Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:17:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một cây cầu quá xa  (Đọc 131631 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #150 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:19:43 pm »

Xa hơn về phía bắc hành lang, có thêm nhiều khó khăn nữa xuất hiện. Bị cô lập ở khoảng giữa hành lang khỏi sư đoàn Chim Ưng Gầm thét của Taylor về phía nam và những Con Quỷ đỏ tại Arnhem, sư đoàn 82 của tướng Gavin đang giữ vững cây cầu dài 1500 bộ tại Grave và cây cầu nhỏ hơn tại Heumen. Về phía tây nam, sau một trận đánh chóng vánh, các trung đội thuộc trung đoàn 504 và 508, tấn công đồng loạt từ hai bờ kênh đào Maas-Waal, đánh chiếm một cây cầu nữa trên xa lộ Grave-Nijmegen tại làng Honinghutie, mở ra thêm một tuyến đường nữa cho xe tăng của Horrock tới Nijmegen. Nhưng cũng như việc cây cầu tại Son bị hư hại đã chặn đứng bước tiến của người Anh tới đoạn giữa hành lang chiến dịch, việc sư đoàn 82 không thể nhanh chóng chiếm được cầu tại Nijmegen đã gây ra những khó khăn mới. Tại đó, lính SS lúc này đang cố thủ ở đầu cầu phía nam. Được che chắn tốt và ngụy trang kín đáo, lực lượng này liên tiếp đẩy lùi những đợt tấn công của một đại đội thuộc trung đoàn 508. Mỗi giờ qua đi, lực lượng Đức lại mạnh thêm lên, và Gavin không thể điều thêm quân tới để mở cuộc tổng công kích nhằm chiếm cầu; vì trong suốt dải tác chiến rộng của sư đoàn 82 – một vùng dài 10 dặm từ bắc xuống nam và rộng 12 dặm từ đông sang tây – một loạt cuộc tấn công dữ dội của quân địch, mặc dù có vẻ không được phối hợp đồng nhất, đang đe dọa gây ra thảm họa.

Các đội tuần tiễu dọc xa lộ Grave – Nijmegen liên tục bị các toán quân xâm nhập của đối phương tấn công. Hạ sĩ Earl Oldfather, đang săn lùng lính bắn tỉa của địch, chợt nhìn thấy ba người trên một cánh đồng mà trung đoàn 504 đang khống chế. “Một người đang tát nước khỏi hố cá nhân của anh ta, hai người đang hỳ hục đào”, Oldfather nhớ lại. “Tôi vẫy tay và thấy một tên trong bọn vớ lấy súng của hắn. Chúng là bọn Jerry đã xâm nhập vào giữa khu vực của chúng tôi và nấp trong hố cá nhân bắn thẳng vào chúng tôi”.

Xa hơn về phía đông, hai khu đổ quân quan trọng nằm giữa cao điểm Groesbeek và biên giới Đức nhanh chóng chở thành bãi chiến trường khi từng đợt lính bộ binh ô hợp của Đức được đẩy tới tấn công lực lượng đổ bộ. Trong đám này có cả lính hải quân, lính Luftwaffe, lính thông tin, lính thu dung, nhân viên quân y, và cả thương binh đang hồi phục. Hạ sĩ Frank Ruppe nhớ rõ những tên Đức đầu tiên anh trông thấy mặc đủ thứ quân phục và phù hiệu. Cuộc tấn công bắt đầu bất ngờ đến mức, anh ta nhớ lại,”chúng tôi bị phục kích ngay bên vị trí ngoại vi của mình”. Những đơn vị địch xuất hiện cứ như thể từ hư không hiện ra. Trong những phút đầu tiên trung úy Harold Gensemer bắt sống một viên đại tá Đức đầy tự tin tuyên bố rằng “người của tôi sẽ sớm đá đít các người khỏi ngọn đồi này”. Và quân Đức đã gần làm được vậy.

Vượt qua biên giới Đức từ thành phố Wyler và từ bức tường phía tây với số lượng áp đảo, quân Đức chọc thủng tuyến phòng ngự ngoại vi của sư đoàn 82 và nhanh chóng tràn vào các khu đổ quân, chiếm giữ đồ hậu cần và đạn dự trữ. Trong một thời gian cuộc giao chiến diễn ra hỗn loạn. Lực lượng phòng ngự của sư đoàn 82 giữ vững vị trí của mình lâu nhất có thể, rồi từ từ bị đẩy lùi. Khắp khu vực lực lượng đổ bộ được lệnh vận động khẩn cấp tới khu chiến sự. Những đơn vị ở ngoại ô Nijmegen phải hành quân gấp trở lại các khu đổ quân để tiếp viện.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #151 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:20:02 pm »

Sự hoảng loạn có vẻ cũng xảy ra với thường dân Hà Lan. Binh nhì Pat O’Hagan nhận thấy khi trung đội của anh rút lui khỏi ngoại ô Nijmegen, những lá cờ Hà Lan anh thấy tung bay trước đó khi họ tiến vào thành phố lập tức được vội vàng cất xuống. Binh nhì Arthur “Dutch” Schultz, một cựu binh từ Normandy và là xạ thủ giữ khẩu súng máy Browning của trung đội, thấy “mọi người đều lo lắng, và tất cả những gì tôi nghe thấy là tiếng cầu nguyện “BAR front and center”. Anh này trông thấy quân Đức khắp nơi. “Chúng ở khắp xung quanh chúng tôi và quyết tâm đánh bật chúng tôi khỏi khu đổ bộ”. Mọi người đều hiểu rõ rằng trong lúc chờ thiết giáp và các đơn vị chính quy tới tăng viện, mọi đơn vị địch có mặt gần khu vực đổ bộ, ước chừng hai tiểu đoàn, đã được điều tới thực hiện một cuộc tấn công liều chết nhằm đẩy lùi sư đoàn 82 bằng mọi giá và chiếm giữ các khu đổ bộ - mạch máu cung cấp hậu cần và tăng viện cho tiểu đoàn. Nếu quân Đức thành công họ có thể tiêu diệt hoàn toàn đợt đổ quân thứ hai trước khi lực lượng này kịp chạm đất.

Lúc này, tướng Gavin tin rằng đợt đổ quân dự kiến đã rời nước Anh. Không có cách nào báo trước hoặc ngăn họ lại kịp thời nữa. Như vậy, Gavin chỉ còn không quá hai giờ để quét sạch quân địch khỏi khu đổ bộ và ông cần tất cả lực lượng có thể huy động được. Bên cạnh những đơn vị đã tham chiến, lực lượng dự trữ duy nhất còn lại là hai đại đội công binh. Lập lức Gavin tung các đơn vị này vào vòng chiến.

Được đại bác và súng cối yểm trợ, những người lính đổ bộ, có lúc phải một chống năm, đã chiến đấu suốt buổi sáng để kiểm soát các khu đổ bộ. (CT: Trong trận đánh ác liệt và hỗn loạn diễn ra trong khoảng 4 giờ tại các khu đổ bộ, một trong những sĩ quan được yêu mến nhất sư đoàn 82, nhà vô địch quyền anh hạng nặng của sư đoàn, đại úy Anthony Stefanich, đã hy sinh. “Chúng ta đã cùng nhau đi một chặng đường dài,” anh trăng trối lại với đồng đội. “Hãy bảo các chàng trai làm tốt việc của mình”. Rồi hy sinh). Sau đó, nhiều người giương lê đuổi theo quân Đức xuống các sườn dốc. Chỉ đến lúc trận đánh đang diễn ra ác liệt nhất Gavin mới biết đợt đổ quân thứ hai chỉ tới nơi lúc 2 giờ chiều. Các vạt rừng vẫn còn các toán quân Đức trụ lại và hiển nhiên những đơn vị địch hổ lốn này mới chỉ là màn dạo đầu cho những cuộc tấn công dữ dội và kiên quyết hơn. Bằng cách cơ động lực lượng của mình theo các điểm nóng, Gavin tin tưởng có thể đứng vững, nhưng ông cũng ý thức rõ tình thế của sư đoàn 82 hiện rất hiểm nghèo. Giờ đây với tin cây cầu Son bị sập và mới đang được sửa lại, ông không thể trông đợi cuộc hội quân với người Anh trước ngày N+2. Bồn chồn và mỗi lúc thêm lo ngại, Gavin chờ đợi đợt đổ quân thứ hai, đợt đổ quân sẽ mang tới cho ông thêm binh lính, pháo binh và đạn mà ông đang cần đến tuyệt vọng.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #152 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:20:14 pm »

Từ những đống đổ nát đang bốc khói tại Arnhem cho tới cây cầu bị phá hỏng tại Son, trong những hố cá nhân, trong các vạt rừng, dọc các bờ kênh rạch, nấp giữa những ngôi nhà sập, trên xe tăng và gần đầu cầu của những cây cầu sinh tử, những người lính của Market Garden cùng những đối thủ Đức đang giao chiến với họ nghe thấy tiếng động trầm trầm vọng lại từ phía tây. Theo từng đội hình cột dài, làm đen đặc cả bầy trời, những chiếc máy bay và tàu lượn của đợt đổ quân thứ hai đang tới gần. Tiếng động cơ vang rền liên tục và mỗi lúc một lớn làm bừng lên hy vọng và lạc quan trong lực lượng Anh-Mỹ cũng như người dân Hà Lan. Với phần lớn lính Đức, tiếng động cơ chẳng khác gì hồi chuông của ngày tận thế. Những người lính cũng như những người dân thường cùng nhìn chăm chú lên bầu trời, chờ đợi. Lúc đó là gần 2 giờ chiều ngày 18/9.

Đòan máy bay trên không thật khổng lồ, thậm chí còn vượt xa cảnh tượng của ngày hôm trước. Vào ngày 17, các đội hình đã chia thành hai tuyến riêng nam và bắc. Lần này, thời tiết xấu và hy vọng bảo vệ mình tốt hơn chống lại Luftwaffe đã khiến toàn bộ đợt đổ quân thứ hai đi theo tuyến phía bắc tới Hà Lan. Tập hợp lại thành từng cột dày đặc kéo dài hết dặm này tới dặm khác trên không trung, gần 4000 máy bay chia thành nhiều tầng ở độ cao từ 1000 tới 2500 bộ.

Bay sát nhau, 1336 chiếc C47 của Mỹ và 340 chiếc Stirling của Anh làm nên phần lớn nhất của không đoàn. Một số chở quân. Những chiếc còn lại kéo theo một số lượng tàu lượn khó tin – 1205 chiếc Horsa, Waco, và cả những chiếc Hamilcar khổng lồ. Phía cuối không đoàn dài đến 100 dặm này là 252 chiếc máy bay ném bom 4 động cơ Liberator chở hàng. Để bảo vệ không đoàn này, bay phía trên và hai bên sườn có 867 máy bay chiến đấu – từ các phi đội Spitfire và máy bay phóng pháo Typhoon của Anh cho tới những chiếc Thunderbolt và Lightning của Mỹ - làm thành đội hộ tống. Tổng cộng, vào lúc khởi hành, đợt đổ quân thứ hai mang theo 6674 lính đổ bộ đường không, 681 xe cùng moóc chở hàng, 60 khẩu pháo cùng đạn, và trên 600 tấn tiếp tế, bao gồm cả 2 xe ủi. (CT: Về số máy bay tham gia có nhiều ước lượng. Nguồn của Mỹ cho con số tổng cộng 3807 máy bay, thống kê của Anh cho con số 4000. Số lượng nêu ra trong cuốn sách này được lấy từ báo cáo sau trận đánh của quân đoàn của tướng Browning, chỉ ra rằng sự khác biệt về con số có thể do số lượng máy bay chiến đấu. Theo nguồn của Mỹ, 674 máy bay chiến đấu xuất phát từ Anh bay hộ tống đợt đổ quân thứ hai, nhưng không bao gồm 193 chiếc xuất phát từ Bỉ, số này nâng tổng số máy bay chiến đấu lên 867 chiếc. Cho tới khi cuốn sách này được xuất bản, nguồn tổng kết tốt nhất về lực lượng không quân tham dự Market Garden, nhất là lực lượng vận tải, là cuốn sử của John C.Warren mang tựa đề “Airborne Operations in World War II, European Theater”.)

Bị quấy rầy bởi đạn cao xạ, không đoàn lớn bay vào lục địa trên không phận bờ biển Hà Lan tại đảo Schouwen, sau đó hướng về phía đông vào đất liền tới điểm kiểm soát không lưu nằm ở phía nam thị trấn Hertogenbosch. Tại đây, với máy bay chiến đấu bay mở đường, lực lượng vận tải chia thành 3 đội hình hướng tới 3 khu vực tác chiến. Với sự chính xác tuyệt đối, thực hiện những thao tác bay khó và nguy hiểm, lực lượng đổ bộ của Mỹ ngoặt xuống phía nam và đông tới khu vực của các sư đoàn 101 và 82, trong khi lực lượng Anh ngoặt lên phía bắc tới Arnhem.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #153 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:20:23 pm »

Cũng như ngày hôm trước, có những trục trặc xảy ra, cho dù đã giảm đi nhiều. Nhầm lẫn, bỏ cuộc, và những sai lầm thảm họa xảy ra đặc biệt với các đoàn tàu lượn. Trước khi đợt đổ quân thứ hai tới được các bãi đáp, 54 tàu lượn đã bị mất do trục trặc kỹ thuật hay sai sót của con người. Khoảng 26 chiếc phải bỏ cuộc trên không phận Anh hoặc trên biển; hai chiếc vỡ tung trong khi bay, và 26 chiếc bị thả xuống quá sớm dọc đoạn đường dài 80 dặm qua lãnh thổ địch, đáp xuống quá xa bãi đáp tại Bỉ và Hà Lan, vào sâu trong lãnh thổ Đức. Trong một sự việc kỳ quặc một người lính quá hoảng loạn đã lao vào buồng lái và tháo dây kéo của tàu lượn. Nhưng tổn thất về nhân mạng nhìn chung là thấp. Tổn thất lớn nhất, cũng như ngày hôm trước, là về những hàng quân sự rất cần thiết. Một lần nữa người của Urquhart có vẻ lại bị số phận chơi khăm – có đến quá nữa số tàu lượn chở hàng bị mất là dành cho Arnhem.

Số phận cũng đã dắt mũi cả Luftwaffe. Vào lúc 10 giờ sáng, không thấy bóng dáng không đoàn Đồng Minh đâu, bộ tư lệnh không quân Đức đã rút quá nửa số 190 máy bay về căn cứ, trong khi số còn lại tuần tiễu vùng trời phía bắc và nam Hà Lan. Một nửa số phi đội bị chỉ định không đúng khu vực cần thiết, hoặc đang về căn cứ tiếp nhiên liệu khi đợt đổ quân xuất hiện. Kết quả là chỉ có chưa đầy 100 chiếc Messerschmidtt và FW-190 tham chiến tại khu vực Arnhem và Eindhoven. Không máy bay địch nào vượt qua nổi lá chắn tiêm kích dày đặc của Đồng Minh bảo vệ các không đoàn vận tải. Sau trận đánh các phi công Đồng Minh báo cáo đã hạ được 29 Messerschmidtt đổi lại chỉ 5 máy bay tiêm kích Mỹ bị hạ.

Hỏa lực mặt đất dữ dội bắt đầu trùm lên đoàn máy bay khi họ đến gần các khu đổ quân. Tiếp cận các khu đổ quân của sư đoàn 101 ở phía bắc Son, những chiếc tàu lượn chậm chạp gặp mây mù gần mặt đất và mưa, thời tiết này đã ít nhiều che chở chúng khỏi các pháo thủ Đức. Nhưng hỏa lực cao xạ dữ dội và chết chóc từ khu vực Best bao phủ lên những đội hình đang tới nơi. Một tàu lượn, có lẽ chở đạn, đã trúng cả một loạt đạn cao xạ, nổ tung và tan biến. Trong lúc thả tàu lượn, bốn máy bay kéo liên tiếp bị trúng đạn từng chiếc một. Hai chiếc lập tức bốc cháy; một chiếc đâm xuống đất, một hạ cánh an toàn. Ba tàu lượn thủng lỗ chỗ vết đạn đáp bụng xuống khu đổ quân, những người bên trong thật kỳ lạ lại không ai làm sao. Tổng cộng, trong số 450 tàu lượn dành cho tướng Taylor, 428 chiếc tới được khu đổ quân với 2656 lính, xe cộ và moóc kéo.

Cách đó 15 dặm về phía bắc, đợt đổ quân thứ hai của tướng Gavin bị đe dọa bởi những trận đánh vẫn đang dữ dội tại các khu đổ quân khi tàu lượn bắt đầu đáp xuống. Tổn thất của sư đoàn 82 cao hơn khu vực sư đoàn 101. Máy bay và tàu lượn rơi vào giữa lưới lửa phòng không. Cho dù ít chính xác hơn hôm trước, các pháo thủ Đức cũng đã bắn rơi 6 máy bay kéo khi những chiếc này chậm chạp vòng lại sau khi thả tàu lượn. Một chiếc bị bắn gãy rời cánh, 3 chiếc cháy đùng đùng đâm xuống đất, một chiếc rơi vào lãnh thổ Đức. Cuộc đấu súng một mất một còn nhằm giành quyền kiểm soát các khu đổ quân đã buộc nhiều tàu lượn phải hạ cánh ở nơi khác. Một số tiếp đất cách đích dự kiến 3 đến 5 dặm; một số hạ cánh trong lãnh thổ Đức; tuy thế nhiều chiếc vẫn cương quyết hạ xuống khu đổ quân được chỉ định. Liên tục nằm dưới trái phá, đạn cối và những luồng đạn súng máy đan chéo nhau từ mọi hướng, các khu đổ quân đều đã trở thành vùng đất chết. Lao xuống quá nhanh nền đất cứng, nhiều chiếc tàu lượn bị vỡ hoặc lộn ngược. Thế nhưng những thao tác ngoạn mục của các phi công đã thành công. Binh lính và hàng hóa bị tổn thất ít đến ngạc nhiên. Không ghi nhận có ai bị thương trong lúc tiếp đất, và chỉ 45 người bị chết hay bị thương bởi đạn địch trong khi bay hoặc tại các khu đổ quân. Trong số 454 tàu lượn, 385 đến được các khu của sư đoàn 82, mang theo 1782 lính pháo binh, 177 xe jeep và 60 pháo. Thoạt đầu, hơn một trăm lính bị coi là mất tích, nhưng sau đó quá nửa số này tới được phòng tuyến của sư đòan 82 sau khi đáp xuống quá xa. Các phi công lái tàu lượn quả cảm đã phải chịu tổn thất lớn nhất; 54 người hy sinh hoặc bị coi là mất tích.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #154 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:20:56 pm »

Cho dù quân Đức đã không phá hoại được đợt đổ quân thứ hai, họ đã gây tổn thất nặng cho những chiếc máy bay ném bom chở đồ tiếp tế đi sau đội hình chở quân và tàu lượn. Khi những phi đội đầu tiên trong số 252 chiếc B24 Liberator to lớn 4 động cơ tiếp cận khu vực của sư đoàn 101 và 82, các pháo thủ phòng không đối phương đã kịp chỉnh súng. Bay phía trước các máy bay chở hàng, máy bay chiến đấu đã tìm cách vô hiệu hóa các khẩu đội phòng không. Thế nhưng, cũng giống như các khẩu đội Đức đã làm khi xe tăng của Horrock bắt đầu cuộc đột phá của hộ hôm 17, lần này quân địch cũng im lặng đợi đến khi máy bay chiến đấu bay qua đầu. Sau đó, những khẩu đội này bất ngờ nổ súng. Chỉ trong vài phút, 21 máy bay hộ tống bị bắn rơi.

Theo sau các máy bay chiến đấu, những phi đội máy bay ném bom xuất hiện ở độ cao từ 50 đến 800 bộ. Khói và mây mù bao phủ khu vực đã che khuất các khói hiệu và vật mốc đánh dấu trên mặt đất,vì thế những người phụ trách thả hàng đầy kinh nghiệm trên những chiếc máy bay này cũng không thể xác định chính xác khu vực. Từ trên những chiếc B24, mỗi chiếc mang khoảng 2 tấn hàng, tiếp tế bắt đầu rơi xuống hú họa, phân tán trên một diện tích rộng. Chạy ngang chạy dọc khắp các khu vực đổ quân của mình, binh lính sư đoàn 82 đã thu được 80% hàng tiếp tế, thường là ngay trước mặt quân Đức. Sư đoàn 101 thì không được may mắn như vậy. Rất nhiều kiện hàng tiếp tế của họ rơi thẳng vào tay lực lượng Đức tại khu vực Best. Chưa đến 50% tiếp tế dành cho họ đến tay người nhận. Với lực lượng của tướng Taylor nằm ở khu vực dưới cùng của hành lang chiến dịch, mất mát này là cực kỳ nghiêm trọng, vì hơn 100 tấn hàng dành cho họ bao gồm xăng, đạn và lương thực. Hỏa lực Đức khủng khiếp đến mức 130 máy bay ném bom bị hư hại bởi hỏa lực mặt đất, 7 chiếc bị rơi, 4 chiếc phải đáp bụng. Một ngày đã bắt đầu với nhiều hy vọng đến thế cho những người lính Mỹ bị vây dọc hành lang đã nhanh chóng trở thành cuộc vật lộn sống còn.

Trung úy Pat Glover thuộc lữ đoàn dù 4 của thượng tá Shan Hackett đã nhảy khỏi máy bay và đáp xuống khu đổ quân phía nam đường Ede-Arnhem. Anh cảm thấy cú giật khi dù mở, và lập tức tìm kiếm xung quanh mình, vớ lấy chiếc túi bạt có khóa kéo buộc vào bên vai trái mình. Trong túi, Myrtle cô gà nhảy dù đang kêu ầm lên và Glover cảm thấy yên tâm. Như anh đã dự định tại Anh, Myrtle đã thực hiện cú nhảy tác chiến đầu tiên của mình.

Khi Glover nhìn xuống dưới có vẻ toàn bộ mặt đất dưới chân đều đang bốc cháy. Anh có thể thấy đại đại bác và đạn cối nổ tung khắp nơi trên khu đổ quân. Khói và lửa cuồn cuộn bốc lên, và một số lính dù, không thể chỉnh được cú tiếp đất của mình, đã thực sự rơi vào hỏa ngục. Ở phía xa, nơi các tàu lượn đang chở tới phần còn lại lữ đoàn của thượng tá Pip Hicks, Glover có thể trông thấy những đống vỡ nát và người chạy theo mọi hướng. Có cái gì đó đang bất ổn. Theo cuộc phổ biến kế hoạch, Glover biết Arnhem được coi là chỉ được phòng thủ sơ sài và các khu vực đổ quân, đến lúc này, hẳn đã được kiểm soát và yên tĩnh. Trước khi đợt đổ quân thứ hai rời Anh đã không có dấu hiệu nào cho thấy có gì đó không ổn. Thế nhưng với Glover có vẻ một trận đánh lớn đang xảy ra ngay dưới chân anh. Anh tự hỏi liệu có phải do sai sót mà họ đã đáp xuống nhầm địa điểm hay không.

Trong lúc viên trung úy xuống gần mặt đất, tiếng súng máy và tiếng nổ đùng đục của đạn cối có vẻ như bao lấy khắp xung quanh anh. Glover chạm đất, thận trọng lăn một vòng về phía vai trái để bảo vệ Myrtle, rồi nhanh chóng tháo dù. Gần đó, cần vụ của Glover, binh nhì Joe Scott, cũng vừa đáp xuống. Glover đưa cho anh ta chiếc túi đựng Myrtle.”Hãy trông coi nó cẩn thận nhé,”anh bảo Scott. Nhìn quanh khu đổ bộ mờ mịt khói, Glover nhìn thấy những cuộn khói vàng đánh dấu điểm tập hợp. “Đi thôi,” anh nói với Scott. Vừa chạy vòng vèo vừa nằm phục xuống, hai người lên đường. Nhìn về phía nào Glover cũng thấy sự hỗn loạn hoàn toàn. Anh cảm thấy nặng nề. Hiển nhiên là tình hình đã diễn biến rất xấu.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #155 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:21:07 pm »

Khi thiếu tá J.L.Waddy nhảy xuống, ông cũng nghe thấy tiếng súng máy nổ rền có vẻ như đang cày nát cả khu vực theo mọi hướng. “Tôi không hiểu chuyện gì nữa,”ông nhớ lại. “Chúng tôi đã được chuẩn bị tinh thần là bọn Đức đang chạy, và đội ngũ chúng đang hỗn loạn”. Lắc lư rơi xuống phía dưới chiếc dù, Waddy nhận ra khu đổ bộ gần như bị che khuất bởi khói từ những đám cháy. Ở phía nam khu vực nơi ông tiếp đất, Waddy bắt đầu tìm kiếm khu tập kết của tiểu đoàn mình. “Đạn cối nổ khắp nơi, và tôi thấy không biết bao nhiêu người bị thương vong khi tôi đi qua”. Khi ông tới gần điểm tập kết, Waddy chạm trán một viên đại úy cau có thuộc sở chỉ huy tiểu đoàn đã nhảy xuống Hà Lan ngày hôm trước. “Các ngài đã trễ quá nhiều đấy,” Waddy nhớ anh này hét tướng lên. “Các vị có biết bọn tôi đã phải đợi ở đây bốn tiếng rồi không?” Đầy kích động, viên đại úy bắt đầu báo tình hình cho Waddy. “Tôi choáng váng khi nghe,” Waddy nhớ lại. “Đó là tin tức đầu tiên chúng tôi được biết nói rằng tình hình không thuận lợi như dự kiến. Chúng tôi lập tức tập hợp lại, và khi tôi nhìn quanh, tôi có cảm tưởng cả bầu trời trên đầu là một quầng lửa”.

Tại cả hai khu đổ quân phía tây ga đường sắt Wolfheze – tại Ginkel Heath và Reyers Camp – những người lính dù và bộ binh đi tàu lượn rơi vào giữa một trận đánh ác liệt. Từ những tài liệu thu được về Market Garden, quân Đức đã biết địa điểm các khu đổ quân. Và qua hệ thống radar tại các địa điểm vẫn bị chiếm đóng ở bờ biển như Dunkirk, quân Đức, không giống như những người Anh dưới mặt đất, có thể tính toán chính xác thời điểm đợt đổ quân thứ hai tới nơi. Các đơn vị SS vf phòng không được vội vã rút đi từ Arnhem, được tập trung nhanh chóng tới các khu vực này. Hai mươi máy bay chiến đấu của Luftwaffe được chỉ định tới liên tục quần thảo trên các khu vực đổ quân. Giao chiến trên mặt đất cũng ác liệt không kém. Để đẩy bật một số khu vực khỏi lực lượng địch đang tiếp cận, những ngườ lính Anh, giống như họ đã phải làm trong đêm và đầu buổi sáng, lại giương lê đánh giáp lá cà.

Đạn cối bắn trúng các tàu lượn đáp xuống hôm trước, biến chúng thành những bó đuốc đến lượt mình lại làm cháy các khoảnh rừng. Quân địch xâm nhập đã biến một số tàu lượn thành bình phong cho cuộc tấn công của mình và quân Anh đành phải tự đốt cháy chúng còn hơn để chúng rơi vào tay địch. Gần 50 chiếc tàu lượn bốc cháy trong một biển lửa khổng lồ tại một góc cánh đồng. Thế nhưng lữ đoàn đổ bộ của thượng tá Pip Hicks – trừ nửa tiểu đoàn đã được gửi tới Arnhem – vẫn đang chiến đấu với sự quả cảm bướng bỉnh để giữ các khu đổ quân. Lực lượng nhảy dù và những chiếc tàu lượn đáp xuống, mang theo 2119 người, đã thành công hơn bất cứ ai có mặt trên trời hay dưới đất dám tin. Ngay cả với trận đánh đang diễn ra, 90% lực lượng đợt hai đã tiếp đất – và đúng chỗ.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #156 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:21:13 pm »

Thượng sĩ Ronald Bedford, xạ thủ đuôi trên một chiếc Stirling 4 động cơ, đã hiểu ra nhiệm vụ ngày thứ Hai khác xa với phi vụ anh đã bay hôm Chủ nhật. Lúc đó, chàng trai 19 tuổi Bedford nói thẳng ra đã cảm thấy phát chán về sự tẻ nhạt của chuyến bay. Lần này, trong khi họ tiếp cận khu đổ quân, hỏa lực bắn lên dữ dội và liên tục. Phát hiện ra một khẩu đội phòng không đặt trên xe tải ở ven cánh đồng, Bedford cố hết sức hướng súng về phía đó. Anh có thể thấy luồng đạn của mình hướng xuống dưới, rồi đột ngột khẩu đội nọ ngừng bắn. Bedford vô cùng phấn khích.”Tôi hạ được chúng rồi!”, anh ta reo lên. “Nghe này, tôi hạ được chúng rồi!” Khi chiếc Stirlinh tiếp tục bay theo lộ trình, Bedford nhận thấy có vẻ tất cả tàu lượn xung quanh đều được thả dây ra quá sớm. Anh ta chỉ có thể tự kết luận là hỏa lực phòng không dày đặc đã khiến nhiều phi công lái tàu lượn tách dây kéo và cố gắng hạ xuống càng nhanh càng tốt. Rồi anh trông thấy sợi cáp nối với chiếc Horsa phía sau họ rơi xuống. Nhìn theo chiếc tàu lượn đang nhào xuống, Bedford tin chắc thế nào nó cũng đâm phải những chiếc khác trước khi chạm đất. “Toàn bộ quang cảnh thật hỗn loạn,” anh này nhớ lại. “Những chiếc tàu lượn có vẻ lao xuống rất gấp, rồi lượn ngang tiếp đất, và thường trông như có vẻ chiếc nọ sắp lao vào chiếc kia. Tôi tự hỏi làm thế nào mà mỗi người trong bọn họ có thể làm vậy được”.

Thượng sĩ Roy Hatch, phụ lái một chiếc Horsa mang theo một xe jeep, hai xe mooc chở đạn súng cối, và 3 người, băn khoăn không biết họ sẽ hạ cánh ra sao khi anh nhìn thấy đạn cao xạ bắn lên phía trước họ. Khi thượng sĩ nhất Alec Young, phi công chính, lái chiếc tàu lượn chúc đầu sâu xuống và hạ độ cao, Hatch sững sờ nhận ra dường như tất cả mọi người đều nhắm đến cùng một điểm hạ cánh – bao gồm cả một con bò đang phát cuồng chạy lồng lên ngay phía trước họ. Thế nhưng bằng cách nào đó Young vẫn đưa chiếc tàu lượn tiếp đất yên ổn. Lập tức mọi người nhảy ra ngoài và bắt đầu tháo chiếc đuôi tàu lượn ra. Bất thần, với một tiếng rít tưởng rách màng nhĩ, một chiếc Horsa khác đáp xuống ngay trên lưng tàu lượn của họ. Chiếc này tiếp tục trườn đi, đập vỡ mũi chiếc tàu lượn của Hatch, gồm cả nóc và buồng lái nơi Hatch và Young vẫn còn ngồi chỉ vài tích tắc trước đó, rồi trượt về phía trước, dừng lại ngay trước mặt họ.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #157 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:21:26 pm »

Một số tàu lượn khác chệch hoàn toàn khu đổ bộ, vài chiếc đáp cách đó đến 3 dặm. Hai chiếc đáp xuống bờ nam sông Rhine, một chiếc gần làng Driel. Để những người bị thương lại cho người dân Hà Lan chăm sóc, những người lính còn lại tìm về đơn vị mình bằng chiếc phà tại Driel đã bị quên bẵng nhưng vẫn hoạt động tốt (CT: Truyện này chắc có thực nhưng nhiều người Hà Lan thích kể nó. Theo bà Ter Horst sống tại Oosterbeek, khi những người lính Anh và vũ khí của họ, gồm cả một khẩu súng chống tăng, lên chiếc phà tại Driel, người lái phà Pieter phải đối mặt với sự lựa chọn: có lấy tiền phà của họ hay không. Đến khi tới bờ bắc, Pieter đã quyết định cho họ đi phà không mất tiền. )

Vài chiếc C47 đã bị trúng đạn và bốc cháy trong lúc tiếp cận các khu đổ quân. Khoảng 10 phút trước khi nhảy dù, thượng sĩ Francis Fitzpatrick nhìn thấy đạn cao xạ đang bắn tới rất dày. Một người lính trẻ, binh nhì Ginger Mac Fadden, bật dậy hét lớn, đưa tay ra sờ chân trái. “Tôi bị trúng đạn rồi,” Mac Fadden kêu lên. Fitzpatrick nhanh chóng xem vết thương và tiêm cho người lính một mũi morphin. Sau đó viên thượng sĩ nhận thấy chiếc máy bay có vẻ chòng trành. Khi anh cúi người nhìn qua ô cửa sổ, cửa dẫn tới khoang lái mở ra và người chỉ huy nhảy bước ra, khuôn mặt nghiêm trọng. “Đứng dậy chuẩn bị móc dù và nhảy khẩn cấp”, anh ta nói. Fitzpatrick nhìn xuống hàng lính dù lúc này đã móc dù và sẵn sàng nhảy. Anh ta có thể nhìn thấy khói bốc ra từ động cơ. Dẫn đầu đội hình, Fitzpatrick nhảy đầu tiên. Khi chiếc dù của anh mở ra, chiếc máy bay đâm nhào xuống. Trước khi Fitzpatrick kịp chạm đất anh nhìn thấy chiếc C47 đâm cắm đầu xuống một cánh đông ở phía tay phải mình. Anh chắc chắn rằng tổ lái và Ginger MacFadden đã không thể sống sót.

Trên một chiếc C47 khác viên chỉ huy phi hành đoàn người Mỹ đùa bỡn đại úy Frank D.King, “Anh bạn sắp phải xuống dưới kia còn tớ sẽ chuồn về nhà chén thịt muối và trứng”. Người Mỹ ngồi đối diện với King. Mấy phút sau đèn xanh bật sáng. King liếc nhìn người này. Anh ta có vẻ như gục xuống ngủ gật, người ngả ra sau, cằm gập xuống ngực, hai tay để xuôi ra phía trước. King cảm thấy có gì đó không ổn. Anh lay vai người Mỹ và anh này đổ vật sang bên. Anh ta đã chết. Phía sau anh ta, King nhìn thấy một lỗ thủng to trên thành máy bay có vẻ như do một viên đạn súng máy loại nòng 50 caliber gây ra. Đứng bên cửa chuẩn bị nhảy, King nhìn thấy lửa phụt ra từ phía cánh. “Chúng ta cháy rồi,” anh hét lớn với thượng sĩ George Gatland, “Báo với phi công”. Gatland làm theo. Khi anh ta mở cửa buồng lái, một lưỡi lửa bùng ra phụt dọc thân máy bay. Gatland vội đóng sập cửa lại và King ra lệnh cho người của mình nhảy. Anh tin rằng lúc này họ đang bay không phi công.

Khi những người lính dù lao qua cửa máy bay, Gatland ước tính chiếc máy bay ở cách mặt đất chừng 200 đến 300 bộ. Anh tiếp đất và bắt đầu kiểm điểm mọi người. Bốn người mất tích. Một bị giết bởi đạn phòng không ngay bên khung cửa trước khi kịp rời máy bay. Một người khác kịp nhảy nhưng dù bị bắt lửa; người thứ ba, King và Gatland tìm hiểu được, đã tiếp đất cách đó một quãng. Sau đó người thứ tư xuất hiện vẫn đeo dù sau lưng. Tổ lái, anh ta nói cho họ biết, đã xoay xở đáp bụng được và như có phép thần, họ đã kịp chuồn ra. Lúc này, cách Oosterbeek 15 dặm và ở xa chiến tuyến Anh, nhóm của King lên đường tìm về đơn vị. Trong lúc họ đi, chiếc C47, đang bốc cháy cách đó một phần tư dặm, nổ tung.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #158 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:21:34 pm »

Ở một số khu vực, lính dù nhảy ra an toàn chỉ để tiếp đất giữa những quầng lửa rừng rực. Cố sống cố chết chỉnh dây dù để tránh những nơi này, nhiều người đáp xuống rìa khu đổ quân, vào những vạt rừng dày đặc. Một số, trong lúc đang cố gỡ dù ra, bị các tay bắn tỉa địch bắn hạ. Số khác đáp xuống cách xa khu đổ quân của mình. Có nơi, một phần của cả một tiểu đoàn đã nhảy xuống sau lưng quân Đức, sau đó hành quân tới điểm tập kết mang theo 80 tù binh.

Dưới làn đạn đang đan trên các khu đổ quân, những người lính dù, sau khi tháo dù, hối hả lao đi tìm chỗ ẩn nấp. Từng nhóm nhỏ những người bị thương nặng nằm rải rác khắp nơi. Binh nhì Reginald Bryant bị trúng mảnh đạn cối và bị choáng nặng đến mức tạm thời anh ta hoàn toàn tê liệt. Biết được tất cả những gì xảy ra quanh mình, nhưng anh không thể động đậy. Anh nằm bất lực nhìn trong lúc những người trên cùng máy bay, tin rằng Bryant đã chết, liền nhặt đạn và khẩu súng của anh rồi vội vã chạy đi tới điểm tập kết.

Nhiều người, bất ngờ trước những làn đạn súng máy và súng bắn tỉa bao trùm các khu đổ quân, lao vào rừng ẩn nấp. Sau vài phút cả khu vực đã vắng tanh, trừ những người đã chết hoặc bị thương. Thượng sĩ Ginger Green, người giáo viên thể lực đã lạc quan mang theo một quả bóng đá để đấu một trận tại khu đổ quân sau trận đánh mà anh đã nghĩ sẽ dễ dàng, nhảy và tiếp đất mạnh đến mức gãy hai xương sườn. Anh đã nằm đó bao lâu, Green cũng không rõ nữa. Khi anh tỉnh lại, anh chỉ còn lại một mình giữa những thi thể xung quanh. Anh đau đớn ngồi dậy và lập tức bị một tay bắn tỉa ngắm bắn. Green đứng dậy và bắt đầu lảo đảo chạy về phía rừng. Đạn réo khắp xung quanh anh. Hết lần này tới lần khác, bên sườn đau khủng khiếp khiến anh ngã khuỵu xuống. Anh biết chắc thế nào cũng sẽ dính đạn. Trong làn khói bay ngang trảng trống, cuộc đối đầu lạ lùng với tay bắn tỉa có vẻ như kéo dài hàng giờ. “Tôi chỉ có thể chạy được 5 hay 6 yard mỗi lần,” anh ta nhớ lại, “và tôi nghĩ mình đang đối đầu với một tên con hoang bị tâm thần hay một tay súng hạng bét”. Cuối cùng, ôm lấy bên sườn bị đau, Green gắng sức lao đi lần cuối cùng để tới vạt rừng. Tới nơi, anh nhào người xuống đất và lăn người đi va vào một gốc cây đúng lúc một viên đạn cuối cùng vô hại bắn trúng vào một cành cây trên đầu anh. Anh đã thắng cuộc đấu tay đôi sống còn dưới những điều kiện tuyệt vọng để sống sót. Kiệt sức và đau đớn, Green chậm chạp moi quả bóng đã xẹp lép ra khỏi túi ngụy trang và vứt nó đi.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #159 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2010, 08:45:41 pm »

Nhiều người sẽ còn nhớ mãi những giây phút khủng khiếp đầu tiên sau khi tiếp đất. Chạy nhanh đến mức có thể để thoát thân khỏi những viên đạn và những đám lửa đang hoành hành tại Ginkel Heath, ít nhất hơn chục người lính vẫn còn nhớ tới một trung úy trẻ 22 tuổi nằm trên mặt đất bị thương rất nặng. Anh ta bị đạn lửa bắn trúng chân và ngực khi còn đang treo người trên dù. Trung úy Pat Glover nhìn thấy người sĩ quan trẻ này khi anh rời khu đổ quân. “Anh ta đau đớn khủng khiếp”, Glover nhớ, “và không thể khiêng anh ta đi được. Tôi tiêm cho anh ta một mũi morphin và hứa sẽ bảo quân y tới cấp cứu cho anh ta sớm nhất có thể được”. Binh nhì Reginald Bryant, khi hồi lại sau cơn choáng tại khu đổ quân, cũng đi qua chỗ người sĩ quan này khi tìm tới điểm tập kết. “Khi tôi tới gần anh ta, khói đang bốc lên từ vết thương trên ngực anh ấy. Cơn hấp hối của anh ấy thật khủng khiếp. Vài người trong chúng tôi đã đi qua cạnh anh ấy lúc đó và anh ấy đã cầu xin chúng tôi hãy giết mình”. Một người nào đó, Bryant không nhớ là ai, từ tốn bước lại bên viên trung úy và đưa anh ta khẩu súng lục của mình đã lên đạn. Khi mọi người vội vã rời khỏi đó, đám cháy trên khu trảng trống bắt đầu lan tới nơi có người sĩ quan bị thương. Sau đó, đội cứu thương tìm thấy thi thể anh ta. Người ta kết luận rằng anh ta đã tự sát (CT: Cho dù có rất nhiều nhân chứng xác nhận câu chuyện này, tôi xin phép không công bố tên người sĩ quan. Vẫn còn là nghi vấn liệu anh có tự sát hay không. Đó là một sĩ quan can đảm và rất được yêu mến. Có thể quả thực anh đã sử dụng khẩu súng lục của mình, cũng có thể anh bị giết bời một tay bắn tỉa).

Với sự chính xác đặc trưng, thượng tá Shan Hackett, tư lệnh lữ đoàn dù 4, tiếp đất cách vị trí ông định đặt sở chỉ huy chưa đầy 300 yard. Bất chấp hỏa lực kẻ thù, mối quan tâm đầu tiên của ông là tìm cây gậy chống mà ông đánh rơi khi tiếp đất. Trong khi đang tìm, viên thượng tá chạm trán một toán Đức. “Tôi còn hãi hơn cả chúng”, ông ta nhớ lại, “nhưng chúng có vẻ mau mắn đầu hàng hơn”. Hackett, nói tiếng Đức thành thạo, chỉ bảo đám này đợi đó; sau đó, tìm thấy cây gậy của mình, viên thượng tá chỉn chu đạo mạo bình thản dẫn đám tù binh của mình đi.

Là một người nóng nảy ngay cả những lúc mát tính nhất, Hackett không thích những gì ông nhìn thấy. Cả viên thượng tá cũng đã trông đợi các khu đổ quân được kiểm soát và tổ chức quy củ. Đúng lúc này, đại tá Charles Mackenzie, tham mưu trưởng của tướng Urquhart, lái xe tới để thực hiện trách nhiệm chẳng dễ chịu gì của mình. Kéo Hackett ra một bên, Mackenzie – theo như chính ông thuật lại – “nói với ông ta những gì đã được quyết định và kết luận về vấn đề quyền chỉ huy”. Thượng tá Pip Hicks đã được giao quyền chỉ huy sư đoàn trong lúc Urquhart và Lathbury vắng mặt. Mackenzie giải thích tiếp rằng ngay từ ở Anh Urquhart đã quyết định Hicks sẽ nắm quyền trong trường hợp cả Urquhart và Lathbury mất tích hoặc tử trận.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM