Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:55:01 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một cây cầu quá xa  (Đọc 131624 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #160 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2010, 08:46:10 pm »

Hackett chẳng vui vẻ gì, Mackenzie nhớ lại. “Hãy nhìn đây, Charles, tôi cao cấp hơn Hicks”, ông ta nói với Mackenzie. “Do đó tôi phải là người chỉ huy sư đoàn này”. Mackenzie kiên quyết. “Tôi hiểu, thưa ngài, nhưng tướng quân đã nói với tôi thứ tự nắm quyền chỉ huy và chúng ta phải tuân theo nó. Hơn nữa, thượng tá Hicks đã ở đây 24 giờ và quen thuộc với tình hình hơn”. Hackett, Mackenzie kể, có thể sẽ chỉ làm mọi việc tệ hơn nếu ông ta “bực bội với những gì đã được quyết định và thử cố làm gì đó”.

Nhưng Mackenzie hiểu rõ chuyện này sẽ không dừng lại ở đây. Một khoảng cách tế nhị đã luôn tồn tại giữa Urquhart và Hackett. Cho dù viên thượng tá nóng tình theo cấp bậc thích hợp với vị trí chỉ huy, nhưng theo quan điểm của Urquhart ông này thiếu kinh nghiệm chỉ huy bộ binh của Hicks, một người lớn tuổi hơn. Thêm nữa, Hackett xuất thân kỵ binh, và ai cũng biết Urquhart không đánh giá các sĩ quan kỵ binh cao bằng các sĩ quan bộ binh mà ông quen thuộc từ lâu. Có lần viên tư lệnh sư đoàn đã gọi trêu Hackett trước đám đông là “chàng kỵ sĩ ngã ngựa” – một cách gọi mà Hackett không thấy khôi hài chút nào.

Mackenzie thông báo với Hackett rằng tiểu đoàn 11 của ông sẽ được tách khỏi lữ đoàn. Đơn vị này sẽ hành quân lập tức tới cây cầu tại Arnhem. Với Hackett, đây là sự sỉ nhục cuối cùng. Sự tự hào của ông về lữ đoàn của mình một phần xuất phát từ khả năng của nó với tư cách một đơn vị hoàn thiện được huấn luyện kỹ càng để chiến đấu như một thực thể độc lập. Viên thượng tá phẫn nộ trước việc lữ đoàn của mình bị chia tách ra thành từng mảnh. “Tôi không thích bị ra lệnh phải bỏ đi một tiểu đoàn của mình mà không được hỏi ý kiến trước”, ông ta nóng nảy phản đối Mackenzie. Sau đó, suy nghĩ thêm, ông ta nói tiếp, “Tất nhiên, nếu có tiểu đoàn nào phải đi thì đó là tiểu đoàn 11. Nó đã được thả xuống góc đông nam của khu vực đổ quân và gần Arnhem cũng như cây cầu nhất”. Nhưng ông này yêu cầu được tăng cường một tiểu đoàn để đổi lại, và Mackenzie trả lời ông ta nghĩ Hicks có thể trao cho Hackett một tiểu đoàn. Câu chuyện tạm kết thúc tại đây. Viên thượng tá nóng như lửa, năng động và đầy năng lực Hackett đành chấp nhận việc đã rồi. Trước mắt, Hicks sẽ chỉ huy trận đánh, nhưng Hackett quyết định sẽ nắm toàn quyền chỉ huy lữ đoàn của mình.

Với người Anh đó là một buổi chiều căng thẳng và đẫm máu. Với đợt đổ quân thứ hai đầy trục trặc, số phận của tướng Urquhart và thượng tá Lathbury chưa rõ, với lực lượng nhỏ bé của trung tá Frost mong manh bám lấy đầu cầu phía bắc tại Arnhem, và với một cuộc xung đột cá nhân bùng nổ giữa hai viên tư lệnh lữ đoàn, giờ lại thêm một tai họa không lường trước nữa xảy ra.

Quân số sụt giảm, kiệt sức vì chiến đấu liên tục, binh lính lữ đoàn đổ bộ của Hicks quan sát một cách tuyệt vọng khi 35 chiếc Stirling ném số hàng tiếp viện xuống khắp nơi, trừ khu đổ quân. Trong số 87 tấn đạn, lương thực và tiếp tế dành cho lực lượng đổ bộ tại Arnhem, chỉ có 12 tấn đến tay họ. Số còn lại, bị thả xuống quá xa về phía tây nam, rơi vào tay quân Đức.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #161 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2010, 08:46:36 pm »

Tại nhà của Antoon Derksen cách đó chưa đến 5 dặm, tướng Urquhart vẫn bị quân Đức bao kín. Khẩu pháo tự hành và tổ lái của nó ở ngoài phố gần đến mức Urquhart và hai sĩ quan đi cùng ông không giám nói hay cử động. Ngoài một ít chocolat và kẹo cứng, họ không có lương thực gì khác. Nước đã bị cắt và không có cách nào tắm rửa được. Urquhart cảm thấy tuyệt vọng. Không thể ngủ hay thậm chí nghỉ ngơi, ông băn khoăn nghĩ tới diễn biến của trận đánh, tới đợt đổ quân thứ hai mà ông không biết sự chậm trễ. Ông tự hỏi không biết xe tăng của Horrock đã tiến tới đâu và liệu người của Frost có còn giữ được đầu cầu không. “Nếu tôi biết được tình hình thực tế lúc đó,” sau này ông hồi tưởng lại, “hẳn tôi đã bất chấp sự lo lắng của các sĩ quan đi cùng và đột kích ra ngoài, có bọn Đức hay không cũng vậy”. Im lặng và ủ rũ, Urquhart chợt nhận ra mình đang nhìn chằm chằm vào bộ ria của đại úy James Cleminson. “Bộ ria rậm quá cỡ này trước đó tôi không hề để ý tới,” ông viết, “ nhưng giờ thì chẳng có gì khác mà nhìn”. Bộ ria đó làm ông khó chịu. Trông nó “thật ngu ngốc”.

Với nhiều lo lắng đến vậy để bận tâm, Urquhart chẳng lúc nào nghĩ tới quyết định của mình về thứ tự nắm quyền chỉ huy sư đoàn, một chỉ dẫn vào phút cuối lúc này đang nhanh chóng gây ra một cuộc đối đầu rắc rối giữa Hicks và Hackett. Cho tới lúc đó, 4 giờ chiều ngày thứ Hai, 18/9, Urquhart đã vắng mặt ở sở chỉ huy của mình gần trọn một ngày.

Tướng Wilhelm Bittrich, tư lệnh quân đoàn panzer SS số 2, đã bị sốc trước quy mô của đợt đổ quân thứ hai. Bị thống chế Model thúc ép phải nhanh chóng chiếm lại cây cầu Arnhem và bị trung tá Harzer cùng tướng Harmel giục đòi tiếp viện, Bittrich thấy khó khăn của mình mỗi lúc một nặng nề. Trong khi ông ta cau có quan sát, bầu trời phía tây Arnhem như nở hoa với hàng trăm chiếc dù đủ màu sắc, sau đó đen kịt với một đoàn tàu lượn như dài vô tận, Bittrich cảm thấy tuyệt vọng. Từ hệ thống liên lạc của Luftwaffe, ông ta được biết có hai cuộc đổ bộ quy mô lớn khác cũng diễn ra đồng thời. Cố gắng ước lượng quy mô lực lượng Đồng Minh, Bittrich đã phóng đại lên rất nhiều số lượng quân Anh – Mỹ hiện có mặt tại Hà Lan. Ông ta tin rằng rất có thể cả một sư đoàn nữa đã đổ bổ, đủ để cán cân lực lượng nghiêng về những kẻ tấn công.

Với Bittrich, cuộc đua tăng cường lực lượng giữa phía Đồng Minh với viện binh Đức đã trở thành một cuộc đua vô vọng. Cho tới lúc này chỉ có rất ít lính và trang bị tới được ông ta. Ngược lại, nguồn lực của Đồng Minh có vẻ như vô tận. Ông ta sợ rằng họ sẽ còn tổ chức thêm một đợt đổ quân nữa vào ngày hôm sau. Trên dải đất Hà lan hẹp với địa hình khó khăn, nhiều cầu, lại rất gần với biên giới hầu như bỏ ngỏ của nước Đức, một lực lượng lớn như vậy đồng nghĩa với thảm họa.

Có rất ít hiệp đồng giữa lực lượng của Bittrich với đạo quân dù số 1 của tướng Student ở phía nam. Cho dù quân của Student liên tục được tăng cường bởi những gì còn lại thuộc đạo quân số 15 của Von Zangen, đạo quân tơi tả này vẫn thiếu trầm trọng phương tiện vận tải, đại bác và đạn. Sẽ cần nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần, để tái trang bị cho họ. Cho tới khi đó, toàn bộ trách nhiệm ngăn chặn cuộc tấn công của Montgomery đặt lên vai Bittrich, và vấn đề khẩn cấp nhất của ông ta là cây cầu tại Nijmegen cùng sự kháng cự không thể tin nổi của người Anh tại đầu bắc cây cầu Arnhem.

Chừng nào quân Đồng Minh còn bám trụ ở đó, Bittrich sẽ không thể đưa lực lượng của mình theo xa lộ tới Nijmegen. Sư đoàn Frunsberg của Harmel, đang cố gắng vượt qua sông Rhine, phụ thuộc hoàn toàn vào chiếc phà tại Pannerden – một phương tiện vượt sông chậm chạp và không tin cậy. Cũng thật trớ trêu, trong khi quân Anh tại Arnhem đang cảm thấy những nghi ngờ đầu tiên về khả năng có thể bám trụ được của họ, thì Bittrich lại vô cùng lo ngại về kết cục của trận đánh. Ông ta nhận thấy đế quốc đang đứng trước nguy cơ sát sườn bị tấn công. Hai mươi bốn giờ tiếp theo sẽ nói lên sự thật.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #162 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2010, 08:46:44 pm »

Những thượng cấp của Bittrich có những khó khăn ở tầm vĩ mô hơn. Khắp dọc chiến tuyến dài của cụm quân B, thống chế Model đang gồng mình cố ngăn chặn những cuộc tấn công không ngừng của các đạo quân Mỹ số 1 và 3. Cho dù việc tái bổ nhiệm viên thống chế danh tiếng Von Runstedt đã khôi phục lại trật tự và sự liên kết, ông ta đang cố vét đến tận đáy dự trữ nhân lực của quốc gia để tìm tăng viện. Tìm nguồn nhiên liệu để di chuyển một đơn vị từ vùng này sang vùng khác cũng trở thành một vấn đề ngày càng nan giải, và Tổng hành dinh của Hitler hầu như không giúp được gì. Berlin có vẻ quan ngại với mối đe dọa của người Nga từ phía đông hơn là bước tiến của Anh – Mỹ từ phía tây.

Bất chấp những lo lắng khác của mình, Model có vẻ tự tin sẽ đối phó được với mối đe dọa tại Hà Lan. Ông ta vẫn chắc chắn rằng những đầm lầy, kênh rạch và kè đập của quốc gia này sẽ giúp ông ta chặn đứng và đánh bại cuộc tấn công của Montgomery. Bittrich thì không lạc quan như vậy. Ông ta thúc giục Model thực hiện một số bước quan trọng trước khi tình hình xấu thêm. Theo quan điểm của Bittrich, cần phá hủy ngay lập tức các cây cầu tại Nijmegen và Arnhem, nhưng đề nghị này làm Model bực bội mỗi khi Bittrich nhắc đến. “Thực dụng, lúc nào cũng yêu cầu điều không thể, Model đến gặp tôi hằng ngày”, Bittrich nhớ lại. “Vừa tới nơi, ông ta tuôn ra một tràng mệnh lệnh liên quan đến tình hình chiến sự hiện thời, nhưng ông ta chẳng bao giờ ở lại đủ lâu tại bất cứ cuộc họp nào để nghe hay phê chuẩn những kế hoạch dài hơi”. Model, Bittrich e ngại, đã không hình dung ra được hiểm họa khủng khiếp có thể tới với nước Đức nếu một cuộc đột kích của Đồng Minh thành công. Ngược lại, ông ta có vẻ bị ám ảnh bởi những chi tiết; viên thống chế đặc biệt quan ngại trước việc quân Đức thất bại trong cố gắng tái chiếm cây cầu Arnhem. Bực bội trước những lời chỉ trích, Bittrich nói với thống chế,”Trong suốt cuộc đời làm lính của mình, tôi chưa bao giờ thấy binh lính phải chiến đấu khốc liệt đến thế”. Model dửng dưng. “Tôi muốn cây cầu đó”, ông ta lạnh lùng đáp.

Vào chiều ngày 18 Bittrich một lần nữa cố gắng giải thích quan điểm của mình về tình hình tổng thể cho một Model đang sốt ruột. Cây cầu tại Nijmegen là chìa khóa của cả chiến dịch, ông lý luận. Chỉ cần phá hủy nó là mũi nhọn tấn công của Đồng Minh sẽ bị cắt lìa khỏi lực lượng chính. “Ngài thống chế, chúng ta cần phá hủy cầu vượt sông Waal trước khi quá muộn,” Bittrich nói. Model không đồng ý. “Không!” ông ta nói. “Câu trả lời là không!” Không những Model yêu cầu bảo vệ cây cầu; ông ta còn lệnh cho đạo quân của Student và sư đoàn Frunsberg chặn đứng lực lượng Anh – Mỹ trước khi họ tới được đó. Bittrich bực bội nói ông còn xa mới tin rằng có thể ngăn chặn được quân Đồng Minh. Vì cho tới lúc đó hiện hầu như chưa có lực lượng thiết giáp của Đức tại khu vực này, ông ta nói với Model, có nguy cơ rất lớn lực lượng thiết giáp mạnh áp đảo của Montgomery sẽ thực hiện được cú đột phá. Sau đó Bittrich nói về lo ngại của mình rằng cần lường trước những đợt đổ quân đường không tiếp theo. “Nếu Đồng Minh thành công với cuộc đột kích từ phía nam lên của họ và nếu họ thả tiếp một sư đoàn đổ bộ nữa xuống khu vực Arnhem, chúng ta coi như đi đứt”, ông ta nói. “Đường dẫn tới Ruhr và nước Đức sẽ hoàn tòan rộng mở”. Model không hề bị tác động. “Mệnh lệnh của tôi không thay đổi,” ông ta nói. “Không được phá cây cầu tại Nijmegen, và tôi muốn tái chiếm cây cầu tại Arnhem trong vòng 24 giờ nữa”.

Những người khác biết rõ thi hành các mệnh lệnh của Model khó khăn đến thế nào. Trung tá Harzer, tư lệnh sư đòan Hohenstaufen, đã mất rất nhiều người. Toàn bộ lực lượng ông ta có đều đã tham chiến. Chẳng có lực lượng tăng viện nào tới, và quy mô của đợt đổ quân thứ hai đặt ra những nghi ngờ nghiêm trọng về khả năng người của ông ta có thể khống chế được quân địch. Giống như Bittrich, Harzer cũng tin rằng “Đồng Minh mới chỉ thả xuống một lực lượng tiền trạm. Tôi tin chắc sẽ còn nhiều hơn nữa và sau đó họ sẽ tiến về phía Đế quốc.” Với lực lượng thiết giáp ít ỏi, Harzer không rõ mình có thể chặn đứng đối phương được không. Dù sao đi nữa, ông ta đã thành công trong việc làm chủ tình hình tại một nơi – khu vực đặt chính sở chỉ huy của ông ta. Tại đây, bất cần đếm xỉa đến quyền lợi của tù binh, viên trung tá đã bắt vài trăm lính Anh đứng xung quanh hàng rào thép gai của khu vực dưới sự giám sát của lính canh. “Tôi tin chắc,” ông ta nhớ lại, “ là RAF sẽ không ném bom vào người của họ”.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #163 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2010, 08:47:00 pm »

Harzer, một người sùng Anh ra miệng (“Tôi thực sự hâm mộ người Anh”), đã từng học ở Anh dưới dạng sinh viên trao đổi. Ông ta hào hứng lang thang giữa đám tù binh cố gắng bắt chuyện để thực hành tiếng Anh của mình, và cũng hy vọng moi tin. Ông ta rất ấn tượng trước tinh thần của lính Anh. “Họ rất thản nhiên và kiêu hãnh, chỉ có lính cựu mới có thể vậy”, viên trung tá nhớ lại. Tính cách của những tù binh đã khiến Harzer tin rằng trận đánh còn xa mới có thể coi là đã thắng. Để khiến lực lượng của Urquhart rối loạn và ngăn chặn khả năng của bất cứ cuộc tấn công có tổ chức nào, ông ta đã ra lệnh cho sư đòan Hohenstaufen của mình trong đêm 18 “tấn công không ngừng nghỉ suốt đêm bằng bất cứ giá nào”.

Tư lệnh sư đoàn Frunsberg, tướng Harmel, “quá bận rộn để lo lắng tới chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo”. Được giao nhiệm vụ tái chiếm cây cầu Arnhem, phòng thủ cầu vượt sông Waal và toàn bộ khu vực nằm giữa hai điểm này, khó khăn của Harmel còn nghiêm trọng hơn của Harzer nhiều. Việc đưa sư đoàn của ông ta qua sông bằng phà diễn ra với tốc độ của ốc sên bò. Lính, trang bị, và xe tăng được đưa lên những chiếc bè tự chế bằng gỗ hay cao su. Những con đường dẫn xuống mép nước đều đông nghịt. Xe tăng và các quân xa khác bị trượt khỏi bè, một số chìm nghỉm dưới sông. Tệ hại hơn, vì những cuộc tấn công không dứt của không quân Đồng Minh, hầu như toàn bộ việc vận chuyển phải tiến hành trong đêm. Sau 24 giờ công binh của Harmel chỉ đưa được 2 tiểu đoàn cùng xe cộ và trang bị của các đơn vị này qua sông tới khu vực Arnhem – Nijmegen. Để đẩy nhanh tốc độ, những đoãn xe tải chạy liên tục theo hai chiều giữa những điểm vượt sông ở bờ nam và Nijmegen để vận chuyển quân. Nhưng tiến độ vẫn quá chậm. Hiển nhiên lúc này người của Harmel đã có mặt ở trung tâm Nijmegen và đầu phía nam cây cầu trên xa lộ, nhưng ông ta ngờ rằng họ khó có thể chặn đứng một cuộc tấn công mạnh của quân Anh – Mỹ. Cho dù đã nhận được lệnh không cho phép phá cầu, Harmel vẫn chuẩn bị cho khả năng xấu nhất. Công binh của ông ta đã đặt bộc phá và lắp thiết bị kích nổ tại một lô cốt gần làng Lent ở bờ bắc. Ông ta hy vọng Bittrich sẽ phê chuẩn việc phá hủy cầu đường bộ và đường sắt nếu không thể giữ được. Nhưng nếu không, quyết định của Harmel cũng đã được xác định. Nếu xe tăng Anh chọc thủng phòng tuyến và bắt đầu tiến qua cầu, ông ta sẽ bất chấp lệnh cấp trên và phá hủy các cây cầu này.

Ngôi làng trù phú Oosterbeek có vẻ đang chìm trong một sự pha trộn kỳ lạ giữa vui mừng và bồn chồn. Giống như một ốc đảo lọt thỏm giữa trận đánh, ngôi làng bị tiếng động của các cuộc đọ súng dội tới từ 3 phía. Từ các khu đổ quân ở phía tây tiếng đại bác vọng lại hầu như không dứt. Từ phía tây bắc tiếng súng máy nổ từng tràng và tiếng nổ khô khan của những phát đạn cối có thể nghe thấy rõ trên các đường phố trồng hoa, và về phía động, cách đó hai dặm rưỡi, tại Arnhem, khói đen bao phủ đường chân trời, một tấm phông sẫm màu cho những chớp lửa không dứt của pháo binh hạng nặng.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #164 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2010, 08:47:26 pm »

hững cuộc oanh kích trước khi diễn ra cuộc đổ quân và tàu lượn, cũng như đạn bắn tỉa và những quả đạn cối đi không đúng hướng, đã gây ra thương vong cho dân thường và một số hư hại cho các cửa hàng và nhà ở, nhưng chiến sự cho tới lúc này vẫn chưa thực sự đặt chân vào Oosterbeek. Những khu khách sạn nghỉ ngơi sang trọng, những khu biệt thự tuyệt đẹp và những dãy phố viền cây xanh vẫn hầu như chưa bị đụng chạm đến. Thế nhưng từng giờ trôi qua cho thấy bằng chứng rõ ràng là giao tranh đang mỗi lúc một gần. Đây đó, dư chấn của những vụ nổ phía xa bất thần làm vỡ những tấm kính. Tro từ giấy, quần áo, đồ gỗ bị chaý theo gió rơi như mưa xuống các con phố, và không khí khét lẹt mùi thuốc súng.

Hôm Chủ nhật Oosterbeek đông nghịt lính khi người Anh tới nơi gần như ngay sau gót cuộc tháo chạy của quân Đức. Không ai ngủ đêm hôm đó. Một sự kích động đầy hồi hộp, tăng dần lên theo tiếng động cơ của những chiếc jeep, những chiếc xe chở súng máy Bren, và tiếng bước chân hành quân của những người lính, khiến giấc ngủ không thể nào tới được. Trong suốt ngày 18 những hoạt động này vẫn tiếp tục. Cư dân địa phương, vui vẻ nhưng vẫn lo lắng, đã phủ đầy các ngôi nhà và đường phố với cờ Hà Lan và mang tặng cơ man nào là đồ ăn, hoa quả, đồ uống khi những chàng Tommy hành quân qua. Với hầu hết cư dân chiến tranh có vẻ đã gần chấm dứt. Lúc này, dần dà, không khí bắt đầu thay đổi. Một số đơn vị Anh giờ có vẻ đồn trú hẳn trong làng, và các trinh sát pháo của trung tá Sheriff Thomson chiếm lĩnh tòa tháp của ngôi nhà thờ Tân giáo Hà Lan xây từ thế kỷ 10 gần sông Rhine ở phía cuối Oosterbeek, nhưng hoạt động của quân đội đã chậm lại đáng kể. Vào cuối buổi chiều, những nơi đông người đều vắng lặng, người dân Hà Lan để ý thấy súng chống tăng và súng máy Bren đã được bố trí tại những vị trí chiến lược trên xa lộ. Nhìn thấy chúng, cư dân địa phương có một dự cảm bất ổn.

Trong khi đi khắp Oosterbeek để cố tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra, Jan Voskuil còn nhớ nhìn thấy một sĩ quan Anh ra lệnh cho cư dân cất những lá cờ của họ đi. “Đây là chiến tranh”, anh nghe thấy người sĩ quan nói với một dân làng, “và các vị đang ở giữa chiến trường”. Trong lúc đi nghe ngóng, Voskuil để ý thấy tâm trạng của người dân đang thay đổi. Từ Jaap Koning, người thợ làm bánh mì, Voskuil được biết nhiều người Hà Lan đang rất bi quan. Có tin đồn, Koning nói, rằng “Mọi việc diễn ra không được tốt”. Sự hồi hộp chờ đợi thay thế cảm giác nhẹ nhõm phấn khởi được giải phóng. “Người Anh,” Koning nói, “đang bị đẩy lùi khắp nơi”. Voskuil rất băn khoăn. Koning luôn rất thạo tin, và cho dù đây là những tin xấu đầu tiên anh nghe được, chúng đã khẳng định sự lo ngại anh vẫn cảm thấy. Từng giờ qua đi, Voskuil cảm thấy tiếng đạn đại bác gầm rít bay qua làng về hướng Arnhem mỗi lúc một thường xuyên hơn. Nhớ lại sự tàn phá khủng khiếp xảy ra với những làng xóm Normandy, Voskuil không thể nào xua khỏi đầu mình một cảm giác tuyệt vọng mỗi lúc một mạnh thêm.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #165 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2010, 08:47:48 pm »

Một người buôn bán nhỏ khác, chủ hàng bánh Dirk van Beek, cũng bi quan như Koning và Voskuil. Những gì ông nghe được sau chuyến đi giao hàng đã làm sụp đổ cảm giác hào hứng ban đầu khi quân Đồng Minh đổ bộ. “Nếu chiến tranh tới đây thì sao – chúng ta biết làm gì?” ông hỏi vợ mình, Riek. Nhưng ông cũng đã biết câu trả lời: ông sẽ ở lại Oosterbeek và tiếp tục làm bánh. “Mọi người cần phải ăn,” ông nói với Riek. “Dù sao đi nữa, chúng ta biết đi đâu nếu rời khỏi cửa hàng này?” Đắm mình vào công việc, Van Beek cố trấn an mình rằng mọi việc sẽ ổn cả. Ông đã nhận được phần bột mì và men của tháng vài ngày trước. Lúc này, quyết định sẽ ở lại và giữ cho cửa hàng của mình hoạt động, ông chợt nhớ một người thợ làm bánh mì cao tuổi đã có dạy ông một phương pháp làm bánh mì chỉ cần dùng chưa đến nửa lượng men so với bình thường. Ông quyết định sẽ dè sẻn tối đa dự trữ của mình. Ông cần tiếp tục làm bánh mì cho tới khi mọi việc kết thúc.

Tại các khách sạn Tafelberg, Schoonoord và Vreewijk, rõ ràng là chiến sự đã đem đến một thay đổi nghiêm trọng: những khu nhà nghỉ tiện nghi dễ chịu này đã biến thành trạm cứu thương. Tại Schoonoord quân y Anh và bác sĩ dân sự Hà Lan bắt đầu vệ sinh toàn khu nhà để sẵn sang tiếp nhận những người bị thương. Jan Eijkelhoff, thuộc lực lượng kháng chiến ngầm, thấy rằng quân Đức, trong lúc vội vã rút lui, đã để lại khách sạn “trông như một cái chuồng lợn. Thức ăn tung tóe khắp nơi. Bàn ghế bị xô đẩy, bát đĩa vỡ, quần áo, chăn đệm bị vứt khắp nơi. Giấy tờ rác rưởi vun thành đống ở tất cả các phòng”. Từ các nhà xung quanh, nệm được mang thêm tới và đặt dưới sàn. Nhiều dãy giường được đặt trong phòng tiếp tân chính cà cáng được sắp sẵn ngoài hiên. Tất cả các phòng, kể cả tầng hầm, sẽ cần dùng tới trước khi trời tối, anh ta được cho biết vậy. Eijkelhoff được biết bệnh viện St Elizabeth tại Arnhem lúc này đã quá tải. Nhưng những nhân viên quân y Anh làm việc cùng anh vẫn lạc quan. “Đừng lo,” một người trong số này bảo anh,” Monty sẽ sớm tới đây thôi”.

Tại khách sạn Tafelberg, nơi bác sĩ Gerrit van Maanen đang thiết lập một bệnh viện, cô gái trẻ 17 tuổi Anje van Maanen, tới đó để giúp bố, nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong những người tình nguyện. “Chúng tôi sợ”, cô viết trong nhật ký, “nhưng chúng tôi không biết tại sao. Chúng tôi có cảm giác lạ lùng dường như chỉ từ hôm qua tới hôm nay thôi đã như hang tuần trôi qua”. Cũng như tại Schoonoord, tại Tafelberg cũng có tin đồn quân của Montgomery đang trên đường tới. Trông chờ sự xuất hiện nhanh chóng của họ, Anje ghi lại, “Chúng tôi lien tục dán mắt nhìn qua cửa số tầng trên. Tiếng súng mạnh hơn. Lửa cháy sáng trời, nhưng đạo quân lớn thì vẫn chưa thấy đâu”.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #166 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2010, 08:47:54 pm »

Cách đó vài khối nhà, khách sạn 12 phòng Hartenstein, nằm giữa một khu vườn trông giống như một công viên, có vẻ vắng lặng như bị bỏ quên. Bàn và ghế gãy nằm rải rác trên nền cỏ xén phẳng phiu, và giữa chúng, kết quả của cuộc đấu súng dữ dội ngày hôm trước, là những cái xác co quắp của vài lính Đức.

Khi anh đạp xe tới ngôi nhà, William Giebing, 27 tuổi, cảm thấy buồn rầu trước quang cảnh của nơi trước đây vốn là một khách sạn thanh lịch. Chỉ vài tháng sau khi anh dành quyền sở hữu nó vào năm 1942, quân Đức đã vào làng và trưng dụng khách sạn. Từ đó, Giebing và vợ anh, Truus, bị đẩy xuống vị trí người hầu. Quân Đức đã để họ quét dọn Hartenstein và trông coi nhà bếp, nhưng việc quản lý khách sạn nằm trong tay người Đức. Cuối cùng, hôm 6/9, Giebing nhận được lệnh phải rời đi, nhưng vợ anh và hai nữ hầu phòng được phép quay lại hàng ngày để quét dọn.

Vào ngày 17, “phát điên vì vui sướng trước cuộc đổ bộ”, Giebing nhảy vội lên một chiếc xe đạp đi từ Westerbouwing, nơi bố vợ anh, Johan van Kalkschoten, làm chủ một hiệu ăn nằm trên đỉnh đồi nhìn xuống bến phà Heveadorp – Driel, tới Hartenstein. Anh này tới vừa đúng lúc để chứng kiến những người Đức cuối cùng tháo chạy. Chạy vào trong nhà, lần đầu tiên anh cảm thấy “khách sạn cuối cùng cũng là của tôi”. Nhưng cảm giác hoang tàn thật nặng nề. Trong phòng ăn, hai chiếc bàn dài phủ khăn trải bàn bằng lụa Damask màu trắng đã sắp sẵn cho hai mươi người. Trên bàn đã bày đủ đĩa ăn súp, đồ bạc, khăn ăn, ly thủy tinh và, ở giữa mỗi bàn, một liễn súp rau lớn. Sờ tay vào, Giebing thấy nó vẫn còn nóng. Trên những chiếc đĩa bạc bày ở bàn phục vụ là món chính: thịt nguội.

Giebing lang thang từ phòng này qua phòng khác, ngắm nhìn những bức tường lộng lẫy thếp vàng, những bức tượng trang trí, dãy phòng dành cho các đôi nghỉ tuần trăng mật với trần màu xanh da trời lấp lánh những vì sao vàng. Người Đức, anh ta nhẹ nhõm nhận ra, đã không phá hỏng khách sạn. Không mất lấy một cái thìa nào và tủ lạnh vẫn đầy thức ăn. Đi vòng quanh nhà, Giebing nghe thấy tiếng người vọng từ ngoài hiên. Chạy vội tới nơi, anh bắt gặp vài lính Anh đang thưởng thức món rượu sherry của mình. Tám vỏ chai rỗng nằm lay lắt dưới sàn. Thật bất ngờ, sau cả thời gian tạm chiếm dài đó, lần đầu tiên Giebing mất bình tĩnh. Đám người Đức, ít nhất, đã để lại khách sạn của anh ngăn nắp sạch sẽ. “Vậy đây là việc đầu tiên các vị làm,” anh ta to tiếng với đám lính. “Phá hầm rượu của tôi và chôm rượu sherry”. Những người lính Anh có vẻ ngượng và xin lỗi, Giebing cũng mát tính trở lại, nhưng một lần nữa anh lại được cho biết mình không thể ở lại. Tuy thế, người Anh cam đoan với anh thanh niên là tài sản của anh sẽ được tôn trọng.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #167 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2010, 08:48:27 pm »

Giờ đây, một ngày sau, hy vọng rằng người Anh đã rời khỏi khách sạn của mình, Giebing quay trở lại. Trái tim anh nặng trĩu khi tới gần ngôi nhà. Một dãy xe jeep đậu phía sau nhà và phía sau lưới rào sân tennis, anh nhìn thấy các tù binh Đức. Hào và ụ súng đã được đào đắp quanh sân và các sĩ quan có vẻ có mặt khắp nơi. Thất vọng, Giebing quay lại Westerbouwing. Tới chiều vợ anh tới Hartenstein và giải thích rõ cô là ai. “Tôi được đối xử rất lịch sự,” cô nhớ lại,” nhưng chúng tôi không được phép quay về. Người Anh, cũng như người Đức, đã trưng dụng khách sạn”. Ít nhất cũng có một sự an ủi, cô nghĩ; chiến tranh sẽ sớm kết thúc và sau đó gia đình Giebing có thể thực sự bắt tay vào mở cửa khách sạn mà họ coi là tốt nhất ở Oosterbeek. Những sĩ quan Anh lịch thiệp đã tiếp chuyện người thiếu phụ không cho cô hay rằng vào lúc đó, 5 giờ chiều ngày 18/9, khách sạn Hartenstein đã trở thành sở chỉ huy của sư đoàn đổ bộ đường không số 1 Anh.

Trong bầu không khí lạ lùng pha lẫn vui mừng và lo lắng đang ngự trị tại Oosterbeek, một sự kiện đã làm kinh hoàng nhiều cư dân hơn cả ý nghĩ về cuộc giao tranh sắp xảy ra. Trong ngày hôm đó tù nhân đã được thả ra khỏi nhà tù Arnhem. Một số là chiến sĩ kháng chiến, nhưng nhiều kẻ khác là những tên tội phạm nguy hiểm. Trong bộ áo tù kẻ sọc, đám này ùa ra khỏi Arnhem, và hơn 50 tên cuối cùng tới Oosterbeek. “Bọn chúng thêm nét điên khùng cuối cùng vào khung cảnh hỗn độn,” Jan ter Horst, cựu đại úy pháo binh của quân đội Hà Lan, một luật sư và cũng là thành viên lãnh đạo lực lượng kháng chiến tại nhớ lại. “Chúng tôi quây chúng lại và tạm nhốt chúng vào phòng hòa nhạc. Nhưng câu hỏi đặt ra là làm gì với chúng? Lúc này trông chúng có vẻ vô hại, nhưng rất nhiều trong đám thú vật này đã bị cầm tù nhiều năm. Chúng tôi sợ điều tệ hại nhất – đặc biệt cho những người phụ nữ - khi chúng cuối cùng ý thức được chúng đã tự do”.

Nói chuyện với đám tù Ter Horst nhận thấy chúng chỉ muốn thoát khỏi vùng chiến sự. Cách duy nhất để qua sông Rhine là chiếc phà Heveadorp – Driel. Pieter, người lái phà, thẳng thừng từ chối hợp tác. Ông không muốn để 50 tên tội phạm chạy rông sang bờ nam. Hơn nữa, chiếc phà hiện đang ở bờ bắc và Pieter muốn để nó tại đây. Sau vài giờ thương lượng, Ter Horst cuối cùng cũng thuyết phục được Pieter đưa đám tù qua sông. “Chúng tôi thật nhẹ nhõm khi nhìn chúng đi”, ông nhớ lại. “Những người phụ nữ còn sợ đám này hơn cả bọn Đức”. Ter Horst thận trọng căn dặn rằng chiếc phà cần quay lại bờ bắc, nơi người Anh có thể sử dụng nó.

Là một cựu sĩ quan, Ter Horst không hiểu vì sao quân Anh lại không chiếm ngay lập tức bến phà Heveadorp – Driel. Khi những người lính đổ bộ tới Oosterbeek, ông đã hỏi họ về chiếc phà. Ông ngỡ ngàng khi biết họ không biết gì về nó. Từng là sĩ quan pháo binh, ông ngạc nhiên nhận ra người Anh đã không chiếm lĩnh Westerbouwing gần đó, điểm cao duy nhất nhìn xuống sông Rhine. Bất cứ ai khống chế điểm cao này bằng pháo binh sẽ kiểm soát chiếc phà. Hơn nữa, việc người Anh chọn đóng sở chỉ huy tại Hartenstein càng làm ông quan ngại. Theo ông, rõ ràng quán ăn nằm trên đỉnh Westerbouwing là vị trí thích hợp hơn nhiều. “Hãy chiếm lấy chiếc phà và Westerbouwing”, ông thúc giục nhiều sĩ quan Anh. Họ tỏ ra lịch sự nhưng bỏ ngoài tai. Một người nói với Ter Horst, “Chúng tôi không định ở lại đây. Với cây cầu trong tay chúng tôi và việc xe tăng của Horrock sắp tới, chúng tôi không cần chiếc phà”. Ter Horst hy vọng anh ta đúng. Nếu quân Đức chiếm Westerbouwing, cách đó chưa đến hai dặm, đại bác của chúng không những có thể khống chế tuyến qua sông bằng phà và còn có thể hoàn toàn tiêu diệt sở chỉ huy Anh tại Hartenstein. Lúc này người Anh đã biết tới sự tồn tại của chiếc phà và họ cũng đã được báo trước về cao điểm Westerbouwing. Giá như tướng Urquhart có mặt tại sở chỉ huy và kiểm soát chiến sự, tình hình rất có thể đã được điều chỉnh kịp thời.(CT: ý kiến này cũng đã được dẫn ra trong nhiều bài viết của sử gia quân sự Hà Lan nổi tiếng, trung tá Theodor A.Boeree. “Nếu Urquhart có mặt tại sở chỉ huy,” ông này viết, “rất có thể ông đã đình chỉ việc cố thủ đầu cầu, gọi trở lại, nếu có thể, tiểu đoàn của Frost và tập trung 6 tiểu đoàn ông có trong đợt đổ quân đầu tiên và 3 tiểu đoàn của lữ đoàn dù 4 vừa mới đổ xuống để thiết lập một đầu cầu khác ở một địa điểm nằm tại bờ bắc sông Rhine hạ… với cao điểm tại Westerbouwing… làm trung tâm của đầu cầu. Tại đó họ có thể chờ đạo quân Anh số 2 tới).
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #168 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2010, 08:48:41 pm »

Thượng tá Hicks, chỉ huy sư đoàn trong lúc Urquhart vắng mặt, phải đối mặt từng giờ với vấn đề khó khăn trong việc nắm bắt những di chuyển liên tục và hỗn độn của các đơn vị đổ bộ đang bị gây sức ép dữ dội. Với việc liên lạc radio hoàn toàn bị cắt đứt giữa sở chỉ huy và các tiểu đoàn, có rất ít thông tin chính xác về những gì đang xảy ra, và Hicks cũng không thể đánh giá được quy mô và khả năng tác chiến của lực lượng địch đang đối đầu với ông. Những tin tức hiếm hoi tới được ông đều từ những liên lạc viên kiệt sức bê bết bụi, những người đã mạo hiểm tính mạng mang tới cho ông các báo cáo, mà hầu hết đều đã không còn chính xác khi tới được sở chỉ huy,hay từ những thành viên kháng chiến ngầm của Hà Lan, báo cáo của những người này thường bị bỏ qua hay coi là đáng ngờ. Hicks nhận ra mình bị phụ thuộc chủ yếu vào một kênh liên lạc mong manh – đường liên lạc radio pháo binh Thompson – Munford giữa Oosterbeek và lực lượng của Frost tại cầu.

Kiệt quệ và tổn thất nặng, tiểu đoàn 2 cùng những nhóm lẻ binh lính quả cảm đã tới được với họ vẫn đứng vững, nhưng tình hình của Frost đã trở nên vô vọng từ nhiều giờ qua và đang xấu đi nhanh chóng. “Chúng tôi liên tục nhận được báo cáo từ cây cầu xin tiếp viện và đạn,” Hicks nhớ lại. “Sức ép của quân địch và sức mạnh của lực lượng thiết giáp Đức tăng nhanh khắp nơi, và hoàn toàn không có liên lạc gì với Urquhart, Lathbury, Dobie hay Fitch. Chúng tôi không thể gọi được cho Browning ở sở chỉ huy quân đoàn để báo cáo mức độ nghiêm trọng của tình hình, và chúng tôi rất cần giúp đỡ”. Qua thẩm vấn tù binh, giờ đây Hicks đã biết lực lượng của mình đang giao chiến với lính SS dày dạn kinh nghiệm của các sư đoàn 9 Hohenstaufen và sư đoàn 10 Frunsberg. Không ai có thể cho ông hay những đơn vị này mạnh đến mức nào cũng như số lượng xe tăng đang được tung ra chống lại ông. Tệ hơn, Hicks không rõ kế hoạch ban đầu có thể đối phó được với sức ép hiện tại của quân Đức hay không. Nếu quân địch được tăng cường mạnh, toàn bộ chiến dịch sẽ thất bại.

Tiếp viện, ông biết, sẽ tới. Vào ngày 19, lữ đoàn Ba Lan của thiếu tướng Stanislaw Sosabowski sẽ tới trong đợt đổ quân thứ ba. Xe tăng của Horrock, trên thực tế đã bị muộn so với kế hoạch, đáng lẽ cũng đã phải tới nơi. Họ còn cách Arnhem bao xa và liệu có thể tới kịp để giải vây và xoay chuyển tình thế không? “Bất chấp tất cả,” Hicks nhớ lại, “tôi tin rằng Frost có thể giữ được đầu cầu phía bắc cho tới khi xe tăng của Monty tới nơi. Dù sao thì cây cầu vẫn là mục tiêu của chúng tôi và mọi quyết định cũng như hành động của tôi đều tập trung duy nhất vào việc chiếm và giữ mục tiêu này”. Cân nhắc mọi yếu tố, Hicks cảm thấy ông cần theo đúng kế hoạch ban đầu, và vào lúc đó cả thượng tá Hackett cũng có cùng quan điểm.

Nhiệm vụ ban đầu cho lữ đoàn dù 4 của Hackett là chiếm cao điểm phía bắc Arnhem để ngăn không cho viện binh Đức tiếp cận cầu. Song vào thời điểm kế hoạch được thảo ra người ta đã cho rằng lực lượng địch sẽ không đáng kể, và tệ nhất, cũng chỉ ở mức khống chế được. Trên thực tế, phản ứng của đối phương đã quá nhanh, tập trung và hiệu quả khiến Hicks không thể làm chủ được tình hình trên thực tế. Quân đoàn của Bittrich chiếm giữ khu vực bắc Arnhem; lực lượng của ông ta đã vây kín Frost tại cầu và thành công trong việc ngăn chặn các tiểu đoàn cua Dobie va Fitch tới giải cứu họ. Bước tiến của hai đơn vị này đã bị phá vỡ hoàn toàn. Trong khu vực dày đặc nhà cửa quanh bệnh viện St Elisabeth chỉ cách cây cầu chừng 1 dặm, các tiểu đoàn trên bị chặn đứng trên đường vận động. Tiểu đoàn South Stafford, được cử đi tăng viện sau đó, và tiểu đòan 11 thuộc lữ đoàn của Hackett cũng không gặp may hơn là bao. “Chúng tôi lúc này tiến tới con đường trống trải bên bờ sông ngay phía trước bệnh viện St Elisabeth, và đột nhiên mọi thứ hỏa lực của đối phương đồng loạt lên tiếng”, binh nhì Robert C.Edward thuộc đơn vị South Stafford nhớ lại. “Chúng tôi hẳn trông như những chiếc bia trong trường bắn tập. Tất cả những gì bọn Jerry phải làm là hướng súng đại bác và súng cối vào một khoảng trống rộng chừng ¼ dặm và bắn. Chúng không thể nào trượt được”. Edward trông thấy đại úy Edward Weiss, đại đội phó của anh ta, chạy không mệt mỏi lên xuống dọc đội hình “hoàn tòan phớt lờ những mảnh kim loại đang bay xung quanh anh ta, tiếng anh ta hô mỗi lúc một to hơn khi anh ta hét lên, “Tiến lên, tiến lên, đại đội D, tiến lên”. “Weiss có vẻ có mặt khắp nơi. Người gục ngã khắp xung quanh. Nếu những người lính chững lại hay chần chừ, Weiss lập tức tới bên họ thúc giục tiến lên. Bạn chỉ đơn giản là không thể nằm dán xuống đó mà nhìn anh ta đứng thẳng. Bạn phải theo anh ta đi qua cái hỏa ngục đó”. Edward ném vài quả bom khói, cố gắng che khuất bước tiến của họ và “ cúi thấp đầu xuống rồi chạy như một thằng rồ”. Anh ta vấp phải “ hàng đống người chết, trượt chân trong những vũng máu, cho tới khi tôi tới một chỗ tương đối kín đáo được che khuất bởi nhà cửa ở bên kia đường”. Tại đó anh ta phát hiện ra đại úy Weiss đã trúng đạn khi chạy qua đường. “Thiếu tá Phillips bị thương rất nặng. Không ai có vẻ biết chuyện gì đang xảy ra hay tiếp theo chúng tôi cần làm gì”. Với đại đội D, khi kiểm điểm thương vong, “chỉ còn lại 20%, và quá hiển nhiên là chúng tôi không thể tiếp tục tiến lên chống lại sức mạnh vượt trội của quân Đức. Chúng tôi chờ tối và hy vọng”.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #169 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2010, 08:48:50 pm »

Như thể một bức tường vững chắc đã được xây lên giữa phần còn lại của sư đoàn và nhóm người ít ỏi của Frost tại cầu.

Để đổi lấy tiểu đoàn 11, Hackett đã được giao tiểu đoàn 7 thuộc lực lượng tuần biên Scotland Hoàng gia (King’s Own Scottish Borderers – KOSB’s). Đơn vị này đã phòng thủ khu đổ quân từ hôm 17. Lúc này họ đi cùng tiểu đoàn 10 và tiểu đoàn 156 của Hackett qua Wolfheze ở tây bắc Oosterbeek. Tại khu vực trên đơn vị KOSB’s sẽ chiếm lĩnh trang trại Johannahoeve, một khu vực đổ quân nơi phương tiện vận tải và pháo binh của lữ đoàn Ba Lan dự kiến sẽ tới bằng tàu lượn trong đợt đổ quân thứ ba.

Sau những cuộc giao tranh đầu tiên tại các khu đổ quân, lữ đoàn của Hackett xuất phát mà không gặp trục trặc nào. Cho tới lúc đêm xuống, KOSB’s đã chiếm lĩnh vị trí xung quanh trang trại Johannahoeve. Tại đây, bất thình lình, tiểu đoàn này vấp phải chống trả quyết liệt của quân Đức từ các vị trí phòng ngự mạnh có súng máy. Một trận đánh ác liệt bắt đầu. Trong màn đêm đang buông xuống, mệnh lệnh được đưa ra yêu cầu giữ vững vị trí, sau đó cố gắng đánh bật quân địch khi trời sáng. Việc khống chế khu vực này có ý nghĩa sống còn. Quân dù của Sosabowski dự kiến sẽ nhảy xuống ngày 19 ở phía nam cây cầu tại Arnhem, tại khu vực và Urquhart và RAF đánh giá là không thích hợp – vì quan ngại về hỏa lực phòng không – cho cuộc đổ quân quy mô lớn đầu tiên. Vào thời điểm những người Ba Lan tới nơi, người ta trông đợi cây cầu đã hoàn toàn nằm trong tay người Anh. Nếu không, lực lượng Ba Lan được chỉ định chiếm cầu. Tại sở chỉ huy hậu cứ của Browning tại Anh, nơi không ai biết được những bất lợi đang diễn ra tại Arnhem, cuộc đổ bộ của lực lượng Ba Lan vẫn được dự kiến tiến hành theo đúng kế hoạch. Nếu Frost có thể giữ vững và cuộc đổ quân của lữ đoàn Ba Lan diễn ra thành công, ngay cả lúc này cũng vẫn còn cơ hội thắng lợi cho Market Garden.

Khắp nơi những người lính đổ bộ vẫn cố gắng tiến tới cầu. Trên con đường Frost đã sử dụng mới ngày hôm qua thôi mà giờ đây đã như từ rất lâu, binh nhì Andrew Milbourne và một nhóm binh lính tập hợp lại từ các tiểu đoàn khác nhau bí mật vượt qua gần cây cầu đường sắt đổ nát mà người của Frost đã tìm cách chiếm trên đường tới mục tiêu chính. Trên những cánh đồng bên trái anh ta, Milbourne nhìn thấy những bóng trắng nổi lên trong bóng đêm. “Đó là hàng tá xác chết, và người Hà Lan đang yên lặng đi khắp khu vực, lấy vải trắng phủ lên những đồng đội đã hy sinh của chúng tôi”, anh nhớ lại. Phía trước, bầu trời đỏ rực bởi những đám cháy và hình dáng chiếc cầu thỉnh thoảng lại hiện lên trong quầng sáng của đạn đại bác nổ. Suốt buổi chiều nhóm người ít ỏi này đã bị cầm chân bởi lực lượng Đức đông hơn. Lúc này, một lần nữa, họ lại bị chặn đứng. Trong lúc cả nhóm ẩn nấp trong một nhà thuyền bên bờ sông, Milbourne bắt đầu thấy thất vọng về khả năng tới được cầu. Hiệu thính viên duy nhất có mặt trong nhóm bắt đầu mở radio, và trong lúc mọi người quây xung quanh, anh ta bất ngờ bắt được BBC từ London. Milbourne lắng nghe trong lúc giọng nói dễ nghe, chính xác của tay phát thanh viên đọc báo cáo chiến sự ngày hôm đó trên mặt trận phía tây. “Binh lính Anh tại Hà Lan,” tay này đọc, “đang chỉ gặp phải kháng cự yếu ớt”. Trong gian nhà thuyền tối tăm có ai đó bật cười chua chat. “Đồ dối trá khốn kiếp”, Milbourne lên tiếng.

Lúc này, trong khi những người lính dũng cảm của sư đoàn đổ bộ đường không Anh số 1 đang phải chiến đấu một mất một còn vì chính sự sống chết của họ, thì hai viên thượng tá của đức hoàng thượng lại chọn thật đúng thời điểm để mở đầu một cuộc đấu khẩu nóng nảy về chuyện ai xứng đáng chỉ huy sư đoàn. Cuộc đấu khẩu được khơi mào bởi một Shan Hackett bốc đồng nóng nảy, người vào đêm 18 đã nhận định rằng tình hình không chỉ đáng lo ngại mà “rối như canh hẹ”. Đối phương có vẻ chiếm thế thượng phong ở khắp nơi. Các tiểu đoàn Anh bị chia cắt và chiến đấu không có sự hiệp đồng, không biết vị trí các đơn vị còn lại ở đâu. Thiếu liên lạc, bị kìm chân trong những khu phố dày đặc nhà cửa, nhiều đơn vị gặp nhau một cách hoàn toàn ngẫu nhiên. Hackett cảm thấy chẳng có bất cứ sự chỉ huy chung hay phối hợp hành động nào. Giữa đêm khuya, vẫn còn nghĩ tới thông báo khó tin của Mackenzie về quyền chỉ huy sư đoàn, Hackett nóng nảy lái xe tới khách sạn Hartenstein ở Oosterbeek để làm cho ra nhẽ với Hicks. “Ông ta tới lúc khoảng nửa đêm”, Hicks nhớ lại. “Tôi đang trong phòng chỉ huy tác chiến, và ngay từ lúc đầu đã rõ ràng rằng, vì ông ta có thâm niên hơn tôi, ông ta khó có thể nói là vui vẻ về chuyện tôi được giao quyền chỉ huy. Ông ta còn trẻ, với những ý tưởng cương quyết và cũng khá có lý”.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM