Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 09:33:23 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một cây cầu quá xa  (Đọc 131831 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #50 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 11:48:39 am »

Chỉ huy cảnh sát nổi danh nhất tại Hà Lan, trung tướng SS Hanns Albin Rauter, cũng đã nghe tới tin đồn, rất có thể từ cấp trên của y, tướng Christiansen. Rauter tin rằng chuyện gì cũng có thể xảy ra, kể cả một cuộc đổ bộ đường không. Rauter, kiến trúc sư chính của ách khủng bố Nazi tại Hà Lan, chờ đợi việc lực lượng kháng chiến Hà Lan sẽ tấn công và dân chúng nổi dậy bất cứ lúc nào. Y quyết định sẽ dẹp tan bất cứ cuộc nổi dậy nào đơn giản bằng cách xử bắn ba người Hà Lan kháng chiến cho mỗi tên Nazi bị giết. Rauter đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ngay sau cuộc rút chạy của quân Đức và việc đám Nazi Hà Lan kéo nhau trốn về Đức hai tuần trước đó. Thủ hạ của y đã trả thù tàn bạo bất cứ ai dính líu dù không trực tiếp tới lực lượng kháng chiến Hà Lan. Đàn ông và phụ nữ bị bắt, hành quyết hoặc đày vào trại tập trung. Những thường dân bình thường cũng chẳng được chừa ra. Đi lại từ tỉnh này sang tỉnh khác bị cấm ngặt. Nhiều luật lệ hà khắc hơn được thiết lập. Bất cứ ai bị bắt gặp ngoài đường sau giờ giới nghiêm đều có thể bị bắn không cảnh cáo trước. Khắp miền nam Hà Lan, để đối phó với tấn công của quân Anh, người Hà Lan bị ép buộc lao động đào công sự cho quân Đức. Tại Nijmegen, Rauter thu thập đủ nhân công bằng cách đe doạ tống cả gia đình những người bị gọi vào trại tập trung. Tụ tập dưới bất cứ hình thức nào đều bị cấm. “Bất cứ đâu có năm người trở lên bị trông thấy đi cùng nhau, ”một trong những thông cáo của Rauter cảnh cáo, “những người này sẽ bị lực lượng SS hay cảnh sát bắn hạ”.

Lúc này, khi cuộc tấn công từ phía nam lên của quân Anh có thể nổ ra bất cứ lúc nào và Berlin cảnh báo về nguy cơ tấn công từ trên không và phía biển ở miền bắc, thế giới của Rauter bắt đầu sụp đổ. Y cảm thấy sợ hãi. Biết được Model đang ở Hà Lan, Rauter quyết định tìm kiếm nơi ẩn náu an toàn và lên đường tới khách sạn Tafelberg. Vào tối ngày 14/9, Rauter gặp Model và tham mưu trưởng của ông ta, tướng Krebs. Rauter nói với hai người rằng y “tin rằng Đồng minh lần này sẽ sử dụng lực lượng đổ bộ đường không ở phía nam Hà Lan”. Model và Krebs không đồng ý. Các đơn vị đổ bộ tinh nhuệ, Model nói, “quá quan trọng, việc huấn luyện quá tốn kém” để có thể đem ra sử dụng bừa bãi. Viên thống chế quả thực chờ đợi Montgomery tấn công vào Hà Lan từ Neerpelt, nhưng tình hình chưa đủ nghiêm trọng để biện hộ cho việc sử dụng lực lượng đổ bộ đường không. Hơn nữa, vì lực lượng tấn công sẽ bị ngăn cản bởi ba con sông rộng , ông ta không tin rằng một cuộc tấn công của người Anh nhằm vào Arnhem có thể xảy ra. Cả Nijmegen và Arnhem đều nằm quá xa lực lượng Anh. Hơn nữa, Model tiếp tục, Montgomery “về mặt chiến thuật là một người cực kỳ thận trọng. Ông ta sẽ không bao giờ dùng lực lượng đổ bộ vào một cuộc phiêu lưu đầy bất trắc”.

Khi người tù được giải tới sở chỉ huy của thiếu tá Friedrich Kieswetter tại làng Driebergen, phía tây Oosterbeek, vào ngày 15/9, viên tư lệnh phó lực lượng phản gián của Wehrmacht tại Hà Lan đã biết quá rõ về y. Đã có cả một hồ sơ dày về gã ù lì 28 tuổi Christiaan Antonius Lindemans, thường được biết, vì kích thước khổng lồ của y (cao 6 bộ 3 tấc, nặng 260 cân Anh), dưới biệt danh King Kong. Lindemans đã bị một đội tuần tra bắt gần biên giới Bỉ - Hà Lan, trên vùng chiến tuyến giữa quân Anh và quân Đức. Lúc đầu, vì bộ đồ lính Anh mặc trên người, Lindemans bị coi như tù binh, nhưng tại sở chỉ huy tiểu đoàn gần Valkenswaard, trước sự ngạc nhiên của những người hỏi cung, y đề nghị gặp trung tá Hermann Giskes- trùm phản gián Đức tại Hà Lan và là cấp trên của Kieswetter. Sau một loạt cuộc điện đàm, những người bắt được Lindemans còn ngạc nhiên hơn khi được lệnh đưa ngay tên tù binh tới Driebergen. Chỉ mình Lindemans chẳng có vẻ gì ngạc nhiên. Một số đồng bào của y nghĩ y là một thành viên kháng chiến kiên cường; nhưng bọn Đức biết y dưới một tư cách khác- một gián điệp. King Kong là một điệp viên hai mang.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #51 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 11:48:57 am »

Lindemans đã phản bội từ năm 1943. Lúc đó y đã đề nghị làm việc cho Giskes để đổi lấy tự do cho cô nhân tình và người em trai, Henk, bị Gestapo bắt vì tham gia kháng chiến và được thông báo là sẽ bị đem xử bắn. Giskes lập tức đồng ý; và từ đó, Lindemans đã phục vụ đắc lực cho quân Đức. Sự phản bội của y đã dẫn tới sự vỡ lở của nhiều nhóm kháng chiến ngầm và những vụ hành quyết rất nhiều người yêu nước Bỉ và Hà Lan. Cho dù là một kẻ thô lỗ cộc cằn, nát rượu và mê gái, cho tới lúc đó Lindemans vẫn không bị lộ. Tuy vậy, nhiều chỉ huy kháng chiến coi y là một mối nguy tiềm tàng, không như một số sĩ quan Đồng minh tại Brussels đã bị King Kong thuyết phục đến mức lúc này Lindemans đang là người của một đơn vị tình báo Anh dưới sự chỉ huy của một sĩ quan Canada.

Trong khi Giskes vắng mặt, Kieswetter làm việc lần đầu tiên với Lindemans. Ông ta thấy tởm lợm gã cục súc to xác luôn mồm tự xưng với tất cả mọi người trong sở chỉ huy rằng y là “King Kong vĩ đại”. Lindemans báo cáo lại kết quả nhiệm vụ cuối cùng của y. Viên sĩ quan tình báo Canada đã cử y tới thông báo cho những người chỉ huy lực lượng kháng chiến ngầm tại Eindhoven rằng không cần gửi phi công đồng minh bị bắn rơi qua đường dây bí mật sang Bỉ nữa. Vì quân Anh dự định đột kích từ đầu cầu tại Neerpelt tới Eindhoven, các phi công được cứu thoát cần được giấu kín. Lindemans, sau khi mất 5 ngày để vượt qua chiến tuyến, đã có thể cho Kieswetter biết một số chi tiết về kế hoạch của quân Anh. Cuộc tấn công, y nói chắc chắn, sẽ xảy ra vào ngày 17/9.

Tin về cuộc tấn công sắp xảy ra của người Anh chẳng có gì là mới. Kieswetter, cũng như những người khác, chờ đợi nó xảy ra bất cứ lúc nào. Lindemans cũng thông báo Kieswetter một động thái khác: cùng lúc với cuộc tấn công trên bộ, y báo cáo, một kế hoạch đổ bộ quân dù cũng đã được dự kiến ở gần Eindhoven nhằm đánh chiếm thành phố. Tin này làm Kieswetter thấy khó hiểu. Tại sao phải sử dụng lính dù trong khi lực lượng mặt đất của Anh bản thân nó cũng có thể dễ dàng tiến được tới Eindhoven ? Có thể vì tin do Lindemans cung cấp có vẻ không thực tế hoặc có lẽ chủ yếu vì ác cảm của mình với King Kong, Kieswetter đã lệnh cho Lindemans tiếp tục nhiệm vụ của y và quay trở lại chiến tuyến Anh. Kieswetter không có hành động lập tức nào. Ông ta ít quan ngại về thông tin của Lindemans đến mức chẳng buồn chuyển trực tiếp nó về tổng hành dinh của Wehrmacht. Thay vào đó, ông ta chuyển nó tới cơ quan an ninh và tình báo của SS. Đồng thời viên thiếu tá cũng viết một bản tóm tắt cuộc trao đổi giữa ông ta và Lindemans cho Giskes, lúc này đang vắng mặt do một nhiệm vụ khác. Giskes, luôn coi King Kong đáng tin cậy, chỉ nhận được bản báo cáo này vào chiều ngày 17/9.

Lúc này chiến dịch Marker Garden chỉ còn cách giờ khai hoả chưa đầy 48 tiếng đồng hồ. Trong văn phòng của mình, trung tướng Bedell Smith, tham mưu trưởng của Eisenhower, nghe chỉ huy tình báo của SHAEF, thiếu tướng Anh Kenneth W.Strong, thông báo những tin tức cuối cùng với thái độ mỗi lúc một lo ngại. Không nghi ngờ gì nữa, Strong nói, có lực lượng thiết giáp Đức tại khu vực Arnhem.

Đã nhiều ngày nay, Strong và bộ phận của mình đã nghiên cứu sàng lọc tất cả các thông tin tình báo nhằm cố gắng xác định địa điểm đóng quân của các sư đoàn Panzer SS 9 và 10. Từ tuần đầu tiên của tháng 9 người ta đã mất dấu vết các đơn vị này. Cả hai đều bị tổn thất nặng, nhưng khó có khả năng chúng đã hoàn toàn bị tiêu diệt. Một giả thiết khác cho rằng các đơn vị này có thể đã được lệnh quay về Đức. Đến lúc này báo cáo của lực lượng kháng chiến Hà Lan lại cho biết một thực tế khác hẳn. Các sư đoàn mất dấu vết đã được định vị.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #52 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 11:49:16 am »

Sư đoàn 9, và rất có thể, cả sư đoàn 10, đang ở Hà Lan, Strong báo cáo lại với Smith, “chắc chắn là để củng cố lại”. Không ai có thể nói chính xác những đơn vị này còn lại bao nhiêu lực lượng cũng như khả năng tác chiến của chúng, nhưng không còn nghi ngờ gì về địa điểm đóng quân của các đơn vị này, Strong báo cáo. Chắc chắn chúng đang đóng tại ngoại vi Arnhem.

Hết sức lo ngại cho chiến dịch Market Garden và, theo đúng lời ông nói, “phát hoảng trước nguy cơ thất bại”, Smith lập tức đến hội kiến tổng tư lệnh. Sư đoàn đổ bộ đường không Anh số 1, được trao nhiệm vụ đổ xuống Arnhem, “không thể chống lại được hai sư đoàn thiết giáp”, Smith nói với Eisenhower. Tất nhiên, vẫn còn một câu hỏi - một câu hỏi lớn - về sức mạnh của các đơn vị này, nhưng để đảm bảo chắc thắng Smith cho rằng Market Garden cần được tăng cường lực lượng. Ông tin tằng cần 2 sư đoàn đổ bộ cho khu vực Arnhem (một cách giả định, Smith đã chọn trong đầu làm lực lượng bổ sung sư đoàn đổ bộ số 6 kỳ cựu của Anh do thiếu tướng Richard Gale chỉ huy, đơn vị này đã được sử dụng thành công trong cuộc đổ quân lên Normandy, nhưng không được chọn tham dự Market Garden). Nếu không, Smith nói với Eisenhower, kế hoạch cần được xem xét lại. “Cảm tưởng của tôi,” sau này ông nói, “là nếu chúng ta không thể đổ bộ thêm lực lượng tương đương với một sư đoàn nữa xuống khu vực này, thì chúng ta cần di chuyển một trong các sư đoàn Mỹ tham gia tạo thành “tấm thảm” xa hơn lên phía bắc để tăng cường cho người Anh”.

Eisenhower cân nhắc khó khăn và các rủi ro. Dựa trên báo cáo tình báo này và gần như vào đêm trước của cuộc tấn công, ông đang bị thúc giục phải xem xét lại kế hoạch của Monty- kế hoạch chính Eisenhower đã phê chuẩn. Điều đó cũng có nghĩa là thách thức quyền chỉ huy của Montgomery và làm căng thẳng trở lại mối quan hệ chỉ huy vốn đã nhạy cảm. Là tổng tư lệnh, ông còn một khả năng lựa chọn nữa: cần đình chỉ Market Garden, nhưng cơ sở để ra một mệnh lệnh như vậy sẽ chỉ là mẩu tin tình báo này. Eisenhower hiển nhiên giả thiết rằng Montgomery là người biết rõ nhất sức mạnh kẻ thù trước mặt ông ta và viên thống chế sẽ hành động phù hợp với tình thế. Như Eisenhower nói với Smith, “Tôi không thể chỉ bảo Monty nên điều động lực lượng của ông ta như thế nào,” và ông cũng không thể “đình chỉ chiến dịch”, vì tôi đã bật đèn xanh cho Monty”. Nếu cần có thay đổi, Montgomery sẽ thực hiện chúng. Tuy vậy, Eisenhower dự định để Smith “bay tới sở chỉ huy cụm quân số 21 và trao đổi với Montgomery”.

Bedell Smith lập tức lên đường tới Brussels. Ông gặp một Montgomery đầy tự tin và phấn chấn. Smith trình bày sự quan ngại của ông về các đơn vị Panzer tại khu vực Arnhem và nhấn mạnh rằng kế hoạch cần được xem xét lại. Montgomery “cười mỉa vào ý kiến này. Monty cảm thấy rằng trở ngại lớn nhất sẽ do địa hình chứ không phải do quân Đức gây ra. Tất cả sẽ trôi chảy, ông ta lặp đi lặp lại, nếu chúng tôi tại SHAEF chịu giúp ông ta giải quyết khó khăn về hậu cần. Ông ta không hề e ngại lực lượng thiết giáp Đức. Ông cho rằng Market Garden sẽ thành công như đã hoạch định”. Cuộc gặp chẳng đem lại kết quả nào. “Ít nhất tôi cũng đã cố dừng ông ta lại,” Smith nói, “ nhưng tôi chẳng đi đến đâu cả. Montgomery chỉ đơn giản là đã dửng dưng gạt mọi sự phản đối của tôi sang bên”.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #53 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 11:49:26 am »

Ngay khi Montgomery và Smith còn đang tranh luận, những bằng chứng đáng lo ngại cũng tới sở chỉ huy quân đoàn đổ bộ đường không Anh số 1. Sáng sớm hôm đó, máy bay không thám của RAF từ Hague quay về đã thực hiện một phi vụ trinh sát ở độ cao thấp trên khu vực Arnhem. Lúc này, trong phòng làm việc của mình, thiếu tá tình báo Brian Urquhart nghiên cứu 5 tấm ảnh chụp với một chiếc kính lúp - những kiểu ảnh nằm ở cuối cuộn phim không thám. Hàng trăm tấm ảnh không thám đã được chụp trên khu vực sẽ diễn ra Market Garden và rửa ra trong vòng 72 giờ trước đó, nhưng chỉ 5 tấm ảnh này cho thấy điều Urquhart đã thầm lo từ lâu - bằng chứng không thể nhầm lẫn về sự có mặt của thiết giáp Đức. “Đó là cọng rơm làm gãy lưng lạc đà”, Urquhart sau này nhớ lại. “Trong những tấm ảnh đó, tôi có thể nhìn thấy rõ ràng những chiếc xe tăng - nếu không phải ngay tại các khu đổ quân ở Arnhem, thì chắc chắn cũng không xa chúng”.

Thiếu tá Urquhart chạy tới văn phòng của tướng Browning mang theo những bằng chứng này. Browning cho anh vào gặp lập tức. Đặt những tấm ảnh lên bàn trước mặt Browning, Urquhart nói, “Xin ngài hãy nhìn xem”. Viên tướng xem xét lần lượt từng tấm ảnh. Cho dù Urquhart không còn nhớ rõ từng từ, nhưng như anh có thể nhớ lại được, Browning đã nói, “Nếu tôi là cậu tôi sẽ chẳng bận tâm đến những thứ này”. Rồi, chỉ vào những chiếc xe tăng trong ảnh, ông nói tiếp, “Chúng chắc chắn là không thể tác chiến được”. Urquhart choáng váng. Anh tuyệt vọng chỉ vào những chiếc chiến xa, “có tác chiến được hay không, chúng vẫn là xe tăng và chúng có súng”. Nhớ lại, Urquhart có cảm tưởng rằng “có lẽ vì những thông tin mà tôi không được biết, tướng Browning đã không sẵn sàng chấp nhận cách tôi đánh giá những tấm ảnh. Cảm tưởng của tôi vẫn như vậy - rằng tất cả mọi người đều nóng lòng muốn nhập cuộc bằng mọi giá và chẳng cái gì ngăn họ lại được”.

Urquhart không biết rằng một số người trong ban tham mưu của Browning coi viên sĩ quan tình báo trẻ là quá bốc đồng. Màn trình diễn lớn chuẩn bị bắt đầu, và phần lớn các sĩ quan đều háo hức mong có được một vai trong đó. Sự e ngại của Urquhart làm họ khó chịu. Như một sĩ quan cao cấp đã nói ra lời, “Quan điểm của cậu ta rõ ràng bị ảnh hưởng bởi một đầu óc đã kiệt sức. Cậu ta có vẻ hơi quá kích động, hiển nhiên là do lao lực quá sức.”

Ít lâu sau cuộc gặp với Browning, bác sĩ của quân đoàn đã đến gặp Urquhart. “Người ta đã nói với tôi,” Urquhart nhớ lại, “rằng tôi kiệt sức –ai chẳng vậy?- và có lẽ tôi cần nghỉ ngơi và đi phép. Tôi đã bị gạt ra. Tôi đã trở thành cái gai khó chịu ở sở chỉ huy đến mức ngay trước ngày tấn công tôi đã bị loại ra ngoài. Tôi chẳng còn gì để nói. Cho dù tôi không tán thành kế hoạch và e ngại điều xấu nhất, đó vẫn là một trận đánh quan trọng, và thật khó hiểu, tôi không hề muốn bị bỏ lại đằng sau”.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #54 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 11:50:00 am »

Vào trưa thứ bảy 16/9, thông cáo của Đức được yết lên các bảng tin khắp Arnhem.

“Theo lệnh của lực lượng an ninh, nay thông báo:

Trong đêm vừa rồi một vụ tấn công bằng chất nổ đã xảy ra trên cầu đường sắt tại Schaapsdrift. Quần chúng được yêu cầu hãy hợp tác truy lùng thủ phạm của cuộc tấn công này. Nếu chúng không được tìm thấy trước 12 giờ trưa chủ nhật 17/9/1944, một số con tin sẽ bị xử bắn. Tôi kêu gọi sự hợp tác của mọi người để tránh gây ra nạn nhân không cần thiết.

Phụ trách an ninh, Liera”.

Trong một gian tầng hầm, các thành viên lãnh đạo lực lượng kháng chiến ngầm tại Arnhem đang họp khẩn. Việc phá hoại cây cầu đường sắt đã diễn ra không suôn sẻ. Henri Knap, phụ trách tình báo tại Arnhem, đã không thích thú gì về nhiệm vụ này ngay từ đầu. Anh nghĩ, “ngay cả đánh giá lạc quan nhất, tất cả chúng tôi đều là dân nghiệp dư khi nói đến phá hoại”. Theo quan điểm của anh, “tốt hơn nhiều nên tập trung vào thu thập tin tức tình báo cho lực lượng Đồng minh và để việc phá hoại cho những người biết họ cần làm gì”. Chỉ huy lực lượng kháng chiến ở Arnhem, Pieter Kruyff, 39 tuổi, hỏi ý kiến cả nhóm. Nicolaas Tjalling de Bode đề nghị rằng các thành viên nộp mình. Knap nhớ lại rằng lúc đó anh nghĩ “đó là một cái giá quá đắt - mạng sống của những con tin vô tội – cho một cái lỗ bé tẹo trên một cây cầu”. Gijsbert Jan Numan cũng thấy lương tâm cắn rứt. Anh này đã cùng Harry Montfroy, Albert Deuss, Toon van Daalen và những người khác thu xếp vật liệu làm bom và vạch kế hoạch phá hoại, và không ai muốn những người vô tội phải chịu tai hoạ. Thế nhưng cần làm gì đây? Kruyff nghe ý kiến của tất cả mọi người, sau đó đưa ra quyết định. “Tổ chức phải được bảo toàn nguyên vẹn cho dù sẽ có người vô tội bị xử bắn”, ông quyết định. Nhìn một lượt các thành viên lãnh đạo đang tập hợp xung quanh, như Nicolaas de Bode hồi tưởng lại, Kruyff đã nói với họ, “Không ai được nộp mình cho bọn Đức. Đây là lệnh của tôi”. Henri Knap cảm thấy thật nặng nề. Anh biết nếu bọn Đức thực hiện theo cách thông thường của chúng, mười hay mười hai công dân có ảnh hưởng – bác sĩ, luật sư, hay giáo viên - sẽ bị xử bắn công khai tại một quảng trưởng ở Arnhem vào trưa chủ nhật.

Ở khắp các cấp chỉ huy Đồng minh, sự đánh giá của tình báo về lực lượng panzer tại khu vực Arnhem thật đáng kinh ngạc. Bản báo cáo tình báo số 26 của SHAEF đề ngày 16/9, ngay trước hôm diễn ra Market Garden – bao gồm cả lời cảnh báo đã làm tướng Bedell Smith hốt hoảng đến thế - đã không được ai để ý đến. Trong bản báo cáo này có viết, “đã có thông báo cho biết sư đoàn panzer SS số 9, và dự đoán cả sư đoàn số 10, đã rút về khu vực Arnhem tại Hà Lan; tại đó, rất có thể chúng sẽ tiếp nhận xe tăng mới từ một kho dự trữ ở khu vực Cleves”.

Thông tin này, đã bị Montgomery bác bỏ trong cuộc gặp với Smith, lúc này cũng bị gạt đi tại bộ tham mưu của đạo quân Anh số 2 của tướng Dempsey, cũng chính nơi đầu tiên đã ghi nhận sự có mặt tại Hà Lan của “các đơn vị panzer đã tổn thất” vào hôm 10/9. Và những người nghiêm túc hơn cả, ban quân báo của Dempsey, vào ngày 14/9, mô tả lực lượng Đức trong khu vực tác chiến của Market garden là “yếu ớt, rệu rã và rất có khả năng sẽ sụp đổ hoàn toàn nếu phải đối đầu với một cuộc tập kích đổ bộ đường không quy mô lớn”. Lúc này, ngược hẳn với quan điểm ban đầu của mình, họ phủ nhận sự có mặt của lực lượng panzer, vì bộ tham mưu của Dempsey đã không phát hiện ra bất cứ dấu vết nào của thiết giáp đối phương từ các bức ảnh không thám.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #55 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 11:50:11 am »

Tại sở chỉ huy đạo quân đổ bộ đường không số 1, phụ trách tình báo của tướng Brereton, trung tá người Anh Anthony Tasker, cũng không được chuẩn bị để tiếp nhận bản báo cáo của SHAEF. Xem xét lại tất cả thông tin có trong tay, anh này cho rằng không có bằng chứng trực tiếp nào khẳng định tại khu vực Arnhem có gì “ngoài mật độ hoả lực phòng không dày đặc đã biết từ trước”.

Tất cả mọi người xem ra đều chấp nhận dự báo lạc quan từ sở chỉ huy của Montgomery. Như tham mưu trưởng quân đoàn đổ bộ đường không Anh số 1, thượng tá Gordon Walch, nhớ lại, “sở chỉ huy cụm quân 21 là nguồn tin tình báo chính của chúng tôi, và chúng tôi tin rằng những gì họ cung cấp đều chính xác”. Tướng Urquhart, tư lệnh sư đoàn đổ bộ đường không số 1 của Anh, lại nhìn nhận theo cách khác. “Không gì,” ông nói, “được phép làm vẩn đục bầu không khí lạc quan tràn ngập tại Anh”.

Thế nhưng, bên cạnh báo cáo của SHAEF về các đơn vị panzer “mất tích”, còn có những bằng chứng khác về sự tập trung lực lượng Đức, và lần này cũng lại được ghi lại cẩn thận. Tại mặt trận, phía trước lực lượng quân đoàn 30 của tướng Horrock, rõ ràng là ngày càng có nhiều đơn vị Đức đang di chuyển tới mặt trận. Lúc này, sai lầm chiến lược tại Ăntwerp 10 ngày trước đó đã bắt đầu gây hậu quả và đe doạ viễn tượng to lớn của chiến dịch Market Garden. Binh lính Đức đang tiếp viện cho chiến tuyến của tướng Student chẳng phải ai khác ngoài các đơn vị của những sư đoàn sứt mẻ đã chạy thoát qua cửa Schelde- những đơn vị tơi tả thuộc đạo quân số 15 của tướng Von Zangen, đạo quân mà Đồng minh đã loại khỏi bản đồ chiến sự. Và các sĩ quan tình báo đã cả quyết, cho dù quân Đức đã tăng lên về số lượng, song những đơn vị mới xuất hiện trên chiến tuyến được họ tin là “không ở trong trạng thái có thể chống trả được bất cứ cuộc tấn công quyết liệt nào”. Bất cứ người lính Anh nào ở dọc biên giới Bỉ - Hà Lan hẳn cũng có thể khẳng định điều khác hẳn.

Những con đường lát đá của thành phố mỏ bụi bặm Leopoldsburg ở phía bắc Bỉ, chỉ cách mặt trận chừng 10 dặm, chật ních xe jeep và xe trinh sát. Mọi con đường có vẻ đều dẫn về rạp chiếu phim trước ga xe lửa – và chưa bao giờ rạp này chứng kiến một đám đông đến như vậy. Sĩ quan thuộc quân đoàn 30 của trung tướng Horrock - lực lượng Garden sẽ đâm thẳng lên phía bắc qua Hà Lan để hội quân với lực lượng đổ bộ đường không - đứng chật phố và xúm đông xúm đỏ trước cửa vào rạp trong lúc đợi quân cảnh kiểm tra giấy tờ. Đó là một đám đông đầy màu sắc và hào hứng, và họ khiến thượng tá Hubert Essame, tư lệnh lữ đoàn 214, sư đoàn bộ binh số 43 Essex, về “một đạo quân đang tập hợp hay một cuộc diễu binh ở Salisbury Plain thời bình”. Ông này choáng ngợp trước trang phục muôn màu muôn vẻ của các sĩ quan. Có nhiều loại mũ đến ngạc nhiên. Không một ai đội mũ sắt, nhưng khắp nơi là mũ beret đủ màu gắn phù hiệu kiêu hãnh của những trung đoàn lừng danh, trong đó có các đơn vị Ireland, thủ pháo, Coldstream, Scotland, Wales, và kỵ binh cận vệ hoàng gia, không quân hoàng gia và pháo binh hoàng gia. Tẩt cả đều ăn mặc rất thoải mái tự do. Essame để ý thấy phần lớn các sĩ quan đều mặc áo nguỵ trang của lính bắn tỉa, áo khoác của lính nhảy dù và thay vì cavát là những chiếc khăn quàng sặc sỡ đủ màu.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #56 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 11:50:21 am »

Viên trung tá nổi tiếng J.O.E “Joe” Vandeleur, viên tư lệnh vạm vỡ, mặt rám nắng cao 6 bộ của đơn vị thiết giáp cận vệ Ireland, hiện thân cho vẻ hào hoa ngạo nghễ của đám sĩ quan cận vệ. Viên trung tá 41 tuổi mặc bộ đồ đi trận quen thuộc của mình: mũ beret đen, áo khoác lính dù nguỵ trang nhiều màu, quần vải thô và đôi ủng cao su ống cao. Thêm vào đó, như mọi khi, Vadeleur đeo một khẩu Colt 45 tự động bên hông và quấn trên cổ áo khoác là vật đã trở thành biểu tượng cho đám lính tăng của ông, một chiếc khăn quàng màu lục sáng chói. Viên tướng chỉn chu “Boy” Browning hẳn sẽ cau maỳ khi nhìn thấy bộ dạng của ông này. Ngay cả đến Horrock cũng đã một lần khô khan nói với Vandeleur. “Nếu bọn Đức tóm được cậu, Joe,” ông này nói, “chúng sẽ cho rằng chúng đã tóm phải một anh nông dân”. Nhưng vào ngày 16/9 này, ngay cả Horrock cũng không còn vẻ nghiêm chỉnh không chê vào đâu được của một sĩ quan Anh đúng điệu. Thay vì áo sơ mi ông mặc một chiếc áo phông của đấu thủ polo, và bên ngoài áo quân phục là một chiếc áo da không tay chẳng khác gì một bác nông dân Anh.

Trong khi Horrocks, một người rất được mến mộ, đi dọc khán phòng chật ních người xuống, tiếng hoan hô chào đón vang lên từ mọi phía. Cuộc họp đã làm mọi người phấn khích cao độ. Tất cả đều nóng lòng được xuất trận. Từ sông Seine đến Ăntwerp, xe tăng của Horrocks đã tiến được trung bình tới 50 dặm mỗi ngày, nhưng kể từ sau 3 ngày dừng lại tai hại sau ngày 4/9 để “củng cố, tiếp liệu và nghỉ ngơi”, việc tiến lên phía trước trở nên khó khăn hơn nhiều. Khi người Anh mất đà tiến công, kẻ thù đã hồi phục nhanh chóng. Trong hai tuần sau đó, tốc độ tiến công của quân Anh chậm như rùa. Sư đoàn thiết giáp cận vệ - do đơn vị cận vệ Ireland của Vandeleur dẫn đầu – đã phải mất 4 ngày để tiến 10 dặm và chiếm cây cầu chiến lược bắc qua kênh Meuse-Escaut gần Neerpelt, từ đó ngày hôm sau cuộc tấn công vào Hà Lan sẽ bắt đầu. Horrocks không có chút ảo tưởng nào về sự kháng cự của quân Đức, nhưng ông tin rằng đơn vị của mình có thể chọc thủng phòng tuyến địch.

Đúng 11 giờ trưa, Horrocks bước lên sân khấu. Tất cả những người có mặt đều biết cuộc tấn công của quân Anh sẽ được bắt đầu trở lại, nhưng việc bảo mật quanh kế hoạch của Montgomery nghiêm ngặt đến mức chỉ vài sĩ quan cấp tướng là biết các chi tiết kế hoạch. Lúc này, khi chỉ còn 24 giờ nữa là đến ngày N của chiến dịch Market Garden, các sĩ quan của viên thống chế lần đầu tiên được biết về cuộc tấn công.

Gắn vào màn chiếu phim là một tấm bản đồ Hà Lan khổng lồ. Băng dính màu được dán lên theo hướng bắc dọc một con đường xa lộ duy nhất, băng qua nhiều sông lớn và chạy qua các thành phố Valkenswaard, Eindhoven, Veghel, Uden, Nijmegen và Arnhem, trên một khoảng cách chừng 64 dặm. Từ đây, dải băng dán màu tiếp tục chừng 30 dặm nữa theo tỷ lệ bản đồ cho tới Zuider Zee. Horrocks lấy một cây gậy chỉ dài và bắt đầu phổ biến kế hoạch. “Đây là một câu chuyện các vị sẽ kể cho cháu các vị nghe,” ông nói với đám thính giả của mình. Rồi ông dừng lại và, chủ yếu để pha trò cho các sĩ quan đang có mặt, nói thêm: “Và chúng sẽ chán ngấy”.

Trong đám khán giả, trung tá Curtis D.Renfro, sĩ quan liên lạc của sư đoàn 101 và cũng là một trong số ít sĩ quan Mỹ có mặt, rất ấn tượng trước sự tự tin và hăng hái của tư lệnh quân đoàn. Ông này đã nói trong một giờ liền, Curtis nhớ lại, “và chỉ có một lần phải xem lại các ghi chép chuẩn bị trước”.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #57 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 11:50:33 am »

Từng bước một, Horrocks trình bày sự phức tạp của Market Garden. Ông nói, lực lượng đổ bộ sẽ xuất quân trước tiên. Mục tiêu của họ: chiếm lấy các cây cầu trước mặt quân đoàn 30. Horrocks sẽ phát lệnh bắt đầu tấn công. Tuỳ theo thời tiết, giờ khai hoả của lực lượng mặt đất dự kiến sẽ là 2 giờ chiều. Vào thời điểm đó, 350 khẩu pháo sẽ khai hoả và dựng lên một bức màn lửa kéo dài 35 phút. Sau đó, vào lúc 2 giờ 35, được yểm trợ bởi các phi đội máy bay phóng pháo Typhoon, xe tăng của quân đoàn 30 sẽ đột phá qua đầu cầu của mình và “chọc thẳng xuống theo con đường chính”. Sư đoàn thiết giáp cận vệ sẽ có vinh dự dẫn đầu đội hình tấn công. Theo sau họ là các sư đoàn 43 Wessex và sư đoàn 50 Northumberland, sau đó là lữ đoàn thiết giáp số 8 và lữ đoàn Hà Lan Công chúa Irene.

Sẽ là “không ngừng, không nghỉ”, Horrocks nhấn mạnh. Sư đoàn thiết giáp cận vệ cần “liên tục tiến như ma đuổi”trên suốt con đường tới Arnhem. Việc đột phá qua đầu cầu, Horrocks tin tưởng, sẽ thành công gần như lập tức. Ông dự kiến chiếc xe tăng đầu tiên của đơn vị cận vệ sẽ có mặt ở Eindhoven sau hai hay ba giờ. Nếu kẻ địch phản ứng đủ nhanh để phá cầu trước khi lực lượng đổ bộ kịp chiếm, thì lực lượng công binh của sư đoàn 43 Essex, đi sau lực lượng mũi nhọn, sẽ phải vượt lên với trang bị để bắc cầu phao. Hoạt động công binh quy mô lớn này, Horrocks diễn giải, sẽ cần huy động 9000 công binh và 2277 xe chuyên dụng đã được tập kết sẵn ở khu vực Leopoldsburg. Toàn bộ đội hình của quân đoàn 30 sẽ tiến theo đường xa lộ chính nối tiếp nhau, 35 xe trên một dặm thành hàng hai. Tất cả sẽ tiến theo một chiều, và Horrocks dự kiến “sẽ đưa toàn bộ 20000 xe theo con đường xa lộ tới Arnhem trong vòng 60 giờ”.

Tướng Allan Aldair, viên tư lệnh 46 tuổi của sư đoàn thiết giáp cận vệ lừng danh, trong lúc nghe Horrocks nói, nghĩ rằng Market Garden là một kế hoạch táo bạo, nhưng ông cũng tin rằng “rất có thể nó là một canh bạc liều lĩnh”. Ông cho rằng giây phút tệ hại nhất sẽ là thời điểm đột phá qua đầu cầu ở kênh Meuse Escaut. Một khi đã đột kích thành công, cho dù ông trông đợi sẽ gặp phải sự chống trả của quân Đức, nhưng ông nghĩ việc tiến công sẽ “không khó khăn”. Bên cạnh đó, ông hoàn toàn tin tưởng vào đơn vị sẽ dẫn đầu cuộc tấn công – đơn vị cận vệ Ireland của trung tá Joe Vandeleur.

Joe Vandeleur, khi nghe thấy rằng xe tăng của ông sẽ dẫn đầu cuộc đột kích, nhớ lại rằng đã thầm nghĩ, “Ôi, Christ! Đừng có lại chúng tôi nữa.” Vandeleur tự hào rằng đơn vị kỳ cựu của ông được chọn, nhưng ông cũng biết binh lính của ông đã kiệt sức và đơn vị của ông đã thiệt hại nhiều. Kể từ cuộc đột phá từ Normandy, ông chỉ nhận được rất ít bổ sung thay thế cả về người lẫn xe; hơn nữa, “họ cũng chẳng cho nhiều thời gian để chuẩn bị kế hoạch”. Nhưng sau đó ông nghĩ, liệu sẽ cần bao nhiêu thời gian để vạch kế hoạch cho một cú đột kích thẳng qua phòng tuyến Đức?

Ngồi cạnh ông là người em họ, trung tá Giles Vandeleur 33 tuổi, chỉ huy tiểu đoàn 2 dưới quyền Joe, anh này “kinh hoàng trước kế hoạch định chọc thủng phòng tuyến Đức với đội hình xe tăng đi thành một hàng.” Với anh ta, đây không phải là một hình thức tác chiến thiết giáp phù hợp. Nhưng anh này nhớ lại “đã nuốt chửng mọi sửj nghi ngờ e ngại và bị cuốn vào một cơn phấn khích lạ lùng, như thể được sắp hạt giống trước một cuộc đua ngựa vậy”.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #58 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 11:50:49 am »

Với 3 người có mặt trong rạp, kế hoạch được phổ biến đã gây ra những cảm xúc cá nhân sâu sắc. Các sĩ quan chỉ huy lữ đoàn Hà Lan Công chúa Irene đã dẫn đầu binh lính của mình vào trận trong suốt con đường dài từ Normandy. Lúc đầu họ đã chiến đấu bên cạnh những người Canada; rồi sau khi Brussels được giải phóng, họ được phối thuộc sang đạo quân Anh số 2. Lúc này họ sắp được trở về nhà. Cho dù rất trông chờ ngày giải phóng Hà Lan, viên tư lệnh lữ đoàn, đại tá Albert “Steve” de Ruyter van Steveninck; tư lệnh phó của ông, trung tá Charles Pahud de Mortanges; và tham mưu trưởng lữ đoàn, thiếu tá Jonkheer Jan Beelaerts van Blokland, đều cảm thấy rất bất an về cách thức cuộc giải phóng ấy được dự kiến thực hiện.

Steveninck coi toàn bộ kế hoạch quá mạo hiểm. Mortanges có cảm tưởng rằng người Anh quá xa rời thực tế so với những bằng chứng trên chiến trường. Như ông nói, “Tất cả đều được trình bày cho có vẻ rất đơn giản. Đầu tiên, chúng ta chiếm lấy chiếc cầu này; sau đó tới chiếc cầu thứ hai và vượt qua con sông này... Địa hình phía trước mặt với những con sông, đầm lầy, kè đập và đất thấp, là rất phức tạp – như người Anh hẳn đã phải hiểu rõ từ rất nhiều báo cáo của chúng tôi”. Viên tham mưu trưởng 33 tuổi, Beelaerts van Blokland, không khỏi liên tưởng tới lịch sử quân sự trong quá khứ. “Chúng ta có vẻ đang vi phạm phương châm của Napoleon nói rằng không bao giờ được tấn công trừ khi bạn nắm chắc ít nhất 75% cơ hội chiến thắng. Khi đó, 25% còn lại có thể để mặc cho may rủi. Những người Anh xem ra đang làm ngược lại; chúng ta để lại tới 75% cho may rủi. Chúng ta chỉ có 48 giờ để tiến tới Arnhem, và nếu chỉ một chi tiết nhỏ diễn ra ngoài dự kiến - một cây cầu bị phá sập, kháng cự của quân Đức mạnh hơn dự kiến – chúng ta sẽ bị lỡ thời gian biểu”. Blokland còn một lo lắng riêng tư nữa. Cha mẹ anh đang sống tại làng Oosterbeek, chỉ cách cây cầu Arnhem có hai dặm rưỡi.

Một trong số ít sĩ quan dưới cấp thiếu tá được tham gia buổi phổ biến kế hoạch là viên trung úy 21 tuổi John Gorman thuộc lực lượng cận vệ Ireland. Anh này cảm thấy phấn khích trước toàn bộ kế hoạch và nghĩ Horrocks lúc đó “đang trong lúc phong độ nhất”. Tư lệnh quân đoàn, như Gorman hồi tưởng lại, “đã trổ hết khiếu hài hước và trí óc của mình, giải thích những điểm quan trọng thiết yếu nhất với vẻ hài hước nhưng không hề lạc đề. Ông ấy quả là một nghệ sĩ trình diễn”. Gorman đặc biệt thú vị với kế hoạch Garden vì “lực lượng cận vệ sẽ dẫn đầu và hiển nhiên vai trò của họ sẽ rất quyết định”.

Khi cuộc họp kết thúc và các sĩ quan chỉ huy quay về phổ biến lại kế hoạch cho đơn vị mình, anh chàng Gorman trẻ tuổi cảm thấy” những nghi ngờ đầu tiên về cơ hội thành công”. Dừng lại trước tấm bản đồ, anh nhớ rằng đã thầm nghĩ rằng Market Garden là “ một kế hoạch khả thi- nhưng cũng chỉ khả thi thôi’. Chỉ đơn giản là “có quá nhiều cầu”. Ngay cả địa hình cũng không làm anh thích thú gì. Anh thầm nghĩ đó là một địa hình tồi tệ cho thiết giáp và tiến công “ với đội hình hàng một, chúng tôi sẽ rất yếu thế”. Nhưng lời hứa có máy bay phóng pháo Typhoon yểm trợ quả là rất an tâm. Cũng như thế là một lời hứa khác. Gorman nhớ lại một tháng trước đó, khi anh ta nhận được chữ thập quân sự vì lòng dũng cảm từ chính Montgomery. Khi trao huy chương, Monty đã nói, “Nếu tôi là một người chơi cá cược, tôi sẽ cá ăn chắc rằng chiến tranh sẽ kết thúc trước lễ giáng sinh”. Khả năng khác ngoài việc tiến lên phía bắc với Gorman chỉ có thể là “ một mùa đông dài khắc nghiệt cắm trại bên cạnh hay gần kênh Escaut”. Kế hoạch của Monty, anh tin tưởng, “có đủ độ thần tốc và táo bạo để thành công. Nếu có cơ hội kết thúc chiến tranh trước Giáng sinh, thì tôi sẽ ủng hộ việc tiến lên.”
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #59 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 11:51:00 am »

Giờ đây, tại vùng đồng quê bằng phẳng của nước Bỉ với những mỏ than, những người sẽ dẫn đầu đạo quân Anh số 2 của tướng Dempsey được biết tới kế hoạch và được hứa hẹn về Arnhem. Dọc hai bên đường, tại các khu tập kết và trại, binh lính được tập hợp lại quanh sĩ quan chỉ huy của mình để nghe phổ biến phần nhiệm vụ của họ trong chiến dịch Market Garden. Khi trung tá Giles Vandeleur nói với các sĩ quan thuộc quyền rằng đơn vị Ireland sẽ dẫn đầu đội hình, viên thiếu tá 29 tuổi Edward G.Tyler nhớ lại một “tràng than thở” vang lên từ đám sĩ quan đang tập hợp. “Chúng tôi đã tính,” anh nhớ lại, “rằng chúng tôi xứng đáng được nghỉ ngơi một chút sau khi đánh chiếm cây cầu qua kênh Escaut, mà chúng tôi đặt tên là “cầu của Joe” theo tên của Joe Vandeleur. Nhưng chỉ huy đã nói rằng việc chúng tôi được chọn là một vinh dự lớn”. Bất chấp mong muốn được nghỉ ngơi, Tyler cũng nghĩ như vậy. “Chúng tôi đã quen với đội hình thiết giáp hàng một”, anh hồi tưởng, “và trong trường hợp như vậy chúng tôi đặt niềm tin vào tốc độ và sự yểm trợ. Không ai có vẻ lo lắng.”

Nhưng trung uý Barry Quinan, mới sang tuổi 21, “cảm thấy đầy bất an”. Đây là lần đầu anh này xuất trận với đơn vị thiết giáp mũi nhọn của đơn vị cận vệ dưới quyền đại uý Mick O’Cock. Lính bộ binh của Quinan sẽ phải ngồi trên nóc xe tăng để hành quân theo kiểu Nga. Với anh ta, “số lượng sông phía trước có vẻ quá nhiều. Chúng tôi không phải là lính thuỷ. “Tuy thế Quinan cảm thấy tự hào rằng người của mình sẽ “dẫn đầu toàn đạo quân Anh số 2”.

Trung uý Rupert Mahaffey, cũng 21 tuổi, nhớ lại rõ ràng đã được bảo rằng “nếu chiến dịch thành công phụ nữ và trẻ nhỏ ở nhà sẽ được giải thoát khỏi mối đe doạ của tên lửa V2 của Đức”. Mẹ của Mahaffey đang sống ở London, lúc đó đang bị oanh tạc dữ dội. Cho dù anh cảm thấy phấn khích trước viễn cảnh của cuộc tấn công, con đường độc đạo dẫn tới Arnhem, anh nghĩ,” sẽ là một con đường rất dài và gian khổ”.

Đại uý Roland S.Langton, 23 tuổi, mới quay về đơn vị sau 5 ngày nằm ở một bệnh viện dã chiến do trúng một mảnh trái phá, được biết anh không còn là trợ lý cho tiểu đoàn 2 cận vệ Ireland. Thay vào đó, anh được chỉ định làm chỉ huy phó cho đơn vị đột kích mũi nhọn của đại uý Mick O’Cock. Anh này rất phấn khởi về sự bổ nhiệm. Cuộc đột kích xem ra sẽ dễ dàng theo Langton. Garden chỉ có thể là một thành công. “Với mọi người hiển nhiên là bọn Đức đã tan rã và run sợ, thiếu phối hợp gắn bó và chỉ có khả năng chiến đấu thành những nhóm nhỏ.” Nhưng không phải ai cũng tự tin như vậy. Khi trung uý A.G.C.”Tony” Jones, 21 tuổi, thuộc công binh hoàng gia, nghe kế hoạch, anh này nghĩ chiến dịch “ hiển nhiên sẽ rất khó khăn”. Những cây cầu là chìa khoá cho toàn chiến dịch và, như một sĩ quan nhận xét, “việc tiến quân của quân đoàn 30 sẽ chẳng khác gì xâu một sợi bông qua 7 chiếc kim và chỉ cần xỏ trượt một lỗ kim là chúng ta sẽ gặp rắc rối to”. Với người lính cận vệ kỳ cựu Tim Smith, 24 tuổi, cuộc tấn công “chỉ đơn giản là một trận đánh nữa”. Vào lúc đó lo lắng lớn nhất của anh ta là cuộc đua ngựa nổi tiếng St Leger tại Newmarket. Anh này tin rằng con ngựa có tên Tehran, do jockey nổi tiếng Gordon Richards cưỡi, là “một cú chắc ăn”. Anh này đặt tất cả tiền túi của mình cho Tehran với một viên hạ sĩ tại sở chỉ huy tiểu đoàn. Nếu Market Garden là chiến dịch sẽ giúp thắng cuộc chiến, thì đây đúng là ngày để thắng cuộc tại St Leger. Và thật ngạc nhiên, Tehran thắng. Lúc này thì anh đã tin chắc rằng Market Garden sẽ thành công.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM