Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:34:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một cây cầu quá xa  (Đọc 131613 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #130 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:15:17 pm »

Ngay cả lực lượng thiết giáp Đức cũng phát hiện ra Arnhem là một nơi đáng sợ đầy nguy hiểm. Trên nhiều tuyến đường nội đô, dân thường Hà Lan đã chặn các phố. Bất chấp đạn của quân Đức và quân Anh, những người đàn ông và cả phụ nữ sống tại các khu vực giao tranh đã bắt đầu thu dọn thi thể người chết - lính Anh, lính Đức, và cả đồng bào của họ. Thượng sĩ Reginald Isherwood, thuộc tiểu đoàn 1, cuối cùng cũng tới được trung tâm Arnhem lúc hửng sáng, sau cả đêm mò mẫm trên những con đường đầy bất trắc. Tại đó anh ta "trông thấy một cảnh sẽ còn đi theo tôi tới tận cuối đời". Những người dân Hà Lan, chui ra từ các tầng trệt, tầng hầm, từ các khu vườn và từ những ngôi nhà đổ nát, đang thu nhặt những người chết. "Họ mang những người bị thương tới những trạm cứu thương tạm thời và những nơi trú ẩn dưới tầng hầm," Isherwood nhớ lại, "nhưng thi thể của những người đã chết được xếp như những bao cát thành từng dãy dài, đầu và chân lần lượt quay về hai phía". Những công dân kiêu hãnh và đau khổ của Arnhem đã đặt những người đồng ngũ và những kẻ thù ngay cạnh nhau ngang qua phố thành những bức chướng ngại bằng xác người cao tới năm hay sáu bộ để ngăn không cho xe tăng Đức tiếp cận người của Frost tại cầu.

Với những cư dân khu nội đô, trời sáng cũng không giúp họ thoát khỏi sự hỗn loạn và kinh hoàng. Các đám cháy không được kiểm soát và lan rộng nhanh chóng. Chen chúc dưới các hầm nhà và tầng trệt, hầu như không ai ngủ được. Buổi đêm đã bị phá vỡ liên tục bởi tiếng đạn đại bác nổ, tiếng súng cối, tiếng nổ của những khẩu súng bắn tỉa và tiếng súng máy nổ rền từng tràng. Thật lạ, ngoài khu phố cổ của thành phố, những người dân Arnhem vẫn chưa biết rõ chuyện gì xảy ra và hoàn toàn lúng túng. Họ gọi điện thoại cho bạn bè sống ở khu nội đô để biết thông tin, chỉ để được ông chủ nhà đang kinh hãi cho hay một trận đánh dữ dội đang diễn ra tại đầu phía bắc cây cầu, nơi người Anh đang chống lại những đợt tấn công liên tiếp của quân Đức. Theo như người trả lời điện thoại thì lính Đức và xe thiết giáp đang tiến vào thành phố từ mọi hướng. Nhưng niềm tin của người Hà Lan vẫn không lay chuyển. Họ tin rằng giờ giải phóng bởi quân Anh và quân Mỹ đã gần kề. Ở những khu bên ngoài nội thành, dân cư vẫn chuẩn bị làm việc như bình thường. Hàng bánh mì mở cửa, những người giao sữa vẫn giao hàng, nhân viên tổng đài điện thoại, nhân viên hỏa xa, công nhân - tất cả đều tới nơi làm việc của mình. Các công chức chuẩn bị tới công sở, lính cứu hỏa vẫn tiếp tục cố gắng chống chọi với số nhà cháy mỗi lúc một tăng, và vài dặm về phía bắc Arnhem, bác sĩ Reiner van Hooff, giám đốc vườn bách thú Burgens, vẫn chăm sóc những con thú nuôi đang bứt rứt hốt hoảng của ông.* Có lẽ những người Hà Lan duy nhất biết được mức độ của trận đánh là các bác sĩ và y tá, những người đã không ngừng nhận được thêm yêu cầu trong suốt đêm. Xe cứu thương lao qua thành phố, thu thập những người bị thương và chở họ tới bệnh viện St Elisabeth ở ngoại ô phía tây bắc và tới các cơ sở y tế nhỏ hơn khác trong thành phố. Chưa có ai tại Arnhem kịp nhận ra thành phố của họ đã trở thành vùng đất chết và tình hình đang ngày càng xấu đi. Arnhem, một trong những địa điểm đẹp nhất Hà Lan, chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành một Stalingrad thu nhỏ.

Tuy thế, ngay từ đầu những người Hà Lan sống ở khu phố cổ đã ý thức được sự giải phóng sẽ không tới dễ dàng. Vào giữa đêm, tại đồn cảnh sát tại Eusebiusplein, cách cây cầu gần 1/4 dặm, viên thượng sĩ 27 tuổi Joannes van Kuijk nghe tiếng gõ cửa khẽ. Mở cửa, anh ta thấy lính Anh đứng bên ngoài. Van Kuijk lập tức mời họ vào. "Họ muốn tôi trả lời đủ thứ câu hỏi về vị trí của các tòa nhà và các điểm làm mốc", anh nhớ lại."Rồi một số người trong số họ ra ngoài và bắt đầu đào hố cá nhân dọc theo con đường theo hướng tới cầu - tất cả đều được thực hiện yên lặng nhất có thể được". Phía trước ngôi nhà của một bác sĩ cạnh đó, van Kuijk quan sát trong khi người Anh bố trí một khẩu đội cối rồi đặt một khẩu pháo chống tăng ở góc vườn nhà ông bác sĩ. Đến tảng sáng, van Kuijk thấy người Anh đã thiết lập được một vành đai chặt chẽ quanh đầu cầu phía bắc. Theo anh, những người này giống những người đang chuẩn bị cố thủ một mất một còn hơn là những người giải phóng.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #131 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:15:27 pm »

Ở rìa bên kia Eusebius Buiten Singel, đường đại lộ lộng gió với những thảm cỏ xén gọn gàng viền hai bên chạy sát cây cầu, Coenraad Hulleman, một người môi giới lao động đang sống cùng vị hôn thê, Truid van der Sande, và cha mẹ cô trong ngôi biệt thự của họ, đã thức cả đêm nghe tiếng súng và tiếng nổ xung quanh ngôi trường bên kia đường, nơi đơn vị của đại úy Mackay đang giao chiến với quân Đức. Vì mức độ ác liệt của trận đánh, gia đình Van der Sandes và Hulleman đã chui xuống trú ẩn dưới một căn hầm nhỏ không cửa sổ nằm dưới sàn ở phần giữa ngôi nhà.

Lúc này, khi trời đã rạng, Hulleman cùng bố vợ tương lai thận trọng leo lên lầu hai nhìn ra đại lộ. Tại đó, họ kinh ngạc nhìn chăm chăm xuống phía dưới. Một lính Đức nằm chết giữa những luống hoa bên đường, và khắp nơi trên các thảm cỏ họ thấy lính Đức nấp dưới hố cá nhân vừa đào. Nhìn dọc con đường về phía phải, Hulleman thấy vài chiếc xe thiết giáp Đức đậu sau một bức tường gạch cao chờ đợi. Ngay trong lúc hai người đang quan sát, một trận đánh nữa lại bùng lên. Súng máy trên xe thiết giáp bất thần bắn vào những ngọn tháp của nhà thờ Walburg gần đó, và Hulleman trông thấy một đám bụi đỏ bốc lên. Anh chỉ có thể đoán những người lính dù đang chiếm lĩnh vị trí quan sát trong nhà thờ. Gần như ngay lập tức loạt đạn từ các xe tăng được đáp trả, và lính Đức trong các hố cá nhân nã tiểu liên và súng máy vào các ngôi nhà bên kia đường. Một trong số đó là một hiệu bán quần áo và trong cửa kính có bày các hiệp sĩ mặc áo giáp. Trong lúc Hulleman nhìn theo, những viên đạn bắn vỡ tan khung cửa bày hàng và bắn đổ những hình hiệp sĩ. Ứa nước mắt, Hulleman quay đi. Anh hy vọng cảnh tượng đó không phải là lời tiên tri cho những gì sắp tới.

Cách đó vài khối nhà về phía bắc, trong một căn nhà gần nhà hát giao hưởng, Willem Onck bị đánh thức lúc tờ mờ sáng bởi tiếng binh lính vận động trên đường. Có ai đó đấm cửa và một giọng Đức yêu cầu Onck và gia đình ở yên trong nhà và khóa trái cửa lại. Onck không tuân theo lập tức. Chạy tới cửa sổ phía trước, anh trong thấy quân Đức mang súng máy bố trí ở khắp các góc phố. Trước mặt nhà hát là một khẩu đội 88 mm, và Onck ngỡ ngàng nhận ra lính Đức ngồi ngay cạnh khẩu pháo trên những chiếc ghế dành cho dàn nhạc mà họ đã vác ra ngoài. Theo dõi đám này thận trọng thì thầm với nhau, Onck nghĩ đám lính trông như thể những khán giả đang chờ buổi hòa nhạc bắt đầu.

Những người bực bội và thất vọng nhất trong số cư dân của khu vực chiến sự là các thành viên của lực lượng kháng chiến ngầm. Một số đã gần như lập tức liên lạc với người Anh tại cầu, nhưng sự giúp đỡ của họ đã bị lịch sự từ chối. Trước đó, chỉ huy lực lượng kháng chiến tại Arnhem, Pieter Kruyff, đã cử Toon van Daalen và Gijsbert Numan tới Oosterbeek để bắt liên lạc với quân Anh. Họ cũng bị trả lời rằng sự giúp đỡ của họ là không cần thiết. Numan nhớ anh đã cảnh báo quân Anh về những tên bắn tỉa phục kích trong khu vực và khuyên họ nên tránh các trục đường chính. "Một người trong bọn họ bảo tôi họ chỉ nhận được lệnh tiến tới cầu, và họ sẽ đi theo những tuyến đường được chỉ định," Numan kể lại. "Tôi có cảm tưởng họ e ngại những kẻ mạo danh và đơn giản là không hề tin chúng tôi".
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #132 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:15:36 pm »

Lúc này, khi trời đã rạng, Johannus Penseel chủ trì một cuộc họp với những công nhân tham gia lực lượng kháng chiến của mình. Penseel có kế hoạch chiếm một đài phát thanh địa phương và phát đi thông báo rằng thành phố đã được giải phóng. Một cú điện thoại do Numan gọi tới làm ông thay đổi ý định. "Mọi việc rất tệ,"Numan báo cáo. "Tình hình rất nguy kịch, và tôi nghĩ mọi việc sắp hỏng cả". Penseel giật mình. "Anh muốn nói gì?" ông hỏi. Numan lúc đó đang ở gần bệnh viện St Elisabeth. Người Anh đã nhận ra không thể nào đột phá qua phòng tuyến Đức tiến tới cầu được, anh nói. Penseel lập tức gọi cho Pieter Kruyff, ông này khuyên nhóm của họ đình chỉ mọi kế hoạch hành động. -"Một thái độ trung lập tạm thời", như Henri Knap, một người tham gia cuộc họp, nhớ lại. Nhưng bao nhiêu hy vọng bấy lâu nay của những người kháng chiến đã sụp đổ. "Chúng tôi đã chuẩn bị làm bất cứ việc gì," Penseel nhớ lại, "kể cả hy sinh tính mạng nếu cần. Thay vào đó, chúng tôi ngồi im bất lực và cũng chẳng được ai cần tới. Lúc đó đã rõ là người Anh chẳng tin mà cũng không muốn sử dụng chúng tôi".

Thật trớ trêu, vào những giờ đầu tiên của ngày thứ Hai 18/9, khi mà cả SHAEF, Monty lẫn các tư lệnh chiến trường của Market Garden đều chưa ai có được một bức tranh rõ ràng về tình hình, các thành viên lực lượng kháng chiến ngầm Hà Lan đã gửi một báo cáo qua đường dây điện thoại mật cho sĩ quan liên lạc Hà Lan của sư đoàn 82, đại úy Arie Bestebreurtje, cho biết quân Anh đang bị núng thế trước các sư đoàn panzer tại Arnhem. Tại sổ ghi điện báo của sư đoàn 82, thông báo này được ghi: "Phía Hà Lan thông báo quân Đức đang đánh bại quân Anh tại Arnhem". Trong lúc không có bất cứ liên lạc trực tiếp nào từ khu vực chiến sự tại Arnhem, bức điện này trên thực tế là dấu hiệu đầu tiên Bộ chỉ huy tối cao Đồng minh nhận được về tình hình khó khăn của sư đòan đổ bộ Anh số 1.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #133 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:15:48 pm »

Tại bến phà của ngôi làng nhỏ Driel, cách cây cầu Arnhem 7 dặm về phía tây nam, Pieter, người lái phà, chuẩn bị cho chuyến qua sông Rhine hạ đầu tiên trong ngày của mình. Những khách hàng sớm, những người làm việc tại các thành phố và làng bên bờ bắc, đứng thành nhóm nhỏ co ro trong sương mù buổi sáng. Pieter không tham gia vào câu chuyện của các hành khách về cuộc giao tranh đang diễn ra ở phía tây Arnhem và cả trong thành phố. Ông để cả tâm trí vào việc vận hành chiếc phà cũng như thời gian biểu hàng ngày mà ông phải duy trì, như ông đã làm bao năm qua.

Vài chiếc xe hơi, vài chiếc xe tải chở nông sản tới các cửa hàng và chợ phía bắc, được đưa lên phà đầu tiên. Sau đó những người đàn ông và phụ nữ dắt xe đạp lên phà. Vào đúng 7 giờ sáng Pieter cho phà rời bến, nhẹ nhàng qua sông theo những đường cáp. Chuyến qua sông chỉ mất có vài phút. Cập bờ ngay phía dưới ngôi làng Heveadorp ở bờ bắc, hành khách và xe lên bờ. Phía trên họ, Westerbouwing, một ngọn đồi cao chừng 100 bộ, bao quát cả một vùng đồng quê. Tới bờ bắc, phần lớn khách sang sông đi theo những con đường hướng về phía đông tới Oosterbeek, nơi có ngọn tháp nhà thờ xây từ thế kỷ 10 nhô cao lên trên những dải rừng sồi và trảng cây thấp. Phía sau là Arnhem.

Những hành khách khác chờ đến lượt về Driel. Tới nơi, Pieter lại đưa một chuyến khách nữa qua bờ bắc. Một trong số đó là cô gái trẻ Cora Baltussen. Chỉ 2 tuần trước, hôm 5/9, ngày luôn được nhớ tới với cái tên Ngày thứ ba Điên khùng, cô đã chứng kiến cuộc tháo chạy hoảng loạn của quân Đức. Tại Driel, những kẻ xâm lược đã không quay trở lại. Lần đầu tiên sau bao nhiêu tháng, Cora cảm thấy tự do.Lúc này, một lần nữa, cô lại lo lắng. Niềm vui khi nghe tin quân dù đổ bộ xuống ngày hôm trước đã giảm đi nhiều trước những tin đồn về giao tranh ác liệt tại Arnhem. Tuy thế, Cora không thể tin rằng quân Đức có thể thắng được lực lượng Đồng Minh hùng mạnh đã tới để giải phóng quê hương cô.

Lên bến Heveadorp bên bờ bắc, Cora dắt xe đạp khỏi phà và đạp xe tới Oosterbeek và cửa hàng bánh mì của thị trấn. Cô đã đổi khẩu phần đường cho cửa hàng bánh nhân một dịp đặc biệt. Ngày thứ Hai 18/9, xưởng của nhà Baltussen kỷ niệm 75 năm hoạt động và đây cũng là sinh nhật thứ 62 của mẹ Cora. Lần đầu tiên từ nhiều tháng nay cả gia đình được đoàn tụ. Cora đi sớm đến Oosterbeek để lấy chiếc bánh có ghi cả ngày kỷ niệm thành lập xưởng và sinh nhật bà Baltussen.

Bạn bè đã khuyên Cora đừng đi. Cora từ chối nghe theo. "Cái gì có thể xảy ra chứ?" cô hỏi một người bạn. "Người Anh đã ở Oosterbeek và Arnhem. Chiến tranh gần như kết thúc rồi."

Chuyến đi của cô hoàn toàn bình yên. Vào đầu buổi sáng này Oosterbeek có vẻ yên lặng. Có lính Anh trên các đường phố, các cửa hàng mở cửa, không khí như ngày hội. Cho tới lúc này, cho dù có thể nghe thấy tiếng súng vọng lại từ cách đó chỉ vài dặm, Oosterbeek vẫn tĩnh lặng, chưa bị trận đánh chạm tới. Cho dù chiếc bánh đã xong, người làm bánh vẫn ngỡ ngàng khi thấy cô khách hàng tới. "Chiến tranh hầu như chấm dứt rồi," cô nói với ông chủ hàng. Mang theo món đồ của mình, cô gái đạp xe trở lại Heveadorp và đợi tới khi Pieter đưa phà sang. Tới bờ nam, cô quay trở lại bầu không khí yên bình của ngôi làng Driel nhỏ bé, nơi, cũng như mọi khi, không có gì bất thường xảy ra.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #134 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:16:05 pm »

Tại các khu đổ quân và đáp tàu lượn của quân Anh, người sĩ quan được giao nhiệm vụ có lẽ là kém vinh quang nhất đang thực hiện nó với năng lực vốn có của mình. Suốt đêm lữ đoàn đổ bộ số 1 của thượng tá Philip "Pip" Hicks đã đẩy lui một loạt đợt tấn công của quân địch khi những đơn vị hổ lốn của Von Tettau quấy rối họ. Binh lính của Hick đào công sự bao quanh vành đai phòng ngự để đợi đợt đổ quân dự kiến vào lúc 10 giờ sáng của lữ đoàn dù số 4 của thượng tá Shan Hackett, cùng các đợt tiếp tế sẽ tới sau đó. Khu vực do Hicks bảo vệ cũng chính là nguồn tiếp tế cho lực lượng đổ bộ Anh.

Không ai trong đơn vị của Hicks chợp mắt được hơn một hai tiếng đồng hồ. Quân Đức, tấn công từ các vạt rừng, đã đốt rừng ở nhiều nơi với hy vọng sẽ hun được lực lượng phòng thủ Anh ra. Những con quỷ đỏ đã trả lời đích đáng. Luồn ra phía sau quân địch, họ xung phong bằng lưỡi lê và đẩy quân Đức vào chính những đám lửa chúng đã đốt lên. Hiệu thính viên Graham Marples vẫn còn nhớ như in những cuộc giao chiến dữ dội trong đêm. Anh cùng vài người nữa gặp những thi thể của một trung đội Anh đã bị hạ đến người cuối cùng. "Không ai nói gì cả," Marples nhớ lại. "Chúng tôi chỉ giương lê và xông thẳng vào vạt rừng. Chúng tôi ra khỏi đó, nhưng bọn Jerry thì không". Binh nhì Robert Edward, đã từng tham chiến ở Bắc Phi, Sicily và Italy, nhớ lại "tôi đã trải qua tất cả những trận đó hầu như không hề hấn gì, nhưng chỉ trong một ngày ở Hà Lan tôi đã phải chiến đấu nhiều hơn tất cả trước đó gộp lại".

Cuộc chiến không ngừng nghỉ tiếp tục. Nhiều lần trong đêm, Hicks đã gọi trung tá W.F.K. “Sheriff” Thomson yêu cầu pháo binh yểm trợ để đẩy lùi những đợt tấn công dai dẳng của quân địch. Nỗi lo lắng thật sự của ông là lực lượng thiết giáp Đức, mà ông biết đang kìm chân các tiểu đoàn tiến công chiếm cầu, có thể sẽ chọc thủng phòng tuyến mỏng manh của ông và đẩy bật ông khỏi các khu đổ quân và bãi đáp tàu lượn. “Tôi đã trải qua những giờ tệ hại nhất trong đời mình,” Hicks nhớ lại. “Hai điều đã rõ: cho dù chúng tôi không biết vào lúc đó, chúng tôi đã nhảy gần như ngay xuống đầu 2 sư đoàn panzer – những đơn vị đáng ra không có mặt ở đây – và quân Đức đã đáp trả với tốc độ đáng kinh ngạc”. Bị tấn công từ phía tây bởi lực lượng của Von Tettau và từ phía đông bởi thiết giáp của Harzer, những người lính dù trang bị nhẹ của Hicks không có lựa chọn nào ngoài việc chống giữ cho đến khi được giải tỏa, hoặc cho tới khi tăng viện và tiếp tế được đáp xuống an toàn.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #135 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:16:17 pm »

Đại tá Charles Mackenzie, tham mưu trưởng của tướng Urquhart, đã trải qua cả đêm tại khu đáp tàu lượn tại vạt rừng Renkum, cách sở chỉ huy của Hicks chừng ba dặm. Giao chiến dữ dội đã buộc sư đoàn phải rời khỏi rừng di chuyển trở lại cánh đồng. Tại đây các thành viên sở chỉ huy trải qua phần còn lại của buổi tối trong các tàu lượn. Mackenzie lo lắng khi không có liên lạc gì từ Urquhart. “Trong hơn 9 giờ đồng hồ, chúng tôi không có tin tức gì của tư lệnh”, ông nhớ lại. “Tôi cho rằng ông đang ở cùng lữ đoàn 1 của Lathbury, nhưng liên lạc không hoạt động và chúng tôi không nhận được gì từ cả hai người. Tôi biết sẽ cần sớm quyết định về quyền chỉ huy sư đoàn. Luôn có khả năng Urquhart đã bị bắt hay hy sinh”.

Sáng sớm thứ Hai, vẫn không có tin tức gì, Mackenzie quyết định trao đổi với hai sĩ quant ham mưu cao cấp, trung tá R.G. Loder-Symonds và trung tá P.H.Preston. Mackenzie nói cho họ biết về cuộc trao đổi giữa ông và Urquhart trước khi rời Anh: thứ tự thay thế nắm quyền chỉ huy, trong trường hợp có chuyện xảy ra với Urquhart, sẽ là Lathbury, Hicks, rồi tới Hackett. Giờ đây, cả Lathbury cũng vắng mặt, Mackenzie nghĩ cần liên lạc với thượng tá Hicks. Các sĩ quan khác cũng đồng ý. Họ lập tức lái xe tới sở chỉ huy của Hicks. Tại đó, trong một ngôi nhà gần tuyến đường Heelsum-Arnhem, Mackenzie báo với Hicks những gì ông biết. “Chúng tôi có một báo cáo mơ hồ là Frost đã chiếm được cầu, nhưng tiểu đoàn 1 và 3 đang mắc kẹt trong các cuộc giao chiến trên đường phố và chưa thể tới tăng viện cho ông ta được”, Mackenzie nhớ lại.

Hướng hành động tốt nhất lúc này, Mackenzie tin tưởng, là Hicks cần tách ra 1 tiểu đoàn đổ bộ của ông và điều tới cây cầu. Đơn vị này sau đó sẽ có thể được tăng cường bằng các đơn vị thuộc lữ đoàn nhảy dù số 4 của Hackett khi chúng tới nơi vào cuối buổi sáng. Đồng thời, Hicks được yêu cầu lập tức nắm lấy quyền chỉ huy sư đoàn.

Hicks có vẻ ngạc nhiên. Lực lượng của ông lúc này cũng đã không đủ người và ông không thể có được 1 tiểu đoàn đủ để phái tới cầu. Có vẻ kế hoạch tác chiến của người Anh đang trục trặc. Nếu Frost không được lập tức tiếp viện, cây cầu có thể bị mất; và nếu các khu đổ quân bị mất, lữ đòan 4 của Hackett có thể bị tiêu diệt thậm chí trước khi kịp tập hợp.

Thêm nữa, có vẻ có một sự thừa nhận rằng Hicks đang được yêu cầu nắm quyền chỉ huy một sư đoàn đã trên đã tan rã vì mất hoàn toàn liên lạc và sự vắng mặt của người chỉ huy trưởng. Một cách miễn cưỡng, Hicks tách ra nửa tiểu đoàn – tất cả lực lượng ông có thể thu xếp được – để bảo vệ cầu* (CT: Ông ta lệnh cho một nửa tiểu đoàn South Stafford tiến về Arnhem. Nửa còn lại chỉ có thể tiến quân được khi đợt đổ quân thứ ha tới nơi, khi đó, được tăng cường thêm lực lượng tiền trạm của tiểu đoàn 11 của Hackett, những đơn vị này sẽ cùng lên đường). Hiển nhiên, đó là quyết định khẩn cấp nhất. Cần giữ vững cây cầu. Sau đó, như Mackenzie nhớ, “Chúng tôi cuối cùng cũng thuyết phục được Hicks rằng ông cần nắm quyền chỉ huy sư đoàn”.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #136 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:16:29 pm »

Hiếm người từng được yêu cầu chấp nhận chịu trách nhiệm về cả một sư đoàn trên chiến trường dưới những hoàn cảnh phức tạp như vậy. Hicks nhanh chóng phát hiện ra trục trặc về liên lạc đã ảnh hưởng nghiêm trọng thế nào tới toàn chiến dịch. Vài thông điệp ít ỏi nhận được từ Frost tại cầu được chuyển qua trung tá Sheriff Thompson, chỉ huy trung đoàn pháo binh nhẹ đổ bộ. Từ đài quan sát trên nóc tháp nhà thờ Oosterbeek Laag, cách cầu 2 dặm rưỡi, Thompson đã thiết lập liên lạc radio với vị trí chỉ huy pháo binh của thiếu tá D.S.Munford từ sở chỉ huy lữ đoàn đặt trong một trạm bơm gần cây cầu. Đường dây liên lạc giữa Thompson và Munford là kênh liên lạc radio duy nhất mà Hicks có thể tính đến.

Nghiêm trọng không kém, sư đoàn không có bất cứ liên lạc nào với sở chỉ huy quân đoàn của tướng Browning gần Nijmegen, hay với các máy thuộc kênh đặc biệt “Phantom Net” tại sở chỉ huy của Montgomery. Trong số vài thông điệp quan trọng tới được nước Anh, phần lớn được gửi vào một máy của BBC được dành riêng cho phóng viên chiến tranh. Tín hiệu của nó cũng yếu và nhiễu. Một trạm phát sóng rất mạnh của Đức và máy của người Anh đã hoạt động trên cùng tần số. Thật mỉa mai, sư đoàn có thể bắt được tín hiệu từ sở chỉ huy hậu cứ của quân đoàn tại Anh, nhưng không thể nào gửi tín hiệu trở lại. Vài thông tin hiếm hoi tới nơi qua kênh của BBC được tập hợp tại sở chỉ huy hậu cứ của Browning tại Moon Park rồi gửi trở lại vào lục địa. Việc trung chuyển mất hàng giờ và khi các thông tin tới nơi chúng đã lạc hậu và thường hoàn toàn vô tác dụng.

Tuyệt vọng và lo lắng, Hicks có ba mối quan tâm khẩn cấp: thời tiết tại Anh; việc không thể nào xác định được thời gian tới nơi của đợt đổ quân thứ hai; và việc ông thiếu hoàn toàn phương tiện để có thể thông báo tình hình thực tế tại Arnhem tới bất cứ ai. Thêm vào đó ông cũng không thể cảnh báo trước cho Hackett biết tình thế nguy hiểm của người Anh tại các bãi đổ quân, nơi mà lữ đoàn 4 theo dự kiến sẽ đổ xuống các khu vực đã được làm chủ và bảo vệ chu đáo.

Ít nghiêm trọng hơn, nhưng cũng không kém phần rắc rối, là cuộc gặp mặt sắp tới với thượng tá Shan Hackett. Anh chàng Hackett nóng tính, Mackenzie nói với Hicks, cần được thông báo quyết định của Urquhart về thứ tự nắm quyền chỉ huy khi ông ta tới nơi. “Tôi biết tính khí của Hackett”, Mackenzie nhớ lại, “và tôi không muốn nghĩ tới cuộc gặp đó nữa. Nhưng thông báo với ông ấy là trách nhiệm của tôi và tôi làm theo lệnh của tướng Urquhart. Tôi không thể hành động lâu hơn theo giả định rằng chẳng có gì xảy ra với cả tư lệnh lẫn Lathbury”.

Ít nhất Hicks cũng được tránh khỏi cuộc chạm trán tế nhị này. Vị tư lệnh mới đã có đủ việc để bận tâm.”Tình hình còn hơn là hỗn loạn,” ông ta nhớ lại. “Đó là một mớ bong bong chết tiệt.”
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #137 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:16:36 pm »

Tại ngoại ô phía tây Arnhem, nơi đã từng là những công viên ngăn nắp và những con phố sạch bong, lúc này đã bị đào ngang cày dọc lên bởi giao chiến khi các tiểu đoàn Anh số 1 và 3 cố gắng đột phá tới cây cầu. Mảnh thủy tinh, mảnh vỡ và những khúc cột đèn bằng đồng bị gãy nằm bừa bãi trên mặt phố lát đá. Những khóm cây cảnh và những luống hoa đầy màu sắc bị giẫm đạp tan nát, những khoảnh vườn rau phía sau ngôi nhà của những gia đình Hà Lan bị phá hủy hoàn toàn. Nòng súng chống tăng Anh chĩa ra từ những ô cửa sổ vỡ tan tành của các cửa hàng, trong khi xe half-track của quân Đức, lùi bừa vào những ngôi nhà và ẩn náu sau những đống đổ nát của chúng, đe dọa các đường phố. Khói đen bốc lên từ những chiếc xe của Anh và Đức đang cháy và chốc chốc những trận mưa mảnh vụn và bụi lại dội xuống khi đạn trái phá bắn trúng một tòa nhà. Những thân hình co quắp của những người bị thương hoặc đã chết nằm khắp nơi. Nhiều người lính còn nhớ đã trông thấy những thường dân Hà Lan, có cả phụ nữ, đội mũ trắng và khoác áo có đính chữ thập đỏ, lao ra bất chấp những làn đạn từ hai phía để đưa những người bị thương hay đang hấp hối vào nơi an toàn.

Trận đánh lạ lùng và ác liệt lúc này đang tàn phá khu ngoại ô thành phố chỉ cách cây cầu Arnhem vẻn vẹn 2 dặm có vẻ diễn ra chẳng theo kế hoạch hay chiến lược nào cả. Như tất cả những trận đánh đường phố khác, nó trở thành một cuộc giao chiến giáp lá cà quy mô lớn và dữ dội trong một ma trận của những con phố.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #138 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:16:52 pm »

Những Con quỷ đỏ đều lạnh, đói và bẩn thỉu. Trận chiến diễn ra liên tục đến mức những người tham chiến không có cả lúc nghỉ uống một cốc trà. Đạn cạn dần và thương vong ngày càng cao; nhiều đại đội đã mất tới 50% sức chiến đấu. Không tài nào ngủ được, trừ những lúc chợp mắt ngắn ngủi. Nhiều người, mệt rã rời và đã phải liên tục di chuyển hàng giờ liền, đã mất hết khái niệm về thời gian. Chỉ vài người biết rõ họ đang ở đâu và cây cầu còn cách bao xa, nhưng họ đều quyết tâm phải tới được đó. Hàng năm sau đó, nhiều người như binh nhì Henry Bennett thuộc tiểu đoàn 3 của trung tá Fitch, vận động theo tuyến đường giữa, tuyến Hổ, vẫn còn nhớ giữa những cuộc chiến giáp lá cà liên tục, giữa tiếng đạn bộ binh réo vang và đạn cối nổ rền, một mệnh lệnh duy nhất vang lên không thay đổi: “Tiến lên! Tiến lên! Tiến lên!”

Thế nhưng với tướng Urquhart, lúc này đã vắng mặt tại sở chỉ huy sư đoàn gần 16 tiếng đồng hồ và không có bất cứ liên lạc radio nào, tiến triển của cuộc tấn công chậm chạp đến mức đáng lo ngại. Từ lúc 3 giờ sáng, khi ông dừng lại trong ngôi biệt thự nơi ông đã nghỉ vài giờ đầy bồn chồn, Urquhart, cùng thượng tá Lathbury, đã liên tục đi cùng tiểu đoàn 3. “Giao tranh dữ dội, những cuộc pháo kích ngắn bất chợt, đã khiến đội hình chững lại,” Urquhart nói. Hiệu quả tâm lý của những tay bắn tỉa Đức đã làm viên tướng bận tâm. Ông đã lường trước rằng một số tân binh chưa từng ra trận của ông có thể sẽ “hơi e ngại những viên đạn lúc ban đầu”, nhưng sẽ quen nhanh sau đó. Thay vì vậy, tại một số đường phố, chỉ đạn bắn tỉa thôi đã làm chậm hẳn tốc độ vận động của toàn tiểu đoàn. Tuy thế, thay vì can thiệp vào việc chỉ huy của Fitch, Urquhart giữ im lặng. “Làm tư lệnh sư đoàn lại kẹt vào cuộc giao chiến cục bộ của một tiểu đoàn… Tôi đã ở vào vị trí tệ nhất có thể để chỉ huy tình hình, nhưng lúc nào tôi cũng ý thức được từng giây quý báu đang mất đi”. Lính bắn tỉa Đức bị khuất phục rất hiệu quả, nhưng Urquhart không khỏi than thầm trước khoảng thời gian cần thiết để tiêu diệt bọn này.

Thượng sĩ John C. Lord cũng cảm thấy vậy. Giống viên tướng, Lord nóng ruột trước sự chậm trễ. “Chống cự của quân Đức ác liệt và liên tục, nhưng ít nhất một phần sự chậm trễ của chúng tôi cũng do cả người Hà Lan gây ra. Họ đã đứng chật đường từ sớm, vẫy tay, cười, mời chúng tôi cà phê. Nhiều người còn quấn cả cờ Anh trên mũ. Họ ở đó, ngay giữa trận chiến, và thậm chí còn có vẻ không ý thức được chuyện gì đang diễn ra. Họ, với ý tốt của mình, đã kìm chân chúng tôi không kém gì quân Đức”.

Bất thần những loạt đạn bắn tỉa được thay thế bằng một thứ khác nghiêm trọng hơn nhiều: tiếng nổ đinh tai của những quả đạn 88 mm của địch bắn đi từ đại bác và pháo tự hành. Lúc đó những đơn vị tiền đội của tiểu đoàn của Fitch đang gần khu bệnh viện St Elisabeth rộng lớn, cách cầu Arnhem gần hai dặm về hướng tây bắc. Bệnh viện nằm gần như tại đúng điểm hợp nhất của hai tuyến xa lộ hướng về Arnhem, theo đó tiểu đòan 1 và 3 đang cố gắng tiến tới cầu. Tại đây, lực lượng thiết giáp thuộc sư đoàn Hohenstaufen đã được triển khai trong đêm. Cả tiểu đoàn 1 của trung tá Dobie theo tuyến đường Ede-Arnhem và tiểu đòan 3 của Fitch theo tuyến đường đi Utrecht đều phải đi qua một trong hai phía của khu vực này để tới cầu. Tiểu đoàn của Dobie là lực lượng đầu tiên cảm thấy sức mạnh của các đơn vị SS thiện chiến của trung tá Harzer.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #139 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:17:00 pm »

Từ một vành đai hình móng ngựa bao bọc lấy các cửa ngõ phía bắc và phía tây vào thành phố, đã đánh bật người của Dobie khỏi tuyến đường phía trên và đẩy họ vào những khu dân cư quanh đó. Lính SS, nấp trên mái nhà, cùng các tay bắn tỉa phục kích trên các tầng áp mái, đã để yên cho các đơn vị tiền tiêu đi qua vô sự trước khi chụp một màn hỏa lực chết chóc xuống các đơn vị đi sau. Trong sự hỗn loạn trước cuộc tấn công bất ngờ, các đại đội và trung đội bị phân tán đi mọi hướng.

Lúc này, sử dụng cùng chiến thuật, quân Đức tập trung vào tiểu đoàn 3 của Fitch. Và, trong một tình huống có thể gây ra những hậu quả vô cùng tai hại, bốn sĩ quan có vai trò rất quan trọng – chỉ huy các tiểu đoàn dù số 1 và 3, tư lệnh lữ đoàn dù số 1 và cả tư lệnh sư đoàn đổ bộ Anh số 1 – cả bốn đều bị vây kín trong một khu vực nhỏ dày đặc dân cư. Cũng thật khôi hài, tương tự như trường hợp của Model và sở chỉ huy của ông ta tại Oosterbeek, tướng Urquhart và thượng tá Lathbury bị bao vây bởi kẻ địch không hề ngờ tới sự có mặt của họ tại đó.

Bị kẹt giữa những làn đạn từ phía trước lại và từ phía sau tới, đội hình quân Anh tan vỡ. Một số người hướng tới những ngôi nhà dọc sông Rhine, một số khác chạy tới vạt rừng cạnh đó, những người còn lại – trong số này có cả Urquhart và Lathbury – chạy tháo thân vào những con phố hẹp với những ngôi nhà gạch giống hệt nhau.

Nhóm của Urquhart vừa tới một căn nhà ba tầng nằm trong một khu nhà gần trục đường chính Utrecht – Arnhem thì trái phá Đức bắn trúng nhà. Những người Anh không hề hấn gì, nhưng thiết giáp Đức, Urquhart sau này ghi lại, “di chuyển qua phố mà không ai làm gì được”. Khi một chiếc xe tăng đi xuống dọc khu phố, tay trưởng xe chui ra nóc tháp pháo quan sát tìm mục tiêu, thiếu tá Peter Waddy nhô người qua một cửa số tầng trên của ngôi nhà cạnh ngôi nhà Urquhart đang nấp và khéo léo ném một khối thuốc nổ dẻo vào trong tháp pháo, làm chiếc xe tăng nổ tung (CT: ngay sau đó, Waddy hy sinh vì mảnh đạn cối). Những người khác, theo gương Waddy, diệt thêm 2 chiếc tăng nữa. Nhưng cho dù người Anh chiến đấu kiên cường, những người lính dù trang bị nhẹ không thể là đối thủ của lực lượng thiết giáp Đức.

Gánh nặng của Urquhart tăng lên từng phút. Ông bồn chồn đến tuyệt vọng muốn quay trở lại sở chỉ huy sư đoàn và nắm quyền điều khiển trận đánh. Bị kẹt giữa trận đánh, ông tin rằng cách duy nhất để thoát ra là lao ra ngoài phố và tận dụng sự hỗn loạn để vượt quá phòng tuyến Đức. Các sĩ quan khác, lo ngại cho sự an toàn của ông, không đồng ý, nhưng Urquhart vẫn kiên quyết. Cuộc giao tranh dữ dội, như ông nhận thấy, vẫn chỉ là những hành động ở cấp đại đội và, trong lúc khu nhà quân Anh chiếm lĩnh còn chưa bị bao vậy, ông nghĩ cả nhóm cần nhanh chóng thoát ra trước khi quân địch mạnh lên và vòng vây siết chặt.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM