Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 12:46:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một cây cầu quá xa  (Đọc 131822 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #180 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 04:33:58 pm »

Việc lữ đoàn Ba Lan tới trong đợt đổ quân thứ ba cũng khẩn cấp không kém. Họ sẽ phải nhảy dù xuống một kẻ thù đã sẵn sàng đợi ở đầu cầu phía nam, như Frost biết quá rõ; và lúc này, Urquhart lý luận, quân Đức hiển nhiên đã được tăng cường thiết giáp. Cuộc nhảy dù sẽ có thể biến thành một cuộc tàn sát. Nhằm ngăn chặn điều này xảy ra và mặc dù liên lạc không đảm bảo – không ai biết tín hiệu gửi đi có tới nơi không – Urquhart gửi điện cảnh cáo và yêu cầu một khu đổ quân mới. Tại sở chỉ huy hậu cứ của quân đoàn, bức điện đã không bao giờ được nhận. Nhưng chưa hết. Thêm một trở ngại nữa, sương mù bao phủ nhiều sân bay ở Anh nơi máy bay và tàu lượn cho đợt đổ quân thứ ba đã sẵn sàng lên đường.

Hành lang mà xe tăng của Horrock phải vượt qua lúc này đã lại được mở thông. Tại Son, cách Arnhem 46 dặm, những người lính công binh đứng nhìn những chiếc xe tăng Anh đầu tiên vượt qua chiếc cầu tạm Bailey họ vừa dựng lên. Sư đoàn thiết giáp cận vệ lại lên đường, lúc này cuộc đột kích được dẫn đầu bởi đơn vị Thủ pháo. Lúc này, 6 giờ 45 phút sáng ngày 19/9, lực lượng Garden đã chậm hơn kế hoạch đến 36 giờ.

Không ai trên đoạn hành lang này có thể đoán trước khoảng thời gian bị mất đó có ý nghĩa thế nào đến kết cục của chiến dịch – và những điều tồi tệ nhất còn ở phía trước. Cây cầu lớn bắc qua sông Waal tại Nijmegen, nằm cách đó 35 dặm về phía bắc, vẫn nằm trong tay quân Đức. Nếu nó không được chiếm sớm và nguyên vẹn, các chỉ huy đổ bộ đường không sợ rằng quân Đức sẽ phá cầu.

Sự lo ngại đó thúc giục mũi đột kích thiết giáp phải khẩn trương. Với tướng Gavin, tướng Browning, tư lệnh quân đoàn đổ bộ, và Horrock, cây cầu Nijmegen là quân cờ quyết định trên bàn cờ. Thế nhưng họ vẫn chưa biết tình thế hiểm nghèo thực sự đang đe dọa sư đoàn đổ bộ Anh. Bộ máy tuyên truyền Đức thông báo rằng tướng Urquhảt đã chết và sư đoàn của ông bị xóa sổ, nhưng không có tin gì từ chính sư đoàn. (CT: Theo lời Bittrich, quân Đức biết được qua tù binh rằng Urquhart có thể đã chết hoặc mất tích và, ông ta cũng nói, “chúng tôi kiểm soát các bức điện radio và nghe lén các cuộc gọi điện thoại). Trong lực lượng thiết giáp mọi người vẫn tin Market Garden đang diễn ra suôn sẻ. Cả những chú chim ưng gầm thét của tướng Taylor cũng vậy. “Với những người lính sư đoàn 101, tiếng động cơ xe tăng, những khẩu súng của chúng vừa là sự đảm bảo vừa đầy hứa hẹn”, tướng S.L.A. Marshall sau này viết – “một sự đảm bảo rằng có một kế hoạch và hứa hẹn là kế hoạch sẽ thành công”.

Trong lúc xe tăng tiến qua, những người lính sư đoàn 101 đứng nhìn không khỏi tự hào về chiến công của chính họ. Chống lại quân địch mạnh không ngờ tới, họ đã chiếm và giữ vững 15 dặm hành lang từ Eindhoven tới Veghel. Dọc theo con đường này những người lính dù vẫy tay hò hét khi những chiếc xe bọc thép của lực lượng Kỵ binh Nội địa, xe tăng của lực lượng Thủ pháo cùng toàn đội hình đồ sộ của quân đoàn 30 tiến qua. Chỉ trong vài phút đoàn quân xa tiến từ Son tới Veghel. Sau đó, với tốc độ đột kích mà Montgomery đã dự định cho toàn chiến dịch, lực lượng thiết giáp mũi nhọn, được những người Hà Lan reo hò đón chào hai bên đường, lao đi khẩn trương, tới điểm hẹn tiếp theo tại Grave lúc 8 giờ 30 phút sáng. Tại đây, lực lượng thiết giáp hội quân với sư đoàn 82 của Gavin. “Tôi biết chúng tôi đã tới được họ,” hạ sĩ William Chennell, có mặt trên một trong những xe bọc thép đi đầu, nhớ lại, “vì đám người Mỹ, cẩn tắc vô áy náy, đã bắn cảnh cáo chặn chúng tôi lại”.

Tiếp tục tiến gấp, những chiếc xe tăng đầu tiên tới ngoại vi Nijmegen lúc giữa trưa. Lúc này họ đã vượt qua được hai phần ba đoạn hành lang cốt tử của Market Garden. Con đường một chiều duy nhất, đông chật xe cộ, đã có thể bị cắt ngang bất cứ lúc nào nếu không có những người lính dù kiên cường và cảnh giác đã chiến đấu, hy sinh để giữ nó thông suốt. Nếu muốn chiến lược mạo hiểm của Montgomery thành công, trục hành lang là con đường sống duy nhất nuôi dưỡng nó. Người ta đã cảm thấy sự phấn khích của thành công. Theo thông báo chính thức, kể cả thông báo từ tổng hành dinh của Eisenhower, mọi việc đều diễn ra theo đúng kế hoạch. Không có lấy một từ nói tới tai họa khủng khiếp đang dần dần nuốt chửng lực lượng đổ bộ tại Arnhem.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #181 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 04:34:14 pm »

Tuy thế, tướng Browning vẫn thấy bất an. Trong buổi chiều ngày 18 ông đã gặp tướng Gavin. Tư lệnh quân đoàn đã không nhận được tin tức gì từ Arnhem. Ngoài việc sàng lọc tin tức do lực lượng kháng chiến Hà Lan cung cấp, bộ phận liên lạc của Browning đã không nhận được bất cứ báo cáo tình hình nào. Bất chấp những thông báo chính thức tuyên bố chiến dịch diễn ra thuận lợi, những báo cáo gửi tới Browning từ sở chỉ huy hậu cứ và từ đạo quân số 2 của tướng Dempsey khiến ông bồn chồn không yên. Browning không thể dứt bỏ được linh cảm Urquhart đang gặp khó khăn nghiêm trọng.

Hai báo cáo đặc biệt làm ông e ngại. Sức mạnh của quân Đức và phản ứng của địch tại Arnhem hiển nhiên là mạnh mẽ và nhanh chóng hơn những gì các nhà hoạch định kế hoạch lường trước. Và ảnh không thám của RAF cho thấy chỉ có đầu cầu phía bắc nằm trong tay quân Anh. Nhưng tới tận lúc này, Browning vẫn không biết đến 2 sư đoàn panzer đang có mặt tại khu vực của Urquhart. Bồn chồn trước sự gián đoạn liên lạc và bị dày vò bởi nghi ngờ, Browning cảnh báo Gavin rằng “cây cầu Nijmegen phải được chiếm hôm nay. Chậm nhất là ngày mai”. Ngay từ giây phút đầu tiên được cho biết về Market Garden, cây cầu tại Arnhem đã làm Browning lo lắng. Montgomery đã tự tin trông đợi Horrock tiến tới đó trong vòng 48 giờ. Cũng vào lúc đó, tính toán của Browning là người của Urquhart có thể đứng vững được 4 ngày. Lúc này, ngày N+2, chỉ còn một ngày nữa là đến giới hạn thời gian mà Browning ước lượng sư đoàn có khả năng tồn tại đơn độc, cho dù không biết gì về tình thế hiểm nghèo của sư đoàn đổ bộ Anh số 1, Browning nói với Gavin, “Chúng ta cần tới Arnhem càng nhanh càng tốt”. (CT: Nhiều nghiên cứu của người Anh về trận Arnhem, trong đó có cuốn sách xuất sắc “Struggle for Europe” của Chester Wilmot, ngụ ý rằng Browning biết nhiều hơn tình hình của Urquhart lúc đó hơn ông ta thể hiện ra ngoài. Một kiểm tra cẩn thận các thông tin vụn vặt và không đầy đủ được đưa tới sở chỉ huy quân đoàn cho thấy bức điện đầu tiên trực tiếp từ Arnhem tới tay Browning lúc 8 giờ 25 phút sáng ngày 19. Hai bức điện khác tới sau đó trong ngày báo cáo về cây cầu, vị trí các đơn vị và yêu cầu không quân yểm trợ. Cho dù nhiều bức điện khác đã được gửi đi mô tả chính xác tình hình, chúng đã không được nhận, và ba bức điện nhận được không chứa đựng thông tin nào cho biết sư đoàn của Urquhart đang bị tiêu diệt dần dần một cách hệ thống. Như thế, có thể nói Montgomery và Browning đã bị chỉ trích một cách không công bằng vì đã không thực hiện lập tức những hành động tích cực. Lúc đó trên thực tế họ hoàn toàn không biết gì về tình hình nguy ngập của Urquhart).

Ngay sau khi hội quân với sư đoàn 82, Browning tổ chức một cuộc họp. Xe bọc thép của đơn vị cận vệ dẫn đầu được cử quay lại đón tư lệnh quân đoàn 30, tướng Horrock, và tư lệnh sư đoàn thiết giáp cận vệ, tướng Allan Adair. Cùng Browning, hai viên tướng đi xe tới một địa điểm ở đông bắc Nijmegen, nhìn xuống sông. Từ đây hạ sĩ William Chennell, người đã lái xe về đón hai viên tướng, đứng cùng nhóm sĩ quan quan sát cây cầu. “Tôi thực sự kinh ngạc,” Chennell nhớ lại, “chúng tôi có thể thấy lính Đức và xe cộ qua lại trên cầu, có vẻ hoàn toàn vô tư. Không phát súng nào vang lên, trong khi chúng tôi chỉ cách đó có vài trăm yard.”

Quay lại sở chỉ huy của Browning, Horrock và Adair lần đầu tiên được biết sự kháng cự dữ dội của quân Đức tại khu vực sư đoàn 82. “Khi đến nơi, tôi ngỡ ngàng khi biết chúng ta vẫn chưa chiếm được cây cầu tại Nijmegen,” Adair kể lại. “Tôi đã trông đợi nó nằm trong tay lực lượng đổ bộ khi chúng tôi tới đó và chúng tôi sẽ chỉ việc lái xe qua cầu”. Quân của Gavin, lúc này các viên tướng được báo cáo, đã phải dồn sức giữ vững các khu đổ quân, kết quả là nhiều đại đội đã bị gọi từ Nijmegen về để bảo vệ những khu đổ quân khỏi những đợt tấn công quy mô lớn của địch. Các đơn vị thuộc trung đoàn 508 đã không thể đánh bại được các đơn vị SS mạnh cố thủ xung quanh cầu. Cách duy nhất để chiếm thật nhanh cây cầu, Browning tin tưởng, là một cuộc tấn công hiệp đồng xe tăng và bộ binh. “Chúng ta sẽ phải lôi đám Đức này ra bằng nhiều hơn lính đổ bộ không”, Browning nói với Adair.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #182 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 04:34:38 pm »

Cầu Nijmegen là chốt nối quan trọng cuối cùng trong kế hoạch Market Garden. Với giới hạn thời gian mà Browning đã đặt ra cho khả năng tự tồn tại của lực lượng đổ bộ Anh đã gần cạn, tiến độ chiến dịch cần được đẩy nhanh. Cây cầu Nijmegen, Browning nhấn mạnh, cần được chiếm trong thời gian kỷ lục.

Thiếu tướng Heinz Harmel, tư lệnh sư đòan Frunsberg, đang bực bội và thất vọng. Bất chấp sức ép liên tục từ tướng Bittrich, ông ta vẫn không thể nào đánh bật được Frost và người của viên trung tá khỏi cầu Arnhem. “Tôi bắt đầu cảm thấy mình là một thằng ngốc ngớ ngẩn,” Harmel nhớ lại.

Lúc này ông ta biết những người lính dù đã gần cạn đạn và lương thực. Và tổn thất của họ, nếu cứ lấy tổn thất của chính ông ta ra làm căn cứ để ước đoán, hẳn đã rất cao. “Tôi quyết định đưa xe tăng và đại bác tới để bắn và san bằng từng ngôi nhà họ chiếm giữ,” Harmel kể, “nhưng xem xét đến cách mà họ chiến đấu, tôi nghĩ trước hết nên gọi hàng”. Harmel lệnh cho ban tham mưu dàn xếp ngừng bắn tạm thời. Họ chọn một tù binh Anh để chuyển tối hậu thư của Harmel tới Frost. Người lính họ chọn là một công binh mới bị bắt, thượng sĩ 25 tuổi Stanley Halliwell, một người thuộc đơn vị của đại úy Mackay.

Halliwell được yêu cầu đi vào vành đai của quân Anh mang theo cờ trắng. Tại đó anh phải báo lại Frost rằng một sĩ quan Đức sẽ tới trao đổi với ông về điều kiện đầu hàng. Nếu Frost đồng ý, Halliwell sẽ quay trở lại cây cầu đứng cùng Frost, không mang vũ khí, cho tới khi sĩ quan Đức tới gặp họ. “Là tù binh chiến tranh tôi được yêu cầu quay lại chỗ bọn Jerry ngay khi tôi chuyển thông điệp và có câu trả lời của trung tá, phần việc này tôi không khoái chút nào,” Halliwell kể lại. Quân Đức đưa Halliwell tới gần chiến tuyến của quân Anh, tại đây, mang cờ trắng, anh đi vào khu vực quân Anh kiểm soát và tới sở chỉ huy của Frost. Rất kích động, Halliwell báo lại tình hình cho Frost. Quân Đức, anh nói, tin rằng tiếp tục kháng cự là vô ích. Quân Anh đã bị bao vây và không có hy vọng được giải cứu. Họ chỉ còn lựa chọn hoặc đầu hàng hoặc chết. Hỏi Halliwell, Frost được biết “quân địch có vẻ rất nản lòng trước tổn thất của mình”. Viên trung tá cảm thấy phấn khởi trong giây lát trước tin này, và ông nhớ đã nghĩ “chỉ cần có thêm đạn, chúng tôi sẽ sớm tiêu diệt hết đám đối thủ SS của mình.” Còn về yêu cầu thương lượng của quân Đức, câu trả lời của Frost cho Halliwell thật rõ ràng. “Bảo chúng cút cả xuống địa ngục”, ông nói.

Halliwell hoàn toàn đồng ý. Là tù binh chiến tranh, anh được trông đợi quay trở lại, nhưng anh không hứng thú lắm với ý tưởng phải lặp lại chính xác từng lời của viên trung tá và anh chỉ ra cho Frost thấy quay trở lại qua chiến tuyến có thể sẽ khó khăn hơn. “Tùy cậu quyết định,” Frost nói. Halliwell đã quyết định. “Nếu với ngài thế nào cũng được, thưa trung tá,” anh nói với Frost, “tôi sẽ ở lại. Bọn Jerry sớm muộn gì cũng sẽ biết câu trả lời”.

Ở bên kia rầm cầu đại úy Eric Mackay cũng vừa nhận được lời đề nghị tương tự, nhưng anh cố tình hiểu nhầm. “Tôi nhìn ra và thấy một tay Jerry đứng dưới đường với một chiếc khăn chẳng lấy gì làm trắng buộc vào súng. Hắn hô lớn “Đầu hàng!” Tôi lập tức cho rằng chúng muốn đầu hàng, nhưng có thể chúng muốn ám chỉ chúng tôi”. Trong ngôi trường gần sụp đổ hoàn toàn mà toán quân nhỏ của anh vẫn đứng vững, Mackay, vẫn nghĩ tới chuyện bọn Đức muốn xin hàng, cho dù ý tưởng này có vẻ vô lý. “Chúng tôi chỉ có hai phòng,” anh đáp. “Chúng tôi sẽ bị quá chật nếu có thêm tù binh”.

Chĩa súng về phía tay Đức, Mackay hét lớn, “Cuốn xéo khỏi đây. Chúng ta không bắt tù binh”. Người lính quân y, Pinky White, cũng tới bên cửa sổ cạnh Mackay. “Raus!” anh này hét lớn. “Đánh đi!” Trong tiếng vỗ tay hò hét, nhiều người lính khác cũng lên tiếng. “Xéo đi! Quay về đánh tiếp đi, đồ con hoang!” Tay lính Đức có vẻ hiểu. Như Mackay nhớ lại, anh chàng quay lại và bước nhanh về phía quân mình, “vẫn vẫy vẫy chiếc khăn bẩn thỉu của hắn ta”.

Ý định gọi hàng của Harmel đã bất thành trước những người lính can đảm bị bao vây ở cầu. Trận đánh lại tiếp diễn ác liệt như trước.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #183 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 04:35:39 pm »

Tại những sân bay bị sương mù che phủ gần Gratham, Anh, lữ đoàn dù Ba Lan số 1 đang chờ cất cánh. Giờ G cho đợt đổ quân đã được ấn định lúc 10 giờ sáng, nhưng thời tiết đã buộc phải lùi lại năm giờ. Lúc này lữ đoàn dự kiến sẽ tới nơi lúc 3 giờ chiều. Thiếu tướng Stanislaw Sosabowski, viên chỉ huy Ba Lan độc lập, nóng tính đã giữ người của mình trên máy bay trong suốt thời gian đợi. Sosabowski cảm thấy buổi sáng nào ở Anh cũng có sương mù. Nếu thời tiết quang đãng sớm hưon dự kiến, mệnh lệnh có thể thay đổi và Sosabowski quyết tâm sẽ sẵn sàng để lên đường bất cứ lúc nào. Ông cảm thấy lúc này từng giờ đều rất quan trọng. Urquhart, ông tin, đang gặp khó khăn.

Ngoài linh tính, không có lý do thực sự nào cho cảm giác của Sosabowski. Nhưng kế hoạch Market Garden đã làm ông không an tâm ngay từ đầu. Ông chắc chắn rằng các khu đổ quân đều quá xa cây cầu để có thể đảm bảo bất ngờ. Hơn nữa, không ai ở Anh có vẻ biết chuyện gì đang xảy ra ở Arnhem, và Sosabowski đã rất bất an khi phát hiện ra việc liên lạc với sư đoàn 1 đã bị gián đoạn hoàn toàn. Tất cả những gì người ta biết là đầu cầu phía bắc đã nằm trong tay người Anh. Và vì không có thay đổi nào về kế hoạch, người của Sosabowski, nhảy xuống phía nam gần làng Elden, sẽ phải chiếm đầu cầu còn lại.

Nhưng viên tướng rất lo lắng vì thiếu thông tin. Ông không chắc liệu người của Urquhart có còn trên cầu. Các sĩ quan liên lạc tại sở chỉ huy hậu cứ của Browning, những người mà Sosabowski phải hoàn tòan trông cậy về tin tức, có vẻ biết rất ít về tình hình thực tế. Ông đã nghĩ tới việc đến sở chỉ huy đạo quân đổ bộ đường không Đồng Minh số 1 tại Ascot để nói chuyện trực tiếp với tướng Lewis Brereton, tư lệnh trưởng. Nguyên tắc lại quyết định khác. Đơn vị của ông nằm dưới quyền chỉ huy của tướng Browning, và Sosabowski đành miễn cưỡng chờ đợi con đường quân sự. Mọi thay đổi về kế hoạch sẽ chỉ tới từ Browning, và vẫn chưa nhận được gì. Thế nhưng Sosabowski linh cảm có điều gì đó đang bất ổn. Nếu quân Anh giữ đầu cầu phía bắc, quân địch hẳn đang tập trung mạnh ở phía nam và những người lính Ba Lan rất có thể sẽ phải chiến đấu một mất một còn. Phương tiện di chuyển và pháo binh của Sosabowski, dự kiến được chuyển đi trên 46 tàu lượn từ các căn cứ tại phía tây Down Ampney và Torrant Rushton, vẫn được dự kiến lên đường lúc giữa trưa. Vì phần này của kế hoạch vẫn được giữ như cũ, Sosabowski cố trấn an mình rằng mọi việc sẽ ổn cả.

Trung úy Albert Smaczny cũng bất an không kém. Anh sẽ phải dẫn đại đội của mình vượt cầu Arnhem và chiếm một số ngôi nhà ở phía đông thành phố. Nếu cầu vẫn chưa được kiểm soát, anh tự hỏi làm thế nào có thể đưa người của mình qua sông Rhine được. Smaczny đã được cam đoan rằng cầu vượt sông sẽ trong tay người Anh, nhưng từ ngày trốn thoát khỏi Đức năm 1939 (người em trai 16 tuổi của anh đã bị bọn Gestapo xử bắn để trả thù) Smaczny đã tập cho mình “sẵn sàng đón nhận điều không thể xảy ra”.

Hết giờ này đến giờ khác người Ba Lan chờ đợi, trong khi sương mù vẫn bao phủ miền trung Anh. Hạ sĩ Wladijslaw Korob “bắt đầu thấy bứt rứt. Tôi muốn lên đường,” anh nhớ lại. “Đứng quanh sân bay không phải là cách tốt nhất để giết bọn Đức theo ý tôi”. Nhìn những chiếc máy bay tập trung trên sân bay, trung úy Stefan Kaczmarek cảm thấy “một niềm vui đến nhói tim”. Cả anh cũng đã phát chán cảnh đứng chờ. Chiến dịch, anh đã nói với người của mình, “là con đường tốt thứ hai để giải phóng Warsaw. Nếu chúng ta thành công, chúng ta sẽ tiến vào nước Đức thẳng qua cửa nhà bếp”.

Nhưng những người lính Ba Lan sẽ bị thất vọng. Đến trưa Sosabowski nhận được lệnh mới. Cho dù máy bay có thể hoạt động từ các sân bay phía nam, ở miền trung các sân bay vẫn bị thời tiết làm tê liệt.

Cuộc nhảy dù ngày hôm đó bị bãi bỏ. “Không thể làm gì được, thưa tướng quân,” sĩ quan phụ trách liên lạc, trung tá George Stevens, nói với Sosabowski đang phản đối. “Chúng tôi không thể để ngài đi được”. Cuộc đổ bộ bị hoãn tới sáng hôm sau, ngày thứ Tư 20/9. “Chúng ta sẽ thử lúc 10 giờ”, ông được thông báo. Không đủ thời gian để chuyển quân xuống các căn cứ phía nam. Càng thất vọng hơn, Sosabowski được tin các tàu lượn chở hàng đã lên đường tới Hà Lan. Viên tướng Ba Lan sôi lên sốt ruột. Từng giờ qua đi có nghĩa là sự chống trả của quân địch sẽ mạnh lên, và ngày hôm sau có thể làm trận đánh ác liệt hơn nhiều – trừ khi linh tính đang báo động của ông hoàn toàn sai.

Và chúng không hề sai. Những chiếc tàu lượn chở tiếp tế của Sosabowski với toàn bộ người, pháo binh, phương tiện liên lạc đang hướng tới sự hủy diệt hầu như hoàn toàn. Đợt đổ quân thứ ba là một tai họa.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #184 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 04:35:50 pm »

Những cụm mây thấp che phủ tuyến đường phía nam khắp đoạn qua biển Manche. Đợt đổ quân thứ ba hướng tới khu đổ quân của các sư đoàn 82, 101 và lực lượng Anh, đã gặp trục trặc ngay từ lúc bắt đầu. Người ta đã dự đoán thời tiết quang đãng vào buổi chiều. Ngược lại, thời tiết mỗi lúc một xấu khi các phi đoàn cất cánh. Các đơn vị máy bay chiến đấu, bị kẹt trong mây và không thể nhìn thấy mục tiêu dưới đất, đành phải quay về. Với tầm nhìn bằng không, không tài nào nhìn thấy máy bay kéo của mình được, nhiều tàu lượn đã phải tháo cáp kéo hạ cánh khẩn cấp xuống đất Anh hoặc xuống biển Manche, và nhiều đội hình bị buộc phải bỏ cuộc hoàn toàn và quay về căn cứ.

Trong số 655 máy bay chở quân và 431 tàu lượn rời mặt đất, chỉ hơn nửa tới được các khu đáp và nhảy dù, cho dù hầu hết tàu lượn chở quân đều hạ cánh an toàn xuống đất Anh hoặc nơi khác. Nhưng ở trên lục địa hỏa lực phòng không dữ dội của địch và tấn công của Luftwaffe, cộng thêm thời tiết xấu, đã làm mất 112 tàu lượn và 40 máy bay vận tải. Chỉ có 1341 trong số 2310 người và 40 trong số 68 khẩu pháo dành cho sư đòan 101 tới nơi. Lực lượng của tướng Taylor đang chịu sức ép mạnh đến mức 40 khẩu pháo trên vừa chạm đất là phải bắt đầu khai hỏa.

Sư đoàn 82 của tướng Gavin còn không may hơn. Vào thời điểm mà từng người lính đều cần cho cuộc tấn công vào cây cầu sống còn tại Nijmegen, trung đoàn đổ bộ tàu lượn 325 của Gavin đã không hề tới nơi. Giống như lữ đoàn Ba Lan, các máy bay và tàu lượn của trung đoàn 325, cũng đóng tại khu vực Grantham, đã không thể dời mặt đất. Tệ hơn, trong số 265 tấn hàng và đạn tiếp tế dành cho sư đòan 82, chỉ 40 tấn được thu thập.

Tại khu vực người Anh, nơi Urquhart trông đợi không chỉ lữ đoàn Ba Lan mà cả một đợt tiếp tế đường không lớn, thảm kịch đã xảy ra. Những khu thả hàng đã bị quân địch khống chế, và cho dù đã cố gắng làm đổi hướng 163 chiếc máy bay vận tải tới một khu vực mới phía nam khách sạn Hartenstein, cố gắng của những người lính trên mặt đất đã không thành công. Hoàn tòan cạn kiệt mọi thứ, nhất là đạn, người của Urquhart nhìn từng phi đoàn bay tới qua lưới đạn phòng không. Rồi tiêm kích địch xuất hiện, bắn vào các máy bay vận tải và cày nát khu vực thả hàng mới.

Vào khoảng 4 giờ chiều, cha tuyên úy G.A.Pare nghe thấy tiếng hò reo. “Đợt ba đã tới!” Bất thần, người mục sư nhớ, “những tiếng động khủng khiếp vang lên và cả bầu không khí rung động vì tiếng súng. Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là giương mắt nhìn kinh hoàng trong khi đồng đội của chúng tôi lao xuống cái chết chắc mười mươi”.

Pare quan sát “trong tuyệt vọng, vì những chiếc máy bay ném bom này, thường bay ở 15000 bộ vào ban đêm, lúc này bay ở 1500 bộ giữa ban ngày. Chúng tôi thấy nhiều chiếc bốc cháy, nhưng vẫn giữ vững đường bay cho đến khi tất cả các kiện hàng được thả xuống. Giờ đây chúng tôi nhận ra một bất lợi khủng khiếp. Chúng tôi đã ra tín hiệu yêu cầu thả hàng xuống gần sở chỉ huy, nhưng không có gì xảy ra cả.”
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #185 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 04:36:14 pm »

Không có tiêm kích hộ tống và phải giữ vững đường bay, những phi đội tiếp tế thả hàng xuống những khu vực cũ. Những người lính dưới đất cố hết sức để thu hút sự chú ý bằng cách đốt lửa, dùng bom khói, vẫy dù và thậm chí làm hiệu lửa trên mặt đất – và trong khi làm thế họ bị tấn công bởi những chiếc Messerschmidtt của đối phương.

Nhiều người lính vẫn còn nhớ một chiếc C47 Anh, một cánh cháy rực, bay tới khu vực thả hàng lúc này đã rơi vào tay quân Đức. Thượng sĩ Victor Miller, một trong các phi công tàu lượn đã hạ cánh trong đợt đổ quân đầu tiên hôm Chủ nhật, thấy “tim thắt lại khi nhìn lửa gần như trùm kín nửa sau thân chiếc máy bay”. Mong muốn tổ lái thoát ra ngoài, Miller chợt nhận ra mình đang vô thức lẩm bẩm: “Nhảy đi! Nhảy đi!” Khi chiếc máy bay hạ xuống thấp, Miller có thể nhìn thấy nhân viên thả hàng đứng bên cửa, đẩy các kiện hàng ra. Đờ đẫn, anh nhìn theo chiếc Dakota cháy rực quay vòng lại lần nữa, và qua cuộn khói anh nhìn thấy thêm những kiện hàng nữa được thả xuống. Thượng sĩ Douglas Atwell, một phi công tàu lượn khác, nhớ rằng những người lính đứng bật dậy khỏi hào im lặng ngước mắt lên trời nhìn. “Chúng tôi mệt rã rời, hầu như không có gì để ăn hay uống, nhưng vào lúc đó tôi không nghĩ đến điều gì khác ngoài chiếc máy bay đó. Như thể đó là chiếc duy nhất trên trời vậy. Mọi người đứng chết sững tại chỗ của mình – và trong suốt thời gian đó những người thả hàng không ngừng đẩy các kiện hàng ra”. Người phi công đã giữ cho chiếc máy bay cháy rực của mình bay ổn định, và vòng trở lại một lần nữa dưới thấp. Thiếu tá George Powell “ngỡ ngàng không ngờ anh ta có thể làm được điều đó. Tôi không thể rời mắt khỏi chiếc máy bay. Bất thần nó không còn là một chiếc máy bay nữa, mà chỉ còn là một quả cầu lửa màu da cam khổng lồ”. Khi chiếc máy bay bốc cháy lao xuống đất, phi công của nó, viên trung úy 31 tuổi David Lord, vẫn giữ cần lái, Miller nhìn thấy sau rặng cây “một cuộn khói đen đặc quách đánh dấu nơi một phi hành đoàn anh hùng đã hy sinh để chúng tôi có cơ hội sống”.

Nhưng thượng sĩ Miller đã nhầm. Một thành viên của phi hành đoàn trên chiếc Dakota xấu số đã thoát chết. Sĩ quan không quân Henry Arthur King, hoa tiêu của chiếc máy bay, nhớ lại chỉ vài phút trước lúc 4 giờ chiều khi máy bay đang áp sát khu thả hàng, đạn cao xạ đã bắn cháy một bên động cơ. Qua bộ đàm Lord hỏi: “Mọi người ổn cả chứ? Còn bao xa nữa, Harry?” King gọi lại, “Ba phút bay nữa”. Chiếc máy bay nghiêng mạnh về bên phải và King nhận thấy họ đang mất độ cao nhanh chóng. Lửa bắt đầu cháy dọc cánh lan về phía thùng nhiên liệu chính. “Những người ở dưới kia cần số hàng này,” anh nghe Lord nói. “Chúng ta sẽ thả hàng và sau đó nhảy khỏi máy bay. Tất cả đeo dù”.

King nhận ra khu thả hàng và báo cho Lord. “OK, Harry, tôi thấy rồi,” người phi công đáp. “Quay lại và giúp họ một tay thả hàng đi”. King quay lại phía cánh cửa đã mở. Đạn cao xạ đã bắn hỏng đầu tời dùng để di chuyển các kiện hàng nặng, và nhân viên thả hàng, hạ sĩ Philip Nixon, cùng ba người lính thuộc lực lượng không quân hoàng gia đã dùng sức mình đẩy được 8 kiện đạn nặng tới cửa. Họ đã tháo dù của mình ra để có thể đẩy các kiện hàng ra phía trước. Cả năm người cùng nhau đẩy được 6 kiện hàng khi đèn đỏ, báo máy bay đã ra khỏi khu thả hàng, bật sáng. King chạy tới bộ đàm. “Dave,” anh gọi Lord,” chúng ta còn hai kiện nữa”. Lord ngoặt gấp máy bay về phía trái. “Chúng ta sẽ quay lại,” anh đáp,” Giữ chắc vào”.

King thấy họ đang ở độ cao chừng 500 bộ và Lord “điều khiển chiếc vận tải đó như một chiếc tiêm kích. Đèn xanh sáng lên và chúng tôi đẩy hàng ra. Điều tiếp theo tôi còn nhớ là Lord hét lớn, “Nhảy! Nhảy! Vì Chúa nhảy mau!” Rồi có một tiếng nổ khủng khiếp và tôi thấy mình rơi xuống trong không trung. Tôi không nhớ đã kéo khóa dù nhưng hẳn tôi đã làm điều đó theo phản xạ tự nhiên. Tôi rơi đập lưng xuống đất khá nặng. Tôi còn nhớ đã nhìn đồng hồ và nhận ra mới chỉ 5 phút trôi qua kể từ lúc chúng tôi trúng đạn cao xạ. Quân phục của tôi rách nát và tôi không tìm thấy giày của mình đâu cả”.

Gần một giờ sau, King gặp một đại đội của tiểu đoàn 10. Một người đưa anh một thanh chocolat và trà. “Đó là tất cả chúng tôi có,” người lính nói với anh. King trố mắt nhìn anh ta. “Anh muốn nói gì cơ, đó là tất cả các anh có sao? Chúng tôi vừa thả tiếp tế xuống cho các anh.” Người lính lắc đầu. “Các anh có thả những hộp cá trích xuống thật, nhưng bọn Jerry đã chiếm được. Chúng tôi chẳng được gì cả”. King không biết nói sao. Anh nghĩ tới trung úy Lord, tới những người trong phi hành đoàn đã vứt bỏ dù của chính mình đi trong cố gắng tột cùng nhằm thả những kiện đạn quý giá xuống cho những người lính đang kiệt sức ở dưới. Trong cả phi hành đoàn, chỉ mình King sống sót. Và giờ đây anh lại phải biết rằng sự hy sinh của đồng đội anh là vô ích (CT: Trung úy David Lord, đã từng được trao Chữ thập Không quân vì sự Xuất sắc, đã được truy tặng Chữ thập Victoria. Thi hài của ba sĩ quan RAF cùng 4 nhân viên thả hàng – R.E.H. Medhurst, A.Ballantyne, hạ sĩ Nixon, James Rickett, Leonard Sidney Harper, và Arthur Rowbotham – đều được nhận diện và an tang tại nghĩa trang quân đội Anh tại Arnhem).

Máy bay phải đáp bụng xuống khắp nơi trong vùng, chủ yếu quanh Wageningen và Renkum. Một số hạ xuống bờ nam sông Rhine. Thượng sĩ Walter Simpson nhớ nghe thấy phi công của mình hét lớn qua bộ đàm, “Chúa ơi, chúng ta bị trúng đạn rồi!” Nhìn ra, Simpson thấy động cơ bốc cháy. Anh nghe thấy động cơ bị nổ và sau đó máy bay cắm đầu xuống. Simpson, lúc đó rất hoảng sợ, nhớ lại chiếc máy bay “chạm đuôi xuống bờ bắc sông, nhấc mình lên một chút, sau đó lao vọt qua mặt nước rơi xuống bờ nam”.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #186 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 04:36:35 pm »

Khi cú va đập xảy ra Simpson bị hất về phía trước và đập vào một bên thành thân máy bay. Người phụ trách điện đài, thượng sĩ Runsdale, đổ ập xuống người anh và nằm vắt lên trên người Simpson. Bên trong khoang máy bay là một đống lộn xộn, nhiên liệu đang bốc cháy, và Simpson có thể nghe tiếng lửa nổ lách tách. Trong lúc anh cố rút hai chân ra từ dưới người phụ trách điện đài, Ransdale kêu lên và ngất xỉu. Anh ta đã bị gãy lưng. Simpson loạng choạng đứng dậy và lôi viên thượng sĩ ra qua cửa thoát hiểm. Bốn thành viên phi hành đoàn, vẫn còn choáng váng, đã lần ra ngoài tới đây. Simpson quay lại tìm những người vẫn còn kẹt ở trong. Anh tìm thấy người hoa tiêu bom đã bất tỉnh. “Giày của anh ấy văng mất, một phần mũ cũng vậy và cả hai cánh tay bị gãy”, anh nhớ lại. Simpson cõng anh này lên, và mang ra ngoài. Cho dù máy bay lúc này đã cháy dữ dội, Simpson vẫn quay lại lần thứ ba để mang người trưởng máy bị gãy chân ra. Cả người này cũng được đưa ra an toàn.

Tại làng Driel, cô gái trẻ Cora Baltussen cùng em gái Reat và em trai Albert trông thấy chiếc máy bay của Simpson lao xuống đất. Cả ba chị em lập tức chạy tới nơi chiếc máy bay rơi. “Thật khủng khiếp,” Cora nhớ lại. “Có tất cả 8 người, một số bị thương rất nặng. Chúng tôi dìu họ rời xa chiếc máy bay đang bốc cháy vừa đúng lúc nó nổ tung. Tôi biết quân Đức sẽ tìm bắt phi hành đoàn. Tôi nói với người phi công, sĩ quan không quân Jeffrey Liggens, anh này không bị thương, rằng chúng tôi sẽ phải dấu anh đi trong lúc chờ chúng tôi đưa những người bị thương tới trạm phẫu thuật nhỏ trong làng. Chúng tôi dấu anh ấy và hai người nữa trong một ngôi nhà gạch gần đó và nói chúng tôi sẽ quay lại khi trời tối”. Tối hôm đó Cora đã phụ giúp người bác sĩ phẫu thuật duy nhất trong làng, một phụ nữ, bác sĩ Sanderbobrorg, khi bà cưa chân viên hoa tiêu bom. Chiến tranh cuối cùng đã lan tới với Cora và ngôi làng Driel bé nhỏ.

Tổng cộng, trong số 100 máy bay ném bom và 63 chiếc Dakota, 97 chiếc bị hư hại và 13 bị bắn rơi – và, bất chấp sự anh dũng của các phi công và phi hành đoàn, sư đoàn đang nguy ngập của Urquhart đã không hề được tiếp tế. Trong số 390 tấn hàng tiếp viện và đạn, hầu như toàn bộ rơi vào tay quân Đức. Chỉ có chừng 21 tấn được thu hồi.

Tai họa còn lớn hơn xảy ra với đợt đổ bộ phương tiện vận tải và pháo binh của lữ đoàn Ba Lan. Trước khi rời Anh trong đợt đổ bộ của lực lượng Ba Lan, thượng sĩ phi công Kenneth Travis – Davison, phụ lái một chiếc tàu lượn Horsa, ngỡ ngàng trước sự thiếu thông tin về khu vực họ chuẩn bị tới. Đường bay được đánh dấu trên bản đồ, các bãi đáp cho pháo binh và vận tải Ba Lan được khoanh vùng; nhưng, Travis-Davison nhớ lại, “chúng tôi được phổ biến là tình hình hiện chưa được rõ”. Chỉ thị duy nhất khi hạ cánh là “các tàu lượn phải đáp xuống khu vực được đánh dấu bằng khói đỏ”. Theo quan điểm của Travis-Davison, “cuộc phổ biến trước khi lên đường hoàn toàn mơ hồ”.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #187 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 04:37:00 pm »

Tuy thế, bất chấp sự thiếu hụt thông tin, các máy bay của RAF đã định vị chính xác các bãi đáp gần trang trại Johannahoeve và 31 trong số 46 tàu lượn tới đúng khu vực đáp. Khi họ tới nơi, cả bầu không khí như nổ tung vì tiếng súng. Một phi đội Messerschmidt bắn trúng rất nhiều tàu lượn, bắn nát vách thân tàu lượn bằng gỗ và vải bạt, bắn trúng thùng xăng của các xe jeep chở bên trong làm nhiều chiếc bốc cháy. Súng cao xạ bắn trúng nhiều chiếc khác. Những chiếc hạ cánh thành công rơi vào giữa bãi chiến trường. Binh lính lữ đoàn 4 của Hackett, vật lộn để cố thoát khỏi lực lượng đối phương đang có nguy cơ bao vây họ, không thể đột phá được tới khu cao điểm và các bãi đổ bộ đúng thời gian để bảo vệ các khu vực này. Trong lúc quân Anh và quân Đức giao chiến ác liệt, những người Ba Lan hạ cánh đúng vào giữa cơn mưa đạn. Trong lúc hỗn loạn và kinh hoàng, những người Ba Lan bị bắn từ cả hai phía. Những chiếc tàu lượn, nhiều chiếc đang bốc cháy, đáp bụng xuống cánh đồng hoặc đâm vào các vạt cây. Pháo thủ Ba Lan, bị kẹt giữa hai làn đạn và không thể phân biệt đâu là bạn đâu là thù, bắn trả lại cả quân Anh lẫn quân Đức. Sau đó, vội vã dỡ những chiếc xe jeep và những khẩu pháo còn dùng được, những người lính choáng váng vì bất ngờ chạy qua cơn bão lửa để rời khỏi các bãi đáp. Thật ngạc nhiên, tổn thất trên mặt đất là tương đối nhẹ, nhưng rất nhiều người, bất ngờ và bị sốc, đã bị bắt làm tù binh. Phần lớn xe jeep và tiếp tế bị phá hủy, và trong số 8 khẩu pháo chống tăng 6-pounder mà lực lượng tại chỗ đang rất cần, chỉ có 3 khẩu tới nơi an toàn. Điều mà tướng Stanislaw Sosabowski lo sợ đã trở thành hiện thực. Và khúc bi tráng của lữ đoàn dù Ba Lan số 1 mới chỉ bắt đầu.

Cách đó chừng 40 dặm về phía nam dọc trên đường xa lộ, binh lính sư đòan 101 của tướng Maxwell Taylor đang chiến đấu quyết liệt để giữ hành lang chiến dịch thông suốt. Nhưng sự chống cự ác liệt của đạo quân Đức số 15 tại Best đã hút cạn người của Taylor. Càng lúc càng nhiều lực lượng bị lôi vào trận đánh dữ dội mà một sĩ quan quân báo của sư đoàn đã mô tả thật chua chat là “một sai sót nhỏ trong ước tính”. Áp lực tăng dần lên suốt dải hành lang 15 dặm thuộc khu vực của Taylor, khu vực vừa được những chú Chim Ưng Gầm Thét đổi tên là “Xa lộ Địa ngục”. Lúc này đã có thể thấy rõ ý định của đối phương muốn sử dụng Best làm bàn đạp để cắt đứt lực lượng thiết giáp mũi nhọn của Horrock.

Đoàn quân xa chật ních trên xa lộ là đích ngắm ngon lành cho pháo binh. Xe ủi và xe tăng đi ngược đi xuôi không ngớt dọc con đường, đẩy xe cháy ra để giữ đội hình luôn hành tiến. Từ hôm Chủ nhật, Best, một mục tiêu thứ yếu trong kế hoạch ban đầu, đã trở nên nghiêm trọng đến mức đe dọa bao trùm lên mọi hành động khác trên đoạn hành lang của Taylor. Lúc này, tư lệnh sư đoàn 101 quyết định tiêu diệt dứt điểm quân địch tại Best.

Bị vây trong một vành đai rộng và bị ép phải lui về phía kênh đào Wilhelmina, quân Đức đột ngột tan vỡ. Với việc tung vào vòng chiến thêm các đơn vị sung sức, trận đánh đã giằng dai không hy vọng trong suốt gần 46 giờ đột ngột kết thúc trong 2 giờ. Người của Taylor đã dành được chiến thắng lớn đầu tiên của Market Garden. Hơn 300 quân địch bị tiêu diệt và hơn 1000 bị bắt, cùng với 15 khẩu 88 mm. “Tới cuối buổi chiều,” theo quân sử chính thức, “khi hàng trăm quân Đức hạ vũ khí, lệnh truyền lại phía sau yêu cầu tập hợp toàn bộ quân cảnh sẵn có”. Trung úy Edward Wierzbowski, người trung đội trưởng đã gần chiếm được cây cầu tại Best trước khi nó bị nổ tung, giải về phía sau các tù binh anh bắt được sau khi chính anh đã bị bắt. Hết đạn và lựu đạn, với thương binh và những người tử trận nằm ngổn ngang xung quanh – trung đội anh hùng của anh chỉ còn 3 người không bị thương – Wierzbowski đành đầu hàng. Lúc này, kiệt sức và nhếch nhác, Wierzbowski và người của anh, gồm cả một số thương binh, tước vũ khí các nhân viên y tế tại bệnh viện dã chiến Đức nơi họ bị đưa đến và quay về sư đoàn, mang theo các tù binh của họ.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #188 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 04:37:23 pm »

Cho dù trận đánh đã thành công, khó khăn của Taylor vẫn chưa kết thúc. Ngay khi trận đánh ở Best vừa kết thúc, thiết giáp Đức tấn công cây cầu tạm vừa được bắc tại Son trong một nỗ lực nữa nhằm cắt đứt hành lang. Đích thân Taylor, dẫn đầu lực lượng bảo vệ sở chỉ huy – lực lượng dự bị duy nhất còn lại của ông – lao tới chiến địa. Với súng bazooka và một khẩu pháo chống tăng duy nhất, một chiếc Panther của Đức bị hạ gần như đúng lúc nó tới được cầu. Cũng như vậy, một số xe tăng địch nữa bị loại khỏi vòng chiến. Cuộc đột kích của quân Đức bị thất bại, và giao thông có thể tiếp tục. Nhưng những chú Chim Ưng Gầm Thét không thể lơi là cảnh giác. “Tình hình của chúng tôi,” Taylor sau này viết, “khiến tôi nhớ lại miền Viễn Tây nước Mỹ thời kỳ đầu, nơi những đồn binh nhỏ phải cảnh giác trước những cuộc tấn công bất ngờ của người da đỏ tại bất kỳ điểm nào trong cả tuyến đường sắt huyết mạch dài”.

Chiến thuật tấn công nhanh và dữ dội rồi rút lui của quân Đức đã có hiệu quả nhất định. Khoảng 300 người của sư đoàn 101 đã bị giết hay bị thương hoặc mất tích trong các cuộc giao tranh mặt đất. Binh lính nằm trong công sự các nhân giữ các vị trí ở hai bên đường xa lộ hoặc tại các cánh đồng quanh khu vực Best luôn nằm trong nguy cơ bị đánh tạt sườn, và mỗi đêm tới đều đem theo cảm giác lo sợ. Trong bóng tối, với quân Đức bí mật xâm nhập vành đai của sư đoàn 101, không ai biết người trong chiếc hố cá nhân cạnh mình có còn sống sót vào sáng hôm sau không.
Trong sự hỗn loạn và những cuộc tấn công bất ngờ của quân địch, nhiều người đột nhiên biến mất, và khi cuộc giao chiến kết thúc những người bạn đi tìm họ giữa những người chết và bị thương trên chiến trường và tại các trạm cứu thương, các bệnh viện dã chiến.

Tại Best trận đánh đã kết thúc và hàng đoàn tù binh đang được giải về sư đoàn, thượng sĩ 31 tuổi Charles Dohun đang tìm kiếm người sĩ quan của mình, đại úy LeGrand Johnson. Khi còn ở Anh trước khi đổ bộ, Dohun đã gần như “thần người đi vì lo lắng”. Viên đại úy 22 tuổi Johnson cũng có tâm trạng gần tương tự. Anh ta “chấp nhận sẽ không bao giờ trở về được”. Vào sáng ngày 19, Johnson đã dẫn đại đội của mình vào một đợt tấn công gần Best. “Hoặc vậy hoặc bị tàn sát hết,” anh nhớ lại. Trong trận đánh ác liệt, mà Johnson nhớ như “điều tệ hại nhất tôi từng thấy hay nghe kể lại,” viên đại úy bị trúng đạn vào vai trái. Với đại đội của mình từ 180 người chỉ còn lại 38 người và bị vây giữa một cánh đồng cỏ khô cháy rực, Johnson đã kìm chân quân Đức cho tới khi các đại đội tiếp viện đẩy lùi quân địch kịp tới nơi và giải cứu những người sống sót. Trong lúc Johnson đang được dìu về trạm cứu thương, anh bị trúng đạn lần nữa, lần này là vào đầu. Tại trạm cứu thương tiểu đoàn, viên đại úy bị để vào cùng chỗ với những người bị tử thương khác mà nhân viên quân y gọi là “đống chết”. Tại đó, sau hồi lâu tìm kiếm, thượng sĩ Dohun tìm thấy anh. Quỳ xuống, Dohun tin chắc vẫn còn chút sự sống.

Mang viên đại úy bất động trên vai, Dohun đặt Johnson và 4 người bị thương trong đại đội mình lên một xe jeep và lái tới bệnh viện dã chiến tại Son. Bị rơi vào vòng vây quân Đức, Dohun lái xe vào rừng nấp. Khi toán tuần tiễu Đức đi khỏi, anh lại lên đường. Tới nơi, anh nhìn thấy những hàng dài thương binh chờ được cứu chữa. Dohun, chắc chắn rằng Johnson có thể chết bất cứ lúc nào, chạy dọc theo hàng thương binh cho tới khi bắt gặp một bác sĩ phẫu thuật đang kiểm tra thương binh xem những người nào cần ưu tiên ngay. “Thiếu tá,” Dohun nói với người bác sĩ, “đại úy của tôi cần được phẫu thuật ngay”. Viên thiếu tá lắc đầu. “Tôi xin lỗi, thượng sĩ,” ông ta nói với Dohun. “Chúng tôi sẽ xem xét anh ta. Anh ta phải đợi tới lượt mình thôi”. Dohun cố lần nữa. “Thiếu tá, anh ta sẽ chết nếu ông không cứu anh ta ngay”. Người bác sĩ vẫn kiên quyết. “Chúng tôi có rất nhiều thương binh tại đây,” ông ta nói. “Đại úy của anh sẽ được chăm sóc ngay khi đến lượt”. Dohun rút khẩu 45 của mình ra đưa tay lên cò súng. “Như thế không kịp,” anh ta bình thản nói. “Thiếu tá, tôi sẽ giết ông lập tức ngay tại đâu nếu ông không khám ngay cho anh ấy”. Ngạc nhiên, người bác sĩ tròn mắt nhìn Dohun. “Đưa anh ta vào”, ông nói.

Trong lều phẫu thuật Dohun đứng quan sát, khẩu 45 cầm tay trong lúc người bác sĩ và kíp mổ cứu chữa cho Johnson. Trong lúc người thượng sĩ đứng nhìn, Johnson được truyền máu, vết thương được vệ sinh sạch và một viên đạn được lấy ra khỏi sọ anh ta, một viên khác từ vai trái. Khi cuộc phẫu thuật kết thúc và Johnson đã được băng bó, Dohun quay ra. Bước tới gần người bác sĩ, anh ta chìa khẩu 45 ra. “Ok,” anh ta nói, “cảm ơn. Bây giờ ông có thể bắt tôi”.

Dohun được gửi trả lại tiểu đoàn 2 trung đoàn 502. Tại đó, anh ta được đưa tới trước tiểu đoàn trưởng. Dohun ngạc nhiên trước sự quan tâm. Anh được hỏi liệu có ý thức chính xác mình đã làm gì và rằng hành động của anh ta đáng ra tòa án binh không. Dohun trả lời, “Có, thưa ngài, tôi biết”. Đi đi lại lại một hồi, viên sĩ quan chợt dừng lại. “Thượng sĩ,”ông ta nói, “tôi ra lệnh bắt giữ anh…” ông ta dừng lại rồi nhìn đồng hồ - “trong chính xác một phút”. Rồi ông ta nhìn Dohun. “Giải tán”, ông ta nói. “Giờ hãy quay về đơn vị”. Dohun nghiêm chỉnh chào. “Rõ, thưa ngài”, anh ta đáp rồi quay ra (CT: tôi có được câu chuyện này là nhờ bà Johnson. Bà nghe được câu chuyện đầu tiên từ một sĩ quan của trung đoàn 502, đại úy Hugh Roberts. Cho dù đại úy Roberts không nói ra tên người sĩ quan chỉ huy ở trên, tôi đành đoán rằng đó là trung tá Steve Chappuis chỉ huy tiểu đoàn 2. Đại úy Johnson chỉ nhớ lại “tỉnh dậy ở Anh 6 tuần sau – mù, điếc, câm, sụt đi 40 cân Anh và với một miếng vá trên đầu”. Anh hồi phục, nhưng mất một phần thị lực. Thượng sĩ Dohun, trong những cuộc phỏng vấn và thư trả lời cho cuốn sách này, không nói nhiều đến những gì anh làm trong việc cứu sống đại úy Johnson. Nhưng anh thừa nhận chuyện này đã xảy ra. “Cho tới giờ tôi cũng không rõ,” anh viết, “liệu tôi có định bắn người sĩ quan quân y đó thật hay không”).
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #189 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 04:37:50 pm »

Lúc này, tại đoạn hành lang do tướng Gavin phụ trách, trong lúc xe tăng của Horrock đang tiến về Nijmegen, việc chiếm điểm vượt sông trong thành phố trở nên vô cùng quan trọng. Vào hôm 17 quân Đức chỉ có vài người lính gác các đầu cầu bắc qua sông Waal. Tới chiều ngày 19 Gavin ước tính ông phải đối đầu với hơn 500 lính thủ pháo SS, lực lượng này chiếm giữ các vị trí rất thuận lợi và được pháo binh, thiết giáp yểm trợ. Lực lượng chính của sư đoàn thiết giáp cận vệ vẫn còn chưa đến nơi. Chỉ có đơn vị mũi nhọn của quân Anh – thuộc tiểu đoàn 1 của lực lượng Thủ pháo Cận vệ do trung tá Edward H.Goulburn chỉ huy – là sẵn sàng cho một cuộc tấn công và lính dù của Gavin trong dải hành lang dài 10 dặm của mình bị phân tán rất rộng trong lúc nỗ lực đẩy lùi quân địch không ngừng tìm cách áp sát. Vì trung đoàn đổ bộ tàu lượn của Gavin, đóng tại vùng Midland đang bị sương mù phủ kín của nước Anh, đã không thể lên đường được, ông chỉ có thể dành ra được 1 tiểu đoàn cho cuộc tấn công hiệp đồng cùng lực lượng thiết giáp mũi nhọn của Anh. Gavin chọn tiểu đoàn 2 trung đoàn 505 do trung tá Ben Vandervoort chỉ huy. Vẫn có cơ hội thành công cho đợt tấn công, dựa trên tốc độ và bất ngờ. Nếu có ai có khả năng thực hiện nó, Gavin tin rằng người đó là viên trung tá trầm tĩnh nhỏ nhẹ Vandervoort (CT: Tại Normandy, Vandervoort đã chiến đấu 40 ngày với một mắt cá chân bị vỡ. Xem “The Longest Day”, tr.143, 181). Dẫu vậy, cuộc tấn công vẫn rất mạo hiểm. Gavin nghĩ người Anh có vẻ đánh giá thấp sức mạnh quân Đức, mà đúng là như vậy. Báo cáo sau trận đánh của lực lượng Thủ pháo Cận vệ viết “Người ta đã cho rằng chỉ cần xe tăng xuất hiện là có thể đủ khiến quân địch rút lui”.

Vào lúc 3 giờ 30 phút chiều, cuộc tấn công hiệp đồng bắt đầu. Mũi tấn công nhanh chóng đột kích vào trung tâm thành phố mà không gặp kháng cự quyết liệt nào. Tại đó, chừng 40 xe tăng và xe bọc thép Anh chia thành hai cột, với lính dù Mỹ ngồi trên xe hoặc theo sau. Trên những chiếc tăng dẫn đầu và trên các xe trinh sát có 12 người dẫn đường được lựa chọn thuộc lực lượng kháng chiến Hà Lan – trong đó có anh sinh viên 22 tuổi Jan van Hoof, người mà những hành động sau đó đã trở thành chủ đề cho một cuộc tranh cãi quyết liệt. “Tôi rất miễn cưỡng khi sử dụng anh ta,” sĩ quan liên lạc Hà Lan của sư đoàn 82, đại úy Arie D.Bestebreurtje hồi tưởng lại. “Anh ta có vẻ rất kích động, nhưng một thành viên kháng chiến ngầm khác đảm bảo về anh ta. Anh ta đi trên một chiếc xe trinh sát Anh và đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy anh ta”. Sau khi chia đôi, một đội hình hướng tới cây cầu đường sắt và đội hình thứ hai, với Goulburn và Vandervoort, tiếp cận cây cầu trên xa lộ qua sông Waal.

Tại cả hai mục tiêu quân Đức đều đang chờ sẵn với lực lượng mạnh. Thượng sĩ nhất Paul Nunan nhớ rằng khi trung đội của anh áp sát một đường hầm gần cầu đường sắt, “chúng tôi bắt đầu bị đạn bắn tỉa bắn vào. Với hàng ngàn chỗ xạ thủ có thể nấp, khó mà biết đạn từ đâu bắn tới”. Binh lính tản ra tìm chỗ nấp và từ từ lui lại. Lực lượng thiết giáp Anh cũng không gặp may hơn. Khi những chiếc tăng bắt đầu từ từ tiến về phía cầu, đạn 88 mm, bắn trực xạ từ phía cuối phố, hạ gục chúng. Một đường phố rộng, Kraijenhoff Laan, dẫn tới một công viên hình tam giác ở phía tây cầu. Tại đó, trong các ngôi nhà đối diện ba mặt công viên, những người lính dù tập hợp lại để chuẩn bị cho một đợt tấn công nữa. Nhưng quân Đức lại chặn đứng họ. Xạ thủ bắn tỉa nấp trên mái nhà và súng máy bắn từ bên kia đường sắt làm mọi người phải nằm rạp xuống.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM