Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 08:55:45 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một cây cầu quá xa  (Đọc 131636 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #190 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 04:38:32 pm »

Nhiều người lính còn nhớ trung úy Russ Parker, ngậm một điếu xì gà giữa hai hàm răng, lao ra chỗ trống và bắn liên hồi lên các mái nhà để buộc lính bắn tỉa phải ngừng bắn ẩn nấp. Một người chạy đi gọi xe tăng, và Nunan nhớ rằng “đúng lúc đó cả công viên như ngập trong những làn đạn bắn ra từ một vũ khí tự động có tốc độ bắn rất nhanh nằm ở phía trái chúng tôi bên kia đường”. Nunan quay sang Herbert Buffalo Boy, một người Sioux và là một cựu binh của sư đoàn 82. “Tớ nghĩ họ lại gửi một chiếc tăng Đức đến”, anh ta nói. Buffalo Boy cau mặt. “Được, nếu chúng có cả bộ binh tùng thiết nữa thì có lẽ hôm nay sẽ mệt đấy”, anh ta nói với Nunan. Không có chiếc tăng Đức nào xuất hiện, nhưng một khẩu cao xạ 20 mm khai hỏa. Với lựu đạn, súng máy và bazooka, những người lính dù đánh trả cho đến khi có lệnh truyền tới các trung đội tiền tiêu yêu cầu lui lại và củng cố vị trí chờ qua đêm. Khi họ lùi lại, quân Đức đốt những tòa nhà nằm dọc bờ sông, khiến người của Vandervoort không xâm nhập được để tấn công các khẩu đội pháo và xóa bỏ các cứ điểm phòng ngự. Cuộc tấn công cây cầu đường sắt đã chững lại.

Dưới sự yểm trợ của hỏa lực pháo binh hạng nặng Mỹ, đội hình thứ hai đã tiến tới Huner Park, một vườn cây cảnh hướng tới đầu cầu đường bộ. Tại đây, theo một bùng binh, tất cả các đường phố dẫn tới cầu đều giao nhau và một phế tích cổ với một nhà nguyện hình lục giác – Valkhof – nơi đã từng là một cung điện của Charlemargne và sau đó được Barbarossa xây lại, khống chế cả khu vực. Trong phế tích này quân địch đang tập trung. Trung tá Goulburn cảm thấy có vẻ “bọn Boche ý thức được chúng ta đang định làm gì”. Và đúng là vậy.

Tiểu đoàn tùng thiết SS của đại úy Karl Heinz Euling là một trong những đơn vị đầu tiên vượt sông Rhine tại Pannerden. Thực hiện lệnh của tướng Harmel phải bảo vệ cầu bằng mọi giá, Euling đã bao bọc khu vực Huner Park với pháo tự hành và bố trí quân trong nhà nguyện của di tích cổ. Khi xe tăng Anh vòng qua góc phố dẫn tới công viên, họ lao thẳng vào họng súng của Euling. Chạm phải một màn pháo kích chết chóc, những chiếc xe tăng lùi lại. Trung tá Vandervoort lập tức xuống đường, yêu cầu một khẩu đội súng cối bắn yểm trợ rồi điều một đại đội lên phía trước. Trong lúc trung đội dẫn đầu của đại đội này, do thiếu úy James J. Coyle chỉ huy, vòng qua một dãy nhà kề nhau đối diện công viên, họ bị tấn công bởi súng bộ binh và súng cối. Trung úy Willian J.Meddaugh, đại đội phó, nhận ra “đó là hỏa lực có điều khiển. Các khẩu súng được điều chỉnh theo radio. Xe tăng Anh che mặt trước chúng tôi trong khi thiếu úy Coyle chạy tới một khối nhà nhìn thẳng xuống toàn bộ vị trí địch. Các trung đội khác bị chặn lại, không thể tiến lên được, và tình hình có vẻ xấu đi”. Được bom khói của Anh che chở, Meddaugh đưa được phần còn lại của đại đội vượt lên, và đại đội trưởng, trung úy J.J.Smith, bố trí người của mình vào các ngôi nhà quanh nơi Coyle đã vào. Như Meddaugh nhớ lại, “trung đội của Coyle có tầm nhìn rất tốt vào vị trí địch, nhưng khi chúng tôi bắt đầu đưa xe tăng lên, vài khẩu pháo cực nhanh chưa hề lộ diện bắt đầu khai hỏa. Hai xe tăng bị bắn gục, những chiếc khác phải lui lại”. Trong khi người của Coyle đáp trả bằng súng máy, họ lập tức bị nhận đạn chống tăng bắn từ bên kia đường sang. Khi màn đêm buông xuống, lực lượng SS của Euling cố xâm nhập vị trí quân Mỹ. Một nhóm đến cách vị trí trung đội của Coyle có vài bước chân trước khi bị phát hiện và một trận chiến ác liệt bùng nổ. Trung đội của Coyle tổn thất, ba lính Đức cũng bị giết trước khi cuộc tập kích kết thúc. Sau đó, Euling phái quân y đến thu nhặt thương binh, và những người lính thuộc đơn vị của Coyle đợi đến khi thương binh Đức đã được chuyển đi hết trước khi tiếp tục chiến đấu. Giữa trận đánh, binh nhất John Keller nghe tiếng khuân vác vật nặng. Tới bên cửa sổ, anh ngẩn người thấy một người đàn ông Hà Lan đứng trên thang đang thay ngói ở ngôi nhà bên cạnh như thể không có gì xảy ra vậy.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #191 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 04:39:20 pm »

Tới khuya, trong lúc súng bộ binh tiếp tục nổ, mọi cố gắng tiến lên đều phải dừng lại cho tới sáng. Cuộc tấn công hiệp đồng Anh – Mỹ bị chặn lại chỉ cách cây cầu bắc qua sông Waal – chướng ngại nước cuối cùng trên con đường tới Arnhem - có 400 yard.

Với các chỉ huy Đồng Minh, lúc này đã rõ rằng quân Đức vẫn kiểm soát hoàn toàn cả hai cây cầu. Browning, lo lắng chúng có thể bị phá bất cứ lúc nào, triệu tập một cuộc họp vào đêm 19. Cần tìm cách nào đó vượt qua con sông Waal rộng 400 yard. Tướng Gavin đã từng phác thảo một kế hoạch mà ông có nói với Browning lúc hội quân với lực lượng Garden. Lúc đó tư lệnh quân đoàn đã bác bỏ. Lần này Gavin lại đưa nó ra lần nữa. “Chỉ có một cách để chiếm cây cầu này,” ông nói với tất cả sĩ quan có mặt. “Chúng ta cần tấn công nó đồng thời từ cả hai đầu”. Gavin yêu cầu “tất cả xuồng tìm thấy trong các đoàn xe công binh của Horrock được đưa lên lập tức, vì chúng ta sắp cần chúng”. Viên tư lệnh quân đoàn người Anh tròn mắt nhìn ông. Điều tư lệnh sư đoàn 82 nghĩ trong đầu là một cuộc tấn công vượt sông – bằng lính dù.

Gavin tiếp tục giải thích. Sau gần 3 ngày tác chiến, tổn thất của ông khá cao – chừng 200 chết và gần 700 bị thương. Hàng trăm người khác đang bị bao vây hoặc lạc đơn vị và tạm bị coi là mất tích. Tổn thất của sư đoàn ông, Gavin lý luận, sẽ còn cao hơn nữa nếu cứ tiếp tục kiểm tấn công trực diện húc đầu vào tường. Điều cần thiết là tìm ra cách chiếm cầu thật nhanh và với ít tổn thất. Kế hoạch của Gavin sẽ tung một lực lượng dùng thuyền vượt sông cách cầu 1 dặm về phía hạ lưu trong khi cuộc tiến công tiếp tục để chiếm lấy đầu cầu phía nam. Dưới làn pháo tăng yểm trợ, họ cần đánh úp lực lượng địch phòng thủ đầu cầu phía bắc trước khi quân Đức hoàn toàn ý thức được chuyện gì đang xảy ra.

Thế nhưng không thể có được bất ngờ hoàn toàn. Dòng sông quá rộng để những chiếc thuyền chở quân kịp thoát khỏi sự phát hiện, và bờ sông bên kia trống trải đến mức những người lính, một khi qua sông, sẽ phải vượt qua một khoảng trống chừng 200 yard. Sau đó là một bờ kè nơi các tay súng Đức có thể bắn xuống những người tấn công. Cả vị trí này cũng sẽ phải đánh chiếm. Cho dù tổn thất tức thời chắc sẽ lớn, nhưng theo ý Gavin vẫn còn nhẹ hơn so với tiếp tục chỉ tấn công vào đầu cầu phía nam. “Cần thử,” ông nói với Browning, “nếu muốn Market Garden thành công”.

Nhưng kế hoạch táo bạo của Gavin cho phép có được bất ngờ. “Tôi biết nghe có vẻ kỳ quặc,” Gavin nhớ lại, “nhưng tốc độ là tất cả. Thậm chí không còn thời gian để trinh sát nữa. Trong khi tôi tiếp tục nói, Tucker là người duy nhất trong phòng có vẻ dửng dưng. Ông ta đã đổ bộ tại Anzio và biết rõ sẽ gặp phải cái gì. Với ông ta việc vượt sông cũng giống như các bài tập trung đòan 504 đã thực hành tại Fort Bragg vậy”. Tuy thế, với các sĩ quan dù, ý kiến có vẻ không chính thống và tham mưu trưởng của Browning, Gordon Walch, nhớ lại tư lệnh quân đoàn đã “đến lúc này tỏ ra rất khâm phục sự táo bạo của ý tưởng”. Lần này Browning đồng ý.

Vấn đề tiếp theo là tìm thuyền. Trao đổi với công binh của mình, Horrock được biết họ mang theo 28 chiếc thuyền nhỏ khung gỗ phủ bạt. Những chiếc thuyền này sẽ được chuyển gấp tới Nijmegen trong đêm. Nếu muốn kế hoạch hoàn tất đúng dự định, cuộc đổ bộ kiểu Normandy thu nhỏ của Gavin qua sông Waal sẽ phải diễn ra lúc 1 giờ chiều ngày hôm sau, 20/9. Trước đây chưa bao giờ lính dù thử tác chiến kiểu này. Nhưng kế hoạch của Gavin có vẻ là hy vọng tốt nhất để chiếm cầu Nijmegen nguyên vẹn; sau đó, như mọi người vẫn tin vào lúc đó, một cuộc tấn công thần tốc ngược theo hành lang sẽ giúp họ hội quân với lực lượng tại Arnhem.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #192 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 04:40:01 pm »

Trên bãi cỏ rộng cạnh Eusebius Buiten Singel, tướng Heinz Harmel đích thân chỉ huy màn mở đầu cuộc pháo kích vào người của Frost tại cầu. Cố gắng chiêu hàng của ông ta đã thất bại. Lúc này, tập trung các chỉ huy xe tăng và pháo binh lại, mệnh lệnh của ông rõ ràng: họ phải san bằng tất cả các tòa nhà lực lượng dù đang chiếm giữ. “Vì đám người Anh không chịu chui ra khỏi lỗ của chúng, chúng ta sẽ thổi bay chúng ra”, Harmel nói. Ông ta yêu cầu các pháo thủ “ngắm ngay dưới các tầng nhà và bắn sập từng mét, từng tầng, cho đến khi từng ngôi nhà đổ sập”. Harmel đã quyết định cuộc vây hãm phải chấm dứt, và vì những cách khác đã không thành công đây là cách duy nhất. “Khi chúng ta kết thúc,” Harmel nói thêm, “ sẽ không còn gì ngoài một đống gạch nát”. Nằm dán người xuống đất giữa hai khẩu pháo, Harmel chĩa ống nhòm về phía vị trí quân Anh và chỉnh tầm bắn. Khi những quả đạn đầu tiên tới đích, ông ta đứng dậy, hài long, và bàn giao lại cho thuộc cấp. “Tôi rất muốn ở lại,” ông ta nhớ lại. “Đây là một kinh nghiệm tác chiến mới cho tôi. Nhưng với việc quân Anh –Mỹ tấn công các cầu tại Nijmegen tôi phải tới đó gấp”. Sau khi Harmel đi khỏi, các pháo thủ của ông ta, với sự chính xác đến từng phân, bắt đầu công việc biến những vị trí phòng ngự của Frost thành một đống gạch vụn.
Trong số 18 ngôi nhà tiểu đoàn 2 chiếm giữ lúc đầu, người của Frost giờ chỉ còn giữ được 10. Trong khi xe tăng bắn phá các vị trí từ phía đông và phía tây, pháo binh trút trái phá xuống những ngôi nhà quay về hướng bắc. Cuộc pháo kích thật không thương tiếc. “Đó là trận pháo kích đẹp nhất, chuẩn xác nhất tôi từng thấy,” binh nhì SS Horst Weber nhớ lại. “Bắt đầu từ mái, những tòa nhà đổ sụp như những tòa tháp xếp bằng quân bài. Tôi không hiểu làm cách nào người ta sống sót nổi trong địa ngục đó. Tôi thực sự thấy thương hại cho những người Anh nọ”.

Weber thấy ba chiếc Tiger chầm chậm tiến xuống Groote Markt, trong lúc súng máy bắn xối xả vào tất cả các khung cửa sổ của một cụm nhà đối diện với đầu cầu phía bắc, những chiếc tăng “nã hết phát đạn này đến phát khác vào từng ngôi nhà, lần lượt từng nhà một”. Anh ta nhớ có một căn nhà ở góc mà “mái nhà đổ xuống, hai tầng trên bắt đầu nghiêng ngả và rồi, như thịt rơi khỏi xương, cả mặt tiền đổ sầm xuống đường để lộ ra từng tầng nhà trong đó những người Anh đang chới với như những người điên”. Bụi và đổ nát, Weber nhớ, “nhanh chóng khiến cho không thể nhìn thấy gì nữa. Cảnh tượng tuy thế vẫn thật ghê rợn, trên tất cả chúng tôi có thể nghe những người bị thương đang gào thét”.

Lùi lại, những chiếc tăng phá bằng những ngôi nhà dọc bờ sông Rhine và dưới rầm cầu. Đôi chỗ, trong lúc người Anh chạy vọt ra, xe tăng nghiến lên đống đổ nát như xe ủi, phá bằng toàn bộ ngôi nhà. Tại vị trí của đại úy Mackay dưới rầm cầu trong ngôi trường bị phá gần như hoàn toàn, trung úy Peter Stainforth ước tính “trái phá bay tới mặt nam ngôi trường với tần suất 10 giây một quả”. Tình hình trở nên “khá nóng”, anh nhớ lại, “và tất cả mọi người đều bị một vết thương nào đó”. Thế nhưng những người lính dù vẫn bướng bỉnh bám trụ, rút lui khỏi từng căn phòng khi “trần nhà sụp xuống, tường nứt, và những căn phòng không còn đứng vững được”. Trong đống đổ nát, bắn trả chính xác từng viên đạn còn lại, những con Quỷ đỏ, Stainforth tự hào nhớ lại, “sống sót như những con chuột chũi. Bọn Jerry không tài nào lôi chúng tôi ra được”. Nhưng ở những nơi khác có những người cảm thấy vị trí của họ khó lòng giữ được lâu nữa. “Quân Đức đã quyết định dùng trái phá xóa bỏ sự tồn tại của chúng tôi,” binh nhì James W.Smith diễn tả lại. “Có vẻ như đạn pháo và cối không thể dồn dập hơn được nữa, nhưng thực tế chúng mỗi lúc lại dữ dội thêm. Loạt này tiếp loạt khác, quả này tiếp quả khác rơi xuống như mưa, tiếng nổ của từng quả đạn không còn tách riêng ra được nữa mà trở thành một tràng sấm sét liên tục bất tận”. Cứ mỗi loạt pháo kích tới Sims lại tuyệt vọng tự trấn an mình, “Gắng lên! Gắng lên! Nó không thể kéo dài thêm nữa.” Trong lúc nằm bẹp người dưới đáy hào, Sims chợt nghĩ mình “đang nằm trong một cái huyệt vừa đào xong để đợi bị chôn sống”. Anh còn nhớ lúc đó đã nghĩ “trừ khi quân đòan 30 nhanh chân lên, nếu không chúng tôi coi như đi đứt”.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #193 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 04:40:18 pm »

Trung tá Frost hiểu tai họa cuối cùng đã giáng xuống tiểu đoàn 2. Các tiểu đoàn giải cứu đã không thể đột kích tới nơi, và Frost chắc chắn các đơn vị này không còn khả năng tới trợ giúp cho ông. Cuộc đổ bộ của lữ đòan Ba Lan đã không diễn ra. Đạn gần như đã hết nhẵn. Tổn thất cao đến mức tất cả các tầng hầm sử dụng được đều đã chật ních, và những người lính đã phải chiến đấu không ngừng hơn 50 giờ qua. Frost biết họ không thể chịu đựng cực hình này lâu hơn nữa. Khắp nơi trong giải phòng ngự của ông, nhà đang bốc cháy hay đổ sụp, và các tuyến phòng ngự bị chọc thủng. Thế nhưng Frost không hề định buông xuôi trước kẻ thù. Còn hy vọng hay không, ông đã quyết định sẽ không cho quân Đức chiếm được cầu Arnhem cho tới cùng.

Viên trung tá không phải là người duy nhất có suy nghĩ này. Tình hình hiểm nghèo đã ảnh hưởng tới họ không kém gì Frost. Những người lính dù chia nhau cơ số đạn và thu nhặt tất cả những gì, dù ít ỏi, còn lại từ những người bị thương, chuẩn bị cho giờ phút cuối cùng sắp tới. Hầu như không có dấu hiệu nào của sự sợ hãi. Trong sự kiệt sức, đói, đau đớn của mình, những người lính có vẻ đã tìm ra chủ đề để tự trào về bản thân cũng như tình thế của họ, sự hài hước có vẻ càng tăng lên khi sự hy sinh trở nên hiển nhiên không tránh khỏi.

Cha tuyên úy Egan nhớ đã bắt gặp Frost đi từ nhà vệ sinh ra. “Khuôn mặt trung tá – mệt mỏi, căn thẳng, tua tủa râu ria – bừng sáng với một nụ cười, “Egan nhớ lại. “Cha này,” ông nói với tôi, “cửa sổ thì vỡ, có một lỗ thủng to trên tường, mái thì bị tốc rồi. Nhưng nó vẫn hoạt động tốt”.

Sau đó, Egan cố gắng vượt qua một con phố để tới thăm các thương binh trong một hầm nhà. Khu vực này bị súng cối oanh kích dữ dội và người tuyên úy phải tận dụng mọi vật che chở tìm thấy. “Ở bên ngoài, bình thản đi ngược con phố là thiếu tá Digby Tatham-Warter, người chỉ huy đại đội đã chiếm đầu cầu,” ông nhớ lại. “Viên thiếu tá thấy tôi rạp người xuống liền đi tới gần. Trên tay ông ta cầm một chiếc ô.” Như Egan nhớ, Tatham-Warter “mở ô và che trên đầu tôi. Với đạn cối rơi xuống như mưa khắp nơi, ông ta nói, “Cứ đi tiếp đi, thưa cha”. “Khi Egan có vẻ miễn cưỡng, Tatham-Warter trấn an viên linh mục. “Đừng lo,” ông ta nói, “tôi có một chiếc ô đây”. Trung úy Patrick Barnett ngay sau đó cũng gặp viên thiếu tá trứ danh. Barnett đang chạy vọt qua đường tới một khu vực phòng ngự mới mà Frost đã lệnh cho anh giữ. Tatham-Warter, quay lại sau khi hộ thống cha Egan, đang đi thăm người của mình quanh vành đai phòng ngự và giương chiếc ô lên che trên đầu. Barnett ngạc nhiên đến mức anh đứng sững lại. “Cái đó không giúp được ngài nhiều đâu,” anh nói với viên thiếu tá. Tatham-Warter nhìn anh chàng trung úy vờ ngạc nhiên. “Chúa ơi, Pat,” ông ta nói, “Nhỡ trời đổ mưa thì sao?”

Suốt buổi chiều, trong lúc cuộc pháo kích tiếp diễn, thiếu tá Freddie Gough nhìn thấy Tatham-Warter dẫn đầu đại đội của mình, ô cầm trong tay. Xe tăng địch gầm rú lao xuống phố bắn vào mọi thứ. “Tôi súyt xỉu khi thấy những chiếc kiểu IV đó bắn trực xạ vào chúng tôi gần như đối mặt,” Gough nhớ lại. Thế rồi sự căng thắng đột nhiên được giải tỏa. “Ở dưới đường, dẫn đầu người của mình giương lê xung phong, là Tatham-Warter,” Gough nhớ lại. “Ông ấy đã tìm thấy một cái ô cũ ở đâu đó và ông ấy chạy tới, vung vẩy chiếc ô rách bươm đó, trông chẳng khác gì Charlie Chaplin với những ai nhìn thấy”.

Còn những khoảnh khắc khác cũng đáng nhớ không kém. Trong lúc buổi chiều trôi dần đi, nơi ban chỉ huy tiểu đoàn đóng bị pháo kích dữ dội và bốc cháy. Cha Egan chạy xuống hầm xem tình hình thương binh. “Thế đấy, thưa cha,” thượng sĩ Jack Spratt, người được coi là cây hài của tiểu đoàn, nói, “bọn chúng đã quẳng vào chúng ta đủ thứ trừ có bếp lò ra”. Anh ta vừa dứt lời thì tòa nhà trúng một phát đạn nữa. “Trần nhà đổ ập vào, mảnh vỡ và bụi rơi ào ào xuống chúng tôi. Khi chúng tôi đứng dậy được, ngay trước mặt chúng tôi là một chiếc bếp lò”. Spratt nhìn nó lắc đầu. “Tôi biết là bọn con hoang này cũng gần đây thôi,” anh ta nói, “nhưng không thể ngờ chúng nghe thấy được chúng ta nói chuyện”.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #194 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 04:40:56 pm »

Mackay có thể thấy quân Đức đang dần dần dồn ép lực lượng của Frost. Anh trông thấy lính Anh chạy ra khỏi những ngôi nhà bốc cháy ở bờ sông, hướng tới mấy ngôi nhà nằm gần đối diện với anh, lúc này vẫn còn đứng vững. “Chúng bắt đầu lùa chúng tôi lại,”anh nhận xét, “và rõ ràng nếu chúng tôi không sớm được giúp đỡ, chúng sẽ nghiền nát chúng tôi. Tôi trèo lên tầng áp mái và nghe bản tin 6 giờ của BBC. Tôi sững sờ khi nghe phát thanh viên nói lực lượng thiết giáp ANh đã hội quân được với lực lượng đổ bộ đường không (CT: Mackay nghĩ bản tin nói về Arnhem; kỳ thực, nó nói tới cuộc hội quân giữa xe tăng của Horrock và sư đòan 82 tại Nijmegen). Gần như lập tức Mackay nghe thấy tiếng kêu từ tầng dưới, “Xe tăng Tiger đang hướng tới cầu”. (Lúc đó là 7 giờ tối theo giờ Đức; 6 giờ tối theo giờ Anh). Hai chiếc tăng 60 tấn khổng lồ đang tới từ phía bắc. Bên phía mình Frost cũng trông thấy chúng. “Trông chúng thận đáng gờm trong cảnh tranh sáng tranh tối,” ông nhận xét. “Như những con quái vật thời tiền sử, trong khi nòng pháo to lớn của chúng quay từ bên này sang bên kia, khạc lửa. Đạn trái phá của chúng phá bung qua tường. Bụi và những mảnh đổ vỡ gây ra sau những vụ nổ lấp đầy các lối đi và các phòng”.

Cả một mặt tường tòa nhà nơi Mackay có mặt bị trúng đạn. “Một số quả đạn hẳn là đạn xuyên giáp”, trung úy Peter Stainforth kể, “vì chúng xuyên qua cả ngôi trường từ đầu này tới đầu kia, để lại ở mỗi phòng một mảng thủng rộng đến 4 bộ.” Trần sụp xuống, tường nứt vỡ và “cả công trình chấn động”. Nhìn chằm chằm vào hai chiếc tăng trên cầu, Mackay nghĩ giờ cuối cùng đã tới. “Chỉ vài phát đạn như thế nữa và chúng tôi sẽ đi tong”, anh nói. Tuy thế, với sự ngoan cường bướng bỉnh và không biết sợ hãi mà những người cố thủ tại cầu đã thể hiện từ khi tới nơi, Mackay nghĩ anh “có thể dẫn một toán đột kích ra ngoài phá nổ chúng. Nhưng đúng lúc đó hai chiếc tăng lùi lại. Chúng tôi vẫn còn sống”.

Tại vị trí của Frost, cha Egan đã trúng đạn. Đang ở trên cầu thang khi những quả trái phá tới nơi, ông bị hất xuống sàn lầu một. Khi tỉnh lại, vị tuyên úy chỉ thấy có một người bên cạnh. Bò tới bên người này, Egan thấy người lính đã gần chết. Đúng lúc đó một đợt pháo kích nữa bắn trúng tòa nhà và Egan lại bất tỉnh. Ông tỉnh lại để nhận ra cả căn phòng lẫn quần áo mình đang cháy. Ông lăn qua lăn lại trên sàn, cố dùng tay dập lửa. Người lính bị thương ông nhìn thấy lúc trước đã chết. Lúc này Egan không thể sử dụng được hai chân mình nữa. Chậm chạp, trong sự đau đớn cùng cực, ông trườn tới một cửa sổ. Có ai đó gọi tên ông, và một sĩ quan quân báo, trung úy Bucky Buchanan, giúp ông chui qua cửa sổ và đặt ông vào tay thượng sĩ Jack Spratt. Trong hầm nhà, nơi bác sĩ James Logan đang làm việc, vị tuyên úy được đặt dưới sàn cùng các thương binh khác. Chân phải ông bị gãy, lưng và tay rách nát vì mảnh đạn gém. “Tôi đã thoát chết ngoạn mục,” Egan nhớ lại. “Tôi chẳng thể làm gì ngoài nằm chết gí ở đó”. Ngay gần bên, bị thương nhẹ, là viên thiếu tá đáng nhớ Tatham-Warter, vẫn đang cố động viên tinh thần mọi người, và vẫn cầm chiếc ô của mình.

Thỉnh thoảng cuộc pháo kích dữ dội tạm ngưng, và đại úy Mackay tin là quân Đức bổ sung đạn. Khi đêm xuống vào một khoảng ngừng như vậy, Mackay phát những viên Benzedrine cho những người lính mệt mỏi của mình, mỗi người hai viên. Tác dụng của chúng lên những người đã mệt mỏi, kiệt sức này thật dữ dội và bất ngờ. Vài người lính trở nên cáu gắt gây gổ. Một số bị song thị và không thể đi thẳng được. Trong số những người bị thương và bị choáng, có những người bị ảo giác. Hạ sĩ Arthur Hendy nhớ đã bị một người lính chộp áo lôi tới một cửa sổ. “Nhìn kìa,” anh ta thì thầm nói với Hendy. “Đó là đạo quân số 2. Ở bờ bên kia. Nhìn xem. Cậu có thấy họ không?” Hendy buồn bã lắc đầu. Người kia bắt đầu nổi cáu. “Họ ngay kia kìa,” anh ta hét lên, “rõ mồn một”.

Mackay tự hỏi liệu nhóm người nhỏ của anh có qua được đêm không. Sự kiệt sức và những vết thương đã bắt đầu gây ra tác dụng. “Tôi vẫn suy nghĩ minh mẫn,” Mackay nhớ lại, “ nhưng chúng tôi không còn gì để ăn và không được ngủ. Chúng tôi chỉ có 1 ca nước mỗi ngày, và tất cả mọi người đều bị thương”. Đã gần hết đạn, Mackay lệnh cho người của mình làm bom tự tạo từ chỗ bộc phá ít ỏi còn lại. Anh dự định sẽ sẵn sàng khi xe tăng Đức quay lại. Kiểm điểm lực lượng, Mackay báo cho Frost anh chỉ còn 13 người có khả năng chiến đấu.

Từ vị trí của mình bên phía đối diện của cây cầu, trong lúc màn đêm ngày thứ Ba, 19/9, buông xuống, Frost nhìn thấy cả thành phố như đang cháy. Những ngọn tháp của hai nhà thờ lớn đang cháy dữ dội và trong khi Frost quan sát, “cây thánh giá đặt giữa hai tòa tháp tuyệt đẹp in hình lên những đám mây ở cao trên trời.” Ông nhận thấy “ tiếng gỗ cháy nổ lách tách và những tiếng động lạ lùng vọng lại từ những tòa nhà đang sụp đổ nghe như của một thế giới khác”. Ở trên lầu, hiệu thính viên Stanley Copley, ngồi bên máy radio của mình, đã không còn dùng mã Morse nữa. Anh lặp lại không ngớt “Đây là lữ đoàn dù 1 gọi đạo quân số 2… Tới ngay, đạo quân số 2… Tới ngay, đạo quân số 2”.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #195 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 04:41:13 pm »

Tại sở chỉ huy ở khách sạn Hartenstein tại Oosterbeek, tướng Urquhart cố gắng vô vọng để cứu những gì còn lại thuộc sư đoàn của ông. Frost đã bị cắt đứt. Mọi cố gắng giải cứu cho ông đều bị đánh bật lại không thương tiếc. Viện binh Đức đổ tới không ngừng. Từ phía tây, bắc, và đông, lực lượng của Bittrich đang dần dần cắt nát sư đoàn đổ bộ Anh số 1 can trường thành từng mảnh. Lạnh, ướt, kiệt sức, nhưng không hề than vãn, những con Quỷ đỏ đang cố gắng bám trụ - đối đầu với xe tăng địch bằng súng trường và tiểu liên Sten. Tình hình làm Urquhart đau nhói tim. Chỉ có hành động thật nhanh mới cứu được những người lính can đảm của ông. Vào sáng thứ Tư, 20/9, Urquhart đã thiết lập một kế hoạch để củng cố những gì còn lại của đơn vị mình và có thể xoay chuyển tình thế.

Ngày 19/9 – “một ngày đen tối định mệnh”, theo lời Urquhart – là điểm quyết định. Sự gắn kết và chỉ huy thống nhất ông hy vọng tạo ra đã tới quá muộn. Tất cả đã thất bại: lực lượng Ba Lan không tới; chuyến thả hàng đã trở thành thảm họa; nhiều tiểu đoàn đã bị tiểu diệt trong khi cố tới với Frost. Sư đoàn đang bị đẩy dần tới sự diệt vong. Tình trạng những người còn lại của Urquhart đã nói lên một câu chuyện kinh hoàng. Suốt đêm 19, các tiểu đoàn còn giữ được liên lạc với sở chỉ huy sư đoàn báo cáo quân số còn lại. Cho dù những con số này không hoàn toàn chính xác và chỉ là tạm thời, chúng đã cho một bản quyết toán u ám: sư đoàn của Urquhart đang bên bờ của việc biến mất hoàn toàn.

Về lữ đoàn dù số 1 của Lathbury, chỉ còn đơn vị của Frost là chiến đấu như một đơn vị có tổ chức, nhưng Urquhart không biết tiểu đoàn 2 còn lại bao nhiêu người. Tiểu đoàn 3 của Fitch còn khoảng 50 người, tiểu đoàn trưởng đã hy sinh. Tiểu đoàn 1 của Dobie còn 116 người, Dobie đã bị thương và bị bắt. Tiểu đòan 11 chỉ còn 150 người, tiểu đoàn 2 South Stafford 100 người. Các tiểu đoàn trưởng Lea và McCardie đều bị thương. Tiểu đoàn 10 của Hackett còn 250 người, tiểu đoàn 156 báo cáo còn 270 người. Cho dù toàn bộ sư đoàn của Urquhart còn có các đơn vị khác – những con số trên chưa kể tới các đơn vị như một tiểu đoàn của trung đoàn tuần biên, tiểu đòan 7 KOSB’s công binh, các đơn vị trinh sát và hậu cần, phi công tàu lượn và các quân nhân khác – nhưng các tiểu đoàn tác chiến của ông hầu như không còn tồn tại nữa. Binh lính thuộc những đơn vị dũng cảm đó đã bị phân tán thành những nhóm nhỏ, bị sốc, bị mất tinh thần và hầu như không còn chỉ huy.

Trận đánh đã đẫm máu và ác liệt đến mức cả những cựu binh dày dạn lửa đạn nhất cũng quỵ ngã. Urquhart và tham mưu trưởng của ông cảm thấy một bầu không khí hốt hoảng lan ra trong sở chỉ huy khi những nhóm nhỏ tàn quân chạy qua bãi cỏ kêu lên, “Quân Đức tới”. Thường đó là những tân binh, “những người đã nhất thời bị mất sự tự chủ”, Urquhart sau này viết. “Mackenzie và tôi đã phải can thiệp trực tiếp”. Nhưng những người khác đứng vững trước tình thế rất bất lợi. Đại úy L.E.Queripel, bị thương vào mặt và tay, dẫn đầu một đợt tấn công vào một hỏa điểm súng máy 2 nòng của Đức và tiêu diệt kíp xạ thủ. Trong lúc quân Đức, liên tục ném lựu đạn, bắt đầu áp sát Queripel và nhóm của anh, Queripel gọi “đám xát cà chua” của anh lại. Ra lệnh cho mọi người để mình tại chỗ, viên đại úy yểm trợ cho họ rút lui, ném trả lựu đạn lại quân địch cho tới lúc hy sinh (CT: Queripel được truy tặng Chữ thập Victoria).

Lúc này, những đơn vị còn lại của Urquhart đã bị xé lẻ và sư đoàn đã tổn thất nặng này phải co dần lại cố thủ. Mọi con đường có vẻ đều dẫn tới khu vực Oosterbeek, với phần lớn lực lượng đổ bộ tập trung quanh Hartenstein trong vài dặm vuông nằm giữa từ Heveadorp và Wolfheze ở phía tây, tới Oosterbeek và trang trại Johannahoeve ở phía đông. Trong hành lang đó, kết thúc tại bờ sông Rhine ở Heveadorp, Urquhart quyết định thiết lập vị trí phòng ngự. Bằng việc tập trung lực lượng, ông hy vọng duy trì được sức mạnh của mình để đứng vững tới khi thiết giáp của Horrock tới kịp.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #196 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 04:41:36 pm »

Suốt đêm 19 mệnh lệnh được phát ra yêu cầu binh lính lùi về vành đai quanh Oosterbeek, và trong những giờ đầu tiên của ngày 20, Hackett được lệnh bãi bỏ của tấn công ông đã lên kế hoạch về phía cầu Arnhem với các tiểu đòan 10 và 156, đồng thời rút các đơn vị này khỏi vòng chiến. “Đó là một quyết định thật khủng khiếp,” sau này Urquhart nói. “Điều đó có nghĩa là bỏ rơi tiểu đoàn 2 tại cầu, nhưng tôi biết cơ hội tới được với họ của tôi cũng chẳng cao hơn cơ hội tới được Berlin”. Theo quan điểm của ông, hy vọng duy nhất là “củng cố lực lượng, thiết lập một vành đai phòng ngự và cố gắng giữ một đầu cầu nhỏ ở phía bắc sông để quân đoàn 30 có thể vượt sông hội quân với chúng tôi”.

Việc phát hiện ra chiếc phà vẫn hoạt động giữa Heveadorp và Driel là một yếu tố quan trọng trong quyết định của Urquhart. Nó đóng vai trò cốt tử trong kế hoạch cố gắng tồn tại của ông, vì nhờ nó, về mặt lý thuyết, tiếp viện có thể tới được từ bờ nam. Thêm nữa, tại các bến phà ở cả hai bờ sông đã có sẵn rầm có thể giúp công binh bắc một chiếc cầu Bailey qua sông Rhine. Cần thừa nhận là bất lợi rất lớn. Nhưng nếu cây cầu tại Nijmegen có thể được chiếm nhanh và nếu Horrock tiến quân khẩn trương, còn người của Urquhart có thể cầm cự đủ lâu trên vành đai của mình để công binh vượt được sông – quá nhiều chữ nếu – vẫn còn một cơ hội cho Montgomery có được đầu cầu qua sông Rhine và tiến vào Ruhr, cho dù Frost có bị tiêu diệt tại Arnhem.

Suốt ngày 19, sở chỉ huy của Urquhart đã gửi đi rất nhiều điện yêu cầu chọn một khu đổ quân mới cho những người Ba Lan. Liên lạc, cho dù vẫn chập chờn, đã được cải thiện chút ít. Trung úy Neville Hay thuộc mạng Phantom đang gửi một số bức điện cho sở chỉ huy đạo quân Anh số 2, nơi này sẽ chuyển lại chúng cho Browning. Vào lúc 3 giờ sáng ngày 20, Urquhart nhận được một bức điện từ quân đoàn hỏi ý kiến ông về khu đổ quân cho lữ đoàn Ba Lan. Theo Urquhart, chỉ còn một địa điểm khả dĩ. Theo kế hoạch mới của mình, ông yêu cầu lữ đoàn gồm 1500 người được đổ xuống gần phía nam bến phà lân cận làng Driel.

Bỏ rơi Frost và người của ông là phần cay đắng nhất của kế hoạch này. Vào 8 giờ sáng thứ Tư, Urquhart có một cơ hội để thông báo cho Frost và Gough tại cầu. Sử dụng kênh radio Munford-Thompson, Gough gọi về sở chỉ huy sư đoàn và được nối với Uruqhart. Đây là lần đầu Gough liên lạc được với tư lệnh kể từ ngày 17, khi ông được lệnh quay về sư đoàn chỉ để phát hiện ra Urquhart đang ở đâu đó trên các tuyến hành quân. “Chúa ơi,” Urquhart nói, “tôi cứ nghĩ anh đã chết rồi”. Gough nói nhanh tình hình tại cầu. “Tinh thần vẫn cao,” ông còn nhớ lúc đó đã nói,” nhưng chúng tôi thiếu mọi thứ. Bất chấp điều đó, chúng tôi sẽ tiếp tục giữ vững”. Sau đó, như Urquhart nhớ, “Gough hỏi liệu họ có thể trông đợi được tiếp viện không”.

Trả lời không phải dễ. “Tôi nói với anh ta,” Urquhart nhớ lại, “là tôi không chắc chắn tình thế hiện nay sẽ là tôi tới với họ hay họ tới với tôi. Tôi sợ rằng các anh chỉ có thể hy vọng được giải vây từ phía nam”. Sau đó Frost nghe máy. “Thật mừng khi nghe tiếng tư lệnh,” Frost viết, “nhưng ông không thể nói với tôi điều gì thực sự lạc quan. .. Bản thân họ rõ ràng cũng đang gặp khó khăn lớn”. Urquhart yêu cầu rằng “lời chúc mừng của bản thân tôi về cố gắng xuất sắc được chuyển tới từng người và tôi chúc họ may mắn”. Không còn gì để nói thêm nữa.

Hai mươi phút sau, Urquhart nhận được một bức điện qua mạng Phantom của trung úy Neville Hay. Điện viết: “200820 (từ đạo quân số 2). Tấn công tại Nijmegen bị chặn đứng bởi cứ điểm ở phía nam thành phố. Lữ đoàn cận vệ số 5 còn cách thành phố nửa đường. Cầu còn nguyên nhưng bị địch chiếm. Dự định tấn công lúc 13 giờ hôm nay”.

Urquhart lập tức lệnh cho ban tham mưu thông báo cho tất cả các đơn vị. Đó là tin tốt đầu tiên ông nhận được trong ngày. Thật bi kịch, Urquhart có trong tay mình một lực lượng bổ sung mà sự đóng góp, nếu được chấp nhận, có thể đã thay đổi tình hình hiểm nghèo của sư đoàn đổ bộ Anh số 1.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #197 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 04:42:00 pm »

Lực lượng kháng chiến ngầm tại Hà Lan được xếp vào hàng những đơn vị kháng chiến được tổ chức tốt và có khả năng chiến đấu nhất tại châu Âu bị tạm chiếm. Tại khu vực của các sư đoàn 101 và 82, người Hà Lan đã chiến đấu bên cạnh lính dù Mỹ. Một trong những lệnh đầu tiên của các tướng Taylor và Gavin sau khi tiếp đất là phân phát vũ khí và chất nổ cho các nhóm du kích. Nhưng tại Arnhem người Anh đã hoàn toàn lờ đi những người dân thường đầy nhiệt huyết và dũng cảm đó. Cầm lấy vũ khí và lập tức lộ diện để giúp Frost tại cầu, nhóm kháng chiến Arnhem hầu như không được để ý đến, và sự trợ giúp của họ bị lịch sự từ chối. Sau một loạt sự kiện kỳ lạ, chỉ có một người có khả năng phối hợp và đưa lực lượng kháng chiến vào trợ chiến cho người Anh, nhưng người đó đã chết. Trung tá Hilary Barlow, người Urquhart đã cử đi để chỉ huy cuộc tấn công hỗn độn của các tiểu đoàn ở khu vực ngoại ô phía tây, đã hy sinh trước khi kịp thực hiện hết nhiệm vụ của mình.

Trong kế hoạch ban đầu, Barlow được dự kiến đảm nhiệm vai trò chỉ huy quân quản tại Arnhem sau khi trận đánh kết thúc. Trợ lý của ông và đại diện cho Hà Lan tại tỉnh Gelderland cũng đã được chỉ định. Đó là trung tá hải quân Hà Lan Arnoldus Wolters. Trước khi Market Garden bắt đầu, một ủy ban tình báo Anh – Hà Lan đã đưa cho Barlow một danh sách tối mật các thành viên kháng chiến ngầm được coi là hoàn toàn tin tưởng. “Từ các danh sách này, “Wolters nhớ lại, “Barlow và tôi có nhiệm vụ xem xét các nhóm và sử dụng họ theo khả năng: trinh sát, phá hoại, trợ chiến v.v. Barlow là người duy nhất ngoài tôi biết được nhiệm vụ thực sự của chúng tôi. Khi ông hy sinh, kế hoạch đã sụp đổ”. Tại sở chỉ huy sư đoàn, Wolters được coi như một đại diện dân sự hay một sĩ quan tình báo. Khi ông đưa danh sách bí mật ra và nêu ý kiến, ông bị nhìn nhận với sự nghi ngờ. “Barlow hoàn toàn tin tưởng tôi,” Wolters nói. “Tôi tiếc là những người còn lại tại sở chỉ huy lại không như thế”.

Với cái chết của Barlow, Wolters bị trói tay hoàn toàn. “Người Anh tự hỏi một sĩ quan hải quân Hà Lan cứ ở bên họ làm gì,” ông nhớ lại. Dần dần ông cũng được chấp nhận phần nào và cho dù một số thành viên kháng chiến được giao việc, họ quá ít và sự giúp đỡ tới quá muộn. “Chúng tôi không còn thời gian để kiểm tra tất cả mọi người để những người tại sở chỉ huy hài lòng,” Wolters nói, “và thái độ tại đó chỉ đơn giản là: “Chúng ta có thể tin ai ?” “Cơ hội để tổ chức và liên kết lực lượng kháng chiến tại Arnhem đã bị mất (CT: Người Anh đã từ lâu mất lòng tin vào lực lượng kháng chiến Hà Lan. Năm 1942, thiếu tá Herman Giskes, chỉ huy tình báo Đức tại Hà Lan, đã xâm nhập thành công vào mạng lưới tình báo Hà Lan. Các điệp viên gửi từ Anh tới bị bắt và bị buộc làm việc cho ông ta. Trong 20 tháng, trong chiến dịch phản gián có lẽ là ngoạn mục nhất trong Thế chiến thứ Hai, gần như tất cả điệp viên nhảy dù xuống Hà Lan đều bị quân Đức bắt. Theo một thủ tục an ninh, các hiệu thính viên tại Anh được yêu cầu nghe để phát hiện những sai sót cố ý về lỗi Morse trong các tín hiệu radio. Thế nhưng những báo cáo từ những điệp viên hai mang vẫn được chấp nhận mà không bị nghi ngờ bởi tình báo Anh. Chỉ tới khi hai điệp viên trốn thoát thì chiến dịch Bắc Cực của Giskes mới kết thúc. Xỏ mũi được Đồng Minh lâu đến vậy, Giskes không khỏi tự mãn về thành công của mình. Trong một bức điện không mã hóa gửi tới Anh ngày 23/11/1943, ông ta viết: “Gửi các ngài Hunt, Bingham và đồng nghiệp, Successor Ltd., London. Chúng tôi hiểu các ngài đã cố gắng thực hiện các phi vụ làm ăn tại Hà Lan trong một thời gian mà không trông cậy vào chúng tôi. Chúng tôi lấy làm tiếc về việc này… vì từ lâu chúng tôi đã đảm nhiệm vai trò đại lý độc quyền của các vị tại nước này. Tuy thế… nếu các ngài tiếp tục nghĩ tới chuyện thăm chúng tôi tại Lục địa với cường độ cao chúng tôi sẽ lại dành cho đại diện của các ngài cùng sự quan tâm như chúng tôi đã làm từ trước tới nay…” Kết quả là, cho dù các mạng tình báo được làm sạch và hoàn toàn tổ chức lại – và cho dù các nhóm kháng chiến Hà Lan được tách riêng khỏi các hoạt động này – nhưng bất chấp điều đó, nhiều sĩ quan cao cấp Anh được cảnh báo trước chiến dịch Market Garden không nên quá tin tưởng lực lượng kháng chiến ).
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #198 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 04:42:46 pm »

Tại Anh, gần 7 giờ sáng ngày 20, thiếu tướng Stanislaw Sosabowski được biết các khu đổ quân của ông đã bị thay đổi. Giờ đây lữ đoàn Ba Lan sẽ đổ xuống một khu vực cách khu vực cũ vài dặm về phía tây, gần làng Driel. Sosabowski sững sờ trước tin mới được báo qua sĩ quan liên lạc, trung tá George Stevens. Lữ đoàn đã có mặt tại sân bay và dự kiến lên đường tới Hà Lan trong 3 giờ nữa. Trong khoảng thời gian đó Sosabowski sẽ phải điều chỉnh lại hoàn toàn kế hoạch tấn công của ông cho một khu vực chưa hề được chuẩn bị trước.

Đã mất nhiều ngày để chuẩn bị cho cuộc đổ bộ xuống gần Elden ở phía nam cây cầu Arnhem. Lúc này, viên tướng Ba Lan nhớ lại, “Tôi nhận được một chỉ dẫn vắn tắt, và chỉ có vài giờ để thiết lập một kế hoạch”.

Vẫn chưa có nhiều tin tức về Arnhem, nhưng, như Stevens đã thông báo với ông về kế hoạch mới sử dụng phà đưa lực lượng của ông qua sông Rhine từ Driel tới Heveadorp, Sosabowski hiểu rõ tình hình của Urquhart đang xấu đi. Ông lường trước sẽ có vô số trục trặc, nhưng ônh nhận thấy “không ai tỏ ra thực sự được báo cáo đầy đủ. Tất cả những gì Steven biết được là tình hình rất hỗn loạn”. Nhanh chóng thông báo cho ban tham mưu của mình về thay đổi, Sosabowski hoãn cuộc cất cánh từ 10 giờ sáng tới 1 giờ chiều. Ông cần thời gian này để định hướng lại lực lượng của mình và thảo ra một kế hoạch tác chiến mới, và ba giờ trì hoãn cũng có thể giúp Stevens có thêm nhiều tin tức cập nhật hơn từ Arnhem. Dù sao đi nữa Sosabowski cũng không chắc liệu đơn vị của ông có thể cất cánh lúc 10 giờ sáng. Sương mù lại bao phủ vùng Midlands, và các dự báo không được khả quan. “Điều đó cùng những thông tin chúng tôi nhận được đã làm chúng tôi rất lo,” Sosabowski nhớ lại. “Tôi không nghĩ kế hoạch của Urquhart tiến triển tốt. Tôi bắt đầu tin rằng có thể chúng tôi sẽ nhảy xuống Hà Lan chỉ để tô đậm thêm cho thất bại”.

Tại cây cầu Arnhem thách thức trước số đông của một nhóm nhỏ can đảm đã gần tới hồi kết. Lúc rạng sáng quân Đức đã tiếp tục cuộc pháo kích khủng khiếp của họ. Trong ánh nắng buổi sớm những đống đổ nát xiêu vẹo đã từng là những tòa nhà và công thự một lần nữa lại trở thành mục tiêu của hỏa lực không thương xót. Ở hai bên cây cầu và dọc những đống đổ nát của Eusebius Buiten Singel, một số vị trí phòng ngự còn tương đối vững chắc đều lần lượt bị bắn tan tành. Dải phòng ngự hình bán nguyện khống chế đầu cầu phía bắc đã hầu như không còn tồn tại nữa. Thế nhưng, bị lửa vây bọc và nấp sau những đống vụn nát, những nhóm nhỏ lính dù bướng bỉnh vẫn tiếp tục chiến đấu, không cho quân Đức sử dụng cầu.

Chỉ có sự dũng cảm bản năng nhất giúp người của Frost đứng vững đến lúc này, nhưng nó cũng đã đủ mãnh liệt và bền vững để kìm chân quân Đức trong 3 đêm và 2 ngày. Tiểu đoàn 2 cùng những người lính thuộc các đơn vị khác đã tới với họ theo từng nhóm nhỏ hai ba người (một lực lượng theo ước tính cao nhất của Frost chưa bao giờ vượt quá con số 600 hay 700 người) đã sát cánh bên nhau trong thảm kịch. Niềm kiêu hãnh và mục đích chung đã gắn kết họ với nhau. Chỉ mình họ đã tới được mục tiêu của cả một sư đoàn đổ bộ đường không – và giữ vững vị trí trong thời gian lâu hơn thời gian mà cả sư đoàn dự kiến phải giữ. Trong những giờ phút tuyệt vọng đầy lo âu, chờ đợi sự giúp đỡ đã không bao giờ tới, tâm trạng của họ có lẽ được nói lên rõ nhất qua suy nghĩ của trung sĩ Gordon Spicer, người đã viết, “Ai đã không hoàn thành nhiệm vụ? Không phải chúng tôi!”

Đến lúc này thời gian cầm cự của họ đã sắp kết thúc. Nấp dưới các đống đổ nát và những con hào chật hẹp, vật lộn cố bảo vệ bản thân và những hầm nhà chật ních thương binh, choáng váng và đờ đẫn đi dưới hỏa lực hầu như không ngừng của kẻ thù, mang trên mình những vết thương quấn băng hoen máu đã bẩn cùng thái độ dửng dưng như tấm huân chương danh dự, những con Quỷ Đỏ biết, cuối cùng thì họ cũng không thể đứng vững lâu hơn nữa.

Phát hiện này tạo ra một tâm trạng bình thản kỳ lạ, hoàn toàn không có chút hoảng hốt nào. Như thể mỗi người đều thầm quyết định họ sẽ chiến đấu cho đến khi gục xuống – cho dù chỉ để chọc tức thêm quân Đức. Bất chấp ý thức cuộc chiến coi như đã chấm dứt, những người lính vẫn tìm ra sáng kiến mới để kéo dài nó. Những khẩu đội cối bắn những quả đạn cuối cùng mà không có càng hay đế súng, bằng cách dựng nòng súng lên và giữ bằng dây thừng. Những người khác, thấy rằng không còn kíp nổ cho những quả bom phóng của súng Piat, đã tìm cách kích nổ các quả bom này bằng thuốc cháy lấy từ những hộp diêm. Khắp xung quanh họ bạn bè nằm la liệt, đã chết hay đang hấp hối, thế nhưng họ vẫn tìm ra được nghị lực để chống cự, và trong lúc chiến đấu, thường xuyên pha trò cổ vũ nhau. Nhiều người nhớ có một người lính Ireland bị một quả trái phá hất ngã xuống bất tỉnh cuối cùng cũng mở mắt ra nói, “Tôi chết rồi”. Sau đó, ngẫm nghĩ một lúc, anh ta nhận xét, “Không thể nào. Mình đang nói cơ mà”.

Với trung tá Frost, người đã thổi kèn săn để tập hợp họ lại quanh mình vào ngày Chủ nhật nắng đẹp để khởi đầu cho điều vào lúc đó dường như là khởi đầu cho cuộc diễu binh chiến thắng của họ, họ luôn đứng vững không bị khuất phục. Nhưng tới lúc này, vào ngày thứ Tư u ám và buồn bã, ông biết “thực tế không còn khả năng được giải vây”.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #199 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 04:43:17 pm »

Số người còn khả năng chiến đấu, cao nhất, vào khoảng 150 đến 200, tập trung chủ yếu xung quanh những ngôi nhà của ban chỉ huy nằm ở phía tây rầm cầu. Chừng 300 thương binh Anh và Đức nằm kín các hầm nhà. “Họ chen chúc đến mức gần như nằm đè lên nhau”, Frost nhớ lại, “khiến cho các bác sĩ và cứu thương gặp rất nhiều khó khăn khi đi lại chăm sóc họ”. Ông sẽ phải sớm đưa ra quyết định về những thương binh này. Nếu tòa nhà của họ lại bị trúng đạn lần nữa, mà điều này hầu như chắc chắn sẽ xảy ra, Frost nói với thiếu tá Freddie Gough, ông “không thể hình dung ra mình có thể chiến đấu đến phút cuối cùng, rồi rút đi, để cho thương binh của mình bị thui cháy”. Cần có cách đưa thương binh ra trước khi tòa nhà bị sập hay bị chiếm. Frost không rõ còn bao nhiêu thời gian nữa. Ông vẫn tin mình có thể khống chế đầu cầu thêm một thời gian, thậm chí thêm 24 giờ nữa, nhưng vành đai phòng ngự của ông đã yếu đến mức ông biết “một cú đột kích kiên quyết của quân địch có thể giúp chúng đâm thẳng vào giữa khu vực của chúng tôi”.

Bên phía đại úy Mackay, ngôi trường bị bắn phá không thương tiếc, anh nghĩ, trông “giống một cái rây”. Như Mackay sau này nhớ lại, “Chúng tôi chỉ còn lại một mình. Tất cả các tòa nhà phía đông đã bị đốt trụi, trừ một ngôi nhà nằm về phía nam do quân Đức chiếm”. Trong ngôi trường, cảnh tượng kinh hoàng quá mức tưởng tượng. “Mọi người kiệt sức và bẩn kinh khủng”, Mackay viết, “tôi đau nhói mỗi khi nhìn họ. Phờ phạc, mắt đỏ vằn, hầu như ai cũng có trên người những dải băng cứu thương bẩn thỉu, và máu ở khắp nơi”. Khi thương binh được đưa theo cầu thang xuống tầng hầm, Mackay trông thấy “tại mỗi tầng máu đã đọng lại thành vũng và chảy thành từng dòng nhỏ xuống theo cầu thang”. Mười ba người còn lại của anh được gom thành nhóm “hai hay ba người, chốt giữ những vị trí yêu cầu số người gấp đôi như vậy. Thứ duy nhất còn sạch là vũ khí của mỗi người”. Trong đống đổ nát của ngôi trường Mackay và nhóm của anh đẩy lùi ba đợt xung phong của địch trong hai giờ, buộc quân địch để lại quanh trường số xác chết nhiều gấp 4 lần số người của họ.

Buổi sáng trôi dần đi, trận đánh vẫn tiếp tục. Sau đó, vào khoảng gần trưa, người đã thách thức quân Đức kiên cường đến thế bị thương. Trong lúc Frost gặp thiếu tá Douglas Crawley để thảo luận về một toán tuần tiễu chiến đấu nhằm quét sạch khu vực, ông nhớ “một tiếng nổ long trời” nhấc bổng ông khỏi mặt đất và ném ông ra xa vài yard. Một quả đạn cối đã nổ gần như giữa hai người. Thật thần kỳ cả hai đều còn sống, nhưng mảnh đạn đã cắm sâu vào mắt cá chân bên trái và xương bánh chè bên phải của Frost, còn Crawley bị trúng đạn vào cả hai chân và tay phải. Frost, chỉ còn hơi tỉnh táo, cảm thấy xấu hổ vì ông đã không thể “kìm được những tiếng rên như tự mình chui ra khỏi miệng tôi, nhất là khi Doug vẫn yên lặng”. Wicks, cần vụ của Frost, kéo hai sĩ quan vào chỗ khuất, sau đó cứu thương khiêng họ trên cáng xuống hầm nhà cùng các thương binh khác.

Trong hầm nhà chật ních cha tuyên úy Egan đang cố định hướng. Trong ánh sáng lờ mờ của căn hầm u ám, trung úy Bucky Buchanan, người sĩ quan tình báo trước đó đã giúp đưa Egan xuống hầm, có vẻ như đang mệt mỏi tựa người vào tường. Nhưng Buchanan đã chết. Sức ép của một quả bom đã giết chết lập tức viên trung úy mà không để lại dấu vết nào. Sau đó, ngỡ ngàng và vẫn còn choáng váng, Egan thấy Frost được khiêng vào. “Tôi vẫn nhớ khuôn mặt của ông ấy,” Egan nói. “Ông ấy trông nhợt nhạt như người đã chết và rất ủ dột”. Các thương binh khác trong hầm nhà cũng nhìn thấy tiểu đoàn trưởng của họ. Với trung úy John Blunt, một người bạn của Buchanan, cảnh trung tá nằm trên một chiếc cáng là một cú rất nặng nề. “Chúng tôi vẫn luôn coi ông ấy là không gì chạm tới được,” Blunt viết. “Thật đau lòng khi phải nhìn ông bị khiêng đi như thế. Ông ấy chưa từng bị bất cứ thứ gì đánh trúng”.

Từ đâu đó trong căn hầm, binh nhì James Sims, cũng bị thương vì mảnh trái phá, nhớ có nghe thấy ai đó gọi Frost, “Thưa ngài, chúng ta còn đứng vững được chứ?”
Logged

IN PAUL WE TRUST
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM