Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 04:15:38 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một cây cầu quá xa  (Đọc 131780 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #100 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 08:13:58 pm »

Xe tăng mà thượng sĩ James Doggart ngồi trên bị trúng đạn. "Tôi không nhớ đã nhìn thấy gì hoặc nghe thấy tiếng nổ," anh kể lại. "Tôi đột nghiên bị ngã ngửa nằm bẹp người dưới đáy một khe rãnh, chiếc tăng đổ nghiêng ngay phía trên. Một khẩu Bren nằm gác đè lên ngực tôi, bên cạnh tôi là một cậu trẻ tuổi, tay gần như nát bét. Gần đó, bốn người nữa của chúng tôi đã chết. Chiếc xe tăng bốc cháy và tôi không nhìn thấy ai trong tổ lái thoát ra ngoài".

Trung úy Barry Quinan, trên chiếc xe tăng đi sau cùng của phân đội dẫn đầu, nhớ rằng chiếc Sherman của anh quẹo sang trái tụt xuống một khe hào, và Quinan nghĩ rằng người lái xe đang cố vòng qua những chiếc tăng bị bắn cháy phía trước. Nhưng chiếc xe đã bị trúng một quả trái phá, lái chính và lái phụ hy sinh. Chiếc Sherman bắt đầu bốc cháy và pháo thủ của Quinan," cố gắng trườn qua nóc xe, đã lôi được nửa người tôi ra khỏi tháp pháo trước khi tôi nhận ra chúng tôi đã "dính đòn"". Trong lúc hai người leo ra khỏi xe, Quinan trông thấy những người khác chui ra theo. Hết chiếc này tới chiếc khác, các xe tăng lần lượt trúng đạn. "Tôi nhìn thấy một trưởng xe đưa hai tay lên cố che mặt khỏi ngọn lửa đang bùng lên trùm kín xe".

Mũi đột kích đã bị chặn đứng từ khi chưa thực sự kịp bắt đầu và 9 chiếc tăng bị bắn hỏng chặn đứng đường hành quân. Các phân đội tiếp theo không thể tiến lên được. Cho dù họ có vượt qua được các chướng ngại vật đang cháy đùng đùng đó, các pháo thủ Đức sẽ lại bắn hạ họ. Để cuộc đột kích tiếp tục, Vandeleur gọi các máy bay phóng pháo Typhoon và, được trợ giúp nhờ những quả pháo hiệu đỏ từ xe tăng bắn đi đánh dấu các vị trí nghi ngờ có quân Đức, những chiếc máy bay gầm rít lao xuống. "Đó là lần đầu tiên tôi được nhìn những chiếc Typhoon xung trận," Vandeleur nhớ lại, " và tôi thật sự thán phục sự gan dạ của đám phi công. Họ lao tới thành hàng một, chiếc nọ nối đuôi chiếc kia, lao qua màn pháo kích của chính quân ta. Một chiếc nổ tung ngay trên đầu tôi. Thật không thể tin nổi... tiếng đại bác bắn, tiếng động cơ máy bay, tiếng hét và chửi rủa của binh lính. Trong lúc đó, sư đoàn hỏi tôi trận đánh đang diễn ra thế nào. Chỉ huy phó của tôi chỉ giơ tai nghe lên cao rồi nói, "Nghe đi"."

Trong lúc các máy bay bổ nhào xuống mục tiêu, Vandeleur cử một chiếc xe ủi bọc thép tiến lên đẩy các xe tăng cháy ra khỏi đường. Những âm thanh của trận đánh lúc này rền vang trên hàng dặm đường xa lộ, vọng tới tận xe của Vandeleur và chiếc xe của đội liên lạc RAF có nhiệm vụ gọi máy bay chi viện. Trung úy Donald Love, viên phi công trinh sát phối thuộc cho đơn vị thông tin này, lúc này hòan toàn ân hận là đã xung phong tình nguyện. Trong lúc biên đội trưởng Max Sutherland hướng dẫn những chiếc Typhoon, Love chui ra xem chuyện gì đang xảy ra. Những cuộn khói đen bốc lên ngùn ngụt phía trước, và một khẩu pháo chống tăng tự hành ngay phía trước chiếc xe thông tin đang bốc cháy. Trong lúc Love quan sát, một chiếc xe bọc thép gắn súng máy Bren chạy ngược trở lại mang theo thương binh. Một người bị chém đứt mất vai, toàn bộ quần áo của anh ta cháy rụi. "Tôi tin chắc chúng tôi đã bị bao vây," Love kể, "tôi kinh hoàng tự hỏi mình tại sao tôi không ở lại bên không quân, chỗ của tôi".

Những người lính tăng thuộc những phân đội đang bị kẹt lại phải chờ phía sau, như đại úy Roland Langton mô tả, có một cảm giác "bất lực lạ lùng; Chúng tôi chẳng thể tiến lên hay lùi lại được". Langton quan sát bộ binh tiến lên quét sạch quân địch khỏi khu rừng hai bên đường phía trước, đi đầu là hai xe bọc thép gắn súng máy Bren. Langton nghĩ những người lính đó có thể là một bộ phận tiền đội của sư đoàn bộ binh 43."Bất thình lình tôi thấy cả hai chiếc xe bật tung lên không trung," Langton nhớ lại. "Chúng đã cán phải mìn của địch". Khi khói đã tan, Langton nhìn thấy "các thi thể vắt trên cây. Tôi không biết là bao nhiêu, không thể nào đếm được. Cành cây nào cũng có những mảnh thi thể vắt qua".
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #101 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 08:14:05 pm »

Với những chiếc Typhoon bay phía trước chỉ vài yard, bộ binh Anh lầm lì đánh bật quân Đức ra khỏi vị trí phục kích. Thượng sĩ Doggart đã thoát ra khỏi cái rãnh nơi anh rơi xuống khi xe tăng trúng đạn. Anh chạy dọc bên đường và nhảy xuống một công sự đã bỏ trống của quân địch." Đúng lúc ấy, hai tên Đức - một gã thanh niên không có cả áo quân phục, gã kia là một tay khốn kiếp mặt mũi bặm trợn chừng 30 tuổi - nhảy vào công sự ngay sau tôi từ phía đối diện", Doggart kể lại. Không chần chừ, Doggart đạp thẳng vào mặt gã lớn tuổi hơn. Gã thanh niên lập tức đầu hàng. Chĩa súng vào chúng, Doggart giải chúng ngược trở lại dọc theo đường " cùng một đoàn lính Đức, tất cả cắm cổ chạy, hai tay đặt sau gáy. Tay nào lề mề là bị ngay một đạp vào lưng".

Từ trong rừng, từ các chiến hào, quanh các đồng cỏ và dọc con đường lúc này đã được dọn quang, vang lên những tràng tiểu liên Sten khi bộ binh tiến lên. Những người lính cận vệ không nương tay với quân địch, đặc biệt là đám bắn tỉa. Nhiều người còn nhớ tù binh bị bắt đi thành hàng đôi dọc theo đường, khi đi chậm sẽ bị thúc bằng lưỡi lê. Một tù binh trong đoàn người mỗi lúc một đông thêm đó cố bỏ chạy, nhưng gần đó có chừng hơn một đại đội bộ binh và một số người nhớ lại - theo như lời của một người - "gã nọ đã toi mạng ngay khoảnh khắc ý nghĩ đó chui vào đầu hắn".

Joe Vandeleur quan sát tù binh bị giải qua trước chiếc xe trinh sát của ông. Khi một tên Đức đi qua trước mặt, Vandeleur thấy hắn có một cử động bất ngờ. "Tên khốn đó đã moi một quả lựu đạn hắn dấu ra và ném vào một chiếc xe bọc thép. Quả lựu đạn nổ tung và một thượng sĩ dưới quyền tôi nằm trên đường, một chân bay mất. Tên Đức lập tức bị súng máy từ bốn phía xối tới bắn gục."

Tại vị trí chỉ huy của mình, tướng Horrock nhận được báo cáo rằng đường tiến quân đã được quét sạch và bộ binh, mặc dù bị tổn thất nặng, đã đánh bật quân Đức ở hai bên đường. Như ông thuật lại sau đó, "Đám Ireland đã phát chán bị ngắm bắn, và như thường xảy ra với những chiến binh lão luyện, họ đã phát bẳn".

Có lẽ không ai nổi điên hơn đại úy Eamon Fitzerald, sĩ quan quân báo của tiểu đòan 2, người lúc đó đang hỏi cung kíp pháo thủ của một khẩu pháo chống tăng. Theo trung tá Giles Vandeleur, "Fitzerald có kiểu khai thác thông tin khá thú vị. Vốn là một người khổng lồ, anh ta nói thạo tiếng Đức, nhưng giọng thì kinh khủng. Thói quen của anh ta là rút súng ngắn ra, chĩa thẳng vào bụng tên Đức và, ngồi gần sát vào hắn, quát thẳng câu hỏi vào mặt tù binh." Kết quả, Vandeleur luôn nghĩ, "là tuyệt vời. Chỉ vài phút sau khi hỏi cung kíp pháo thủ này, xe tăng của chúng tôi đã hạ được các vị trí súng chống tăng được ngụy trang của Đức với độ chính xác khó tin và con đường đã đủ quang đãng để chúng tôi tiếp tục tiến lên".
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #102 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 08:14:16 pm »

Nhiều lính cận vệ Ireland tin rằng chính thượng sĩ Bertie Cowan đã xoay chuyển tình thế trận đánh. Chỉ huy một chiếc Sherman, Cowan đã định vị được một khẩu pháo chống tăng Đức và hạ nó bằng một phát đạn duy nhất. Trong trận đánh, thiếu tá Edward G.Tyler, chỉ huy phân đội, rất ngạc nhiên thấy một tên Đức đứng trên xe của Cowan chỉ hướng bắn. Anh ta thấy chiếc tăng vượt qua đường và nổ súng; sau đó, bị cuốn vào trận đánh, viên thiếu tá cũng quên luôn chi tiết này. Sau đó, Tyler được biết Cowan đã hạ được ba khẩu đội Đức. "Khi có được chút thời gian, tôi liền tới chúc mừng cậu ta," Tyler thuật lại. "Cowan cho tôi hay rằng gã Jerry trên xe của cậu ta là khẩu đội trưởng của khẩu đội đầu tiên bị cậu ta hạ và tên này đã đầu hàng". Hắn sau đó được đại úy Fitzgerald hỏi cung rồi quay trở lại chỗ Cowan, nơi hắn tỏ ra "rất hợp tác".

Đơn vị cận vệ Ireland lại tiếp tục tiến lên, nhưng giao chiến tiếp tục diễn ra không ngừng. Lớp vỏ của quân Đức rõ ràng là rắn hơn nhiều so với ước đoán. Trong số tù binh có cả lính thuộc các tiểu đoàn dù nổi tiếng và - trước sự ngạc nhiên hoàn toàn của người Anh - các cựu binh thuộc các sư đoàn Panzer SS số 9 và 10: đây là những đơn vị tướng Wilhem Bittrich đã gửi tới tăng cường cho đạo quân dù thứ 1 của Student. Và để làm cho sự kinh ngạc hoàn tất, một số tù binh hóa ra lại thuộc đạo quân số 15 của tướng Von Zangen. Như ghi trong nhật ký chiến đấu của đơn vị cận vệ Ireland," quân báo của chúng ta có một ngày đầy những ngạc nhiên đáng bực mình: hết trung đoàn này đến trung đoàn khác của quân Đức xuất hiện ở nơi mà đáng lẽ ra chúng không có mặt mới phải".

Tướng Horrock đã trông đợi đơn vị thiết giáp mũi nhọn của ông có thể vượt qua quãng đường 13 dặm tới Eindhoven trong vòng"hai hay ba giờ". Thời gian quý báu đã bị mất, và lính cận vệ Ireland mới chỉ tiến được 7 dặm, tới Valkenswaard vào lúc sẩm tối. Market Garden đã trễ rất nhiều so với thời gian biểu.

Nhằm có được khả năng cơ động tối đa, các tàu lượn của tướng Maxwell D.Taylor chỉ mang theo chủ yếu xe jeep - không có một khẩu pháo nào. Việc người Anh không tới được Eindhoven đúng kế hoạch là một tai họa. Taylor đã hy vọng vào sự yểm trợ của pháo tăng dọc dải hành lang 15 dặm mà những chú Chim ưng gầm thét phải chiếm giữ. Các sĩ quan liên lạc Hà Lan của Taylor đã phát hiện ra tình hình thực tế - sư đòan 101 sẽ phải chiến đấu độc lập lâu hơn so với dự kiến - gần như lập tức. Được lực lượng kháng chiến trợ giúp, họ chỉ cần đơn giản dùng điện thoại để tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra với người Anh.

Lính dù của Taylor đã chiếm được Veghel, mục tiêu nằm xa nhất về phía bắc trong đoạn hành lang của họ, một cách chớp nhoáng cùng với 4 điểm vượt sông - cầu đường sắt và đường bộ qua sông Aa và kênh đào Willems. Hiển nhiên là có giao chiến ác liệt; nhưng dù sao 4 mục tiêu đã được chiếm lĩnh trong vòng 2 giờ. Xa hơn về phía nam, nằm nửa đường từ Veghel tới Son, thị trấn St Oedenrode và cây cầu trên xa lộ qua sông Dommel đã được khống chế một cách khá dễ dàng. Theo nhật ký điện thoại chính thức của Hà Lan, Johanna Lathouwers, một điện thoại viên lâu năm đã quá quen với những cuộc gọi quốc tế, nghe thấy "một giọng Mỹ không lẫn vào đâu được gọi tới từ đường dây Oed 1 (St Oedenrode) lúc 14 giờ 25, yêu cầu nối máy với Valkenswaard, một cuộc gọi kéo dài 40 phút."
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #103 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 08:14:23 pm »

Người Mỹ nhanh chóng nhận ra rằng mũi nhọn của lực lượng Garden thậm chí còn chưa tới được Valkenswaard. Giờ đây thì xem ra xe tăng của Horrock, đã bị chậm trễ, khó lòng tới được Eindhoven nẳm tại đầu phía nam của dải hành lang trước khi trời tối; và như thế sẽ không thể kịp giúp người Mỹ đánh chiếm và kiểm soát các mục tiêu nằm rải trên một khu vực rộng của họ. Binh lính sư đoàn 101 cho tới lúc đó đã thành công ngoạn mục. Giờ đây họ bắt đầu gặp khó khăn.

Mục tiêu khẩn yếu nhất Taylor phải chiếm là cây cầu trên xa lộ qua kênh đào Wilhelmina tại Son, cách Eindhoven 5 dặm về phía bắc. Theo kế hoạch dự phòng cho trường hợp trục giao thông chính này bị phá hủy, Taylor đã quyết định chiếm một cây cầu qua kênh tại Best, nằm cách cây cầu chính 4 dặm về phía tây. Vì cây cầu này chỉ được coi là thứ yếu, chỉ có một đại đội của trung đoàn 502 được cử tới Best, và người ta cũng ước đoán rằng tại đó chỉ có một lực lượng nhỏ quân Đức. Tình báo của Taylor đã không biết rằng sở chỉ huy của tướng Student chỉ cách các khu đổ quân của sư đoàn 101 có 10 dặm về phía tây bắc và sở chỉ huy của đạo quân số 15 của von Zangen vừa tới nơi cũng đóng gần Tilburg. Trong số những lực lượng này có sư đoàn bộ binh 59 đã tổn thất của thiếu tướng Walter Pope cùng một lực lượng pháo binh đáng kể.

Gần như vừa tiếp cận cầu, đại đội H đã gọi radio báo cáo họ đã vấp phải chốt kiểm soát của địch và gặp kháng cự mạnh. Báo cáo này khởi đầu cho một trận đánh đẫm máu sẽ còn kéo dài suốt đêm và trong cả hai ngày sau đó. Cuộc giao chiến lúc đầu chỉ có một đại đội tham gia cuối cùng đã hút vào gần như cả một trung đoàn. Nhưng ngay từ lúc đó những người lính can trường của đại đội H, cho dù chịu tổn thất nặng nề, đã giáng trả lại xứng đáng đòn phản kích mạnh bất ngờ này của quân Đức.

Trong khi đại đội H đang tiến về phía cây cầu tại Best, trung đoàn 506 của đại tá Robert F.Sink cũng tiếp cận cây cầu đường bộ chính tại Son. Họ hầu như không gặp sự chống cự nào cho tới khi tới rìa làng phía bắc. Lúc đó họ bị một khẩu 88 mm của Đức bắn vào. Trong vòng chưa đầy 10 phút, đơn vị đi đầu diệt gọn khẩu đội này bằng bazooka. Chiến đấu dọc các con phố, người Mỹ chỉ còn cách con kênh chưa đầy 50 yard thì cây cầu nổ tung, mảnh vụn rơi xuống như mưa quanh những người lính dù. Với đại tá Sink, người đã chiếm được Eindhoven và những điểm vượt sông tại đó lúc 8 giờ tối, việc cây cầu bị phá hủy quả là một cú đau. Nhanh chóng phản ứng và ngay dưới làn đạn kẻ thù, 3 người - thiếu tá James LaPrade, thiếu úy Millford F.Weller và thượng sĩ John Dunning - nhảy xuống kênh bơi sang bờ bên kia. Những người còn lại của tiểu đoàn theo gương họ hoặc vượt kênh bằng xuồng. Tới bờ nam, họ dập tắt sự chống cự của quân Đức và thiết lập đầu cầu.

Trụ giữa chiếc cầu vẫn còn nguyên vẹn, và công binh sư đoàn 101 lập tức lắp đặt một cây cầu tạm. Sự trợ giúp lại đến từ một nguồn không ngờ tới.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #104 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 08:14:31 pm »

Người dân Hà Lan cho biết có một lượng gỗ chợ đen lớn được chứa trong một nhà kho ngay gần đó. Trong vòng 1 giờ rưỡi lực lượng công binh đã sử dụng trụ cầu còn lại và gỗ để hoàn thành một cây cầu tạm. Như đại tá Sink nhớ lại, "Cái cầu này đúng là đáng chán về mọi mặt, trừ một điểm là nó giúp tôi đưa được phần còn lại của trung đoàn qua sông theo hàng một". Cho tới khi thiết bị bắc cầu được chuyển tới, hành lang của Market Garden tại Son chỉ còn là một cây cầu ván gỗ đủ một người đi.

Thống chế Model vẫn còn sốc khi ông ta tới sở chỉ huy của Bittrich tại Doetinchem. Bình thường đoạn đường này viên thống chế đi chỉ hết nửa giờ, nhưng hôm nay, vì ông ta phải dừng lại dọc đường nhiều lần để báo động các chỉ huy đồn trú về cuộc đổ bộ đường không, cuộc hành trình đã kéo dài hơn một giờ. Cho dù bên ngoài thống chế có vẻ bình tĩnh, Bittrich nhớ lại "câu đầu tiên ông nói với tôi là, "Suýt nữa thì chúng bắt được tôi! Chúng tới tập kích sở chỉ huy. Thử tưởng tượng xem! Súyt nữa thì chúng bắt được tôi!"

Bittrich lập tức báo cáo cho Model tin tức mới nhất mà sở chỉ huy quân đoàn Panzer SS số 2 có được. Vẫn chưa thể hình dung ra rõ ràng ý định của Đồng Minh, nhưng Bittrich nói với Model giả thiết của mình: cuộc tấn công nhằm kìm chân đạo quân số 15 trong khi đạo quân Anh số 2 tấn công vào Ruhr. Điều này sẽ buộc Đồng Minh phải chiếm các cầu tại Nijmegen và Arnhem. Model bác bỏ hoàn toàn ý kiến này. Cây cầu tại Arnhem không phải là mục tiêu, ông ta nói. Những đơn vị đổ bộ này sẽ tản ra và tiến theo hướng đông bắc tới Ruhr. Model tin rằng tình hình vẫn còn quá lờ mờ để có thể đưa ra kết luận cuối cùng. Ông ta thực sự bối rối về việc lực lượng đổ bộ đã xuất hiện ở khu vực Nijmegen. Tuy vậy, ông tán đồng các biện pháp Bittrich đã thực hiện.

Bittrich vẫn nhấn mạnh vấn đề những chiếc cầu. "Thưa thống chế, tôi khẩn thiết yêu cầu phá hủy lập tức các cầu tại Nijmegen và Arnhem," ông nói. Model nhìn ông ngạc nhiên. "Không được phá hủy chúng," ông ta kiên quyết lệnh cho Bittrich. "Cho dù người Anh có kế hoạch gì, những cây cầu này có thể giữ được. Không. Dứt khóat không. Không được phá những cây cầu này". Sau đó, gạt chủ đề trên sang một bên, Model nói, "Tôi đang tìm nơi thiết lập sở chỉ huy mới, Bittrich". Trước khi Bittrich kịp trả lời, Model lại trầm ngâm nói, "Anh biết đấy, suýt nữa chúng đã bắt được tôi".
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #105 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 08:14:57 pm »

Tại sở chỉ huy của mình ở Vught, tướng Kurt Student phải đối mặt với một vấn đề đau đầu: đạo quân nhảy dù số 1 của ông đã bị cuộc tấn công đổ bộ đường không cắt làm đôi. Không còn liên lạc điện thoại và phải dựa hoàn toàn vào radio, ông ta không thể chỉ huy được đạo quân bị chia cắt của mình nữa. Lúc này các đơn vị mạnh ai nấy đánh không hề có sự hiệp đồng chỉ huy thống nhất. Thế rồi, một món quà đúng lúc và bất ngờ của vận may, một chiếc vali còn nguyên vẹn tìm thấy trong chiếc tàu lượn Waco rơi gần sở chỉ huy của ông được trình lên viên tướng.

"Thật không thể tin được," Student kể. "Trong vali là toàn bộ mệnh lệnh tác chiến cho chiến dịch của kẻ địch". Student và ban tham mưu bị hút vào những tấm bản đồ thu được. "Chúng chỉ cho chúng tôi thấy tất cả - các khu đổ quân, hành lang chiến dịch, các mục tiêu, thậm chí cả tên của các sư đoàn tham gia. Tất cả! Lập tức chúng tôi hiểu ra chiến lược của họ. Họ định chiếm các cây cầu trước khi chúng ta kịp phá hủy. Tất cả những gì tôi có thể nghĩ là, "Đây là sự lặp lại! Sự lặp lại! Lịch sử đang lặp lại!" Trong chiến dịch đổ bộ của chúng tôi tại Hà Lan năm 1940, một trong các sĩ quan của tôi, bất chấp lệnh cấm nghiêm ngặt, đã mang ra mặt trận
các tài liệu mô tả chi tiết toàn bộ cuộc tấn công của chúng tôi, và những tài liệu này đã rơi vào tay kẻ địch. Giờ đây bánh xe đã xoay chiều. Tôi biết chính xác mình cần phải làm gì".

Tuy nhiên, Model chưa biết điều này. Chưa bao giờ Student cảm thấy tuyệt vọng đến thế. Vì hệ thống liên lạc của ông ta đã bị gián đoạn, có lẽ phải đến gần 10 giờ viên tư lệnh mới đưa được bí mật của chiến dịch Market Garden tới tay Model. Điều bí mật đó là cây cầu tại Arnhem có vai trò quan trọng sống còn. Những tài liệu tịch thu được chỉ rõ rằng đó là đầu cầu để Montgomery tiến vào Ruhr.

Đó là kiểu giao chiến mà Model thích nhất: một trận đánh đòi hỏi sự linh hoạt, táo bạo, và trên hết, tốc độ. Từ sở chỉ huy của Bittrich, Model gọi điện cho tư lệnh mặt trận phía Tây, Von Runstedt. Với phong cách ngắn gọn đến cộc lốc của mình, viên thống chế mô tả tình hình và yêu cầu lập tức được tăng viện. "Cách duy nhất để đánh bại một cuộc tấn công đổ bộ đường không là phản kích ngay trong 24 giờ đầu tiên", ông ta nói với Von Runstedt. Model yêu cầu lực lượng phòng không, pháo tự hành, xe tăng và bộ binh; và ông ta muốn lực lượng tăng viện được chuyển tới Arnhem lúc trời tối. Von Runstedt trả lời rằng tất cả lực lượng tăng viện có thể thu xếp được sẽ lập tức lên đường. Quay sang Bittrich, Model nói đắc thắng, "Giờ thì chúng ta sẽ có tăng viện!" Model quyết định sẽ chỉ huy từ Doetinchem; nhưng, cho dù bề ngoài ông ta đã hồi phục được cú sốc sau khi phải vội vàng bỏ chạy khỏi Oosterbeek, lần này viên thống chế quyết định không mạo hiểm với nguy cơ bị đánh úp bất thình lình. Ông ta từ chối sử dụng tòa lâu đài tiện nghi; ông sẽ chỉ huy trận đánh từ ngôi nhà của người làm vườn.

Sự nhìn xa trông rộng kịp thời của Bittrich lúc này bắt đầu phát huy tác dụng. Các đơn vị thuộc sư đoàn Hohenstaufen của Harzer đang nhanh chóng hướng tới các khu chiến sự. Sư đoàn Frunsberg của Harmel - Harmel dự kiến sẽ quay từ Đức về trong đêm - cũng đã lên đường. Bittrich đã lệnh cho Harzer thiết lập sở chỉ huy tại một trường trung học nằm ở ngoại vi phía bắc Arnhem nhìn xuống thành phố, và việc di chuyển đang được tiến hành. Nhưng Harzer đang sôi lên vì sốt ruột.

Những chiếc xe bọc thép dự kiến sẽ lên đường quay về Đức vào đầu buổi chiều hôm đó vẫn đang được lắp lại xích và súng. Harzer đã ra lệnh điều động các đơn vị gần khu đổ bộ của người Anh nhất tiến ra chốt chặn tại các vị trí ở phía tây Arnhem. Vào lúc này, ông ta cũng chỉ có rất ít xe bọc thép, một số pháo tự hành cùng vài xe tăng cùng bộ binh. Tuy thế, Harzer hy vọng bằng cách cơ động liên tục ông ta có thể chặn bước và làm quân Anh bị lúng túng cho tới khi phần còn lại của sư đoàn sẵn sàng tham chiến.

Cũng thật lạ lùng là Harzer thậm chí không hề biết tiểu đoàn huấn luyện lính tùng thiết SS của thiếu tá Sepp Krafft đang có mặt trong vùng và hiện là đơn vị duy nhất có mặt trên đường tiến của lực lượng đổ bộ Anh. Harzer tập trung lực lượng của mình trên hai đường xa lộ chạy vào Arnhem: đường Ede - Arnhem và đường Utrecht - Arnhem. Đoan chắc rằng lực lượng dù sẽ phải dùng những trục đường chính này, viên sư trưởng đã bố trí lực lượng của mình thành một hình bán nguyệt bao lấy hai xa lộ. Có thể do thiếu lực lượng hay không để ý đến, Harzer đã không bố trí lực lượng nào chốt chặn một con đường phụ vắng vẻ chạy song song với bờ bắc sông Rhine. Đây là con đường duy nhất không được bảo vệ mà người Anh có thể sử dụng để tiếp cận cầu Arnhem.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #106 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 08:15:04 pm »

Trong bộ binh phục ngụy trang và những chiếc mũ sắt đặc trưng, vai trĩu nặng vũ khí đạn dược, binh lính lữ đoàn nhảy dù số 1 của thượng tá Lathbury đang trên đường tới Arnhem. Xen giữa các toán lính hành quân bộ là những chiếc xe jeep kéo pháo nhẹ và những chiếc xe tải bốn bánh chở vũ khí và hậu cần. Trong lúc tướng Roy Urquhart nhìn họ đi qua trước mặt, ông chợt nhớ tới lời bình luận mà tướng Horrock nói với ông vài tháng trước. "Lính của anh đúng là sát thủ", Horrock đã bình luận đầy thán phục. Lúc đó, Urquhart đã nghĩ lời nhận xét có lẽ hơi quá. Nhưng vào ngày chủ nhật này ông không còn chắc vậy nữa. Khi lữ đoàn 1 tiến qua trước mặt, Urquhart thực sự cảm thấy tự hào.

Kế hoạch dự kiến dùng 3 tiểu đoàn của Lathbury để đánh chiếm Arnhem, mỗi tiểu đoàn vận động theo một hướng khác nhau. Tiểu đoàn 2 của trung tá John Frost được giao mục tiêu chính: tiến theo một con đường nhánh chạy gần bờ bắc sông Rhine, họ có nhiệm vụ chiếm cây cầu chính bắc trên xa lộ. Trên đường, họ còn phải khống chế cây cầu đường sắt cũng như các cầu phao nằm phía tây cây cầu chính. Tiểu đoàn 3, do trung tá J.A.C.Fitch chỉ huy, sẽ tiến theo đường Utrecht - Arnhem và tiếp cận cầu từ hướng bắc, hỗ trợ cho Frost. Một khi 2 tiểu đoàn này đã hoàn thành nhiệm vụ, tiểu đoàn 1 của trung tá D.Dobie có nhiệm vụ tiến theo xa lộ Ede - Arnhem - con đường nằm xa nhất về phía bắc - và chiếm cao điểm phía bắc thành phố. Lathbury đặt cho mỗi mũi một biệt danh. Dobie, ở xa nhất về phía bắc, được gọi là "Báo"; Fitch, ở giữa, là "Hổ"; và Frost, mũi quan trọng nhất, là "Sư tử". Tiến trước cả lữ đoàn, những chiếc jeep của đơn vị trinh sát do thiếu tá Freddie Gough chỉ huy dự định sẽ tiếp cận cầu, đánh chiếm nó một cách chớp nhoáng và giữ vững tới khi Frost đến nơi.

Cho tới lúc này, Urquhart nhận định, giai đoạn đầu đã diễn ra suôn sẻ. Ông không quá lo lắng về việc liên lạc trong sư đòan bị gián đoạn vào thời điểm hiện tại. Ông đã có kinh nghiệm về gián đoạn liên lạc hoàn toàn nhiều lần trong các chiến dịch ở Bắc Phi. Vì ông không thể liên lạc được với lữ đoàn đổ bộ số 1 của thượng tá Hicks, đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ các khu đổ quân và đáp tàu lượn trong hai ngày tiếp theo, Urquhart đi tới sở chỉ huy của Hicks. Tại đây ông được biết lữ đoàn đổ bộ đã vào vị trí và Hicks lúc này đang vắng mặt để chỉ huy việc triển khai các tiểu đoàn của mình. Tuy nhiên, tại sở chỉ huy của Hicks, Urquhart được biết một phần quan trọng của kế hoạch chiếm cây cầu tại Arnhem đã bị trục trặc. Ông được thông báo - một cách sai lầm - rằng phần lớn xe trinh sát của thiếu tá Gogh đã bị hư hại trong các vụ rơi tàu lượn; không ai tại sở chỉ huy của Hicks biết Gough đi đâu. Không đợi Hicks quay về, Urquhart quay lại sở chỉ huy của mình. Ông cần tìm ra Gough càng nhanh càng tốt và vạch ra một kế hoạch thay thế, nhưng lúc này lo lắng lớn nhất của ông là báo tin cho Lathbury và nhất là Frost biết tiểu đòan 2 sẽ phải trông cậy hoàn tòan vào chính mình. Frost sẽ phải chiếm cây cầu chính tại Arnhem mà không có sự trợ giúp của Gough như dự kiến.

Tại sở chỉ huy sư đoàn, lại có thêm tin xấu chờ đợi Urquhart. "Không những không có tin gì về Gough", Urquhart nhớ lại, "mà ngoại trừ một vài tín hiệu radio tầm ngắn, toàn bộ hệ thống liên lạc của sở chỉ huy đã trở thành vô dụng. Chúng tôi không thể liên lạc với lữ đoàn nhảy dù 1, và thực tế là với toàn bộ thế giới bên ngoài".

Đại tá Charles Mckenzie, tham mưu trưởng của Urquhart, quan sát viên tướng đi đi lại lại," bồn chồn lo lắng chờ tin". Urquhart lệnh cho sĩ quan thông tin của mình, thiếu tá Anthony Deane-Drummond, tìm nguyên nhân "của gián đoạn liên lạc, xem chuyện gì đã xảy ra với các thiết bị radio và sửa lại lập tức". Các liên lạc viên cũng được cử đi tìm Gough. Và thời gian cứ qua đi trong khi chẳng có tin gì mới, Urquhart, cực kỳ lo lắng, quyết định không đợi thêm nữa. Bình thường, ông sẽ chỉ huy trận đánh từ sở chỉ huy sư đoàn; nhưng lúc này, từng giây từng phút trôi qua không có liên lạc, ông bắt đầu cảm thấy có điều gì đó không bình thường với trận đánh này. Quay sang Mckenzie, ông nói, "tôi nghĩ tôi phải đi xem xét một lượt, Charles ạ." Mackenzie không ngăn cản ông. "Lúc ấy," Mckenzie nhớ lại, "vì chúng tôi không nhận được bất cứ tin tức nào, quyết định đó có vẻ không phải là không hợp lý". Chỉ mang theo lái xe và một hiệu thính viên trên chiếc jeep của mình, Urquhart đuổi theo đơn vị của Lathbury. Lúc đó là 4 giờ 30 chiều.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #107 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 08:15:33 pm »

Vận động theo tuyến đường phía bắc, tuyến "Báo" - xa lộ Ede-Arnhem - đơn vị trinh sát đổ bộ đường không của thiếu tá Freddie Gough đã hành động rất khẩn trương. Cho dù các xe dành cho phân đội A không tới nơi, Gough đã rời bãi đổ quân với phần còn lại của đơn vị lúc 3 giờ 30 chiều. Anh tin tưởng mình có đủ xe cho nhiệm vụ đánh chiếm chớp nhoáng cây cầu. "Trên thực tế," anh nhớ lại, "tôi đã để lại bãi đổ quân vài chiếc jeep dự bị. Chúng tôi có thừa đủ xe để tiến tới Arnhem".

Gough thậm chí còn tách 12 người của đơn vị mình phái xuống phía nam liên lạc với tiểu đoàn 2, đang hành tiến theo tuyến "Sư tử" để tiếp cận cầu. Viên thiếu tá không hề biết rằng việc mất những chiếc xe dành cho phân đội A đã gây ra những tin thất thiệt và thông tin lầm lẫn. Nhiều báo cáo về trận Arnhem còn nói rằng đơn vị của Gough không tác chiến được do những chiếc xe chở bằng tàu lượn cho đơn vị của ông đã không tới nơi. "Thất bại, nếu muốn gọi như vậy", Gough nói, "không phải do thiếu xe jeep, mà vì không ai cảnh báo chúng tôi về sự có mặt trong vùng của các sư đoàn Panzer SS 9 và 10".

Ngay từ đầu, Gough đã có nhiều e ngại về vai trò đơn vị của anh phải đảm nhiệm trong kế hoạch tấn công Arnhem. Thay vì thử một cú may rủi, Gough đã đề nghị cử một phân đội xe jeep trinh sát đi trước đội hình của từng tiểu đoàn trong số 3 tiểu đoàn tấn công. "Như thế," anh nói, " chúng tôi có thể nhanh chóng phát hiện ra con đường tốt nhất, dễ nhất để tiếp cận cây cầu". Không được chấp nhân, anh lại yêu cầu tăng cường một đơn vị tăng hạng nhẹ vận chuyển bằng tàu lượn cho cuộc tấn công chớp nhoáng. Cả đề nghị này cũng bị bác bỏ. Thế nhưng Gough vẫn lạc quan. "Tôi không hề lo lắng. Theo dự kiến ở đó chỉ có vài tay lính lão đầu bạc của bọn Đức ở Arnhem cũng vài chiếc xe tăng kiểu cũ và dăm khẩu pháo. Tôi trông đợi một trận đánh nhanh gọn".

Lúc này, trong khi họ đang lao nhanh theo tuyến đường "Báo", những chiếc jeep dẫn đầu đội hình bị rơi vào ổ phục kích của xe bọc thép Đức và pháo 20 mm. Chỉ huy phó của Gough, đại úy David Allsop, tình cờ đã ghi lại thời điểm. Đó là lúc đúng 4 giờ chiều. Gough lái xe lên đầu đội hình xem xét. "Đúng lúc tôi định đi lên, tôi nhận được tin nói rằng Urquhart muốn gặp tôi ngay. Tôi chẳng biết nên làm gì nữa," Gough nói. "Tôi nằm dưới quyền Lathbury, và tôi nghĩ ít ra tôi cũng phải cho ông ấy biết tôi đang đi đâu, nhưng tôi không biết ông ấy đang ở chỗ nào. Đơn vị của tôi lúc đó rơi vào lưới hỏa lực dữ dội của địch và bị chững lại, phải bố trí phòng ngự gần tuyến đường sát ở ngoại vi Wolfheze. Tôi nghĩ họ sẽ giữ vững được một thời gian, vì thế tôi vòng lại hướng về sở chỉ huy sư đoàn tại khu đổ quân. Lúc đó là 4 giờ 30 chiều".

Vào đúng lúc tướng Urquhart lên đường đi tìm Lathbury thì Gough lại đang hối hả quay về gặp Urquhart.

Trên cả ba tuyến hành quân, binh lính lữ đoàn nhảy dù số 1 đều được người Hà Lan nồng nhiệt đón chào. Nhiều dân thường từ các trang trại đã đi theo những người lính dù suốt từ khi họ rời khu đổ bộ, và khi đám đông lớn dần, cuộc chào đón xem ra đã làm cuộc hành quân chững lại. Đại úy Eric Mackay, đi theo tuyến "Sư tử" nằm xa nhất về phía nam cùng tiểu đoàn 2 của trung tá Frost, đã cảm thấy bất an trước không khí hội hè này. "Những người Hà Lan đã giữ chân chúng tôi lại," anh kể. "Vẫy tay, vỗ tay hoan hô, họ đưa chúng tôi táo, lê, hay một thứ đồ uống gì đó. Nhưng họ làm ảnh hưởng đến tốc độ hành quân của chúng tôi và làm tôi e rằng họ làm chúng tôi không tới được vị trí của mình". Trung úy Robin Vlasto nhớ rằng " phần đầu của cuộc hành quân chẳng khác gì một cuộc diễu binh khải hoàn, và những người dân phát điên vì vui sướng. Tất cả thật không thể tin được, đến nỗi chúng tôi gần như tưởng rằng xe tăng của quân đoàn 30 của Horrock sẽ tiến ra khỏi Arnhem để đón chào chúng tôi. Những người dân đứng xếp hàng hai bên đướng, mang theo những khay lớn bia, sữa, quả đến mời chúng tôi. Chúng tôi phải khó khăn lắm mới nhắc nhở mọi người nhớ tới khả năng quân Đức tấn công".
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #108 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 08:15:44 pm »

Cô gái trẻ Anje van Maanen, con gái một bác sĩ ở Oosterbeek, nhớ lại đã nhận được một cú điện thoại đầy phấn khích từ gia đình Tromp ở Heelsum, nằm ngay phía nam khu đổ quân của người Anh tại khu rừng Renkum. "Chúng ta tự do rồi. Tự do!" Gia đình Tromp nói với cô. "Đám Tommy đã đáp xuống sau nhà chúng tôi và họ đang tiến tới Oosterbeek. Trông họ dễ thương lắm! Chúng tôi đang hút thuốc và ăn chocolate". Anje gác máy," phát điên lên vì vui mừng. Tất cả chúng tôi đều nhảy múa vòng quanh nhà. Thế là đến rồi! Cuộc tấn công! Tuyệt quá!" Cô gái 17 tuổi Anje nóng lòng đợi bố quay về nhà. Bác sĩ Van Maanen đang đỡ đẻ ở nhà hàng xóm, và Anje nghĩ điều đó "thật phiền toái, nhất là lúc này, vì chồng của người mẹ lại là một tên Nazi Hà Lan". Bà Ida Clous, vợ một nha sĩ ở Oosterbeek và là một người bạn của gia đình Van Maanen, cũng nghe tin lực lượng đổ bộ đường không đang tiến công. Bà vội vàng lục tung tất cả đám hộp giỏ đồ khâu để nhặt nhạnh tất cả những gì màu da cam. Khi người Anh tiến vào Oosterbeek, bà định sẽ cùng ba đứa con nhỏ chạy ra chào đón những người giải phóng với những lá cờ màu da cam tự tạo.

Jan Voskuil, đang lẩn trốn tại nhà bố mẹ vợ tại Oosterbeek, chần chừ giữa mong muốn chạy tới đường đi Utrecht để chào đón những người lính dù và sự cần thiết phải ngăn bố vợ không đi cùng mình. Ông lão rất hăng hái. "Tôi đã 78 tuổi rồi và chưa bao giờ nhìn thấy chiến tranh cả. Giờ tôi muốn thấy nó". Cuối cùng ông cụ cũng được thuyết phục ở lại trong vườn và Voskuil, gia nhập dòng người đi đón quân Anh, đã bị một người cảnh sát ngăn lại ở ngoại ô Oosterbeek. "Như thế này quá nguy hiểm", viên cảnh sát nói với đám đông. "Quay lại đi". Voskuil chậm chạp quay về nhà. Tại đó anh bắt gặp đúng tay lính Đức đã xin trú nhờ lúc cuộc oanh tạc xảy ra hồi sáng. Lúc này anh ta đã mặc binh phục chỉnh tề, khoác áo ngụy trang, đội mũ sắt, cầm súng trường. Hắn mời Voskuil chocolate và thuốc lá. "Tôi đi đây", anh ta nói. "Đám Tommy sắp đến". Voskuil mỉm cười. "Giờ anh sẽ quay trở về Đức," anh nói. Tay lính nhìn Voskuil vài giây. Rồi chậm rãi lắc đầu; "Không đâu thưa ngài," anh ta nói với Voskuil. "Chúng tôi sẽ chiến đấu". Người Hà Lan nhìn theo tay lính Đức đang quay đi. "Giờ thì nó sắp bắt đầu," Voskuil nghĩ, "nhưng mình có thể làm gì?" Anh bồn chồn đi đi lại lại trong vườn. Chẳng thể làm gì ngoài chờ đợi.

Không bị cản trở sự ngăn cản của cảnh sát và những lời cảnh báo nên ở lại trong nhà, những người nông dân Hà Lan và gia đình họ đứng suốt dọc mỗi con đường tiến quân. Thượng sĩ nhất Harry Callaghan, hành quân theo tuyến "Hổ" ở giữa, nhớ lại có một người phụ nữ nông dân đã lách qua đám đông chạy tới chỗ anh với một bình sữa. Anh cảm ơn bà và người phụ nữ mỉm cười đáp lại, "Tốt, Tommy, tốt". Nhưng cũng giống như Eric Mackay, Callaghan, một cựu binh từ thời Dunkirk, không khỏi khó chịu trước số lượng dân thường vây quanh những người lính. "Họ chạy bên cạnh chúng tôi đeo băng tay,tạp dề, những dải ruy băng nhỏ, tất cả đều màu da cam," anh nhớ lại. "Những đứa trẻ, với những mảnh vải màu cam dính vào váy hay áo, chạy theo nô đùa vui vẻ. Phần lớn đến sát bên những người lính mời họ chocolate. Thật khác xa so với tình huống trong tập luyện. Tôi bắt đầu lo lắng nghĩ tới những tay bắn tỉa".

Đúng như Callaghan e ngại, cuộc diễu hành khải hoàn đột ngột kết thúc. "Mọi việc diễn ra thật nhanh," anh kể lại. "Một giây trước chúng tôi còn đều bước tiến về phía Arnhem; chỉ một giây sau, tất cả chúng tôi đều tản ra nhào xuống nấp dưới các hào rãnh. Bọn xạ thủ bắn tỉa đã nổ súng, và ba người lính dù hy sinh nằm lại trên đường". Viên thượng sĩ kỳ cựu không để mất thời gian. Anh đã nhìn thấy ánh chớp lửa từ bụi cây phía trước cách họ chừng 50 yard. Trong lúc những người dân Hà Lan tản đi, Callaghan dẫn một toán 12 người tiến lên. Anh dừng lại gần một cái cây và nhìn lên. Có cái gì đó lóe sáng. Chĩa khẩu Sten của mình lên, anh bắn thẳng lên cây. Một khẩu súng tự động Schmeisser rơi cạch xuống đất, và khi Callaghan nhìn lên cây, anh thấy một tên Đức treo lủng lẳng ở đầu một sợi dây thừng.

Cũng lúc đó, những đơn vị khác thuộc tiểu đoàn 3 của trung tá Fitch cũng có một cuộc chạm trán bất ngờ. Binh nhất Frederick Benneth vừa đưa vài quả táo cho đồng đội thì một chiếc xe nhỏ của Đức lao xuống dọc theo con đường. Benneth nổ súng với khẩu Sten của mình. Chiếc xe dừng lại cố quay đầu nhưng đã quá muộn. Tất cả những người gần Benneth đều nổ súng và chiếc xe chững lại, thủng lỗ chỗ vì đạn. Khi những người lính thận trọng tới gần, họ thấy tên lái xe nằm vắt nửa người ra ngoài. Xác của một sĩ quan cao cấp Đức cũng nằm đổ vật ra qua một khung cửa khác. Với Benneth " trông tay này có vẻ là một sĩ quan Đức cao cấp", mà đúng là vậy. Thiếu tướng Kussin, tư lệnh thành phố Arnhem, đã bỏ qua lời cảnh báo của thiếu tá SS Sepp Krafft rằng cần tránh con đường xa lộ Utrecht - Arnhem.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #109 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 08:16:03 pm »

Nhiều người nhớ họ bắt đầu vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân Đức sau một giờ hành quân - vào lúc 4 giờ 30. Hai trong 3 tiểu đoàn - tiểu đoàn của Dobie theo con đường phía bắc, và tiểu đoàn của Fitch theo con đường giữa - bất ngờ vấp phải những đợt phản kích bất chợt rồi tháo lui rất quyết liệt của quân địch. Đơn vị trinh sát của thiếu tá Gough, lúc này do đại úy Allsop chỉ huy, cố hết sức tìm cách đánh tạt sườn quân Đức để mở đường tới tiểu đoàn 1 của Dobie. Nhưng, theo lời kể của Allsop, "cho dù theo hướng nào chúng tôi cũng chạm phải quân địch trước mặt". Người lính trinh sát William Chandler nhớ rằng khi phân đội C của anh thăm dò thực địa, "đạn quân Đức bắn ra gần và dày đến mức có thể cảm thấy được khi chúng bay qua bên cạnh".

Khi tiến tới gần Wolfheze, cả tiểu đoàn gần như bị chặn đứng. "Chúng tôi chững lại," binh nhì Walter Boldock nhớ lại. "Sau đó chúng tôi lại tiến lên. Rồi lại bị chặn lại và phải đào công sự. Sau đó chúng tôi lại vận động theo hướng khác. Quá trình tiến lên của chúng tôi phụ thuộc vào sự thành công của đại đội dẫn đầu. SUốt dọc
Đạn cối và súng bộ binh bắn vào chúng tôi liên tục". Bên một bụi cây, Boldock thấy một thượng sĩ mà anh quen bị thương nặng. Tiến thêm một chút, anh trông thấy thi thể cháy xém của một trung úy. Người này đã bị trúng một quả bom phospho. Với một người lính khác, binh nhì Roy Edward, "như thể chúng tôi chạy vòng quanh khắp vùng đồng quê và mắc vào một trận vận động chiến suốt cả buổi chiều".

Những người lính dù chững lại trước cuộc phản kích dữ dội không hề được lường trước của quân địch. Binh nhì Andrew Milbourne, đi theo tuyến đường phía bắc, nghe thấy tiếng súng vọng lại từ phía nam và trong chốc lát đã lấy làm mừng rằng tiểu đoàn 1 đã được giao nhiệm vụ đánh chiếm cao điểm phía bắc Arnhem. Thế rồi, ở gần Wolfheze, Milbourne nhận thấy đội hình hành quân ngoặt xuống phía nam rời khỏi đường chính. Anh này trông thấy nhà ga xe lửa, và ngay cạnh đó, một chiếc xe tăng. Phản ứng đầu tiên của anh là cảm giác khoái trá. "Chúa ơi!" anh nghĩ,"Monty có lý. Đạo quân số 2 đã tới đây rồi!" Thế rôi, khi chiếc tháp pháo chầm chậm quay, Milbourne nhìn thấy hình chữ thập đen trên chiếc xe tăng. Bất thần, anh binh nhì dường như thấy quân Đức khắp nơi. Anh nhào vội xuống một khe rãnh và, vừa thận trọng nhô đầu lên, vừa tìm một vị trí thuận lợi để đặt khẩu súng máy Vicker của mình.

Thượng sĩ Reginald Isherwood cũng nhìn thấy chiếc tăng này. Một chiếc jeep kéo theo một khẩu pháo hạng nhẹ tiến lên và bắt đầu quay vòng để đón bắn chiếc tăng. "Một pháo thủ kêu lớn," Chúng ta cần bắn trước chúng. Nếu không thì chúng ta toi mất," Isherwood nhớ lại. "Khẩu súng được quay lại nhanh như chớp, nhưng khi khẩu đội trưởng của quân ta hô "Bắn!" tôi nghe thấy tên chỉ huy Đức cũng làm vậy. Bọn Jerry có vẻ đã nhanh hơn chúng tôi 1/10 giây". Chiếc tăng đã bắn trúng mục tiêu. Chiếc jeep nổ tung và toàn khẩu đội hy sinh.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM