Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 06:19:03 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một cây cầu quá xa  (Đọc 131844 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #170 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2010, 08:49:26 pm »

Đầu tiên, sự bất bình của Hackett tập trung vào chuyện Hicks đã điều động đi tiểu đoàn 11 của ông ta. Viên thượng tá yêu cầu được biết tiểu đoàn này đã được giao nhiệm vụ gì và ai đang trực tiếp chỉ huy ở khu vực đó. “Ông ta nghĩ”, Hicks nhớ lại, “ tình hình diễn biến quá nhanh và hiển nhiên là không đồng ý với quyết định của tôi”. Hicks, người lớn tuổi hơn, kiên nhẫn giải thích vì sự chống trả dữ dội của quân Đức, tình hình chiến sự hiện tại là hoàn tòan không được lường trước. Từng tiểu đoàn, do đó, lúc này đang chiến đấu độc lập để tìm cách tiếp cận cầu, và cho dù đã được chỉ định tiến theo những tuyến đường cụ thể, các đơn vị trên cũng đã được cảnh báo trước do những điều kiện bất thường những trường hợp nhầm lẫn rất có thể sẽ xảy ra. Hai hay nhiều đơn vị hoàn toàn có thể bị dồn vào cùng một khu vực. Hackett nóng nảy bình luận rằng “hệ thống chỉ huy rõ ràng là không đáp ứng được yêu cầu.”

Hicks đồng ý, nhưng mục đích, ông nói với Hackett, “là nhằm giúp đỡ Frost tại cầu bằng bất cứ cách nào chúng ta có và càng nhanh càng tốt”. Trong lúc đồng ý rằng Frost cần được gấp rút tăng viện, Hackett lạnh lùng phê phán là việc này có thể được thực hiện “một cách có tổ chức hơn và hiệp đồng hơn”. Lý luận của Hackett cũng đáng được nhìn nhận: một cuộc đột kích đồng loạt có sự phối hợp rất có thể sẽ thành công trong việc chọc thủng vành đai của quân Đức và tiếp cận Frost; thế nhưng, thiếu phương tiện liên lạc và bị dồn ép liên tục bởi những cuộc tấn công không ngừng của quân Đức, Hicks quả thực không có đủ thời gian để tổ chức một cuộc tấn công quy mô như vậy.

Sau đó hai người quay sang trao đổi về vai trò của lữ đoàn của Hackett trong ngày hôm sau. Theo quan điểm của Hicks, Hackett không nên tìm cách cố chiếm cao điểm phía bắc Arnhem. “Tôi nghĩ ông ta sẽ giúp Frost tốt hơn bằng cách tiến thẳng vào Arnhem và giúp giữ đầu cầu phía bắc”. Hackett kịch liệt phản đối. Ông ta muốn có một mục tiêu cụ thể, và có vẻ biết nó nên là gì. Ông ta sẽ chiếm cao điểm phía đông Johannahoeve trước tiên, viên thượng tá nói, và sau đó “xem xét xem tôi có thể làm gì để hỗ trợ các mũi tiến công tại Arnhem”. Trong cuộc đấu khẩu hạ giọng nhưng không kém phần căng thẳng, Hackett khăng khăng đòi được có một thời gian biểu để “tôi có thể phối hợp hành động của mình với những người khác”. Ông ta cần “một kế hoạch có lý”. Nếu không, Hackett nói, ông ta sẽ buộc “phải đặt câu hỏi về quyền chỉ huy sư đoàn”.

Trung tá P.H.Preston, sĩ quan văn phòng sở chỉ huy, có mặt trong cái mà Hicks sau đó đã gọi đầy hàm ý là “cuộc trao đổi của chúng tôi”. Preston nhớ là Hicks, “khuôn mặt căng thẳng”, quay sang phía ông và nói, “thượng tá Hackett nghĩ ông ấy phải được chỉ huy sư đoàn”. Hackett phản đối cách lựa chọn từ ngữ này. Preston, cảm thấy cuộc tranh cãi đã đến mức căng thẳng một cách công khai, lập tức rời phòng và cử sĩ quan trực ban, Gordon Grieve, đi tìm tham mưu trưởng sư đoàn, đại tá Mackenzie.

Mackenzie, đang nghỉ trong một phòng ở tầng trên, không tài nào chợp mắt được. “Tôi đã ở đó được chừng nửa giờ khi Gordon Grieve bước vào. Anh ta nói rằng tôi cần xuống dưới nhà ngay, và rằng hai lữ đoàn trưởng, Hicks va Hackett, “đang cãi nhau nảy lửa”. Tôi vẫn mặc nguyên quần áo. Trong lúc xuống nhà tôi cố nghĩ nhanh về tình hình. Tôi biết cuộc cãi vã là do đâu, và hiểu tôi cần có một hành động quyết định. Tôi không hề có ý định vào phòng chỉ huy tác chiến để pha trò. Tôi cảm thấy lúc này mệnh lệnh của tướng Urquhart đang bị thách thức và tôi dự định sẽ ủng hộ Hicks trong mọi chuyện”.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #171 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2010, 08:49:33 pm »

Khi Mackenzie bước vào, cuộc đối thoại giữa hai lữ đoàn trưởng đột ngột dừng lại. “Cả hai đều bắt đầu cố gắng lấy lại bình tĩnh,” Mackenzie nhớ lại, “và lập tức có thể thấy rõ điều tệ hại nhất đã qua”. Hicks, ngước lên nhìn Mackenzie, gần như bình thản. “A, xin chào, Charles”, Mackenzie nhớ lúc đó ông này nói, “Thượng tá Hackett và tôi đã có chút tranh luận, nhưng giờ thì ổn rồi”. Hicks đoan chắc là “mọi việc đã ổn cả. Tôi tỏ ra nghiêm khắc với Hackett và khi ông ta rời sở chỉ huy tôi biết ông ta sẽ làm theo lệnh tôi”. Tuy thế, cho dù bên ngoài có vẻ chấp nhận vai trò mới của Hicks đến đâu đi nữa, quan điểm của Hackett hầu như không hề thay đổi. “Tôi dự định sẽ tuân lệnh Pip nếu chúng có lý,” ông này nhớ lại. “Những gì tôi được lệnh làm còn xa mới có thể coi là vậy. Do đó, tôi buộc phải tận dụng tình thế mình là lữ đoàn trưởng có thâm niên hơn trong hai người và tự ra những mệnh lệnh hợp lý cho lữ đoàn của mình. (CT: Tôi (tác giả) tin rằng cuộc cãi vã còn nghiêm trọng hơn được kể lại ở trên nhiều, nhưng có thể hiểu được là Hicks và Hackett, hai người bạn thân, đều miễn cưỡng khi phải nhắc đến nó một cách chi tiết hơn. Có ít nhất 4 dị bản khác nhau thuật lại những gì đã xảy ra, và có thể không bản nào là đúng hoàn toàn. Những gì tôi thuật lại dựa trên các cuộc phỏng vấn với Hackett, Hicks, và Mackenzie, và theo hồi ký “Arnhem” của Urquhart, tr.77 – 90, và cuốn “The Battle of Arnhem” của Hibbert, tr.101 - 103).
Dưới những hòan cảnh khác, cuộc đối đầu giữa hai viên lữ đoàn trưởng rất có thể chỉ đơn thuần trở thành một giai thoại lịch sử. Hai con người can đảm, có tinh thần trách nhiệm, trong những hoàn cảnh cực kỳ căng thẳng và với cùng mục đích, đã mất bình tĩnh trong giây lát. Trong tổng kết của Market Garden, khi kế hoạch đang bị đe dọa nghiêm trọng và từng người lính đều rất cần thiết nếu muốn một cố gắng tổng lực nhằm chiếm lấy cây cầu Arnhem thành công, sự phối hợp giữa các chỉ huy và sự gắn kết trong toàn đơn vị là cực kỳ quan trọng. Đặc biệt là khi số phận của đạo quân đổ bộ đường không số 1 Đồng Minh đang bước sang một khúc ngoặt: trên toàn khu quyết chiến của Market Garden, lực lượng tăng viện mà thống chế Von Runstedt hứa đang liên tục kéo tới mặt trận phía tây.

Nicolaas de Bode, một kỹ thuật viên cao cấp, người đã thiết lập những đường điện thoại bí mật đầu tiên cho lực lượng kháng chiến ngầm giữa bắc và nam Hà Lan, đã ở trong phòng mình suốt ngày. Theo chỉ thị từ chỉ huy kháng chiến của khu vực, Pieter Kruyff, De Bode ngồi bên khung cửa sổ nhỏ nhìn xuống Velper Weg, một đường phố rộng đi từ phía đông Arnhem tới Zutphen ở phía bắc. Cho dù anh không rời vị trí của mình, những cuộc gọi đã tới chỗ anh từ các vùng ngoại ô phía tây và làm anh này rất lo lắng. Tại Wolfheze và Oosterbeek, các thành viên kháng chiến ngầm nói đến những trục trặc. Những thông báo đầy phấn khích về sự giải phóng đã dừng lại. Đã vài giờ nay, tất cả những gì anh nghe thấy là tình hình đang xấu đi. De Bode được yêu cầu liên tục quan sát mọi di chuyển quan trọng của quân Đức từ phía bắc và đông. Cho tới giờ anh này vẫn chưa nhìn thấy gì. Những báo cáo của anh, gọi tới chỉ huy lực lượng kháng chiến ngầm hàng giờ, luôn chỉ có một thông tin “Con đường vẫn vắng lặng”, anh thông báo hết lần này tới lần khác.

Đến khuya, chừng hai mươi phút trước khi tới lần báo cáo tiếp theo, anh này nghe thấy “tiếng xe bọc thép bánh hơi và cả tiếng xích xe tăng”. Anh mệt mỏi bước tới bên cửa sổ, nhìn xuống Velper Weg. Con đường có vẻ vẫn vắng ngắt như trước. Thế rồi ở phía xa, hiện lên dưới ánh lửa đang hắt lên bầu trời thành phố, anh thanh niên trông thấy hai chiếc xe tăng lớn. Đi song song dọc con đường rộng, chúng đi thẳng về phía khu nội đô cổ của thành phố. Trong lúc De Bode mở to mắt ra nhìn, bên cạnh những chiếc tăng anh ta nhìn thấy những chiếc xe tải “chở lính có vẻ tươm thất, ngồi ngay ngắn trên băng ghế, súng trường dựng phía trước người. Sau đó, thêm nhiều xe tăng và lính ngồi xe tải nữa”. Lập tức anh gọi cho Kruyff và nói, “Có vẻ cả một đạo quân Đức với xe tăng và các vũ khí khác đang tiến thẳng vào Arnhem”.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #172 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2010, 08:49:45 pm »

Người đã cảnh báo London hôm 14/9 về sự có mặt của quân đoàn panzer SS số 2 của Bittrich, Henry Knap, phụ trách quân báo của lực lượng kháng chiến tại Arnhem, lúc này đang nhận được liên tiếp các báo cáo về lực lượng tăng viện của Đức từ mạng lưới tình báo viên của mình. Knap quyết định mạo hiểm. Anh gọi thẳng điện thoại tới sở chỉ huy Anh tại Hartenstein và nói chuyện với sĩ quan trực ban. Không rào đón Knap báo cho anh ta biết “ một đơn vị xe tăng, gồm cả Tiger, đang tiến vào Arnhem và một số đang hướng tới Oosterbeek”. Viên sĩ quan lịch sự bảo Knap giữ máy. Vài phút sau anh ta nhấc máy trở lại. Cảm ơn Knap, anh ta giải thích rằng “đại úy nghi ngờ thông báo đó. Dù sao đi nữa, anh ta đã nghe được không ít chuyện hoang đường”. Nhưng sự hoài nghi tại sở chỉ huy Anh nhanh chóng biến mất khi Pieter Kruyff xác nhận tin này qua trung tá Arnoldus Wolters, sĩ quan hải quân hoàng gia Hà Lan, người đang giữ vai trò sĩ quan liên lạc tình báo cho sư đoàn đổ bộ, rằng ít nhất “năm mươi xe tăng đang tiến vào Arnhem từ phía bắc”.

Mùi chiến trận bao phủ cả khu nội đô. Trên cầu, những đống đổ nát chất cao hơn lan can bê tông và rải khắp các đường phố dọc sông Rhine. Khói làm phủ lên các ngôi nhà và những khoảng sân một lớp màng nhờn nhờn. Suốt dọc bờ sông hàng trăm đám cháy bốc lửa không được ai dập, và người ta nhớ lại rằng mặt đất không ngừng rung lên bởi bộc phá nổ khi quân Đức, trong những giờ cuối cùng của ngày giao chiến thứ hai này, đang cho nổ tung những vị trí phòng ngự của quân Anh quanh rầm cầu phía bắc trong cuộc tranh chấp khốc liệt quyền kiểm soát mục tiêu chủ yếu của Montgomery.

Vào khoảng nửa đêm trung tá John Frost rời sở chỉ huy của mình ở phía tây rầm cầu và đi khắp vành đai phòng ngự để kiểm tra quân số. Cho dù trận đánh đã diễn ra hầu như không ngừng kể từ lúc những chiếc xe bọc thép của Grabner tấn công lúc sáng, tinh thần quân Anh vẫn rất cao. Frost thấy tự hào về những người lính mệt mỏi, nhem nhuốc của mình. Suốt cả ngày họ đã bướng bỉnh đẩy lui hết đợt tấn công này tới đợt tấn công khác. Không một lính Đức hay một chiếc xe nào của địch tới được đầu cầu phía bắc.

Vào buổi chiều quân Đức đã thay đổi chiến thuật. Dùng đạn phosphor, họ hy vọng lửa sẽ đẩy bật người Anh khỏi vị trí của mình. Một khẩu pháo nòng dài 150 mm rót những quả đạn nặng 100 cân Anh thẳng vào tòa nhà nơi Frost thiết lập sở chỉ huy, buộc mọi người phải ẩn nấp dưới hầm nhà. Sau đó súng cối Anh xác định được vị trí địch và bắn một phát trúng đích, tiêu diệt kíp pháo thủ. Trong lúc quân Anh reo hò phấn khởi, quân Đức chạy tới dưới làn đạn để kéo khẩu pháo đi. Những ngôi nhà quanh vành đai phòng ngự cháy ngùn ngụt, nhưng những người lính Anh giữ vững trong đó đến tận phút cuối cùng trước khi di chuyển sang vị trí khác. Tổn thất rất lớn. Xe half track và xe quân sự khác bị cháy, bị nổ tan tành cùng những đống đổ nát nghi ngút khói chen cứng tất cả các đường phố. Thượng sĩ Robert H. Jones nhớ lại quang cảnh như “một biển lửa với những ngôi nhà đang vừa cháy đùng đùng vừa sụp đổ, những chiếc half track, xe tải, xe jeep ngập trong lửa”. Trận đánh đã trở thành một cuộc thi sức chịu đựng, một cuộc đối đầu mà Frost biết người của mình sẽ không thể dành phần thắng nếu không được tăng viện.

Các tầng trệt và tầng hầm lúc này đã chật ních thương binh. Một trong các cha tuyên úy của tiểu đoàn, linh mục Bernard Egan, và sĩ quan quân y tiểu đoàn, đại úy James Logan – hai người bạn từ những ngày chiến dịch ở Bắc Phi – chăm sóc thương binh với dự trữ thuốc và y cụ nhanh chóng cạn kiệt. Không còn morphin và thậm chí băng gạc cũng đã gần cạn. Những người lính dù đã tiến tới cây cầu chỉ mang theo lượng dự trữ nhẹ đủ cho 48 giờ. Lúc này, những thứ đó hầu như đã hết, và quân Đức đã cắt đứt nguồn nước. Buộc phải tìm cái ăn, những người lính đành sống với những quả táo và vài quả lê tìm thấy trong tầng hầm và tầng trệt những căn nhà họ đang cố thủ. Binh nhì G.W.Jukes nhớ thượng sĩ của anh đã bảo mọi người, “Các cậu sẽ không cần nước nếu ăn thật nhiều táo”. Jukes mường tượng ra cảnh “cuối cùng được giải vây, đứng tựa lưng vào nhau thách thức, người đầy băng đẫm máu, xung quanh là xác lính Đức, vỏ đạn và lõi táo”.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #173 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2010, 08:50:09 pm »

Hết giờ này tới giờ khác, Frost trông chờ trong vô vọng các tiểu đoàn của Dobie hay Fitch chọc thủng vành đai Đức và tới cây cầu giải cứu cho họ. Cho dù tiếng súng nổ vang lên từ phía tây Arnhem, vẫn không có dấu hiệu gì của một lực lượng lớn xuất hiện. Suốt cả ngày hôm đó, Frost đã hy vọng có thêm tín hiệu từ quân đoàn 30 của Horrock. Họ đã không bắt được gì từ sau tín hiệu mạnh duy nhất bắt được lúc sáng. Những người lính đi lẻ thuộc tiểu đoàn 3 đã tới được chỗ Frost mang theo tin cho hay xe tăng của Horrock vẫn còn ở rất xa dưới hành lang. Một số người thậm chí còn biết qua nguồn của lực lượng ngầm Hà Lan rằng đạo quân này thậm chí còn chưa tới được Nijmegen. Lo lắng và bất an, Frost quyết định giữ thông tin này cho riêng mình. Ông bắt đầu tin rằng những người lính của tiểu đoàn 2 anh dũng, mà ông đã chỉ huy từ ngày thành lập, sẽ bị cô lập lâu hơn khoảng thời gian ông tin rằng họ có thể giữ vững.

Vào những giờ cuối cùng của ngaỳ thứ Hai, hy vọng của Frost đặt vào đợt đổ quân thứ 3 và sự xuất hiện theo dự kiến của lữ đoàn dù Ba Lan số 1 của thiếu tướng Stanislaw Sosabowski. “Theo kế hoạch họ sẽ nhảy dù xuống phía nam cầu”, Frost sau này viết, “và tôi không dám nghĩ đến sự chào đón từ mặt đất họ sẽ phải hứng chịu… nhưng quan trọng nhất là họ tìm thấy một nhóm đồng đội đợi đón họ”. Để chuẩn bị hội quân với lực lượng Ba Lan, Frost tổ chức một “đội đột kích cơ động”. Sử dụng hai chiếc jeep bọc thép của thiếu tá Freddie Gough và một xe gắn súng máy Bren, Frost hy vọng có thể đột kích qua cầu, và nhờ yếu tố bất ngờ cùng sự hỗn loạn do cuộc đổ quân gây ra, sẽ mở được một đường máu liên lạc với lực lượng Ba Lan.Thiếu tá Gough, người dự kiến sẽ chỉ huy nhóm này, cảm thấy “rất bi quan và rất không hào hứng với ý kiến nọ”. Ông ta vừa kỷ niệm sinh nhật thứ 43 của mình hôm 16/9. Nếu kế hoạch của Frost được thực hiện, Gough cảm thấy chắc chắn rằng ông ta sẽ chẳng bao giờ thấy lễ sinh nhật thứ 44 của mình. (CT: Sau chiến tranh, Gough được biết tướng Horrock cũng đã nghĩ tới một kế hoạch tương tự. Nhớ lại việc một đơn vị trinh sát cơ động đã tiến trước đội hình hành quân của lực lượng Anh và hội quân với sư đoàn 101, ông này nghĩ rằng một đội xung kích cơ động như vậy cũng có thể thử vận may của mình và đột kích tới cầu Arnhem. “Đại tá Vincent Dunkerly dự kiến sẽ chỉ huy nhóm này,” Gough nói, “và, cũng như tôi, ông ta thừa nhận rằng suốt cả đêm chỉ cần nghĩ tới việc này cũng đủ để ông gần đái ra quần”. )

Quân dù Ba Lan sẽ không đổ bộ trước 10 giờ sáng ngày 19. Lúc này, đi kiểm tra một vòng lực lượng của mình tại các chiến hào, ụ súng máy, tầng trệt và tầng hầm, Frost nhắc nhở họ tiết kiệm đạn. Họ chỉ được bắn ở khoảng cách gần, và mỗi viên đạn phải trúng quân địch. Hiệu thính viên James Haysom đang chĩa khẩu súng trường của mình vào một tay Đức khi lệnh của viên trung tá được truyền ra. “Đứng im đi chứ, đồ ngốc”, anh này kêu tướng lên. “Những viên đạn này tốn tiền cả đấy”.

Trong khi Frost biết rằng mức độ hỏa lực giảm xuống có thể giúp quân địch củng cố vị trí, ông cũng tin rằng quân Đức sẽ bị nhầm lẫn và nghĩ rằng người Anh không những đã bị suy giảm về số lượng mà cả về tinh thần. Thái độ đó, Frost tin chắc, sẽ khiến quân Đức phải trả giá đắt.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #174 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2010, 08:50:34 pm »

Ở phía đối diện so với rầm cầu, toán quân nhỏ của đại úy Eric Mackay đã chứng minh trên thực tế giả thuyết của Frost. Trong ngôi trường học đã tan nát dưới rầm cầu, Mackay đã gom lực lượng nhỏ của mình vào hai phòng và chỉ định vài người ở sảnh phía ngoài để cảnh giới không cho quân địch xâm nhập vào. Mackay chưa kịp bố trí xong người của mình thì quân Đức tung ra một đợt tấn công dữ dội bằng hỏa lực súng cối và súng máy. Hạ sĩ Arthur Hendy nhớ rõ hỏa lực đối phương dày đến mức đạn “lao như mưa qua những khung cửa sổ vỡ, chẻ tung ván lát sàn lên khiến chúng tôi phải né tránh những mảnh dăm gỗ cũng cẩn thận như những viên đạn thật”.

Trong lúc mọi người nằm bẹp xuống tránh đạn, Mackay phát hiện ra quân Đức đã mang súng phun lửa tới, và chỉ vài phút sau một chiếc half track đã bị phá hủy nằm gần trường học đã bốc cháy rừng rực. Sau đó, Mackay nhớ lại, “quân Đức đốt ngôi nhà nằm ở phía bắc chúng tôi và nó cháy phừng phừng, đưa những lưỡi lửa sang mái gỗ ngôi trường chúng tôi đang nấp khiến nó lập tức bắt lửa”. Trong thế cùng, mọi người chạy lên mái, tại đây, suốt hơn ba giờ liên tục, họ dùng những bình chữa cháy có trong trường và áo khoác ngụy trang của chính mình để dập lửa. Theo hạ sĩ Hendy mùi khét “như thể phomát hay thịt cháy vậy. Cả vùng sáng rực. Hơi nóng ở tầng áp mái thật khủng khiếp và trong suốt thời gian đó lính bắn tỉa Đức nhằm bắn vào chúng tôi. Cuối cùng ngọn lửa cũng được dập tắt”.

Khi những người lính kiệt sức tập hợp trở lại hai căn phòng, Mackay lệnh chọ họ lấy áo sơ mi và áo khoác quấn vào chân. “Sàn đá của những căn phòng đầy mảnh thủy tinh, mảnh nhựa và kim loại, còn các cầu thang thì trơn nhẫy vì máu. Mọi thứ vỡ ra dưới chân chúng tôi và làm thành một cái bàn chông khủng khiếp”. Khi Mackay vừa định xuống tầng hầm để xem xét tình hình những người bị thương, anh nhớ “có một quầng lửa lóe lên cùng một tiếng nổ khủng khiếp. Điều tiếp theo tôi cảm thấy là ai đó đang vỗ vào mặt tôi”. Trong lúc đám cháy xảy ra quân Đức đã mang tới một khẩu Panzerfauste chống tăng nhằm cố tiêu diệt nhóm đối thủ ít ỏi bên trong một lần cho xong. Choáng váng vì kinh ngạc, Mackay nhìn thấy cả góc tây nam của ngôi trường cùng một phần mái vẫn còn đang bốc khói đã bay mất. Tệ hơn, các phòng học giờ đây trông giống như lò sát sinh với người chết và bị thương la liệt khắp nơi. “Chỉ ít phút sau,” Mackay nhớ lại, “có ai đó chạy tới nói anh ta nghĩ rằng chúng tôi đã bị bao vây. Tôi nhìn qua một ô cửa sổ. Phía dưới đầy quân Đức. Cũng thật nực cười, đám này chẳng làm gì cả, chỉ đứng ngoài bãi cỏ. Chúng có mặt khắp xung quanh chúng tôi trừ phía tây. Chúng hẳn nghĩ rằng khẩu Panzerfauste đã tiêu diệt hết chúng tôi, vì chúng tôi đã ngừng bắn.”

Thận trọng bước qua những thân người nằm trên sàn, Mackay lệnh cho người của mình chuẩn bị lựu đạn. “Khi tôi hô “Bắn!” hãy tấn công với tất cả những gì các vị có”, anh nói. Quay lại ô cửa sổ ở phía đông nam, Mackay ra lệnh. “Họ liền ném lựu đạn xuống đám quân địch phía dưới và chúng tôi lập tức bắn theo với tất cả những gì chúng tôi có: sáu khẩu Bren và 14 khẩu Sten, bắn với tốc độ tối đa”. Trong bóng tối, những người lính dù đứng thẳng giữa những ô cửa sổ, cắp súng máy vào nách bắn và hô tiếng hô xung trận của họ, “Whoa Mohammed.” Sau vài phút cuộc phản công kết thúc. Như Mackay hồi tưởng lại, “khi tôi ngoái ra ngoài nhìn, tất cả những gì tôi thấy bên dưới là một tấm thảm màu xám. Chúng tôi đã hạ được khoảng 30 đến 50 tên Đức”.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #175 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2010, 08:50:48 pm »

Sau đó người của viên đại úy đi thu nhặt những người bị thương và hy sinh. Một người tử trận với 15 viên đạn găm vào ngực. Năm người khác bị thương nặng và hầu hết mọi người đều bị bỏng trong lúc cố cứu mái nhà bị cháy. Mackay cũng lại bị trúng mảnh đạn pháo và anh phát hiện ra chân mình như dính chặt vào ủng. Cả Mackay lẫn Pinky White, người giữ vai cứu thương tại đó, đều không thể rút mảnh kim loại ra và Mackay siết chặt ủng lại để giữ chân đỡ sưng phồng. Từ 50 người ban đầu, lúc này Mackay chỉ còn 21 người còn đủ sức chiến đấu; bốn người đã chết, 25 bị thương. Cho dù không có lương thực và chỉ còn một ít nước, viên đại úy có rất nhiều morphin và có thể giúp những người bị thương giảm đau. “Hầu như tất cả đều bị sốc và mệt mỏi,” anh nhớ lại, “nhưng chúng tôi đã dành được cho mình một khoảng nghỉ ngơi tạm thời. Tôi không hề nghĩ mọi chuyện có vẻ khả quan, nhưng chúng tôi nghe BBC và họ nói tất cả đều diễn ra theo đúng kế hoạch. Tôi gọi radio cho trung tá, nói rằng chúng tôi đều rất vui vẻ và đang đứng vững”.

Khi hạ sĩ Hendy cố chợp mắt lấy vài phút anh nghe thấy tiếng chuông nhà thờ từ xa vọng lại. Lúc đầu anh nghĩ tiếng chuông là để báo tin xe tăng của Horrock xuất hiện, nhưng tiếng chuông không đều đặn và liên tục. Hendy vỡ lẽ rằng đạn hay mảnh trái phá có thể đã bắn trúng chuông. Anh nghĩ tới những người đang ở quanh sở chỉ huy của Frost ở phía bên kia rầm cầu, tự hỏi không biết họ có giữ vững được không. Viên hạ sĩ không thể nào rứt bỏ được một cảm giác u ám, tuyệt vọng.

Sự giúp đỡ mà Frost cần khẩn cấp đến thế lại ở gần đến cay đắng – chỉ cách họ vẻn vẹn có một dặm. Bốn tiểu đoàn rải ra trong khoảng giữa bệnh viện St Elizabeth và sông Rhine đang vật lộn để cố tới được với ông. Tiểu đoàn 3 của trung tá Fitch đã thử tìm cách đột kích theo tuyến đường Sư tử - con đường ven sông Rhine mà Frost đã dùng để tiếp cận cầu hai hôm trước. Trong đêm, không có liên lạc, Fitch không hề biết 3 tiểu đoàn khác cũng đang vận động – tiểu đoàn 1 của trung tá David Dobie, tiểu đoàn 11 của trung tá G.H. Lea, và tiểu đoàn South Stafford của trung tá W.D.H.McCardie; trong đó đơn vị của Dobie chỉ cách tiểu đòan 3 có vài trăm yard.

Lúc 4 giờ sáng ngày thứ Ba, 19/9, tiểu đoàn 11 và tiểu đoàn 2 South Stafford bắt đầu đi qua khu vực dân cư dày đặc giữa bệnh viện St Elizabeth và bảo tang Arnhem. Ở phía nam họ, theo tuyến Sư tử, hơi Fitch đã gặp phải những đòn tấn công khốc liệt của đối phương, lúc này tiểu đòan 1 lại đang tìm cách đột kích qua. Lúc đầu cả 3 tiểu đoàn, hiệp đồng hành động với nhau, dành được lợi thế. Nhưng sau đó, khi trời sáng dần, màn đêm che chở cho họ không còn nữa. Sự chống trả của quân Đức, không đáng kể trong đêm, bất ngờ trở nên dữ dội. Cuộc tiến công chững lại khi các tiểu đoàn bị kẹt giữa một mạng lưới chặt chẽ, bị phục kích từ ba phía bởi một kẻ địch có vẻ đã chờ sẵn họ ở đó theo các vị trí được vạch kế hoạch trước. Và quân Đức đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc tàn sát.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #176 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2010, 08:50:55 pm »

Những đơn vị đi đầu bị đánh trúng đội hình và chặn lại bởi xe tăng và pháo tự hành Đức án ngữ các đường phố phía trước họ. Từ trên các cửa sổ của những ngôi nhà nằm trên cao sát đường ray xe lửa về phía bắc, những khẩu súng máy phục sẵn khai hỏa. Và từ những ụ súng bằng gạch dọc sông Rhine những khẩu pháo cao xạ nhiều nòng, hạ nòng xuống phương nằm ngang, chụp thẳng vào tiểu đoàn của Dobie và đánh tan nát người của Fitch khi các đơn vị này cố tiến theo con đường ven sông Rhine hạ. Tiểu đòan của Fitch, vốn đã tổn thất nặng từ khi đổ quân hai ngày trước, lúc này bị chia cắt thành từng mảnh bởi đạn cao xạ bắn như mưa không ngừng, đã không còn tồn tại như một đơn vị thống nhất nữa. Họ không tiến lên cùng không rút lui được. Không có bất cứ nơi trú ẩn nào trên con đường trống trải, họ đã bị bắn hạ như phạt cỏ theo đúng nghĩa đen. “Một sự thật hiển nhiên thật đau đớn,” đại úy Ernest Seccombe nói, “ là bọn Jerry có nhiều đạn hơn chúng tôi. Chúng tôi cố tiến lên thành từng đợt, chạy từ chỗ nấp này sang chỗ nấp khác. Tôi vừa mới bắt đầu một đoạn chạy như vậy thì bị kẹt giữa một làn đạn chéo cánh sẻ chết chóc. Tôi đổ xuống như một tải khoai tây. Tôi thậm chí không lết đi được”. Seccombe, bị trúng đạn vào cả hai chân, tuyệt vọng nhìn quân Đức áp sát mình. Viên đại úy Anh, người nói thạo tiếng Đức, bảo họ hãy nhìn giúp chân của mình. Những người lính Đức cúi xuống xem xét vết thương của anh ta. Sau đó, một người lính đứng nghiêm người nói. “Tôi xin lỗi, thưa ngài đại úy,” anh ta nói với Seccombe. “Tôi sợ là chiến tranh đã chấm dứt với ngài”. Người Đức gọi quân y của họ tới và Seccombe được đưa tới bệnh viện St Elizabeth. (CT: Gần như trong suốt trận Arnhem, bệnh viện này được cả các bác sĩ Đức và Anh sử dụng để cứu chữa thương binh của mình. Seccombe, trở thành tù binh, bị chuyển tới thị trấn Hà Lan nhở Enschede, cách biên giới Đức chừng 5 dặm. Trong thời gian anh ở tại đó, cả hai chân viên đại úy bị cưa cụt. Anh được giải phóng tháng 4/1945)

Một cách tình cờ một sĩ quan của Fitch phát hiện ra sự có mặt của đơn vị của Dobie ở tuyến đường phía dưới, và người của tiểu đoàn 1, bất chấp tổn thất nặng nề của mình, hối hả vận động về phía trước, hướng tới những người ít ỏi còn sống sót của Fitch. Dobie lúc này quyết tâm tới bằng được cầu bằng bất cứ giá nào, nhưng bất lợi là quá lớn. Trong khi ông đi vào khu vực đấu súng ác liệt và tìm cách bắt liên lạc với người của Fitch, chính Dobie bị thương và bị bắt (sau đó ông đã trốn thoát); vào cuối ngày hôm đó tiểu đoàn của Dobie chỉ còn lại chừng 40 người. Binh nhì Walter Boldock là một trong số họ. “Chúng tôi vẫn cố làm điều đó, nhưng đó là một tai họa. Chúng tôi liên tục bị đạn cối rót trúng, và xe tăng Đức gầm rú lao thẳng vào chúng tôi. Tôi cố bắn vào một chiếc bằng khẩu Bren của mình, sau đó có vẻ như chúng tôi lùi dần trở lại. Tôi đi qua một bể nước bị vỡ. Một thường dân mặc đồ xanh nằm chết gục, nước lênh láng xung quanh. Khi chúng tôi rời khỏi ngoại ô Arnhem, tôi biết chúng tôi sẽ không thể quay trở lại”.

Người của Fitch, định theo sau tiểu đoàn của Dobie, lại bị xé lẻ ra một lần nữa. Cuộc hành quân giờ không còn ý nghĩa nào nữa; những báo cáo sau trận đánh đã chỉ ra sự hỗn loạn hoàn toàn trong tiểu đoàn vào thời điểm này. “Tốc độ tiến quân khá khả quan cho đến khi chúng tôi tới khu vực gần chiếc cầu phao bị phá hỏng,” báo cáo của tiểu đoàn 3 viết. “Sau đó thương binh của tiểu đoàn 1 bắt đầu đi ngược trở lại qua chúng tôi. Hỏa lực súng máy rất mạnh, súng 20 mm, và súng cối bắn liên tục bắt đầu… tổn thất tăng nhanh, và mỗi phút đều có những toán thương binh chạy ngược lại phía sau”.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #177 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2010, 10:15:04 pm »

Trước nguy cơ đơn vị mình bị tiêu diệt hoàn toàn, Fitch ra lệnh cho người của mình rút về Rhine Pavillon, một khu quán ăn lớn bên bờ sông, nơi lực lượng còn lại của tiểu đoàn có thể tập hợp và chiếm lĩnh vị trí phòng ngự. “Tất cả sĩ quan và binh lính phải tìm mọi cách quay lại,” Fitch lệnh cho đơn vị của mình. “Cả khu vực như chìm trong lửa, và hy vọng duy nhất để rút lui an toàn là chia nhỏ ra”. Binh nhì Robert Edward nhớ rằng một thượng sĩ “mà đôi ủng đã đầy õng máu từ vết thương của anh ta, nói với chúng tôi tìm đường thoát vây và tìm tới đơn vị có tổ chức đầu tiên chúng tôi gặp. Trung tá Fitch không tới được Rhine Pavillon, Trên con đường thoát vây đầy hiểm nghèo, ông đã trúng đạn súng cối hy sinh.

Do một loạt những hoàn cảnh trớ trêu, hai người đáng lẽ không bao giờ có mặt tại đó lại phải lần mò vào Arnhem. Thiếu tá Anthony Deane-Drummond, chỉ huy phó thông tin sư đoàn, đã lo lắng về gián đoạn liên lạc đến mức, cùng cần vụ kiêm lái xe của mình, hạ sĩ Arthur Turner, anh đã tới tuyến trước để tìm hiểu tình hình. Deane-Drummond và Turner đã lên đường từ sáng sớm ngày thứ Hai. Lúc đầu họ tìm được tiểu đoàn của Dobie, tại đây họ được biết Frost đang ở cầu còn Dobie chuẩn bị đột kích đến trợ giúp. Đi tiếp theo con đường ven bờ sông, Deane_Drummond bắt kịp một số đơn vị thuộc tiểu đoàn 3 đang vật lộn cố tiến tới Arnhem và đi cùng những đơn vị này. Hỏa lực dữ dội của quân địch trùm lên họ và trong trận đánh diễn ra sau đó Deane-Drummond phải nắm lấy quyền chỉ huy phần còn lại của một đại đội đã mất sĩ quan chỉ huy. Dưới hỏa lực súng bộ binh không dứt và bị vây chặt đến mức Deane-Drummond nhớ quân Đức ném lựu đạn như mưa vào nhóm của mình, viên thiếu tá đã dẫn cả toán băng qua đường tới một cụm nhà nằm gần một con hẻm. Ở phía trước, anh đã trông thấy cây cầu. “Trong vài trăm yard cuối cùng trước khi tới được ngôi nhà tôi chỉ định, người trong toán của tôi ngã gục xuống như ruồi theo đúng nghĩa đen của câu này”, anh nhớ lại. “Chúng tôi chỉ còn gần 20 người, và tôi nhận ra phần còn lại của tiểu đoàn vẫn còn ở xa phía sau và khó mà bắt kịp chúng tôi”. Chia đơn vị thành ba toán, Deane-Drummond quyết định đợi đến đêm, đi xuống phía sông, bơi qua sông rồi cố gắng vòng lại tìm về sư đoàn theo hướng tây. Tại một ngôi nhà nhỏ ở góc đường với quân Đức khắp xung quanh, anh cùng toán của mình ém lại chờ đợi. Cửa trước bắt đầu bị đập mạnh. Deane-Drummond và ba người đi theo chạy ra sau nhà nấp vào buồng tắm khóa cửa lại. Từ những tiếng động vọng từ ngoài vào, rõ ràng là quân Đức đang bận rộn củng cố ngôi nhà thành một cứ điểm mạnh. Deane-Drummond đã bị kẹt. Anh và những ngừoi đi cùng phải ngồi lại trong căn phòng hẹp đó trong gần 3 ngày nữa. (CT: Deane-Drummond bị bắt hôm thứ Sáu, 22/9, ngay sau khi anh rời khỏi ngôi nhà gần cầu Arnhem. Tại một biệt thự gần Velp, được dùng làm trại giam tù binh, anh phát hiện ra một chiếc tủ tường và chui vào đó nấp. Trong chiếc tủ chật chội, viên thiếu tá đã nấp trong 13 ngày, chỉ nhấp miệng bằng vài ngụm nước và sống nhờ vài mẩu bánh mì. Vào ngày 5/10 anh trốn thoát, liên lạc với lực lượng kháng chiến ngầm Hà Lan và vào đêm 22/10 được đưa về trạm thu dung của sư đoàn đổ bộ số 1 tại Nijmegen. Một trong 3 người ở cùng anh tại Arnhem, người cần vụ hạ sĩ Arthur Turner, cũng bị giam tại ngôi nhà ở Velp. Sau đó anh này bị chuyển về trại tù binh ở Đức và được giải phóng tháng 4/1945. Câu chuyện của Deane-Drummond được kể lại sinh động nhất trong cuốn sách của anh, “Return Ticket” ).

Trong khi đó, tiểu đoàn 11 và tiểu đoàn South Stafford, sau nhiều giờ giao chiến không ngừng trên đường phố, cũng đã chững lại. Cuộc phản kích của xe tăng Đức giáng một đòn mạnh vào các tiểu đoàn, buộc họ phải từ từ lui lại.

Binh nhì Maurice Faulkner nhớ lại một số đơn vị của các tiểu đoàn này tới được bảo tàng với tổn thất nặng nề, chỉ để chạm trán phải xe tăng địch. “Tôi thấy một người nhảy ra khỏi một ô cửa sổ lên nóc một chiếc tăng và cố ném một quả lựu đạn vào,” Faulkner nhớ lại. “Anh ta bị đạn bắn tỉa giết chết, nhưng tôi nghĩ đằng nào anh ta cũng đã bị vây kín, và có lẽ bản thân anh ấy cũng hiểu đó là con đường duy nhất”.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #178 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2010, 10:15:21 pm »

William O’Brien kể lại rằng tình hình “đột nhiên trở nên hỗn loạn. Không ai biết phải làm gì nữa. Quân Đức đã mang những khẩu cối phản lực Nebelwerfer tới và chúng tôi sợ chết khiếp khi nghe tiếng rít của chúng. Tôi bắt đầu cảm thấy rằng các vị tướng đã đẩy chúng tôi vào một thứ mà họ không hề nghĩ tới. Tôi tự hỏi không biết cái đạo quân số 2 mắc dịch đó đang ở đâu”.

Binh nhì Andrew Milbourne, ở gần nhà thờ Oosterbeek, nghe thấy yêu cầu xạ thủ súng máy. Milbourne bước ra và được lệnh mang súng của mình cùng một toán xạ thủ tới đoạn đường giao nhay gần bệnh viện St Elizabeth để bắn yểm trợ cho hai tiểu đoàn đang rút lui. Đặt khẩu Vicker lên một chiếc jeep, Melbourne lên đường cùng 3 người khác. Milbourne đặt súng trong vườn một ngôi nhà ngay ngã tư đường. Gần như lập tức anh này cảm thấy bị cuốn vào một trận chiến của riêng mình. Đạn cối và trái phá như thể nhằm hết vào anh. Trong khi những người lính khác bắt đầu rút lui qua chỗ của anh, Milbourne nhả đạn liên tục về phía trước. Anh nhớ rõ nghe thấy một tiếng rít như xé gió, rồi một chớp lửa. Vài giây sau anh hiểu có gì đó không ổn với tay và mắt mình. Anh cũng nhớ ai đó kêu lên, “Chúa ơi, cậu ta bị rồi”.

Binh nhì Thomas Pritchard nghe thấy tiếng kêu và chạy tới nơi mọi người đang đứng quanh Milbourne. “Anh ấy nằm phục lên khẩu Vicker cong queo, hai tay lủng lẳng dính vào thân mình bằng một dải da, một con mắt tung ra khỏi hố mắt. Chúng tôi hét lớn gọi quân y”. Cách đó không xa người bạn thân nhất của Milbourne, hạ sĩ Terry “Taffy” Brace thuộc đơn vị quân y dã chiến 16, nghe thấy ai đó hét lớn. Để lại chỗ một người trúng mảnh trái phá anh vừa sơ cứu, Brace chạy gấp tới. “Nhanh lên,” một người gọi anh, “cậu bắn Vicker bị thương rồi”. Trong khi chạy, Brace nhớ, anh có thể nghe tiếng súng máy nổ liên tục, và đạn đại bác, đạn cối rơi khắp nơi. Tới gần một nhóm người, anh lách qua và kinh hoàng nhìn thấy Milbourne nằm trên mặt đất. Gấp gáp, Brace bó hai tay của Milbourne lại và đặt gạc dưới xương gò má người bị thương để cố định con mắt trái. Brace còn nhớ rõ vừa làm anh vừa nói không ngừng. “Chỉ là một vết xước thôi, Andy,” anh nói liên tục,”chỉ là vết xước thôi”. Bế người bạn lên, Brace mang Milbourne tới một trạm cứu thương nơi một bác sĩ Hà Lan lập tức bắt tay vào cấp cứu. Rồi anh quay lại trận địa. (CT: Milbourne sau đó bị bắt dưới tầng hầm ngôi nhà của gia đình Ter Horst tại Oosterbeek. Anh mất mắt trái và cả hai tay bị cắt bởi một bác sĩ phẫu thuật Đức tại Apeldoorn. Anh ở trong một trại tù binh tại Đức cho tới hết chiến tranh).

Brace chạy qua có đến cả trăm người nằm trên các cánh đồng và dọc con đường. “Tới cạnh ai tôi cũng dừng lại”, anh nhớ lại. “Điều duy nhất tôi làm được cho số lớn trong họ là lấy áo ngụy trang che mặt họ lại”. Brace băng bó tốt nhất có thể được cho một thượng sĩ bị thương và chuẩn bị đi tiếp, thì anh này với lấy anh. “Tôi không qua khỏi được đâu,” anh ta nói với Brace. “Xin hãy nắm lấy tay tôi”. Brace ngồi xuống nắm lấy tay người thượng sĩ giữa hai bàn tay mình. Anh nghĩ tới Milbourne,người bạn thân nhất, và tới nhiều người khác đã chạy ngược trở lại qua đó trong ngày. Vài phút sau, Brace cảm thấy một cái giật nhẹ. Nhìn xuống, anh thấy người thượng sĩ đã chết.

Lúc này người Anh đã ở trong tình thế hỗn loạn, không có pháo chống tăng, những khẩu Piat đã cạn đạn, và phải chịu tổn thất rất lớn. Cuộc tấn công trở thành một cuộc cố thủ. Cả hai tiểu đoàn tiếp viện đã không thể vượt qua khu vực dày đặc nhà cửa quanh bệnh viện St Elizabeth. Nhưng trong mê cung các đường phố đó, có một hành động đã thành công và có ý nghĩa tích cực. Cuộc tấn công đã đi quá ngôi nhà tại số 14 Zwarteweg, nơi tướng Roy Urquhart vẫn bị kẹt không ra được.

“Chúng tôi nghe thấy tiếng động cơ của khẩu pháo tự hành bên ngoài và tiếng xích sắt của nó nghiến xuống đường,” Urquhart sau này viết. “Nó bỏ đi”. Antoon Derksen xuất hiện và “phấn khích báo rằng quân Anh đang ở cuối đường. Chúng tôi chạy xuống phố và tôi cảm ơn chúa vì chúng tôi đã bắt được liên lạc với quân mình”.

Urquhart, được báo cáo từ một sĩ quan tiểu đoàn South Stafford rằng sở chỉ huy sư đoàn hiện đóng ở một khách sạn có tên Hartenstein tại Oosterbeek, yêu cầu một chiếc jeep, lái hết tốc độ qua một làn mưa đạn bắn tỉa và cuối cùng cũng tới sở chỉ huy.

Lúc đó là 7 giờ 25 phút sáng. Ông đã vắng mặt và mất khả năng kiểm soát trận đánh trong giai đoạn quyết định nhất của nó, suốt gần 39 giờ liền.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #179 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 04:33:19 pm »

Tại Hartenstein, một trong những người đầu tiên thấy Urquhart là tuyên úy trưởng G.A.Pare. “Tin tức không được tốt,” ông nhớ lại. “Có tin báo tư lệnh đã bị bắt và vẫn không liên lạc được với đạo quân số 2”. Khi Pare bước xuống bậc thềm khách sạn “còn ai đang xuống xe nếu không phải là tư lệnh. Nhiều người trong chúng tôi trông thấy ông, nhưng không ai nói câu nào. Chúng tôi chỉ tròn mắt nhìn – hoàn toàn ngỡ ngàng”. Bẩn thỉu với “bộ râu hai ngày chưa cạo trên mặt, trông tôi hẳn là đáng nhìn”, Urquhart nói. Vào lúc đó, đại tá Mackenzie, tham mưu trưởng, chạy ra. Nhìn chăm chăm vào Urquhart, Mackenzie nói với ông, “Chúng tôi đã đoán, thưa ngài, là ngài không quay lại nữa”.

Lập tức Mackenzie nhanh chóng báo cáo tóm tắt tình hình cho Urquhart đang lo lắng nghe, về những gì đã xảy ra trong khi ông vắng mặt và tình hình chiến sự lúc đó – như sở chỉ huy nắm được. Bức tranh toàn cục thật nghiêm trọng. Chua chat, Urquhart nhận ra sư đoàn xuất sắc của ông đã bị xé lẻ và tan tác. Ông nghĩ tới tất cả những bất lợi đã đến với lực lượng Market của mình: khoảng cách từ khu đổ quân tới cầu; mất hầu như hòan toàn liên lạc; việc thời tiết đã trì hoãn lữ đoàn 4 của Hackett, rồi sự mất mát một lượng lớn hậu cần rất quý báu; và tiến độ chậm chạp của Horrock. Urquhart sững sờ khi được biết quân đoàn 30 thậm chí còn chưa được báo cáo là đã tới được Nijmegen. Cuộc cãi vã về quyền chỉ huy giữa Hackett và Hicks cũng thật tai hại, đặc biệt nó lại xảy ra do sự vắng mặt đồng thời không được lường trước của cả Urquhart và Lathbury trong những giờ phút quan trọng khi những quyết định chính xác cần được đưa ra. Trên hết, Urquhart nguyền rủa sự lạc quan quá đáng không thể tin nổi của kế hoạch ban đầu, bản kế hoạch đã không quan tâm đúng mức tới sự có mặt của quân đòan panzer của Bittrich.

Tất cả các yếu tố này, cái nọ gắn liền với cái kia, đã đưa sư đòan tới bờ vực thảm họa. Chỉ có kỷ luật nghiêm và tinh thần dũng cảm khó tin đã giúp những con quỷ đỏ đã bị đánh tan tác đứng vững thành một khối. Urquhart quyết tâm bằng cách nào đó khơi lại hy vọng, phối hợp hành động của các đơn vị thuộc quyền cho tới tận cấp đại đội. Để làm được như vậy, ông biết mình sẽ phải đòi hỏi nhiều hơn nữa từ những người lính đã kiệt sức và thương tích đầy mình, nhiều hơn rất nhiều những gì mà bất cứ tư lệnh đổ bộ đường không đã từng đòi hỏi. Ông không còn lựa chọn nào khác. Với lực lượng tăng viện Đức đổ tới không ngừng, viên tướng người Scotland kiên định nói năng nhẹ nhàng hiểu trừ khi ông hành động lập tức “sư đoàn của tôi sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn”. Ngay cả lúc này, rất có thể đã là quá muộn để cứu đơn vị mà ông yêu quý khỏi bị xóa sổ.

Chỉ cần nhìn qua bản đồ cũng thấy tình hình vô vọng tới mức nào. Đơn giản là không có chiến tuyến. Lúc này, khi tất cả lực lượng của ông, trừ lữ đoàn Ba Lan, đã tới nơi, các bãi đổ quân chính ở phía tây đã bị bỏ, trừ những khu nhận tiếp tế mà vành đai xung quanh được giữ bởi người của Hicks đang mỗi lúc một thu hẹp lại. Ông cũng thấy Hackett đang tiến tới cao điểm phía đông bắc Wolfheze và trang trại Johannahoeve. Tiểu đoàn 11 và tiểu đòan South Stafford đang chiến đấu gần bệnh viện St Elizabeth. Không có tin gì về tình hình các tiểu đòan 1 và 3 theo đường ven sông Rhine hạ. Nhưng Frost, Urquhart nghe báo cáo mà không khỏi cảm thấy tự hào, vẫn giữ vững đầu cầu. Khắp nơi trên bản đồ những mũi tên đỏ đánh dấu những địa điểm mới báo cáo có tập trung xe tăng và binh lính địch; một số nơi nằm cả sau lưng các đơn vị Anh. Urquhart không rõ liệu có đủ thời gian để tái tổ chức và phối hợp hành động giữa các đơn vị đang mất phương hướng của ông và lệnh cho họ thực hiện một nỗ lực cuối cùng nhằm tiến tới cầu không. Chưa hề biết những thiệt hại khủng khiếp đã rơi xuống đầu tiểu đoàn 1 và 3, Urquhart tin vẫn còn cơ hội.

“Điều đập vào mắt tôi là”, ông nhớ lại. “Ai sẽ chỉ huy trận đánh trong thành phố? Ai sẽ điều phối hành động? Lathbury đã bị thương và không còn ở đây. Chưa có ai được giao phác thảo ra một kế hoạch”. Trong khi ông bắt đầu giải quyết khó khăn này thì thượng tá Hicks tới. Ông ta rất vui khi thấy Urquhart và giao lại quyền chỉ huy sư đoàn. “Tôi nói với ông ta,” Urquhart kể lại, “rằng chúng tôi cần cử ai đó vào thành phố ngay. Một sĩ quan cao cấp, để phối hợp cuộc tấn công của Lea và McCardie. Tôi nhận thấy họ chỉ cách chỗ tôi nấp trong thành phố có vài trăm yard, và giá tôi ở lại thành phố để chỉ huy thì có lẽ hay hơn. Lúc này, tôi cử trung tá Hilary Barlow, phó của Hicks. Ông ta là người thích hợp. Tôi lệnh cho ông ta vào thành phố và kiểm soát tình hình. Tôi mô tả rõ hiện Lea và McCardie đang ở đâu và cử ông ta đi với một xe jeep và một bộ điện đài, lệnh cho ông tổ chức một cuộc tấn công đồng bộ”.

Barlow không bao giờ tới được các tiểu đoàn. Ông đã hy sinh đâu đó trên đường. “Ông ấy chỉ đơn giản là mất tích,” Urquhart nhớ lại, và xác viên trung tá không bao giờ được tìm thấy.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM