Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:39:25 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một cây cầu quá xa  (Đọc 131609 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #90 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 08:11:37 pm »

Trong sự hỗn loạn và bối rối, sĩ quan cao cấp đầu tiên của Đức ra lệnh báo động là tướng Wilhem Bittrich, tư lệnh quân đoàn panzer SS số 2. Vào lúc 1 giờ 30, Bittrich nhận được báo cáo đầu tiên từ Luffwafe cho biết lính đổ bộ đường không đang đổ xuống lân cận Arnhem. Một báo cáo thứ hai, tới sau đó vài phút, cho hay khu vực bị tấn công gồm Arnhem và Nijmegen. Bittrich không liên lạc được với ai tại sở chỉ huy của thống chế Model tại khách sạn Tafelberg ở Oosterbeek. Ông cũng không thể liên lạc được với tư lệnh thành phố Arnhem hay với tướng Student ở Vught. Cho dù tình hình còn chưa rõ ràng, Bittrich lập tức nghĩ tới đạo quân số 15 của tướng Von Zangen mà phần lớn đã thoát qua cửa Schelde vào Hà Lan. "Ý nghĩ đầu tiên của tôi là cuộc tấn công của lực lượng đổ bộ nhằm kìm chân lực lượng của Von Zangen, ngăn không cho các đơn vị này hợp quân được với lực lượng còn lại của chúng tôi. Sau đó, rất có thể mục tiêu sẽ là một cuộc đột kích của quân Anh qua sông Rhine vào nước Đức". Nếu suy nghĩ của ông là chính xác, Bittrich tin rằng chìa khóa cho một chiến dịch như vậy là những chiếc cầu tại Arnhem-Nijmegen. Ông lập tức báo động các sư đòan panzer SS số 9 Hohenstaufen và số 10 Frunsberg.

Trung tá Walter Harzer, tư lệnh sư đoàn Hohenstaufen, đang dự bữa trưa tiếp theo lễ gắn huy chương cho đại úy Paul Grabner, đang "ăn dở súp" khi Bittrich gọi tới. Bittrich thông báo ngắn gọn tình hình và lệnh cho Harzer "tuần tiễu trên hướng Arnhem và Nijmegen". Sư đoàn Hohenstaufen cần lập tức vận động chiếm giữ khu vực Arnhem và tiêu diệt lực lượng đổ bộ đường không ở phía tây Arnhem gần Oosterbeek. Bittrich cảnh báo Harzer rằng "hành động cấp tốc là bắt buộc. Việc khống chế và làm chủ cây cầu Arnhem là có tầm quan trọng quyết định". Cùng lúc đó, Bittrich lệnh cho sư đoàn Frunsberg - mà tư lệnh, tướng Harmel, đang ở Berlin - tiến tới Nijmegen, "để chiếm giữ và bảo vệ cây cầu tại thành phố này".

Harzer lúc này phải đối mặt với khó khăn làm thế nào để đưa những đơn vị cuối cùng của sư đoàn Hohenstaufen, dự kiến sẽ lên đường về Đức bằng tàu hỏa trong chưa đầy một giờ nữa - gồm cả những chiếc tăng, half track và xe bọc thép chở quân "hư hỏng" mà ông ta đã quyết định giữ không giao lại cho Harmel. Harzer quay sang Grabner. "Giờ chúng ta làm gì đây?" ông ta hỏi. "Các xe đều đã bị tháo dỡ đưa lên tàu rồi." Trong số đó, 40 xe thuộc về tiểu đoàn trinh sát của Grabner. "Sau bao lâu anh có thể lắp súng và xích trở lại xe?" Harzer hỏi. Grabner lập tức gọi lính kỹ thuật của mình tới. "Chúng tôi sẽ sẵn sàng sau 3 đến 5 giờ nữa," viên đại úy báo cáo lại Harzer. "Hãy hoàn tất trong 3 giờ," Harzer gằn giọng trước khi lên đường quay về sở chỉ huy.

Cho dù ông ta đã đoán đúng nhờ những lý do sai lầm, Bittrich cũng đã đưa vào trận 2 sư đoàn panzer mà tình báo của Montgomery đã hoàn toàn bỏ qua.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #91 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 08:11:54 pm »

Viên sĩ quan được lệnh rời khỏi Oosterbeek để nhường chỗ cho sở chỉ huy của thống chế Model lúc này nhận thấy mình và binh lính dưới quyền đóng ngay sát khu đổ quân của người Anh. Thiếu tá SS Sepp Krafft, chỉ huy tiểu đoàn dự bị và huấn luyện lính tùng thiết SS, lo lắng "đến phát hoảng". Sở chỉ huy cuối cùng của ông ta, đặt tại khách sạn Wolfheze, chỉ cách cánh rừng Renkum chưa đầy 1 dặm. Đồn trú gần đó là hai đại đội của ông, đại đội thứ 3 đóng tại Arnhem làm lực lượng dự bị. Từ khách sạn, Krafft có thể thấy vạt rừng "đông nghẹt tàu lượn và lính, chỉ cách đó chừng vài trăm yard". Ông ta luôn tin rằng lực lượng đổ bộ sẽ phải mất hàng giờ để tập hợp, nhưng trong khi ông ta quan sát "người Anh tập hợp khắp nơi và bắt đầu hành tiến sẵn sàng chiến đấu". Viên thiếu tá không hiểu nổi tại sao một lực lượng lớn đến thế lại đổ xuống vùng này."Mục tiêu quân sự duy nhất mà tôi nghĩ có tầm quan trọng nào đó là cây cầu tại Arnhem".

Viên chỉ huy đang hoảng hồn không biết tới đơn vị bộ binh Đức nào khác trong khu vực ngoài tiểu đoàn thiếu của ông ta. Cho đến lúc tăng viện tới, Krafft quyết định rằng "tôi có trách nhiệm ngăn không cho quân địch tiến tới cầu - nếu đúng là họ định chiếm nó". Các đại đội của ông được bố trí thành một hình tam giác lệch, đáy là đường Wolfheze, gần như sát bìa khu rừng Renkum. Phía bắc sở chỉ huy của Krafft là trục đường chính Ede-Arnhem và đường sắt Amsterdam - Utrecht - Arnhem; về phía nam, đường đi Utrecht cắt qua Renkum và Oosterbeek tới Arnhem. Vì không đủ người rải dọc tất cả các tuyến đường, Krafft quyết định chiếm lĩnh vị trí từ đường sắt ở phía bắc tới con đường Utrecht-Arnhem ở phía nam. Viên thiếu tá vội vã lệnh cho đại đội dự bị rời Arnhem tới hội quân với phần còn lại của tiểu đoàn tại Wolfheze. Các trung đội súng máy được bố trí chốt chặn hai đầu dải phòng ngự, lực lượng còn lại phân tán ẩn trong các vạt rừng.

Cho dù thiếu người, Kraft có trong tay một vũ khí mới đang thử nghiệm: một loại ống phóng rocket nhiều nòng có thể phóng các quả đạn súng cối lớn hơn cỡ nòng. Một số đơn vị vũ khí này đã được để lại đơn vị ông ta để huấn luyện. Giờ đây viên thiếu tá định dùng chúng để làm bối rối người Anh và tạo ra ấn tượng về một lực lượng mạnh hơn.

Trong lúc Krafft đang ra lệnh, một chiếc xe lao tới trước sở chỉ huy của ông ta và thiếu tướng Kussin, tư lệnh thành phố Arnhem, vội vã bước vào. Kussin đã cho xe chạy hết tốc độ từ Arnhem tới tận nơi tự mình tìm hiểu xem chuyện gì đang diễn ra. Trên đường đi viên tư lệnh đã gặp thống chế Model đang trên đường tới Doetinchem. Dừng lại chốc lát bên đường, Model lệnh cho Kussin ra lệnh báo động và thông báo tình hình với Berlin. Lúc này, nhìn về phía vạt rừng, Kussin choáng váng trước cuộc đổ bộ quy mô lớn của người Anh. Ông này gần như tuyệt vọng nói với Krafft sẽ cố tìm cách nào đó để có được tăng viện tới nơi vào lúc 6 giờ chiều. Khi Kussin quay ra lên đường trở lại Arnhem, Krafft cảnh báo ông ta không nên đi theo con đường Utrecht-Arnhem. Viên thiếu tá đã nhận được báo cáo về các đơn vị Anh di chuyển theo tuyến đường đó. "Hãy đi theo những con đường nhỏ," Krafft nói với Kussin. "Đường chính đã bị phong tỏa rồi." Kussin cau mặt. "Tôi sẽ đi qua được," ông ta trả lời. Krafft đứng nhìn theo chiếc xe lao nhanh về phía xa lộ.

Viên thiếu tá tin chắc rằng tăng viện của Kussin sẽ chẳng bao giờ tới nơi, và việc đơn vị nhỏ bé của ông ta bị tiêu diệt chỉ còn là vấn đề thời gian. Ngay trong lúc bố trí lực lượng dọc đường Wolfheze, Krafft lệnh cho lái xe của mình, binh nhì Wilhem Rauh, thu nhặt tư trang của ông. "Hãy để đồ của tôi lên xe và lái về Đức," Krafft nói với Rauh. "Tôi chắc khó sống sót được".
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #92 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 08:12:18 pm »

Tại Bad Saarnow gần Berlin, tư lệnh sư đoàn 10 Frunsberg, tướng Heinz Harmel, đang báo cáo với phụ trách tác chiến của lực lượng Warfen SS, thiếu tướng Hans Juttner, và trình bày về tình hình quân đoàn SS số 2 đã suy yếu của Bittrich. Nếu muốn quân đoàn tiếp tục là một đơn vị tác chiến có sức chiến đấu, Harmel nhấn mạnh, "những yêu cầu khẩn cấp của Bittrich về người, thiết giáp, xe cơ giới, pháo cần phải được đáp ứng." Juttner hứa làm những gì ông có thể làm được, nhưng cảnh báo rằng "vào lúc này sức chiến đấu của tất cả các đơn vị tác chiến đều giảm sút". Ai cũng muốn được ưu tiên, và Juttner không thể hứa trước bất cứ sự giúp đỡ tức thời nào. Trong lúc hai người trao đổi, cần vụ của Juttner bước vào cầm theo một thông báo qua radio. Juttner đọc và không nói không rằng đưa cho Harmel. Thông báo viết: "Tấn công đổ bộ đường không tại Arnhem. Về ngay. Bittrich". Harmel lao ra khỏi văn phòng chạy tới xe của mình. Harmel ra lệnh cho người lái xe, hạ sĩ Sepp Hinterholzer: "Quay về Arnhem - và nhanh hết mức có thể".

Thiếu tá Anthony Deane-Drummond, chỉ huy phó thông tin của sư đoàn đổ bộ đường không Anh số 1, không hiểu nổi có chuyện gì không ổn. Trước đó các máy radio của ông đã nhận được rất rõ tín hiệu từ lữ đoàn của thượng tá Lathbury khi đơn vị này vận động tới các mục tiêu, bao gồm cả cầu Arnhem. Nhưng lúc này, khi các tiểu đoàn của Lathbury tới gần Arnhem hơn, tín hiệu radio mỗi lúc một yếu đi. Các hiệu thính viên của Deane-Drummond liên tục có những báo cáo khiến ông bối rối lo lắng. Họ không thể nào liên lạc được với các đơn vị đi xe jeep, và tín hiệu nhận được từ các đơn vị khác thì yếu đến mức khó nghe rõ. Thế nhưng các tiểu đoàn thuộc lữ đoàn của Lathbury cũng như đơn vị trinh sát của thiếu tá Freddie Gough chỉ cách đó chừng 2 đến 3 dặm.

Deane-Drummond đặc biệt lo ngại về các thông báo từ Lathbury. Chúng có ý nghĩa sống còn với tướng Urquhart trong việc chỉ huy tác chiến. Deane-Drummond quyết định cử một chiếc jeep mang theo hiệu thính viên và máy radio đi thu tín hiệu từ Lathbury và chuyển về sư đoàn. Ông lệnh cho nhóm này thiết lập vị trí tại khoảng giữa sư đoàn và các đơn vị thông tin di động của Lathbury. Một thời gian ngắn sau đó, Deane-Drummond nhận được tín hiệu từ đơn vị này. Tầm hoạt động của họ có vẻ bị giảm đi rất nhiều - tối thiểu ra, các máy "22" có thể hoạt động hiệu quả ít nhất ở khoảng cách tới 5 dặm - và tín hiệu rất yếu. Hoặc là thiết bị hoạt động không tốt, ông nghĩ, hoặc các hiệu thính viên đã lựa chọn vị trí chuyển sóng không hợp lý. Nhưng khi ông tiếp tục nghe, tín hiệu bị mất hoàn toàn. Deane-Drummond không còn liên lạc được với ai nữa. Cả một toán hiệu thính viên Mỹ đặc biệt được trang bị hai xe jeep mang radio cũng vậy. Được vội vã tập hợp lại và điều tới sở chỉ huy sư đòan đổ bộ của Anh chỉ vài giờ trước khi cất cánh ngày 17, những người Mỹ này có nhiệm vụ giữ liên lạc giữa mặt đất với không trung qua các máy tần số rất cao để gọi máy bay phóng pháo tới yểm trợ gần. Trong những giờ đầu của trận đánh, những chiếc jeep liên lạc này đã có thể thay đổi tình hình hoàn toàn. Nhưng trên thực tế chúng trở thành vô dụng. Không bộ radio nào trên các xe này đã được điều chỉnh cho phù hợp để liên lạc với các máy bay. Lúc này, khi trận đánh mới chỉ mở màn, hệ thống liên lạc của người Anh đã hoàn toàn vô hiệu.

Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #93 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 08:12:25 pm »

Như thể tuân theo hiệu lệnh, các cỗ súng Đức đồng loạt lên tiếng khi những máy bay chở sư đoàn 82 tiếp cận các khu đổ quân. Nhìn xuống dưới, chuẩn tướng James M.Gavin thấy hỏa lực mặt đất bắn lên từ một dải công sự nằm song song với kênh đào Maas-Waal. Tại những khu vực có cây che phủ, các pháo đội của đối phương đã im lặng chờ đợi lúc này cũng bắt đầu bắn. Vừa quan sát, Gavin tự hỏi liệu kế hoạch tác chiến của ông cho sư đoàn 82, đã được dựa trên những tính toán về rủi ro, có hợp lý hay không.

Được giao nhiệm vụ chiếm giữ khoảng giữa đoạn hành lang của Market-Garden, sư đoàn có nhiều mục tiêu nằm cách xa nhau, trải dài 10 dặm từ nam lên bắc và 12 dặm từ tây sang đông. Bên cạnh việc cho thả 1 đại đội dù xuống gần đầu tây cây cầu tại Grave, mục tiêu dự định sẽ được đánh chiếm bằng yếu tố bất ngờ, Gavin đã lựa chọn 3 khu nhảy dù và 1 khu đáp tàu lượn lớn. Khu vực cuối cùng phải phù hợp với 50 chiếc tàu lượn Waco của ông cùng 38 chiếc Horsa và Waco chở sở chỉ huy quân đoàn đổ bộ đường không số 1 của Anh của tướng Frederick Browning. Nhưng Gavin chỉ ra lệnh cho lực lượng dò đường đánh dấu một khu nhảy dù, nằm ở phía bắc Overasselt. Ba khu còn lại, nằm gần dải cao điểm Groesbeek và biên giới Đức, được cố ý không đánh dấu. Lính nhảy dù và tàu lượn của Gavin phải tiếp đất mà không có ám hiệu hay khói màu nhằm làm đối phương khó xác định được điểm đổ bộ của họ. Khoảng 30 phút sau khi sư đoàn 82 tiếp đất, sở chỉ huy quân đoàn của Browning sẽ đổ bộ.

Vì mối lo lớn nhất của Gavin là việc xe tăng địch có thể bất thần xuất hiện từ phía biên giới Đức ở phía đông khu vực nhảy dù và đáp tàu lượn lớn nhất của ông, ông đã ra hai mệnh lệnh khác thường. Để bảo vệ cả sư đoàn của mình và sở chỉ huy của Browning, ông đã lệnh cho lính dù của mình hướng dù tiếp cận tới gần bất cứ khẩu đội phòng không nào họ phát hiện được khi ở trên không và vô hiệu hóa chúng càng nhanh càng tốt. Và, lần đầu tiên trong lịch sử tác chiến đổ bộ đường không, ông cho thả dù cả một tiểu đoàn pháo dã chiến hoàn chỉnh xuống khu vực đổ quân lớn nằm trước mặt một khu rừng và cách biên giới Đức chừng 1,5 dặm. Lúc này, quan sát hỏa lực phòng không dày đặc và nghĩ tới khả năng xe tăng đối phương đang có mặt dọc Bức tường đế chế, Gavin hiểu cho dù ông đã lường hết mọi tình huống trong kế hoạch, nhiệm vụ mà binh lính sư đoàn 82 phải đối đầu vẫn sẽ rất khó khăn.

Các cựu binh của Gavin từ Normandy không bao giờ quên trận đồng đội của họ bị thảm sát tại Sainte Mere Eglise. Bị thả nhầm vào ngôi làng đó, những người lính dù đã bị quân Đức dùng súng máy bắn hạ trong lúc tiếp đất; rất nhiều người hy sinh trong lúc hoàn toàn bất lực, bị mắc dù vào đường dây điện thoại hay cây xung quanh quảng trường chính của làng. Chỉ đến khi Sainte Mere Eglise hoàn toàn được đơn vị của trung tá Ben Vandervoort kiểm soát những người lính đã hy sinh mới được hạ xuống chôn cất. Lúc này, trong khi sư đoàn 82 chuẩn bị nhảy xuống Hà Lan, một số người hô lớn cho những người móc dù phía sau họ nghe: "Hãy nhớ lấy Sainte Mere Eglise". Cho dù làm như vậy rất mạo hiểm, nhiều người lính vừa nhảy xuống vừa lên đạn bắn.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #94 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 08:12:36 pm »

Đại úy Briand Beaudin, nhảy xuống khu đổ quân nằm gần cao điểm Groesbeek, nhìn thấy mình đang lao thẳng xuống một ụ súng phòng không Đức quay nòng chĩa vào mình. Beaudin liền rút khẩu Colt 45 của anh ra bắn. " Chợt tôi nhận ra," Beaudin nhớ lại," việc đó thật vô ích, chĩa khẩu súng ngắn của tôi vào khẩu pháo phòng không đó trong lúc bản thân đang lắc lư chao đảo trên không". Tiếp đất gần ụ súng, Beaudin bắt cả kíp pháo thủ làm tù binh. Anh nghĩ bọn Đức "ngỡ ngàng đến mức chẳng bắn phát nào cả".

Thiếu úy James J.Coyle nghĩ anh sắp đáp xuống nóc một căn lều quân y của quân Đức. Bất thần, quân địch túa ra từ căn lều và chạy tới những khẩu súng 20 mm bố trí gần đó. Cả anh chàng thiếu úy này cũng rút cây 45 của mình ra nhưng chiếc dù của anh bị cuốn đi và Coyle rời xa căn lều. Một tên Đức bắt đầu chạy theo Coyle. "Tôi không thể ngắm đúng vào gã Đức đó," Coyle nhớ lại. "Lúc này thì súng của tôi chĩa xuống đất, chỉ 1 giây sau nó đã lại chĩa thẳng lên trời. Tôi vẫn còn đủ tỉnh táo để đút khẩu súng vào bao để không làm rơi mất nó hay tự bắn phải mình khi tiếp đất". Chạm đất, chưa kịp tháo dù, Coyle lập tức rút súng ra. "Gã Đức chỉ còn cách tôi vài bộ, nhưng hắn hành động như thể không biết tôi đang có mặt. Rồi tôi chợt hiểu hắn không chạy tới chỗ tôi; chỉ đơn giản là hắn bỏ chạy". Khi gã người Đức chạy qua trước mặt Coyle thấy hắn vứt cả súng lẫn mũ sắt đi, và Coyle có thể thấy "hắn chỉ là một cậu trai chừng 18 tuổi. Tôi không thể bắn một người không có vũ khí. Lần cuối cùng tôi thấy cậu ta lúc cậu ta đang chạy về phía biên giới Đức".

KHi những viên đạn phòng không bắt đầu bắn thủng dù của anh, binh nhì Edwin C.Raub bực đến mức anh cố ý lái dù hạ xuống cạnh một khẩu súng phòng không. Không tháo dù, vừa lôi nó sau người, Raub lao tới tấn công bọn Đức với khẩu Tommy của mình. Anh hạ được một tên, bắt sống số còn lại, sau đó dùng thuốc nổ phá hủy khẩu súng.

Cho dù kháng cự của kẻ thù với các trung đoàn 505 và 508 tại khu vực Groesbeek được coi là không đáng kể, hỏa lực súng bộ binh và phòng không cũng bắn lên khá mạnh từ các khu rừng xung quanh khu đổ quân. Không đợi đến lúc tập hợp, binh lính của sư đoàn 82, từng người đơn lẻ hay theo từng toán nhỏ, tiếp cận các ổ đề kháng này, dập tắt chúng và bắt tù binh. Đồng thời, các máy bay chiến đấu bay sát ngọn cây, xả súng máy xuống vị trí địch. Quân Đức đã gây nhiều tổn thất cho các máy bay này. Chỉ trong vài phút, 3 chiếc trúng đạn rơi xuống gần các khu rừng. Thượng sĩ Michael Vuletich nhìn thấy một chiếc trong số này. Nó lao xuống cày đất dọc khu đổ quân rồi đột ngột dừng lại, chỉ còn thân máy bay là nguyên vẹn. Rồi viên phi công chui ra không hề hấn gì, đứng bên xác chiếc máy bay châm một điếu thuốc lá. Vuletich nhớ anh ta ở lại đại đội của anh chiến đấu như một lính bộ binh.

Từ dưới đất, thượng sĩ James Jones thấy một chiếc P47 bốc cháy ở độ cao chừng 1500 bộ. Anh nghĩ viên phi công sẽ nhảy ra nhưng chiếc máy bay hạ xuống, lao qua khu đổ quân rồi vỡ tung từng mảnh. Đuôi máy bay rời ra, động cơ văng ra xa, còn buồng lái thì dừng lại giữa cánh đồng. Jones tin chắc phi công đã chết, nhưng khi anh quan sát, nắp buồng lái bật mở và "một anh chàng nhỏ thó không mũ kẹp một khẩu 45 dưới nách chạy tới chỗ chúng tôi." Jones nhớ lúc đó đã hỏi, "Này ông bạn, thế quái nào mà ông lại không nhảy dù hả?' Tay phi công nhăn mặt. "Chết tiệt, tôi sợ nhảy dù," anh ta trả lời Jones.

Vừa tiếp đất và đang còn thu dù, thượng sĩ Russell O'ationeal trông thấy một chiếc P51 bổ nhào tấn công một vị trí phục kích của quân Đức gần khu đổ quân của anh. Sau khi lượn 2 vòng qua lưới đạn súng máy, chiếc máy bay bị trúng đạn; nhưng viên phi công vẫn kịp vòng lại đáp bụng an toàn. Theo O'ationeal, "tay này nhảy ra khỏi máy bay chạy đến chỗ tôi và gào lên, "Đưa tôi một khẩu súng, nhanh lên! Tôi biết rõ chỗ thằng con hoang Đức này đang nấp và tôi sẽ tóm hắn"." Trong lúc O'ationeal tròn mắt nhìn theo, anh chàng phi công nhặt lấy một khẩu súng và lao về phía rừng.

Trong vòng 18 phút, 4511 người thuộc các trung đoàn 505 và 508 của sư đoàn 82, cùng với công binh và 70 tấn trang bị, đã tiếp đất chính xác hoặc ngay gần các khu đổ quân của họ nằm gần thị trấn Groesbeek bên rìa phía đông của các cao điểm có rừng cây che phủ. Trong lúc họ tập hợp, chiếm lĩnh khu vực và vận động tiếp cận các mục tiêu, những đội dò đường đặc biệt đánh dấu địa điểm đổ quân cho việc đổ bộ pháo binh, lực lượng tàu lượn của sư đoàn 82, và Sở chỉ huy của người Anh. Cho tới lúc này, tính toán của tướng Gavin đã thành công. Thế nhưng, cho dù liên lạc radio giữa các trung đoàn được thiết lập gần như lập tức, vẫn còn quá sớm để Gavin, đi cùng trung đoàn 505, biết được những gì xảy ra cách đó 8 dặm về phía tây, nơi trung đoàn 504 đổ bộ xuống phía bắc Overasselt. Và ông cũng không thể biết liệu cuộc tấn công chiếm cây cầu tại Grave có diễn ra theo kế hoạch không.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #95 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 08:12:45 pm »

Giống như phần còn lại của sư đoàn, 137 chiếc C47 chở trung đoàn 504 của đại tá Reuben H.Tucker vấp phải hỏa lực phòng không dữ dội khi tới gần khu đổ quân ở Overasselt. Cũng như tại các khu vực khác, các phi công giữ vững đường bay, và vào lúc 1 giờ 15, 2016 lính dù bắt đầu đổ bộ. Mười một máy bay lượn xa hơn về phía tây hướng tới một điểm đổ bộ nhỏ hơn nằm gần cây cầu cốt tử dài 1500 bộ bắc qua sông Maas gần Grave. Những chiếc C47 này chở đại đội E thuộc tiểu đoàn 2 của thiếu tá Edward Wellems tới mục tiêu tức thời quan trọng nhất của sư đòan 82. Họ có nhiệm vụ đánh chiếm cầu từ phía tây; phần còn lại của tiểu đoàn của Wellems sẽ tấn công từ Overasselt tới đầu cầu phía đông. Nếu cầu Grave không được kiểm soát nhanh chóng và nguyên vẹn, thời gian biểu chặt chẽ của Market Garden sẽ không thể thực hiện được. Mất cây cầu này cũng có nghĩa là thất bại của toàn chiến dịch.

Trong lúc các máy bay chở đại đội E hướng tới điểm tấn công ở phía tây cầu, trung đội trưởng trung úy John S. Thompson có thể thấy rõ sông Maas, thành phố Grave, cuộc đổ bộ quy mô của trung đòan 504 về phía tay phải của anh hướng Overasselt và gần hơn, những cánh đồng có mương bao bọc, nơi đại đội của anh dự kiến nhảy dù xuống. Trong lúc Thompson quan sát, những người khác trong đại đội cũng đã nhảy khỏi máy bay và đáp xuống vùng lân cận cầu Grave; nhưng trên máy bay của viên trung úy đèn xanh vẫn chưa bật. Khi nó bật, Thompson nhận thấy họ đang bay trên những tòa nhà. Anh đợi vài giây, thấy cánh đồng đang ở phía dưới họ và cùng với người trong trung đội của mình nhảy xuống. Nhờ một sai lầm may mắn, viên trung úy và trung đội của anh tiếp đất chỉ cách đầu cầu phía tây nam chừng năm sáu trăm yard.

Thompson có thể nghe thấy tiếng súng bắn vu vơ từ hướng Grave, nhưng quanh chính cây cầu tất cả có vẻ im ắng. Anh không biết nên đợi phần còn lại của đại đội tới nơi hay tấn công ngay với 16 người trong trung đội của mình. "Vì đây là nhiệm vụ hàng đầu của chúng tôi, tôi quyết định tấn công," Thompson kể lại. Lệnh cho hạ sĩ Hugh H.Perry đi gặp đại đội trưởng, Thompson để anh ta mang theo một báo cáo ngắn gọn: "Chúng tôi đang tiến tới cầu."

Hỏa lực bắn ra từ thành phố và những tòa nhà xung quanh mỗi lúc một dữ dội, và Thompson dẫn trung đội nấp xuống một mương thoát nước gần đó. Vận động về hướng cầu, tất cả đều ngập nước đến tận cổ. Họ bắt đầu hứng đạn từ một tháp phòng không gần cầu và Thompson nhận thấy quân địch cắp theo bao liên tục chạy ra chạy vào một ngôi nhà gần đầu cầu. Anh nghĩ đó hẳn là trạm phát điện. Sợ rằng quân Đức đang mang bộc phá gài lên cầu để chuẩn bị phá cầu, Thompson khẩn trương triển khai người của mình, bao vây ngôi nhà và nổ súng. "Chúng tôi quét sạch cả khu vực bằng súng máy, chiếm trạm phát điện, tìm thấy 4 lính Đức bị giết, 1 bị thương," Thompson nhớ lại. "Có vẻ chúng đang vận chuyển trang bị cá nhân và chăn đệm".
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #96 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 08:13:04 pm »

Bất thần, hai chiếc xe tải xuất hiện trên đường xa lộ từ phía Grave hướng về cây cầu. Một người của Thompson bắt chết người lái của một chiếc, chiếc này lạng sang bên đường trong lúc đám lính Đức ngồi trên thùng vừa kêu ầm ĩ vừa nhảy xuống đất. Chiếc xe thứ hai dừng ngay lại, đám lính trên xe nhảy xuống đất. Người của Thompson nổ súng, nhưng bọn Đức không có vẻ muốn giao chiến. Không bắn trả, quân Đức bỏ chạy.

Súng vẫn bắn ra từ tháp phòng không, nhưng lúc này đường đạn đã cao quá đầu những người lính dù. "Tên xạ thủ không thể hạ khẩu súng phòng không 20 mm xuống đủ thấp để bắn trúng chúng tôi", Thompson nhớ lại. Xạ thủ bazooka của trung đội, binh nhì Robert McGraw, trườn lên và từ khoảng cách 75 yard, bắn ba phát, hai phát trúng đỉnh tòa tháp, và khẩu súng im bặt.

Mặc dù một khẩu 20 mm hai nòng lắp trên một tòa tháp phía bên kia sông gần đầu cầu vẫn còn bắn, Thompson cùng đơn vị của mình vẫn phá hủy các thiết bị điện và dây cáp họ nghi ngờ được nối với các khối bộc phá. Trung đội sau đó tiến hành phong tỏa đường và rải mìn dọc con đường tiếp cận cầu từ hướng tây nam. Trên tòa tháp phòng không họ đã tiêu diệt, họ tìm thấy tên xạ thủ đã chết nhưng khẩu súng 20 mm vẫn không hư hại. Người của Thompson liền chĩa nó bắn vào tháp phòng không bên kia sông. Thompson biết trung đội của anh sẽ sớm được tăng viện bởi phần còn lại của đại đội E đang tiến theo sau và, không lâu sau đó, bởi tiểu đoàn của thiếu tá Wellems đang vận động lại từ phía Overasselt để chiếm đầu cầu phía đông bắc. Nhưng về phần của trung úy Thompson, mục tiêu chủ yếu đã hoàn thành.

Lúc này, những tiểu đoàn còn lại thuộc trung đoàn 504 của Tucker đang vận động về phía đông, hướng tới ba điểm vượt sông và cây cầu đường sắt qua kênh đào Maas-Waal. Hướng tới cây cầu còn có các đơn vị của trung đòan 505 và 508, nhằm chiếm các đầu cầu phía đối diện. Không phải tất cả các mục tiêu này đều cần thiết cho bước tiến của Market-Garden. Tận dụng lợi thế bất ngờ và hậu quả của tình trạng hỗn loạn phía địch, Gavin hy vọng có thể chiếm được tất cả; nhưng chỉ cần một trong số này, cộng với cây cầu sống còn tại Grave, là đủ.

Để chế áp đối phương, bảo vệ các vị trí của mình và sở chỉ huy của tướng Browning và hỗ trợ cho lính dù của mình trong lúc tiếp cận mục tiêu, Gavin dựa nhiều vào pháo binh của mình; và lúc này những khẩu pháo của đơn vị pháo dã chiến dù 376 đã tới nơi. Các đơn vị pháo nhỏ cũng đã được đổ bộ trong các chiến dịch trước, nhưng đều bị phân tán và mất rất nhiều thời gian để tập hợp và khai hỏa. Đơn vị gồm 544 người đang tới nơi lúc này đã được lựa chọn từng người một, mỗi người đều là một lính dù kỳ cựu. Trong số 48 máy bay chở tiểu đoàn này còn có cả pháo - 12 khẩu 75 mm, được tháo rời. Các khẩu pháo sẽ được thả dù trước, sau đó là khoảng 700 cơ số đạn. Xếp thành hàng, những chiếc C47 lần lượt xuất hiện, và rất nhanh chóng, các khẩu pháo được đẩy xuống. Theo sau là đạn và pháo thủ, tất cả thực hiện một cuộc đổ bộ gần như hoàn hảo.

Một tai nạn đã xảy ra nhưng hầu như không gây một chút ngừng trệ nào. Trung tá Wilbur Griffith, chỉ huy tiểu đoàn 376, bị vỡ mắt cá chân khi nhảy nhưng người của ông lập tức lấy một chiếc xe cút kít Hà Lan để chở chỉ huy của mình. "Tôi không bao giờ quên cảnh trung tá được kéo đi từ chỗ này sang chỗ kia", thiếu tá Augustin Hart nhớ lại, " và lớn tiếng ra lệnh cho một người lắp súng trong thời gian nhanh nhất". Khi công việc đã hoàn tất, Griffith được kéo tới chỗ tướng Gavin. Ông báo cáo: "Súng vào vị trí, thưa ngài, và sẵn sàng bắn khi có lệnh". Chỉ sau hơn 1 giờ, trong cuộc đổ quân thành công nhất thuộc kiểu này từng được thực hiện, toàn tiểu đoàn đã tập hợp và 10 khẩu pháo của họ đã nhả đạn.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #97 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 08:13:11 pm »

Mười bốn phút sau khi lực lượng pháo binh của sư đoàn 82 đổ bộ, những chiếc tàu lượn Waco chở một tiểu đoàn chống tăng đổ bộ đường không, công binh, các bộ phận thuộc sở chỉ huy sư đoàn, súng, đạn, xe jeep và moóc bắt đầu tới nơi. Trong số 50 tàu lượn rời nước Anh, chỉ có 4 chiếc không tới nơi. Tuy thế không phải tất cả đều đáp được xuống khu đổ quân. Một số tàu lượn tiếp đất cách đó đến 1 hay 2 dặm. Một chiếc, do đại úy Anthony Jedrziewski cầm lái, tách khỏi máy bay kéo quá chậm và Jedrziewski kinh hoàng nhận thấy "chúng tôi đang hướng thẳng tới đất Đức, khởi đầu một cuộc xâm lược chỉ bằng 1 tàu lượn". Viên phi công quay 180 độ và bắt đầu tìm chỗ hạ cánh. Trong lúc họ hạ độ cao, Jedrziewski nhớ, "chúng tôi bị gãy một cánh do va vào một cây rơm, một cánh khác nằm lại ở một hàng rào và cuối cùng dừng lại với mũi tàu lượn cắm xuống đất. Nhìn thấy đất ngập đến tận đầu gối của mình, tôi không dám chắc hai chân tôi vẫn còn dính vào phần còn lại của cơ thể. Sau đó, chúng tôi nghe tiếng chào đón chẳng mấy mến khách của một khẩu 88 mm và chúng tôi đẩy chiếc jeep ra rồi lao về phía khu vực của mình".

Họ may mắn hơn đại úy John Connelly, phi công chiếc tàu lượn của anh này bị giết trong lúc tiếp đất. Connelly, chưa bao giờ đi tàu lượn trước đó, cầm lấy tay lái và hạ chiếc Waco vào ngay bên trong biên giới Đức, cách khu đổ quân 6 đến 7 dặm, gần thành phố Wyler. Chỉ Connelly và một người khác thoát khỏi bị bắt. Họ đã ẩn trốn cho đến khi trời tối và cuối cùng tìm được đơn vị vào giữa buổi sáng ngày 18/9.

Tuy thế, nhìn chung, sư đoàn 82 đã mang tới đích thành công 7467 lính dù và đổ bộ bằng tàu lượn. Đơn vị cuối cùng hạ cánh là 35 chiếc Horsa và Waco chở sở chỉ huy quân đoàn của tướng Frederick Browning. Ba chiếc đã mất dọc đường, hai trước khi tới được lục địa, chiếc thứ ba, ở phía nam Vught, đã rơi xuống gần sở chỉ huy của tướng Student. Sở chỉ huy của Browning hạ cánh gần như xuống đúng biên giới Đức. "Cũng có ít súng phòng không bắn lên, và hầu như không có chống trả từ phía quân địch," thượng tá Gordon Walch, tham mưu trưởng của Browning nhớ lại. "Chúng tôi hạ cánh cách khu rừng đánh dấu biên giới Đức chừng 100 yard về phía tây và tàu lượn của tôi cách chiếc của Browning chừng 50 yard".

Đại tá George S.Chatterton, chỉ huy lữ đoàn tàu lượn, cầm lái chiếc Horsa của Browning. Sau khi chạm bánh trước vào một đường dây điện, Chatterton đáp xuống một ruộng bắp cải. "Chúng tôi chui ra," Chatterton nhớ lại, " và Browning, nhìn ngó xung quanh, nói, "Chúa ơi, chúng ta ở đây rồi, George!" Gần đó, thượng tá Walch thấy Browning chạy qua khu đổ bộ về phía biên giới. Khi ông ta quay lại vài phút sau, ông giải thích với Walch, "tôi muốn trở thành sĩ quan Anh đầu tiên đái lên đất Đức".
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #98 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 08:13:37 pm »

Trong lúc chiếc xe jeep của Browning được rỡ xuống, vài quả đạn đại bác Đức nổ tung gần đó. Đại tá Chatterton lập tức lao xuống cái rãnh gần nhất. "Tôi không bao giờ quên Browning đứng bên trên tôi với dáng vẻ của một nhà thám hiểm, rồi hỏi, "George, ngài làm cái quái gì dưới đó thế?" Chatterton thẳng thắn, "Tôi đang cố rúc cho kỹ, thưa ngài," ông ta trả lời. "Được, ngài có thể chấm dứt cố rúc cho kỹ được rồi đấy," Browning nói với viên đại tá. "Đã đến lúc chúng ta phải đi." Từ một túi áo, Browning móc ra một gói bọc giấy lụa. Đưa nó cho Chatterton, ông nói, "Cắm nó lên chiếc jeep của tôi". Chatterton mở gói ra và thấy bên trong nó là một lá cờ nhỏ thêu hình Pegasus màu xanh nhạt trên nền màu hạt dẻ, biểu tượng của lực lượng đổ bộ đường không Anh quốc. Với lá cờ phấp phới đầu mui xe, viên tư lệnh của lực lượng Market lao vụt đi.

Tại vạt rừng Renkum ở phía tây Arnhem, trung úy Neville Hay, chuyên viên được huấn luyện chu đáo phụ trách đơn vị thông tin "Phantom", hoàn toàn không hiểu chuyện gì đang xảy ra nữa. Đơn vị của anh đã lắp ráp các máy radio được trang bị loại anten đặc biệt của họ với hy vọng thiết lập được liên lạc tức thời với sở chỉ huy của tướng Browning. Ưu tiên đầu tiên của Hay khi tiếp đất là liên lạc với quân đoàn và thông báo vị trí của mình. Trước đó, anh đã biết hệ thống liên lạc của sư đoàn hoàn toàn gián đoạn. Trong lúc viên trung úy có thể lường trước chuyện này ở các hiệu thính viên ít kinh nghiệm hơn của lực lượng thông tin hoàng gia, anh không thể ngờ khó khăn này lại xảy ra với người của chính mình. "Chúng tôi dự kiến thiết lập vị trí ở khu đổ bộ và, cho dù nó bị che khuất bởi rừng thông, chúng tôi đã từng thành công ở những điều kiện địa hình còn tồi tệ hơn thế," anh nhớ lại. "Chúng tôi cố gắng xoay xở và chẳng bắt được gì cả". Cho đến lúc anh phát hiện ra trục trặc nằm ở đâu, sẽ không có cách nào để báo cho tướng Browning biết diễn biến tác chiến của sư đoàn của tướng Urquhart hay truyền lệnh từ Browning tới sư đoàn đổ bộ đường không Anh số 1. Thật khôi hài, hệ thống điện thoại của Hà Lan trong thời gian đó vẫn hoạt động bình thường, bao gồm cả một hệ thống đặc biệt thuộc sở hữu của ban giám đốc trạm năng lượng PGEM tại Nijmegen và được nối với toàn tỉnh. Nếu viên trung úy biết điều này, tất cả những gì Hay phải làm, với sự giúp đỡ của lực lượng kháng chiến Hà lan, là nhấc một máy điện thoại lên.

Cách đó 15 dặm lo lắng cũng bắt đầu xuất hiện tại sở chỉ huy của Browning, thiết lập tại chân cao điểm Groesbeek. Tất cả hệ thống thiết bị thông tin của sư đoàn 82 đều bị hư hại khi đổ bộ. Hệ thống của Browning đã tới nơi an toàn, và một phần được chuyển tạm cho sư đoàn 82 để đảm bảo liên lạc tức tời với tướng Gavin. Bộ phận thông tin của quân đoàn cũng bắt liên lạc qua radio với đạo quân Anh số 2 của tướng Dempsey và sở chỉ huy hậu cứ của quân đoàn tại Anh, và nhận được liên lạc radio với sư đoàn 101. Nhưng họ không thể nào tìm ra sư đoàn của Urquhart. Thượng tá Walch tin rằng lỗi thuộc về bộ phận thông tin quân đoàn. "Trước khi chiến dịch được lên kế hoạch, chúng tôi đã yêu cầu được trang bị một bộ phận thông tin nghiêm chỉnh," ông nói. "Chúng tôi phát hoảng nhận ra rằng các thiết bị của chúng tôi không đủ mạnh và lực lượng hiệu thính viên của sở chỉ huy rất yếu và thiếu kinh nghiệm". Trong lúc Browning có thể chỉ huy và điều chỉnh tác chiến của sư đoàn 82, sư đoàn 101 và quân đoàn 30 của Horrock, mặt trận tối quan trọng tại Arnhem lại hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của ông. Như Walch nói, "Chúng tôi hoàn toàn không biết chuyện gì đang diễn ra tại Arnhem".

Một kiểu tê liệt đã bắt đầu ảnh hưởng tới kế hoạch của Montgomery. Nhưng vào thời điểm khởi đầu này chưa ai nhận ra. Trong toàn tuyến của chiến dịch Market Garden, khoảng 20000 quân đồng minh đang có mặt tại Hà Lan, hướng tới chiếm lĩnh các cầu và giữ thông suốt hành lang cho những đơn vị hùng hậu của lực lượng Garden mà lực lượng thiết giáp mũi nhọn dự kiến sẽ hội quân với sư đòan 101 vào lúc trời tối.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #99 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 08:13:44 pm »

Trên mái phẳng của một nhà máy lớn gần kênh đào Meuse-Escaut, tướng Brian Horrock, tư lệnh quân đoàn 30, quan sát những phi đoàn tàu lượn lớn cuối cùng bay qua trên đầu những chiếc tăng đang chờ đợi của ông. Ông đã đứng trên mái nhà máy từ lúc 11 giờ sáng, và như ông nói, "Tôi có đủ thời gian để ngẫm nghĩ". Cảnh tượng của lực lượng không vận khổng lồ "đúng là rất ấn tượng, nhưng tôi không hề có ảo tưởng rằng đó sẽ là một trận đánh dễ dàng", Horrock nhớ lại. Một cách chi tiết, ông đã tính tới mọi khả năng, thậm chí ra lệnh cho người của mình mang theo tối đa lương thực, xăng và đạn có thể được, "vì rất có thể chúng tôi sẽ phải tự xoay xở lâu". Còn một lo lắng nữa mà viên tướng không thể rứt bỏ được, nhưng ông đã không nói với ai - ông không thích một cuộc tấn công bắt đầu vào chủ nhật. "Chưa cuộc tấn công nào tôi tham dự trong cả cuộc chiến bắt đầu vào chủ nhật mà lại thành công hoàn toàn". Đưa ống nhòm lên, ông quan sát con đường ngoằn ngoèo như dải ruy băng màu trắng hướng lên phía bắc về phía Valkenswaard và Eindhoven. Hài lòng vì cuộc tấn công đổ bộ đường không đã bắt đầu, Horrock ra lệnh cho lực lượng Garden tấn công. Vào đúng 2 giờ 15 chiều, trong tiếng gầm sấm sét, 350 khẩu pháo bắt đầu khai hỏa.

Cuộc pháo kích thật khủng khiếp. Hàng tấn thuốc nổ nối tiếp nhau xé nát vị trí quân địch án ngữ phía trước. Cơn bão lửa, rải ra trên một chiều sâu 5 dặm và chính diện dài 1 dặm, khiến mặt đất rung lên dưới những chiếc xe tăng của đơn vị cận vệ Ireland trong lúc họ chiếm lĩnh tuyến xuất phát. Sau đơn vị mũi nhọn, hàng trăm xe tăng và xe bọc thép bắt đầu từ từ rời khu vực tập kết, sẵn sàng đi vào hàng khi chiếc tăng đầu tiên chuyển bánh. Phía trên đầu, hàng đoàn máy bay phóng pháo Typhoon lượn đi lượn lại, đợi lệnh của chỉ huy đơn vị cận vệ Ireland, trung tá Joe Vandeleur, thông báo cho họ mục tiêu phía trước. Vào lúc 2 giờ 35, trung úy Keith Heathcote hét vào máy bộ đàm, "Lái xe, tiến lên!"

Những chiếc tăng chầm chậm tiến khỏi khu vực đầu cầu đi ngược lên con đường với tốc độ 8 dặm một giờ. Lúc này, bức tường lửa pháo binh đã chuyển lùi lại phía trước đoàn tăng với cùng tốc độ. Những người lính tăng có thể nhìn thấy đạn đại bác nổ tung phía trước họ chỉ 100 yard. Trong lúc các phân đội tiến lên, chìm trong bụi của trận pháo kích, người ta cũng khó nói chắc lúc đó liệu những chiếc tăng có nguy cơ bị pháo nhà bắn nhầm phải không.

Sau phân đội dẫn đầu là chiếc xe trinh sát của trung tá Joe Vandeleur và em họ Giles của ông. Đứng trên xe của mình, Vandeleur có thể thấy cả trước lẫn sau mình, bộ binh ngồi trên các xe tăng, mỗi xe đều được sơn những vạch vàng để những chiếc Typhoon trên đầu phân biệt. "Cảnh tượng thật không thể tin được," Vandeleur nhớ lại, "nhưng mọi việc đều diễn ra theo đúng kế hoạch". Lúc này, những xe tăng đi đầu đã tiến ra khỏi đầu cầu và vượt qua biên giới Hà Lan. Đại úy Mick O'Cock, chỉ huy phân đội 3, gọi radio lại, "Tiến ổn thỏa. Phân đội mũi nhọn đã vượt qua". Rồi, chỉ vài giây sau, tình hình đã thay đổi. Như Vandeleur nhớ lại, "Bọn Đức đã thực sự bắt đầu nện chúng tôi".

Phục kích trong các vị trí kiên cố được ngụy trang chu đáo ở cả hai bên đường, các pháo thủ Đức không những đã sống sót qua đợt pháo kích mở đường và còn đợi đến khi chúng vượt qua vị trí của họ. Không nổ súng, quân Đức cho những chiếc tăng đầu tiên đi qua. Thế rồi chỉ trong 2 phút 3 chiếc tăng của phân đội mũi nhọn và 6 chiếc của phân đội tiếp theo đã bị loại khỏi vòng chiến. Bốc cháy và nằm chết gí trên đường, chúng nằm rải ra trên nửa dặm đường. "Chúng tôi vừa vượt qua biên giới thì bị rơi vào phục kích," trung úy Cyril Russell nhớ lại. "Bất thần những chiếc tăng phía trước quay ngang ra đường hoặc bùng cháy. Tôi có linh cảm chẳng dễ chịu gì là chiếc tiếp theo trúng đạn sẽ là chiếc xe tôi đang ngồi trên. Chúng tôi nhảy xuống những chiếc rãnh ở bên vệ đường". Trong lúc Russell tiến lên phía trước để xem phần còn lại của trung đội anh chỉ huy có làm sao không, một khẩu súng máy lên tiếng; viên trung úy bị trúng đạn vào cánh tay và ngã nhào xuống rãnh. Với Russell, cuộc chiến đã chấm dứt.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM