Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:08:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một cây cầu quá xa  (Đọc 131633 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #80 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 08:08:57 pm »

Một số làng và thị trấn nằm gần các mục tiêu chính của Market Garden cũng bị tổn thất nặng không kém gì các mục tiêu này và hầu như không có cơ quan phụ trách cứu hộ. Gần làng Zeelst, cách Eindhoven chứng 5 dặm về phía tây, Geradus de Wit đã ẩn nấp giữa một cánh đồng trong cuộc ném bom. Không hề có tín hiệu báo động phòng không. Ông đã nhìn thấy máy bay bay cao trên trời, và bất thình lình bom rơi xuống như mưa. De Wit, đang trên đường đi thăm người anh ở làng Veldhoven, cách đó 4 dặm về phía nam, lao khỏi đường và nhảy xuống một con mương nằm bên rìa cánh đồng. Giờ đây, ông hối hả quay về tìm vợ và 11 đứa con của mình.

Cho dù máy bay vẫn gầm rú trên đầu, De Wit quyết định đánh liều. Nhô đầu lên nhìn dọc cánh đồng, ông thấy “ngay cả lá cây cũng đã bị phạt rụng hết”. Bỏ lại chiếc xe đạp của mình, ông trèo lên bở mương và chạy qua cánh đồng trống trải. Khi ông về tới gần làng, ông nhận thấy những quả bom hẳn là định dành cho sân bay Welschap ở ngoại vi Eindhoven đã rơi xuống làng Zeelst nhỏ bé. De Wit không thấy gì ngoài những đống đổ nát. Một vài ngôi nhà đang cháy, số còn lại đã sập; dân làng đứng nhìn choáng váng khóc lóc. Một người quen của De Wit, bà Van Helmont, một bà góa, nhận ra ông và nhờ ông đi theo bà để che cho một đứa bé trai đã chết bằng một tấm khăn. Nước mắt giàn giụa, bà giải thích rằng bà không thể tự làm được. Đứa trẻ đã bị mất đầu, nhưng De Wit nhận ra đó là con trai một người hàng xóm. Ông vội phủ kín thi thể. “Tôi không nhìn vào bất cứ cái gì khác nữa,” ông nhớ lại. “Tôi chỉ cố về nhà thật nhanh”. Khi gần về tới nhà, một người hàng xóm sống phía đối diện cố giữ ông lại. “Tôi bị mất máu đến chết mất,” người đàn ông kêu lên. “Tôi bị trúng mảnh bom”.

Đúng lúc đó, De Wit nhìn thấy vợ mình, Adriana, đứng trên đường khóc. Bà chạy tới bên ông. “Em nghĩ anh sẽ không bao giờ về nữa,” bà nói. “Tới đây nhanh lên. Thằng Tiny nhà mình bị bom”. De Wit bước qua bên người láng giềng bị thương. “Tôi không còn nghĩ đến gì khác ngoài con trai tôi. Khi tôi đến bên nó tôi thấy cả bên sườn phải thằng bé bị mở tung ra,chân phải gần như đứt lìa. Nó vẫn còn tỉnh táo và đòi uống nước. Tôi thấy cả cánh tay phải của nó cũng không còn. Con trai tôi hỏi tôi về cánh tay của nó và để an ủi thằng bé, tôi nói, “Con đang nằm lên tay mình”. Trong lúc De Wit đang quỳ xuống bên đứa con, một bác sĩ tới. “Ông ấy bảo tôi không còn hy vọng nữa,” De Wit nhớ lại, “vì con trai chúng tôi sắp chết”. Bế con trên tay, De Wit đi tới xưởng xì gà Duc Geogre, nơi có một trạm Chữ Thập Đỏ. Trước khi ông đến nơi, đứa con trai 14 tuổi đã chết trên tay ông.

Trong nỗi kinh hoàng, hỗn loạn và hy vọng, ít người Hà Lan nhìn thấy lực lượng tiền trạm của lực lượng đổ bộ Đồng Minh. Vào khoảng 12 giờ 40, 12 máy bay ném bom Stirling của Anh bay qua không phận Arnhem. Vào 12 giờ 47, 4 chiếc C47 của Mỹ xuất hiện trên không phận phía bắc Eindhoven, trong lúc 2 chiếc khác bay trên những cánh đồng trống trải ở phía tây nam Nijmegen, gần thị trấn Overasselt. Trên những chiếc máy bay này là lực lượng dò đường Anh và Mỹ.

Đang quay về trang trại của mình nằm cạnh Renkum, cách Wolfheze chưa đầy 1 dặm, Jan Pennings nhìn thấy máy bay bay thấp từ phía tây tới. Anh nghĩ những chiếc máy bay này quay lại để oanh tạc tuyến đường sắt. Anh chán ngán quan sát chúng, sẵn sàng nhào xuống tìm nơi ẩn nấp nếu bom rơi xuống. Khi những chiếc máy bay bay tới không phận Renkum, Pennings sững sờ nhìn thấy “những kiện hàng được ném xuống, sau đó là lính nhảy dù. Tôi biết ở Normandy lực lượng Đồng Minh đã dùng lính dù và tôi tin chắc rằng đó là sự khởi đầu của cuộc tấn công.”

Ít phút sau, đạp xe về tới trang trại, Jan kêu lớn với vợ mình, “Ra đi! Chúng ta tự do rồi!” Rôi những người lính dù đầu tiên anh từng trông thấy đi vào sân trang trại. Ngỡ ngàng và vui mừng, Pennings bắt tay họ. “Trong nửa giờ nữa,” họ nói với anh, “hàng trăm người nữa của chúng tôi sẽ tới”.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #81 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 08:09:18 pm »

Tài xế Jan Peelen cũng đã trông thấy lực lượng dò đường đổ xuống Renkum. Anh nhớ lại rằng “họ tiếp đất hầu như hoàn toàn yên lặng. Họ rất có kỷ luật và lập tức khống chế khu tiếp đất”. Giống như những toán dò đường khác ở phía bắc tuyến đường sắt, họ tiến hành đánh dấu các bãi nhảy dù và bãi đáp tàu lượn. Cách đó 15 dặm về phía nam, gần thị trấn Overasselt, cậu thanh niên 19 tuổi Theodorus Roelofs, đang ẩn trốn bọn Đức, bất ngờ được giải thoát bởi lực lượng dò đường của sư đoàn 82, những người đã đổ xuống nhay cạnh trang trại của gia đình cậu. Những người lính Mỹ, cậu nhớ lại,”khá ít, và tôi sợ rằng nhóm nhỏ những người can đảm này sẽ bị tiêu diệt”. Những người dò đường không để phí thời gian. Phát hiện ra cậu thanh niên Hà Lan nói được tiếng Anh, họ lập tức kết nạp Roelofs vào toán và sử dụng cậu làm người dẫn đường và phiên dịch. Xác nhận các vị trí trên bản đồ của họ và chỉ họ tới các bãi đổ bộ đã được định trước, Roelofs ngạc nhiên quan sát những người lính đánh dấu địa điểm “bằng những dải vải màu và pháo hiệu khói”; Ba phút sau một chữ O khổng lồ màu vàng và những cuộn khói tím đánh dấu rõ rành khu vực này.

Bốn chiếc C47 chở lực lượng dò đường của sư đoàn 101 tới các khu đổ bộ phía bắc Eindhoven đã gặp phải hỏa lực phòng không rất mạnh. Một chiếc bốc cháy rơi xuống đất. Chỉ 4 người sống sót. Ba chiếc còn lại tiếp tục chuyến bay, và những người dò đường đã được thả chính xác xuống hai khu đổ bộ của sư đòan 101. Vào lúc 12 giờ 54, tất cả khu nhảy dù và hạ cánh suốt dọc khu quyết chiến của Market Garden đều đã được định vị và đánh dấu. Thật ngạc nhiên, quân Đức vẫn không báo động.

Tại trại lính Hoenderloo, trung tá Walter Harzer, tư lệnh sư đòan Hohenstaufen, đang chúc mừng viên đại úy vừa được tặng huy chương Paul Grabner. Vài phút trước đó, Harzer đã trông thấy vài chiếc dù rơi xuống phía tây Arnhem. Ông ta không ngạc nhiên. Ông ta cho rằng đó là phi hành đoàn của một máy bay ném bom bị bắn hạ. Ở Oosterbeek, tại khách sạn Tafelberg, thống chế Model đang uống một ly khai vị trước bữa trưa – một ly Moselle lạnh – với tham mưu trưởng của mình, trung tướng Hans Krebs, sĩ quan tác chiến đại tá Hans von Tempelhof và trợ lý sở chỉ huy đại tá Leodegard Freyberg. Như viên sĩ quan văn phòng trung úy Gustav Sedelhauser nhớ lại, “ Bất cứ khi nào có mặt tại sở chỉ huy, thống chế cũng luôn chính xác đến từng giây. Chúng tôi luôn luôn ăn trưa lúc 13 giờ”. Đó cũng chính là giờ G cho lực lượng Market.

Lúc này, bay thành đội hình dày đặc, đoàn C47 khổng lồ chở sư đoàn 101 bay qua lãnh thổ Bỉ do Đồng minh kiểm soát với tiếng động cơ vang rền. Quá Brussels 25 dặm, đội hình này ngoặt lên hướng bắc về phía biên giới Hà Lan. Sau đó, những người lính trên máy bay nhìn xuống và, lần đầu tiên họ nhìn thấy đối tác mặt đất của mình, lực lượng Garden mà cuộc tấn công trên bộ đã được đồng bộ hóa với cuộc tập kích đường không. Đó là một quang cảnh hoành tráng không thể nào quên. Đội hình khổng lồ của quân đoàn 30 của tướng Horrock trải ra trên khắp các cánh đồng, các ngả đường. Những đội hình xe tăng, xe half track, xe bọc thép bánh hơi, xe chở lính dày đặc, và hết dãy này đến dãy khác đại bác dàn ra sắn sàng cho cuộc đột kích. Trên các xe tăng các cần anten lay động trong gió, và hàng ngàn lính Anh đứng trên xe hay đang tập hợp đông nghịt trên các cánh đồng vẫy tay chào những người trên trời. Màn khói màu da cam bốc lên trên không trung đánh dấu dải mặt trận của người Anh. Phía sau là kẻ thù.

Lướt sát mặt đất, các máy bay khu trục dẫn đầu đội hình tới các khu đổ quân, sãn sàng dọn sạch mọi thứ phía trước đội hình. Cho dù những cuộc oanh kích dữ dội trước khi đổ quân đã tiêu diệt rất nhiều vị trí phòng không của kẻ thù, lúc này những lưới ngụy trang lại đột ngột được tung ra để lộ những vị trí của quân địch. Một số người nhớ lại đã thấy đỉnh nhiều đống rơm tung ra để lộ những nòng súng 88 và 20 mm. Bất chấp những cuộc tấn công rất kỹ lưỡng của máy bay khu trục, không thể loại bỏ được hết các vị trí quân địch. Chỉ còn cách các khu đổ quân ở phía bắc Eindhoven có 7 phút, đội hình của sư đoàn 101 vấp phải hỏa lực phòng không dữ dội.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #82 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 08:09:35 pm »

Binh nhì John Cipolla đang ngủ khi anh đột ngột bừng tỉnh bởi “tiếng súng phòng không nổ đanh, và mảnh đạn cắm xuyên vào máy bay của chúng tôi”. Cũng như những người khác, Cipolla còng người xuống dưới sức nặng của trang bị phải mang theo, khiến anh hầu như không thể nhúc nhích được. Bên cạnh khẩu súng trường, chăn, áo mưa, balô, anh này còn phải mang dây đạn vắt chéo qua vai, các túi nhét đầy lựu đạn, khẩu phần ăn và chiếc dù chính cộng thêm chiếc dù phụ. Hơn nữa, trên máy bay của anh, mỗi người phải mang thêm một quả mìn. Anh nhớ lại, “một chiếc C47 ở bên trái chúng tôi cháy bùng lên, rồi một chiếc khác nữa, và tôi nghĩ “Chúa ơi, lần tới là tới lượt cánh mình rồi! Liệu mình có thóat khỏi cái máy bay này không!!”

Chiếc C47 của anh rung lên và tất cả dường như cùng hét lên một lúc, “Nhảy thôi! Chúng ta dính đạn rồi!” Người chỉ huy nhảy ra lệnh “Đứng lên cài móc dù”. Rồi anh ta bình thản kiểm tra trang bị. Cipolla có thể nghe thấy từng người báo cáo, “Một OK. Hai OK. Ba OK.” Dường như hàng giờ trôi qua trước khi Cipolla, người đứng cuối dãy, được hô “Hai mươi mốt OK.” Sau đó đèn xanh bật sáng, mọi người nối nhau nhảy ra ngoài, dù mở tung ra trên đầu họ. Ngó lên trên để kiểm tra chiếc dù của mình, Cipolla nhìn thấy chiếc C47 anh vừa rời khỏi đang bốc cháy. Trong lúc anh quan sát, chiếc máy bay rơi xuống như một bó đuốc.

Bất chấp trận mưa mảnh đạn cắm vào các máy bay, các đội hình vẫn không dao động. Phi công của không đoàn vận tải số 9 vẫn giữ vững hành trình không thay đổi. Trung úy Robert O’Connell nhớ lại phi đội của anh bay sát nhau ,” đến mức tôi nghĩ phi công của chúng tôi sắp sửa đập cánh máy bay vào tai của viên phi công lái chiếc bên trái chúng tôi.” Máy bay của O’Connell bị cháy. Đèn đỏ báo chuẩn bị nhày bật sáng, và “có nhiều khói trong khoang đến mức tôi không nhìn được hết dãy của mình”. Binh lính bật ho và lớn tiếng đòi nhảy ra. O’Connell “đứng chắn ngang cửa để ngăn họ lại”. Viên phi công vẫn tiếp tục lái thẳng không tránh né, và O’Connell nhìn thấy toàn đội hình bắt đầu hạ độ cao và giảm tốc, chuẩn bị cho việc thả quân. O’Connell hy vọng “nếu phi công nghĩ chiếc máy bay sắp rơi, anh ta sẽ bật đèn xanh đúng lúc để mọi người kịp thoát ra.” Bình thản, viên phi công lái chiếc máy bay đang bốc cháy cho đến lúc tới ngay trên khu đổ quân. Sau đó đèn xanh bật sáng và O’Connell cùng người của mình nhảy ra an toàn. Sau này O’Connell được biết chiếc máy bay phải đáp bụng nhưng tổ lái thoát nạn.

Không hề nghĩ tới sự an toàn của chính mình, các phi công lái máy bay vận tải đưa máy bay của mình qua làn đạn tới khu đổ quân. “Đừng lo cho tôi,” trung úy Herbert E.Shulman, phi công của một chiếc C47 bị bắn cháy, nói qua radio với viên chỉ huy bay. “Tôi sẽ đưa những người lính này tới đúng bãi đổ quân”. Anh đã làm đúng như vậy. Những người lính dù nhảy ra an toàn. Chỉ vài giây sau, chiếc máy bay cháy bùng lên đâm xuống đất. Thượng sĩ Charles A.Mitchell kinh hoàng nhìn thấy lửa phụt ra từ động cơ chiếc máy bay anh vừa rời khỏi. Trong lúc người phi công tiếp tục giữ vững đường bay, Mitchell nhìn thấy toàn bộ toán lính dù nhảy xuống qua đám lửa.

Bi kịch chưa dừng lại ở đây. Binh nhì Paul Johnson vừa đến bên khoang lái thì chiếc máy bay của anh bị bắn trúng giữa thân và cả hai thùng nhiên liệu bốc cháy. Trong số 16 lính dù, phi công và phụ lái, chỉ Johnson và hai người khác kịp nhảy. Họ đã phải dẫm lên những xác chết trong khoang máy bay để nhảy ra ngoài. Tất cả những người sống sót đều bỏng nặng , Johnson bị cháy hết tóc. Cả ba người rơi xuống một khu dấu xe tăng của quân Đức. Trong nửa giờ họ chiến đấu với kẻ thù từ một rãnh nước. Sau đó, cả ba đều bị thương, bị áp đảo và bị bắt làm tù binh.

Đúng vào lúc đèn xanh báo nhảy bật sáng trên một máy bay khác, người lính dù đứng đầu hàng, đang ở bên cạnh cửa, bị giết. Anh ta ngã đè lên trung sĩ John Altomare. Thi thể của anh ta lập tức được chuyển sang bên và những người còn lại nhảy ra. Và, trong lúc một toán lính dù khác đang lơ lửng trên không, một chiếc C47 mất lái đã quệt phải hai người trong số họ, hai người này bị cánh quạt động cơ chém rời thành từng mảnh.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #83 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 08:09:47 pm »

Như thường lệ, những người Mỹ vẫn tìm được cách bông đùa ngay cả trong cuộc tiếp cận kinh hoàng tới các khu đổ quân. Ngay sau khi đại úy Cecil Lee đứng dậy móc dù, máy bay của anh bị trúng đạn. Mảnh đạn ghém xuyên thủng chỗ ngồi anh vừa mới rời khỏi. Gần đó, một người lính lớn tiếng mỉa mai, “Giờ thì chúng nó cho bọn mình cả bồn cầu nữa”. Trên một máy bay khác, trung úy Anthony Borrelli tin chắc mình đã bị tê liệt. Đèn đỏ bật và tất cả móc dù- trừ Borrelli, người không thể nào nhúc nhích được. Mới đeo lon sĩ quan được hai tuần và lần đầu tham chiến, Borrelli, người đứng đầu dãy, ý thức được mọi người đang nhìn mình. Anh bối rối nhận ra mình đã móc dù vào chỗ ngồi. Binh nhì Robert Boyce tham gia trận đánh bất chấp thiện ý của viên nha sĩ sư đoàn, người đã ghi anh ta thuộc dạng “không được tham chiến” do vấn đề về răng. Với sự can thiệp của chỉ huy đại đội, Boyce, một cựu binh từ Normandy, được phép tham chiến. Khi máy bay của anh ta tiếp cận mục tiêu, Boyce nhìn thấy người Hà Lan bên dưới giơ hai ngón tay lên làm hình chữ V tượng trưng cho chiến thắng để chào mừng. Boyce chỉ cần có thể. “Ê, nhìn kìa,” anh gọi những người khác, “họ đang cược hai ăn một là cánh mình sẽ không tới nơi được”.

Mối e ngại không bao giờ tới được khu đổ bộ ít nhất cũng lớn như vậy ở nhiều người khác. Đại tá Robert F.Sink, chỉ huy trung đoàn 506, thấy “những tràng đạn cao xạ dữ dội lao tới chào đón chúng tôi.” Trong lúc ông nhìn qua cửa, chiếc máy bay lắc dữ dội và Sink trông thấy một phần cánh máy bay rách rời ra. Ông quay lại những người cùng dãy và nói, “Thế đấy, cánh máy bay toi rồi”. Và Sink nhẹ nhõm vì “không ai có vẻ quan tâm nhiều đến việc này. Họ cho thấy lần này chúng tôi thực sự đã nhập cuộc”.

Trên máy bay số 2, người phó của Sink, trung tá Charles Chase, nhìn thấy cánh bên trái máy bay của họ bốc cháy. Đại úy Thomas Mulvey nhớ lại rằng Chase nhìn chăm chăm vào đám cháy một phút rồi bình thản nhận xét, “Tôi nghĩ bọn chúng đang bắt kịp chúng ta đấy. Tốt nhất nên đi thôi.” Khi đèn xanh trên cả 2 máy bay bật sáng, tất cả lập tức nhảy ra ngoài. Chiếc máy bay chở Chase đâm xuống đất bốc cháy. Chiếc máy bay chở Sink, với bên cánh bị hư hại, dường như đã an toàn quay về Anh.

Hỏa lực phòng không cũng dữ dội không kém trùm lên đội hình trung đoàn 502, và máy bay thuộc hai toán khác nhau đã suýt đâm vào nhau. Một dãy máy bay, hơi mất phương hướng, đã đi cắt vào hướng của một nhóm khác, khiến nhóm này phải tăng độ cao và thả quân ở độ cao lớn hơn dự tính. Trên chiếc máy bay đi đầu nhóm này có sư đòan trưởng, tướng Maxwell D.Taylor, và tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1 trung đoàn 502, trung tá Patrick Cassidy. Đứng bên khung cửa, Cassidy thấy một máy bay trong nhóm cháy bùng. Ông chỉ nhìn thấy có 7 chiếc dù. Rồi lửa bùng lên ở chiếc C47 bay ngay bên trái. Tất cả lính dù nhảy khỏi máy bay. Ngỡ ngàng trước đám cháy, Cassidy không nhận ra đèn xanh đã bật. Tướng Taylor, đứng sau lưng ông, bình thản khẽ nói. “Cassidy, đèn xanh rồi.” Cassidy máy móc đáp, “Vâng, thưa ngài, tôi biết,” và nhảy. Taylor nhảy ngay sau ông.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #84 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 08:10:06 pm »

Với tướng Taylor, cuộc đổ quân của sư đòan 101 là “một thành công hiếm có, gần như một buổi tập”. Trong kế hoạch ban đầu, ban tham mưu của Taylor đã ước tính thương vong ở mức 30%.Trong số 6695 lính dù lên máy bay ở Anh, 6669 người đã nhảy dù. Bất chấp hỏa lực phòng không dữ dội, sự kiên cường của các phi công lái C47 và tiêm kích hộ tống đã giúp sư đoàn 101 có một cuộc nhảy dù gần như hoàn hảo. Cho dù một số đơn vị đã bị thả cách khu đổ quân từ 1 đến 3 dặm về phía bắc, họ đã tiếp đất gần nhau đến mức có thể nhanh chóng tập hợp được. Chỉ có 2 máy bay không tới được khu đổ quân, và không đoàn vận tải số 9 đã nhận về mình phần tổn thất lớn nhất trong quyết tâm anh dũng của họ nhằm đưa bằng được lực lượng dù tới đích. Trong số 424 chiếc C47 chở sư đoàn 101, một phần tư bị trúng đạn, 16 chiếc bị rơi, tổ lái hy sinh.

Tổn thất của các tàu lượn cũng rất lớn. Sau đó, khi các biên đội này tới nơi, chỉ 53 trong số 70 tàu lượn xuất phát ban đầu hạ cánh không bị thương tích gì tại khu hạ cánh gần Son. Tuy thế, bất chấp những trường hợp phải bỏ cuộc, bất chấp hỏa lực phòng không của đối phương và các vụ hạ cánh bắt buộc, các tàu lượn đã mang được tới nơi gần 80% số binh lính và 75% số xe jeep và xe tải chúng chuyên chở. Lúc này những con chim ưng gầm thét của Taylor bắt đầu tiến tới các mục tiêu của họ - những cây cầu và điểm vượt sông trên 15 dặm hành lang quan trọng nằm ngay phía trước lực lượng mặt đất của Anh.

Đại tướng Kurt Student và tham mưu trưởng của ông ta, đại tá Reinhard, đứng trên ban công ngôi nhà của viên tướng gần Vught và “chỉ đơn giản là tròn mắt ra nhìn, ngơ ngẩn như những gã ngốc”. Student nhớ lại “ nhìn về phía nào, chúng tôi cũng thấy từng đoàn máy bay – tiêm kích, vận tải – bay trên đầu mình. Chúng tôi leo lên nóc nhà để biết chính xác hơn những đơn vị này đang đi đâu.”

Những đoàn máy bay này xem ra đang hướng về Grave và Nijmegen và, chỉ vài dặm về phía nam gần Eindhoven và Son, ông ta có thể nhìn thấy rõ các máy bay vận tải – chiếc này nối đuôi chiếc khác – bay tới và thả quân cùng trang bị. Một số máy bay bay thấp đến nỗi Student và Reinhard bất giác nằm phục xuống. “Ngoài sân sở chỉ huy, nhân viên văn phòng, lái xe và hiệu thính viên chạy ra, bắn với tất cả các loại vũ khí. Như thường lệ, chẳng thấy bóng dáng tiêm kích của bên mình đâu cả”. Sudent hòan toàn choáng váng. “Tôi không thể nói chuyện gì đang xảy ra hay những đơn vị này đang tới đâu. Vào lúc đó, tôi không hề nghĩ đến sự nguy hiểm đang đe dọa chính mình”. Nhưng Student, một chuyên gia về tác chiến nhảy dù, cảm thấy đầy ngưỡng mộ và ghen tỵ. “Cảnh tượng hùng vĩ đó đã gây ấn tượng sâu sắc với tôi. Tôi vừa nhìn vừa suy nghĩ và nhớ lại những chiến dịch đổ bộ của chúng tôi, rồi tôi nói với Reinhard, “Chà, giá như có lúc tôi có được trong tay mình những phương tiện như vậy. Chỉ một lần thôi, có được từng ấy máy bay!” Suy nghĩ của Reinhard thực tế hơn nhiều. “Tướng quân,” ông ta nói với Student, “chúng ta phải làm điều gì đó!” Họ rời mái nhà xuống văn phòng của Student.

Chỉ mới tối hôm trước, Student đã cảnh báo trong báo cáo hàng ngày của ông, “Những đoàn quân xa lớn di chuyển phía nam kênh Maas-Schelde cho thấy một cuộc tấn công sắp diễn ra.” Vấn đề là ở chỗ: nó đã thực sự bắt đầu chưa? Nếu vậy, thì những đơn vị đổ bộ đường không này đang hướng tới các cây cầu xung quanh Eindhoven, Grave, và Nijmegen. Tất cả các điểm vượt song đều đã được chuẩn bị cho việc phá hủy và được bảo vệ bởi các đơn vị công binh đặc biệt và các đội tuần tiễu. Một chỉ huy cầu đã được chỉ định cho mỗi điểm với mệnh lệnh nghiêm ngặt phải phá hủy ngay cầu khi bị tấn công. “Động thái hiển nhiên của đồng minh,”Student nhận định, “sẽ là dùng lực lượng đổ bộ trong tình huống này để chiếm các cầu trước khi chúng ta kịp phá hủy chúng”. Vào thời điểm đó, Student thậm chí không nghĩ tới tầm quan trọng của cây cầu qua sông Rhine hạ tại Arnhem. “Nối máy cho tôi với Model”, ông ta nói với Reinhard.

Reinhard nhấc máy và phát hiện ra rằng đường dây điện thoại không hoạt động. Sở chỉ huy đã bị cô lập.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #85 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 08:10:17 pm »

Tại Oosterbeek, cách đó 37 dặm, trong khách sạn Tafelberg, trung úy Gustav Sedelhauser, sĩ quan văn phòng của Model, đang bực bội. “Các anh vẫn còn ngái ngủ từ hôm qua đấy à?” anh ta quát vào một chiếc điện thoại dã chiến. Hạ sĩ quan Youppinger, một trong số 250 người của đơn vị bảo vệ Model do Sedelhauser chỉ huy, nhắc lại những gì anh ta vừa nói. Tại Wolfheze, “tàu lượn đang hạ thẳng xuống đầu chúng ta”, anh ta khăng khăng. Sedelhauser dập mạnh điện thoại xuống và chạy vào phòng hành quân, tại đây anh này báo cáo lại thông tin cho một viên trung tá đang sững sờ. Cả hai người vội chạy tới phòng ăn, nơi Model và tham mưu trưởng của ông,tướng Krebs, đang ăn trưa. Phụ trách tác chiến, đại tá Tempelhof sững sờ; chiếc kính một mắt rời khỏi mắt Krebs. “Vậy chúng ta sẽ là đích”, Tempelhof nói.

Model đứng bật dậy và ra một loạt mệnh lệnh nhằm sơ tán lập tức sở chỉ huy. Vừa lao ra khỏi phòng ăn để thu xếp đồ của mình, ông vừa nói vọng lại,”Chúng tới tìm tôi và sở chỉ huy này!” Một lát sau, chỉ mang theo một vali nhỏ, Model lao qua cửa khách sạn Tafelberg. Trên đường ông ta đánh rơi chiếc vali làm nó bật mở hất tung ra những chiếc khăn tắm và đồ lót của ông.

Krebs theo sau Model ra ngoài vội đến mức Sedelhauser thấy “ông ta thậm chí còn quên cả mũ, súng ngắn và thắt lưng”. Tempelhof thậm chí còn chẳng có thời gian để gỡ những tấm bản đồ chiến sự treo ở phòng hành quân. Đại tá Freyberg, trợ lý sở chỉ huy, cũng vội vàng như vậy. Đi qua trước mặt Sedelhauser, ông ta quát, “Đừng có quên xì gà của tôi đấy”. Trong xe của mình, Model ra lệnh cho lái xe của ông, Frombeck. “Nhanh lên! Doetinchem! Tới sở chỉ huy của Bittrich!”

Sedelhauser đợi cho đến khi chiếc xe đi khuất và quay vào khách sạn. Trong phòng hành quân, anh ta trông thấy những tấm bản đồ- chỉ rõ tất cả các vị trí đóng quân từ Hà Lan tới Thụy Sĩ – vẫn còn nằm trên mặt một chiếc bàn. Anh này bèn cuộn lại và mang theo mình. Sau đó viên trung úy ra lệnh sơ tán lập tức khỏi khách sạn Hartenstein và Tafelberg; tất cả phương tiện, anh ta ra lệnh, “tất cả các xe con, xe tải, motor, đều phải đi ngay lập tức”. Báo cáo cuối cùng anh ta nhận được trước khi rời tới Doetinchem là quân Anh chỉ còn cách đó chưa đầy hai dặm. Trong lúc vội vã anh ta đã quên bẵng những điếu xì gà của Freyberg.

Bao quanh bởi những cuộn khói từ những ngôi nhà đang cháy, đội hình tàu lượn hùng hậu của quân Anh bắt đầu hạ cánh. Những khu đổ quân được đánh dấu bằng những dải nylon màu cam và huyết dụ lúc này đã bắt đầu trông giống như một bãi đỗ máy bay khổng lồ. Khói hiệu màu xanh bốc lên từ hai khu đổ quân – “Reyers Camps Farm” ở phía bắc và “Renkum Heath” ở phía tây nam- gần Wolfheze. Từ những khu này, từng dãy máy bay kéo và tàu lượn nối nhau dài tới gần 20 dặm cho tới điểm tiếp cận nằm gần thị trấn Hertogenbosch, tây nam Nijmegen. Hàng đoàn máy bay tiêm kích bảo vệ những không đoàn khổng lồ này. Mật độ không lưu dày đặc đến mức các phi công nhớ tới những khi tắc đường vào giờ cao điểm ở vòng cung Piccardilly Circus bận rộn của London.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #86 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 08:10:29 pm »

Những biên đội này –mỗi nhóm cách nhau 4 phút bay – bay chậm rãi trên vùng đồng quê Hà Lan bằng phẳng chằng chịt kênh rạch. Những mốc định vị các phi công đã được phổ biến phải nhận ra lúc này bắt đầu xuất hiện phía dưới họ: những dòng sông lớn Maas và Waal và xa hơn về phía bắc, sông Rhine hạ. Sau đó, khi từng nhóm bắt đầu hạ độ cao, binh lính nhìn thấy Arnhem nằm về phía bên phải và các mục tiêu chủ yếu của họ: cầu đường sắt và cầu đường bộ. Thật ngạc nhiên, bất chấp sự cảnh báo của RAF tiên đoán hỏa lực phòng không dày đặc, đoàn tàu lượn đông đảo đã không gặp bất kỳ phản kháng nào. Những cuộc ném bom chuẩn bị tại Arnhem đã hiệu quả hơn nhiều so với tại Eindhoven. Không một tàu lượn hay máy bay kéo nào bị bắn hạ trong lúc tiếp cận.

Với sự chính xác tuyệt đối, các phi công dày dạn kinh nghiệm của RAF và trung đoàn tàu lượn đã tiếp cận các khu hạ cánh. Sau khi các tàu lượn tháo cáp nối, các máy bay kéo bay cao lên lượn trở ra để nhường chỗ cho những cặp tiếp theo. Những thao tác bay phức tạp này cũng như mật độ không lưu dày đặc đã tạo ra những vấn đề khó khăn. Thượng sĩ phi công Bryan Tomblin nhớ lại sự đông đúc hỗn độn trên không phận các khu đổ quân. “Tàu lượn, máy bay kéo, cáp, đủ thứ trên không,” anh nhớ lại. “Bạn phải luôn nhìn ngó xung quanh”.

Thượng sĩ nhất Victor Miller, lái một chiếc Horsa, còn nhớ đã bay qua sông Rhine Hạ và thấy nó “yên ả lạ thường”. Xa hơn, anh chợt nhận ra khu đổ bộ của mình, với một vạt rừng hình tam giác và một trang trại nhỏ nép vào rìa phía xa của vạt rừng”. Vài giây sau, Miller nghe thấy tiếng nói của hoa tiêu trên chiếc Stirling đang kéo mình. “OK số 2. Khi anh đã sẵn sàng.” Miller xác nhận. “Chúc may mắn, số 2”, viên hoa tiêu nói với anh. Miller lập tức tháo cáp nối. Chiếc máy bay kéo biến mất, sợi cáp kéo bay phấp phới phía sau. Miller biết nó sẽ được thả rơi xuống kẻ thù “ như món quà chia tay trước khi chiếc Stirling quay về căn cứ”.

Chiếc tàu lượn bay chậm dần lại và lướt dần xuống mặt đất. Miller ra lệnh mở cánh hãm tốc và phụ laí của anh, thượng sĩ Tom Hollingsworth, lập tức kéo một chiếc cần. Chiếc tàu lượn chững lại trong khoảnh khắc, “trong khi những cánh hãm tốc lớn mở ra phía dưới cánh tàu lượn để làm chậm tốc độ của chúng tôi lại”. Khu đổ quân, Miller ước lượng, chỉ còn cách chưa tới 1 dặm. “Tôi nhắc Tom quan sát các tàu lượn ở phía anh ta. Một chiếc bay ngang qua trước mặt chỉ cách chúng tôi chưa đến 50 yard”, và, trước sự ngạc nhiên của Miller, “ rồi lượn theo cùng hướng. Một chiếc khác có vẻ như sắp đâm vào bên sườn chúng tôi. Tôi không nghĩ là tay phi công nhìn thấy chúng tôi, có lẽ anh ta chỉ chăm chú đến việc hạ cánh”. Để tránh va chạm, Miller đánh liều lạng xuống lướt qua bụng chiếc tàu lượn đang lao tới. “Một bóng đen lớn lao qua phía trên buồng lái của chúng tôi, gần hơn mức tôi có thể dửng dưng. Tôi chỉ lo làm sao hạ cánh mà còn nguyên vẹn nên chẳng hề quan tâm liệu quân địch có bắn vào chúng tôi không – mà việc này thì có lo cũng chẳng thay đổi được gì nhiều”.

Miller tiếp tục hạ cánh với “những ngọn cây vươn lên hướng tới bụng chiếc tàu lượn và lướt qua hai bên cánh. Khi mặt đất xuất hiện, một chiếc tàu lượn khác lao tới sát cạnh. Tôi hạ càng, chúng tôi chạm đất, nảy nên chừng 3 bộ rồi tiếp đất hẳn. Tom kéo hết phanh và chúng tôi lê dài bụng trên cánh đồng; Sau đó các bánh xe càng tiếp đất lún vào đất mềm và chúng tôi dừng lại cách những hàng cây to lớn chừng 50 yard.” Trong sự im lặng, sau những tiếng động điếc tai không dứt trong lúc tiếp đất, Miller nghe thấy tiếng súng bộ binh cỡ nhỏ, “ nhưng ý nghĩ duy nhất của tôi lúc đó là nhảy ra khỏi tàu lượn trước khi có ai đó đâm xuống hay đáp xuống đầu chúng tôi. Tôi là người cuối cùng chui ra ngoài. Tôi nhảy thẳng từ nắp cửa khoang lái và rơi xuống mặt đất Hà Lan ở phía dưới tôi 4 bộ, một cách khá nặng nề.”
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #87 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 08:10:41 pm »

Chiếc tàu lượn chở hiệu thính viên Graham Marples bay vòng rồi quay trở lại địa điểm đổ quân vì không lưu quá đông. “Nhưng đến lúc đó chúng tôi đã hết đà lượn,” Marples nhớ lại, “ tôi nhìn thấy cành cây đâm xuyên qua sàn tàu lượn. Chúng phá tan sàn thành từng mản, và điều tiếp theo tôi biết là chúng tôi đã chúi đầu lao xuống. Tôi nghe thấy mọi thứ vỡ như củi khô bị bẻ vậy. Chúng tôi gần như cắm đầu xuống đất nhưng không ai bị thương trừ vài vết xước hay bầm tím”. Sau đó, viên phi công cho Marples biết anh ta đã lái tàu lượn lượn vòng để tránh đâm vào một tàu lượn khác. Nhiều tàu lượn khác, sau khi đã vượt qua thành công mọi trở ngại của chuyến bay dài, lại gặp tai họa khi hạ cánh. Thượng sĩ George Davis đứng gần chiếc Horsa trống rỗng của mình quan sát các tàu lượn khác tới nơi. Là một trong những người đầu tiên hạ cánh, Davis đã mang theo 32 người của lữ đoàn đổ bộ số 1. Anh trông thấy 2 tàu lượn “gần như lao song song với nhau qua khu đổ quân và đâm vào cây. Cánh của cả hai chiếc đều bị gãy lìa”. Vài giây sau, một chiếc Horsa nữa lao tới. Tốc độ của nó nhanh tới mức Davis biết chắc nó không thể nào dừng lại kịp. Chiếc tàu lượn lao vào cây. Không ai trèo ra ngoài. Cùng thượng sĩ William, phụ lái của mình, Davis chạy tới chiếc tàu lượn và nhìn qua cửa kính khoang lái bằng thủy tinh hữu cơ. Tất cả những người bên trong đều đã chết. Một khẩu cối 75 mm đã bật khỏi xích chằng, nghiền nát các pháo thủ và tiện cụt đầu phi công cũng như phụ lái.

Trung úy Michael Dauncey vừa hạ cánh chiếc tàu lượn của mình – chở một chiếc jeep, moóc và 6 pháo thủ của một khẩu đội pháo – thì thấy một chiếc Hamilcar 8 tấn to lớn lao xuống. “Đất của khu đổ bộ khá mềm,” anh nhớ lại, “ và tôi thấy mũi chiếc Hamilcar cắm xuống”. Trọng lượng và tốc độ tiếp đất làm chiếc tàu lượn lún sâu hơn vào đất cho đến khi chiếc đuôi kềnh càng dựng lên trên không và chiếc Hamilcar bị lộn ngửa bụng lên trời. Dauncey biết “có cố đào bới cũng vô ích. Nóc của một chiếc Horsa thì phẳng, nhưng một chiếc Hamilcar có một khoang nhô lên cho phi công ngồi, và chúng tôi biết các phi công không còn hy vọng sống sót”.

Tiếp đất trên một chiếc Hamilcar khác, thượng sĩ Gordon Jenks cũng nhìn thấy tai nạn đó và lập tức hiểu ra mặt đất phía trước quá yếu. Anh quyết định ngay không hạ cánh xuống cánh đồng nữa. “Tôi nghĩ thầm nếu chúng tôi lượn sang phải ngay lúc đó,” anh nhớ lại, “ chúng tôi sẽ vẫn còn đủ tốc độ để giữ chiếc tàu lượn trên không, vượt qua hàng rào và hạ cánh an toàn xuống khu đổ quân kế tiếp”. Jenks kéo cần điều khiển về phía trước, lượn xuống, bay là là cách mặt đất vài bộ. Sau khi lái chiếc tàu lượn to lớn nhẹ nhàng lướt qua bên trên hàng rào, Jenks “hạ nó xuống bãi đỗ kế tiếp nhẹ nhàng như một chiếc lông chim”.

Trên khắp bãi đổ quân, đuôi các tàu lượn được tháo ra, và pháo, khí tài, dự trữ, xe jeep và xe tải được dỡ xuống. Những người lính trên tàu lượn của thượng sĩ Henry Brook, cũng như nhiều người khác, phát hiện ra thao tác dỡ hàng thật ngon lành trên lý thuyết nhưng khi thực hành lại khó khăn hơn nhiều. “Có 8 chốt kẹp có dây bảo vệ giữ lấy đuôi tàu lượn,” Brook giải thích. “Khi còn ở Anh lúc luyện tập, bạn luôn có thể tháo đuôi và đưa xe jeep cùng moóc kéo ra trong đúng 2 phút. Trên thực địa, mọi thứ khác hẳn. Chúng tôi cắt dây và tháo chốt, nhưng chiếc đuôi vẫn kẹt cứng.” Brook và những người khác cuối cùng phải chặt đứt đuôi ra. Pháo thủ J.W.Crook cũng bị thất vọng như vậy, nhưng một chiếc jeep ở gần đó đã tới giúp người của anh và bằng dây tời của nó lôi chiếc đuôi tàu lượn rời ra.

Trên khắp khu đổ quân binh lính bắt đầu thu nhặt quân dụng từ các tàu lượn bị rơi. Việc hai chiếc Hamilcar khổng lồ bị tai nạn là một tổn thất nghiêm trọng. Chúng mang theo 2 khẩu pháo 17 pound cùng xe tải 3 tấn và xe moóc chở đạn. Nhưng toàn bộ 15 khẩu pháo 75 mm của trung đoàn pháo hạng nhẹ đổ bộ số 1 đều tới nơi an toàn.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #88 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 08:11:00 pm »

Phần lớn những người đổ bộ bằng tàu lượn đều nhớ lại sự yên lặng lạ lung, gần như ảo giác sau khi tiếp đất. Sau đó, từ các điểm tập hợp, mọi người nghe thấy tiếng kèn túi chơi bài “Blue Bonnets”. Cùng lúc, những người lính ở ven khu rừng Renkum trông thấy các thường dân Hà Lan lang thang thơ thẩn trong rừng hay cuống cuồng chạy tìm chỗ trốn. Trung úy Neville Hay thuộc đơn vị Phantom nhớ lại “đó là một cảnh tượn kỳ lạ. Một số người mặc áo bệnh nhân màu trắng và có vẻ đang được dẫn đi thành đoàn. Đàn ông và phụ nữ đi lại gần, vẫy tay, cười phá lên, hò hét. Họ trông thật điên khùng.” Phi công tàu lượn Victor Miller cũng ngỡ ngàng bởi tiếng người từ trong rừng. Sau đó, “từng nhóm đàn ông và phụ nữ kỳ quặc mặc đồ trắng đi qua trước mặt tôi”. Chỉ sau đó những người lính mới biết các thường dân cử xử lạ lùng đó là các bệnh nhận nội trú của bệnh viện tâm thần Wolfheze vừa bị ném bom.

Tướng Urquhart đổ bộ tại Renkum. Ông cũng để ý tới sự yên lặng. “Mọi thứ yên ắng đến vô lý,” ông nhớ lại, “Không thể tin là thực”. Trong lúc tham mưu trưởng của ông, đại tá Charles Mackenzie, thiết lập sở chỉ huy lâm thời của sư đoàn bên bìa rừng, Urquhart đi tới khu đổ quân của lính nhảy dù, cách đó chừng 400 yard. Cũng sắp tới giờ lữ đoàn dù số 1 của thượng tá Lathbury đến nơi. Từ xa vọng lại tiếng động cơ của các máy bay đang tới gần. Mọi hoạt động tại khu đáp tàu lượn ngưng lại khi mọi người ngẩng đầu lên nhìn những hàng dài C47. Súng bộ binh và súng phòng không bắn lên trong lúc lực lượng dù đổ bộ cũng thưa thớt và chuệch choạc như lúc các tàu lượn tiếp đất. Vào 1 giờ 53 phút đúng, và trong 15 phút tiếp theo, bầu trời tràn ngập những chiếc dù đầy màu sắc khi lữ đoàn 1 đổ bộ. Khoảng 650 kiện hàng thả dù được buộc vào những chiếc dù màu vàng tươi, đỏ và nâu – gồm súng, đạn, khí tài – được thả xuống cùng những chuỗi lính dù. Nhiều dù hàng khác, được đẩy khỏi máy bay trước khi lính dù nhảy xuống, được chứa đầy đủ thứ trang bị, bao gồm cả những chiếc motor cỡ nhỏ gập lại được. Trong số những lính dù vốn đã phải mang nặng, nhiều người còn phải mang theo túi hàng. Trên lý thuyết, những túi này sẽ được thả xuống nhờ một sợi dây trước khi người chạm đất. Những hàng chục kiện rơi khỏi người mang và đập xuống đất. Nhiều kiện là những maý bộ đàm rất quý báu.

Binh nhì người Anh Harry Wright nhảy xuống từ một chiếc C47 Mỹ. Trong lúc lơ lửng trên không, anh rơi mất cả mũ lẫn ba lô. Anh rơi xuống đất khá mạnh. Quản lý trung đoàn thượng sĩ Robertson chạy tới. Trán Wright bê bết máu. “Cậu bị đạn cao xạ văng phải à?” Robertson hỏi. Wright chậm chạp lắc đầu. “Không, trầy da thôi,” anh ta đáp. “Đó là tại tay phi công Yankee chết tiệt. Chúng ta bay quá nhanh khi nhảy dù xuống”. Robertson băng bó vết thương, và sau đó, trước sự ngạc nhiên của Wright, đưa cho người lính bị thương một chiếc bánh thịt lợn từ túi của anh ta. “Tôi súyt nữa chết sững vì sốc,” Wright nhớ lại. “Đầu tiên, Robertson là người Scotland, và làm quản lý, anh ta chẳng cho ai cái gì bao giờ”.

Những chuyện lạ lùng có vẻ diễn ra khắp nơi tại các khu đổ quân. Người đầu tiên thượng sĩ Norman Swift thấy khi chạm đất là thượng sĩ Les Ellis, lúc đó đang mang một con gà gô chết đi qua. Swift ngạc nhiên hỏi con vật từ đâu ra. “Tớ đã tiếp đất trúng vào nó,” Ellis giải thích. “Ai mà biết được? Lát nữa chuyện đó có khi lại đâm hay, lúc chúng tôi đã đói”.

Người lính công binh Ronald Emery chỉ vừa kịp tháo dù ra thì một bà lão người Hà Lan đã chạy tới vơ lấy nó và lao đi mất, để lại anh chàng Emery trố mắt ngạc nhiên nhìn theo. Ở một chỗ khác, hạ sĩ Geoffrey Stanners, còng người vì trang bị, nhảy trúng cánh một chiếc tàu lượn. Như một chiếc cầu bật, chiếc cánh hất bổng Stanners lên không. Anh này tiếp đất an toàn bằng cả hai chân.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #89 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 08:11:08 pm »

Choáng váng sau cú rơi quá mạnh, trung úy Robin Vlasto nằm bất động một lúc, cố gắng định hướng. Anh ta nhận thấy “ vô số người và kiện hàng rơi xuống xung quanh tôi trong lúc máy bay tiếp tục thả lính dù xuống”. Vlasto quyết định rời khỏi khu đổ quân càng nhanh càng tốt. Trong lúc anh cố tháo dù ra, viên trung úy nghe thấy một tiếng động kỳ lạ. Nhìn quanh, anh trông thấy trung tá John Frost, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2, đi ngang qua, vừa đi vừa thổi cây còi săn của mình.

Binh nhì James W.Sims cũng trông thấy Frost. Sims đã trải qua một ngày đầy sự kiện trước khi tiếp đất. Luôn quen bay cùng các phi công RAF, mà thái độ quen thuộc, như Sims nhớ, là: “Đừng lo, các cậu bé, bất luận chuyện gì xảy ra, cánh này sẽ đưa các cậu tới nơi” – Sims cảm thấy choáng khi trông thấy tay phi công người Mỹ. “Đó là một tay trung tá với một chiếc mũ mềm đội trên đầu. Áo bay của anh ta mở phanh, và anh ta phì phèo một điếu xì gà to. Trung úy của chúng tôi chào anh ta khá nghiêm chỉnh và hỏi liệu mọi người có cần di chuyển lên phía mũi máy bay khi cất cánh không”. Tay người Mỹ nhăn mặt. “Cái chết tiệt gì cơ, trung úy, không cần,” Sims nhớ anh ta nói, “Tôi sẽ lôi được cái của nợ chết tiệt này lên khỏi mặt đất cho dù có phải kéo lê đít nó đi nửa đường băng”. Viên chỉ huy của Sims ngớ người không nói được gì. Lúc này, cho dù có cảm tình với trung tá của mình, Sims, trong lúc nhìn Frost đi qua, đã không thể chịu đựng hơn được nữa. Đồ lề trang bị lỉnh kỉnh xung quang, anh ta ngồi phệt dưới đất lẩm bẩm, “Hãy nhìn bố già Johnny Frost, một khẩu 45 trong một tay, một cái kèn mắc dịch trong tay kia”.

Trên khắp các khu nhảy dù và đáp tàu lượn, nơi 5191 người của sư đoàn đã tới nơi an toàn, các đơn vị được tập hợp lại, vận động khỏi khu đổ quân. Tướng Urquhart “không thể cảm thấy hài long hơn. Mọi việc đều có vẻ xuôi chèo mát lái”. Thượng sĩ John C.Lord cũng có cùng ý nghĩ. Người lính dù kỳ cựu nhớ lại rằng “đây là lần đổ bộ tuyệt nhất tôi đã từng tham gia. Tất cả đều bình thản và nghiêm chỉnh”. Nhưng dự trữ hậu cần mà anh đã mang theo vẫn làm Lord băn khoăn. Trong lúc nhìn quanh, thấy binh lính tập hợp nhanh chóng, không bị kẻ thù nào quấy rầy, anh này nhớ lúc đó đã nghĩ,” Mọi thứ thuận lợi đến mức không thể tin được”. Nhiều người khác cũng nghĩ vậy. Trong khi một đơn vị chuẩn bị rời khỏi khu đổ quân, trung úy Peter Stainforth nghe thấy trung úy Dennis Simpson nói khẽ, “Tất cả diễn ra quá tốt, tôi không khoái vậy chút nào”.

Người có nhiệm vụ khẩn cấp nhất sau khi đổ bộ là viên thiếu tá 43 tuổi Fređie Gough chỉ huy đơn vị trinh sát của sư đoàn đổ bộ đường không số 1. Chỉ huy bốn phân đội đội trang bị xe jeep hỏa lực mạnh, Gough có nhiệm vụ đột kích ngay tới cầu trước khi tiểu đoàn của trung tá John Frost vận động theo sau tới nơi. Gough và người của mình nhảy dù xuống, sau đó tìm phương tiện di chuyển của họ, đã được chuyển tới bằng tàu lượn. Gough nhanh chóng tìm được người phó của mình, đại úy David Allsop, tại khu đổ quân và nhận được một số tin xấu. Toàn bộ phương tiện của 1 trong số 4 đơn vị - khoảng 22 xe – đã không tới nơi, Allsop báo cáo. Ba mươi sáu trong số 320 tàu lượn dự kiến đổ bộ ở Arnhem đã bị mất, cùng với chúng là toàn bộ số xe jeep của phân đội A của Gogh. Tuy vậy, cả Gough và Allsop đều tin rằng vẫn còn đủ phương tiện để đột kích tới cầu Arnhem. Gough ra lệnh lên đường. Với việc lực lượng của ông đã bị giảm xuống, tất cả lúc này phụ thuộc vào phản ứng của quân Đức.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM