực lượng panzer, đột kích vào khu vực của sư đòan 101, đã gần thành công trong việc chiếm cầu. Chỉ có hành động mau lẹ của binh lính của Taylor cùng thiết giáp Anh giúp chặn đứng được cuộc tấn công. Đồng thời, trong khi đội hình của Horrock hướng tới Nijmegen, toàn bộ dải hành lang thuộc Taylor kiểm sóat đều bị uy hiếp.

Vào lúc 11 giờ trưa tại khu vực của tướng Gavin, quân Đức, sau một cuộc pháo kích dữ dội, tiến qua biên giới tấn công vào sườn đông sư đoàn 82. Chỉ vài giờ sau một mũi tấn công tổng lực đã hướng tới khu vực Mook, đe dọa cây cầu tại Heumen. Vội tới đây từ Nijmegen, nơi người của ông đang chuẩn bị cho cuộc tấn công qua sông Waal, Gavin thấy “cây cầu duy nhất chúng tôi kiểm soát cho phép xe tăng đi qua” đang bị đe dọa nghiêm trọng. “Cây cầu này là sống còn với sự tồn tại của lực lượng Anh và Mỹ đang tập trung tại Nijmegen”, ông nhớ lại. Khó khăn của ông rất nghiêm trọng; tất cả các đơn vị của sư đoàn 82 đều đã tham chiến. Gavin vội yêu cầu lực lượng cận vệ Coldstream hỗ trợ. Sau đó, với Gavin đích thân dẫn đầu cuộc phản kích, một trận đánh ác liệt, không ngừng nghỉ diễn ra cho tới tận cuối ngày. Di chuyển lực lượng của mình liên tục như một kỳ thủ cờ vua, Gavin giữ vững và cuối cùng buộc quân Đức phải rút lui. Ông đã luôn e ngại bị tấn công từ phía biên giới Đức. Lúc này Gavin và tư lệnh quân đoàn, tướng Browning, hiểu rằng một giai đoạn mới và khốc liệt hơn của chiến sự đã bắt đầu. Trong số tù binh có người của quân đoàn dù số 2 kỳ cựu của tướng Mendl. Ý định của Model lúc này đã rõ: chiếm lại các cây cầu chiến lược, chặt đứt hành lang và tiêu diệt lực lượng của Horrock.

Về phần mình, Model tin rằng Đồng Minh sẽ không thể qua sông tại Nijmegen được để tiến tiếp đoạn 11 dặm cuối cùng tới Arnhem. Ông tự tin nói với tướng Bittrich dự kiến chiến sự sẽ chấm dứt nội trong tuần. Bittrich không được tự tin như vậy. Ông ta sẽ cảm thấy yên tâm hơn, ông nói với Model, nếu những cây cầu tại Nijmegen bị cho phá hủy. Model nhìn chằm chằm vào ông và bực bội lớn tiếng, “Không!”
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #202 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 04:43:47 pm »

Thiếu tướng Heinz Harmel rất bất bình với thái độ của cấp trên trực tiếp, tướng Wilhelm Bittrich. Ông ta cảm thấy tư lệnh quân đoàn Panzer SS số 2 đã có một tầm nhìn không sát với tình hình chiến sự. Bittrich “có vẻ hoàn toàn không để tâm đến những trở ngại với việc chuyển quân qua phà tại Pannerden”. Những trở ngại này đã bó tay bó chân Harmel ngay từ đầu, thế nhưng ông có cảm tưởng Bittrich chưa bao giờ có mặt đủ lâu tại thực địa “để tự nhìn thấy công việc gần như bất khả thi khi phải đưa 20 xe tăng qua sông – trong đó có 3 chiếc Royal Tiger”. Công binh của Harmel đã mất gần ba ngày để lắp một chiếc phà có khá năng đưa một tải trọng khoảng 40 tấn qua sông Rhine. Cho dù Harmel tin rằng lúc này chiến dịch có thể được đẩy nhanh, lúc này mới chỉ có 3 trung đội tăng (12 chiếc Panther) tới được lân cận Nijmegen. Phần còn lại, gồm cả những chiếc Tiger của ông, đang chiến đấu tại cầu Arnhem dưới sự chỉ huy của một cựu binh từ mặt trận phía đông, thiếu tá Hans Peter Knaust.
Knaust, 38 tuổi, đã mất một chân gần Moscow năm 1941. Như Harmel nhớ lại, “anh ta bước đi vùn vụt với một chiếc chân gỗ, và cho dù luôn bị đau, anh ta không bao giờ phàn nàn”. Tuy thế, Knaust cũng là một mục tiêu cho sự khó chịu của Harmel.

Để tăng cường sư đoàn Frunsberg, “Knaust Kampfgruppe” đã được điều gấp tới Hà Lan với 35 xe tăng, 5 xe bọc thép chở quân và 1 pháo tự hành. Nhưng các cựu binh của Knaust chỉ là lính loại tồi. Gần như tất cả đều đã từng bị thương nặng; theo Harmel đánh giá họ “gần như là tàn phế”. Trong điều kiện thông thường những người này không bao giờ được đưa vào quân số chiến đấu. Hơn nữa, lực lượng bổ sung của Knaust còn quá trẻ, một số chỉ mới qua 8 tuần huấn luyện. Trận đánh tại cầu Arnhem đã kéo quá dài khiến Harmel lúc này cảm thấy lo ngại cho tình hình tại Nijmegen. Trong trường hợp người Anh đột phá được, ông sẽ cần tới xe tăng của Knaust để giữ cầu và các vị trí phòng ngự giữa Nijmegen và Arnhem. Lực lượng thiết giáp tăng cường vẫn đang trên đường tới, trong đó có từ 15 đến 20 xe Tiger và thêm 20 chiếc Panther nữa.Nhưng Harmel không biết khi nào chúng tới hay liệu cây cầu tại Arnhem có thể khai thông được để giúp chúng tiến nhanh xuống phía nam hay không. Ngay cả khi đã làm chủ cầu, Harmel dự kiến sẽ mất cả một ngày để dọn sạch các chướng ngại vật để xe có thể đi qua được.

Để chỉ huy toàn bộ các hoạt động này, Harmel đã thiết lập một sở chỉ huy tiền phương gần làng Doornenburg, cách Pannerden 2 dặm về phía tây và cách Nijmegen 6 dặm về phía tây bắc. Từ đây ông đi về phía tây tới điểm nằm giữa Nijmegen và Arnhem trên xa lộ nối liền hai thành phố, hình thành lập tức trong đầu các vị trí phòng ngự có thể sử dụng trong trường hợp đối phương đột phá được. Chuyến thực địa của ông đem đến một cảm nhận chắc chắn: cả xe tăng Đức cũng như Anh đều không thể rời xa đường xa lộ. Chỉ các xe hạng nhẹ có thể sử dụng những con đường phụ lát gạch phủ một lớp nhựa mỏng. Chính xe tăng của ông ta, khi vận động tới Nijmegen sau khi đã qua phà tại Pannerden, đã bị sa lầy tại một con đường như vậy khi trọng tải của xe phá vỡ nền đường. Đường xa lộ Nijmegen – Arnhem ở nhiều đoạn trông giống như một con đường đê, rộng chừng 9 đến 12 bộ, hai bên là bờ đất yếu. Xe tăng khi hành tiến theo đoạn đường hẹp nhô cao này sẽ nổi bật hoàn toàn trên đường chân trời. Một trận địa pháo được bố trí hợp lý có thể dễ dàng bắn hạ chúng. Vào lúc đó, Harmel hầu như không có pháo binh kiểm soát khu vực này; như vậy, điều tối cần thiết là xe tăng và pháo tự hành của Knaust phải vượt qua sông Rhine và chiếm lĩnh vị trí trước khi quân Anh phá vỡ phòng tuyến tại Nijmegen.

Quay trở về sở chỉ huy tại Doornenburg, Harmel được báo cáo những tin tức mới nhất từ tham mưu trưởng của mình, đại tá Paetsch. Có tin tốt từ Arnhem: nhiều tù binh bị bắt, và cuộc giao chiến tại cây cầu bắt đầu chuyển sang đoạn kết. Knaust lúc này tin rằng ông ta có thể vượt sông vào cuối buổi chiều. Chiến sự tiếp diễn tại Nijmegen, nhưng đại úy Karl Heinz Euling, cho dù phải chịu tổn thất rất lớn, vẫn cố gắng giữ vững cây cầu đường sắt và cây cầu đường bộ tại đó. Quân Anh – Mỹ bị chặn đứng ở cả hai nơi. Tại trung tâm thành phố quân Anh cũng bị chặn lại, nhưng tình hình nguy ngập hơn nhiều.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #203 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 04:44:20 pm »

Báo cáo của Euling phản ánh một sự lạc quan mà Harmel không chia sẻ. Cuối cùng, cho dù chỉ bằng ưu thế số lượng, thiết giáp Anh sẽ chắc chắn phá vỡ phòng tuyến Đức. Châm một điếu cigar, Harmel nói với Paetsch rằng ông “chờ đợi toàn sức mạnh của quân Anh – Mỹ sẽ tấn công vào cây cầu đường bộ trong 48 giờ nữa”. Nếu xe tăng của Knaust và lực lượng pháo binh nhanh chóng kiểm soát được cây cầu tại Arnhem, họ sẽ có thể chặn được bước tiến của thiết giáp Anh. Nếu lực lượng panzer quá chậm trễ trong việc tiêu diệt lực lượng Anh còn lại tại cầu Arnhem và dọn dẹp chướng ngại vật trên cầu, Harmel biết, bất chấp mọi mệnh lệnh, ông cần phải cho nổ tung cây cầu xa lộ tại Nijmegen.

Bất chấp mọi cân nhắc thận trọng của mình, ông ta đã không lường tới tình huống khó ngờ nhất: rằng quân dù Mỹ sẽ cố vượt sông trong một cuộc đổ bộ đường thủy.

Những người lính dù đang chờ đợi tập trung rất đông tại khu vực không xa điểm vượt sông, cách cây cầu đường sắt 1 dặm về phía hạ lưu. Suốt đêm thứ Ba và cả buổi sáng thứ Tư, trong lúc lực lượng Anh – Mỹ dưới sự chỉ huy của trung tá Gouldburn và trung tá Vandervoort tiếp tục tấn công hướng tới cây cầu đường sắt và cầu xa lộ nằm xa hơn về phía đông, quân Mỹ và quân Anh ra sức mở rộng khu vực dẫn xuống bờ sông để xe tăng và trọng pháo của sư đoàn thiết giáp cận vệ có thể thiết lập vị trí bắn yểm trợ cho lực lượng vượt sông. Theo kế hoạch, những chiếc Typhoon sẽ bay thấp quần trên khu vực bờ bắc 30 phút trước giờ G, cày xới toàn bộ khu vực này bằng rocket và súng máy. Trên mặt đất, xe tăng và pháo sẽ oanh kích khu vực trên trong 15 phút nữa. Sau đó, dưới màn khói ngụy trang, đợt xung phong đầu tiên do viên thiếu tá 27 tuổi Julian Cook chỉ huy sẽ xuất phát để bắt đầu một trong những cuộc vượt sông táo bạo nhất từng được thực hiện.

Kế hoạch chu đáo đến mức mà các chỉ huy đã thức suốt đêm vạch ra nó có thể làm được. Nhưng những chiếc xuồng mà người của Cook sẽ dùng để vượt con sông rộng 100 yard vẫn chưa tới. Giờ G, dự kiến vào lúc 1 giờ chiều, bị hoãn lại tới 3 giờ chiều.

Những người lính Mỹ chờ đợi thành nhóm nhỏ trong lúc Cook không ngừng đi đi lại lại. “Những cái xuồng chết tiệt ấy đang ở đâu?” Anh ta tự hỏi. Kể từ lúc viên thiếu tá được tướng Gavin và tư lệnh trung đoàn 504, đại tá Tucker, báo rằng tiểu đoàn 3 của anh sẽ thực hiện cuộc tấn công vượt sông Waal, Cook đã bị “choáng và cứng họng không nói được gì”. Với viên sĩ quan trẻ tốt nghiệp West Point dường như “chúng tôi được yêu cầu phải một mình đổ bộ lên bãi biển Omaha”. Nhiều người lính của anh ta thậm chí chưa bao giờ ngồi trong một chiếc xuồng nhỏ.

Cook không phải là người duy nhất bồn chồn chờ đợi những chiếc xuồng. Trước buổi trưa tướng Browning đã nhận được bằng chứng rõ ràng đầu tiên cho thấy tình hình nghiêm trọng của Urquhart. Qua đường liên lạc với đạo quân Anh số 2, bức điện bộ phận Phantom nhận được có đoạn:

“(201105) …lực lượng có tổ chức vẫn bám trụ ở đầu bắc cây cầu chính, nhưng mất liên lạc và không tiếp tế được…Arnhem hoàn toàn trong tay quân địch. Yêu cầu thực hiện mọi biện pháp giải vây. Chiến sự ác liệt và chống cự của đối phương rất mạnh. Vị trí không thuận lợi”…

Browning rất lo lắng. Lúc này mỗi giờ đều rất quan trọng và việc chiếm gấp cầu tại Nijmegen là tối cần thiết với sự sống còn của sư đoàn của Urquhart. Việc giải vây cho lực lượng dù tại Arnhem, vào lúc này, gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Cook và tiểu đoàn 3 – một điều Cook hoàn toàn không biết.

Dù sao đi nữa, những chiếc xuồng vẫn chưa có mặt, và thậm chí không ai biết trông chúng thế nào. Suốt đêm tướng Horrock và ban tham mưu của ông đã cố gắng thúc đẩy nhanh hơn việc vận chuyển chúng. Ở xa phía sau, trong đoàn xe công binh, có ba chiếc xe tải chở xuồng đang phải nhích từng phân trên con đường tắc nghẽn. Tại Eindhoven chúng đã bị chững lại vì một cuộc oanh kích của Luftwaffe. Toàn bộ trung tâm thành phố bị phá hủy. Hàng chục xe vận tải chở tiếp tế bị phá hủy và cả một đoàn xe chở đạn nổ tung, làm cho cảnh hủy diệt thêm khủng khiếp. Lúc này, tại điểm vượt sông Waal, chưa đầy 1 giờ trước giờ G, vẫn chưa thấy bóng dáng những chiếc xe tải đó cùng những chiếc xuồng quan trọng đâu.

Điểm đột kích vượt sông nằm về phía đông nhà máy điện lớn PGEM, và lúc đầu người ta tin rằng có thể vượt sông từ chính nhà máy. Tại đó, bên rìa sông, có một cù lao che chở việc đưa quân lên xuồng không bị quân Đức phát hiện. Đại tá Tucker phản đối địa điểm này; nó quá gần cây cầu đường sắt do quân địch kiểm soát. Khi lực lượng đột kích rời khỏi bờ sông, quân Đức có thể quét sạch họ bằng súng máy. Hơn nữa, tại địa điểm này, ở đầu cù lao, dòng chảy với tốc độ 8 đến 10 dặm một giờ tạo ra những xóay nước mạnh hơn.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #204 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 04:44:40 pm »

Dịch xa hơn về phía tây, Tucker dự kiến đưa những chiếc xuồng xuống mép nước, đưa chúng xuống sông và dùng mái chèo chèo qua. Cả việc này cũng làm Cook lo ngại. Từ những thông tin ít ỏi anh ta được biết, mỗi chiếc xuồng nặng 200 cân Anh; khi chúng đã được chất đầy lính mang đủ trang bị cùng đạn dược, con số này có thể tăng gấp đôi.

Một khi đã được đưa xuống sông, mỗi chiếc xuồng sẽ chở 13 lính dù và một đội gồm 3 công binh để đưa mọi người qua sông. Cuộc đột kích sẽ được thực hiện liên tục. Hết đợt này đến đợt khác, các xuồng chở quân sẽ qua sông rồi quay trở lại cho tới khi toàn bộ tiểu đoàn của Cook và một phần một tiểu đoàn khá, do đại úy John Harrison chỉ huy, được đưa qua sông. Thiếu tá Edward G.Tyler thuộc lực lượng cận vệ Ireland, chỉ huy đơn vị có các xe tăng được sử dụng để cung cấp hỏa lực yểm trợ, phát hoảng trước toàn bộ ý tưởng này. “Nó khiến tôi cảm thấy sợ Chúa,” Tyler nhớ lại. Anh ta hỏi đại tá Tucker đang ngai điếu cigar liệu người của ông ta đã thực hiện kiểu tác chiến này bao giờ chưa. “Chưa,” Tucker đáp tưng tửng. “Họ sẽ được huấn luyện ngay trên chiến trường”.

Từ trên tầng chín của nhà máy điện, Cook và trung tá Giles Vandeleur, chỉ huy tiểu đòan cận vệ Ireland số 2, quan sát bờ bắc qua ống nhòm. Ngay đối diện vị trí của họ, một dải đất bằng chạy sâu từ 200 đến 800 yard vào bờ bắc từ mép nước. Người của Cook sẽ phải vượt qua khoảng trống không được che chở này sau khi đổ bộ. Sau dải đất bằng, một con đê dốc thoai thỏai nhô cao từ 15 đến 20 bộ, trên đỉnh là con đường rộng 20 bộ chạy theo hướng đông tây. Một pháo đài, được gọi là Fort Hof Van Holland, nằm phía sau con đường chừng 800 yard. Cook và Vandeleur có thể nhìn thấy rõ quân địch tại vị trí phòng ngự trên đỉnh con đê, và họ hầu như chắc chắn rằng vị trí quan sát và pháo binh được bố trí trong pháo đài.

“Có ai đó,” Cook nhớ lúc đó đã nghĩ thầm, “đã bắt gặp một cơn ác mộng trên thực tế”. Tuy vậy, yểm trợ pháo binh và không quân hữu hiệu vào giờ G có thể làm giảm sức kháng cự của quân Đức và giúp lực lượng dù nhanh chóng làm chủ bờ bắc. Cook trông đợi rất nhiều vào sự hỗ trợ này.

Vandeleur nghĩ cuộc vượt sông có thể sẽ “rất tồi tệ, với tổn thất nặng”. Nhưng ông ta quyết tâm xe tăng của mình sẽ hỗ trợ người Mỹ hết mức có thể. Viên trung tá dự kiến sử dụng khoảng 30 chiếc Sherman – hai phân đội dưới quyền chỉ huy của các thiếu tá Edward G.Tyler và Desmond Fitzgerald. Vào lúc 2 giờ 30 chiều, những chiếc tăng bắt đầu tiến về phía bờ sông và leo lên đê, đậu sát nhau, những khẩu pháo 75 mm dàn hàng chĩa về bờ bên kia. Cuộc pháo kích của người Anh sẽ được trợ lực bởi các khẩu đội cối của sư đoàn 82 và pháo binh. Tổng cộng, khoảng 100 khẩu súng lớn sẽ oanh kích bờ bắc.

Người của Cook, chưa hề nhìn thấy khu vực tác chiến, đã được phổ biến kế hoạch ở khu tập trung. Nhưng chiều rộng của con sông làm tất cả choáng váng. “Lúc đầu khi chúng tôi được phổ biến kế hoạch, chúng tôi đã nghĩ chắc họ đang đùa,” trung úy John Holabird nhớ lại. “Tất cả nghe như chuyện giả tưởng”. Thượng sĩ Theodore Finkbeiner, được chỉ định tham gia đợt vượt sông đầu tiên, tin chắc “rằng cơ hội của chúng tôi sẽ khá tốt vì có màn khói che chở”. Nhưng đại úy T.Moffatt Burris, chỉ huy đại đội I, tin rằng kế hoạch này chẳng khác gì một cuộc tấn công tự sát.

Cùng quan điểm còn có đại úy Delbert Kuehl, tuyên úy Tin lành của trung đòan 504. Bình thường Kuehl không phải đi cùng lực lượng tấn công. Lần này chính anh ta yêu cầu được đi cùng người của Cook. “Đó là quyết định khó khăn nhất tôi đã từng làm,”anh nhớ lại, ‘vì tôi tình nguyện đi. Kế hoạch có vẻ hoàn toàn bất khả thi, và tôi cảm thấy nếu có lúc nào đó những người lính thực sự cần tôi, thì chính là trong cuộc tấn công này”.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #205 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 04:44:47 pm »

Đại úy Henry Baldwin Keep, người được mệnh danh là triệu phú của tiểu đoàn, vì anh là thành viên của gia đình Biddle tại Philadelphia, nghĩ rằng “bất lợi cho chúng tôi là rất lớn. Trong suốt 18 tháng hầu như tác chiến liên tục, chúng tôi đã làm mọi thứ từ nhảy dù cho tới thiết lập đầu cầu hay chiến đấu như lính sơn cước hoặc như bộ binh thường. Nhưng vượt sông thì lại là chuyện khác! Nghe có vẻ bất khả thi”.

Cook, như trung úy Virgil Carmichael kể, đã cố làm không khí vui vẻ bằng cách tuyên bố anh ta sẽ bắt chước George Washington “đứng thẳng người trên xuồng, với bàn tay phải nắm chặt hướng về phía trước, hô lớn, “Tiến lên, các chàng trai! Tiến lên!” Đại úy Carl W.Kappel, chỉ huy đại đội H, người đã nghe nói cuộc tấn công tại Arnhem đang gặp bất lợi, cũng rất quan ngại. Anh muốn “ngồi ngay vào cái xuồng chết dẫm đó để tiến hành lập tức cái cuộc vượt sông trời đánh này”. Anh có một người bạn thân tại sư đoàn đổ bộ Anh số 1, và anh linh cảm rằng nếu có ai đó đang có mặt tại cầu Arnhem thì đó là “Frosty” – trung tá John Frost.

Đến 2 giờ chiều vẫn chưa thấy những chiếc xuồng đâu, và đến lúc này đã quá trễ để gọi các phi đội Typhoon đang áp sát quay trở lại. Tại điểm vượt sông, nấp sau bờ đê, người của Cook và xe tăng của Vandeleur chờ đợi. Đúng 2 giờ 30, cuộc oanh tạc của những chiếc Typhoon bắt đầu. Lao vụt qua trên đầu lực lượng mặt đất, những chiếc máy bay bổ nhào xuống trong tiếng gầm rít, chiếc này nối đuôi chiếc kia, phóng rocket và nã súng máy xuống vị trí địch. Mười phút sau, trong khi xe tăng của Vandeleur bắt đầu chiếm lĩnh vị trí bắn trên đỉnh đê, ba chiếc xe tải chở những chiếc xuồng dã chiến xuất hiện. Chỉ trước giờ xuất phát 20 phút, người của Cook mới lần đầu tiên được trông thấy những chiếc xuồng gập lại được màu xanh lục.

Mỗi chiếc xuồng dài 19 bộ, đáy phẳng bằng gỗ được gia cố. Hai bên thành xuồng bằng vải bạt, được giữ bằng khung gỗ, cao 30 inch từ đáy đến mép trên. Tám mái chèo dài 4 bộ dự kiến đi theo mỗi xuồng, nhưng trong nhiều chiếc chỉ có hai. Những người lính sẽ phải dùng bang súng để chèo.

Công binh khẩn trương lắp ráp xuồng lại. Khi từng chiếc được ráp xong, những người lính dù được chỉ định đi trên chiếc xuồng đó đặt trang bị của họ lên xuồng và sẵn sàng vận động ra mép nước. Trong tiếng nổ đinh tai của cuộc pháo kích đang nhằm vào bờ bên kia, 26 chiếc xuồng cuối cùng cũng được ráp xong. “Có ai đó hô lớn, “Đi thôi!”” trung úy Patrick Mulloy nhớ lại, “và tất cả mọi người nắm lấy mạn xuồng và khiêng chúng xuống sông. Từ phía sau, đạn trái phá rít lên trên đầu những người lính; pháo tăng gầm lên từ bờ đê phía trước họ, và khói trắng, “trông khá dày” theo Mulloy, bao phủ toàn bộ chiều rộng của dòng sông. Cuộc tấn công bắt đầu.

Khi đợt đầu gồm khoảng 260 người – hai đại đội H và I, cùng ban chỉ huy tiểu đoàn và các công binh – xuống tới mép nước, việc hạ thủy xuồng bắt đầu có dáng vẻ của một tai họa. Những chiếc xuồng bị đẩy xuống vùng nước quá nông bị kẹt trong bùn và không thể chèo đi được. Vật lộn trong vùng nước nông, những người lính đưa xuồng ra vùng sâu hơn, đẩy chúng ra sông sau đó trèo lên. Khi một số người lính cố leo lên xuồng, xuồng của họ bị lật úp. Một số xuồng khác, chở quá tải, bị cuốn theo dòng chảy và bắt đầu xoay tròn không kiểm soát được. Một số chìm dưới sức nặng phải mang. Mái chèo bị mất; người bị lộn qua mạn. Đại úy Kappel trông thấy cảnh tượng của “một khối hỗn độn”.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #206 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 04:45:13 pm »

Chiếc xuồng của anh bắt đầu lật. “Binh nhì Legacie ngã xuống nước và bắt đầu chìm nghỉm”, Kappel nhớ lại. Nhảy theo anh ta, Kappel bị bất ngờ trước tốc độ của dòng chảy. Anh ta túm được Legacie và kéo anh này về nơi an toàn “nhưng khi tôi lôi được anh ta lên bờ tôi đã mệt rũ bơ phờ như một ông lão”. Nhảy xuống một chiếc xuồng khác, Kappel bắt đầu lại. Chiếc xuồng chở trung úy Tom MacLeod gần như mấp mé nước và anh ta nghĩ họ đang chìm dần. “Những chiếc mái chèo vung vẩy như hóa rồ,” anh nhớ lại, và tất cả những gì anh nghe thấy vọng từ phía trên xuống là tiếng Cook vọng lại từ một chiếc xuồng gần đó. “Tiếp tục tiến lên! Tiếp tục tiến lên!”

Viên thiếu tá, một tín đồ Công giáo ngoan đạo, cũng cầu kinh lớn tiếng. Trung úy Virgil Carmichael nhận thấy thiếu tá đã tạo ra một kiểu nhịp điệu với từng dòng kinh. “Hỡi Mary, -- đầy màu nhiệm, hỡi Mary – đầy màu nhiệm,” Cook đọc thành nhịp theo mỗi nhát mái chèo. (CT: “”Chúa ở cùng con” thì quá dài”, Cook nhớ lại, “vậy là tôi lặp đi lặp lại, “Hỡi Mary (một nhát chèo), “đầy màu nhiệm” (một nhát chèo thứ hai)”). Đại úy Keep cố nhớ lại những ngày chèo thuyền ở Princeton nhưng chợt nhận ra mình đang hồi hộp đếm “7-from-go-go-go-have-I”.

Hỏa lực của địch mạnh đến nỗi khiến trung úy Mulloy nhớ tới “điều tồi tệ nhất chúng tôi từng gặp phải tại Anzio. Chúng bắn bay mọi thứ với súng máy hạng nặng và cối, phần lớn từ con đê và cây cầu đường sắt bắn tới. Tôi cảm thấy mình ngồi đơ ra như một con vịt”. Tuyên úy Kuehl cảm thấy sắp phát ốm vì kinh hoàng. Người ngồi cạnh anh bị bắn bay đầu. Hết lần này đến lần khác Kuehl lặp đi lặp lại, “Lạy Chúa, xin như ý Người”.

Từ vị trí chỉ huy tại tòa nhà PGEM, trung tá Vandeleur, cùng tướng Browning và tướng Horrock, quan sát trong sự im lặng căng thẳng. “Đó là một cảnh tượng thật khủng khiếp, khủng khiếp,” Vandeleur nhớ lại. “Nhiều chiếc xuồng bị nhấc bổng lên khỏi mặt nước. Từng cột nước lớn vút lên khi đạn trải phá nổ và đạn bộ binh từ bờ bắc bắn tới khiến con sông trông như một chiếc chảo đang sôi sùng sục”. Một cách vô thức mọi người bắt đầu nằm bẹp xuống xuồng. Trung úy Holabird, nhìn chằm chằm vào vách xuồng mong manh bằng vải bạt, cảm thấy “hoàn toàn bị phơi trần ra và không hề có khả năng tự vệ”. Ngay cả chiếc mũ sắt của anh ta “cũng có vẻ bé như hạt đậu”.

Đạn trái phá rơi xuống đoàn xuồng nhỏ bé. Chiếc xuồng chở một nửa trung đội của trung úy James Megellas chìm nghỉm không để lại dấu vết nào. Không còn ai sống sót. Trung úy Allen McLain thấy hai chiếc xuồng nổ tung từng mảnh và những người lính bị ném xuống nước. Xung quanh chiếc xuồng chở đại úy T.Moffatt Burriss đạn bay tới “như mưa đá”, và cuối cùng người lính công binh giữ lái kêu lên, “Nắm lấy bánh lái. Tôi bị đạn rồi”. Khuỷu tay anh ta bị nát bét. Trong khi Burriss nhoài người tới giúp, người lính công binh lại trúng đạn lần nữa, lần này là vào đầu. Mảnh trái phá cũng găm vào sườn Burriss. Khi người lính công binh ngã lộn qua mạn, chân của anh ta mắc vào đáy xuồng, khiến cả người anh ta trở thành một chiếc bánh lái làm chiếc xuồng quay vòng. Burriss đành phải đẩy thi thể người chết xuống nước. Đến lúc đó, đã có thêm hai người lính ngồi phía trước hy sinh.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #207 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 04:45:32 pm »

Dưới làn gió thổi mạnh màn khói ngụy trang đã bị thổi bạt đi. Lúc này các xạ thủ Đức nhằm bắn vào từng chiếc xuồng một. Thượng sĩ Clark Fuller thấy một số người, trong lúc vội vã muốn qua sông thật nhanh, và cố gắng tránh đạn địch, “đã chèo ngược nhau, khiến xuồng của họ quay vòng tròn”. Quân Đức dễ dàng bắn hạ họ. Fuller “sợ đến nỗi cảm thấy người tê liệt”. Được nửa đường, binh nhì Leonard G.Tremble bất thần ngã lộn xuống đáy xuồng. Chiếc xuồng anh ngồi vừa bị trúng đạn. Bị thương vào mặt, vai, tay phải và chân trái, Tremble tin chắc sẽ bị chết vì mất hết máu. Bị rò nước, chiếc xuồng chao đảo dữ dội, quay tròn, rồi từ từ trôi trở lại bờ nam, tất cả mọi người trên xuồng, trừ Tremble, đều hy sinh.

Từ vị trí chỉ huy Vandeleur thấy “những khoảng trống lớn bắt đầu xuất hiện trong màn khói ngụy trang”. Các pháo thủ của ông đã bắn đạn khói trong hơn 10 phút, nhưng lúc này những người lính cận vệ đã cạn mọi loại đạn. “Quân Đức đã thay đổi vũ khí và bắt đầu dùng súng lớn, và tôi nhớ súyt nữa đã cầu mong người Mỹ đi nhanh hơn nữa. Rõ ràng là những người lính dù trẻ tuổi đó không có kinh nghiệm trong việc điều khiển xuồng đổ bộ, một thứ không phải dễ dàng làm chủ được. Họ lượn ngoằn ngoèo khắp nơi trên mặt sông”.

Rồi đợt tấn công đầu tiên cũng tới được bờ bắc. Những người lính nhảy ra khỏi xuồng, súng nhả đạn, bắt đầu vượt qua dải đất phẳng trống trải. Thượng sĩ Clark Fuller, người vài phút trước đã tê liệt vì sợ, lúc này hạnh phúc vì vẫn còn sống sót đến mức anh ta cảm thấy “phấn khởi tột độ. Sự sợ hãi của tôi đã được thay thế bằng một cơn hưng phấn đến bất cẩn. Tôi cảm thấy tôi có thể nện được cả một đạo quân Đức”. Vandeleur, quan sát cuộc đổ bộ, “thấy hai hay ba chiếc xuồng tấp vào bờ, sau đó là ba hay bốn chiếc nữa. Không ai dừng lại. Mọi người nhảy ra khỏi xuồng và bắt đầu chạy về phía bờ đê. Chúa ơi, quả là một cảnh tượng hào hùng! Họ nhanh chóng vượt qua khu vực trống trải. Tôi không thấy ai dừng lại cho tới khi bị trúng đạn. Tôi không nghĩ rằng có nhiều hơn một nửa đợt đổ bộ đã qua được sông”. Sau đó, trong sự ngạc nhiên của Vandeleur,”những chiếc xuồng quay lại và bắt đầu bơi ngược trở về cho đợt tấn công thứ hai”. Quay sang Horrock, tướng Browning nói, “Tôi chưa từng thấy hành động nào anh dũng hơn.”

Khi chiếc xuồng của Julian Cook tới gần bờ, anh ta nhảy ra và kéo chiếc xuồng, nóng lòng muốn lên cạn. Bất thần quay về phía bên phải, anh ta trông thấy cái gì đó như một bong bóng nước lớn từ từ áp sát bờ,” anh ta nhớ lại. “Tôi nghĩ đang trông thấy một thứ kỳ dị thì một chiếc mũ sắt chồi lên mặt nước và tiếp tục di chuyển. Rồi một khuôn mặt xuất hiện dưới chiếc mũ sắt. Đó là cậu xạ thủ súng máy nhỏ con, binh nhì Joseph Jedlicka. Cậu ta có những băng đạn súng máy 30 caliber vắt qua hai vai, mỗi tay lại xách thêm một thùng đạn”. Jedlicka đã ngã lộn khỏi xuồng xuống nước sâu 8 bộ và cứ thế nín thở thản nhiên đi bộ dưới đáy sông cho đến khi nhô được lên khỏi mặt nước.

Các nhân viên quân y đã thực hiện công việc trên bờ khi trung úy Tom MacLeod chuẩn bị quay lại vượt sông Waal lần nữa cùng một lượt xuồng chở quân nữa, anh trông thấy những khẩu súng trường cắm ngập xuống đất cạnh những người ngã xuống.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #208 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 04:45:45 pm »

Hơn 4 giờ chiều, tướng Heinz Harmel nhận được điện khẩn tại sở chỉ huy ở Doornenburg. Bức điện báo “một màn khói trắng đã được tạo ra trên sông đối diện với Fort Hof Van Holland”. Harmel, cùng vài sĩ quan tham mưu, vội phóng xe tới làng Lent trên bờ bắc sông Waal, cách cây cầu xa lộ tại Nijmegen 1 dặm. Màn khói chỉ có thể có nghĩa là quân Anh-Mỹ định vượt sông bằng xuồng. Tuy vậy, Harmel vẫn không thể tin vào lý giải của mình. Độ rộng của con sông, lực lượng chiếm giữ bờ bắc, báo cáo lạc quan của Euling lúc sáng, và ước lượng của bản thân ông ta về lực lượng Anh và Mỹ tại Nijmegen – tất cả đều lên tiếng chống lại một cuộc tấn công như vậy. Nhưng Harmel quyết định tự nhìn tận mắt. Ông ta nhớ “tôi không có ý định để mình bị Berlin bắt giữ và xử bắn vì để cầu rơi vào tay địch – cho dù Model có cảm thấy thế nào đi nữa”.

Thiếu ta Julian Cook biết tổn thất của mình rất nặng, nhưng anh không có thời gian để quan tâm tới điều này. Các đại đội của anh đã đổ bộ rải rác khắp nơi dọc dải bãi bồi. Các đơn vị lẫn lộn vào nhau và, vào lúc này, không có tổ chức. Quân Đức cày nát bãi bồi bằng súng máy, thế nhưng những người lính gan dạ vẫn không chịu để bị chặn lại. Từng người, từng nhóm hướng tới phía bờ đê. “Lúc này hoặc dừng lại để bị hạ hay xông lên,” Cook nhớ lại. Cố gắng tiến về phía trước, những người lính dù, với súng máy, lựu đạn và lưỡi lê, xung phong lên bờ đê và đánh bật quân Đức ra. Thượng sĩ Theodore Finkbeiner tin rằng anh là một trong những người đầu tiên tới được con đường trên mặt đê. “Tôi thò đầu lên, và nhìn thẳng vào nòng một khẩu súng máy,” anh nhớ lại. Anh ta vội thụt xuống, nhưng “loạt đạn đã bắn bay chiếc mũ của tôi”. Finkbeiner ném một quả lựu đạn về phía quân Đức, nghe thấy tiếng nổ và tiếng người kêu thét lên. Sau đó anh nhanh nhẹn vọt lên mặt đường hướng tới ụ súng máy tiếp theo.

Đại úy Moffatt Burriss không có thời gian để nghĩ tới vết thương bên sườn do mảnh đạn. Khi cập bờ anh ta “quá hạnh phúc vì vẫn còn sống đến mức nôn thốc nôn tháo”. Viên đại úy chạy một mạch tới con đê, hô người của mình bố trí để “một khẩu súng máy bên cánh trái, một khẩu khác bên cánh phải”. Họ làm như vậy. Burriss trông thấy mấy ngôi nhà dựa vào đê. Đá bung cửa một ngôi nhà, anh đã làm bất ngờ “vài tên Đức đang ngủ, có vẻ không biết chuyện gì đang xảy ra”. Rút nhanh ra một quả lựu đạn, Burriss tháo chốt an toàn, ném vào trong phòng rồi đóng sập cửa lại.

Trong làn khói, tiếng ồn và sự hỗn loạn, một số người tham gia đợt vượt sông đầu tiên không nhớ nổi họ đã rời khỏi bãi sông như thế nào. Hạ sĩ Jack Bommer, một người lính thông tin è người xuống dưới sức nặng của trang bị, chỉ đơn giản là chạy thẳng về phía trước. Anh “chỉ có một ý nghĩ trong đầu: cố sống sót nếu có thể được”. Anh biết mình phải tới con đê và đợi chỉ thị tiếp theo. Khi tới bờ đê anh nhìn thấy “xác chết nằm khắp nơi, và quân Đức – một số chỉ mười lăm tuổi là cùng, số khác đã quá sáu mươi – những người mới chỉ vài phút trước đã tàn sát chúng tôi trên xuồng lúc này đang xin khoan hồng, cố đầu hàng”. Những người lính dù đã quá sốc bởi thử thách vừa trải qua, quá giận dữ trước cái chết của đồng đội để bắt nhiều tù binh. Bommer nhớ lại một số lính Đức “bị gí súng sát vào người bắn chết tại chỗ”.

Kiệt sức và mệt phờ vì cuộc vượt sông, những đồng đội hy sinh và bị thương nằm trên bãi sông, những người tham gia đợt vượt sông thứ nhất đã khuất phục được quân Đức phòng ngự trên con đê trong chưa tới ba mươi phút. Không phải tất cả vị trí địch đã bị tiêu diệt, nhưng lúc này những người lính dù ẩn nấp trong các ụ súng máy của quân Đức trước đây để bảo vệ cho các đợt vượt sông sau. Thêm hai chiếc xuồng nữa bị mất trong đợt hai. Và, vẫn dưới làn đạn dày đặc, những người lính công binh đã kiệt sức trên 11 chiếc xuồng còn lại còn thực hiện 5 đợt vượt sông nữa để đưa toàn bộ lực lượng Mỹ qua dòng sông Waal lúc này đã nhuộm đỏ máu. Tốc độ là tất cả lúc này. Người của Cook cần chiếm đầu cầu phía bắc trước khi quân Đức hoàn toàn ý thức được điều gì đang diễn ra – và trước khi chúng phá nổ các cây cầu.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #209 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 04:46:08 pm »

Lúc này tuyến phòng thủ trên con đê đã bị chiếm, và quân Đức bị đẩy lùi về những vị trí tuyến hai. Lính dù của Cook không hề khoan hồng với kẻ thù. Đại úy Henry Keep bình luận rằng “những người còn lại của tiểu đoàn có vẻ đã phát sốt, trở nên phát điên vì giận dữ, họ hầu như tạm thời quên mất khái niệm sợ hãi. Tôi chưa bao giờ chứng kiến sự biến đổi nhân cách nào diễn ra dữ dội như trong ngày hôm đó. Đó là một cảnh gây nhiều cảm xúc nhưng chẳng đẹp đẽ gì”.

Từng người hay theo nhóm nhỏ, những người đã phải ngồi trơ trọi vô phương tự vệ trên những chiếc xuồng trong khi bè bạn chết gục xung quanh lúc này xông vào tấn công quân địch đông gấp 4 đến 5 lần bằng lựu đạn, tiểu liên và lưỡi lê. Với sự hiệu quả đến tàn bạo, họ đánh bật quân Đức khỏi vị trí, và không ngừng lại nghỉ lấy hơi hay chỉnh đốn đội hình, tiếp tục cuộc tấn công dữ dội. Họ xung phong qua các cánh đồng, khu vườn, những ngôi nhà nằm sau con đê dưới làn đạn súng máy và súng phòng không chĩa vào mình từ Fort Hof Van Holland ở ngay phía trước. Khi một số nhóm hướng về phía đông theo con đường trên đỉnh đê về phía các cây cầu, một số khác tấn công pháo đài, hầu như phơi mình ra dưới họng súng Đức. Một số người lính, mang đầy lựu đạn, bơi qua con mương bao quanh pháo đài và bắt đầu trèo lên tường.

Thượng sĩ Leroy Richmond, lặn dưới nước, bất ngờ tấn công tên lính địch gác cổng, rồi vẫy tay giục người của mình vượt qua. Theo thiếu úy Virgil F. Carmichael, có những người “bằng cách nào đó trèo lên nóc pháo đài, sau đó những người ở dưới ném lựu đạn lên cho họ, và những quả lựu đạn lại được thả chính xác vào các lỗ châu mai, lần lượt từng lỗ một”. Quân Đức đồn trú nhanh chóng đầu hàng.

Trong lúc đó, các đơn vị thuộc hai đại đội – đại đội I của đại úy Burriss và đại đội H của đại úy Kappel – đang vận động tới các cây cầu. Tại cầu đường sắt, đại đội H phát hiện ra sự phòng thủ của quân Đức dữ dội tới mức có vẻ cuộc tấn công của quân Mỹ sẽ chững lại (CT: Theo Charles B.MacDonald, trong The Siegfried Line Campaign, tr.181, quân Đức trên cầu có hỏa lực rất mạnh, gồm 34 súng máy, 2 súng cao xạ 20 mm và 1 pháo 88 mm lưỡng dụng). Sau đó, áp lực không ngừng từ quân Anh và quân Mỹ ở đầu cầu phía nam và ở chính Nijmegen khiến quân địch bất thần suy sụp. Trước sự ngạc nhiên của Kappel, quân Đức bắt đầu rút chạy “rồng rắn” qua cầu lao thẳng vào họng súng của quân Mỹ. Từ chiếc tăng của mình ở gần nhà máy PGEM, trung úy John Gorman “có thể thấy dường như hàng trăm tên Đức, hoảng hốt và rối loạn, chạy qua cầu thẳng về phía quân Mỹ”. Ở đầu cầu phía bắc trung úy Richard La Riviere và trung úy E.J.Sims cũng thấy đám này chạy tới. Không tin nổi vào mắt mình, họ quan sát trong khi quân Đức vứt bỏ súng và vội vã chạy về phía đầu cầu phía bắc. “Chúng chạy qua thành một đám đông,” La Riviere nhớ lại, “và chúng tôi để chúng đi chừng hai phần ba quãng đường”. Sau đó quân Mỹ nổ súng. Một làn mưa đạn chụp xuống những kẻ phòng thủ cầu. Quân Đức đổ gục xuống khắp nơi – một số rơi xuống rầm phía dưới cầu, số khác rơi xuống sông. Hơn 260 nằm chết gục, rất nhiều bị thương, và hàng chục bị bắt làm tù binh trước khi súng ngừng nổ. Trong vòng 2 giờ đầu tiên của cuộc tấn công vượt sông Waal, cây cầu đầu tiên đã bị chiếm. Thiếu tá Edward G.Tyler thuộc lực lượng cận vệ Ireland trông thấy “ai đó đang vẫy tay. Tôi đã quá tập trung vào nhìn cây cầu nên đối với tôi, có vẻ đó là người duy nhất tồn tại. Tôi vớ lấy bộ đàm gọi tiểu đoàn, “Họ đã ở trên cầu rồi! Họ đã ở trên cầu rồi!” Lúc đó là 5 giờ chiều. Đại úy Tony Heywood thuộc đơn vị cận vệ thủ pháo nghe thông báo của thiếu tá Tyler và thấy nó “hoàn toàn khó hiểu”. Thông báo này muốn nói tới cây cầu nào kia? Lực lượng thủ pháo dưới quyền trung tá Goulburn vẫn đang chiến đấu cùng quân của Vandervoort gần Valkhof, nơi lực lượng SS của Euling tiếp tục không cho họ tiếp cận cây cầu đường bộ. Nếu thông báo muốn nói cây cầu đường bộ đã bị chiếm, Heywood nhớ lại, “tôi không tưởng tượng nổi họ qua được bằng cách nào”.

Cây cầu đường sắt còn nguyên vẹn và thực sự nằm trong sự kiểm soát của lực lượng Anh – Mỹ, nhưng quân Đức – hoặc kiên quyết chống cự đến cùng hoặc quá sợ không dám thò ra khỏi vị trí – vẫn còn trên cầu. Quân Mỹ đã khẩn trương tìm các khối bộc phá ở đầu cầu phía bắc. Cho dù họ không tìm thấy gì, nhưng vẫn có khả năng cây cầu bị cài bom và có thể bị phá hủy bất cứ lúc nào. Đại úy Kappel gọi radio cho thiếu tá Cook, giục anh này đưa xe tăng Anh qua cầu càng nhanh càng tốt. Với lực lượng này trợ lực, Kappel và Burriss tin rằng họ có thể chiếm được mục tiêu chính, cây cầu xa lộ tại Nijmegen, chỉ nằm cách đó chưa đầy một dặm. Sau đó, Kappel nhớ, đại tá Tucker tới. Yêu cầu này, Tucker nói, “đã được truyền đạt lại, nhưng quân Đức có thể phá tung cả hai cây cầu bất cứ lúc nào”. Không chút do dự, người của Cook lao nhanh về phía cây cầu đường bộ.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM