Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 07:31:41 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một cây cầu quá xa  (Đọc 131814 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #140 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:17:12 pm »

Giữa cuộc hội ý vội vã trong tiếng ồn của trận đánh, Urquhart và các sĩ quan của mình ngỡ ngành khi thấy một chiếc xe gắn súng máy Bren của quân Anh lao xuống phố như thể phớt lờ hỏa lực của quân Đức rồi dừng lại ngay bên ngoài ngôi nhà. Một viên trung úy người Canada, Leo Heaps, người như Urquhart nói “có vẻ có thần hộ mệnh”, chui ra khỏi ghế lái xe và chạy vào nhà. Sau lưng Heaps là Charles “Frenchie” Labouchere, người của lực lượng kháng chiến Hà Lan, đang làm người dẫn đường cho Heaps. Chiếc xe chất đầy lương thực và đạn và Heaps hy vọng mang được tới cho trung tá Frost tại cầu. Với sự có mặt khắp nơi của thiết giáp Đức, chiếc xe nhỏ và hai người ngồi trên nó có thể nói đã thoát khỏi hỏa lực của địch một cách kỳ diệu và trên đường lại tình cờ tìm được Urquhart. Lúc này, lần đầu tiên sau nhiều giờ, Urquhart được biết từ Heaps những gì đang xảy ra. “Tin tức còn xa mới có thể coi là lạc quan,” Urquhart sau này hồi tưởng lại. “Liên lạc vẫn đứt. Frost đang ở đầu cầu phía bắc và chịu tấn công dữ dội, nhưng vẫn đứng vững, còn tôi thì được cho là mất tích hoặc đã bị bắt”. Sau khi nghe Heaps báo cáo, Urquhart nói với Lathbury rằng lúc này bắt buộc “trước khi chúng ta hoàn toàn bị bao vây phải tìm lấy một cơ hội và vượt ra ngoài”.

Quay lại Heaps, Urquhart lệnh cho anh chàng người Canada là nếu anh ta tới được sở chỉ huy sư đoàn sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ tại cầu, anh cần thúc giục Mackenzie “tổ chức viện binh nhiều đến mức tối đa có thể cho tiểu đoàn của Frost”. Bằng mọi giá, kể cả nguy hiểm cho bản thân, Urquhart quyết tâm rằng Frost phải nhận được tiếp tế và viện binh cần thiết để giữ vững cho tới khi xe tăng của Horrock đến được Arnhem.

Sau khi Heaps và Labouchere đi khỏi, Urquhart và Lathbury lên đường tìm đường thoát vây. Đường phố bên ngoài lúc này không ngớt bị chìm dưới làn đạn đối phương và các ngôi nhà sụp đổ dưới sức công phá của đạn đại bác. Urquhart nhận thấy “một dãy thi thể mỗi lúc một dài quanh những ngôi nhà chúng tôi chiếm lĩnh”, và kết luận rằng không thể đột phá qua phía phố được. Các chỉ huy, cùng với những người còn lại, quyết định đi ra phía sau ngôi nhà, từ đó, được bắn yểm trợ và bom khói che khuất, họ có thể thoát đi được. Sau đó, tận dụng những khoảnh vườn phía sau các dãy nhà, Urquhart và Lathbury hy vọng cuối cùng có thể thoát khỏi khu chiến sự và quay trở lại sở chỉ huy.

Con đường thoát vây quả là ác mộng. Trong khi những người lính dù tạo ra một màn khói dày, nhóm của Urquhart lao qua cửa sau, nhảy qua một vườn rau và trèo qua hàng rào ngăn cách ngôi nhà với nhà hàng xóm. Khi họ dừng chân nghỉ bên thềm ngôi nhà bên cạnh, khẩu Sten của Lathbury cướp cò, súyt nữa bắn trúng chân phải của Urquhart. Như Urquhart sau này viết, “Tôi đùa Lathbury về những chàng lính không kiểm soát được khẩu Sten của mình. Với một sư đoàn trưởng, bị kẹt ở bên ngoài đã là đủ tệ… và thật bi hài nếu bây giờ lại bị hạ bởi một viên đạn do chính một trong các lữ đoàn trưởng của mình bắn ra”.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #141 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:17:30 pm »

Trèo qua hết hàng rào này tới hàng rào khác, một lần phải vượt qua bức tường gạch cao 3 mét, nhóm người đi dọc cả khối nhà cho tới khi, cuối cùng, họ tới một chỗ đường giao nhau lát đá. Sau đó, mệt mỏi và mất phương hướng, họ đã có một sai lầm tai hại. Thay vì rẽ trái, như thế sẽ cho họ một hành lang an toàn, họ lại rẽ phải về phía bệnh viện St Elisabeth, lao thẳng vào làn đạn của quân Đức.

Chạy phía trước Urquhart và Lathbury là hai sĩ quan khác, đại úy William Taylor thuộc ban tham mưu lữ đoàn và đại úy James Cleminson thuộc tiểu đoàn 3. Một trong hai người đột ngột hô lớn nhưng cả Urquhart lẫn Lathbury không hiểu anh ta nói gì. Trước khi Taylor và Cleminson kịp nói gì thêm, hai sĩ quan cao cấp đã lao vào chỗ giao nhau của vô số ngõ phố, nơi mà theo Urquhart “dường như từ ngõ nào cũng có một khẩu súng máy Đức bắn ra”. Trong khi bốn người cố gắng chạy qua một trong những ngõ nhỏ đó, Lathbury bị trúng đạn.

Những người kia nhanh chóng kéo ông ra khỏi đường đưa vào một ngôi nhà. Tại đó, Urquhart thấy một viên đạn đã xuyên vào phía lưng viên thượng tá và ông ta có vẻ tạm thời bị tê liệt. “Tất cả chúng tôi đều hiểu,” Urquhart nhớ lại, “là ông ấy không thể tiếp tục đi được”. Lathbury giục viên tướng lập tức đi ngay để mặc ông tại đó. “Ngài sẽ bị vây kín nếu ở lại, thưa ngài”, ông nói với Urquhart. Trong lúc họ nói chuyện, Urquhart trông thấy một lính Đức xuất hiện ở cửa sổ. Ông rút súng bắn thẳng vào hắn. Khuôn mặt máu me của tên lính biến mất khỏi khung cửa. Lúc này, khi quân Đức đã rất gần, Urquhart bắt buộc phải rời đi thật nhanh. Trước khi đi, ông nói chuyện với đôi vợ chồng trung niên chủ nhà, những người này cũng biết chút ít tiếng Anh. Họ hứa sẽ đưa Lathbury tới bệnh viện St Elisabeth ngay khi cuộc giao tranh tạm ngừng. Để tránh cho những người chủ nhà không bị quân Đức trả thù, Urquhart và người của ông giấu Lathbury trong căn hầm dưới gầm cầu thang chờ tới khi ông này có thể được đưa tới bệnh viện. Sau đó, Urquhart nhớ, “chúng tôi rời đi theo cửa sau và lại gặp phải một ma trận những khu vườn nhỏ có tường rào nữa”. Ba người đã không đi được xa, nhưng rất có thể tính mạng của Urquhart đã được cứu nhờ hành động kịp thời của người đàn ông 55 tuổi Antoon Derksen, chủ một ngôi nhà ở số 14 Zwarteweg.

Trong lúc bom rơi đạn nổ, Antoon cùng vợ ông, Anna, và con trai Jan, con gái Hermina của họ đang ẩn náu trong bếp ở phía sau căn nhà. Liếc nhìn qua cửa sổ, Derksen ngạc nhiên thấy 4 sĩ quan Anh trèo qua hàng rào vào khu vườn phía sau nhà ông và hướng tới cửa nhà bếp. Ông lập tức đón họ vào.

Không thể giao tiếp được – ông không nói được tiếng Anh, trong khi chẳng ai trong nhóm của Urquhart biết tiếng Hà Lan – Antoon, bằng cử chỉ, cố gắng cảnh báo các sĩ quan Anh rằng khu vực này đã bị bao vây. “Có quân Đức ngoài đường,” sau này ông nhớ lại, “và ở cả sau nhà, về hướng mà các sĩ quan vừa đi tới. Và ở cuối dãy vườn có một chốt của quân Đức ở góc”.

Derksen vội giục các vị khách của mình leo lên một cầu thang hẹp vào một phòng ngủ. Trên trần có một cửa kéo dẫn lên tầng áp mái. Thận trọng nhìn qua cửa sổ phòng ngủ, ba người hiểu ra lý do của màn kịch câm luống cuống của Derksen. Chỉ phía dưới họ vài bộ, quân Đức rải ra chiếm lĩnh các vị trí suốt dọc phố. “Chúng tôi ở gần chúng đến mức,” Urquhart nhớ lại, “ chúng tôi có thể nghe thấy tiếng chúng nói chuyện”.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #142 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:17:37 pm »

Urquhart không thể đoán được liệu quân Đức đã phát hiện ra nhóm của họ khi họ chui vào phía sau ngôi nhà hay chưa, hay chúng có thể xông vào ngôi nhà này bất cứ lúc nào hay không. Bất chấp lời cảnh báo của Derksen rằng khu vực đã bị bao vây, ông vẫn cân nhắc lợi hại giữa việc tiếp tục đi theo dãy vườn sau nhà hay đột kích dọc theo con phố trước mặt, dùng lựu đạn mở đường. Ông sẵn sàng chấp nhận mọi nguy hiểm để quay về vị trí chỉ huy của mình. Các sĩ quan đi theo, lo lắng cho an toàn của tư lệnh, không đồng ý. Tại thời điểm đó, bất lợi quá lớn. Tốt hơn, họ lý luận,nên đợi đến khi quân Anh chiếm lĩnh được khu vực này thay vì tư lệnh sư đoàn mạo hiểm với nguy cơ bị bắt hay bị chết.

Urquhart biết những lời khuyên này hợp lý, và ông cũng không muốn buộc sĩ quan của mình phải chấp nhận những nguy hiểm có thể nói là tự sát. Tuy thế “ tôi chỉ còn nghĩ tới việc mình đã vắng mặt quá lâu ở sở chỉ huy sư đoàn, và với tôi bất cứ việc gì cũng tốt hơn ngồi ngoài cuộc theo kiểu này”.

Tiếng động quen thuộc của những vòng xích sắt buộc Urquhart phải nép vào tường. Từ cửa sổ ba sĩ quan thấy một khẩu pháo tự hành Đức chậm chạp đi xuống dọc đường phố. Ngay bên ngoài ngôi nhà, nó dừng lại. Nóc của chiếc xe gần như nằm ngang với cửa sổ buồng ngủ, và tổ lái chui ra ngoài, lúc này đang đứng nói chuyện và hút thuốc ngay dưới cửa sổ. Hiển nhiên, đám này không đi tiếp và những người Anh chờ đợi chúng vào nhà bất cứ lúc nào.

Đại úy Taylor lập tức kéo chiếc thang lên tầng áp mái xuống và cả ba người hối hả leo lên. Cúi khom người xuống nhìn quanh, viên tướng cao sáu bộ Urquhart thấy tầng áp mái chẳng khác gì một ngăn chứa đồ. Ông cảm thấy mình “ngu ngốc, ngớ ngẩn, vô dụng trong cuộc chiến chẳng khác gì một khán giả”.

Ngôi nhà lúc này lặng như tờ. Antoon Derksen, một người Hà Lan ái quốc, đã che dấu những người lính Anh. Lúc này, e ngại khả năng bị trả thù nếu Urquhart bị phát hiện ra, ông thận trọng đưa cả gia đình lánh sang ngôi nhà hàng xóm. Trên căn áp mái ngột ngạt, không có thức ăn và nước uống, Urquhart và các sĩ quan của mình cũng chỉ có thể chờ đợi trong tâm trạng đầy lo âu, hy vọng hoặc bọn Đức rút đi hoặc quân Anh tới nơi. Vào ngày thứ Hai này, ngày 18/9, Market Garden mới diễn ra được 1 ngày, quân Đức đã gần như biến trận đánh tại Arnhem thành một cuộc giằng co và, để thêm vào tất cả sai lầm của kế hoạch tác chiến, Urquhart, người duy nhất có thể giúp cuộc tấn công của quân Anh trở nên thống nhất hơn, lại bị cô lập trên một căn phòng áp mái, vây bọc bốn bề bởi quân Đức.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #143 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:17:54 pm »

Nhiệm vụ cho đại úy Paul Grabner và tiểu đoàn trinh sát panzer SS số 9 của anh ta đã thật dài và đơn điệu. Quân dù đồng minh đã không đổ xuống khu vực dài 11 dặm giữa Arnhem và Nijmegen. Điều này thì Paul Grabner gần như có thể đoan chắc. Nhưng các đơn vị địch đang có mặt ở Nijmegen. Ngay sau khi vài chiếc xe của Grabner vượt qua cây cầu lớn bắc ngang sông Waal, đã xảy ra một cuộc chạm súng nhỏ. Trong bóng tối, quân địch có vẻ không hăng hái muốn kéo dài cuộc giao tranh với những chiếc xe bọc thép của anh ta, và Grabner báo cáo sở chỉ huy rằng quân Đồng Minh có vẻ mới chỉ có một lực lượng nhỏ trong thành phố.

Lúc này, nhiệm vụ trinh sát đã hoàn tất, Grabner lệnh cho vài khẩu pháo tự hành trong số 40 xe của đơn vị mình canh gác đầu cầu phía nam dẫn tới cây cầu Nijmegen. Cùng với phần còn lại của đơn vị, anh ta quay về phía bắc hướng tới Arnhem. Anh ta đã không phát hiện thấy quân dù hay bất cứ hoạt động nào của quân địch khi đi qua cầy cầu tại Arnhem tối hôm trước. Tuy vậy, qua những thông báo radio, viên đại úy được biệt một nhóm lính Anh đang chiếm giữ một đầu cầu. Sở chỉ huy của Harzer chỉ gọi nhóm này là “lực lượng tiền trạm”. Grabner dừng lại một lần nữa, lần này tại thị trấn Elst, nằm giữa quãng đường từ Nijmegen tới Arnhem. Tại đây, một lần nữa, để có thể có mặt tại khoảng cách cho phép can thiệp tới cả hai cây cầu, viên đại úy lại tách ra một phần đơn vị của mình. Với 22 chiếc xe còn lại, anh ta tăng tốc tiến về cây cầu Arnhem để quét sạch nó khỏi bất cứ kẻ địch nào đang có mặt tại đó. Chống lại những người lính dù chỉ có súng cá nhân và súng máy, Grabner dự kiến sẽ không gặp nhiều khó khăn. Đơn vị thiết giáp mạnh của anh ta sẽ nhanh chóng xuyên thủng phòng tuyến mỏng manh của quân Anh và quét sạch đám này.

Đúng 9 giờ 30, hạ sĩ Don Lumb, từ vị trí của mình trên mái nhà gần cây cầu, hét lên phấn khích,” Xe tăng! Đó là quân đoàn 30!” Tại sở chỉ huy tiểu đoàn gần đó, trung tá John Frost cũng nghe thấy người cảnh giới của mình hô lớn. Giống hạ sĩ Lumb, trong khoảnh khắc Frost cũng cảm thấy khoan khoái nhẹ nhõm. “Tôi nhớ đã nghĩ rằng chúng tôi sẽ có hân hạnh một mình chào đón quân đoàn 30 tiến vào Arnhem,” ông nhớ lại. Nhiều người cũng vui mừng như vậy. Ở phía đối diện của đầu cầu phía bắc, những người lính nấp dưới gầm cầu gần vị trí của đại úy Eric Mackay đã có thể nghe thấy tiếng xe cơ giới nặng vang lên từ cây cầu phía trên đầu.

Thượng sĩ Charles Storey lao lên cầu thang tới vị trí cảnh giới của hạ sĩ Lumb. Nhìn theo về hướng những cột khói vẫn còn bốc lên từ đầu cầu phía nam, Storey nhìn thấy đoàn xe Lumb đã phát hiện ra. Vội vàng lao xuống, người cựu binh đã tham chiến từ trước cuộc tháo chạy ở Dunkirk hô lớn, “Chúng là bọn Đức! Xe bọc thép địch trên cầu!”
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #144 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:18:03 pm »

Lao hết tốc độ, toán đi đầu thuộc lực lượng đột kích của đại úy Paul Grabner lao qua cầu. Với tay lái điêu luyện, các lái xe Đức, ngoặt trái lượn phải, đã không chỉ tránh được những mảnh vỡ rải rác khắp mặt cầu, mà còn vượt thẳng qua cả một bãi mìn – một dãy mìn Teller dẹt mà quân Anh đã rải ra trong đêm. Chỉ một chiếc xe trong số năm chiếc đi đầu của Grabner đụng phải mìn – và cũng chỉ bị hư hại nhẹ, vẫn tiếp tục đi được. Từ vị trí của mình bên rầm cầu, đại úy Mackay nhìn chằm chằm ngỡ ngàng khi thấy chiếc đầu tiên trong toán xe ngụy trang lao xuyên qua vành đai phòng ngự của quân Anh, tiếp tục lao thẳng về phía trung tâm Arnhem. Gần như ngay lập tức, Mackay lại thấy một chiếc khác lao qua. “Ở phía mình chúng tôi không có vũ khí chống tăng,” Mackay nói, “ và tôi chỉ có thể bất lực nhìn trong lúc thêm 3 chiếc xe bọc thép nữa lao qua ngay trước mặt chúng tôi và phóng lên đại lộ”.

Kế hoạch táo bạo của Grabner nhằm vượt cầu bằng tốc độ và hỏa lực đang được thực hiện. Ngoài tầm quan sát của quân Anh, ở đầu cầu phía nam, anh ta tập hợp đội hình của mình thành cột. Sau đó, xe half track, xe bọc thép bánh hơi, xe chở lính và cả vài xe tải chất đầy bộ binh,những người này nấp sau những bao lúa mì bắn ra không ngừng, bắt đầu tiến lên. Nấp phía sau những chiếc half track là lính Đức liên tục nã súng.

Cuộc đột kích bất ngờ của toán xe đầu tiên dưới quyền Grabner đã làm quân Anh sững sờ. Nhưng họ đã nhanh chóng lấy lại bình tĩnh. Súng chống tăng bên phía Frost bắt đầu ngắm bắn. Từ toàn bộ đầu cầu phía bắc, một lưới lửa chết chọc chụp lên cả đội hình Đức. Từ các mái nhà, gác xép, ô cửa sổ và những công sự cá nhân, những người lính dù nổ súng với tất cả vũ khí có trong tay, từ súng máy đến lựu đạn cá nhân. Người lính công binh Ronald Emery, có mặt ở phía của Mackay, bắn gục lái và phụ lái của chiếc half track đầu tiên vượt cầu.

Khi chiếc thứ hai vừa xuất hiện, Emery hạ ngay lái xe. Chiếc half track khựng lại trên cầu, sáu người còn lại bỏ xe chạy để rồi bị hạ lần lượt từng người một.

Đội hình của Grabner vẫn lao lên bất chấp tất cả. Thêm hai chiếc half track nữa quay ngang trên cầu. Bất thần, hỗn loạn bao trùm lên đội hình tấn công của quân Đức. Lái xe của chiếc half track thứ ba bị thương. Hoảng hốt, anh ta làm lật nhào chiếc xe của mình, đâm luôn vào chiếc half track đi sau. Hai chiếc xe,lúc này kẹt cứng làm một, nằm chắn ngang đường, một chiếc bùng cháy. Lực lượng Đức phía sau vẫn kiên quyết tìm cách vượt qua cầu. Tăng tốc nhằm cố sống cố chết tiến sang đầu cầu phía bắc, họ làm xe của mình hết chiếc nọ đâm vào chiếc kia thành một đống đổ nát bị xé tung ra bởi đạn đại bác và súng cối. Mất điều khiển, một số xe half track đâm vào thành cầu mạnh đến mức lao qua lan can và đâm thẳng xuống đường phố nằm phía dưới rầm cầu. Lính tùng thiết Đức đi sau xe half track bị bắn hạ không thương tiếc. Không thể đi quá giữa cầu, những người sống sót vội vàng tháo lui về phía nam. Một lưới lửa trùm lấy cầu. Cùng lúc đó, đạn trái phá từ pháo đội của trung tá Sheriff Thompson, bố trí ở Oosterbeek, được gọi bắn bởi thiếu tá Dennis Munford từ một căn phòng áp mái tại sở chỉ huy lữ đoàn gần ngôi nhà Frost đang trú chân, gầm rít chụp xuống đầu những chiếc xe của Grabner. Giữa tiếng trái phá nổ rền vang lên tiếng hò reo của những người lính dù lúc này đang phấn khích tột độ khi hô lớn tiếng hô xung trận, “Whoa Mohammed”, mà những con Quỷ đỏ đã sử dụng lần đầu trên những cồn cát Bắc Phi năm 1942 (CT: Trong chiến dịch đó, những người lính dù nhận thấy người Arab, khi hô lớn các thông điệp cho nhau, có vẻ luôn bắt đầu bằng hai từ này. Tại Arnhem, tiếng hô xung trận này có ý nghĩa đặc biệt. Nó cho phép những người lính dù phân biệt đồng đội với quân địch trong vô số tòa nhà và vị trí, vì có vẻ quân Đức không phát âm được hai từ này. Theo Hilary St. George Saunders trong cuốn “By Air to Battle, tiếng hô xung trận “có vẻ nâng những người lính tới mức nỗ lực tối đa”).
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #145 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:18:11 pm »

Sự dữ dội của trận đánh đang diễn ra khiến những người Hà Lan sở tại kinh hoàng. Lambert Schaap, sống cùng gia đình tại Rijnkade – con phố chạy dưới cầu từ đông sang tây – vội vã đưa vợ và chín đứa con xuống hầm. Bản thân Schaap vẫn ở lại trong nhà cho tới khi một loạt đạn xuyên qua cửa sổ, cắm vào tường và xuyên thủng đồ đạc. Schaap vội bỏ chạy dưới làn đạn dữ dội này. Với viên thượng sĩ cảnh sát Joannes van Kuijk, trận đánh như không có hồi kết. “Cuộc đấu súng thật ác liệt,” anh ta nhớ lại, “ và có vẻ lần lượt hết ngôi nhà này tới ngôi nhà khác bị trúng đạn hay bốc cháy. Tôi liên tục nhận được điện thoại do đồng nghiệp và bạn bè gọi tới hỏi thông tin về những gì đang xảy ra. Chúng tôi đã trải qua một khoảng thời gian khủng khiếp trong tòa nhà của mình, và những ngôi nhà lân cận đang bắt lửa. Những ngôi nhà nằm trên Eusebius Buiten Singel cũng cháy rực”.

Trên đại lộ lớn nằm ngay gần đầu cầu phía bắc, Coenraad Hulleman, đang ở trong nhà vợ chưa cưới, chỉ cách vị trí của đại úy Mackay vài căn nhà, lúc này đang ở dưới hầm trú ẩn cùng gia đình Van der Sande. “Có một âm thanh kỳ lạ nổi lên trên những tiếng động khác và có ai nói trời đang mưa,” Hulleman nhớ lại. “Tôi leo lên lầu một, nhìn ra, và phát hiện ra đó là tiếng lửa cháy. Những người lính chạy theo mọi hướng, và có vẻ cả khối nhà đang bốc cháy. Trận đánh đang lan dần lên đại lộ, và bất thình lình đến lượt chúng tôi. Đạn bay vào nhà, bắn vỡ cửa kính, và trên lầu chúng tôi nghe những nốt nhạc vang lên khi chiếc piano trúng đạn. Thế rồi, thật bất ngờ, có tiếng động như thể ai đó đang đánh máy trong phòng làm việc của ông Van der Sande. Chỉ đơn giản là những viên đạn đã hỏi thăm chiếc máy chữ”. Người vợ chưa cưới của Hulleman, Truid, cũng theo anh leo lên trên, nhìn thấy đạn bắn trúng tòa tháp của nhà thờ lớn St Eusibius. Trong lúc cô gái ngẩn người ra nhìn, những chiếc kim vàng của chiếc đồng hồ lớn của nhà thờ bỗng quay tít như thể, Truid nhớ lại, “thời gian bỗng trôi nhanh vùn vụt”.

Với những người lính chiến đấu trên cầu, thời gian đã mất đi ý nghĩa. Sự bất ngờ, tốc độ và sự khốc liệt của trận đánh đã khiến những người trong cuộc nghĩ cuộc giao tranh đã kéo dài nhiều giờ. Thực ra, cuộc tấn công của Grabner kéo dài chưa đầy hai giờ. Trong số những chiếc xe bọc thép mà trung tá Harzer đã cố tìm mọi cách giữ lại không giao cho Harmel, 12 chiếc nằm bẹp dúm hoặc cháy đùng đùng gần đầu cầu phía bắc. Những chiếc còn lại tháo lui khỏi cuộc tàn sát và rút lui về Eilst, nhưng không còn người chỉ huy của họ. Trong trận đánh khủng khiếp không khoan nhượng, đại úy Grabner đã tử trận.

Lúc này những người Anh, hân hoan và tự hào về chiến thắng, bắt đầu kiểm điểm thương vong. Quân y và những người khiêng cáng, bất chấp đạn bắn tỉa, lao qua những đám khói và đống đổ nát, mang những người bị thương của cả hai bên vào nơi an toàn. Những con Quỷ đỏ trên cầu đã đẩy lùi và đứng vững được nỗi kinh hoàng của một đợt tấn công bằng xe bọc thép và, đúng lúc họ đang tự chúc mừng chiến công của mình, hiệu thính viên của tiểu đoàn 2 bất ngờ bắt được một thông điệp rõ ràng từ quân đoàn 30. Những người lính nhem nhuốc mệt ngoài tưởng tượng rằng cơn thống khổ của họ coi như đã chấm dứt. Lúc này, không nghi ngờ gì nữa, xe tăng của Horrock chỉ còn cách họ vài tiếng đồng hồ.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #146 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:18:49 pm »

Từ các sân bay phía sau biên giới Đức, từng đòan tiêm kích cất cánh. Để tập hợp và nạp nhiên liệu cho các máy bay này, lực lượng Luftwaffe đã gần như hoàn toàn tan rã đã phải thực hiện một cố gắng tột cùng. Lúc này, sau một đêm vội vã không ngủ, trong đó máy bay tiêm kích đã được tập hợp lại từ khắp nơi ở Đức, chừng 190 máy bay tập trung trên không phận Hà Lan giữa 9 và 10 giờ sáng. Nhiệm vụ của chúng là tiêu diệt đợt đổ quân thứ hai của lực lượng Market. Không giống như viên thống chế đa nghi Model, các tướng lĩnh của Luftwaffe tin rằng bản kế hoạch Market Garden thu được là kế hoạch thật. Họ nhận ra một cơ hội hiếm có để giành một chiến thắng quyết định. Từ bản kế hoạch, chỉ huy không quân Đức biết được tuyến đường, các khu đổ quân và thời gian đổ quân của ngày thứ Hai. Các phi đội tiêm kích Đức tuần tiễu bờ biển Hà Lan dọc theo các hành lang bay và bãi đổ quân đã biết của Đồng Minh, chờ đợi để tấn công các phi đoàn máy bay chở lực lượng đổ bộ, dự kiến sẽ bắt đầu đổ quân lúc 10 giờ sáng. Giờ G qua đi mà vẫn không thấy lực lượng Đồng Minh đâu. Các máy bay tiêm kích được lệnh hạ cánh nạp nhiên liệu và tiếp tục cất cánh. Nhưng bầu trời vẫn quang đãng. Không mục tiêu dự kiến nào xuất hiện. Ngỡ ngàng và lo ngại, bộ tư lệnh Luftwaffe chỉ còn biết tự hỏi không hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Chuyện đã xảy ra thật đơn giản. Không giống như tại Hà Lan, nơi thời tiết quang đãng, bầu trời nước Anh bị sương mù phủ kín. Tại các căn cứ, lực lượng đổ bộ Anh và Mỹ, đã sẵn sàng lên đường, bồn chồn chờ đợi cạnh các máy bay và tàu lượn của mình. Vào buổi sáng quan trọng đó, khi từng giờ từng phút đều rất có ý nghĩa, tướng Lewis H. Brereton, tư lệnh đạo quân đổ bộ đường không số 1 của Đồng Minh, cũng như những người tham gia đợt đổ quân thứ hai, đành trở thành trò chơi cho sự đỏng đảnh của thời tiết. Sau khi tham khảo các chuyên gia khí tượng, Brereton đành phải thay đổi giờ G. Những người lính đang có mặt ở trong và xung quanh Arnhem cũng như những người Mỹ đang có mặt xa hơn ở cuối hành lang chiến dịch – tất cả đều đang phải chống lại lực lượng Đức mạnh lên không ngừng – buộc phải đợi thêm 4 giờ nữa. Đợt đổ quân thứ hai sẽ không thể tới được các bãi đáp trước 2 giờ chiều.

Tại Valkenswaard, cách Arnhem 57 dặm về phía nam, sương mù gần mặt đất đã làm chậm trễ cuộc tấn công dự kiến bắt đầu lúc 6 giờ 30 sáng của xe tăng quân đoàn 30. Các xe trinh sát, tuy vậy, vẫn xuất phát như kế hoạch. Tuần tiễu về phía trước và rộng sang phía đông và phía tây từ lúc hửng sáng, họ đang dần cảm thấy sức mạnh của quân Đức. Về phía đông, những bãi cát lầy và những dòng suối nhỏ khiến địa hình hầu như không thể cơ động được ngay cả với xe trinh sát. Về phía tây ngôi làng, những cây cầu gỗ bắc qua sông suối tỏ ra quá yếu để có thể chịu được tải trọng của xe tăng. Khi những chiếc xe trinh sát đi theo hướng thẳng về phía trước tiến dọc con đường hẹp chỉ cho phép xe tăng đi hàng một dẫn ra khỏi Valkenswaard, họ bất ngờ chạm trán một xe tăng và hai pháo tự hành Đức, những chiếc xe này rút lui về phía Eindhoven khi toán trinh sát tới gần. Từ tất cả báo cáo trinh sát, xem ra con đường nhanh nhất tới Eindhoven vẫn là đường xa lộ, bất chấp việc phát hiện ra sự có mặt của thiết giáp Đức và nguy cơ sẽ còn chạm trán lực lượng này nhiều hơn khi quân Anh tiến sát thành phố. Mãi ba giờ sau, xe tăng của tướng Horrock mới bắt đầu chuyển bánh. Trong lúc đơn vị của trung tá Frost giao chiến với đơn vị của đại úy Grabner tại cầu Arnhem, đơn vị cận vệ Ireland mũi nhọn cuối cùng cũng tiến lên theo con đường chính dẫn tới Eindhoven. Sự chống cự quyết liệt của quân Đức đã phá vỡ kế hoạch của Horrock dự kiến đột kích từ kênh Meuse-Escaut vào ngày chủ nhật và hội quân với sư đoàn 101 của tướng Taylor tại Eindhoven trong vòng 3 giờ. Đến tối ngày 17, lính tăng của trung tá Joe Vandeleur với chỉ tiến được 7 dặm tới Valkenswaard, còn cách mục tiêu dự kiến của ngày hôm đó đến 6 dặm. Không có nhiều lý do để tiếp tục tiến quân trong đêm. Thượng tá Norman Gwatkin, tham mưu trưởng sư đoàn thiết giáp cận vệ, đã báo với Vandeleur rằng cây cầu tại Son phía sau Eindhoven đã bị phá hủy. Thiết bị bắc cầu cần được vận chuyển tới trước khi xe tăng của Vandeleur có thể vượt sông. Theo như Vandeleur nhớ, Gwatkin nói, “Hãy tiến tới Eindhoven vào ngày mai, ông bạn già, nhưng thong thả thôi. Chúng ta đã mất một cây cầu”.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #147 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:18:57 pm »

Không biết tới trục trặc này, mọi người đều nóng lòng trước sự trì hoãn. Trung úy John Gorman, người đã tham dự buổi phổ biến kế hoạch của tướng Horrock tại Leopoldsburg trước chiến dịch, lúc đó từng nghĩ có quá nhiều cây cầu cần vượt qua. Lúc này Gorman, vừa được tặng Chữ thập Quân đội mất tuần trước, cảm thấy bứt rứt bực bội. Lo lắng ban đầu của anh đã thành sự thật. Bồn chồn vì phải đứng ngoài cuộc, Gorman không thể hiểu nổi tại sao lực lượng thiết giáp cận vệ lại dừng suốt đêm tại Valkenswaard. Nhịp sống thông thường, anh nhận xét, “có vẻ quy định rằng người ta ngủ ban đêm và làm việc ban ngày,” nhưng lúc này, Gorman cảm thấy không thể áp dụng nguyên tắc này được. “Chúng ta phải tiến lên,” anh nhớ lúc đó đã nói. “Chúng ta không thể chờ đợi”. Trung úy Rupert Mahaffey cũng lo ngại vì sự chậm trễ của lực lượng cận vệ. “Tôi bắt đầu cảm thấy,” anh nói, “tiến độ của chúng tôi có vẻ chậm hơn dự kiến, và tôi biết nếu chúng tôi không tăng tốc một cách khẩn trương chúng tôi sẽ không thể tới được Arnhem đúng lịch trình”.

Cho dù những đội tuần tiễu của Kỵ binh Nội địa đã cảnh báo về lực lượng bộ binh và thiết giáp Đức đang chờ sẵn, xe tăng của lực lượng cận vệ Ireland không gặp nhiều kháng cự cho tới khi họ tiến đến làng Aalst, nằm đúng giữa quãng đường tới Eindhoven. Tại đây, từ những khu rừng thông nằm hai bên đường, một lưới lửa súng bộ binh chụp xuống đội hình hành quân, và một khẩu pháo tự hành bắn vào những chiếc tăng dẫn đầu đội hình. Nó nhanh chóng bị loại khỏi vòng chiến và lực lượng của Vandeleur tiến gấp qua làng. Sau đó 2 dặm về phía bắc, tại một cây cầu nhỏ bắc qua sông Dommel, những người Ireland một lần nữa lại bị chặn lại, lần này bởi hỏa lực pháo binh nặng. Bốn khẩu 88 mm khống chế cây cầu. Bộ binh Đức trang bị súng trọng liên nấp trong các ngôi nhà gần cầu và sau những bức tường bê tông. Ngay lập tức, những chiếc xe dẫn đầu dừng lại, và lính Anh nhảy từ trên xe tăng xuống đánh trả.

Để tiến nhanh nhất có thể được, Vandeleur quyết định gọi những chiếc phóng pháo Typhoon đã giúp họ rất nhiều ngày hôm trước. Trung úy Donald Love, lúc này chịu hoàn toàn trách nhiệm liên lạc với không quân, lập tức gửi yêu cầu. Nhưng thật ngạc nhiên, viên trung úy bị từ chối. Tại Bỉ, các phi đoàn bị giữ chân bởi sương mù. Vandeleur, Love nhớ lại, “đã tái mặt đi”. Dứ dứ tay lên bầu trời quang đãng của Hà Lan, ông ta hỏi Love mỉa mai “liệu có phải RAF sợ nắng mặt trời hay không”.

Giờ thì toàn bộ đoàn quân xa, trải dài cho tới tận biên giới Bỉ, bị chững lại bởi những khẩu pháo bố trí rất đắc địa của đối phương. Những chiếc tăng đi đầu đã cố tiến lên, và một khẩu pháo, ngắm bắn thẳng xuống đường, đã chặn đứng chúng lại ở cự ly rất gần. Trong khi xe tăng của mình phản pháo quân Đức, Vandeleur gọi pháo binh nặng chi viện và lập tức lệnh cho các đội trinh sát tiến dọc sông về phía tây để tìm một cây cầu hay một ngầm cho phép xe của ông qua sông đánh tạt sườn các khẩu đội Đức từ phía sau.

Một trận mưa thép rít qua đầu những chiếc tăng dẫn đầu khi các khẩu đội Anh bắt đầu oanh kích địch. Được bố trí rất hợp lý và quyết tâm cao độ, quân Đức tiếp tục bắn. Trận đánh kéo dài thêm hai giờ nữa. Như muốn nổ tung trước sự chậm trễ, Vandeleur hoàn toàn bất lực. Ông chỉ biết đợi.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #148 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:19:12 pm »

Nhưng, chỉ cách đó bốn dặm về phía bắc, một trong các đội trinh sát đã gặp một thành công ngoài dự kiến. Sau một cuộc hành trình vòng vèo qua vùng đồng quê chằng chịt kênh rạch và đồng lầy, vượt qua một cây cầu gỗ mỏng mảnh, một toán xe trinh sát, đi vòng qua vị trí Đức, đã bất ngờ bắt gặp lính dù Mỹ ở phía bắc Eindhoven. Ngay trước lúc giữa trưa, trung úy John Palmer, chỉ huy toán trinh sát thuộc lực lượng Kỵ binh Nội địa, đã được nồng nhiệt chào đón bởi chuẩn tướng Gerald Higgin, phó tư lệnh sư đòan 101 “Chim Ưng Gầm Thét”. Bằng radio, Palmer hân hoan thông báo về sở chỉ huy rằng “Các chàng chăn ngựa đã gặp được Những người bạn lông vũ của chúng ta”. Cuộc hội quân đầu tiên trong số ba cuộc hội quân dọc hành lang đã được thực hiện, 18 giờ trễ hơn thời gian biểu của Market Garden.

Khi liên lạc cuối cùng đã được thiết lập, sự quan tâm chuyển sang cây cầu tại Son. Những đơn vị công binh Anh đang chờ đợi cần tất cả các chi tiết tình hình để chuyển lên các vật liệu và thiết bị cần thiết để sửa chữa cây cầu đã hư hại. Lực lượng công binh, cùng tiến với đơn vị tiên phong của Vandeleur, chuẩn bị để tiến tới cầu ngay khi cuộc đột kích được tiếp tục. Thông tin có thể được chuyển qua radio, nhưng người Mỹ đã phát hiện ra một phương pháp đơn giản hơn. Những người Anh đang ngạc nhiên được thông báo qua radio là hãy yêu cầu kỹ sư của họ gọi điện thoại đến “Son 244”. Cuộc gọi được truyền đi lập tức qua hệ thống điện thoại tự động vẫn do Đức kiểm soát, và chỉ vài phút sau người Mỹ tại cầu Son đã cho công binh Anh biết những thông tin họ cần để mang tới những thiết bị bắc cầu phù hợp.

Tại làng Aalst, lính tăng của Vandeleur ngỡ ngàng khi những khẩu súng Đức đã bắt họ phải dừng lại lâu đến thế bất ngờ im bặt. Một trong các đơn vị của họ đã khai thông con đường. Từ từ đi dọc bờ tây sông Dommel, một đơn vị trinh sát Anh đã tìm thấy một nơi vượt sông cách Aalst một dặm về phía bắc và luồn ra phía sau vị trí Đức. Đơn vị này đã tấn công các khẩu đội Đức từ phía sau, chiếm lĩnh chúng và chấm dứt trận đánh.

Không hề biết điều này, những người lính tăng đang băn khoăn tại Aalst nghĩ sự yên lặng bất ngờ chỉ là một khoảng tạm dừng của trận chiến. Thiếu tá Edward Tyler, chỉ huy phân đội 2, đang cân nhắc xem có nên tận dụng khoảng ngừng này mà lệnh cho xe tăng của mình lao lên hay không, thì anh nhìn thấy một người đạp xe trên đường tiến tới phía đoàn quân xa. Dừng lại bên bờ đối diễn, người này quẳng xe đạp, và vừa vẫy tay loạn lên vừa chạy qua cầu. Viên thiếu tá ngạc nhiên nghe người này nói: “Tướng quân! Tướng quân! Bọn Boche toi rồi!”

Thở không ra hơi, người Hà Lan tự giới thiệu, Cornelis Los, 41 tuổi, là kỹ sư làm việc ở Eindhoven nhưng sống ở Aalst. “Đường đã thông,” Los nói với Tyler,” và ngài đã vô hiệu hóa chiếc xe tăng Đức duy nhất nằm ở lối vào làng”. Sau đó, Tyler nhớ lại, “ông ta lấy ra một bản vẽ chi tiết tất cả vị trí Đức giữa Aalst và Eindhoven”.

Lập tức, Tyler ra lệnh tiến. Những chiếc tăng vượt cầu tiến lên phía bắc, đi qua các trận địa pháo Đức lúc này đã bị phá hủy. Chưa tới một giờ sau, Tyler nhìn thấy thành phố Eindhoven hiện ra và phía trước là hàng ngàn người Hà Lan đứng chật đường, hò reo vẫy cờ. “Lúc này chướng ngại vật duy nhất cản trở chúng tôi là đám đông người Hà Lan,” thiếu tá E.Fisher-Rowe gọi radio báo xuống phía sau đội hình. Trong không khí hội hè này, những chiếc xe tăng kềnh càng của quân đoàn 30 đã mất hơn 4 giờ đồng hồ để đi qua thành phố. Mãi tận hơn 7 giờ tối các đơn vị dẫn đầu mới tới được cầu Son, nơi những người lính công binh đã mệt nhoài của đại tá Robert F.Sink đang làm việc, như họ đã luôn chân luôn tay từ lúc cây cầu bị phá, để sửa chữa điểm vượt sông quan trọng này.

Từ lúc khởi đầu, thời gian biểu chặt chẽ của Market Garden đã dành rất ít linh động cho những trục trặc. Giờ đây, giống như cuộc tiến quân bị chặn đứng của các tiểu đoàn Anh vào Arnhem, hư hại của cây cầu tại Son là một bất lợi nghiêm trọng đe dọa toàn chiến dịch. Hai mươi tám dặm hành lang – từ biên giới Bỉ tới Veghel – đã nằm trong tay quân Anh-Mỹ. Với tốc độ đáng kinh ngạc, sư đòan 101 đã chiếm lĩnh 15 dặm xa lộ, giải phóng các thành phố chính Eindhoven, St Oedenrode và Veghel, và chỉ không làm chủ được 2 trong 11 điểm vượt sông theo dự kiến. Tuy thế đội hình viện quân gồm 20000 chiếc xe của Horrock không thể tiến xa hơn Son cho tới khi cây cầu tại đây được sửa. Công binh Anh cùng thiết bị, hành quân cùng những đơn vị xe tăng mũi nhọn, sẽ phải chạy đua với thời gian để sửa cầu và đưa quân đoàn 30 vượt kênh Wilhemina, vì không còn con đường nào khác xe tăng của Horrock có thể sử dụng.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #149 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:19:34 pm »

Trong giai đoạn vạch kế hoạch, thiếu tướng Maxwell Taylor, hiểu rõ cây cầu tại Son và sống còn cho một cuộc đột kích liên tục trên hành lang chiến dịch, đã dự kiến một mục tiêu thứ hai. Để đề phòng những diễn biến bất lợi như đã xảy ra ở Son, Taylor đã ra lệnh chiếm một cây cầu đường bộ bằng bê tông dài 100 bộ bắc qua kênh tại làng Best. Nằm cách xa lộ chính 4 dặm về phía tây, cây cầu này có thể sử dụng được trong trường hợp khẩn cấp. Vì tin tình báo cho rằng khu vực này chỉ được kiểm soát bởi một lực lượng nhỏ lính Đức, chỉ có một đại đội được giao nhiệm vụ chiếm cầu cùng một cây cầu đường sắt khác gần đó.

Best là một thảm họa tai hại cho những người lính Mỹ được cử tới đó. Đại đội tăng cường của trung úy Edward L.Wierzbowski đã bị tổn thất nặng sau trận đánh ác liệt đêm 17. Tản ra dọc theo các bờ đê và bờ kênh, qua các đầm lầy, những người lính dưới quyền Wierzbowski vẫn chiến đấu chống lại lực lượng Đức đông gấp bội; có lần họ đã tới cách cầu chỉ 15 bộ trước khi bị chặn đứng bởi một bức tường lửa. Nhiều lần trong đêm, có tin rằng đã chiếm được cầu. Vài báo cáo khác lại nói rằng đại đội của Wierzbowski đã bị quét sạch. Lực lượng tăng viện, cũng như đại đội tới đầu tiên, nhanh chóng bị hút vào cuộc giao tranh một mất một còn không cân sức. Tại sở chỉ huy sư đoàn 101, người ta nhanh chóng hiểu ra quân Đức tập trung rất đông tại Best. Chẳng những không chỉ được phòng ngự lỏng lẻo, trong làng có đến chừng 1000 quân Đức – thuộc các đơn vị của đạo quân 15 mà Đồng minh đã bỏ quên. Và như một miếng bọt biển, Best hút vào mỗi lúc một nhiều lực lượng Mỹ. Trong khi giao tranh diễn ra ác liệt khắp khu vực, Wierzbowski cùng vài người còn sống sót thuốc đại đội của anh gần như nằm giữa chiến trường. Bị cô lập đến mức lực lượng tiếp viện không biết họ ở đâu, những người này tiếp tục chiến đấu dành giật cây cầu.

Đến khoảng giữa trưa, khi lực lượng tiền đội của Anh và quân Mỹ hội quân tại Eindhoven, cây cầu tại Best bị quân Đức cho nổ tung. Wierzbowski và người của mình ở gần đó đến mức những mảnh vỡ rơi xuống đã thêm vào những vết thương họ phải hứng chịu từ trước. Tại những nơi khác trong khu vực, tổn thất cũng rất nặng nề. Một trong những chỉ huy đặc sắc và cá tính nhất của sư đoàn 101, trung tá Robert Cole, người đã được tặng Huân chương danh dự của quốc hội, hy sinh. Huân chương này sau đó cũng được truy tặng cho một người lính khác. Binh nhì Joe E. Mann, bị thương tại cây cầu nặng đến mức cả hai cánh tay đều phải băng bó và buộc chặt vào bên sườn, trông thấy một quả lựu đạn Đức rơi xuống giữa nhóm người xung quanh mình. Không thể dùng tay, Mann đã nằm đè lên quả lựu đạn và cứu sống những người còn lại. Khi Wierzbowski đến bên người lính, Mann chỉ nói được một câu. “Lưng tôi đi mất rồi”, anh nói với viên trung úy, rồi chết.

Cây cầu tại Best không còn, thành công của Market Garden giờ đây càng gắn chặt hơn với tốc độ công binh khôi phục cầu tại Son. Trong chuỗi mắt xích của chiến dịch – mỗi mắt xích phụ thuộc vào những mắt xích kế bên – đường hành quân phía sau Son vẫn vắng bóng những chiếc tăng đáng ra phải có mặt ở đó hàng giờ trước. Cuộc tấn công táo bạo của Montgomery đang lún sâu vào khó khăn hơn bao giờ hết.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM